ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2361/QĐ-UBND
|
Vĩnh Phúc, ngày
01 tháng 11 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH VĨNH PHÚC ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng
11 năm 2019;
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử
ngày 29/11/2005;
Căn cứ Luật Công nghệ thông
tin ngày 29/6/2006;
Căn cứ Nghị định số
130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật
Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số;
Căn cứ Nghị định số
52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử; Nghị định số
85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của
Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử;
Căn cứ Quyết định số
645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Tổng thể
phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Quyết định số
1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát
triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg
ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc
gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ ý tham gia của các
thành viên UBND tỉnh theo Văn bản số 382/VP-KT4 ngày 07/8/2023 của Văn phòng
UBND tỉnh Vĩnh Phúc;
Theo đề nghị của Sở Công
thương tại Tờ trình số 67/TTr-SCT ngày 11/9/2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt Đề án Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến 2025,
tầm nhìn đến năm 2030, với các nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu của chung.
Xây dựng thị trường TMĐT phát
triển nhanh, lành mạnh, có tính cạnh tranh và bền vững trong nền kinh tế số, là
bệ đỡ, điểm tựa vững chắc cho sản xuất và tiêu dùng; xây dựng thương hiệu sản
phẩm hàng hóa Vĩnh Phúc trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn của quốc
gia và quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế xã hội, tạo
tiền đề vững chắc để tham gia vào thị trường thương mại quốc tế.
Đến năm 2025 đưa tỉnh Vĩnh Phúc
là tỉnh có thị trường thương mại điện tử phát triển, chỉ số thương mại điện tử
duy trì thuộc nhóm 15 tỉnh dẫn đầu của cả nước, đạt trên 30/100 điểm.
Phấn đấu đến năm 2030 đưa tỉnh
Vĩnh Phúc là tỉnh có thị trường thương mại điện tử phát triển, chỉ số thương mại
điện tử thuộc nhóm 10 tỉnh dẫn đầu của cả nước. Các chỉ tiêu đạt được phải cao
hơn mục tiêu chung của cả nước. Đặc biệt, cần thu hẹp khoảng cách về điểm số
phát triển TMĐT với các tỉnh, thành đứng đầu cả nước.
Mở rộng thị trường tiêu thụ cho
sản phẩm hàng hóa chủ lực, sản phẩm ocop trong và ngoài nước thông qua ứng dụng
thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới.
2. Mục tiêu cụ thể.
2.1. Giai đoạn đến năm
2025
2.1.1. Về quy mô thị trường
thương mại điện tử:
- Đạt khoảng 55% người dân trên
địa bàn 2 thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và 30% người dân trên địa bàn các huyện
tham gia mua sắm trực tuyến;
- Doanh số thương mại điện tử
B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm hơn 10% so với
tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh;
2.1.2. Về hạ tầng các dịch vụ
phụ trợ cho thương mại điện tử:
- Thanh toán không dùng tiền mặt
trong thương mại điện tử đạt khoảng 55% trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ
chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm khoảng 80%;
- Chi phí trung bình cho chuyển
phát và hoàn tất đơn hàng chặng cuối chiếm khoảng 10% giá thành sản phẩm trong
thương mại điện tử;
- 70% các giao dịch mua hàng
trên trang web/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử.
2.1.3. Về ứng dụng thương mại
điện tử trong doanh nghiệp:
- 80% trang web thương mại điện
tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến;
- 50% doanh nghiệp tiến hành hoạt
động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có
chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử;
- 40% doanh nghiệp tham gia hoạt
động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động;
- 70% các đơn vị cung cấp dịch
vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người
tiêu dùng;
2.1.4. Về phát triển nguồn
nhân lực cho thương mại điện tử:
- Đạt khoảng từ 50% cơ sở giáo
dục nghề nghiệp trở lên triển khai đào tạo về thương mại điện tử;
- Khoảng 1.700 lượt doanh nghiệp,
hợp tác xã, hộ kinh doanh, cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan quản
lý nhà nước, sinh viên, người dân trên địa bàn tỉnh được tham gia các khóa đào
tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.
2.1.5. Tỷ trọng thương mại
điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%.
2.2. Mục tiêu cụ thể đến
năm 2030
2.2.1. Về quy mô thị trường
thương mại điện tử:
- Đạt khoảng 80% người dân trên
địa bàn 2 thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và 50-60% người dân trên địa bàn các huyện
tham gia mua sắm trực tuyến;
- Doanh số thương mại điện tử
B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm hơn 20% so với
tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh;
2.2.2. Về hạ tầng các dịch vụ
phụ trợ cho thương mại điện tử:
- Thanh toán không dùng tiền mặt
trong thương mại điện tử đạt khoảng 80% trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ
chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm khoảng 80%;
- Chi phí trung bình cho chuyển
phát và hoàn tất đơn hàng chặng cuối chiếm khoảng 10% giá thành sản phẩm trong
thương mại điện tử;
- 100% các giao dịch mua hàng
trên trang web/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử.
2.2.3. Về ứng dụng thương mại
điện tử trong doanh nghiệp:
- 100% trang web thương mại điện
tử có tích hợp chức năng đặt hàng, thanh toán trực tuyến;
- 70% doanh nghiệp tiến hành hoạt
động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có
chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử;
- 70% doanh nghiệp tham gia hoạt
động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động;
- 100% các đơn vị cung cấp dịch
vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người
tiêu dùng;
2.2.4. Về phát triển nguồn
nhân lực cho thương mại điện tử:
- 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp
trở lên triển khai đào tạo về thương mại điện tử;
- Khoảng 3.000 lượt doanh nghiệp,
hợp tác xã, hộ kinh doanh, cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan quản
lý nhà nước, sinh viên, người dân trên địa bàn tỉnh được tham gia các khóa đào
tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.
2.2.5. Tỷ trọng thương mại
điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 20%.
3. Phạm vi của Đề án.
- Phạm vi nội dung: Nghiên cứu
những lý luận cơ bản về thương mại điện tử và thực tiễn phát triển thương mại
điện tử của tỉnh Vĩnh Phúc.
- Phạm vi không gian: Nghiên cứu
trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
- Phạm vi thời gian: Phân tích,
đánh giá thực trạng thương mại điện tử của tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021;
Xây dựng định hướng, mục tiêu và giải pháp phát triển thương mại điện tử tỉnh
Vĩnh Phúc đến năm 2025, một số định hướng đến 2030.
II. Nội dung
Đề án
Nội dung chính của Đề án gồm 4
phần:
- Phần thứ nhất: Phát
triển thương mại điện tử của một địa phương trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp
4.0
- Phần thứ hai: Thực trạng
phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
- Phần thứ ba: Định hướng,
mục tiêu và giải pháp phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
đến 2025, tầm nhìn 2030
- Phần thứ tư: Tổ chức
thực hiện
(Chi
tiết có Đề án kèm theo)
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh
Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh;
Cục trưởng Cục thuế tỉnh; Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh; Giám đốc Ngân
hàng nhà nước chi nhánh Vĩnh Phúc; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ
trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan căn cứ Quyết định thực hiện./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vũ Chí Giang
|