NGÂN HÀNG NHÀ
NƯỚC
VIỆT NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 25/VBHN-NHNN
|
Hà Nội, ngày 24
tháng 11 năm 2023
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH VỀ DỊCH CHỨNG TỪ KẾ TOÁN GHI BẰNG TIẾNG NƯỚC NGOÀI KHI SỬ DỤNG ĐỂ GHI SỔ KẾ
TOÁN, CÁCH VIẾT CHỮ SỐ TRÊN CHỨNG TỪ KẾ TOÁN VÀ LƯU TRỮ CHỨNG TỪ ĐIỆN TỬ TẠI
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Thông tư số 38/2013/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm
2013 quy định về dịch chứng từ kế toán ghi bằng tiếng nước ngoài khi sử dụng để
ghi số kế toán, cách viết chữ số trên chứng từ kế toán và lưu trữ chứng từ điện
tử tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2014,
được sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư số 12/2023/TT-NHNN ngày 12 tháng 10 năm
2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của
các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc triển khai nhiệm vụ quản lý dự
trữ ngoại hối nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 11 năm 2023.
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số
46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Kế toán số 03/2003/QH11 ngày 17
tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11
ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 35/2007/NĐ-CP ngày 08 tháng
3 năm 2007 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng;
Căn cứ Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng
11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 08/2013/QĐ-TTg ngày
14/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Chế độ kế toán áp dụng đối với Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế
toán;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông
tư quy định về dịch chứng từ kế toán ghi bằng tiếng nước ngoài khi sử dụng để
ghi số kế toán, cách viết chữ số trên chứng từ kế toán và lưu trữ chứng từ điện
tử tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam[1],
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về dịch chứng từ kế toán ghi
bằng tiếng nước ngoài khi sử dụng để ghi sổ kế toán, cách viết chữ số trên chứng
từ kế toán và lưu trữ chứng từ điện tử tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây
gọi là Ngân hàng Nhà nước).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Sở Giao dịch, Vụ Tài chính - Kế toán, Cục Công
nghệ tin học, Cục Phát hành và kho quỹ, Cục Quản trị, Cơ quan Thanh tra, giám
sát ngân hàng, Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước
chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị khác thuộc Ngân
hàng Nhà nước có tổ chức bộ máy kế toán, trừ các đơn vị sự nghiệp (sau đây gọi
là đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước).
2. Các tổ chức và cá nhân có sử dụng chứng từ kế
toán theo quy định tại Điều 1 Thông tư này.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Chứng từ ghi bằng tiếng nước ngoài là chứng từ kế
toán theo quy định của Luật Kế toán, phát sinh ở ngoài lãnh thổ Việt Nam và được
sử dụng chữ viết bằng tiếng nước ngoài trên chứng từ kế toán.
2. Chứng từ thanh toán quốc tế là chứng từ kế toán
theo quy định của Luật Kế toán được sử dụng trong hoạt động thanh toán mà trong
đó có ít nhất một bên liên quan là tổ chức hoặc cá nhân có tài khoản thanh toán
ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.
3. Chứng từ điện tử là chứng từ kế toán theo quy định
của Luật Kế toán được thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử; được mã hóa mà không
bị thay đổi trong quá trình truyền qua mạng máy tính hoặc trên vật mang tin như
băng từ, đĩa từ các loại thẻ thanh toán; được bảo đảm an toàn dữ liệu điện tử
trong quá trình xử lý, truyền tin và lưu trữ,
4. Lưu trữ chứng từ điện tử là việc bảo quản, lưu
trữ chứng từ điện tử bằng phương tiện điện tử theo quy định của Luật Giao dịch
điện tử.
5. Hủy chứng từ điện tử là việc làm cho chứng từ
không có giá trị sử dụng.
6. Tiêu hủy chứng từ điện tử là làm cho chứng từ điện
tử không thể truy cập và tham chiếu đến thông tin chứa trong nó.
7. Cách viết chữ số theo thông lệ quốc tế là việc sử
dụng dấu phân cách số tự nhiên là dấu phẩy (,) sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ,
nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ và sử dụng dấu chấm (.) sau chữ số hàng đơn vị trên
chứng từ kế toán.
8. Bản dịch mẫu là bản dịch ra tiếng Việt của các mẫu
chứng từ ghi bằng tiếng nước ngoài hoặc bản dịch chứng từ đầu tiên đối với các
chứng từ ghi bằng tiếng nước ngoài phát sinh nhiều lần, có nội dung giống nhau.
Điều 4. Dịch chứng từ ghi bằng
tiếng nước ngoài ra tiếng Việt để ghi sổ kế toán
1. Các chứng từ ghi bằng tiếng nước ngoài phát sinh
nhiều lần và có nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính giống nhau phải dịch sang
tiếng Việt đối với bản chứng từ đầu hoặc mẫu chứng từ (nếu có), từ bản sau trở
đi thì chỉ bắt buộc dịch sang tiếng Việt các nội dung chủ yếu của chứng từ theo
quy định của Luật Kế toán về nội dung chứng từ.
2. Các chứng từ ghi bằng tiếng nước ngoài không thuộc
quy định tại khoản 1 Điều này phải dịch toàn bộ nội dung chứng từ ra tiếng Việt.
3. Trang đầu tiên của bản dịch phải được ghi rõ chữ
"BẢN DỊCH" vào chỗ trống phía trên bên phải. Nếu bản dịch có từ hai
trang trở lên thì phải đánh số trang theo thứ tự. Tất cả các trang của bản gốc
và bản dịch phải đóng dấu giáp lai giữa các tờ. Bản dịch chứng từ ra tiếng Việt
tại khoản 1, khoản 2 Điều này phải đính kèm với bản gốc chứng từ ghi bằng tiếng
nước ngoài và phải đóng dấu giáp lai giữa các tờ của cả bản dịch và bản gốc. Bản
dịch mẫu phải được lưu trữ trên tập chứng từ gốc phát sinh trong một ngày giao
dịch.
4. Đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước có thể tự dịch
hoặc thuê tổ chức, cá nhân dịch chứng từ, Thủ trưởng đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà
nước chịu trách nhiệm về tính chính xác giữa bản dịch và chứng từ gốc. Người dịch
chứng từ ghi bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt phải là người thông thạo tiếng
nước ngoài cần dịch.
5. Trường hợp thuê dịch, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà
nước phải xây dựng Quy chế quy định về việc dịch chứng từ, quyền và trách nhiệm
của tổ chức, cá nhân dịch chứng từ, mức thù lao dịch thuật theo cơ chế tài
chính của Ngân hàng Nhà nước, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, ban
hành trước khi thực hiện.
Điều 5. Cách viết chữ số trên
chứng từ kế toán
1. Quy định tại Điều này chỉ áp dụng đối với chứng
từ thanh toán quốc tế tại Sở Giao dịch và Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước[2].
2. Sở Giao dịch và Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà
nước[3]
được sử dụng cách viết chữ số theo thông lệ quốc tế trên chứng từ thanh toán quốc
tế.
3. Sở Giao dịch và Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà
nước[4]
phải thực hiện chuyển đổi cách viết chữ số theo thông lệ quốc tế sang cách viết
chữ số theo quy định của Luật kế toán để đảm bảo tính chính xác khi ghi sổ kế
toán và lập báo cáo tài chính.
4. Sở Giao dịch và Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà
nước[5]
lập danh mục các loại chứng từ được chuyển đổi cách viết chữ số theo thông lệ
quốc tế để phục vụ cho việc kiểm tra, đối chiếu tại đơn vị.
Điều 6. Lưu trữ chứng từ điện tử
tại Ngân hàng Nhà nước
1. Việc lưu trữ chứng từ điện tử chỉ được thực hiện
tại Ngân hàng Nhà nước khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, điều kiện theo quy định
tại Điều 20, Điều 21 Nghị định số 35/2007/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2007 của
Chính phủ về giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng và đảm bảo tuân thủ
Phương án bảo quản, lưu trữ chứng từ điện tử của Ngân hàng Nhà nước.
2. Việc lưu trữ chứng từ điện tử phải thực hiện đồng
thời với việc lập, in và lưu trữ Bảng kê chứng từ điện tử phát sinh tại mỗi đơn
vị thuộc Ngân hàng Nhà nước. Yêu cầu đối với việc lập Bảng kê chứng từ điện tử
như sau:
a) Bảng kê chứng từ điện tử phải phản ánh được các
nội dung chủ yếu của từng chứng từ phát sinh trong ngày tại đơn vị thuộc Ngân
hàng Nhà nước và được in ra vào cuối mỗi ngày làm việc. Các nội dung chủ yếu
trên chứng từ cần được phản ánh trên Bảng kê chứng từ điện tử bao gồm: Số hiệu
chứng từ, tài khoản ghi Nợ, tài khoản ghi Có, số tiền và tóm tắt nội dung nghiệp
vụ kinh tế phát sinh;
b) Bảng kê chứng từ điện tử phải có đủ chữ ký của
Thủ trưởng đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, trưởng phòng kế toán và người lập Bảng
kê chứng từ điện tử. Thủ trưởng đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm
về tính chính xác, khớp đúng của Bảng kê chứng từ điện tử với chứng từ gốc;
c) Bảng kê chứng từ điện tử phải được lưu trữ theo
đúng quy định về lưu trữ chứng từ kế toán.
3. Trường hợp không đáp ứng được các quy định nêu tại
khoản 1, khoản 2 Điều này thì đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện in
chứng từ ra giấy để lưu trữ theo quy định.
Điều 7. Hủy và tiêu hủy chứng từ
điện tử
Việc hủy và tiêu hủy chứng từ điện tử tại Ngân hàng
Nhà nước được thực hiện theo quy định tại Điều 15, Điều 23 Nghị định số
35/2007/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong
lĩnh vực ngân hàng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 8. Trách nhiệm thực hiện
1. Đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước:
a) Tổ chức thực hiện địch chứng từ ghi bằng tiếng
nước ngoài ra tiếng Việt để ghi sổ kế toán tại đơn vị, đảm bảo tính chính xác,
đầy đủ theo quy định tại Điều 4 Thông tư này;
b) Tổ chức thực hiện lưu trữ, hủy và tiêu hủy chứng
từ điện tử theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Thông tư này,
Phương án bảo quản, lưu trữ chứng từ điện tử của Ngân hàng Nhà nước và hướng dẫn
tổ chức thực hiện của Cục Công nghệ tin học thực hiện kiểm soát chứng từ điện tử
đảm bảo sự chính xác, khớp đúng và đầy đủ trước khi đưa vào lưu trữ; chịu trách
nhiệm về các rủi ro đối với chứng từ điện tử lưu trữ do nguyên nhân chủ quan
gây ra,
2. Cục Công nghệ tin học:
Ngoài trách nhiệm nêu tại khoản 1 Điều này, Cục
Công nghệ tin học chịu trách nhiệm:
a) Xây dựng và trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
ban hành Phương án bảo quản, lưu trữ chứng từ điện tử của Ngân hàng Nhà nước
theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 35/2007/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2007 của
Chính phủ về giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng và hướng dẫn tổ chức thực
hiện Phương án này trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước;
b) Nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu
tư mua sắm trang thiết bị, giải pháp lưu trữ chứng từ điện tử tại Ngân hàng Nhà
nước theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên
quan.
3. Sở Giao dịch và Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà
nước[6]:
Ngoài trách nhiệm nêu tại khoản 1 Điều này, Sở Giao
dịch và Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước[7] chịu trách nhiệm
thực hiện các quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 5 Thông tư này.
4. Người được giao nhiệm vụ bảo quản, lưu trữ chứng
từ điện tử:
a) Thực hiện đúng Phương án bảo quản, lưu trữ chứng
từ điện tử;
b) Phải báo cáo cho Thủ trưởng đơn vị để xử lý, khắc
phục kịp thời trong trường hợp có nguy cơ hoặc xảy ra rủi ro đối với chứng từ
điện tử lưu trữ;
c) Không được phép cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào
khai thác, sử dụng chứng từ điện tử lưu trữ nếu không có sự đồng ý bằng văn bản
của Thủ trưởng đơn vị hoặc cấp có thẩm quyền.
Điều 9. Hiệu lực thi hành[8]
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01
tháng 6 năm 2014.
2. Nội dung quy định về dịch chứng từ ghi bằng tiếng
nước ngoài quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Chế độ Chứng từ kế toán ngân hàng
ban hành kèm theo Quyết định số 1789/2005/QĐ-NHNN ngày 12/12/2005 của Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước không áp dụng tại các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước kể từ
ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
3. Nội dung quy định về cách viết chữ số sử dụng
trên chứng từ kế toán quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Chế độ Chứng từ kế
toán ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1789/2005/QĐ-NHNN ngày
12/12/2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước không áp dụng đối với chứng từ
thanh toán quốc tế phát sinh tại Sở Giao dịch và Cục Quản lý dự trữ ngoại hối
nhà nước[9] kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi
hành.
Điều 10. Tổ chức thi hành
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán,
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi
nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Thông tư
này./.
Nơi nhận:
- Ban lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo);
- Cổng thông tin điện tử NHNN;
- Lưu: VP, PC3.
|
XÁC THỰC VĂN BẢN
HỢP NHẤT
KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC
Đoàn Thái Sơn
|
[1] Thông tư số 12/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung
một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc triển khai nhiệm
vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước có căn cứ ban hành như sau:
"Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Pháp lệnh Ngoại hối ngày 13 tháng 12 năm
2005; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối ngày 18
tháng 3 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 50/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng
5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 102/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng
12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật quy định
về việc triển khai nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.”.
[2] Cụm từ “và Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà
nước” được bổ sung theo quy định tại Điều 5 của Thông tư số 12/2023/TT-NHNN sửa
đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc
triển khai nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày
27 tháng 11 năm 2023.
[3] Cụm từ “và Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà
nước” được bổ sung theo quy định tại Điều 5 của Thông tư số 12/2023/TT-NHNN sửa
đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc
triển khai nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước có hiệu lực kể từ ngày 27
tháng 11 năm 2023.
[4] Cụm từ “và Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà
nước” được bổ sung theo quy định tại Điều 5 của Thông tư số 12/2023/TT-NHNN sửa
đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc
triển khai nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước có hiệu lực kể từ ngày 27
tháng 11 năm 2023.
[5] Cụm từ “và Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước”
được bổ sung theo quy định tại Điều 5 của Thông tư số 12/2023/TT-NHNN sửa đổi,
bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc triển
khai nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng
11 năm 2023.
[6] Cụm từ “và Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà
nước” được bổ sung theo quy định tại Điều 5 của Thông tư số 12/2023/TT-NHNN sửa
đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc
triển khai nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày
27 tháng 11 năm 2023.
[7] Cụm từ “và Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà
nước” được bổ sung theo quy định tại Điều 5 của Thông tư sô 12/2023/TT-NHNN sửa
đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc
triển khai nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày
27 tháng 11 năm 2023.
[8] Điều 12, Điều 13 và Điều 14 của Thông tư số
12/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật
quy định về việc triển khai nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, có hiệu
lực kể từ ngày 27 tháng 11 năm 2023 quy định như sau:
“Điều 12. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Quản lý dự trữ
ngoại hối nhà nước và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
Điều 13. Điều khoản chuyển tiếp
Sở Giao dịch tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hạch toán
các nghiệp vụ phát sinh liên quan đến dự trữ ngoại hối nhà nước cho đến khi Thống
đốc quyết định về việc phân công nhiệm vụ hạch toán giữa Cục Quản lý dự trữ ngoại
hối nhà nước và Sở Giao dịch.
Điều 14. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 27/11/2023.
2. Thông tư này bãi bỏ các quy định sau:
a) Khoản 2, khoản 11, khoản 12, khoản 14 và khoản
15 Điều 1 Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 31/12/2020 của Thống đốc Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2014/TT-NHNN
ngày 10/12/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc tổ chức
thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước;
b) Khoản 2 và khoản 3 Điều 1 Thông tư số
12/2015/TT-NHNN ngày 28/8/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư
06/2013/TT-NHNN ngày 12/3/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng
dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam;
c) Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 37/2018/TT-NHNN
ngày 25/12/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2013/TT-NHNN ngày
31/12/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về xác định,
trích lập, quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam./.”
[9] Cụm từ “và Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà
nước” được bổ sung theo quy định tại Điều 5 của Thông tư số 12/2023/TT-NHNN sửa
đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc
triển khai nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày
27 tháng 11 năm 2023.