ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
19/2023/QĐ-UBND
|
Hòa Bình, ngày 03
tháng 07 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ LƯỚI ĐIỆN, MUA BÁN ĐIỆN VÀ SỬ DỤNG
ĐIỆN KHU VỰC NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03
tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20
tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số
137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Điện lực;
Căn cứ Thông tư số
16/2014/TT-BCT ngày 29 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về
thực hiện giá bán điện;
Căn cứ Thông tư số
05/2021/TT-BCT ngày 02 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định
chi tiết một số nội dung về an toàn điện;
Căn cứ Quyết định số
44/2006/QĐ-BCN ngày 08 tháng 12 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ
Công Thương) về việc ban hành Quy định kỹ thuật điện nông thôn;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Công Thương tại Tờ trình số 1401/TTr-SCT ngày 16 tháng 6 năm 2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý
lưới điện, mua bán điện và sử dụng điện khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa
Bình.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 7 năm
2023 và thay thế Quyết định số 33/2009/QĐ-UBND ngày
30 tháng 9 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định quản lý lưới điện,
mua bán điện và sử dụng điện khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở,
Thủ trưởng các Ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các
tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Công Thương;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL-Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Ban của HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Chánh, các Phó chánh VPUBND tỉnh;
- Trung tâm Tin học và Công báo tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, KTN (QH..)
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Toàn
|
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ LƯỚI ĐIỆN, MUA BÁN ĐIỆN VÀ SỬ DỤNG ĐIỆN KHU VỰC NÔNG
THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 19/2023/QĐ-UBND ngày 03 tháng 07 năm 2023
của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình)
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định về quản lý lưới điện,
mua bán điện và sử dụng điện khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
2. Đối tượng áp dụng
Các tổ chức, cá nhân tham gia
hoạt động kinh doanh, mua bán, sử dụng điện khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Điều 2.
Nguồn vốn và cơ chế đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện
1. Lưới điện hạ áp nông thôn
trên địa bàn tỉnh được đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau: Vốn ngân sách nhà
nước, vốn ngành điện, vốn vay của các tổ chức nước ngoài... Đồng thời khuyến
khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước
có đủ năng lực tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo lưới điện hạ áp nông
thôn theo quy định của Luật Điện lực và các quy định của pháp luật có liên
quan.
2. Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp
cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn tỉnh phải đáp ứng nhu cầu sử dụng
điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của khách hàng sử dụng điện và
phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn. Các đơn vị
được giao làm chủ đầu tư phải tuân thủ quy trình, quy chuẩn xây dựng, đảm bảo mỹ
quan, an toàn, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ và các tiêu chuẩn kỹ thuật
được quy định tại Quyết định số 44/2006/QĐ-BCN ngày 08 tháng 12 năm 2006 của Bộ
trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định kỹ thuật điện nông thôn; Chịu
trách nhiệm trong công tác khảo sát, thiết kế và chất lượng thi công xây dựng
công trình.
Điều 3.
Điều kiện đưa lưới điện vào sử dụng
1. Lưới điện hạ áp nông thôn được
đưa vào sử dụng khi chủ đầu tư xây dựng công trình đã hoàn thành công tác nghiệm
thu và đã bàn giao đầy đủ các hồ sơ, tài liệu liên quan đến xây dựng công trình
cho đơn vị quản lý điện nông thôn.
2. Đơn vị quản lý điện nông
thôn tiếp nhận việc quản lý, vận hành lưới điện nông thôn phải hoàn thành công
tác tổ chức nhân sự; có dụng cụ làm việc, trang thiết bị bảo hộ lao động, an
toàn vệ sinh lao động phục vụ công tác quản lý vận hành sửa chữa lưới điện; được
phép hoạt động khi có đăng ký kinh doanh trong đó có ngành nghề phân phối và
bán lẻ điện theo các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số
16/2014/TT-BCT ngày 29 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về
thực hiện giá bán điện.
Điều 4.
Trách nhiệm của đơn vị quản lý điện nông thôn
1. Quản lý, vận hành, kinh
doanh điện theo lĩnh vực và phạm vi của Giấy phép hoạt động điện lực được cấp;
Đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, ổn định.
2. Ký hợp đồng mua bán điện với
ngành điện hoặc tổ chức bán điện khác và thực hiện ký hợp đồng mua bán điện với
khách hàng sử dụng điện.
3. Thu tiền điện của các khách
hàng sử dụng điện và thanh toán với đơn vị bán điện theo hợp đồng mua bán điện
đã ký; Áp dụng giá bán điện cho đúng đối tượng và mục đích sử dụng điện theo
quy định.
4. Thống kê, hạch toán đầy đủ
các khoản chi phí vào hoạt động kinh doanh, mua bán điện theo quy định; Thực hiện
kê khai, nộp đầy đủ tiền thuế giá trị gia tăng với cơ quan thuế.
5. Trang cấp các dụng cụ, trang
thiết bị an toàn và phương tiện bảo vệ cá nhân cho người vận hành, sửa chữa điện
tại đơn vị; Lập sổ hoặc phần mềm theo dõi việc cấp phát, kiểm tra dụng cụ,
trang thiết bị an toàn và phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định. Thực hiện
kiểm định các phương tiện đo điện, điện trở và lập sổ hoặc phần mềm theo dõi thời
gian kiểm định theo quy định.
6. Thực hiện nghiêm các quy định
về ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện; Mở sổ theo dõi và ghi chép sự cố, sửa chữa
mất điện của khách hàng.
7. Có kế hoạch và tổ chức thực
hiện việc đầu tư, nâng cấp cải tạo lưới điện trong phạm vi quản lý đáp ứng nhu
cầu của khách hàng sử dụng điện.
8. Bảo vệ tài sản lưới điện, chống
trộm cắp điện.
9. Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan chức năng có liên quan tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn khách hàng sử dụng
điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.
10. Theo dõi, tổng hợp danh
sách người vận hành, sửa chữa điện của đơn vị đề nghị Sở Công Thương huấn luyện,
sát hạch, xếp bậc, cấp thẻ an toàn điện theo quy định.
11. Tổng hợp tình hình cấp điện,
hiện trạng lưới điện, kết quả đầu tư xây dựng lưới điện, nhu cầu đầu tư phát
triển lưới điện và tình hình kinh doanh mua bán điện báo cáo Ủy ban nhân dân
các huyện, thành phố và Sở Công Thương định kỳ trước ngày 15 tháng 6 và 15
tháng 12 hàng năm và theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
12. Báo cáo kịp thời, đầy đủ
các trường hợp vi phạm trong cung ứng, sử dụng điện cho cơ quan nhà nước có thẩm
quyền.
Điều 5.
Trách nhiệm của khách hàng sử dụng điện
1. Ký hợp đồng mua bán điện với
đơn vị quản lý điện nông thôn có đủ điều kiện quản lý, vận hành, kinh doanh điện.
2. Thanh toán tiền điện đầy đủ,
đúng thời hạn; thực hiện đúng nghĩa vụ và các thỏa thuận khác theo hợp đồng mua
bán điện đã ký.
3. Sử dụng điện an toàn, tiết
kiệm, hiệu quả và thực hiện các quy định về quản lý nhu cầu sử dụng điện.
4. Chấp hành nghiêm chỉnh quy
chế sử dụng điện đã được ban hành tại địa phương và các văn bản pháp luật khác
có liên quan.
5. Bảo vệ tài sản lưới điện;
Thông báo kịp thời khi phát hiện các trường hợp vi phạm sử dụng điện cho cấp có
thẩm quyền.
6. Bồi thường thiệt hại (nếu
có) cho đơn vị quản lý điện nông thôn khi cố tình làm hư hỏng trang thiết bị điện
hoặc trộm cắp điện theo quy định của pháp luật.
Điều 6.
Trách nhiệm quản lý nhà nước về điện nông thôn
1. Sở Công Thương
- Hướng dẫn, đôn đốc và kiểm
tra việc thực hiện Quy định này.
- Cấp giấy phép hoạt động điện
lực theo ủy quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định.
- Huấn luyện, sát hạch, xếp bậc
và cấp thẻ an toàn điện cho người vận hành, sửa chữa điện ở nông thôn trên địa
bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan chức năng có liên quan thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động
của đơn vị quản lý điện nông thôn trên địa bàn tỉnh; xử lý theo thẩm quyền hoặc
trình cấp có thẩm quyền xử lý đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực điện lực
theo quy định của pháp luật. Trường hợp các đơn vị quản lý điện nông thôn không
đáp ứng đủ điều kiện tại khoản 2 Điều 3 Quy định này hoặc hoạt động không hiệu
quả, Sở Công Thương báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định để bàn
giao lưới điện thuộc phạm vi quản lý của đơn vị này cho Công ty điện lực Hòa
Bình để bán điện trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn
vị liên quan tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho nhân dân trong sử dụng
điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ các công trình lưới điện.
- Xây dựng báo cáo định kỳ và đột
xuất theo yêu cầu về công tác quản lý điện nông thôn gửi cơ quan nhà nước có thẩm
quyền.
2. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
- Tuyên truyền, hướng dẫn các tổ
chức, cá nhân quản lý, sử dụng điện trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các nội
dung của Quy định này và các văn bản có liên quan.
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc
và nắm bắt tình hình hoạt động, kinh doanh của các đơn vị quản lý điện nông
thôn trên địa bàn; Thực hiện chế độ báo cáo cấp có thẩm quyền khi có yêu cầu.
- Phối hợp với các cơ quan chuyên
môn trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của đơn vị quản lý
điện nông thôn trên địa bàn; xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền
xử lý đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực điện lực trên địa bàn theo quy định
của pháp luật.
3. Công ty Điện lực Hòa Bình
Căn cứ nhu cầu mua điện hoặc đề
xuất của các đơn vị quản lý điện nông thôn rà soát, xây dựng kế hoạch và báo
cáo đề xuất Tổng công ty Điện lực miền Bắc bố trí vốn đầu tư xây dựng mới đường
dây trung áp và trạm biến áp, nâng công suất các trạm biến áp quá tải định kỳ
hàng năm.
Điều 7. Tổ
chức thực hiện
1. Sở Công Thương chủ trì, phối
hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, thực hiện Quy định
này.
2. Trường hợp các văn bản viện
dẫn trong Quy định này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo quy định
của văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đã có hiệu lực thi hành.
3. Trong quá trình tổ chức thực
hiện các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ánh vướng mắc, đề xuất sửa đổi,
bổ sung về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét điều
chỉnh cho phù hợp./.