ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 810/QĐ-UBND
|
Bắc Kạn, ngày 16
tháng 5 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TỪNG QUÝ NĂM 2022
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số
2388/QĐ-UBND ngày 08/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc giao chỉ
tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2022;
Căn cứ Quyết định số
50/QĐ-UBND ngày 14/01/20022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành
Chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo
quốc phòng - an ninh năm 2022;
Theo đề nghị của Sở Kế hoạch
và Đầu tư tại Công văn số 688/SKHĐT-TH ngày 12/5/2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Kịch bản tăng trưởng
kinh tế từng quý năm 2022.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các đơn vị
được giao nhiệm vụ chủ trì và phối hợp có trách nhiệm triển khai thực hiện đảm
bảo theo yêu cầu.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở,
Thủ trưởng các Ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3 (t/h);
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- LĐVP;
- Lưu: VT, NCTH.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Đăng Bình
|
KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TỪNG QUÝ NĂM 2022
(Kèm
theo Quyết định số 810/QĐ-UBND ngày 16/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)
I. KỊCH BẢN
PHÁT TRIỂN CHUNG
1. Về
tăng trưởng kinh tế
1.1. Kịch bản tăng trưởng
3 tháng đầu năm ước đạt 4,02%, trong đó:
- Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy
sản: tăng trưởng 4,52%.
- Khu vực Công nghiệp - Xây dựng:
tăng trưởng 4,51%, trong đó:
+ Công nghiệp tăng 5,16%.
+ Xây dựng tăng trưởng
3,97%.
- Khu vực dịch vụ tăng trưởng
3,62%.
1.2. Kịch bản tăng trưởng
kinh tế 6 tháng đầu năm đặt mục tiêu trên 5,5%, trong đó:
- Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy
sản: tăng trưởng trên 2,29%.
- Khu vực Công nghiệp - Xây dựng:
tăng trưởng trên 7,51%, trong đó:
+ Công nghiệp tăng trên
7,25%.
+ Xây dựng tăng trưởng trên
7,71%.
- Khu vực dịch vụ tăng trưởng
trên 6,42%.
1.3. Kịch bản tăng trưởng
kinh tế 9 tháng đầu năm đặt mục tiêu trên 5,9%, trong đó:
- Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy
sản: tăng trưởng trên 4,77%.
- Khu vực Công nghiệp - Xây dựng:
tăng trưởng trên 7,08%, trong đó:
+ Công nghiệp tăng trên
7,10%.
+ Xây dựng tăng trưởng trên
7,07%.
- Khu vực dịch vụ tăng trưởng
trên 6,20%.
1.4. Kịch bản tăng trưởng
kinh tế năm 2022 tăng trên 6,0%, cụ thể:
- Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy
sản tăng trưởng trên 3,5%.
- Khu vực Công nghiệp - Xây dựng
tăng trên 8,7%, trong đó:
+ Công nghiệp tăng trưởng
trên 11,5%;
+ Xây dựng tăng trưởng trên
7,0%;
- Khu vực dịch vụ tăng trưởng
trên 6,5%.
(Chi
tiết biểu số 01)
2. Về cân
đối ngân sách nhà nước
2.1. Tổng thu ngân sách
nhà nước trên địa bàn
- Thu ngân sách nhà nước quý
I/2022: 244,3 tỷ đồng, đạt 29,7% kế hoạch;
- Dự kiến thu ngân sách nhà nước
quý II/2022: trên 165 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm thu trên 400 tỷ đồng, đạt
50,7% kế hoạch;
- Dự kiến thu ngân sách nhà nước
quý III/2022: trên 205 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 thu trên 614,3 tỷ đồng,
đạt 74,9% kế hoạch;
- Dự kiến thu ngân sách nhà nước
quý IV/2022: trên 205,7 tỷ đồng; lũy kế năm 2022 thu trên 820 tỷ đồng, đạt 100%
kế hoạch.
2.2. Tổng chi ngân sách
nhà nước
- Tổng chi ngân sách nhà nước
quý I/2022: 977 tỷ đồng, đạt 14,8% kế hoạch;
- Dự kiến chi ngân sách nhà nước
quý II/2022: 1.737 tỷ đồng; lũy kế 6 háng đầu năm chi 2.714 tỷ đồng, đạt 41,1%
kế hoạch;
- Dự kiến chi ngân sách nhà nước
quý III/2022: 1.895 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng đầu năm chi 4.609 tỷ đồng, đạt
69,8% kế hoạch.
- Dự kiến chi ngân sách nhà nước
quý IV/2022: 2.238 tỷ đồng; lũy kế chi năm 2022 là 6.847 tỷ đồng, đạt 103,7% kế
hoạch (đầu năm chưa có kế hoạch chi Chương trình MTQG).
(Chi
tiết biểu số 02)
II. KỊCH BẢN
TĂNG TRƯỞNG CÁC KHU VỰC
1. Khu vực
Nông, lâm nghiệp, thủy sản
Giá trị sản xuất khu vực nông,
lâm nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) dự kiến đạt trên 3.999,5 tỷ đồng, giá trị
gia tăng (theo giá so sánh năm 2010) đạt 2.279,7 tỷ đồng, tăng trên 77
tỷ đồng so với năm 2021, tương ứng tăng trưởng trên 3,5%. Trong đó,
tăng trưởng tập trung vào quý II và quý IV.
- Quý I: Tập trung thu hoạch vụ
Đông 2021, triển khai vụ xuân 2022 và các sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của
người dân dịp Tết Nguyên đán.
- Quý II: Tập trung thu hoạch vụ
xuân (rau, củ quả; ngô, lúa xuân, thuốc lá, mơ, mận …); tiếp tục thu hoạch các
sản phẩm chăn nuôi (do tái đàn sau tết và thời gian chăn nuôi ngắn nên quý II bắt
đầu thu); đẩy nhanh tiến độ trồng rừng và khai thác lâm sản.
- Quý III: Triển khai sản xuất
và thu hoạch vụ mùa sớm, tiếp tục tái đàn, phát triển chăn nuôi, khai thác lâm
sản.
- Quý IV: Thu hoạch lúa mùa
chính vụ và các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao như cam quýt, khoai môn,
dong riềng, gừng, chè; thu hoạch các sản phẩm chăn nuôi do vào kỳ; tăng cường
khai thác gỗ và các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ.
(Chi
tiết biểu số 03)
2. Khu vực
Công nghiệp
Giá trị sản xuất khu vực công
nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) dự kiến đạt trên 1.620 tỷ đồng, giá trị gia
tăng (theo giá so sánh năm 2010) đạt 530,6 tỷ đồng, tăng trên 54,9 tỷ
đồng so với năm 2021, tương ứng tăng trưởng trên 11,5%. Trong đó,
tăng trưởng tập trung vào quý III và quý IV, cụ thể:
- Quý I: Do tình hình dịch
Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt có dấu hiệu bùng phát mạnh trở lại
sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 nên đã tác động đáng kể đến hoạt
động sản xuất công nghiệp và chịu sự tác động tương tự như cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, do thời tiết ít mưa nên thuận lợi cho ngành công nghiệp khai khoáng,
công nghiệp chế biến nông - lâm sản và vật liệu xây dựng đảm bảo đà tăng trưởng.
- Quý II: Dự báo thị trường và
kinh tế thế giới từng bước hồi phục, hoạt động sản xuất trở lại để bù đắp sự
thiếu hụt trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Các nhà máy chế biến gỗ
cơ bản đáp ứng đủ về nguyên liệu, lao động và thị trường tiêu thụ sản phẩm thuận
lợi; các mỏ khoáng sản hoạt động đảm bảo công suất, đáp ứng cơ bản nguyên liệu
cho các nhà máy chế biến chì kim loại trên địa bàn tỉnh.
- Quý III và Quý IV: Các sản phẩm
công nghiệp chủ yếu cơ bản tăng trưởng. Một số nhà máy công nghiệp tại KCN
Thanh Bình mới đầu tư, nâng công suất đi vào hoạt động và cho ra sản phẩn có
giá trị kinh tế cao; một số mỏ khoáng sản có trữ lượng lớn đã được cấp giấy
phép bắt đầu đi vào sản xuất có sản phẩm như: mỏ sắt Bản Phắng 1; mỏ chì kẽm:
Ba Bồ, Nà Quản, Sáo Sào,…; các chương trình khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh về
phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP tiếp tục phát triển
và nâng cao giá trị sản phẩm như: Miến dong, tinh bột nghệ, curcumin, rượu,…
Ngoài ra, do nhu cầu của thị trường tăng cao về nguyên liệu kim loại thô, cùng
với sự chỉ đạo, đôn đốc một Dự án, Nhà máy sản xuất kim loại đẩy nhanh tiến độ
tái cơ cấu đầu tư, cải tạo sửa chữa và đi vào sản xuất. Dự báo, trong Quý III
và Quý IV/2022 sẽ tăng trưởng hơn so với 6 tháng đầu năm và tăng trưởng mạnh so
với cùng kỳ năm 2021.
(Chi
tiết biểu số 04)
3. Khu vực
xây dựng
Dự báo tổng kế hoạch vốn đầu tư
toàn xã hội đạt 5.850 tỷ đồng, tăng 376 tỷ đồng (tăng 6,9%) so với năm 2021,
trong đó:
- Nguồn vốn ngân sách nhà nước
(nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý, nguồn vốn trung ương trên địa bàn, nguồn vốn
của doanh nghiệp nhà nước) đạt 2.850 tỷ đồng. Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022
của tỉnh được giao đến nay là 2.647 tỷ đồng, phấn đấu giải ngân ít nhất 90%
tương ứng 2.380 tỷ đồng; ngoài ra còn các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc
gia (dự kiến 607 tỷ đồng), chương trình phục hồi kinh tế (các dự án y tế dự kiến
53 tỷ đồng) và các nguồn vốn khác phấn đấu thực hiện, giải ngân trên 470 tỷ đồng.
Nguồn vốn sẽ tập trung giải ngân trong 3 quý cuối năm, sau khi các chủ đầu tư
thực hiện xong các thủ tục đầu tư và khi tỉnh được Trung ương giao các nguồn vốn
còn lại (CTMTQG, chương trình phục hồi kinh tế).
- Nguồn vốn dân cư và doanh nghiệp
đạt 3.000 tỷ đồng, nguồn vốn ngoài ngân sách tăng cao do nhu cầu đầu tư, mở rộng
sản xuất của doanh nghiệp và đầu tư dân cư cao do các chương trình, chính sách
phục hồi kinh tế của Chính phủ.
(Chi
tiết biểu số 05)
4. Khu vực
dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và
doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 6.300 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng trên
20% so với cùng kỳ năm 2021.
- Quý I, II, dịch vụ thương mại
ổn định trở lại, tăng dần do kiểm soát dịch bệnh, dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch
vụ lữ hành tăng.
- Quý III: Dự báo nền kinh tế
có bước phục hồi, các hoạt động thương mại, dịch vụ hoạt động trở lại, hoạt động
sản xuất được phục hồi và bước vào giai đoạn tăng trưởng, đặc biệt là các hàng
hóa phục vụ năm học mới. Dự báo tăng trưởng mạnh đối với tổng mức bán lẻ hàng
hóa và doanh thu dịch vụ so với thực hiện năm 2021.
- Quý IV: Đây là thời gian hoạt
động thương mại phát triển, thời điểm cận Tết Nguyên đán 2023 nên tổng mức bán
lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng hơn hẳn so với các quý trước.
(Chi
tiết biểu số 06)
III. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP
Các cấp, các ngành tiếp tục thực
hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội được nêu tại Quyết định số
50/QĐ-UBND ngày 14/01/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình hành động
thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh
năm 2022 và Quyết định số 441/QĐ-UBND về Chương trình hành động thực hiện Nghị
quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và
phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, trong đó giải pháp thực
hiện phát triển các khu vực kinh tế như sau:
1. Về sản
xuất nông, lâm nghiệp
Tiếp tục chuyển giao và ứng dụng
khoa học công nghệ, đặc biệt là các loại giống chất lượng cao, bảo quản giảm tổn
thất sau thu hoạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Đổi
mới phương thức và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo lao động nông nghiệp,
chuyển sang đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, thị trường
để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Gắn đào tạo nghề với chuyển
giao công nghệ mới và quy trình sản xuất mới cho nông dân. Tăng cường huy động
và khai thác nguồn lực đầu tư cho ứng dụng, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công
nghệ, biến khởi nghiệp sáng tạo là một trong những động lực đột phá đẩy nhanh
chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành.
Đổi mới và nhân rộng các hình
thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, trọng tâm là phát triển các hình thức
hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống
tiêu thụ, trong đó HTX giữ vai trò chủ đạo; đẩy mạnh phát triển các Hợp tác xã
nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức
nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao. Khuyến khích doanh nghiệp
đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục khuyến khích hình thành các tổ hợp
tác, trang trại liên kết với doanh nghiệp sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ
sản phẩm.
Triển khai các hoạt động xúc tiến
thương mại, quảng bá các sản phẩm OCOP, kết nối các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh;
đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, phát triển kinh doanh thương mại điện tử các sản
phẩm nông nghiệp thuộc 03 trục sản phẩm ngành hàng trên địa bàn tỉnh. Chủ động
xây dựng phương án tiêu thụ nông sản cho người dân, khắc phục tình trạng được
mùa, mất giá các nông sản chính như (bí thơm, cam, quýt, dong riềng, thịt lợn).
1.1. Trồng trọt:
Tiếp tục rà soát chuyển đổi cơ
cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường như lúa chất
lượng cao, trồng rau thâm canh tăng năng suất và xây dựng mô hình sản xuất rau ứng
dụng công nghệ cao, cây dược liệu; cải tạo trồng bổ sung, thâm canh tăng năng
suất cây ăn quả, cây chè mở rộng diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc
đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Phát triển các vùng sản xuất nông
nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi, đồng thời,
khuyến khích phát triển nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường ứng
dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến,
biện pháp thâm canh bền vững; giảm sử dụng các loại phân bón vô cơ, hóa chất bảo
vệ thực vật. Tiếp tục chuyển đất trồng lúa hiệu quả thấp sang các cây trồng
khác có thị trường và hiệu quả cao hơn.
Bám sát diễn biến thời tiết,
thông tin thị trường để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất (thời vụ gieo trồng,
cơ cấu và diện tích cây trồng), hạn chế tối đa thiệt hại do diễn biến bất thường
của thời tiết.
Tăng cường công tác dự báo, kiểm
soát và phòng chống dịch bệnh cây trồng; thực hiện các giải pháp đồng bộ quản
lý vật tư đầu vào, đặc biệt là giống cây trồng và phân bón,...
Hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, tổ
hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm,
nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đặc biệt đối với cây dong riềng, cây
chè, cây ăn quả và cây rau,...
1.2. Chăn nuôi, thủy sản
Khuyến khích phát triển chăn
nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh theo mô hình chăn nuôi trang trại nhỏ và vừa,
nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo hướng áp dụng kỹ thuật tiên tiến, có kiểm
soát. Tăng cường phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở triển khai những giải pháp
tăng cường hoạt động sản xuất, cung ứng đủ nhu cầu giống cho sản xuất; kiểm
soát giá giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, hỗ trợ người
dân tái đàn vật nuôi đạt kế hoạch giao. Kiểm soát tốt dịch bệnh cho gia súc,
gia cầm; tăng cường hoạt động kiểm dịch thú y, tổ chức kiểm soát ngăn chặn buôn
bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm, phòng trừ dịch bệnh, nhất là dịch tả
lợn Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò.
Xây dựng các mô hình nuôi trồng
thủy sản theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã để trao đổi thông tin, hỗ trợ sản
xuất, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả; phát triển hình thức nuôi cá
lồng tại một số diện tích mặt nước lớn như sông, hồ.
1.3. Lâm nghiệp
Quản lý, sử dụng bền vững, hiệu
quả diện tích rừng tự nhiên, kết hợp hoạt động bảo vệ, khai thác rừng với bảo tồn
đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Áp dụng mô hình nông
lâm kết hợp, phát triển dược liệu, khai thác lâm sản ngoài gỗ, phối hợp với hoạt
động du lịch sinh thái. Phát triển lâm nghiệp đa chức năng, trồng rừng gỗ lớn,
gỗ quý và lâm sản ngoài gỗ; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến;
phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ. Phát triển các vùng nguyên liệu tập
trung cho công nghiệp chế biến gỗ, ván nhân tạo.
Triển khai thực hiện tốt Luật
Lâm nghiệp, tăng cường chỉ đạo đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và
sử dụng rừng; phát huy hiệu lực, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm
thực hiện tốt Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng;
Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 15/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công
tác quản lý bảo vệ các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 10-CT/TU
ngày 24/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn về tăng cường công tác phòng
ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng
sản, lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn,
xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, không để xảy ra điểm nóng, phức
tạp trên địa bàn toàn tỉnh.
2. Về
Công nghiệp
- Tập trung phát triển công
nghiệp chế biến nông lâm sản gắn với tiềm năng, lợi thế địa phương. Trong đó tập
trung phát triển các ngành chế biến gỗ, chế biến dược liệu, chế biến nông sản,
thực phẩm. Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, máy móc,
thiết bị vào hoạt động sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả dự án, tối ưu hóa sử dụng
tiết kiệm nguyên, nhiên liệu và bảo vệ môi trường; triển khai thực hiện các giải
pháp về sản xuất, chế biến nông, lâm sản và dược liệu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
theo các kế hoạch của UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành.
- Tiếp tục phát triển công nghiệp
khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng gắn với công tác bảo
vệ môi trường; phát huy hiệu quả các dự án khai khoáng, sản xuất kim loại đã đầu
tư trên địa bàn tỉnh; tập trung nguồn quặng chì, kẽm khai thác tại các mỏ
khoáng sản để cung cấp cho các nhà máy sản xuất kim loại trên địa bàn tỉnh.
- Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đầu
tư xây dựng các dự án công nghiệp, các dự án đang thực hiện tái cơ cấu (của các
Nhà máy đang dừng hoạt động), dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công
nghiệp đang đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung hướng dẫn,
đôn đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thực hiện Dự án đầu tư xây
dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh từ nguồn vốn
đầu tư công theo Nghị quyết số 61/NQ- HĐND của HĐND tỉnh đảm bảo tiến độ, thời
gian và đúng quy định hiện hành. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, đôn đốc
các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao,
kịp thời tham mưu giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất công
nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường công tác xúc tiến
đầu tư, thu hút các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) đầu tư vào lĩnh vực
công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thu hút vốn xã hội
hóa đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp có tiềm năng trên địa bàn tỉnh để
có mặt bằng sạch phục vụ mời gọi các nhà đầu tư.
- Thực hiện tốt công tác tham
mưu thẩm định, cho ý kiến về các dự án, công trình đầu tư phát triển công nghiệp
trên địa bàn tỉnh; định hướng, mời gọi đầu tư các dự án công nghiệp theo định
hướng của tỉnh; tiếp tục tạo điều kiện và hỗ trợ các cơ sở sản xuất các sản phẩm
được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP nhằm
đẩy mạnh sản xuất, đổi mới công nghệ, duy trì chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao
bì, thương hiệu; phát triển sản phẩm gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá
trị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc
thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bắc Kạn đã được phê duyệt; theo
dõi quản lý, đầu tư phát triển và kinh doanh điện trên địa bàn tỉnh theo chức
năng nhiệm vụ; đôn đốc các nhà máy thuỷ điện đang vận hành trên địa bàn tỉnh Bắc
Kạn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; hướng dẫn các chủ đầu tư thực
hiện công tác đầu tư, xây dựng các công trình thủy điện đảm bảo đúng tiến độ
như đã cam kết với tỉnh.
- Tổ chức thực hiện tốt các đề
án khuyến công, tạo điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp
tác xã, cơ sở sản xuất nhằm xây dựng những đề án có tính khả thi cao, có hiệu
quả rõ rệt; lựa chọn các doanh nghiệp, hợp tác xã đủ năng lực tham gia sản xuất,
chế biến nông - lâm sản trên địa bàn tỉnh.
- Đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ
trợ và đồng hành cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã trong hoạt động khuyến công,
xúc tiến thương mại, việc triển khai các tiểu dự án hỗ trợ từ quỹ APIF.
3. Về quản
lý đầu tư xây dựng
* Đầu tư trong ngân sách
- Tổ chức thực hiện quyết liệt
để đạt mục tiêu đề ra; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ
đạo tổ chức thực hiện các dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư, công tác đền bù, giải
phóng mặt bằng đến khâu thực hiện dự án; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kiểm
tra, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự
án, nhất là các dự án sử dụng vốn NSTW; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cụ thể
hóa trách nhiệm đến từng cá nhân trong việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư
công. Chỉ thực hiện bố trí kế hoạch vốn năm 2022 cho các dự án hoàn thành việc
phê duyệt dự án chậm nhất hết quý II/2022.
- Chỉ đạo rà soát, xây dựng biểu
tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh (dự án nhóm B).
- Thực hiện điều chỉnh kế hoạch
vốn giữa các chủ đầu tư, các dự án đảm bảo tỷ lệ giải ngân.
* Đầu tư ngoài ngân sách
- Thực hiện rút ngắn tối đa thời
gian thẩm định dự án, tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho các đơn vị đảm bảo tiến độ
triển khai dự án; phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển
khai các dự án đầu tư đã được tỉnh phê duyệt: Tăng cường hỗ trợ, đẩy nhanh tiến
độ cho các dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp triển khai
các dự án đã được cấp/chấp thuận chủ trương đầu tư; phối hợp thực hiện nghiên cứu
đầu tư các dự án đang khảo sát đầu tư.
- Tăng cường kết nối, phối hợp
kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh.
- Triển khai các chính sách ưu
đãi về thuế, lãi suất theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
của Chính phủ.
4. Về dịch
vụ
- Thực hiện tốt mục tiêu phát
triển thị trường nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá; phát triển sản xuất hàng hoá
theo hướng tập trung đáp ứng nhu cầu của thị trường; tăng cường sự phối hợp đồng
bộ giữa các ngành chức năng và địa phương trong việc phát triển các loại hình
thương mại, dịch vụ; xây dựng hệ thống dịch vụ phân phối hàng hóa, cung ứng
theo chuỗi, liên kết chặt chẽ trong quá trình kinh doanh.
- Hỗ trợ xây dựng một số sản phẩm
nông sản chủ yếu của tỉnh đảm bảo đạt yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực
phẩm, bao bì, nhãn mác để tham gia vào mạng lưới bán lẻ hiện đại và phục vụ xuất
khẩu.
- Đổi mới và tăng cường thực hiện
các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm công
nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông - lâm sản; tổ chức 01
sự kiện xúc tiến thương mại quy mô lớn ngoài tỉnh.
- Đẩy mạnh công tác thông tin,
tuyên truyền, kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các nền tảng công nghệ số và
trên môi trường mạng; từng bước xây dựng số hóa và cập nhập thường xuyên dữ liệu
cung và cầu hàng hóa; tiếp tục quản lý, vận hành có hiệu quả Website giao dịch
điện tử ngành Công Thương.
- Chú trọng, đồng thời vận động
doanh nghiệp tăng cường liên kết, liên doanh đầu tư, chuyển giao công nghệ, đầu
tư thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm, công bố chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao
chất lượng, giá trị sản phẩm.
- Tăng cường các biện pháp hỗ
trợ, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về định hướng xuất khẩu, thị trường
xuất khẩu, sản phẩm xuất khẩu; phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực
hiện các nhiệm vụ theo Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu
của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
- Triển khai kế hoạch, lộ trình
mở cửa an toàn, khoa học, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế theo Công điện số
513/CĐ-VPCP ngày 19/01/2022 của Văn phòng Chính phủ và Phương án số
829/PA-BVHTTDL ngày 15/3/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về mở cửa lại
các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Tăng cường thực hiện các
hoạt động xúc tiến đầu tư.
- Các đơn vị, địa phương thực
hiện tốt công tác quản lý thu, chi ngân sách. Triển khai Đề án quản lý thuế đối
với hoạt động khoáng sản; Chỉ thị đối với cơ sở chế biến gỗ; quản lý chống thất
thu đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản theo chỉ đạo của Trung ương;
chống thất thu hoạt động bán hàng qua mạng, thương mại điện tử; rà soát đẩy
nhanh tiến độ đấu giá thu tiền sử dụng đất,...
- Các chi nhánh tổ chức tín dụng
trên địa bàn tiếp tục nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh; tích cực huy động
vốn, mở rộng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt
là các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận
nguồn vốn tín dụng theo quy định của pháp luật.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
Các Sở, ban, ngành, địa phương
chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã giao tại Quyết định số 50/QĐ-UBND
ngày 14/01/2022 của UBND tỉnh và các nhiệm vụ khác được giao tại các Thông báo,
Công văn chỉ đạo của UBND tỉnh, trong đó:
1. Sở Kế
hoạch và Đầu tư chủ trì:
- Tham mưu thực hiện kế hoạch
phát triển kinh tế theo Quyết định số 2388/QĐ-UBND ngày 10/12/2020, Quyết định
số 50/QĐ-UBND ngày 14/01/2022 của UBND tỉnh; Quyết định số 441/QĐ-UBND của UBND
tỉnh; chủ trì theo dõi thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện kịch bản tăng trưởng
kinh tế hàng quý năm 2022.
- Thực hiện các giải pháp cải
thiện, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh
tranh cấp tỉnh theo Kế hoạch số 800/KH- UBND ngày 27/12/2021 của UBND tỉnh và Kế
hoạch số 41/KH-UBND ngày 26/01/2022 của UBND tỉnh.
- Tăng cường công tác xúc tiến
đầu tư; hỗ trợ, giải quyết khó khăn của từng dự án đã được cấp/chấp thuận chủ
trương đầu tư và các dự án đang thực hiện nghiên cứu khảo sát.
- Tham mưu triển khai thực hiện
kế hoạch đầu tư công năm 2022; chủ trì tham mưu thực hiện các Chương trình mục
tiêu quốc gia năm 2022; tham mưu các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và
quản lý đầu tư công; đẩy mạnh giải ngân vốn xây dựng cơ bản, tiến độ thực hiện
các dự án.
2. Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì:
- Tham mưu thực hiện thực hiện
Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 22/4/2021 của Tỉnh ủy và Đề án cơ cấu lại ngành
nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền
vững giai đoạn 2020-2025.
- Tham mưu thực hiện Nghị quyết
của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp
hàng hóa, hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh
Bắc Kạn.
3. Sở
Công Thương chủ trì:
- Thực hiện các giải pháp hỗ trợ,
tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động ổn định các dự án,
nhà máy công nghiệp hiện có; đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án công
nghiệp đang thực hiện đầu tư xây dựng: Nam Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn; Chu Hương,
huyện Ba Bể; Vằng Mười, huyện Na Rì; Quảng Chu huyện Chợ Mới, Cẩm Giàng, huyện
Bạch Thông.
- Thực hiện các chương trình
xúc tiến thương mại theo Quyết định số 545/QĐ-UBND ngày 26/04/2021 của UBND tỉnh
về việc phê duyệt Kế hoạch Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 -
2025.
4. Sở Tài
chính chủ trì: Tham mưu triển khai thực hiện đúng các quy định
trong quản lý ngân sách theo Luật Ngân sách và các chỉ đạo của Trung ương, của
tỉnh; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; tham mưu thực hiện
Quyết định số 128/QĐ-UBND ngày 26/01/2022 về việc ban hành Chương trình hành động
về nâng cao hiệu quả quản lý tài chính - ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2022.
5. Cục Thuế
tỉnh chủ trì: Thực hiện các giải pháp quản lý thuế, chống thất
thu ngân sách nhà nước theo Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 25/02/2022 của UBND tỉnh;
thực hiện các giải pháp bù đắp thiếu hụt thu do thực hiện các chính sách của
trung ương
6. Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì: Tham mưu thực hiện Kế hoạch số
149/KH-UBND ngày 10/3/2022 về phục hồi, phát triển du lịch Bắc Kạn đảm bảo an
toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
7. UBND các
huyện, thành phố:
- Triển khai thực hiện tốt
Phương án sản xuất vụ xuân, vụ mùa năm 2022 và vụ Đông Xuân 2022-2023 đảm bảo
hiệu quả, theo kế hoạch. Phối hợp, hỗ trợ kết nối thị trường hàng hóa, tiêu thụ
sản phẩm. Triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ
phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực
kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến người dân.
- Thực hiện chức năng quản lý
nhà nước tại địa phương đối với các dự án đầu tư trên địa bàn; theo dõi, giám
sát việc thực hiện các dự án đầu tư; tổ chức thực hiện tốt công tác giải phóng
mặt bằng để thực hiện các dự án theo đúng tiến độ; hỗ trợ các nhà đầu tư thực
hiện các thủ tục để triển khai các dự án đầu tư (tham vấn cộng đồng, đăng ký kế
hoạch sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch…).
- Chỉ đạo quyết liệt công tác
giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2022, nhất là công
tác chuẩn bị và thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia.
- Triển khai các giải pháp quản
lý thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; điều hành chi ngân
sách theo tiến độ thu trong phạm vi dự toán giao, chi ngân sách đảm bảo tiết kiệm,
chống lãng phí.
8. Các chủ
đầu tư: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu
tư xây dựng cơ bản, nhất là các dự án trọng điểm và các dự án ODA.