ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 53/2024/QĐ-UBND
|
Vĩnh Long, ngày 24 tháng 12 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN CỔ ĐỘNG
TRỰC QUAN VÀ QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn
cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn
cứ Luật Quảng cáo ngày 21 tháng 6 năm 2012;
Căn
cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn
cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18
tháng 6 năm 2020;
Căn
cứ Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo;
Căn
cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định
về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn
cứ Thông tư số 10/2013/TT-BVHTTDL ngày 06 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số
điều của Luật Quảng cáo và Nghị định 181/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013
của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo;
Căn
cứ Thông tư số 04/2018/TT-BXD ngày 20 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Xây
dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện
quảng cáo ngoài trời;
Theo
đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều
1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy
định quản lý hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan và quảng cáo ngoài trời
trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Điều
2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ
ngày 10 tháng 01 năm 2025.
Điều
3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị;
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ VHTT&DL;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh và các đoàn thể tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ban VHXH-HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Báo Vĩnh Long, Đài PT-TH Vĩnh Long,
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Phòng VH-XH, KT-NV, TH;
- Lưu: VT, 01.VHXH.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thị Quyên Thanh
|
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN CỔ ĐỘNG TRỰC QUAN VÀ QUẢNG
CÁO NGOÀI TRỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 53/2024/QĐ-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2024
của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)
Chương
I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy
định này quy định nguyên tắc quản lý; các hoạt động tuyên truyền cổ động trực
quan, quảng cáo ngoài trời và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá
nhân có liên quan đến hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan và quảng cáo
ngoài trời trên địa bàn tỉnh.
Điều
2. Đối tượng áp dụng
Quy
định này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị có liên quan trong quản lý các hoạt
động tuyên truyền cổ động trực quan và quảng cáo ngoài trời; tổ chức, cá nhân
tham gia hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan, quảng cáo ngoài trời và các
cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động tuyên truyền
cổ động trực quan, quảng cáo ngoài trời.
Điều
3. Giải thích từ ngữ
Một
số từ ngữ trong Quy định này được hiểu như sau:
1. Tuyên
truyền cổ động trực quan là hoạt động sử dụng phương pháp/phương tiện/hình
thức tác động trực tiếp, chủ yếu vào mắt (thị giác) của con người để đưa thông
tin là chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các
sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội đến công chúng nhằm thu hút người xem, dẫn
dắt suy nghĩ và hành động của họ theo định hướng trong một thời điểm nhất định.
2. Quảng
cáo ngoài trời là một hình thức quảng cáo trực quan nhằm tác động đến người
tiêu dùng khi họ bước chân ra khỏi ngôi nhà của mình (quảng cáo xuất hiện trên
đường, phố và các địa điểm công cộng).
3. Cổng
chào là công trình xây dựng tạm thời, hình thức như cái cổng lớn, dựng trên
đường phố, có trang trí cờ hoa làm lối đi mang tính nghi thức chào mừng.
4. Thiết
kế chiếu sáng công cộng là hệ thống đèn chiếu sáng (bao gồm cả hệ thống đèn
trang trí, chiếu sáng các công trình kiến trúc) phục vụ nhu cầu sinh hoạt và
tạo sự an toàn, an ninh trên đường, phố, trong cộng đồng dân cư, kết hợp tính
thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật, tạo dựng vẻ đẹp cho không gian vào ban đêm.
5. Mái
nhà là bộ phận bao che và chịu lực ở trên cùng của ngôi nhà.
6. Mặt
trước công trình, nhà ở là mặt chính của công trình, nhà ở có lối vào tiếp
giáp với lối đi lại của khu vực, gắn với số nhà và được công nhận tại các giấy
tờ có giá trị pháp lý.
7. Mặt
tường bên công trình, nhà ở là các mặt nhà tiếp giáp với mặt tiền và mặt
sau của công trình, nhà ở.
8. Khu
vực khuôn viên là ranh giới được thể hiện tại giấy tờ hợp pháp về quyền sử
dụng đất.
9. Bảng
quảng cáo tấm lớn là bảng quảng cáo có diện tích một mặt từ 40m² trở lên.
10. Bảng
quảng cáo tấm nhỏ là bảng quảng cáo có diện tích một mặt dưới 40m².
11. Biển
chỉ dẫn là tấm biển để chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần biết nhằm thông
báo cho những người đi đường biết những định hướng cần thiết hoặc những điều có
ích khác, đồng thời có tác dụng giúp cho việc điều khiển và hướng dẫn giao
thông trên đường được thuận lợi, đảm bảo an toàn chuyển động.
12. Biển
hộp đèn (hay còn có tên gọi khác là lightbox) là loại hộp được sử dụng để
quảng cáo, truyền tải thông điệp của cá nhân, tổ chức bằng cách sử dụng đèn từ
phía bên trong để chiếu sáng hình ảnh, thông điệp quảng cáo.
13. Bảng
tin là vật dạng mặt phẳng thể hiện chữ viết, hình ảnh nhằm truyền tải thông
điệp của tổ chức, cá nhân.
Điều
4. Nguyên tắc quản lý đối với hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan và quảng
cáo ngoài trời
1.
Hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan và quảng cáo ngoài trời phải tuân theo
quy định của Luật Quảng cáo và quy định của pháp luật khác có liên quan.
2.
Đảm bảo mỹ quan, phù hợp với quy hoạch của tỉnh về sử dụng đất, xây dựng, giao
thông và các nội dung liên quan.
3. Ưu
tiên cho các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và địa
phương.
Chương
II
TUYÊN TRUYỀN CỔ ĐỘNG TRỰC QUAN
Điều
5. Phương tiện, hình thức tuyên truyền cổ động trực quan
1.
Tuyên truyền cổ động trực quan bằng phương tiện, hình thức treo Đảng kỳ, Quốc
kỳ, cờ hội, cờ tôn giáo.
a)
Đảng kỳ, Quốc kỳ được treo ngoài trời vào dịp các ngày lễ lớn, sự kiện chính
trị, Tết cổ truyền của dân tộc và theo thông báo của Trung ương và Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (gọi tắt là Ủy ban nhân dân các cấp).
b)
Quốc kỳ được treo và mang đi ở những nơi có tổ chức mít tinh, diễu hành, động
viên quần chúng, phát động thi đua sản xuất và theo sự chỉ đạo của cấp có thẩm
quyền. Thời gian bắt đầu và kết thúc treo cờ thực hiện theo thông báo của Trung
ương và Ủy ban nhân dân các cấp.
c)
Các cơ quan Nhà nước, các nhà trường, các đơn vị vũ trang phải có cột cờ và
treo Đảng kỳ, Quốc kỳ trước công sở, hoặc nơi trang trọng trước cửa cơ quan,
Đảng kỳ, Quốc kỳ phải đúng tiêu chuẩn về kích thước, màu sắc theo quy định.
d) Cờ
hội, cờ tôn giáo chỉ được treo tại địa điểm lễ hội và trong thời gian tổ chức
lễ hội. Trong khu vực lễ hội, Quốc kỳ phải được treo nơi trang trọng, cao hơn
cờ hội, cờ tôn giáo.
2.
Tuyên truyền bằng phương tiện bảng một mặt, hai mặt, nhiều mặt, bảng nan lật,
dạng chữ, hình, biểu tượng có nội dung tuyên truyền nhiệm vụ chính trị và phong
trào của ngành, đoàn thể; tùy từng vị trí cụ thể theo quy hoạch có thiết kế
hình dáng, kết cấu, chiều cao, chiều rộng phù hợp với không gian, cảnh quan, an
toàn giao thông, lưới điện và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3.
Tuyên truyền bằng phương tiện treo băng rôn ngang, băng rôn dọc
a)
Đối với việc tuyên truyền nhiệm vụ chính trị: Tuyên truyền chủ trương, đường
lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; các ngày lễ lớn của đất nước,
của địa phương; các sự kiện trọng đại của đất nước, địa phương; các chương
trình mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội - quốc phòng - an ninh của
đất nước, của địa phương thống nhất sử dụng nền đỏ, chữ vàng (giống màu cờ Tổ
quốc).
b)
Đối với tuyên truyền nhiệm vụ mang tính chất phong trào của các ngành, đoàn
thể: Tuyên truyền bảo vệ môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, thanh niên tình
nguyện, phong trào văn hóa, văn nghệ, vấn đề an sinh xã hội... dùng màu nền
trắng hoặc xanh dương, xanh lá; chữ màu xanh hoặc trắng, vàng, đỏ.
c)
Câu, chữ in trên băng rôn phải là chữ in hoa có dấu, không cách điệu, thời gian
treo không quá 15 ngày (trừ trường hợp có quy định khác). Biểu trưng, lô-gô,
nhãn hiệu (nếu có) đặt ở bên phải của băng rôn ngang và phía dưới của băng rôn
dọc; diện tích thể hiện của biểu trưng, lô-gô, nhãn hiệu không quá 20% diện
tích của băng rôn.
d)
Kích thước, vị trí treo đối với băng rôn ngang: Chiều rộng 0,8m đến 1m; chiều
dài theo kích thước thực tế của các tuyến đường, phố để đảm bảo mỹ quan đô thị
(kích thước chuẩn là 1m x 5m). Vị trí treo trên cột chuyên dùng hoặc vị trí phù
hợp ở các tuyến đường, phố theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chất liệu của băng rôn bằng bạt hiflex, vải hoặc chất liệu tương đương và phải
có suốt hai đầu.
đ)
Kích thước, vị trí treo đối với băng rôn dọc: Chiều rộng từ 0,6m đến 0,8m;
chiều dài từ 1,5m đến 2,5m (kích thước chuẩn là 0,8m x 2,5m). Vị trí treo tại
các trụ đèn chiếu sáng ở hai bên đường, phố hoặc cột chuyên dụng theo quy hoạch
đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Băng rôn dọc khuyến khích đóng trong giá
khung hoặc treo trên giá đỡ; giá đỡ phải được thiết kế bằng vật liệu không rỉ,
liên kết chắc chắn bên trên và bên dưới băng rôn với thân cột đèn, cột chuyên
dụng.
e)
Mẫu thiết kế, thời gian, địa điểm tuyên truyền bằng phương tiện treo băng rôn
ngang, băng rôn dọc của các ngành, đoàn thể cần được thông báo đến Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch ít nhất 5 ngày trước khi thực hiện để được bố trí ưu tiên
tuyến đường phù hợp, tránh trùng lắp thời gian, địa điểm treo với quảng cáo
thương mại.
4.
Tuyên truyền cổ động trực quan bằng bảng tin
a) Vị
trí: Tại các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp, khu dân cư; khu vực có vị trí
thuận lợi nhất của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã; Trung tâm Văn hóa - Thể
thao phường, thị trấn; Nhà Văn hóa - Khu Thể thao ấp, khóm, khu.
b)
Hình thức, kiểu dáng: Bảng đứng độc lập.
c)
Kích thước, diện tích: 3m (dài) x 2m (cao) hoặc tùy theo vị trí nhưng diện tích
không quá 20m²; chiều cao của bảng tin thiết kế phù hợp với địa hình.
5.
Tuyên truyền cổ động trực quan bằng Bảng hộp đèn
a) Vị
trí: Tại các dải phân cách trên các tuyến đường, phố; vị trí phải có sự thống
nhất của các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
(gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) và cơ quan quản lý đường bộ Trung ương
tại địa phương (nếu cần thiết).
b)
Hình thức: Bảng hộp đèn đồng nhất về kiểu dáng trên cùng một tuyến đường, phố.
c)
Phải tuân thủ yêu cầu kỹ thuật theo quy định và theo quy hoạch đã được duyệt.
6.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tuyên truyền cổ động trực quan có gắn
loa trên phương tiện giao thông phải có thông báo bằng văn bản gửi về Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân cấp huyện, trong đó ghi rõ nội dung
tuyên truyền cổ động, lộ trình và thời gian thực hiện, ma-ket (nếu có).
7.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tuyên truyền cổ động trực quan bằng tổ
chức đoàn người (mít tinh, diễu hành), tổ chức triển lãm, hội chợ, sự kiện,
thông qua vật thể trên địa bàn tỉnh phải có thông báo bằng văn bản gửi về Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân cấp huyện trong đó ghi rõ nội
dung tuyên truyền cổ động, lộ trình và thời gian thực hiện, ma-ket (nếu có).
8.
Tuyên truyền cổ động trực quan bằng dựng cổng chào thực hiện theo Luật Xây dựng
ngày 18 tháng 6 năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng
ngày 17 tháng 6 năm 2020; Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021
của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công
công trình xây dựng và bảo trì công trình xây dựng và phải đảm bảo yêu cầu sau:
a)
Phù hợp với yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định của pháp luật
có liên quan.
b)
Bảo đảm tính đồng bộ, tính khả thi của hệ thống tiêu chuẩn được áp dụng.
9.
Tuyên truyền cổ động trực quan bằng thiết kế chiếu sáng thực hiện theo Nghị
định số 79/2009/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ về quản lý chiếu
sáng đô thị; Quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 11 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng
Chính phủ về phê duyệt định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm
2025 và phải đảm bảo yêu cầu sau:
a)
Giải pháp chiếu sáng không gian công cộng phải góp phần tăng tính thẩm mỹ, kết
hợp hài hòa giữa các yếu tố cảnh quan như cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa, mặt nước
với các công trình kiến trúc, tượng đài, đài phun nước và các công trình khác.
b)
Việc xây dựng, lắp đặt các công trình chiếu sáng phải thực hiện theo đúng thiết
kế đã được phê duyệt, trong quá trình thi công phải bảo đảm an toàn, thuận tiện
và tuân thủ các quy định về quản lý xây dựng công trình.
c)
Công tác duy trì, bảo dưỡng phải bảo đảm cho hệ thống chiếu sáng hoạt động ổn
định; đạt hiệu quả chiếu sáng cao, tiết kiệm điện và an toàn cho người quản lý,
vận hành và sử dụng.
d)
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, quản lý vận hành hệ thống
chiếu sáng công cộng với các hình thức khác nhau theo quy định hiện hành.
Điều
6. Khu vực ưu tiên tuyên truyền cổ động trực quan
1.
Khu vực trung tâm chính trị, hành chính của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố.
2.
Một số điểm nút giao thông quan trọng.
3.
Khu vực trung tâm văn hóa, khu vực vui chơi giải trí của tỉnh, huyện, thị xã,
thành phố.
4.
Tại các điểm ranh giới hành chính tiếp giáp giữa các huyện, thị xã, thành phố.
5.
Điểm giáp ranh giữa tỉnh Vĩnh Long với các tỉnh, thành phố liền kề: Tiền Giang,
Cần Thơ, Bến Tre, Trà Vinh và Đồng Tháp.
Chương
III
KHU VỰC CẤM QUẢNG CÁO, KHU VỰC HẠN CHẾ
QUẢNG CÁO, HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO ĐƯỢC KHUYẾN KHÍCH VÀ SẢN PHẨM, HÀNG HÓA HẠN CHẾ
QUẢNG CÁO
Điều
7. Địa điểm, khu vực cấm quảng cáo
1.
Khu vực bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa; hành lang an toàn giao thông, đê điều,
lưới điện quốc gia; trụ sở cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp; doanh trại quân đội,
trụ sở cơ quan công an; trụ sở các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước
ngoài trên địa bàn tỉnh; khuôn viên nơi đặt tượng đài, bia tưởng niệm, đình,
đền, miếu; các cơ sở tôn giáo; nghĩa trang; địa điểm dành riêng cho việc tuyên
truyền cổ động chính trị.
2.
Quảng cáo giăng ngang qua đường giao thông.
3.
Nơi che khuất đèn tín hiệu giao thông, bảng chỉ dẫn công cộng.
4.
Phát tờ rơi quảng cáo tại các giao lộ, vòng xoay, nơi công cộng.
Điều
8. Địa điểm, khu vực hạn chế quảng cáo
1.
Trên các công trình xây dựng băng ngang qua đường giao thông (cổng chào, trạm
thu phí, bảng chỉ dẫn giao thông).
2.
Bên trong vòng xoay các giao lộ; mặt đường giao thông; trong hành lang an toàn
đối với cầu, đường cao tốc, đất của đường bộ khu vực ngoài đô thị (trừ trường
hợp có thỏa thuận với đơn vị quản lý của ngành Giao thông vận tải và phù hợp
với Quy hoạch quảng cáo ngoài trời của địa phương).
3.
Mặt tiền và hai mặt tường bên (phải, trái) công trình các chợ có thiết kế hệ
thống cửa sổ, ô lấy ánh sáng và thông gió.
Điều
9. Sản phẩm, hàng hóa hạn chế quảng cáo
1.
Bao cao su được quảng cáo trong chương trình biểu diễn nghệ thuật tuyên truyền
phòng, chống HIV/AIDS và tuyên truyền cho chương trình sức khỏe, sinh sản.
2.
Băng vệ sinh, dung dịch vệ sinh phụ nữ, thiết bị dành cho nhà vệ sinh (bồn cầu)
không quảng cáo trong chương trình biểu diễn nghệ thuật, hoạt động thể thao,
vui chơi giải trí; nếu quảng cáo ngoài trời thì chỉ được thực hiện tại khuôn
viên trung tâm thương mại, siêu thị, không quảng cáo các sản phẩm trên tại các
khu vực trung tâm hành chính, trung tâm đô thị.
3.
Quảng cáo nội y trên ma-nơ-canh (búp bê người mẫu) chỉ được quảng cáo trong
phạm vi cơ sở sản xuất, phía trong các cửa hàng thời trang.
Điều
10. Những hoạt động quảng cáo được khuyến khích
1.
Quảng cáo theo phương thức xã hội hóa kết hợp quảng cáo thương mại với tuyên
truyền cổ động trực quan trên các phương tiện quảng cáo ngoài trời.
2.
Quảng cáo các hoạt động du lịch và sản phẩm du lịch của tỉnh; hoạt động quảng
cáo tại địa bàn nông thôn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
3.
Quảng cáo giới thiệu, quảng bá di tích lịch sử văn hóa của tỉnh.
4.
Quảng cáo bằng các phương tiện có công nghệ hiện đại, vật liệu bền, an toàn,
thân thiện với môi trường; hình thức sinh động, hấp dẫn, sản phẩm quảng cáo có
tính an toàn xã hội cao.
5.
Nội dung quảng cáo có hàm ý tuyên truyền bản sắc văn hóa dân tộc, tôn vinh đất
nước, con người Việt Nam.
Chương
IV
HÌNH THỨC, PHƯƠNG TIỆN QUẢNG CÁO NGOÀI
TRỜI
Điều
11. Quảng cáo trên bảng quảng cáo tấm lớn, tấm nhỏ, hộp đèn
1.
Tuân theo các quy định tại Điều 27 Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 và mục 2.2.1
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài
trời ban hành kèm theo Thông tư số 04/2018/TT-BXD ngày 20 tháng 6 năm 2018 của
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp
đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời và Quy hoạch quảng cáo ngoài trên địa bàn
tỉnh Vĩnh Long.
2.
Tùy thuộc quy mô, địa điểm xây dựng công trình quảng cáo đứng độc lập phải tuân
thủ các quy định về chỉ giới xây dựng; đảm bảo an toàn cho công trình và các
công trình lân cận, đảm bảo về bảo vệ môi trường, độ thông thủy, phòng cháy
chữa cháy, hạ tầng kỹ thuật (giao thông, điện nước, viễn thông), hành lang bảo
vệ công trình thủy lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hóa, di
tích lịch sử văn hóa và khoảng cách đến các công trình dễ cháy nổ, độc hại, các
công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Điều
12. Quảng cáo trên băng rôn ngang, băng rôn dọc
1.
Quảng cáo trên băng rôn ngang, băng rôn dọc phải tuân thủ quy định tại Điều 27
Luật Quảng cáo.
2.
Treo băng rôn ngang quảng cáo phải đảm bảo các yêu cầu sau:
a)
Kích thước: Chiều rộng 0,8m đến 1m; chiều dài 5m đến 6m (kích thước chuẩn là 1m
x 5m).
b)
Chiều cao: Tính từ mặt đường đến cạnh đáy của băng rôn tối thiểu là 3,5m.
c)
Thời hạn treo: Tối đa 15 ngày.
3.
Treo băng rôn dọc quảng cáo phải đảm bảo các yêu cầu sau:
a)
Hình thức, kích thước: Chiều rộng từ 0,6m đến 0,8m; chiều dài từ 1,5m đến 2,5m
(kích thước chuẩn là 0,8m x 2,5m).
b)
Chiều cao: Từ mặt lề đường đến cạnh đáy băng rôn tối thiểu là 1,2m;
c)
Thời hạn treo: Tối đa 15 ngày.
4. Tổ
chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện quảng cáo trên băng rôn ngang, băng rôn dọc
phải thực hiện thủ tục thông báo quảng cáo với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
đồng thời liên hệ Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện để được hướng dẫn vị trí
treo phù hợp với quy hoạch của địa phương, đảm bảo an toàn và cảnh quan đô thị.
5.
Quảng cáo trên băng rôn ngang, băng rôn dọc có nội dung tuyên truyền, cổ động
chính trị, chính sách xã hội thực hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 27 Luật
Quảng cáo và phải có ý kiến thống nhất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Điều
13. Quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo
Tuân
theo các quy định tại Điều 28 Luật Quảng cáo và mục 2.2.2 Quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời ban hành kèm
theo Thông tư số 04/2018/TT-BXD và Quy hoạch quảng cáo ngoài trên địa bàn tỉnh
Vĩnh Long.
Điều
14. Quảng cáo trên phương tiện giao thông
Việc
quảng cáo trên phương tiện giao thông phải thực hiện theo quy định tại Điều 32
của Luật Quảng cáo và pháp luật về giao thông.
Điều
15. Quảng cáo bằng loa phóng thanh và hình thức tương tự
Việc
Quảng cáo bằng loa phóng thanh và hình thức tương tự phải thực hiện theo quy
định tại Điều 33 của Luật Quảng cáo và tuân thủ các quy định của pháp luật về
môi trường.
Điều
16. Biển hiệu
1.
Việc thực hiện biển hiệu phải tuân thủ quy định tại Điều 34 Luật Quảng cáo và
mục 2.2.3 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng
cáo ngoài trời ban hành kèm theo Thông tư số 04/2018/TT-BXD .
2.
Trên tuyến đường khu vực nội thành, nội thị, mỗi cơ sở kinh doanh được đặt một
biển hiệu ngang. Trên tuyến đường khu vực ngoại thành, mỗi cơ sở kinh doanh
được đặt một biển hiệu ngang hoặc một biển hiệu dọc.
3.
Không thực hiện các biển hiệu có chân đứng đặt trên lề đường, vỉa hè gây ảnh
hưởng an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Điều
17. Quảng cáo phục vụ chương trình biểu diễn nghệ thuật và tổ chức các sự kiện
về văn hóa, thể thao và du lịch
Việc
Quảng cáo phục vụ chương trình biểu diễn nghệ thuật và tổ chức các sự kiện về
văn hóa, thể thao và du lịch phải thực hiện theo quy định tại Điều 35 của Luật
Quảng cáo và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều
18. Đoàn người thực hiện quảng cáo
Đoàn
người thực hiện quảng cáo phải thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Luật
Quảng cáo; Đảm bảo đúng thời gian và lộ trình theo quy định, bảo đảm trật tự an
toàn giao thông, an toàn xã hội, tuân thủ pháp luật về hoạt động quảng cáo và
quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều
19. Quảng cáo trên dải phân cách của đường đô thị
1.
Quảng cáo tại dải phân cách của đường đô thị phải đảm bảo mỹ quan, không ảnh
hưởng đến các quy chuẩn về giao thông và xây dựng; thực hiện thống nhất mẫu
quảng cáo trên cùng một tuyến đường theo quy hoạch quảng cáo được phê duyệt.
2.
Hình thức: Hộp đèn quảng cáo đứng độc lập.
3.
Yêu cầu kỹ thuật: Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp đặt
phương tiện quảng cáo ngoài trời ban hành kèm theo Thông tư số 04/2018/TT-BXD .
4.
Việc lắp đặt các công trình quảng cáo, tuyên truyền trên đất dành cho đường bộ
phải có ý kiến của cơ quan quản lý đường bộ theo quy định hiện hành.
Điều
20. Quảng cáo tại nhà chờ xe buýt, trạm trung chuyển xe buýt, trạm rút tiền tự
động của ngân hàng (trạm ATM)
1.
Không quảng cáo trên nóc nhà chờ xe buýt; không đặt bảng quảng cáo đứng độc lập
trong khu nhà chờ xe buýt, trạm trung chuyển xe buýt.
2.
Được thực hiện quảng cáo trong phạm vi nhà chờ xe buýt, trạm trung chuyển xe
buýt và phải được bố trí đồng bộ với hạ tầng nhà chờ, trạm trung chuyển xe
buýt. Biển quảng cáo không gây ảnh hưởng tới vị trí đứng, ngồi của người dân
đón xe buýt cũng như tầm nhìn đón, trả khách của xe buýt.
3.
Phía ngoài trạm ATM được quảng cáo tên gọi, tên viết tắt, nhãn hiệu của ngân
hàng là chủ sở hữu máy. Mọi dịch vụ của ngân hàng chỉ được quảng cáo bên trong
trạm, đảm bảo mỹ quan đô thị.
Chương
V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều
21. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về
thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trên địa bàn tỉnh,
có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
1.
Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh
trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
2. Tổ
chức, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về quảng cáo và thực hiện
Quy định về tuyên truyền cổ động trực quan và quảng cáo ngoài trời trên địa bàn
tỉnh.
3.
Tiếp nhận và xử lý hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đối với các loại hình
quảng cáo ngoài trời phải thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo.
4.
Chủ trì thẩm định các đề nghị tuyên truyền theo hình thức xã hội hóa kết hợp
quảng cáo cho nhà tài trợ trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
5.
Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về hoạt động
quảng cáo theo quy định của pháp luật.
6.
Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã,
thành phố về công tác quản lý nhà nước hoạt động quảng cáo tại địa phương.
7. Tổ
chức tập huấn về nghiệp vụ quản lý trong hoạt động quảng cáo.
8.
Theo dõi, tổng hợp báo cáo định kỳ việc quản lý hoạt động quảng cáo trên địa
bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
9.
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện thực
hiện xây dựng quy hoạch chi tiết tuyên truyền cổ động trực quan và quảng cáo
ngoài trời; tuyên truyền phổ biến và tổ chức hướng dẫn thực hiện các quy định
của pháp luật về hoạt động quảng cáo.
10.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền ở địa phương tổ chức
việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm thực
hiện quảng cáo theo thẩm quyền.
11.
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo định kỳ việc quản lý hoạt động quảng cáo
trên địa bàn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 31 tháng 12 hàng
năm và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
12.
Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và phân công của Ủy ban
nhân dân tỉnh.
Điều
22. Sở Xây dựng
1.
Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc xây dựng, điều chỉnh quy
hoạch quảng cáo trên địa bàn tỉnh.
2.
Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông vận tải và Ủy ban nhân
dân cấp huyện xác định vị trí đối với việc lắp đặt công trình quảng cáo trong
công viên, địa điểm lắp đặt giá treo băng rôn tại trụ đèn chiếu sáng công cộng
thuộc địa bàn được phân công nhiệm vụ quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh.
3.
Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về xây dựng công trình quảng cáo ngoài trời
trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền.
Điều
23. Sở Giao thông vận tải
1.
Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy
hoạch quảng cáo trên địa bàn tỉnh; Xác định việc quảng cáo tại cầu vượt, đường
hầm dành cho người đi bộ, nhà chờ xe buýt, trạm trung chuyển xe buýt, dải phân
cách, bến xe, bãi đỗ xe.
2.
Thanh tra, kiểm tra xử lý sai phạm về quy định chuyên ngành giao thông vận tải
đối với bảng quảng cáo theo thẩm quyền.
Điều
24. Sở Kế hoạch và Đầu tư
1.
Tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trương đầu tư các dự án quảng cáo, dự
án quảng cáo xã hội hóa theo quy định của Luật Quảng cáo, Luật Đầu tư và Luật
Đất đai.
2.
Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phổ biến quy định của pháp luật về
viết, đặt biển hiệu cho các tổ chức khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Điều
25. Sở Công Thương
1. Có
ý kiến về nội dung quảng cáo đối với quảng cáo thương mại, quảng cáo các sản
phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực do Sở Công Thương quản lý cho
cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo khi được yêu cầu.
2.
Phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về nội dung quảng cáo thuộc lĩnh
vực quản lý theo thẩm quyền.
Điều
26. Sở Tài nguyên và Môi trường
1.
Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều chỉnh, bổ sung quy hoạch
quảng cáo trên địa bàn tỉnh.
2.
Phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo thẩm
quyền; tham mưu bố trí đất để xây dựng hệ thống tuyên truyền trực quan, quảng
cáo ngoài trời theo nội dung quy hoạch; chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc cho
thuê đất để dựng, lắp đặt công trình tuyên truyền chính trị, công trình quảng
cáo theo quy định của pháp luật.
3.
Phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai, môi trường của công
trình quảng cáo theo thẩm quyền.
Điều
27. Sở Thông tin và Truyền thông
1.
Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về hành vi treo, đặt, dán, vẽ,
rao vặt các sản phẩm quảng cáo; hướng dẫn các cơ quan báo chí của tỉnh tăng cường
tuyên truyền, phổ biến Quy định về tuyên truyền cổ động trực quan và quảng cáo
ngoài trời trên địa bàn tỉnh và các văn bản pháp luật có liên quan.
2.
Chỉ đạo các đơn vị liên quan cung cấp dịch vụ viễn thông tạm ngưng cung cấp
dịch vụ đối với các số điện thoại của tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa,
dịch vụ quảng cáo bằng hình thức rao vặt không đúng quy định (treo, đặt, dán,
viết, vẽ trên các cột điện, cột đèn, tường rào, tường nhà ở, tường công trình
xây dựng, gốc cây xanh nơi công cộng…) khi có yêu cầu của các địa phương, đơn
vị.
Điều
28. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế
1.
Phối hợp xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ
thuộc lĩnh vực quản lý theo thẩm quyền gửi cho cơ quan tiếp nhận xử lý hồ sơ
thông báo sản phẩm quảng cáo khi được yêu cầu.
2.
Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo thuộc lĩnh vực quản lý theo thẩm
quyền và thông báo kết quả xử lý vi phạm về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Điều
29. Công an tỉnh
Chỉ
đạo kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy
định về hoạt động quảng cáo ngoài trời làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, làm
lộ bí mật nhà nước, gây mất an toàn về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, an
toàn giao thông, trật tự xã hội theo quy định của pháp luật; phối hợp thông báo
kết quả xử lý vi phạm về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Điều
30. Các Sở, Ban, ngành liên quan khác
Các
Sở, Ban, ngành liên quan trong phạm vi quyền hạn có trách nhiệm phối hợp Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch tham gia xây dựng quy hoạch các loại hình quảng cáo,
thỏa thuận bằng văn bản về địa điểm, các phương tiện, nội dung quảng cáo, tuyên
truyền cổ động chính trị theo quy định quản lý chuyên ngành.
Điều
31. UBND các huyện, thị xã, thành phố
1.
Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về các hoạt động quảng cáo, tuyên
truyền trên địa bàn quản lý.
2.
Cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo thuộc thẩm quyền.
3.
Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội
dung của Quy định này và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trên địa bàn
quản lý.
4.
Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng đề án quy hoạch tuyên truyền
cổ động trực quan và quảng cáo ngoài trời ở địa phương.
5.
Chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin và các phòng chức năng liên quan phối hợp
chặt chẽ với các phòng chuyên môn, Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
phối hợp với các cơ quan, đơn vị được giao quản lý đường bộ trong công tác quản
lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trên địa bàn.
6.
Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện công tác quản lý nhà
nước đối với hoạt động quảng cáo trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền; phổ
biến, tuyên truyền Quy định này đến các tổ chức, cá nhân hoạt động quảng cáo
trên địa bàn; tổ chức kiểm tra và xử lý sai phạm về hoạt động quảng cáo, tổ
chức lực lượng cưỡng chế tháo dỡ các bảng quảng cáo vi phạm trên địa bàn; giải
quyết khiếu nại, tố cáo thuộc phạm vi trách nhiệm theo quy định hiện hành.
7.
Báo cáo định kỳ về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo tại
địa phương gửi về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 20/11 hàng năm.
Điều
32. Trách nhiệm của chủ sở hữu phương tiện quảng cáo ngoài trời
1.
Thực hiện kiểm tra, bảo trì thường xuyên và đảm bảo các điều kiện về an toàn
của phương tiện quảng cáo ngoài trời trong suốt thời gian thi công xây dựng,
lắp đặt và tồn tại của phương tiện quảng cáo.
2.
Khắc phục, sửa chữa, tháo dỡ kịp thời các phương tiện quảng cáo ngoài trời gãy,
đổ, đứt, rách, hư hỏng gây mất mỹ quan.
3.
Đối với các phương tiện quảng cáo ngoài trời đã thực hiện trước ngày Quy định
này có hiệu lực thi hành mà có vị trí, kích thước, kiểu dáng không phù hợp với
Quy định này thì sau khi hết thời hạn quảng cáo, chủ phương tiện quảng cáo phải
thực hiện đúng theo quy định này.
Điều
33. Điều khoản thi hành
1.
Hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực thể dục, thể thao, y tế và các sản phẩm dinh
dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, thực phẩm chức năng thực hiện theo quy định của pháp
luật hiện hành về quảng cáo và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
2.
Các Sở, ngành, đơn vị, địa phương và các tổ chức, cá nhân hoạt động tuyên
truyền cổ động trực quan và quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh thực hiện
đúng Quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3.
Khi các văn bản được dẫn chiếu để áp dụng theo Quy định này được sửa đổi, bổ
sung hoặc thay thế thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
4.
Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định này, nếu có khó khăn, vướng mắc;
các Sở, ngành, đơn vị, địa phương và các tổ chức, cá nhân chủ động báo cáo đề
xuất Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xem xét sửa
đổi, bổ sung Quy định cho phù hợp.