THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1008/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT
AN TOÀN KHU (ATK) ĐỊNH HÓA GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH THÁI NGUYÊN
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày
19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29
tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa
ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24
tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng
6 năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng
6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 166/2018/NĐ-CP
ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục
lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch
sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch tại các văn bản: số 149/TTr-BVHTTDL ngày 04 tháng 8
năm 2021 và số 1818/BVHTTDL-DSVH ngày 03 tháng 6 năm 2021,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di
tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa gắn với phát triển du lịch tỉnh
Thái Nguyên, với những nội dung sau đây:
I. PHẠM VI, QUY MÔ VÀ
MỤC TIÊU QUY HOẠCH
1. Phạm vi, quy mô
và ranh giới lập quy hoạch
a) Quy mô quy hoạch: Tổng diện tích lập
quy hoạch là 197 ha, thuộc địa bàn các xã: Phú Đình, Điềm Mặc, Định Biên, Bảo
Linh, thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và các khu vực cảnh
quan, di tích phụ cận có liên quan; trong đó:
- Khu vực bảo vệ của di tích, có diện
tích là 47,83 ha.
- Khu vực mở rộng bảo vệ cảnh quan,
phát huy giá trị di tích phục vụ du lịch, có diện tích là 149,17 ha (theo Quyết
định số 419/QĐ-TTg ngày 17 tháng 03 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc
phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh Thái Nguyên
- Tuyên Quang - Bắc Kạn và quy hoạch nông thôn mới của các xã liên quan).
b) Phạm vi và ranh giới quy hoạch
- Tại xã Phú Đình:
+ Cụm Di tích trung tâm xã Phú Đình,
có diện tích 115,50 ha; bao gồm 05 di tích thành phần: Di tích Bác Hồ ở Khuôn
Tát (gồm các điểm di tích: cây đa, đoạn suối Khuôn Tát, nhà sàn và hầm ở đồi Nà
Đình); di tích nơi ở và làm việc của Bác Hồ trong giai đoạn 1948 - 1954 tại đồi
Tỉn Keo; thắng cảnh thác Khuôn Tát; địa điểm đồi Pụ Đồn, nơi Bác Hồ chủ trì lễ
phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp năm 1948 và Khu tưởng niệm
Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ranh giới được xác định: Phía Đông
giáp khu dân cư thôn Tỉn Keo; phía Tây giáp khu dân cư thôn Đèo De; phía Nam
giáp đất rừng đặc dụng thôn Đèo De; phía Bắc giáp đất rừng đặc dụng thôn Khuôn
Tát.
+ Nơi ở và làm việc của Tổng Bí thư
Trường Chinh giai đoạn 1951 - 1953 tại đồi Nà Mòn có diện tích 34,10 ha.
Ranh giới được xác định: Phía Đông
giáp khu dân cư thôn Đồng Hoàng; phía Tây giáp khu dân cư thôn Đồng Hoàng và đất
rừng; phía Nam giáp quốc lộ 264 và hồ Tý; phía Bắc giáp đất rừng sản xuất thôn
Đồng Hoàng.
+ Địa điểm làm việc của Phó Thủ tướng
Phạm Văn Đồng và một bộ phận cơ quan Văn phòng Chính phủ trong giai đoạn 1949 -
1954 tại đồi Thẩm Khen có diện tích 3,30 ha.
Ranh giới được xác định: Phía Đông
giáp đất rừng sản xuất thôn Quan Lạng; phía Tây giáp đồi chè thôn Quan Lạng;
phía Nam giáp đất rừng sản xuất thôn Phú Hà; phía Bắc giáp đất đồi chè thôn
Quan Lạng.
- Tại xã Điềm Mặc:
+ Địa điểm Tổng Bí thư Trường Chinh
và Văn phòng Trung ương Đảng làm việc giai đoạn 1947 - 1949 tại Phụng Hiển có
diện tích 5,0 ha.
Ranh giới được xác định: Phía Đông
giáp xóm Đồng Vinh 4; phía Tây và phía Nam giáp đất rừng đặc dụng xóm Đồng Vinh
4; phía Bắc giáp đất ở, đất trồng chè xóm Đồng Vinh 4.
+ Địa điểm thành lập Ủy ban kiểm tra
Trung ương có diện tích 2,70 ha.
Ranh giới được xác định: Phía Đông
giáp cánh đồng xóm Đồng Vinh 2 và 3; phía Tây giáp cánh đồng Bản Bắc 5; phía
Nam giáp đường giao thông xã và đồi Khau Cuộng; phía Bắc giáp cánh đồng Bản Bắc
5.
+ Di tích nơi ở và làm việc đầu tiên
tại Chiến khu Việt Bắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Khau Tý, xóm Bản Quyên, có diện
tích 3,50 ha.
Ranh giới được xác định: Phía Đông
giáp hồ nước và cánh đồng lúa xóm Bản Tiến; phía Tây giáp suối Khau Tý; phía
Nam giáp cánh đồng lúa Thom Hà; phía Bắc giáp cánh đồng lúa xóm Nà Cho.
+ Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt
Nam và Ủy ban Hòa bình Việt Nam ở xóm Roòng Khoa, có diện tích 18,20 ha; gồm 07
điểm di tích thành phần: Địa điểm thành lập Hội nhà báo Việt Nam; Địa điểm
thành lập Ủy ban Hòa bình Việt Nam; Di tích nơi ở và làm việc của đồng chí
Hoàng Quốc Việt; Địa điểm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Địa điểm Cơ quan Tổng bộ
Việt Minh; Nhà họp Bác Hồ ở đồi Khâu Ngoại; Cơ quan tiểu ban Nông vận Trung
ương và Hội Nông dân cứu quốc Việt Nam.
Ranh giới được xác định: Phía Đông
giáp xã Đồi Đính; phía Tây giáp đồi xóm Đồng Lá; phía Nam giáp xóm Bản Giáo;
phía Bắc giáp xóm Đồng Lá.
- Tại xã Định Biên:
+ Địa điểm thành lập Việt Nam Giải
phóng quân có diện tích 2,60 ha.
Ranh giới được xác định: Phía Đông
giáp khu dân cư thôn Làng Quặng A; phía Tây giáp khu dân cư thôn Làng Quặng B;
phía Nam giáp cánh đồng lúa Đồng Pài; phía Bắc giáp rừng đặc dụng xã Định Biên.
+ Địa điểm Báo Quân đội nhân dân ra số
đầu tiên có diện tích 3,10 ha.
Ranh giới được xác định: Phía Đông
giáp thôn Khau Điều; phía Tây giáp rừng đặc dụng và đất dân cư thôn Thâm Tắng;
phía Nam giáp rừng đặc dụng và đất dân cư thôn Làng Quặng A; phía Bắc giáp đất
trồng lúa cánh đồng Pa Kháng.
- Tại xã Bảo Linh:
Địa điểm cơ quan Bộ Tổng tư lệnh Quân
đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 1949 - 1954 và Nơi ở và làm việc của Đại tướng
Võ Nguyên Giáp tại thôn Bảo Biên, có diện tích 3,50 ha.
Ranh giới được xác định: Phía Đông
giáp đường liên xã; phía Tây giáp đất rừng sản xuất thôn Bảo Biên; phía Nam
giáp đất dân cư và đất trồng lúa thôn Bảo Biên; phía Bắc giáp đất rừng sản xuất
và đất trồng lúa thôn Bảo Biên.
- Tại thị trấn Chợ Chu: Di tích Nhà
tù Chợ Chu, có diện tích 5,50 ha, bao gồm di tích Nhà tù chợ Chu, cảnh quan
xung quanh và đường vào di tích.
Ranh giới được xác định: Phía Đông
giáp đất dân cư xã Kim Phượng; phía Tây giáp Trung tâm y tế thị trấn Chợ Chu;
phía Nam giáp đường giao thông TL254; phía Bắc giáp suối và khu dân cư xã Kim
Phượng.
2. Mục tiêu quy hoạch
a) Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá
trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, góp phần hình thành điểm
thăm quan về nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt
Nam, điểm du lịch văn hóa, lịch sử đặc sắc của tỉnh Thái Nguyên và vùng Việt Bắc.
b) Khai thác, phát huy giá trị di
tích phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng
đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa và bản sắc văn hóa địa phương; giữ gìn,
khai thác bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường, phát
triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống của người dân trong khu vực.
c) Xác định ranh giới, khoanh vùng bảo
vệ di tích. Xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu
dân cư và khu vực bảo vệ môi trường sinh thái. Tổ chức không gian, bố trí hệ thống
hạ tầng kỹ thuật (nâng cấp và xây mới) phù hợp với các giai đoạn bảo tồn, phát
huy giá trị di tích.
d) Định hướng kế hoạch, lộ trình và
các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, bảo quản, tu bổ và phát
huy giá trị di tích và các khu vực phụ cận phù hợp với Quy hoạch được duyệt và
các quy hoạch có liên quan.
đ) Tạo căn cứ pháp lý để quản lý và bảo
vệ di tích; lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án thành phần bảo quản,
tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; xây dựng các quy định để quản lý,
kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan di tích và các khu vực liền
kề di tích, phù hợp với quy hoạch được duyệt và quy hoạch khác có liên quan.
II. NỘI DUNG QUY HOẠCH
1. Quy hoạch phân
vùng chức năng
a) Vùng bảo vệ di tích có diện tích
47,83 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I có diện tích là 16,81 ha và Khu vực bảo vệ
II có diện tích là 31,02 ha; cụ thể:
- Tại xã Phú Đình:
+ Cụm Di tích trung tâm, diện tích
18,21 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I có diện tích là 7,75 ha và Khu vực bảo vệ
II có diện tích là 10,46 ha.
. Di tích Bác Hồ ở Khuôn Tát, gồm các
điểm di tích: Cây đa, đoạn suối Khuôn Tát, nhà sàn và hầm ở đồi Nà Đình, có diện
tích 6,01 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I là 2,74 ha (Di tích Bác Hồ ở đồi Nà
Đình là 1,95 ha và di tích cây đa Khuôn Tát là 0,79 ha) và Khu vực bảo vệ II là
3,27 ha;
. Di tích Bác Hồ ở và làm việc tại đồi
Tỉn Keo, diện tích 6,38 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I là 2,09 ha và Khu vực bảo
vệ II là 4,29 ha;
. Thắng cảnh thác Khuôn Tát, diện
tích là 2,50 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I là 2,15 ha và Khu vực bảo vệ II là
0,35 ha;
. Đồi Pụ Đồn, nơi Bác Hồ chủ trì lễ
phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, diện tích 3,32 ha; trong
đó: Khu vực bảo vệ I là 0,77 ha và Khu vực bảo vệ II là 2,55 ha.
+ Nơi ở và làm việc của Tổng Bí thư
Trường Chinh tại đồi Nà Mòn, diện tích là 2,86 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I
là 1,21 ha và Khu vực bảo vệ II là 1,65 ha.
+ Địa điểm làm việc của Phó Thủ tướng
Phạm Văn Đồng và một bộ phận cơ quan Văn phòng Chính phủ tại đồi Thẩm Khen, có
diện tích là 1,61 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I là 0,34 ha và Khu vực bảo vệ II
là 1,27 ha.
- Tại xã Điềm Mặc:
+ Địa điểm Tổng Bí thư Trường Chinh
và Văn phòng Trung ương Đảng làm việc tại Phụng Hiển, diện tích là 4,95 ha;
trong đó: Khu vực khu vực bảo vệ I là 1,68 ha và Khu vực bảo vệ II là 3,27 ha.
+ Địa điểm thành lập Ủy ban kiểm tra
Trung ương, diện tích là 2,37 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I là 0,78 ha và Khu
vực bảo vệ II là 1,59 ha.
+ Nơi ở, làm việc đầu tiên tại Chiến
khu Việt Bắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đồi Khau Tý, xóm Bản Quyên, diện tích
là 3,04 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I là 1,48 ha và Khu vực bảo vệ II là 1,56
ha.
+ Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt
Nam và Ủy ban Hòa bình Việt Nam và các di tích thành phần, diện tích là 6,41
ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I là 0,61 ha (Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt
Nam là 0,20 ha, địa điểm thành lập Ủy ban Hòa Bình Việt Nam, Di tích Hội Nông
dân cứu quốc Việt Nam là 0,09 ha; Di tích Ban Nông vận Trung ương là 0,08 ha;
Nơi ở và làm việc của Đồng chí Hoàng Quốc Việt là 0,04 ha; Di tích Tổng bộ Việt
Minh là 0,08 ha; Di tích Nhà họp Bác Hồ là 0,12 ha) và Khu vực bảo vệ II là
5,80 ha.
- Tại xã Định Biên:
+ Địa điểm Báo Quân đội nhân dân ra số
đầu tiên, diện tích là 0,95 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I là 0,08 ha và Khu vực
bảo vệ II là 0,87 ha.
+ Địa điểm thành lập Việt Nam Giải phóng
quân, diện tích là 0,76 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I là 0,42 ha (đình làng Quặng
là 0,35 ha và bãi Thàn Mát là 0,07 ha) và Khu vực bảo vệ II là 0,34 ha.
- Di tích cơ quan Bộ Tổng tư lệnh
Quân đội Nhân dân Việt Nam và nơi ở làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (xã Bảo
Linh), diện tích là 3,42 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I là 0,47 ha và Khu vực bảo
vệ II là 2,95 ha.
- Nhà tù Chợ Chu (thị trấn Chợ Chu),
diện tích là 3,25 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I là 1,99 ha và Khu vực bảo vệ
II là 1,26 ha.
b) Vùng bảo vệ cảnh quan, phát huy
giá trị di tích và phục vụ du lịch, có diện tích là 149,17 ha. Bao gồm: Khu vực
phát huy giá trị di tích (trung tâm văn hóa lễ hội, khu quản lý đón tiếp, dịch
vụ du lịch...); khu du lịch sinh thái, hạ tầng kỹ thuật, rừng bao quanh di
tích, mặt nước, làng xóm... Cụ thể:
- Cụm Di tích trung tâm (xã Phú
Đình), có diện tích 97,29 ha.
- Di tích nơi ở và làm việc của Tổng
Bí thư Trường Chinh (tại đồi Nà Mòn, xã Phú Đình), có diện tích 31,24 ha.
- Di tích địa điểm làm việc của Phó
Thủ tướng Phạm Văn Đồng và một bộ phận cơ quan Văn phòng Chính phủ (tại đồi Thẩm
Khen, xã Phú Đình), có diện tích 1,69 ha.
- Di tích địa điểm Tổng Bí thư Trường
Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng làm việc, giai đoạn 1947 - 1949 (tại Phụng
Hiển, xã Điềm Mặc), có diện tích 0,05 ha.
- Địa điểm thành lập Ủy ban kiểm tra
Trung ương (xã Điềm Mặc), có diện tích 0,33 ha.
- Di tích nơi ở và làm việc đầu tiên
tại chiến khu Việt Bắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (đồi Khau Tý, xóm Bản Quyên, xã
Điềm Mặc), có diện tích 0,46 ha.
- Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt
Nam và Ủy ban Hòa bình Việt Nam và các di tích thành phần liên quan (xã Điềm Mặc),
có diện tích là 11,79 ha.
- Địa điểm thành lập Việt Nam Giải
phóng quân (xã Định Biên), có diện tích là 1,84 ha.
- Địa điểm Báo Quân đội nhân dân ra số
đầu tiên (xã Định Biên), có diện tích là 2,15 ha.
- Cơ quan Bộ Tổng tư lệnh Quân đội
Nhân dân Việt Nam và nơi ở làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (xã Bảo Linh),
có diện tích là 0,08 ha.
- Nhà tù Chợ Chu (thị trấn Chợ Chu),
có diện tích là 2,25 ha.
2. Định hướng quy
hoạch không gian bảo tồn, tôn tạo kiến trúc cảnh quan vùng bảo vệ di tích
a) Định hướng quy hoạch
- Các khu vực bảo vệ di tích:
+ Di dời các công trình xâm phạm khu
vực bảo vệ di tích, các công trình không phù hợp hiện có trong khu vực bảo vệ
di tích. Giữ gìn, bảo vệ và phục hồi tối đa cấu trúc không gian, cảnh quan di
tích nguyên gốc trong khu vực bảo vệ I của di tích;
+ Bảo quản, tu bổ các công trình di
tích đã được phục hồi; nghiên cứu, phục hồi một số công trình di tích gốc có
giá trị trên cơ sở căn cứ khoa học để hoàn thiện không gian di tích;
+ Bảo tồn cảnh quan núi rừng, suối
quanh di tích; trồng bổ sung các loại cây xanh phù hợp tạo không gian xanh bao
quanh di tích. Tôn tạo, chỉnh trang sân vườn và đường dạo trong khu vực bảo vệ
di tích;
+ Xây dựng một số công trình nhỏ và cần
thiết theo hình thức kiến trúc đặc trưng phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di
tích tại Khu vực bảo vệ II của di tích như: nhà đón tiếp và trưng bày, nhà vệ
sinh, quán giải khát và bán hàng lưu niệm, bãi đỗ xe nhỏ, cổng và hàng rào bảo
vệ.
- Các khu vực hạn chế xây dựng: là
các khu vực cảnh quan thiên nhiên bao quanh di tích và khu vực bảo vệ di tích.
Tại các khu vực này chủ yếu giữ gìn cảnh quan thiên nhiên núi đồi, rừng, suối,
cánh đồng và chỉ xây dựng một số công trình nhỏ phục vụ nhiệm vụ bảo vệ và phát
huy giá trị di tích.
b) Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo các điểm
di tích
- Tại xã Phú Đình:
+ Cụm di tích trung tâm xã Phú Đình:
. Khu vực Di tích Bác Hồ ở và làm việc
trong giai đoạn 1948 - 1954 tại đồi Tỉn Keo: Thực hiện bảo tồn cấu trúc không
gian các công trình di tích đã được phục hồi (Lán ở và làm việc của Bác Hồ; lán
họp; lán bảo vệ và giúp việc; lán bếp; sân thể dục thể thao; hầm trú ẩn; hào
công sự, cây dâm bụt). Bảo tồn rừng di tích trên đồi Tỉn Keo; giải tỏa các khu
vực dân cư lấn chiếm đất di tích; Tu bổ, tôn tạo cảnh quan di tích: sân, đường
dạo, các tiểu cảnh, các trang trí...; Xây dựng một số thiết chế phục vụ khách
tham quan du lịch.
Chuyển chức năng Bảo tàng ATK thành
Nhà trưng bày di tích Bác Hồ ở và làm việc trong giai đoạn 1948 - 1954 tại đồi
Tỉn Keo, dành cho trưng bày các hiện vật, các tài liệu, tác phẩm liên quan đến
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các hoạt động của Người trong thời gian ở và làm việc tại
đây.
. Khu vực Di tích Bác Hồ ở Khuôn Tát
(gồm cây đa, đoạn suối Khuôn Tát, nhà sàn và hầm ở đồi Nà Đình):
Bảo tồn nguyên trạng cấu trúc không
gian, cảnh quan đoạn suối Khuôn Tát, nơi Bác Hồ cùng các đồng chí bảo vệ, giúp
việc sinh hoạt và câu cá. Bảo tồn rừng di tích trên đồi Nà Đình. Tu bổ, nâng cấp
các công trình di tích hiện có, gồm: Lán ở và làm việc của Bác Hồ; sân thể dục
thể thao; hầm trú ẩn; hào công sự, cây trám cổ thụ. Tu bổ, phục hồi các điểm di
tích: lán trạm gác, lán bảo vệ, giúp việc và họp, lán bếp, giếng nước dưới chân
đồi, nơi buộc ngựa.
Tu bổ, tôn tạo cảnh quan di tích, hệ
thống sân, đường dạo; tôn tạo khu vực cây đa Khuôn Tát và sân tập thể dục thể
thao cạnh gốc cây. Giải tỏa các nhà dân xây dựng sát cây đa và đoạn suối Khuôn Tát.
Xây dựng mới một số công trình có liên quan, gồm: đình của người Dao (tại khu vực
phía sau nhà trưng bày) và một số thiết chế phục vụ khách tham quan du lịch
. Thắng cảnh Thác Khuôn Tát: Bảo tồn,
tôn tạo cảnh quan, trồng bổ sung cây xanh, thiết lập một số đường dạo, điểm dừng
chân, ngắm cảnh.
. Di tích Địa điểm đồi Pụ Đồn, nơi
Bác chủ trì lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp vào năm
1948
Bảo tồn nguyên trạng rừng tự nhiên
trên đồi Pụ Đồn. Tôn tạo cảnh quan chung toàn khu, thiết lập một số đường dạo
lên đồi Pụ Đồn, bố trí tháp ngắm cảnh trên đồi. Tu bổ, phục hồi Hội trường lớp
học, nơi tổ chức sự kiện lễ phong quân hàm Đại tướng, kết hợp với việc trưng
bày các hiện vật, tranh, ảnh, tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị tướng
lĩnh được phong quân hàm tại đây. Phục hồi các trận địa bảo vệ trên đồi Pụ Đồi.
Xây dựng Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh. Di chuyển một
số nhà dân trong khu vực bảo vệ di tích, tạo cảnh quan di tích trọn vẹn.
. Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
(trên đỉnh Đèo De): Cải tạo cảnh quan chung toàn khu; Thiết lập một số diện
tích để các đồng chí lãnh đạo Nhà nước trồng cây lưu niệm trong các ngày lễ, sự
kiện.
+ Di tích nơi ở và làm việc của Tổng
Bí thư Trường Chinh giai đoạn 1951 - 1953 tại đồi Nà Mòn:
Tu bổ, tôn tạo các công trình di tích
hiện có, gồm: Lán ở và làm việc của đồng chí Trường Chinh; hầm trú ẩn. Khôi phục
một số di tích khi có đủ tư liệu khoa học, gồm: Lán ở của thư ký, bảo vệ; lán
Văn phòng Trung ương Đảng; lán tổ điện đài; lán làm việc của Báo Sự thật; bếp
ăn; lán cảnh vệ. Tôn tạo cảnh quan, sân vườn, đường dạo bao quanh di tích. Xây
dựng mới một số công trình dịch vụ, nhà đón tiếp và trưng bày và các công trình
hạ tầng khác .
+ Địa điểm làm việc của Phó Thủ tướng
Phạm Văn Đồng và một bộ phận cơ quan Văn phòng Chính phủ giai đoạn 1949 - 1954
tại đồi Thẩm Khen
Bảo quản, tu bổ các công trình di
tích đã được phục hồi: Nhà ở và làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng, hầm trú ẩn.
Bảo tồn nguyên trạng cảnh quan rừng cọ trên đồi di tích. Tôn tạo, chỉnh trang
không gian cảnh quan di tích, sân vườn, đường dạo. Xây dựng mới một số công
trình phụ trợ như: bãi đỗ xe; cổng vào toàn khu và hàng rào bảo vệ.
- Tại xã Điềm Mặc:
+ Di tích Địa điểm Tổng Bí thư Trường
Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng làm việc giai đoạn 1947 - 1949 tại Phụng Hiển:
Xây dựng lại bia tưởng niệm. Tôn tạo
cảnh quan di tích, sân vườn, đường dạo; trồng bổ sung cây xanh. Xây dựng mới một
số công trình phụ trợ và phát huy giá trị di tích: Nhà đón tiếp kết hợp trưng
bày; các phù điều, biểu tượng khắc hoạ lại quá trình Tổng Bí thư Trường Chinh ở
và làm việc tại Phụng Hiển; bãi đỗ xe; các công trình dịch vụ, cổng và hàng rào
toàn khu;
+ Địa điểm thành lập Ủy ban kiểm tra
Trung ương:
Mở rộng ranh giới khu vực bảo vệ di
tích bao gồm toàn bộ diện tích đồi Pụ Miếu. Tôn tạo bia di tích trên đồi Pụ Miếu;
phục hồi Nhà dài; phục hồi Nhà làm việc của đồng chí Nguyễn Lương Bằng; bảo tồn
cây Gội cổ thụ.
Cải tạo Nhà cộng đồng phù hợp với kiến
trúc địa phương, hài hòa với cảnh quan và các di tích gốc. Tôn tạo sân vườn, đường
dạo, trồng bổ sung cây xanh xung quanh tạo không gian riêng cho di tích. Xây dựng
một số công trình phát huy giá trị di tích và dịch vụ du lịch; xây dựng mới bãi
đỗ xe.
+ Di tích nơi ở và làm việc đầu tiên
tại chiến khu Việt Bắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Khau Tý, xóm Bản Quyên:
Bảo tồn các công trình di tích đã được
phục hồi: Nhà ở và làm việc của Bác Hồ, lán bếp, hầm trú ẩn. Bảo tồn cảnh quan
rừng cọ, đồi chè trên đồi thuộc khu di tích, đặc biệt là các cây xanh có giá trị
và ý nghĩa lịch sử như rặng dâm bụt, cây trám, cây đa.
Tôn tạo, chỉnh trang sân vườn, đường
dạo, trồng bổ sung cây xanh tạo cảnh quan. Cải tạo, nâng cấp các công trình hạ
tầng kỹ thuật hiện có trong khu vực. Xây dựng mới một số công trình phụ trợ:
nhà dịch vụ ở khu vực sân chính và quán nghỉ ở bên suối Đình; bãi đỗ xe tại lối
vào di tích đồi Khau Tý.
+ Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt
Nam và Ủy ban Hòa bình Việt Nam và các di tích thành phần:
Mở rộng ranh giới khu vực bảo vệ di
tích nhằm bảo vệ cảnh quan khu vực quanh các bia di tích; phục hồi Hội trường
tám mái; cải tạo Nhà trưng bày hiện trạng phù hợp với kiến trúc truyền thống địa
phương và cảnh quan xung quanh. Tôn tạo, xây dựng mới các bia di tích: Đồng chí
Hoàng Quốc Việt, Tổng bộ Việt Minh; Nhà họp Bác Hồ và Ban Nông vận Trung ương.
Tôn tạo cảnh quan di tích, sân vườn, đường dạo, trồng bổ sung cây xanh tạo
không gian riêng cho di tích. Xây dựng bổ sung các công trình phát huy giá trị
di tích, nhà đón tiếp và bãi đỗ xe.
- Tại xã Định Biên:
+ Di tích địa điểm thành lập Việt Nam
giải phóng quân: Bảo tồn cấu trúc không gian công trình di tích đình làng Quặng,
khu bãi Thàn Mát. Khôi phục khu vực lớp học Hương Sư và cải tạo đài tưởng niệm.
Bố trí khu vực đón tiếp và bãi đỗ xe tại ngã ba đường liên xã, phía trước đình
làng Quặng.
+ Địa điểm Báo Quân đội Nhân dân ra số
đầu tiên:
Nghiên cứu, phục hồi (theo tư liệu
khoa học) di tích Nhà ở của đồng chí Lê Quang Đạo và Nhà làm việc của tòa soạn
báo và xưởng in. Cải tạo, nâng cấp biểu tượng, tượng kỷ niệm nơi Báo Quân đội
nhân dân ra số đầu tiên.
Di chuyển vị trí Nhà văn hóa xóm sang
vị trí mới (theo quy hoạch nông thôn mới) để hoàn trả không gian cảnh quan di
tích. Xây dựng cổng và tuyến đường mới kết nối đến di tích; bố trí khu vực đón
tiếp và bãi đỗ xe bên tuyến đường liên xã.
- Địa điểm cơ quan Bộ Tổng tư lệnh
Quân đội Nhân dân Việt Nam giai đoạn 1949 - 1954 và Nơi ở, làm việc của Đại tướng
Võ Nguyên Giáp (xã Bảo Linh):
Bảo tồn cấu trúc không gian các công
trình di tích đã được phục hồi, gồm: Nhà làm việc, phòng họp của Đại tướng, hào
và hầm trú ẩn. Phục hồi một số không gian lịch sử gắn với di tích như: vườn
rau, ao cá, bãi lau sậy... Bảo tồn nguyên trạng rừng tự nhiên đồi Đỏn Mỵ; trồng
bổ sung các loài cây bản địa; tôn tạo cảnh quan từ đường liên xã vào đến chân đồi
Đỏn Mỵ. Xây dựng không gian tưởng niệm, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Đại
tướng Võ Nguyên Giáp trong thời gian sống và làm việc tại ATK Định Hóa theo kiểu
nhà sàn, phù hợp với kiến trúc truyền thống của địa phương.
- Di tích Nhà tù Chợ Chu (Thị trấn Chợ
Chu):
Bảo tồn cấu trúc không gian di tích gốc
và nền móng các công trình hiện có; bảo tồn nguyên trạng các khu vực cảnh quan
liên quan gồm diện tích rừng, hồ, suối tự nhiên. Tôn tạo cảnh quan, đường dạo. Xây
dựng mới khu tiếp đón tại phía Tây Nam khu vực quy hoạch.
Phục hồi không gian Nhà tù Chợ Chu,
bao gồm 03 khu vực chính: Khu tù nhân, Khu lính và Khu Đồn trưởng. Nghiên cứu,
phục dựng một số không gian lịch sử tiêu biểu khác trên cơ sở các tài liệu khoa
học, nhân chứng lịch sử và các dấu tích còn lại.
c) Quy hoạch phát triển không gian
khu vực phát huy giá trị di tích:
Bố cục không gian tự do, đường nét
quy hoạch tự nhiên; hình thức kiến trúc của các công trình xây dựng mới bảo đảm
hài hoà với không gian cảnh quan bản địa và không gian các di tích; các công
trình xây dựng thấp tầng; khuyết khích sử dụng hình thức kiến trúc mang bản sắc
văn hóa địa phương.
- Khu vực phát huy giá trị di tích
chính nằm tại Cụm Di tích trung tâm xã Phú Đình (Trung tâm đón tiếp ATK) bao gồm:
Khu đón tiếp khách du lịch, Nhà làm việc Ban quản lý khu di tích ATK Định Hoá;
Khu trưng bày và triển lãm các tác phẩm nghệ thuật; Khu lưu trú cho khách du lịch;
Khu vui chơi và lễ hội; Khu Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và bãi đỗ xe;.
- Khu vực phát huy giá trị di tích tại
các điểm di tích thành phần: Giữ gìn, tôn tạo, chỉnh trang cảnh quan, không
gian cây xanh, mặt nước. Xây dựng một số công trình dịch vụ, bán hàng lưu niệm;
không gian tái hiện và ca ngợi công lao, thành tựu của các cơ quan, các đồng
chí lãnh đạo và các chiến sỹ đã từng sống và làm việc tại địa điểm có di tích;
tổ chức lại giao thông đường vào và hệ thống hạ tầng kỹ thuật kèm theo.
- Các khu vực dân cư hiện trạng và
khu tái định cư: Tổ chức lại hoặc bố trí tại các vị trí phù hợp với quy hoạch
xây dựng và quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt. Chỉnh trang cảnh quan
chung; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường; quản lý hoạt động
xây dựng và kiến trúc trong khu vực. Khuyến khích xây dựng các cơ sở dịch vụ,
lưu trú du lịch theo hình thức lưu trú tại nhà dân (homestays).
3. Định hướng phát
huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững
a) Về các sản phẩm du lịch chủ yếu:
- Tập trung phát triển các loại hình,
sản phẩm du lịch chủ đạo dựa trên tiềm năng về tài nguyên tự nhiên và văn hóa sẵn
có của khu vực, gồm: Tham quan di tích văn hóa - lịch sử, di chỉ khảo cổ, du lịch
sinh thái, du lịch tìm hiểu văn hóa bản địa; các sản phẩm du lịch gắn với các
giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương. Khuyến khích các sản phẩm du
lịch do người dân địa phương tổ chức quản lý và khai thác theo hướng mỗi bản, mỗi
điểm di tích một sản phẩm du lịch đặc trưng.
- Nâng cao nhận thức của người dân và
doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm du lịch. Cải thiện, nâng cao chất lượng các
sản phẩm du lịch hiện có, đồng thời có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng
của các sản phẩm du lịch mới phát triển. Tổ chức các hoạt động văn hóa truyền
thống, sinh hoạt văn nghệ dân gian và các hoạt động mang tính định kỳ khác tại
di tích nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao trải nghiệm cho du khách.
- Tổ chức tuyên truyền, quảng bá hình
ảnh Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa: Mở rộng các chương trình giới
thiệu, quảng bá khu di tích trên các phương tiện truyền thanh, truyền hình,
phim, ảnh, sách báo, tạp chí, các phương tiện thông tin truyền thông ở trong và
ngoài nước.
b) Về xây dựng tuyến, điểm du lịch: Lấy
Cụm di tích trung tâm và các điểm di tích thành phần thuộc Di tích quốc gia đặc
biệt ATK Định Hóa và các di tích phụ cận là hạt nhân trong phát triển du lịch;
hình thành các tuyến du lịch như sau:
- Tuyến du lịch nội tỉnh kết nối Cụm
Di tích Trung tâm (xã Phú Đình) với các điểm di tích nội khu: Đồi Tỉn Keo - Đồi
Pụ Đồn - Thác Khuôn Tát - Đồi Nà Đình; Đồi Tỉn Keo - Đồi Khau Tý; Đồi Đỏn Mỵ
(Cơ quan Bộ Tổng tư lệnh); Thác Khuôn Tát - Bản du lịch cộng đồng người Dao; Đồi
Khau Tý - Bản du lịch cộng đồng Bản Quyên - Hồ Bảo Linh;
- Tuyến du lịch chuyên đề về lễ hội kết
nối Cụm Di tích Trung tâm xã Phú Đình (Lễ hội Lồng Tồng) với Hồ Núi Cốc, Lễ hội
Chùa Hang (Chợ Chu).
- Tuyến du lịch ngoại tỉnh:
+ Tuyến du lịch kết nối liên vùng
ATK: Định Hóa (Thái Nguyên) - Tân Trào (Tuyên Quang) - Chợ Đồn (Bắc Kạn);
+ Tuyến du lịch kết nối Di tích quốc
gia đặc biệt ATK Định Hóa (Thái Nguyên) với các tuyến du lịch quốc gia, quốc tế
qua khu vực này kết nối tới các điểm du lịch quan trọng của khu vực và cả nước,
như: hồ Ba Bể (Bắc Kạn); vườn quốc gia Na Hang (Tuyên Quang), khu di tích Đền
Hùng (Phú Thọ), vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc), hồ Thủy điện Thác Bà (Yên
Bái), hang Pắc Bó, thác Bản Giốc (Cao Bằng)...
c) Về xây dựng cơ sở vật chất du lịch,
phát triển nguồn nhân lực:
- Thực hiện đa dạng hóa hệ thống cơ sở
lưu trú: Xây dựng cơ sở lưu trú là nhà khách ATK, các khách sạn và nhà nghỉ,
ngoài ra có các cơ sở lưu trú tại các hộ gia đình (homestays) trong khu vực.
Phát triển hình thức du lịch cộng đồng tại các bản làng người Dao (Khuôn Tát),
bản Quyên (Điềm Mặc)...
- Xây dựng các cơ sở dịch vụ phục vụ
khách du lịch tại di tích các xã Phú Đình, Điềm Mặc, Định Biên, Bảo Linh và thị
trấn Chợ Chu và tại các di tích lân cận của huyện Định Hóa; cơ sở văn hóa, thể
dục thể thao (sân lễ hội, các nhà văn hóa), nhà trưng bày, nhà truyền thống tại
các di tích.
- Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch:
Đào tạo nguồn nhân lực có đủ trình độ kiến thức về văn hóa, lịch sử để hướng dẫn
khách tham quan và tham gia các hoạt động trải nghiệm. Hình thành các nhóm, tổ
chức cung cấp các dịch vụ và hàng hóa du lịch, các đội văn nghệ, các nhóm sinh
vật cảnh, nghề truyền thống, văn hóa dân gian... Khuyến khích nhân dân trong
vùng tham gia các hoạt động du lịch, phát triển du lịch cộng đồng.
d) Về bảo vệ tài nguyên du lịch:
- Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cảnh
quan di tích thông qua quản lý quy hoạch phát triển xây dựng, kinh tế - xã hội
của người dân; quản lý chặt các dự án lâm nghiệp, nông nghiệp, bảo đảm không
làm thay đổi lớn hoặc mất đi vẻ đẹp thiên nhiên xung quanh di tích.
- Thực hiện tốt công tác kiểm kê, lập
hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tại các xã trong Khu di tích, đề xuất
phương án bảo tồn, phát huy giá trị. Tăng cường quản lý nhà nước, gắn trách nhiệm
của các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân nhằm thực hiện xã hội hóa công
tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
- Tăng cường tuyên truyền về bảo tồn
văn hóa phi vật thể cho người dân, kết hợp với việc lồng ghép vào các
chương trình giảng dạy trong nhà trường, tổ chức sinh hoạt trong cộng đồng hay
tại nhà trưng bày trong di tích. Đồng thời có giải pháp bảo quản tư liệu về
di sản văn hóa phi vật thể.
4. Quy hoạch hạ tầng
kỹ thuật
a) Hệ thống giao thông: Quy hoạch hệ
thống giao thông trên cơ sở nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang các tuyến đường hiện
có, chỉ xây dựng một vài tuyến mới phục vụ hoạt động chung của toàn khu.
- Mật độ xây dựng hệ thống giao thông
đường bộ trong khu vực ở mức tối thiểu. Các tuyến đường chỉ phục vụ việc vận
chuyển khách bằng xe điện và công tác cứu hỏa, nhằm hạn chế ảnh hưởng tới hệ
sinh thái.
- Xây dựng mới, chỉnh trang một số
tuyến đường nội bộ, kết nối các điểm di tích thành đường dạo, đường đi bộ kết nối
các khu chức năng.
b) Quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật: San nền,
đào đắp cục bộ phục vụ việc tu bổ, tôn tạo di tích, hạn chế làm biến dạng địa
hình chung. Khu vực san lấp có diện tích lớn là nơi xây dựng điểm, bãi đỗ xe tập
trung, sân và đường trục cảnh quan, phù hợp với kiến trúc cảnh quan, bảo đảm
tiêu, thoát nước.
c) Hệ thống cấp, thoát nước và vệ
sinh môi trường:
- Cấp nước sạch: Sử dụng nguồn cấp nước
theo quy hoạch chung xây dựng đã được phê duyệt; bảo đảm cấp nước liên tục, cấp
đủ nước cho các hoạt động của di tích và công tác chữa cháy.
- Hệ thống thoát nước thải được bố
trí riêng hoặc chung với hệ thống thoát nước mưa tùy theo điều kiện thực tế từng
khu vực, theo nguyên tắc tự chảy, bảo đảm thoát nước triệt để từng ô đất, phù hợp
với quy hoạch thoát nước của khu vực. Nước thải được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn
trước khi xả vào hệ thống thoát nước chung.
- Chất thải rắn được thu gom thường
xuyên và đưa về các khu xử lý tập trung trên địa bàn huyện.
d) Cấp điện và thông tin liên lạc:
- Hệ thống cấp điện: Hạ ngầm các tuyến
cấp điện trong khu vực bảo vệ di tích, bảo đảm công suất cho hoạt động của toàn
khu.
- Hệ thống thông tin liên lạc: Bảo đảm
thông tin liên lạc trong toàn khu hoạt động ổn định và đấu nối được với tuyến
cáp quốc gia. Thiết lập mạng lưới internet kết hợp giữa lưới truyền dẫn và các
điểm phát wifi.
đ) Chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây
dựng:
- Chỉ giới đường đỏ các tuyến đường
quy hoạch được xác định trên cơ sở tọa độ tim đường, mặt cắt ngang điển hình và
các yếu tố kỹ thuật khống chế ghi trực tiếp trên bản vẽ. Hành lang bảo vệ các
tuyến hạ tầng kỹ thuật tuân thủ theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn quy phạm ngành.
- Chỉ giới xây dựng được xác định để
bảo đảm các yêu cầu về an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy và kiến trúc cảnh
quan; chỉ giới xây dựng cụ thể của từng công trình được xác định theo quy định
của Quy chuẩn xây dựng Việt Nam.
5. Xác định các nhóm
dự án thành phần, dự án trọng điểm ưu tiên đầu tư
a) Các nhóm dự án thành phần:
- Nhóm dự án khoanh vùng bảo vệ di
tích, giải tỏa vi phạm di tích; cắm mốc giới bảo vệ di tích; đền bù giải phóng
mặt bằng và rà phá bom mìn.
- Nhóm dự án bảo quản, tu bổ và phục
hồi di tích: Thực hiện trong khu vực bảo vệ di tích đối với công trình di tích
và cảnh quan thiên nhiên, gồm: công tác bảo vệ, bảo quản, tu bổ và phục hồi di
tích gốc, cải tạo, xây dựng mới công trình phục vụ phát huy giá trị di tích.
- Nhóm dự án phát huy giá trị di tích
gắn với phát triển du lịch, bao gồm các công việc hoàn thiện các khu chức năng
quản lý di tích và hạ tầng du lịch: khu tiếp đón và quản lý, khu vực tổ chức lễ
hội, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ, nhà hàng, nhà trưng
bày, nhà truyền thống; công viên cây xanh...
- Nhóm dự án xây dựng hệ thống giao
thông và hạ tầng kỹ thuật: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho
toàn khu, bao gồm: giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước thải, xử lý rác
thải rắn, hệ thống thông tin, liên lạc và các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác.
- Nhóm dự án nghiên cứu di tích, di sản
văn hóa phi vật thể liên quan: Tiếp tục kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, lập danh mục
các di sản văn hóa phi vật thể và vật thể trên địa bàn huyện Định Hóa; tổ chức
khôi phục và phát huy một số di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương phục vụ
phát triển du lịch; hỗ trợ truyền dạy và lưu giữ các giá trị văn hóa phi vật thể
tại địa phương.
- Nhóm dự án phát triển sản phẩm du lịch:
Phát triển du lịch cộng đồng xóm Khuôn Tát, xóm Bản Quyên; phát triển hàng hóa,
sản phẩm du lịch (hàng lưu niệm, sản phẩm nông lâm nghiệp); Tham gia, kết nối
vào các tour, tuyến du lịch quốc gia và quốc tế; Tuyên truyền và quảng bá giá
trị, hình ảnh, tiềm năng du lịch của khu di tích ATK Định Hóa; Nâng cao năng lực
quản lý di tích gắn với phát triển du lịch: Xây dựng quy định quản lý và cơ chế
chính sách đối với di tích và khu vực xung quanh; hoàn thiện bộ máy quản lý; bồi
dưỡng, đào tạo kỹ năng quản lý di tích, kỹ năng hoạt động du lịch cho các cán bộ
và nhân dân trong khu vực.
b) Các nhóm dự án ưu tiên đầu tư:
Nhóm dự án khoanh vùng bảo vệ di tích, giải tỏa vi phạm di tích; Nhóm dự án bảo
quản, tu bổ và phục hồi di tích; Nhóm dự án phát huy giá trị di tích gắn với
phát triển du lịch; Nhóm dự án xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật.
c) Thời gian thực hiện quy hoạch: Từ
năm 2020 đến hết năm 2030.
- Giai đoạn 2020 - 2025: Hoàn thành
các nhóm dự án khoanh vùng bảo vệ di tích, giải tỏa vi phạm di tích; bảo quản,
tu bổ và phục hồi di tích; các hạng mục quan trọng trong Nhóm dự án phát huy
giá trị di tích gắn với phát triển du lịch và Nhóm dự án xây dựng hệ thống giao
thông và hạ tầng kỹ thuật.
- Giai đoạn 2025 - 2030: Hoàn thiện
các công việc còn lại.
Thứ tự, mức độ ưu tiên đầu tư hằng
năm có thể được điều chỉnh, bổ sung căn cứ vào thực tế về bảo tồn, phát triển,
khả năng huy động, khả năng cân đối vốn và nguồn vốn cấp theo kế hoạch của
trung ương, địa phương.
d) Nguồn vốn đầu tư: Bao gồm vốn ngân
sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương và nguồn vốn xã hội hóa. Trong đó:
- Nguồn vốn Trung ương đầu tư
cho các nhóm dự án: Tổ chức khoanh vùng bảo vệ di tích, giải tỏa vi phạm di
tích; Nhóm dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích; một số hạng mục thiết yếu
tại Nhóm dự án xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật; một số hạng mục
chính tại Nhóm dự án phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.
- Nguồn vốn địa phương đầu tư cho các
nhóm dự án: Nhóm dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích; các hạng mục còn lại
thuộc Nhóm dự án phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch; Nhóm dự
án xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật; Nhóm dự án nghiên cứu di
tích và di sản văn hóa phi vật thể liên quan; tuyên truyền và quảng bá giá trị
di tích, tiềm năng du lịch; nâng cao năng lực quản lý di tích gắn với phát triển
du lịch.
- Nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho các
nhóm dự án: Nhóm dự án phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch;
Nhóm dự án phát triển sản phẩm du lịch; tham gia tuyên truyền và quảng bá giá
trị di tích, tiềm năng du lịch.
6. Giải pháp thực hiện
quy hoạch
a) Giải pháp về quản lý:
- Quản lý xây dựng, sử dụng công
trình theo đúng phân vùng quy hoạch và Quy hoạch được duyệt (chi tiết trong Hồ
sơ quy hoạch được duyệt). Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và nâng cao năng lực của
đơn vị được giao quản lý di tích.
- Tăng cường sự phối hợp giữa chính
quyền địa phương các cấp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và
cộng đồng dân cư trên địa bàn làm tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự, vệ
sinh, môi trường, xây dựng cảnh quan khu di tích xanh, sạch, đẹp.
b) Giải pháp huy động nguồn lực bảo vệ
di tích:
- Lập danh mục các dự án đầu tư thành
phần, phân loại và xác định giai đoạn thực hiện, nguồn vốn đầu tư, làm cơ sở
huy động đầu tư từ các doanh nghiệp, xã hội hóa, vốn vay... Lồng ghép các mục
tiêu đầu tư phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế miền
núi để tăng hiệu quả đầu tư chung, góp phần bảo tồn di tích và phát triển du lịch.
- Đưa vào kế hoạch đầu tư công trung
hạn, hỗ trợ và bố trí vốn hàng năm để thực hiện bảo quản, tu bổ, phục hồi các
di tích gốc và các hạng mục công trình có ý nghĩa quan trọng khác. Xây dựng
phương án huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện bảo quản, tu bổ, phục
hồi các di tích theo quy hoạch được duyệt.
c) Giải pháp phối hợp liên ngành:
- Hợp tác, xây dựng chương trình quảng
bá xúc tiến du lịch, chương trình du lịch chung cho khu vực di tích và toàn huyện
Định Hóa; các sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh, hấp dẫn. Hợp tác, liên kết tổ
chức các lễ hội, sự kiện, các ngày kỷ niệm các ngành có liên quan đến khu di
tích.
- Tăng cường liên kết giữa các ngành,
các lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách, bảo đảm triển khai
hiệu quả quy hoạch.
d) Giải pháp tuyên truyền, huy động sự
tham gia của cộng đồng:
- Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận
thức và trách nhiệm của các cấp các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng
đồng dân cư về vai trò và ý nghĩa của việc giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị di
tích, bản sắc văn hóa, lễ hội và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc gắn với
phát triển du lịch.
- Thiết lập sự kết nối của cộng đồng
dân cư quanh di tích với bảo tồn di tích và phát triển các hoạt động du lịch. Tạo
điều kiện để người dân trực tiếp tham gia vào công tác lập kế hoạch quản lý và
bảo tồn khu di tích; tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch
và phát triển các mô hình du lịch cộng đồng; tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ
rừng.
- Xây dựng quy định, định hướng quy
mô, mẫu kiến trúc cho các công trình nhà ở của người dân kế cận khu di tích để
tạo nên tổng thể không gian cảnh quan phù hợp, góp phần tôn vinh giá trị di
tích.
đ) Giải pháp phát triển nguồn nhân lực
quản lý và bảo vệ di tích:
- Đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ
quản lý văn hóa, hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại khu di tích có trình độ
kiến thức về lịch sử, cách mạng, văn hóa truyền thống, kiến trúc nghệ thuật; tổ
chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân trong việc bảo tồn
và phát huy giá trị di sản văn hóa.
- Hợp tác với cơ sở giáo dục về bảo tồn
di sản, hướng dẫn cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản; xây dựng
chương trình đào tạo về kinh doanh dịch vụ cho doanh nghiệp.
- Thực hiện các chương trình giáo dục
tuyên truyền về tầm quan trọng của việc duy trì hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp
bền vững như một nguồn tài nguyên tái tạo, làm phong phú các loại hình du lịch
cho khu vực di tích.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên
có trách nhiệm:
a) Công bố công khai Quy hoạch; tiến
hành cắm mốc giới, di dời các hộ dân trong khu vực di tích theo hồ sơ quy hoạch
được duyệt.
b) Cập nhật ranh giới diện tích Quy
hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định
Hóa vào Hồ sơ khoa học xếp hạng di tích và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của
tỉnh Thái Nguyên phù hợp với từng thời kỳ.
c) Xây dựng lộ trình thu hồi đất để
bàn giao triển khai kế hoạch bảo vệ di tích và thực hiện các dự án đầu tư thành
phần căn cứ vào điều kiện thực tế về kinh tế - xã hội của địa phương.
d) Phê duyệt các nhóm dự án thành phần
trên cơ sở quy hoạch được duyệt. Quản lý hoạt động bảo tồn và xây dựng theo Điều
lệ quản lý quy hoạch được duyệt.
đ) Chỉ đạo các đơn vị chức năng và chủ
đầu tư tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, bổ sung cứ liệu khoa học cho việc
lập, tổ chức thẩm định và quyết định đầu tư các nhóm dự án thành phần theo thứ
tự ưu tiên, phù hợp với khả năng cân đối và nguồn kinh phí đầu tư, trên cơ sở
quy hoạch được duyệt.
e) Chủ động cân đối nguồn vốn ngân
sách địa phương; tổ chức tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn vốn của các
tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện Quy hoạch theo đúng kế hoạch.
g) Tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng
trong phạm vi bảo vệ của di tích trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của Quy
hoạch được phê duyệt tại Quyết định này và các quy hoạch có liên quan được lập
theo quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng.
2. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch: Tổ chức thẩm định nội dung chuyên môn đối với các dự án thành
phần liên quan đến di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, di tích cấp
quốc gia thuộc nội dung Quy hoạch được duyệt. Giám sát, kiểm tra tiến độ thực
hiện quy hoạch, bảo đảm đúng mục tiêu, đúng nội dung, đúng kế hoạch được phê
duyệt.
3. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Bộ Tài chính: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Ủy ban nhân
dân tỉnh Thái Nguyên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc cân đối, bố
trí nguồn vốn để thực hiện quy hoạch phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, bảo
đảm theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các
quy định có liên quan. Kiểm tra việc thực hiện theo thẩm quyền.
4. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và
Môi trường: Kiểm tra việc thực hiện quản lý và sử dụng đất theo quy hoạch, bảo
đảm đúng quy định của pháp luật về đất đai; hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Thái
Nguyên cập nhật ranh giới diện tích Quy hoạch vào Kế hoạch sử dụng đất của tỉnh.
5. Các Bộ, ngành liên quan căn cứ chức
năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao có trách nhiệm phối hợp, theo dõi, giám
sát, tạo điều kiện hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện
Quy hoạch này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 4. Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ
tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao
thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Xây dựng;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên;
- Cục DSVH, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL);
- Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg,
TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ: TH, CN, NN, KTTH, QHĐP;
- Lưu: VT, KGVX(3).
|
KT.
THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Vũ Đức Đam
|