ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 521/QĐ-UBND
|
Thành phố Hồ Chí
Minh, ngày 15 tháng 02 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ
MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11
năm 2008.
Căn cứ Luật Quảng cáo ngày 21 tháng 06 năm 2012;
Căn cứ Luật Kinh doanh bất động sản ngày 25
tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020.
Căn cứ Luật An ninh mạng ngày 12 tháng 6 năm
2018;
Căn cứ Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng
11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng
cáo; Nghị định số 70/2021/NĐ-CP 20 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ
sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo;
Căn cứ Thông tư số 10/2013/TT-BVHTTDL ngày 06
tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết
và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quảng cáo và Nghị định số 181/2013/NĐ-CP
ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Quảng cáo; Thông tư số 13/2023/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 10 năm 2023 của
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về sửa đổi, bổ sung quy định liên
quan đến giấy tờ công dân tại một số Thông tư do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch ban hành;
Căn cứ Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30 tháng
6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn
áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 26/2017/QĐ-UBND ngày 20
tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố quy định một số nội dung về cấp
giấy phép xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Quyết định số 56/2021/QĐ-UBND ngày 28
tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quy chế quản lý kiến
trúc Thành phố Hồ Chí Minh;
Theo đề nghị của Sở Văn hóa và Thể thao tại Tờ
trình số 492/TTr-SVHTT ngày 30 tháng 01 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Quy chế phối hợp
quản lý hoạt động quảng cáo
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp
quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
2. Quyết định này bãi bỏ Chỉ thị số 25/2014/CT-UBND
ngày 16 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc tăng cường công
tác quản lý về hoạt động quảng cáo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 3. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc
Sở Văn hóa và Thể thao, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Giao
thông vận tải, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Giám đốc
Sở Công Thương, Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc
Sở Y tế, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính,
Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ trưởng các Sở, ban ngành Thành phố,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện và các tổ chức, cá nhân
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- UBMTTQVN TP;
- Thành viên UBNDTP;
- Ban VHXH HĐND TP;
- VPUB: các PCVP;
- Các Phòng NCTH;
- Lưu: VT, (VX/Ha).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Dương Anh Đức
|
QUY CHẾ
PHỐI
HỢP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Kèm theo Quyết định số 521/QĐ-UBND ngày 15 tháng 02 năm 2024 của Ủy ban
nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định nguyên tắc, phương thức, nội
dung phối hợp và trách nhiệm của các Sở, ban ngành thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố
Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện về quản lý, cấp
phép, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về hoạt
động quảng cáo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (bao gồm quảng cáo ngoài trời,
quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng, công nghệ thông tin và trên môi
trường mạng).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các Sở, ban ngành, Ủy
ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Công tác phối hợp đảm bảo tuân thủ đúng quy định
pháp luật, đúng chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ được giao của mỗi cơ quan Sở,
ban ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện, các cơ quan, đơn vị
có liên quan.
2. Đảm bảo tính khách quan, đồng bộ, thường xuyên,
kịp thời và hiệu quả trong các hoạt động phối hợp.
3. Phối hợp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mỗi
Cơ quan, đơn vị; đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau hoặc vượt thẩm quyền,
cơ quan chủ trì có trách nhiệm tổng hợp báo cáo, đề xuất trình Ủy ban nhân dân
Thành phố xem xét, quyết định.
4. Cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì nhiệm vụ
phối hợp phải chịu trách nhiệm xuyên suốt, đến cùng về chất lượng và tiến độ
tham mưu nhiệm vụ đó và đảm bảo tuân thủ đúng quy định; không được đùn đẩy
trách nhiệm lên cơ quan cấp trên; chủ động phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên
quan để tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố.
5. Cơ quan, đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm xác định
rõ nội dung cần lấy ý kiến, gửi đầy đủ hồ sơ; nêu rõ chính kiến và thẩm quyền
ban hành khi trình Ủy ban nhân dân Thành phố theo quy định. Các cơ quan, đơn vị
phối hợp chịu trách nhiệm trả lời đầy đủ, có chính kiến đối với các nội dung
theo yêu cầu của cơ quan, đơn vị chủ trì.
6. Trong quá trình phối hợp, nếu có nội dung liên
quan đến trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, đơn vị chuyên ngành, nhưng cơ
quan, đơn vị chuyên ngành không phối hợp, phối hợp thực hiện không đúng hoặc
không đầy đủ theo Quy chế này sẽ chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân Thành
phố và chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật. Cơ quan tham gia các hoạt động
phối hợp được phép từ chối phối hợp nếu nội dung đề nghị phối hợp không liên
quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan phối hợp.
7. Đảm bảo tuân thủ thời hạn trả lời ý kiến theo
yêu cầu của cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ hoặc theo chỉ
đạo của cơ quan cấp trên. Các cơ quan được đề nghị phối hợp phải thực hiện theo
đúng chức năng, nhiệm vụ, không đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau.
Điều 4. Phương thức phối hợp
1. Trao đổi bằng văn bản, thư điện tử (không quá 15
ngày làm việc kể từ thời điểm cơ quan chủ trì ký gửi văn bản đề nghị phối hợp).
Đối với các yêu cầu phối hợp đột xuất để đảm bảo kịp thời công tác, lãnh đạo
các cơ quan, đơn vị có thể trao đổi trực tiếp thông qua gặp gỡ, điện thoại,
email công vụ nhưng sau đó phải thực hiện bằng văn bản.
2. Tổ chức đoàn khảo sát thực tế hoặc tổ chức công
tác thanh tra, kiểm tra của các đoàn công tác liên ngành theo quy định.
3. Tổ chức các cuộc họp liên ngành định kỳ, đột xuất;
tổ chức hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết.
4. Báo cáo hàng năm (trước ngày 31/12) về nội dung
quản lý, phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được quy định trong Quy chế này về Sở
Văn hóa và Thể thao tổng hợp.
5. Cử nhân sự phối hợp
a) Khi phát sinh công việc cần phối hợp, bên yêu cầu
phối hợp có thể đề nghị cử nhân sự tham gia phối hợp. Văn bản đề nghị gồm: mục
đích, nội dung, yêu cầu phối hợp, cách thức phối hợp. Cơ quan, đơn vị được đề
nghị phối hợp có trách nhiệm cử nhân sự theo đúng yêu cầu và tạo điều kiện để
nhân sự được cử tham gia phối hợp hoàn thành nhiệm vụ.
b) Trường hợp bên được đề nghị phối hợp không cử được
nhân sự tham gia phối hợp theo yêu cầu thì phải có văn bản trả lời, trong đó
nêu rõ lý do.
Chương II
NỘI DUNG PHỐI HỢP
Điều 5. Quản lý hoạt động quảng
cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp
trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin
1. Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì,
đầu mối kiến nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện các giải pháp quản
lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới, người quảng cáo và người kinh doanh quảng
cáo trên nền tảng trực tuyến tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chủ trì, kiến nghị với
Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai danh sách trang thông tin điện tử, kênh
và tài khoản mạng xã hội có nội dung xấu, độc vi phạm pháp luật (Blacklist) để
loại bỏ quảng cáo vi phạm trên mạng Internet; khuyến khích các nhãn hàng,
thương hiệu phân phối quảng cáo trên các nền tảng, kênh, trang thông tin điện tử
đã được xác thực (Whitelist) được cơ quan chức năng công bố.
2. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp các Sở,
ban ngành Thành phố quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo đối với người nổi
tiếng (KOLs) tham gia quảng cáo các sản phẩm kém chất lượng; cá nhân sử dụng
danh nghĩa, địa chỉ, hình ảnh, lời chia sẻ của bệnh nhân; sử dụng trang phục
bác sĩ, quân trang và thiết bị ngành Công an, quân phục của Quân đội Nhân dân
và Cựu Chiến binh Việt Nam; quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo,
chưa được kiểm duyệt hoặc cấp phép theo quy định; đầu mối liên hệ, phối hợp Bộ
Thông tin và Truyền thông ngăn chặn kênh, tài khoản mạng xã hội, trang thông
tin điện tử vi phạm.
3. Sở Du lịch quản lý, công khai danh sách kiểm tra
và xử lý theo thẩm quyền về quảng cáo trên môi trường mạng đối với các cơ sở
lưu trú du lịch đã được xếp hạng sao, các điểm du lịch, nhà hàng được công nhận
cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, doanh
nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.
4. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các cơ
quan có liên quan xử lý các trường hợp có nội dung quảng cáo vi phạm pháp luật
về sở hữu công nghiệp trên môi trường mạng.
5. Sở Y tế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nội
dung quảng cáo trên môi trường mạng thuộc thẩm quyền; cấp xác nhận nội dung quảng
cáo đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, sản phẩm, hàng hóa có liên quan trong
lĩnh vực y tế theo quy định của Thông tư số 09/2015/TT-BYT ngày 25 tháng 5 năm
2015 của Bộ Y tế quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng
hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế; phối hợp Công an
Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra, xử lý ngăn chặn các hành vi
vi phạm về quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, quảng cáo sản phẩm, hàng hóa
có liên quan trong lĩnh vực y tế.
6. Sở Công Thương phối hợp Sở Thông tin và Truyền
thông tuyên truyền khuyến khích các nhãn hàng, thương hiệu, sàn thương mại điện
tử, trang thương mại điện tử không quảng cáo vào danh sách các trang thông tin
điện tử, các kênh và tài khoản mạng xã hội có nội dung xấu, độc vi phạm pháp luật
(Blacklist) đã bị cơ quan chức năng công khai.
7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý hoạt
động quảng cáo trên môi trường mạng theo thẩm quyền được giao về hoạt động kinh
doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về thuốc bảo vệ thực vật,
nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật phải có giấy chứng nhận
đăng ký thuốc bảo vệ thực vật; quảng cáo sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực
vật phải có giấy phép kiểm dịch thực vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn cấp; quảng cáo thuốc thú y, vật tư thú y phải có giấy phép lưu hành sản phẩm
và bản tóm tắt đặc tính của sản phẩm; quảng cáo phân bón, chế phẩm sinh học phục
vụ trồng trọt, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi phải có
giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm hoặc văn bản tự công bố chất lượng sản phẩm
trong lĩnh vực nông nghiệp.
8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin đến
Sở Thông tin và Truyền thông, Công an Thành phố khi phát hiện việc quảng cáo
sai quy định trên môi trường mạng về đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề; chú trọng
đến nội dung quảng cáo về tuyển dụng, đào tạo và đưa người lao động ra nước
ngoài trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội cung ứng dịch vụ tuyển dụng
có dấu hiệu quảng cáo thông tin tuyển dụng sai sự thật, thiếu thông tin xác thực,
có dấu hiệu lừa đảo (thu tiền thế chân của người lao động tìm việc, tin tuyển dụng
việc nhẹ lương cao, làm việc online tại nhà,...) để thực hiện xử lý việc quảng
cáo trên mạng không đúng quy định pháp luật, đồng thời bảo vệ quyền lợi người
lao động, người dân Thành phố; quảng cáo sử dụng hình ảnh trẻ em, người cao tuổi
và người yếu thế.
9. Sở Xây dựng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông thu thập thông tin và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính về
không công khai, công khai không đầy đủ hoặc không đúng các nội dung về dự án bất
động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định; cung cấp thông tin về các
dự án bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định; cung cấp thông
tin về các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản có dấu hiệu vi phạm pháp luật
khi quảng cáo không đúng sự thật (dự án không có trên thực tế, dự án ma) cho cơ
quan chức năng khi có yêu cầu.
10. Công an Thành phố
a) Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ kiểm tra, xử lý theo
thẩm quyền về hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, tăng cường kiểm tra, xử
lý các hoạt động huy động vốn lãi suất cao, các ứng dụng, app cho vay,... hoạt
động trái phép hoặc không được cấp phép hoạt động; điều tra, xử lý đối với các
quảng cáo trên mạng về dịch vụ massage, spa trá hình, các trang thông tin điện
tử, ứng dụng hẹn hò trực tuyến và các loại hình tương tự có dấu hiệu hoạt động
kích dục, mại dâm.
b) Tăng cường rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm đối
với việc đăng tải, quảng cáo bán vũ khí, công cụ hỗ trợ như: súng quân dụng,
súng tự chế bắn đạn thể thao, súng bắn đạn cao su, đạn bi, súng bắn điện, bình
xịt hơi cay, dao kiếm các loại trên môi trường mạng.
c) Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Sở, ban
ngành có liên quan ngăn chặn các hội thảo, hội nghị có yếu tố nước ngoài có
liên quan về kêu gọi đầu tư vào các dự án công nghệ Crypto, tiền ảo, tiền số,
sàn forex, sàn vàng, chứng khoán hàng hóa phái sinh và các loại tội phạm hình sự
và tệ nạn xã hội khác có liên quan trên môi trường mạng.
11. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện
a) Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý
thức và kỹ năng của người tiêu dùng, người dân trên địa bàn “Hãy là người tiêu
dùng thông thái để bảo vệ chính mình” đối với các sản phẩm, dịch vụ quảng cáo
trên môi trường mạng.
b) Kiểm tra, xử lý đối với cá nhân, tổ chức doanh
nghiệp có địa chỉ trú đóng trên địa bàn vi phạm quy định quảng cáo các loại sản
phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp
quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định đúng thẩm quyền.
Điều 6. Quản lý hoạt động quảng
cáo trên các loại phương tiện quảng cáo ngoài trời
1. Sở Văn hóa và Thể thao là đơn vị chủ trì và phối
hợp với các Sở, ban ngành chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân Thành phố việc
quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Thành phố.
2. Sở Văn hóa và Thể thao tiếp nhận và xử lý hồ sơ
thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo và băng rôn; thông báo tổ chức
đoàn người thực hiện quảng cáo; quản lý và cấp giấy phép thành lập Văn phòng đại
diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam (cấp, cấp lại, sửa đổi,
bổ sung, thu hồi).
3. Sở Giao thông vận tải phối hợp trong quản lý bảng
quảng cáo, hộp đèn đứng độc lập tạm thời trong hành lang an toàn giao thông, đất
của đường bộ (vỉa hè, dải phân cách, đảo giao thông,...) theo Điều 7 của Quy chế
này.
4. Sở Xây dựng phối hợp trong việc thỏa thuận treo
băng rôn tuyên truyền, cổ động chính trị trên trụ đèn chiếu sáng đô thị theo Điều
9 của Quy chế này.
5. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp trong công
tác quy hoạch, quản lý lắp đặt kiểm tra hoạt động của màn hình chuyên quảng cáo
theo Điều 10 của Quy chế này.
6. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện
phối hợp chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Phòng Văn hóa và Thông
tin và các đơn vị liên quan khác trong công tác triển khai thực hiện quản lý hoạt
động quảng cáo trên địa bàn; quản lý việc lắp đặt biến hiệu của tổ chức, cá
nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Điều 7. Quản lý, cấp giấy phép
thi công đối với bảng quảng cáo, hộp đèn đứng độc lập tạm thời trong hành lang
an toàn giao thông, đất của đường bộ
1. Sở Giao thông vận tải là cơ quan chủ trì quản lý
việc lắp đặt, cấp giấy phép thi công đối với bảng quảng cáo, hộp đèn đứng độc lập
tạm thời trong hành lang an toàn giao thông, đất của đường bộ (vỉa hè, dải phân
cách, đảo giao thông,...).
2. Sở Giao thông vận tải phối hợp với Sở Văn hóa và
Thể thao và các đơn vị liên quan trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết
định đối với việc xã hội hóa lắp đặt bảng quảng cáo, hộp đèn đứng độc lập tuyên
truyền an toàn giao thông trong hành lang an toàn giao thông, đất của đường bộ.
3. Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Quy hoạch - Kiến
trúc, Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện phối hợp có ý
kiến đối với việc lắp đặt bảng quảng cáo, hộp đèn đứng độc lập tạm thời trong
hành lang an toàn giao thông, đất của đường bộ theo đề nghị của Sở Giao thông vận
tải.
4. Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố
Thủ Đức, Quận, huyện thực hiện rà soát, tổng hợp các trụ, bảng quảng cáo, tuyên
truyền cổ động trên hành lang an toàn giao thông đường bộ, đất của đường bộ
theo hiện trạng và phương hướng xử lý trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét.
Điều 8. Quản lý, thẩm quyền cấp
giấy phép xây dựng công trình quảng cáo
1. Trừ trường hợp công trình quảng cáo thuộc đối tượng
cấp giấy phép thi công theo quy định pháp luật về giao thông đường bộ, thẩm quyền
cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo được thực hiện theo thẩm quyền quy
định tại Điều 103 Luật Xây dựng 2014, được sửa đổi bổ sung tài Khoản 37 Điều 1
Luật số 62/2020/QH14.
2. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm giám sát về
an toàn đối với các công trình quảng cáo trong hành lang an toàn giao thông, đất
của đường bộ.
3. Sở Xây dựng, Sở Văn hóa và Thể thao, Ủy ban nhân
dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện phối hợp trong công tác liên ngành về quản
lý trật tự xây dựng đối với các công trình quảng cáo trên địa bàn quản lý và
theo thẩm quyền.
Điều 9. Quản lý, thỏa thuận
treo băng rôn (bao gồm băng rôn tuyên truyền cổ động chính trị và quảng cáo)
1. Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan chủ trì thẩm định
hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên băng rôn cho các doanh nghiệp, tổ chức
có nhu cầu.
2. Đối với đề nghị treo băng rôn với số lượng từ
200 cái trở xuống: Sở Văn hóa và Thể thao tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng
cáo của các doanh nghiệp và tổ chức sau khi đã có văn bản thỏa thuận sử dụng trụ
chiếu sáng đô thị của Sở Xây dựng (đối với nội dung tuyên truyền, cổ động chính
trị) hoặc của các đơn vị quản lý hệ thống trụ chiếu sáng (không phải Sở Xây dựng
quản lý) và trụ treo băng rôn.
3. Đối với đề nghị treo băng rôn với số lượng trên
200 cái
a) Căn cứ trên quy mô, tính chất; mục đích và ý
nghĩa của chương trình, Sở Văn hóa và Thể thao xem xét đề xuất về số lượng, thời
gian treo băng rôn báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định (Sở
Văn hóa và Thể thao phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để lấy ý kiến
tham mưu trình Ủy ban nhân dân Thành phố nếu cần thiết).
b) Trên cơ sở chủ trương chấp thuận của Ủy ban nhân
dân Thành phố, các đơn vị quản lý trụ chiếu sáng đô thị hoặc trụ treo băng rôn
có văn bản thỏa thuận tuyến đường cho doanh nghiệp, tổ chức thực hiện treo băng
rôn, chuyển Sở Văn hóa và Thể thao làm cơ sở để thẩm định hồ sơ thông báo sản
phẩm quảng cáo trên băng rôn.
4. Sở Văn hóa và Thể thao chuyển văn bản trả lời thông
báo sản phẩm quảng cáo đến các đơn vị quản lý trụ chiếu sáng đô thị hoặc trụ
treo băng rôn quảng cáo để quản lý, kiểm tra việc treo băng rôn của doanh nghiệp,
tổ chức thực hiện.
Điều 10. Quản lý, xin phép lắp
đặt màn hình chuyên quảng cáo
1. Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan chủ trì, tiếp
nhận, hướng dẫn các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu thực hiện đề án lắp
đặt màn hình chuyên quảng cáo; gửi lấy ý kiến của các cơ quan chuyên ngành có
liên quan và địa phương; tổng hợp trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết
định (đối với những vị trí chuyển đổi hình thức từ bạt hiflex sang màn hình
chuyên quảng cáo hoặc những vị trí chưa được phê duyệt quy hoạch).
2. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với
Sở Văn hóa và Thể thao, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện thực hiện
công tác quản lý, hậu kiểm đối với việc đảm bảo an toàn thông tin và nội dung
đăng phát trên màn hình chuyên quảng cáo, phương tiện quảng cáo sử dụng công
nghệ điện tử để truyền tải các sản phẩm quảng cáo như màn hình điện tử LED, LCD
và các hình thức tương tự đặt bên trong các chung cư, cao ốc văn phòng, trung
tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh.
3. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện
chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông quản
lý, kiểm tra, giám sát hoạt động quảng cáo trên màn hình điện tử LED, LCD và
các hình thức tương tự đặt bên trong các chung cư, cao ốc văn phòng, trung tâm
thương mại, siêu thị, các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh trên địa bàn.
Điều 11. Xây dựng, quản lý và
vận hành phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu vị trí quảng cáo ngoài trời trên địa
bàn Thành phố Hồ Chí Minh
1. Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan chủ trì xây dựng,
quản lý và vận hành phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu vị trí quảng cáo (quản lý dữ
liệu đầu vào và dữ liệu đầu ra của hệ thống; phân quyền truy cập hệ thống; cập
nhật thông tin Quy hoạch quảng cáo ngoài trời và vị trí trụ bảng/ màn hình
chuyên quảng cáo được Ủy ban nhân dân Thành phố chấp thuận; quản lý báo cáo vi
phạm, phản ánh của các Sở, ban ngành liên quan, các địa phương, các đơn vị,
doanh nghiệp quảng cáo, cá nhân về vị trí bảng quảng cáo...).
2. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng, Sở
Giao thông vận tải phối hợp quản lý, cập nhật thông tin liên quan về vị trí quảng
cáo ngoài trời (giấy phép thi công, thỏa thuận treo băng rôn, biên bản xử
lý,...), quản lý báo cáo vi phạm, phản ánh của các Sở, ban ngành liên quan, các
địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp quảng cáo, cá nhân về vị trí bảng quảng
cáo và các nội dung liên quan khác theo tài khoản được phân quyền quản lý.
3. Ủy ban nhân dân Thành phố thủ Đức, quận, huyện
và phường, xã, thị trấn phối hợp quản lý, cập nhật thông tin liên quan về vị
trí quảng cáo ngoài trời, xử lý các báo cáo vi phạm, phản ánh các đơn vị, doanh
nghiệp quảng cáo, cá nhân về vị trí bảng quảng cáo sai quy định trên địa bàn quản
lý và các nội dung liên quan khác theo tài khoản được phân quyền quản lý.
Điều 12. Quản lý công tác cổ động
chính trị, xã hội hóa cổ động chính trị kết hợp quảng cáo thương mại trên màn
hình chuyên quảng cáo, trụ bảng quảng cáo, trụ hộp đèn, trụ treo cờ, băng rôn
1. Sở Văn hóa và Thể thao triển khai nội dung, quản
lý việc triển khai hoạt động tuyên truyền cổ động chính trị của các phương tiện:
màn hình chuyên quảng cáo, bảng quảng cáo (đứng độc lập hoặc ốp vào công trình
xây dựng có sẵn), trụ hộp đèn, trụ treo cờ, băng rôn trên địa bàn Thành phố Hồ
Chí Minh.
2. Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan chủ trì, trình
Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét đối với những vị trí tuyên truyền cổ động
chính trị, xã hội hóa tuyên truyền cổ động chính trị kết hợp quảng cáo thương mại
trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Sở Giao thông vận tải, các Sở, ban ngành Thành
phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện tổng hợp, xem xét nhu cầu của
đơn vị, địa phương, các cá nhân, tổ chức gửi Sở Văn hóa và Thể thao trình Ủy
ban nhân dân Thành phố; cần ưu tiên những vị trí ở một số điểm nút giao thông,
trục giao thông quan trọng, đường vành đai, các khu vực cửa ngõ đô thị và điểm
giáp ranh giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh.
4. Các Sở, ban ngành liên quan và Ủy ban nhân dân
thành phố Thủ Đức, quận, huyện tại vị trí đề xuất phối hợp với Sở Văn hóa và Thể
thao có ý kiến tham mưu theo chức năng, nhiệm vụ quản lý để trình Ủy ban nhân
dân Thành phố xem xét, quyết định.
5. Sở Giao thông vận tải có ý kiến, hướng dẫn Ủy
ban nhân thành phố Thủ Đức, quận, huyện và các tổ chức liên quan việc triển
khai lắp đặt các vị trí quy hoạch cổ động chính trị trong phạm vi bảo vệ kết cấu
hạ tầng giao thông đường bộ.
Điều 13. Thanh tra, kiểm tra
và xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo
1. Sở Văn hóa và Thể thao chuyển văn bản trả lời
thông báo sản phẩm quảng cáo của các tổ chức, cá nhân đến Thanh tra Sở Văn hóa
và Thể thao, Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an Thành phố, Phòng Văn hóa -
Thể thao và Du lịch thành phố Thủ Đức, Phòng Văn hóa và Thông tin quận, huyện để
kiểm tra, xử lý vi phạm trên địa bàn.
2. Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện thanh
tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Thành phố; hướng dẫn
nghiệp vụ cho Phòng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thành phố Thủ Đức, Phòng Văn
hóa và Thông tin quận, huyện kiểm tra, xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm về viết,
đặt biển hiệu, bảng quảng cáo trên địa bàn; tiếp nhận hồ sơ vi phạm vượt thẩm
quyền thành phố Thủ Đức, quận, huyện tham mưu, Sở Văn hóa và Thể thao trình Chủ
tịch Ủy ban nhân dân Thành phố.
3. Sở Thông tin và Truyền thông thanh tra, kiểm tra
hoạt động quảng cáo trên báo chí, sản phẩm in, phương tiện điện tử, thiết bị đầu
cuối và các thiết bị viễn thông khác; hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra, xử lý vi phạm
cho Phòng Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố Thủ Đức, Phòng Văn hóa và
Thông tin quận, huyện.
4. Thanh tra Sở Y tế có trách nhiệm thanh tra, kiểm
tra các cơ sở và xử lý đối với các hành vi vi phạm về quảng cáo liên quan đến
lĩnh vực y tế.
5. Thanh tra Sở Xây dựng chịu trách nhiệm kiểm tra,
phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối với công trình xây dựng bảng quảng cáo vi phạm
do Sở Xây dựng cấp phép hoặc thẩm định, phê duyệt.
6. Thanh tra Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm
thanh tra, kiểm tra công trình xây dựng tạm liên quan hoạt động quảng cáo trên
hành lang an toàn giao thông đường bộ do ngành giao thông cấp phép thi công
trên địa bàn Thành phố, phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý
vi phạm theo quy định của pháp luật; thông báo kết quả xử lý vi phạm về Sở Văn
hóa và Thể thao.
7. Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố phối
hợp Thanh tra Sở Giao thông vận tải kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn giao
thông trong hoạt động quảng cáo theo thẩm quyền; thông báo kết quả xử lý vi phạm
về Sở Văn hóa và Thể thao.
8. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện
chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Phòng Văn hóa và Thông tin, Đội kiểm
tra liên ngành hoạt động văn hóa và phòng chống tệ nạn xã hội thành phố, quận,
huyện (Đội 1) và các cơ quan chuyên môn có liên quan thực hiện công tác quản lý
nhà nước, tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm về viết, đặt biển hiệu, hoạt động quảng
cáo trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền; thông báo kết quả xử
lý vi phạm về Sở Văn hóa và Thể thao.
Chương III
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM CỦA
CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ
Điều 14. Sở Văn hóa và Thể
thao
1. Đánh giá, tổng hợp những vướng mắc liên quan đến
thể chế, chính sách, pháp luật; rà soát, tham mưu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ,
các bộ, ngành Trung ương kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, chồng chéo trong các
quy định pháp luật về quảng cáo đối với Luật Quảng cáo, Luật Giao thông đường bộ,
Luật Xây dựng, Luật Đất đai để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về
hoạt động quảng cáo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Chủ trì, phối hợp các Sở, ban ngành, thành phố
Thủ Đức, quận, huyện xây dựng Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Thành
phố Hồ Chí Minh.
3. Tổ chức hướng dẫn thực hiện, tuyên truyền phổ biến
các quy định của pháp luật về quảng cáo và văn bản pháp luật liên quan; tập huấn
về nghiệp vụ quản lý trong hoạt động quảng cáo.
4. Chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng và chính
quyền ở địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời các vi phạm
trong hoạt động quảng cáo. Tiếp nhận giải quyết khiếu nại, tố cáo các sai phạm
về hoạt động quảng cáo theo thẩm quyền.
5. Hướng dẫn Phòng Văn hóa - Thể thao và Du lịch
thành phố Thủ Đức, Phòng Văn hóa và Thông tin quận, huyện về công tác quản lý
nhà nước đối với hoạt động quảng cáo tại địa phương.
6. Báo cáo định kỳ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
và Ủy ban nhân dân Thành phố về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng
cáo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 15. Sở Thông tin và Truyền
thông
1. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành chịu
trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân Thành phố việc quản lý hoạt động quảng cáo
trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử; trang thông tin điện tử; các kho ứng
dụng trực tuyến trên mạng Internet; phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và
các thiết bị viễn thông khác; trên sản phẩm in và trong bản ghi âm, ghi hình có
nội dung thay sách hoặc minh họa cho sách.
2. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan
xây dựng các giải pháp quản lý hiệu quả hoạt động quảng cáo trên phương tiện
truyền thông đại chúng và trên môi trường mạng.
3. Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao và
các đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp các quy định pháp luật hiện hành, đề xuất
tiêu chí và quy trình quản lý quảng cáo trên môi trường mạng, bán hàng trên mạng
xã hội, quảng cáo qua người nổi tiếng.
4. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí Thành phố
và các đơn vị cơ sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động quảng
cáo trên địa bàn Thành phố.
5. Chủ trì, phối hợp các doanh nghiệp viễn thông
triển khai các giải pháp, biện pháp để ngăn chặn và xử lý sim rác, quảng cáo
qua cuộc gọi, tin nhắn điện thoại sai quy định của pháp luật.
6. Thanh tra, kiểm tra và tiếp nhận giải quyết khiếu
nại, tố cáo các sai phạm về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động quảng cáo
lĩnh vực thông tin và truyền thông theo thẩm quyền.
Điều 16. Sở Giao thông vận tải
1. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, địa
phương đề xuất các vị trí quảng cáo tạm thời trong hành lang an toàn giao thông
đường bộ, đất của đường bộ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
2. Rà soát pháp lý về các khoản thu đối với các trụ,
bảng quảng cáo nằm trong khu vực hành lang an toàn giao thông đường bộ, đất của
đường bộ, tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố đảm bảo chặt chẽ, đúng quy
định.
3. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất
việc quản lý, sử dụng và khai thác quảng cáo đối với các hình thức quảng cáo
trên đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ, phương tiện giao thông, trạm
dừng, nhà chờ xe buýt trên địa bàn Thành phố, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
4. Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Ủy ban nhân
dân thành phố Thủ Đức, Quận, huyện rà soát, đề xuất việc quản lý đối với các trụ
quảng cáo dọc các tuyến đường, đường cao tốc ngang qua địa bàn Thành phố Hồ Chí
Minh theo đúng quy định, thẩm quyền.
5. Thanh tra, kiểm tra và tiếp nhận giải quyết khiếu
nại, tố cáo các sai phạm về quy định chuyên ngành giao thông vận tải đối với bảng
quảng cáo theo thẩm quyền.
Điều 17. Sở Xây dựng
1. Quản lý bảng quảng cáo tại các công viên trên địa
bàn thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Xây dựng.
2. Chỉ đạo Thanh tra Sở Xây dựng phối hợp Ủy ban
nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện thực hiện quản lý trật tự xây dựng đối
với các công trình quảng cáo theo thẩm quyền; tiếp nhận giải quyết khiếu nại, tố
cáo các vi phạm xây dựng công trình quảng cáo theo thẩm quyền.
Điều 18. Sở Quy hoạch - Kiến
trúc
1. Phối hợp cung cấp đầy đủ thông tin quy hoạch xây
dựng, quy hoạch kiến trúc đô thị và các nội dung liên quan theo yêu cầu của Sở
Văn hóa và Thể thao.
2. Phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao trong công tác
tham mưu trình Ủy ban nhân dân Thành phố Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa
bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Tham gia ý kiến đối với các vị trí quảng cáo, cổ
động chính trị trong các khu vực yêu cầu quản lý đặc thù của Thành phố theo Quyết
định số 56/2021/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố
ban hành Quy chế quản lý kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh khi có yêu cầu.
Điều 19. Sở Kế hoạch và Đầu tư
1. Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao trong công
tác tham mưu trình Ủy ban nhân dân Thành phố Quy hoạch quảng cáo ngoài trời
trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu
trình Ủy ban nhân dân Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án quảng
cáo có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu
hoặc nhận chuyển nhượng, dự án đầu tư có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng
đất, trừ trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng
đất của hộ gia đình, cá nhân không thuộc diện phải có văn bản chấp thuận của Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư và Luật Quảng
cáo.
Điều 20. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân thành
phố Thủ Đức, quận, huyện để có ý kiến theo chức năng đối với các trường hợp nếu
công việc phát sinh khó khăn, vướng mắc khi các đơn vị có yêu cầu.
Điều 21. Công an Thành phố
1. Chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với
lực lượng thanh tra của Sở Giao thông vận tải và Thành phố Thủ Đức, quận, huyện
tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện giao thông thực hiện quảng
cáo sai quy định Luật Quảng cáo, gây mất an toàn giao thông. Thực hiện kiểm
tra, xử lý hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ đối với người phát tán tờ
rơi tại các giao lộ, vòng xoay.
2. Chỉ đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và
cứu nạn, cứu hộ tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm các quy định về
an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với công trình quảng cáo
theo thẩm quyền.
3. Chỉ đạo Phòng An ninh chính trị nội bộ phối hợp
với Sở Văn hóa và Thể thao để xử lý các hoạt động quảng cáo không đúng văn bản
chấp thuận, vi phạm Luật Quảng cáo hoặc có nội dung vi phạm liên quan đến an
ninh, trật tự.
Điều 22. Các Sở, ban ngành
Thành phố
1. Các Sở, ban ngành Thành phố trong phạm vi, quyền
hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, các Sở, ban
ngành liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện quản lý nhà nước
về nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, lĩnh
vực được phân công.
2. Các Sở, ban ngành chủ động triển khai, phối hợp
thực hiện quản lý quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng và trên môi
trường mạng theo lĩnh vực quản lý nhà nước được quy định tại Điều 27 Nghị định
181/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật Quảng cáo; chỉ đạo bộ phận chuyên môn và cử đầu mối
phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Công an Thành phố và các đơn vị có liên
quan xem xét xử lý và ngăn chặn kịp thời quảng cáo trong lĩnh vực quản lý để bảo
vệ quyền lợi cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố.
3. Thanh tra, kiểm tra và tiếp nhận giải quyết khiếu
nại, tố cáo vi phạm về quảng cáo trong lĩnh vực theo thẩm quyền.
Điều 23. Ủy ban nhân dân thành
phố Thủ Đức, quận, huyện
1. Thực hiện quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm
trước Ủy ban nhân dân Thành phố về các hoạt động quảng cáo trên địa bàn quản
lý. Tiếp nhận giải quyết khiếu nại, tố cáo các sai phạm về hoạt động quảng cáo
theo thẩm quyền.
2. Phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng, điều
chỉnh, bổ sung quy hoạch vị trí cổ động chính trị và quảng cáo ngoài trời trên
địa bàn quản lý.
3. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Quảng cáo và
các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trên địa bàn quản lý. Trong đó tập
trung vào nội dung quy định về viết, đặt biển hiệu theo đúng quy định của Luật
Quảng cáo đối với các cơ sở, trụ sở, địa điểm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại
địa phương.
4. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức
lực lượng cưỡng chế tháo dỡ các bảng quảng cáo, biển hiệu vi phạm, không chấp
hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính dọ Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp
xã ban hành.
5. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn thực
hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo và thực hiện biên hiệu
trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền; kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động
quảng cáo, viết, đặt biển hiệu và treo băng rôn sai quy định trên địa bàn.
6. Báo cáo định kỳ hàng năm (trước ngày 31/12) và đột
xuất (khi có yêu cầu) về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo
tại địa phương gửi Sở Văn hóa và Thể thao.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 24. Tổ chức thực hiện Quy
chế
Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền
thông, các Sở, ban ngành liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận,
huyện có trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quảng
cáo và Quy chế này; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân Thành phố về quản lý
nhà nước trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 25. Điều chỉnh, bổ sung
Quy chế
1. Trường hợp có sự khác biệt giữa Quy chế này và sự
bổ sung, điều chỉnh, thay thế các quy định của Luật Quảng cáo và các văn bản
quy định chi tiết thì áp dụng theo các quy định mới ban hành.
2. Trong quá trình triển khai, thực hiện Quy chế
này, nếu có khó khăn, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tế thì các Sở, ban
ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện và các tổ chức, cá nhân
có liên quan phản ánh bằng văn bản về Sở Văn hóa và Thể thao để tổng hợp trình Ủy
ban nhân dân Thành phố xem xét bổ sung, sửa đổi Quy chế cho phù hợp.
3. Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm rà soát, tổ
chức sơ kết, đánh giá quá trình thực hiện Quy chế này để kịp thời đề xuất, bổ
sung, sửa đổi những điểm chưa phù hợp để việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị
trong công tác quản lý nhà nước về quảng cáo đạt hiệu quả cao./.