KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TÍN DỤNG ĐỐI VỚI HỘ GIA ĐÌNH VÀ NGƯỜI NHIỄM HIV, NGƯỜI
SAU CAI NGHIỆN MA TÚY, NGƯỜI ĐIỀU TRỊ NGHIỆN CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG THUỐC
THAY THẾ, NGƯỜI BÁN DÂM HOÀN LƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Căn cứ Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg
ngày 26 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình
và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất
dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương;
Căn cứ Quyết định số 1150/QĐ-LĐTBXH
ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phê
duyệt danh sách 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm về
tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy,
người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán
dâm hoàn lương theo quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2014 của
Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện tín dụng
đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều
trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn
lương trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1.
Mục đích:
- Tạo sự thống nhất, đồng bộ trong
quá trình thực hiện Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh, đảm bảo các
bước triển khai thực hiện được khoa học và hiệu quả.
- Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hộ
gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện
các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương trên địa
bàn tỉnh tiếp cận với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để sản xuất, tự tạo việc
làm góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao sức khỏe, hòa nhập cộng đồng một cách
bền vững.
2. Yêu cầu:
- Các ngành,
các cấp từ tỉnh đến cơ sở cần có kế hoạch cụ thể để tuyên truyền trong Nhân
dân, nhất là đối tượng thụ hưởng được biết về chủ trương, chính sách của Đảng
và Nhà nước về tín dụng đối với cá nhân, hộ gia đình người nhiễm HIV, người sau
cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc
thay thế, người bán dâm hoàn lương trên địa bàn tỉnh.
- Đảm bảo cho
vay đúng đối tượng thụ hưởng theo quy định, vốn vay được sử dụng đúng mục đích,
hiệu quả, giúp các đối tượng thụ hưởng có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc
sống, hòa nhập cộng đồng một cách bền vững; đồng thời, quan tâm, giúp đỡ, hướng
dẫn đối tượng sử dụng có hiệu quả nguồn vốn và hoàn vốn đúng thời hạn.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Đối tượng vay vốn:
- Đối với cá nhân vay vốn: người nhiễm
HIV, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người
bán dâm hoàn lương.
- Đối với hộ gia đình vay vốn có
thành viên thuộc một trong các trường hợp sau đây: người nhiễm HIV/AIDS, người
sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc
thay thế, người bán dâm hoàn lương.
2. Điều kiện vay vốn:
a) Điều kiện về nhân thân vay vốn:
- Đối với cá nhân:
+ Người nhiễm
HIV: phải có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm HIV dương tính của cơ sở xét
nghiệm hoặc giấy xác nhận của cơ sở y tế đang điều trị bệnh cho người nhiễm.
+ Người điều
trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế: đã xong thời gian dò
liều, có thời gian điều trị ổn định từ 03 tháng trở lên, có xác nhận của người
phụ trách cơ sở điều trị.
+ Người bán
dâm hoàn lương: có xác nhận về việc không còn bán dâm của Chủ tịch UBND cấp
xã hoặc người đứng đầu một trong các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương hoặc
Chủ nhiệm Câu lạc bộ (Câu lạc bộ phòng ngừa và hỗ trợ người bán dâm hoàn lương
tái hòa nhập cộng đồng và phòng chống lây nhiễm HIV).
- Đối với hộ gia
đình có thành viên thuộc một trong các trường hợp
sau đây:
+ Người nhiễm
HIV/AIDS: phải có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm HIV dương tính của cơ sở
xét nghiệm hoặc giấy xác nhận của cơ sở y tế đang điều trị bệnh cho người nhiễm.
+ Người sau
cai nghiện ma túy có một trong các giấy tờ sau: quyết định áp dụng biện pháp quản
lý sau cai tại nơi cư trú, giấy xác nhận hoàn thành thời gian cai nghiện tại cơ
sở cai nghiện bắt buộc, giấy xác nhận của UBND cấp xã về việc đã chấp hành
thời gian cai nghiện tại gia đình, cộng đồng từ 03 tháng trở lên.
+ Người điều
trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế: đã xong thời gian dò
liều, có thời gian điều trị ổn định từ 03 tháng trở lên, có xác nhận của người
phụ trách cơ sở điều trị.
+ Người bán
dâm hoàn lương: có xác nhận về việc không còn bán dâm của Chủ tịch UBND cấp
xã hoặc người đứng đầu một trong các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương hoặc
Chủ nhiệm Câu lạc bộ (Câu lạc bộ phòng ngừa và hỗ trợ người bán dâm hoàn lương
tái hòa nhập cộng đồng và phòng chống lây nhiễm HIV).
b) Cư trú hợp pháp và sinh sống ổn định tại địa phương nơi vay vốn.
c) Có phương
án sản xuất, kinh doanh và có khả năng trả nợ vay theo cam kết.
d) Là thành
viên Tổ Tiết kiệm và vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội
huyện, thị xã.
- Điều kiện
riêng đối với cá nhân vay vốn: sống một mình hoặc sống cùng con chưa đến tuổi
lao động hoặc sống cùng bố mẹ, vợ, chồng, con, ông, bà, anh, chị, em ruột nhưng
những người này đã quá tuổi lao động hoặc không còn khả năng lao động theo quy
định pháp luật.
3. Mục đích vay vốn: các cá nhân, hộ gia đình được vay vốn nhằm mục đích mua sắm các loại vật
tư, vật nuôi, thức ăn gia súc gia cầm, công cụ lao động, hàng hóa, phương tiện phục
vụ kinh doanh, buôn bán; đầu tư làm các nghề thủ công trong hộ gia đình như:
mua nguyên vật liệu sản xuất, công cụ lao động, máy móc, thiết bị; góp vốn thực
hiện phương án sản xuất, kinh doanh với cá nhân, tổ chức khác.
4. Trình tự, thủ tục xác nhận
đối tượng vay vốn; mức vay, lãi suất cho vay và thời hạn cho vay: được quy định
tại
Điều 4, Điều 5, Điều 6, Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg và quy
trình, thủ tục cho vay thực hiện theo quy định tại Hướng dẫn số 3337/NHCS-TSSV
ngày 30 tháng 9 năm 2014 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người
sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc
thay thế, người bán dâm hoàn lương theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành
liên quan đánh giá kết quả, hiệu quả
cho vay vốn, hướng dẫn điều chỉnh và định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo kết quả
thực hiện cho UBND tỉnh; tham mưu, đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc,
những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.
- Phối hợp với Ngân hàng Chính sách
xã hội Chi nhánh tỉnh xây dựng kế hoạch hàng năm trình các cấp có thẩm quyền
phê duyệt; nắm nhu cầu cần vay vốn
và bố trí nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng
trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
và Trung tâm Phòng, chống AIDS tỉnh triển khai kế hoạch giúp đỡ người bán dâm
hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc
phiện bằng thuốc thay thế, người nhiễm HIV/AIDS có điều kiện tiếp cận vay vốn tạo
việc làm; đồng thời, tiếp tục duy trì và phát huy kết quả của mô hình Câu lạc bộ
phòng ngừa và hỗ trợ người bán dâm hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng và phòng
chống lây nhiễm HIV, góp phần giúp đỡ cho người mại dâm hoàn lương và những người
đang hoạt động mại dâm có nhu cầu hoàn lương một cách căn cơ và mang tính bền vững.
2.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh: phối
hợp với các sở, ngành liên quan trong việc kiểm tra, đề xuất, kiến nghị, tháo gỡ
những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
3.
Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh:
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội cùng các sở, ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch tín dụng trình
các cấp có thẩm quyền phê duyệt nguồn vốn cho vay; hàng năm, tổng hợp nhu cầu
vay vốn và kết quả cho vay đối với các nhóm đối tượng thuộc diện được vay vốn,
báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
- Phối hợp với tổ chức hội, đoàn thể
nhận, ủy thác và chính quyền địa phương tổ chức tập huấn nghiệp vụ theo nội
dung Hướng dẫn số 3337/NHCSXH-TDSV cho cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính
sách xã hội huyện, thị xã, cán bộ các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác cho
vay, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn và cán bộ UBND xã, phường, thị trấn thực
hiện thí điểm.
4.
Sở Tài chính:
- Phối hợp các sở, ngành liên quan
tham mưu UBND tỉnh giao kinh phí cho Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh
triển khai thực hiện.
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội cùng các sở, ban, ngành liên quan trong việc kiểm tra, giám sát,
đề xuất xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.
5. Các sở,
ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh: căn cứ
chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch này.
6. UBND huyện,
thị xã, thành phố:
- Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch
về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma
túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người
bán dâm hoàn lương đến các xã, phường, thị trấn.
- Tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến
các nhóm người là đối tượng vay vốn về mục đích, ý nghĩa của chính sách mới,
các quy định về vay vốn, hướng dẫn trình tự thủ tục vay vốn.
- Các địa phương tổ chức khảo sát, nắm
bắt nhu cầu, nguyện vọng tìm kiếm việc làm của hộ gia đình và người nhiễm HIV,
người sau cai nghiện, người bán dâm hoàn lương và người điều trị nghiện các chất
dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi nhất
cho các tổ chức chính trị - xã hội dựa vào cộng đồng để giới thiệu, sàng lọc,
tư vấn, giúp đỡ người vay vốn xây dựng phương án, dự án, kế hoạch; cung cấp kiến
thức, kỹ năng, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh; giám sát quá trình sản xuất, kinh
doanh; đồng thời, phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện,
thị xã kiểm tra, đôn đốc thời hạn hoàn vốn; hỗ trợ các vấn đề về tâm lý trước,
trong và sau khi vay cho người vay vốn.
- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn
hướng dẫn người vay viết đơn đăng ký gửi UBND cấp xã kèm các giấy xác nhận theo
quy định tại Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg làm cơ sở để UBND cấp xã lập danh
sách theo từng ấp, khu vực, gửi Tổ Tiết kiệm và vay vốn theo từng địa bàn để gửi
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, thị xã danh sách tổng hợp cấp
xã, phường, thị trấn; đồng thời, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, thị xã giám sát, theo dõi chặt
chẽ diễn biến của quá trình vay vốn, tìm ra những nguyên nhân, yếu tố vay vốn
có hiệu quả hay kém hiệu quả để xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn về cơ chế
chính sách và phải có thái độ, ứng xử đúng mực, bảo mật thông tin cho đối tượng
để tránh sự kỳ thị của cộng đồng.
- Định kỳ hàng năm thống kê, báo cáo
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về nhu cầu vay vốn và kết quả cho vay vốn đối
với cá nhân, hộ gia đình có người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người
điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm
hoàn lương trên địa bàn.
Trên đây là kế hoạch triển khai thực
hiện tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma
túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người
bán dâm hoàn lương trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình triển
khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, đề nghị phản ánh về
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng
hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, kịp thời chỉ đạo./.