ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 06/2021/QĐ-UBND
|
Thành
phố Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 3 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP, TIỀN CHẤT THUỐC NỔ
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22
tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ
khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 20 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ
và công cụ hỗ trợ ngày 25 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP
ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện
pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 71/2018/NĐ-CP
ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật
Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp
và tiền chất thuốc nổ sử dụng đê sản xuất vật liệu nổ công nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 13/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Bộ Công Thương quy định về
quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản xuất vật liệu nổ công
nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 31/2020/TT-BCT
ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều Thông
tư số 13/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2018 quy định về quản lý, sử dụng vật
liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản
xuất vật liệu nổ công nghiệp;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công
Thương tại Tờ trình số 29/TTr-SCT ngày 29 tháng 01 năm 2021 và ý kiến thẩm định
của Giám đốc Sở Tư pháp tại Công văn số 2797/STP-VB ngày 12 tháng 6 năm 2020 và
Công văn số 178/STP-VB ngày 15 tháng 01 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành
Quyết định
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy
chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trên địa bàn Thành phố
Hồ Chí Minh.
Điều 2. Hiệu lực
thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể
từ ngày 10 tháng 4 năm 2021.
Điều 3. Tổ chức
thực hiện
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành
phố, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc
Công an Thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và
Xã hội, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên
phòng Thành phố, Cục trưởng Cục Hải quan Thành phố, Trưởng ban Ban Quản lý các
Khu Chế xuất và Công nghiệp, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và
các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Công Thương;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐNDTP;
- TTUB: CT, các PCT;
- VPUB: các PCVP;
- Các phòng CV, QTTV;
- Lưu: VT, (KT/Trọng).
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Văn Hoan
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP, TIỀN CHẤT THUỐC NỔ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH
PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2021/QĐ-UBND ngày
31 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban
nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
1. Quy chế này quy định về mối quan hệ
phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp
và tiền chất thuốc nổ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trên địa
bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Quy chế này không áp dụng đối với
các hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ phục vụ mục đích an
ninh, quốc phòng và trong các trường hợp khẩn cấp khác theo quy định của pháp
luật.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các cơ
quan quản lý nhà nước về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ
thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trên địa bàn Thành phố Hồ Chí
Minh.
Điều 3. Nguyên
tắc phối hợp
Công tác phối hợp quản lý nhà nước về
vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ giữa các Sở, ban, ngành liên quan
và Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân quận - huyện phải tuân thủ
đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính thống nhất, khách quan, đúng chức
năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao; phát huy được tính chủ động và trách nhiệm
của cơ quan chủ trì và các cơ quan phối hợp.
Chương II
CÁC NỘI DUNG PHỐI
HỢP QUẢN LÝ TRONG HOẠT ĐỘNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP VÀ TIỀN CHẤT THUỐC NỔ
Điều 4. Trách nhiệm
của Sở Công Thương
1. Sở Công thương là cơ quan đầu mối giúp
Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động vật
liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ
Công Thương trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
chức năng liên quan của Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện:
a) Xây dựng, sửa đổi, bổ sung và
trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quy chế phối hợp quản lý hoạt động vật
liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
theo quy định pháp luật;
b) Thanh tra, kiểm tra và xử lý các
hành vi vi phạm về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ trên
địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định pháp luật.
3. Tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn
việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp,
tiền chất thuốc nổ đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí
Minh.
4. Cấp, cấp lại hoặc thu hồi Giấy
phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho các tổ chức, cá nhân sử dụng vật liệu
nổ công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
5. Tiếp nhận Thông báo sử dụng vật liệu
nổ công nghiệp của các tổ chức, cá nhân được Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng cấp
giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, giấy phép dịch vụ nổ mìn có hoạt động
sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
6. Phê duyệt thiết kế hoặc phương án
nổ mìn của tổ chức, cá nhân sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thuộc thẩm quyền cấp
Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của Sở Công Thương và được sự đồng ý
bằng văn bản của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hoặc cơ quan quản lý khi
nổ mìn trong khu vực dân cư, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khu vực có di tích lịch
sử - văn hóa, bảo tồn thiên nhiên, công trình an ninh, quốc
phòng hoặc công trình quan trọng khác của quốc gia, khu vực bảo vệ khác theo
quy định của pháp luật. Thực hiện việc giám sát các ảnh hưởng
nổ mìn đối với công trình, đối tượng cần bảo vệ nằm trong phạm vi ảnh hưởng của
nổ mìn.
7. Quản lý chất lượng công trình xây
dựng liên quan đến bảo quản vật liệu nổ công nghiệp, tiền
chất thuốc nổ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định của pháp luật về
quản lý đầu tư xây dựng.
8. Tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng
nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ
cho các đối tượng của các tổ chức, cá nhân hoạt động vật liệu nổ công nghiệp,
tiền chất thuốc nổ theo thẩm quyền quản lý.
9. Báo cáo Bộ Công Thương, Ủy ban
nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh định kỳ 06 tháng (trước ngày 15 tháng 7) và hàng
năm (trước ngày 15 tháng 01) hoặc đột xuất về tình hình quản
lý và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trên địa bàn Thành phố
Hồ Chí Minh theo quy định.
Điều 5. Trách nhiệm
của Công an Thành phố
1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan điều tra, xử lý các vụ mất cắp, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng, mua
bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ và
các vi phạm khác theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo
quy định pháp luật.
2. Thực hiện quản lý nhà nước về an
ninh trật tự trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ.
a) Tiếp nhận hồ sơ, xem xét cấp Giấy
chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và quản lý cơ sở kinh doanh ngành,
nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo
quy định.
b) Tiếp nhận hồ sơ, xem xét cấp Giấy
phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ cho các tổ chức, cá
nhân đủ điều kiện hoạt động kinh doanh, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền
chất thuốc nổ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
c) Thực hiện công tác hướng dẫn, kiểm
tra việc thực hiện các quy định về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, việc vận
chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ của các
tổ chức, cá nhân hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trên địa bàn Thành phố theo chỉ đạo của ngành Công an.
3. Thực hiện quản lý nhà nước về công
tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong hoạt động vật liệu nổ công
nghiệp và tiền chất thuốc nổ.
a) Thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu
về phòng cháy, chữa cháy đối với kho vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ,
tiếp nhận văn bản thông báo về việc đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy
và chữa cháy trước khi đưa công trình vào sử dụng.
b) Thực hiện công tác kiểm tra, hướng
dẫn đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, phương tiện vận chuyển, việc thực hiện
các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; xử lý vi phạm
hành chính các hành vi vi phạm về phòng cháy chữa cháy đối với các cơ quan, tổ
chức, cá nhân liên quan đến quản lý, hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất
thuốc nổ trên địa bàn Thành phố theo quy định pháp luật và chỉ đạo của ngành
công an.
c) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến
thức pháp luật, huấn luyện bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn
cứu hộ và cấp giấy chứng nhận; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy
và cứu nạn cứu hộ theo quy định pháp luật.
4. Phối hợp với Sở Công Thương thực
hiện:
a) Kiểm tra địa điểm dự kiến cấp phép
sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, địa điểm xây dựng kho vật liệu nổ công nghiệp,
kho tiền chất thuốc nổ và nghiệm thu chất lượng các công trình này trước khi
đưa vào sử dụng theo đề nghị của các tổ chức, cá nhân hoạt động vật liệu nổ
công nghiệp, tiên chất thuốc nổ trên địa bàn Thành phố Hồ
Chí Minh.
b) Thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột
xuất các tổ chức, cá nhân hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ
trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
5. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi
trường giải quyết các kiến nghị, khiếu nại liên quan đến các mỏ khoáng sản có sử
dụng vật liệu nổ công nghiệp gây ảnh hưởng đến môi trường.
Điều 6. Trách nhiệm
của Sở Lao động Thương binh và Xã hội
1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và
hướng dẫn các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động thuộc phạm vi
quản lý nhà nước cho các tổ chức, cá nhân hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền
chất thuốc nổ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra
định kỳ hoặc đột xuất các tổ chức, cá nhân hoạt động vật liệu nổ công nghiệp,
tiền chất thuốc nổ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do Sở Công Thương chủ
trì.
Điều 7. Trách nhiệm
của Sở Tài nguyên và Môi trường
1. Phối hợp với Sở Công Thương và các
cơ quan chức năng giải quyết các kiến nghị, khiếu nại liên quan đến hoạt động vật
liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ tại cơ sở có sử dụng,
tồn chứa vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.
2. Phối hợp với Sở Công Thương kiểm
tra thực tế địa điểm đề nghị cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp khi có đề
nghị.
3. Tuyên truyền, phổ biến các quy định
pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất
thuốc nổ.
4. Hướng dẫn hồ sơ pháp lý về môi trường
và quản lý công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sử dụng, tồn chứa vật
liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thuộc
đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
5. Tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra
định kỳ hoặc đột xuất các tổ chức, cá nhân hoạt động vật liệu nổ công nghiệp,
tiền chất thuốc nổ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do Sở Công Thương chủ
trì.
Điều 8. Trách nhiệm
của Sở Xây dựng
1. Có văn bản lấy ý kiến của Sở Công
Thương trong công tác thẩm định thiết kế cơ sở, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết
kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công đối với các cơ sở sử dụng, tồn chứa vật
liệu nổ công nghiệp, tiên chất thuốc nổ.
2. Phối hợp với Sở Công Thương, Sở
Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các cơ quan chức
năng liên quan giải quyết các kiến nghị, khiếu nại liên quan đến hoạt động sử dụng,
tồn chứa vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ ảnh hưởng đến chất lượng,
an toàn công trình và nhà dân.
Điều 9. Trách nhiệm
của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Phối hợp với Sở Công Thương và các
cơ quan chức năng giải quyết các kiến nghị, khiếu nại liên quan đến hoạt động vật
liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân
bón có sử dụng, tồn chứa vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trên địa
bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Tuyên truyền, phổ biến các quy định
của pháp luật về quản lý vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ đối với
các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 10. Trách
nhiệm của Cục Hải quan Thành phố
Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ
quan chức năng giải quyết các kiến nghị, khiếu nại liên quan đến hoạt động sản
xuất, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trên địa bàn Thành
phố Hồ Chí Minh.
Điều 11. Trách
nhiệm của Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý Khu công nghệ
cao
1. Phối hợp với Sở Công Thương và các
cơ quan chức năng giải quyết các kiến nghị, khiếu nại liên quan đến hoạt động vật
liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ tại cơ sở có sử dụng, tồn chứa vật liệu
nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.
2. Phối hợp với Sở Công Thương kiểm
tra thực tế địa điểm đề nghị cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp khi có đề
nghị.
3. Tham gia kiểm tra, giám sát ảnh hưởng
của các tổ chức, cá nhân sử dụng, tồn chứa vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất
thuốc nổ trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa
bàn Thành phố Hồ Chí Minh do Sở Công Thương chủ trì.
Điều 12. Trách
nhiệm của Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh
Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí
Minh phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra xử lý các vụ mất cắp, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trên địa bàn biên giới biển, khu vực cửa khẩu cảng
Thành phố và quy định của pháp luật.
Điều 13. Trách
nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân quận - huyện
1. Chỉ đạo các cơ quan chức năng và Ủy
ban nhân dân phường, xã theo dõi, giám sát hoạt động vật liệu nổ công nghiệp,
tiền chất thuốc nổ trên địa bàn quản lý, báo cáo kịp thời các sự cố liên quan đến
vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trên địa bàn cho Sở Công Thương và
các cơ quan chức năng liên quan để phối hợp xử lý.
2. Phối hợp với Sở, ngành có liên
quan tham gia xử lý các tai nạn, sự cố và các vấn đề khác
xảy ra có liên quan đến hoạt động vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ
trên địa bàn.
3. Phối hợp với Sở Công Thương hoặc
cơ quan có thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các
tổ chức, cá nhân hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trên địa
bàn khi có yêu cầu.
4. Phối hợp với Sở Công Thương kiểm
tra thực tế địa điểm đề nghị cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp khi có đề
nghị.
5. Tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm về
hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiên chất thuốc nổ theo thẩm quyền hoặc đề
nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.
6. Hướng dẫn hồ sơ pháp lý về môi trường
và quản lý công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sử dụng, tồn chứa vật liệu
nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trên địa bàn thuộc đối tượng phải lập kế hoạch
bảo vệ môi trường.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Tổ chức
thực hiện
1. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối
hợp với các cơ quan liên quan phổ biến, triển khai thực hiện Quy chế này và các
quy định hiện hành của pháp luật liên quan đến hoạt động vật liệu nổ công nghiệp,
tiền chất thuốc nổ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trên địa
bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Giám đốc các Sở, ban ngành, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện và các
tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có
vướng mắc, các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân
dân quận - huyện liên quan phản ánh bằng văn bản về Sở Công Thương để tổng hợp,
báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, điều chỉnh Quy chế cho phù hợp./.