ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 276/KH-UBND
|
Đồng Tháp, ngày
08 tháng 08 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA “VÌ NGƯỜI NGHÈO - KHÔNG
ĐỂ AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU” GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
Thực hiện Quyết định số
666/QĐ-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế
hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ
lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban nhân dân (UBND) Tỉnh ban hành Kế hoạch
tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại
phía sau”, giai đoạn 2021 - 2025 với những nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về
nhận thức và hành động, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội đối
với công tác giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội
lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no của người dân và cộng đồng.
- Thực hiện mục tiêu giảm nghèo
đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người
nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
2. Yêu cầu: Triển khai
thực hiện Phong trào thi đua từ Tỉnh đến cơ sở với nội dung, hình thức đa dạng,
phong phú, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa
phương, cơ sở; phát huy được sáng kiến của các tầng lớp nhân dân.
II. NỘI DUNG
THỰC HIỆN
Tùy theo từng nhóm đối tượng để
đề ra nội dung thi đua phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ giảm nghèo, cụ
thể như sau:
- Các sở, ngành Tỉnh, UBND huyện,
thành phố, xã, phường, thị trấn thi đua, đề ra những nội dung, giải pháp giảm
nghèo phù hợp với tình hình của đơn vị, địa phương; bố trí và huy động nguồn lực
nhằm giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu; xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt,
sáng kiến hay, dự án hiệu quả về giảm nghèo bền vững. Gắn Phong trào thi đua với
Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, đẩy mạnh thực hiện chính
sách phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Quan
tâm giải quyết tạo việc làm, các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt,
vệ sinh môi trường, thông tin và dịch vụ xã hội khác cho người nghèo.
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong Tỉnh đẩy mạnh công tác phối
hợp tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng
tham gia thực hiện Phong trào thi đua, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết
xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tiếp tục triển khai cuộc vận động
"Vì người nghèo" nhân Tháng cao điểm “Vì người nghèo” hằng năm; giám
sát bình xét thi đua thực hiện Phong trào.
- Khuyến khích doanh nghiệp và
hợp tác xã trong giải quyết việc làm, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm,
phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, hộ cận
nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhằm huy động các tập thể, cá nhân, các doanh nghiệp
có những việc làm thiết thực tham gia đóng góp công sức, trí tuệ, của cải vật
chất hỗ trợ, giúp đỡ địa phương, cơ sở, cộng đồng và các hộ gia đình thoát
nghèo bền vững.
- Khóm, ấp và cộng đồng dân cư
thi đua đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo tham gia lao động,
phát triển sản xuất, làm kinh tế giỏi, ổn định cuộc sống và từng bước làm giàu;
vận động các hộ khá giúp đỡ hộ nghèo.
- Các hộ gia đình thi đua tham
gia lao động, phát triển sản xuất, làm kinh tế, thoát nghèo bền vững và giúp đỡ
các cá nhân, hộ gia đình khác cùng thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh
phúc.
III. TIÊU
CHÍ THI ĐUA VÀ HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG
1. Tiêu chí thi đua
a) Đối với cấp Tỉnh
- Xây dựng, triển khai có hiệu
quả công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn Tỉnh; đề ra các nội dung, giải
pháp sáng tạo, đặc thù thiết thực, phù hợp với tình hình và điều kiện của địa
phương; bố trí ngân sách địa phương ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho huyện có tỷ lệ hộ
nghèo, hộ cận nghèo cao.
- Phân bổ, sử dụng kinh phí và
bố trí nguồn ngân sách đối ứng của địa phương theo quy định, giải ngân và quyết
toán đúng thời gian quy định; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, đột
xuất; chủ động, tích cực huy động các nguồn lực trong xã hội để thực hiện các mục
tiêu giảm nghèo bền vững. Có nhiều giải pháp, sáng kiến hiệu quả trong triển
khai, tổ chức Phong trào thi đua.
- Giảm quy mô hộ nghèo, hộ cận
nghèo đa chiều giảm trên 50% so với đầu kỳ.
b) Đối với cấp huyện
- Xây dựng Kế hoạch triển khai
thực hiện mang lại hiệu quả giảm nghèo trên địa bàn; đề ra giải pháp sáng tạo,
phù hợp với tình hình và điều kiện của địa phương; bố trí ngân sách địa phương.
- Sử dụng kinh phí mang lại hiệu
quả, đúng chế độ và quyết toán theo thời gian quy định. Thực hiện nghiêm túc chế
độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên.
- Quy mô hộ nghèo, hộ cận nghèo
đa chiều giảm trên 50% so với đầu kỳ.
c) Đối với cấp xã
Các xã, phường, thị trấn duy
trì đạt tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2% và quy mô hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều
giảm trên 50% so với đầu kỳ.
d) Đối với khóm, ấp
- Triển khai thực hiện có hiệu
quả chính sách, chương trình giảm nghèo trên địa bàn. Huy động nguồn lực, hỗ trợ
vốn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật để hộ nghèo phát triển sản xuất, ổn định cuộc
sống và thoát nghèo.
- Điều kiện sống, thu nhập của
người nghèo trên địa bàn được cải thiện rõ rệt, tiếp cận ngày càng thuận lợi với
các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ
sinh, thông tin.
- Quy mô hộ nghèo, hộ cận nghèo
đa chiều giảm trên 50% so với đầu kỳ.
e) Đối với hộ gia đình
- Có ý thức, trách nhiệm tự
nguyện đăng ký thoát nghèo, có nhiều sáng kiến, cách làm hay, hiệu quả trong
lao động, phát triển sản xuất, làm kinh tế và thoát nghèo bền vững; sử dụng vốn
vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đúng mục đích, trả lãi, trả gốc đúng hạn, đạt
hiệu quả sử dụng.
- Có nhiều đóng góp, hỗ trợ hiệu
quả, sáng tạo cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để phát triển
sản xuất, làm kinh tế, thoát nghèo bền vững.
đ) Cán bộ, công chức, viên
chức, người làm công tác giảm nghèo
Cán bộ, công chức, viên chức,
người làm công tác giảm nghèo có sáng kiến trong việc xây dựng, tham mưu ban
hành cơ chế, chính sách; hướng dẫn, tham gia tổ chức thực hiện công tác giảm
nghèo.
g) Các doanh nghiệp
(doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã)
- Có đóng góp thiết thực, hiệu
quả trong thực hiện công tác giảm nghèo và hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo.
- Tổ chức liên kết trong sản xuất,
kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự
tham gia của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ phát triển
các dự án, mô hình giảm nghèo phù hợp với người nghèo.
- Ngân hàng hoặc các tổ chức
tín dụng thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo,
hộ mới thoát nghèo.
2. Hình thức và tiêu chuẩn
khen thưởng
a) Hình thức khen thưởng
- Huân chương Lao động;
- Bằng khen của Thủ tướng Chính
phủ;
- Bằng khen cấp bộ, ban, ngành,
tỉnh, đoàn thể trung ương;
- Giấy khen.
b) Tiêu chuẩn khen thưởng
Căn cứ thành tích trong thực hiện
Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn
2021 - 2025, cấp thẩm quyền xét khen thưởng cho các tập thể, gia đình và cá
nhân tiêu biểu, xuất sắc được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua
khen thưởng.
IV. TIẾN ĐỘ
THỰC HIỆN
1. Năm 2021 - 2022: Phát động
trào thi đua, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện.
2. Giai đoạn 2022 - 2025: Tổ chức
thực hiện Phong trào thi đua hiệu quả, thiết thực; căn cứ vào tình hình thực tiễn
để chủ động tiến hành khen thưởng hằng năm theo thẩm quyền.
3. Năm 2023: Căn cứ vào tình
hình thực tiễn để chủ động tiến hành sơ kết giữa kỳ và khen thưởng theo thẩm
quyền.
4. Năm 2025: Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan
tham mưu UBND Tỉnh tổng kết Phong trào thi đua; tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền
xem xét, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc
trong thực hiện công tác giảm nghèo.
V. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng
các cấp phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia
giai đoạn 2021 - 2025 cùng cấp thống nhất các nội dung và biện pháp triển khai
có hiệu quả Phong trào thi đua giai đoạn 2021 - 2025.
2. Các sở, ngành Tỉnh, UBND các
huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Phong trào thi đua sâu
rộng, thiết thực, hiệu quả.
3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng
có trách nhiệm tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực
tham gia thực hiện Phong trào thi đua; phát huy vai trò các Tổ Nhân dân tự quản
trong việc thường xuyên theo dõi, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo vượt khó, tự nỗ lực
vươn lên thoát nghèo ngay tại địa bàn dân cư; mở chuyên trang, chuyên mục, tăng
thời lượng tuyên truyền phát hiện, nhân rộng các điển hình trong Phong trào thi
đua.
4. Trước ngày 10 tháng 12 hằng
năm, các sở, ban, ngành Tỉnh, UBND huyện, thành phố báo cáo tình hình tổ chức
thực hiện Phong trào thi đua về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp,
phối hợp với Sở Nội vụ báo cáo UBND Tỉnh, Bộ Nội vụ.
5. Sở Nội vụ là đơn vị chủ trì,
phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai, đôn đốc, kiểm tra
việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này; tham mưu tổng kết Phong trào thi đua vào
năm 2025.
6. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội hằng năm tổng hợp nhu cầu kinh phí kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết
Phong trào thi đua gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND Tỉnh phê duyệt, bố
trí nguồn kinh phí trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
giai đoạn 2022 - 2025.
Trong quá trình tổ chức thực hiện,
nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc cần điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch cho phù hợp với
tình hình thực, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, Sở Nội vụ phối hợp với
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo UBND Tỉnh xem xét, quyết
định./.
Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ;
- Bộ Lao động - TB&XH;
- Các CT/PCT UBND Tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội;
- Các sở, ban, ngành Tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- Lưu: VT, THVX(Tuyen).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đoàn Tấn Bửu
|