ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
05/2020/QĐ-UBND
|
Kon Tum, ngày 10
tháng 02 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CHO VAY TIÊU DÙNG TỪ NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH ĐỊA
PHƯƠNG ỦY THÁC SANG NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI, GÓP PHẦN NGĂN CHẶN, ĐẨY LÙI HOẠT
ĐỘNG “TÍN DỤNG ĐEN” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước
ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số
78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người
nghèo và các đối tượng chính sách khác;
Căn cứ Thông tư số
11/2017/TT-BTC ngày 08 tháng 02 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về
quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính
sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;
Căn cứ Nghị quyết số
67/2019/NQ-HĐND ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum
thông qua Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác
sang Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động
"tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh Kon Tum;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Tài chính tại Tờ trình số 255/STC-QLNS ngày 21 tháng 01 năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách
địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy
lùi hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Kon Tum (chi tiết Đề án
đính kèm).
Điều 2.
Tổ chức thực hiện
1. Sở Tài chính là cơ quan đầu
mối, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực
hiện có hiệu quả Đề án. Định kỳ 6 tháng (cả năm), tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh để theo dõi, giám sát.
2. Chi nhánh Ngân hàng Chính
sách xã hội tỉnh là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh
thông qua các đơn vị trực thuộc, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác,
thôn trưởng, tổ tiết kiệm và vay vốn và các đơn vị có liên quan. Định kỳ 6
tháng (cả năm), báo cáo kết quả thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh, gửi Sở Tài
chính để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh.
3. Thủ trưởng các Sở, ban
ngành, đơn vị thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Giám đốc
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và Thủ trưởng các đơn vị liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
4. Trường hợp các văn bản quy
phạm pháp luật dẫn chiếu tại Quyết định này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì
áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Quyết định này đã được Ủy ban
nhân dân tỉnh thông qua ngày 10 tháng 02 năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 19
tháng 02 năm 2020/.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Hòa
|
ĐỀ ÁN
CHO VAY TIÊU DÙNG TỪ NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG ỦY
THÁC SANG NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI, GÓP PHẦN NGĂN CHẶN, ĐẨY LÙI HOẠT ĐỘNG
“TÍN DỤNG ĐEN” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2020/QĐ-UBND ngày 10 tháng 02 năm 2020 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)
I. SỰ CẦN
THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Sự cần thiết phải xây dựng
Đề án
Thời gian qua, tình hình tội phạm
và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” gây ảnh hưởng đến
an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp. Thực tế cho thấy, “tín dụng
đen” là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức
lãi suất pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ
chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt
tài sản trái pháp luật. Chủ nợ thường thuê các băng nhóm tội phạm, đối tượng có
tiền án, tiền sự sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm có thể thực hiện các tội phạm
xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tổn hại về tinh thần và
chiếm đoạt, hủy hoại tài sản của người đi vay, làm ảnh hưởng đến an ninh, chính
trị tại địa phương.
Nguyên nhân của tình trạng trên
xuất phát từ một bộ phận người dân gặp sự cố đột xuất trong cuộc sống do: Ốm
đau, bệnh tật, tai nạn; thiên tai, hỏa hoạn làm nhà cửa, tài sản bị hư hỏng cần
khắc phục ngay; cần một khoản vốn nhỏ để mưu sinh nhưng không có tiền để trang
trải, khắc phục và không đủ điều kiện vay vốn tại các kênh cung ứng tín dụng
theo quy định của pháp luật nên đã tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng
đen” để vay tiền.
Nhằm đảm bảo trật tự, an toàn
xã hội, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, thì việc xây dựng và triển
khai thực hiện Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy
thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động
"tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết và phù hợp với
tình hình thực tiễn của địa phương hiện nay.
2. Những căn cứ pháp lý để
xây dựng Đề án
- Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
- Luật Ngân sách nhà nước ngày
25 tháng 6 năm 2015;
- Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày
04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối
tượng chính sách khác;
- Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg
ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo
tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020;
- Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg
ngày 21 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới
thoát nghèo;
- Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25
tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với
tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
- Thông tư số 11/2017/TT-BTC
ngày 08 tháng 02 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử
dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để
cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;
II. NỘI DUNG
ĐỀ ÁN
1. Phạm
vi thực hiện: Đề án được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh Kon
Tum.
2. Đối tượng
vay vốn
Hộ gia đình là hộ nghèo, hộ cận
nghèo, hộ có mức sống trung bình (theo quy định tại Quyết định số
59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban
hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020), hộ mới
thoát nghèo (theo quy định tại Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm
2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo), gặp khó
khăn đột xuất về tài chính do ốm đau, bệnh tật phải điều trị dài ngày; tai nạn
đột xuất; thiên tai, hỏa hoạn làm nhà cửa, tài sản, phương tiện đi lại bị hư hỏng
cần khắc phục ngay (kể cả trường hợp đang còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã
hội); để kinh doanh, buôn bán nhỏ (không có dư nợ các Chương trình tín dụng tại
Ngân hàng Chính sách xã hội), có nhu cầu vay vốn để ổn định cuộc sống với lý do
chính đáng, hợp pháp.
3. Điều kiện
được vay vốn
- Hộ gia đình gặp khó khăn đột
xuất về tài chính cần nguồn vốn để khắc phục ngay, có hộ khẩu thường trú tại địa
phương nơi cho vay trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
- Có khả năng tài chính để trả
nợ khi đến hạn.
- Người vay vốn phải chịu trách
nhiệm trong mọi quan hệ với Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay, là người
trực tiếp ký nhận nợ và chịu trách nhiệm trả nợ, trả lãi cho Ngân hàng Chính
sách xã hội theo cam kết.
4. Nguyên tắc
vay vốn
- Người vay vốn phải đúng đối
tượng được vay vốn và đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn theo quy định.
- Người vay phải sử dụng vốn
vay đúng mục đích xin vay.
- Người vay phải hoàn trả nợ gốc,
lãi vốn vay đúng thời hạn đã thỏa thuận với Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho
vay.
5. Mục đích
sử dụng vốn vay
- Chi phí khám, chữa bệnh cho
thành viên trong hộ gia đình.
- Chi phí sửa chữa lại nhà ở,
mua sắm hoặc sửa chữa tài sản hư hại, mất mát do: Thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn
hoặc nguyên nhân khách quan khác.
- Để kinh doanh, buôn bán nhỏ.
6. Nguồn vốn
cho vay, mức vốn cho vay, thời hạn cho vay
- Nguồn vốn cho vay: Nguồn vốn
ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh, Ngân
hàng Chính sách xã hội cấp huyện để cho vay do Hội đồng nhân dân tỉnh (đối với
ngân sách cấp tỉnh), Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định (đối với ngân sách
cấp huyện).
- Mức cho
vay: Do Ngân hàng Chính sách xã hội và người vay vốn
thỏa thuận theo nhu cầu, khả năng nguồn vốn và khả năng trả nợ của người vay vốn
để cho vay phù hợp nhưng tối đa không quá 30.000.000 đồng/hộ/cá nhân (mỗi hộ gia
đình chỉ được 01 cá nhân đại diện vay vốn).
- Thời hạn
cho vay: Theo thỏa thuận giữa Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay với người
vay vốn, đảm bảo phù hợp với khả năng trả nợ và mục đích sử dụng vốn vay nhưng
tối đa không quá 24 tháng kể từ ngày nhận tiền vay. Trường
hợp đến hạn trả nợ, nếu người vay vốn gặp khó khăn về tài chính do nguyên nhân
khách quan chưa trả được nợ thì được Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội nơi
cho vay xem xét cho gia hạn nợ, thời hạn gia hạn nợ tối đa bằng một nửa thời hạn
cho vay nhưng không quá 12 tháng.
7. Lãi suất
cho vay và lãi suất nợ quá hạn
- Lãi suất cho vay là 7,92%/năm
(0,66%/tháng).
- Lãi suất nợ quá hạn bằng 130%
lãi suất cho vay.
8. Phương
thức cho vay
Ngân hàng Chính sách xã hội cho
vay ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gồm: Hội Liên hiệp phụ nữ,
Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và ủy nhiệm thông qua Tổ tiết
kiệm và vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức, cá nhân có liên
quan.
9. Hồ sơ vay
Giấy đề nghị vay vốn kiêm
phương án sử dụng vốn vay và khế ước nhận nợ do Ngân hàng Chính sách xã hội ban
hành và cấp miễn phí, không thu bất cứ phí, lệ phí nào của người vay vốn.
10. Quy
trình, thủ tục cho vay
Quy trình, thủ tục cho vay, thu
nợ gốc, thu lãi đơn giản, dễ thực hiện, đảm bảo vốn vay đến với đối tượng thụ
hưởng nhanh chóng, thuận lợi nhất. Thời hạn giải ngân vốn vay trong vòng 24h kể
từ thời điểm người có nhu cầu vay vốn đăng ký và lập hồ sơ vay vốn tại Thôn trưởng
hoặc Tổ tiết kiệm và vay vốn (nếu đảm bảo điều kiện được vay vốn); trường hợp
thời điểm giải ngân rơi vào ngày nghỉ, lễ thì được chuyển qua giải ngân vào
ngày làm việc tiếp theo. Cụ thể như sau:
Người có nhu cầu vay vốn đăng
ký và lập hồ sơ vay vốn tại Thôn trưởng hoặc Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhận tiền
vay và trả nợ tại trụ sở Ủy ban nhân cấp xã (Điểm giao dịch xã của Ngân hàng
Chính sách xã hội) hoặc tại trụ sở Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay.
10.1. Đối với trường hợp chưa
vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội
- Người có nhu cầu vay vốn đăng
ký với Thôn trưởng nơi cư trú để hướng dẫn và lập Giấy đề nghị vay vốn kèm khế
ước nhận nợ (do Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành).
- Thôn trưởng kiểm tra thực tế,
nếu xét thấy đúng đối tượng, đủ điều kiện, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã xem
xét, xác nhận và gửi cho Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay.
- Ngân hàng Chính sách xã hội
nơi cho vay kiểm tra nếu đủ điều kiện thì phê duyệt và thông báo (theo mẫu do
Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành) Ủy ban nhân dân cấp xã để thông báo cho
người vay vốn đến trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã (Điểm giao dịch xã của Ngân
hàng Chính sách xã hội) hoặc trụ sở Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay làm
thủ tục nhận tiền vay.
Sau khi cho vay vốn, Ngân hàng
Chính sách xã hội nơi cho vay hướng dẫn người vay vốn viết Đơn xin gia nhập vào
tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn nơi cư trú (theo mẫu do Ngân hàng Chính
sách xã hội ban hành).
- Trường hợp không đủ điều kiện
vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay thông báo từ chối (theo mẫu do
Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành) gửi Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo cho
người xin vay vốn biết lý do từ chối.
10.2. Đối với trường hợp người
vay vốn đang còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội
- Người có nhu cầu vay vốn đăng
ký với Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn để hướng dẫn và lập Giấy đề nghị vay
vốn kiêm khế ước nhận nợ (theo mẫu do Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành).
- Ban quản lý Tổ tiết kiệm và
vay vốn kiểm tra nếu đủ điều kiện ký tên vào Giấy đề nghị vay vốn và báo cáo Ủy
ban nhân dân cấp xã xem xét, xác nhận và đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội
trên địa bàn cho vay vốn.
- Ngân hàng Chính sách xã hội
nơi cho vay kiểm tra, nếu đủ điều kiện thì phê duyệt cho vay và thông báo (theo
mẫu do Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành) cho Ủy ban nhân dân xã để thông
báo người vay vốn đến nhận tiền vay tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã (Điểm
giao dịch xã của Ngân hàng Chính sách xã hội) hoặc trụ sở Ngân hàng Chính sách
xã hội nơi cho vay.
- Trường hợp không đủ điều kiện
vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay thông báo từ chối (theo mẫu do
Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành) gửi Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo cho
người xin vay vốn biết lý do từ chối.
11. Định kỳ
hạn trả nợ, thu nợ, thu lãi
11.1. Định kỳ hạn trả nợ gốc,
thu nợ: Ngân hàng Chính sách xã hội và người vay vốn thỏa thuận phân kỳ hạn trả
nợ phù hợp với khả năng thu nhập của người vay vốn. Trường hợp, người vay chưa
trả được nợ theo đúng phân kỳ cam kết thì có thể chuyển trả vào kỳ hạn tiếp
theo, người vay vốn trả nợ gốc trực tiếp cho Ngân hàng Chính sách xã hội tại Điểm
giao dịch xã hoặc trụ sở Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay (không được trả
nợ gốc qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác
và các tổ chức, cá nhân khác).
11.2. Thu lãi: Người vay phải
thực hiện trả lãi hàng tháng theo cam kết đã thỏa thuận với Ngân hàng Chính
sách xã hội nơi cho vay tại Tổ tiết kiệm và vay vốn (theo Hợp đồng ủy nhiệm do
Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành). Trường hợp trong tháng lãi chưa thu được
thì chuyển sang thu vào tháng kế tiếp. Khi thu lãi, tổ tiết kiệm và vay vốn phải
giao Biên lai thu lãi cho người vay vốn (biên lai thu lãi do Ngân hàng Chính
sách xã hội ban hành).
Trường hợp người vay vốn có nhu
cầu trả nợ gốc một phần trước hạn thì Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay sẽ
thu gốc đến đâu, thu lãi tương ứng với số tiền gốc.
12. Xử lý
nợ đến hạn, chuyển nợ quá hạn
12.1. Gia hạn nợ: Đến kỳ hạn trả
nợ cuối cùng, do các nguyên nhân khách quan dẫn đến chưa trả được nợ, có nhu cầu
gia hạn nợ thì người vay báo với Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn để hướng dẫn
lập Giấy đề nghị gia hạn nợ (theo mẫu do Ngân hành Chính sách xã hội ban hành).
Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay
vốn tổ chức họp tổ để xem xét đề nghị cho gia hạn nợ. Cuộc họp phải có trên 2/3
số tổ viên và có sự tham gia, chứng kiến của Thôn trưởng, tổ chức chính trị -
xã hội nhận ủy thác cấp xã. Kết quả cuộc họp, phải được ít nhất 2/3 số tổ viên
dự họp tán thành thì mới được xem xét đề nghị cho gia hạn nợ. Cuộc họp phải được
lập thành Biên bản (theo mẫu do Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành).
Thôn trưởng, tổ chức chính trị
- xã hội nhận ủy thác cấp xã ghi ý kiến “Đề nghị cho gia hạn nợ” và ký ghi rõ
tên, đóng dấu trên Giấy đề nghị gia hạn nợ, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã xác
nhận và gửi Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay.
Ngân hàng Chính sách xã hội nơi
cho vay kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của Giấy đề nghị gia hạn nợ và lý do gia
hạn nợ để xem xét cho gia hạn nợ.
Thời gian cho gia hạn nợ: Theo thỏa
thuận giữa người vay vốn và Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay có thể cho
gia hạn nợ một hay nhiều lần nhưng tổng thời hạn gia hạn nợ tối đa không quá 12
tháng.
12.2. Chuyển nợ quá hạn: Trường
hợp người vay đến hạn trả nợ, có khả năng trả nợ nhưng cố tình chây ỳ; sử dụng
vốn sai mục đích không đúng theo cam kết thì chuyển nợ quá hạn, lãi suất nợ quá
hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
13. Xử lý
nợ bị rủi ro
Thực hiện theo quy định của Thủ
tướng Chính phủ về cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội từng
thời kỳ(1).
14. Quản
lý và sử dụng tiền lãi cho vay:
Tiền lãi được tính trên dư nợ
có thu được lãi tại thời điểm trích (được quy ra 100%), được thực hiện 1 lần/tháng
(đối với chi hoa hồng và phí ủy thác cho hội, đoàn thể các cấp) và được phân bổ
theo quy định của Trung ương từng thời kỳ và Nghị quyết số 67/2019/NQ-HĐND ngày
30 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về thông qua Đề án cho vay tiêu
dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội,
góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh
Kon Tum, cụ thể như sau:
14.1. Trích dự phòng rủi ro tín
dụng: 9,47% lãi thu được.
14.2. Chi phí cho hoạt động
Ngân hàng Chính sách xã hội 44,69% lãi thu được để chi phí:
- Chi hoa hồng cho Ban quản lý
tổ tiết kiệm và vay vốn 12,88% lãi thu được.
- Chi phí dịch vụ ủy thác cho tổ
chức chính trị - xã hội các cấp là 4,85% lãi thu được, được quy ra 100% để thực
hiện chi các nội dung sau:
Đối với nguồn vốn ủy thác ngân
sách cấp tỉnh
+ Chi cho Hội, đoàn thể cấp tỉnh
4,5%/tổng số trích cho hội nhận ủy thác.
+ Chi cho Hội, đoàn thể cấp huyện
9%/tổng số trích cho hội nhận ủy thác.
+ Chi cho Hội, đoàn thể cấp xã
84%/tổng số trích cho hội nhận ủy thác.
+ Chi hỗ trợ cho Thôn trưởng
2,5%/tổng số trích cho hội nhận ủy. Đối với nguồn vốn ủy thác ngân sách cấp huyện:
+ Chi cho Hội, đoàn thể cấp huyện
9%/tổng số trích cho hội nhận ủy thác.
+ Chi cho Hội, đoàn thể cấp xã
84%/tổng số trích cho hội nhận ủy thác.
+ Chi hỗ trợ cho Thôn trưởng
7%/tổng số trích cho hội nhận ủy thác.
- Chi phí quản lý cho hoạt động
Ngân hàng Chính sách xã hội 26,96% lãi thu được.
14.3. Chi cho hoạt động Ban đại
diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp 15% lãi thu được bao
gồm: Chi hội họp, chi phí cho hoạt động kiểm tra, giám sát, chi khen thưởng.
14.4. Số lãi còn lại sau khi trừ
các chi phí trên thì bổ sung vào nguồn vốn ủy thác để cho vay: 30,84% lãi thu
được.
15. Chế độ
kiểm tra, giám sát, báo cáo
- Kiểm tra giám sát:
+ Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc
Việt Nam, các hội, đoàn thể các cấp và Nhân dân tăng cường giám sát và phản biện
xã hội đối với việc triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh.
+ Ban đại diện Hội đồng quản trị
Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh, cấp huyện lồng ghép việc kiểm tra, giám
sát triển khai thực hiện Đề án vào Chương trình kiểm tra giám sát hàng năm;
trong đó, có mời đại diện Hội đồng nhân dân cùng cấp tham gia (Ban Văn hóa – Xã
hội đối với cấp tỉnh và Ban Kinh tế - Xã hội đối với cấp huyện).
- Chế độ thông tin, báo cáo: Định
kỳ 6 tháng (cả năm), Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, huyện theo phân công quản
lý thực hiện báo cáo kết quả thực hiện Đề án báo cáo, gửi các thành viên Ban đại
diện Hội đồng quản trị cấp tỉnh, cấp huyện và cơ quan tài chính đồng cấp để
tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp báo cáo Hội đồng nhân dân theo dõi, giám sát
(trong đó, Hội đồng nhân dân cấp huyện đối với ngân sách cấp huyện; Hội đồng
nhân dân tỉnh đối với ngân sách cấp tỉnh và cấp huyện).
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Hàng năm, Sở Tài
chính (đối với ngân sách cấp tỉnh), Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành
phố (đối với ngân sách cấp huyện) tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp trình Hội đồng
nhân dân cùng cấp xem xét, bố trí, chuyển vốn kịp thời cho Ngân hàng Chính sách
xã hội cấp tỉnh, cấp huyện để cho vay trên cơ sở khả năng cân đối của ngân sách
cấp mình và tình hình thực tế tại từng địa phương.
2.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với
các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế hướng dẫn,
xác định đối tượng thụ hưởng chính sách làm căn cứ để Ngân hàng Chính sách xã hội
cho vay vốn.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam tỉnh tích cực tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách
tại Đề án này để Nhân dân biết, tham gia thực hiện có hiệu quả; đồng thời, thực
hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội quá trình triển khai Đề án, đảm bảo
đúng mục tiêu và yêu cầu.
4. Ngân hàng Chính sách
xã hội cấp tỉnh, cấp huyện
- Tổng hợp nhu cầu vay vốn của
các huyện, thành phố (đối với Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh); các xã,
phường, thị trấn (đối với Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện) báo cáo cấp có
thẩm quyền để bố trí nguồn vốn cho vay (qua Sở Tài chính đối với ngân sách tỉnh,
Phòng Tài chính – Kế hoạch đối với ngân sách cấp huyện).
- Ban hành các mẫu giấy, hồ sơ
có liên quan đến việc cho vay vốn; trả nợ, thu nợ, thu lãi; xử lý nợ đến hạn,
chuyển nợ quá hạn…, đảm bảo dễ thực hiện và thuận tiện cho người dân khi kê
khai.
- Phối hợp với các ngành theo
chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp hướng dẫn đôn đốc, kiểm
tra việc sử dụng vốn, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực, thực hiện có hiệu
quả chương trình tín dụng chính sách tại Đề án này.
- Thực hiện cho vay, thu nợ,
thu lãi, quản lý và sử dụng tiền lãi thu được theo quy định của Trung ương và Đề
án này theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy
thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định.
- Phối hợp với các cơ quan liên
quan kiểm tra vốn vay, xử lý nợ theo quy định; lập hồ sơ xử lý nợ bị rủi ro
trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Định kỳ 6 tháng (cả năm),
Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện báo cáo kết quả thực hiện Đề án gửi Ban đại
diện Hội đồng quản trị, Ủy ban nhân dân, cơ quan tài chính cùng cấp (đồng gửi Ủy
ban nhân dân cấp xã) và Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh để theo dõi, giám
sát, chỉ đạo.
- Định kỳ 6 tháng (cả năm),
Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh báo cáo kết quả thực hiện Đề án của toàn tỉnh,
gửi Ban đại diện Hội đồng quản trị tỉnh, Sở Tài chính để tham mưu Ủy ban nhân
dân tỉnh để báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh theo dõi, giám sát.
5. Các tổ chức chính trị
- xã hội các cấp
- Phối hợp, tăng cường công tác
tuyên truyền về chính sách để đoàn viên, hội viên và Nhân dân kịp thời nắm bắt
chính sách, tiếp cận chính sách khi đủ điều kiện.
- Thực hiện tốt công tác giám
sát trước, trong và sau khi cho vay; đôn đốc Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn
giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả, trả nợ, trả lãi của
tổ viên; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động tín
dụng theo Hợp đồng ủy thác đã ký với Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh, cấp
huyện đảm bảo nguồn vốn cho vay đúng đối tượng, mục đích sử dụng vốn vay.
- Phối hợp với Ngân hàng Chính
sách xã hội và chính quyền địa phương quản lý người vay, xử lý các trường hợp nợ
chây ỳ, nợ quá hạn, người vay bỏ đi khỏi nơi cư trú và hướng dẫn hộ vay lập hồ
sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan.
- Thông báo kịp thời cho Ngân
hàng Chính sách xã hội nơi cho vay về các trường hợp sử dụng vốn vay bị rủi ro
do nguyên nhân khách quan và rủi ro do nguyên nhân chủ quan để có biện pháp xử
lý thích hợp.
6. Ủy ban nhân dân các
huyện và thành phố
- Tuyên truyền, phổ biến các nội
dung của Đề án đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp xã,
các phòng ban, đơn vị bằng các hình thức phù hợp để người dân dễ nắm bắt và tiếp
cận nguồn vốn vay.
- Chủ động cân đối bố trí nguồn
vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội huyện,
thành phố để thực hiện cho các đối tượng vay theo Đề án này.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp
xã tổ chức thực hiện Đề án nắm bắt nhu cầu chính đáng, cấp bách của người dân để
tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được vay vốn không để “tín dụng đen” lôi
kéo; thực hiện việc xác nhận, phê duyệt đối tượng vay vốn đảm bảo đúng quy định;
kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay; phối hợp với Ngân hàng Chính
sách xã hội nơi cho vay xử lý kịp thời, chính xác các trường hợp bị rủi ro do
nguyên nhân khách quan.
- Định kỳ 6 tháng (cả năm), báo
cáo kết quả thực hiện Đề án tại địa phương mình phụ trách, gửi Hội đồng nhân
dân huyện, thành phố để theo dõi, giám sát, chỉ đạo.
7. Ủy ban nhân dân cấp
xã
- Tổ chức phổ biến, tuyên truyền
các nội dung của Đề án thông qua các buổi họp thôn, làng, tổ dân phố và trên
các phương tiện thông tin đại chúng; rà soát đối tượng, nhu cầu vay vốn hàng
năm và chịu hoàn toàn trách nhiệm việc xác nhận, phê duyệt đối tượng vay vốn,
hướng dẫn sử dụng vốn đảm bảo đúng quy định; tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ
việc sử dụng vốn vay; đôn đốc việc thực hiện trả nợ, trả lãi của người vay theo
quy định.
- Phối hợp, xử lý các trường hợp
có khả năng trả nợ nhưng cố tình chây ỳ, nợ quá hạn và hướng dẫn người vay lập
hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan; chịu trách nhiệm về việc
xác nhận các trường hợp đề nghị xử lý nợ bị rủi ro và trình cấp có thẩm quyền
xem xét, quyết định.
- Định kỳ 6 tháng (cả năm), báo
cáo kết quả thực hiện Đề án tại địa phương mình gửi Hội đồng nhân dân cấp xã để
theo dõi, giám sát.
8. Trách nhiệm của người
vay
- Kê khai hồ sơ đầy đủ, trung
thực, chính xác.
- Sử dụng vốn vay đúng mục đích
cam kết.
- Hoàn trả gốc, lãi đúng quy định.
Trên đây là Đề án cho vay tiêu dùng
từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, góp
phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh
Kon Tum. Đề nghị các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm
túc, đạt mục tiêu của Đề án đề ra./.
(1) Hiện nay, áp dụng
theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính
phủ về việc ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.