Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Văn bản hợp nhất 30/VBHN-NHNN 2019 Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân

Số hiệu: 30/VBHN-NHNN Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Người ký: Đoàn Thái Sơn
Ngày ban hành: 16/09/2019 Ngày hợp nhất: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/VBHN-NHNN

Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2019

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUỸ BẢO ĐẢM AN TOÀN HỆ THỐNG QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN

Thông tư số 03/2014/TT-NHNN ngày 23 tháng 01 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 06/2017/TT-NHNN ngày 05 tháng 7 năm 2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nướcViệt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2014/TT-NHNN ngày 23/01/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31/3/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về quỹ tín dụng nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2017.

Thông tư số 14/2019/TT-NHNN ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Thông tư có quy định về chế độ báo cáo định kỳ của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2019.

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân[1],[2].

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định việc trích nộp phí tham gia, quản lý và sử dụng Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (sau đây gọi tắt là Quỹ bảo toàn) nhằm hỗ trợ bảo đảm an toàn cho hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.

2. Quỹ bảo toàn là một quỹ tài chính của hệ thống tổ chức tín dụng là hợp tác xã (bao gồm ngân hàng hợp tác xã và các quỹ tín dụng nhân dân) do ngân hàng hợp tác xã lập trên cơ sở phí trích nộp của ngân hàng hợp tác xã và các quỹ tín dụng nhân dân thành viên, đặt tại ngân hàng hợp tác xã và do ngân hàng hợp tác xã quản lý, sử dụng theo quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Ngân hàng hợp tác xã.

2. Các quỹ tín dụng nhân dân.

3. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc trích nộp phí tham gia, quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động

1. Quỹ bảo toàn là quỹ tài chính thuộc sở hữu chung của thành viên (ngân hàng hợp tác xã và các quỹ tín dụng nhân dân) do ngân hàng hợp tác xã quản lý và sử dụng theo quy định tại Thông tư này.

2. Quỹ bảo toàn được sử dụng để cho vay hỗ trợ có hoàn trả cho quỹ tín dụng nhân dân khi gặp khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả để có thể khắc phục trở lại hoạt động bình thường.

3. Hoạt động của Quỹ bảo toàn không vì mục tiêu lợi nhuận, theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

4. Chi phí hoạt động Quỹ bảo toàn được bù đắp từ lãi cho vay, đầu tư của Quỹ bảo toàn.

5. Nguồn vốn nhàn rỗi của Quỹ bảo toàn được sử dụng trên nguyên tắc đảm bảo an toàn nguồn vốn và đáp ứng yêu cầu cho vay hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Trích nộp Quỹ bảo toàn

1. Ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân (trừ trường hợp đang bị áp dụng kiểm soát đặc biệt) có trách nhiệm trích nộp phí tham gia đầy đủ, đúng hạn vào Quỹ bảo toàn một năm một lần trước ngày 31/01 của năm tiếp theo. Việc trích nộp phí tham gia Quỹ bảo toàn của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân theo quy định tại Thông tư này bắt đầu thực hiện từ năm tài chính 2014.

2.[3] Việc trích nộp Quỹ bảo toàn theo quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện như sau:

a) Mức phí trích nộp hằng năm bằng 0,08% dư nợ cho vay bình quân năm liền kề trước kết thúc vào ngày 31/12 của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân.

Dư nợ cho vay bình quân năm được tính bằng tổng dư nợ cho vay (nhóm 1 và nhóm 2 theo quy định về phân loại nợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) tại thời điểm cuối mỗi tháng trong năm chia cho số tháng phải tính thực tế. Riêng đối với ngân hàng hợp tác xã, số dư nợ cho vay tại thời điểm cuối mỗi tháng được loại trừ phần dư nợ cho vay điều hòa vốn đối với các quỹ tín dụng nhân dân thành viên;

b) Việc trích nộp Quỹ bảo toàn của năm tài chính chỉ được thực hiện khi tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ bảo toàn trước khi trích nộp thấp hơn 1,5% tổng tài sản có của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.

Trường hợp, sau khi trích nộp Quỹ bảo toàn của năm tài chính dẫn đến tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ bảo toàn cao hơn hoặc bằng 1,5% tổng tài sản có của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân thì Ngân hàng Hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân vẫn thực hiện trích nộp Quỹ bảo toàn đối với năm tài chính đó;

c) Số tiền trích nộp Quỹ bảo toàn được hạch toán vào chi phí hoạt động của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân.

3. Chênh lệch thu từ lãi và chi phí trong hoạt động của Quỹ bảo toàn, lợi nhuận được để lại từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước tại ngân hàng hợp tác xã theo quy định pháp luật được sử dụng bổ sung Quỹ bảo toàn.

Điều 5. Quản lý Quỹ bảo toàn

1. Quỹ bảo toàn được quản lý theo Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn do ngân hàng hợp tác xã xây dựng và ban hành sau khi được Đại hội thành viên ngân hàng hợp tác xã thông qua để thực hiện trong toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn phải được Đại hội thành viên ngân hàng hợp tác xã thông qua.

2. Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn tối thiểu phải có các nội dung sau:

a) Nguyên tắc tổ chức quản lý, sử dụng Quỹ bảo toàn là cho vay hỗ trợ có hoàn trả cho quỹ tín dụng nhân dân khi gặp khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả để có thể khắc phục trở lại hoạt động bình thường; không vì mục tiêu lợi nhuận, tự chủ, tự chịu trách nhiệm;

b) Các quy định cụ thể về việc sử dụng Quỹ bảo toàn, trong đó:

- Quỹ tín dụng nhân dân được vay hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư này;

- Trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị cho vay hỗ trợ;

- Mức cho vay hỗ trợ; thời hạn cho vay hỗ trợ; lãi suất cho vay hỗ trợ; các cam kết khi nhận cho vay hỗ trợ.

c) Cơ chế giải ngân nguồn vốn cho vay hỗ trợ;

d) Các biện pháp theo dõi, chấn chỉnh, củng cố hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân được vay hỗ trợ; cơ chế kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của quỹ tín dụng nhân dân được hỗ trợ;

đ) Nguyên tắc, điều kiện, thẩm quyền xử lý rủi ro đối với các khoản cho vay hỗ trợ không thu hồi được vốn;

e) Việc sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Quỹ bảo toàn;

g) Cơ chế thu, chi tài chính phục vụ cho hoạt động của Quỹ bảo toàn theo quy định của pháp luật có liên quan;

h) Quy định chế độ báo cáo của các quỹ tín dụng nhân dân được vay hỗ trợ.

Điều 6. Sử dụng Quỹ bảo toàn

1. Quỹ bảo toàn được sử dụng để cho vay hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân khi gặp khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả để có thể khắc phục trở lại hoạt động bình thường.

2. Trên cơ sở đảm bảo an toàn nguồn vốn và đáp ứng yêu cầu cho vay hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân, nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Quỹ bảo toàn được:

a) Gửi tại ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng thương mại theo quy định tại Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn;

b) Mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Kho bạc, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 7. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời hạn, lãi suất cho vay hỗ trợ từ Quỹ bảo toàn

Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời hạn, lãi suất cho vay hỗ trợ thực hiện theo Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn do ngân hàng hợp tác xã ban hành.

Điều 8. Chấm dứt, thanh lý Quỹ bảo toàn

Việc chấm dứt, thanh lý Quỹ bảo toàn thực hiện theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Chương III

BÁO CÁO VÀ KIỂM TRA, GIÁM SÁT

Điều 9. Báo cáo với Cơ quan quản lý Nhà nước[4]

1. Hằng năm, chậm nhất vào ngày 15 tháng 7, ngân hàng hợp tác xã có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm của Quỹ bảo toàn cho Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) theo Mẫu số 01 ban hành kèm Thông tư này.

2. Hằng năm, chậm nhất sau 45 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, ngân hàng hợp tác xã có trách nhiệm gửi các báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) như sau:

a) Báo cáo tình hình hoạt động và báo cáo tình hình tài chính năm trước của Quỹ bảo toàn theo Mẫu số 02 ban hành kèm Thông tư này;

b) Báo cáo về kết quả giám sát, kiểm toán nội bộ của Ban kiểm soát ngân hàng hợp tác xã về hình hình hoạt động và kết quả tài chính của Quỹ bảo toàn theo Mẫu số 03 ban hành kèm Thông tư này.

3. Báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

4. Các báo cáo tại khoản 1, 2, 3 Điều này được lập thành văn bản giấy, gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng).

Điều 10. Báo cáo nội bộ

Ngân hàng hợp tác xã có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình hoạt động và tình hình tài chính năm của Quỹ bảo toàn cho các thành viên chậm nhất vào ngày 31/01 hằng năm; đồng thời chịu trách nhiệm báo cáo, giải trình theo yêu cầu của các thành viên đối với các báo cáo nêu trên.

Điều 11. Quản lý, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thanh tra, giám sát ngân hàng hợp tác xã trong việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ LIÊN QUAN

Điều 12. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

1. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng:

Thanh tra, giám sát ngân hàng hợp tác xã trong việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn theo quy định tại Thông tư này.

2. Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

Phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng xử lý các vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai lập, quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn.

Điều 13. Trách nhiệm của ngân hàng hợp tác xã

1. Lập Quỹ bảo toàn theo quy định tại Thông tư này.

2. Tính, nộp đúng hạn và đầy đủ phí tham gia vào Quỹ bảo toàn.

3. Kiểm tra việc tính, trích nộp phí và đôn đốc các quỹ tín dụng nhân dân nộp đúng hạn, đầy đủ phí tham gia vào Quỹ bảo toàn.

4. Quản lý, sử dụng và chịu trách nhiệm về việc sử dụng Quỹ bảo toàn.

5. Xây dựng Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn, trình Đại hội thành viên ngân hàng hợp tác xã thông qua để ban hành và thực hiện trong toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.

6. Báo cáo tình hình hoạt động và tình hình tài chính của Quỹ bảo toàn tại Đại hội thành viên của ngân hàng hợp tác xã.

7. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo với Cơ quan quản lý Nhà nước.

Điều 14. Trách nhiệm của quỹ tín dụng nhân dân

1. Tính, nộp đúng hạn và đầy đủ phí tham gia vào Quỹ bảo toàn.

2. Thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn và các quy định của pháp luật có liên quan.

3. Sử dụng đúng mục đích khoản vay hỗ trợ từ Quỹ bảo toàn.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN[5],[6]

Điều 15. Quy định chuyển tiếp

1. Chuyển toàn bộ khoản phí các quỹ tín dụng nhân dân đã trích nộp tham gia thí điểm Quỹ an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân vào Quỹ bảo toàn. Khoản phí của quỹ tín dụng nhân dân đã trích nộp tham gia thí điểm Quỹ an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân được trừ vào số phí phải nộp của năm 2014 và các năm tiếp theo.

2. Chuyển toàn bộ dư nợ các khoản đã cho vay trong thời gian thực hiện thí điểm Quỹ an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân vào Quỹ bảo toàn. Các quỹ tín dụng nhân dân có dư nợ trong thời gian thí điểm Quỹ an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân phải nhận nợ và trả nợ đã vay cho Quỹ bảo toàn.

3. Ngân hàng hợp tác xã hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục việc chuyển tiếp quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này.

Điều 16. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 3 năm 2014.

Điều 17. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./.

Mẫu số 01[7]

NGÂN HÀNG HỢP TÁC XÃ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:...........

(Tỉnh, thành phố).... ngày.... tháng.... năm...

BÁO CÁO

Tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm của Quỹ bảo toàn

(Từ ngày 01/01/.... đến ngày 30/06/....)

Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

1. Quản lý Quỹ bảo toàn (số lượng thành viên Ban quản lý Quỹ bảo toàn).

2. Tổng số phí đã thu của Quỹ bảo toàn.

3. Chi phí hoạt động của Quỹ bảo toàn

4. Việc sử dụng để cho vay hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân khi gặp khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả để có thể khắc phục trở lại hoạt động bình thường.

5. Báo cáo việc sử dụng nguồn vốn của Quỹ bảo toàn:

a) Gửi tại ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng thương mại theo quy định tại Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn;

b) Mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Kho bạc, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP
(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ và đóng dấu)

Mẫu số 02[8]

NGÂN HÀNG HỢP TÁC XÃ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:............

(Tỉnh, thành phố).... ngày....... tháng....... năm......

BÁO CÁO

Tình hình hoạt động và tình hình tài chính năm trước của Quỹ bảo toàn

(Từ ngày 01/01/... đến ngày 31/12/...)

Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

1. Quản lý Quỹ bảo toàn (số lượng thành viên Ban quản lý Quỹ bảo toàn)

2. Tổng số phí đã thu của Quỹ bảo toàn:

- Số QTDND đã tham gia đóng phí Quỹ bảo toàn

- Số QTDND chưa tham gia đóng Quỹ bảo toàn

3. Chi phí hoạt động của Quỹ bảo toàn.

4. Cơ chế thu, chi tài chính phục vụ cho hoạt động của Quỹ bảo toàn.

5. Việc sử dụng để cho vay hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân khi gặp khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả để có thể khắc phục trở lại hoạt động bình thường.

- Số QTDND đề nghị được vay vốn từ Quỹ bảo toàn;Số QTDND đã được xét cho vay từ Quỹ bảo toàn; Mức cho vay hỗ trợ; Thời hạn cho vay hỗ trợ; Lãi suất cho vay hỗ trợ;

- Các biện pháp theo dõi, chấn chỉnh, củng cố hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân được vay hỗ trợ;

- Việc thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của quỹ tín dụng nhân dân được hỗ trợ;

- Xử lý rủi ro đối với các khoản cho vay hỗ trợ không thu hồi được vốn;

6. Việc sử dụng nguồn vốn của Quỹ bảo toàn:

- Gửi tại ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng thương mại theo quy định tại Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn; Lãi suất tiền gửi.

- Mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Kho bạc, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP
(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ và đóng dấu)

Mẫu số 03[9]

NGÂN HÀNG HỢP TÁC XÃ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:............

(Tỉnh, thành phố).... ngày.... tháng.... năm...

BÁO CÁO

Kết quả giám sát, kiểm toán nội bộ của Ban kiểm soát ngân hàng hợp tác xã về tình hình hoạt động và kết quả tài chính của Quỹ bảo toàn

(Từ ngày 01/01/... đến ngày 31/12/...)

Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

1. Quản lý Quỹ bảo toàn (số lượng thành viên Ban quản lý Quỹ bảo toàn)

2. Thời gian thực hiện giám sát, kiểm toán nội bộ của Ban kiểm soát Ngân hàng Hợp tác xã về tình hình hoạt động và kết quả tài chính của Quỹ bảo toàn (Tần suất và thời lượng kiểm toán nội bộ)

3. Nội dung và kết quả giám sát, kiểm toán nội bộ của Ban Kiểm soát Ngân hàng Hợp tác xã về tình hình hoạt động và kết quả tài chính của Quỹ bảo toàn.

NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP
(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ và đóng dấu)

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Đoàn Thái Sơn



[1] Thông tư số 06/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2014/TT-NHNN ngày 23/01/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31/3/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về quỹ tín dụng nhân dân có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2014/TT-NHNN ngày 23 tháng 01 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 3 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về quỹ tín dụng nhân dân.”

[2] Thông tư số 14/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Thông tư có quy định về chế độ báo cáo định kỳ của Ngân hàng Nhà nước có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Thông tư có quy định về chế độ báo cáo định kỳcủa Ngân hàng Nhà nước.”

[3] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại Điều 1 của Thông tư số 06/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2014/TT-NHNN ngày 23/01/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31/3/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về quỹ tín dụng nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2017.

[4] Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 5 Điều 1 của Thông tư số 14/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Thông tư có quy định về chế độ báo cáo định kỳ của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2019.

[5] Điều 4 của Thông tư số 06/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2014/TT-NHNN ngày 23/01/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31/3/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về quỹ tín dụng nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2017 quy định như sau:

Điều 4. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2017.

2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc quỹ tín dụng nhân dân chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./.”

[6] Điều 3 và Điều 4 của Thông tư số 14/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Thông tư có quy định về chế độ báo cáo định kỳ của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2019 quy định như sau:

Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Chủ tịch Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên), Tổng Giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước, Công ty thông tin tín dụng, Các cơ sở in, đúc tiền, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2019.

2. Thông tư này bãi bỏ các quy định sau:

a) Khoản 6 Điều 1 Thông tư số 27/2014/TT-NHNN ngày 18 tháng 9 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2010/TT-NHNN ;

b) Khoản 4 Điều 1 Thông tư số 44/2018/TT-NHNN ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2012/TT-NHNN ./.”

[7] Mẫu này được bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 2 của Thông tư số 14/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Thông tư có quy định về chế độ báo cáo định kỳ của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2019.

[8] Mẫu này được bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 2 của Thông tư số 14/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Thông tư có quy định về chế độ báo cáo định kỳ của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2019.

[9] Mẫu này được bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 2 của Thông tư số 14/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Thông tư có quy định về chế độ báo cáo định kỳ của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2019.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Văn bản hợp nhất 30/VBHN-NHNN ngày 16/09/2019 hợp nhất Thông tư quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.024

DMCA.com Protection Status
IP: 18.116.49.243
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!