NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
20/VBHN-NHNN
|
Hà Nội, ngày
15 tháng 7 năm 2024
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ HỆ THỐNG KIỂM SOÁT NỘI BỘ CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI,
CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI
Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18 tháng 5 năm
2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hệ thống kiểm soát nội
bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực kể từ
ngày 01 tháng 01 năm 2019, được sửa đổi, bổ sung bởi:
1. Thông tư số 40/2018/TT-NHNN ngày 28 tháng 12
năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều
của Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18 tháng 5 năm 2018 của Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 02 năm
2019.
2. Thông tư số 14/2023/TT-NHNN ngày 20 tháng 11
năm 2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hệ thống kiểm
soát nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày
01 tháng 10 năm 2024.
3. Thông tư số 09/2024/TT-NHNN ngày 28 tháng 6
năm 2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định các giới hạn, tỷ
lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động, hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
Căn cứ Luật Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật các tổ
chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số
16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của
Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;
Thống đốc Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của
ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài[1],[2],[3].
Chương I
QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh[4]
1. Thông tư này quy định về hệ thống kiểm
soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2. Ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt
không phải tuân thủ quy định tại Chương V Thông tư này.
Điều
2. Đối tượng áp dụng
1. Ngân hàng thương mại
bao gồm: Ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng
liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
2. Chi nhánh ngân hàng
nước ngoài.
Điều
3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này,
các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hệ thống kiểm
soát nội bộ là tập hợp các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ,
cơ cấu tổ chức của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được
xây dựng phù hợp với quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, Thông tư này và
các quy định của pháp luật có liên quan và được tổ chức thực hiện nhằm kiểm
soát, phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro và đạt được yêu cầu đề ra. Hệ
thống kiểm soát nội bộ thực hiện giám sát của quản lý cấp cao, kiểm soát nội bộ,
quản lý rủi ro, đánh giá nội bộ về mức
đủ vốn và kiểm toán nội bộ.
2. Giám sát của quản
lý cấp cao là việc giám sát của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng
giám đốc (Giám đốc), ngân hàng mẹ đối với kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro,
đánh giá nội bộ về mức đủ vốn và giám sát của Ban kiểm soát của ngân hàng
thương mại, ngân hàng mẹ, Tổng giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước
ngoài đối với kiểm toán nội bộ.
3. Kiểm soát nội bộ
là việc kiểm tra, giám sát đối với
các cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện cơ chế, chính sách, quy định nội bộ,
chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, văn hóa kiểm soát nhằm kiểm soát xung đột lợi
ích, kiểm soát rủi ro, đảm bảo hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh
ngân hàng nước ngoài đạt được các mục tiêu đề
ra đồng thời tuân thủ quy định của
pháp luật.
4. Quản lý
rủi ro là việc nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro trong hoạt
động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
5. Đánh giá
nội bộ về mức đủ vốn là việc tự đánh giá mức đủ vốn đảm bảo tuân thủ quy định
của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ an toàn vốn và đạt được yêu cầu đề ra của ngân
hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
6. Văn hóa
kiểm soát là giá trị văn hóa doanh nghiệp của ngân hàng thương mại, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài thể hiện sự nhận thức thống nhất về tầm quan trọng của
hoạt động kiểm soát và quản trị rủi ro của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành
viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) và các cá nhân, bộ phận. Văn hóa kiểm soát được hình thành thông qua chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp,
quy định nội bộ, chế độ khen thưởng, kỷ luật nhằm khuyến khích, đảm bảo các cá
nhân, bộ phận chủ động nhận diện, kiểm soát rủi ro trong hoạt động của mình và
hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
7. Vốn kinh
tế là mức vốn do ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự
xác định trên cơ sở tính toán mức vốn cần thiết bù đắp các rủi ro trọng yếu và
đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn trong kịch bản có diễn biến bất lợi.
8. Kiểm tra
sức chịu đựng là việc đánh giá mức độ tác động của biến động, thay đổi bất
lợi đối với tỷ lệ an toàn vốn, thanh khoản trong các kịch bản khác nhau để xác
định khả năng chịu đựng rủi ro của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài.
9. Rủi ro là
khả năng xảy ra tổn thất (tổn thất tài chính, tổn thất phi tài chính) làm giảm
thu nhập, vốn tự có dẫn đến làm giảm tỷ lệ an toàn vốn hoặc hạn chế khả năng đạt
được mục tiêu kinh doanh của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài.
10. Khẩu vị
rủi ro là mức độ rủi ro mà ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài sẵn sàng chấp nhận trong quá trình thực hiện chiến lược kinh doanh được
thể hiện bằng các tỷ lệ và chỉ tiêu quy định tại điểm a khoản 2
Điều 24 Thông tư này.
11. Trạng
thái rủi ro là phần giá trị của tài sản có rủi ro, nợ phải trả có rủi ro và
các khoản mục ngoại bảng có rủi ro của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân
hàng nước ngoài.
12. Hoạt động
trọng yếu là hoạt động do ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài tự xác định trên cơ sở quy mô của hoạt động đó so với một trong số các chỉ
số tài chính (vốn chủ sở hữu, tổng tài sản, thu nhập, chi phí hoặc các chỉ tiêu
tài chính khác) theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân
hàng nước ngoài.
13. Rủi ro
trọng yếu bao gồm:
a) Rủi ro tín
dụng, rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường, rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng[5];
b) Rủi ro
thanh khoản, rủi ro tập trung;
c) Các rủi ro
khác phát sinh từ hoạt động trọng yếu.
14. Rủi ro thanh
khoản là rủi ro do:
a) Ngân hàng thương mại,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài không có khả năng thực hiện các nghĩa vụ trả nợ
khi đến hạn; hoặc
b) Ngân hàng thương mại,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn
nhưng phải trả chi phí cao hơn mức chi phí bình quân của thị trường theo quy định
nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
15. Rủi ro tập
trung là rủi ro do ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có
hoạt động kinh doanh tập trung vào một khách hàng (bao gồm người có liên quan),
đối tác, sản phẩm, giao dịch, ngành,
lĩnh vực kinh tế, loại tiền tệ ở mức độ có
tác động đáng kể đến thu nhập, trạng thái rủi ro theo quy định nội bộ của
ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
16. Xung đột lợi ích là
tình huống khi một cá nhân, bộ phận đưa ra các quyết định theo thẩm quyền tạo
ra lợi ích không phù hợp hoặc trái với lợi ích của ngân hàng thương mại, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài.
17. Quyết định có rủi ro là
các quyết định của cấp có thẩm quyền của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân
hàng nước ngoài làm phát sinh rủi ro hoặc thay đổi trạng thái rủi ro của ngân
hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
18. Quyết định có rủi ro tín
dụng là quyết định có rủi ro của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng
nước ngoài trong hoạt động tín dụng, tối thiểu bao gồm: quyết định cấp tín dụng;
quyết định hạn mức tín dụng; quyết định cấp tín dụng vượt hạn mức; quyết định
cơ cấu lại thời hạn trả nợ; quyết định chuyển nhóm nợ.
19. Khoản cấp
tín dụng có vấn đề do ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
quy định đảm bảo tối thiểu là khoản cấp tín dụng được phân loại vào nhóm nợ từ
nhóm 2 trở lên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức
trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý
rủi ro.
20. Hoạt động thuê ngoài là
việc ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận bằng văn bản
(hợp đồng dịch vụ thuê ngoài) về việc thuê doanh nghiệp,
tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác (gọi là doanh nghiệp thuê
ngoài) để thực hiện một hoặc một số hoạt động (bao gồm xử lý dữ liệu hoặc một số
công đoạn của quy trình nghiệp vụ) thay cho ngân hàng thương mại, chi nhánh
ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
21. Kiểm
toán viên nội bộ là người thực hiện kiểm toán nội bộ thuộc bộ phận kiểm
toán nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
22. Ngân
hàng mẹ là ngân hàng nước ngoài có chi nhánh được cấp phép hoạt động tại Việt
Nam.
23.[6]
Rủi ro tín dụng
bao gồm:
a) Rủi
ro tín dụng là rủi ro do khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực
hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng hoặc thỏa thuận với ngân
hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ các trường hợp quy định tại
điểm b khoản này. Trong đó, khách hàng (bao gồm cả tổ
chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) có quan hệ với ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc nhận
cấp tín dụng (bao gồm cả nhận cấp tín dụng thông qua ủy thác), nhận tiền gửi,
phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
b) Rủi ro tín
dụng đối tác là rủi ro do đối tác không thực hiện hoặc không có khả năng thực
hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ thanh toán trước hoặc khi đến hạn của các
giao dịch tự doanh; giao dịch repo và giao dịch reverse repo; giao dịch sản phẩm
phái sinh để phòng ngừa rủi ro; giao dịch mua bán ngoại tệ, tài sản tài chính để
phục vụ nhu cầu của khách hàng, đối tác. Trong đó, đối
tác (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) có giao dịch
với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong giao dịch tự
doanh; giao dịch repo và giao dịch reverse repo; giao dịch sản phẩm phái sinh để
phòng ngừa rủi ro; giao dịch mua bán ngoại tệ, tài sản tài chính để phục vụ nhu
cầu của khách hàng, đối tác.
24.[7]
Rủi ro thị trường là rủi ro do biến động bất lợi của lãi suất, tỷ giá, giá
vàng, giá chứng khoán và giá hàng hóa trên thị trường. Rủi ro thị trường bao gồm:
a) Rủi ro lãi
suất là rủi ro do biến động bất lợi của lãi suất trên thị trường đối với giá trị
của giấy tờ có giá, công cụ tài chính có lãi suất, sản phẩm phái sinh lãi suất
trên sổ kinh doanh của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
b) Rủi ro ngoại
hối là rủi ro do biến động bất lợi của tỷ giá, giá vàng trên thị trường khi
ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trạng thái ngoại tệ, trạng
thái vàng;
c) Rủi ro giá
cổ phiếu là rủi ro do biến động bất lợi của giá cổ phiếu trên thị trường đối với
giá trị của cổ phiếu, giá trị chứng khoán phái sinh trên sổ kinh doanh của ngân
hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
d) Rủi ro giá
hàng hóa là rủi ro do biến động bất lợi của giá hàng hóa trên thị trường đối với
giá trị của sản phẩm phái sinh hàng hóa, giá trị của sản phẩm trong giao dịch
giao ngay chịu rủi ro giá hàng hóa của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân
hàng nước ngoài.
25.[8]
Rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng là rủi ro do biến động bất lợi của lãi suất đối với thu nhập,
giá trị tài sản, giá trị nợ phải trả và giá trị cam kết ngoại bảng của ngân
hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh do:
a) Chênh lệch
thời điểm ấn định mức lãi suất mới hoặc kỳ xác định lại lãi suất;
b) Thay đổi mối
quan hệ giữa các mức lãi suất của các công cụ tài chính khác nhau nhưng có cùng
thời điểm đáo hạn;
c) Thay đổi mối
quan hệ giữa các mức lãi suất ở các kỳ hạn khác nhau;
d) Tác động từ
các sản phẩm quyền chọn lãi suất, các sản phẩm có yếu tố quyền chọn lãi suất.
26.[9]
Rủi ro hoạt động là rủi ro do các quy trình nội bộ quy định không đầy đủ hoặc có sai
sót, do yếu tố con người, do các lỗi, sự cố của hệ thống hoặc do các yếu tố bên
ngoài làm tổn thất về tài chính, tác động tiêu cực phi tài chính đối với ngân
hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (bao gồm cả rủi ro pháp lý). Rủi
ro hoạt động không bao gồm:
a) Rủi ro danh
tiếng là rủi ro do khách hàng, đối tác, cổ đông, nhà đầu
tư hoặc công chúng có phản ứng tiêu cực về uy tín của ngân hàng thương mại, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài;
b) Rủi ro chiến
lược là rủi ro do ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hoặc
không có chiến lược, chính sách ứng phó kịp thời trước các thay đổi môi trường
kinh doanh làm giảm khả năng đạt được chiến lược kinh doanh, mục tiêu lợi nhuận
của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
27.[10]
Sổ kinh doanh là danh mục ghi nhận các trạng thái của:
a) Giao dịch tự doanh (trừ các
giao dịch quy định tại điểm b khoản 28 Điều này);
b) Giao dịch để thực hiện nghiệp vụ
bảo lãnh phát hành công cụ tài chính;
c) Giao dịch sản phẩm phái sinh để
phòng ngừa rủi ro của các giao dịch tự doanh của ngân hàng thương mại, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài;
d) Giao dịch mua bán ngoại tệ, tài
sản tài chính để phục vụ nhu cầu của khách hàng, đối tác và các giao dịch để đối
ứng với các giao dịch này.
28.[11]
Sổ ngân hàng là danh mục ghi nhận trạng thái của:
a) Giao dịch repo, reverse repo;
b) Giao dịch sản phẩm phái sinh để phòng ngừa rủi
ro cho các khoản mục của Bảng cân đối tài sản (bao gồm cả các khoản mục ngoại bảng)
của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ các giao dịch đã
phân loại vào sổ kinh doanh của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài quy định tại điểm c khoản 27 Điều này;
c) Giao dịch mua bán tài sản tài chính với mục
đích dự trữ khả năng thanh khoản;
d) Các giao dịch còn lại không thuộc sổ kinh
doanh của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
29.[12] 06
nhóm hoạt động kinh doanh bao gồm hoạt động tạo thu nhập lãi và các khoản
thu nhập tương tự; hoạt động phát sinh chi phí lãi và các chi phí tương tự; hoạt
động dịch vụ; hoạt động kinh doanh ngoại hối; hoạt động mua bán chứng khoán
kinh doanh, chứng khoán đầu tư; hoạt động khác.
30.[13] Giao dịch
tự doanh là giao dịch mua, bán, trao đổi do ngân hàng thương mại, chi nhánh
ngân hàng nước ngoài, công ty con của ngân hàng thương mại thực hiện theo quy định
của pháp luật với mục đích mua, bán, trao đổi trong thời hạn dưới một năm để
thu lợi từ chênh lệch giá thị trường cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân
hàng nước ngoài đối với các công cụ tài chính, bao gồm:
a) Các công cụ tài chính trên thị trường tiền tệ;
b) Các loại tiền tệ (bao gồm cả vàng);
c) Chứng khoán trên thị trường vốn;
d) Các sản phẩm phái sinh;
đ) Các công cụ tài chính khác được giao dịch
trên thị trường chính thức.
31.[14]
Giao dịch repo là giao dịch trong đó một bên bán và chuyển giao quyền sở hữu
tài sản tài chính cho một bên khác, đồng thời cam kết sẽ mua lại và nhận lại
quyền sở hữu tài sản tài chính đó sau một thời gian xác định với một mức giá
xác định.
32.[15]
Giao dịch reverse repo là giao dịch trong đó một bên mua và nhận chuyển
giao quyền sở hữu tài sản tài chính từ một bên khác, đồng thời cam kết sẽ bán lại
và chuyển giao quyền sở hữu tài sản tài chính đó sau một thời gian xác định với
một mức giá xác định, bao gồm cả giao dịch mua có kỳ hạn tài sản tài chính theo
quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động chiết khấu công cụ chuyển nhượng,
giấy tờ có giá khác.
Điều 4. Áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan
Hệ thống kiểm
soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện
theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, Thông tư này và các văn bản quy phạm
pháp luật khác có liên quan.
Điều 5. Yêu cầu đối với hệ thống kiểm soát nội bộ
1. Hệ thống kiểm
soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đáp ứng
các yêu cầu sau:
a) Yêu cầu quy
định tại khoản 2 Điều 40 Luật các tổ chức tín dụng;
b) Phù hợp với
quy mô, điều kiện và mức độ phức tạp trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
c) Có đủ nguồn
lực về tài chính, con người, công nghệ thông tin để đảm bảo hiệu quả của hệ thống kiểm
soát nội bộ;
d) Xây dựng,
duy trì văn hóa kiểm soát, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho ngân hàng thương mại,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2. Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có quy định nội bộ tuân thủ theo quy định tại Điều 93 Luật các tổ chức tín dụng, trong đó phải đảm
bảo các yêu cầu sau đây:
a) Phù hợp với quy định tại Thông
tư này và quy định của pháp luật có liên quan;
b) Thẩm quyền ban hành:
(i) Đối với ngân hàng thương mại:
Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên ban hành quy định về tổ chức, quản trị
và hoạt động của ngân hàng thương mại, trừ các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại
hội đồng cổ đông, chủ sở hữu; Ban kiểm soát ban hành quy định nội bộ của Ban kiểm
soát; Tổng giám đốc (Giám đốc) ban hành các quy chế, quy trình, thủ tục tác
nghiệp (sau đây gọi là quy trình nội bộ);
(ii) Đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài: Tổng giám đốc (Giám
đốc) ban hành quy định nội bộ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định
của ngân hàng mẹ hoặc sử dụng quy định nội bộ của ngân hàng mẹ ban hành;
c) Đáp ứng các yêu cầu và nội dung
về hoạt động kiểm soát quy định tại Điều 14, khoản 1 và 2 Điều
15 Thông tư này;
d) Được đánh giá định kỳ theo quy định tại Thông tư này và quy định của
ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về tính thích hợp, tuân thủ
quy định của pháp luật và sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết).
3. Hệ thống kiểm
soát nội bộ phải có 03 tuyến bảo vệ độc lập như sau:
a) Tuyến bảo
vệ thứ nhất có chức năng nhận dạng, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro do các bộ phận sau thực hiện:
(i) Các bộ phận
kinh doanh (bao gồm cả bộ phận phát triển sản phẩm), các bộ phận có chức năng tạo
ra doanh thu khác; các bộ phận có chức năng thực hiện các quyết định có rủi ro;
(ii) Các bộ phận
có chức năng phân bổ hạn mức rủi ro, kiểm soát rủi ro, giảm thiểu rủi ro (thuộc
bộ phận kinh doanh hoặc bộ phận độc lập) đối với từng loại hình giao dịch, hoạt
động kinh doanh;
(iii) Bộ phận
nhân sự, bộ phận kế toán;
b) Tuyến bảo
vệ thứ hai có chức năng xây dựng chính sách quản lý rủi ro, quy định nội bộ
về quản trị rủi ro, đo lường, theo dõi rủi ro và tuân thủ quy định pháp luật do các bộ phận sau
đây thực hiện:
(i) Bộ phận
tuân thủ quy định tại Điều 18 Thông tư này;
(ii) Bộ phận
quản lý rủi ro quy định tại Điều 22 Thông tư này;
c) Tuyến bảo
vệ thứ ba có chức năng kiểm toán nội bộ do
bộ phận kiểm toán nội bộ thực hiện theo quy
định tại Luật các tổ chức tín dụng và Thông tư này.
4. Ý kiến thảo luận (ý kiến thống nhất và không thống nhất)
và kết luận về hệ thống kiểm soát nội bộ trong cuộc họp của Hội đồng quản trị,
Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Ủy ban quản lý rủi ro, Ủy ban nhân sự, Hội
đồng rủi ro, Hội đồng quản lý vốn, Hội đồng quản lý tài sản/nợ phải trả (Hội đồng
ALCO) phải được ghi lại bằng văn bản.
5. Việc đánh giá độc lập đối với hệ thống kiểm soát nội
bộ được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về kiểm toán độc lập đối
với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Điều 6. Lưu trữ hồ sơ, tài liệu về hệ thống kiểm soát nội bộ
1. Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quy định nội bộ về việc quản lý,
lưu trữ các hồ sơ, tài liệu về hệ thống kiểm soát nội bộ.
2. Việc quản
lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài đảm bảo:
a) Tuân thủ
quy định của pháp luật và quy định của Ngân hàng Nhà nước về thời hạn bảo quản
hồ sơ, tài liệu lưu trữ trong ngành ngân hàng;
b) Lưu trữ đầy
đủ để cung cấp theo yêu cầu của kiểm toán nội bộ, tổ chức kiểm toán độc lập, cơ quan
có thẩm quyền trong quá trình kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập, kiểm tra,
thanh tra, giám sát.
Điều 7. Báo cáo Ngân hàng Nhà nước về hệ thống kiểm soát nội
bộ
1. Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải
lập báo cáo và gửi Ngân hàng Nhà nước
(Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) về hệ thống kiểm soát nội bộ theo quy định
tại khoản 2, 3 và 4 Điều này.
2. Báo cáo về
hệ thống kiểm soát nội bộ bao gồm:
a) Báo cáo hằng
năm về kết quả tự kiểm tra, đánh giá kiểm soát nội bộ theo Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Báo cáo hằng
năm về quản lý rủi ro theo Phụ lục số 02 ban hành
kèm theo Thông tư này;
c) Báo cáo hằng
năm về đánh giá nội bộ về mức đủ vốn theo Phụ lục số 04
ban hành kèm theo Thông tư này;
d) Báo cáo hằng
năm về kiểm toán nội bộ theo Phụ lục số 05 ban hành
kèm theo Thông tư này, báo cáo đột xuất về kiểm toán nội bộ.
3. Thời hạn gửi
báo cáo:
a) Đối với các
báo cáo quy định tại điểm a, b và c khoản 2 Điều này: Trong thời hạn 45 ngày kể
từ ngày kết thúc năm tài chính, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài gửi báo cáo của năm tài chính;
b) Đối với báo
cáo quy định tại điểm d khoản 2 Điều này:
(i) Trong thời
hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, ngân hàng thương mại gửi báo cáo
kiểm toán nội bộ của năm tài chính;
(ii) Trong thời
hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm toán nội bộ, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài gửi báo cáo kiểm toán nội bộ của năm tài chính. Trường hợp không kiểm
toán nội bộ trong năm tài chính, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải gửi
báo cáo;
(iii) Trong thời
hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm toán nội bộ đột xuất, ngân hàng thương
mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi báo cáo kiểm toán nội bộ đột xuất.
4. Báo cáo về
hệ thống kiểm soát nội bộ quy định tại khoản 2
Điều này phải cập nhật các tồn tại, hạn
chế, rủi ro mới phát sinh của hệ thống kiểm soát nội bộ trong toàn bộ ngân hàng
thương mại (bao gồm các bộ phận tại trụ sở chính, chi nhánh và các đơn vị phụ
thuộc khác của ngân hàng thương mại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về mạng
lưới hoạt động của ngân hàng thương mại (sau đây gọi là đơn vị phụ thuộc khác))
và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Chương II
GIÁM
SÁT CỦA QUẢN LÝ CẤP CAO
Điều 8. Yêu cầu đối với giám sát của quản lý cấp cao
1. Có cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị,
Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) theo quy định tại
Luật các tổ chức tín dụng và phù hợp với quy định tại Thông tư này đối với ngân
hàng thương mại.
2. Có cơ cấu tổ
chức, nhiệm vụ, quyền hạn của giám sát của quản lý cấp cao theo quy định của
ngân hàng mẹ đảm bảo Tổng giám đốc (Giám đốc)
thực hiện giám sát cấp cao đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định
tại Thông tư này.
3. Đảm bảo kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, đánh giá nội
bộ về mức đủ vốn và kiểm toán nội bộ được thực hiện hiệu quả, đạt được yêu cầu
đề ra.
4. Nắm rõ trạng thái
rủi ro và tình hình thực hiện chính sách quản lý rủi ro của ngân hàng thương mại,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
5. Có biện
pháp ngăn ngừa, xử lý kịp thời tổn thất để nâng cao hiệu quả, an toàn trong hoạt
động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Điều 9. Cơ cấu tổ chức giám sát của quản lý cấp cao của
ngân hàng thương mại
1. Cơ cấu tổ
chức giám sát của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của ngân hàng thương mại
đảm bảo:
a) Có Ủy ban
quản lý rủi ro và Ủy ban nhân sự theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc cấp
Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng
nước ngoài và phải đảm bảo mỗi ủy ban có ít nhất trên một phần hai (1/2) số
thành viên có quyền biểu quyết là thành viên không phải người điều hành;
b) Có các ủy
ban khác (nếu cần thiết) để giúp Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên thực hiện
giám sát của quản lý cấp cao.
2. Cơ cấu tổ
chức giám sát của Ban kiểm soát thực hiện theo quy định tại Luật các tổ chức
tín dụng và quy định nội bộ của Ban kiểm soát.
3. Tổng giám đốc (Giám đốc) phải thành lập
Hội đồng rủi ro, Hội đồng ALCO và Hội đồng quản lý vốn để đề xuất, tham mưu cho
Tổng giám đốc (Giám đốc) theo
quy định tại khoản 2, 3 Điều 11 và khoản 2 Điều 12 Thông tư này
có cơ cấu tổ chức đảm bảo:
a) Hội đồng rủi ro gồm: Chủ tịch
là người điều hành tại trụ sở chính (không
phải là Tổng giám đốc (Giám đốc)) chuyên trách về quản
lý rủi ro, có kinh nghiệm, hiểu biết, trình độ chuyên môn về quản lý rủi
ro và thành viên khác thuộc các bộ phận có liên quan theo quy định nội bộ của
ngân hàng thương mại;
b) Hội đồng
ALCO gồm: Chủ tịch là Tổng giám đốc (Giám đốc) hoặc người điều hành khác tại trụ sở chính và thành viên khác thuộc các bộ phận có liên quan theo quy định nội bộ
của ngân hàng thương mại;
c) Hội đồng quản
lý vốn gồm: Chủ tịch là Tổng giám đốc (Giám đốc) hoặc người điều hành khác tại trụ sở chính chuyên trách về tài chính, có kinh nghiệm, hiểu biết,
trình độ chuyên môn về kế toán, tài chính và thành viên khác thuộc các bộ phận
có liên quan theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại;
d) Quy chế làm
việc của các hội đồng do Tổng giám đốc (Giám đốc) ban hành tối thiểu bao gồm chức
năng, nhiệm vụ của các hội đồng, số lượng thành viên và chức năng, nhiệm vụ của
các thành viên; cơ chế ra quyết định; họp định kỳ (đảm bảo Hội đồng rủi ro và Hội
đồng ALCO họp tối thiểu mỗi quý 01 lần, Hội đồng quản lý vốn họp tối thiểu 06
tháng một lần); họp đột xuất và các nội dung khác.
Điều 10. Giám sát của quản lý cấp cao đối với kiểm soát nội
bộ
1. Hội đồng quản
trị, Hội đồng thành viên của ngân hàng thương mại giám sát Tổng giám đốc (Giám đốc) trong việc:
a) Tổ chức thực hiện hoạt động
kiểm soát, vận hành và duy trì hệ thống thông tin quản lý và cơ chế
trao đổi thông tin;
b) Duy trì văn hóa kiểm soát quy
định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư này và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 15 Thông tư này trong
ngân hàng thương mại;
c) Xử lý, khắc phục các tồn tại, hạn chế về kiểm soát nội
bộ theo yêu cầu, kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập và
các cơ quan chức năng khác;
d) Xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định
nội bộ và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp;
đ) Các nội dung khác do Hội đồng quản trị, Hội đồng
thành viên quy định.
2. Tổng giám đốc (Giám đốc)
của ngân hàng thương mại giám sát các cá
nhân, bộ phận trong việc:
a) Thực hiện quy định
nội bộ về kiểm soát nội bộ, duy trì văn hóa kiểm soát; đánh giá việc thực hiện chuẩn
mực đạo đức nghề nghiệp (trừ chuẩn mực đạo đức
nghề nghiệp của thành viên Ban kiểm soát, kiểm toán viên nội bộ);
b) Vận hành hệ thống
thông tin quản lý, đánh giá (tính chính xác, đầy đủ, kịp thời và phù hợp), nâng
cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý đảm bảo đáp ứng các yêu cầu quy định
tại Điều 20 Thông tư này;
c) Thực hiện chỉ đạo
của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên trong
việc xử lý, khắc phục các tồn tại, hạn
chế về kiểm soát nội bộ theo yêu cầu, kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức
kiểm toán độc lập và các cơ quan chức năng khác;
d) Thực hiện việc tự
đánh giá hiệu quả của kiểm soát nội bộ định kỳ hằng năm hoặc đột xuất, tối thiểu
bao gồm:
(i) Tự kiểm
tra, đánh giá việc thực hiện quy định về kiểm soát nội bộ của từng đơn vị, bộ
phận trong hoạt động điều hành và từng hoạt động nghiệp vụ;
(ii) Rà soát,
đánh giá quy định nội bộ về kiểm soát nội bộ;
(iii) Đề xuất Hội đồng
quản trị, Hội đồng thành viên giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế về kiểm
soát nội bộ;
đ) Các nội
dung khác do ngân hàng thương mại quy định.
3. Tổng giám đốc
(Giám đốc) của chi nhánh ngân hàng nước ngoài giám sát các cá nhân, bộ phận
theo quy định của ngân hàng mẹ trong việc:
a) Thực hiện
kiểm soát nội bộ;
b) Xử lý, khắc
phục các tồn tại, hạn chế về kiểm soát nội bộ theo kiến nghị của Ngân hàng Nhà
nước, tổ chức kiểm toán độc lập và các cơ quan chức năng khác.
Điều 11. Giám sát của quản lý cấp cao đối với quản lý rủi
ro
1. Hội đồng quản
trị, Hội đồng thành viên của ngân hàng thương mại giám sát Tổng giám đốc (Giám đốc) trên cơ sở đề xuất, tham mưu của Ủy ban quản lý rủi ro trong việc:
a) Xây dựng, tổ chức thực hiện
chính sách quản lý rủi ro;
b) Xử lý, khắc phục các tồn tại, hạn chế về quản lý rủi
ro theo các yêu cầu, kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập
và các cơ quan chức năng khác;
c) Các nội dung khác do Hội đồng quản trị, Hội đồng thành
viên quy định.
2. Tổng giám đốc (Giám đốc) của ngân hàng thương mại giám
sát các cá nhân, bộ phận trên cơ sở đề
xuất, tham mưu của Hội đồng rủi ro trong việc:
a) Lập quy
trình xây dựng và thực hiện chính sách quản lý rủi ro;
b) Thực hiện chính
sách quản lý rủi ro và đánh giá chính sách quản lý rủi ro theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Thông tư này để đề
xuất Hội đồng quản trị, Hội đồng thành
viên điều chỉnh;
c) Xây dựng và
thực hiện hạn mức rủi ro, đề xuất phân bổ hạn
mức rủi ro theo từng hoạt động kinh doanh, hoạt động nghiệp vụ; thực hiện các
biện pháp xử lý khi không đáp ứng được các hạn mức rủi ro;
d) Tổ chức thực
hiện chỉ đạo của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên trong việc xử lý,
khắc phục các tồn tại, hạn chế về quản lý rủi ro theo yêu cầu, kiến nghị của
Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập và các cơ quan chức năng khác;
đ) Tự kiểm
tra, đánh giá về quản lý rủi ro và đề xuất Hội đồng quản trị, Hội đồng thành
viên các biện pháp xử lý, khắc phục;
e) Các nội
dung khác do ngân hàng thương mại quy định.
3. Tổng giám đốc
(Giám đốc) của ngân hàng thương mại giám sát cá nhân, bộ phận trong việc quản
lý tài sản/nợ phải trả trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Hội đồng ALCO, bao gồm:
a) Quản lý bảng
cân đối tài sản hiệu quả, phù hợp với chính sách quản lý rủi ro;
b) Rà soát, đề
xuất kế hoạch huy động vốn, kế hoạch sử dụng vốn, nguyên tắc xây dựng giá điều
chuyển vốn nội bộ;
c) Xây dựng
khung lãi suất, khung giá cho các sản phẩm khác để quản lý tài sản tài chính và
nợ phải trả tài chính;
d) Kiểm soát
hoạt động kinh doanh đảm bảo tuân thủ hạn mức rủi ro thanh khoản, hạn mức rủi
ro lãi suất trên sổ ngân hàng, tổng tài sản
tính theo rủi ro lãi suất trên sổ ngân
hàng;
đ) Các nội
dung khác do ngân hàng thương mại quy định.
4. Tổng giám đốc
(Giám đốc) của chi nhánh ngân hàng nước ngoài giám sát các cá nhân, bộ phận
theo quy định của ngân hàng mẹ trong việc:
a) Thực hiện quản lý rủi ro;
b) Xử lý, khắc phục các tồn tại, hạn chế về quản lý rủi
ro theo các yêu cầu, kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập
và các cơ quan chức năng khác.
Điều 12. Giám sát của quản lý cấp cao đối với đánh giá nội
bộ về mức đủ vốn
1. Hội đồng quản
trị, Hội đồng thành viên của ngân hàng thương mại giám sát Tổng giám đốc (Giám
đốc) trong việc:
a) Tổ chức thực
hiện đánh giá nội bộ về mức đủ vốn;
b) Xử lý, khắc
phục các tồn tại, hạn chế của đánh giá nội bộ về mức đủ vốn theo yêu cầu, kiến
nghị của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập và các cơ quan chức năng
khác;
c) Các nội
dung khác do Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên quy định.
2. Tổng giám đốc
(Giám đốc) của ngân hàng thương mại giám sát, chỉ đạo các cá nhân, bộ phận trên
cơ sở đề xuất, tham mưu của Hội đồng quản lý vốn trong việc:
a) Thực hiện
đánh giá nội bộ về mức đủ vốn;
b) Thực hiện
chỉ đạo của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên về việc xử lý, khắc phục các
tồn tại, hạn chế về đánh giá nội bộ về mức đủ vốn theo yêu cầu, kiến nghị của
Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập và các cơ quan chức năng khác;
c) Các nội
dung khác do ngân hàng thương mại quy định.
3. Tổng giám đốc
(Giám đốc) của chi nhánh ngân hàng nước ngoài giám sát các cá nhân, bộ phận
theo quy định của ngân hàng mẹ trong việc:
a) Thực hiện
đánh giá nội bộ về mức đủ vốn;
b) Xử lý, khắc
phục các tồn tại, hạn chế của đánh giá nội bộ về mức đủ vốn theo yêu cầu, kiến
nghị của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập và các cơ quan chức năng
khác.
Điều 13. Giám sát của quản lý cấp cao đối với kiểm toán nội
bộ
1. Ban kiểm
soát của ngân hàng thương mại thực hiện giám sát đối với kiểm toán nội bộ bao gồm:
a) Giám sát,
đánh giá việc thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của thành viên Ban kiểm
soát, kiểm toán viên nội bộ;
b) Giám sát bộ
phận kiểm toán nội bộ trong việc:
(i) Thực hiện
kiểm toán nội bộ;
(ii) Rà soát,
đánh giá tính hiệu quả của kiểm toán nội bộ và kết quả thực hiện nhiệm vụ của Trưởng
kiểm toán nội bộ;
(iii) Xử lý,
khắc phục các tồn tại, hạn chế của kiểm toán nội bộ theo yêu cầu, kiến nghị của
Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập và các cơ quan chức năng khác;
c) Các nội
dung khác do Ban kiểm soát quy định.
2. Tổng giám đốc
(Giám đốc) của chi nhánh ngân hàng nước ngoài giám sát cá
nhân, bộ phận theo quy định của ngân hàng mẹ trong việc:
a) Thực hiện kiểm toán nội bộ;
b) Xử
lý, khắc phục các tồn tại, hạn chế về kiểm toán nội bộ theo yêu cầu, kiến nghị
của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập và các cơ quan chức năng
khác.
Chương III
KIỂM
SOÁT NỘI BỘ
Điều 14. Yêu cầu của kiểm soát nội bộ
1. Kiểm soát nội
bộ được thực hiện đối với tất cả hoạt động, quy trình nghiệp vụ, các bộ phận tại
ngân hàng thương mại (bao gồm trụ sở chính, chi nhánh và các đơn vị phụ thuộc
khác),
chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm đảm bảo các yêu cầu sau đây:
a) Các hoạt động
của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tuân thủ quy định của
pháp luật;
b) Kiểm soát
xung đột lợi ích; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm;
c) Nâng cao nhận
thức về vai trò, trách nhiệm của cá nhân, bộ phận đối với
kiểm soát nội bộ để xây dựng, duy trì văn hóa kiểm soát của ngân hàng thương mại,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2. Kiểm soát nội bộ được thực hiện
thông qua hoạt động kiểm soát, cơ chế trao đổi thông tin và hệ thống thông tin
quản lý.
Điều 15. Hoạt
động kiểm soát
1. Hoạt động kiểm soát của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài được thực hiện thông qua tối thiểu các nội dung sau đây:
a) Việc phân cấp
thẩm quyền phê duyệt phải căn cứ mức độ tin cậy của cấp có thẩm quyền và năng lực
của cá nhân, bộ phận thực hiện. Thẩm quyền phê duyệt phải được thể hiện bằng
các tiêu chí về quy mô giao dịch, hạn mức rủi ro và các giới hạn khác theo quy
định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
b) Việc quy định
chức năng, nhiệm vụ của cá nhân, bộ phận từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất
trong tất cả các giao dịch, quy trình nghiệp vụ tại ngân hàng thương mại (bao gồm trụ sở chính, chi nhánh và các đơn vị phụ thuộc khác), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đảm bảo nguyên tắc:
(i) Thành viên
Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên không tham gia xem xét, phê
duyệt các quyết định có rủi ro thuộc chức năng, nhiệm vụ của Tổng giám đốc
(Giám đốc), trừ trường hợp thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng
thành viên là Tổng giám đốc (Giám đốc);
(ii) Phân tách
chức năng, nhiệm vụ trong các giao dịch, quy trình nghiệp vụ để không xung đột
lợi ích hoặc kiểm soát, ngăn chặn xung đột lợi ích; một cá nhân không chi phối
toàn bộ một giao dịch, quy trình thực hiện giao dịch; một cá nhân không cùng
lúc được giao các công việc có xung đột lợi ích;
(iii) Có các cá nhân độc lập trong
cùng bộ phận hoặc bộ phận độc lập với bộ phận khác để kiểm tra định kỳ và đột
xuất theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài;
(iv) Trường hợp
việc thực hiện quy định tại điểm b(ii) và b(iii) mà vẫn có nguy cơ xung đột lợi
ích, xảy ra vi phạm quy định nội bộ, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng
nước ngoài phải xác định nguyên nhân, có biện pháp để giảm thiểu tối đa rủi ro
trong hoạt động và thực hiện theo dõi chặt chẽ, đánh giá độc lập với tần suất
thường xuyên hơn;
c) Việc phân cấp
trách nhiệm quản lý (bao gồm cả việc giao nhận, bảo quản, vận chuyển, kiểm tra,
kiểm kê) của từng cá nhân, bộ phận đối với tài sản (bao gồm cả tài sản tài
chính và tài sản hữu hình) phải dựa trên giá trị của tài sản hoặc giới hạn cụ
thể khác theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài;
d) Việc hạch
toán kế toán tuân thủ đúng quy định về chuẩn mực và chế độ kế toán; tổng hợp, lập
và gửi các loại báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật và quy định
nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Việc hạch toán
kế toán phải được kiểm tra, đối chiếu để đảm bảo phát hiện, xử lý kịp thời
các sai sót và phải được báo cáo cho cấp có thẩm quyền theo quy định nội bộ của
ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
đ) Có biện
pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời đối với các sai phạm,
hành vi vi phạm quy định của pháp luật, quy định nội bộ tại ngân hàng thương mại (bao gồm trụ sở chính, chi nhánh và các đơn vị phụ thuộc khác), chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
e) Phân bổ nguồn
nhân lực phù hợp với từng hoạt động kinh doanh, hoạt động kiểm soát (bao gồm cả
nhân sự thay thế khi cán bộ, nhân viên vắng mặt, tuyển dụng, luân chuyển, bổ
nhiệm cán bộ).
2. Hoạt động
kiểm soát của trụ sở chính của ngân hàng
thương mại đối với chi nhánh, đơn vị
phụ thuộc khác phải đảm bảo:
a) Trụ sở
chính giám sát, kiểm soát được các giao dịch, hoạt động của chi nhánh, đơn vị
phụ thuộc khác, bao gồm cả việc giám sát, kiểm soát thông qua cá nhân, bộ phận
thực hiện hoạt động kiểm soát tại chi nhánh, đơn vị phụ thuộc khác;
b) Có quy định
về chức năng, nhiệm vụ, cơ chế báo cáo, tiền lương, khen thưởng, kỷ luật, luân
chuyển cán bộ và cơ chế khác để đảm bảo tính độc lập, không xung đột lợi ích của
cá nhân, bộ phận thực hiện hoạt động kiểm soát tại chi nhánh, đơn vị phụ thuộc
đối với cá nhân, bộ phận khác của chi nhánh, đơn vị phụ thuộc;
c) Có cơ chế
cho phép khách hàng tra soát, kiểm tra, đối chiếu giao dịch thực hiện tại chi
nhánh, đơn vị phụ thuộc khác với trụ sở chính của ngân hàng thương mại.
3. Chuẩn mực đạo
đức nghề nghiệp (trừ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đối với thành viên Ban kiểm
soát, kiểm toán viên nội bộ) phải được Hội đồng
quản trị, Hội đồng thành viên của ngân
hàng thương mại, Tổng giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài ban hành đảm bảo
nguyên tắc:
a) Cán bộ,
nhân viên ở các cấp thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền được giao một cách trung thực
vì lợi ích của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; không lợi
dụng địa vị, chức vụ, sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh và tài sản
của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để thu lợi cá nhân hoặc
làm tổn hại tới lợi ích của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài;
b) Các cá
nhân, bộ phận có trách nhiệm báo cáo kịp thời với cấp có thẩm quyền khi phát hiện
hành vi quy định tại điểm a khoản này và các hành vi vi phạm quy định nội bộ,
quy định của pháp luật.
4. Định kỳ hằng
năm hoặc đột xuất, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có báo
cáo nội bộ về kiểm soát nội bộ gửi các cấp có thẩm quyền theo quy định nội bộ của
ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Báo cáo nội bộ về kiểm
soát nội bộ bao gồm đánh giá về hoạt động kiểm soát theo nội dung quy định tại
khoản 1, 2, 3 Điều này và nội dung khác theo quy định nội bộ của ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Điều 16. Hoạt động kiểm soát đối với hoạt động cấp tín dụng
1. Hoạt động
kiểm soát đối với hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ quy định tại khoản 1 và 2 Điều 15 Thông tư này.
2. Hoạt động cấp
tín dụng phải được kiểm soát xung đột lợi ích theo nguyên tắc cá nhân, bộ phận
có chức năng thẩm định tín dụng độc lập với cá nhân, bộ phận có chức năng:
a) Quan hệ
khách hàng;
b) Thẩm định lại
(nếu có);
c) Phê duyệt
quyết định cấp tín dụng;
d) Kiểm soát hạn
mức rủi ro tín dụng; quản lý khoản cấp tín dụng có vấn đề; trích lập dự phòng rủi
ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng.
Điều 17. Hoạt động kiểm soát đối với giao dịch tự doanh
1. Hoạt động
kiểm soát đối với giao dịch tự doanh của ngân hàng thương
mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ quy định tại khoản
1 và 2 Điều 15 Thông tư này.
2. Giao dịch tự doanh phải được kiểm
soát đảm bảo tối thiểu các nguyên tắc sau đây:
a) Có
đơn vị chuyên trách để thực hiện giao dịch tự doanh (sau đây gọi là đơn vị giao
dịch tự doanh); phân cấp cụ thể thẩm quyền của cá nhân, bộ phận trong đơn vị
giao dịch tự doanh; cá nhân là giao dịch viên, bộ phận giao dịch phải độc lập với
cá nhân, bộ phận kiểm soát giao dịch tự doanh, cá nhân, bộ phận thực hiện thanh
toán giao dịch tự doanh;
b) Giao dịch tự
doanh được thực hiện trong các hạn mức đã quy định, các cam kết thực hiện giao
dịch (bao gồm cả các trường hợp hủy giao dịch hoặc thay đổi, bổ sung điều khoản
giao dịch) và việc hạch toán, kế toán các giao dịch tự doanh phù hợp với quy định
có liên quan của pháp luật đối với giao dịch tự doanh đó;
c) Thông tin,
tài liệu, hồ sơ về giao dịch tự doanh được cung cấp đầy đủ, kịp thời cho các cá
nhân, bộ phận kiểm soát giao dịch tự doanh;
d) Có quy trình nội bộ về thực hiện giao dịch tự doanh theo quy định tại
khoản 3 Điều này và quy trình nội bộ về thanh toán giao dịch tự doanh theo quy
định tại khoản 4 Điều này.
3. Quy trình nội bộ về thực hiện
giao dịch tự doanh phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Giao dịch viên chỉ được thực hiện
các giao dịch theo loại giao dịch, đối tác, thẩm quyền được giao;
b) Trường hợp giao dịch tự doanh
thực hiện qua điện thoại, các cuộc đàm thoại thực hiện giao dịch tự doanh của giao dịch viên phải được ghi âm và lưu
trữ tối thiểu trong vòng 02 tháng kể từ ngày đàm thoại. Trường hợp giao dịch tự doanh thực hiện qua hệ thống máy tính, giao dịch
viên chỉ được phép nhập dữ liệu giao dịch tự doanh
vào hệ thống quản lý giao dịch nội bộ bằng chính mã giao dịch viên của mình. Hệ
thống máy tính tự động nhập ngày, giờ giao dịch, mã số giao dịch tự doanh và không cho phép giao dịch viên thay đổi
các thông tin này;
c) Giá cả trong giao dịch tự doanh phải được kiểm tra độc lập đảm bảo phù
hợp với giá của thị trường.
4. Quy trình nội bộ về thanh toán
giao dịch tự doanh phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Cá nhân, bộ phận thực hiện
thanh toán giao dịch tự doanh gửi và nhận xác nhận giao dịch đối với các giao dịch
tự doanh đã thực hiện theo các hình thức xác nhận phù hợp với quy định của pháp
luật (bao gồm cả việc theo dõi, kiểm tra việc xác nhận giao dịch của khách
hàng, thông báo cho khách hàng nếu không nhận được xác nhận của khách hàng hoặc
nội dung xác nhận chưa đầy đủ, có sai sót);
b) Nội dung xác nhận giao dịch bao
gồm các điều khoản, các thông tin về giao dịch. Trường hợp giao dịch tự doanh
được thực hiện thông qua bên môi giới, nội dung xác nhận phải có thông tin của
bên môi giới;
c) Các chênh lệch
phát hiện trong quá trình thanh toán phải được bộ phận thực hiện thanh toán
giao dịch tự doanh xử lý kịp thời.
Điều 18. Bộ phận tuân thủ
1. Tùy theo
quy mô, điều kiện và mức độ phức tạp của hoạt động kinh doanh, ngân hàng thương
mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền
hạn của bộ phận tuân thủ đảm bảo tính độc lập, không xung đột lợi ích của bộ phận
tuân thủ.
2. Nhiệm vụ,
quyền hạn của bộ phận tuân thủ do Tổng giám đốc (Giám đốc) ngân hàng thương mại,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định, đảm bảo bộ phận tuân thủ có tối thiểu
các nhiệm vụ sau đây:
a) Giúp Tổng
giám đốc (Giám đốc) trong việc:
(i) Thực hiện
quy định tại điểm d khoản 2 Điều 5 Thông tư này;
(ii) Báo cáo Hội
đồng quản trị, Hội đồng thành viên, ngân hàng mẹ, Ban kiểm soát các vi phạm
nghiêm trọng trong việc tuân thủ quy định của pháp luật, thay đổi quy định
liên quan của pháp luật theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài;
(iii) Rà soát,
đánh giá quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của bộ phận tuân thủ để trình Tổng
giám đốc (Giám đốc) sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết;
b) Báo cáo định
kỳ, đột xuất cho Tổng giám đốc (Giám đốc) về tình hình tuân thủ quy định của
pháp luật; báo cáo Tổng giám đốc (Giám đốc), thông báo cho các bộ phận liên
quan về thay đổi quy định liên quan của pháp luật theo quy định nội bộ của ngân
hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
c) Hỗ trợ các
bộ phận liên quan trong việc xây dựng, rà soát quy định nội bộ đảm bảo tuân thủ
quy định của pháp luật; xử lý các vướng mắc về việc tuân thủ quy định của pháp
luật theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài.
Điều 19. Cơ chế trao đổi thông tin
1. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài có cơ chế trao đổi thông tin đảm bảo mọi cá nhân ở tất cả các cấp, các bộ
phận có liên quan được thông báo, phổ biến, tuyên truyền về hệ thống kiểm soát
nội bộ để hiểu rõ, nhận thức thống nhất, đầy đủ về chính sách, quy trình, mục tiêu kinh doanh, thực hiện tốt
chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
2. Cơ chế
trao đổi thông tin được thực hiện thông qua hệ thống thông tin quản lý và các
cơ chế trao đổi thông tin khác do ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài quyết định.
3. Cơ chế trao
đổi thông tin đảm bảo các nguyên tắc sau đây:
a) Thông tin về
mục tiêu, chiến lược, chính sách, quy trình được trao đổi từ cấp cao xuống cấp
dưới và đến các cá nhân, bộ phận có liên quan;
b) Thông tin về
hệ thống kiểm soát nội bộ, kết quả hoạt động được trao đổi từ cấp dưới lên cấp
cao (bao gồm cả Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, ngân hàng mẹ, Ban kiểm
soát, Tổng giám đốc (Giám đốc)) và từ chi nhánh, đơn vị phụ thuộc khác của ngân hàng thương mại lên trụ sở chính để nắm rõ các trạng thái rủi ro, tình hình
hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
c) Thông tin về
sản phẩm mới, hoạt động trong thị trường mới và tổn thất, gian lận, nguy cơ xảy
ra tổn thất, gian lận được trao đổi kịp thời cho bộ phận quản lý rủi ro, kiểm
toán nội bộ và các bộ phận liên quan khác;
d) Có cơ chế
báo cáo trực tiếp, độc lập, kịp thời cho các cấp có thẩm quyền về các hành vi
vi phạm pháp luật, quy định nội bộ, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của các cá nhân, bộ phận đảm bảo
bảo mật thông tin và bảo vệ người cung cấp thông tin;
đ) Tần suất
trao đổi thông tin đảm bảo nguyên tắc rủi ro càng cao thì trao đổi thông tin
càng thường xuyên.
Điều 20. Hệ thống thông tin quản lý
1. Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hệ thống thông tin quản lý để
cung cấp thông tin, báo cáo nội bộ cho Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên,
ngân hàng mẹ, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) và các cá nhân, bộ phận
liên quan để thực hiện chức năng, nhiệm vụ đảm bảo tuân thủ quy định tại Thông
tư này.
2. Hệ thống
thông tin quản lý tối thiểu bao gồm:
a) Các báo cáo nội bộ (tối
thiểu có các báo cáo nội bộ về kiểm soát nội bộ,
quản lý rủi ro, đánh giá nội bộ về mức đủ vốn và kiểm toán nội bộ theo
quy định tại khoản 4 Điều 15, Điều 37, 40, 47,
52, 55, 58, 63 và 72 Thông tư này) và các thông tin quản lý khác theo quy định nội bộ của
ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
b) Cơ cấu tổ chức quản lý, vận hành hệ thống thông tin quản lý,
trong đó quy định cụ thể trách nhiệm sử
dụng hệ thống thông tin quản lý của cá nhân, bộ phận có
liên quan;
c) Thu thập, xử lý,
lưu trữ, cung cấp thông tin; xây dựng, gửi, tiếp nhận và xử lý báo cáo;
d) Cơ sở hạ tầng
công nghệ thông tin phù hợp.
3. Hệ thống
thông tin quản lý phải đảm bảo:
a) Hỗ trợ thực
hiện cơ chế trao đổi thông tin theo quy định tại khoản 1 và 3
Điều 19 Thông tư này;
b) Thông tin,
dữ liệu cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời đáp ứng các yêu cầu quản lý theo quy định tại Thông tư này, quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân
hàng nước ngoài; nguồn thông tin, dữ liệu phải được kiểm tra độ tin cậy;
c) Cập nhật
tình hình tuân thủ các quy định của pháp luật, quy định nội bộ của ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
d) Bảo mật, bảo
đảm an toàn thông tin, dữ liệu và có các hệ thống dự phòng để đảm bảo việc lưu
trữ, sử dụng thông tin được an toàn, hiệu quả và không bị gián đoạn;
đ) Được rà
soát, đánh giá lại tối thiểu hằng năm và đột xuất; được nâng cấp, cập
nhật thường xuyên phù hợp với nhu cầu thông tin quản lý, quy mô, cơ cấu và
mức độ phức tạp trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại, chi nhánh
ngân hàng nước ngoài.
Chương IV
QUẢN
LÝ RỦI RO
Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ QUẢN LÝ RỦI RO
Điều 21. Yêu cầu về quản lý rủi ro
1. Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện quản lý rủi ro đảm bảo các
yêu cầu sau đây:
a) Quản lý các
rủi ro trọng yếu trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại, chi nhánh
ngân hàng nước ngoài;
b) Nhận dạng đầy
đủ, đo lường chính xác, theo dõi thường xuyên để kịp thời phòng ngừa, giảm thiểu rủi
ro trọng yếu;
c) Kiểm soát trạng thái rủi ro đảm bảo tuân thủ các
hạn mức rủi ro;
d) Các quyết định
có rủi ro phải minh bạch, rõ ràng và phù hợp với chính sách quản lý rủi ro, hạn mức rủi ro.
2.[16]
Đối với ngân hàng thương mại có công ty con, ngân hàng
thương mại chỉ đạo, giám sát thông qua người đại diện phần vốn để đảm bảo việc
quản lý rủi ro của công ty con phù hợp với chính sách quản lý rủi ro của ngân
hàng thương mại và đảm bảo ngân hàng thương mại duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối
thiểu hợp nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 22. Bộ phận quản lý rủi ro
1. Tùy theo
quy mô, điều kiện và mức độ phức tạp của hoạt động kinh doanh, ngân hàng thương
mại tự quyết định cơ cấu tổ chức của bộ phận quản lý rủi ro thuộc tuyến bảo vệ
thứ hai và có tối thiểu các chức năng sau:
a) Giúp Hội đồng
rủi ro trong việc:
(i) Đề xuất,
tham mưu các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư này;
(ii) Theo dõi
trạng thái rủi ro so với các hạn mức rủi ro để cảnh báo, nhận biết sớm rủi ro
và nguy cơ vi phạm hạn mức rủi ro;
b) Phối hợp với
tuyến bảo vệ thứ nhất để nhận dạng đầy đủ và theo dõi các rủi ro phát sinh;
c) Xây dựng và
sử dụng các phương pháp, mô hình đánh giá và đo lường rủi ro;
d) Kiểm soát,
phòng ngừa và đề xuất biện pháp giảm thiểu rủi ro phát sinh;
đ) Tham gia
các nội dung liên quan đến rủi ro trong quá trình đưa ra các quyết định có rủi
ro tương ứng theo từng cấp có thẩm quyền theo
quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
e) Lập kịch bản
kiểm tra sức chịu đựng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 28
Thông tư này trên cơ sở phối hợp với bộ phận kinh doanh, bộ phận tuân thủ
và các bộ phận khác có liên quan;
g) Thực hiện báo cáo nội bộ về quản lý rủi ro theo quy định
nội bộ của ngân hàng thương mại.
2. Bộ phận quản
lý rủi ro của chi nhánh ngân hàng nước ngoài có cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm
vụ do ngân hàng mẹ quyết định.
Điều 23. Quy định nội bộ về quản lý rủi ro
1. Quy định nội
bộ về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng
nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này phải có
quy định nội bộ về quản lý rủi ro, trong đó tối
thiểu có các nội dung sau đây:
a) Việc xây dựng, ban
hành và thực hiện chính sách quản lý rủi ro;
b) Việc xây dựng, ban
hành và thực hiện hạn mức rủi ro đối với từng loại rủi ro trọng yếu (bao gồm cả
các phương pháp xây dựng hạn mức rủi ro, cá nhân, bộ phận thực hiện xây dựng hạn
mức rủi ro, phân bổ hạn mức rủi ro và xử lý vi phạm đối với các trường hợp vi
phạm hạn mức rủi ro);
c) Nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro đối
với từng loại rủi ro trọng yếu (bao gồm cả phương pháp, mô hình đo lường, kiểm
soát rủi ro);
d) Kiểm tra
sức chịu đựng;
đ) Cơ chế báo cáo nội bộ về quản lý rủi ro;
e) Quản lý rủi
ro đối với sản phẩm mới, hoạt động trên thị trường mới;
g) Các nội
dung cần thiết khác theo yêu cầu quản lý đối với từng loại rủi ro trọng yếu.
2. Quy định
nội bộ về quản lý rủi ro phải đảm bảo
các nguyên tắc:
a) Được xây dựng
phù hợp với chiến lược kinh doanh, văn hóa kiểm soát, nguồn nhân lực, điều kiện
công nghệ thông tin và hệ thống thông tin quản lý của ngân hàng thương mại, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài;
b) Các trạng
thái rủi ro, hành vi vi phạm về quản lý rủi ro phải được báo cáo kịp thời, đầy đủ cho Hội đồng
quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, ngân hàng mẹ; có cơ chế xử lý đối với các vi phạm về
quản lý rủi ro.
Điều 24. Chính sách quản lý rủi ro
1. Chính sách
quản lý rủi ro của ngân hàng thương mại do Hội đồng quản trị, Hội đồng thành
viên ban hành, sửa đổi, bổ sung. Thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung chính
sách quản lý rủi ro của chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định
của ngân hàng mẹ.
2. Chính sách
quản lý rủi ro tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây:
a) Khẩu vị rủi
ro bao gồm:
(i) Tỷ lệ an
toàn vốn mục tiêu;
(ii) Chỉ tiêu
về thu nhập: Tỷ suất giữa lợi nhuận so với Vốn chủ sở hữu (Returns on Equity -
ROE); tỷ suất giữa lợi nhuận có điều chỉnh rủi ro so với Vốn tự có (Risk
Adjusted Returns on Capital - RAROC);
(iii) Chỉ tiêu
khác theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài;
b) Danh sách
các rủi ro trọng yếu theo quy định tại Thông tư này;
c) Chiến lược
quản lý rủi ro đối với từng rủi ro trọng yếu.
3. Chính sách
quản lý rủi ro phải đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Được lập
cho thời gian tối thiểu 03 năm nhưng không quá 05 năm tiếp theo, được
đánh giá định kỳ tối thiểu mỗi năm một lần và đánh giá đột xuất do ngân hàng
thương mại, ngân hàng mẹ quy định để điều chỉnh kịp thời khi có thay đổi về môi
trường kinh doanh, pháp lý để đạt được mục tiêu quản lý rủi ro;
b) Phù hợp lợi
ích của cổ đông, chủ sở hữu, thành viên góp vốn của ngân hàng thương mại, ngân
hàng mẹ theo quy định của pháp luật;
c) Phù hợp với
mức vốn tự có và mức độ sẵn có của các nguồn tăng vốn tự có;
d) Có tính kế
thừa, liên tục để bảo đảm tính khả thi qua các chu kỳ kinh tế.
Điều 25. Hạn mức rủi ro
1. Hạn mức rủi
ro của ngân hàng thương mại do Tổng giám đốc (Giám đốc) ban hành, sửa đổi, bổ
sung (bao gồm cả việc điều chỉnh hạn mức rủi ro). Thẩm quyền ban hành, sửa đổi,
bổ sung hạn mức rủi ro của chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định
của ngân hàng mẹ.
2. Hạn mức rủi
ro phải đảm bảo:
a) Tuân thủ
các quy định về các hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Luật các tổ chức tín dụng và quy định của
Ngân hàng Nhà nước;
b) Có hạn mức
rủi ro đối với rủi ro trọng yếu;
c) Tuân thủ khẩu
vị rủi ro, chiến lược quản lý rủi ro và tổng tài sản có rủi ro phân bổ cho rủi
ro đó;
d) Đầy đủ và cụ
thể để kiểm soát rủi ro phát sinh từ các hoạt động kinh doanh, bộ phận tham gia
vào các giao dịch có rủi ro;
đ) Phải được
rà soát, đánh giá lại (điều chỉnh nếu cần thiết) tối thiểu một năm một lần hoặc
khi có thay đổi lớn ảnh hưởng đến trạng thái rủi ro theo quy định nội bộ của
ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trường hợp điều chỉnh hạn
mức rủi ro của ngân hàng thương mại theo hướng nới lỏng, Tổng giám đốc (Giám đốc)
phải báo cáo Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên sau khi điều chỉnh;
e) Được phổ biến
cho các cá nhân, bộ phận có liên quan.
3. Trường hợp
một hoạt động, giao dịch, sản phẩm có hạn mức rủi ro khác nhau đối với các rủi
ro khác nhau, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải áp dụng
hạn mức thận trọng hơn.
Điều 26. Quản lý rủi ro đối với sản phẩm mới, hoạt động
trong thị trường mới
1. Quản lý rủi
ro đối với sản phẩm mới, hoạt động trong thị trường mới của các hoạt động kinh
doanh được phép phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
a) Có các tiêu
chí xác định sản phẩm mới, hoạt động trong thị trường mới;
b) Có quy
trình cung cấp sản phẩm mới, hoạt động trong thị trường mới đảm bảo nguyên tắc:
(i) Đối với
ngân hàng thương mại, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên phê duyệt chủ
trương cung cấp sản phẩm mới, hoạt động trong thị trường mới trên cơ sở đề xuất của Tổng giám đốc (Giám đốc). Tổng giám đốc (Giám đốc) phê duyệt kế hoạch cung
cấp sản phẩm mới, hoạt động trong thị trường mới;
(ii) Đối với
chi nhánh ngân hàng nước ngoài, việc phê duyệt chủ trương, kế hoạch cung cấp sản
phẩm mới, hoạt động trong thị trường mới thực hiện theo quy định của ngân hàng
mẹ.
2. Kế hoạch
cung cấp sản phẩm mới, hoạt động trong thị trường mới phải được bộ phận quản lý
rủi ro thẩm định về rủi ro, biện pháp quản lý rủi ro và xác định cụ thể tối thiểu
các nội dung sau đây:
a) Quy mô, thời
gian thử nghiệm cung cấp sản phẩm mới, hoạt động trong thị trường mới trên cơ sở
đánh giá rủi ro có thể phát sinh từ việc cung cấp sản phẩm mới, hoạt động trong
thị trường mới, tác động đối với vốn chủ sở hữu và thu nhập để đảm bảo phù hợp
khả năng kiểm soát rủi ro của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài;
b) Thời gian chính thức cung cấp sản
phẩm mới, hoạt động trong thị trường mới trên cơ sở đánh giá kết quả thử nghiệm
so với các chỉ tiêu đề ra về quản lý rủi ro của ngân
hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
3. Khi chính thức
cung cấp sản phẩm mới, hoạt động trong thị trường mới, ngân hàng thương mại,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ban hành quy định, quy trình về cung cấp sản
phẩm mới, hoạt động trong thị trường mới và thực
hiện quản lý các rủi ro trọng yếu của
sản phẩm mới, hoạt động trong thị trường mới.
Điều 27. Nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro
1. Nhận dạng rủi
ro:
Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải nhận dạng rủi ro trọng yếu và
tương tác giữa các rủi ro này trong các giao dịch, sản phẩm, hoạt động, quy
trình nghiệp vụ, nguy cơ gây ra rủi ro và xác định nguyên nhân gây ra rủi ro.
2. Đo lường rủi
ro:
a) Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đo lường mức độ rủi ro trên cơ sở
xác định tác động ngắn hạn, dài hạn của rủi ro đó đối với thu nhập, tỷ lệ an
toàn vốn và khả năng đạt được mục tiêu kinh
doanh của ngân hàng thương mại, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài;
b) Việc đo lường
rủi ro được thực hiện bằng các phương pháp, mô hình (bao gồm cả hệ thống xếp hạng
tín dụng nội bộ). Các phương pháp, mô hình đo lường rủi ro phải được kiểm tra,
đánh giá định kỳ về tính chính xác và tính hợp lý theo quy định nội bộ của ngân
hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Các dữ liệu sử dụng trong các
phương pháp, mô hình đo lường rủi ro phải đảm bảo độ tin cậy và khả năng kiểm
tra được;
c) Việc đo lường
rủi ro đảm bảo kịp thời, chính xác để theo dõi rủi ro và kiểm soát rủi ro hiệu
quả.
3. Theo dõi rủi
ro:
a) Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải theo dõi trạng thái rủi ro và
đánh giá kịp thời, cảnh báo sớm khả năng vi phạm các hạn mức rủi ro, hạn chế để bảo
đảm an toàn trong hoạt động;
b) Các báo cáo
nội bộ về theo dõi rủi ro đảm bảo kịp thời, chính xác, đầy đủ và được gửi
đến các cá nhân, bộ phận có liên quan.
4. Kiểm soát rủi
ro:
a) Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải kiểm soát các trạng thái rủi
ro, giao dịch, hoạt động theo các hạn mức rủi ro tương ứng;
b) Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có các biện pháp phòng ngừa,
giảm thiểu và xử lý kịp thời các rủi ro để đảm bảo tuân thủ các hạn mức rủi ro, các hạn chế để đảm bảo an
toàn trong hoạt động và có cơ chế giám sát, kiểm tra việc thực hiện các biện
pháp này.
Điều 28. Kiểm tra sức chịu đựng
1. Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện kiểm tra sức chịu đựng đảm
bảo:
a) Kiểm tra sức
chịu đựng về thanh khoản định kỳ tối thiểu 06 tháng một lần và đột xuất;
b) Kiểm tra sức
chịu đựng về vốn định kỳ hằng năm và đột xuất.
2. Kiểm tra sức
chịu đựng được thực hiện như sau:
a) Lập tối thiểu
02 kịch bản là kịch bản hoạt động bình thường (bussiness as usual scenario) và
kịch bản có diễn biến bất lợi (stress scenario) trong kỳ kiểm tra sức chịu đựng
tiếp theo. Các kịch bản được lựa chọn phải đảm bảo khả năng xảy ra trên cơ sở
phân tích các sự kiện trong quá khứ và dự báo diễn biến kinh tế vĩ mô;
b) Tính toán
tác động của các giả định đối với thanh khoản, tỷ lệ an toàn vốn trong từng kịch
bản;
c) Lập báo cáo
kết quả kiểm tra sức chịu đựng (bao gồm số liệu định lượng và các phân tích,
đánh giá định tính).
3. Căn cứ kết
quả kiểm tra sức chịu đựng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài phải:
a) Đánh giá
tình hình tuân thủ tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tiền gửi,
tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn, các hạn chế khác để bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh
ngân hàng nước ngoài;
b) Lập kế hoạch
dự phòng trong trường hợp không đáp ứng được các yêu cầu về thanh khoản;
c) Tính toán vốn
kinh tế trong kịch bản có diễn biến bất lợi để xác định vốn mục tiêu.
Mục 2. QUẢN LÝ RỦI RO TÍN DỤNG
Điều 29. Yêu cầu, chiến lược quản lý rủi ro tín dụng,
hạn mức rủi ro tín dụng
1. Quản lý rủi
ro tín dụng được thực hiện trong suốt quá trình xem xét, thẩm định, phê duyệt,
quản lý tín dụng đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước và quy định của
pháp luật có liên quan.
2. Chiến lược
quản lý rủi ro tín dụng tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tỷ lệ nợ xấu
mục tiêu, tỷ lệ cấp tín dụng xấu mục tiêu theo đối tượng khách hàng,
ngành, lĩnh vực kinh tế;
b) Nguyên tắc
xác định chi phí bù đắp rủi ro tín dụng trong phương pháp tính lãi suất, định
giá sản phẩm tín dụng (pricing) theo mức độ rủi ro tín dụng của khách hàng;
c) Nguyên tắc
áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro tín dụng (bao gồm cả thẩm quyền phê duyệt
các biện pháp giảm thiểu rủi ro tín dụng).
3. Hạn mức rủi
ro tín dụng tối thiểu bao gồm các hạn mức sau đây:
a) Hạn mức cấp
tín dụng đối với đối tượng khách hàng, ngành, lĩnh vực kinh tế trên cơ
sở khả năng trả nợ của khách hàng, rủi ro tín dụng của ngành, lĩnh vực kinh tế;
b) Hạn mức cấp
tín dụng theo sản phẩm, hình thức bảo đảm trên cơ sở rủi ro tín dụng tương ứng
của sản phẩm, hình thức bảo đảm.
Điều 30. Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ
1. Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội
bộ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích,
phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro
trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2. Hệ thống xếp
hạng tín dụng nội bộ phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
a) Mô hình xếp
hạng phải lượng hóa các tiêu chí để đánh giá khả năng (xác suất) khách hàng
không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận (bao gồm cả các yếu tố kinh tế - xã hội
vĩ mô, môi trường kinh doanh ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng);
b) Có cơ sở dữ
liệu và các phương pháp quản lý dữ liệu để lượng hóa rủi ro tín dụng theo yêu cầu;
c) Kết quả của hệ thống
xếp hạng tín dụng nội bộ phải được đánh giá độc lập;
d) Có đầy đủ
thông tin về hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để cung cấp theo yêu cầu của kiểm
toán nội bộ, tổ chức kiểm toán độc lập và các cơ quan chức năng khác khi thực
hiện kiểm toán nội bộ, thanh tra, giám sát, kiểm toán độc lập.
Điều 31. Đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro tín dụng
1. Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải sử dụng hệ thống xếp hạng tín dụng
nội bộ, phương pháp, mô hình đo lường tổn thất để đo lường rủi ro tín dụng.
2. Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải theo dõi, kiểm soát rủi ro tín
dụng đối với từng khoản cấp tín dụng và toàn bộ danh mục cấp tín dụng và có biện
pháp xử lý khi chất lượng tín dụng bị suy giảm, tối thiểu đảm bảo các yêu cầu
sau đây:
a) Theo dõi kết
quả phân loại nợ của khoản cấp tín dụng;
b) Đánh giá mức
độ đầy đủ của dự phòng rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
c) Kiểm soát
trạng thái rủi ro tín dụng thực tế để tuân thủ giới hạn cấp tín dụng, hạn
mức rủi ro tín dụng theo quy định của pháp luật, quy định nội bộ của
ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
3. Việc theo
dõi và kiểm soát rủi ro tín dụng tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây:
a) Vai trò và
trách nhiệm của các cá nhân, bộ phận thực hiện theo dõi, kiểm soát rủi ro tín dụng;
b) Thực hiện
phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi
ro tín dụng;
c) Đánh giá, theo dõi rủi ro tín dụng đối với từng khoản cấp tín dụng, danh mục cấp tín
dụng;
d) Kiểm soát rủi
ro tín dụng theo hạn mức rủi ro tín dụng được phân bổ đối với từng khoản cấp
tín dụng, danh mục các khoản cấp tín dụng bao gồm: Tần suất tối thiểu thực hiện
kiểm soát từ xa và kiểm tra tại chỗ đối với khách hàng để thu thập thông tin phục
vụ cho việc theo dõi rủi ro tín dụng;
đ) Tiêu chí
đánh giá và phương pháp xác định mức độ suy giảm chất lượng tín dụng của từng
khoản cấp tín dụng và danh mục cấp tín dụng; cơ chế cảnh báo sớm khi có nguy cơ
chất lượng tín dụng của khách hàng bị suy giảm.
Điều 32. Thẩm định cấp tín dụng
1. Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện thẩm định tín dụng đảm bảo
tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây:
a) Xác định cụ
thể người có liên quan của khách hàng, tổng dư nợ cấp tín dụng của khách hàng, khách hàng và
người có liên quan;
b) Căn cứ kết quả xếp hạng
tín nhiệm của khách hàng (nếu có), bao gồm cả xếp hạng tín nhiệm tại các tổ chức
tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác;
c) Đánh giá tính đầy
đủ về hồ sơ, tình trạng pháp lý và khả năng thu hồi của tài sản bảo đảm đối với
trường hợp cấp tín dụng có tài sản bảo đảm;
d) Thẩm định
khả năng thực hiện các nghĩa vụ cam kết của bên bảo lãnh đối với các khoản cấp
tín dụng có bảo lãnh của bên thứ ba.
2. Trong quá
trình thẩm định, trường hợp sử dụng các kênh thông tin khác ngoài ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, ngân hàng thương
mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải kiểm tra chất lượng thông tin và tính
độc lập của kênh thông tin với bên được cấp tín dụng.
Điều 33. Phê duyệt quyết định có rủi ro tín dụng
Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện phê duyệt quyết định có rủi
ro tín dụng đảm bảo:
1. Thẩm quyền
phê duyệt quyết định có rủi ro tín dụng và các trường hợp chuyển lên cấp thẩm
quyền cao hơn để phê duyệt phải được xác định theo các tiêu chí định lượng, định
tính.
2. Trường hợp
phê duyệt theo cơ chế hội đồng, hội đồng phê duyệt phải có biên bản phê duyệt hoặc hình thức tương đương, trong đó nêu rõ lý do phê duyệt hoặc
không phê duyệt và ghi nhận (hoặc đính kèm) đầy đủ ý kiến của các thành viên hội
đồng. Thành viên hội đồng phê duyệt phải chịu trách nhiệm đối với quyết định của
mình.
3. Thông tin cung cấp để phê duyệt
quyết định có rủi ro tín dụng phải đầy đủ, phù hợp với quy mô, loại hình cấp
tín dụng. Quy định về danh mục thông tin làm cơ sở để phê
duyệt quyết định có rủi ro tín dụng phải được bộ phận quản lý rủi ro đánh giá đảm
bảo thực hiện hiệu quả việc quản lý rủi ro tín dụng.
Điều 34. Quản
lý tín dụng
1. Ngân hàng thương mại, chi nhánh
ngân hàng nước ngoài thực hiện quản lý tín dụng đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Quy định cụ thể trách nhiệm, thẩm
quyền của cá nhân, bộ phận trong việc lập, lưu trữ hồ sơ tín dụng bảo đảm các hồ
sơ tín dụng đầy đủ theo quy định của pháp luật;
b) Giải ngân phù hợp với mục đích
sử dụng vốn, loại hình cấp tín dụng;
c) Giám sát khoản cấp tín dụng sau
khi được giải ngân phải đảm bảo nguyên tắc sau đây:
(i) Kiểm tra việc sử dụng vốn vay
và thực hiện các điều khoản khác trong hợp đồng cấp tín dụng của khách hàng;
(ii) Đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng;
(iii) Thực hiện
quản lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 36 Thông tư này;
(iv) Theo dõi
lịch trả nợ, nhắc nhở khách hàng thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn, báo cáo
kịp thời cho các cấp có thẩm quyền khi khách hàng có nguy cơ không thực hiện hoặc
chậm thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
2. Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lưu trữ hồ sơ tín dụng, các
thông tin về khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ và lịch sử trả nợ của khách
hàng và các thông tin khác có liên quan theo
quy định của pháp luật.
Điều 35. Quản lý khoản cấp tín dụng có vấn đề
1. Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện quản lý khoản cấp tín
dụng có vấn đề để có biện pháp xử lý kịp thời.
2. Quản lý khoản
cấp tín dụng có vấn đề đảm bảo yêu cầu sau đây:
a) Quy định rõ
tiêu chí, phương pháp để xác định khoản cấp tín dụng có vấn đề;
b) Tăng cường
đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, khả năng thu hồi nợ từ các biện pháp
bảo đảm;
c) Có biện
pháp xử lý, cơ cấu lại đối với các khoản cấp tín dụng có vấn đề, kế hoạch thu hồi
nợ;
d) Tăng cường
theo dõi, giám sát, thu hồi nợ;
đ) Xác định trách nhiệm
của cá nhân, bộ phận liên quan đến khoản cấp tín dụng xấu (nếu có) để có biện
pháp xử lý.
Điều 36. Quản lý tài sản bảo đảm
Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện quản lý tài sản bảo đảm
đáp ứng yêu cầu sau đây:
1. Xác định cụ
thể các loại tài sản bảo đảm mà ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài chấp nhận đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Có phương
pháp xác định giá trị tài sản theo quy định của pháp luật về định giá hoặc thuê
tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định giá trị thị trường, giá trị thu
hồi và thời gian phát mại, xử lý của từng loại tài sản bảo đảm làm cơ sở quản
lý tài sản bảo đảm theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh
ngân hàng nước ngoài; xác định tài sản bảo đảm đủ điều kiện để khấu trừ và tỷ lệ
khấu trừ khi trích lập dự phòng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
3. Đánh giá định
kỳ hoặc đột xuất theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân
hàng nước ngoài đối với tài sản bảo đảm theo nguyên tắc tài sản bảo đảm có sự
biến động giá trị nhiều hơn sẽ phải đánh giá thường xuyên hơn.
4. Có quy định
về việc tiếp nhận, bảo quản an toàn tài sản bảo đảm.
Điều 37. Báo cáo nội bộ về rủi ro tín dụng
1. Định kỳ tối
thiểu hằng quý hoặc đột xuất, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài có báo cáo nội bộ về rủi ro tín dụng quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Báo cáo nội
bộ về rủi ro tín dụng tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây:
a) Chất lượng
tín dụng đối với các khoản cấp tín dụng, danh mục cấp tín dụng theo đối
tượng khách hàng, ngành, lĩnh vực kinh tế;
b) Khoản cấp
tín dụng có vấn đề, các biện pháp xử lý khoản cấp tín dụng có vấn đề;
c) Khách hàng, ngành, lĩnh vực
kinh tế có dư nợ tín dụng thực tế cao hơn hạn mức rủi
ro tín dụng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 29
Thông tư này;
d) Giá trị tài
sản bảo đảm, danh mục tài sản bảo đảm theo từng loại tài sản bảo đảm;
đ) Tình hình trích
lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro tín dụng;
e) Cảnh báo sớm
khả năng vi phạm các giới hạn, hạn mức rủi ro tín dụng;
g) Các vi phạm về quản lý rủi ro tín dụng và lý do vi phạm;
h) Các đề xuất, kiến nghị về quản lý rủi ro tín dụng với cấp
nhận báo cáo;
i) Kết quả thực hiện các yêu cầu, kiến nghị về quản lý rủi
ro tín dụng của kiểm toán nội bộ, Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập
và các cơ quan chức năng khác.
Mục 3. QUẢN
LÝ RỦI RO THỊ TRƯỜNG
Điều 38. Chiến lược quản lý rủi ro thị trường, hạn mức rủi
ro thị trường
1. Chiến lược
quản lý rủi ro thị trường tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây:
a) Mức độ trạng
thái rủi ro thị trường của sổ kinh doanh phải thực hiện phòng ngừa rủi ro thị
trường;
b)[17] Nguyên tắc quản lý rủi ro thị trường trong điều kiện
bình thường, điều kiện biến động mạnh về giá chứng khoán, giá hàng hóa, tỷ giá, giá vàng, lãi
suất theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài;
c) Nguyên tắc
áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro thị trường (trong đó nêu rõ các công cụ
phòng ngừa rủi ro thị trường, thẩm quyền phê duyệt các biện pháp phòng ngừa rủi
ro thị trường).
2. Hạn mức rủi
ro thị trường tối thiểu bao gồm:
a) Hạn mức rủi
ro lãi suất: Hạn mức rủi ro lãi suất đối với danh mục sản phẩm giao dịch, hạn mức
cho giao dịch viên, hạn mức cắt lỗ, hạn mức về tổng trạng thái rủi ro lãi suất
trên sổ kinh doanh;
b)[18] Hạn mức rủi ro ngoại hối: Hạn mức về tổng trạng thái ngoại
tệ dương, tổng trạng thái ngoại tệ âm, trạng thái vàng;
hạn mức cho giao dịch viên; hạn mức cắt lỗ;
c)[19] (được bãi bỏ)
d) Hạn mức rủi
ro giá hàng hóa: Hạn mức đối với danh mục sản phẩm giao dịch; hạn mức cho giao
dịch viên; hạn mức cắt lỗ.
Điều 39. Đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro thị trường
1. Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện đo lường, theo dõi và kiểm
soát rủi ro thị trường đảm bảo:
a) Có cá nhân,
bộ phận thực hiện đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro thị trường độc lập với
đơn vị giao dịch tự doanh;
b) Có cơ sở hạ
tầng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu để đo lường, theo dõi và kiểm
soát rủi ro thị trường;
c) Phân cấp cụ
thể thẩm quyền phê duyệt, thực hiện các biện
pháp phòng ngừa rủi ro thị trường;
d) Trường hợp
ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sử dụng mô hình giá (mark
to model)[20] thì mô hình giá
phải đảm bảo yêu cầu sau đây:
(i) Đánh giá đầy
đủ các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị giao dịch tự doanh, giá trị tài sản cơ sở;
(ii) Được ước
tính trên cơ sở thông tin, dữ liệu thị trường được thu thập từ các nguồn tin cậy.
Thông
tin, dữ liệu thị trường phải được đánh giá độc lập về độ tin cậy, phù hợp theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh
ngân hàng nước ngoài;
(iii) Được rà
soát, đánh giá định kỳ tối thiểu hằng năm hoặc đột xuất nhằm xác định mức
độ chính xác, hạn chế của mô hình giá để điều chỉnh cho phù hợp.
2. Phương
pháp, mô hình đo lường, theo dõi rủi ro thị trường theo rủi ro lãi suất, rủi ro
ngoại hối, rủi ro giá cổ phiếu và rủi ro giá hàng hóa phải đáp ứng các yêu cầu
sau đây:
a) Đo lường,
theo dõi trạng thái rủi ro thị trường gắn với từng loại tài sản tài chính, nợ
phải trả tài chính và các khoản mục ngoại bảng;
b) Tham số, giả
định phải được kiểm định, điều chỉnh trên cơ sở so sánh diễn biến thực tế và kết
quả thu được từ các phương pháp, mô hình này.
3. Kiểm soát rủi
ro thị trường phải đảm bảo:
a) Cảnh báo sớm
về khả năng vi phạm hạn mức rủi ro thị trường;
b) Cuối mỗi
ngày giao dịch, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đánh
giá khả năng tuân thủ hạn mức rủi ro thị trường trên cơ sở trạng thái rủi ro thị
trường thực tế (bao gồm cả các giao dịch phòng ngừa rủi ro thị trường) và điều
chỉnh hạn mức rủi ro thị trường (nếu cần thiết);
c) Việc điều chỉnh hạn
mức rủi ro thị trường phải được thông báo kịp thời cho giao dịch viên, đơn vị giao dịch
và các cá nhân, bộ phận có liên quan để thực hiện giao dịch tự doanh, kiểm soát rủi ro
thị trường cho ngày giao dịch tiếp theo.
Điều 40. Báo cáo nội bộ về rủi ro thị trường
1. Chậm nhất cuối ngày làm việc,
ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có báo cáo nội bộ trong ngày về rủi
ro thị trường đối với sổ kinh doanh, tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tổng trạng
thái rủi ro thị trường trong ngày;
b) Các phát hiện
từ hoạt động kiểm soát đối với giao dịch tự doanh;
c) Mức lãi (lỗ) thực tế và dự tính lãi (lỗ) theo giá trị thị
trường của các giao dịch tự doanh;
d) Các hạn mức
giao dịch trong ngày và tình hình sử dụng các hạn mức này tính đến thời điểm kết
thúc ngày giao dịch.
2. Định kỳ tối
thiểu 06 tháng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có báo cáo
nội bộ về rủi ro thị trường, tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tổng trạng
thái rủi ro thị trường so với hạn mức rủi ro thị trường tại thời điểm báo cáo;
b) Kết quả rà
soát, đánh giá phương pháp, mô hình đo lường, theo dõi rủi ro thị trường
(nếu có);
c) Mức lãi (lỗ)
thực tế và dự tính lãi (lỗ) theo giá trị thị trường của các giao dịch tự doanh;
d) Các vi phạm
về quản lý rủi ro thị trường và lý do vi phạm (nếu có);
đ) Các trường
hợp bất thường trong hoạt động giao dịch tự doanh, thay đổi các giả định chính
của phương pháp đo lường rủi ro thị trường;
e) Các đề xuất,
kiến nghị về quản lý rủi ro thị trường với cấp nhận báo cáo;
g) Kết quả thực
hiện các yêu cầu, kiến nghị về quản lý rủi ro thị trường, hoạt động tự doanh của
kiểm toán nội bộ, Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập và các cơ quan
chức năng khác.
Mục 4. QUẢN LÝ RỦI RO HOẠT ĐỘNG
Điều 41. Chiến lược quản lý rủi ro hoạt động, hạn mức rủi
ro hoạt động
1. Chiến lược
quản lý rủi ro hoạt động tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây:
a) Nguyên tắc
thực hiện quản lý rủi ro hoạt động;
b) Nguyên tắc
sử dụng hoạt động thuê ngoài, mua bảo hiểm, ứng dụng công nghệ;
c) Các trường
hợp phải có kế hoạch duy trì hoạt động liên tục tối thiểu bao gồm:
(i) Mất tài liệu,
cơ sở dữ liệu quan trọng;
(ii) Hệ thống công nghệ thông tin bị sự cố;
(iii) Các sự kiện bất khả kháng (chiến tranh, thiên tai,
cháy nổ...).
2. Hạn mức rủi
ro hoạt động tối thiểu bao gồm các hạn mức sau đây:
a) Hạn mức về
mức độ tổn thất tài chính đối với từng trường hợp quy định tại khoản 2 Điều
42 Thông tư này theo 06 nhóm hoạt động kinh doanh[21];
b) Hạn mức về
mức độ tổn thất phi tài chính (bao gồm cả uy tín, danh tiếng, phát sinh nghĩa vụ
pháp lý).
Điều 42. Nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro
hoạt động
1. Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải nhận dạng đầy đủ rủi ro hoạt động
trong tất cả các sản phẩm, hoạt động kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, hệ thống
công nghệ thông tin và các hệ thống quản lý khác.
2. Việc nhận dạng
rủi ro hoạt động được thực hiện đối với các trường hợp sau đây:
a) Gian lận nội
bộ do hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, vi phạm các chiến lược, chính sách
và quy định nội bộ liên quan đến ít nhất một cá nhân của ngân hàng thương mại,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài (bao gồm cả hành vi không đúng chức trách, nhiệm
vụ, hành vi vượt thẩm quyền, trộm cắp, lợi dụng thông tin nội bộ để trục lợi);
b) Gian lận
bên ngoài do các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản do đối tượng bên ngoài gây
nên mà không có sự trợ giúp, cấu kết của cá nhân, bộ phận của ngân hàng thương
mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (bao gồm cả hành vi trộm cắp, cướp, giả mạo
thẻ ngân hàng, chứng từ ngân hàng, xâm nhập hệ thống công nghệ thông tin để chiếm
đoạt dữ liệu, tiền);
c) Chính sách
về lao động, an toàn nơi làm việc không phù hợp hợp đồng lao động, quy định của
pháp luật về lao động, bảo vệ sức khỏe và an toàn nơi làm việc;
d) Vô ý vi phạm
quy định liên quan đến khách hàng, quy trình cung cấp sản phẩm và đặc tính sản
phẩm khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền đối với khách
hàng (bao gồm cả hành vi vi phạm bảo mật thông tin khách hàng, vi phạm quy định
về phòng chống rửa tiền, cung cấp sản phẩm dịch vụ trái quy định);
đ) Hư hỏng, mất
mát tài sản, công cụ, thiết bị do các sự kiện bất khả kháng, tác động của con
người và các sự kiện khác;
e) Gián đoạn
hoạt động kinh doanh do hệ thống công nghệ, thông tin gặp sự cố;
g) Hạn chế, bất cập của quy
trình giao dịch, kiểm soát giao dịch và quản lý giao dịch;
h) Các trường
hợp khác theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh nhân hàng nước
ngoài.
3. Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có công cụ đo lường rủi ro hoạt động
thông qua việc lượng hóa tổn thất đối với các trường hợp quy định tại khoản 2
Điều này theo 06 nhóm hoạt động kinh doanh[22] trên cơ sở áp dụng tối thiểu hai trong số
các phương pháp sau đây:
a) Sử dụng các
phát hiện của kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập (Audit findings);
b) Thu thập và
phân tích số liệu tổn thất nội bộ và bên ngoài (Internal and external loss data
collection and analysis) để xác định tổn thất nội bộ và của toàn hệ thống ngân
hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
c) Tự đánh giá
kiểm soát rủi ro hoạt động (Risk Control Self Assessment - RCSA) để xác định hiệu
quả của hoạt động kiểm soát đối với rủi ro hoạt động trước và sau khi kiểm
soát;
d) Sơ đồ hóa
các quy trình nghiệp vụ (Business Process Mapping - BPM) để xác định mức độ rủi
ro hoạt động của từng quy trình nghiệp vụ, rủi ro hoạt động chung của các quy
trình nghiệp vụ và mối liên hệ của các rủi ro này;
đ) Chỉ số kết
quả kinh doanh và chỉ số rủi ro trọng yếu (Risk and Performance indicators) để
theo dõi yếu tố tác động đến rủi ro hoạt động và xác định các hạn chế, tồn tại
và tổn thất tiềm ẩn;
e) Phân tích kịch
bản (Scenario Analysis) để xác định nguồn phát sinh rủi ro hoạt động và các yêu
cầu kiểm soát, giảm thiểu rủi ro hoạt động trong các kịch bản và sự kiện có thể
xảy ra.
4. Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện kiểm soát rủi ro hoạt động
thông qua hoạt động kiểm soát quy định tại Điều 15 Thông tư này
và các biện pháp khác theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh
ngân hàng nước ngoài. Trường hợp tổn thất thực tế vượt hạn mức rủi ro hoạt động,
ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có biện pháp tăng cường
để kiểm soát, giảm thiểu rủi ro hoạt động đó trong tương lai.
Điều 43. Quản lý rủi ro hoạt động đối với hoạt động thuê
ngoài
1. Quản lý rủi
ro hoạt động đối với hoạt động thuê ngoài được thực hiện thông qua:
a) Quản lý hoạt
động thuê ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Nhận dạng,
đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro hoạt động phát sinh từ hoạt động thuê
ngoài theo quy định tại Điều 42 Thông tư này.
2. Quản lý hoạt
động thuê ngoài tối thiểu bao gồm:
a) Xác định phạm vi hoạt động thuê ngoài;
b) Phân cấp thẩm quyền phê duyệt, quyết định đối với các hoạt động
thuê ngoài;
c) Thẩm định năng lực của doanh nghiệp thuê ngoài trong việc
đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu đề ra của hoạt động thuê ngoài trước khi ký hợp đồng
thuê ngoài; đánh giá khả năng thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp thuê ngoài
trong quá trình thực hiện hợp đồng;
d) Có nguyên tắc thỏa thuận các hợp đồng thuê ngoài đảm bảo
chặt chẽ, đầy đủ, bảo vệ quyền sở hữu và bảo mật cơ sở dữ liệu, thông tin khách
hàng và quyền chấm dứt hợp đồng thuê ngoài; mức độ và phạm vi hoạt động thuê
ngoài; trách nhiệm cụ thể của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài và doanh nghiệp thuê ngoài và các điều khoản xử lý tranh chấp theo quy định
của pháp luật;
đ) Lập hoặc yêu cầu doanh nghiệp thuê ngoài lập kế hoạch duy
trì hoạt động liên tục cho hoạt động thuê ngoài theo
quy định tại Điều 46 Thông tư này.
Điều 44. Quản lý rủi ro hoạt động trong ứng dụng công nghệ
1. Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng thương mại quản lý rủi ro hoạt động trong ứng dụng
giao dịch điện tử, giao dịch trực tuyến, giao dịch tự động, giao dịch di động
và các công nghệ khác (sau đây gọi tắt là ứng dụng công nghệ) thông qua:
a) Quản lý ứng
dụng công nghệ theo quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Nhận dạng,
đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro hoạt động phát sinh trong ứng dụng công
nghệ theo quy định tại Điều 42 Thông tư này tối thiểu đảm bảo:
(i) Nhận dạng
nguy cơ phát sinh rủi ro hoạt động liên quan hệ thống mạng kết nối nội bộ và
bên ngoài, phần cứng, phần mềm, ứng dụng, giao diện giao dịch, vận hành và yếu
tố con người;
(ii) Đo lường
rủi ro trên cơ sở ước tính tổn thất khi xảy ra rủi ro hoạt động đối với hoạt động
kinh doanh;
(iii) Theo
dõi, đánh giá khả năng duy trì hoạt động ổn định trước nguy cơ phát sinh rủi ro
hoạt động trong ứng dụng công nghệ;
(iv) Kiểm soát,
có các biện pháp giảm thiểu rủi ro hoạt động (nếu cần thiết) trong hoạt động ứng
dụng công nghệ để đảm bảo hạn mức rủi ro hoạt động.
2. Quản lý ứng
dụng công nghệ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải
đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Có quy định
quản lý ứng dụng công nghệ tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây:
(i) Phạm vi quản
lý ứng dụng công nghệ tối thiểu đối với hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ
liệu;
(ii) Nhiệm vụ,
trách nhiệm, quyền hạn của các cá nhân, bộ phận thực hiện quản lý ứng dụng công
nghệ;
(iii) Quản lý
hiệu quả khi có sự cố, thay đổi ứng dụng công nghệ;
(iv) Hệ thống
xác thực đảm bảo bảo mật thông tin của khách hàng, an toàn giao dịch và hệ thống
công nghệ thông tin;
b) Tuân thủ
quy định của Ngân hàng Nhà nước về giao dịch điện tử trong ngành ngân hàng; an
toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng
trực tuyến và quy định có liên quan của pháp luật.
Điều 45. Mua bảo hiểm để giảm thiểu tổn thất rủi ro hoạt động
1. Ngân hàng thương
mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua bảo hiểm để giảm thiểu tổn thất
phát sinh từ rủi ro hoạt động theo quy định của pháp luật, đảm bảo phù hợp với
năng lực tài chính và bù đắp tổn thất của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân
hàng nước ngoài.
2. Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không sử dụng việc mua bảo hiểm để
thay thế quản lý rủi ro hoạt động, phải đánh giá hiệu quả giảm thiểu tổn thất phát sinh từ rủi
ro hoạt động của việc mua bảo hiểm, đánh giá năng lực của doanh nghiệp bán bảo
hiểm trong việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm và các rủi ro mới khác (nếu có).
Điều 46. Kế hoạch duy trì hoạt động liên tục
1. Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có kế hoạch duy trì hoạt động
liên tục trong các trường hợp quy định tại điểm c khoản
1 Điều 41 Thông tư này.
2. Kế hoạch
duy trì hoạt động liên tục phải đáp ứng tối thiểu các yêu cầu sau đây:
a) Phù hợp với
tính chất, quy mô hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài;
b) Có hệ thống
dự phòng về nhân sự, hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu thông tin;
c) Có các biện
pháp giảm thiểu tổn thất do ngừng hoạt động;
d) Khôi phục
được các hoạt động kinh doanh bị gián đoạn về trạng thái bình thường theo thời
hạn yêu cầu;
đ) Được thử
nghiệm, rà soát định kỳ tối thiểu hằng năm để xác định mức độ hiệu quả của kế
hoạch duy trì hoạt động liên tục và chỉnh sửa (nếu cần thiết).
Điều 47. Báo cáo nội bộ về rủi ro hoạt động
1. Định kỳ tối
thiểu 06 tháng hoặc đột xuất, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài có báo cáo nội bộ về rủi ro hoạt động quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Báo cáo nội
bộ về rủi ro hoạt động tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tình hình
thực hiện chính sách quản lý rủi ro đối với rủi ro hoạt động, tuân thủ hạn mức
rủi ro hoạt động;
b) Các trường hợp phát sinh rủi
ro hoạt động trong kỳ báo cáo và lý do;
c) Số liệu tổn
thất do rủi ro hoạt động theo 06 nhóm hoạt động kinh doanh[23], các biện pháp xử lý tổn thất
và duy trì hoạt động liên tục (nếu có);
d) Sự kiện,
tác động bên ngoài ảnh hưởng đến rủi ro hoạt động của ngân hàng thương mại, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài;
đ) Thay đổi về
phương pháp đo lường rủi ro hoạt động;
e) Tình hình
hoạt động thuê ngoài và quản lý rủi ro hoạt động đối với hoạt động thuê ngoài;
g) Thay đổi về
ứng dụng công nghệ (nếu có) và tình hình quản lý rủi ro hoạt động trong ứng dụng
công nghệ;
h) Các đề xuất,
kiến nghị về quản lý rủi ro hoạt động;
i) Kết quả thực
hiện các yêu cầu, kiến nghị về quản lý rủi ro hoạt động của kiểm toán nội bộ,
Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập và các cơ quan chức năng khác.
Mục 5. QUẢN LÝ RỦI RO THANH KHOẢN
Điều 48. Yêu cầu, chiến lược quản lý rủi ro thanh
khoản, hạn mức rủi ro thanh khoản
1. Quản lý rủi
ro thanh khoản phải đáp ứng tối thiểu các yêu cầu sau đây:
a) Duy trì đủ
tài sản có tính thanh khoản cao để đáp ứng nhu cầu thanh khoản trong trong điều
kiện ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động bình thường
và có diễn biến bất lợi về thanh khoản (bao gồm cả việc xác định tổn thất, chi
phí khi tiếp cận thanh khoản trên thị trường);
b) Thực hiện
quản lý thanh khoản theo quy định tại Điều 49 Thông tư này;
c) Xác định được
chi phí đáp ứng nhu cầu thanh khoản và rủi ro thanh khoản trong việc định giá vốn
nội bộ, đánh giá kết quả kinh doanh đối với các hoạt động kinh doanh trọng yếu
(bao gồm cả nội bảng và ngoại bảng).
2. Chiến lược
quản lý rủi ro thanh khoản tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây:
a) Nguyên tắc để
quản lý thanh khoản;
b) Chiến lược
đa dạng hóa nguồn vốn huy động, thời hạn vốn huy động để tăng sự ổn định
Nợ phải trả, hỗ trợ thanh khoản hàng ngày;
c) Nguyên tắc
thực hiện kiểm tra sức chịu đựng về thanh khoản.
3. Hạn mức rủi
ro thanh khoản bao gồm:
a) Các hạn mức
rủi ro bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ
Dư nợ cho vay/Tổng tiền gửi, tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung dài hạn;
b) Các hạn mức
khác theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài.
Điều 49. Quản lý thanh khoản
1. Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện quản lý thanh khoản đối với:
a) Ngân hàng thương mại, chi nhánh, đơn vị phụ thuộc khác của ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
b) Đồng Việt
Nam và ngoại tệ (tối thiểu đô la Mỹ, bao gồm cả các ngoại tệ khác được chuyển đổi
thành đô la Mỹ).
2. Quản lý
thanh khoản tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây:
a) Quản lý
thanh khoản trong ngày đảm bảo theo dõi trạng thái thanh khoản trong ngày, xác
định các nguồn vốn và khả năng huy động nguồn vốn này để đảm bảo thanh khoản
trong ngày, dự báo các tình huống làm thay đổi bất thường thanh khoản trong
ngày và đề xuất các biện pháp xử lý;
b) Quản lý tài
sản có tính thanh khoản cao theo giá trị thị trường và khả năng chuyển đổi
thành tiền để đáp ứng yêu cầu thanh khoản trong điều kiện thị trường hoạt động
bình thường và thị trường khó khăn về thanh khoản;
c) Quản lý nguồn
vốn huy động đảm bảo thống kê số dư bình quân tiền gửi không kỳ hạn trong khoảng
thời gian tối thiểu 30 ngày, số dư tiền gửi có thể duy trì ổn định (core
deposits) và các chỉ số khác về nguồn vốn huy động theo quy định nội bộ của
ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
d) Quản lý
dòng tiền tối thiểu đảm bảo lập thang kỳ hạn cho ngày hôm sau và các khoảng thời
gian cụ thể (1 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm) để xác định chênh lệch về
dòng tiền thông qua so sánh dòng tiền ra và dòng tiền vào, đảm bảo tuân thủ quy
định của Ngân hàng Nhà nước về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động
của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tỷ lệ về thanh
khoản khác theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng
nước ngoài;
đ) Quản lý nguồn
thanh khoản đảm bảo đánh giá khả năng tiếp cận các nguồn thanh khoản để đáp ứng
nhu cầu thanh khoản tương lai trong điều kiện thị trường hoạt động bình thường
và thị trường khó khăn về thanh khoản.
Điều 50. Nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro
thanh khoản
1. Nhận dạng rủi
ro thanh khoản phải đảm bảo:
a) Thực hiện
trên cơ sở phân tích nhu cầu thanh khoản, nguồn thanh khoản của từng hoạt động
kinh doanh, cơ cấu Tài sản/Nợ phải trả và dòng tiền của các khoản mục nội bảng
và ngoại bảng, khả năng tiếp cận thanh khoản trên thị trường;
b) Nhận dạng rủi
ro thanh khoản phát sinh từ rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động,
rủi ro danh tiếng và các rủi ro khác.
2. Đo lường,
theo dõi rủi ro thanh khoản tối thiểu đảm bảo các yêu cầu sau đây:
a) Có công cụ
đo lường rủi ro thanh khoản phù hợp để đo lường rủi ro thanh khoản tối thiểu đối
với:
(i) Dòng tiền
tương lai của Tài sản/Nợ phải trả;
(ii) Nhu cầu
thanh khoản bất thường và các trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ của các khoản
ngoại bảng;
(iii) Đồng tiền
giao dịch;
(iv) Các hoạt
động ngân hàng đại lý, lưu ký và thanh toán;
b) Theo dõi việc
tuân thủ tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ Dư nợ cho vay/Tổng tiền gửi, tỷ lệ vốn
ngắn hạn sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn, các tỷ lệ thanh khoản khác (nếu
có).
3. Kiểm soát rủi
ro thanh khoản phải đảm bảo:
a) Trạng thái
rủi ro thanh khoản đảm bảo tuân thủ các hạn mức rủi ro thanh khoản;
b) Có các chỉ tiêu
cảnh báo sớm về rủi ro thanh khoản để có các biện pháp xử lý thiếu hụt thanh
khoản tạm thời và dài hạn.
Điều 51. Kiểm tra sức chịu đựng về thanh khoản
1. Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có phương pháp tính toán tác động của
các giả định đảm bảo đánh giá được khả năng thực hiện các nghĩa vụ, cam kết và
tuân thủ các hạn mức rủi ro thanh khoản. Các giả định, phương pháp tính toán
tác động của các giả định đối với thanh khoản phải được rà soát, tự đánh giá mức
độ phù hợp.
2. Kịch bản có
diễn biến bất lợi quy định tại điểm a khoản 2 Điều 28 Thông tư
này có tối thiểu các giả định về tiền gửi, chất lượng tín dụng.
3. Kế hoạch dự
phòng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 28 Thông tư này tối
thiểu có các nội dung sau: dự kiến các biện pháp xử lý về nguồn vốn, sử dụng vốn,
dòng tiền tương lai đảm bảo đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 52. Báo cáo nội bộ về rủi ro thanh khoản
1. Định kỳ tối
thiểu hằng quý hoặc đột xuất, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài có báo cáo nội bộ về rủi ro thanh khoản quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Báo cáo nội
bộ về rủi ro thanh khoản tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây:
a) Nhận định về
chỉ số xếp hạng tín nhiệm của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng
nước ngoài và tình hình thanh khoản trên thị trường;
b) Cơ cấu
của bảng cân đối tài sản; sản phẩm huy động vốn mới; đối tượng gửi tiền;
kỳ hạn và lãi suất tiền gửi;
c) Các nguồn
thanh khoản, chênh lệch về dòng tiền, kỳ hạn nguồn vốn, tình hình
tuân thủ các hạn mức rủi ro thanh khoản;
d) Kết quả kiểm
tra sức chịu đựng về thanh khoản (nếu có) trong kỳ báo cáo;
đ) Các đề xuất,
kiến nghị về quản lý rủi ro thanh khoản với cấp nhận báo cáo;
e) Kết quả thực
hiện các yêu cầu, kiến nghị về quản lý rủi ro thanh khoản của kiểm toán nội bộ,
Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập và các cơ quan chức năng khác.
Mục 6. QUẢN LÝ RỦI RO TẬP TRUNG
Điều 53. Chiến lược quản lý rủi ro tập trung, hạn mức rủi
ro tập trung
1. Chiến lược
quản lý rủi ro tập trung áp dụng tối thiểu đối với:
a) Hoạt động cấp
tín dụng;
b) Hoạt động
giao dịch tự doanh.
2. Chiến lược
quản lý rủi ro tập trung tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây:
a) Đối với hoạt
động cấp tín dụng:
(i) Nguyên tắc
xác định hạn mức tập trung tín dụng theo sản phẩm tín dụng, khách hàng,
ngành, lĩnh vực kinh tế;
(ii) Các tiêu
chí xác định người có liên quan của khách hàng phù hợp với quy định của
pháp luật;
(iii) Nguyên tắc
xác định mức độ đa dạng và mức độ tương tác giữa các sản phẩm tín dụng, ngành,
lĩnh vực kinh tế;
b) Đối với hoạt
động giao dịch tự doanh:
(i) Nguyên tắc
xác định hạn mức tập trung giao dịch tự doanh theo đối tác giao dịch, sản phẩm
giao dịch, loại tiền tệ;
(ii) Tiêu chí xác
định danh mục giao dịch tự doanh để áp dụng hạn mức tập trung giao dịch tự
doanh đảm bảo mức độ đa dạng và mức độ tương tác theo quy định của ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
3. Hạn mức rủi
ro tập trung tối thiểu bao gồm:
a) Đối với hoạt
động cấp tín dụng:
(i) Hạn mức cấp
tín dụng cho một khách hàng, khách hàng và người có liên quan so với tổng dư nợ;
(ii) Hạn mức tập
trung tín dụng cho sản phẩm tín dụng, ngành, lĩnh vực kinh tế trên cơ sở tỷ
trọng dư nợ của sản phẩm tín dụng, ngành, lĩnh vực kinh tế so với tổng dư nợ;
b) Đối với hoạt
động giao dịch tự doanh: hạn mức tập trung giao dịch cho đối tác giao dịch, sản
phẩm giao dịch, loại tiền tệ trên cơ sở tỷ trọng số dư của đối tác giao dịch, sản
phẩm giao dịch, loại tiền tệ so với tổng số dư giao dịch tự doanh.
Điều 54. Nhận dạng, đo lường, kiểm soát rủi ro tập trung
1. Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải nhận dạng rủi ro tập trung tối
thiểu trong hoạt động cấp tín dụng, hoạt động giao dịch tự doanh, bao gồm:
a) Các khoản mục
được hạch toán là khoản mục nội bảng, khoản mục ngoại bảng của ngân hàng thương
mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
b) Các khoản mục
chưa được hạch toán theo quy định của pháp luật về kế toán.
2. Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện đo lường rủi ro tập trung
trên cơ sở đánh giá mức độ tác động đối với thu nhập của từng hoạt động cấp tín
dụng, hoạt động giao dịch tự doanh có rủi ro tập trung.
3. Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện kiểm soát rủi ro tập trung
như sau:
a) Theo dõi,
kiểm tra dư nợ cấp tín dụng, số dư giao dịch tự doanh theo các hạn mức rủi ro tập
trung; cảnh báo sớm các khoản dư nợ, các giao dịch gần vượt hạn mức rủi ro tập
trung;
b) Có biện
pháp xử lý kịp thời đối với các trường hợp vượt quá hạn mức rủi ro tập trung.
Điều 55. Báo cáo nội bộ về rủi ro tập trung
1. Định kỳ tối
thiểu 06 tháng hoặc đột xuất, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài có báo cáo nội bộ về rủi ro tập trung quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Báo cáo nội
bộ về rủi ro tập trung tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây:
a) Cơ cấu tín
dụng theo sản phẩm tín dụng, khách hàng, ngành, lĩnh vực kinh tế;
b) Cơ cấu danh
mục giao dịch tự doanh theo đối tác giao dịch, sản phẩm giao dịch, loại tiền tệ;
c) Tình hình
thực hiện các hạn mức rủi ro tập trung, lý do vượt hạn mức (nếu có);
d) Các đề xuất,
kiến nghị về quản lý rủi ro tập trung với cấp nhận báo cáo;
đ) Kết quả thực
hiện các yêu cầu, kiến nghị về quản lý rủi ro tập trung của kiểm toán nội bộ,
Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập và các cơ quan chức năng khác.
Mục 7. QUẢN LÝ RỦI RO LÃI SUẤT TRÊN SỔ NGÂN HÀNG
Điều 56. Chiến lược quản lý rủi ro lãi suất trên sổ ngân
hàng, hạn mức rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng
1. Chiến lược
quản lý rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng tối thiểu bao gồm các nội dung sau
đây:
a) Nguyên tắc
quản lý rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng tối thiểu theo các chỉ số sau đây:
(i) Trạng thái
chênh lệch kỳ định lại lãi suất (repricing gap profile): mức chênh lệch giữa
giá trị tài sản tài chính và nợ phải trả tài chính có lãi suất theo thời điểm ấn
định mức lãi suất mới hoặc kỳ định lại lãi suất (repricing);
(ii) Chỉ số đo
lường tác động của thay đổi lãi suất bao gồm 01 hoặc 02 chỉ số sau đây:
- Thay đổi thu
nhập lãi thuần (Change in Net Interest Income - ΔNII): Là mức độ thay đổi của thu nhập lãi thuần do thay đổi
của lãi suất từ các tài sản tài chính, nợ phải trả tài chính và các khoản mục
ngoại bảng có lãi suất trên sổ ngân hàng;
- Thay đổi giá
trị kinh tế của vốn chủ sở hữu (Change in Economic Value of Equity - ΔEVE): Là mức độ thay đổi của giá trị hiện tại ròng
của dòng tiền vào của tài sản tài chính và dòng tiền ra của nợ phải trả khi thay đổi của
lãi suất;
b) Nguyên tắc
sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng (bao gồm cả thẩm
quyền phê duyệt các công cụ phòng ngừa rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng).
2. Hạn mức rủi
ro đối với rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng tối thiểu bao gồm:
a) Hạn mức về chênh
lệch giữa giá trị tài sản tài chính và nợ phải trả tài chính có lãi suất có
cùng thời điểm ấn định mức lãi suất mới hoặc kỳ định lại lãi suất;
b) Hạn mức về
thay đổi của thu nhập lãi thuần do thay đổi của lãi suất và/hoặc hạn mức về
thay đổi của giá trị kinh tế vốn chủ sở hữu do thay đổi của lãi suất theo chiến
lược quản lý rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng.
Điều 57. Nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro
lãi suất trên sổ ngân hàng
1. Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nhận dạng, đo lường, theo
dõi và kiểm soát rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng đáp ứng tối thiểu các yêu cầu
sau đây:
a) Có quy
trình nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro lãi suất trên sổ
ngân hàng theo định kỳ tối thiểu hằng quý và đột xuất theo quy định nội bộ của
ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
b) Các bộ phận
chịu trách nhiệm đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro lãi suất trên sổ ngân
hàng phải được độc lập với bộ phận kinh doanh phát sinh rủi ro lãi suất trên sổ
ngân hàng;
c) Có cơ sở hạ
tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu để đo lường, theo dõi, kiểm soát và
báo cáo nội bộ về rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng.
2. Nhận dạng rủi
ro lãi suất trên sổ ngân hàng phải xác định nguyên nhân, yếu tố làm phát
sinh rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng (bao gồm cả rủi ro mới phát sinh từ việc
thực hiện hoạt động phòng ngừa rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng).
3. Đo lường,
theo dõi rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng phải đảm bảo:
a) Theo dõi
các thời điểm ấn định mức lãi suất mới, kỳ định lại lãi suất của tài sản tài
chính và nợ phải trả tài chính;
b) Có phương
pháp đo lường rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng phù hợp với nguyên tắc quản lý
rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng quy định tại điểm a khoản 1
Điều 56 Thông tư này và trên cơ sở kiểm tra sức chịu đựng về vốn quy định tại
Điều 60 Thông tư này;
c) Đo lường đối
với các khoản mục có lãi suất được hạch toán là khoản mục nội bảng, khoản mục
ngoại bảng, khoản mục hạch toán bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ có giá trị từ
5% tổng tài sản trở lên của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài;
d) Theo dõi
các thời điểm ấn định mức lãi suất mới, kỳ định lại lãi suất của tài sản tài
chính và nợ phải trả tài chính. Trường hợp không xác định được thời gian đáo hạn,
thời điểm ấn định mức lãi suất mới, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng
nước ngoài có thể sử dụng giả định và giả định được sử dụng phải được cấp có thẩm
quyền phê duyệt theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh
ngân hàng nước ngoài.
4. Kiểm soát rủi
ro lãi suất trên sổ ngân hàng phải đảm bảo:
a) Trạng thái
rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng đảm bảo tuân thủ các hạn mức rủi ro lãi suất
trên sổ ngân hàng;
b) Có cảnh báo
sớm các trường hợp gần vượt hạn mức rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng và biện
pháp xử lý kịp thời các trường hợp vượt hạn mức rủi ro lãi suất trên sổ ngân
hàng.
Điều 58. Báo cáo nội bộ về rủi ro lãi suất trên sổ ngân
hàng
1. Định kỳ tối
thiểu hằng quý hoặc đột xuất, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
có báo cáo nội bộ về rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng quy định tại khoản 2 Điều
này.
2. Báo cáo nội
bộ về rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây:
a) Trạng thái
chênh lệch lãi suất, chỉ số thay đổi thu nhập lãi thuần, chỉ số thay đổi giá trị
kinh tế của vốn chủ sở hữu (nếu có);
b) Tình hình
tuân thủ các hạn mức rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng;
c) Các công cụ
phòng ngừa rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng và kết quả thực hiện các công cụ
phòng ngừa rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng;
d) Các đề xuất,
kiến nghị về quản lý rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng với cấp nhận báo cáo;
đ) Kết quả thực
hiện các yêu cầu, kiến nghị về quản lý rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng của kiểm
toán nội bộ, Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập và các cơ quan chức
năng khác.
Chương V
ĐÁNH
GIÁ NỘI BỘ VỀ MỨC ĐỦ VỐN
Điều 59. Yêu cầu, nội dung đánh giá nội bộ về mức đủ vốn
1. Việc đánh
giá nội bộ về mức đủ vốn phải đảm bảo:
a) Tuân thủ quy
định về tỷ lệ an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước;
b) Duy trì tỷ
lệ an toàn vốn mục tiêu trong kịch bản hoạt động bình thường và kịch bản có diễn
biến bất lợi;
c) Phù hợp với
khẩu vị rủi ro và trên cơ sở diễn biến của các rủi ro trọng yếu;
d) Làm cơ sở cho
việc xây dựng, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của ngân hàng thương mại, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài;
đ) Thực hiện định
kỳ tối thiểu hằng năm và đột xuất khi có thay đổi về môi trường kinh doanh, các
yếu tố có thể tác động đến rủi ro, nguồn vốn dẫn đến không đáp ứng được chỉ
tiêu về vốn của khẩu vị rủi ro.
2. Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện đánh giá nội bộ mức đủ vốn
cho tối thiểu 03 năm nhưng không quá 05
năm tiếp theo theo các bước như sau:
a) Thực hiện
đo lường rủi ro đối với các loại rủi ro trọng yếu và xác định vốn kinh tế theo
kế hoạch kinh doanh theo hướng dẫn tại Phụ lục số 03
ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Thực hiện
kiểm tra sức chịu đựng về vốn để xác định vốn kinh tế trong kịch bản có diễn biến
bất lợi;
c) Xác định vốn
mục tiêu, vốn tự có dự kiến theo hướng dẫn tại Phụ lục
số 03 ban hành kèm theo Thông tư này;
d) Lập kế hoạch
vốn;
đ) Giám sát về
mức đủ vốn để quản lý vốn theo vốn mục tiêu và điều chỉnh kế hoạch vốn (khi cần
thiết);
e) Rà soát quy
trình đánh giá nội bộ về mức đủ vốn.
Điều 60. Kiểm tra sức chịu đựng về vốn
1.[24] Ngân
hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lập kịch bản có diễn biến bất lợi
theo quy định điểm a khoản 2 Điều 28 Thông tư này với tối thiểu
các giả định về lãi suất, tỷ giá, giá vàng, chất lượng
tín dụng và có phương pháp tính toán tác động của các giả định đối với tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đảm bảo:
a) Đối với giả định về lãi suất: Tính toán tác động
đối với tỷ lệ an toàn vốn trên cơ sở thay đổi tương ứng của tổng tài sản tính
theo rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường (rủi ro lãi suất), rủi ro lãi suất
trên sổ ngân hàng theo giả định về lãi suất;
b) Đối với giả định về tỷ giá,
giá vàng: Tính toán tác động đối với tỷ lệ an toàn vốn trên cơ sở thay đổi
tương ứng của tổng tài sản tính theo rủi ro hoạt động,
rủi ro thị trường (rủi ro ngoại hối) theo giả định về tỷ giá,
giá vàng;
c) Đối với giả định về chất lượng tín dụng: Tính
toán tác động đối với tỷ lệ an toàn vốn trên cơ sở thay đổi tương ứng của tổng
tài sản tính theo rủi ro hoạt động, rủi ro tín dụng theo giả định về chất lượng
tín dụng.
2. Các giả định,
phương pháp tính toán tác động của các giả định đối với tỷ lệ an toàn vốn quy định
tại khoản 1 Điều này phải được rà soát, tự đánh giá mức độ phù hợp theo quy định
nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Điều 61. Lập kế hoạch vốn
1. Ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lập kế hoạch vốn tối thiểu bao
gồm các nội dung sau đây:
a) Phương án
tăng vốn trong trường hợp vốn tự có dự kiến không đáp ứng được vốn mục tiêu bao
gồm:
(i) Nguồn vốn
để tăng Vốn cấp 1, Vốn cấp 2 đảm bảo tính khả thi và phù hợp với quy định của
pháp luật;
(ii) Thời
gian, lộ trình thực hiện phương án tăng vốn;
b) Chính sách
về cổ tức, chia lợi nhuận đảm bảo đáp ứng được vốn mục tiêu trong trường hợp vốn
tự có dự kiến đáp ứng được vốn mục tiêu;
c) Phân bổ vốn
mục tiêu theo tổng tài sản tính theo rủi ro cho các rủi ro trọng yếu để làm cơ
sở xác định các hạn mức rủi ro;
d) Các mức cảnh
báo sớm để theo dõi, giám sát việc tuân thủ tổng tài sản tính theo rủi ro được
phân bổ để có biện pháp xử lý kịp thời.
2. Kế hoạch vốn
của ngân hàng thương mại do Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên phê duyệt
theo đề nghị của Tổng giám đốc (Giám đốc). Kế hoạch vốn của chi nhánh ngân hàng
nước ngoài thực hiện theo quy định của ngân hàng mẹ.
Điều 62. Rà soát quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ vốn
1. Quy trình
đánh giá nội bộ về mức đủ vốn phải được rà soát định kỳ tối thiểu hằng năm hoặc đột xuất bởi một
bộ phận độc lập với bộ phận xây dựng và thực hiện quy trình đánh giá nội bộ về
mức đủ vốn.
2. Việc rà
soát quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ vốn tối thiểu bao gồm các nội dung sau
đây:
a) Tính hợp lý
của quy định nội bộ về đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (bao gồm cả cơ cấu tổ chức,
chức năng, nhiệm vụ của các cá nhân, bộ phận);
b) Tính phù hợp
giữa khẩu vị rủi ro và kế hoạch kinh doanh, giữa tổng tài sản tính theo rủi ro
và các hạn mức rủi ro;
c) Tính chính
xác, đầy đủ của dữ liệu đầu vào;
d) Tính hợp lý
của các giả định sử dụng trong kịch bản kiểm tra sức chịu đựng về vốn;
đ) Tính khả
thi của phương án tăng vốn;
e) Đề xuất, kiến
nghị các cấp có thẩm quyền về đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (nếu có).
Điều 63. Báo cáo nội bộ về đánh giá nội bộ về mức đủ vốn
1. Định kỳ hằng
năm, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có báo cáo nội bộ về
đánh giá nội bộ về mức đủ vốn quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Báo cáo nội
bộ về đánh giá nội bộ về mức đủ vốn bao tối thiểu gồm các nội dung sau đây:
a) Vốn mục
tiêu, vốn kinh tế;
b) Kết quả kiểm
tra sức chịu đựng về vốn;
c) Kế hoạch vốn;
d) Kết quả
phân bổ vốn;
đ) Kết quả rà
soát quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ vốn theo quy định tại Điều
62 Thông tư này;
e) Kết quả thực
hiện các yêu cầu, kiến nghị về đánh giá nội bộ về mức đủ vốn của kiểm toán nội
bộ, Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập và các cơ quan chức năng
khác.
Chương VI
KIỂM
TOÁN NỘI BỘ
Điều 64. Nguyên tắc kiểm toán nội bộ
1. Kiểm toán nội
bộ thực hiện theo nguyên tắc:
a) Nguyên tắc độc
lập:
(i) Kiểm toán viên nội bộ, bộ phận kiểm toán nội bộ không được đồng thời
đảm nhận các công việc, nhiệm vụ của các cá nhân, bộ phận thuộc tuyến bảo vệ thứ
nhất và tuyến bảo vệ thứ hai;
(ii) Kiểm toán
nội bộ không chịu bất cứ sự chi phối, can thiệp của các cá nhân, bộ phận thuộc
tuyến bảo vệ thứ nhất và tuyến bảo vệ thứ hai;
(iii) Kiểm
toán viên nội bộ không thực hiện kiểm toán đối với:
- Quy định nội
bộ về kiểm toán nội bộ, kế hoạch kiểm toán nội bộ do kiểm toán viên nội bộ đó
xây dựng;
- Đơn vị, bộ
phận mà người đứng đầu đơn vị, bộ phận là người có liên quan của kiểm toán viên
nội bộ đó;
- Các hoạt động,
bộ phận mà kiểm toán viên nội bộ đó thực hiện, chịu trách nhiệm trong thời hạn
03 năm kể từ khi không thực hiện, chịu trách nhiệm đối với hoạt động, bộ phận
đó;
(iv)[25] Tiêu chí xây
dựng mức lương, lợi ích khác đối với các chức danh thuộc bộ phận kiểm toán nội
bộ phải tách biệt với kết quả kinh doanh, kết quả hoạt động của các đơn vị, bộ
phận thuộc tuyến bảo vệ thứ nhất và tuyến bảo vệ thứ hai;
b) Nguyên tắc
khách quan:
(i) Các ghi nhận
kiểm toán trong báo cáo kiểm toán nội bộ phải được phân tích cẩn trọng và dựa
trên cơ sở các dữ liệu, thông tin thu thập được;
(ii) Kiểm toán
viên nội bộ phải trung thực khi thực hiện báo cáo, đánh giá trong quá trình kiểm
toán nội bộ;
(iii) Kiểm
toán viên nội bộ có quyền và nghĩa vụ báo cáo các cấp có thẩm quyền về các vấn
đề liên quan đến tính khách quan trong quá trình thực hiện kiểm toán nội bộ;
c) Nguyên tắc
chuyên nghiệp:
(i) Bộ phận kiểm
toán nội bộ có ít nhất một kiểm toán viên nội bộ để thực
hiện kiểm toán công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ (sau đây gọi là kiểm
toán viên công nghệ);
(ii) Kiểm toán
viên nội bộ phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Điều 66
Thông tư này.
2. Kiểm toán nội
bộ phải có biện pháp kiểm tra việc đảm bảo các nguyên tắc quy định tại khoản 1
Điều này trong quá trình thực hiện kiểm toán nội bộ (bao gồm cả quá trình lập,
gửi báo cáo kiểm toán nội bộ). Trưởng kiểm toán nội bộ báo cáo kịp thời cho Ban
kiểm soát khi phát hiện các trường hợp vi phạm, nguy cơ vi phạm các nguyên tắc
quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 65. Cơ
chế phối hợp
1. Ngân
hàng thương mại phải có cơ chế phối hợp giữa:
a) Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viênvà Ban kiểm soát, bộ phận kiểm toán nội bộ theo quy định tại
khoản 2 Điều này;
b) Tổng giám đốc
(Giám đốc), các bộ phận thuộc tuyến bảo vệ thứ nhất, tuyến bảo vệ thứ hai và
Ban kiểm soát, bộ phận kiểm toán nội bộ theo quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Cơ chế phối
hợp của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên và Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ của
ngân hàng thương mại phải đảm bảo:
a) Hội đồng quản
trị, Hội đồng thành viên phối hợp với bộ phận
kiểm toán nội bộ khi kiểm toán nội bộ về giám sát của quản lý cấp cao đối với Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên;
b) Hội đồng quản
trị, Hội đồng thành viên thực hiện các kiến nghị của Ban kiểm soát đối với Hội
đồng quản trị, Hội đồng thành viên tại báo cáo kết quả kiểm toán nội bộ (nếu
có) và thông báo cho Ban kiểm soát về kết quả thực hiện kiến nghị.
3. Cơ chế phối
hợp của Tổng giám đốc (Giám đốc), các bộ phận thuộc tuyến bảo vệ thứ nhất và
tuyến bảo vệ thứ hai và Ban kiểm soát, bộ phận kiểm toán nội bộ của ngân hàng
thương mại phải đảm bảo:
a) Tổng giám đốc
(Giám đốc) thực hiện:
(i) Phối hợp với bộ phận kiểm toán nội bộ khi kiểm toán nội bộ
về giám sát của quản lý cấp cao đối với
Tổng giám đốc (Giám đốc);
(ii) Chỉ đạo bộ phận quản lý rủi ro và các bộ phận có liên
quan cung cấp đầy đủ thông tin về rủi ro để bộ phận kiểm toán nội bộ lập kế hoạch
kiểm toán nội bộ;
(iii) Tổng giám đốc
(Giám đốc) tiếp nhận báo cáo nội bộ về kiểm toán nội bộ, tổ chức thực hiện các
kiến nghị của Ban kiểm soát đối với Tổng giám đốc (Giám đốc) tại báo cáo kết quả
kiểm toán nội bộ (nếu có) và báo cáo Ban kiểm soát kết quả thực hiện các kiến
nghị;
b) Các bộ phận
thuộc tuyến bảo vệ thứ nhất và tuyến bảo vệ thứ hai thực hiện:
(i) Cung cấp
thông tin, tài liệu, hồ sơ đầy đủ, trung thực, chính xác theo yêu cầu của bộ phận
kiểm toán nội bộ khi kiểm toán nội bộ;
(ii) Thông báo
kịp thời cho bộ phận kiểm toán nội bộ khi phát hiện các tồn tại, vi phạm, tổn
thất hoặc nguy cơ tổn thất;
(iii) Tạo điều
kiện thuận lợi để bộ phận kiểm toán nội bộ thực hiện kiểm toán nội bộ.
4. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài
phải có cơ chế phối hợp giữa Tổng giám đốc (Giám đốc)
và bộ phận kiểm toán nội bộ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Điều 66. Tiêu chuẩn đối với thành viên Ban kiểm soát, kiểm
toán viên nội bộ
1. Thành viên
Ban kiểm soát của ngân hàng thương mại phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện
theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng.
2. Ngân hàng thương mại phải có tiêu chuẩn đối với kiểm toán viên nội bộ đáp ứng các yêu cầu
sau đây:
a) Có bằng đại
học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, kế toán,
kiểm toán; có bằng đại học trở lên về ngành công nghệ thông tin hoặc chuyên
ngành phù hợp đối với kiểm toán viên công nghệ;
b) Có kinh
nghiệm làm việc trực tiếp trong ngành ngân hàng, tài chính, kế toán, kiểm toán
tối thiểu là 02 năm đối với kiểm toán viên nội bộ và 03 năm đối với Trưởng kiểm
toán nội bộ; có kinh nghiệm làm việc trong ngành công nghệ thông tin tối thiểu
là 02 năm đối với kiểm toán viên công nghệ.
3. Tiêu chuẩn của
kiểm toán viên nội bộ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định
của ngân hàng mẹ.
Điều 67. Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của thành viên Ban
kiểm soát, kiểm toán viên nội bộ
1. Chuẩn mực đạo
đức nghề nghiệp của thành viên Ban kiểm soát, kiểm toán viên nội bộ (bao gồm cả
Trưởng kiểm toán nội bộ và các chức danh khác của bộ phận kiểm toán nội bộ) của
ngân hàng thương mại phải tối thiểu bao gồm các quy tắc sau đây:
a) Chính trực:
thực hiện công việc được giao một cách thẳng thắn, trung thực;
b) Khách quan:
thực hiện công việc được giao khách quan; đánh giá công bằng không vì lợi ích
cá nhân hoặc lợi ích của người khác;
c) Bảo mật:
tuân thủ các quy định về bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật và quy định
nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
d) Trách nhiệm:
thực hiện công việc được giao đảm bảo tiến độ và chất lượng;
đ) Thận trọng:
thực hiện công việc được giao một cách thận trọng trên cơ sở đánh giá các yếu tố
sau đây:
(i) Mức độ phức
tạp, tầm quan trọng của nội dung được kiểm toán nội bộ;
(ii) Khả năng
xảy ra các sai sót nghiêm trọng trong quá trình thực hiện kiểm toán nội bộ.
2. Chuẩn mực đạo
đức nghề nghiệp của kiểm toán viên nội bộ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực
hiện theo quy định của ngân hàng mẹ.
Điều 68. Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của
bộ phận kiểm toán nội bộ
1. Cơ cấu tổ
chức, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ phận kiểm toán nội bộ của ngân hàng thương mại do Ban kiểm soát quyết định theo quy định tại Luật các tổ
chức tín dụng và Thông tư này.
2. Nhiệm vụ của
bộ phận kiểm toán nội bộ của ngân hàng thương mại tối thiểu bao gồm các nội
dung sau đây:
a) Thực hiện kiểm toán nội bộ đối với trụ sở chính, chi nhánh và đơn vị phụ thuộc khác của
ngân hàng thương mại;
b) Xây dựng,
rà soát để trình Ban kiểm soát ban hành, sửa đổi, bổ sung:
(i) Chuẩn mực
đạo đức nghề nghiệp của thành viên Ban kiểm
soát, kiểm toán viên nội bộ theo quy định
tại khoản 1 Điều 67 Thông tư này;
(ii) Quy định
nội bộ của Ban kiểm soát;
(iii) Kế hoạch
kiểm toán nội bộ;
c) Theo dõi,
đánh giá việc thực hiện các kiến nghị của Ban kiểm
soát đối với Hội đồng quản trị, Hội đồng
thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), các cá nhân, bộ phận;
d) Thực hiện các
kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập và các cơ quan chức
năng khác đối với kiểm toán nội bộ;
đ) Lập báo cáo
về kiểm toán nội bộ theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 7 và Điều 72 Thông tư này.
3. Quyền hạn của bộ phận kiểm toán nội bộ của ngân hàng
thương mại tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây:
a) Được trang
bị nguồn lực cần thiết (nhân lực, tài chính, tài sản và các công cụ khác);
b) Được cung cấp
các thông tin, tài liệu, hồ sơ cần thiết cho công tác kiểm toán nội bộ, bao gồm
cả các văn bản, biên bản họp của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng
giám đốc (Giám đốc);
c) Được phỏng
vấn các cá nhân về nội dung liên quan đến kiểm toán nội bộ; kiến nghị cấp có thẩm
quyền theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại xử lý đối với hành vi bất hợp
tác của cá nhân, bộ phận trong quá trình thực hiện kiểm toán nội bộ;
d) Được tham dự
các cuộc họp nội bộ theo Điều lệ và quy định nội bộ của ngân hàng thương mại.
4. Trách nhiệm của bộ phận kiểm toán nội bộ, kiểm toán viên nội bộ của ngân hàng thương mại tối thiểu bao gồm các nội dung sau
đây:
a) Bảo mật tài
liệu, thông tin theo quy định của pháp luật và quy định nội bộ của ngân hàng
thương mại;
b) Chịu trách
nhiệm trước Ban kiểm soát về việc thực hiện nhiệm vụ được giao;
c) Kiểm toán
viên nội bộ chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Trưởng kiểm toán nội bộ về
nhiệm vụ kiểm toán được giao.
5. Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của bộ
phận kiểm toán nội bộ, kiểm toán viên nội bộ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo
quy định của ngân hàng mẹ.
Điều 69. Quy định nội bộ của kiểm toán nội bộ
Quy định nội bộ
của Ban kiểm soát của ngân hàng thương mại phải có quy định về kiểm toán nội bộ tối thiểu bao
gồm các nội dung sau đây:
1. Cơ cấu tổ
chức, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ phận kiểm toán nội bộ theo quy định tại Điều 68 Thông tư này; tiêu chuẩn của kiểm toán viên nội bộ
theo quy định tại Điều 66 Thông tư này; chuẩn mực đạo đức
nghề nghiệp của thành viên Ban kiểm soát, kiểm toán viên nội bộ theo quy định tại
Điều 67 Thông tư này.
2. Tiêu chí
xác định mức độ rủi ro, mức độ trọng yếu và tần suất thực hiện kiểm toán nội bộ
của các hoạt động, quy trình, bộ phận quy định tại điểm a, b
khoản 2 Điều 70 Thông tư này; nội dung kiểm toán nội bộ theo quy định tại Điều 71 Thông tư này.
3. Quy trình lập,
thực hiện kế hoạch kiểm toán nội bộ.
4. Việc rà
soát, đánh giá quy định về kiểm toán nội bộ, xử lý kiến nghị về kiểm toán nội bộ
của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập và các cơ quan chức năng
khác.
5. Quy định
về việc thuê chuyên gia, tổ chức bên ngoài để thực hiện kiểm toán nội bộ.
6. Chế độ báo cáo nội bộ về kiểm
toán nội bộ quy định tại Điều 72 Thông tư này.
Điều 70. Kế hoạch kiểm toán nội bộ
1. Kiểm toán nội
bộ của ngân hàng thương mại được thực hiện định kỳ hằng năm và đột xuất theo
quy định nội bộ của Ban kiểm soát.
2. Kế hoạch kiểm
toán nội bộ hằng năm của ngân hàng thương mại được Ban kiểm soát ban hành theo đề
nghị của Trưởng kiểm toán nội bộ sau khi tham khảo ý kiến của Hội đồng quản trị,
Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc (Giám đốc). Việc lập
kế hoạch kiểm toán nội bộ phải đảm bảo đáp ứng:
a) Nguyên tắc định hướng theo rủi
ro: Các hoạt động, quy trình, bộ phận phải được đánh giá mức độ rủi ro (cao,
trung bình và thấp) theo quy định nội bộ của Ban kiểm soát.
Các hoạt động, quy trình, bộ phận có mức độ rủi ro cao được tập trung nguồn lực,
ưu tiên thực hiện kiểm toán trước và được kiểm toán ít nhất mỗi năm một lần;
b) Đảm bảo tính toàn diện: Các hoạt
động, quy trình, bộ phận đều phải được kiểm toán nội bộ. Các hoạt động, quy
trình, bộ phận có mức độ trọng yếu theo quy định nội bộ của Ban kiểm
soát phải được được kiểm toán ít nhất mỗi năm một lần;
c) Có dự phòng về nguồn lực, thời
gian để thực hiện kiểm toán nội bộ đột xuất;
d) Kế hoạch kiểm toán định kỳ hằng
năm phải được điều chỉnh khi có thay đổi trọng yếu về quy mô hoạt động, trạng
thái rủi ro hoặc nguồn lực kiểm toán nội bộ theo quy định nội bộ của Ban
kiểm soát.
3. Kế hoạch kiểm
toán nội bộ hằng năm của ngân hàng thương mại phải
được ban hành trước ngày 15 tháng 12 của
năm trước và bao gồm các nội dung: phạm vi kiểm toán, đối tượng kiểm toán, các mục
tiêu kiểm toán, thời gian kiểm toán, nguồn lực kiểm toán (bao gồm cả việc thuê
chuyên gia, tổ chức bên ngoài) để thực hiện kiểm toán nội bộ và các nội dung
khác do ngân hàng thương mại quy định.
4. Kế hoạch kiểm
toán nội bộ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài do ngân hàng mẹ quyết định.
5. Trong thời
hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ban hành (sửa đổi, bổ sung), ngân hàng thương mại,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi kế hoạch kiểm toán nội bộ cho Ngân hàng Nhà
nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng).
Điều 71. Nội dung kiểm toán nội bộ
1. Kiểm toán nội
bộ của ngân hàng thương mại thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật các tổ
chức tín dụng trên cơ sở các nội dung sau đây:
a) Kiểm tra,
đánh giá độc lập việc tuân thủ cơ chế, chính sách, quy định nội bộ về giám sát
quản lý cấp cao, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro và đánh giá nội bộ về mức đủ
vốn của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), cá
nhân, bộ phận, bao gồm cả việc xác định tồn tại, hạn chế và nguyên nhân;
b) Rà soát,
đánh giá độc lập tính thích hợp, tuân thủ quy định của pháp luật của cơ chế,
chính sách, quy định nội bộ về giám sát quản lý cấp cao, kiểm soát nội bộ, quản
lý rủi ro và đánh giá nội bộ về mức đủ vốn, bao gồm cả việc xác định các tồn tại,
hạn chế và nguyên nhân;
c) Đề xuất, kiến
nghị đối với cấp có thẩm quyền và các bộ phận liên quan để xử lý các tồn tại, hạn
chế;
d) Các nội
dung khác theo quy định nội bộ của bộ phận kiểm toán nội bộ.
2. Nội dung kiểm
toán nội bộ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định của ngân
hàng mẹ.
Điều 72. Báo cáo nội bộ về kiểm toán nội bộ
1. Ngân hàng thương
mại phải lập báo cáo kết quả kiểm toán nội bộ theo quy định tại khoản 2 Điều
này và báo cáo kết quả tự đánh giá kiểm toán nội bộ theo quy định tại khoản 3
Điều này như sau:
a) Sau khi kết
thúc kiểm toán nội bộ, bộ phận kiểm toán nội bộ trình Ban kiểm soát phê duyệt
báo cáo kết quả kiểm toán nội bộ để gửi Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên,
Tổng giám đốc (Giám đốc) theo quy định nội bộ của Ban kiểm soát của ngân hàng
thương mại;
b) Trong thời
hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, bộ phận kiểm toán nội bộ trình
Ban kiểm soát báo cáo kết quả tự đánh giá kiểm toán nội bộ theo quy định nội bộ
của Ban kiểm soát.
2. Nội dung
báo cáo kết quả kiểm toán nội bộ (kiểm toán nội bộ định kỳ hằng năm và kiểm
toán nội bộ đột xuất) bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tình hình
thực hiện nội dung, phạm vi kiểm toán trong năm tài chính;
b) Việc tuân
thủ cơ chế, chính sách, quy định nội bộ về giám sát của quản lý cấp cao, kiểm
soát nội bộ, quản lý rủi ro và đánh giá nội bộ về mức đủ vốn của Hội đồng quản
trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), cá nhân, bộ phận;
c) Sự phù hợp,
tuân thủ quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư này của cơ chế, chính
sách, quy định nội bộ về giám sát của quản lý cấp cao, kiểm soát nội bộ, quản
lý rủi ro và đánh giá nội bộ về mức đủ vốn;
d) Các tồn tại,
hạn chế được phát hiện khi thực hiện kiểm toán nội bộ và các kiến nghị đối với
cấp có thẩm quyền và các bộ phận liên quan;
đ) Các nội
dung khác.
3. Nội dung
báo cáo kết quả tự đánh giá kiểm toán nội bộ bao gồm các nội dung sau đây:
a) Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm toán nội bộ
trong năm báo cáo; rà soát, đánh giá lại
(bao gồm đề nghị sửa đổi, bổ sung) quy định nội bộ của Ban kiểm soát; đề xuất và kiến nghị (nếu có);
b) Tình hình
thực hiện các kiến nghị của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc
(Giám đốc), cá nhân, bộ phận đối với kiểm toán nội bộ trong năm báo cáo;
c) Tình hình
thực hiện các kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập và
các cơ quan chức năng khác đối với kiểm toán nội bộ trong năm báo cáo;
d) Các nội
dung khác.
4. Nội dung báo cáo nội
bộ về kiểm toán nội bộ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định của ngân hàng mẹ.
Chương VII
ĐIỀU
KHOẢN THI HÀNH[26],[27],[28]
Điều 73. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư
này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019,
trừ nội dung quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Ngân hàng thương mại, chi nhánh
ngân hàng nước ngoài thực hiện các quy định về đánh giá nội bộ về mức đủ vốn tại
Chương V Thông tư này kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.
3.[29]
(được bãi bỏ)
Điều 74. Tổ
chức thực hiện
Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra,
giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước; Giám đốc
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch
Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc (Giám đốc) ngân hàng thương mại, chi nhánh
ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./.
Phụ lục số 01
(Ban hành kèm theo Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày
18/5/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ
của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài)
TÊN NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC
NGOÀI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:....../.........
|
......, ngày... tháng... năm...
|
BÁO CÁO
KẾT QUẢ TỰ KIỂM
TRA, ĐÁNH GIÁ KIỂM SOÁT NỘI BỘ
(Năm...)
Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
I. Tình
hình thực hiện KSNB:
1) Đối với
hoạt động kiểm soát:
a) Mô tả hoạt
động kiểm soát theo nguyên tắc ba tuyến bảo vệ;
b) Quy định nội
bộ:
(i) Liệt kê các quy định nội bộ đã
ban hành theo các nội dung quy định tại Điều
93 Luật các tổ chức tín dụng;
(ii) Tính phù
hợp, tuân thủ của các quy định nội bộ đối với quy định của Ngân hàng Nhà nước
và quy định của pháp luật có liên quan (kết quả tự đánh giá);
(iii) Tình
hình tuân thủ quy định nội bộ của các cá nhân, bộ phận;
c) Kết quả tự
kiểm tra, đánh giá hoạt động kiểm soát (đánh giá hoạt động kiểm soát theo
quy định tại Điều 14, 15 và 16 Thông tư
số 13/2018/TT-NHNN ngày
18/5/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ
của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài).
2. Đối với
cơ chế trao đổi thông tin và hệ thống thông tin quản lý:
a) Mô tả về hệ thống thông tin quản
lý;
b) Cơ chế trao đổi thông tin;
c) Đánh giá hệ thống thông tin quản
lý và cơ chế trao đổi thông tin trong việc đáp ứng các quy định tại Điều 19 và
20 Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 của Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
3. Tồn tại, hạn chế của kiểm
soát nội bộ:
II. Kết quả
xử lý, khắc phục các hạn chế, yếu kém của kiểm soát nội bộ theo kiến nghị của
Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập và các cơ quan chức năng khác:
III. Đề xuất,
kiến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước:
|
NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI,
CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI
(Ký và ghi rõ họ tên, đóng dấu)
|
Phụ lục số 02
(Ban hành kèm theo Thông
tư số 13/2018/TT-NHNN ngày
18/5/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ
của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài)
TÊN NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC
NGOÀI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:....../.........
|
......, ngày... tháng... năm...
|
BÁO CÁO
VỀ QUẢN LÝ RỦI
RO
(Năm...)
Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
I. Chính
sách quản lý rủi ro:
1. Khẩu vị rủi
ro:
2. Các hoạt động
trọng yếu và rủi ro trọng yếu:
3. Thay đổi về
chính sách quản lý rủi ro, khẩu vị rủi ro trong kỳ báo cáo, lý do thay đổi:
II. Quản lý
các rủi ro cụ thể:
1. Quản lý
rủi ro tín dụng:
a) Chiến lược
quản lý rủi ro tín dụng, các thay đổi trong kỳ báo cáo (nếu có) và lý do thay đổi;
b) Hạn mức rủi
ro tín dụng, các thay đổi trong kỳ báo cáo (nếu có) và lý do thay đổi;
c) Tình hình
thực hiện chiến lược quản lý rủi ro tín dụng, hạn mức rủi ro tín dụng trong kỳ
báo cáo;
d) Đánh giá về
việc đo lường (các phương pháp, mô hình đo lường rủi ro tín dụng), theo dõi, kiểm
soát rủi ro tín dụng;
đ) Các trường
hợp vi phạm về quản lý rủi ro tín dụng, lý do vi phạm;
e) Các tồn tại,
hạn chế, vướng mắc trong quản lý rủi ro tín dụng và nguyên nhân;
g) Kết quả thực
hiện kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước, kiểm toán độc lập, cơ quan chức năng
khác đối với quản lý rủi ro tín dụng.
2. Quản lý
rủi ro thị trường:
a) Chiến lược
quản lý rủi ro thị trường, các thay đổi trong kỳ báo cáo (nếu có) và lý do thay
đổi;
b) Hạn mức rủi
ro thị trường, các thay đổi trong kỳ báo cáo (nếu có) và lý do thay đổi;
c) Tình hình
thực hiện chiến lược quản lý rủi ro thị trường, hạn mức rủi ro thị trường trong
kỳ báo cáo;
d) Đánh giá về
việc đo lường (các phương pháp, mô hình đo lường rủi ro thị trường), theo dõi,
kiểm soát rủi ro thị trường;
đ) Các trường
hợp vi phạm về quản lý rủi ro thị trường, lý do vi phạm;
e) Các tồn tại,
hạn chế, vướng mắc trong quản lý rủi ro thị trường và nguyên nhân;
g) Kết quả thực
hiện kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước, kiểm toán độc lập, cơ quan chức năng
khác đối với quản lý rủi ro thị trường.
3. Quản lý
rủi ro hoạt động:
a) Chiến lược
quản lý rủi ro hoạt động, các thay đổi trong kỳ báo cáo (nếu có) và lý do thay
đổi;
b) Hạn mức rủi
ro hoạt động, các thay đổi trong kỳ báo cáo (nếu có) và lý do thay đổi;
c) Tình hình thực
hiện chiến lược quản lý rủi ro hoạt động, hạn mức rủi ro hoạt động trong kỳ báo
cáo;
d) Đánh giá về
việc đo lường (các phương pháp, công cụ đo lường rủi ro hoạt động), theo dõi,
kiểm soát rủi ro hoạt động;
đ) Các trường
hợp vi phạm về quản lý rủi ro hoạt động, lý do vi phạm;
e) Đánh giá
tác động của các sự kiện rủi ro hoạt động và tổn thất trọng yếu;
g) Đánh giá hiệu
quả của việc mua bảo hiểm rủi ro hoạt động (nếu có) và việc xây dựng kế hoạch
duy trì hoạt động liên tục;
h) Các tồn tại,
hạn chế, vướng mắc trong quản lý rủi ro hoạt động và nguyên nhân;
i) Kết quả thực
hiện kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước, kiểm toán độc lập, cơ quan chức năng
khác đối với quản lý rủi ro hoạt động.
4. Quản lý
rủi ro thanh khoản:
a) Chiến lược
quản lý rủi ro thanh khoản, các thay đổi trong kỳ báo cáo (nếu có) và lý do
thay đổi;
b) Hạn mức rủi
ro thanh khoản, các thay đổi trong kỳ báo cáo (nếu có) và lý do thay đổi;
c) Tình hình
thực hiện chiến lược quản lý rủi ro thanh khoản, hạn mức rủi ro thanh khoản
trong kỳ báo cáo;
d) Đánh giá về
việc đo lường (các công cụ đo lường rủi ro thanh khoản), theo dõi, kiểm soát rủi
ro thanh khoản;
đ) Kiểm tra sức
chịu đựng về thanh khoản:
(i) Các giả định
đã sử dụng trong kịch bản có diễn biến bất lợi;
(ii) Phương
pháp tính toán tác động của các giả định;
- Mô tả phương
pháp sử dụng;
- Đánh giá
tính phù hợp của phương pháp (nêu rõ điểm mạnh, hạn chế);
e) Kế hoạch dự
phòng nhằm đảm bảo khả năng thanh khoản;
g) Các trường
hợp vi phạm về quản lý rủi ro thanh khoản, lý do vi phạm;
h) Các tồn tại,
hạn chế, vướng mắc trong quản lý rủi ro thanh khoản và nguyên nhân;
i) Kết quả thực
hiện kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước, kiểm toán độc lập, cơ quan chức năng
khác đối với quản lý rủi ro thanh khoản.
5. Quản lý
rủi ro tập trung:
a) Chiến lược
quản lý rủi ro tập trung, các thay đổi trong kỳ báo cáo (nếu có) và lý do thay
đổi;
b) Hạn mức rủi
ro tập trung, các thay đổi trong kỳ báo cáo (nếu có) và lý do thay đổi;
c) Tình hình
thực hiện chiến lược quản lý rủi ro tập trung, hạn mức rủi ro tập trung trong kỳ
báo cáo;
d) Các trường
hợp vi phạm về quản lý rủi ro tập trung, lý do vi phạm;
đ) Các tồn tại,
hạn chế, vướng mắc trong quản lý rủi ro tập trung và nguyên nhân;
e) Kết quả thực
hiện kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước, kiểm toán độc lập, cơ quan chức năng
khác đối với quản lý rủi ro tập trung.
6. Quản lý
rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng:
a) Chiến lược
quản lý rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng, các thay đổi trong kỳ báo cáo (nếu
có) và lý do thay đổi;
b) Hạn mức rủi
ro lãi suất trên sổ ngân hàng, các thay đổi trong kỳ báo cáo (nếu có) và lý do
thay đổi;
c) Tình hình
thực hiện chiến lược quản lý rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng, hạn mức rủi ro
lãi suất trên sổ ngân hàng trong kỳ báo cáo;
d) Các trường
hợp vi phạm về quản lý rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng, lý do vi phạm;
đ) Các tồn tại,
hạn chế, vướng mắc trong quản lý rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng và nguyên
nhân;
e) Kết quả thực
hiện kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước, kiểm toán độc lập, cơ quan chức năng
khác đối với quản lý rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng.
III. Đề xuất,
kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước:
|
NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI,
CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI
(Ký và ghi rõ họ tên, đóng dấu)
|
Phụ lục số 03
HƯỚNG DẪN CÁCH XÁC ĐỊNH
MỘT SỐ CHỈ TIÊU VỀ VỐN
(Ban hành kèm theo Thông tư số
13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ
thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài)
I. Vốn mục
tiêu:
1. Vốn kinh
tế:
Vốn kinh tế (CE)
được xác định theo công thức sau đây:
CE
= RWA*E x CARTarget + ∆RWA B x CARR
Trong đó:
a) CARTarget
: Tỷ lệ an toàn vốn mục tiêu trong khẩu vị rủi ro (%);
b) CARR
: Tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ an toàn vốn
đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (%);
c) ∆RWAB:
Giá trị chênh lệch dương giữa Tổng tài sản tính theo rủi ro trong kịch bản có
diễn biến bất lợi trừ đi Tổng tài sản tính theo rủi ro trong kịch bản hoạt động
bình thường;
d) RWA*E:
Tổng tài sản tính theo rủi ro trong kịch bản hoạt động bình thường được xác định
theo công thức sau đây:
RWA*E
= RWACR + RWAOR + RWAMR+ RWAIRRBB +
RWACOR + RWAOMR
Trong đó:
- RWACR:
Tổng tài sản tính theo rủi ro tín dụng;
- RWAOR:
Tổng tài sản tính theo rủi ro hoạt động;
- RWAMR:
Tổng tài sản tính theo rủi ro thị trường;
- RWAIRRBB:
Tổng tài sản tính theo rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng;
- RWACOR:
Tổng tài sản tính theo rủi ro tập trung;
- RWAOMR:
Tổng tài sản tính theo các rủi ro trọng yếu khác (không bao gồm rủi ro thanh
khoản).
(i) RWACR,
RWAOR, RWAMR được xác định theo phương pháp của ngân
hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự xây dựng hoặc theo quy định
của Ngân hàng Nhà nước về tổng tài sản có tính theo rủi ro tín dụng, vốn yêu cầu
đối với rủi ro hoạt động, vốn yêu cầu đối với rủi ro thị trường.
(ii) Tổng tài
sản tính theo rủi ro tập trung (RWACOR) được tính theo công
thức sau đây:
RWACOR
= RWA1COR + RWA2COR
Trong đó:
- RWA1COR:
Tổng tài sản tính theo rủi ro tập trung đối với hoạt động cấp tín dụng được xác
định theo phương pháp của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
tự xây dựng nhưng không thấp hơn mức RWA1*COR được
xác định như sau:
+ Công thức
xác định:
RWA1*COR= Max{(Ei-10%xC); 0} + Max{(Ej
- 20%xC); 0}
Trong đó:
+ Ei:
Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng; không bao gồm các khoản cấp tín
dụng có hệ số rủi ro bằng 0%, các khoản cấp tín dụng đã trừ khỏi Vốn tự có theo
quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài;
+ Ej:
Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan; không bao
gồm các khoản cấp tín dụng có hệ số rủi ro bằng 0%, các khoản cấp tín dụng đã
trừ khỏi Vốn tự có theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ an toàn vốn đối
với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
+ C: Vốn tự có
của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xác định theo quy
định của Ngân hàng Nhà nước;
+ RWA2COR:
Tổng tài sản tính theo rủi ro tập trung đối với hoạt động tự doanh được xác định
theo phương pháp của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự
xây dựng.
(iii) RWAIRRBB
và RWAOMR được xác định theo phương pháp của ngân
hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự xây dựng.
2. Vốn mục
tiêu (CTarget) được xác định theo công thức sau đây:
CTarget
= Max (CR, CE)
Trong đó:
(i) CR:
Vốn tự có để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về
tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
(ii) CE:
Vốn kinh tế được xác định theo điểm 1 Mục này.
II. Vốn tự
có dự kiến (CA)
Vốn tự có dự
kiến (CA) là mức vốn tự có xác định theo quy định của Ngân
hàng Nhà nước trên cơ sở kế hoạch kinh doanh tối thiểu 03 năm tiếp theo và
không quá 05 năm tiếp theo với các giả định sau:
- Không có kế
hoạch tăng vốn;
- Không có yêu
cầu bổ sung vốn cho công ty con, công ty liên kết, các khoản đã góp vốn, mua cổ
phần;
- Tỷ lệ chia cổ
tức bằng tỷ lệ chia cổ tức bình quân của 03 năm gần nhất;
- Phần lợi nhuận
giữ lại sau khi chia cổ tức được bổ sung vốn.
III. Tỷ suất
giữa lợi nhuận có điều chỉnh rủi ro so với Vốn tự có (Risk Adjusted Returns on
Capital - RAROC).
RAROC là tỷ lệ
phần trăm giữa tổng lợi nhuận trước thuế so với Vốn kinh tế (CE) được
xác định tại điểm 1 Mục I Phụ lục này.
Phụ lục số 04
(Ban hành kèm theo Thông
tư số 13/2018/TT-NHNN ngày
18/5/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ
của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân
hàng nước ngoài)
TÊN NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC
NGOÀI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
|
......, ngày... tháng... năm...
|
BÁO CÁO
ĐÁNH GIÁ NỘI
BỘ VỀ MỨC ĐỦ VỐN
(Năm...)
Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
1. Tình
hình thực hiện tỷ lệ an toàn vốn mục tiêu trong năm báo cáo (năm t0):
a) Đánh giá việc
tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
b) Đánh giá việc
thực hiện tỷ lệ an toàn vốn mục tiêu.
2. Khẩu vị
rủi ro:
a) Các hoạt động
trọng yếu và rủi ro trọng yếu:
b) Khẩu vị rủi
ro:
Chỉ tiêu
|
Năm t0
|
Năm t0+1
|
Năm t0+2
|
Năm t0+3
|
Tỷ lệ an
toàn vốn mục tiêu CARtarget (%)
|
|
|
|
|
Chỉ tiêu về thu nhập
|
ROE (%)
|
|
|
|
|
RAROC (%)
|
|
|
|
|
3. Vốn mục
tiêu:
a) Vốn mục
tiêu:
TT
|
Vốn mục tiêu
|
Đơn vị
|
Năm t0
|
Năm t0+1
|
Năm t0+2
|
Năm t0+3
|
I
|
Vốn theo
quy định của NHNN
|
1
|
RWA
|
tỷ đồng
|
|
|
|
|
2
|
CARR
|
%
|
|
|
|
|
3
|
CR (=RWA*CARR)
|
tỷ đồng
|
|
|
|
|
II
|
Vốn mục
tiêu
|
1
|
RWA*E
|
tỷ đồng
|
|
|
|
|
|
RWACR
|
tỷ đồng
|
|
|
|
|
|
RWAOR
|
tỷ đồng
|
|
|
|
|
|
RWAMR
|
tỷ đồng
|
|
|
|
|
|
RWACOR
|
tỷ đồng
|
|
|
|
|
|
RWAIRRBB
|
tỷ đồng
|
|
|
|
|
|
RWAOMR
|
tỷ đồng
|
|
|
|
|
2
|
∆RWA B
|
tỷ đồng
|
|
|
|
|
3
|
CARtarget
|
%
|
|
|
|
|
4
|
CE
= RWA*E x CARTarget + ∆RWA B x
CARR
|
tỷ đồng
|
|
|
|
|
5
|
CTarget
= Max (CR ,CE)
|
tỷ đồng
|
|
|
|
|
III
|
Chênh lệch
giữa vốn tự có dự kiến và vốn mục tiêu
|
1
|
CA
|
tỷ đồng
|
|
|
|
|
2
|
Chênh lệch =
CA - CTarget
|
tỷ đồng
|
|
|
|
|
Ghi chú:
- RWA là tổng tài sản tính theo rủi ro theo quy định của
Ngân hàng Nhà nước;
- Các chỉ tiêu khác theo quy định tại Phụ lục số 03 Thông
tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà
nước quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh
ngân hàng nước ngoài.
b) Phương pháp xác định RWACR , RWAOR ,
RWAMR, RWAIRRBB , RWACOR, RWAOMR và
∆RWAB:
(i) Mô tả phương pháp sử dụng;
(ii) Đánh giá tính phù hợp của phương pháp (nêu rõ điểm mạnh,
hạn chế);
(iii) Nội dung điều chỉnh các thành phần (biến số, tham số,
giả định...) của phương pháp trong kỳ báo cáo (nếu có).
4. Kiểm tra
sức chịu đựng về vốn:
a) Các giả định
đã sử dụng trong kịch bản có diễn biến bất lợi;
b) Phương pháp
tính toán tác động của các giả định đối với tỷ lệ an toàn vốn theo từng loại rủi
ro:
(i) Mô tả phương pháp sử dụng;
(ii) Đánh giá tính phù hợp của phương pháp (nêu rõ điểm mạnh,
hạn chế);
(iii) Nội dung điều chỉnh các thành phần (biến số, tham số,
giả định...) của phương pháp trong kỳ báo cáo (nếu có);
(iv) Kết quả
tính toán ∆RWAB.
5. Kế hoạch
vốn:
a) Nguồn tăng
vốn (bao gồm thời gian, lộ trình, dự kiến các giải pháp tăng vốn);
b) Kế hoạch
phân bổ vốn;
c) Kế hoạch về
vốn cho kịch bản có diễn biến bất lợi khi kiểm tra sức chịu đựng;
d) Các mức cảnh
báo sớm đối với trường hợp không đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn.
6. Rà soát
quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ vốn:
a) Kết quả rà soát
(bao gồm kết quả thực hiện kiến nghị của năm trước);
b) Kiến nghị,
đề xuất và kế hoạch thực hiện (nếu có).
|
NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP
CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI,
CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI
(Ký và ghi rõ họ tên, đóng dấu)
|
Phụ lục số 05
(Ban hành kèm theo Thông
tư số 13/2018/TT-NHNN ngày
18/5/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ
của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài)
TÊN NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC
NGOÀI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
|
......, ngày... tháng... năm...
|
BÁO CÁO
VỀ KIỂM TOÁN
NỘI BỘ
(Năm...)
Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
I. Nội dung
kiểm toán, phạm vi kiểm toán nội bộ:
II. Kết quả
kiểm toán nội bộ:
1. Tình hình
tuân thủ cơ chế, chính sách, quy định nội bộ về giám sát của quản lý cấp cao,
kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro và đánh giá nội bộ về mức đủ vốn của ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2. Tính thích
hợp, tuân thủ quy định của pháp luật của cơ chế, chính sách, quy định nội bộ về
giám sát của quản lý cấp cao, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro và đánh giá nội
bộ về mức đủ vốn.
3. Tồn tại, hạn
chế và các kiến nghị đối với Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám
đốc (Giám đốc).
4. Các nội
dung khác (nếu có).
III. Kết quả
tự đánh giá kiểm toán nội bộ của ngân hàng thương mại:
1. Đánh giá kết
quả thực hiện kiểm toán nội bộ trong năm báo cáo.
2. Đánh giá
quy định nội bộ của Ban kiểm soát (bao gồm cả kết quả rà soát, đánh giá tính
thích hợp, tuân thủ quy định của pháp luật của quy định nội bộ của Ban kiểm
soát) trong năm báo cáo.
3. Các kiến
nghị của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), cá
nhân, bộ phận đối với kiểm toán nội bộ đã được thực hiện, chưa được thực hiện
trong năm báo cáo.
IV. Kết quả
thực hiện các kiến nghị về kiểm toán nội bộ của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kiểm
toán độc lập và các cơ quan chức năng khác:
1. Các kiến
nghị đã thực hiện.
2. Các kiến
nghị chưa thực hiện.
V. Đề xuất,
kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước:
TRƯỞNG BAN KIỂM SOÁT CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
(Ký và ghi rõ họ tên, đóng dấu)
|
NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP
CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI,
CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI
(Ký và ghi rõ họ tên, đóng dấu)
|
|
XÁC THỰC VĂN
BẢN HỢP NHẤT
KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC
Đoàn Thái Sơn
|
[1] Thông tư số 40/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của
Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18 tháng 5 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng
Nhà nước quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Luật Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật các tổ
chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số
16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của
Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;
Thống đốc Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
13/2018/TT-NHNN ngày 18 tháng 5 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định
về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài.”
[2] Thông tư số 14/2023/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm
soát nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày
16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16
tháng 6 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng
ngày 20 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 102/2022/NĐ-CP ngày 12
tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát
ngân hàng;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban
hành Thông tư quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng phi
ngân hàng.”
[3] Thông tư số 09/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy
định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động, hệ thống kiểm soát nội
bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có căn cứ ban
hành như sau:
“Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày
16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày
18 tháng 01 năm 2024;
Căn cứ Nghị định
số 102/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 12
năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát
ngân hàng;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định
các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động, hệ thống kiểm soát nội bộ
của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.”
[4] Điều này được
sửa đổi theo quy định tại Điều 3 của Thông tư số
09/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định các giới
hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động, hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức
tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực kể từ ngày
01/7/2024.
[5] Đoạn “theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ an toàn vốn đối với
ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” được bãi bỏ theo quy
định tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 40/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung
một số điều của Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18 tháng 5 năm 2018 của Thống
đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng
thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày
12/02/2019.
[6] Khoản này
được bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Thông
tư số 40/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2018/TT-NHNN
ngày 18 tháng 5 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ thống
kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có
hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2019.
[7] Khoản này
được bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Thông
tư số 40/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
13/2018/TT-NHNN ngày 18 tháng 5 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định
về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2019.
[8] Khoản này
được bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Thông
tư số 40/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
13/2018/TT-NHNN ngày 18 tháng 5 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định
về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2019.
[9] Khoản này
được bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Thông
tư số 40/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
13/2018/TT-NHNN ngày 18 tháng 5 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định
về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2019.
[10] Khoản này
được bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Thông
tư số 40/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
13/2018/TT-NHNN ngày 18 tháng 5 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định
về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2019.
[11] Khoản này
được bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Thông
tư số 40/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
13/2018/TT-NHNN ngày 18 tháng 5 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định
về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2019.
[12] Khoản này
được bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Thông
tư số 40/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
13/2018/TT-NHNN ngày 18 tháng 5 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định
về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2019.
[13] Khoản này
được bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Thông
tư số 40/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
13/2018/TT-NHNN ngày 18 tháng 5 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định
về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2019.
[14] Khoản này
được bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Thông
tư số 40/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
13/2018/TT-NHNN ngày 18 tháng 5 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định
về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2019.
[15] Khoản này
được bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Thông tư số 40/2018/TT-NHNN sửa
đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18 tháng 5 năm
2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của
ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 12/02/2019.
[16] Khoản này
được sửa đổi theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 40/2018/TT-NHNN sửa
đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18 tháng 5 năm
2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của
ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 12/02/2019.
[17] Điểm này
được sửa đổi theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Thông
tư số 40/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
13/2018/TT-NHNN ngày 18 tháng 5 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định
về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2019.
[18] Điểm này
được sửa đổi theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Thông
tư số 40/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
13/2018/TT-NHNN ngày 18 tháng 5 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định
về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2019.
[19] Điểm này
được bãi bỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Thông
tư số 40/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
13/2018/TT-NHNN ngày 18 tháng 5 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định
về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2019.
[20] Đoạn “theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ an toàn vốn của
ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” được bãi bỏ theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư số
40/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2018/TT-NHNN
ngày 18 tháng 5 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ thống
kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có
hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2019.
[21] Đoạn “theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ vốn đối với ngân hàng,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài” được bãi bỏ theo quy định
tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 40/2018/TT-NHNN
sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18
tháng 5 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ thống kiểm
soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 12/02/2019.
[22] Đoạn “theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ vốn đối với ngân hàng,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài” được bãi bỏ theo quy định
tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 40/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một
số điều của Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18 tháng 5 năm 2018 của Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2019.
[23] Đoạn “theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ vốn đối với ngân hàng,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài” được bãi bỏ theo quy định
tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 40/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một
số điều của Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18 tháng 5 năm 2018 của Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2019.
[24] Khoản này
được sửa đổi theo quy định tại khoản 5 Điều 1 của Thông tư số 40/2018/TT-NHNN sửa
đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18 tháng 5 năm
2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của
ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 12/02/2019.
[25] Điểm này
được sửa đổi theo quy định tại khoản 6 Điều 1 của Thông tư số 40/2018/TT-NHNN sửa
đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18 tháng 5 năm
2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của
ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 12/02/2019.
[26] Điều 3 và
Điều 4 của Thông tư số 40/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ
sung một số điều của Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18 tháng 5 năm 2018 của
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân
hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 12/02/2019 quy định như sau:
“Điều 3.
Tổ chức thực hiện
Chánh Văn
phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân
hàng Nhà nước; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng
giám đốc (Giám đốc) ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu
trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
Điều 4.
Hiệu lực thi hành
Thông tư
này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 02 năm 2019./.”
[27] Điều 38 và điều 39 của Thông tư số
14/2023/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng phi
ngân hàng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2024 quy định như sau:
“Điều 38. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực từ
ngày 01 tháng 10 năm 2024.
2. Sửa đổi, bổ sung Thông tư số
44/2011/TT-NHNN ngày 29 tháng 12 năm 2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như
sau:
“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về hệ thống
kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng (trừ ngân hàng thương
mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng).”
b) Bãi bỏ cụm từ “chi nhánh
ngân hàng nước ngoài” tại toàn bộ Thông tư này.
3. Bãi bỏ khoản 3 Điều 73 Thông
tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18 tháng 5 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài.
Điều 39. Trách nhiệm tổ chức
thực hiện
Chánh Văn phòng, Chánh Thanh
tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ
chức tín dụng phi ngân hàng và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
tổ chức thực hiện Thông tư này./.”
[28] Điều 4 và Điều 5 Thông tư số 09/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều
của các Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động,
hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài,
có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024 quy định như sau:
“Điều 4.
Trách nhiệm tổ chức thực hiện
Chánh Văn
phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng đơn vị thuộc Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng
phi ngân hàng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
Điều 5.
Điều khoản thi hành
1. Thông tư
này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
2. Quy định
chuyển tiếp đối với Thông tư số 22/2019/TT-NHNN: Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng
nước ngoài vượt giới hạn cấp tín dụng theo quy định tại Điều 136 Luật Các tổ chức
tín dụng do tính cả số tiền ký quỹ của các khoản cấp tín dụng bằng nghiệp vụ
thư tín dụng được thực hiện trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành vào tổng
mức dư nợ cấp tín dụng thì không bị xác định là vi phạm giới hạn cấp tín dụng.
Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được cấp tín dụng mới đối với
khách hàng, khách hàng và người có liên quan có khoản cấp tín dụng nêu trên khi
tuân thủ các quy định tại Điều 136 Luật Các tổ chức tín dụng và khoản 12 Điều 3
Thông tư số 22/2019/TT-NHNN đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 5
Điều 1 Thông tư này./.”
[29] Khoản này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 3 Điều 38 của Thông tư số 14/2023/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm
soát nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày
01/10/2024.