Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 1175/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang Người ký: Mai Sơn
Ngày ban hành: 25/10/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1175/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 25 tháng 10 năm 2023

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “ĐỀ ÁN BẢO TỒN, PHÁT HUY TIẾNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14/6/2029;

Căn cứ Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên;

Căn cứ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;

Căn cứ Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;

Căn cứ Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông; Thông tư số 33/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc thẩm định tài liệu giáo dục địa phương; Thông tư số 32/2021/TT- BGDĐT ngày 22/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ;

Theo đề nghị của Trưởng Ban Dân tộc tại Tờ trình số 28/TTr-BDT ngày 16/10/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này “Đề án bảo tồn, phát huy tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”.

(Có Đề án chi tiết kèm theo)

Điều 2. Giám đốc sở, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- LĐVP UBND tỉnh; các phòng, đơn vị;
- Lưu: VT, KGVX.
Cường.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Sơn

ĐỀ ÁN

BẢO TỒN, PHÁT HUY TIẾNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
(Kèm theo Quyết định số 1175/QĐ-UBND ngày 25 tháng 10 năm 2023 của UBND tỉnh Bắc Giang)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Cơ sở pháp lý

- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đã khẳng định: “…Bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc. Đi đôi với việc sử dụng tiếng nói, chữ viết phổ thông, khuyến khích thế hệ trẻ thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số học tập, hiểu biết và sử dụng thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình…”.

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 quy định, Nhà nước bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam thông qua các biện pháp sau đây: “... dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số cho học sinh người dân tộc thiểu số theo quy định của Luật Giáo dục”.

- Khoản 2, Điều 11 Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 năm 2019, khẳng định: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình theo quy định của Chính phủ”.

- Khoản 2, khoản 3, Điều 14 Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên; trong đó, quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh: “Quản lý, chỉ đạo việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số ở địa phương. Hằng năm, bố trí, đảm bảo các điều kiện về nguồn lực, tài chính phục vụ cho việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số theo đúng quy định hiện hành về phân cấp ngân sách nhà nước”.

- Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc quy định nguyên tắc cơ bản của công tác dân tộc là: “Đảm bảo việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc”.

- Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

- Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông; Thông tư số 33/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc thẩm định tài liệu giáo dục địa phương; Thông tư số 32/2021/TT-BGDĐT ngày 22/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

2. Cơ sở thực tiễn

Bắc Giang là tỉnh miền núi có diện tích tự nhiên 3.895,48 km2, dân số toàn tỉnh hiện nay trên 2 triệu người, trong đó dân số người DTTS chiếm trên 14% dân số toàn tỉnh, với khoảng 260.000 người. Các huyện có đông người DTTS sinh sống thành cộng đồng, gồm: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang. Có 45 thành phần DTTS, trong đó có 06 DTTS bản địa có dân số đông, sinh sống thành cộng đồng, gồm: Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay (bao gồm Cao Lan và Sán Chí), Dao chiếm 97,78%; còn lại 39 thành phần DTTS khác chiếm 2,22% dân số người DTTS.

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, toàn tỉnh có 73 xã thuộc vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025, trong đó: huyện Sơn Động 17 xã, Lục Ngạn 27 xã, Lục Nam 12 xã, Yên Thế 14 xã, Lạng Giang 03 xã. Toàn tỉnh có 36 xã, thị trấn thuộc khu vực I; 09 xã, thị trấn thuộc khu vực II; 28 xã, thị trấn thuộc khu vực III (xã đặc biệt khó khăn), với tổng số 244 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK), trong đó: 178 thôn thuộc các xã khu vực III, 66 thôn thuộc các xã khu vực I và II.

Những năm vừa qua Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN; tạo nên những thành tựu quan trọng trên nhiều mặt đời sống xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh… Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp như: Ngôn ngữ, lễ hội, kiến trúc, phong tục tập quán, tín ngưỡng… đặc biệt là ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết) của 06 thành phần DTTS bản địa có dân số đông, sinh sống thành cộng đồng trên địa bàn tỉnh, gồm: Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay (bao gồm Cao Lan và Sán Chí), Dao đang dần bị mai một theo thời gian.

Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội các DTTS tỉnh Bắc Giang năm 2019 cho thấy; toàn tỉnh chỉ còn 1,0 % số người DTTS nói được tiếng của dân tộc mình (tiếng mẹ đẻ); trong đó: Dân tộc Sán Chay (Cao Lan, Sán Chí) 4,16%; Dao 1,45%; Hoa 1,34%; Tày 1,29%; Nùng 0,93%; Sán Dìu 0,45%. Các dân tộc này đều có bản sắc văn hóa và tiếng nói riêng (không có chữ viết riêng); việc hình thành, lưu truyền bản sắc văn hóa của họ từ ngàn xưa tới nay đều thông qua tiếng nói và bằng phương pháp truyền khẩu (truyền miệng). Nhưng đáng lo ngại nhất là số người DTTS không còn nói được "tiếng mẹ đẻ" của mình (không biết và nói được tiếng của dân tộc mình) chủ yếu ở lứa tuổi thanh thiếu niên, thế hệ có trách nhiệm kế tục gìn giữ và lưu truyền bản sắc văn hóa của dân tộc mình cho đời sau.

3. Cơ sở lý luận

Ngôn ngữ (bao gồm: tiếng nói, chữ viết) là một trong những thành tố quan trọng nhất của văn hóa; ngôn ngữ là công cụ, phương tiện để truyền tải văn hóa, các loại hình văn hóa nghệ thuật, những giá trị, những nét đặc thù văn hóa được thể hiện, lưu truyền cho đời sau thông qua ngôn ngữ và bằng ngôn ngữ.

Do vậy, từ những cơ sở pháp lý, thực tiễn và lý luận nêu trên, việc xây dựng Đề án "Bảo tồn, phát huy tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang" là rất cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ ÁN

1. Đối tượng nghiên cứu

Bảo tồn, phát huy tiếng DTTS (ngôn ngữ-tiếng nói) của 06 thành phần DTTS chiếm số đông, sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là: Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay (Cao Lan, Sán Chí) và Dao.

2. Phạm vi nghiên cứu

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, trọng tâm là 73 xã vùng đồng bào DTTS&MN tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang.

3. Phương pháp nghiên cứu

Điều tra, khảo sát thực trạng (thông tin sơ cấp) tình hình sử dụng tiếng DTTS và nhu cầu học tiếng DTTS; kết hợp sử dụng thông tin từ các báo cáo, bài viết, đề tài nghiên cứu, kết quả điều tra... đã được công bố (thông tin thứ cấp) và các thông tin khác liên quan đến các nội dung của Đề án; cập nhật các văn bản mới của Trung ương, của tỉnh Bắc Giang về công tác dân tộc, làm cơ sở xây dựng Đề án.

Phần II

NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC BẢO TỒN TIẾNG DTTS HIỆN NAY

1. Một số hoạt động bảo tồn tiếng DTTS hiện nay

1.1. Chính sách của Nhà nước về bảo tồn ngôn ngữ tiếng DTTS

Luật Giáo dục, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên; Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên...

Theo đó, Thông tư quy định quy trình đưa tiếng DTTS vào dạy học, quy định về trình tự thủ tục cụ thể trước khi UBND tỉnh quyết định về việc dạy học tiếng DTTS trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn(1).

Nội dung, phương pháp và kế hoạch dạy học tiếng DTTS được quy định trong từng chương trình tiếng DTTS hiện hành do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Về hình thức tổ chức dạy học: Môn Tiếng DTTS được thực hiện theo chương trình của từng cấp học, sử dụng thời lượng tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành để tổ chức dạy học trong các cơ sở giáo dục. Ngoài ra việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng DTTS đúng chuyên ngành sư phạm về tiếng DTTS tại các cơ sở giáo dục đại học; chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy DTTS do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành...

Chế độ chính sách đối với người học: Người học là người DTTS học tiếng DTTS tại các cơ sở giáo dục được nhà nước đảm bảo sách giáo khoa, tài liệu tham khảo phục vụ việc học tiếng DTTS.

Tuy nhiên, các nội dung chính sách nêu trên chưa được triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Giang do chưa có giáo trình dạy tiếng dân tộc trong nhà trường; không có giáo viên dạy tiếng dân tộc đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

1.2. Một số hoạt động bảo tồn tiếng DTTS trong cộng đồng hiện nay

Trước thực trạng mai một ngôn ngữ tiếng DTTS như hiện nay; trong đồng bào DTTS đã xuất hiện một số mô hình bảo tồn tiếng dân tộc thông qua việc mở các lớp học tiếng dân tộc như sau:

- Mô hình truyền dạy tiếng Sán Chay (Sán Chí, Cao Lan) của ông Đàm Xuân Tình, người có uy tín (NCUT) trong đồng bào DTTS thôn Đồng Bây xã An Lạc, huyện Sơn Động; từ năm 2022 tới nay đã tổ chức được 02 lớp học (01 lớp tiếng Cao Lan, 01 lớp tiếng Sán Chí), mỗi lớp huy động được khoảng 20 con, em người dân tộc trong thôn.

- Mô hình truyền dạy tiếng Dao của ông Bàn Văn Cường, NCUT thôn Thanh Chung, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động. Từ năm 2008 đến nay, ông Cường đã tổ chức được 10 lớp học tiếng Dao trên địa bàn các xã Tuấn Mậu, thị trấn Thanh Sơn trước đây, nay là thị trấn Tây Yên Tử.

- Hội bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh Bắc Giang phát động phong trào truyền dạy tiếng dân tộc Sán Dìu; hè năm 2023 đã tổ chức khai giảng được 02 lớp truyền dạy tiếng Sán Dìu với 136 học viên tại xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn.

- Mô hình truyền dạy tiếng Tày của cô giáo Dương Thị Bền, giáo viên Trường Trung học cơ sở xã Vân Sơn, huyện Sơn Động; năm 2023 tổ chức được 01 lớp học tiếng Tày với 20 học sinh trong Trường.

- Toàn tỉnh hiện có 49(2) Câu lạc bộ bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS; qua hoạt động bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ cũng góp phần bảo tồn tiếng dân tộc.

2. Những tồn tại, hạn chế

- Chính sách về việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên chưa triển khai thực hiện được trên địa bàn tỉnh do chưa có giáo trình dạy tiếng dân tộc trong nhà trường(3); không có giáo viên dạy tiếng dân tộc đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Các mô hình truyền dạy tiếng DTTS; câu lạc bộ bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS nêu trên chủ yếu là hoạt động tự phát của một số cá nhân có tâm huyết, muốn lưu giữ, bảo tồn văn hóa của dân tộc mình cho thế hệ mai sau; các câu lạc bộ dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống mới chỉ quan tâm tới việc bảo tồn các làn điệu dân ca tiêu biểu của từng dân tộc, chưa quan tâm tới việc bảo tồn ngôn ngữ các DTTS.

- Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp với thực tiễn cho việc bảo tồn, phát huy tiếng DTTS. Vì vậy, một số hoạt động bảo tồn ngôn ngữ tiếng dân tộc còn có những khó khăn, hạn chế như:

+ Các lớp học tiếng dân tộc không duy trì được sỹ số lớp học tới cuối khóa học; có nhiều lớp ban đầu có trên 30 học viên, sau một thời gian bỏ học dần, chỉ còn 5 - 7 người học.

+ Không có một bộ tài liệu truyền dạy chung, được cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm tài liệu truyền dạy trong trường học và cộng đồng. Tài liệu truyền dạy mỗi nơi một khác nhau, do tự biên soạn, còn đơn điệu về nội dung, thiếu tính tuyên truyền, không hấp dẫn người học...

+ Ngôn ngữ các DTTS hầu như không được sử dụng thường xuyên trong gia đình, cộng đồng và xã hội; chỉ còn những lớp người trên 60 tuổi sử dụng tiếng dân tộc trong giao tiếp với bạn đời và bạn cùng trang lứa trong cộng đồng; nhưng khi giao tiếp với các thế hệ con, cháu lại chỉ sử dụng tiếng Kinh. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển, hội nhập kinh tế, văn hóa... nên đã dẫn đến việc đồng hóa rất nhanh, nhất là thế hệ trẻ - dưới 60 tuổi (ở nhà ông, bà, bố, mẹ không nói tiếng dân tộc; trong cộng đồng không nói tiếng dân tộc; các thế hệ thanh, thiếu niên không nói tiếng dân tộc; thậm chí trong một số thời điểm lịch sử việc mặc trang phục và nói tiếng dân tộc bị kỳ thị, bị coi là lạc hậu, không văn minh, hiện đại...). Đây vừa là nguyên nhân, cũng vừa là kết quả của thực trạng ngày càng mai một và suy giảm nhanh chóng số người nói được "tiếng mẹ đẻ" của mình trong đồng bào DTTS(4).

- Cấp ủy, chính quyền chưa có sự quan tâm đúng mức tới công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các DTTS trên địa bàn(5).

3. Nguyên nhân

- Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành giáo trình dạy tiếng dân tộc đối với các DTTS chiếm số đông trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; tỉnh Bắc Giang chưa có đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc đạt “chuẩn” theo quy định nên chưa triển khai được chương trình dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

- Đa số cấp ủy, chính quyền cơ sở, người DTTS chưa nhận thức nhận thức rõ về vị trí, tầm quan trọng của việc bảo tồn “tiếng mẹ đẻ” của dân tộc mình để lưu giữ, truyền dạy cho thế hệ mai sau nên chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp gìn giữ, bảo tồn tiếng dân tộc; không truyền dạy trong gia đình và động viên con em theo học; không sử dụng tiếng dân tộc trong giao tiếp hàng ngày trong gia đình và cộng đồng nên thiếu môi trường sử dụng, gìn giữ, bảo tồn tiếng DTTS.

- Chưa có cơ chế, chính sách cụ thể của tỉnh để huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào việc bảo tồn tiếng DTTS để hỗ trợ, khuyến khích những cá nhân có tâm huyết trong hoạt động gìn giữ, bảo tồn ngôn ngữ DTTS.

- Những người truyền dạy tiếng DTTS, tuổi đã cao, thiếu kỹ năng sư phạm trong truyền dạy tiếng dân tộc nên hiệu quả tổ chức các lớp học nêu trên còn hạn chế.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Quan điểm

- Việc “Bảo tồn, phát huy tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” phải là việc làm thường xuyên, liên tục, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, không nóng vội; có “điểm khởi đầu”, không có “điểm kết thúc”; có lộ trình thực hiện các nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với nhu cầu, khả năng bố trí ngân sách, huy động nguồn lực và tình hình thực tiễn tại địa phương, cơ sở.

- Kế thừa những công trình hạ tầng cơ sở đã có như: Các nhà văn hóa thôn/bản; cơ sở vật chất tại các trường tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT), phổ thông dân tộc nội trú, bán trú (PTDTNT, BT), (sau đây gọi chung là các trường học vùng đồng bào DTTS&MN) làm địa điểm tổ chức các lớp học tiếng dân tộc.

- Bảo tồn, phát huy tiếng DTTS phải do người DTTS thực hiện; vì vậy, cần phát huy đội ngũ công chức, viên chức là người DTTS (đang công tác hoặc đã nghỉ hưu), nghệ nhân, NCUT, người dân còn thông thạo tiếng dân tộc, có điều kiện, tâm huyết tham gia thực hiện các nội dung của Đề án.

- Phân công, phân cấp hợp lý trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và bố trí nguồn lực (Ngân sách Nhà nước: Ngân sách trung ương được bố trí từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, ngân sách tỉnh, huyện và nguồn huy động hợp pháp khác); khuyến khích các tổ chức, cá nhân tự nguyện tài trợ để bổ sung nguồn kinh phí trong tổ chức thực hiện Đề án.

2. Mục tiêu

- Từng bước tăng tỷ lệ người DTTS nói được tiếng dân tộc bình quân từ 2-3%/năm; phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ người DTTS nói được tiếng dân tộc đạt từ 15 - 20%.

- Từ năm học 2024 - 2025, đến hết năm học 2029 - 2030: 100% các trường học vùng đồng bào DTTS&MN tổ chức được lớp học tiếng dân tộc và duy trì thường xuyên việc dạy và học tiếng dân tộc. Đồng thời, triển khai thí điểm việc dạy và học tiếng dân tộc trong cộng đồng ở 73 xã vùng đồng bào DTTS&MN; mỗi xã chọn 01 thôn/bản để làm điểm và rút kinh nghiệm cho triển khai những năm sau. Từ năm 2026 đến năm 2030, hằng năm tổ chức lớp học tiếng dân tộc và duy trì thường xuyên việc dạy và học tiếng dân tộc trong cộng đồng; phấn đấu đến hết năm 2030: 100% số thôn/bản (539 thôn/bản) vùng đồng bào DTTS&MN tổ chức được các lớp học tiếng dân tộc và duy trì thường xuyên việc dạy và học tiếng dân tộc trong cộng đồng.

- Đến hết năm 2030 các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, mỗi huyện có từ 2-3 thôn/bản có đội văn nghệ biểu diễn bằng tiếng dân tộc phục vụ cho du khách tại các điểm du lịch cộng đồng.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CỦA ĐỀ ÁN

1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền cơ sở và người dân về sự cần thiết phải bảo tồn, phát huy ngôn ngữ các DTTS

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân các xã vùng đồng bào DTTS&MN về nhiệm vụ giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc nói chung, bảo tồn ngôn ngữ các DTTS nói riêng; trong đó bảo tồn, phát huy tiếng DTTS là vấn đề quan trọng, bức thiết và rất đáng báo động trong giai đoạn hiện nay; để mọi người hiểu rõ, chung tay giữ gìn, bảo tồn ngôn ngữ các DTTS theo các nội dung của Đề án. Thực hiện tốt phương châm: Bảo tồn ngôn ngữ các DTTS là trách nhiệm của người DTTS; “Nhà nước hỗ trợ, người dân chủ động thực hiện”; “Ngôn ngữ, tiếng nói, bản sắc văn hóa” của người DTTS còn thì còn người DTTS.

- Khuyến khích các lớp học tiếng dân tộc thực hiện lồng ghép buổi học với các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ hát dân ca; học tiếng dân tộc thông qua lời ca tiếng hát, tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn người học; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ nhằm từng bước hình thành các sản phẩm du lịch cộng đồng đặc trưng của địa phương, góp phần tạo môi trường gìn giữ, bảo tồn và phát huy ngôn ngữ các DTTS.

- Nghiên cứu bổ sung việc thực hiện các nội dung của Đề án thành tiêu chí “điểm cộng” trong công tác đánh giá thi đua của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh.

2. Xây dựng cơ chế, chính sách và huy động nguồn lực

Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động bảo tồn, phát huy ngôn ngữ các DTTS, trong đó ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo:

- Xây dựng chính sách của tỉnh hỗ trợ thù lao cho người truyền dạy tiếng dân tộc trong các trường học và cộng đồng; hỗ trợ kinh phí cho các thôn/bản để mua sắm bảng phấn tiêu chuẩn (mỗi thôn chỉ hỗ trợ một lần) phục vụ cho việc truyền dạy tiếng DTTS.

- Khuyến khích, tạo điều kiện cho các thôn/bản, trường học được phép huy động kinh phí tự nguyện, hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân tài trợ cho các lớp học tiếng dân tộc để chi hoạt động duy trì lớp học tiếng dân tộc như: Hỗ trợ người học vở ghi, bút, tài liệu học tập; biểu dương, khen thưởng những học viên có thành tích xuất sắc trong học tập và các chi phí hợp lý, hợp lệ khác trong tổ chức thực hiện Đề án tại thôn/bản.

3. Xây dựng tài liệu truyền, dạy tiếng dân tộc của tỉnh Bắc Giang để tổ chức truyền dạy trong các trường học vùng đồng bào DTTS&MN và cộng đồng

3.1. Căn cứ pháp lý của việc xây dựng tài liệu truyền dạy

Căn cứ khoản 2, Điều 2 Thông tư số 32/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Bộ chữ tiếng DTTS được dạy và học trong các cơ sở giáo dục phải là bộ chữ cổ truyền đã được lưu hành và sử dụng rộng rãi trong cộng đồng dân tộc, được cơ quan chuyên môn xác định và được UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê chuẩn hoặc bộ chữ được Chính phủ ban hành”.

3.2. Xây dựng 07 bộ tài liệu truyền dạy (tài liệu lưu hành nội bộ) của 6 thành phần DTTS trên địa bàn tỉnh

- Xây dựng 07 bộ tài liệu truyền dạy cho 07 ngôn ngữ tiếng DTTS là: Tày, Nùng, Hoa, Dao, Cao Lan, Sán Chí, Sán Dìu. Về tiếng Hoa, trước mắt xây dựng tài liệu truyền dạy tiếng Ngái cho người dân tộc Hoa ở Bắc Giang; tiếng Sán Chay xây dựng tài liệu truyền dạy cho 2 ngôn ngữ Cao Lan và Sán Chí.

3.3. Quan điểm xây dựng tài liệu truyền dạy

Tài liệu truyền dạy tiếng dân tộc phải được xây dựng trên tinh thần tinh giản, gần gũi, thiết thực, có tính thực hành cao; đồng thời đáp ứng 04 tiêu chí sau:

- Thông qua việc xây dựng tài liệu truyền dạy tiếng dân tộc gắn với nội dung tuyên truyền quan điểm của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Bắc Giang về công tác dân tộc; để củng cố thêm niềm tin của thế hệ trẻ trong đồng bào các DTTS với Đảng, Nhà nước ta.

- Phù hợp với đối tượng học: Là những người DTTS đã thông thạo chữ Quốc Ngữ nhưng không nói được tiếng của dân tộc mình.

- Phù hợp với đối tượng truyền dạy: Là những người DTTS còn thông thạo tiếng dân tộc; có điều kiện, tâm huyết trong việc bảo tồn ngôn ngữ dân tộc nhưng chưa có kỹ năng sư phạm cơ bản.

- Thông qua việc học tiếng và các hoạt động dân ca, dân vũ... tại các lớp học tiếng dân tộc, người học sẽ hiểu biết thêm về bản sắc văn hóa của dân tộc mình, từ đó biết yêu “tiếng mẹ đẻ”, biết giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của người DTTS.

3.4. Về nội dung tài liệu truyền dạy

Tài liệu truyền dạy được thiết kế thành 10 chủ đề, mỗi chủ đề gồm có các cấu trúc: Từ vựng, ngữ pháp, thực hành gồm: Giao tiếp; quê hương, đất nước; văn hóa đặc sắc các DTTS; quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc; một số chính sách của Tỉnh Bắc Giang về công tác dân tộc...

(Chi tiết tại Phụ lục I kèm theo).

3.5. Về thời lượng của tài liệu truyền dạy

Tài liệu là cơ sở để người truyền dạy biên soạn giáo án truyền dạy tại các lớp học tiếng dân tộc trong trường học vùng đồng bào DTTS&MN và cộng đồng. Tùy theo đối tượng của lớp học, người truyền dạy sẽ phân bổ nội dung, thời lượng cho phù hợp như: Học sinh bậc tiểu học là 70 tiết; bậc THCS, THPT, các PTDTNT, BT và trong cộng đồng (tại thôn/bản) là 120 tiết học(6).

3.6. Phương pháp, quy trình xây dựng tài liệu truyền dạy

Tài liệu truyền dạy tiếng dân tộc được xây dựng theo quy trình như sau:

- Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập Ban biên soạn tài liệu truyền dạy tiếng DTTS tỉnh Bắc Giang;

- Ban Biên soạn xây dựng dự thảo tài liệu khung (bằng chữ Quốc Ngữ); xin ý kiến thẩm định về nội dung các cơ quan liên quan; tiếp thu, hoàn thiện tài liệu khung;

- Thành lập các Tổ biên dịch tài liệu truyền dạy, thực hiện phiên âm từ tài liệu khung sang 07 ngôn ngữ DTTS (mượn chữ Quốc Ngữ để mô tả âm ngữ của các thành phần DTTS), gồm: Tày, Nùng, Hoa, Dao, Cao Lan, Sán Chí, Sán Dìu; thực hiện dạy thí điểm để rút kinh nghiệm và hoàn thiện tài liệu;

- Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập Hội đồng thẩm định tài liệu truyền dạy tiếng DTTS tỉnh Bắc Giang;

- UBND tỉnh phê duyệt 07 bộ tài liệu tài liệu truyền dạy cho 07 ngôn ngữ tiếng DTTS.

Việc thẩm định tài liệu truyền dạy, vận dụng theo quy định tại Thông tư số 33/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc thẩm định tài liệu giáo dục địa phương.

4. Thực hiện tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng sư phạm cho lực lượng truyền dạy tiếng DTTS

4.1. Xây dựng tiêu chí số người dân tộc tại mỗi xã để xác định số người cần thiết tham gia lực lượng truyền dạy tiếng DTTS

Căn cứ vào số lượng các DTTS sinh sống ổn định thành cộng đồng, số nhân khẩu, thành phần dân tộc ở 73 xã vùng đồng bào DTTS&MN (theo kết quả điều tra 53 DTTS năm 2019), việc xác định số người cần thiết tham gia truyền, dạy như sau:

- Số nhân khẩu/thành phần dân tộc/xã từ 300 đến dưới 1.000 người, bố trí 01 người truyền dạy.

- Số nhân khẩu/thành phần dân tộc/xã từ 1.000 đến dưới 2.000 người, bố trí 02 người truyền dạy.

- Số nhân khẩu/thành phần dân tộc/xã từ 2.000 đến dưới 3.000 người, bố trí 03 người truyền dạy.

- Số nhân khẩu/thành phần dân tộc/xã từ 3.000 người trở lên, bố trí 05 người truyền dạy.

Trên cơ sở cơ cấu các thành phần dân tộc tại 73 xã vùng đồng bào DTTS&MN, cần thiết phải có 286 người tham gia lực lượng truyền dạy; trong đó chia theo thành phần dân tộc, cần có: 69 người dân tộc Tày; 25 người Hoa; 106 người Nùng; 15 người Dao; 33 người Sán Chay (Cao Lan và Sán Chí); 37 người Sán Dìu.

(Chi tiết tại Phụ lục II kèm theo).

4.2. Thực hiện tập huấn, bồi dưỡng kiến thức công tác bảo tồn ngôn ngữ tiếng DTTS và kỹ năng sư phạm cơ bản cho lực lượng truyền dạy

Để phát huy nguồn nhân lực tại chỗ, rà soát các đối tượng giáo viên, công chức, viên chức (đang công tác hoặc đã nghỉ hưu), nghệ nhân, NCUT, người DTTS còn thông thạo tiếng dân tộc, có điều kiện, tâm huyết tham gia lực lượng truyền dạy tiếng dân tộc để tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng sư phạm; chia làm 02 lớp như sau:

- Lớp 01, là những giáo viên là người DTTS tập huấn 01 ngày, nội dung: Quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; nội dung cơ bản của Đề án "Bảo tồn, phát huy tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”; những nội dung trọng tâm của từng chủ đề trong tài liệu truyền dạy tiếng dân tộc được UBND tỉnh phê duyệt.

- Lớp 02, là những nghệ nhân, NCUT... trong vùng đồng bào DTTS&MN, nội dung:

(1) Quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; nội dung cơ bản Đề án "Bảo tồn, phát huy tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”; những nội dung trọng tâm của từng chủ đề trong tài liệu truyền dạy tiếng dân tộc (1/2 ngày).

(2) Bồi dưỡng 05 kỹ năng sư phạm cơ bản cho lực lượng truyền dạy tiếng DTTS, gồm:

+ Kỹ năng giao tiếp với người học (1/2 ngày);

+ Kỹ năng tổ chức và quản lý lớp học (01 ngày);

+ Kỹ năng tổ chức các hoạt động học tập (01 ngày);

+ Kỹ năng điều chỉnh hành vi, giải quyết vấn đề (01 ngày);

+ Kỹ năng truyền lửa cho người học (01 ngày).

- Yêu cầu đối với giảng viên lớp tập huấn: Phải xây dựng kế hoạch bài dạy; trình chiếu Powerpoint, có hình ảnh, video, dẫn chứng sinh động; dành thời gian trao đổi với học viên và có bài tập thực hành; cuối khóa học có bài kiểm tra.

Kết thúc lớp tập huấn, những người đủ điều kiện (tham dự đầy đủ các buổi học; thực hiện tốt các nội quy của lớp học; làm bài tập, bài kiểm tra đầy đủ và đạt yêu cầu) được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp 01 Giấy xác nhận hoàn thành chương trình tập huấn kỹ năng sư phạm ngắn hạn. Giấy xác nhận này là cơ sở để cá nhân được mời tham gia truyền dạy tại các trường học và trong cộng đồng; được hưởng các khoản hỗ trợ của Nhà nước theo nội dung của Đề án.

- Báo cáo viên lớp bồi dưỡng, gồm:

+ Báo cáo viên là Lãnh đạo Ban Dân tộc: Nội dung 01.

+ Báo cáo viên là Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, cán bộ, giáo viên trên địa bàn tỉnh (do Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn): Nội dung 02.

- Địa điểm tổ chức các lớp tập huấn: Tại thành phố Bắc Giang.

4.3. Quyền lợi, trách nhiệm của người truyền dạy tiếng DTTS

- Quyền lợi: Những người tham gia lực lượng truyền dạy tiếng DTTS theo Đề án được hỗ trợ 800.000 đồng (bằng tiền mặt) để hỗ trợ mua sắm 01 bộ trang phục dân tộc của dân tộc mình; được hưởng mức hỗ trợ 300.000 đồng/buổi truyền dạy. Tùy theo thành tích trong thực hiện các nội dung của Đề án, được cấp có thẩm quyền bình xét, đề xuất các hình thức khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng.

- Trách nhiệm: Thực hiện truyền dạy theo đúng nội dung của Tài liệu được UBND tỉnh phê duyệt; mặc trang phục của dân tộc mình trong quá trình truyền dạy tiếng DTTS.

5. Thực hiện truyền dạy tiếng DTTS trong cộng đồng và các trường học

- Mỗi lớp học tiếng dân tộc phải tối thiểu từ 15 đến 30 người. Nếu số người trong thôn, bản, trường học không đủ số tối thiểu (15 người) thì thực hiện ghép với thôn, bản, trường học khác trong xã (hoặc các trường, thôn/bản thuộc các xã lân cận) để tổ chức lớp học, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học.

Người tham gia lớp học tiếng dân tộc (gọi chung là người học) được hỗ trợ 01 bộ tài liệu truyền dạy được UBND tỉnh phê duyệt (do Ban Dân tộc cấp trên cơ sở số lượng đăng ký của UBND các huyện tổng hợp theo số lượng đăng ký của từng trường, xã, thôn/bản; từng ngôn ngữ theo nhu cầu thực tế). Tùy theo tình hình và điều kiện thực tế của nguồn vốn xã hội hóa (nguồn tài trợ tự nguyện hợp pháp của các tổ chức, cá nhân cho các lớp học tiếng dân tộc của các thôn/bản, trường học), người học được hỗ trợ vở ghi, bút và được biểu dương, khen thưởng theo quy định.

- Ban Dân tộc chủ trì triển khai, hướng dẫn việc tổ chức các lớp học tiếng dân tộc trong cộng đồng. Ngân sách nhà nước hỗ trợ mỗi thôn/bản (hỗ trợ một lần bằng tiền mặt), số tiền 2.500.000 đồng (Hai triệu năm trăm nghìn đồng) để trang bị bảng phấn tiêu chuẩn phục vụ lớp học truyền dạy trong cộng đồng.

- Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai, hướng dẫn việc tổ chức các lớp học tiếng dân tộc trong các trường học vùng đồng bào DTTS&MN.

6. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong truyền dạy tiếng dân tộc

Để ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong truyền dạy tiếng dân tộc, cần lựa chọn cách thức phù hợp như:

- Khuyến khích người truyền dạy, các tổ chức, cá nhân quan tâm tự xây dựng các video, audio bài học tiếng dân tộc (trên cơ sở tài liệu truyền dạy đã được UBND tỉnh phê duyệt) và cập nhật, đăng tải trên nền tảng mạng xã hội như Youtube, Zalo, Facebook,… để giúp mọi người có thể học tiếng dân tộc ở mọi lúc, mọi nơi. Người học có thể tự học và tương tác bằng hình thức tham gia ý kiến, góp ý vào tài liệu truyền dạy tiếng dân tộc, phương pháp truyền dạy… để tăng tính tương tác, hấp dẫn cho người học.

Thông qua việc xây dựng các video, audio bài giảng nói trên, lồng ghép các nội dung tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu văn hóa, con người, các sản phẩm hàng hóa của tỉnh Bắc Giang với bạn bè trong nước và quốc tế trong tiến trình “Hội nhập và phát triển” hiện nay.

- Trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án, căn cứ điều kiện, yêu cầu thực tế và khả năng bố trí, cân đối ngân sách của tỉnh; Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí để thực hiện nội dung hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong truyền dạy tiếng dân tộc, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh.

IV. KINH PHÍ VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Kinh phí thực hiện

- Giai đoạn 2024 - 2025: Khoảng 6.541 triệu đồng; trong đó ngân sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025: 447 triệu đồng, ngân sách tỉnh 3.654 triệu đồng, ngân sách của 05 huyện là 2.440 triệu đồng.

- Giai đoạn 2026 - 2030 (Kỳ ổn định ngân sách của giai đoạn mới): khoảng 40.262 triệu đồng; trong đó ngân sách tỉnh 33.270 triệu đồng; ngân sách của 05 huyện 6.991 triệu đồng.

(Chi tiết tại Phụ lục III kèm theo)

2. Phân theo nhiệm vụ chi của mỗi cấp ngân sách

2.1. Ngân sách trung ương (nguồn vốn sự nghiệp) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện nội dung:

Tập huấn cho các đối tượng là nghệ nhân, NCUT, người DTTS tham gia lực lượng truyền dạy tiếng DTTS theo nội dung của Đề án.

2.2. Ngân sách tỉnh, thực hiện các nội dung

- Xây dựng tài liệu truyền dạy tiếng dân tộc.

- Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác bảo tồn ngôn, ngữ tiếng DTTS cho lực lượng truyền dạy là giáo viên trên địa bàn tỉnh.

- Chi hỗ trợ trang phục cho người truyền dạy tiếng dân tộc.

- Chi hỗ trợ kinh phí cho người truyền dạy tiếng dân tộc trong các trường học do cấp tỉnh quản lý (gồm: các trường THPT, trường PTDTNT tỉnh, trường PTDTNT huyện Sơn Động, trường PTDTNT huyện Lục Ngạn) và các lớp học trong cộng đồng.

- Chi ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số (thực hiện theo lộ trình, kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh, phù hợp với điều kiện thực tiễn).

2.3. Ngân sách huyện

- Chi hỗ trợ bảng phấn tiêu chuẩn cho các thôn/bản phục vụ các lớp học trong cộng đồng.

- Chi hỗ trợ kinh phí cho người truyền dạy tiếng dân tộc trong các trường học do cấp huyện quản lý (gồm các trường tiểu học, trung học cơ sở, trường PTDTNT, BT do huyện quản lý).

2.4. Huy động các nguồn tài trợ tự nguyện, hợp pháp khác từ tổ chức, cá nhân để chi cho hoạt động của các lớp học tiếng dân tộc

- Chi hỗ trợ các chi phí phô tô tài liệu truyền dạy (khi số người học nhiều hơn số lượng tài liệu được cấp phát hàng năm).

- Chi hỗ trợ mua bút, vở cho học viên.

- Chi khen thưởng, biểu dương các học viên có thành tích xuất sắc trong học tập tại các lớp học tiếng dân tộc.

- Chi các nội dung hoạt động khác của lớp học như điện, nước uống và các chi phí hợp lý, hợp lệ khác.

3. Lộ trình thực hiện Đề án

(Chi tiết tại Phụ lục IV kèm theo)

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Dân tộc

- Chủ trì, phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng tài liệu truyền dạy tiếng dân tộc, trình UBND tỉnh phê duyệt; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ thù lao cho người truyền dạy tiếng DTTS, hỗ trợ kinh phí cho các thôn/bản để mua sắm bảng phấn tiêu chuẩn (mỗi thôn chỉ hỗ trợ một lần) phục vụ cho việc truyền dạy tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2024 - 2030.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn cho lực lượng truyền dạy tiếng dân tộc (Lp 01) là những giáo viên là người DTTS.

- Xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp học tiếng dân tộc trong cộng đồng theo lộ trình của Đề án(7).

(Chi tiết tại Phụ lục V kèm theo).

- Thực hiện công tác hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các nội dung của Đề án; định kỳ (6 tháng, năm) tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện; kịp thời nắm bắt, tổng hợp và tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết các vấn đề vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Xây dựng kế hoạch đưa nội dung học tiếng dân tộc tích hợp, lồng ghép trong các hoạt động giáo dục, đảm bảo phù hợp với từng bậc học, ở các trường tiểu học, THCS, THPT, PTDTNT, PTDTBT vùng đồng bào DTTS&MN từ năm 2024 theo lộ trình thực hiện Đề án.

- Phối hợp với Ban Dân tộc triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.

- Thực hiện công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện; kịp thời nắm bắt, tổng hợp các vấn đề vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án. Định kỳ (6 tháng, năm) tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Đề án về UBND tỉnh (qua Ban Dân tộc để tổng hợp).

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện hướng dẫn, khuyến khích các Câu lạc bộ hát dân ca bố trí các buổi sinh hoạt lồng ghép cùng các lớp học tiếng dân tộc; thành lập các đội văn nghệ trong các lớp học tiếng dân tộc và tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, biểu diễn văn nghệ; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

- Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện nội dung tập huấn cho người truyền dạy tiếng dân tộc thuộc đối tượng là các nghệ nhân, NCUT, người DTTS... theo nội dung của Đề án từ nguồn kinh phí sự nghiệp ngân sách trung ương phân bổ cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024 để thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025.

- Phối hợp với Ban Dân tộc triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.

- Nghiên cứu, đề xuất đưa việc thực hiện các nội dung của Đề án thành tiêu chí “điểm cộng” trong công tác đánh giá thi đua của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” vùng đồng bào DTTS&MN.

4. Sở Tài chính

- Tham mưu bố trí kinh phí sự nghiệp từ nguồn vốn ngân sách tỉnh để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ do ngân sách tỉnh đảm bảo theo Đề án được duyệt.

- Thực hiện hướng dẫn, thẩm định dự toán kinh phí, công tác thanh quyết toán nguồn vốn sự nghiệp ngân sách nhà nước theo quy định.

5. Các sở, ngành tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Ban Dân tộc, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án.

6. UBND huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang

- Chỉ đạo các cơ quan thuộc UBND huyện, UBND xã, thị trấn trên địa bàn triển khai thực hiện các nội dung theo Đề án và hướng dẫn của Ban dân tộc, Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành tỉnh có liên quan. Hằng năm, chủ động cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách huyện cho các nội dung do ngân sách huyện đảm bảo theo Đề án được duyệt.

- Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN về tầm quan trọng của việc bảo tồn ngôn ngữ các DTTS trong giai đoạn hiện nay; chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích việc tổ chức các cuộc thi viết, nói, kể chuyện, hùng biện... bằng tiếng dân tộc tại các lễ hội của huyện, xã, thôn/bản dịp đầu xuân hàng năm...;

- Chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn tạo điều kiện cho các lớp học tiếng dân tộc (trong trường học, cộng đồng) được huy động các nguồn tài trợ tự nguyện, hợp pháp để hỗ trợ, duy trì các lớp học.

- Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án trên địa bàn huyện; kịp thời nắm bắt, tổng hợp các vấn đề vướng mắc, phát sinh; định kỳ (6 tháng, năm) tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Đề án về UBND tỉnh (qua Ban Dân tộc) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

7. Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

Tăng thời lượng tin, bài tuyên truyền về tầm quan trọng của công tác bảo tồn ngôn ngữ (tiếng dân tộc) của DTTS trong giai đoạn hiện nay và các nội dung của Đề án, tạo sự đồng thuận trong nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án.

8. Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh

Đề nghị Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền tới các thành viên, hội viên tích cực hưởng ứng thực hiện các nội dung của Đề án; hằng năm xây dựng kế hoạch giám sát việc tổ chức thực hiện Đề án ở các cấp, các ngành, địa phương, cơ sở đảm bảo hiệu quả, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án./.

PHỤ LỤC I

NỘI DUNG TÀI LIỆU TRUYỀN DẠY TIẾNG DÂN TỘC
(Kèm theo Quyết định số 1175/QĐ-UBND ngày 25 tháng 10 năm 2023 của UBND tỉnh Bắc Giang)

LỜI GIỚI THIỆU

(01 trang)

Mục đích, yêu cầu của việc truyền dạy tiếng dân tộc cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

MỞ ĐẦU

(Mỗi ngôn ngữ là 02 trang)

Khái quát về dân tộc (Tài liệu của ngôn ngữ nào, sẽ nói về ngôn ngữ đó trong các tiếng Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa (tiếng Ngái), Sán Chay (Cao Lan, Sán Chí), Dao), gồm các nội dung về nguồn gốc, dân số, đặc điểm về dân cư, địa bàn cư trú, tập quán canh tác, đời sống văn hóa tinh thần… trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

PHẦN MỘT (04 tiết)

(Mỗi ngôn ngữ là 05 trang)

Một vài nét khái quát về ngữ âm (âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối, thanh điệu…) từ vựng, ngữ pháp tiếng (Tài liệu của ngôn ngữ nào, sẽ nói về ngôn ngữ đó trong các tiếng Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa (tiếng Ngái), Sán Chay (Cao Lan, Sán Chí), Dao); sơ lược về ngữ pháp...

PHẦN HAI (Các bài học với 10 chủ đề)

(1) Chủ đề 1: Giao tiếp (13 tiết )

(18 trang gồm: chia làm 4 bài học; nội dung cấu trúc câu, từ mới + ảnh + bài viết minh họa)

Mục tiêu: Học viên nắm được cách thức chào hỏi, giới thiệu bản thân, gia đình, bạn bè.

Từ vựng: Các đại từ nhân xưng, thời gian, giao tiếp, quan hệ gia đình, bạn bè. Cách thức thực hiện:

- Giới thiệu chung về dân tộc thiểu số, ngôn ngữ, lịch sử văn hóa của dân tộc thiểu số tại Bắc Giang. Giới thiệu cụ thể về văn hóa giao tiếp, cách thức giao tiếp.

- Dạy từ mới về chủ đề giao tiếp.

- Dạy ngữ pháp: cách thức chào hỏi, giới thiệu bản thân, gia đình.

- Thực hành giao tiếp, giới thiệu bản thân, đặt câu sử dụng từ mới đã học.

- Bài tập về nhà cho học viên.

(2) Chủ đề 2: Quê hương, đất nước (15 tiết)

(20 trang gồm: chia làm 3 bài học; từ mới + nội dung + ảnh + bài viết)

Mục tiêu: Học viên nắm được truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống đấu tranh xây dựng và bảo vệ làng xã, quê hương, đất nước.

Từ vựng: Tên riêng đất nước, địa phương; tổ chức phân cấp quản lý hành chính; địa hình, danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử -văn hóa, du lịch. Các từ vựng liên quan đến phương vị.

Cách thức thực hiện:

- Giới thiệu về truyền thống lịch sử của người dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, trong việc chống lại các thế lực thù địch, phản động. Giới thiệu về phong cảnh, tiềm năng du lịch của địa phương. Vấn đề xây dựng nông thôn mới, làng/bản văn hóa hiện nay.

- Dạy từ mới tên địa danh, thiên nhiên, khí hậu, du lịch, lịch sử.

- Dạy ngữ pháp, cấu trúc câu: Cách hỏi - đáp; một số mẫu câu miêu tả, trần thuật giới thiệu về quê hương.

- Thực hành giới thiệu về quê hương, đất nước; kể chuyện về lịch sử, truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán… của dân tộc mình, địa phương mình.

- Bài tập về nhà cho học viên.

(3) Chủ đề 3: Kinh tế - Thương mại (12 tiết)

(20 trang gồm: chia làm 3 bài học; từ mới + nội dung + ảnh + bài viết)

Mục tiêu: Học viên nắm được cách thức sản xuất, tập quán canh tác của người dân tộc, thế mạnh kinh tế địa phương, các nghề thủ công truyền thống của người dân tộc, cách thức mua bán, trao đổi hàng hóa.

Từ vựng: Các đơn vị đo lường, trọng lượng, tiền tệ; các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ, nghề thủ công truyền thống, trồng trọt, chăn nuôi.

Cách thức thực hiện:

- Giới thiệu về xây dựng nông thôn mới: Lao động, sản xuất; thế mạnh kinh tế của địa phương; các làng nghề truyền thống của dân tộc; cách thức mua bán, trao đổi hàng hóa; tập quán canh tác của người dân tộc thiểu số.

- Dạy từ mới.

- Dạy ngữ pháp, cấu trúc câu: Câu hỏi - đáp; một số mẫu câu miêu tả, trần thuật cách sản xuất của người dân tộc.

- Thực hành: giới thiệu về đặc sản của địa phương, thực hành mua bán.

- Bài tập về nhà cho học viên.

(4) Chủ đề 4: Thiên nhiên - Môi trường (8 tiết)

(20 trang gồm: chia làm 2 bài học; từ mới + nội dung + ảnh + bài viết )

Mục tiêu: Học viên nắm được vai trò của việc bảo vệ môi trường, cách thức miêu tả thiên nhiên.

Từ vựng: Thời gian, thời tiết, khí hậu, thiên nhiên, môi trường. Cách thức thực hiện:

- Giới thiệu về môi trường sống của người dân tộc, về cảnh quan thiên nhiên, cách thức bảo vệ môi trường.

- Dạy từ mới.

- Dạy ngữ pháp, cấu trúc câu: Câu cảm thán, một số mẫu câu về môi trường, cảnh quan thiên nhiên.

- Thực hành: giới thiệu về phong cảnh làng, xã, quê hương, vai trò của việc bảo vệ môi trường.

- Bài tập về nhà cho học viên.

(5) Chủ đề 5: Giáo dục - Ngôn ngữ (10 tiết)

(30 trang gồm: chia làm 3 bài học; từ mới + nội dung + ảnh + bài viết )

Mục tiêu: Học viên nắm được vai trò của việc bảo vệ tiếng nói của người dân tộc, vai trò của việc giáo dục trong đời sống xã hội.

Từ vựng: Ngôn ngữ, một số ngành nghề, môn học.

Cách thức thực hiện:

- Giới thiệu về sự cần thiết phải giữ gìn ngôn ngữ của dân tộc thiểu số, vai trò của việc giáo dục trong đời sống xã hội của người dân tộc.

- Dạy từ mới.

- Dạy ngữ pháp, cấu trúc câu: Câu cảm thán, câu trần thuật, câu nghi vấn; một số mẫu câu về học tập.

- Thực hành: hỏi đáp về việc học tập.

- Bài tập về nhà cho học viên.

(6) Chủ đề 6: Văn hóa đặc sắc các dân tộc thiểu số (20 tiết)

(32 trang gồm: chia làm 4 bài học; từ mới + nội dung + ảnh + bài viết )

Mục tiêu: Học viên nắm được vai trò Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc thiểu số (Nội dung tài liệu truyền dạy ngôn ngữ nào, sẽ giới thiệu về bản sắc văn hóa của dân tộc đó: Bản sắc văn hóa; thực trạng mai một và giải pháp bản tồn, phát huy bản sắc).

Từ vựng: Các dân tộc thiểu số, lễ hội, ẩm thực, trang phục, hôn nhân, dân ca, dân vũ, văn học.

Cách thức thực hiện:

- Giới thiệu về bản sắc văn hóa của người dân tộc thiểu số

+ Lễ hội.

+ Văn hóa ẩm thực.

+ Lễ thức hôn nhân.

+ Dân ca, dân vũ.

+ Trang phục.

+ Văn học dân gian.

- Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS.

(7) Chủ đề 7: Y tế (8 tiết)

(12 trang gồm: chia làm 2 bài học; từ mới + nội dung + ảnh + bài viết )

Mục tiêu: Học viên nắm được cách thức chăm sóc sức khỏe, một số bài thuốc dân gian truyền thống của người dân tộc.

Từ vựng: Thuốc đông y, thuốc tây y, tên một số cây thuốc, bài thuốc nam, tên một số bệnh phổ thông và cách phòng tránh.

Cách thức thực hiện:

- Giới thiệu về sự cần thiết phải chăm sóc sức khỏe, một số bài thuốc dân gian truyền thống của người dân tộc thiểu số.

- Dạy từ mới.

- Dạy ngữ pháp, cấu trúc câu: Câu cảm thán, câu trần thuật, câu nghi vấn; một số mẫu câu về y học.

- Thực hành: hỏi đáp về việc khám chữa bệnh.

- Bài tập về nhà cho học viên.

(8) Chủ đề 8: Quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc (8 tiết)

(15 trang gồm: chia làm 2 bài học; từ mới + nội dung + ảnh + bài viết )

Mục tiêu: Học viên nắm được quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về công tác dân tộc, Bác Hồ với các dân tộc thiểu số, tinh thần đoàn kết các dân tộc.

Từ vựng: Pháp luật, chính sách, tên các dân tộc thiểu số. Cách thức thực hiện:

- Giới thiệu về các quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân tộc thiểu số, vai trò của việc đoàn kết các dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

- Dạy từ mới.

- Dạy ngữ pháp, cấu trúc câu: Câu cảm thán, câu trần thuật, câu nghi vấn; một số câu về chính sách đối với người dân tộc.

- Thực hành: hỏi đáp về chính sách.

- Bài tập về nhà cho học viên.

(9) Chủ đề 9: Một số chính sách của tỉnh Bắc Giang về công tác dân tộc giai đoạn 2015 - 2025 (10 tiết).

(18 trang gồm: chia làm 3 bài học; từ mới + nội dung + ảnh + bài viết)

(10) Chủ đề 10: Giao lưu, thăm quan mô hình đặc sắc văn hóa dân tộc thiểu số; trao đổi kinh nghiệm học tập với các địa phương khác, phát huy tốt ngôn ngữ trong đời sống hàng ngày; tổng kết lớp học (12 tiết).

(10 trang gồm: chia làm 3 bài học; nội dung + ảnh + bài viết minh họa + kế hoạch giao lưu ( gồm các hoạt động cụ thể)./.

PHỤ LỤC II

SỐ NGƯỜI TRUYỀN DẠY NGÔN NGỮ CỦA MỖI THÀNH PHẦN DÂN TỘC THIỂU SỐ
(Kèm theo Quyết định số 1175/QĐ-UBND ngày 25 tháng 10 năm 2023 của UBND tỉnh Bắc Giang)

Đơn vị tính: người

STT

Địa bàn

Tày

Hoa

Nùng

Dao

Sán Chay

Sán Dìu

Tổng số

Số thôn trên 15% người DTTS

Người

NTD

Người

NTD

Người

NTD

Người

NTD

Người

NTD

Người

NTD

Người

NTD

I

Huyện Sơn Động

16.501

24

824

0

7.052

9

4.708

6

8.612

9

276

0

37.973

48

116

1

Thị trấn An Châu

1.483

3

19

0

165

0

37

0

219

0

18

0

1.941

3

15

2

Xã Long Sơn

538

1

4

0

54

0

69

0

88

0

10

0

763

1

5

3

Xã Tuấn Đạo

160

0

174

0

224

0

902

1

273

0

15

0

1.748

1

7

4

TT Tây Yên Tử

238

0

15

0

180

0

1.407

2

112

0

8

0

1.960

2

4

5

Xã Giáo Liêm

189

0

5

0

1.097

2

7

0

907

1

8

0

2.213

3

4

6

Xã Đại Sơn

656

1

10

0

2.722

3

14

0

139

0

11

0

3.552

4

9

7

Xã Thanh Luận

183

0

9

0

51

0

98

0

48

0

15

0

404

0

4

8

Xã Cẩm Đàn

1.047

2

24

0

1.431

2

7

0

278

0

26

0

2.813

4

6

9

Xã Yên Định

876

1

245

0

300

1

105

0

1.629

2

81

0

3.236

4

6

10

Xã An Bá

837

1

127

0

104

0

76

0

1.583

2

48

0

2.775

3

6

11

Xã Vĩnh An

1.187

2

1

0

35

0

8

0

243

0

5

0

1.479

2

12

12

Xã Lệ Viễn

334

1

2

0

40

0

17

0

2.154

3

5

0

2.552

4

6

13

Xã Vân Sơn

2.003

3

2

0

30

0

422

1

246

0

3

0

2.706

4

4

14

Xã An Lạc

1.999

3

25

0

33

0

69

0

400

1

0

0

2.526

4

10

15

Xã Hữu Sản

1.886

2

0

0

17

0

149

0

40

0

12

0

2.104

2

4

16

Xã Dương Hưu

2.349

3

160

0

25

0

1.139

2

90

0

9

0

3.772

5

8

17

Xã Phúc Sơn

536

1

2

0

544

1

182

0

163

0

2

0

1.429

2

6

II

Huyện Lục Ngạn

14.734

21

13.588

19

43.183

52

1.973

3

13.769

16

22.890

28

110.137

139

212

1

Xã Tân Sơn

267

0

3

0

4.477

5

7

0

5

0

23

0

4.782

5

7

2

Xã Đèo Gia

77

0

41

0

96

0

33

0

3.559

5

23

0

3.829

5

7

3

Xã Sa Lý

609

1

6

0

37

0

18

0

2.276

3

2

0

2.948

4

5

4

Xã Phong Minh

376

1

1

0

101

0

329

1

55

0

5

0

867

2

4

5

Xã Sơn Hải

53

0

9

0

2.931

3

0

0

8

0

4

0

3.005

3

5

6

Xã Hộ Đáp

28

0

3

0

3.374

5

2

0

7

0

2

0

3.416

5

5

7

Xã Phong Vân

571

1

1

0

2.729

3

2

0

9

0

18

0

3.330

4

7

8

Xã Kim Sơn

96

0

2

0

1.506

2

0

0

19

0

2

0

1.625

2

4

9

Xã Phú Nhuận

167

0

557

1

991

1

67

0

2.389

3

8

0

4.179

5

13

10

Xã Cấm Sơn

229

0

2

0

1.636

2

7

0

27

0

10

0

1.911

2

4

11

Xã Tân Lập

528

1

2.563

3

320

1

680

1

225

0

636

1

4.952

7

15

12

Xã Kiên Lao

94

0

35

0

1.540

2

1

0

3.943

5

84

0

5.697

7

10

13

Xã Thanh Hải

797

1

1.103

2

2.531

3

12

0

79

0

3.084

5

7.606

11

16

14

Xã Biển Động

587

1

72

0

2.967

3

14

0

28

0

11

0

3.679

4

5

15

Xã Biên Sơn

326

1

349

1

4.784

5

6

0

30

0

114

0

5.609

7

10

16

Xã Giáp Sơn

571

1

371

1

1.315

2

16

0

44

0

3.419

5

5.736

9

9

17

Xã Đồng Cốc

2.210

3

1.529

2

469

1

41

0

240

0

136

0

4.625

6

8

18

Xã Tân Hoa

535

1

713

1

3.673

5

46

0

42

0

47

0

5.056

7

9

19

Xã Kiên Thành

485

1

68

0

4.397

5

19

0

246

0

1.304

2

6.519

8

13

20

Xã Tân Mộc

162

0

1.334

2

69

0

549

1

133

0

1.619

2

3.866

5

6

21

Xã Phì Điền

2.642

3

203

0

244

0

14

0

45

0

115

0

3.263

3

4

22

Xã Nam Dương

529

1

50

0

93

0

15

0

16

0

2.502

3

3.205

4

3

23

Xã Tân Quang

479

1

2.651

3

1.207

2

46

0

56

0

550

1

4.989

7

9

24

Thị Trấn Chũ

162

0

79

0

112

0

6

0

73

0

215

0

647

0

5

25

Xã Quý Sơn

1.557

2

1.027

2

263

0

16

0

96

0

5.859

5

8.818

9

16

26

Xã Hồng Giang

343

1

115

0

605

1

17

0

48

0

1.965

2

3.093

4

5

27

Xã Trù Hựu

254

0

701

1

716

1

10

0

71

0

1.133

2

2.885

4

8

III

Huyện Lục Nam

9.557

13

4.940

6

7.801

10

3.587

5

3.438

4

3.896

6

33.219

44

75

1

Xã Lục Sơn

87

0

31

0

37

0

2.514

3

1.489

2

39

0

4.197

5

8

2

Xã Trường Sơn

588

1

60

0

51

0

434

1

106

0

39

0

1.278

2

6

3

Xã Bình Sơn

290

0

131

0

82

0

366

1

1.483

2

110

0

2.462

3

5

4

Xã Vô Tranh

1.872

2

1.332

2

141

0

173

0

134

0

713

1

4.365

5

11

5

Xã Trường Giang

75

0

64

0

44

0

9

0

6

0

235

0

433

0

2

6

Xã Nghĩa Phương

3.026

5

279

0

123

0

35

0

165

0

595

1

4.223

6

10

7

Xã Huyền Sơn

149

0

12

0

36

0

10

0

8

0

428

1

643

1

3

8

Xã Tiên Nha

133

0

607

1

42

0

5

0

0

0

73

0

860

1

3

9

Xã Đông Hưng

1.033

2

2.314

3

80

0

16

0

13

0

1.289

2

4.745

7

10

10

Xã Đông Phú

698

1

74

0

1.213

2

11

0

19

0

44

0

2.059

3

5

11

Xã Tam Dị

160

0

34

0

3.910

5

6

0

9

0

21

0

4.140

5

4

12

Xã Bảo Sơn

1.446

2

2

0

2.042

3

8

0

6

0

310

1

3.814

6

8

IV

Huyện Yên Thế

5.312

10

40

0

20.200

28

816

1

2.306

4

670

1

29.344

44

113

1

Xã Đồng Vương

587

1

2

0

2.118

3

411

1

56

0

5

0

3.179

5

10

2

Xã Đồng Tiến

1.190

2

12

0

627

1

81

0

392

1

1

0

2.303

4

8

3

Xã Canh Nậu

337

1

0

0

3.154

5

35

0

127

0

24

0

3.677

6

13

4

Xã Tiến Thắng

206

0

0

0

2.227

3

3

0

11

0

6

0

2.453

3

9

5

Xã Tân Hiệp

145

0

1

0

783

1

8

0

6

0

4

0

947

1

6

6

Xã Đồng Hưu

309

1

7

0

2.170

3

8

0

4

0

19

0

2.517

4

11

7

Xã Đông Sơn

310

1

6

0

766

1

17

0

5

0

516

1

1.620

3

5

8

Xã Xuân Lương

374

1

3

0

234

0

139

0

1.251

2

73

0

2.074

3

10

9

Xã Tam Tiến

1.169

2

3

0

1.905

2

77

380

1

4

0

3.538

5

12

10

Xã Tam Hiệp

315

1

0

0

1.217

2

8

0

20

0

4

0

1.564

3

5

11

Xã Đồng Lạc

102

0

1

0

1.379

2

6

0

32

0

4

0

1.524

2

6

12

Xã Hồng Kỳ

113

0

3

0

2.486

3

8

0

8

0

0

0

2.618

3

10

13

Xã Đồng Kỳ

96

0

2

0

807

1

10

0

10

0

4

0

929

1

6

14

Xã Đồng Tâm

59

0

0

0

327

1

5

0

4

0

6

0

401

1

2

V

Huyện Lạng Giang

483

1

33

0

6.843

7

11

0

6

0

1.420

2

8.796

10

23

1

Xã Hương Sơn

353

1

21

0

5.479

5

9

0

5

0

1.390

2

7.257

8

17

2

Xã Yên Mỹ

105

0

0

0

396

1

2

0

1

0

21

0

525

1

3

3

Xã Hương Lạc

25

0

12

0

968

1

0

0

0

0

9

0

1.014

1

3

Tổng cộng

46.587

69

19.425

25

85.079

106

11.095

15

28.131

33

29.152

37

219.469

285

539

Ghi chú: Tiêu chí xác định số người truyền dạy/thành phần dân tộc/xã là:

- Số nhân khẩu/thành phần dân tộc/xã từ 300 đến dưới 1.000 người, dự kiến 01 người truyền dạy.

- Số nhân khẩu từ/thành phần dân tộc/xã từ 1.000 đến dưới 2.000 người, dự kiến 02 người truyền dạy.

- Số nhân khẩu/thành phần dân tộc/xã từ 2.000 đến dưới 3.000 người dự kiến 03 người truyền dạy.

- Số nhân khẩu/thành phần dân tộc/xã từ 3.000 người trở lên, dự kiến 05 người truyền dạy.

PHỤ LỤC III

KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN BẢO TỒN, PHÁT HUY TIẾNG DTTS TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
(Kèm theo Quyết định số 1175/QĐ-UBND ngày 25 tháng 10 năm 2023 của UBND tỉnh Bắc Giang)

TT

Nội dung cụ thể

ĐVT

Số lượng

Đơn giá
(đồng)

Thành tiền
(đồng)

Ngân sách TW (nguồn CTMT vùng DTTS&MN)

Ngân sách địa phương

Ngân sách tỉnh

Ngân sách huyện

A

GIAI ĐOẠN 2024-2025

6.540.977.000

446.590.000

3.654.387.000

2.440.000.000

NĂM 2024

3.573.727.000

446.590.000

1.998.387.000

1.128.750.000

I

Xây dựng tài liệu truyền dạy tiếng DTTS (7 ngôn ngữ tiếng DTTS; in xuất bản lần 1)

1.010.537.000

1.010.537.000

-

1

Xây dựng khung chương trình, đề cương tài liệu, biên soạn tài liệu ở mức bản thảo

3.100.000

3.100.000

1.1

Xây dựng khung chương trình

trang

20

70.000

1.400.000

1.2

Sửa chữa, biên tập tổng thể khung chương trình

trang

20

40.000

800.000

1.3

Thẩm định và nhận xét

trang

20

30.000

600.000

1.4

Tiền nước uống họp Hội đồng thẩm định thống nhất khung chương trình: 10 người

người

10

30.000

300.000

2

  Viết nội dung và biên soạn tài liệu

72.800.000

72.800.000

2.1

Viết giới thiệu tổng hợp: 3 trang x 7 bộ tài liệu của 7 DTTS = 21 trang

trang

21

500.000

10.500.000

2.2

Viết nội dung trang ruột: 180 trang

trang

180

70.000

12.600.000

2.3

Sửa chữa, biên tập nội dung trang ruột: 180 trang

trang

180

40.000

7.200.000

2.4

Thẩm định, nhận xét nội dung trang ruột: 180 trang

trang

180

30.000

5.400.000

2.5

Sưu tầm tài liệu về hình ảnh, văn hóa của 7 dân tộc (số lượng 20 trang/01 dân tộc = 20 x 7 = 140 trang)

trang

140

50.000

7.000.000

2.6

Đi thực tế khảo sát để xây dựng tài liệu: 2 điểm/01 dân tộc (02 điểm x 7 DT = 14 điểm (gặp người DT)

chuyến

14

2.000.000

28.000.000

2.7

Tiền nước uống họp Hội đồng thẩm định thống nhất nội dung chương trình: 10 người

người

10

30.000

300.000

2.8

Văn phòng phẩm

gam

5

80.000

400.000

2.9

Mua hộp mực máy in

hộp

2

700.000

1.400.000

3

Biên dịch tài liệu từ tiếng Việt sang 07 tiếng DT: Nùng, Tày, Sán Dìu, Cao Lan, Sán Chí, Hoa, Dao

320.842.000

320.842.000

3.1

Tổ chức họp triển khai 7 nhóm biên dịch (gồm 8 người biên dịch/1 nhóm + 10 thành viên BBS trong Hội đồng (họp tại thành phố Bắc Giang)

14.580.000

-

Chi tiền ăn tổ chức họp triển khai nhiệm vụ tới 7 Tổ biên dịch (gồm 8 người biên dịch/1 Tổ, có 5 người không hưởng lương; 5x7= 35 người), tại thành phố Bắc Giang

người

35

120.000

4.200.000

-

Chi tiền nước uống tổ chức họp triển khai 7 nhóm biên dịch (gồm 8 người biên dịch/1 nhóm + 10 TVBBS trong Hội đồng (tại thành phố BG)

người

66

30.000

1.980.000

-

Hỗ trợ tiền đi- về cho 8 người/1 Tổ x 7 Tổ từ các huyện về TP (gần nhất là 40km, xa nhất là 120 km)

người

56

150.000

8.400.000

3.2

TC họp 3 cuộc tại các huyện để thống nhất nội dung biên dịch (8 người/tổ x 7 Tổ X 3 cuộc = 21 cuộc họp)

146.951.000

-

Tiền ăn cho 03 cuộc họp của 7 Tổ biên dịch, mỗi Tổ 8 người tại các điểm huyện, trong đó có 5 người không hưởng lương: (7X3X5=105người)

người

105

120.000

12.600.000

-

Tiền nước uống họp 03 cuộc họp của 7 Tổ biên dịch, mỗi Tổ 8 người tại các điểm huyện (7X3X8=168)

người

168

30.000

5.040.000

-

Chi biên dịch từ tiếng Việt sang 7 tiếng ngôn ngữ (203 trang x 07 ngôn ngữ = 1.421 trang)

trang

1.421

91.000

129.311.000

3.3

Dạy thử nghiệm 03 buổi cho mỗi ngôn ngữ tại Trường PTDTNT tỉnh (10 thành viên BBS+ Lãnh đạo trường)

buổi dạy

30

1.000.000

30.000.000

3.4

Sửa chữa, biên tập nội dung biên dịch tiếng Việt sang 7 ngôn ngữ (203 trang x 07 ngôn ngữ = 1.421 trang)

trang

1.421

52.000

73.892.000

3.5

Thẩm định, nhận xét nội dung biên dịch tiếng Việt sang 7 ngôn ngữ (203 trang x 07 ngôn ngữ = 1.421 trang)

trang

1.421

39.000

55.419.000

4

Chi phí tổ chức bản thảo và In tài liệu lần 1

613.795.000

613.795.000

4.1

Tổ chức khai thác 7 bản thảo ngôn ngữ (203 trang x 07 ngôn ngữ = 1.421 trang)

trang

1.421

15.000

21.315.000

4.2

Thiết kế bìa sách 7 bìa 2 trang

Bìa

14

1.200.000

16.800.000

4.3

Thiết kế chế bản trang ruột sách in 07 tiếng DTTS (203 trang x 07 ngôn ngữ = 1.421 trang)

trang

1.421

40.000

56.840.000

4.4

Biên tập bản thảo trang in 07 tiếng DTTS (203 trang x 07 ngôn ngữ = 1.421 trang)

trang

1.421

40.000

56.840.000

4.5

Giấy phép xuất bản (07 tiếng dân tộc)

Giấy

7

6.000.000

42.000.000

4.6

In tài liệu, đóng gói, vận chuyển lần 1 (500 cuốn/ngôn ngữ; 7 ngôn ngữ)

cuốn

3.500

120.000

420.000.000

II

Tổ chức tập huấn kỹ năng cho giáo viên: 01 lớp (123 giáo viên, 01 ngày)

12.050.000

12.050.000

-

1

Chi giải khát giữa giờ (1BCV + 1QL + 123 GV = 125)

người/ngày

125

30.000

3.750.000

2

Chi thù lao cho báo cáo viên (1BCV)

người/ngày

1

2.000.000

2.000.000

3

Thuê hội trường (01 lớp x 01 ngày)

Ngày

1

3.600.000

3.600.000

4

Thiết kế maket, hoa tươi phục vụ khai bế giảng lớp học

Lớp

1

1.200.000

1.200.000

5

Thuê thiết bị phục vụ lớp học (máy tính, máy chiếu, phông chiếu)

Ngày

1

1.000.000

1.000.000

6

Tăng âm loa đài phục vụ lớp tập huấn

Ngày

1

500.000

500.000

III

Tổ chức tập huấn kỹ năng cho cho nghệ nhân, NCUT (01 lớp, 05 ngày/lớp; tổng số 163 người)

446.590.000

446.590.000

1

Chi giải khát giữa giờ (163 học viên + 1 BCV + 1 QL lớp), 5 ngày

người - ngày

825

30.000

24.750.000

24.750.000

2

Thù lao cho 01 cán bộ QL/lớp X 1 lớp X 5 ngày/lớp

ngày

5

160.000

800.000

800.000

3

Chi thù lao cho báo cáo viên (5 ngày/lớp)

ngày

5

2.000.000

10.000.000

10.000.000

4

Chi tiền ăn bữa chính cho lớp học (báo cáo viên + học viên + cán bộ quản lý lớp: 5 ngày và 1 bữa tập trung từ chiều hôm trước: 5,5 ngày)

người - ngày

908

120.000

108.900.000

108.900.000

5

Chi tiền ăn sáng cho lớp học (báo cáo viên + học viên + cán bộ quản lý lớp: 5 ngày)

ngày

825

40.000

33.000.000

33.000.000

6

Tiền ngủ cho học viên (huyện, xã 5 ngày và 1 tối đến từ chiều hôm trước): 163 người

người - ngày

815

250.000

203.750.000

203.750.000

7

Tiền xe hỗ trợ cho học viên (02 lượt đi lại từ nhà đến thành phố Bắc Giang); huyện, xã: 163 người x 02 lượt (đi, về)

người - lượt

326

100.000

32.600.000

32.600.000

8

Bút cho học viên 01bút/ người (163 học viên)

Cái

163

10.000

1.630.000

1.630.000

9

Sổ ghi chép cho học viên (loại 100 trang)

Quyển

163

20.000

3.260.000

3.260.000

10

Thuê hội trường (01lớp x 05 ngày)

Ngày

5

3.600.000

18.000.000

18.000.000

11

Thiết kế maket, hoa tươi phục vụ khai bế giảng lớp học

Lớp

2

1.200.000

2.400.000

2.400.000

12

Thuê thiết bị phục vụ lớp học (máy tính, máy chiếu, phông chiếu)

Ngày

5

1.000.000

5.000.000

5.000.000

13

Tăng âm loa đài phục vụ lớp tập huấn

Ngày

5

500.000

2.500.000

2.500.000

IV

Chi hỗ trợ cho người truyền dạy tiếng dân tộc tại các trường học

2.077.550.000

948.800.000

1.128.750.000

1

Trường Tiểu học, THCS, trường nội trú, bán trú do huyện quản lý

1.128.750.000

1.128.750.000

-

Trường Tiểu học do huyện quản lý (71 trường; học 70 tiết học/ngôn ngữ)

buổi dạy

1.243

300.000

372.750.000

372.750.000

-

Trường THCS, trường nội trú, bán trú do huyện quản lý (84 trường; học 120 tiết/ngôn ngữ)

buổi dạy

2.520

300.000

756.000.000

756.000.000

2

Trường THPT, trường phổ thông dân tộc nội trú do tỉnh quản lý

720.000.000

720.000.000

-

Trường THPT do tỉnh quản lý (17 trường; học 120 tiết/ngôn ngữ)

buổi dạy

2.040

300.000

612.000.000

612.000.000

-

Trường DTNT do tỉnh quản lý (3 trường NT; học 120 tiết/ngôn ngữ)

buổi dạy

360

300.000

108.000.000

108.000.000

3

Chi hỗ trợ trang phục dân tộc cho 286 người truyền dạy (123 giáo viên + 163 nghệ nhân, NCUT)

bộ

286

800.000

228.800.000

228.800.000

V

Kiểm tra, giám sát chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án

27.000.000

27.000.000

1

9 cuộc kiểm tra, giám sát, đôn đốc trong năm, xăng xe, chi khác

Chuyến

9

3.000.000

27.000.000

27.000.000

NĂM 2025

2.967.250.000

1.656.000.000

1.311.250.000

I

Chi hỗ trợ cho người truyền dạy tiếng dân tộc tại các trường học

1.848.750.000

720.000.000

1.128.750.000

1

Trường Tiểu học, THCS, trường nội trú, bán trú do huyện quản lý

1.128.750.000

1.128.750.000

-

Trường Tiểu học do huyện quản lý (71 trường; học 70 tiết học/ngôn ngữ)

buổi dạy

1.243

300.000

372.750.000

372.750.000

-

Trường THCS, trường nội trú, bán trú do huyện quản lý (84 trường; học 120 tiết/ngôn ngữ)

buổi dạy

2.520

300.000

756.000.000

756.000.000

2

Trường THPT, trường phổ thông dân tộc nội trú do tỉnh quản lý

720.000.000

720.000.000

-

Trường THPT do tỉnh quản lý (17 trường; học 120 tiết/ngôn ngữ)

buổi dạy

2.040

300.000

612.000.000

612.000.000

-

Trường DTNT do tỉnh quản lý (3 trường NT; học 120 tiết/ngôn ngữ)

buổi dạy

360

300.000

108.000.000

108.000.000

II

Chi hỗ trợ các thôn/bản và hỗ trợ cho người truyền dạy tiếng dân tộc tại các thôn/bản

839.500.000

657.000.000

182.500.000

1

Chi hỗ trợ thôn/bản (năm 2025: hỗ trợ 73 thôn/bản của 73 xã, mỗi xã 01 thôn/bản trong tổng số 539 thôn/bản cần hỗ trợ)

thôn/bản

73

Chi hỗ trợ bảng phấn tiêu chuẩn cho nhà văn hóa thôn/bản (73 thôn/bản)

chiếc

73

2.500.000

182.500.000

182.500.000

2

Chi hỗ trợ cho người truyền dạy tiếng dân tộc (120 tiết; mỗi buổi 4 tiết dạy): 73 thôn/bản

buổi dạy

2.190

300.000

657.000.000

657.000.000

III

In tài liệu, đóng gói, vận chuyển lần 2 (300 cuốn; 7 ngôn ngữ)

cuốn

2.100

120.000

252.000.000

252.000.000

IV

Kiểm tra, giám sát chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án

27.000.000

27.000.000

1

9 cuộc kiểm tra, giám sát, đôn đốc trong năm, xăng xe, chi khác

Chuyến

9

3.000.000

27.000.000

27.000.000

B

GIAI ĐOẠN 2026-2030

40.262.250.000

33.271.000.000

6.991.250.000

NĂM 2026

8.040.250.000

5.999.000.000

2.041.250.000

I

Chi hỗ trợ cho người truyền dạy tiếng dân tộc tại các trường học

1.848.750.000

720.000.000

1.128.750.000

1

Trường Tiểu học, THCS, trường nội trú, bán trú do huyện quản lý

1.128.750.000

1.128.750.000

-

Trường Tiểu học do huyện quản lý (71 trường; học 70 tiết học/ngôn ngữ)

buổi dạy

1.243

300.000

372.750.000

372.750.000

-

Trường THCS, trường nội trú, bán trú do huyện quản lý (84 trường; học 120 tiết/ngôn ngữ)

buổi dạy

2.520

300.000

756.000.000

756.000.000

2

Trường THPT, trường phổ thông dân tộc nội trú do tỉnh quản lý

720.000.000

720.000.000

-

Trường THPT do tỉnh quản lý (17 trường; học 120 tiết/ngôn ngữ)

buổi dạy

2.040

300.000

612.000.000

612.000.000

-

Trường DTNT do tỉnh quản lý (3 trường NT; học 120 tiết/ngôn ngữ)

buổi dạy

360

300.000

108.000.000

108.000.000

II

Chi hỗ trợ các thôn/bản và hỗ trợ cho người truyền dạy tiếng dân tộc tại các thôn/bản

4.854.500.000

3.942.000.000

912.500.000

1

Chi hỗ trợ các thôn, bản (năm 2026: hỗ trợ bình quân mỗi xã 5 thôn/bản trong tổng số 539 thôn/bản cần hỗ trợ: 73 xã x 5 thôn/bản

thôn/bản

365

Chi hỗ trợ bảng phấn tiêu chuẩn cho nhà văn hóa thôn/bản (356 thôn/bản)

chiếc

365

2.500.000

912.500.000

912.500.000

2

Hỗ trợ cho người truyền dạy (120 tiết; mỗi buổi 4 tiết dạy: 73 thôn/bản cũ + 365 thôn/bản mới)

buổi dạy

13.140

300.000

3.942.000.000

3.942.000.000

III

In tài liệu, đóng gói, vận chuyển lần 3 (1500 cuốn; 7 ngôn ngữ)

cuốn

10.500

120.000

1.260.000.000

1.260.000.000

IV

Kiểm tra, giám sát chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án; Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Đề án

77.000.000

77.000.000

1

9 cuộc kiểm tra, giám sát, đôn đốc trong năm, xăng xe, chi khác

Chuyến

9

3.000.000

27.000.000

27.000.000

2

Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Đề án với 5 huyện, 73 xã, các trường học (120 đại biểu)

HN

1

50.000.000

50.000.000

50.000.000

NĂM 2027

8.074.750.000

6.696.000.000

1.378.750.000

I

Chi hỗ trợ cho người truyền dạy tiếng dân tộc tại các trường học

1.848.750.000

720.000.000

1.128.750.000

1

Trường Tiểu học, THCS, trường nội trú, bán trú do huyện quản lý

1.128.750.000

1.128.750.000

-

Trường Tiểu học do huyện quản lý (71 trường; học 70 tiết học/ngôn ngữ)

buổi dạy

1.243

300.000

372.750.000

372.750.000

-

Trường THCS, trường nội trú, bán trú do huyện quản lý (84 trường; học 120 tiết/ngôn ngữ)

buổi dạy

2.520

300.000

756.000.000

756.000.000

2

Trường THPT, trường phổ thông dân tộc nội trú do tỉnh quản lý

720.000.000

720.000.000

-

Trường THPT do tỉnh quản lý (17 trường; học 120 tiết/ngôn ngữ)

buổi dạy

2.040

300.000

612.000.000

612.000.000

-

Trường DTNT do tỉnh quản lý (3 trường NT; học 120 tiết/ngôn ngữ)

buổi dạy

360

300.000

108.000.000

108.000.000

II

Chi hỗ trợ các thôn/bản và hỗ trợ cho người truyền dạy tiếng dân tộc tại các thôn/bản

4.435.000.000

4.185.000.000

250.000.000

1

Hỗ trợ các thôn, bản (năm 2027: hỗ trợ 100 thôn/bản trong tổng số 539 thôn/bản cần hỗ trợ: 100 thôn/bản)

thôn/bản

100

Chi hỗ trợ bảng phấn tiêu chuẩn cho nhà văn hóa thôn/bản (100 thôn/bản)

chiếc

100

2.500.000

250.000.000

250.000.000

2

Hỗ trợ cho người truyền dạy (120 tiết; mỗi buổi 4 tiết dạy: 365 thôn/bản cũ +100 thôn/bản mới)

buổi dạy

13.950

300.000

4.185.000.000

4.185.000.000

III

In tài liệu, đóng gói, vận chuyển lần 4 (2100 cuốn; 7 ngôn ngữ)

cuốn

14.700

120.000

1.764.000.000

1.764.000.000

IV

Kiểm tra, giám sát chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án

27.000.000

27.000.000

1

9 cuộc kiểm tra, giám sát, đôn đốc trong năm, xăng xe, chi khác

Chuyến

9

3.000.000

27.000.000

27.000.000

NĂM 2028

8.063.750.000

6.810.000.000

1.253.750.000

I

Chi hỗ trợ cho người truyền dạy tiếng dân tộc tại các trường học

1.848.750.000

720.000.000

1.128.750.000

1

Trường Tiểu học, THCS, trường nội trú, bán trú do huyện quản lý

1.128.750.000

1.128.750.000

-

Trường Tiểu học do huyện quản lý (71 trường; học 70 tiết học/ngôn ngữ)

buổi dạy

1.243

300.000

372.750.000

372.750.000

-

Trường THCS, trường nội trú, bán trú do huyện quản lý (84 trường; học 120 tiết/ngôn ngữ)

buổi dạy

2.520

300.000

756.000.000

756.000.000

2

Trường THPT, trường phổ thông dân tộc nội trú do tỉnh quản lý

720.000.000

720.000.000

-

Trường THPT do tỉnh quản lý (17 trường; học 120 tiết/ngôn ngữ)

buổi dạy

2.040

300.000

612.000.000

612.000.000

-

Trường DTNT do tỉnh quản lý (3 trường NT; học 120 tiết/ngôn ngữ)

buổi dạy

360

300.000

108.000.000

108.000.000

II

Chi hỗ trợ các thôn/bản và hỗ trợ cho người truyền dạy tiếng dân tộc tại các thôn/bản

4.760.000.000

4.635.000.000

125.000.000

1

Chi hỗ trợ các thôn, bản (năm 2028: hỗ trợ 50 thôn/bản trong tổng số 539 thôn/bản cần hỗ trợ: 50 thôn/bản)

thôn/bản

50

Chi hỗ trợ bảng phấn tiêu chuẩn cho nhà văn hóa thôn/bản (50 thôn/bản)

chiếc

50

2.500.000

125.000.000

125.000.000

2

Chi hỗ trợ cho người truyền dạy tiếng dân tộc (120 tiết; mỗi buổi 4 tiết dạy: 465 thôn/bản cũ +50 thôn/bản mới = 515 thôn/bản)

buổi dạy

15.450

300.000

4.635.000.000

4.635.000.000

III

In tài liệu, đóng gói, vận chuyển lần 5 (1700 cuốn; 7 ngôn ngữ)

cuốn

11.900

120.000

1.428.000.000

1.428.000.000

IV

Kiểm tra, giám sát chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án

27.000.000

27.000.000

1

9 cuộc kiểm tra, giám sát, đôn đốc trong năm, xăng xe, chi khác

Chuyến

9

3.000.000

27.000.000

27.000.000

NĂM 2029

8.046.750.000

6.858.000.000

1.188.750.000

I

Chi hỗ trợ cho người truyền dạy tiếng dân tộc tại các trường học

1.848.750.000

720.000.000

1.128.750.000

1

Trường Tiểu học, THCS, trường nội trú, bán trú do huyện quản lý

1.128.750.000

1.128.750.000

-

Trường Tiểu học do huyện quản lý (71 trường; học 70 tiết học/ngôn ngữ)

buổi dạy

1.243

300.000

372.750.000

372.750.000

-

Trường THCS, trường nội trú, bán trú do huyện quản lý (84 trường; học 120 tiết/ngôn ngữ)

buổi dạy

2.520

300.000

756.000.000

756.000.000

2

Trường THPT, trường phổ thông dân tộc nội trú do tỉnh quản lý

720.000.000

720.000.000

-

Trường THPT do tỉnh quản lý (17 trường; học 120 tiết/ngôn ngữ)

buổi dạy

2.040

300.000

612.000.000

612.000.000

-

Trường DTNT do tỉnh quản lý (3 trường NT; học 120 tiết/ngôn ngữ)

buổi dạy

360

300.000

108.000.000

108.000.000

II

Chi hỗ trợ các thôn/bản và hỗ trợ cho người truyền dạy tiếng dân tộc tại các thôn/bản

4.911.000.000

4.851.000.000

60.000.000

1

Chi hỗ trợ các thôn, bản (năm 2029: hỗ trợ 24 thôn/bản còn lại trong tổng số 539 thôn/bản cần hỗ trợ: 24 thôn/bản)

thôn/bản

24

Chi hỗ trợ bảng phấn tiêu chuẩn cho nhà văn hóa thôn/bản (24 thôn/bản)

chiếc

24

2.500.000

60.000.000

60.000.000

2

Hỗ trợ cho người truyền dạy (120 tiết; mỗi buổi 4 tiết dạy: 515 thôn/bản cũ + 24 thôn/bản mới)

buổi dạy

16.170

300.000

4.851.000.000

4.851.000.000

III

In tài liệu, đóng gói, vận chuyển lần 6 (1500 cuốn; 7 ngôn ngữ)

cuốn

10.500

120.000

1.260.000.000

1.260.000.000

IV

Kiểm tra, giám sát chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án

27.000.000

27.000.000

1

9 cuộc kiểm tra, giám sát, đôn đốc trong năm, xăng xe, chi khác

Chuyến

9

3.000.000

27.000.000

27.000.000

NĂM 2030

8.036.750.000

6.908.000.000

1.128.750.000

I

Chi hỗ trợ cho người truyền dạy tiếng dân tộc tại các trường học

1.848.750.000

720.000.000

1.128.750.000

1

Trường Tiểu học, THCS, trường nội trú, bán trú do huyện quản lý

1.128.750.000

1.128.750.000

-

Trường Tiểu học do huyện quản lý (71 trường; học 70 tiết học/ngôn ngữ)

buổi dạy

1.243

300.000

372.750.000

372.750.000

-

Trường THCS, trường nội trú, bán trú do huyện quản lý (84 trường; học 120 tiết/ngôn ngữ)

buổi dạy

2.520

300.000

756.000.000

756.000.000

2

Trường THPT, trường phổ thông dân tộc nội trú do tỉnh quản lý

720.000.000

720.000.000

-

Trường THPT do tỉnh quản lý (17 trường; học 120 tiết/ngôn ngữ)

buổi dạy

2.040

300.000

612.000.000

612.000.000

-

Trường DTNT do tỉnh quản lý (3 trường NT; học 120 tiết/ngôn ngữ)

buổi dạy

360

300.000

108.000.000

108.000.000

II

Chi hỗ trợ các thôn/bản và hỗ trợ cho người truyền dạy tiếng dân tộc tại các thôn/bản

4.851.000.000

4.851.000.000

-

1

Chi hỗ trợ cho người truyền dạy tiếng dân tộc (120 tiết; mỗi buổi 4 tiết dạy: 539 thôn/bản)

buổi dạy

16.170

300.000

4.851.000.000

4.851.000.000

III

In tài liệu, đóng gói, vận chuyển lần 7 (1500 cuốn; 7 ngôn ngữ)

cuốn

10.500

120.000

1.260.000.000

1.260.000.000

IV

Kiểm tra, giám sát chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án

77.000.000

77.000.000

1

9 cuộc kiểm tra, giám sát, đôn đốc trong năm, xăng xe, chi khác

Chuyến

9

3.000.000

27.000.000

27.000.000

2

Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án với 5 huyện, 73 xã, các trường học (120 đại biểu)

HN

1

50.000.000

50.000.000

50.000.000

PHỤ LỤC IV

LỘ TRÌNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
(Kèm theo Quyết định số 1175/QĐ-UBND ngày 25 tháng 10 năm 2023 của UBND tỉnh Bắc Giang)

Thời gian thực hiện

Nhiệm vụ

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Năm 2023

Từ tháng 7/2023 đến tháng 3/2024

1. Xây dựng tài liệu truyền dạy tiếng DTTS (07 tài liệu cho 07 ngôn ngữ)

Ban Dân tộc

Các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa TT&DL, Hội VHNT, các cơ quan, đơn vị liên quan

Từ tháng 02/2023 đến tháng 10/2023

2. Xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án

Ban Dân tộc

Các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa TT&DL, VP UBND tỉnh, UBND các huyện, các cơ quan, đơn vị liên quan

Từ tháng 11/2023 đến tháng 3/2024

3. Tham mưu UBND tỉnh xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ thù lao cho người truyền dạy tiếng DTTS, hỗ trợ kinh phí cho các thôn/bản để mua sắm bảng phấn tiêu chuẩn (mỗi thôn chỉ hỗ trợ một lần) phục vụ cho việc truyền dạy tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2024 - 2030

Ban Dân tộc

Các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa TT&DL, Tài chính, Tư pháp, VP UBND tỉnh, UBND các huyện, các cơ quan, đơn vị liên quan

Năm 2024

Tháng 4/2024

1. Trình UBND tỉnh phê duyệt tài liệu truyền dạy tiếng DTTS (07 tài liệu cho 07 ngôn ngữ)

Ban Dân tộc

Các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa TT&DL, Hội VHNT, các cơ quan, đơn vị liên quan

2. Tham mưu UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ thù lao cho người truyền dạy tiếng DTTS, hỗ trợ kinh phí cho các thôn/bản để mua sắm bảng phấn tiêu chuẩn (mỗi thôn chỉ hỗ trợ một lần) phục vụ cho việc truyền dạy tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2024 - 2030

Ban Dân tộc

Các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa TT&DL, Tài chính, Tư pháp, VP UBND tỉnh, UBND các huyện, các cơ quan, đơn vị liên quan

Tháng 5/2024

1. Ban hành văn bản hướng dẫn UBND các huyện, các xã, thị trấn tổ chức lớp học tiếng DTTT trong cộng đồng

Ban Dân tộc

UBND các huyện, các cơ quan, đơn vị liên quan

2. Ban hành văn bản hướng dẫn UBND các huyện, các xã, thị trấn, các trường học vùng đồng bào DTTS&MN tổ chức lớp học tiếng DTTS trong trường học

Sở Giáo dục và Đào tạo

Ban Dân tộc, UBND các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang

Tháng 6/2024

1. Tổ chức tập huấn cho lực lượng truyền dạy tiếng DTTS (đối tượng là giáo viên người DTTS) - Lớp 1

Ban Dân tộc

Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, các cơ quan, đơn vị liên quan

2. Tổ chức tập huấn cho lực lượng truyền dạy tiếng DTTS (đối tượng là nghệ nhân, NCUT, người DTTS...) - Lớp 2

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Ban Dân tộc, Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, các cơ quan, đơn vị liên quan

Từ tháng 7/2024 đến tháng 12/2024

1. Triển khai truyền dạy tiếng dân tộc trong các trường học vùng đồng bào DTTS&MN

Sở Giáo dục và Đào tạo

Ban Dân tộc, UBND các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang

2. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định về tiêu chí tổ chức lớp học tiếng DTTS thành tiêu chí điểm cộng khi bình xét thi đua của phong trào Toàn dân ĐKXD đời sống văn hóa ở khu dân cư vùng đồng bào DTTS&MN

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

UBND các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, các xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS&MN

Năm 2025

Từ tháng 01/2025 đến tháng 12/2025

1. Duy trì thường xuyên việc dạy và học tiếng dân tộc trong các trường học vùng đồng bào DTTS&MN

Sở Giáo dục và Đào tạo

Ban Dân tộc, UBND các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang; các trường học vùng đồng bào DTTS&MN

2. Mỗi xã vùng đồng bào DTTS&MN chọn 01 thôn/bản để tổ chức thí điểm 01 lớp học tiếng dân tộc trong cộng đồng và rút kinh nghiệm cho triển khai những năm sau

Ban Dân tộc

UBND các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, các xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS&MN (làm điểm)

Giai đoạn 2026- 2030

Từ năm 2026 đến hết năm 2030

1. Duy trì thường xuyên việc dạy và học tiếng dân tộc trong các trường học vùng đồng bào DTTS&MN

Sở Giáo dục và Đào tạo

Ban Dân tộc, UBND các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang

2. Tổ chức các lớp học mới trong cộng đồng và duy trì thường xuyên việc dạy và học tiếng dân tộc trong cộng đồng đối với các thôn/bản đã tổ chức được các lớp học tiếng DTTS

Ban Dân tộc

UBND các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, các xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS&MN

Quý 4/2026

Sơ kết 03 năm thực hiện Đề án

Ban Dân tộc

Các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa TT&DL, UBND các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, cơ quan, đơn vị liên quan

Quý 4/2030

Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án

PHỤ LỤC V

XÁC ĐỊNH NHU CẦU HỌC TIẾNG DTTS CHIA THEO TỪNG LỨA TUỔI VÙNG ĐỒNG BÀO DTTS&MN
(Kèm theo Quyết định số 1175/QĐ-UBND ngày 25 tháng 10 năm 2023 của UBND tỉnh Bắc Giang)

ĐVT: Người

STT

Thành phần dân tộc

Tổng số 6 TP DTTS ở 73 xã vùng DTTS&MN

Tỷ lệ (%)

Lứa tuổi từ 11- 19

Lứa tuổi từ 20- 40

Tổng số người có nhu cầu học (11- 40T)

Tổng số

Số có nhu cầu học

Tỷ lệ (%)

Tổng số

Số có nhu cầu học

Tỷ lệ (%)

1

Nùng

85.079

38,77

13.868

13.148

94,81

30.628

22.460

73,33

35.608

2

Tày

46.587

21,23

6.988

6.988

100,00

13.464

9.180

68,18

16.168

3

Sán Dìu

29.152

13,28

4.489

3.971

88,46

10.524

5.638

53,57

9.609

4

Sán Chay

28.131

12,82

4.332

4.332

100,00

10.015

6.009

60,00

10.341

5

Hoa

19.425

8,85

2.855

2.855

100,00

7.071

4.861

68,75

7.716

6

Dao

11.095

5,06

1.931

1.931

100,00

4.227

2.959

70,00

4.890

Cộng

219.469

100

34.463

33.225

96,41

75.929

51.106

67,31

84.331



(1) Để đưa môn học tiếng dân tộc vào dạy trong trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: Các Trường TH, THCS, THPT... tổng hợp nhu cầu học tiếng DTTS, báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo. Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp nhu cầu học tiếng DTTS của người học, căn cứ vào các điều kiện tổ chức dạy học cụ thể của địa phương xây dựng kế hoạch và tham mưu UBND cấp tỉnh để lập hồ sơ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận việc dạy học tiếng DTTS trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn và Bộ thông báo bằng văn bản cho UBND cấp tỉnh trong thời gian 30 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. UBND cấp tỉnh sau khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận thì ban hành Quyết định về việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

(2) Theo Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 - 2020 (tháng 6/2021).

(3) Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới phê duyệt được 08 tài liệu dạy học tiếng DTTS lớp 1, nhưng không có ngôn ngữ của các thành phần DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

(4) Báo cáo kết quả điều tra tháng 5/2023 về thực trạng sử dụng và nhu cầu học tiếng dân tộc trong cộng đồng của Tổ điều tra thống kê.

(5) Sở VHTTDL: Báo cáo công tác bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016- 2020 (Tháng 6/2021).

(6) Căn cứ Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông. Theo đó: Bậc TH sẽ học 17-18 buổi, mỗi buổi học 4 tiết, mỗi tiết học 35 phút; bậc THCS và THPT học 30 buổi, mỗi buổi tương ứng 4 tiết, mỗi tiết học 45 phút.

(7) Theo kết quả rà soát nhu cầu học tiếng dân tộc trong cộng đồng vùng DTTS&MN (tháng 5/2023) có 84.331 người; trong đó số người từ 20-40 tuổi là 75.929 người, từ 11-19 tuổi là 34.463 người.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1175/QĐ-UBND ngày 25/10/2023 phê duyệt “Đề án bảo tồn, phát huy tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.026

DMCA.com Protection Status
IP: 13.58.221.124
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!