MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN, TIÊU
THỤ RAU AN TOÀN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 31/5/2011 của UBND tỉnh)
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Sản xuất rau an toàn được hỗ trợ theo chính sách
này phải nằm trong vùng quy hoạch rau an toàn tập trung trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có đầu tư phát
triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau an toàn.
- Đối tượng rau an toàn áp dụng trong chính sách
này bao gồm các loại rau tươi được sản xuất theo VietGAP.
Điều 3. Nội dung hỗ trợ phát
triển
- Điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, xác định
các vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn tập trung, lập các dự án đầu tư phát
triển rau an toàn.
- Đầu tư sản xuất rau an toàn.
- Đầu tư chế biến, tiêu thụ rau an toàn.
- Chứng nhận và công bố sản xuất, chế biến rau
an toàn theo VietGAP.
Điều 4. Thời gian hỗ trợ
chính sách
Thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ đến hết
năm 2015.
Điều 5. Phương thức hỗ trợ
1. Chính sách hỗ trợ
a) Đầu tư 100 % kinh phí cho điều tra cơ bản, khảo
sát địa hình, xác định vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn tập trung đáp ứng
yêu cầu sản xuất an toàn theo VietGAP.
b) Đầu tư 100 % kinh phí cho xây dựng, cải tạo kết
cấu hạ tầng: Giao thông, kênh mương tưới, tiêu cấp 1, cấp 2; trạm bơm; hệ thống
điện hạ thế theo dự án được phê duyệt.
c) Hỗ trợ đầu tư chợ bán buôn, kho bảo quản, trạm
cấp nước phục vụ sơ chế, nhà sơ chế rau an toàn (theo quy chuẩn Quốc gia) và bể
chứa chất thải vật tư nông nghiệp:
- Hỗ trợ kỹ thuật, kinh tế cho hợp tác xã về xây
dựng trụ sở, kho bảo quản; cho vay vốn ban đầu không tính lãi 3 năm từ 300 -
500 triệu, giảm hoặc miễn thuế giá trị gia tăng.
- Hỗ trợ 100 % lãi suất tiền vay lần đầu tối đa
trong thời gian 03 năm kể từ khi phát sinh lãi vay; thời gian vay được tính hỗ
trợ lãi suất trong thời gian thực hiện chính sách.
- Hỗ trợ lãi suất chỉ thực hiện sau khi các chủ
đầu tư đã thực hiện thanh toán lãi vay cho các tổ chức tín dụng.
- Mức vốn hỗ trợ lãi vay: Theo Nghị định số
41/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển
nông nghiệp, nông thôn.
- Ngân sách không hỗ trợ phần lãi suất quá hạn của
hợp đồng vay vốn.
d) Hỗ trợ xúc tiến thương mại
- Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại theo
chế độ chi các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh.
- Hỗ trợ 100 % kinh phí xây dựng thương hiệu,
đăng ký xuất xứ, tham gia hội chợ.
e) Hỗ trợ 100 % chi phí chuyển giao tiến bộ kỹ
thuật sản xuất, chế biến rau an toàn;
f) Hỗ trợ 100 % kinh phí để cấp chứng nhận đủ điều
kiện sản xuất, sơ chế rau an toàn; chứng nhận, công bố sản xuất rau an toàn phù
hợp VietGAP. Kinh phí hỗ trợ bao gồm: Kinh phí kiểm tra mẫu đất, mẫu nước, mẫu
sản phẩm; kinh phí cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế rau an
toàn; kinh phí cấp Giấy chứng nhận VietGAP; kinh phí công bố sản xuất rau an
toàn phù hợp VietGAP. Các khoản kinh phí trong điểm này, ngân sách của tỉnh chỉ
hỗ trợ cho các nhóm nông dân liên kết, tham gia sản xuất rau an toàn phù hợp
theo VietGAP.
g) Hỗ trợ thuê đất, thuê mặt nước của hộ gia
đình, cá nhân
- Nhà đầu tư có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu
đãi đầu tư nếu thuê đất, thuê mặt nước của hộ gia đình, cá nhân để tiến hành dự
án đầu tư đó thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ 20 % tiền thuê đất, thuê mặt nước
theo khung giá đất, mặt nước của tỉnh cho 5 năm đầu tiên kể từ khi hoàn thành
xây dựng cơ bản.
- Khuyến khích doanh nghiệp có dự án nông nghiệp
đặc biệt ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp khuyến
khích đầu tư hình thành vùng nguyên liệu thông qua hình thức hộ gia đình, cá
nhân góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với các dự án không thu hồi đất.
2. Về nguồn vốn
a) Ngân sách Trung ương: Đầu
tư xây dựng, cải tạo kết cấu hạ tầng: Giao thông, kênh mương tưới, tiêu cấp 1,
cấp 2; trạm bơm; hệ thống điện hạ thế.
b) Ngân sách của tỉnh
- Đầu tư kinh phí cho điều tra cơ bản, khảo sát
địa hình, xác định vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn tập trung đáp ứng yêu
cầu sản xuất an toàn theo VietGAP.
- Hỗ trợ lãi suất đầu tư chợ bán buôn đầu mối,
kho bảo quản, trạm cấp nước phục vụ sơ chế, nhà sơ chế rau an toàn và bể chứa
chất thải vật tư nông nghiệp.
- Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, chuyển
giao tiến bộ kỹ thuật rau an toàn.
- Hỗ trợ lãi vay lần đầu không quá 3 năm đối với
cá nhân, hộ sản xuất và kinh doanh, hợp tác xã, chủ trang trại (áp dụng cho tiết
4, điểm c, khoản 1, điều 5 tại Quy định này).
- Hỗ trợ kinh phí để cấp chứng nhận đủ điều kiện
sản xuất, sơ chế rau an toàn; chứng nhận, công bố sản xuất rau an toàn phù hợp
VietGAP.
3. Về đất đai:
a) Tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất rau an toàn
được ưu tiên thuê đất, hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của
Luật Đất đai tại các vùng sản xuất rau, quả an toàn tập trung và được hưởng mức
ưu đãi cao nhất về tiền sử dụng đất, giá thuê đất theo các quy định hiện hành.
b) Khuyến khích nông dân sử dụng quyền sử dụng đất
để góp vốn cổ phần hoặc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất, chế
biến, tiêu thụ rau an toàn.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã và các sở, ngành có liên quan hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt
Quy định này; theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện chính sách và các vướng mắc,
phát sinh báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, giải quyết.
- Hàng năm, tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện
chính sách trên địa bàn tỉnh, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.
- Chủ trì thực hiện hỗ
trợ cho đối tượng thụ hưởng và chịu trách nhiệm thanh quyết toán kinh
phí và báo cáo những vùng quy hoạch trọng điểm.
- Điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, xác định
các vùng có đủ điều kiện sản xuất rau an toàn; tham mưu, đề xuất trình Ủy ban
nhân dân tỉnh ban hành quyết định các vùng sản xuất rau an toàn tập trung.
- Đánh giá, chứng nhận và công bố sản xuất, chế
biến rau an toàn theo VietGAP.
- Tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập Ban chỉ
đạo, giám sát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm rau an toàn trong sản xuất,
chế biến, tiêu thụ.
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất với
các Bộ, ngành Trung ương thông qua các chương trình, dự án để hỗ trợ đầu tư
kinh phí xây dựng, cải tạo kết cấu hạ tầng (giao thông, kênh mương tưới tiêu,
điện hạ thế) cho vùng có đủ điều kiện sản xuất rau, quả an toàn tập trung đáp ứng
theo các tiêu chí tại Thông tư số 59/2009/TT-BNNPTNT ngày 09/9/2009 của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Giao Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập và phân bổ kế hoạch
vốn sự nghiệp thực hiện chính sách theo Quy định này; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định giao dự toán kinh phí hỗ trợ cho các
đơn vị thực hiện.
3. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp
với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính lập và phân bổ kế hoạch
vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn lồng ghép của các chương trình, dự án để thực
hiện chính sách theo Quy định này báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng
nhân dân tỉnh quyết định.
4. Giao Sở Công thương: Căn cứ kế hoạch hàng
năm, Sở Công Thương định hướng chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại về lưu
thông, phân phối các sản phẩm rau sạch an toàn và vận động tuyên truyền người
tiêu dùng sử dụng rau sạch an toàn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
5. Giao Sở Khoa học và Công nghệ: Ưu tiên triển
khai thực hiện các đề tài, dự án về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong xây dựng
các mô hình sản xuất, bảo quản, chế biến rau an toàn; hướng dẫn các tổ chức, cá
nhân bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong nước và nước ngoài.
6. Giao Sở Y tế phối hợp với Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vệ sinh
an toàn nông sản, thực phẩm.
7. Giao Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn - Chi nhánh Bình Phước và Chi nhánh Ngân hàng phát triển ưu tiên bố trí
nguồn vốn vay cho các chương trình, dự án sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau an
toàn.
8. Giao Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã:
- Chịu trách nhiệm chỉ đạo, triển khai phát triển
sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn quản lý.
- Xây dựng dự án và đề xuất kinh phí cụ thể sau
khi có quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển vùng sản xuất, chế biến và
tiêu thụ rau an toàn tập trung trên địa bàn.
- Chịu trách nhiệm hỗ trợ và quyết toán kinh
phí, báo cáo những vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn quản lý.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng
mắc đề nghị các ngành, địa phương kịp thời báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.