Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 287/QĐ-TTg 2022 phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long

Số hiệu: 287/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Lê Văn Thành
Ngày ban hành: 28/02/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 287/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu;

Căn cứ Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 9453/TTr-BKHĐT ngày 31 tháng 12 năm 2021 và báo cáo tiếp thu, giải trình tại văn bản số 1076/BKHĐT-QLQH ngày 22 tháng 02 năm 2022; Báo cáo thẩm định số 124/BC-HĐTĐQHV ngày 20 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chính sau:

I. PHẠM VI, RANH GIỚI LẬP QUY HOẠCH

1. Vùng đất bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

2. Vùng biển ven bờ của các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.

II. QUAN ĐIỂM, TẦM NHÌN, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

a) Phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển nền tảng văn hóa - xã hội và hệ sinh thái tự nhiên; lấy “con người” làm trung tâm; coi tài nguyên nước là cốt lõi; quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên toàn lưu vực đảm bảo việc duy trì nguồn sống cho môi trường và người dân; chuyển đổi mô hình sinh kế tại các tiểu vùng theo hướng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

b) Biến thách thức thành cơ hội; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị, trong đó chú trọng phát huy có hiệu quả các nguồn lực về con người, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đô thị, phát triển công nghiệp và chuyển đổi số.

c) Chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung; phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp gắn kết với các khu vực đô thị hóa, công nghiệp hóa tạo ra sự phát triển đột phá.

d) Tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; với thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; mở rộng giao thương với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công.

đ) Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, có ý nghĩa quan trọng đối với việc chuyển đổi mô hình phát triển, đặc biệt chú trọng đến hạ tầng giao thông, năng lượng, cấp nước sạch, thủy lợi và hạ tầng xã hội.

e) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; chú trọng việc đảm bảo an ninh lương thực, nguồn nước, biên giới, vùng biển và hải đảo.

2. Tầm nhìn

Đến năm 2050, đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư; các cộng đồng dân cư thịnh vượng và năng động; các hệ sinh thái đất ngập nước quan trọng được bảo tồn và phát triển; khai thác, phát huy có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Hệ thống đô thị được phân bổ hợp lý và phát triển bền vững. Hệ thống giao thông được phát triển đồng bộ, kết nối nội vùng, liên vùng. Hạ tầng thủy lợi, thông tin và truyền thông, cấp điện, cấp, thoát nước được xây dựng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an toàn trước thiên tai. Hệ thống các cơ sở văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, thể dục, thể thao phát triển khá so với cả nước.

3. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát

Phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế biển; kinh tế du lịch; tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng, trong nước và quốc tế; chú trọng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái; duy trì và tôn tạo bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc; bảo đảm ổn định chính trị, quốc phòng và an ninh.

b) Mục tiêu cụ thể

- Về môi trường, sinh thái:

+ Nâng cao chất lượng và tăng tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2030 đạt 7,5 %, Bảo vệ các hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và các hệ sinh thải đầm phá nhằm đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chủ động phòng, tránh giảm thiểu rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

+ Giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình phát triển nông nghiệp, công nghiệp, đô thị thông qua hiện đại hóa công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn, tăng cường thu gom, xử lý và tái chế rác thải. Đến năm 2030, 100% chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại từ đô thị và công nghiệp được thu gom và xử lý.

- Về văn hóa - xã hội:

+ Về giáo dục - đào tạo: Nâng cao mặt bằng học vấn và đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục; phấn đấu đến năm 2030, nâng tỷ lệ học sinh ở các cấp học và tỷ lệ phòng học kiên cố đạt mức bình quân cả nước.

+ Về lao động:

Phát triển Lực lượng lao động chất lượng cao và có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường, trong đó chú trọng các ngành trọng tâm của vùng. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỷ trọng lao động khu vực phi nông nghiệp (dịch vụ và công nghiệp - xây dựng) đạt 75-80%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%.

+ Về y tế:

Xây dựng hệ thống y tế toàn vùng theo hướng phủ khắp, hiện đại, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đến năm 2030, đạt 30 giường bệnh viện; 10 bác sĩ; 2,8 dược sĩ đại học; 25 điều dưỡng viên trên 10.000 dân.

+ Về văn hóa:

Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn. Đến năm 2030, phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa. Bảo tồn, tôn tạo và phát triển các công trình văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp phát triển du lịch.

- Về phát triển kinh tế:

+ Tiếp tục phát huy thế mạnh về kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững và ứng dụng công nghệ cao; duy trì tỷ trọng giá trị gia tăng ở mức cao khoảng 20-25% vào năm 2030; tận dụng có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường.

+ Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chuyển dần từ cơ cấu ngành thâm dụng lao động sang thâm dụng vốn, từ công nghệ thấp sang trung bình và cao theo hướng thông minh. Đến năm 2030, tỷ trọng các ngành thâm dụng lao động, chế biến thô, các ngành công nghệ thấp giảm xuống dưới 50%; tỷ trọng các ngành thâm dụng vốn, các ngành công nghệ trung bình và cao như hóa chất, được, máy móc thiết bị, đồ điện, phương tiện vận tải chiếm trên 40% giá trị sản xuất của công nghiệp chế biến chế tạo.

+ Kinh tế tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 6,5%/năm. Quy mô nền kinh tế (GRDP) năm 2030 lớn hơn 2-2,5 lần so với năm 2021.

+ Cơ cấu kinh tế: Năm 2030, tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GRDP khoảng 20%; công nghiệp - xây dựng khoảng 32%; dịch vụ khoảng 46%; thuế và trợ cấp khoảng 2%.

- Về phát triển kết cấu hạ tầng:

+ Phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế, trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ; 04 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

+ Phát triển hạ tầng năng lượng, trong đó chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, đảm bảo chủ động cân đối năng lượng cho nhu cầu phát triển của vùng.

+ Hạ tầng thủy lợi được xây dựng đồng bộ phù hợp với chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tiểu vùng sinh thái, đồng thời đảm bảo chủ động kiểm soát lũ, ứng phó với lũ cực đoan, phòng, chống sạt lở.

+ Nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, bảo đảm cấp nước an toàn; từng bước hiện đại hóa hệ thống quản lý, sản xuất và kinh doanh nước sạch. Đến năm 2030, tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch đạt 98 - 100%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 70%.

- Về quốc phòng, an ninh:

Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông biên giới, tăng cường kết nối giao thông từ hệ thống cửa khẩu quốc tế với các trung tâm phát triển nội vùng, liên vùng, kết cấu hạ tầng gắn với bảo vệ biên giới, hải đảo; bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh.

III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH CÓ LỢI THẾ

1. Phương hướng phát triển nông nghiệp

a) Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với thay đổi về điều kiện tự nhiên theo 3 tiểu vùng sinh thái:

- Vùng sinh thái ngọt ở thượng nguồn và trung tâm của đồng bằng (bao gồm các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ và một phần của các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An); là vùng sinh thái nước ngọt an toàn trước tác động của lũ, ngập, xâm nhập mặn; là vùng trọng điểm về sản xuất lúa, thủy sản nước ngọt và trái cây của vùng đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia; phát triển nền nông nghiệp đa dạng, theo hướng hiện đại và bền vững, có tính đến thích ứng với lũ cực đoan, đóng vai trò điều tiết và hấp thu lũ cho đồng bằng sông Cửu Long.

- Vùng sinh thái mặn - lợ ở ven biển (bao gồm một phần lãnh thổ của các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An): Phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn, mặn - lợ trên bờ và trên biển; đánh bắt hải sản; khôi phục và phát triển rừng ngập mặn ven biển gắn với bảo vệ đa dạng sinh học và dải bờ biển; phát triển hệ thống nông - lâm kết hợp theo hướng sinh thái, hữu cơ, kết hợp du lịch sinh thái; chủ động phòng, tránh, giảm thiểu rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

- Vùng chuyển tiếp ngọt - lợ ở giữa đồng bằng (bao gồm một phần lãnh thổ của các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An): Phát triển thủy hải sản nước lợ chuyên canh và luân canh với lúa, rau màu phù hợp với điều kiện về nguồn nước theo mùa.

b) Phát triển các sản phẩm chiến lược theo ba trọng tâm: Thủy sản, trái cây và lúa gạo theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo.

c) Phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với thương mại, dịch vụ logistic, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

d) Phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị có vai trò là trung tâm cấp vùng, tiểu vùng và các đầu mối hạ tầng quốc gia, liên vùng; là nơi cung cấp các dịch vụ về logistics, nghiên cứu phát triển, đào tạo và chuyển giao công nghệ, thu gom, chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, cụ thể:

- Trung tâm đầu mối tổng hợp ở thành phố Cần Thơ với chức năng chính là thương mại, logistics, nghiên cứu phát triển, đào tạo và chuyển giao công nghệ, công nghiệp chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông sản, đặc biệt là lúa gạo và thủy sản; phát triển dịch vụ logistic ở tỉnh Hậu Giang để hỗ trợ cho thành phố Cần Thơ trong việc thực hiện vai trò là trung tâm logistic của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Trung tâm đầu mối ở An Giang, Đồng Tháp gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo ở vùng sinh thái nước ngọt.

- Trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản khu vực ven biển.

- Trung tâm đầu mối ở Tiền Giang, Bến Tre gắn với vùng nguyên liệu chính về trái cây, rau màu.

đ) Phát triển nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa tại các tiểu vùng để phối hợp và khai thác có hiệu quả các nguồn lực; tăng cường liên kết đô thị - nông thôn trong nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và đẩy mạnh thương mại, dịch vụ logistic, kết nối thị trường của các sản phẩm nông sản.

e) Thúc đẩy tập trung, tích tụ đất đai hình thành các vùng sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu quy mô lớn, có sức cạnh tranh và hiệu quả cao, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

g) Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực: giống, thức ăn và chế biến; tăng cường canh tác bền vững bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm.

2. Phương hướng phát triển công nghiệp

a) Phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện môi trường trong đó chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; đầu tư chiều sâu, hướng vào xuất khẩu đối với các nhóm ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với vùng nguyên liệu, các sản phẩm hóa chất và cơ khí phục vụ nông nghiệp.

b) Nâng cao tính tập trung, mật độ của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên cơ sở gắn kết với khu vực đô thị, hệ thống kết cấu hạ tầng liên kết trong vùng, liên vùng, quốc tế để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.

c) Phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghệ thông tin; khai thác tiềm năng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ rừng và bờ biển.

d) Định hướng phát triển của các ngành công nghiệp chính

- Công nghiệp chế biến:

+ Chế biến thực phẩm: Khuyến khích phát triển các nhà máy chế biến thực phẩm về thủy sản, trái cây, lúa gạo áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại tại các trung tâm đầu mối và khu vực thuận lợi về vùng nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giá trị kinh tế cho xuất khẩu; đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh bảo quản hỗ trợ việc thu gom, trung chuyển, vận tải hàng hóa nông sản tại các trung tâm đầu mối.

+ Chế biến thức ăn chăn nuôi và thức ăn nuôi trồng thủy sản: Phát triển mạng lưới cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi và thức ăn nuôi trồng thủy sản gắn với các trung tâm đầu mối và vùng sản xuất tập trung; xây dựng một số xưởng chế biến bột cá có công nghệ và thiết bị tiên tiến nhằm giảm lượng nhập khẩu bột cá và hạ giá thành thức ăn, khuyến khích các thành phần kinh tế từng bước xây dựng nhà máy có quy mô lớn và chất lượng sản phẩm cao; đầu tư các kho trữ đông có công suất 10.000 tấn/năm.

+ Giết mổ và chế biến thịt: Sắp xếp lại hệ thống cơ sở giết mổ theo hướng hạn chế và dần tiến tới xóa bỏ các Cơ sở giết mổ thủ công, phân tán ở hộ gia đình và xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung xa khu dân cư có trang bị hệ thống kiểm dịch và xử lý môi trường; khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển cơ sở giết mổ và chế biến cấp đông tại chỗ. Xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm đóng hộp với quy mô vừa, thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, đặt tại khu công nghiệp.

+ Sản xuất sản phẩm đồ gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ: Tập trung phát triển các nhà máy sản xuất đồ gỗ gia dụng, nhà máy sản xuất ván nhân tạo, ván ép; Khuyến khích phát triển sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống như đồ gồ mỹ nghệ, mây, tre, lá, chiếu cói... phục vụ nhu cầu du lịch tại các địa phương như Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang, Hậu Giang.

- Công nghiệp điện: Đến năm 2030, không phát triển thêm nhiệt điện than ngoài các nhà máy nhiệt điện than đang trong quá trình xây dựng ở Duyên Hải II (Trà Vinh), Long Phú I (Sóc Trăng), Sông Hậu I (Hậu Giang); tập trung phát triển điện gió ở bán đảo Cà Mau và điện mặt trời; xây dựng các nhà máy điện có khả năng điều chỉnh linh hoạt, các nguồn pin tích năng để đảm bảo vận hành ổn định hệ thống điện có tỷ trọng cao nguồn năng lượng tái tạo; xem xét phát triển các dự án điện khí ở Bạc Liêu, Kiên Giang, Long An sau năm 2030.

- Công nghiệp cơ khí, thiết bị điện, điện tử: Phát triển công nghiệp cơ khí vào các khâu có giá trị gia tăng như thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, chế tạo linh kiện phức tạp có độ chính xác cao; triển khai các dự án nhà máy cán tôn, cán thép và cán nhôm định hình, dự án cơ khí phục vụ ngành dầu khí; nhà máy thiết bị điện tử dân dụng và phụ trợ; nhà máy sản xuất máy nông nghiệp, máy và thiết bị chế biến nông, lâm, thủy sản; trung tâm đo kiểm thiết bị cơ điện, điện tử; nhà máy sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế; phát triển ngành đóng và sửa chữa tàu, phương tiện thủy nhỏ và vừa tại Tiền Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cần Thơ. Ưu tiên đầu tư các dự án có công nghệ và trình độ sản xuất cao, sử dụng công nghệ hiện đại để đáp ứng yêu cầu sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng và nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

- Công nghiệp hóa chất và sản phẩm hóa chất: Phát triển công nghiệp hóa chất và sản phẩm từ hóa chất có chọn lọc để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm; đầu tư phát triển các sản phẩm hóa dược đáp ứng nhu cầu thuốc chữa bệnh; đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng và mẫu mã cạnh tranh với thị trường trong và ngoài nước; khuyến khích phát triển nhà máy phân bón tại Cà Mau; đầu tư nâng cao chất lượng, hạ giá thành, đa dạng hóa những loại phân đặc chủng có hàm lượng dinh dưỡng cao, ít ô nhiễm môi trường, ít bị rửa trôi...; nghiên cứu đầu tư sản xuất phân hữu cơ vi sinh được chế biến từ các nguồn rác thải dân dụng và than bùn có sẵn tại địa phương.

- Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: Phát triển sản xuất vật liệu mới, vật liệu tiết kiệm năng lượng, xanh, sạch, phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng cả nước. Tổ chức sắp xếp lại các cơ sở khai thác cát đảm bảo không làm tăng nguy cơ xói lở bờ sông, bờ biển, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ các công trình giao thông và thủy lợi trên các tuyến sông, ven biển.

3. Phương hướng phát triển dịch vụ

a) Về thương mại

- Đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại từ khu thương mại - dịch vụ, trung tâm logistics đến hệ thống chợ dân sinh hỗ trợ hiệu quả cho các trung tâm đầu mối về nông nghiệp; chú trọng xây dựng hệ thống kho chứa và bảo quản nông sản đảm bảo đủ tiêu chuẩn; phát triển thương mại điện tử, thương mại biên giới để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản có thế mạnh.

- Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương, hợp tác xã, hiệp hội, doanh nghiệp để xây dựng, củng cố một số nhận diện thương hiệu chính về nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long đối với thị trường trong nước, quốc tế.

b) Về du lịch

- Phát triển đồng bằng sông Cửu Long trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch sinh thái (miệt vườn sông nước, đất ngập nước) và du lịch biển trên cơ sở phát triển sản phẩm và xúc tiến chung cho thương hiệu; phát triển Cần Thơ và Phú Quốc trở thành hai trung tâm du lịch quốc tế, là cửa ngõ đón khách của toàn vùng.

- Phát triển các khu du lịch, điểm du lịch cấp quốc gia, cấp vùng gắn với việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử gồm: Khu du lịch quốc gia Phú Quốc, Năm Căn - Mũi Cà Mau, Tràm Chim - Láng Sen, Núi Sam, Thới Sơn; điểm du lịch quốc gia: Cù lao Ông Hổ, Khu lưu niệm Cao Văn Lầu, bến Ninh Kiều, Ao Bà Om, Hà Tiên, Văn Thánh Miếu...

- Phát triển các tuyến du lịch kết nối nội vùng, liên vùng, quốc gia, quốc tế, trong đó chú trọng phát triển các tuyến du lịch liên vùng gắn với thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, Phú Quốc, Cà Mau; tuyến hành lang ven biển phía Nam (Thái Lan - Campuchia - Rạch Giá - Cà Mau) và hệ thống cửa khẩu quốc tế đường bộ Hà Tiên (Kiên Giang), Tịnh Biên (An Giang), Dinh Bà, Thường Phước (Đồng Tháp) và Bình Hiệp (Long An); tuyến đường biển và tuyến đường sông dọc theo sông Tiền và sông Hậu kết nối với Phnompenh, Seam Reap (Campuchia).

- Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đồng bộ, kết nối giữa các khu và điểm du lịch trong vùng, liên vùng và quốc tế trong đó chú trọng phát triển hệ thống cảng du lịch trên sông Tiền, sông Hậu và cảng du lịch tàu biển tại các tỉnh ven biển.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Tăng cường đào tạo nghề dịch vụ du lịch, góp phần chuyển đổi nghề bền vững cho lao động nông thôn.

c) Về dịch vụ

Tập trung đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistic để tạo điều kiện phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu; phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ cho sản xuất và cho các khu, cụm công nghiệp. Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, văn hóa - thể thao, dịch vụ công nghệ thông tin tại các đô thị loại I, loại II có vai trò là trung tâm của vùng, tiểu vùng. Phát triển thành phố Cần Thơ thành trung tâm thương mại, dịch vụ của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

4. Phương hướng phát triển kinh tế biển

a) Phát triển công nghiệp khí, chế biến khí, điện khí, năng lượng tái tạo; bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn gắn với bảo vệ bờ biển, phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến khí hậu, nước biển dâng.

b) Phát triển Kiên Giang thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia; phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế.

c) Đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác thủy sản tại khu vực ven biển theo hướng hiện đại, bền vững; đẩy mạnh chuyển đổi các khu vực trồng lúa tập trung và các mô hình sinh kế khác có giá trị kinh tế thấp sang nuôi trồng thủy sản; phát triển công nghiệp chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá.

d) Tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo vệ nguồn đa dạng sinh học biển.

IV. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN, SẮP XẾP, LỰA CHỌN VÀ PHÂN BỐ NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN TRÊN LÃNH THỔ VÙNG

1. Các hành lang phát triển

a) Hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An: Định hướng đẩy mạnh đô thị hóa, công nghiệp hóa dọc các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Mỹ An (Đồng Tháp) - Đức Hòa (Long An), tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ - Bến Lức (Long An) và khu vực dọc hành lang vận tải thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ; tăng cường liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ.

b) Hành lang dọc sông Tiền - sông Hậu: Là hành lang kinh tế, không gian văn hóa, hành lang đa dạng sinh học, không gian cảnh quan sông nước có tính nhận diện, đặc trưng của vùng; định hướng phát triển cụm liên kết về lúa gạo, thủy sản và trái cây gắn với các đô thị sinh thái hai bên sông nhằm thúc đẩy chuyên môn hóa và hiện đại hóa nông nghiệp; phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc của vùng Tây Nam Bộ. Định hướng dài hạn trở thành vùng đô thị chiến lược đối trọng với vùng thành phố Hồ Chí Minh, với tiềm năng lớn và kết nối, giao thương quốc tế về đường thủy nội địa và hàng hải.

c) Hành lang kinh tế ven biển qua các tỉnh ven biển từ Long An, Cà Mau đến Kiên Giang, tập trung phát triển năng lượng tái tạo, cụm liên kết về thủy sản, nghề biển, du lịch và đô thị biển đảo.

d) Hành lang biên giới từ Long An đến Kiên Giang: Phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Các khu vực phát triển động lực

a) Phát triển Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ, thương mại, du lịch, logistic, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giáo dục và đào tạo; y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long; là cửa ngõ kết nối vùng với quốc tế; tăng cường kết nối hạ tầng giao thông giữa thành phố Cần Thơ và các địa phương trong vùng nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ có chất lượng cao tương đương trình độ của khu vực, quốc tế.

b) Phát triển khu vực tứ giác trung tâm của vùng bao gồm các đô thị: Cần Thơ, Long Xuyên, Cao Lãnh, Vĩnh Long; là điểm hội tụ của các hành lang phát triển, hành lang vận tải quan trọng của vùng.

c) Phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với hệ thống các đô thị loại I có vai trò trung tâm tổng hợp, trung tâm chuyên ngành của vùng, tiểu vùng.

d) Phát triển Phủ Quốc gắn kết với hệ thống đô thị ven biển, đô thị đảo để trở thành một cực phát triển kinh tế biển quan trọng trong không gian biển quốc gia.

V. PHƯƠNG HƯỚNG XÂY DỰNG HỆ THỐNG ĐÔ THỊ, NÔNG THÔN VÀ CÁC KHU CHỨC NĂNG

1. Phương hướng xây dựng hệ thống đô thị

a) Hệ thống đô thị phân bố hợp lý tại các vùng đô thị dọc theo các hành lang phát triển chính của vùng.

b) Phát triển hệ thống đô thị loại I, loại II theo mô hình đô thị sinh thái, nén, tập trung phù hợp với Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

c) Các đô thị là trung tâm tổng hợp, trung tâm chuyên ngành của vùng, tiểu vùng bao gồm:

- Thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc trung ương, là trung tâm hành chính, dịch vụ, thương mại, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, du lịch, công nghiệp chế biến của toàn vùng; cung ứng các dịch vụ y tế, giáo dục có chất lượng cao có khả năng cạnh tranh ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.

- Thành phố Mỹ Tho có vai trò là một trong những trung tâm dịch vụ thương mại, logistic, du lịch tại khu vực phía Bắc sông Tiền; đô thị cửa ngõ giữa vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng đồng bằng sông Cửu Long; trung tâm nông nghiệp công nghệ cao về cây ăn trái và trung tâm dịch vụ du lịch miệt vườn.

- Thành phố Tân An có vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ phía Đông Bắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đô thị cửa ngõ giữa vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Thành phố Long Xuyên có vai trò là một trong những trung tâm thương mại dịch vụ phía Tây Bắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm chuyển giao công nghệ về nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là lúa gạo và thủy sản nước ngọt.

- Thành phố Rạch Giá có vai trò là trung tâm kinh tế biển, thương mại dịch vụ tại khu vực ven biển phía Tây của vùng đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thủy hải sản; trung tâm công nghiệp chế biến nông - thủy sản.

- Thành phố Cà Mau có vai trò là trung tâm tiểu vùng ven biển tại khu vực bán đảo Cà Mau; là trung tâm năng lượng và dịch vụ dầu khí quốc gia, trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái, trung tâm chế biến thủy sản của vùng.

- Thành phố Sóc Trăng có vai trò là trung tâm kinh tế của tiểu vùng ven biển Đông; là trung tâm nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thủy hải sản; trung tâm công nghiệp chế biến nông - thủy sản, công nghiệp năng lượng sạch; trung tâm du lịch văn hóa lịch sử.

d) Xây dựng và phát triển đô thị đảo bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, bảo tồn đa dạng sinh học biển, hải đảo và bảo đảm quốc phòng, an ninh; từng bước xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hướng tới hình thành các trung tâm dịch vụ, du lịch biển mang tầm quốc tế tại Phú Quốc.

2. Phương hướng phát triển hệ thống nông thôn

a) Phân bố và phát triển mạng lưới các khu dân cư nông thôn trên cơ sở hình thành các thị trấn nông - công nghiệp gắn với các trung tâm đầu mối và du lịch nông nghiệp - nông thôn.

b) Phát triển hình thái không gian dân cư nông thôn theo đặc trưng của từng tiểu vùng; bảo tồn và phát huy không gian kiến trúc cảnh quan và bản sắc văn hóa sông nước; tăng mật độ dân cư để tiếp cận tốt hơn đối với kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội.

c) Kiểm soát và hạn chế việc xây dựng các điểm dân cư tập trung tại các vùng sát bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở cao; bố trí, sắp xếp lại dân cư ven sông, kênh, rạch gắn với xây dựng nông thôn mới.

d) Quy hoạch và đầu tư xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ, phù hợp với phong tục văn hóa, điều kiện sản xuất của người dân; dành không gian thoát lũ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

đ) Tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân, đặc biệt là giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục.

e) Bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, làng văn hóa, cộng đồng thiểu số kết hợp phát triển du lịch.

3. Phương hướng phát triển các khu chức năng

a) Khu kinh tế, khu công nghiệp

- Trong thời kỳ đến năm 2030, tiếp tục phát triển các khu kinh tế trong vùng gắn với các đô thị trọng điểm tại các tiểu vùng, gồm: Phú Quốc (khu kinh tế Phú Quốc), Duyên Hải (khu kinh tế Định An), Năm Căn (khu kinh tế Năm Căn), Tân Châu, Tịnh Biên (khu kinh tế cửa khẩu An Giang), Hà Tiên (khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên), Hồng Ngự (khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp) và Kiến Tường (khu kinh tế cửa khẩu Long An).

- Cải tạo nâng cấp và đổi mới các khu công nghiệp hiện có; khuyến khích thành lập mới, mở rộng phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trong phạm vi các hành lang phát triển, khu vực phát triển động lực. Ưu tiên phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp tại hành lang đô thị - công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An, kết nối với thành phố Hồ Chí Minh và khu vực tứ giác trung tâm.

Căn cứ nhu cầu đầu tư, quy định về điều kiện thành lập, mở rộng khu kinh tế, khu công nghiệp và quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác định phương án phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp trong quy hoạch tỉnh.

b) Khu du lịch

Phát triển các khu du lịch, điểm du lịch cấp quốc gia, cấp vùng gắn với việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên (đồi núi, rừng, sông hồ...) và bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử gồm: Khu du lịch quốc gia Phú Quốc, Năm Căn - Mũi Cà Mau, Tràm Chim - Láng Sen, Núi Sam, Thới Sơn; điểm du lịch quốc gia: Cù lao Ông Hổ, Khu lưu niệm Cao Văn Lầu, bến Ninh Kiều, Ao Bà Om, Hà Tiên, Văn Thánh Miếu...

c) Các vùng sản xuất tập trung

- Vùng sinh thái nước ngọt: Phát triển vùng chuyên canh về lúa gạo, kết hợp các sinh kế dựa trên mùa lũ, nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

- Vùng chuyển tiếp ngọt - lợ: Phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái, rau màu, kết hợp nuôi trồng thủy sản mặn, lợ theo mùa.

- Vùng ven biển mặn - lợ: Phát triển vùng chuyên canh về thủy sản theo hướng bền vững.

VI. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG

1. Mạng lưới giao thông

a) Về đường bộ

- Hệ thống cao tốc: Hệ thống đường bộ cao tốc đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 có tổng chiều dài khoảng 1.166 km bao gồm ba trục dọc kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng với vùng Đông Nam Bộ và ba trục ngang nhằm tăng cường kết nối với hệ thống cảng biển trong vùng với các cửa khẩu quốc tế:

+ Các trục dọc: Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau), dài khoảng 245 km, quy mô 4 - 6 làn xe; tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đoạn Đức Hòa - Rạch Sỏi) dài khoảng 180 km, quy mô 6 làn xe; tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dải khoảng 150 km, quy mô 04 làn xe.

+ Các trục ngang: Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài khoảng 191 km, quy mô 6 làn xe; tuyến cao tốc Hà Tiên (Kiên Giang) - Rạch Giá - Bạc Liêu dài khoảng 212 km, quy mô 4 làn xe; tuyến cao tốc Hồng Ngự (Đồng Tháp) - Trà Vinh dài khoảng 188 km, quy mô 4 làn xe.

- Hệ thống quốc lộ:

+ Tập trung nâng cấp, cải tạo hệ thống quốc lộ chính yếu, đặc biệt ưu tiên một số tuyến quốc lộ kết nối với các địa phương chưa có đường cao tốc bao gồm: quốc lộ N1; quốc lộ 1, quốc lộ 50; quốc lộ 60; quốc lộ 61C; quốc lộ 62; quốc lộ 30; quốc lộ 80; quốc lộ 91; quốc lộ 63; đường Nam sông Hậu; đường Quản Lộ; với tổng chiều dài dự kiến khoảng 1.815 km; quy mô theo quy hoạch (cấp/làn xe IV-II, 2 - 6 làn xe); duy trì khai thác ổn định các tuyến quốc lộ thứ yếu với tổng chiều dài khoảng 2.351 km (cấp/làn xe IV-III, 2 - 4 làn xe).

+ Rà soát để đầu tư, cải tạo các cầu trên các tuyến quốc lộ chính yếu và thứ yếu hiện có đang bị hạn chế tải trọng, không đảm bảo tĩnh không nhằm nâng cao hiệu quả vận tải trên toàn mạng lưới tại vùng; từng bước hiện đại hóa hệ thống quản lý, bảo trì công trình, nâng cao hiệu quả khai thác trên toàn mạng lưới.

- Tuyến đường bộ ven biển: Hệ thống đường ven biển do địa phương đầu tư xây dựng đảm bảo phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự kiến tuyến đi qua các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang với tổng chiều dài tuyến dự kiến khoảng 788 km.

- Các tuyến đường liên tỉnh: Phát triển một số trục kết nối đến các đầu mối vận tải lớn, các khu công nghiệp, thúc đẩy giao lưu thương mại, đầu tư và phát triển giữa các tỉnh trong vùng bao gồm:

+ Tuyến Khánh Bình - Chợ Mới (An Giang) - Lấp Vò (Đồng Tháp), dài khoảng 85km.

+ Tuyến An Giang - Kiên Giang - Hậu Giang từ quốc lộ N1 đến quốc lộ 61C, dài khoảng 130km.

+ Tuyến Tiền Giang - Long An - kết nối vào quốc lộ 50 về Thành phố Hồ Chí Minh, dài khoảng 30 km.

+ Tuyến Sa Đéc (Đồng Tháp) - Ô Môn (Cần Thơ) - Giồng Riềng (Kiên Giang), dài khoảng 77km.

- Trong quá trình quy hoạch, thiết kế, xây dựng các tuyến giao thông đường bộ, cần tính toán và bố trí các cống, đập đảm bảo yêu cầu về thoát lũ, phòng, chống thiên tai; nghiên cứu phương án kết hợp đoạn tuyến của đường quốc lộ, đường bộ ven biển với hệ thống đê, cống kiểm soát mặn, ngọt trong quá trình lập quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp với phương hướng phát triển nông nghiệp tại các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp.

b) Về đường thủy nội địa

- Hành lang vận tải: Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng; nâng cao thị phần vận tải container, trong đó chú trọng kết nối các trung tâm đầu mối của vùng thông qua hành lang vận tải thủy chính là thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau (khối lượng vận tải khoảng 99 ÷ 105 triệu tấn); thành phố Hồ Chí Minh - An Giang - Kiên Giang (khối lượng vận tải khoảng 55,2 ÷ 58,5 triệu tấn); hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu (khối lượng vận tải khoảng 12,7 ÷ 15,3 triệu tấn) và hành lang vận tải thủy ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang (khối lượng vận tải khoảng 62,5 ÷ 70 triệu tấn); cấp kỹ thuật các tuyến đường thủy nội địa chính trên các hành lang vận tải trong vùng được quy hoạch đến năm 2030 đạt cấp IV trở lên.

- Hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa: Phát triển 13 cụm cảng hàng hóa đảm bảo tổng công suất hàng hóa thông qua ước tính đạt trên 53 triệu tấn/năm; 11 cụm cảng hành khách đảm bảo tổng năng lực thông qua ước tính đạt 31 triệu lượt hành khách/năm. Hệ thống cảng chuyên dùng phát triển theo nhu cầu vận tải phục vụ trực tiếp và phù hợp với quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy sản xuất, đóng mới sửa chữa phương tiện, chế biến nông, lâm, thủy sản.

- Đối với việc phát triển đường thủy nội địa do địa phương quản lý: Bố trí và phát triển cảng, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy địa phương và cảng hành khách, cảng chuyên dùng, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy quốc gia trong quy hoạch tỉnh phù hợp với tổ chức không gian và phân vùng chức năng, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch các cụm cảng.

c) Về hàng hải

- Hệ thống cảng biển đến năm 2030 đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua từ 64 đến 80 triệu tấn (hàng container từ 0,6 đến 0,8 triệu TEU); hành khách từ 6,1 đến 6,2 triệu lượt khách; đến năm 2050 đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 5,5 đến 6,1%; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,1 đến 1,25%.

- Cảng biển loại I bao gồm: Cảng biển Cần Thơ, Trà Vinh, Long An. Cảng biển loại II bao gồm: Cảng biển Đồng Tháp, Hậu Giang. Cảng biển loại III bao gồm: Cảng biển Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Khu bến Trần Đề (cảng biển Sóc Trăng) định hướng quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bến cảng Hòn Khoai (tại đảo Hòn Khoai) định hướng thành bến cảng tổng hợp tiềm năng phát triển có điều kiện phụ thuộc vào nhu cầu và năng lực của nhà đầu tư.

- Nâng cấp, cải tạo, duy trì các tuyến luồng hàng hải trong vùng để đảm bảo hoạt động ổn định và phù hợp với năng lực khai thác của hệ thống cảng biển, trong đó chú trọng cải tạo, nâng cấp các luồng chính bao gồm luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, luồng hàng hải Trần Đề.

d) Về đường sắt

Mạng lưới đường sắt trong vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm 01 tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ chiều dài khoảng 174 km, khổ đường 1.435 mm.

đ) Về hàng không

- Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đóng vai trò cảng hàng không phục vụ khách du lịch quốc tế và trong nước. Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ là trung tâm đầu mối phát triển logistics hàng không của vùng, Cảng hàng không Rạch Giá và Cà Mau, ngoài vai trò là cảng hàng không nội địa, còn đóng vai trò là trung tâm đào tạo, huấn luyện bay.

- Quy mô các cảng hàng không đến 2030 như sau:

+ Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ: cấp 4E, công suất 7,0 triệu lượt hành khách/năm.

+ Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc: cấp 4E, công suất 10 triệu lượt hành khách/năm.

+ Cảng hàng không Rạch Giá: cấp 4C, công suất 0,5 triệu lượt hành khách/năm.

+ Cảng hàng không Cà Mau: cấp 4C, công suất 1 triệu lượt hành khách/năm.

- Nghiên cứu phát triển mạng lưới các sân bay chuyên dùng phục vụ nhu cầu bay cá nhân, du lịch, cứu hộ cứu nạn tại một số khu vực tiềm năng như Phú Quốc, Châu Đốc, Hà Tiên, Năm Căn, Mỹ Tho, Đồng Tháp, Trần Đề...

e) Kết nối giao thông đa phương thức

- Tập trung giải quyết các nút thắt, các điểm tắc nghẽn về tĩnh không trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng cảng container tại các khu vực phát triển trung tâm đầu mối; đầu tư hệ thống trang thiết bị xếp dỡ tại các cảng thủy nội địa với vai trò là bến vệ tinh, thu gom hàng hóa cho cảng biển.

- Kết nối đường bộ với cảng biển: ưu tiên đầu tư các đoạn tuyến đường sau cng đảm bảo đồng bộ cấp kỹ thuật, kết nối thuận lợi với mạng giao thông quốc gia.

2. Hệ thống cung cấp điện

a) Phát triển nguồn điện và lưới điện phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

b) Về nguồn điện

Ưu tiên phát triển hợp lý nguồn điện từ năng lượng tái tạo, bảo đảm hiệu quả kinh tế chung cao nhất của hệ thống điện quốc gia; phát triển các nhà máy nhiệt điện với tỷ lệ thích hợp, phù hợp với khả năng cung cấp và phân bố của các nguồn nguyên liệu, gắn với việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

c) Về lưới điện

- Xây dựng và nâng cấp lưới điện, từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của lưới điện truyền tải và có khả năng phân phối trên toàn lãnh thổ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các công trình lưới điện quan trọng gồm:

+ Xây dựng các đường dây 500 kV: Tây Ninh - Đồng Tháp - Thốt Nốt, Thốt Nốt - Bạc Liêu, Duyên Hải - Mỹ Tho - Đức Hòa, Long Phú - Ô Môn.

+ Đấu nối các đường dây 220 kV: Đồng Tháp - Hồng Ngự - Châu Đốc; và Đồng Tháp - Chợ Mới - Châu Thành - Hòn Đất.

- Liên kết lưới điện với các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông: thúc đẩy hợp tác, trao đổi điện năng, đảm bảo lợi ích và an toàn hệ thống điện giữa các bên; duy trì và tăng cường liên kết lưới điện với Campuchia qua tuyến đường dây 220 kV hiện có và dựa trên các chương trình hợp tác song phương và đa phương.

3. Mạng lưới thủy lợi

a) Phát triển hệ thống thủy lợi, thay đổi quy chế vận hành phù hợp với định hướng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp tại các tiểu sinh thái theo hướng chủ động sống chung với lũ, xâm nhập mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

b) Đảm bảo cung cấp đầy đủ cho nhu cầu cấp nước sinh hoạt và công nghiệp. Nghiên cứu xây dựng các tuyến cấp nước từ vùng ngọt giữa đồng bằng cho bán đảo Cà Mau và các tỉnh ven biển phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô.

c) Phát huy các giải pháp truyền thống, chủ động trữ nước, cân đối nước tại chỗ phục vụ sinh hoạt, sản xuất thiết yếu; hồ chứa nước phân tán; giải pháp tiết kiệm nước; nạo vét các kênh chính, kênh cấp I và kênh cấp II để tăng sự lưu thông, trao đổi nước và tăng cường năng lực tưới, tăng dung tích trữ nước cho mùa khô.

d) Phát triển hệ thống đê bao, bờ bao bảo vệ khu vực dân cư, sản xuất, công trình có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội trước tác động của sụt lún đất, nước biển dâng và nguy cơ ngập diện rộng. Giai đoạn đến năm 2030 tập trung các giải pháp nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đê cấp I bao gồm đê biển và đê dọc theo các sông chính đbảo vệ những khu vực trọng yếu của vùng. Hệ thống đê cấp II bảo vệ các hệ thống thủy lợi và đê cấp III bảo vệ các ô bao nội đồng quy mô nhỏ được phát triển trong phạm vi từng địa phương theo nhu cầu phát triển thực tế nhằm đảm bảo phòng chống ngập lụt do lũ sông, triều cho các vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng, các đô thị, khu dân cư nông thôn, khu công nghiệp và các hạ tầng trọng yếu.

đ) Đối với vùng ngập lũ hàng năm như Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười và vùng giữa hai sông: Vận hành hệ thống thủy lợi, đê bao theo hướng tích nước vào ruộng để hấp thụ lũ và phục vụ cho sinh kế mùa lũ; xây dựng cống bọng dưới đê và trạm bơm nếu cần thiết để chủ động cấp nước và tiêu nước; bảo vệ không gian thoát lũ; gia cố hệ thống đê, nạo vét các kênh trục chính nhằm cải tạo các trục thoát lũ ra biển Tây và sông Vàm Cỏ.

e) Xây dựng hệ thống cống và đê ven sông Tiền đoạn từ huyện Châu Thành đến huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang, ven sông Hậu, sông Cổ Chiên và Bắc sông Măng Thít thuộc tỉnh Vĩnh Long để kiểm soát mặn - ngọt, bảo vệ vườn cây ăn trái trong những năm mặn xâm nhập sâu.

g) Đối với vùng chuyển tiếp ở phía Nam sông Cái Lớn, nghiên cứu xây dựng hệ thống cng đê bao ở bờ Nam sông Cái Lớn để kiểm soát xâm nhập mặn; xây dựng quy trình vận hành hệ thống cng Cái Lớn - Cái Bé và các cống ven biển Tây và bờ Nam sông Cái Lớn nhằm chủ động cấp nước ngọt, lợ cho vùng.

h) Đối với vùng Quản Lộ Phụng Hiệp, cần xây dựng hệ thống cống và đê bao dọc sông Hậu nhằm kiểm soát mặn và tăng cường khả năng chuyển nước từ sông Hậu vào Bán đảo Cà Mau để giảm ô nhiễm, cấp nguồn nước lợ đpha loãng phục vụ cho nuôi trồng thủy sản trong mùa khô; xây dựng các trạm bơm nhỏ phục vụ tưới và tiêu.

i) Đối với hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít, xây dựng hệ thống cống và đê dọc bờ Nam sông Măng Thít nhằm khép kín hệ thống, chủ động kiểm soát mặn - ngọt, tăng khả năng tưới tự chảy, giảm ô nhiễm.

k) Đối với tỉnh Bến Tre, xây dựng đê bao và cống dọc theo sông Tiền, sông Hàm Luông và Cổ Chiên nhằm khép kín hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre và Nam Bến Tre để chủ động kiểm soát mặn - ngọt, tăng khả năng tưới tự chảy, giảm ô nhiễm.

l) Đối với khu vực ven biển, hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi để chủ động cấp nước, kiểm soát mặn, xây dựng kênh cấp nước, kênh tiêu nước riêng biệt hoặc thực hiện tuần hoàn nước phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản; tiếp tục đầu tư xây dựng củng cố, nâng cấp các tuyến đê biển, hệ thống kè chắn sóng gây bồi kết hợp với trồng rừng bảo vệ đê biển, bờ biển; kiểm soát khai thác nước dưới đất để hạn chế sụt lún.

m) Phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; xây dựng kè chắn sóng để hạn chế xói lở bờ biển ở các khu vực xung yếu.

n) Xây dựng hệ thống dự báo và cảnh báo sớm chuyên ngành về lũ, hạn mặn, bao gồm xây dựng mới và nâng cấp các trạm đo khí tượng - thủy văn và độ mặn theo thời gian thực cho toàn vùng.

4. Mạng lưới cấp nước

a) Phân vùng cấp nước

- Trên cơ sở điều kiện địa hình, nguồn nước, thực trạng và định hướng phát triển không gian vùng, nhu cầu sử dụng nước và phát triển cấp nước theo các giai đoạn phát triển thành 02 vùng cấp nước:

+ Vùng Đông Bắc sông Hậu bao gồm các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và Đồng Tháp.

+ Vùng Tây Nam sông Hậu: Bao gồm toàn bộ các tỉnh/thành phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

- Trong các vùng cấp nước, theo điều kiện nguồn nước chia thành các khu vực: Thuận lợi, ít thuận lợi và khó khăn về nguồn nước làm cơ sở lựa chọn giải pháp cấp nước phù hợp:

+ Các khu vực thuận lợi về nguồn nước gồm các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang; một phần thành phố Cần Thơ.

+ Các khu vực ít thuận lợi về nguồn nước gồm các tỉnh: Long An, Tiền Giang; một phần tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ.

+ Các khu vực khó khăn về nguồn nước gồm các tỉnh Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh; một phần tỉnh Vĩnh Long.

b) Nguồn nước

- Khai thác, sử dụng nguồn nước phù hợp với phân vùng chức năng nguồn nước và định hướng ưu tiên phân bổ trong trường hợp bình thường, trường hợp hạn hán, thiếu nước.

- Nguồn nước chính cấp cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất là nguồn nước mặt từ hệ thống sông Tiền và sông Hậu. Trong điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, ứng dụng giải pháp khai thác, truyền dẫn nguồn nước thô hoặc nước sạch bảo đảm nhu cầu dùng nước, chất lượng nước, hiệu quả kinh tế, kỹ thuật theo quy định và đáp ứng yêu cầu bền vững.

- Kiểm soát và hạn chế sử dụng nguồn nước dưới đất ở khu vực ven biển, khu vực sụt lún đất nghiêm trọng; nghiên cứu giải pháp bổ cập nguồn nước cho nguồn nước dưới đất và nghiên cứu, đánh giá các tầng chứa nước sâu để làm nguồn dự trữ.

- Rà soát, khai thác điều kiện quỹ đất của địa phương, xây dựng hồ lưu trữ nước mưa, bổ sung nguồn cấp nước cho nhà máy nước hiện hữu, nhất là khu vực ven biển và khu vực bị phèn nặng.

c) Nhà máy nước, trạm bơm nước thô quy mô vùng liên tỉnh

- Nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh: Đầu tư xây dựng 05 nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh và kết nối với mạng lưới đường ống truyền tải liên tỉnh cấp nước cho các khu vực nguồn nước bị xâm nhập mặn hoặc khó khăn về nguồn nước. Quy mô công suất, vị trí khai thác nước và phạm vi cấp nước của các nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh được đầu tư mở rộng dựa theo nhu cầu sử dụng nước, kịch bản biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn trong từng giai đoạn phát triển. Các dự án ưu tiên bao gồm:

+ Nhà máy nước Sông Tiền 1 (Tiền Giang): Công suất khoảng 200.000 - 300.000 m3/ngày đêm; nguồn nước sông Tiền và nguồn nước bổ sung khác phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu; phạm vi cấp nước: Tỉnh Tiền Giang và một phần tỉnh Long An.

+ Nhà máy nước sông Tiền 2 (Vĩnh Long): Công suất khoảng 200.000 - 300.000 m3/ngày đêm; nguồn nước sông Tiền và nguồn nước bổ sung khác phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu; phạm vi cấp nước: Tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre.

+ Cụm nhà máy nước sông Hậu 1 (Cần Thơ, Hậu Giang): Công suất khoảng 400.000 - 600.000 m3/ngày đêm; nguồn nước sông Cần Thơ, kênh Xà No, sông Hậu; phạm vi cấp nước:Tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần thành phố Cần Thơ.

+ Nhà máy nước sông Hậu 2 (An Giang): Công suất khoảng 200.000 - 300.000 m3/ngày đêm; nguồn nước sông Hậu; phạm vi cấp nước: Một phần các tỉnh An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ.

+ Nhà máy nước sông Hậu 3 (An Giang): Công suất khoảng 100.000 - 150.000 m3/ngày đêm; nguồn nước sông Hậu; phạm vi cấp nước: Một phần tỉnh An Giang, Kiên Giang.

- Trạm bơm nước thô quy mô vùng liên tỉnh: Khuyến khích đầu tư xây dựng các trạm bơm nước thô cho khu vực khó khăn về nguồn nước và khu vực ít thuận lợi về nguồn nước để đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước trong mùa khô hạn.

d) Công nghệ xử lý nước

- Công nghệ xử lý nước sạch được áp dụng phải phù hợp với quy mô công suất nhà máy nước, thành phần và tính chất của nguồn nước thô; chất lượng nước sau xử lý bảo đảm đạt quy chuẩn chất lượng nước ăn uống và sinh hoạt.

- Đối với các nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh, công suất lớn sử dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường; đối với các nhà máy nước quy mô nhỏ, ứng dụng công nghệ xử lý nước truyền thống, từng bước cải tiến phù hợp với năng lực quản lý vận hành của đơn vị cấp nước.

- Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ xử lý nước lợ, nước mặn cấp nước cho vùng hải đảo, khu vực dân cư có nguồn nước bị nhiễm mặn hoặc không có khả năng kết nối với nhà máy nước vùng liên tỉnh.

đ) Mạng lưới đường ống cấp nước

Mạng lưới đường ống truyền tải liên tỉnh dẫn nước sạch hoặc nước thô từ các nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh đến các địa phương được kết nối thành mạng vòng đến năm 2030 và bảo đảm cấp nước an toàn. Tại các điểm kết nối giữa tuyến ống truyền tải liên tỉnh với tuyến ống phân phối nước cho địa phương, bố trí các trạm bơm, bể chứa nước nhằm lưu trữ, điều hòa ổn định nguồn nước.

e) Trạm bơm tăng áp

Bố trí các trạm bơm tăng áp trên các tuyến ống truyền tải liên tỉnh, bảo đảm truyền dẫn nước đủ lưu lượng tới các điểm đấu nối với tuyến ống phân phối cấp nước cho địa phương; vị trí, quy mô, công suất trạm bơm tăng áp được xác định cụ thể trong giai đoạn lập dự án đầu tư.

g) Các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long quy hoạch, đầu tư mở rộng mạng đường cấp nước và kết nối, sử dụng nguồn nước từ mạng lưới cấp nước quy mô vùng liên tỉnh khi triển khai lập quy hoạch tỉnh.

- Đối với các khu vực thuận lợi về nguồn nước: Tiếp tục sử dụng nguồn nước từ các nhà máy nước hiện có; đầu tư mở rộng hoặc xây mới các nhà máy nước theo quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng của địa phương.

- Đối với các khu vực ít thuận lợi về nguồn nước: Cải tạo, nâng cấp các nhà máy nước hiện hữu; đầu tư xây dựng trạm bơm nước thô. Đối với nhu cầu phát triển cấp nước tăng thêm theo từng giai đoạn quy hoạch, đầu tư mở rộng mạng đường ống cấp nước và kết nối, sử dụng nguồn nước từ nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh. Các khu vực dân cư nông thôn chưa kết nối được với nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh, đang khai thác nguồn nước ngầm, cần kiểm soát chất lượng, trữ lượng nguồn nước ngầm đáp ứng yêu cầu bền vững.

- Đối với các khu vực khó khăn về nguồn nước: Đầu tư mở rộng mạng đường ống cấp nước và kết nối, sử dụng nguồn nước từ nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh; đối với một số đô thị nhỏ, khu vực dân cư nông thôn chưa kết nối được với nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh, cải tạo nhà máy nước hiện hữu hoặc xây mới ứng dụng công nghệ xử lý nước lợ, nước mặn phù hợp.

- Đối với các huyện đảo: Đầu tư hồ, đập lưu trữ tạo nguồn nước cấp cho nhà máy nước hiện có hoặc xây mới; các khu vực dân cư, ứng dụng công nghệ xử lý nước lợ, nước mặn phù hợp.

- Kết hợp giải pháp lưu trữ, sử dụng nguồn nước mưa đối với các công trình công cộng, cơ quan, hộ gia đình nhằm hỗ trợ nguồn nước sinh hoạt và các nhu cầu sử dụng nước khác.

5. Xử lý chất thải rắn, các khu xử lý chất thải nguy hại

a) Chất thải rắn thông thường: Việc thu gom và xử lý chất thải rắn thực hiện theo quy mô từng đơn vị hành chính cấp tỉnh.

b) Chất thải nguy hại: Chất thải nguy hại tại các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng được xử lý bằng phương pháp đồng đốt tại nhà máy xi măng Holcim tại Hòn Chông - Kiên Giang. Chất thải nguy hại tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp được vận chuyển về xử lý tại Khu Công nghệ Môi trường xanh tại Thủ Thừa, tỉnh Long An. Chất thải không đốt được trên toàn vùng sẽ được vận chuyển về Khu Công nghệ Môi trường Xanh tại Long An để chuyển đi xử lý tại các khu xử lý hợp chuẩn trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ.

c) Khuyến khích phát triển sản xuất năng lượng từ chất thải rắn.

d) Giảm thiểu tối đa việc chôn lấp để tránh gây ô nhiễm; cải tạo các bãi chôn lấp không hp vệ sinh; tăng cường hợp tác liên tỉnh trong xử lý chất thải rắn để áp dụng các công nghệ xử lý chất thải hiện đại.

6. Mạng lưới viễn thông

a) Phát triển hạ tầng bưu chính - viễn thông theo quy hoạch thông tin truyền thông quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với ứng dụng các công nghệ mới, đồng bộ, hiện đại.

b) Phát triển hạ tầng bưu chính - viễn thông đi đôi với việc bảo đảm an ninh - quốc phòng, an toàn mạng lưới thông tin góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bao trùm hướng tới phát triển bền vững.

c) Tạo điều kiện thuận lợi cho mọi doanh nghiệp tham gia thị trường; xây dựng phát triển hạ tầng mạng lưới. Xã hội hóa trong xây dựng, phát triển hạ tầng mạng viễn thông.

d) Ưu tiên thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực có thế mạnh: nông nghiệp, du lịch, hỗ trợ phát triển logistic, trung tâm đầu mối, hỗ trợ phát triển y tế, giáo dục.

đ) Ưu tiên phát triển mô hình “bàn làm việc điện tử” giữa các cơ quan, đóng vai trò là kết nối liên thông, hợp nhất hầu hết các thành phần ứng dụng và dữ liệu trong nội bộ và với cơ quan bên ngoài, với công dân/doanh nghiệp.

7. San nền, thoát nước mặt

a) Phân vùng các khu vực chịu ảnh hưởng ngập lụt

- Khu vực 1: Là khu vực bị ngập sâu do tác động của lũ sông Mekong với chiều sâu ngập lũ trung bình từ 2 m trở lên, nằm ở phía Bắc dọc theo biên giới Việt Nam - Campuchia, gồm phần lớn diện tích của vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, thuộc các khu vực thuộc các tỉnh: Long An, Đồng Tháp, An Giang.

- Khu vực 2: Là khu vực bị ngập trung bình đo tác động của lũ sông Mêkông với chiều sâu ngập lũ trung bình khoảng 1m - 2m, trên địa bàn các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ.

- Khu vực 3: Là khu vực bị ngập nông do tác động của cả lũ và triều cường, gồm các khu vực thuộc các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và Hậu Giang.

- Khu vực 4: Là khu vực ven biển chịu ảnh hưởng của thủy triều.

b) Cao độ nền đất xây dựng

- Đối với các đô thị:

+ Tại khu vực 1, 2: Hạn chế phát triển đô thị quy mô diện tích lớn và hạn chế san lấp mặt bằng quy mô diện tích lớn; phát triển đô thị theo tuyến song song với hướng thoát lũ nhằm giảm tác động của lũ đến đô thị.

+ Tại khu vực 3: Quỹ đất thuận lợi cho việc phát triển đô thị quy mô diện tích lớn; khuyến khích phát triển tập trung theo hình thái đô thị nén; dành quỹ đất cần thiết để đào hồ, kết nối kênh rạch đảm bảo tiêu thoát nước; xây dựng mới, cải tạo và vận hành tốt các tuyến đê ngăn triều ở các cửa sông nhằm hạn chế tác động ngập lụt và xâm mặn đến đô thị.

+ Tại khu vực 4: Phát triển đô thị tại các khu vực đất giồng, bãi bồi cao ở ven sông, ven biển; tại các khu vực đô thị xây dựng mật độ cao, san đắp tập trung toàn bộ khu vực xây dựng.

Đối với các khu vực xây dựng với mật độ cao tùy theo địa hình cụ thể có thể dùng phương pháp san đắp tập trung toàn bộ khu vực xây dựng, giải pháp đê bao chống lũ hoặc kết hợp cả hai giải pháp. Đối với khu vực xây dựng với mật độ thấp, dùng giải pháp san đắp cục bộ, chỉ san lấp tập trung theo vị trí công trình xây dựng, dành quỹ đất còn lại trong từng khu chức năng để đào hồ, kết nối kênh rạch đảm bảo việc tiêu thoát nước trong lô. Khuyến khích phát triển các loại công trình, mô hình ở thích nghi với lũ. Chú trọng việc xây dựng mới, cải tạo và vận hành tốt các tuyến đê ngăn triều ở các cửa sông ở khu vực 3 và khu vực 4 nhằm hạn chế tác động ngập lụt và xâm mặn đến đô thị. Đối với khu vực cây xanh, khu ở mật độ thấp, xác định tần suất phù hợp cho phép ngập theo quy phạm, đảm bảo tiêu thoát nước hiệu quả.

- Đối với khu vực nông thôn: San đắp cục bộ theo vị trí từng công trình, dành quỹ đất đào hồ, kết nối kênh rạch, đảm bảo tiêu thoát nước.

- Đối với các khu ở, khu công nghiệp: Cao độ san nền của các khu vực đảm bảo tính an toàn cao và lâu dài, cao độ của đê bao cần đảm bảo lớn hơn cao độ ngập lũ có tính đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là 0,5m.

- Đối với các khu cây xanh, khu ở mật độ thấp, tính toán tần suất cho phép ngập phù hợp theo quy phạm nhằm giảm khối lượng, diện tích đào đắp, đảm bảo tiêu thoát nước hiệu quả.

- Tăng cường xây dựng các hồ sinh thái đa mục tiêu trong quy hoạch và xây dựng khu vực đô thị và khu vực dân cư nông thôn phục vụ trữ nước, trữ lũ, cải tạo môi trường khí hậu, vui chơi giải trí cho cư dân trong vùng.

c) Thoát nước mặt

- Đối với các khu đô thị mới: Xây dựng hệ thống thoát nước riêng nhằm tái sử dụng nước mưa, tiết kiệm trong đầu tư xử lý nước thải. Đối với đô thị cũ, cải tạo xây dựng hệ thống thoát nước chung và chọn giải pháp cống bao có hố tách dòng để thu gom nước thải dẫn tới trạm xử lý nước thải tập trung của đô thị, từng bước tách dần hệ thống thoát nước thải riêng biệt với nước mưa.

- Đối với khu vực ngoại thành, dân cư nông thôn: Có thể sử dụng hệ thống thoát nước chung, nước thải sinh hoạt qua xử lý sơ bộ trước khi xả vào hệ thống thoát nước chung. Trong tương lai dài hạn, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng biệt ở khu vực tập trung dân cư mật độ cao.

- Cải tạo, mở rộng kênh rạch và xây dựng hồ điều hòa trong khu vực nội thành, bảo vệ khôi phục các không gian xanh ven các kênh, rạch, sông suối hiện hữu.

8. Kết cấu hạ tầng xã hội

a) Về giáo dục - đào tạo

- Phát triển thành phố Cần Thơ thành trung tâm giáo dục - đào tạo cấp quốc gia và vùng đồng bằng sông Cửu Long; phát triển mạng lưới trường đại học và mở rộng các cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại đô thị loại I, loại II trực thuộc tỉnh theo hướng chú trọng các ngành khoa về y tế, kỹ thuật, công nghệ phục vụ phát triển các ngành có lợi thế của vùng về kinh tế nông nghiệp, năng lượng, dịch vụ và phát triển kinh tế số.

- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp (thủy sản, lúa gạo và cây ăn trái) tại các trung tâm đầu mối về nông nghiệp thông qua nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng liên kết giữa các cơ sở giáo dục - đào tạo, cơ sở nghiên cứu với doanh nghiệp và gắn kết với thị trường lao động để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng.

- Đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục - đào tạo để nâng cao chất lượng, hiệu quả, thúc đẩy việc học tập suốt đời của người dân tại vùng.

- Hình thành trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học tại Phú Quốc hướng tới nghiên cứu bảo vệ các hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển đảo gắn với các hoạt động du lịch và giáo dục cộng đồng.

b) Về y tế, chăm sóc sức khỏe

- Đầu tư phát triển năng lực khám, chữa bệnh đạt trình độ cao cho bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ đủ khả năng đảm nhiệm chức năng trung tâm y tế chuyên sâu vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các bệnh viện đa khoa vùng tại Kiên Giang, Đồng Tháp và Tiền Giang với quy mô từ 500 đến 1.000 giường có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trong vùng với chất lượng chuyên môn cao, kỹ thuật hiện đại.

- Phát triển bệnh viện đa khoa tại các đô thị tỉnh lỵ nhằm đảm bảo người dân được tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ chăm sóc bệnh viện có chất lượng và toàn diện ngay trên địa bàn tỉnh.

c) Văn hóa, thể dục, thể thao

Phát triển các trung tâm văn hóa, thể dục, thể thao cấp vùng tại thành phố Cần Thơ và các đô thị loại I có vai trò là trung tâm của vùng, tiểu vùng.

VII. PHƯƠNG HƯỚNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, KHAI THÁC, BẢO VỆ TÀI NGUYÊN NƯỚC LƯU VỰC SÔNG, PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRÊN LÃNH THỔ VÙNG

1. Phương hướng bảo vệ môi trường

a) Bảo vệ môi trường phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu theo hướng tích hợp các hành động gồm quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường (nước, đất và không khí), thiết lập hệ thống giám sát chất lượng môi trường theo thời gian thực, chuyển đổi sản xuất năng lượng theo hướng thân thiện với môi trường và liên kết trong quản lý rác thải nhựa đại dương và sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

b) Môi trường nước

- Xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước thải và nước mưa riêng biệt ở các đô thị. Đến năm 2030, nước thải đô thị phải được xử lý 100% đạt quy chuẩn quốc gia trước khi xả vào hệ thống thoát nước chung.

- Tăng cường phối hợp giữa các tỉnh ở khu vực thượng nguồn và hạ nguồn trong công tác xử lý nước thải.

- Giám sát chặt chẽ các khu vực nuôi trồng thủy sản, các nhà máy, cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, làng nghề, khu công nghiệp, cụm công nghiệp về việc xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường theo quy định của pháp luật; khuyến khích việc đổi mới quy trình, công nghệ để giảm lượng nước thải.

- Áp dụng các kỹ thuật và cách thức vận hành cải tiến để giải quyết chất lượng nước trong nông nghiệp như cải thiện tuần hoàn nước.

- Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong xử lý nước thải.

c) Bảo tồn đa dạng sinh học

- Tiếp tục bảo vệ và phát triển 21 khu bảo tồn thiên nhiên đã được thành lập, 23 khu bảo tồn thiên nhiên được thành lập mới, 01 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, 09 vùng đất ngập nước quan trọng ở các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long.

- Thành lập và vận hành 01 hành lang đa dạng sinh học liên tỉnh kết nối Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau - sân chim Đầm Dơi - Thạnh Phú - khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

- Xây dựng các khu vực cảnh quan sinh thái quan trọng kết nối giữa U Minh Thượng và U Minh Hạ; vùng 7 núi và vùng trũng Trà Sư; vùng sinh thái ngập trũng Đồng Tháp Mười, nối từ Tràm Chim tới Láng Sen.

- Bảo vệ và phát triển các vùng đất ngập nước quan trọng hay khu vực đa dạng sinh học cao.

- Duy trì và phát triển các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, các trạm cứu hộ động vật hoang dã, trạm cứu hộ động vật biển hiện có và xem xét thành lập thêm phù hợp nhu cầu; phát triển nguồn nhân lực và tăng cường nguồn lực đảm bảo để hỗ trợ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

2. Phương hướng khai thác và bảo vệ tài nguyên nước, lưu vực sông trên lãnh thổ vùng

a) Định hướng phân vùng chức năng của nguồn nước

- Chuyển từ phương thức đáp ứng nhu cầu sang chủ động quản lý nhu cầu, phân bổ dựa trên khả năng của nguồn nước.

- Ưu tiên phân vùng chức năng nguồn nước hiện đang được sử dụng cho các mục đích chính bao gồm cấp nước sinh hoạt, tưới, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, bảo vệ môi trường và duy trì ranh mặn vào mùa khô/kiệt.

- Nguồn nước dưới đất được sử dụng cho các mục đích cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp phù hợp với khả năng của nguồn nước; hạn chế khai thác sử dụng nguồn nước dưới đất tại các khu vực bị sụt lún đất.

- Chức năng từng nguồn nước sông, đoạn sông, kênh, rạch, tầng chứa nước được xác định trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long, quy hoạch tỉnh.

b) Định hướng ưu tiên phân bổ trong trường hợp bình thường

- Bảo đảm thực hiện đúng chức năng đã xác định của các đoạn sông, nguồn nước của hệ thống sông Cửu Long.

- Ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, an sinh xã hội, các ngành sản xuất.

- Cơ bản giải quyết được tình trạng mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước giữa các đối tượng sử dụng nước chính trên lưu vực sông Cửu Long.

- Chủ động về nguồn nước hiện có cho các mục đích sử dụng nước, có xét đến tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và việc khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn.

- Quản lý hệ thống thủy lợi tưới tiêu một cách hợp lý, tránh gây ô nhiễm, tù đọng làm suy giảm chất lượng nước mặt.

c) Định hướng ưu tiên phân bổ trong trường hợp hạn hán, thiếu nước

- Phân bổ nguồn nước đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt.

- Bảo đảm thứ tự ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, an sinh xã hội, các ngành sản xuất có hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

- Phân bổ theo nhu cầu tối thiểu của từng đối tượng sử dụng nước.

- Đề xuất phương án cắt giảm nhu cầu sử dụng nước của từng đối tượng sử dụng nước theo tỷ lệ phù hợp, bảo đảm thứ tự ưu tiên.

- Thực hiện việc điều hòa phân phối nước bảo đảm an ninh về nước cho các vùng/lưu vực sông đặc biệt khan hiếm nước.

- Thúc đẩy hợp tác, chia sẻ thông tin, dữ liệu nguồn nước Mê Công.

- Triển khai xây dựng mạng lưới các điểm nguồn nước ngọt dự trữ chiến lược trên toàn vùng; tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp tại các địa phương trong vùng.

d) Định hướng nguồn nước dự phòng để cấp nước sinh hoạt

- Lượng nước dự phòng được cấp cho mục đích sinh hoạt trong trường hợp có sự cố ô nhiễm nguồn nước hoặc hạn hán thiếu nước trong khoảng thời gian xác định (tối đa 90 ngày).

- Nước dưới đất là nguồn nước dự phòng chủ yếu.

- Trữ nước trong mùa Lũ trên ô đồng ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, các vườn quốc gia, tận dụng diện tích rừng ngập nước làm nơi trữ nước.

- Xây dựng các hồ trữ nước quy mô phù hợp; trữ nước trên hệ thống kênh rạch, nhánh sông lớn, ao hồ nhỏ đi kèm với các giải pháp vận hành đóng mở các công trình điều tiết nước phù hợp; trữ nước mưa phục vụ sinh hoạt, trữ nước ở các bể ngầm.

- Tăng cường các biện pháp bổ sung nhân tạo nước dưới đất, lập các nguồn nước dự phòng và quản lý việc sử dụng.

đ) Định hướng hệ thống quan trắc giám sát tài nguyên nước và khai thác, sử dụng nước

- Nâng cấp và hoàn thiện mạng lưới quan trắc tài nguyên nước đồng bộ, tiên tiến, hiện đại và toàn diện, đảm bảo việc kết nối và chia sẻ thông tin liên tục, thống nhất từ trung ương đến địa phương.

- Đầu tư xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước và khai thác, sử dụng nước tập trung, hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

- Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo công tác quản lý và vận hành hệ thống.

e) Định hướng công trình điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước

- Thí điểm công trình điều tiết dòng chảy ở một số khu vực thường xuyên bị thiếu nước, khan hiếm nước về mùa khô.

- Xác định các vùng có khả năng trữ nước lũ ở các vùng ngập lũ Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, vùng có khả năng trữ nước mưa ở các vùng ven biển và bán đảo Cà Mau.

- Xây dựng các hồ chứa nước và nghiên cứu các biện pháp công trình trữ nước trong sông, kênh, rạch.

g) Định hướng bảo vệ tài nguyên nước, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm hoặc bị suy thoái, cạn kiệt

- Việc khai thác, sử dụng phải gắn với bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ chức năng nguồn nước, nguồn sinh thủy, sự lưu thông dòng chảy, các hồ, ao có chức năng điều hòa, có giá trị đa dạng sinh học.

- Kiểm soát được tình trạng ô nhiễm các nguồn nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng ở các khu dân cư, khu đô thị lớn, khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế đạt mức độ cho phép.

- Kiểm soát vận hành các hệ thống công trình thủy lợi ven biển để đảm bảo lưu thông của nước, tránh tù đọng gây ô nhiễm.

- Phân loại nguồn nước, công bố danh mục các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng và danh mục các cơ sở khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng nguồn nước.

- Cải tạo, phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng, ưu tiên đối với các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội; ngăn ngừa, xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên nước.

- Thực hiện đồng bộ đề án bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị, nông thôn.

h) Định hướng phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra

- Tăng cường quản lý các hoạt động khai thác cát, sỏi và khoáng sản khác, hoạt động giao thông thủy trên sông; các hoạt động ven sông như xây dựng khu đô thị, khu dân cư, các hoạt động sản xuất khác có tác động đến gia tăng sạt lở lòng, bờ bãi sông.

- Kiểm soát chặt chẽ việc khai thác nước dưới đất cho tưới, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là khu vực ven biển các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

- Thực hiện khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất để bảo đảm không bị suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, phòng, chống sụt, lún đất do khai thác nước dưới đất.

- Cải tạo các trục thoát lũ ra biển Tây và từ Đồng Tháp Mười ra hướng sông Tiền, sông Vàm Cỏ.

- Tính toán, cập nhập kịch bản biến đổi khí hậu, đánh giá tác động thượng nguồn đến hạn hán, sạt lở bờ sông, sụt, lún đất, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.

- Xây dựng các bản đồ phân bố nước ngọt của các tầng chứa nước, các cụm công trình tạo nguồn có đủ trữ lượng, chất lượng để khai thác lâu dài; các bản đồ nguy cơ tác hại do nước gây ra nhằm xác lập cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, liên quốc gia trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

3. Phương hướng phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên lãnh thổ vùng

a) Định hướng đến năm 2030

- Vùng thượng đồng bằng: Chủ động kiểm soát lũ, ứng phó với lũ cực đoan, phòng chống sạt lở bờ sông để bảo vệ khu dân cư, công trình hạ tầng, diện tích trồng lúa 2 vụ, nuôi trồng thủy sản. Cải tạo các trục thoát lũ ra biển Tây và từ Đồng Tháp Mười ra hướng sông Tiền, sông Vàm Cỏ. Tập trung gia cố hệ thống đê, nạo vét kênh mương, tăng khả năng chủ động lấy nước, trữ nước, tiêu thoát và điều tiết lũ, đồng thời hỗ trợ sản xuất, phát triển các sinh kế khác ngoài 2 vụ lúa. Bảo vệ không gian thoát lũ, kết hợp nghiên cứu giải pháp trữ nước lũ vùng ngập sâu để phục vụ cấp nước mùa khô và các mục đích khác.

- Vùng giữa: Hoàn thiện hệ thống, công trình thủy lợi để chủ động cấp nước. Nâng cấp đê bao, bờ bao bảo vệ đô thị, khu dân cư; nghiên cứu thiết kế hệ thống kênh mương, bờ vùng cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản tập trung để đảm bảo liên thông trao đổi nước. Đầu tư các công trình phòng chống sạt lở bờ sông, kênh rạch, công trình điều tiết, nạo vét các trục kênh để chủ động trữ nước đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, cấp nước cho các ngành kinh tế và công trình chuyển nước ngọt ra vùng ven biển.

- Vùng ven biển: Đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống thủy lợi kiểm soát nguồn nước để cấp nước sinh hoạt, chủ động cấp nước ngọt, mặn phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Tiếp tục đầu tư xây dựng củng cố, nâng cấp các tuyến đê biển, hệ thống kè giảm sóng gây bồi kết hợp với trồng rừng bảo vệ đê biển, bờ biển. Hạn chế, sử dụng hợp lý nước ngầm phục vụ sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản nhằm phòng tránh sụt lún, sạt lở. Ứng dụng, chuyển giao công nghệ thu, trữ, xử lý nước tại chỗ phục vụ sinh hoạt trong thời gian hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, công nghệ xử lý nước thải nuôi trồng thủy sản.

b) Tầm nhìn đến năm 2050

Nghiên cứu xây dựng Chiến lược quản lý rủi ro lũ, ngập lụt vùng đồng bằng sông Cửu Long để xác định mức độ phòng, chống ngập và cấp độ bảo vệ cho các khu vực khác nhau trên phạm vi toàn vùng, phù hợp với định hướng tổ chức không gian phát triển vùng theo từng giai đoạn phát triển; là cơ sở để xây dựng và quản lý vận hành hệ thống hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai toàn vùng.

VIII. DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ VÀ PHÂN KỲ THỰC HIỆN

Chi tiết tại Phụ lục kèm theo.

IX. CÁC GIẢI PHÁP VÀ NGUỒN LỰC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giải pháp về cơ chế, chính sách đảm bảo liên kết vùng

a) Đảm bảo các điều kiện để thực hiện có hiệu quả Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng cơ chế, chính sách cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng của vùng, trong đó chú trọng thu hút đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước cho phát triển vùng; thiết lập hệ thống theo dõi, đánh giá thực hiện quy hoạch.

b) Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đối với các nhóm sản phẩm chủ lực của vùng; hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai để khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn có sức cạnh tranh và hiệu quả cao.

c) Tiếp tục hoàn thiện thể chế điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long theo hướng tăng cường vai trò của các địa phương trong Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long, thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu, đào tạo vào việc thực hiện các hoạt động liên kết, xây dựng quy chế liên kết vùng.

d) Ban hành cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức, cộng đồng, người dân tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, phát triển các cụm ngành kinh tế nông nghiệp của vùng.

đ) Tiếp tục hoàn thiện thể chế về liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long theo hướng tăng cường phân cấp gắn với theo dõi và đánh giá hiệu quả tổ chức thực hiện và quản lý, sử dụng nguồn lực.

2. Giải pháp về huy động nguồn vốn đầu tư

a) Đầu tư công

- Ưu tiên vốn cho các dự án đầu tư liên kết vùng được xác định trong quy hoạch. Thu hút vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế hoặc đầu tư vốn cổ phần từ các nhà đầu tư tư nhân thông qua các hình thức PPP.

- Nghiên cứu, mở rộng việc chi trả cho các mô hình dịch vụ hệ sinh thái ở đồng bằng sông Cửu Long để có nguồn đầu tư phục hồi hệ sinh thái.

b) Đầu tư tư nhân

Tăng cường thu hút đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài; xây dựng chiến lược xúc tiến toàn diện, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp địa phương.

3. Giải pháp về môi trường

a) Chủ động hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác với các nước Tiểu vùng sông Mê Công trên cơ sở cùng có lợi thông qua các sáng kiến hợp tác vùng và hợp tác song phương nhằm cùng nhau sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên có liên quan, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học chung biên giới và ứng phó với biến đổi khí hậu trong lưu vực sông Mê Công.

b) Xem xét việc quản lý tập trung (cấp vùng) đối với chất thải y tế và chất thải nguy hại với công nghệ xử lý tốt nhất phù hợp (BAT), khuyến khích giảm thiểu, tái sử dụng và xử lý chất thải hữu cơ tại nguồn với quy mô nhỏ ở những khu vực nông thôn chưa có hệ thống quản lý chất thải tập trung.

c) Ứng dụng các công nghệ hiện đại trong điều tra cơ bản, quản lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực công nghệ trong dự báo, quan trắc, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường.

4. Giải pháp về khoa học và công nghệ

a) Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp hệ thống giống chất lượng cao, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng; chú trọng nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp và cải tiến kthuật canh tác hữu cơ, bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với lũ cực đoan và hạn mặn.

b) Về năng lượng, chuyển từ sản xuất điện than sang điện khí hóa lỏng, khí đốt tự nhiên và năng lượng tái tạo, để từng bước giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm cục bộ và giảm thiểu chất thải chế phẩm từ các quy trình sản xuất năng lượng.

5. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

a) Phát triển nguồn nhân lực theo hướng phục vụ phát triển các ngành lợi thế của vùng.

b) Tăng cường thu hút số lao động trẻ có trình độ chuyên môn, tay nghề, trên cơ sở gắn kết hoạt động của các trung tâm đầu mối với hệ thống các viện nghiên cứu và trường đại học trong vùng cũng như ngoài vùng, cả các tổ chức quốc tế và các quỹ có quan tâm và ưu tiên đầu tư cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.

c) Mở rộng các trung tâm giáo dục tại đồng bằng sông Cửu Long tại các đô thị loại I, loại II phù hợp với quy mô dân cư và nhu cầu đào tạo; thúc đẩy liên kết với các tổ chức giáo dục trong nước và quốc tế và vùng, khuyến khích chủ động hợp tác để cải thiện chất lượng giảng dạy đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu bằng cách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài và các nhân tố tiềm năng trong và ngoài vùng và tăng cường liên kết với các cơ sở giáo dục và đào tạo nghề có uy tín ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

d) Tăng cường đầu tư vào giáo dục tiểu học, trung học ở nông thôn, nâng cao chất lượng đào tạo nghề thông qua thiết lập các mối liên kết và hợp tác với các đơn vị quản lý khu công nghiệp và người sử dụng lao động.

6. Giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn

a) Phát triển đô thị nhỏ gọn hơn, để bảo vệ tốt hơn phần lớn dân cư đô thị trước các tác động của biến đổi khí hậu,

b) Kiểm soát xây dựng theo hướng thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý rủi ro thiên tai thông qua thực hiện cách tiếp cận tổng thể đa ngành tại cấp cơ sở trong quản lý xây dựng để tránh những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ.

c) Bảo tồn, phát huy các mô hình cộng đồng định cư thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường; nghiên cứu phát triển mô hình nông thôn mới vùng đồng bằng sông Cửu Long và mở rộng phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

d) Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện chất lượng dịch vụ xã hội ở khu vực nông thôn để nâng cao chất lượng sống; tăng cường chính sách phát triển nông nghiệp, chăm lo đời sống tại các vùng nông thôn, hỗ trợ người nông dân quay trở về nông thôn sinh sống, góp phần giảm di dân từ nông thôn ra thành thị, ổn định xã hội và xóa đói, giảm nghèo.

7. Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch

a) Việc thực hiện quy hoạch cần được thực hiện trên cơ sở các quy định pháp luật về đầu tư công, quản lý tài chính công, các cơ chế, chính sách đã được thống nhất cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, cho dù đó là cơ chế, chính sách cấp tỉnh, cấp bộ hay phối hợp giữa các bộ và tỉnh, có sự tham gia của khu vực tư nhân và thậm chí cả cộng đồng ở những nơi cụ thể.

b) Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, nhiệm vụ, dự án có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Các bộ, cơ quan liên quan và 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long chịu trách nhiệm tổ chức và giám sát thực hiện các chính sách phát triển và dự án đầu tư địa bàn liên quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long.

c) Hoàn thiện và vận hành hệ thống thông tin vùng, cơ sở dữ liệu, thông tin về tài nguyên và môi trường, tình hình biến đổi khí hậu và các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của vùng và các địa phương.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở để lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

a) Tổ chức công bố, công khai Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong vùng nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch, chính sách, giải pháp và bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch.

c) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong vùng đánh giá việc thực hiện quy hoạch; theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra thực hiện quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn vùng; giám sát thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm có quy mô, tính chất vùng.

d) Nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp, chính sách liên kết, điều phối giữa các địa phương trong vùng; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư đối với các dự án trọng điểm của vùng, tuyên truyền, quảng bá nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế tham gia thực hiện quy hoạch.

3. Các bộ, ngành liên quan

a) Tổ chức thực hiện quy hoạch thuộc lĩnh vực quản lý theo thẩm quyền.

b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch, chính sách, giải pháp và bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch; nghiên cứu, đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thực hiện có hiệu quả những mục tiêu và định hướng phát triển đã đề ra trong quy hoạch.

c) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc triển khai và giám sát, đánh giá thực hiện quy hoạch, giám sát thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm có quy mô, tính chất vùng theo thứ tự ưu tiên thuộc lĩnh vực quản lý nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long

a) Khẩn trương triển khai tổ chức lập quy hoạch tỉnh đảm bảo tính liên kết, đồng bộ với Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch, chính sách, giải pháp và bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch; nghiên cứu, đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thực hiện có hiệu quả những mục tiêu và định hướng phát triển đã đề ra trong quy hoạch.

c) Phối hợp với các bộ, ngành tổ chức các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư đảm bảo có sự phối hợp liên tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, tuyên truyền, quảng bá, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước và các thành phần kinh tế tham gia thực hiện quy hoạch.

d) Tổ chức rà soát, đánh giá, điều chỉnh hoặc lập mới các quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, dự án đầu tư phù hợp với Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

đ) Tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển trên địa bàn theo chức năng được phân công, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg,
TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục;
- Lưu: VT, CN (2b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Văn Thành

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
(Kèm theo Q
uyết định số: 287/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên chương trình, dự án

Giai đoạn thực hiện

2021 - 2030

Sau 2030

I

Hỗ trợ phát triển nông nghiệp

 

 

1

Phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp

X

 

2

Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu trên vùng đất bị ảnh hưởng của hạn và xâm nhập mặn

X

 

3

Chuyển dịch cơ cấu mùa vụ nhằm phát triển ngành sản xuất lúa gạo hiệu quả bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu

X

 

4

Phát triển hệ thống canh tác lúa - tôm bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu

X

 

5

Hỗ trợ hộ nông dân sản xuất nhỏ chuyển đổi sang mô hình sản xuất hữu cơ, sản xuất an toàn kết hợp du lịch sinh thái

X

 

6

Quản lý vùng trồng phục vụ truy xuất nguồn gốc với nhóm cây ăn quả chủ lực tại các vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển hợp tác xã và chế biến, bảo quản

X

 

7

Xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm chủ lực theo trục chiến lược

X

 

8

Hỗ trợ chuyển đổi nuôi thủy sản nước lợ bền vững

 

 

9

Phát triển rừng đồng bằng và sinh kế từ rừng

X

 

10

Mở rộng bền vững nuôi thủy sản nước ngọt

X

 

11

Dự án phát triển rừng đồng bằng và sinh kế từ rừng

X

 

II

Hỗ trợ phát triển du lịch, dịch vụ

 

 

1

Hỗ trợ du lịch sinh thái nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long

X

 

2

Đầu tư nâng cấp, phát triển khu du lịch quốc gia trên địa bàn vùng

X

 

III

Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật

 

 

A

Giao thông

 

 

1

Xây dựng và nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc, tuyến quốc lộ kết nối quốc tế, liên vùng để đảm bảo nhu cầu vận tải; tuyến đường bộ ven biển theo quy hoạch cấp quốc gia được phê duyệt

X

X

2

Xây dựng các tuyến liên kết vùng, trục động lực

X

X

3

Nâng cấp, cải tạo các tuyến vận tải thủy kết nối với hành lang vận tải thủy ven biển, Thành phố Hồ Chí Minh, Campuchia theo quy hoạch cấp quốc gia được phê duyệt

X

X

4

Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ, đường sắt trên các đường thủy nội địa

X

 

5

Nâng cấp luồng hàng hải và hệ thống cảng biển theo quy hoạch cấp quốc gia được phê duyệt

X

X

6

Xây dựng tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ

X

X

7

Nâng cấp cảng hàng không Phú Quốc, Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau

X

 

B

Hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai

 

 

1

Hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ phát triển các khu vực nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái, lúa phù hợp với phân vùng sinh thái nông nghiệp

X

X

2

Gia cố, bảo vệ các khu vực sạt lở sông, kênh nghiêm trọng

X

 

3

Xây dựng, củng cố, nâng cấp khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền

X

 

4

Bảo vệ vùng ven biển Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang

X

 

5

Xây dựng hệ thống chuyển nước ngọt cho bán đảo Cà Mau

X

 

6

Xây dựng hệ thống quản lý nước khu vực chuyển tiếp ngọt - lợ

X

 

7

Xây dựng các hồ trữ nước ngọt; xây dựng mới và nâng cấp hệ thống cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất tại các khu vực khó khăn về nguồn nước

X

 

C

Hạ tầng cấp nước

 

 

 

Xây dựng hệ thống cung cấp nước thô hoặc nước sạch quy mô vùng liên tỉnh; cấp nước sinh hoạt trên các đảo

X

 

D

Hạ tầng năng lượng, cấp điện

 

 

 

Đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện và mạng lưới điện theo quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt

X

 

Đ

Hạ tầng quản lý chất thải rắn

 

 

1

Xây dựng các khu liên hiệp xử lý chất thải rắn theo quy mô từng đơn vị hành chính cấp tỉnh

X

 

2

Nâng cấp, mở rộng nhà máy xử lý chất thải nguy hại của vùng ở tỉnh Long An

X

 

IV

Phát triển hạ tầng xã hội

 

 

1

Xây dựng bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ, bệnh viện đa khoa vùng tại Kiên Giang, Đồng Tháp và Tiền Giang

X

 

2

Xây dựng trung tâm ván hóa, thể dục và thể thao cấp vùng tại Cần Thơ

X

 

3

Xây dựng nhà bảo tàng Đồng Tháp Mười, Đồng Tháp

X

 

4

Phát triển các vùng văn hóa bản địa đặc trưng (văn hóa Khơ me Nam Bộ, Hoa, văn hóa miệt vườn...)

X

 

V

Bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học

 

 

1

Thành lập và vận hành các hành lang đa dạng sinh học liên tỉnh kết nối Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau - sân chim Đầm Dơi - Thạnh Phú - khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ

X

 

2

Bảo vệ và phát triển hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, các khu bảo tồn cấp quốc gia, hệ sinh thái ở các cửa sông, đất rừng ngập mặn

X

 

 

PRIME MINISTER
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 287/QD-TTg

Hanoi, February 28, 2022

 

DECISION

APPROVAL FOR PLANNING FOR DEVELOPMENT OF THE MEKONG DELTA REGION FOR THE 2021 – 2030 PERIOD WITH VISION TOWARDS 2050

PRIME MINISTER

Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015; the Law on Amending and Supplementing certain Articles of the Law on Government Organization and the Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;

Pursuant to the Law on Planning dated November 24, 2017;

Pursuant to the Law on Amendments and Supplements to several Articles of 11 Laws related to planning dated June 15, 2018;

Pursuant to the Law on Amendments and Supplements to several Articles of 37 Laws related to planning dated November 20, 2018;

Pursuant to the Resolution No. 751/2019/UBTVQH14 dated August 16, 2019 of the National Assembly’s Standing Committee, giving explanations about certain articles of the Law on Planning;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Pursuant to the Government’s Resolution No. 120/NQ-CP dated November 17, 2017 regarding the sustainable development of the Mekong Delta region on adaptation to climate change;

Pursuant to the Prime Minister's Decision No. 1163/QD-TTg dated July 31, 2020 on approval for the mandate for planning for development of the Mekong Delta region for the period from 2021 to 2030 with vision towards 2050;  

According to the request of the Ministry of Planning and Investment made in the Letter of Transmittal No. 9453/TTr-BKHDT dated December 31, 2021 and the feedback and explanatory report made in the Official Letter No. 1076/BKHDT-QLQH dated February 22, 2022; the Assessment Report No. 124/BC-HDTDQHV dated December 20, 2021 of the Regional Planning Assessment Council for the 2021 – 2030 period with vision toward 2050.  

HEREIN DECIDES

Article 1. Approval for the planning scheme for development of the Mekong Delta region for the 2021 – 2030 period with vision towards 2050, containing the followings:

I. COVERAGE AND BOUNDARIES OF THE PLANNING SCHEME

1. The region encompasses all of the administrative boundaries of Can Tho city and 12 provinces: Long An, Tien Giang, Ben Tre, Dong Thap, Vinh Long, Tra Vinh, Hau Giang, An Giang, Soc Trang, Kien Giang, Bac Lieu and Ca Mau.

2. Offshore waters of provinces: Tien Giag, Ben Tre, Tra Vinh, Soc Trang, Bac Lieu, Ca Mau and Kien Giang.

II. DEVELOPMENT VIEWPOINTS, VISION AND OBJECTIVES

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Orient the Mekong Delta region towards the green and sustainable growth associated with the implementation of the Government’s Resolution No. 120/NQ-CP dated November 17, 2017 on the sustainable development of the Mekong Delta region on adaptation to climate change; focus on protecting, embellishing and developing the socio-cultural foundation and natural ecosystem; center around “humans”; put water at the core of sustainable development; implement the integrated water resources management approach in the entire basin to ensure the maintenance of living resources for the environment and population; transform livelihood models in sub-regions towards the proactive adaptation to climate change.

b) Turn challenges into opportunities; reform the growth model with a view to increasing efficiency and value, focusing on effectively revitalizing and harnessing resources relating to manpower, science, technology, innovation, urban infrastructure, industrial development and digital transformation.

c) Transform the fragmented and small-scale development model to the centralized one; develop clusters of economic sectors related to agriculture connected with urbanized and industrialized areas to create the remarkable development.

d) Strengthen ties between local jurisdictions in the Mekong Delta; with Ho Chi Minh city and the Southeast region; expand trades with ASEAN member states, especially countries in the Greater Mekong Sub-region.

dd) Focus on development of infrastructure which is important for the transformation of development models, especially transport, energy, clean water supply, irrigation and social infrastructure.

e) Closely combine the socio-economic development with national defense and security, firmly maintain political stability, social order and safety; concentrate on ensuring food security, water sources, borders, territorial sea and islands.

2. Vision

By 2050, the Mekong Delta region is expected to reach a good growth level in comparison with others in the whole country; become a place worth living for people, an attractive destination for tourists and investors; accommodate prosperous and dynamic residential communities; ensure important wetland ecosystems are preserved and developed; effectively harness and revitalize natural resources and rich and diverse cultural identities for sustainable socio-economic development.

The urban system should be properly distributed and sustainably developed. The synchronous, inter- and intra-regional transport system is expected to develop. Synchronous and modern irrigation, information and communication, power, water supply and drainage infrastructure should be built to meet the requirements of agricultural production transformation, adaptation to climate change and protection against natural disaster. Cultural, educational - training, science and technology, health, physical training and sports facilities should be ranked good when being compared with those nationwide.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Overall objectives

Expect that, by 2030, the Mekong Delta region is developed into a sustainable, dynamic and highly productive center for agricultural economy of the country, region and world on the basis of developing a system of hub centers for development of agriculture, economic corridors and dynamic cities with diversified services and industries that have synchronous infrastructure system adaptive to climate change; developing the marine economy, tourism economy; strengthening intra-regional, inter-regional, domestic and international connections; attaching importance to the development of science, technology and innovation; raising the standard of human resources; creating the sustainable living environment and the good living standard for people, and conserving natural resources and ecosystem; maintaining and embellishing the unique and diverse cultural identities of ethnic groups; ensuring political stability, national defense and security.

b) Specific goals

- Regarding environment and ecology:

+ Improve the level of forest cover and increase the forest cover rate to 7.5% by 2030; protect the coral reef, mangrove forests, seagrass beds and lagoon ecosystems to ensure the supply of important ecosystem services for socio-economic development, and proactively prevent and minimize risks of natural disasters, climate change and sea level rise.

+ Reduce pollution during the process of agricultural, industrial and urban development by modernizing wastewater and solid waste treatment technologies, and boosting garbage treatment activities. By 2030, 100% of domestic solid waste and hazardous municipal and industrial waste should be collected and treated.

- Regarding culture – society:

+ In the education – training aspect: Improve the educational level and invest in upgrading facilities of educational institutions; by 2030, strive to raise the percentage of students at all levels and the percentage of solid classrooms to reach the national average.

+ In the labor aspect:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

+ In the healthcare aspect:

Build a healthcare system operating in the entire region with a view to ensuring that it is wide-ranging, modern and effective in order to meet the needs of protecting, caring for and improving the people's quality of life. By 2030, there will be 30 hospital beds; 10 doctors; 2.8 bachelors of pharmacy; 25 nurses per 10,000 population.

+ In the culture aspect:

Incessantly improve the spiritual life of the people, gradually narrowing the gap in cultural enjoyment between urban and rural areas. By 2030, strive for 100% of provinces and centrally-affiliated cities to have all 3 types of cultural institution. Preserve, embellish and develop cultural works, historical and revolutionary relics, and culture of ethnic minorities in combination with tourism development.

- Regarding economic development:

+ Continue to promote the strength of the agricultural economy so that it is oriented towards sustainability and application of high technology; maintain the high added-value proportion of about 20-25% by 2030; make an effective use of free trade agreements to expand its market.

+ Make the economic transition towards industrialization and modernization; gradually shift from the labor-intensive industry to the capital-intensive industry in the economic structure, or from low to medium and high technology which is oriented toward smart technology. By 2030, the proportion of labor-intensive, raw processing, and low-tech industries is expected to decrease to less than 50%; the proportion of capital-intensive, medium and high-tech industries, such as chemicals, textiles, machinery and equipment, electrical appliances, means of transport, account for over 40% of the production value of the manufacturing industry.

+ The economy is expected to grow at an average rate of about 6.5%/year. The size of its economy (GRDP) in 2030 should be 2-2.5 times larger than in 2021.

+ Economic structure: By 2030, the proportion of agriculture, forestry and fishery in the GRDP is expected to be about 20%; the proportion of industry – construction, about 32%; the proportion of services, about 46%; the proportion of taxes and subsidies, about 2%.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

+ Develop the inter-regional and international multimodal transport system with more emphasis placed on promoting its inland waterway advantage. By 2030, invest in developing and upgrading about 830 km of expressways; about 4,000 km of national highways; 04 airports; 13 seaports, 11 clusters of passenger ports and 13 clusters of inland waterway cargo ports.

+ Develop energy infrastructure, preferably renewable energy development, with a view to ensuring active energy balance for the region's development needs.

+ Irrigation infrastructure should be built synchronously to meet the purpose of transforming agricultural production to adapt to climate change in ecological sub-regions, and ensuring proactive flood control, response to extreme flooding situation, and anti-erosion prevention and control.

+ Raise the standard of water supply service, ensure safe water supply; step by step modernize the clean water management, production and trading system. By 2030, the rate of urban population using clean water is expected to account for 98 - 100%; the rate of rural population using clean water from the centralized water supply system is expected to make up 70%.

- Regarding national defence and security:

Invest in completing the border traffic system, increasing traffic connections between international border gates and intra-regional or inter-regional development centers, and infrastructure associated with border and island protection; ensure a close combination between socio-economic development and defense and security reinforcement.

III. ORIENTATIONS IN DEVELOPMENT OF ADVANTAGED SECTORS

1. Agriculture

a) Make a transition in the agricultural production structure to adapt to natural condition changes amongst three ecological sub-regions:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- The saltwater – brackish water ecological sub-region distributed in the coastal area (encompassing part of Kien Giang, Ca Mau, Bac Lieu, Soc Trang, Tra Vinh, Ben Tre, Tien Giang, Long An provinces): Develop saltwater, saltwater - brackish water aquaculture on the shore and at sea; fishing; restore and develop coastal mangrove forests, as well as protect biodiversity and coastal strips; develop the integrated agro-forestry production system according to the principle that the ecological and organic farming practice is combined with eco-tourism activities; proactively prevent, avoid and reduce risks of natural disaster, climate change and sea level rise.

- The freshwater – brackish water transitional zone amid the delta (encompassing part of Kien Giang, Ca Mau, Bac Lieu, Soc Trang, Tra Vinh, Ben Tre, Tien Giang, Long An provinces): Develop the monofarming of brackish-water aquatic products and the crop rotation involving these products and rice or vegetables, depending on seasonal water conditions.

b) Develop three key strategic products: Orient the development of fishery, fruit and rice products towards increasing the proportion of fishery and fruit products and reducing the proportion of rice.

c) Develop high-quality commodity agriculture combined with trade, logistics, eco-tourism services, industry, especially processing industry, and improve the value and competitiveness of agricultural products.

d) Develop agricultural hub centers associated with monofarming areas that are connected with cities that act as regional and sub-regional centers and national and inter-regional infrastructure nodes; that is a place providing such services as logistics, research and development, training and technology transfer, procurement, deep processing and high technology application with the aim of improving the value and competitiveness of agricultural products, specifically including:

- The general hub center located in Can Tho city which performs the main functions of trade, logistics, research, development, training, technology transfer, deep processing industry, high technology application to add value to agricultural products, especially rice and aquatic products; promotion of logistics services in Hau Giang province to support Can Tho city in fulfilling its role as the logistics center of the Mekong Delta.

- The hub center located in An Giang and Dong Thap province which is associated with the area proving raw materials for production of freshwater aquatic products, fruits, and rice in the freshwater ecological sub-region.

- The hub center located in Kien Giang, Ca Mau and Soc Trang province which is associated with the raw material areas in the coastal sub-regions.

- The hub center located in Tien Giang and Ben Tre province which is associated with the main areas producing raw materials from fruit and vegetable crops.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) Promote concentration and accumulation of land to develop into concentrated production areas, large-scale, competitive and highly effective raw material areas, especially high-tech and organic agriculture.

g) Promote scientific and technological researches for application of research findings in such fields as production of plant and animal varieties, feed and processing; multiply the sustainable production practice that helps to protect the environment and ensure conformance to food safety regulations.

2. Industry

a) Develop the industry sector in a sustainable and eco-friendly manner with more emphasis on developing processing and supporting industries in order to improve the value and competitiveness of agricultural products; orient in-depth investments towards export for groups of agro-forestry-fishery processing industries which are attached to areas specialized in production of raw materials, chemicals and mechanical products necessary for agriculture.

b) Improve the concentration and density of industrial parks and clusters on the basis that they are connected with cities, regional, inter-regional or international connected infrastructure systems to improve efficiency and competitiveness.

c) Develop industry using high technology and information technology; maximize the potential of developing clean energy and renewable energy in collaboration with forest and coastal protection.

d) Orientations in development of main industries

- Processing industry:

+ Food processing:  Encourage the development of seafood, fruit and rice processing factories applying advanced and cutting-edge technologies at hub centers and areas with raw material advantages to create high-quality products of economic value for export; invest in building cold storage facilities to support the procurement, transshipment, and transportation of agricultural products at hub centers.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

+ Livestock slaughter and meat processing: Reorganize slaughterhouses with a view to reducing and gradually eliminating manual and small-scale slaughterhouses run by family households and build concentrated slaughterhouses located away from residential areas that are equipped with phytosanitary and environmental health management systems; provide incentive and support policies for enterprises so that they can develop local slaughterhouses and frozen food processing facilities. Build medium-sized canned food processing plants with modern equipment and advanced technology to meet export demands and set in place at industrial parks.

+ Production of wooden products and handicrafts: Focus on developing factories producing household furniture, factories producing artificial boards, plywood; Encourage the development of production of traditional fine art products, such as those made of wood, rattan, bamboo, leaves, sedge mats... to serve local tourism needs in Ben Tre, Kien Giang, Tien Giang and Hau Giang.

- Electric power industry: By 2030, put an end to the development of any additional coal-fired power plants with the exception of coal-fired power plants under construction in Duyen Hai II (Tra Vinh), Long Phu I (Soc Trang), Song Hau I (Hau Giang); focus on developing wind power in Ca Mau peninsula and solar power; build flexible power plants and battery energy storage systems to ensure stable operation of the power system with a high proportion of renewable energy sources; consider developing gas power projects in Bac Lieu, Kien Giang and Long An after 2030.

- Mechanical engineering, electrical and electronic equipment industry: Develop the mechanical engineering industry by investing in value-added phases such as designing, manufacturing molds, manufacturing complex components with high precision; implement projects on sheet metal, steel, aluminum extrusion mills; mechanical engineering projects serving the oil and gas industry; household and auxiliary electronic equipment factories; factories producing agricultural machines, agricultural, forestry and fishery processing machines and equipment; centers for testing of electromechanical and electronic equipment; medical equipment and supplies factories; develop the shipbuilding and ship repair industry for small and medium-sized vessels and other watercraft in Tien Giang, Vinh Long, Kien Giang and Can Tho. Prioritize investments in projects with high technology and production level that use modern technology to meet the requirements of cleaner production, less energy consumption and improve product quality.

- Chemical and chemical product industry: Develop selective chemical and chemical product industries to reduce environmental pollution, promote technological innovation, and improve product quality; invest in the development of pharmaceutical chemistry products to meet the demand for treatment drugs; diversify products, improve quality and design to compete with those available on domestic and foreign markets; encourage the development of fertilizer factories in Ca Mau; invest in improving quality, lowering production costs, diversifying specialized fertilizers with high nutritional content, less environmental pollution, reduced washout...; study investment in production of microbial organic fertilizers made from locally available domestic waste and peat.

- Building material production industry: Boost the production of new, energy-saving, green and clean materials according to the national planning scheme for exploration, extraction, processing and use of minerals as construction materials. Rearrange sand mining facilities to ensure that they do not cause any increase in the risk of riverbank and coastal erosion; to protect natural resources, and traffic and irrigation construction works on river and coastal routes.

3. Orientations in development of services

a) Regarding trade

- Invest in the construction of a synchronous system of commercial infrastructure ranging from commercial - service zones, logistics centers to public open markets to effectively support agricultural hub centers; attach importance to building a system of warehouses for storage and preservation of agricultural products to meet the required standards; promote e-commerce and border trade to expand commodity consumption markets and promote the exportation of agricultural products having competitive advantages.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

h) Regarding tourism and hospitality

- Develop the Mekong Delta into an international brand for agro-rural tourism, eco-tourism (e.g. countryside, river, landscape, wetlands) and marine tourism through joint effort to develop products and promote that brand; develop Can Tho and Phu Quoc into two international tourist centers and gateways to welcome visitors throughout the whole region.

- Develop national and regional tourist sites and attractions in harmony with protecting natural ecosystem and preserving cultural - historical values, including: National tourist areas like Phu Quoc, Nam Can - Ca Mau Cape, Tram Chim - Lang Sen, Sam Mountain, Thoi Son; National tourist spots: Ong Ho Island, Cao Van Lau Memorial Area, Ninh Kieu Wharf, Ba Om Pond, Ha Tien, Van Thanh Temple, etc.

- Develop intra-, inter-regional, national and international tourism routes with more emphasis on developing inter-regional tourist routes connected with Ho Chi Minh city, Can Tho city, Phu Quoc, Ca Mau; the southern coastal corridor (Thailand - Cambodia - Rach Gia - Ca Mau) and the international road border gates distributed at Ha Tien (Kien Giang), Tinh Bien (An Giang), Dinh Ba, Thuong Phuoc (Dong Thap) and Binh Hiep (Long An); Sea routes and river routes along Tien and Hau rivers connected with Phnom Penh, Seam Reap (Cambodia).

- Invest in developing a synchronous system of infrastructure and technical facilities to serve tourism synchronously that helps to connect regional, inter-regional and international tourist sites and attractions, especially tourist ports located on Tien and Hau river and cruise ship ports located in coastal provinces.

- Encourage the involvement of all economic sectors in investing in developing tourism. Provide more vocational training programs in tourism services as a way to contributing to a sustainable job transition of rural workers.

c) Regarding services

Focus on promoting the development of logistics services to facilitate the development of production, circulation of domestic goods, import and export activities; develop all kinds of services needed for production activities and for industrial zones or clusters. Improve the quality and diversify entertainment, recreational, shopping, culture-sports, information technology services in category-I and category-II cities that function as the centers of the regions or sub-regions. Develop Can Tho city into a commercial and service center of the Mekong Delta.

4. Orientations in development of the marine economy

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Develop Kien Giang into a national center for development of the marine economy; develop Phu Quoc into a strong international marine eco-tourism and service center.

c) Boost aquaculture and fishery production in coastal areas towards modernity and sustainability; accelerate the transition of concentrated rice-growing areas and other livelihood models of low economic value to aquaculture; develop seafood processing industry, logistics service and fisheries infrastructure.

d) Regenerate aquatic resources and protect marine biodiversity.

IV. PLANS FOR MOBILIZATION, HANDLING, SELECTION AND DISTRIBUTION OF RESOURCES NEEDED FOR DEVELOPMENT THROUGHOUT THE ENTIRE REGION

1. Developmental corridors

a) Urban – industrial economic corridor extending from Can Tho city to Long An province: Plan to accelerate urbanization and industrialization along the North - South expressway to the west, namely the section My An (Dong Thap) - Duc Hoa (Long An); the North - South expressway to the east, namely the section Can Tho - Ben Luc (Long An), and the area along the inland waterway transport corridor extending from Ho Chi Minh City to Can Tho; strengthen socio-economic development ties between the Mekong Delta and Ho Chi Minh city and the Southeast region.

b) Tien – Hau riverside corridor:  This is expected to be developed into an economic corridor, cultural space, biodiversity corridor, river and landscape space with particular identity and characteristics of the region; plan to develop rice, fishery and fruit production clusters associated with eco-cities on both sides of the rivers in order to promote specialization and modernization of agriculture; develop ecotourism in parallel with conserving and promoting distinctive tangible and intangible cultural heritages in the Southwest region. Implement the long-term plan to develop it into a strategic city that emerges as a counterbalance to Ho Chi Minh city, has great potentials and is involved in international connections and trades in terms of inland waterway and maritime transportation modes.

c) Coastal economic corridor running past coastal provinces like Long An, Ca Mau and Kien Giang is expected to concentrate on developing renewable energy, aquatic, marine fishery production and tourism development clusters, and beach or island cities.

d) Border corridor extending from Long An province to Kien Giang province: Develop the bordergate-based economy associated with maintaining national defence and security.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Develop Can Tho into a modern, civilized and ecological city imbued with the identity of the river-based culture in the Mekong Delta; a center of the entire region in terms of services, trade, tourism, logistics, processing industry, high technology-powered agriculture; education and training; specialized health, science and technology, culture and sports; a nucleus city of ​​the Mekong Delta; a gateway connecting the region with the globe; strengthen the connection of transport infrastructure between Can Tho city and local jurisdictions in the region in order to ensure public accessibility to high-quality services reaching the regional and international standard.

b) Develop the central quadrangle area of ​​the region, including such cities as: Can Tho, Long Xuyen, Cao Lanh, Vinh Long, which is the convergence node of important development corridors and transport corridors in the region.

c) Develop agricultural hub centers connected with the system of category-I cities that play the role of general or specialized centers of the region and sub-regions.

d) Link Phu Quoc with other beach and island cities so that they become one of important development poles of the marine economy in the national marine space.

V. ORIENTATIONS IN DEVELOPMENT OF CITIES, RURAL AREAS AND FUNCTIONAL SITES

1. Orientation in development of cities

a) Cities should be reasonably distributed in built-up areas situated along the main development corridors in the region.

b) Develop category-I and category-II cities into those adopting the model of ecological, compact and concentrated urban area in accordance with the master plan on development of cities and rural areas in the period of 2021 - 2030 with vision towards 2050.

c) Cities that are developed into general and specialized centers of the region and sub-regions, including:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- My Tho city that plays its role as one of the trading, logistic service, tourism and holiday-making  service center situated to the North of the Tien river; a gateway connecting Ho Chi Minh city and the Mekong Delta; a hi-tech fruit and rural or countryside tourism center.  

- Tan An city that plays the role of an industrial, trading and service center situated to the Northeast of the Mekong Delta; a gateway city connecting Ho Chi Minh city and the Mekong Delta.  

- Long Xuyen city that plays the role as one of the trading and service centers situated to the Northwest in the Mekong Delta; a center for transfer of hi-tech agriculture technologies, especially rice and freshwater fish.  

- Rach Gia city that plays the role of a center of the marine economy, trade and service in the coastal area to the west of ​​the Mekong Delta; a center of aquaculture, fishing and export of aquatic products; agro-fishery processing center.

- Ca Mau city that plays the role as a center located within coastal subregions of the Ca Mau peninsula; a national energy, oil and gas service, ecotourism service and fish processing center in the entire region. 

- Soc Trang city that plays the role of the economic center of the East Sea’s coastal sub-region; the center of aquaculture, fishing and export of aquatic products; the center of agro-fishery processing and clean energy industry; the historical and cultural tourism center.

d) Build and develop sustainable island cities to ensure harmony between economic development and the preservation of historical and cultural relics, conservation of marine and island biodiversity, national defense and security; gradually build and perfect infrastructure, and plan to set up the international marine tourism and service center in Phu Quoc.

2. Orientation in development of rural areas

a) Distribute and develop a network of rural residential areas by forming agro-industrial towns associated with hub centers and agro-rural tourism.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Control and limit the construction of concentrated residential spots close to riverbanks and canals that are exposed to high risk of landslides; rearrange the population residing along rivers and canals in association with building new rural areas.

d) Plan and invest in building residential clusters in frequently inundated areas so that they are aligned with people's cultural customs and production conditions; reserve space for flood drainage to ensure human and physical safety for the population.

dd) Focus on upgrading essential infrastructure to ensure the stability of people's lives, especially traffic, electricity supply, water supply, information and communication, health care, and education infrastructure.

e) Conserve and develop traditional trade villages, cultural villages, minority communities, and develop the tourism industry.

3. Orientations in development of functional sites

a) Economic zones and industrial parks

- By 2030, continue to develop regional economic zones and key urban areas in sub-regions, including: Phu Quoc (Phu Quoc special economic zone); Duyen Hai (Dinh An economic zone); Nam Can (Nam Can economic zone); Tan Chau and Tinh Bien (An Giang bordergate economic zone); Ha Tien (Ha Tien bordergate economic zone); Hong Ngu (Dong Thap bordergate economic zone); and Kien Tuong (Long An bordergate economic zone).

- Renovate and improve existing industrial parks; encourage the establishment and expansion of industrial parks and economic zones within development corridors and dynamic development zones. Priority should be given to the development of economic zones and industrial zones in the urban-industrial corridor extending from Can Tho to Long An, and connected with Ho Chi Minh city and the central quadrangle area.

Based on investment needs, regulations on conditions for establishment and expansion of economic zones and industrial zones, and the planning of the Mekong Delta region, the People's Committees of the provinces and centrally run cities shall determine plans for the development of economic zones and industrial zones as part of the planning scheme of the entire province.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Develop national and regional tourist sites and attractions in harmony with protecting natural ecosystem (e.g. mountains, forests, rivers, lakes, etc.) and preserving cultural - historical values, including: National tourist areas like Phu Quoc, Nam Can - Ca Mau Cape, Tram Chim - Lang Sen, Sam Mountain, Thoi Son; National tourist spots: Ong Ho Island, Cao Van Lau Memorial Area, Ninh Kieu Wharf, Ba Om Pond, Ha Tien, Van Thanh Temple, etc.

c) Concentrated production areas

- Freshwater ecological zones: Develop specialized rice-growing areas in combination with flood-based livelihood and freshwater aquaculture.

- Freshwater – brackish water transitional zones: Develop areas for monocropping of fruit trees and vegetables in combination with seasonal saltwater and brackish water aquaculture.

- Saltwater – brackish water coastal areas:  Develop areas for monocropping of aquatic products in a sustainable manner.

VI. INFRASTRUCTURE DEVELOPMENT ORIENTATIONS

1. Traffic network

a) Regarding roads

- Expressways: By 2030 with vision towards 2050, the expressway system has a total length of about 1,166 km, including three vertical axes connecting provinces and cities in the region with the Southeast region, and three horizontal axes, to enhance linkages with international border gates:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

+ Horizontal axes: Chau Doc - Can Tho - Soc Trang Expressway which is about 191 km long with 6 lanes; Ha Tien (Kien Giang) - Rach Gia - Bac Lieu Expressway which is about 212 km long with 4 lanes; Hong Ngu (Dong Thap) - Tra Vinh Expressway which is about 188 km long with 4 lanes.

- National highways:

+ Focus on upgrading and renovating the main national highway system, especially priority given to a number of national highways connected with localities where no expressway is available, including: national highway N1; national highway 1, national highway 50; highway 60; national highway 61C; national highway 62; national highway 30; national highway 80; national highway 91; national highway 63; road located to the South of Hau river; Quan Lo street. The entire road system has an estimated total length of about 1,815 km and the planned size (i.e. grade/lane IV-II, 2 - 6 lanes). The stable operation of secondary national highways which have the total length of about 2,351 km (grade/lane IV-III, 2-4 lanes) should be maintained.

+ Conduct reviews to invest in and improve bridges on existing primary and secondary national highways with limited load-bearing capacity and the unsatisfactory clear height in order to improve the transport efficiency throughout the entire network in the region; step by step modernize the management and maintenance system for bridge structures, and improve the operational efficiency throughout the entire network.

- Coastal road route: Locally-invested coastal road route should ensure compliance with the road planning for the period of 2021 – 2030 with vision towards 2050; is expected to pass through Tien Giang, Ben Tre, Tra Vinh, Soc Trang, Bac Lieu, Ca Mau and Kien Giang province with total length of about 788 km.

- Inter-provincial roads: Develop a number of axes that are connected to major transport hubs and industrial parks, and help to promote trade, investment and development between provinces in the region, including:

+ Khanh Binh - Cho Moi (An Giang) - Lap Vo (Dong Thap) route, about 85km long.

+ An Giang - Kien Giang - Hau Giang route extending from National Highway N1 to National Highway 61C, about 130km long.

+ Tien Giang - Long An route connected to National Highway 50 leading to Ho Chi Minh city, about 30 km long.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- While planning, designing and building road traffic routes, it is necessary to calculate and arrange sluices and dams meeting flood drainage, natural disaster prevention and control requirements; study the plans to combine sections of national highways and coastal roads with the system of dikes and saltwater prevention sluices in the process of formulation of the provincial planning scheme to ensure conformity with guidelines for agricultural development in the agricultural ecological sub-regions.

b) Regarding inland waterway:

- Transportation corridors: Concentrate on investing in the development of inland waterway infrastructure in order to bring into full play the potentials and advantages of the region; increase the market share of container transport with importance attached to connecting the regional hub centers through the main waterway transport corridor, namely Ho Chi Minh City - Can Tho - Ca Mau (the estimated volume of about 99 ÷ 105 million tonnes); Ho Chi Minh city - An Giang - Kien Giang (the estimated volume of about 55.2 ÷ 58.5 million tonnes); water transport corridor connected with Cambodia via Tien river or Hau river (the estimated volume of about 12.7 ÷ 15.3 million tonnes) and coastal water transport corridor from Quang Ninh to Kien Giang (the estimated volume of about 62.5 ÷ 70 million tonnes). The technical grades of primary inland waterway routes on transport corridors in the region plan to reach grade IV or higher by 2030.

- Inland waterway infrastructure: Develop 13 clusters of cargo ports to ensure the estimated total throughput of cargo is above 53 million tonnes/year; 11 clusters of passenger ports to ensure the estimated total throughput is 31 million passenger arrivals and departures/year. The system of special-use ports developed to meet the transport needs should directly serve and conform to the planning scheme of economic zones, industrial parks, plants for manufacturing, building and repair of transport equipment, processing of agricultural, forestry and aquatic products.

- Regarding the development of locally-run inland waterway infrastructure: Arrange and develop inland waterway ports and terminals on local waterway routes and passenger ports, special-use ports and inland waterway terminals on national waterway routes specified in the provincial planning scheme in accordance with the spatial arrangement and functional zoning with a view to ensuring consistency, uniformity and compliance with the planning of port clusters.

c) Regarding maritime infrastructure

- By 2030, seaports in the region are expected to meet the demand of throughput of cargo from 64 to 80 million tonnes (container cargo from 0.6 to 0.8 million TEU); passengers from 6.1 to 6.2 million of passenger arrivals and departures; by 2050, meet the demand of throughput of cargo at an average growth rate of about 5.5 to 6.1%; of passengers at an average growth rate from 1.1 to 1.25%.

- Category-I seaports, including: Can Tho, Tra Vinh and Long An seaport. Category-II seaports, including: Dong Thap and Hau Giang seaport. Category-III seaports, including: Vinh Long, Tien Giang, Ben Tre, Soc Trang, An Giang, Kien Giang, Bac Lieu and Ca Mau seaport. Tran De wharf area (Soc Trang seaport) plans to become a potential special seaport playing the role of a gateway port in the Mekong Delta. Hon Khoai Wharf (on Hon Khoai Island) plans to become a conditionally potential general port, depending on the investor’s needs and capacity.

- Upgrade, renovate and maintain shipping channels in the region to ensure that they are in stable working condition and in line with the operational capacity of the seaport system, with more emphasis on renovating and upgrading main channels, including shipping channels designed for large seagoing vessels entering Hau river, Tran De shipping channel.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

By 2030 with vision to 2050, the railway network in the Mekong Delta is expected to include 01 rail track connecting Ho Chi Minh City with Can Tho with a length of about 174 km and a gauge of 1,435 mm.

dd) Regarding air transport infrastructure

- Phu Quoc International Airport is expected to play the role of an airport serving international and domestic visitors. Can Tho International Airport is the hub center for the development of airline logistics in the region. Rach Gia and Ca Mau Airports, in addition to being domestic airports, also act as flight training and coaching centers.

- By 2030, the expected scales of airports will be as follows:

+ Can Tho International Airport: Grade 4E; throughput capacity of 1.0 million passenger arrivals and departures/year.

+ Phu Quoc International Airport: Grade 4E; throughput capacity of 10 million passenger arrivals and departures/year.

+ Rach Gia International Airport: Grade 4C; throughput capacity of 0.5 million passenger arrivals and departures/year.

+ Ca Mau International Airport: Grade 4C; throughput capacity of 1 million passenger arrivals and departures/year.

- Research and develop a network of specialized airports meeting personal, tourist, rescue and emergency flights in several potential areas, such as Phu Quoc, Chau Doc, Ha Tien, Nam Can, My Tho, Dong Thap, Tran De...

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Concentrate on solving bottlenecks and deadlocks concerning the clear height on the national inland waterways; speeding up the implementation of container port construction projects in key development hubs; investing in a system of loading and unloading or handling equipment at inland waterway ports playing the role of satellite berths or intermediate cargo collection terminals of seaports.

- Connection between roads and seaports: Prioritize investments in road sections behind the ports to ensure that they have identical technical level and are easily connected with the national traffic network.

2. Power supply system

a) Develop power sources and grids in accordance with the electricity development master plan for the period of 2021 - 2030 with vision to 2045 and the national master plan on energy for the period of 2021 - 2030 with vision to 2050.

b) Regarding power sources

Prioritize the rational development of power generated from renewable energy, ensuring the highest overall economic efficiency of the national power system; develop thermal power plants at an appropriate rate in line with the supply and distribution capacity of raw materials, associated with the implementation of Vietnam's commitments at the COP26 summit.

c) Regarding power grids

- Build and upgrade the power grids so that they gradually meet the technical standards of the transmission grids and can distribute power throughout the territory of the Mekong Delta. Significant power grid projects, including:

+ 500 kV transmission line construction project: Tay Ninh - Dong Thap - Thot Not, Thot Not - Bac Lieu, Duyen Hai - My Tho - Duc Hoa, Long Phu - O Mon.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Build cross-border grid connections between countries in the Greater Mekong Sub-region: Promote electrical energy cooperation and exchange, ensure the benefits and safety of the power systems between stakeholders; maintain and strengthen the grid connection with Cambodia through the existing 220 kV transmission line and based on bilateral and multilateral cooperation facilities.

3. Irrigation and water resource management network

a) Develop water resource management systems, adapt operational regulations to the orientation in transition of agricultural production in ecological sub-regions with a view to actively living with floods, saltwater intrusion, adaptation to climate change and sea ​​level rise.

b) Ensure the adequate supply of water for domestic and industrial use. Conduct researches on construction of pipelines supplying water from freshwater areas in the midst of the delta to Ca Mau peninsula and coastal provinces for household and industrial use during the dry season.

c) Uphold traditional solutions to actively store and manage the use of water on site to serve domestic and essential production needs; at dispersed water reservoirs; water saving solutions; dredge main, category-I and II canals to increase water circulation and exchange, enhance irrigation capacity and increase water storage capacity for the dry season.

d) Develop a system of dikes and embankments to protect residential areas, production areas, and structures of great political, socio-economic significance against the impact of land subsidence, sea level rise and the risk of widespread flooding. By 2030, focus on solutions to upgrading and completing the construction of category-I dikes, including sea dykes and embankments along main rivers, to protect critical areas in the region. Category-II dikes that help to protect irrigation systems and category-III dykes that help to protect small-scale inner-field plots should be developed locally according to actual development needs in order to ensure prevention and control of fluvial floods and tides for important agricultural farming areas, urban areas, rural residential areas, industrial parks and other critical infrastructure.

dd) For the annual flooded areas, such as the Long Xuyen Quadrangle, Dong Thap Muoi and the area between two rivers: Operate irrigation structures and dikes towards letting water flow into fields to absorb floods and help locals earn their living during the flooding season; build culverts under dikes and pumping stations if necessary to actively supply and drain water; protect flood drainage space; reinforce dykes, dredge main-axis canals in order to reconstruct the axes for drainage of floods into the West Sea and Vam Co river.

e) Build a system of culverts and dykes along the Tien river (section extending from Chau Thanh district to Cai Be district, Tien Giang province), and along Hau river, Co Chien river and North Mang Thit river in Vinh Long province, in order to control saltwater, retain freshwater, and protect orchards during years of deep saltwater intrusion.

g) For the transitional area situated to the South of Cai Lon river, consider building the sluice and dike system on the south bank of Cai Lon river to control saltwater intrusion; develop operating procedures for Cai Lon - Cai Be sluice system and sluices along the West Sea and the south bank of Cai Lon river in order to proactively supply freshwater and brackish water to the region.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

i) For Nam Mang Thit irrigation system, build a system of culverts and dikes along the south bank of the Mang Thit river to create the close system to actively control saltwater - freshwater, increase self-flowing irrigation, and reduce pollution.

k) In Ben Tre province, build a system of culverts and dikes along Tien, Ham Luong and Co Chien river to create the close irrigation system to the North and South Ben Tre to actively control saltwater - freshwater, increase self-flowing irrigation, and reduce pollution.

l) In coastal areas, build the complete system of water resource management works to actively supply water, control saltwater, build separate water supply and drainage canals or carry out water circulation for fishery production and aquaculture; continue to invest in reinforcing and upgrading sea dykes and breakwaters preventing sand accretion or accumulation in combination with afforestation helping to protect sea dykes and coasts; control groundwater abstraction to limit subsidence.

m) Prevent and control riverbank and coastal erosion; build breakwaters helping to control coastal erosion in critical areas.

n) Build specialized systems for forecast and early alerting of floods and salt droughts, including construction and upgradation of realtime meteorological - hydrological and salinity measurement stations for the entire region.

4. Water supply network

a) Water supply zoning

- Based on topographical conditions, water sources, current situation, spatial development orientation of the region, water consumption demands and needs for development of water supply over stages, 02 water supply zones should be developed as follows:

+ Northeast of Hau river, including provinces: Long An, Tien Giang, Ben Tre, Tra Vinh, Vinh Long, Dong Thap.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Based on water source conditions, water supply areas are classified by the following criteria: Advantage, less advantage and disadvantage criteria serve as a basis to choose appropriate water supply solutions:

+ The area having water source advantages extends to the following provinces: Dong Thap, An Giang; part of Can Tho city.

+ The area having less water source advantages extends to the following provinces: Long An, Tien Giang; part of Vinh Long province and Can Tho city.

+ The area having water source disadvantages extends to such provinces as Ben Tre, Hau Giang, Soc Trang, Bac Lieu, Ca Mau, Kien Giang, Tra Vinh; part of Vinh Long province.

b) Water sources

- Abstract and use water sources appropriately according to the functional zoning of water sources and orientation in giving water distribution priority in normal, drought and water shortage cases.

- Main water sources meeting domestic and production needs are surface water from Tien and Hau river. In the context of responding to climate change and saltwater intrusion, apply solutions to abstract and transmit raw or clean water sources to ensure satisfaction of water demands, water quality, economic and technical efficiency as prescribed, and meet sustainability requirements.

- Control and limit the use of underground water sources in coastal areas and areas with severe land subsidence; research solutions to replenish groundwater sources, research and evaluate deep aquifers as a reserve source.

- Review and exploit local reserve land, build rainwater storage reservoirs, find more water sources for existing water plants, especially in coastal areas and areas with severe acidity.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Regional-scale interprovincial raw water plants and pumping stations: Invest in building 05 regional-scale interprovincial water plants connected with the inter-provincial transmission pipeline system to supply water to areas where water sources are affected by saltwater intrusion or areas facing difficulties in water sources. Capacity, water abstraction location and water supply scope of regional-scale inter-provincial water plants should be expanded according to water demands, climate change scenarios, saltwater intrusion over development stages. Priority-given projects, including:

+ Tien river 1 (Tien Giang province) water plant: Capacity of about 200,000 - 300,000 m3/day and night; Tien river’s water source and other additional water sources adaptable to climate change conditions; water supply range: Tien Giang province and part of Long An province.

+ Tien river 2 (Vinh Long province): Capacity of about 200,000 - 300,000 m3/day and night; Tien river’s water source and other additional water sources adaptable to climate change conditions; water supply range: Vinh Long, Tra Vinh and Ben Tre province.

+ Hau river 1 (Can Tho, Hau Giang province) water plant cluster: Capacity of about 400,000 - 600,000 m3/day and night; water source of Can Tho river, Xa No canal, Hau river; water supply range: Hau Giang, Soc Trang, Bac Lieu, Ca Mau province and part of Can Tho city.

+ Hau river 2 (An Giang province) water plant: Capacity of about 200,000 - 300,000 m3/day and night; Hau river’s water source; water supply range: Part of An Giang; part of Vinh Long province and Can Tho city.

+ Hau river 3 (An Giang province) water plant: Capacity of about 100,000 - 150,000 m3/day and night; Hau river’s water source; water supply range: Part of An Giang and Kien Giang province.

- Regional-scale interprovincial raw water pumping stations: Encourage investments in building raw water pumping stations for areas having water source disadvantages and areas having less water source advantages to ensure satisfaction of water demands during the dry season.

d) Water treatment technologies

- The applied clean water treatment technology must be aligned with the scale of the water plant's capacity, the composition and nature of the raw water source; the quality of the treated water that must meet the tapwater quality standards.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Research and apply brackish and salt water treatment technologies to supply water to islands and residential areas that are affected by saltwater intrusion or unable to be connected to inter-provincial water plants.

dd) Water supply pipelines

Inter-provincial transmission pipelines transmitting clean water or raw water from regional-scale interprovincial water plants to localities must be connected into a ring network by 2030 and ensure safe water supply. At the connection points between the inter-provincial transmission pipeline and the local water distribution pipeline, pumping stations and water tanks need to be arranged to store and stablize water sources.

e) Booster pump stations

Set booster pumping stations in place on inter-provincial transmission pipelines to ensure transmission of adequate water to connection points with distribution pipelines for local water supply. The location, scale and capacity of the booster pumping station should be specified in the investment project formulation phase.

g) When making the provincial planning schemes, provinces in the Mekong Delta region should plan and invest in expanding pipe networks used for supplying water and accessing water sources of the regional-scale inter-provincial water supply network.

- For areas having water source advantages: Continue to use water from existing water plants; invest in the expansion or construction of water plants according to the provincial or local construction planning schemes.

- For areas having less water source advantages: Reconstruct and upgrade existing water plants; invest in building raw water pumping stations. For the water supply development needs increased over planning periods, invest in expanding pipe networks used for supplying water, and accessing water sources of regional-scale inter-provincial water plants. Rural residential areas that have not yet been connected to regional-scale inter-provincial water plants, or are extracting groundwater, should control groundwater quality and keep reserve of groundwater to meet sustainability requirements.

- For areas having water source disadvantages: Invest in expanding pipe networks used for supplying water and accessing water sources of regional-scale inter-provincial water plants. For a number of small cities and rural residential areas that have not yet had access to regional-scale inter-provincial water plants, reconstruct existing water plants or build new ones using suitable brackish water and saltwater treatment technologies.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Combine solutions to storing and consuming stormwater at public works, offices and households as a source of water for household and other uses.

5. Solid waste treatment and hazardous solid waste treatment facilities

a) Municipal solid waste: Collection and treatment thereof should depend on the capacity of each province.

b) Hazardous waste: Hazardous waste in Ca Mau, Kien Giang, Hau Giang, Can Tho, An Giang, Bac Lieu, Soc Trang should be treated by applying the co-firing approach at Holcim cement factory in Hon Chong - Kien Giang. Hazardous waste in Long An, Tien Giang, Ben Tre, Tra Vinh, Vinh Long and Dong Thap should be transported and treated at the Green Environment Technology Park in Thu Thua, Long An province. Noncombustible waste throughout the region should be transported to the Green Environment Technology Park in Long An for treatment at standard treatment zones in the Mekong Delta and the Southeast region.

c) Facilitate the generation of energy from solid waste.

d) Minimize landfilling to avoid causing pollution; reconstruct insanitary landfills; strengthen inter-provincial cooperation in solid waste treatment to enable the use of modern waste treatment technologies.

6. Telecommunications networks

a) Develop post and telecommunications infrastructure according to the national information and communication master plan for the period of 2021 - 2030 with vision to 2050 towards application of new, synchronous and modern technologies.

b) Align the development of post and telecommunications infrastructure with national defense and security, and cybersecurity in order to contribute to socio-economic development, environmental protection, and inclusive social development towards the sustainable development.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Prioritize digital transformation in advantaged sectors: agriculture, tourism, logistics development assistance, hub centers, health and education development assistance.

dd) Prioritize the development of the "electronic workbench" model that helps to make connection between different workplaces, and acts as a focal point via which workplaces, citizens/enterprises can share and consolidate most of component applications and data.

7. Ground leveling, surface water drainage

a) Determine zones inflicted by inundation

- 1st zone that is a zone that is deeply flooded due to impacts of Mekong river floods, each of which is at least 2 meters in depth on average; located to the North and running along the Vietnam - Cambodia boundary, encompassing most of Dong Thap Muoi and Long Xuyen Quadrangle, and located within Long An, Dong Thap and An Giang province.

- 2nd zone that is a zone that is averagely inundated due to the impacts of Mekong river floods, each of which has the average depth ranging from 1m to 2m approximately, and located within Long An, Tien Giang, Vinh Long province and Can Tho city.

- 3rd zone that is a zone that is shallowly flooded due to the impacts of both floods and high tides, and encompasses Long An, Tien Giang, Vinh Long province, Can Tho city and Hau Giang province.

- 4th zone that is a coastal zone prone to high tides.

b) Construction foundation height

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

+ In urban areas located within 1st and 2nd zone, restrict the development of large urban areas and levelling of large grounds; encourage the development of urban areas in the direction parallel with the flood drainage direction with the intention of reducing flood impacts on urban areas.  

+ In 3rd zone where the reserve land is large enough for development of large-scale urban areas, encourage the development of concentrated urban area in the form of a compact city; reserve land necessary to dig lakes and get connected to canals to ensure water drainage; construct, reconstruct and well operate dykes that help to prevent tides at estuaries in order to limit the impacts of inundation and saltwater intrusion on urban areas.   

+ In 4th zone, develop urban areas on plateaus, riverside or seaside alluvial grounds; In high-density urban areas, carry out the concentrated leveling of the entire construction areas.

For high-density construction areas, depending on particular topographical condition, it is possible to use the concentrated leveling approach in the entire construction area, flood control dike approach, or both. For low-density construction areas where the local leveling approach is applied, carry out the concentrated leveling according to the location of construction works only and reserve the remaining land in each functional area for construction of lakes and connection to canals for the purpose of ensuring water drainage in construction lots. Encourage the development of floodproofing construction works and models. Focus on constructing, reconstructing and duly operating tidal dikes at estuaries in 3rd and 4th zone in order to limit the impacts of flooding and saltwater intrusion on urban areas.     In nature zones or low-density residential areas, calculate the appropriate frequency of allowed flooding according to prescribed norms, and ensure effective water drainage.

- In rural areas: Carry out the local leveling according to the location of each construction work, and reserve land for construction of lakes and connection with canals, and ensure water drainage.

- In residential areas and industrial parks: The elevation after leveling an area must ensure that it is highly and sustainably safe while the elevation of an embankment should be 0.5m higher than the flood height after taking into account the effects of climate change.

- Within nature zones or low-density residential areas, calculate the appropriate frequency of allowed flooding as per norms in force with the aim of reducing the excavation and earthfilling volume and area, and ensure effective water drainage.

- Strengthen the construction of multi-purpose ecological lakes in the planning scheme and the construction of urban areas and rural residential areas for water, flood retention, environmental remediation, improvement of climatic conditions and entertainment or recreational activities for local residents.

c) Surface water drainage

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- In suburban and rural residential areas, it is expected that the common drainage system will be used and, before being discharged into the common drainage system, domestic wastewater must undergo preliminary treatment. In the long run, build separate wastewater collection and treatment systems in densely populated areas. 

- Reconstruct and expand canals or channels, and build balancing reservoirs in inner cities, protect and restore green spaces running along existing canals and rivers.

8. Social infrastructure

a) Regarding education – training infrastructure

- Develop Can Tho city into a national and regional education and training center in the Mekong Delta region; develop the university network and expand continuing education institutions and vocational education institutions in provincial-level category-I and category-II urban areas towards focusing on areas of study, such as healthcare, engineering, and technology, to serve the development of advantageous industries in the region in terms of agricultural economy, energy, services and digital economy development.

- Promote research and development activities in the field of agriculture (i.e. aquaculture, rice and fruit crops) at agricultural hub centers by studying and applying high technology, increasing the value of agricultural products, adapting to industry and climate change; focus on affiliation and association between education - training institutions, research institutions and enterprises, and connection with the labor market, in order to build high-quality human resources and meet the development needs of the entire region.

- Invest in physical facilities of education and training institutions to improve educational quality and effectiveness, and promote the lifelong learning of people in the region.

- Build the biodiversity research center in Phu Quoc with orientation towards conducting researches on protection of ecosystems and island biodiversity in line with tourism and community education activities.  

b) Regarding medical and healthcare infrastructure

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Invest in the complete construction of regional general hospitals in Kien Giang, Dong Thap and Tien Giang with 500 to 1,000 beds and capability of meeting the medical examination and treatment needs of people in the region by rendering professionally high-quality and modernly technological services.

- Develop general hospitals in provincial cities to ensure that people have easy access to quality and comprehensive hospital care services locally.

c) Regarding culture, sports and physical activity infrastructure

Develop regional cultural, physical activity and sports centers in Can Tho city and category-I urban areas that play the role of regional and sub-regional centers.

VII. ORIENTATION TOWARDS ENVIRONMENTAL PROTECTION; EXPLOITATION AND PROTECTION OF WATER RESOURCES OF RIVER BASINS; NATURAL DISASTER CONTROL AND PREVENTION; RESPONSE TO CLIMATE CHANGE IN THE REGION

1. Orientations in environmental protection

a) Orient environmental protection, disaster prevention and response to climate change towards integrating actions, including management and control of environmental pollution (e.g. water, land and air), establishment of real-time environmental quality monitoring systems, transformation of energy production into an eco-friendly activity, and affiliation in ocean plastic waste management, and economical and efficient use of natural resources.

b) Water environment

- Synchronously build separate sewage and rainwater drainage systems in urban areas. By 2030, urban wastewater must be treated to ensure full compliance with national standards before being discharged into the common drainage systems.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Closely monitor treatment of wastewater by aquacultural production areas, factories, small-scale production facilities, trade villages, industrial parks, and industrial clusters, before discharge into the environment according to regulatory provisions; encourage the innovation of new processes and technologies to reduce wastewater.

- Apply improved techniques and practices to address issues related to water quality in the agriculture sector, such as improving water circulation.

- Promote public-private partnership (PPP) investment in wastewater treatment.

c) Biodiversity conservation

- Continue to protect and develop 21 founded nature reserves, 23 newly founded nature reserves, 01 biodiversity conservation facility, 09 important wetlands in An Giang, Bac Lieu, Ben Tre, Dong Thap, Soc Trang and Vinh Long province.

- Establish and operate an inter-provincial biodiversity corridor connected with Ca Mau Cape National Park - Dam Doi bird sanctuary - Thanh Phu - Can Gio biosphere reserve.

- Build important ecological landscape areas connecting U Minh Thuong and U Minh Ha; 7- mountain and Tra Su lowland areas; Dong Thap Muoi low-lying ecological area extending from Tram Chim to Lang Sen.

- Protect and develop important wetlands or high biodiversity areas.

- Maintain and develop existing biodiversity conservation facilities, wildlife rescue stations, marine animal rescue stations and consider establishing more to suit the needs; develop human resources and strengthen necessary resources to assist in performing biodiversity conservation tasks.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Orientation for functional zoning of water resources

- Shift from the demand-responsive approach to the approach for proactive demand management and allocation based on the capacity of water resources.

- Prioritize the functional zoning of water resources currently in use for main purposes including domestic water supply, irrigation, industry, tourism, services, environmental protection and maintenance of salinity boundaries in the dry/severe dry season.

- Groundwater should be used for the purposes of supplying water for daily life, industrial production and agricultural production purposes according to the water resource carrying capacity; reduce the extraction and use of groundwater in land subsidence prone areas.

- The functions of each river water source, river section, canal or aquifer should be specified in the master plan of the Mekong river basin and the provincial planning schemes.

b) Allocation priority orientation under normal circumstances

- Ensure proper performance of the defined functions of river sections and water sources of the Mekong river system.

- Prefer supplying water for daily, social security and industrial production uses.

- Basically solve any conflict arising from water extraction and use among the main water users on the Mekong River basin.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Manage irrigation systems duly to prevent water pollution and stagnation that degrade surface water quality.

c) Allocation priority orientation in case of droughts or water shortages

- Allocate water supply to meet 100% of household demands.

- Prioritize supply of water for household, social security and highly effective production uses.

- Allocate water, depending on the minimum needs of users.

- Propose plans to reduce water consumption amounts of users according to appropriate rates and order of water allocation priority.

- Regulate water distribution to ensure water security for regions/river basins where water is particularly scarce.

- Promote cooperation and sharing of information and data on Mekong river’s water source.

- Build points of strategic reserve freshwater sources throughout the region; increase the flood and freshwater retention capacity to an appropriate level at localities in the region.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- The amount of reserve water can be provided for domestic purposes in case of water pollution incidents or droughts causing water shortages within a defined period (up to 90 days).

- Groundwater should serve as the main reserve water resource.

- Store water during the flood season on field plots in the Long Xuyen Quadrangle and Dong Thap Muoi, national parks, and take advantage of flooded forest areas for water storage.

- Build water reservoirs having the appropriate retention capacity; helping to store water on canals, large river tributaries, small ponds and lakes together with having appropriate solutions for opening and closing of water regulating works; store rainwater for domestic use or in underground tanks.

- Take more measures to artificially replenish groundwater, seek reserve water sources and manage the use of water.

dd) Orientation in development of monitoring and observation system for water resources and water extraction and utilization

- Upgrade and perfect the synchronous, advanced, modern and comprehensive water resource monitoring network, ensuring the connection and sharing of information continuously and consistently from the central to local level.

- Invest in building concentrated and effective monitoring and observation systems for water resources and water extraction and utilization which are suitable to socio-economic conditions over periods of time.

- Train and improve the quality of human resources required for the management and operation of these systems.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Test current regulating structures in some areas where water shortage or scarcity occurs regularly in the dry season.

- Identify areas capable of retaining flood water in the floodplains of Dong Thap Muoi and the Long Xuyen Quadrangle, areas capable of storing rainwater in coastal areas and the Ca Mau peninsula.

- Build water reservoirs and study solutions for construction of river or canal-based water storage facilities.

g) Orientation towards water resource protection, remediation of polluted, depleted or exhausted water sources

- The abstraction and use of water must be associated with the protection of water resources, the protection of the functions of water sources, aquatic resources, motion and flow of water currents, lakes and ponds having balancing functions and of biodiversity value.

- Limit the contamination of seriously polluted water sources in residential areas, large urban areas, industrial zones, clusters and economic zones to an acceptable level.

- Control the operation of coastal irrigation systems to ensure water circulation, avoiding stagnant water causing pollution.

- Classify water sources, announce the list of water sources that are polluted, degraded or severely depleted and the list of establishments involved in extraction, utilization of water, or discharge of wastewater into water bodies that leads to pollution, degradation or severe depletion of water resources.

- Improve and restore severely polluted, degraded and depleted water sources with priority given to those in areas playing socio-economic development roles; prevent and impose strict penalties on acts of pollution, degradation and depletion of water resources.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

h) Orientation towards prevention, control and mitigation of waterborne adverse effects

- Strengthen the management of sand, gravel and other mining and river transport activities; riverine activities, such as construction of urban areas, residential areas, and other production activities, which contribute to increase in erosion of river beds and banks.

- Strictly control the abstraction of groundwater for irrigation and aquatic production, especially in the coastal areas of Soc Trang, Bac Lieu and Ca Mau province.

- Determine zones where groundwater extraction is limited in order to ensure that there is no degradation or depletion of water sources, and to prevent and combat land subsidence caused by groundwater overexploitation.

- Rebuild axes for flood drainage into the West Sea and from Dong Thap Muoi into Tien and Vam Co rivers.

- Construct and update climate change scenarios, assess upstream impacts on drought, river bank erosion, soil subsidence and saltwater intrusion in the Mekong Delta.

- Develop maps of freshwater distribution of aquifers and clusters of facilities for creation of water sources of which deposit and quality are enough for long-term extraction; maps of waterborne adverse effects in order to establish inter-sectoral, inter-regional and international coordination mechanisms in preventing, combating and mitigating waterborne adverse effects.

3. Orientation for natural disaster prevention and control and response to climate change in the region

a) By 2030

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Mid-delta areas: Build complete irrigation systems and works to proactively supply water. Upgrade dykes and embankments used for protecting urban and residential areas; research into design of the network of canals for fruit crops and concentrated aquaculture to ensure water exchange. Invest in projects on prevention and control of erosion of riverbanks, canals, water regulating facilities and dredging of arterial canals to actively store water to meet the requirements of socio-economic development, water supply for economic sectors, and works for transfer of fresh water to coastal areas.

- Coastal areas: Invest in building and perfecting irrigation systems to control water sources for domestic use, proactively supplying fresh and salt water for production and aquaculture purposes. Continue to invest in building, strengthening, and upgrading sea dykes embankments and breakwaters preventing accretion in combination with afforestation for protection of sea embankments and beaches. Limit and rationally use groundwater for household and aquaculture production purposes in order to prevent subsidence and landslides. Apply and transfer technologies for on-site collection, storage and treatment of water for domestic use in case of drought, water shortage, saltwater intrusion, and aquaculture wastewater treatment technologies.

b) Vision towards 2050

Study and develop the flood and inundation risk management strategy for the Mekong Delta that helps to determine flood prevention and control and protection levels for different areas in the entire region in line with the orientation for spatial arrangement of regional development over development phases; that serves as a basis for construction, management and operation of the irrigation infrastructure, natural disaster prevention and control system in the entire region.

VIII. LIST OF PRIORITIZED PROGRAMS AND PROJECTS AND EXECUTION PHASING

Details are given in the Appendix hereto.

IX. SOLUTIONS AND RESOURCES FOR IMPLEMENTATION OF THIS PLANNING SCHEME

1. Solutions regarding regulatory mechanisms and policies for regional coordination

a) Facilitate the effective implementation of the planning scheme for development of the Mekong Delta region in the period of 2021 – 2030 with vision towards 2050; formulate regulatory mechanisms and policies for investment in the regional infrastructure, especially attraction of investment from the non-state sector for the regional development; establish a system for monitoring and evaluation of implementation of the planning scheme.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Continue to improve the coordinating mechanism for the Mekong Delta towards strengthening the role of local jurisdictions in the Coordinating Council of the Mekong Delta, attract the participation of businesses, research and training institutes in coordination activities and formulation of regulations on regional coordination.

d) Adopt a mechanism to encourage businesses, organizations, communities and people to participate in the value chain of production, processing and consumption of key products, and development of agricultural economic clusters in the region.

dd) Continue to improve regulatory institutions on coordination in the Mekong Delta towards increasing decentralization associated with monitoring and evaluating the effectiveness of implementation, management and use of resources.

2. Solutions regarding mobilization of investment capital

a) Public-sector investment

- Prioritize funding for regional coordination investment projects identified in the planning scheme. Attract loans from international financial institutions or equity investments from private investors in PPP form.

- Research and expand funding for investment in ecosystem service models in the Mekong Delta with a view to having funding for investment in ecosystem restoration projects.

b) Private-sector investment

Enhance attraction of domestic and foreign private-sector investment; develop a comprehensive promotion strategy, raise the localization rate, increase the rate of domestic value, promote technology transfer to local businesses.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Actively integrate into the world, strengthen cooperation with the countries of the Mekong Sub-region on the basis of mutual benefits gained through regional or bilateral cooperation initiatives for effectively and sustainably joint use of water and other relevant resources environmental protection, cross-border nature and biodiversity conservation, and response to climate change in the Mekong River basin.

b) Consider the centralized (regional) management of medical and hazardous waste by using appropriate best available technologies (BAT), encouraging reduction, reuse and disposal of organic waste at source on a small scale in rural areas without any concentrated waste management system.

c) Use modern technologies for basic investigation; economical and efficient management and use of natural resources associated with environmental protection tasks; improve technological capacity in forecasting, monitoring, preventing, responding to and mitigating environmental incidents.

4. Solutions regarding science and technology

a) Promote research, application and transfer of biotechnology; provision of high-quality plant and animal varieties production systems, technical services; processing and exportation of key agricultural products in the region; focus on researching application of high technology to increase the value of agricultural products and improve organic, sustainable, environmentally friendly farming techniques, adapting to extreme floods and drought-inflicted saltwater intrusion.

b) Regarding energy, switch from coal power generation to liquefied petroleum gas, natural gas and renewable energy generation in order to gradually reduce greenhouse gas emissions, decrease local pollution and minimize by-product waste from the energy production process.

5. Solutions regarding human resources development

a) Develop human resources necessary for the development of advantageous industries of the region.

b) Increase the attraction of professionally qualified and skilled young workers on the basis of associating activities of hub centers with research institutes and universities inside and outside of the region, international organizations and funds that are interested in prioritizing their investment in the Mekong Delta.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Increase investment in primary and secondary education in rural areas, improve the quality of vocational training through establishing affiliation and cooperation with industrial park management units and employers.

6. Solutions regarding urban and rural development management and control

a) Develop more compact cities to better protect the majority of most of city dwellers from the effects of climate change,

b) Control construction towards better adaptation to climate change to improve efficiency and effectiveness of disaster risk management through applying the multidisciplinary holistic approach at the grassroots level in construction management activities to avoid discrepancy and overlapping between local authorities arising from the process of performance of assigned tasks.

c) Preserve and promote models of settlement communities that are adaptive to climate change and environmentally friendly; research and develop new rural models in the Mekong Delta, and extend them when they are suitable to particular local conditions.

d) Invest in developing infrastructure, improving the quality of social services in rural areas to improve the living standard; adopt more policies for agricultural development and social welfare in rural areas, support farmers who wish to return to the countryside to live, contribute to reducing migration from rural to urban areas, stabilize society and eliminate hunger and poverty alleviation.

7. Solutions regarding implementation and supervision of implementation of the planning scheme

a) The planning scheme should be carried out on the basis of regulatory provisions on public investment, public financial management, and agreed mechanisms and policies for the Mekong Delta, irrespective of mechanisms or policies of single or joint provinces or ministries, or involvement of the private sector and even communities in specific places.

b) The Coordinating Council of the Mekong Delta is responsible for giving the Prime Minister counsels or recommendations about mechanisms, policies, strategies, planning schemes, plans, programs, tasks and projects that are on a regional scale and help to boost regional coordination and sustainable development of the Mekong Delta on adaptation to climate change. Relevant ministries, regulatory authorities and 13 provinces and cities in the Mekong Delta are responsible for organizing and supervising the implementation of development policies and investment projects in relevant areas, and submitting reports to the Prime Minister, as well as sending such reports to the Coordinating Council of the Mekong Delta.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 2. Implementation

1. The planning scheme for development of the Mekong Delta in the period of 2021 - 2030 with vision towards 2050 is the basis for making provincial planning, urban planning, rural planning, technical or specialized planning schemes in local jurisdictions of the Mekong Delta.

2. Ministry of Planning and Investment

a) Organize and publicize the planning scheme for development of the Mekong Delta in the 2021-2030 period with vision towards 2050.

b) Take charge of, and coordinate with ministries, central and local authorities in, researching and formulating plans, policies, solutions and allocating resources for implementation of the planning scheme.

c) Take charge of, and coordinate with ministries, local and central authorities in, assessing the implementation of the planning scheme; monitor, push towards, supervise and inspect the implementation of the provincial, urban, rural, technical and specialized planning schemes in the region; supervising the implementation of key investment programs and projects that are on a regional scale and of regional nature.

d) Research and propose coordination mechanisms, policies on affiliation and coordination among localities in the region; take charge of, and cooperate with concerned ministries and central authorities in, organizing investment promotion and attraction activities with respect to key projects in the region; propagate and communicate the planning scheme in order to get domestic, foreign investors and entities from different economic sectors involved in the implementation.

3. Relevant ministries and central authorities

a) Implement the planning scheme under their respective jurisdiction.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Cooperate with the Ministry of Planning and Investment in implementing, monitoring and evaluating the implementation of the planning scheme, supervising the implementation of key investment programs and projects of regional size and nature in order of priority under their respective jurisdiction in order to promote the regional socio-economic development.

4. People's Committees of provinces and cities in the Mekong Delta region

a) Imperatively draw up the provincial planning schemes to ensure association and conformity with the planning scheme for development of the Mekong Delta in the 2021-2030 period with vision towards 2050.

b) Cooperate with the Ministry of Planning and Investment, relevant ministries and central authorities in formulating and seeking the Prime Minister’s approval for plans, policies, solutions and allocation of resources for the implementation of the planning scheme; researching and counseling competent state agencies to promulgate a number of specific mechanisms and policies in order to effectively carry out the development objectives and orientations set out in the planning scheme.

c) Coordinate with ministries and central authorities to organize investment promotion and calling activities to ensure inter-provincial coordination in order to improve investment efficiency, propagate, advertise, and get domestic, foreign investors and different economic sectors involved in the implementation of the planning scheme.

d) Review, evaluate, adjust or draw up planning schemes, plans, investment programs and projects in line with the planning scheme for development of the Mekong Delta in the period of 2021 – 2030 with vision towards 2050.

dd) Take charge of supervising and inspecting the implementation of development investment projects according to their assigned functions, and reporting to the Prime Minister.

Article 3. This decision shall enter into force from the signature date.

Article 4. Minister of Planning and Investment, Ministers, Heads of Ministry-level agencies, governmental bodies, Chairpersons of People’s Committees of centrally-affiliated cities and provinces in the Mekong Delta, and other units concerned, shall be responsible for implementing this Decision.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

PP. PRIME MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER




Le Van Thanh

 

APPENDIX

LIST OF PRIORITIZED PROGRAMS AND PROJECTS
(to the Prime Minister’s Decision No. 287/QD-TTg dated February 28, 2022)

No.

Name of programs/projects

Implementation period

2021 - 2030

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

I

Support for the agricultural development

 

 

1

Developing agricultural hub centers

X

 

2

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

X

 

3

Making the transition in the crop structure with the aim of developing a sustainable and efficient rice production industry on adaptation to climate change

X

 

4

Developing sustainable and climate change-adaptive rice-shrimp farming systems

X

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5

Supporting smallholder farmers in transition to organic production, safe production models in combination with eco-tourism

X

 

6

Managing cropping zones for tracing of origins of key fruit products in concentrated production areas associated with developing cooperatives, processing and preservation

X

 

7

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

X

 

8

Supporting the transition to the sustainable brackish water aquaculture

 

 

9

Developing plain forests and forest-based livelihood

X

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

10

Expanding freshwater aquaculture sustainably

X

 

11

Project on development of plain forests and forest-based livelihood

X

 

II

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

1

Support for agro-ecological tourism in the Mekong Delta

X

 

2

Investment in upgradation and development of national tourist areas in the region

X

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

III

Developing technical infrastructure

 

 

A

Traffic systems

 

 

1

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

X

X

2

Constructing inter-subregional routes, dynamic traffic axes

X

X

3

Upgrading and reconstructing waterway routes connected with coastal waterway corridors, Ho Chi Minh City and Cambodia according to the approved national planning scheme

X

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4

Increasing the clearance of roads and railway bridges above inland waterway routes

X

 

5

Upgrading shipping channels and seaports according to the approved national planning scheme

X

X

6

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

X

X

7

Upgrading Phu Quoc, Can Tho, Rach Gia, Ca Mau airports

X

 

B

Irrigation, water resource management, natural disaster response infrastructure

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1

Building the complete irrigation system for development of aquaculture, fruit and rice areas in line with the agro-ecological zoning plan

X

X

2

Reinforcing and protecting areas afflicted with severe river and canal landslides

X

 

3

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

X

 

4

Protecting the coastal areas of Ca Mau, Bac Lieu, Soc Trang, Tra Vinh, Ben Tre, Tien Giang and Kien Giang

X

 

5

Develop the fresh water transfer system for Ca Mau peninsula

X

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6

Develop water management systems for freshwater – brackish water transitional areas

X

 

7

Developing freshwater reservoirs; constructing and upgrading systems for supplying water domestic and industrial uses in areas facing water resource hardship

X

 

C

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

 

Developing the regional-scale inter-provincial system for supplying raw water or clean water; supplying tapwater on islands

X

 

D

Energy and power supply infrastructure

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

Investing in power source and electric grid projects according to the approved national sector planning scheme

X

 

DD

Solid waste management infrastructure

 

 

1

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

X

 

2

Upgrading and expanding the regional hazardous waste treatment plant in Long An province

X

 

IV

Socio-economic infrastructure development

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1

Constructing central general hospital in Can Tho city, regional general hospitals in Kien Giang, Dong Thap and Tien Giang province

X

 

2

Constructing the regional culture, sports and physical activity center in Can Tho city

X

 

3

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

X

 

4

Developing typical indigenous cultural areas (Southern Khmer, Chinese, countryside culture...)

X

 

V

Environmental and biodiversity protection

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1

Establishing and operating inter-provincial biodiversity corridors connected with Ca Mau Cape National Park - Dam Doi bird sanctuary - Thanh Phu - Can Gio biosphere reserve

X

 

2

Protecting and developing special-use forests, protection forests, national nature reserve areas, ecosystems in estuaries and mangroves

X

 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


20.741

DMCA.com Protection Status
IP: 18.219.153.236
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!