ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 03/KH-UBND
|
Lạng Sơn, ngày 04
tháng 01 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH LẠNG SƠN NĂM 2021
Căn cứ Quyết định số 629/QĐ-TTg
ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển
gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược);
Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công
tác phòng, chống bạo lực gia đình (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 08);
Công văn số 4549/BVHTTDL- GĐ ngày 07/12/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
về việc triển khai nhiệm vụ phòng chống bạo lực gia đình năm 2021, Uỷ ban nhân
dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình
trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2021 với những nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận
thức về vị trí, vai trò, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức,
cá nhân, cộng đồng trong việc triển khai thực hiện, nâng cao hiệu quả công tác
gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình góp phần giáo dục đạo đức, lối sống và
xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, thực sự là tổ
ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội. Kịp thời ngăn chặn các biểu
hiện suy thoái đạo đức, lối sống và các hành vi bạo lực gia đình.
2. Yêu cầu
Tăng cường công tác quản lý nhà
nước về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, triển khai thực hiện có hiệu
quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, Chỉ thị số 08/CT-TTg trên địa bàn
tỉnh;
Các sở, ban, ngành, UBND các
huyện, thành phố chủ động thực hiện nhiệm vụ, đồng thời thực hiện có hiệu quả
quy chế phối hợp liên ngành bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các cấp
trong việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, Chỉ thị
số 08/CT-TTg ; lồng ghép, phối hợp việc thực hiện Chiến lược, Chỉ thị với các
chương trình, kế hoạch có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tuân thủ
quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng đơn vị, địa
phương.
II. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Nâng cao
năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quản lý
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo,
kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể đối với công tác
phòng, chống bạo lực gia đình. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, triển khai đầy
đủ hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Nghiên cứu,
đề xuất các biện pháp, giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống bạo
lực gia đình.
Củng cố hoàn thiện hệ thống tổ
chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực
gia đình ở các cấp. Đưa mục tiêu về phòng, chống bạo lực gia đình vào kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của cấp tỉnh, cấp huyện và kiểm điểm kết
quả thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng
viên và người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Chủ tịch UBND các huyện, thành
phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để vụ việc bạo lực gia đình
nghiêm trọng xảy ra, chậm xử lý hoặc xử lý thiếu kiên quyết và số vụ bạo lực
gia đình có chiều hướng gia tăng trên địa bàn quản lý.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả
cơ chế phối hợp liên ngành phù hợp trong công tác phòng, chống bạo lực gia
đình. Đưa nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào triển khai thực hiện các
phong trào xây dựng gia đình văn hóa; tổ dân phố văn hóa. Tăng cường nhân rộng,
đánh giá định kỳ hiệu quả hoạt động của mô hình câu lạc bộ phòng, chống bạo lực
gia đình; xây dựng các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; kịp thời biểu
dương, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác
phòng, chống bạo lực gia đình.
Thường xuyên kiểm tra, đánh giá
tình hình thực hiện pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình; xử
lý kịp thời các hành vi bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật; tổ chức
các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra theo chuyên đề về phòng, chống bạo lực
gia đình. Xây dựng và đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu về gia đình, phòng, chống bạo
lực gia đình.
2. Truyền
thông, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình
Lựa chọn nội dung, hình thức
thích hợp để tổ chức các chiến dịch, hoạt động truyền thông tuyên truyền, phổ
biến công tác gia đình và nội dung phòng, chống bạo lực gia đình đến các cấp,
các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tăng cường
tổ chức sự kiện truyền thông nhân dịp các ngày lễ kỷ niệm như: ngày Quốc tế hạnh
phúc (20/3), ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với
phụ nữ (25/11).
Tổ chức các hội thảo, hội thi
tìm hiểu luật Phòng, chống bạo lực gia đình; hội thi tuyên truyền viên giỏi về
phòng, chống bạo lực gia đình. Tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện
thông tin đại chúng về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về
phòng, chống bạo lực gia đình. Chú trọng nội dung truyền thông, giáo dục, vận động
về đạo đức, lối sống văn hóa trong gia đình, trách nhiệm của các thành viên gia
đình trong thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình; đồng thời
giới thiệu các gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt trong đấu tranh
phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình văn hóa; phê phán những trường
hợp vi phạm, xúi giục, cản trở, bao che các hành vi bạo lực gia đình.
3. Nâng cao
năng lực cho cán bộ các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị tham gia công tác
phòng, chống bạo lực gia đình
Tổ chức tập huấn, đào tạo đội
ngũ giảng viên, báo cáo viên pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình cho các
cơ quan, đơn vị, địa phương. Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ
ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; đội
ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên; cơ quan thông tấn báo chí; đội ngũ phóng
viên báo, đài về phòng, chống bạo lực gia đình.
Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng
nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực gia đình cho Ban Chỉ đạo phòng, chống bạo
lực gia đình (hoặc Ban Chỉ đạo công tác gia đình) cấp xã; Ban chủ nhiệm câu lạc
bộ gia đình phát triển bền vững, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, địa chỉ
tin cậy tại cộng đồng.
4. Phòng chống
bạo lực gia đình, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình
Xây dựng mạng lưới cộng tác
viên, tình nguyện viên phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng. Duy trì và
phát triển địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; các nhà tạm lánh, các cơ sở bảo trợ xã
hội, thiết lập các đường dây nóng tiếp nhận thông tin về bạo lực gia đình.
Trạm y tế xã, phường, thị trấn
thực hiện việc chăm sóc y tế ban đầu; cung cấp dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp
lý, chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân bạo lực gia đình; tùy theo khả năng và điều
kiện thực tế, bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình trong thời gian
không quá một ngày theo yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình.
Nhân rộng các mô hình hiệu quả
trong phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng. Nghiên cứu, xây dựng các mô
hình dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, hỗ trợ người có nguy cơ cao gây
bạo lực gia đình; mô hình phòng, chống khủng hoảng tâm thần cho người có nguy
cơ cao gây bạo lực gia đình. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, giới thiệu việc
làm cho người là nạn nhân bạo lực gia đình, người có nguy cơ cao gây bạo lực
gia đình chưa có việc làm.
Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt
động của tổ hòa giải ở cơ sở trong phòng, chống bạo lực gia đình dựa trên hoạt
động của tổ hòa giải hiện có ở các thôn, tổ dân phố. Hỗ trợ các hoạt động của
mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; biểu dương tập thể, cá nhân có thành
tích thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình; hỗ trợ hoạt động
thu thập thông tin, số liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình tại địa
bàn thôn, tổ dân phố.
5. Can thiệp,
xử lý vi phạm
Quản lý, giáo dục, tư vấn cho
các thành viên gia đình, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao dẫn tới bạo lực
gia đình. Các cấp, các ngành, đặc biệt là ở cơ sở cần xác định và quản lý tốt
các đối tượng có nguy cơ dẫn đến bạo lực gia đình như: người có tiền sử về hành
vi bạo lực gia đình, nạn nhân bạo lực gia đình, người nghiện rượu, ma túy, đánh
bạc, người chuẩn bị kết hôn…, qua đó, có biện pháp tuyên truyền giáo dục, tư vấn
thích hợp nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình ngay trong
gia đình.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động
ngăn chặn và xử lý nghiêm người gây bạo lực, các tổ chức, cá nhân cản trở, gây
khó khăn trong phòng, chống bạo lực gia đình. Can thiệp, xử lý kịp thời các vụ
bạo lực gia đình. Góp ý, phê bình, tại cộng đồng dân cư đối với người gây bạo lực
gia đình; áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người gây
bạo lực gia đình tại địa bàn xảy ra vụ việc. Thực hiện thí điểm xét xử lưu động
các vụ án về bạo lực gia đình tại địa bàn xảy ra vụ việc.
6. Công tác
xã hội hóa phòng, chống bạo lực gia đình
Khuyến khích các tổ chức chính
trị - xã hội, tổ chức xã hội, cộng đồng, gia đình, người dân tham gia công tác
phòng, chống bạo lực gia đình; cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia
đình.
III. KINH
PHÍ
1. Kinh phí thực hiện Kế
hoạch được bố trí từ ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Căn cứ nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan liên quan và Uỷ
ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm xây dựng kinh phí được bố trí
trong dự toán ngân sách hằng năm để thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch này.
2. Ngoài nguồn ngân sách
nhà nước cấp theo kế hoạch, các sở, ngành, đoàn thể, UBND cấp huyện, cấp xã, cơ
quan có liên quan chủ động vận động các nguồn tài trợ, viện trợ, nguồn huy động
khác theo quy định của pháp luật.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch
Chủ động phối hợp với các cơ
quan truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về
phòng, chống bạo lực gia đình; giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; phê
phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả
Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 22/7/2014 về Chiến lược phát triển gia đình Việt
Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh, Chỉ thị số 08/CT-TTg và các
kế hoạch liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Tổ chức tập huấn nâng cao năng
lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Xây dựng và báo cáo
kịp thời cơ sở dữ liệu về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Nghiên cứu
việc hình thành đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia phòng, chống bạo
lực gia đình ở cơ sở.
Là đầu mối, tổng hợp báo cáo việc
triển khai thực hiện Kế hoạch về UBND tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
theo quy định.
2. Sở Y tế
Hướng dẫn các cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh tổ chức tốt việc khám chữa bệnh, chăm sóc y tế, tư vấn về sức khỏe
cho nạn nhân bạo lực gia đình; hàng năm thực hiện thống kê, báo cáo các trường
hợp bệnh nhân là nạn nhân bạo lực gia đình.
Củng cố và hoàn thiện mạng lưới
y tế cơ sở để cung cấp tại chỗ các dịch vụ y tế, đặc biệt là các cơ sở điều trị,
phục hồi sức khỏe tinh thần cho nạn nhân của bạo lực gia đình. Nghiên cứu và áp
dụng quy trình chữa trị nghiện rượu và một số rối loạn tâm thần do rượu.
Xây dựng và triển khai thực hiện
quy chế về tiếp nhận, chăm sóc y tế đối với bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực
gia đình tại các cơ sở khám chữa bệnh.
3. Công an tỉnh
Hướng dẫn quy trình, phương
pháp phát hiện, ngăn chặn, xử lý khẩn cấp đối với các hành vi bạo lực gia đình,
cản trở, gây khó khăn cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Tổ chức thực
hiện có hiệu quả công tác của ngành về phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, điều
tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Chỉ đạo công an xã, phường, thị
trấn thiết lập đường dây nóng để kịp thời can thiệp nhằm ngăn chặn và xử lý các
trường hợp bạo lực gia đình. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Y
tế trong công tác thống kê, báo cáo số liệu đối tượng gây bạo lực gia đình và nạn
nhân bị bạo lực gia đình.
4. Sở Thông tin và Truyền
thông
Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan liên quan chỉ đạo, định hướng các cơ quan truyền thông xây dựng chương
trình, kế hoạch và dành thời lượng, chuyên mục, chuyên trang hợp lý để tuyên
truyền về phòng, chống bạo lực gia đình. Đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động phổ
biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về
phòng, chống bạo lực gia đình.
5. Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội
Tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu
việc làm cho đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình. Lồng ghép nội dung
phòng, chống bạo lực gia đình vào nội dung tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới,
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Người cao tuổi. Hướng dẫn việc
thực hiện trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì, phối hợp với Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan chỉ đạo hướng dẫn, tuyên truyền
giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trong nhà trường; lồng ghép
nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào chương trình giáo dục phù hợp với từng
cấp học và trình độ đào tạo.
7. Sở Tư pháp
Chủ trì, phối hợp với Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên
truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình để nâng
cao ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân; hướng dẫn, kiểm tra hoạt động
hòa giải ở cơ sở, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho hòa giải viên các tổ hòa giải
ở cơ sở. Thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình. Là cơ quan
thường trực Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh phối hợp các đơn vị
liên quan tổ chức tập huấn, đào tạo đội ngũ giảng viên, báo cáo viên pháp luật
về phòng, chống bạo lực gia đình cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.
8. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí ngân sách đảm
bảo cho việc triển khai thực hiện các nội dung có liên quan tại Kế hoạch này.
Chịu trách nhiệm tổng hợp, thẩm
định kinh phí thực hiện của các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh trình cơ quan có
thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Chỉ đạo, hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử
dụng, quyết toán ngân sách chi cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình của
các Sở, ngành, địa phương.
9. Ban Dân tộc tỉnh
Tổ chức tuyên truyền phổ biến,
giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình cho đồng bào dân tộc thiểu
số, ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
10. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh
ủy
Chỉ đạo Ban Tuyên giáo các huyện,
thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan làm tốt công tác tuyên truyền
phòng, chống bạo lực gia đình.
11. Đề nghị Tòa án nhân dân
tỉnh
Hướng dẫn, phổ biến và áp dụng
thống nhất pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình; phối hợp với cơ quan công
an và viện kiểm sát cùng cấp phát hiện điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về bạo
lực gia đình tại địa bàn xảy ra vụ án, x ử lý nghiêm minh; phối hợp, tạo điều
kiện cho cơ quan quản lý nhà nước về gia đình cùng cấp thực hiện nhiệm vụ thống
kê về phòng, chống bạo lực gia đình. Lựa chọn đưa ra xét xử lưu động tại địa
bàn xảy ra vụ án trọng điểm.
12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên
Trong phạm vi chức năng, nhiệm
vụ tham gia tổ chức thực hiện Kế hoạch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến
chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; tham gia giám sát việc
thực hiện pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích,
vận động hội viên, đoàn viên tham gia tình nguyện viên, cộng tác viên phòng, chống
bạo lực gia đình. Lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình với cuộc vận
động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nghiên cứu,
xây dựng một số mô hình dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, hỗ trợ người
có nguy cơ cao bị bạo lực gia đình; tham gia xây dựng, vận hành địa chỉ tin cậy
ở cộng đồng, công tác hòa giải ở cơ sở.
13. Đài Phát thanh - Truyền
hình tỉnh, Báo Lạng Sơn
Xây dựng các chuyên trang,
chuyên mục về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, phòng chống bạo lực
gia đình; tăng cường thời lượng đưa tin, phát sóng về công tác gia đình, giáo dục
đạo đức, lối sống gia đình để thu hút sự quan tâm, theo dõi của quần chúng Nhân
dân.
Có kế hoạch truyền thông các hoạt
động về biểu dương tập thể, cá nhân có sáng kiến, đóng góp tích cực trong công
tác phòng, chống bạo lực gia đình; lên án những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp
luật về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.
14. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
Căn cứ Kế hoạch này, xây dựng
và tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn huyện,
thành phố; đưa các mục tiêu, nội dung của kế hoạch vào kế hoạch phát triển kinh
tế - xã hội của huyện, thành phố; bố trí kinh phí và chỉ đạo các cơ quan chức
năng triển khai thực hiện hiệu quả công tác gia đình và phòng, chống bạo lực
gia đình. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn trên địa
bàn triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ công tác gia đình năm 2020. Báo cáo
đánh giá kết quả chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác gia đình
thuộc phạm vi trách nhiệm; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo
quy định.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban,
ngành, UBND các huyện, thành phố, đề nghị UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức thành
viên, các cơ quan liên quan căn cứ nhiệm vụ được phân công chủ động xây dựng Kế
hoạch triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- MTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- C,PCVP UBND tỉnh,
các Phòng CM, TT TH-CB;
- Lưu: VT, KGVX(NNK).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Dương Xuân Huyên
|