ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3038/KH-UBND
|
Phú Thọ, ngày 08
tháng 8 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ
Thực hiện Thông báo Kết luận của
Thường trực Tỉnh ủy số 715-TB/TU ngày 06/7/2022 về triển khai các Chương trình
mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND ngày
15/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ quy định về nguyên tắc, tiêu chí,
định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa
phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn
2021-2025 trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ
tướng Chính phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai
đoạn 2021-2025, nghị ; Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành Kế hoạch thực hiện
Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa
bàn tỉnh, cụ thể như sau:
Phần thứ nhất
ĐÁNH GIA KẾT QUẢ THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2021-2020
I. KẾT QUẢ
THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU
- Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ
nghèo của tỉnh hàng năm giảm bình quân 1,61% đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo,
truyền nghề đạt 70,0%, tỷ lệ lao động sau đào tạo nghề có việc làm đạt 85%;
- Số lao động được tạo việc làm
tăng thêm 79,1 nghìn người, xuất khẩu lao động trung bình 3.000 người/năm.
- Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn
huyện Tân Sơn giảm bình quân 4,23%/năm, đạt và vượt chỉ tiêu (chỉ tiêu 4%/năm);
năm 2018 huyện được công nhận thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020.
II. KẾT QUẢ
THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN THÀNH PHẦN
1. Dự án 1: Chương trình 30a
1.1. Mục tiêu: Tăng cường
cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh ở huyện nghèo; hỗ trợ
phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn
với quy hoạch sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần tăng thu nhập
và nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn; hỗ trợ đa dạng các hình thức
sinh kế phi nông nghiệp, ngành nghề dịch vụ, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa
bàn; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; tạo điều kiện cho người nghèo
tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường; tăng số lượng, nâng cao chất lượng
lao động tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tại huyện nghèo, góp phần
tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.
1.2. Kết quả thực hiện: Dưới
sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ, Chương trình 30a
trên địa bàn huyện Tân Sơn đã đạt được những kết quả nổi bật:
- Kết cấu hạ tầng được đầu tư
tương đối đồng bộ, khắc phục cơ bản tình trạng chia cắt về giao thông vào mùa
mưa lũ, tỷ lệ xã có đường nhựa đến trung tâm xã đạt 100%; tỷ lệ đường giao
thông nông thôn được cứng hóa trên 70%; 100% khu dân cư có điện lưới quốc gia.
Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo
cho trên 4.000 lượt hộ được thụ hưởng, trong đó tập trung hỗ trợ khoán chăm sóc
và bảo vệ rừng, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao gắn
với những sản phẩm chủ lực, mũi nhọn. Kinh tế tăng trưởng bình quân trên
7,5%/năm; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực; thu
nhập bình quân đầu người 20 triệu đồng (tăng 5 triệu đồng so với năm 2015).
- Lĩnh vực văn hóa, xã hội có
nhiều khởi sắc: Quy mô, mạng lưới trường lớp học phát triển cả về số lượng và đảm
bảo về chất lượng, số trường đạt chuẩn quốc gia là 48/54 trường (đạt 88,9%),
100% trẻ em 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và học sinh lớp 5
hoàn thành chương trình tiểu học. Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo và truyền
nghề đạt 49,5%, trong đó tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24,5%. Tỷ lệ hộ nghèo
giảm xuống còn 13,59% (mức giảm bình quân trên 4%/năm). Hệ thống y tế được củng
cố, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân, 17/17 trạm y tế xã đạt chuẩn
quốc gia; 98,8% dân số được cấp thẻ bảo hiếm y tế. Toàn huyện có 01 xã cơ bản đạt
chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 5 tiêu chí trở lên (6-12 tiêu chí).
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững ổn định, đời sống
vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện được nâng lên,
diện mạo nông thôn miền núi có nhiều chuyển biến tích cực.
- Công tác thông tin, truyền
thông được tổ chức thường xuyên, sâu rộng và hiệu quả, tạo được sự đồng thuận
và tham gia tích cực của các tầng lớp dân cư, nhất là người nghèo, hộ nghèo; từng
bước giúp người dân tiếp cận và vận dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản
xuất, chăn nuôi. Chủ động, tích cực huy động các nguồn lực để lồng ghép thực hiện
chương trình, theo đó tổng nguồn lực huy động ngoài các Chương trình mục tiêu
quốc gia chiếm gần 70% tổng nguồn vốn, trong đó nguồn từ tổ chức, doanh nghiệp
và nhân dân đạt trên 31.300 triệu đồng. Từ những kết quả quan trọng trên, huyện
Tân Sơn đã vươn lên, thoát nghèo và được Thủ tướng Chính phủ công nhận thoát
nghèo năm 2018, sớm 02 năm so với kế hoạch.
2. Dự án 2: Chương trình
135
2.1. Mục tiêu: Tăng cường
cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó
khăn, xã an toàn khu; các thôn, bản đặc biệt khó khăn; Hỗ trợ phát triển sản xuất
nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với quy hoạch sản xuất;
khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; góp phần giảm rủi ro thiên tai,
thích ứng biến đổi khí hậu; góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người
dân trên địa bàn.Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt
khó khăn, xã an toàn khu; các thôn, bản đặc biệt khó khăn.
2.2. Kết quả thực hiện: Chương
trình 135 được triển khai trên địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn đã mang lại
hiệu quả thiết thực, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành diện mạo
vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn đã được thay đổi toàn diện. Hệ thống
chính trị được tăng cường, quốc phòng an ninh được giữ vững. Các hộ nghèo được
tiếp cận nguồn cây, con giống, vật tư phân bón và tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng
bước cải thiện năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập. Đời sống vật
chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiếu số tiếp tục được cải thiện,
thu hẹp dần khoảng cách giữa vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn với các vùng
khác trên địa bàn.
- Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo tại
các xã đặc biệt khó khăn đạt 4%/năm; trên 90% hộ đồng bào dân tộc thiểu số có
điện, nước sinh hoạt; cơ bản xóa bỏ tình trạng nhà tạm; thu nhập bình quân đầu
người vùng dân tộc thiểu số ước đạt 21.125 nghìn/người/năm (bằng 51,78% so với
mức bình quân chung của tỉnh).
- Cơ sở hạ tầng vùng DTTS và miền
núi từng bước được cải thiện, đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế xã hội
của bà con. Tỷ lệ đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa đạt 66,2% (mục
tiêu đặt ra trên 50%).
Công tác cán bộ là người dân tộc
thiểu số được quan tâm đảm bảo tỷ lệ và cơ cấu hợp lý. 100% cán bộ công chức cấp
xã được đào tạo, 80% đạt trình độ cao đẳng trở lên. Trình độ dân trí, nguồn
nhân lực vùng DTTS được đào tạo nghề đạt 65% (chỉ tiêu trên 55%).
3. Dự án 3: Hỗ trợ phát
triển sản xuất, da dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa
bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135.
3.1. Mục tiêu: Hỗ trợ
phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp gắn với tạo việc làm theo hướng sản
xuất hàng hóa trên cơ sở quy hoạch sản xuất nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh
của địa phương; góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; góp
phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn; Hỗ trợ đa dạng
các hình thức sinh kế phi nông nghiệp, ngành nghề dịch vụ, phù hợp với điều kiện
cụ thể của địa bàn; Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; tạo điều kiện
cho người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường.
3.2. Kết quả thực hiện:
Giai đoạn 2016 - 2020, đã thực
hiện hỗ trợ 1.052 hộ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô
hình giảm nghèo trên địa bàn 33 xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135.
Nhìn chung, các địa phương đã triển khai thực hiện dự án đúng đối tượng, đúng định
mức và đạt hiệu quả thiết thực. Đồng thời, tỉnh đã thực hiện lồng ghép nhiều hoạt
động tập huấn của ngành nông nghiệp về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đã làm
thay đổi tập quán sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp người dân
nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
4. Dự án 4: Truyền thông
và giảm nghèo về thông tin
4.1. Mục tiêu: Truyền
thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo
nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực
hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; Xây dựng, củng cố hệ thống thông tin cơ sở;
tăng cường nội dung thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của nhà
nước và đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của xã hội; nâng cao khả năng tiếp
cận thông tin của người dân.
4.2. Kết quả thực hiện: Thực
hiện nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác thông tin - truyền
thông về công tác giảm nghèo cho cán bộ văn hóa - xã hội; nâng cao khả năng tiếp
cận thông tin của người dân, cộng đồng dân cư của các xã thuộc diện hưởng thụ
Chương trình bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; Tăng cường tổ chức đào tạo,
tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông
tin truyền thông cơ sở cấp huyện, xã trong tỉnh.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh 100%
xã, phường, thị trấn có trạm BTS; sóng di động phủ tới 100% xã, phường, thị trấn;
mạng viễn thông di động đã phủ sóng 3G, 4G khắp trên địa bàn toàn tỉnh. 100%
xã, phường, thị trấn có Internet băng rộng cáp quang, mạng lưới giao dịch bưu
chính được mở rộng tới cơ sở giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ.
5. Dự án 5: Nâng cao năng
lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình
5.1. Mục tiêu: Nâng cao
năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp; Thiết lập hệ thống
giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình.
5.2. Kết quả thực hiện: Công
tác đào tạo, bồi dưỡng được triển khai thường xuyên; trình độ, kỹ năng của cán
bộ giảm nghèo các cấp được nâng cao tác động tích cực đến công tác chỉ đạo hoạt
động giảm nghèo tại cơ sở.
Công tác thanh tra, kiểm tra,
kiểm toán, giám sát được thực hiện thường xuyên, đã kịp thời phát hiện và xử lý
giải quyết những phát sinh vướng mắc nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo thực hiện
Chương trình.
III. KINH
PHÍ THỰC HIỆN
Tổng huy động nguồn vốn thực hiện
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020:
2.488,471 tỷ đồng, trong đó:
+ Vốn ngân sách Trung ương (bao
gồm cả vốn TPCP): 893,921 tỷ đồng;
+ Vốn ngân sách địa phương:
888,108 tỷ đồng;
+ Vốn lồng ghép: 693,461 tỷ đồng;
+ Vốn huy động: 16,191 tỷ đồng.
IV. ĐÁNH
GIÁ CHUNG
1. Đánh giá chung
Chương trình mục tiêu quốc gia
giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 được tỉnh Phú Thọ thực hiện triển
khai đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực. Các chính sách hỗ trợ người
nghèo được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, hầu hết các chính sách, dự án của
chương trình thực hiện đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hàng
năm giảm đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững
huyện Tân Sơn (Chương trình 30a), Chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các
xã ĐBKK, xã an toàn khu, các thôn, bản ĐBKK (Chương trình 135) trên địa bàn tỉnh
đã góp phần làm chuyển biến nhanh về kinh tế - xã hội, thúc đẩy sản xuất phát
triển, đời sống vật chất, tinh thần đồng bào các dân tộc được cải thiện, góp phần
không nhỏ trong thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh.
Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ
12,04% năm 2016 xuống còn 4,34% năm 2020 (bình quân giảm trên 1,6%/năm), với gần
35.000 hộ thoát nghèo, (bình quân 7.000 hộ thoát nghèo/năm).
2. Tồn tại, hạn chế
- Công tác xây dựng kế hoạch,
báo cáo đánh giá tiến độ thực hiện một số chương trình chất lượng chưa cao, nội
dung thiếu cụ thể. Năng lực quản lý và tổ chức thực hiện của một số chủ đầu tư,
chủ dự án còn hạn chế, nhất là cấp xã;
- Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn
cao, kết quả giảm nghèo chưa thực sự vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa
các vùng, nhóm dân cư vẫn còn khoảng cách cao.
- Việc chấp hành chế độ thông
tin, báo cáo tiến độ thực hiện theo quy định chưa nghiêm, nội dung báo cáo chưa
đầy đủ; vẫn còn tình trạng đề nghị điều chỉnh, bổ sung thay đổi danh mục, quy
mô công trình; hình thức tổ chức tự quản lý, khai thác sử dụng các công trình
sau đầu tư của cộng đồng còn yếu, nguồn duy tu, bảo dưỡng từ ngân sách nhà nước
khó khăn.
- Một số cấp ủy, chính quyền địa
phương chưa nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa, nội dung của chương trình; thiếu
chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện, còn hình thức, đối phó; một
số hộ nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỉ lại.
3. Nguyên nhân
- Các văn bản, hướng dẫn của một
số Bộ, ngành quản lý chương trình, dự án chưa kịp thời, gặp khó khăn trong quá
trình phân bổ vốn, hướng dẫn và tổ chức thực hiện
- Phú Thọ là tỉnh miền núi
nghèo vốn đối ứng ngân sách tỉnh cho các chương trình mục tiêu quốc gia hạn chế,
mức sống dân cư thấp, khả năng huy động các nguồn lực từ cơ sở khó khăn. Trình
độ, năng lực quản lý của một số Chủ đầu tư còn yếu, nhất là các xã ĐBKK; phần lớn
các Ban quản lý dự án là kiêm nhiệm nên trách nhiệm chưa cao, nghiệp vụ chưa sâu,
thường giao phó cho các đơn vị tư vấn, cơ quan thẩm tra và tư vấn giám sát.
Phần thứ hai
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM
NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
I. MỤC
TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo
đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; đảm bảo hài hòa giữa
phát triển kinh tế và an sinh xã hội; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức
sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và nâng cao chất lượng cuộc
sống.
2. Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể:
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân
0,5%/năm;
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo và
truyền nghề đạt 72%.
II. PHẠM
VI, ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Phạm vi
Chương trình mục tiêu quốc gia
giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, trọng
tâm là các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao.
2. Đối tượng
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới
thoát nghèo (trong vòng 36 tháng, kể từ thời điểm hộ được cấp có thẩm quyền công
nhận thoát nghèo); ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành
viên là người có công với cách mạng; trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ
nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
- Người lao động thuộc hộ
nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
- Các tổ chức, cá nhân liên
quan.
3. Thời gian thực hiện Chương
trình: Đến hết năm 2025.
III. CÁC DỰ
ÁN THÀNH PHẦN
1. Dự án 2:
Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo
a) Đối tượng:
- Người lao động thuộc hộ
nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn
định) trên phạm vi địa bàn tỉnh. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ
nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo;
- Hộ gia đình, tổ, nhóm hợp
tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân; cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục
nghề nghiệp; trung tâm nghiên cứu, khoa học, công nghệ, kỹ thuật, cơ sở sản xuất,
kinh doanh khác; xây dựng, nhân rộng, phát triển mô hình, dự án giảm nghèo hỗ
trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự
kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế, thu nhập và chuyển giao khoa học, công
nghệ, kỹ thuật, mô hình giảm nghèo cho người nghèo. Ưu tiên hỗ trợ mô hình, dự
án giảm nghèo, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh do người khuyết tật, dân tộc thiểu
số, phụ nữ, học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát
nghèo chủ trì thực hiện;
- Tạo điều kiện để người yếu thế,
dễ bị tổn thương, có hoàn cảnh khó khăn được tham gia thực hiện mô hình, dự án
giảm nghèo.
b) Nội dung hỗ trợ:
- Xây dựng, phát triển, nhân rộng
các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,
thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế
bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; tập huấn,
chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc
làm; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, vật tư, công cụ,
máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất; xúc tiến
thương mại, tiếp cận thị trường, liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành
nghề với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới
thoát nghèo, cộng đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan
và các nội dung khác theo quy định của pháp luật; mô hình giảm nghèo gắn với quốc
phòng, an ninh;
- Tổ chức các hoạt động đa dạng
hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu
của cộng đồng; phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật.
c) Phân công thực hiện: Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan
để tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả
thực hiện theo quy định.
2. Dự án 3:
Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng
2.1. Tiểu dự án 1: Hỗ trợ
phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp a) Đối tượng:
- Người lao động thuộc hộ
nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn
định) trên phạm vi địa bàn tỉnh;
- Hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu
số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ
nghèo.
b) Nội dung hỗ trợ;
- Phát triển sản xuất nông,
lâm, ngư, diêm nghiệp: Tập huấn kỹ thuật, tư vấn chuyển giao kỹ thuật, cung cấp
cây trồng, vật nuôi, vật tư, công cụ, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn
nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và hỗ trợ khác theo quy định;
- Phát triển hệ thống lương thực,
thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng;
- Tập huấn, tư vấn quản lý tiêu
thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất
nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả.
c) Phân công thực hiện: Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát,
đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
2.2 Tiểu dự án 2: Cải
thiện dinh dưỡng
a) Đối tượng:
Trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ
nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo;
b) Nội dung hỗ trợ:
Tăng cường hoạt động cải thiện
chất lượng bữa ăn học đường và giáo dục chăm sóc dinh dưỡng; can thiệp phòng chống
thiếu vi chất dinh dưỡng; bảo vệ, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ học đường (trẻ từ
5 đến dưới 16 tuổi).
c) Phân công thực hiện: Sở Y tế
chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện; kiểm tra,
giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
3. Dự án 4:
Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững
3.1 Tiểu dự án 1: Phát
triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn.
a) Đối tượng:
- Người học nghề, lao động thuộc
hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp;
- Các doanh nghiệp, hợp tác xã,
tổ chức và cá nhân có liên quan;
- Các sở, ngành, địa phương được
giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động của tiểu dự án.
b) Nội dung hỗ trợ:
- Xây dựng các chuẩn về giáo dục
nghề nghiệp (gồm: định mức kinh tế - kỹ thuật; giá tối đa dịch vụ giáo dục nghề
nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước); phát triển chương trình, học liệu.
- Hỗ trợ khảo sát, thống kê, dự
báo nhu cầu học nghề;
- Hỗ trợ đào tạo nghề cho người
lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có
thu nhập thấp.
c) Phân công thực hiện: Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan
tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực
hiện theo quy định.
3.2. Tiểu dự án 3: Hỗ trợ
việc làm bền vững
a) Đối tượng:
- Người lao động, ưu tiên lao động
thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo;
b) Nội dung hỗ trợ:
- Về cơ sở hạ tầng, trang thiết
bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động,
hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu;
- Xây dựng cơ sở dữ liệu việc
tìm người - người tìm việc;
- Hỗ trợ giao dịch việc làm;
- Quản lý lao động gắn với cơ sở
dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác;
- Thu thập, phân tích, dự báo
thị trường lao động;
- Hỗ trợ kết nối việc làm thành
công.
c) Phân công thực hiện: Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan
tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực
hiện theo quy định.
4. Dự án 6:
Truyền thông và giảm nghèo về thông tin
4.1 Tiểu dự án 1: Giảm
nghèo về thông tin
a) Đối lượng:
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới
thoát nghèo;
- Các tổ chức và cá nhân có
liên quan.
b) Nội dung hỗ trợ:
- Nâng cao năng lực cho cán bộ
thông tin và truyền thông;
- Cung cấp dịch vụ thông tin
công cộng tại các điểm cung cấp dịch bưu chính công cộng phục vụ tiếp cận thông
tin của nhân dân ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Tăng cường cơ sở vật chất cho
hoạt động thông tin cơ sở (bao gồm cơ sở vật chất cho hoạt động của Đài truyền
thanh xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn). Trên cơ sở ứng dụng
công nghệ số, đẩy mạnh trang bị cơ sở vật chất, nền tảng cung cấp nội dung
thông tin thiết yếu cho xã hội;
- Hỗ trợ tăng cường nội dung thông
tin thiết yếu cho xã hội, ưu tiên đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc
biệt khó khăn.
c) Phân công thực hiện: Sở
Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội và các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh
giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
4.2. Tiểu dự án 2: Truyền
thông về giảm nghèo đa chiều
a) Đối tượng:
- Người nghèo, người dân tại
các địa bàn thực hiện Chương trình;
- Các tổ chức và cá nhân có
liên quan.
b) Nội dung:
- Xây dựng, tổ chức thực hiện
các chương trình, sự kiện, chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, ấn phẩm truyền
thông về giảm nghèo bền vững;
- Tuyên truyền, giáo dục, nâng
cao nhận thức và trách nhiệm các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác giảm
nghèo;
- Hỗ trợ các cơ quan báo chí,
xuất bản thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo, kịp thời giới thiệu
các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững;
- Tổ chức thực hiện phong trào
thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, biểu
dương, khen thưởng các địa phương, cộng đồng, hộ nghèo và tổ chức, cá nhân có
thành tích xuất sắc trong lĩnh vực giảm nghèo;
- Xây dựng, tổ chức thực hiện
các chương trình thông tin và truyền thông định hướng cho người dân tham gia,
thụ hưởng Chương trình; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, giáo dục
nghề nghiệp, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, y tế, giáo dục, nhà ở, nước
sạch và vệ sinh, thông tin, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội và bình đẳng giới;
- Tổ chức các hoạt động đối thoại
chính sách về giảm nghèo ở các cấp, các ngành, nhất là cơ sở;
- Phát triển hoạt động trang
thông tin điện tử về giảm nghèo.
c) Phân công thực hiện: Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông
và các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá
và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
5. Dự án 7:
Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình
5.1. Tiểu dự án 1: Nâng
cao năng lực thực hiện Chương trình
a. Đối tượng:
+ Cán bộ làm công tác giảm
nghèo các cấp, nhất là cấp cơ sở (cán bộ thôn, bản, đại diện cộng đồng, lãnh đạo
tổ nhóm, cán bộ chi hội đoàn thể, cộng tác viên giảm nghèo, người có uy tín),
chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ nữ;
+ Các tổ chức và cá nhân có
liên quan.
b. Nội dung:
+ Xây dựng tài liệu và đào tạo,
tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công
tác giảm nghèo; chú trọng các nội dung thực hiện Chương trình, giải quyết các
chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo về việc làm, giáo dục nghề
nghiệp, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch
và vệ sinh, thông tin. Nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ
làm công tác trợ giúp pháp lý, công tác xã hội, bình đẳng giới nhằm hỗ trợ hiệu
quả cho người nghèo, đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn;
+ Tổ chức học tập, trao đổi
kinh nghiệm trong và ngoài nước; tổ chức hội thảo, hội nghị và các hoạt động
khác về công tác giảm nghèo.
c) Phân công thực hiện: Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan
tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực
hiện theo quy định.
5.2. Tiểu dự án 2: Giám sát,
đánh giá
- Đối tượng:
+ Cơ quan chủ trì Chương trình
các cấp, các cơ quan chủ trì các dự án thành phần/nội dung trong các dự án
thành phần các cấp và các cán bộ được phân công phụ trách và tổ chức thực hiện
công tác giám sát, đánh giá;
+ Các tổ chức và cá nhân có
liên quan.
- Nội dung thực hiện:
+ Xây dựng khung kết quả của
Chương trình, gồm: hệ thống các mục tiêu, chỉ tiêu đánh giá kết quả thực hiện
các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo tiếp cận đa chiều; xây dựng quy
trình, chi tiết hệ thống giám sát và đánh giá, hệ thống các biểu mẫu báo cáo,
cơ chế thu thập thông tin; nội dung, cơ chế báo cáo; cách thức sử dụng thông
tin của hệ thống giám sát và đánh giá cho quản lý và tổ chức thực hiện;
+ Kiểm tra, giám sát, đánh giá
kết quả thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo định kỳ, hằng
năm hoặc đột xuất;
+ Rà soát hộ nghèo, hộ cận
nghèo hằng năm; tổ chức điều tra, đánh giá đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ ở các cấp;
+ Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu
và phần mềm quản lý dữ liệu giảm nghèo ở các cấp.
c) Phân công thực hiện: Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan
tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực
hiện theo quy định.
IV. DỰ KIẾN
TỔNG MỨC VỐN THỰC HIỆN
Tổng số 3.937.056 triệu đồng,
bao gồm:
1. Vốn trực tiếp thực hiện
Chương trình 337.056 triệu đồng:
- Vốn ngân sách Trung ương
302.056 triệu đồng;
- Vốn ngân sách địa phương
35.000 triệu đồng
2. Lồng ghép và huy động vốn
hợp pháp khác 3.600.000 triệu đồng:
- Các chương trình mục tiêu quốc
gia 2.700.000 triệu đồng
- Vốn ngân sách địa phương
800.000 triệu đồng
- Huy động khác: 100.000 triệu
đồng
V. NGUYÊN
TẮC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Đầu tư có trọng tâm, trọng
điểm và bền vững, trọng tâm là các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao; ưu tiên hỗ
trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách
mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo.
2. Thực hiện đúng tiêu chí, định
mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa
phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn
2021 - 2025.
3. Bảo đảm công khai, dân chủ,
phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người
dân. Ưu tiên các công trình sử dụng nguyên vật liệu địa phương và sử dụng lao động
tại chỗ để tạo thêm sinh kế cho người dân.
4. Phân quyền, phân cấp cho địa
phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc
điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các
dân tộc gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.
5. Tăng cường thanh tra, kiểm
tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Có biện
pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm hành
vi tham nhũng, lãng phí và các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình
VI. GIẢI
PHÁP HUY ĐỘNG VỐN
1. Huy động tối đa các nguồn lực
xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; bố trí vốn đối ứng từ ngân sách
địa phương hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế và tăng cường các nguồn huy động,
đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân
trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia, đóng góp của người dân, đối tượng
thụ hưởng.
2. Bảo đảm cân đối, bố trí, huy
động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu nguồn vốn đã được quyết định; bảo đảm tỷ
lệ vốn đối ứng của địa phương và trách nhiệm tham gia thực hiện Chương trình của
người dân, đối tượng thụ hưởng.
3. Lồng ghép nguồn lực thực hiện
các chương trình mục tiêu quốc gia, việc thực hiện các chính sách giảm nghèo
nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án, nội dung thuộc
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
VII. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội:
Chủ trì phối hợp với các Sở,
ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị triển khai
thực hiện Chương trình.
Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình của các địa phương; tổng hợp
kết quả thực hiện Chương trình, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
UBND tỉnh theo quy định.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài
chính tổng hợp, cân đối, thẩm định nguồn vốn đầu tư chương trình, dự án trên địa
bàn tỉnh theo tiến độ và kế hoạch vốn đầu tư trung hạn, hàng năm trình Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
3. Sở Tài chính: Phối hợp
với các Sở, ngành và đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn thực hiện
chương trình, dự án và chính sách giảm nghèo theo quy định về phân cấp quản lý
ngân sách nhà nước hiện hành và khả năng cân đối ngân sách của tỉnh; Phối hợp,
hướng dẫn, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững
theo quy định.
4. Các Sở, ngành có liên
quan: Các Sở, ngành có liên quan đến các tiêu chí hộ nghèo thiếu hụt các dịch
vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, tiếp cận thông
tin), xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể hỗ trợ địa phương (cấp huyện, xã)
giảm tỷ lệ hộ nghèo thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản thuộc ngành phụ trách theo
chức năng, nhiệm vụ đã được phân công.
5. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành, thị:
Xây dựng kế hoạch thực hiện
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững từng năm và giai đoạn
2021-2025, trong đó xác định chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể, phù hợp tình hình thực
tế của địa phương.
Triển khai đầy đủ các chương
trình, dự án, chính sách đầu tư hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Chỉ
đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể; thực hiện quy
trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thường xuyên và định kỳ theo quy định.
Phân công các thành viên trong
Ban chỉ đạo, các đơn vị, đoàn thể tập trung giúp đỡ các địa phương có tỷ lệ hộ
nghèo cao. Thực hiện tốt chế độ báo cáo theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện
Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa
bàn tỉnh, trong quá trình thực hiện, có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị
phản ánh về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân
dân tinh để được hướng dẫn, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ LĐTBXH (B/c);
- TT: TU, HĐND tỉnh;
- CT; các PCT UBND tỉnh;
- MTTQVN tỉnh;
- Văn phòng quốc gia giảm nghèo (Bộ LĐTB&XH);
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Chi nhánh NHCSXH tỉnh;
- Các Huyện, Thành, Thị ủy;
- UBND các huyện, thành, thị;
- CVP, các PCVP;
- CV NCTH;
- Lưu: VT, VX5.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hồ Đại Dũng
|
KẾ HOẠCH GIẢM TỶ LỆ HỘ NGHÈO GIAI ĐOẠN 2021-2025
STT
|
Huyện, thành, thị
|
Tỷ lệ hộ nghèo
|
Mức giảm năm 2022
|
Mức giảm năm 2023
|
Mức giảm năm 2024
|
Mức giảm năm 2025
|
|
CỘNG TOÀN TỈNH
|
5,88
|
0,5
|
0,5
|
0,6
|
0,4
|
1
|
TP Việt Trì
|
0,62
|
0,03
|
0,03
|
0,03
|
0,03
|
2
|
TX Phú Thọ
|
1,23
|
0,12
|
0,12
|
0,12
|
0,12
|
3
|
Huyện Đoan Hùng
|
4,58
|
0,25
|
0,25
|
0,25
|
1,22
|
4
|
Huyện Hạ Hòa
|
8,98
|
0,70
|
0,70
|
0,80
|
0,65
|
5
|
Huyện Thanh Ba
|
6,64
|
0,45
|
0,45
|
0,50
|
0,40
|
6
|
Huyện Phù Ninh
|
1,81
|
0,10
|
0,10
|
0,10
|
0,10
|
7
|
Huyện Yên Lập
|
15,24
|
1,40
|
1,40
|
1,50
|
1,40
|
8
|
Huyện Cẩm Khê
|
9,27
|
1,20
|
1,20
|
1,30
|
1,30
|
9
|
Huyện Tam Nông
|
3,01
|
0,17
|
0,17
|
0,17
|
0,15
|
10
|
Huyện Lâm Thao
|
2,56
|
0,15
|
0,15
|
0,17
|
0,15
|
11
|
Huyện Thanh Sơn
|
8,89
|
0,50
|
0,50
|
0,60
|
0,50
|
12
|
Huyện Thanh Thủy
|
3,08
|
0,30
|
0,30
|
0,30
|
0,30
|
13
|
Huyện Tân Sơn
|
18,07
|
1,70
|
1,70
|
1,72
|
1,70
|