ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 169/KH-UBND
|
Đà Nẵng, ngày 21 tháng 9 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA “VÌ NGƯỜI NGHÈO - KHÔNG ĐỂ AI BỊ
BỎ LẠI PHÍA SAU” VÀ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN
2022 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Thực hiện Quyết định số 666/QĐ-TTg
ngày 02/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực
hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn
2022 - 2025, Chủ tịch UBND thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như
sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận
thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về nội dung, mục
tiêu, nhiệm vụ và giải pháp giảm nghèo bền vững theo Nghị
quyết số 11-NQ/TU ngày 05/7/2022 của Ban Thường vụ Thành
ủy và Kế hoạch số 31-KH/TU ngày 29/9/2021 của
Thành ủy về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư về
tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm
2030 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;
b) Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả
hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực
hiện Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 29/3/2022 của UBND thành phố về thực hiện
Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025; tổ chức
tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động sáng tạo của mỗi cá nhân,
tập thể va gia đình, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã hội góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách,
chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước; huy động nguồn lực toàn xã hội thực
hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
c) Tiếp tục hưởng ứng, đẩy mạnh, nâng
cao chất lượng Phong trào thi đua "Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy
nội lực vươn lên "thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm
no" của người dân thành phố.
d) Tổ chức phong trào thi đua thiết
thực, hiệu quả, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ
người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội
cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, thành phố nâng cao chất lượng cuộc sống. Phấn đấu giảm 100% số hộ nghèo
còn sức lao động, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều so với đầu giai đoạn
2022 - 2025.
2. Yêu cầu
a) Việc thực hiện Phong trào thi đua
phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành, địa
phương, đơn vị từ thành phố đến cơ sở và hoạt động của các cụm thi đua từ nay đến năm 2025.
b) Phong trào thi đua phải được triển
khai sâu rộng từ thành phố đến cơ sở với hình thức đa dạng, nội dung phong phú,
thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi ngành, mỗi địa phương, cơ sở;
phát huy được tinh thần tự nguyện, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân.
c) Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng,
nhân rộng các điển hình tiên tiến và những sáng kiến, kinh
nghiệm, mô hình, cách làm hiệu quả, sáng tạo trong thực hiện chính sách, chương
trình giảm nghèo; Biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập
thể, cá nhân, gia đình tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong
trào thi đua.
II. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
PHONG TRÀO THI ĐUA
1. Nội dung phong
trào thi đua
a) Các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận
tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố căn cứ chức năng
nhiệm vụ triển khai kịp thời có hiệu quả Phong trào thi
đua. Tập trung phát huy sáng kiến trong xây dựng, ban hành, đề xuất giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo; tiếp tục hoàn thiện chính
sách giảm nghèo, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch
vụ xã hội cơ bản của người dân; đổi mới cách tiếp cận về
giảm nghèo, ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện cho
người nghèo, trợ giúp xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động; phấn
đấu "Không ai bị bỏ lại phía sau".
b) Khuyến khích doanh nghiệp và hợp
tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng
các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới
thoát nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người
nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi. Huy động các
doanh nghiệp, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước có những
việc làm thiết thực, tham gia đóng góp công sức trí tuệ, của
cải vật chất hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo.
c) Ủy ban nhân dân các quận, huyện,
xã, phường căn cứ điều kiện thực tiễn của địa phương mình đề
ra nội dung, giải pháp giảm nghèo, bố trí và huy động đa dạng nguồn
lực nhằm giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
thoát nghèo, tăng hộ khá, giàu; xây dựng, nhân rộng các mô
hình tốt, sáng kiến hay, dự án hiệu quả về giảm nghèo bền vững. Gắn Phong trào
thi đua với các phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn
dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Quan tâm giải quyết tạo
việc làm, bảo đảm các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước
sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thông tin và dịch vụ xã hội khác cho người
nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
d) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động
các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia công tác giảm nghèo bền vững và an sinh
xã hội; tiếp tục triển khai cuộc vận động "Vì người nghèo" nhân Tháng
cao điểm “Vì người nghèo” hằng năm.
đ) Tổ dân phố, thôn, cộng đồng thi
đua đoạn kết giúp nhau giảm nghèo và từng bước làm giàu, hỗ trợ người nghèo
tham gia lao động, phát triển sản xuất, làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo.
e) Vận động cán bộ, công chức, viên
chức, người lao động các cơ quan giúp đỡ nguồn lực để hỗ trợ người nghèo; người
nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đảng
viên giúp đỡ hộ nghèo, địa bàn khó khăn.
g) Hộ gia đình thi đua chủ động vượt
khó vươn lên trong cuộc sống và giúp đỡ hộ gia đình khác cùng vươn lên thoát
nghèo; hộ nghèo thi đua vươn lên thoát nghèo.
h) Cán bộ làm công tác giảm nghèo thi
đua tận tụy, trách nhiệm, thi đua đồng hành cùng người nghèo.
2. Giải pháp thực
hiện phong trào thi đua
a) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của
cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp; nâng cao vai trò, trách nhiệm của
người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng,
chính quyền các cấp và cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện
phong trào thi đua, sơ kết, tổng kết và khen thưởng cho tập
thể, cá nhân, hộ gia đình có thành tích tiêu biểu, xuất sắc
trong phong trào thi đua.
b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
trên các phương tiện thông tin đại chúng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tạo sự đồng thuận của toàn xã
hội và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; xây dựng các
chuyên trang chuyên mục, tăng cường thời lượng nhằm phát
hiện, biểu dương và nhân rộng những mô hình hay, cách làm
mới, tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất
sắc trong thực hiện Phong trào thi đua.
c) Tổ chức thực hiện Phong trào thi
đua thiết thực, hiệu quả, sâu rộng với nội dung, tiêu chí cụ thể, hình thức phù
hợp, tránh hình thức, lãng phí; sơ kết, đánh giá, rút kinh
nghiệm.
d) Tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình
triển khai thực hiện Phong trào thi đua ở một số địa phương, đơn
vị hằng năm và tiến hành sơ kết, tổng kết Phong trào thi đua hằng năm, giữa kỳ,
giai đoạn vào năm 2025.
III. TIÊU CHUẨN THI ĐUA
1. Đối với các
các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị -
xã hội thành phố
a) Hoàn thành có chất lượng, đúng thời hạn các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách, chương
trình giảm nghèo theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Có sáng kiến, giải pháp trong việc xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền
ban hành, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, hướng dẫn hoặc chỉ đạo tháo gỡ
khó khăn cho cơ sở trong việc giảm nghèo.
b) Nghiên cứu rà soát, đề xuất sửa đổi,
bổ sung chính sách giảm nghèo phù hợp với yêu cầu thực tế tiếp tục hoàn thiện
chính sách giảm nghèo, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần
và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; đổi
mới cách tiếp cận về giảm nghèo, ban hành chính sách hỗ trợ có điều
kiện cho người nghèo, trợ giúp xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động.
c) Tích cực huy động nguồn lực, có
nhiều sáng kiến, mô hình giảm nghèo bền vững được nhân rộng,
giúp cho người nghèo tham gia lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh, làm
kinh tế giỏi, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền
vững.
2. Đối với các
quận, huyện
a) Xây dựng và triển khai có hiệu quả
chương trình giảm nghèo theo Kế hoạch số 60/KH-UBND trên địa
bàn; đề ra được các nội dung, giải pháp để giảm nghèo bền vững
(giới thiệu việc làm, cho vay vốn, hỗ trợ sinh kế, đào tạo
nghề,...) thiết thực, phù hợp với thực tế địa phương; bố
trí hợp lý, hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo trên địa bàn.
b) Có nhiều giải pháp, sáng kiến hiệu
quả trong triển khai, tổ chức Phong trào thi đua; sử dụng kinh phí chương trình
đúng quy định; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất;..
c) Chủ động, tích cực huy động được
các nguồn lực trong xã hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
d) Giảm hộ nghèo trên địa bàn hằng
năm đạt chỉ tiêu theo kế hoạch hằng năm và Kế hoạch số 60/KH-UBND .
3. Đối với xã,
phường
a) Xây dựng và triển khai có hiệu quả
kế hoạch chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn; đề
ra được các nội dung, giải pháp để giảm nghèo thiết thực, phù hợp
với thực tế của địa phương; sử dụng hiệu quả đúng quy định các nguồn kinh phí hỗ
trợ của chương trình, thực hiện đúng chế độ thông tin, báo cáo.
b) Thực hiện tốt công tác đào tạo nghề,
giới thiệu việc làm cho hộ nghèo; xây dựng được các mô hình giảm nghèo phù hợp.
c) Tích cực vận động nhân dân hưởng ứng
phong trào thi đua bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, hạn chế tái nghèo
tại địa phương;
d) Giảm hộ nghèo trên địa bàn hằng
năm đạt chi tiêu.
4. Đối với tổ dân
phố, thôn
a) Triển khai thực hiện có hiệu quả chính
sách, chương trình giảm nghèo trên địa bàn. Đoàn kết, giúp đỡ nhau, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt
khó khăn để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật để hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và
thoát nghèo.
b) Xây dựng được mô hình giảm nghèo;
hỗ trợ phát triển kinh tế, điều kiện sống của các hộ gia đình được cải thiện về
thu nhập, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin.
c) Đạt tỷ lệ giảm hộ nghèo hằng năm
và không có hộ tái nghèo (trừ trường hợp các hộ tái nghèo do gặp rủi ro về
thiên tai, hỏa hoạn, có người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc các
trường hợp bất khả kháng khác).
5. Đối với hộ gia
đình
a) Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo
- Chủ động phát huy nội lực để thoát
nghèo, phát triển sản xuất, kinh tế, làm ăn nhằm tạo ra thu nhập và nâng cao
thu nhập để thoát nghèo bền vững;
- Có ý thức, trách nhiệm tự nguyện
đăng ký thoát nghèo;
- Sử dụng các nguồn vốn vay ưu đãi hiệu
quả, trả lãi, trả gốc đúng hạn.
b) Đối với hộ không nghèo
- Có nhiều đóng góp, hỗ trợ hiệu quả
cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo để phát triển sản xuất, làm kinh
tế, thoát nghèo bền vững.
- Có những việc làm thiết thực giúp
dơ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn vươn lên thoát nghèo (về việc làm, vốn,
giống, kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm,..).
6. Đối với cán bộ,
công chức, viên chức, người làm công tác giảm nghèo
a) Cán bộ, công chức, viên chức tham
gia công tác giảm nghèo: Có nhiều nỗ lực trong công tác, bám sát cơ sở, có sáng
kiến trong xây dựng, tham mưu và hướng dẫn thực hiện tốt
chính sách, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn cho cơ sở...góp phần thực hiện tốt
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn.
b) Cán bộ, công chức, viên chức, người
lao động thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị các cấp, doanh nghiệp, hợp
tác xã; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang: Tích cực tham gia các hoạt động ủng
hộ, giúp đỡ người nghèo và có các hoạt động, chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền
vững.
7. Đối với các
doanh nghiệp (bao gồm hợp tác xã, tổ sản xuất,..)
a) Đóng góp cụ thể thiết thực trong
thực hiện công tác giảm nghèo tại địa phương hoặc tích cực tham gia các cuộc vận
động ủng hộ người nghèo.
b) Liên kết, phối hợp sản xuất, chế
biến, tiêu thụ sản phẩm cho người nghèo; giúp thực hiện các mô hình giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo.
c) Thực hiện hiệu quả chính sách tín
dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
IV. THỜI GIAN THỰC
HIỆN
Hằng năm thực hiện báo cáo đánh giá
tình hình triển khai thực hiện, sơ kết cuối năm 2023; tổng
kết cuối năm 2025.
V. KHEN THƯỞNG
1. Hình thức khen thưởng
Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố;
giấy khen của cấp có thẩm quyền. Ngoài ra, UBND thành phố đề xuất khen thưởng với
các hình thức cao hơn theo quy định.
2. Thời gian
Căn cứ tình hình thực tiễn, tổ chức hội
nghị hằng năm, sơ kết giữa kỳ, tổng kết giai đoạn về Phong trào thi đua và
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa
bàn thành phố Đà Nẵng và khen thưởng theo quy định.
3. Tiêu chuẩn khen thưởng và số lượng
khen thưởng hằng năm, sơ kết, tổng kết thực hiện
Phong trào thi đua
a) Tiêu chuẩn khen thưởng
Căn cứ thành tích thực hiện phong trào
thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ
lại phía sau” giai đoạn 2022 - 2025 và thực hiện CTMT quốc gia giảm nghèo bền
vững, thành tích thực hiện các tiêu chí thi đua, việc xét khen
thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc được thực hiện theo quy định
của pháp luật về thi đua khen thưởng.
b) Số lượng khen thưởng
- Tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND
thành phố: theo quy định tại Quyết định số 3309/QĐ-UBND ngày 20/10/2021 của Chủ
tịch UBND thành phố về phê duyệt các danh mục chuyên đề
thi đua hằng năm thuộc thẩm quyền khen thưởng của Chủ tịch
UBND thành phố;
- Tặng giấy khen của Giám đốc Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội hoặc Chủ tịch UBND quận, huyện về thực hiện các CTMT quốc gia trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; số lượng tối đa hằng năm, sơ kết, tổng kết với 10 tập thể và 10 cá
nhân.
VI. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể thành
phố, UBND các quận, huyện tổ chức thực hiện phong trào thi đua phù hợp với chức
năng nhiệm vụ và thực tiễn từng địa phương để phong trào đạt
được kết quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc
gia giảm nghèo bền vững của thành phố.
2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và
các hội, đoàn thể thành phố; các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công
tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân tích cực tham gia thực
hiện Phong trào thi đua; phát hiện, nhân rộng các điển hình làm tốt công tác giảm
nghèo.
3. Hội đồng Thi đua - khen thưởng các
cấp phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững cùng cấp thống nhất
các nội dung và biện pháp triển khai có hiệu quả Phong trào thi đua giai đoạn
2022-2025.
4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
chủ trì triển khai, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp, xây dựng
báo cáo về kết quả thực hiện Phong trào thi đua, hướng dẫn triển khai xét đề
nghị khen thưởng và trình Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố) thẩm
định hồ sơ khen thưởng theo quy định.
5. Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã,
phường xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch này
phù hợp với địa phương; tổ chức thực hiện Phong trào thi đua sâu rộng, thiết thực,
hiệu quả.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu
có có khó khăn hoặc cần điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch cho phù hợp với tình hình
thực tiễn theo đề nghị các cơ quan, đơn vị và địa phương phản ánh kịp thời về Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng thành
phố tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND thành phố xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Ban TĐKT Trung ương;
- UBMTTQVN TP
- Các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể TP;
- Ban TĐKT TP;
- UBND quận, huyện;
- Chủ tịch UBND TP;
- Cổng TTĐT thành phố;
- Lưu: VT, SLĐTBXH.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Ngô Thị Kim Yến
|