ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
51/2020/QĐ-UBND
|
Tây Ninh, ngày 17
tháng 11 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP VÀ TIỀN CHẤT THUỐC NỔ
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức
Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ
và công cụ hỗ trợ ngày 20 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 71/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng
5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Quản lý, sử dụng
vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất
thuốc nổ;
Căn cứ Thông tư số 13/2018/TT-BCT ngày 15 tháng
6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ
công nghiệp, tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp;
Căn cứ Thông tư 32/2019/TT-BCT ngày 21 tháng 11
năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia về an toàn trong sản xuất, thử nghiệm, nghiệm thu, bảo quản, vận chuyển, sử
dụng, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp và bảo quản tiền chất thuốc nổ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ
trình số: 2558/TTr-SCT ngày 30 tháng 10 năm 2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý vật liệu nổ
công nghiệp và tiền chất thuốc nổ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27 tháng 11
năm 2020 và thay thế Quyết định số 08/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành Quy chế về quản lý vật liệu nổ công nghiệp
trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Điều 3. Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và
Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương; Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân các
xã, phường, thị trấn; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Chính phủ;
- Vụ pháp chế Bộ Công Thương;
- Cục KTVB- Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tinh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Như Điều 3;
- Trung tâm công báo-Tin học tỉnh;
- LĐVP, KTTC;
- Lưu: VT, VP.ĐĐBQH, HĐND&UBND tỉnh.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Dương Văn Thắng
|
QUY CHẾ
QUẢN
LÝ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP VÀ TIỀN CHẤT THUỐC NỔ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 51/2020/QĐ-UBND ngày 17 tháng 11 năm 2020 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về Quản lý sử dụng vật liệu nổ
công nghiệp (sau đây viết tắt là VLNCN), tiền chất thuốc nổ (sau đây viết tắt
là TCTN) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; bao gồm hoạt động kinh doanh, bảo quản, vận
chuyển, sử dụng VLNCN, TCTN.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức,
doanh nghiệp, cá nhân tham gia quản lý và hoạt động VLNCN, TCTN địa bàn tỉnh
Tây Ninh.
2. Quy chế này không áp dụng đối với các hoạt động
VLNCN phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng và trong các trường hợp khẩn cấp
theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Nguyên tắc quản lý và
phối hợp
1. Đảm bảo sự phối hợp đồng bộ trên cơ sở chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng ngành, từng cấp; đề cao trách nhiệm của cơ
quan chủ trì, cơ quan phối hợp.
2. Đảm bảo tính thống nhất, tập trung, không chồng
chéo làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý hoạt động VLNCN, TCTN.
3. Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật; phát
huy hiệu quả của công tác hoạt động VLNCN, TCTN sử dụng để sản xuất VLNCN vì mục
đích phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, SỬ
DỤNG VLNCN VÀ TCTN
MỤC 1. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VLNCN
Điều 4. Quản lý VLNCN
1. Các doanh nghiệp kinh doanh VLNCN hoạt động trên
địa bàn tỉnh Tây Ninh phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 37 của
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017.
2. Doanh nghiệp kinh doanh VLNCN trên địa bàn tỉnh
phải căn cứ các quy định trong giấy phép sử dụng VLNCN của các tổ chức được sử
dụng VLNCN để có kế hoạch cung ứng đảm bảo về số lượng, chủng loại và chất lượng.
3. Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công
nghiệp phải bảo đảm đủ điều kiện quy định tại Điều 41 của Luật Quản lý, sử dụng
vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017.
Điều 5. Huấn luyện kỹ thuật an
toàn VLNCN, TCTN, phòng cháy chữa cháy
Hàng năm, các đơn vị sử dụng VLNCN,TCTN phải được tổ
chức tập huấn định kỳ cho những người làm việc có liên quan đến hoạt động về kỹ
thuật an toàn phòng cháy chữa cháy (sau đây viết tắt là PCCC), VLNCN, TCTN theo
qui định tại Điều 8, Điều 9, Điều 11 của Nghị định số 71/2018/NĐ-CP ngày 15
tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý,
sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền
chất thuốc nổ (sau đây viết tắt là Nghị định số 71/2018/NĐ-CP).
Điều 6. Bảo quản VLNCN
1. VLNCN phải được bảo quản tại các kho chứa thỏa
mãn các quy định tại Khoản 2 Điều 16 và Điều 22 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
về an toàn trong sản xuất, thử nghiệm, nghiệm thu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng,
tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp và bảo quản tiền chất thuốc nổ. Ký hiệu:
QCVN01.2019/BCT.
2. Việc sắp xếp, cất giữ VLNCN trong kho được quy định
tại Phụ lục 10 của QCVN 01:2019/BCT, và các quy định khác của pháp luật có liên
quan.
3. Lãnh đạo, quản lý, thủ kho, người bảo vệ, người
phục vụ liên quan đến VLNCN phải đáp ứng các yêu cầu về an ninh, trật tự; có
trình độ chuyên môn tương xứng với vị trí, chức trách đảm nhiệm, được huấn luyện
về kỹ thuật an toàn trong hoạt động VLNCN, PCCC và ứng phó sự cố trong các hoạt
động liên quan đến VLNCN.
4. Tổ chức sử dụng kho VLNCN phải thực hiện đầy đủ
các quy định tại Điều 16 của Nghị định số 71/2018/NĐ-CP , Điều 21 và Điều 22 của
QCVN 01:2019/BCT.
Kho chứa VLNCN phải đảm bảo điều kiện về an ninh,
trật tự; đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các công trình, đối tượng cần bảo
vệ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định có liên quan. Nhà kho và
các công trình phụ trợ được thiết kế, thẩm định thiết kế, thẩm duyệt về PCCC;
thi công, nghiệm thu, đưa vào sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về đầu
tư, xây dựng công trình.
5. Trường hợp tổ chức sử dụng VLNCN không có kho,
phương tiện vận chuyển, phải có hợp đồng thuê bằng văn bản với các tổ chức được
phép bảo quản, vận chuyển VLNCN hoặc bản sao công chứng hợp đồng nguyên tắc với
tổ chức được phép kinh doanh VLNCN để cung ứng VLNCN đên công trình theo hộ chiếu.
Tổ chức cho thuê kho VLNCN phải báo cáo bằng văn bản
tới Sở Công Thương, Công an tỉnh về nội dung cho thuê kho trước khi tổ chức
thuê kho đưa VLNCN vào bảo quản 03 ngày; sau khi kết thúc hợp đồng, tổ chức cho
thuê kho VLNCN phải báo cáo bằng văn bản đến Sở Công Thương và Công an tỉnh về
tình hình xuất, nhập VLNCN trong thời gian thực hiện hợp đồng thuê kho.
6. VLNCN tại nơi nổ mìn, khi chưa tiến hành nổ mìn
phải được bảo quản theo quy định tại Điều 22 của QCVN 01:2019/BCT.
Điều 7. Điều kiện hoạt động vận
chuyển VLNCN
1. Là tổ chức kinh tế thành lập theo quy định pháp
luật, có đăng ký kinh doanh ngành nghề vận chuyển hoặc tổ chức có Giấy phép sản
xuất, kinh doanh, sử dụng VLNCN.
2. Có phương tiện vận chuyển đủ điều kiện hoạt động,
tham gia giao thông theo quy định pháp luật về giao thông và đủ điều kiện vận
chuyển vật liệu nổ công nghiệp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định tại các Điều
24, Điều 25, Điều 26, Điều 27, Điều 28 của QCVN 0L2019/BCT.
3. Lãnh đạo quản lý, người điều khiển phương tiện,
người áp tải, người phục vụ liên quan đến vận chuyển VLNCN phải đáp ứng các yêu
cầu về an ninh, trật tự; có trình độ chuyên môn tương xứng với vị trí, chức
trách đảm nhiệm, được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, PCCC, ứng phó sự cố trong
các hoạt động liên quan đến vận chuyển VLNCN.
MỤC 2. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TCTN
Điều 8. Quản lý TCTN
Thực hiện theo quy định từ Điều 46 đến Điều 51 của
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017.
Điều 9. Bảo quản, vận chuyển
TCTN
1. TCTN phải được bảo quản tại các kho chứa thỏa mãn
các quy định tại Khoản 2 Điều 17 và Điều 23 của QCVN 01:2019/BCT
2. Việc sắp xếp, cất giữ TCTN trong kho thực hiện
theo quy định tại Phụ lục 10 của QCVN 0L2019/BCT.
3. Lãnh đạo, quản lý, thủ kho, người bảo vệ, người
phục vụ liên quan đến TCTN phải đáp ứng các yêu cầu về an ninh, trật tự; có
trình độ chuyên môn tương xứng với vị trí, chức trách đảm nhiệm, được huấn luyện
về kỹ thuật an toàn trong hoạt động TCTN, PCCC và ứng phó sự cố trong các hoạt
động liên quan đến TCTN.
4. Tổ chức sử dụng kho TCTN phải thực hiện đầy đủ
các quy định tại Điều 17 của Nghị định số 71/2018/NĐ-CP , Điều 23 của QCVN
0L2019/BCT.
5. Trường hợp tổ chức sử dụng TCTN không có kho,
phương tiện vận chuyển, phải có hợp đồng thuê bằng văn bản với các tổ chức được
phép bảo quản, vận chuyển TCTN hoặc bản sao công chứng hợp đồng nguyên tắc với
tổ chức được phép kinh doanh TCTN.
Tổ chức cho thuê kho TCTN phải báo cáo bằng văn bản
tới Sở Công Thương. Công an tỉnh về nội dung cho thuê kho trước khi tổ chức
thuê kho đưa TCTN vào bảo quản 03 ngày; sau khi kết thúc hợp đồng, tổ chức cho
thuê kho TCTN phải báo cáo bằng văn bản đến Sở Công Thương và Công an tỉnh về
tình hình xuất, nhập TCTN trong thời gian thực hiện hợp đồng thuê kho.
6. Tổ chức, doanh nghiệp vận chuyển TCTN phải bảo đảm
đủ điều kiện quy định tại Điều 50 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và
công cụ hỗ trợ năm 2017.
MỤC 3. CÁC QUY ĐỊNH VỀ NỔ MÌN
Điều 10. Sử dụng VLNCN
1. Chỉ có các tổ chức có Giấy phép sử dụng VLNCN do
cơ quan có thẩm quyền cấp mới được phép sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh Tây
Ninh.
2. Tổ chức có Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công
nghiệp, Giấy phép dịch vụ nổ mìn do Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công
nghiệp cấp và Bộ Quốc phòng cấp phải gửi thông báo đến UBND tỉnh Tây Ninh thông
qua Sở Công thương về việc sử dụng VLNCN trước 07 ngày làm việc, theo mẫu Thông
báo tại phụ lục X của Thông tư số
13/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về
quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản xuất
vật liệu nổ công nghiệp (sau đây viết tắt là Thông tư số 13/2018/TT-BCT).
3. Tổ chức sử dụng VLNCN phải có đủ hành lang an
toàn để nổ mìn, hành lang an toàn được xác định theo quy định tại phụ lục 7 của
QCVN 01:2019/BCT.
4. Tổ chức sử dụng VLNCN phải lập hộ chiếu nổ mìn
cho từng đợt nổ; nội dung hộ chiếu phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Thỏa mãn các quy định tại phụ lục 7 của Nghị định
số 71/2018/NĐ-CP ;
b) Phù hợp với phương án, thiết kế nổ mìn và các
quy định trong Giấy phép sử dụng VLNCN được cơ quan có thẩm quyền cấp;
c) Căn cứ đặc điểm địa chất, địa hình, vị trí, khoảng
cách từ nơi nổ mìn đến công trình cần bảo vệ để tính toán lập hộ chiếu đảm bảo
tuyệt đối an toàn cho từng đợt nổ;
d) Các thông số kỹ thuật phải đầy đủ, chính xác
theo mẫu hộ chiếu được quy định tại Phụ lục 7 của Nghị định số 71/2018/NĐ-CP .
5. Khi nổ mìn trong khu vực dân cư, cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh, khu vực có di tích lịch sử - văn hóa, bảo tồn thiên nhiên, công
trình an ninh, quốc phòng hoặc công trình quan trọng khác của quốc gia, khu vực
bảo vệ khác theo quy định của pháp luật có khoảng cách an toàn không đảm bảo
quy định tại khoản 7 Điều 5 của QCVN01:2019/BCT, tổ chức, doanh nghiệp phải gửi
phương án nổ mìn đến Công an tỉnh, Sở Công Thương để chủ trì thẩm định và phê duyệt
và được sự đồng ý bằng văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc cơ quan quản lý và
thực hiện giám sát ảnh hưởng nổ mìn theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 41 Luật
Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017.
Điều 11. Thời gian nổ mìn
1. Thời gian, thời điểm tiến hành nổ mìn được quy định
cụ thể trong Giấy phép sử dụng VLNCN.
2. Trường hợp tổ chức sử dụng VLNCN không thể tiến
hành nổ mìn vào thời điểm theo hộ chiếu đã lập thì được phép thay đổi thời điểm
nổ mìn với các điều kiện sau:
a) Có biên bản trong đó ghi rõ nguyên nhân không thể
tiến hành nổ mìn vào thời điểm theo hộ chiếu đã lập; biên bản có chữ ký của
giám đốc điều hành, chỉ huy nổ mìn;
b) Báo cáo với Sở Công Thương, Phòng Cảnh sát Quản
lý hành chính về Trật tự xã hội - Công an tỉnh Tây Ninh và Ủy ban nhân dân xã,
phường, thị trấn nơi tiến hành nổ mìn theo quy định pháp luật.
3. Thời gian không được tiến hành nổ mìn
a) Tổ chức sử dụng VLNCN không được tiến hành nổ
mìn trong những ngày nghỉ Lễ, Tết theo quy định của Luật Lao động và quy định tại
các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
b) Những trường hợp khác theo thông báo của Sở Công
Thương hoặc Công an tỉnh Tây Ninh.
Điều 12. Thi công nổ mìn
1. Công tác nổ mìn phải thực hiện theo Hộ chiếu hoặc
Thiết kế nổ mìn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Trong quá trình sử dụng VLNCN như: nạp thuốc, đấu
nối mạng nổ, canh gác, khởi nổ, xử lý các sự cố phải thực hiện nghiêm túc các
quy định kỹ thuật an toàn trong sử dụng VLNCN; có biên bản nghiệm thu kết quả
thi công khoan, nạp mìn.
3. Sau mỗi ca sản xuất nếu không sử dụng hết VLNCN
phải làm thủ tục và nhập VLNCN thừa vào kho bảo quản.
4. Trường hợp sau khi khởi nổ nhưng bãi mìn không nổ
hoặc nổ không hoàn toàn, phải lập biên bản trong đó ghi rõ nguyên nhân, có chữ
ký của giám đốc điều hành, chỉ huy nổ mìn và thực hiện đầy đủ các yêu cầu an
toàn theo quy định về xử lý mìn câm.
5. Khi nổ mìn không được khởi nổ cùng một lúc hai
hoặc nhiều bãi mìn cạnh nhau, mỗi lần khởi nổ cách nhau ít nhất 15 phút. Đối với
khu vực có nhiều mỏ cùng hoạt động nổ mìn các đơn vị phải có biên bản thống nhất
về thời gian, tín hiệu báo lệnh nổ mìn và vị trí gác mìn.
6. Tổ chức sử dụng VLNCN muốn chuyển đổi phương
pháp nổ mìn, chủng loại VLNCN đang sử dụng bằng phương pháp nổ mìn khác hoặc chủng
loại VLNCN khác thì phải tổ chức huấn luyện kiến thức bổ sung, kiểm tra sát hạch
đối với thợ nổ mìn và những lao động làm công việc có liên quan trực tiếp đến
VLNCN. Trước khi áp dụng phương pháp nổ mìn khác hoặc chủng loại VLNCN khác tổ
chức sử dụng VLNCN có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với Sở Công Thương Tây
Ninh.
7. Khuyến khích các tổ chức hoạt động VLNCN áp dụng
các phương phảp nổ mìn tiên tiến, những chủng loại VLNCN mới ít ảnh hưởng đến môi
trường; việc chuyển đổi phương pháp nổ mìn hoặc sử dụng chủng loại VLNCN mới phải
được nhà sản xuất hoặc đơn vị kinh doanh cung ứng bàn giao công nghệ sử dụng.
Điều 13. Thông báo khu vực
nguy hiểm và tín hiệu báo lệnh nổ mìn
1. Tổ chức sử dụng VLNCN phải phối hợp với Ủy ban
nhân dân xã, phường, thị trấn nơi nổ mìn thông báo bằng văn bản cho các đơn vị
lân cận, dân cư xung quanh biết khu vực nguy hiểm do nổ mìn và các biển cảnh
báo, tín hiệu báo lệnh nổ mìn, thời gian và thời điểm tiến hành nổ mìn.
Trước khi tiến hành nổ mìn lần đầu ở địa điểm đã được
phép, đơn vị nổ mìn phải thông báo chậm nhất trước 01 ngày đêm cho chính quyền,
Công an địa phương và cho mọi người sống hoặc làm việc ở trong vùng nguy hiểm của
khu vực nổ mìn và vùng giáp ranh (vùng có bán kính gấp hai lần bán kính vùng
nguy hiểm) biết về địa điểm, thời gian nổ mìn lần đầu, hàng ngày; giới hạn của
vùng nguy hiểm, ý nghĩa của các tín hiệu dùng khi nổ mìn.
2. Tín hiệu báo lệnh nổ mìn thực hiện theo quy định
tại Khoản 3 Điều 32 của QCVN 01:2019/BCT và phải đảm bảo mọi người trong khu vực
có bán kính nguy hiểm nghe rõ.
3. Trong một khu vực có nhiều đơn vị cùng hoạt động
nổ mìn thì các tín hiệu báo lệnh nổ mìn phải được quy ước giống nhau.
4. Không được tự ý thay đổi quy định, quy ước về
tín hiệu báo lệnh nổ mìn.
Điều 14. Giám sát các ảnh hưởng
do nổ mìn
1. Các trường hợp sau tổ chức sử dụng VLNCN phải lập
Phương án giám sát và tổ chức giám sát các ảnh hưởng do nổ mìn:
a) Có khiếu nại của chủ công trình lân cận về các ảnh
hưởng do chấn động và sóng không khí;
b) Hệ số tỷ lệ khoảng cách Ds không đạt
yêu cầu quy định tại Bảng 2 mục b Khoản 1 Điều 40 của QCVN 01: 2019/BCT;
c) Nổ mìn thí nghiệm để lập hoặc hiệu chỉnh hộ chiếu,
thiết kế nổ mìn.
2. Việc lập phương án giám sát, tổ chức thực hiện,
xác định ảnh hưởng do nổ mìn và báo cáo kết quả theo quy định tại Điều 44 của
QCVN 01:2019/BCT.
3. Tổ chức sử dụng VLNCN gửi Phương án giám sát các
ảnh hưởng do nổ mìn về Sở Công Thương Tây Ninh trước ngày tiến hành nổ mìn 15
ngày và thực hiện các hoạt động giám sát ngay từ đợt nổ mìn đầu tiên.
Điều 15. Điều kiện kinh doanh
VLNCN
1. Các tổ chức, cá nhân chỉ được phép kinh doanh
kinh doanh VLNCN tại Việt Nam theo danh mục vật liệu nổ công nghiệp quy định tại
Phụ lục I Thông tư 13/2018/TT-BCT .
2. Các tổ chức, cá nhân chỉ được phép kinh doanh
VLNCN khi có Giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp do Cục Kỹ thuật an
toàn và Môi trường công nghiệp cấp.
Điều 16. Hình thức và yêu cầu
của hoạt động dịch vụ nổ mìn trên địa bàn tỉnh
1. Hình thức và yêu cầu của hoạt động dịch vụ nổ
mìn được quy định khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều 43 của Luật Quản lý, sử dụng
vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017.
2. Tổ chức dịch vụ nổ mìn được ký kết hợp đồng dịch
vụ nổ mìn đối với những tổ chức theo quy định tại Khoản 3 Điều 42 của Luật Quản
lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017. Hợp đồng thuê dịch
vụ nổ mìn phải ghi rõ trách nhiệm của tổ chức hoạt động dịch vụ nổ mìn theo quy
định của pháp luật về sử dụng VLNCN.
3. Trường hợp càn thiết nhằm đảm bảo an ninh, an toàn
trật tự xã hội, cơ quan quản lý nhà nước về VLNCN chỉ định, bắt buộc việc thực
hiện dịch vụ nổ mìn ở các khu vực, địa điểm có đặc thù về an toàn, an ninh, trật
tự xã hội.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CƠ QUAN QUẢN
LÝ NHÀ NƯỚC VÀ TỔ CHỨC, CÁ NHÂN HOẠT ĐỘNG VLNCN, TIỀN CHẤT THUỐC NỔ
Điều 17. Trách nhiệm của Sở
Công Thương
1. Là cơ quan chủ trì, đầu mối giúp Ủy ban nhân dân
tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về VLNCN trên địa bàn tỉnh theo Điều 21 Thông
tư số 13/2018/TT-BCT .
2. Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành
các quy định về hoạt động sử dụng VLNCN tại các khu vực, cụm xây dựng, khai
thác tùy theo điều kiện đặc thù cụ thể của từng khu, cụm; xây dựng các đầu mối
bảo quản, tuyến đường vận chuyển VLNCN; triển khai ứng dụng các phương pháp nổ
mìn tiên tiến trong thi công nổ mìn; xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật trong sử
dụng VLNCN theo điều kiện đặc thù cụ thể trên địa bàn tỉnh.
3. Tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn tổ chức, cá
nhân có liên quan thực hiện các quy định pháp luật, Quy chế này trong hoạt động
VLNCN, TCTN trên địa bàn tỉnh; phối hợp các đơn vị chức năng có liên quan tổ chức
kiểm tra đinh kỳ hoạt động kinh doanh cung ứng, sử dụng VLNCN, TCTN trên địa
bàn tỉnh.
4. Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng
dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện QCVN 01:2019/BCT thuộc phạm vi quản lý
theo quy định; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện phương án giám sát ảnh hưởng
do nổ mìn của tổ chức sử dụng VLNCN, TCTN trên địa bàn.
5. Chủ trì kiểm tra, xác định địa điểm xây dựng kho
VLNCN, thẩm định hồ sơ thiết kế kho VLNCN, TCTN và quản lý chất lượng công
trình xây dựng liên quan đến bảo quản VLNCN, TCTN trên địa bàn tỉnh theo quy định
của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình.
6. Tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện
kỹ thuật an toàn VLNCN, TCTN theo quy định tại Điều 10, Điều 12 Nghị định số
71/2018/NĐ-CP .
7. Tiếp nhận thông báo của các tổ chức, doanh nghiệp
có Giấy phép sử dụng VLNCN, TCTN, Giấy phép dịch vụ nổ mìn do Bộ Công Thương hoặc
Bộ Quốc phòng cấp.
Điều 18.Trách nhiệm của Công
an tỉnh
1. Tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện
về an ninh trật tự cho các tổ chức sử dụng VLNCN, TCTN trên địa bàn tỉnh trước
khi Sở Công Thương cấp phép; thẩm duyệt, kiểm tra, nghiệm thu về PCCC đối với
kho, phương tiện chuyên dùng vận chuyển VLNCN, TCTN cho các tổ chức hoạt động
VLNCN, TCTN; kiểm tra, cấp giấy phép vận chuyển VLNCN, TCTN cho các tổ chức
không thuộc thẩm quyền cấp mệnh lệnh vận chuyển của Bộ Quốc phòng; phối hợp với
Sở Công Thương trong việc thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các tổ chức
hoạt động VLNCN, TCTN trên địa bàn tỉnh.
2. Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương thanh tra,
kiểm tra việc thực hiện các quy định về an ninh trật tự, vận chuyển, PCCC và cứu
nạn, cứu hộ của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động VLNCN, TCTN thuộc thẩm
quyền quản lý của Công an tỉnh.
3. Tiếp nhận thông báo về việc bảo đảm các điều kiện
an toàn về PCCC trước khi đưa vào sử dụng, tổ chức kiểm tra thực tế và lập biên
bản kiểm tra xác nhận các nội dung cam kết đảm bảo các điều kiện an toàn về
PCCC, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ của
các tổ chức hoạt động VLNCN, TCTN trên địa bàn tỉnh.
4. Chủ trì trong việc xử lý các vụ vận chuyển, tàng
trữ, sử dụng trái phép VLNCN, TCTN và các vi phạm khác theo thẩm quyền hoặc đề
nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.
5. Chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố
trong thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội
và phòng, chống cháy nổ trong khu vực có hoạt động VLNCN, TCTN.
Điều 19. Trách nhiệm của Bộ Chỉ
huy quân sự tỉnh
Phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra việc thực hiện
các quy định pháp luật trong hoạt động VLNCN, TCTN đối với doanh nghiệp quốc
phòng, đơn vị quân đội làm kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Điều 20. Trách nhiệm của Sở
Tài nguyên và Môi trường
1. Chủ trì, phối hợp đánh giá tác động môi trường
hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường trước khi xây dựng kho VLNCN, kho bảo quản TCTN
theo QCVN 01:2019/BCT.
2. Phối hợp với Sở Công Thương về cung cấp thông
tin, hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản, đất đai, môi trường, những quy định
có liên quan trực tiếp đến khu đất do ngành quản lý trong việc thẩm định cấp giấy
phép sử dụng VLNCN, TCTN khi được yêu cầu.
3. Phối hợp kiểm tra, giám sát theo chức năng quản
lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường khi được yêu cầu.
Điều 21. Trách nhiệm của Sở
Lao động, Thương binh và Xã hội
1. Kiểm tra và hướng dẫn thực hiện các quy định về
an toàn, vệ sinh lao động đối với tổ chức hoạt động VLNCN, TCTN trên địa bàn tỉnh.
2. Phối hợp thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất
các tổ chức hoạt động VLNCN, TCTN trên địa bàn tỉnh khi được yêu cầu.
3. Xử lý vi phạm về an toàn lao động, vệ sinh lao động
của các tổ chức hoạt động VLNCN, TCTN trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền.
Điều 22. Trách nhiệm của Sở
Xây dựng
1. Chủ trì, phối hợp thẩm định, xây dựng kho chứa
VLNCN, TCTN theo quy định.
2. Phối hợp với Sở Công Thương trong việc thẩm định
điều kiện cấp giấy phép sử dụng VLNCN đối với các tổ chức sử dụng VLNCN vào mục
đích khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và thi công các công trình trên
địa bàn tỉnh khi được yêu cầu.
3. Phối hợp thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất
các tổ chức sử dụng VLNCN, TCTN trên địa bàn tỉnh khi được yêu cầu.
Điều 23. Trách nhiệm của Sở Giao
thông Vận tải
1. Phối hợp với Sở Công Thương trong việc thẩm định
điều kiện cấp giấy phép sử dụng VLNCN đối với các tổ chức sử dụng VLNCN vào mục
đích thi công các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh khi được yêu cầu.
2. Phối hợp thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất
đối với các tổ chức sử dụng VLNCN vào mục đích thi công các công trình giao
thông trên địa bàn tỉnh khi được yêu cầu.
Điều 24. Trách nhiệm của các Sở,
ban, ngành có liên quan
Có ý kiến bằng văn bản đối với các trường hợp nổ
mìn trong khu vực dân cư, cơ sở khám chữa bệnh, khu vực có di tích lịch sử -
văn hóa, bảo tồn thiên nhiên, công trình an ninh, quốc phòng hoặc công trình
quan trọng khác của quốc gia, khu vực bảo vệ khác theo quy định của pháp luật
có khoảng cách an toàn không đảm bảo quy định tại khoản 7 Điều 5 của
QCVN01:2019/BCT.
Điều 25. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
1. Tổ chức tuyên truyền phổ biến các quy định của
pháp luật về hoạt động VLNCN, TCTN cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
2. Phối hợp với Sở Công Thương trong việc thẩm định
điều kiện cấp giấy phép sử dụng VLNCN đối với các tổ chức sử dụng VLNCN trên địa
bàn khi được yêu cầu.
3. Chỉ đạo các ngành chức năng ở địa phương và Ủy
ban nhân dân cấp xã kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt
động VLNCN, TCTN.
4. Tổ chức triển khai tại địa phương việc ứng phó sự
cố VLNCN, TCTN trên đường vận chuyển và tại khu vực bảo quản, bốc dỡ VLNCN,
TCTN.
5. Xử lý vi phạm về hoạt động VLNCN, TCTN theo thẩm
quyền được phân cấp hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
6. Phối hợp thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất
các hoạt động của tổ chức hoạt động VLNCN, TCTN trên địa bàn khi được yêu cầu.
Điều 26. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân xã, phường, thị trấn
1. Phối hợp với Sở Công Thương trong việc thẩm định
điều kiện cấp giấy phép sử dụng VLNCN đối với các tổ chức sử dụng VLNCN trên địa
bàn.
2. Tổ chức tuyên truyền phổ biến các quy định của
pháp luật về hoạt động VLNCN, TCTN cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn; theo dõi,
giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động VLNCN, TCTN trên địa bàn
theo thẩm quyền.
3. Tham gia xử lý sự cố và các vấn đề khác xảy ra
có liên quan đến hoạt động VLNCN, TCTN trên địa bàn.
4. Phối hợp với tổ chức sử dụng VLNCN trên địa bàn
ra văn bản thông báo khu vực nguy hiểm do nổ mìn và các biển cảnh báo, tín hiệu
báo lệnh nổ mìn, thời gian và thời điểm tiến hành nổ mìn tại địa phương; có
trách nhiệm phổ biến văn bản cho các tổ chức, nhân dân địa phương biết và kiểm
tra, giám sát việc thực hiện các quy định về sử dụng VLNCN của các tổ chức trên
địa bàn.
Điều 27. Các tổ chức, cá nhân
hoạt động VLNCN
1. Thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về
VLNCN và quy định của Quy chế này.
2. Thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo QCVN
01:2019/BCT, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình hoạt động VLNCN.
3. Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng VLNCN phải thực hiện
giám sát các ảnh hưởng nổ mìn theo quy định tại Mục 6 Chương II của QCVN
01:2019/BCT.
4. Tổ chức sử dụng VLNCN trước khi tiến hành nổ mìn
lần đầu ở địa điểm đã được cấp phép, đơn vị nổ mìn phải thông báo bằng văn bản
chậm nhất trước 01 ngày đêm cho chính quyền, công an địa phương và cho mọi người
sống hoặc làm việc trong vùng nguy hiểm của khu vực nổ mìn và vùng giáp ranh
(vùng có bán kính gấp hai lần bán kính vùng nguy hiểm) biết về địa điểm, thời
gian nổ mìn lần đầu, hàng ngày; giới hạn vùng nguy hiểm, các tín hiệu, ý nghĩa
của các tín hiệu dùng khi nổ mìn theo quy định tại Điều 37 của QCVN
01:2019/BCT.
Điều 28. Trách nhiệm, quyền lợi
và nghĩa vụ của tổ chức sử dụng VLNCN
1. Trách nhiệm của tổ chức sử dụng VLNCN.
a) Thực hiện theo quy định tại Điều 45 của Luật Quản
lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017;
b) Phải có thỏa thuận về các biện pháp bảo vệ, che
chắn hoặc phương án khắc phục các thiệt hại do nổ mìn (nếu có) gây ra với tổ chức,
cá nhân quản lý, sở hữu công trình, tài sản nêu trên. Thoả thuận phải được thực
hiện không nhỏ hơn 15 ngày trước khi tiến hành nổ mìn, nội dung bản thỏa thuận
phải nêu rõ hiện trạng công trình, các hư hỏng sẵn có, nguồn nước cũng như các
vật kiến trúc khác có thể bị ảnh hưởng do nổ mìn.
2. Quyền của tổ chức sử dụng VLNCN.
a) Ký kết và thực hiện dịch vụ nổ mìn với tất cả
các tổ chức theo quy định tại Khoản 3 Điều 42 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí,
vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh;
b) Thực hiện khiếu nại, tố cáo đối với các tổ chức,
cá nhân có hành vi vi phạm Quy chế này và các quy định của pháp luật có liên
quan về VLNCN làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định
của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
3. Nghĩa vụ của tổ chức sử dụng VLNCN.
a) Thực hiện kiểm định các máy, thiết bị có yêu cầu
an toàn nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động;
b) Lập hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động PCCC theo
quy định của Luật PCCC;
c) Có trách nhiệm báo cáo cho các cơ quan có thẩm
quyền theo quy định tại Điều 18, Điều 19 Thông tư số 13/2018/TT-BCT .
Điều 29. Các tổ chức, cá nhân
hoạt động TCTN
1. Trách nhiệm của tổ chức sử dụng TCTN thực hiện
theo quy định tại Điều 51 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công
cụ hỗ trợ năm 2017.
2. Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TCTN
phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, giấy chứng nhận và chỉ được mua,
bán tiền chất thuốc nổ trong danh mục TCTN được phép sản xuất, kinh doanh và sử
dụng ở Việt Nam.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 30. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Quy chế này và
các quy định khác của pháp luật liên quan về hoạt động VLNCN, TCTN, nổ mìn, tùy
theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 31. Tổ chức thực hiện
1. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành, địa phương liên quan tổ chức phổ biến, triển khai thực hiện Quy chế này
và những quy định hiện hành của pháp luật liên quan đến hoạt động VLNCN, TCTN.
2. Các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu để áp dụng
trong Quy chế được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng các văn bản mới thì được
dẫn chiếu áp dụng theo các văn bản mới.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các
sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan và tổ chức hoạt động VLNCN, TCTN phản
ánh bằng văn bản về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét, điều chỉnh./.