BỘ CÔNG AN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 39/2012/TT-BCA
|
Hà Nội, ngày 04 tháng 07 năm 2012
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH VIỆC QUẢN LÝ, GIAM GIỮ NGƯỜI BỊ KẾT ÁN TỬ HÌNH
Căn cứ Bộ luật hình
sự năm 1999; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2009;
Căn cứ Bộ luật tố
tụng hình sự năm 2003;
Căn cứ Luật Thi hành án hình sự năm 2010;
Căn cứ Nghị định số
89/1998/NĐ-CP ngày 07/11/1998 của Chính phủ ban hành Quy chế về tạm giữ, tạm giam; Nghị định số 98/2002/NĐ-CP ngày 27/11/2002
của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy
chế về tạm giữ, tạm giam;
Căn cứ Nghị định số
77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của Tổng
cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và
hỗ trợ tư pháp;
Bộ trưởng Bộ Công
an ban hành Thông tư quy định việc quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình,
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định
việc quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình trong giai đoạn từ khi họ bị Tòa
án đã xét xử sơ thẩm kết án tử hình đến khi có quyết định thi hành án, tại các
trại tạm giam do Công an nhân dân quản lý.
Điều
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng
đối với Công an các đơn vị, địa phương; cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trực
tiếp thi hành nhiệm vụ có liên quan đến công tác quản lý, giam giữ người bị kết
án tử hình; người bị kết án tử hình đang bị giam giữ tại các trại tạm giam do
Công an nhân dân quản lý và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Chương 2.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều
3. Khu vực, buồng giam người bị kết án tử hình
Trại tạm giam phải tổ
chức khu vực riêng để giam người bị kết án tử hình và phải có biển ghi rõ là khu
giam người bị kết án tử hình. Buồng giam người bị kết án tử hình phải được xây
dựng kiên cố (theo mẫu thống nhất của Bộ Công an), bảo đảm đủ ánh sáng, có cùm
chân và được trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để theo dõi, giám sát.
Điều
4. Tiếp nhận, quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình trong buồng giam
1. Sau khi Tòa
án đã xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án tử hình thì Giám thị
trại tạm giam phải làm thủ tục điều chuyển ngay người bị kết
án tử hình vào buồng giam tại khu vực giam người bị kết án tử hình.
2. Khu vực, buồng
giam người bị kết án tử hình phải bảo đảm yêu cầu quản lý, giam giữ nghiêm ngặt,
chặt chẽ 24/24 giờ trong ngày (nếu người bị kết án tử hình
là nữ thì phải bố trí cán bộ quản giáo nữ phụ trách). Trường hợp người bị kết
án tử hình có biểu hiện tự sát, chống phá, trốn khỏi nơi
giam hoặc có hành vi nguy hiểm khác thì có thể bị cùm một chân cả ngày, đêm (24/24
giờ); mỗi tuần được đổi chân cùm ít nhất một lần; mỗi ngày được mở cùm chân một
lần, mỗi lần không quá mười lăm phút để người bị kết án tử hình làm vệ sinh cá
nhân; trước khi mở cùm chân phải được sự đồng ý của Giám thị trại tạm giam; khi
cán bộ quản giáo mở cùm chân phải có cán bộ hoặc chiến sĩ vũ trang bảo vệ giám
sát chặt chẽ.
3. Mọi sinh hoạt của
người bị kết án tử hình đều được thực hiện trong buồng giam. Trường hợp người bị
kết án tử hình tuyệt thực, trại tạm giam phải lập biên bản, làm rõ nguyên nhân,
lý do tuyệt thực và thông báo cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa
án nhân dân cấp tỉnh nơi trại tạm giam đóng để phối hợp giải quyết.
4. Trường hợp người bị
kết án tử hình trốn, trại tạm giam phải lập biên bản và thông báo ngay cho Cơ
quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân cấp
tỉnh nơi trại tạm giam đóng để biết và phối hợp xử lý; đồng thời, phải chủ trì,
phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức truy bắt ngay.
5. Giám thị trại tạm
giam phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ - kỹ thuật để chủ động phát hiện,
ngăn chặn kịp thời người bị kết án tử hình trốn hoặc tự sát hoặc có hành vi
nguy hiểm khác.
Hàng ngày, cán bộ quản
giáo phải kiểm tra người và buồng giam; kiểm tra suốt, móng cùm người bị kết án
tử hình để kịp thời phát hiện, thu giữ những vật cấm đưa vào buồng giam người bị
kết án tử hình. Khi mở cửa buồng giam, mở cùm chân, cán bộ quản giáo phải trực
tiếp mở và đóng khoá. Phải có sổ theo dõi, kiếm tra người, buồng giam, suốt,
móng cùm chân, việc mở, đóng cửa buồng giam người bị kết án tử hình; trong sổ
theo dõi phải ghi rõ tình trạng buồng giam, cùm, khoá, ngày, giờ, lý do thực hiện
các công việc, người thực hiện; tình trạng sức khỏe, biểu
hiện tâm lý, diễn biến tư tưởng của người bị kết án tử hình và những vấn đề
khác có liên quan; trong mỗi lần kiểm tra, các thành viên tham gia kiểm tra đều
phải ký vào sổ theo dõi. Nếu qua theo dõi, kiểm tra, phát
hiện có biểu hiện khác thường, phải báo cáo ngay Giám thị để có biện pháp xử lý
kịp thời.
6. Trường hợp người bị
kết án tử hình bị chết, Giám thị trại tạm giam phải tổ chức
bảo vệ hiện trường và báo ngay cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi trại
tạm giam đóng để tiến hành các biện pháp theo quy định của pháp luật nhằm xác định
nguyên nhân chết; đồng thời, thông báo cho thân nhân người chết biết. Trường hợp
người bị chết là người nước ngoài thì Giám thị trại tạm giam phải báo cáo ngay
với Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an để làm thủ tục thông báo cho cơ quan đại diện hoặc lãnh sự của nước mà người
đó mang quốc tịch.
Sau khi được Cơ quan điều
tra, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nơi trại tạm giam đóng đồng ý, trại tạm
giam tổ chức mai táng cho người chết theo quy định chung. Trường hợp thân nhân
của người chết có đơn đề nghị xin nhận tử thi về mai táng
và tự chịu chi phí (phải có cam kết bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường
và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã) thì Thủ trưởng
Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng đơn vị trực tiếp
quản lý trại tạm giam (thuộc Bộ) có thể xem xét cho họ nhận tử thi về mai táng.
Việc giao, nhận tử thi phải được lập biên bản.
Điều
5. Công tác giáo dục người bị kết án tử hình trong trại tạm giam
Giám thị trại tạm
giam phải có kế hoạch, biện pháp giáo dục, động viên tư tưởng đối với người bị
kết án tử hình để họ chấp hành nghiêm Nội quy trại tạm giam, nhận rõ tội lỗi,
tích cực tố giác tội phạm để được hưởng chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng
và Nhà nước.
Điều
6. Quản lý, giám sát người bị kết án tử hình khám, chữa bệnh
Trường hợp người bị kết
án tử hình bị bệnh, cán bộ y tế trại tạm giam phải khám và điều trị cho họ, nếu
vượt quá khả năng khám, điều trị của y tế trại tạm giam, cần cấp cứu, khám và
chữa bệnh ngay thì Giám thị trại tạm giam phải báo cáo Thủ trưởng đơn vị trực
tiếp quản lý trại tạm giam và Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ
tư pháp để chỉ đạo, đồng thời làm các thủ tục chuyển họ đến cơ sở khám chữa bệnh
của Nhà nước để khám, điều trị, sau đó thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân
cùng cấp và Tòa án nhân dân nơi đã tuyên án tử hình để biết.
Quá trình đưa đi bệnh viện khám và điều trị, người bị kết án tử hình phải bị
cùm chân, có buồng riêng để điều trị, phải được tổ chức quản
lý, giám sát thật nghiêm ngặt, chặt chẽ.
Điều
7. Quản lý, giám sát người bị kết án tử hình gặp thân nhân
Người bị kết án tử
hình được gặp thân nhân theo quy định (trừ trường hợp vi phạm Nội quy trại tạm
giam). Giám thị trại tạm giam có trách nhiệm tổ chức cho người bị kết án tử
hình gặp thân nhân và phải đảm bảo các yêu cầu sau:
1. Trước khi cho gặp
thân nhân, cán bộ quản lý giam giữ phải làm tốt công tác tư tưởng, thông báo các
quy định về thăm gặp cho người bị kết án tử hình và thân nhân của họ biết và
yêu cầu ký cam kết chấp hành nghiêm chỉnh Nội quy trại tạm giam cũng như các
quy định về việc thăm gặp, nếu vi phạm sẽ bị đình chỉ việc thăm gặp và bị xử lý
theo quy định của pháp luật.
2. Người bị kết án tử
hình được gặp thân nhân gồm: Ông bà (nội, ngoại), bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi hợp
pháp, bố mẹ vợ (hoặc chồng), anh chị em ruột, vợ (hoặc chồng), con dâu, con rể,
con đẻ, con nuôi hợp pháp. Khi thân nhân đến thăm gặp người
bị kết án tử hình phải có sổ thăm gặp do trại tạm giam cấp hoặc đơn đề nghị được
thăm gặp phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi
cư trú, hoặc cơ quan, đơn vị nơi làm việc, giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ
tùy thân khác. Người bị kết án tử hình được gặp không quá
năm người là thân nhân trong mỗi lần gặp. Số lần người bị kết án tử hình được gặp
thân nhân tùy thuộc vào điều kiện của trại tạm giam và do
Giám thị trại tạm giam quyết định, nhưng mỗi tháng không quá một lần trong, mỗi
lần không quá một giờ.
Trường hợp thân nhân
người bị kết án tử hình là người nước ngoài khi thăm gặp phải có đơn đề nghị (bằng
tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài) và được sự đồng ý của Thủ trưởng đơn vị trực
tiếp quản lý trại tạm giam, trường hợp đơn viết bằng tiếng nước ngoài thì phải
có bản dịch sang tiếng Việt được xác nhận của cơ quan đại diện Ngoại giao hoặc
lãnh sự của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện của tổ chức
quốc tế tại Việt Nam, nơi người đó làm việc.
3. Việc gặp thân nhân
của người bị kết án tử hình phải bảo đảm tuyệt đối an
toàn, không để người bị kết án tử hình trốn, tự sát hoặc có các hành vi vi phạm khác. Buồng thăm gặp phải được xây dựng kiên cố,
phù hợp với yêu cầu bảo vệ, có vách ngăn cách giữa người bị kết án tử hình với
thân nhân và được trang bị các phương tiện nghiệp vụ để theo dõi, giám sát.
Trong thời gian gặp thân nhân, người bị kết án tử hình không được trực tiếp nhận
quà, tiền hoặc các đồ vật khác; không được ăn uống, hút thuốc, sử dụng chất
kích thích tại buồng thăm gặp. Người bị kết án tử hình phải bị cùm một chân và
phải có sự giám sát chặt chẽ của cán bộ trại tạm giam trong suốt quá trình gặp
thân nhân.
Điều
8. Kiểm tra đồ tiếp tế, thư của người bị kết án tử hình
1. Người bị kết án tử
hình được gửi đồ vật, tư trang không sử dụng về cho thân nhân, gia đình; được
nhận quà, tiền lưu ký và những đồ dùng sinh hoạt của thân nhân, gia đình gửi mỗi
tháng không quá hai lần; được nhận, gửi thư nếu được Giám thị trại tạm giam cho
phép.
2. Giám thị trại tạm
giam phải tổ chức tiếp nhận, kiểm tra chặt chẽ đồ tiếp tế, đồ vật, thư để phát
hiện thu giữ, xử lý đồ vật cấm theo quy định. Nếu đồ tiếp tế, đồ vật, thư được
phép nhận và gửi theo quy định thì phải giao lại đầy đủ cho người nhận và phải
ghi vào sổ theo dõi có ký nhận cụ thể.
Điều
9. Xử lý người bị kết án tử hình vi phạm Nội quy trại tạm giam
Trường hợp người bị kết
án tử hình vi phạm Nội quy trại tạm giam thì phải lập biên bản, Giám thị trại tạm
giam ra quyết định kỷ luật bằng một trong các hình thức: Cảnh
cáo, phạt cùm chân. Trong thời gian bị xử lý kỷ luật người bị kết án tử hình
không được gửi thư, nhận thư, nhận đồ tiếp tế và gặp thân nhân. Biên bản vi phạm
và quyết định kỷ luật phải lưu hồ sơ theo quy định.
Điều
10. Các trường hợp trích xuất và công tác quản lý, giám sát khi trích xuất người
bị kết án tử hình
1. Việc trích xuất
đưa người bị kết án tử hình ra khỏi buồng giam được thực hiện trong các trường
hợp sau:
a) Gặp luật sư hoặc
người bào chữa khác. Luật sư hoặc người bào chữa khác khi gặp phải có giấy chứng
nhận bào chữa cho người bị kết án tử hình do cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm
quyền cấp theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
b) Gặp thân nhân theo
quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư này.
c) Gặp làm việc với
cán bộ thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật hoặc gặp
tiếp xúc, làm việc với cơ quan có liên quan như: Văn phòng Chủ tịch nước, cơ
quan Lãnh sự, Ngoại giao, tổ chức quốc tế theo quy định.
2. Việc trích xuất
đưa người bị kết án tử hình ra khỏi buồng giam trong các
trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, do Giám thị trại
tạm giam quyết định và ra lệnh trích xuất đồng thời phải bố trí cán bộ quản
giáo, cảnh sát vũ trang bảo vệ dẫn giải và canh gác, giám sát chặt chẽ đảm bảo
tuyệt đối an toàn; các trường hợp gặp chỉ được thực hiện ở buồng thăm gặp hoặc
buồng làm việc của trại tạm giam và người bị kết án tử hình phải bị cùm chân
trong suốt quá trình gặp. Người đến gặp phải chấp hành đúng các quy định của trại
tạm giam. Kết thúc cuộc gặp cán bộ trại tạm giam phải lập biên bản về nội dung
cuộc gặp, có chữ ký của người đến gặp và người bị kết án tử hình.
3. Việc trích xuất
đưa người bị kết án tử hình ra khỏi trại tạm giam được thực hiện trong những
trường hợp sau:
a) Chuyển người bị kết
án tử hình đến nơi giam khác theo quyết định hoặc lệnh của cơ quan có thẩm quyền.
b) Người bị kết án tử
hình bị bệnh nặng phải chuyển đến cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước để khám và điều
trị khi có lệnh trích xuất của Giám thị trại tạm giam.
c) Thực hiện các hoạt
động điều tra, truy tố, xét xử khi có lệnh trích xuất bằng văn bản của cơ quan
có thẩm quyền.
d) Đưa người bị kết
án tử hình đi thi hành án tử hình khi có quyết định của Hội đồng thi hành án tử
hình.
3. Trong mọi trường hợp,
khi áp giải người bị kết án tử hình theo lệnh trích xuất, người bị kết án tử
hình đều phải bị khóa tay, cùm chân (loại cùm chân dùng cho người bị áp giải)
và ghi vào sổ theo dõi theo mẫu quy định. Đơn vị và cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm
vụ áp giải phải có kế hoạch phối hợp với các đơn vị có liên quan bảo vệ, canh
gác, áp giải, giám sát chặt chẽ và bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Điều
11. Bảo đảm quyền của người bị kết án tử hình được pháp luật quy định
1. Trại tạm giam phải
bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo, quyền kháng cáo, quyền xin ân giảm án tử hình
của người bị kết án tử hình theo đúng quy định của pháp luật.
2. Trường hợp người bị
kết án tử hình có quyết định ân giảm án tử hình xuống tù chung thân, Giám thị
trại tạm giam phải chuyển ngay người đó ra khỏi khu giam người bị kết án tử
hình đến khu giam người có án phạt tù đã có quyết định thi hành án phạt tù chờ
đưa đi trại giam chấp hành án.
Nếu người bị kết án tử
hình có bản án của Tòa phúc thẩm xử xuống tù chung thân hoặc hủy án để điều tra
lại vụ án thì Giám thị trại tạm giam phải chuyển ngay người đó ra khỏi khu giam
người bị kết án tử hình xuống giam ở khu tạm giam.
3. Khi người bị kết
án tử hình có đủ điều kiện được ân giảm, chuyển từ hình phạt tử hình thành tù
chung thân theo quy định tại Điều 35 Bộ luật hình sự năm 1999
thì Giám thị trại tạm giam phải thông báo ngay bằng văn bản cho Chánh án Toà án
đã xét xử sơ thẩm vụ án biết để giải quyết theo thẩm quyền.
Chương 3.
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều
12. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 8 năm 2012.
Điều
13. Trách nhiệm thi hành
1. Các Tổng cục trưởng,
Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương, Giám thị trại tạm giam chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Tổng cục Cảnh sát
Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm,
Tổng cục An ninh II, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
có trách nhiệm tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư
này.
Trong quá trình thực
hiện Thông tư nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ
(qua Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư
pháp) để có hướng dẫn kịp thời.
Nơi nhận:
- Các đ/c Thứ trưởng;
- Các Tổng cục, đơn vị thuộc bộ;
- Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Sở Cảnh sát phòng
cháy và chữa cháy;
- Lưu: VT, C81
|
BỘ
TRƯỞNG
Thượng tướng Trần Đại Quang
|