UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
11/CT-CTUBND
|
Hưng Yên, ngày
10 tháng 10 năm 2017
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA
CHÁY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN
Thời gian qua, công tác phòng
cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm
lãnh đạo, chỉ đạo đạt được nhiều kết quả tích cực; nhận thức của các cấp chính
quyền, ngành, đoàn thể, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và toàn thể nhân dân
có những chuyển biến rõ rệt; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được đẩy
mạnh; phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy có bước phát triển mới;
công tác xây dựng lực lượng, đầu tư kinh phí, phương tiện cho công tác phòng
cháy, chữa cháy được quan tâm. Do đó đã góp phần quan trọng trong kiềm chế sự
gia tăng cháy nổ, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp
phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, tình hình cháy nổ vẫn
diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và thiệt hại do cháy, nổ
gây ra. Đáng chú ý, thời gian gần đây, trong cả nước và trên địa bàn tỉnh liên
tục xảy ra các vụ cháy tại các cơ sở kinh doanh lớn nhỏ, nhà ở kết hợp kinh
doanh gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nguyên nhân của tình trạng trên chủ
yếu là do một số cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, cơ sở
chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao công tác phòng cháy, chữa cháy, nhất là
ở những nơi có nguy cơ cháy, nổ cao; công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng
cháy, chữa cháy chưa được thường xuyên, sâu rộng; việc tổ chức thực hiện và kiểm
tra, chấn chỉnh công tác phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật chưa
được thực hiện nghiêm túc, các điều kiện đảm bảo an toàn ở các cơ sở theo
phương châm bốn tại chỗ chưa được quan tâm đúng mức.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế
nêu trên và chủ động làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy; Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng
tâm sau:
1. Tăng cường lãnh đạo,
chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác phòng cháy, chữa cháy:
a) Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ
tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo quán triệt, tổ chức triển khai
thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác
phòng cháy, chữa cháy; trọng tâm là Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban
Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác
phòng cháy, chữa cháy, Quyết định số 1635/QĐ-TTg ngày 22/9/2015 của Thủ tướng
Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 47-CT/TW; Kế hoạch
số 04/KH- TU ngày 18/11/2015 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 243/KH-UBND ngày
09/11/2015 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 47-CT/TW.
b) Căn cứ
vào nội dung Chỉ thị 47-CT/TW của Ban Bí thư, Kế hoạch số 04/KH-TU của Tỉnh ủy,
Kế hoạch số 243/KH-UBND của UBND tỉnh và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị;
các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai
thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy; trọng tâm là tuyên truyền, xây dựng lực
lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, dân phòng, đầu tư kinh phí, trang bị phương
tiện đáp ứng yêu cầu theo phương châm bốn tại chỗ. Hàng năm phải đưa nhiệm vụ
thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy vào chương trình, kế hoạch để tổ chức
thực hiện. Tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả, kịp thời rút kinh nghiệm, khắc
phục những sơ hở, thiếu sót trong chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy. Thủ trưởng các
sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch
UBND tỉnh nếu để xảy ra cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài
sản.
2. Đẩy mạnh công tác
tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy:
a) Các sở, ban, ngành, UBND các huyện,
thành phố tăng cường công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy đến cán bộ,
công chức, viên chức, người lao động, nhất là những người đứng đầu cơ quan, tổ
chức, doanh nghiệp và hộ gia đình, người dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong
nhận thức, ý thức, trách nhiệm, nghiêm túc chấp hành pháp luật và tích cực tham
gia công tác phòng cháy, chữa cháy.
b) Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh,
Báo Hưng Yên chủ động xây dựng các chuyên trang, chuyên mục thường xuyên phát
sóng, đưa tin về công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với
Công an tỉnh xây dựng các tin, bài, hình ảnh hướng dẫn người dân các biện pháp
phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra; xây dựng phóng sự,
bài viết nêu gương người tốt, việc tốt; phê phán công khai các hành vi thiếu
trách nhiệm, các vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng cháy, chữa cháy của các
tổ chức, cá nhân để giáo dục, phòng ngừa chung.
c) Sở Giáo dục và Đào tạo lồng ghép nội
dung giáo dục kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy vào chương trình học
tập, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và cơ sở giáo dục phù hợp với từng
ngành học, cấp học.
d) Công an tỉnh chủ trì xây dựng
chương trình, tài liệu, tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ phòng
cháy chữa cháy cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, dân phòng; tập trung
huấn luyện về phương pháp tổ chức kiểm tra an toàn cháy, nổ tại khu dân cư, hộ
gia đình; phương pháp huy động, tổ chức chữa cháy khi có cháy, nổ, tai nạn, sự
cố xảy ra; cách sử dụng, quản lý, bảo dưỡng, bảo quản các phương tiện chữa cháy
đã được trang bị.
3. Duy trì, phát triển
phong trào toàn dân tham gia công tác phòng cháy chữa cháy:
a) Các sở, ban, ngành tập trung chỉ đạo
củng cố, xây dựng và phát triển phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy ở các
cơ sở mà ngành mình quản lý nhằm huy động cán bộ, công chức, viên chức, người
lao động và quần chúng nhân dân tham gia các hoạt động phòng cháy, chữa cháy ở
cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và gia đình; kiện toàn lực lượng phòng cháy, chữa
cháy cơ sở, đồng thời tăng cường đầu tư, trang bị phương tiện, thiết bị phòng
cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đảm bảo cho lực lượng này hoạt động hiệu quả theo
phương châm bốn tại chỗ: “Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại
chỗ và hậu cần tại chỗ”.
b) UBND các huyện, thành phố, xã, phường,
thị trấn hàng năm đưa các nội dung cụ thể về phòng cháy, chữa cháy vào kế hoạch
xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Phối hợp với Mặt trận Tổ
quốc và các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy,
chữa cháy gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu
dân cư”, “Chương trình xây dựng nông thôn mới”. Phải tập trung xây dựng, củng cố,
kiện toàn lực lượng dân phòng; nhân rộng các điển hình tiên tiến theo hướng tự
nguyện, tự phòng, tự quản theo cụm dân cư, cụm doanh nghiệp an toàn phòng cháy,
chữa cháy. Bố trí kinh phí đầu tư trang bị phương tiện, trang phục cho lực lượng
dân phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư số 56/2014/TT-BCA
và Thông tư số 48/2015/TT-BCA của Bộ Công an, phù hợp với điều kiện ngân sách địa
phương. Hàng năm tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng cháy,
chữa cháy 4/10”.
4. Thường xuyên
thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở:
a) Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp,
trường học, bệnh viện phải thường xuyên tự kiểm tra việc thực hiện công tác
phòng cháy, chữa cháy tại cơ quan, đơn vị mình để kịp thời khắc phục những tồn
tại, hạn chế. Kết quả kiểm tra phải được báo cáo lên cấp trên và trao đổi với
cơ quan công an cùng cấp để tập hợp báo cáo, chỉ đạo chung.
b) Công an tỉnh chủ động nắm tình
hình, phân tích, đánh giá, dự báo sát, đúng tình hình cháy, nổ để có các biện
pháp phòng ngừa hiệu quả. Hàng năm thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra việc
chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy đối với các khu dân
cư, nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kho tàng lớn tập
trung nhiều hàng hóa, chất dễ cháy, nổ; kịp thời phát hiện sơ hở, thiếu sót, vi
phạm về phòng cháy, chữa cháy, kiến nghị cơ sở khắc phục, đảm bảo an toàn phòng
cháy, chữa cháy. Đồng thời làm rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức,
cơ sở vi phạm; kiên quyết xử lý hoặc đề xuất xử lý nghiêm những vi phạm theo
quy định của pháp luật. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các mặt công tác
chuyên môn, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo mọi điều kiện
thuận lợi hỗ trợ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong công tác thẩm duyệt, kiểm
tra, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.
c) Hàng năm, UBND các huyện, thành phố
có kế hoạch kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy ở địa phương mình thông qua
các đoàn kiểm tra liên ngành; tập trung kiểm tra các cơ sở có nguy hiểm về
cháy, nổ là cơ sở kinh doanh nhỏ, nhà liền kề vừa làm nhà ở vừa kinh doanh, cơ
sở sản xuất tại các cụm công nghiệp, làng nghề, khu dân cư, cơ sở vui chơi giải
trí, tập trung đông người… trên địa bàn quản lý; chú ý đến các điều kiện an
toàn về phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn và chống cháy lan; làm rõ trách nhiệm
người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm và yêu
cầu các cơ sở khắc phục ngay tồn tại, thiếu sót, vi phạm về phòng cháy, chữa
cháy.
d) Sở Xây dựng, Ban Quản lý các khu
công nghiệp tỉnh thực hiện nghiêm túc quy định thẩm duyệt thiết kế về phòng
cháy, chữa cháy trước khi cấp phép xây dựng. Trong quy hoạch xây dựng phải chú
trọng đến các giải pháp về khoảng cách an toàn phòng cháy, chữa cháy, giao
thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
5. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ:
a) Các sở, ban, ngành, UBND các huyện,
thành phố chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất... tổ chức
tốt công tác thường trực chữa cháy và huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy
theo phương châm 4 tại chỗ. Khi xảy ra cháy, nổ phải khẩn trương huy động tối
đa lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp, tích cực phối hợp,
hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy để hạn chế đến
mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; sớm khắc phục hậu quả, ổn định
tình hình, định hướng dư luận, không để các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi
dụng chống phá.
b) Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu
quả hoạt động của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; tập
trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tính chuyên nghiệp, cơ động, kỷ luật chặt chẽ,
rèn luyện sức khỏe, tinh thần chiến đấu, sẵn sàng tham gia chữa cháy, cứu nạn,
cứu hộ trong mọi tình huống. Tăng cường công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu,
kịp thời xử lý, cứu chữa các vụ cháy, nổ ngay từ ban đầu. Tổ chức tốt công tác
cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại Nghị định
số 83/2017/NĐ- CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ. Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn, diễn
tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy, nổ có sự tham gia phối hợp của
nhiều lực lượng tại các địa bàn, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Thường xuyên huấn
luyện nghiệp vụ, nâng cao chiến thuật, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng
phòng cháy, chữa cháy cơ sở, dân phòng.
6. Quan tâm đầu tư
cơ sở vật chất, trang bị phương tiện, xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy
cơ sở, dân phòng và cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đáp ứng yêu cầu trong tình
hình mới:
a) Các sở, ban, ngành, UBND các huyện,
thành phố, xã phường, thị trấn thường xuyên quan tâm đầu tư kinh phí đảm bảo
các điều kiện cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, dân phòng do mình quản
lý hoạt động tốt, có hiệu quả.
b) Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với
các sở, ngành có liên quan triển khai Đề án “Tăng cường công tác phòng cháy, chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến
năm 2030”. Báo cáo, đề xuất Bộ Công an tăng cường biên chế, trang cấp bổ sung
các phương tiện, thiết bị chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
c) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với
Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn xây dựng trụ sở Đội chữa cháy
khu vực Phố Nối A và Đội chữa cháy khu vực Văn Giang; tăng cường cơ sở vật chất,
trang bị phương tiện và đảm bảo các điều kiện cần thiết cho lực lượng cảnh sát
phòng cháy, chữa cháy hoàn thành tốt nhiệm vụ.
d) Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ vào
các đề án, chủ trương và định hướng phát triển của tỉnh, có kế hoạch đầu tư,
phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và
cứu nạn, cứu hộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ theo từng giai đoạn phát triển kinh tế
- xã hội của tỉnh.
7. Thủ trưởng các sở,
ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nghiêm túc chỉ đạo tổ chức triển
khai thực hiện Chỉ thị này; định kỳ hàng quý, 6 tháng, một năm báo cáo UBND tỉnh
kết quả thực hiện (qua Công an tỉnh tổng hợp chung).
Giao Công an tỉnh chủ trì hướng dẫn,
kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và tổng hợp báo cáo kết quả theo quy định./.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Phóng
|