Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 39/2009/NĐ-CP vật liệu nổ công nghiệp

Số hiệu: 39/2009/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 23/04/2009 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 39/2009/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 4 năm 2009

NGHỊ ĐỊNH

VỀ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Hóa chất ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

NGHỊ ĐỊNH

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, an toàn trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động vật liệu nổ công nghiệp và quản lý nhà nước về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp.

Nghị định này không áp dụng đối với các hoạt động vật liệu nổ công nghiệp phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng và trong các trường hợp khẩn cấp theo quy định pháp luật.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động vật liệu nổ công nghiệp tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Thuốc nổ" là hoá chất hoặc hỗn hợp hoá chất được sản xuất, sử dụng nhằm tạo ra phản ứng nổ dưới tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hoá hoặc điện.

2. "Phụ kiện nổ" là các loại kíp nổ, dây nổ, dây cháy chậm, mồi nổ, các vật phẩm chứa thuốc nổ có tác dụng tạo kích thích ban đầu làm nổ khối thuốc nổ hoặc các loại thiết bị chuyên dùng có chứa thuốc nổ.

3. "Tiền chất thuốc nổ" là nguyên liệu trực tiếp để sản xuất thuốc nổ, bao gồm các chất amoni nitrat (NH4NO3), nitrometan (CH3NO2), Natri nitrat (NaNO3), Kalinitrat (KNO3), Natri clorat (NaClO3), Kali clorat (KClO3), Kali perclorat (KClO4).

4. "Vật liệu nổ công nghiệp" là thuốc nổ và các phụ kiện nổ sử dụng cho mục đích dân dụng.

5. "Vật liệu nổ công nghiệp mới" là các loại vật liệu nổ công nghiệp lần đầu sản xuất nhập khẩu vào Việt Nam và chưa được đưa vào Danh mục vật liệu nổ công nghiệp Việt Nam. Vật liệu nổ công nghiệp đã có trong Danh mục vật liệu nổ công nghiệp nhưng có sự thay đổi bất kỳ về thành phần được coi là vật liệu nổ công nghiệp mới.

6. "Danh mục vật liệu nổ công nghiệp Việt Nam" là bản liệt kê các loại vật liệu nổ công nghiệp được phép lưu thông, sử dụng ở Việt Nam. Nội dung bản danh mục bao gồm các thông tin về phân loại, quy cách bao gói, chỉ tiêu chất lượng và nguồn gốc vật liệu nổ công nghiệp.

7. "Sản xuất vật liệu nổ công nghiệp" là quá trình tạo ra thuốc nổ, phụ kiện nổ, bao gồm cả việc chế tạo thuốc nổ ngay tại địa điểm sử dụng, quá trình tái chế, đóng gói dán nhãn sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp nhưng không bao gồm việc chia nhỏ, bao gói nhằm tạo ra các lượng nổ theo nhu cầu tại nơi nổ mìn.

8. "Bảo quản vật liệu nổ công nghiệp" là hoạt động cất giữ vật liệu nổ công nghiệp trong kho, trong quá trình vận chuyển đến nơi sử dụng hoặc tại nơi sử dụng.

9. "Vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp" là hoạt động vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp từ địa điểm này đến địa điểm khác.

Vận chuyển nội bộ là vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp bên trong ranh giới mỏ, công trường hoặc cơ sở sản xuất, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp trên các đường không giao cắt với đường thuỷ, đường bộ công cộng.

10. "Sử dụng vật liệu nổ công nghiệp" là quá trình làm nổ vật liệu nổ công nghiệp theo quy trình công nghệ đã được xác định.

11. "Tiêu huỷ vật liệu nổ công nghiệp" là quá trình phá bỏ hoặc làm mất khả năng tạo ra phản ứng nổ của vật liệu nổ công nghiệp theo quy trình công nghệ đã được xác định.

12. "Kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp" là việc thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, vận chuyển quá cảnh vật liệu nổ công nghiệp.

13. "Nghiên cứu, phát triển công nghệ vật liệu nổ công nghiệp" là toàn bộ quá trình tạo ra sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp mới hoặc chỉ một trong những bước của quá trình để xác định thành phần, hoàn thiện quy trình công nghệ, dây chuyền thiết bị sản xuất, xác định khả năng ứng dụng của sản phẩm.

14. "Dịch vụ nổ mìn" là việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để thực hiện hợp đồng nổ mìn giữa tổ chức được phép làm dịch vụ nổ mìn với tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

15. "Thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp" là thao tác kỹ thuật tại phòng thử nghiệm hoặc hiện trường, địa điểm quy định để xác định đặc tính kỹ thuật và mức độ rủi ro trong điều kiện sử dụng thực tế của vật liệu nổ công nghiệp.

16. "Hoạt động vật liệu nổ công nghiệp" là việc thực hiện một trong số hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, tiêu hủy, giám sát ảnh hưởng nổ mìn.

17. "Khoảng cách an toàn" là khoảng cách cần thiết nhỏ nhất, theo mọi hướng tính từ vị trí nổ mìn hoặc từ nhà xưởng, kho, phương tiện chứa vật liệu nổ công nghiệp đến các đối tượng cần bảo vệ (người, nhà ở, công trình hoặc kho, đường giao thông công cộng, phương tiện chứa vật liệu nổ công nghiệp khác...), sao cho các đối tượng đó không bị ảnh hưởng quá mức cho phép về chấn động, sóng không khí, đá văng theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành khi nổ mìn hoặc khi có sự cố cháy, nổ phương tiện, kho chứa vật liệu nổ công nghiệp.

18. "Chỉ huy nổ mìn" là người đủ điều kiện về trình độ và kinh nghiệm, chịu trách nhiệm hướng dẫn, điều hành, giám sát toàn bộ hoạt động liên quan đến sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại khu vực nổ mìn.

19. "Giám sát ảnh hưởng nổ mìn" là việc sử dụng các phương tiện, thiết bị để đo, phân tích và đánh giá mức độ chấn động, mức độ tác động sóng không khí do nổ mìn gây ra.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý hoạt động vật liệu nổ công nghiệp

1. Nhà nước độc quyền về sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp. Số lượng, phạm vi, quy mô các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở phù hợp quy hoạch phát triển vật liệu nổ công nghiệp và điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của từng thời kỳ, chống lạm dụng vị trí độc quyền, bảo đảm lợi ích quốc gia, quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp.

2. Xây dựng, phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp tiên tiến, hoàn chỉnh từ sản xuất nguyên liệu đến sản phẩm, đáp ứng nhu cầu nền kinh tế quốc dân và xuất khẩu. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, khai thác tối đa năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng và các ngành công nghiệp hóa chất trong phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp.

3. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động vật liệu nổ công nghiệp chỉ được hoạt động khi đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép, phải tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn về vật liệu nổ công nghiệp, phòng cháy, chữa cháy và các quy định liên quan bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, an toàn cho con người, tài sản và môi trường thiên nhiên.

Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp

1. Nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không có giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện theo quy định của Nghị định này.

2. Lưu thông, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không an toàn và không thuộc Danh mục vật liệu nổ công nghiệp Việt Nam theo quy định của Nghị định này.

3. Chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn, thế chấp, biếu tặng, cất giấu hoặc sở hữu trái phép vật liệu nổ công nghiệp.

4. Sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để săn bắt, khai thác trái phép động, thực vật, xâm hại sức khoẻ con người, huỷ hoại môi trường sinh thái, gây nguy hại đến an ninh, an toàn, trật tự xã hội.

5. Sử dụng người chưa đủ tuổi thành niên, người không có chứng nhận nhân thân hợp lệ, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xóa án tích tham gia các hoạt động vật liệu nổ công nghiệp.

6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cản trở bất hợp pháp, gây phiền hà, sách nhiễu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân hoặc bao che hành vi vi phạm pháp luật về vật liệu nổ công nghiệp.

7. Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin sai lệch về vật liệu nổ công nghiệp. Không báo cáo kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin báo cáo về mất cắp, thất thoát, tai nạn, sự cố vật liệu nổ công nghiệp.

8. Những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

Chương II

HOẠT ĐỘNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Mục 1. YÊU CẦU CHUNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Điều 6. Hệ thống tổ chức quản lý kỹ thuật an toàn

Tổ chức, cá nhân hoạt động vật liệu nổ công nghiệp phải thiết lập hệ thống tổ chức quản lý kỹ thuật an toàn do lãnh đạo trực tiếp điều hành, chỉ đạo và phân công người đủ trình độ, kinh nghiệm chịu trách nhiệm thực hiện công tác kỹ thuật an toàn tại mỗi bộ phận, vị trí có nguy cơ cao về sự cố, tai nạn cháy, nổ.

Điều 7. Yêu cầu về công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy

Tổ chức, cá nhân hoạt động vật liệu nổ công nghiệp phải có phương án bảo vệ an ninh, trật tự và phương án, biện pháp phòng cháy, chữa cháy cho cơ sở sản xuất hệ thống kho tàng, nơi bốc dỡ, phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp đang hoạt động, định kỳ tổ chức diễn tập theo quy định. Các kho chứa vật liệu nổ công nghiệp phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố khẩn cấp.

Điều 8. Hồ sơ, tài liệu hoạt động vật liệu nổ công nghiệp

Tổ chức, cá nhân hoạt động vật liệu nổ công nghiệp phải bảo quản, lưu trữ sổ sách, chứng từ đối với từng loại vật liệu nổ công nghiệp sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng, vận chuyển, bảo quản, tồn kho, tiêu huỷ trong thời hạn 10 (mười) năm, kể từ ngày thực hiện sản xuất mua bán, xuất khẩu nhập khẩu sử dụng, vận chuyển, bảo quản, tồn kho, tiêu huỷ.

Điều 9. Yêu cầu về công tác huấn luyện

Tổ chức, cá nhân hoạt động vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa ứng phó sự cố khẩn cấp trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp và đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Mục 8 Nghị định này.

Điều 10. Đăng ký địa điểm bốc dỡ vật liệu nổ công nghiệp

Tổ chức, cá nhân hoạt động vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện việc đăng ký và được sự cho phép của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với các địa điểm bốc dỡ vật liệu nổ công nghiệp.

Điều 11. Yêu cầu đối với tiêu huỷ vật liệu nổ công nghiệp

Vật liệu nổ công nghiệp quá hạn, đã mất phẩm chất và không có khả năng tái chế sử dụng phải được tiêu huỷ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành về vật liệu nổ công nghiệp. Việc tiêu huỷ vật liệu nổ công nghiệp phải do các tổ chức có Giấy phép sản xuất, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thực hiện.

Mục 2. ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Điều 12. Yêu cầu đối với sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp

Các loại vật liệu nổ công nghiệp trước khi đưa vào lưu thông, sử dụng phải được thử nghiệm, đánh giá, phân loại bảo đảm thoả mãn các yêu cầu an toàn, chất lượng, bao gói, ghi nhãn theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp.

Điều 13. Phân loại vật liệu nổ công nghiệp

1. Vật liệu nổ công nghiệp được phân loại dựa trên mức độ nguy hiểm và độ ổn định đối với các tác động môi trường bên ngoài khi bảo quản, vận chuyển, sử dụng. Việc phân loại phải căn cứ vào các thử nghiệm, đánh giá quy định tại Điều 14 Nghị định này.

2. Tiêu chuẩn, quy chuẩn làm căn cứ để phân loại, đánh giá vật liệu nổ công nghiệp phải tuân thủ quy định của hệ thống hài hoà toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (Globally Harmonized System of Classification and Labelling of Chemicals) và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

3. Tiêu chuẩn phân loại, đánh giá vật liệu nổ công nghiệp là tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng.

Điều 14. Thử nghiệm, đánh giá vật liệu nổ công nghiệp

1. Việc thử nghiệm, đánh giá vật liệu nổ công nghiệp được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Vật liệu nổ công nghiệp mới sản xuất ở Việt Nam;

b) Vật liệu nổ công nghiệp mới nhập khẩu vào Việt Nam nhưng không có kết quả thử nghiệm, đánh giá được thừa nhận theo quy định pháp luật.

c) Phục vụ kiểm tra nhà nước theo quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa.

2. Tổ chức sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm thực hiện việc thử nghiệm, đánh giá, phân loại vật liệu nổ công nghiệp mới trước khi trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định đưa vào Danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép lưu thông, sử dụng ở Việt Nam.

3. Việc thử nghiệm, đánh giá vật liệu nổ công nghiệp do các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định thực hiện. Việc công nhận kết quả thử nghiệm, đánh giá vật liệu nổ công nghiệp của các tổ chức thử nghiệm nước ngoài do Bộ Công Thương quy định.

4. Nội dung thử nghiệm, đánh giá vật liệu nổ công nghiệp mới thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Vật liệu nổ công nghiệp mới sử dụng trong môi trường nguy hiểm về khí, bụi nổ; môi trường có nhiệt độ cao phải được thử nghiệm trong điều kiện thực tế ngoài các thử nghiệm đã hoàn thành trong phòng thử nghiệm được chỉ định.

5. Nội dung thử nghiệm, đánh giá vật liệu nổ công nghiệp phục vụ kiểm tra nhà nước thực hiện theo yêu cầu của cơ quan có trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra nhà nước về chất lượng vật liệu nổ công nghiệp.

6. Bộ Công Thương quy định cụ thể về Danh mục vật liệu nổ công nghiệp, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thử nghiệm, đánh giá, phân loại và trình tự, thủ tục công nhận, thẩm định đưa vật liệu nổ công nghiệp mới vào Danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép lưu thông, sử dụng ở Việt Nam.

Mục 3. NGHIÊN CỨU, SẢN XUẤT VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Điều 15. Nghiên cứu, phát triển công nghệ vật liệu nổ công nghiệp

1. Việc nghiên cứu, phát triển công nghệ vật liệu nổ công nghiệp do các tổ chức khoa học, công nghệ hoặc các doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp có đủ điều kiện về chuyên môn, cơ sở vật chất thực hiện.

2. Tổ chức nghiên cứu, phát triển công nghệ vật liệu nổ công nghiệp phải lập dự án nghiên cứu đề nghị cơ quan có thẩm quyền xét duyệt theo quy định.

3. Tổ chức nghiên cứu, phát triển công nghệ vật liệu nổ công nghiệp chỉ được triển khai dự án theo đúng quy mô, nội dung đã phê duyệt.

4. Việc triển khai sản xuất hoặc chuyên giao công nghệ sản xuất quy mô công nghiệp chỉ được thực hiện tại các cơ sở sản xuất vật liệu nổ công nghiệp đủ điều kiện theo quy định.

Điều 16. Quản lý tiền chất thuốc nổ

1. Việc sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển, mua bán tiền chất thuốc nổ phải đảm bảo các yêu cầu an ninh theo quy định quản lý vật liệu nổ công nghiệp, và đảm bảo các yêu cầu an toàn theo quy định pháp luật về hoá chất nguy hiểm.

2. Tổ chức sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán tiền chất thuốc nổ chỉ được thực hiện sau khi có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp.

3. Miễn trừ việc cấp phép sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán tiền chất thuốc nổ phục vụ cho mục đích giảng dạy, nghiên cứu, thử nghiệm với khối lượng nhỏ hơn 05 (năm) kg/năm.

4. Các hỗn hợp chất có hàm lượng tiền chất thuốc nổ lớn hơn 45% phải được quản lý về an ninh, an toàn theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 17. Điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp

1. Tổ chức sản xuất vật liệu nổ công nghiệp phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ Công Thương và Bộ Quốc phòng.

2. Địa điểm cơ sở, nhà xưởng sản xuất và kho chứa vật liệu nổ công nghiệp phải đảm bảo các điều kiện về an ninh, trật tự, đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các công trình, đối tượng cần bảo vệ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành và quy định liên quan.

3. Chủng loại sản phẩm, quy mô sản xuất phải phù hợp với quy hoạch phát triển vật liệu nổ công nghiệp quốc gia. Sản phẩm đã được nghiên cứu, thử nghiệm đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về chất lượng và kỹ thuật an toàn.

4. Nhà xưởng, kho chứa, công nghệ, thiết bị, phương tiện dụng cụ phục vụ sản xuất phải được thiết kế, xây dựng phù hợp với quy mô và đặc điểm nguyên liệu, sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp sản xuất thoả mãn các yêu cầu về phòng cháy, phòng nổ, chống sét, kiểm soát tĩnh điện, an toàn cho người lao động và bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn về vật liệu nổ công nghiệp và các quy định liên quan.

5. Có đủ phương tiện, thiết bị đo lường hợp chuẩn phù hợp để kiểm tra, giám sát các thông số công nghệ và phục vụ công tác kiểm tra chất lượng nguyên liệu, thành phẩm trong quá trình sản xuất; có nơi thử nổ vật liệu nổ công nghiệp riêng biệt, an toàn theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

6. Lãnh đạo quản lý, công nhân, người phục vụ liên quan đến sản xuất vật liệu nổ công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về an ninh, trật tự; có trình độ chuyên môn tương xứng với vị trí, chức trách đảm nhiệm, được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy, ứng phó sự cố trong các hoạt động liên quan đến sản xuất vật liệu nổ công nghiệp.

Điều 18. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức sản xuất vật liệu nổ công nghiệp

Ngoài các quyền và nghĩa vụ khác do luật pháp quy định, tổ chức sản xuất vật liệu nổ công nghiệp có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Nhập khẩu hoặc uỷ thác nhập khẩu, mua tiền chất thuốc nổ từ các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp hoặc các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có Giấy phép sản xuất, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ; đảm bảo mức dự trữ nguyên liệu sản xuất, tiền chất theo kế hoạch đã cam kết với tổ chức kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

2. Chỉ được sản xuất, bán sản phẩm đúng chủng loại, công suất thiết kế cho các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp. Thực hiện việc mua tiền chất thuốc nổ, bán vật liệu nổ công nghiệp thông qua hợp đồng được lập thành văn bản.

3. Thực hiện công bố phù hợp quy chuẩn đối với sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo chất lượng sản phẩm theo quy chuẩn công bố; thực hiện việc đóng gói, ghi nhãn sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp theo quy định hiện hành về ghi nhãn hàng hoá và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bao gói, ghi nhãn sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp.

Mục 4. KINH DOANH VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Điều 19. Điều kiện kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp

1. Tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ Công Thương và Bộ Quốc phòng.

2. Địa điểm kho chứa, bến cảng, nơi tiếp nhận bốc dỡ vật liệu nổ công nghiệp phải đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các công trình, đối tượng cần bảo vệ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành và quy định liên quan.

3. Hệ thống phân phối và đảm bảo chất lượng cho khách hàng có cơ sở vật chất kỹ thuật phù hợp với nhiệm vụ, quy mô kinh doanh; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và cung cấp dịch vụ nổ mìn của thị trường.

4. Kho chứa, thiết bị bốc dỡ, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh phải được thiết kế, xây dựng phù hợp với quy mô và đặc điểm hoạt động kinh doanh, thoả mãn các yêu cầu quy định tại Mục 6 Nghị định này; trường hợp không có kho, phương tiện vận chuyển, phải có hợp đồng thuê bằng văn bản với các tổ chức được phép bảo quản, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp.

5. Lãnh đạo quản lý, công nhân, người phục vụ liên quan đến kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về an ninh, trật tự; có trình độ chuyên môn tương xứng với vị trí, chức trách đảm nhiệm, được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy, ứng phó sự cố trong các hoạt động liên quan đến kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.

Điều 20. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp

Ngoài các quyền và nghĩa vụ khác do luật pháp quy định, tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Lập kế hoạch về sản lượng, chủng loại tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp cần dự trữ và sản lượng, chủng loại tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp cung ứng, xuất khẩu, nhập khẩu hàng năm theo nhu cầu đã cam kết với với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, tổ chức có giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; thực hiện dự trữ quốc gia theo quy định.

2. Thực hiện nhiệm vụ kinh doanh tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp theo đúng quy định tại Giấy phép kinh doanh, Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp. Kinh doanh tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp thông qua hợp đồng được lập thành văn bản.

3. Chỉ được bán các loại vật liệu nổ công nghiệp đã có trong Danh mục vật liệu nổ công nghiệp Việt Nam cho tổ chức có Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Phải mua lại vật liệu nổ công nghiệp thừa, chưa sử dụng của các tổ chức sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hợp pháp có nhu cầu bán.

4. Thực hiện công bố phù hợp quy chuẩn đối với tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp nhập khẩu và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo chất lượng sản phẩm, bao gói, ghi nhãn theo quy chuẩn công bố khi đưa vào lưu thông, sử dụng.

Mục 5. SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Điều 21. Điều kiện sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

1. Là tổ chức được thành lập theo quy định pháp luật, có đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hoạt động những ngành nghề, lĩnh vực cần sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

2. Có hoạt động khoáng sản, dầu khí hoặc công trình xây dựng, công trình nghiên cứu, thử nghiệm cần sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Địa điểm sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải đảm bảo các điều kiện về an mình trật tự, đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các công trình, đối tượng cần bảo vệ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và quy định liên quan.

3. Có kho chứa, công nghệ, thiết bị, phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thoả mãn các yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và các quy định tại Mục 6 Nghị định này; trường hợp không có kho, phương tiện vận chuyển, phải có hợp đồng thuê bằng văn bản với các tổ chức được phép bảo quản, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp.

4. Lãnh đạo quản lý, chỉ huy nổ mìn, thợ mìn, người phục vụ liên quan đến sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về an ninh, trật tự; có trình độ chuyên môn tương xứng với vị trí, chức trách đảm nhiệm, được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy, ứng phó sự cố trong các hoạt động liên quan đến sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

Điều 22. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

Ngoài các quyền và nghĩa vụ khác do luật pháp quy định, tổ chức sử dụng vật liệu nổ công nghiệp có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Chỉ được mua vật liệu nổ công nghiệp đã có trong Danh mục vật liệu nổ công nghiệp Việt Nam từ các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp hợp pháp. Vật liệu nổ công nghiệp thừa, sử dụng không hết phải bán lại cho tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp hợp pháp.

2. Thực hiện việc bổ nhiệm chỉ huy nổ mìn và thực hiện đầy đủ các quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về kỹ thuật an toàn trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp khi tiến hành nổ mìn.

3. Lập thiết kế, phương án nổ mìn phù hợp với quy mô sản xuất, điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội nơi nổ mìn; quy định cụ thể trong thiết kế, phương án nổ mìn các biện pháp an toàn, bảo vệ canh gác chống xâm nhập trái phép khu vực nổ mìn; thủ tục cảnh báo, khởi nổ; thủ tục bảo quản và thủ tục giám sát việc tiêu thụ, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp tại nơi nổ mìn và các nội dung khác theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.

4. Thiết kế hoặc phương án nổ mìn phải được cơ quan cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phê duyệt và được sự cho phép của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý khi nổ mìn trong các khu vực dân cư, cơ sở khám chữa bệnh, khu vực có các di tích lịch sử, văn hoá, bảo tồn thiên nhiên, các công trình an ninh, quốc phòng hoặc các công trình quan trọng khác của quốc gia, khu vực bảo vệ khác theo quy định pháp luật. Thực hiện việc giám sát các ảnh hưởng nổ mìn đối với công trình, đối tượng cần bảo vệ nằm trong phạm vi ảnh hưởng của nổ mìn.

Mục 6. BẢO QUẢN, VẬN CHUYỂN VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Điều 23. Bảo quản vật liệu nổ công nghiệp

1. Chỉ các tổ chức có giấy phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và dịch vụ nổ mìn được đầu tư xây dựng kho chứa vật liệu nổ công nghiệp. Việc đầu tư, xây dựng, mở rộng, cải tạo kho chứa vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện đúng quy định pháp luật về đầu tư xây dựng công trình quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và quy định pháp luật liên quan.

2. Vật liệu nổ công nghiệp phải được bảo quản tại các kho chứa, địa điểm thỏa mãn các yêu cầu về an ninh, đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các công trình, đối tượng cần bảo vệ; đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về cấu trúc, vật liệu xây dựng và thỏa mãn các yêu cầu về phòng cháy, phòng nổ, chống sét, kiểm soát tĩnh điện, an toàn cho người lao động và bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và các quy định liên quan.

3. Lãnh đạo quản lý, thủ kho, người bảo vệ canh gác, người phục vụ liên quan đến bảo quản vật liệu nổ công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về an ninh, trật tự; có trình độ chuyên môn tương xứng với vị trí, chức trách đảm nhiệm, được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy, ứng phó sự cố trong các hoạt động liên quan đến bảo quản vật liệu nổ công nghiệp.

4. Trong quá trình hoạt động, ngoài các quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định tổ chức, cá nhân quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện các quy định sau đây:

a) Trang bị các thiết bị, phương tiện phục vụ việc bảo vệ canh gác, phòng cháy, phòng nổ, thông tin liên lạc, bốc dỡ và cấp phát vật liệu nổ công nghiệp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành và quy định pháp luật liên quan. Không được sử dụng kho chứa vật liệu nổ công nghiệp cho các mục đích khác trong thời hạn hiệu lực quy định của giấy phép hoạt động vật liệu nổ công nghiệp;

b) Xây dựng phương án chữa cháy, phương án bảo vệ an ninh trật tự, biện pháp xử lý và phối hợp với chính quyền địa phương trong các trường hợp có cháy, người xâm nhập trái phép và các trường hợp khẩn cấp khác. Đăng ký danh sách người quản lý, thủ kho, người phục vụ với cơ quan công an địa phương;

c) Căn cứ tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, xây dựng quy trình thủ tục về canh gác bảo vệ, kiểm tra, kiểm soát người ra vào, người làm việc trong kho, thủ tục xử lý, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp mất phẩm chất. Việc xuất nhập, cấp phát vật liệu nổ công nghiệp phải đúng quy trình, đối tượng đã được lãnh đạo đơn vị phê duyệt.

Điều 24. Vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp

1. Điều kiện hoạt động vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp

a) Là tổ chức kinh tế thành lập theo quy định pháp luật, có đăng ký kinh doanh ngành nghề vận chuyển hoặc tổ chức có Giấy phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

b) Có phương tiện vận chuyển đủ điều kiện hoạt động, tham gia giao thông theo quy định pháp luật về giao thông và đủ điều kiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về vật liệu nổ công nghiệp, phòng cháy, chữa cháy và quy định liên quan;

c) Lãnh đạo quản lý, người điều khiển phương tiện, người áp tải, người phục vụ liên quan đến vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về an ninh, trật tự; có trình độ chuyên môn tương xứng với vị trí, chức trách đảm nhiệm, được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy, ứng phó sự cố trong các hoạt động liên quan đến vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;

d) Trừ các trường hợp vận chuyển nội bộ, việc vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp trên đường giao thông công cộng phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm tra, cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép vận chuyển quy định tại Chương III, Nghị định này.

2. Trong quá trình hoạt động, ngoài các quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định tổ chức, cá nhân vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp có các quyền và nghĩa vụ sau:

a) Thực hiện việc vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp đúng quy định trong giấy phép vận chuyển. Phải kiểm tra tình trạng hàng hoá, phương tiện vận chuyển trước khi xuất phát hoặc sau mỗi lần dừng đỗ, khắc phục ngay các hư hỏng nếu có;

b) Chỉ được tiến hành vận chuyển khi trên phương tiện vận chuyển có đầy đủ biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm và các yêu cầu về sắp xếp, bao bì, nhãn mác hàng hoá vận chuyển thoả mãn quy định pháp luật về vận chuyển hàng nguy hiểm, quy định, quy chuẩn liên quan về vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;

c) Xây dựng biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố khẩn cấp, phương án bảo vệ an ninh trật tự và biện pháp chữa cháy, biện pháp xử lý, liên hệ và phối hợp với chính quyền địa phương trong các trường hợp khẩn cấp khi phương tiện gặp sự cố trên đường vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;

d) Phải có đủ người áp tải được trang bị công cụ hỗ trợ khi vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp. Người áp tải cùng với người điều khiển phương tiện chịu trách nhiệm bảo quản và bảo vệ hàng hoá trong suốt quá trình vận chuyển;

đ) Trừ các trường hợp khẩn cấp theo quy định tại điểm e, khoản này, cấm vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp xuyên qua trung tâm các khu vực đô thị, đông dân cư vào các giờ cao điểm; không dừng đỗ phương tiện vận chuyển tại các địa điểm đông dân cư, gần các trạm xăng dầu; không bốc, dỡ, chuyển hàng hoặc thay đổi điểm dừng, đỗ, tuyến đường quy định trong giấy phép vận chuyển;

e) Trong các trường hợp phương tiện vận chuyển bị sự cố, tai nạn, cháy nổ hoặc bị cản trở giao thông, người áp tải và người điều khiển phương tiện phải thực hiện ngay lập tức việc khoanh vùng an toàn, thiết lập cảnh báo ngăn chặn sự tụ tập, xâm nhập trái phép và loại trừ các khả năng xuất hiện nguồn lửa trong khu vực sự cố, tránh nguy hiểm cho người đang tham gia giao thông, thông báo ngay với chính quyền địa phương khu vực có sự cố để được hỗ trợ xử lý.

Mục 7. DỊCH VỤ NỔ MÌN

Điều 25. Hình thức và yêu cầu hoạt động dịch vụ nổ mìn

1. Dịch vụ nổ mìn bao gồm:

a) Dịch vụ nổ mìn địa phương có phạm vi hoạt động giới hạn trong địa bàn đất liền của một tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương;

b) Dịch vụ nổ mìn trên thềm lục địa;

c) Dịch vụ nổ mìn có phạm vi hoạt động trên toàn lãnh thổ Việt Nam và khu vực.

2. Số lượng, phạm vi, quy mô của các tổ chức dịch vụ nổ mìn phải phù hợp với nhiệm vụ, nhu cầu của các hoạt động xây dựng, hoạt động khoáng sản tập trung và điều kiện kinh tế xã hội đặc thù của địa phương.

3. Trường hợp cần thiết nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trật tự xã hội, cơ quan quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp chỉ định, bắt buộc việc thực hiện dịch vụ nổ mìn ở các khu vực, địa điểm có đặc thù về an ninh, trật tự xã hội.

Điều 26. Điều kiện, quyền lợi, nghĩa vụ của các tổ chức hoạt động dịch vụ nổ mìn

1. Là tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định pháp luật, có đăng ký kinh doanh ngành nghề cung ứng dịch vụ nổ mìn. Tổ chức cung ứng dịch vụ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 25 phải là doanh nghiệp 100 % vốn nhà nước.

2. Có đủ điều kiện theo quy định của Nghị định này về sử dụng, bảo quản và vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp. Cơ sở vật chất, kỹ thuật và con người tối thiểu đủ để cung ứng dịch vụ cho 05 (năm) tổ chức thuê dịch vụ.

3. Ngoài các quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định, tổ chức hoạt động cung ứng dịch vụ có đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định của Nghị định này khi sử dụng, bảo quản, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp để thực hiện dịch vụ nổ mìn.

Điều 27. Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức thuê dịch vụ nổ mìn

Ngoài các quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định, tổ chức thuê dịch vụ nổ mìn có các quyền và nghĩa vụ sau:

1. Không phải có giấy phép đối với hoạt động vật liệu nổ công nghiệp đã thuê dịch vụ.

2. Không được thuê nhiều tổ chức dịch vụ cùng cung ứng một loại dịch vụ tại một vị trí, địa điểm.

3. Theo sự điều hành của bên cung ứng dịch vụ trong các hoạt động cụ thể khi bảo quản, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

4. Hợp tác, tạo điều kiện hỗ trợ bên cung ứng dịch vụ các vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp.

Mục 8. HUẤN LUYỆN VỀ KỸ THUẬT AN TOÀN TRONG HOẠT ĐỘNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Điều 28. Đối tượng huấn luyện

1. Lãnh đạo tổ chức, người quản lý các bộ phận liên quan trực tiếp đến hoạt động vật liệu nổ công nghiệp.

2. Chỉ huy nổ mìn, thợ mìn.

3. Thủ kho, người điều khiển phương tiện, người áp tải vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp.

4. Người phục vụ trực tiếp các hoạt động liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp, bao gồm việc bảo vệ, canh gác, bốc xếp hoặc các hoạt động khác tại nơi nổ mìn không liên quan đến việc đấu lắp, kiểm tra mạng nổ, kích nổ.

Điều 29. Nội dung huấn luyện kỹ thuật an toàn trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp

1. Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định này được huấn luyện kiến thức pháp luật về quản lý vật liệu nổ công nghiệp, kiến thức pháp luật liên quan về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ an ninh trật tự trong các hoạt động vật liệu nổ công nghiệp; nghiệp vụ quản lý kinh doanh; phương pháp lập và thực hiện kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố khẩn cấp, phương pháp tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động nổ mìn.

2. Các đối tượng quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 28 Nghị định này được huấn luyện các nội dung quy định tại tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về kỹ thuật an toàn trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp.

3. Bộ Công Thương quy định chi tiết về chương trình, nội dung huấn luyện cho các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này và ban hành quy chuẩn kỹ thuật an toàn có chương trình, nội dung huấn luyện cho các đối tượng quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 28 Nghị định này.

Điều 30. Cấp Giấy chứng nhận kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp

1. Cơ quan cấp phép hoạt động vật liệu nổ công nghiệp kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho các đối tượng thuộc thẩm quyền cấp phép.

2. Giấy chứng nhận có giá trị trong thời hạn hai năm và có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc. Trường hợp thay đổi về điều kiện hoạt động, cơ quan quản lý vật liệu nổ công nghiệp nơi có hoạt động vật liệu nổ công nghiệp có trách nhiệm huấn luyện bổ sung các nội dung liên quan đến việc thay đổi điều kiện hoạt động; kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận.

Mục 9. BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Điều 31. Báo cáo trong các trường hợp bất thường

Tổ chức, cá nhân, người liên quan đến hoạt động vật liệu nổ công nghiệp có trách nhiệm báo cáo cơ quan có thẩm quyền trong các trường hợp sau:

1. Trong vòng 24 giờ, báo cáo cơ quan công an địa phương nơi tiến hành hoạt động vật liệu nổ công nghiệp khi xảy ra xâm nhập trái phép khu vực chứa vật liệu nổ công nghiệp hoặc có mất cắp, thất thoát không rõ lý do hoặc nghi ngờ có thất thoát vật liệu nổ công nghiệp.

2. Trong vòng 24 giờ, báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tiến hành hoạt động vật liệu nổ công nghiệp về việc chấm dứt hoạt động vật liệu nổ công nghiệp hoặc các tai nạn, sự cố xảy ra trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp. Báo cáo bằng văn bản sau 48 giờ, kể từ khi chấm dứt hoạt động vật liệu nổ công nghiệp hoặc xảy ra tai nạn, sự cố.

Điều 32. Báo cáo định kỳ hoạt động vật liệu nổ công nghiệp

1. Tổ chức hoạt động vật liệu nổ công nghiệp có trách nhiệm báo cáo Sở Công Thương, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 25 tháng 6 đối với báo cáo sáu tháng và trước ngày 25 tháng 12 đối với báo cáo năm về số lượng, chủng loại vật liệu nổ công nghiệp bảo quản, vận chuyển, sử dụng và các vấn đề có liên quan.

2. Định kỳ sáu tháng, chín tháng và một năm, tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp có trách nhiệm lập báo cáo thống kê tình hình kinh doanh cung ứng, xuất khẩu, nhập khẩu, tồn kho báo cáo Bộ Công Thương.

3. Định kỳ 6 tháng, hàng năm Sở Công Thương có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương về tình hình quản lý, kinh doanh cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh trước ngày 30 tháng 6 đối với báo cáo sáu tháng, trước ngày 31 tháng 12 đối với báo cáo năm. Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Chính phủ về tình hình quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên toàn quốc theo quy định.

4. Bộ Công Thương quy định cụ thể mẫu báo cáo về vật liệu nổ công nghiệp.

Chương III.

CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Điều 33. Các loại Giấy chứng nhận, Giấy phép hoạt động vật liệu nổ công nghiệp

1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.

2. Giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.

3. Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.

4. Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

5. Giấy phép dịch vụ nổ mìn.

6. Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp.

Điều 34. Hồ sơ, trình tự và thủ tục cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép.

1. Tổ chức đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép lập hồ sơ gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 36 Nghị định này.

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép theo mẫu quy định

b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c) Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc đáp ứng các điều kiện, yêu cầu quy định tại Chương II Nghị định này, tương ứng với loại hoạt động đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép.

Bộ Công Thương quy định chi tiết hồ sơ các văn bản chứng minh việc đáp ứng các điều kiện, yêu cầu về sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng và dịch vụ nổ mìn cho các đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 Điều 36 Nghị định này.

Bộ Công an quy định chi tiết hồ sơ các văn bản chứng minh việc đáp ứng các điều kiện, yêu cầu về vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp.

Bộ Quốc phòng quy định chi tiết hồ sơ các văn bản chứng minh việc đáp ứng các điều kiện, yêu cầu về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng.

3. Tổ chức đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép không phải nộp các giấy tờ quy định tại điểm c khoản 2 Điều này nếu những thông tin cần thiết trong văn bản đó đã được cung cấp, công bố đầy đủ trên trang tin điện tử (Website) chính thức của cơ quan ban hành các văn bản đó.

4. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra, viết biên nhận cho người nộp hồ sơ. Giấy biên nhận phải có nội dung nêu rõ tình trạng hồ sơ, các yêu cầu bổ sung, chỉnh lý hồ sơ nếu có.

5. Trong thời hạn không quá 07 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép cho tổ chức đề nghị cấp phép; trường hợp không cấp, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

6. Tổ chức đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép phải nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật. Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, quản lý và sử dụng phí, lệ phí cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép.

Điều 35. Nội dung, thời hạn hiệu lực Giấy chứng nhận, Giấy phép

1. Giấy chứng nhận, Giấy phép gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của tổ chức hoạt động vật liệu nổ công nghiệp;

b) Địa điểm, phạm vi hoạt động vật liệu nổ công nghiệp;

c) Loại hình hoạt động, số lượng, chủng loại vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ;

d) Các điều kiện kỹ thuật theo yêu cầu an ninh, an toàn quy định trong Nghị định này và tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành;

đ) Nghĩa vụ của cơ sở được cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép.

2. Không quy định về thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đủ điều kiện. Định kỳ hàng năm, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra các tổ chức được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện việc chấp hành các điều kiện quy định trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện.

3. Thời hạn của Giấy phép quy định như sau:

a) Không quá 05 (năm) năm đối với Giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phục vụ khai thác khoáng sản;

b) Theo thời hạn công trình nhưng không quá 02 (hai) năm đối với Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phục vụ thi công công trình, nghiên cứu thử nghiệm, hoạt động dầu khí và Giấy phép dịch vụ nổ mìn.

c) Theo thời hạn đề nghị trong hồ sơ nhưng không quá 03 (ba) tháng đối với Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ;

d) Theo thời hạn đề nghị trong hồ sơ nhưng không quá 06 (sáu) tháng đối với Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp. Trường hợp cần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong các hoạt động cấp quốc gia hoặc ở những khu vực nhạy cảm về an ninh chính trị, Bộ Công an quy định và hướng dẫn cụ thể về thời hạn tạm ngừng cấp phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp; thời hạn tạm ngừng không vượt quá 02 (hai) ngày thời hạn diễn ra hoạt động.

4. Bộ Công Thương quy định chi tiết mẫu Giấy chứng nhận, Giấy phép sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng và dịch vụ nổ mìn. Bộ Công an quy định chi tiết mẫu Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và quy định cụ thể hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp.

Điều 36. Cơ quan cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép

1. Cơ quan quản lý chuyên ngành vật liệu nổ công nghiệp thuộc Bộ Công Thương cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, Giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ và Giấy phép dịch vụ nổ mìn; cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho các tổ chức là doanh nghiệp nhà nước giữ cổ phần chi phối do các Bộ, ngành Trung ương hoặc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu vốn, các doanh nghiệp hoạt động dầu khí, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các cơ quan đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu khoa học.

2. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện việc cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho các tổ chức còn lại, thuộc phạm vi quản lý của tỉnh và cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho các doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này đã được cổ phần hóa mà Nhà nước không giữ cổ phần chi phối, khi Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp do Bộ Công Thương cấp trước đây đã hết hạn.

3. Bộ Công an quy định cơ quan cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp.

4. Bộ Quốc phòng quy định cơ quan cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng.

Điều 37. Cấp lại, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận, Giấy phép

1. Một tháng trước ngày Giấy phép hết hạn, tổ chức có nhu cầu tiếp tục hoạt động vật liệu nổ công nghiệp phải làm đơn đề nghị đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 36 Nghị định này.

Trường hợp hoạt động vật liệu nổ công nghiệp không thay đổi về địa điểm, quy mô, điều kiện hoạt động, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 36 Nghị định này cấp lại Giấy phép; thời hạn hiệu lực của Giấy phép không dài hơn thời hạn đã cấp mới lần đầu, phí thẩm định cấp phép bằng một nửa phí thẩm định cấp phép mới Giấy phép.

2. Trường hợp tổ chức hoạt động vật liệu nổ công nghiệp có thay đổi về đăng ký kinh doanh, địa điểm, quy mô hoặc điều kiện hoạt động, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 36 Nghị định này cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận, Giấy phép. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp điều chỉnh thực hiện như thủ tục đề nghị cấp mới Giấy chứng nhận, Giấy phép.

3. Tổ chức có Giấy chứng nhận, Giấy phép bị hư hỏng hoặc bị mất phải làm đơn đề nghị cấp lại đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 36 Nghị định này. Sau 03 (ba) lần thông báo trong thời hạn 01 (một) tuần trên trang tin điện tử (Website) của cơ quan có thẩm quyền cấp phép, cơ quan có thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy phép nếu không có bằng chứng tìm được Giấy phép, Giấy chứng nhận đã mất; nội dung, thời hạn Giấy phép cấp lại không thay đổi, Giấy chứng nhận, Giấy phép cấp lại phải có quy định huỷ bỏ hiệu lực của Giấy phép bị mất.

4. Tổ chức bị thu hồi Giấy chứng nhận, Giấy phép trong các trường hợp sau đây:

a) Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp phép;

b) Không còn đáp ứng đủ hoặc không thực hiện đúng các điều kiện quy định của Giấy chứng nhận, Giấy phép;

c) Vi phạm quy định trong Giấy chứng nhận, Giấy phép mà không khắc phục trong thời hạn quy định của cơ quan có thẩm quyền;

d) Cho thuê, mượn Giấy chứng nhận, Giấy phép; tự ý sửa đổi nội dung Giấy chứng nhận, Giấy phép;

đ) Vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nghị định này và quy định của tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật an toàn hiện hành trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp;

e) Chấm dứt hoạt động vật liệu nổ công nghiệp,

g) Giấy chứng nhận, Giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền.

Cơ quan có thẩm quyền cấp phép thực hiện việc thu hồi Giấy chứng nhận Giấy phép đã cấp. Tổ chức bị thu hồi Giấy chứng nhận, Giấy phép có trách nhiệm gửi Giấy chứng nhận, Giấy phép và toàn bộ bản sao Giấy chứng nhận, Giấy phép hiện có đến cơ quan cấp phép trong thời hạn 07 (bảy) ngày, kể từ ngày có quyết định thu hồi.

Điều 38. Công bố và cung cấp thông tin về Giấy chứng nhận, Giấy phép

1. Cơ quan cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép có trách nhiệm công bố trên trang tin điện tử (Website) chính thức các thông tin cần thiết về nội dung Giấy chứng nhận, Giấy phép đã cấp, trừ các thông tin liên quan đến bí mật an ninh, quốc phòng theo quy định pháp luật. Các thông tin đã công bố có giá trị pháp lý như thông tin gốc trong hồ sơ lưu trữ tại cơ quan cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép.

2. Các cơ quan có chức năng quản lý liên quan không được yêu cầu tổ chức đã được cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép phải báo cáo, thông báo hoặc cung cấp những thông tin đã công bố theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 39. Quản lý và đăng ký Giấy chứng nhận, Giấy phép

1. Giấy chứng nhận, Giấy phép không có giá trị chuyển nhượng.

2. Giấy chứng nhận, Giấy phép phải được lưu giữ tại trụ sở chính theo đăng ký của tổ chức được cấp.

3. Chậm nhất 03 (ba) ngày trước khi bắt đầu thực hiện hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tổ chức được cấp Giấy phép phải đăng ký với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi tiến hành hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp:

a) Hồ sơ đăng ký bao gồm bản sao Giấy phép sử dụng, danh sách chỉ huy nổ mìn và người trực tiếp liên quan, thiết kế hoặc phương án nổ mìn, thời gian, thời điểm tiến hành;

b) Trong thời hạn 03 (ba) ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xác nhận đăng ký cho tổ chức đề nghị đăng ký. Trường hợp không xác nhận phải có văn bản thông báo nêu rõ lý do;

c) Tổ chức, cá nhân đề nghị đăng ký phải nộp lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính;

d) Bộ Công Thương quy định cụ thể mẫu Giấy xác nhận đăng ký.

Chương IV

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Điều 40. Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp.

Điều 41. Trách nhiệm quản lý nhà nước vật liệu nổ công nghiệp của Bộ Công Thương

Bộ Công Thương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp sau đây:

1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.

2. Xây dựng, sửa đổi và công bố Danh mục vật liệu nổ công nghiệp Việt Nam. Quy định việc cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy phép hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.

3. Hướng dẫn việc thực hiện các quy định pháp luật trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ; quy định cụ thể điều kiện về người liên quan trực tiếp đến hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, huấn luyện kỹ thuật an toàn; quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn về vật liệu nổ công nghiệp, quy chuẩn về chất lượng, bao gói, ghi nhãn và thủ tục công bố hợp quy hồ sơ lưu trữ vật liệu nổ công nghiệp và ứng phó sự cố.

4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, kiểm tra kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp; phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố.

5. Tổng hợp, thống kê tình hình thực hiện hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trong phạm vi cả nước.

6. Thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp;

7. Thanh tra về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động vật liệu nổ công nghiệp;

Điều 42. Trách nhiệm của Bộ Công an

1. Tổ chức kiểm tra, cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các tổ chức hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trước khi cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động vật liệu nổ công nghiệp Kiểm tra, cấp Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.

2. Phối hợp với Bộ Công Thương kiểm tra việc thực hiện các quy định về an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động vật liệu nổ công nghiệp.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng quy định về vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp đảm bảo an ninh, an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Điều 43. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng

1. Phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Tổ chức kiểm tra, cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho các doanh nghiệp quốc phòng, đơn vị quân đội làm kinh tế. Phối hợp với Bộ Công Thương kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp.

3. Phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Công an quy định về vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp đảm bảo an ninh, an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Điều 44. Trách nhiệm quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ liên quan trực tiếp đến hoạt động vật liệu nổ công nghiệp

Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình thực hiện có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp.

Điều 45. Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp của Uỷ ban nhân dân các cấp

1. Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp tại địa phương theo phân cấp của Chính phủ, quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Ban hành Quy chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trên địa bàn phù hợp với quy định pháp luật và tình hình của địa phương. Tổ chức triển khai tại địa phương việc ứng phó sự cố vật liệu nổ công nghiệp trên đường vận chuyển và tại khu vực bảo quản, bốc dỡ vật liệu nổ công nghiệp.

2. Sở Công Thương là cơ quan chuyên môn đầu mối giúp Uỷ ban thực hiện quản lý hoạt động vật liệu nổ công nghiệp tại địa phương.

Điều 46. Thanh tra về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp

1. Bộ Công Thương, các Bộ, cơ quan ngang Bộ liên quan và Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện nhiệm vụ thanh tra về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp thuộc phạm vi quản lý được phân công, phân cấp.

2. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra về vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Điều 47. Xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật liên quan về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 64/2005/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý vật liệu nổ công nghiệp hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, cá nhân hoạt động vật liệu nổ công nghiệp; bao che cho người vi phạm pháp luật về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 48. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 6 năm 2009.

Nghị định này thay thế Nghị định số 27/CP ngày 20 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ về quản lý, sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; thay thế Điều 9 Nghị định số 47/CP ngày 12 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; thay thế Chương IV Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ban hành kèm theo Nghị định 47/CP ngày 12 tháng 8 năm 1996. Bãi bỏ khoản 3 của Danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh (Phụ lục II) ban hành kèm theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện; bãi bỏ các quy định trái với Nghị định này.

Điều 49. Điều khoản chuyển tiếp

1. Giấy chứng nhận, Giấp phép cấp cho tổ chức, cá nhân hoạt động vật liệu nổ công nghiệp theo quy định của pháp luật trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo thời hạn quy định tại Giấy chứng nhận, Giấy phép.

2. Tổ chức, cá nhân đang hoạt động vật liệu nổ công nghiệp phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố theo quy định của Nghị định này trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Điều 50. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

THE GOVERNMENT
------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom – Happiness
--------

No. 39/2009/ND-CP

Hanoi, April 23, 2009

 

DECREE

ON INDUSTRIAL EXPLOSIVE MATERIALS

THE GOVERNMENT

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the June 14, 2005 Commercial Law;
Pursuant to the November 21, 2007 Chemical Law;

At the proposal of the Minister of Industry and Trade,

DECREES:

Chapter 1

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope of regulation

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

This Decree does not apply to industrial explosive materials activities for security and defense purposes and in emergency cases as prescribed by law.

Article 2. Subjects of application

This Decree applies to organizations and individuals engaged in industrial explosive materials activities in Vietnam.

Article 3. Interpretation of terms

In this Decree, the terms below are construed as follows:

1. Explosive means a chemical or a chemical mixture produced and used to create explosive reaction under mechanical, thermal, chemical or electric activation.

2. Explosive accessories means primers, detonating cords, fuses, percussion caps and explosive-containing articles that provide initial activation to detonate an explosive charge or specialized devices containing explosive.

3. Explosive pre-substances means materials directly used for explosive production, including ammonium nitrate (NH4NO3, nitromethane (CH3NO2), sodium nitrate (NaNO3), potassium nitrate (KNO3), sodium chlorate (NaCIO3), potassium chlorate (KClO3) and potassium perchlorate (KClO4).

4. Industrial explosive materials means explosives and explosive accessories used for civil purposes.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Vietnam's list of industrial explosive materials means an enumeration of industrial explosive materials permitted for circulation and use in Vietnam. It indicates the classification, packaging specifications, quality indicators and origin of industrial explosive materials.

7. Production of industrial explosive materials means the process of creating explosives and explosive accessories, including creation of explosives right at places of use, re-processing, packaging and labeling industrial explosive material products, excluding division and packaging to create explosive amounts required at blasting sites.

8. Preservation of industrial explosive materials means keeping industrial explosive materials in storehouses, in the course of transportation to places of use or at places of use.

9. Transportation of industrial explosive materials means carrying industrial explosive materials from one to another place.

Internal transportation means transportation of industrial explosive materials within the boundary of a mine, a construction site or an industrial explosive material production or preservation establishment along roads not crossing waterways and public roads.

10. Use of industrial explosive materials means the process of detonating industrial explosive materials according to a specified technology process.

11. Destruction of industrial explosive materials means the process of breaking or nullifying the explosive reaction capability of industrial explosive materials according to a specified technology process.

12. Trading of industrial explosive materials means carrying out one, some or all activities of purchasing, selling, importing, exporting, temporarily importing, re-exporting and transporting in transit industrial explosive materials.

13. Research and development of industrial explosive materials technology means the whole process of creating new industrial explosive material products or just a step of the process to determine the composition, improve the technology process and production equipment line and determine the applicability of products.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

15. Test of industrial explosive materials means technical manipulations at a designated laboratory or site or place to determine technical characteristics and risks of industrial explosive materials under practical use conditions.

16. Industrial explosive materials activities means carrying out any of activities of research, testing, production, purchase and sale, import export, preservation, transportation, use, destruction and blasting impact supervision.

17. Safe distance means the minimum distance required in all directions from the blasting site or a workshop, storehouse or vehicle containing industrial explosive materials to objects to be protected (people, houses, works or storehouses, public roads and other vehicles containing industrial explosive materials) to keep these objects from excessive impacts in terms of vibration, air wave and flying stone according to current standards and regulations upon blasting or occurrence of a fire or explosion of a vehicle or a storehouse containing industrial explosive materials.

18. Blasting commander means a person with sufficient skills and experience responsible for guiding, directing and supervising all operations related to the use of industrial explosive materials at a blasting site.

19. Blasting impact supervision means using equipment and devices for measuring, analyzing and assessing the level of vibration and impact of air wave caused by blasting.

Article 4. Principles of management of industrial explosive materials activities

1. The State holds monopoly on industrial explosive materials production and trading. The number, scope and size of enterprises producing and trading industrial explosive materials shall be decided by the Prime Minister in line with the industrial explosive materials development planning and specific socio-economic conditions in each period, to prevent abuse of monopoly status, ensure national interests and legitimate interests of enterprises.

2. To build and develop an advanced and complete industrial explosive materials industry from production of raw materials to products, meeting the demand of the national economy and export. To closely combine economic activities with defense, exploit to the utmost the capacity of defense and chemical industries in the development of the industrial explosive materials industry.

3. Only after obtaining permission of competent agencies may organizations and individuals participate in industrial explosive materials activities. They shall strictly comply with laws, safety technique standards and regulations on industrial explosive materials, fire prevention and fighting, and relevant regulations to assure security, social order and safety for people, property and the natural environment.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Researching, testing, producing, trading, preserving, transporting and using industrial explosive materials without licenses and certificates of eligibility as required by this Decree.

2. Circulating and using industrial explosive materials which are unsafe and not on Vietnam's list of industrial explosive materials according to this Decree.

3. Illegally transferring, leasing, lending, mortgaging, donating, concealing or owning industrial explosive materials.

4. Using industrial explosive materials for illegally hunting and exploiting animals and plants, causing harm to human health, destroying the ecological environment and undermining security, safety and social order.

5. Employing in industrial explosive materials activities minors, persons without valid personal identity papers, persons with restricted or lost civil act capacity, persons being examined for penal liability or former convicts who have not yet had their criminal records remitted.

6. Abusing one's position and power to illegally obstruct, trouble and harass production and trading activities of organizations and individuals or covering up illegal acts related to industrial explosive materials.

7. Failing to supply information or supplying untruthful information on industrial explosive materials, Failing to promptly report, concealing or distorting information on stolen or lost quantities of, and accidents and incidents related to, industrial explosive materials.

8. Other acts prohibited by law.

Chapter 2

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Section 1. GENERAL REQUIREMENTS ON INDUSTRIAL EXPLOSIVE MATERIALS ACTIVITIES

Article 6. Safety technique management organization systems

Organizations and individuals carrying out industrial explosive materials activities shall establish safety technique management organization systems to be directly managed and directed by their leading officials and assign qualified and experienced persons to perform safety technique work at each of sections and positions at high risk of fire or explosion.

Article 7. Requirements on security and order assurance and fire prevention and fighting

Organizations and individuals carrying out industrial explosive materials activities shall prepare security and order protection plans and fire prevention and fighting plans and measures for their production units, storehouses, loading and unloading places and industrial explosive materials-transporting vehicles in operation, and organize periodical drills according to regulations. Industrial explosive materials storehouses must have plans for emergency prevention and response.

Article 8. Dossiers and documents on industrial explosive materials activities

Organizations and individuals carrying out industrial explosive materials activities shall preserve and keep books and vouchers on each kind of industrial explosive material produced, purchased, sold, imported, exported, used, transported, preserved, left in stock and destroyed for 10 (ten) years, counting from the date of production, purchase, sale, import, export, use, transportation, preservation, keeping in stock or destruction.

Article 9. Requirements on training

Organizations and individuals carrying out industrial explosive materials activities shal conduct training in safety techniques, fire prevention and fighting and emergency prevention and response in industrial explosive materials activities, and propose competent agencies to examine and grant certificates under Section 8 of this Decree.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Organizations and individuals carrying out industrial explosive materials activities shall register and obtain permission of People's Committees of provinces or centrally run cities for places of loading and unloading industrial explosive materials.

Article 11. Requirements on destruction of industrial explosive materials

Industrial explosive materials which are beyond their expiry date, inferior in quality and no longer recyclable for use shall be destroyed according to current standards and technical regulations on industrial explosive materials. Destruction of industrial explosive materials shall be conducted by organizations licensed to produce and use industrial explosive materials.

Section 2. ASSESSMENT AND CLASSIFICATION OF INDUSTRIAL EXPLOSIVE MATERIALS

Article 12. Requirements on industrial explosive material products

All industrial explosive materials shall, before being put into circulation and use, be tested, assessed and classified to ensure conformity with safety, quality, packaging and labeling requirements under current standards and regulations on industrial explosive material products.

Article 13. Classification of industrial explosive materials

1. Industrial explosive materials shall be classified by degree of danger and stability against impacts of external surroundings upon preservation, transportation and use. Classification must be based on tests and assessments prescribed in Article 14 of this Decree.

2. Standards and regulations used as a basis for classification and assessment of industrial explosive materials must comply with regulations of the Globally Harmonized System of Classification and Labeling of Chemicals and Vietnam's practical conditions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 14. Testing and assessment of industrial explosive materials

1. Industrial explosive materials shall be tested and assessed in the following cases:

a/ Industrial explosive materials newly produced in Vietnam;

b/ Industrial explosive materials newly imported into Vietnam which have no testing and assessment results accredited under law;

c/ Serving state examination work under the law on quality of products and goods.

2. Producers and importers shall test, assess and classify new industrial explosive materials before submission to competent agencies for verification and inclusion in the list of industrial explosive materials permitted for circulation and use in Vietnam.

3. Industrial explosive materials shall be tested and assessed by designated conformity assessment organizations. The Ministry of Industry and Trade shall prescribe the recognition of results of testing and assessment of industrial explosive materials by foreign testing organizations.

4. Contents of test and assessment of new industrial explosive materials comply with current standards and regulations. New industrial explosive materials to be used in environments with hazardous explosive gas and dust or high temperature must be tested under practical conditions in addition to tests completed in designated laboratories.

5. Contents of test and assessment of industrial explosive materials to service state examination work comply with requests of agencies responsible for state examination of quality of industrial explosive materials.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Section 3. RESEARCH AND PRODUCTION OF INDUSTRIAL EXPLOSIVE MATERIALS

Article 15. Research and development of industrial explosive materials technologies

1. Research and development of industrial explosive materials technologies shall be conducted by scientific and technological institutions or industrial explosive materials-producing enterprises with sufficient technical and material conditions.

2. Industrial explosive materials technology research and development institutions shall make research projects and have them approved by competent agencies according to regulations.

3. Industrial explosive materials technology research and development institutions shall implement projects according to approved scale and contents.

4. The production or transfer of production technologies on an industrial scale may only be conducted at industrial explosive materials-producing establishments that are eligible according to regulations.

Article 16. Management of explosive pre-substances

1. The production, import, export, preservation, transportation, purchase and sale of explosive pre-substances must meet security requirements according to regulations on management of industrial explosive materials and safety requirements according to the law on hazardous chemicals.

2. Organizations producing, importing, exporting, purchasing and selling explosive pre-substances must possess licenses granted by competent agencies.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Mixed substances with an explosive pre-substance content of more than 45% must be managed in terms of security and safety under Clause 1 of this Article.

Article 17. Conditions for industrial explosive materials production

1. Industrial explosive materials-producing organizations must be enterprises with 100% state capital and assigned tasks by the Prime Minister at the proposal of the Ministry of Industry and Trade and the Ministry of Defense.

2. The locations of production establishments, workshops and storehouses of industrial explosive materials must ensure security and order conditions and safety distances required for works and targets in need of protection according to current standards and regulations and relevant regulations.

3. Categories of products and scales of production must conform to the national plan on development of industrial explosive materials. Products must meet, through research and test, current standards and regulations on quality and safety techniques.

4. Workshops, storehouses, technologies, equipment and tools used in production must be designed and built according to the scale and characteristics of raw materials and produced industrial explosive materials; and meet requirements on fire and explosion prevention, anti-lightning, static electricity control and safety for laborers and environmental protection according to standards and regulations on safety techniques for industrial explosive materials and relevant regulations.

5. There must be sufficient standard-conformable measuring devices and equipment to check and monitor technological parameters and serve the quality examination of raw materials and finished products in the process of production; and separate and safe places for pilot detonation of industrial explosive materials according to current standards and regulations.

6. Managers, workers and employees involved in the production of industrial explosive materials must satisfy security and order requirements; possess professional qualifications corresponding to their working positions and duties, have been trained in safety techniques, fire prevention and fighting and response to incidents in industrial explosive materials production activities.

Article 18. Rights and obligations of industrial explosive materials-producing organizations

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. To import explosive pre-substances or entrust the import thereof to industrial explosive materials-trading enterprises or production and business enterprises licensed to produce and import explosive pre-substances; and ensure sufficient stock of raw materials for the production of pre-substances according to plans committed with industrial explosive materials-trading or -using organizations.

2. To produce and sell products of proper categories according to their design capacity to industrial explosive materials-trading enterprises. To purchase explosive pre-substances and sell industrial explosive materials under-written contracts.

3. To notify standard conformity of industrial explosive material products and apply a quality management system to ensure product quality according to notified standards; to package and label industrial explosive material products according to current regulations on goods labeling and standards and technical regulations on packaging and labeling of industrial explosive material products.

Section 4. INDUSTRIAL EXPLOSIVE MATERIALS TRADING

Article 19. Conditions for industrial explosive materials trading

1. Industrial explosive materials-trading organizations must be enterprises with 100% state capital and assigned tasks by the Prime Minister at the proposal of the Ministry of Industry and Trade and the Ministry of Defense.

2. The locations of storehouses, ports and places of receiving, loading and unloading industrial explosive materials must ensure security and order conditions and safety distances required for works and targets in need of protection according to current standards and regulations and relevant regulations.

3. The system of distribution and assurance of quality for customers must have material and technical bases suitable to business tasks and scale; and meet the market needs of consumption and blasting services.

4. Storehouses, loading and unloading equipment, means of transport, equipment and tools used in trading activities must be designed and built according to the scale and characteristics of trading activities, meeting requirements specified in Section 6 of this Decree: if no storehouses and means of transport are available, there must be written lease contracts signed with organizations licensed to preserve and transport industrial explosive materials.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 20. Rights and obligations of industrial explosive materials-trading organizations

In addition to other rights and obligations prescribed by law, industrial explosive materials-trading organizations have the following rights and obligations:

1. To make plans on quantities and categories of explosive pre-substances and industrial explosive materials to be stored and quantities and categories of explosive pre-substances and industrial explosive materials to be supplied, imported and exported annually to meet as committed the needs of industrial explosive materials-producing enterprises and organizations licensed to use industrial explosive materials; and to keep national reserves according to regulations.

2. To trade in explosive pre-substances and industrial explosive materials according to their trading licenses and licenses for importing and exporting explosive pre-substances and industrial explosive materials. To trade in explosive pre-substances and industrial explosive materials under written contracts.

3. To sell only industrial explosive materials on Vietnam's list of industrial explosive materials to organizations licensed to use industrial explosive materials. To purchase surplus and unused industrial explosive materials from organizations lawfully using industrial explosive materials when the latter wish to sell them.

4. To notify standard conformity of imported explosive pre-substances and industrial explosive materials and apply a quality management system to ensure their quality, packaging and labeling according to notified regulations when putting them into circulation and use.

Section 5. USE OF INDUSTRIAL EXPLOSIVE MATERIALS

Article 21. Conditions for use of industrial explosive materials

1. Being lawfully established organizations having made registration for trading in. or operating in business lines or fields requiring use of, industrial explosive materials.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Possessing storehouses, technology, equipment and tools serving the use of industrial explosive materials which meet requirements under current standards and technical regulations and those specified in Section 6 of this Decree; if no storehouses and means of transport are available, there must be written lease contracts signed with organizations licensed to preserve and transport industrial explosive materials.

4. Managers, blasting commanders, blasting workers and employees involved in the use of industrial explosive materials must satisfy security and order requirements; possess professional qualifications corresponding to their working positions and duties, have been trained in safety techniques, fire prevention and fighting and response to incidents in the use of industrial explosive materials.

Article 22. Rights and obligations of industrial explosive materials-using organizations

In addition to other rights and obligations prescribed by law, industrial explosive materials-using organizations have the following rights and obligations:

1. To purchase only industrial explosive materials on Vietnam's list of industrial explosive materials from lawful industrial explosive materials-trading enterprises. To sell surplus and unused industrial explosive materials back to lawful industrial explosive materials-trading organizations.

2. To appoint blasting commanders and fully observe current standards and regulations on safety techniques in the use of industrial explosive materials when carrying out blasting activities.

3. To make blasting designs and plans suitable to the production scale and natural and social conditions of blasting places; to specify in blasting designs and plans measures to ensure safety and protect and prevent illegal entries into blasting sites; warning and blast initiation procedures; procedures for preserving, and supervising the use and destruction of, industrial explosive materials at blasting sites, and other matters according to current standards and technical regulations.

4. To have blasting designs and plans approved by agencies granting licenses for use of industrial explosive materials and permitted by provincial-level People's Committees or management agencies for blasting in residential areas, medical examination and treatment establishments, areas with historical and cultural relics and nature reserves, security and defense works or other important national works, and other protected areas according to law. To supervise blasting impacts on works and targets in need of protection located in the areas affected by blasting.

Section 6. PRESERVATION AND TRANSPORTATION OF INDUSTRIAL EXPLOSIVE MATERIALS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Only organizations licensed to produce, trade in or use industrial explosive materials or provide blasting services may invest in building industrial explosive materials storehouses. The construction, expansion and renovation of industrial explosive materials storehouses must comply with the law on investment in the construction of works, technical regulations and relevant laws currently in force.

2. Industrial explosive materials shall be preserved in storehouses and places meeting requirements on security and safety distances for works and targets in need of protection, complying with current standards and regulations on construction structure and materials and requirements on fire and explosion prevention, anti-lightning, static electricity control, safety for laborers and environmental protection according to current standards and technical regulations and relevant regulations.

3. Managers, storehouse keepers, guards and employees involved in the preservation of industrial explosive materials must satisfy security and order requirements; possess professional qualifications corresponding to their working positions and duties, have been trained in safety techniques, fire prevention and fighting and response to incidents in activities related to the preservation of industrial explosive materials.

4. In the course of operation, in addition to rights and obligations prescribed by law, organizations and individuals managing industrial explosive materials storehouses shall observe the following regulations:

a/ To furnish equipment and means to serve protection and guard activities, fire and explosion prevention, information and communication, loading and unloading and distribution of industrial explosive materials according to current standards and regulations and relevant laws. To refrain from using industrial explosive materials storehouses for other purposes during the validity term of industrial explosive materials activity licenses;

b/ To make plans for fire fighting, security and order protection, measures to handle and collaborate with local administrations in dealing with fires, illegal entrants and other emergency cases. To register managers, storehouse keepers and employees with local police;

c/ On the basis of current standards and regulations, to formulate the process of guard and protection, examination and control of people entering and leaving and working in storehouses, procedures for disposing of and destroying deteriorated industrial explosive materials. The receipt, delivery and distribution of industrial explosive materials must strictly follow the process and ensure proper objects approved by leaders of units.

Article 24. Transportation of industrial explosive materials

1. Conditions on transportation of industrial explosive materials

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ Having means of transport meeting all conditions for operation and moving on the road in accordance with the traffic law and for transporting industrial explosive materials according to current standards and regulations on industrial explosive materials, fire prevention and fighting and relevant regulations;

c/ Managers, operators of means of transport, escorts and employees involved in the transportation of industrial explosive materials must satisfy security and order requirements: possess professional qualifications corresponding to their working positions and duties, have been trained in safety techniques, fire prevention and fighting and response to incidents in activities related to the transportation of industrial explosive materials;

d/ Except for internal transportation, the transportation of industrial explosive materials on public roads must be verified and licensed by competent agencies. The order and procedures for granting transportation licenses comply with Chapter III of this Decree.

2. In the course of operation, in addition to rights and obligations prescribed by law, organizations and individuals transporting industrial explosive materials have the following rights and obligations:

a/ To transport industrial explosive materials according to transportation licenses. To check the state of cargo and means of transport before departure or upon every stop, and promptly redress any damage;

b/ To transport industrial explosive materials only on means of transport with adequate danger symbols and signs and meeting all requirements on cargo arrangement, packages and labels according to the law on transportation of dangerous cargo and regulations on transportation of industrial explosive materials;

c/ To work out measures to prevent and respond to emergencies, plans to protect security and order, and measures to fight fires, handle, contact and collaborate with local administrations in emergency cases in which means of transport transporting industrial explosive materials encounter incidents en route;

d/ To arrange sufficient escorts equipped with support tools when transporting industrial explosive materials. Escorts and operators of means of transport shall preserve and protect cargo throughout the course of transportation;

e/ Except for emergency cases specified at Point f of this Clause, it is prohibited to transport industrial explosive materials through urban centers and populous areas during peak houses; to stand or stop means of transport at populous places and near filling stations; to load and unload cargo or change standing and stopping places and routes of transportation specified in transportation licenses;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Section 7. BLASTING SERVICE

Article 25. Forms of and requirements on blasting services

1. Blasting services include:

a/ Local blasting service within the land boundaries of a province or centrally run city;

b/ Blasting service on the continental shelf;

c/ Blasting service with a scope of operation in the entire territory of Vietnam and the region.

2. The number, scope and size of blasting service organizations must suit the tasks and needs of concentrated construction and mineral activities, and peculiar socio-economic conditions of each locality.

3. When necessary to ensure security and social order and safety, state management agencies in charge of industrial explosive materials may designate and compel the provision of blasting services in areas and sites with peculiar security and social order conditions.

Article 26. Conditions on, and interests and obligations of blasting service organizations

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Having sufficient conditions prescribed in this Decree to use, preserve and transport industrial explosive materials. Having material and technical bases and staff at least sufficient for providing services for 5 (five) service-hiring organizations.

3. In addition to rights and obligations prescribed by law, service providers have all rights and obligations defined in this Decree when using, preserving and transporting industrial explosive materials for providing blasting services.

Article 27. Rights and obligations of blasting service-hiring organizations

In addition to rights and obligations prescribed by law, blasting service-hiring organizations have the following rights and obligations:

1. Not to be required to obtain licenses for hired industrial explosive materials activities.

2. Not to hire many organizations to provide the same service at a single location or place.

3. To comply with the direction of service providers in specific operations of preserving, transporting and using industrial explosive materials.

4. To cooperate with and assist service providers in dealing with security and order issues in industrial explosive materials activities.

Section 8. TRAINING IN SAFETY TECHQNIQUES IN INDUSTRIAL EXPLOSIVE MATERIALS ACTIVITIES

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Leaders of organizations and managers of sections directly related to industrial explosive materials activities.

2. Blasting commanders and workers.

3. Storehouse keepers, operators of means of transport and escorts of transportation of industrial explosive materials.

4. Employees directly involved in activities related to industrial explosive materials, including protection and guard, loading and unloading or other activities at blasting places not related to the connection and checking of denotation networks and activation.

Article 29. Contents of '.raining in safety techniques in industrial explosive materials activities

1. Persons specified in Clause 1. Article 28 of this Decree shall be trained in legal knowledge about management of industrial explosive materials, fire prevention and fighting and security and order protection in industrial explosive materials activities; business administration skills; methods of making and implementing plans for and measures of preventing and responding to emergencies, and methods of examining and supervising blasting operations.

2. Persons specified in Clauses 2, 3 and 4, Article 28 of this Decree shall be trained in contents prescribed in current standards and regulations on safety techniques in industrial explosive materials activities.

3. The Ministry of Industry and Trade shall specify training programs and contents for persons specified in Clause 1 of this Article and promulgate regulations on safety techniques involving training programs and contents for persons specified in Clauses 2, 3 and 4, Article 28 of this Decree.

Article 30. Grant of certificates of safety techniques for industrial explosive materials

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Certificates are valid for two years and effective nationwide. In case of change in operation conditions, industrial explosive materials-managing agencies in places where industrial explosive materials activities are carried out shall conduct additional training in issues related to such change; hold exams and grant certificates.

Section 9. REPORTS ON INDUSTRIAL EXPLOSIVE MATERIALS ACTIVITIES

Article 31. Reporting in abnormal cases

Organization, individuals and persons related to industrial explosive materials activities shall report to competent agencies the following cases:

1. To report within 24 hours to local police offices in areas where industrial explosive materials activities are carried out on any illegal entries into areas where industrial explosive materials are stored or on stolen or lost quantities of industrial explosive materials for unknown reasons or doubts about loss of industrial explosive materials.

2. To report within 24 hours to district-level People's Committees and Industry and Trade Services of provinces or centrally run cities where industrial explosive materials activities are carried out on the termination of industrial explosive materials activities or accidents and incidents in industrial explosive materials activities. To send written reports within 48 hours after termination of industrial explosive materials activities or occurrence of accidents and incidents.

Article 32. Periodical reporting on industrial explosive materials activities

1. Organizations carrying out industrial explosive materials activities shall report to the Industry and Trade Services and police departments of provinces or centrally run cities before June 25, for biannual reports, and before December 25. for annual reports, on quantities and categories of industrial explosive materials preserved, transported and used and related issues.

2. Every six months, nine months and year, industrial explosive materials-trading organizations shall make statistical reports on traded, supplied, imported, exported and stockpiled quantities of industrial explosive materials to the Ministry of Industry and Trade.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The Ministry of Industry and Trade shall specify forms of report on industrial explosive materials.

Chapter 3

GRANT OF INDUSTRIAL EXPLOSIVE MATERIALS ACTIVITIES

Article 33. Certificates and licenses for industrial explosive materials activities

1. Certificate of eligibility for producing industrial explosive materials and explosive pre-substances.

2. License for trading in industrial explosive materials and explosive pre-substances.

3. License for importing and exporting industrial explosive materials and explosive pre-substances.

4. License for using industrial explosive materials.

5. Blasting service license.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 34. Dossiers, order and procedures for grant of certificates and licenses

1. Organizations applying for certificates or licenses shall compile dossiers and send them to competent state agencies defined in Article 36 of this Decree.

2. A dossier of application for a certificate or license comprises:

a/ An application for a certificate or license, made according to a set form;

b/ A copy of the business registration certificate;

c/ Papers and documents evidencing satisfaction of conditions and requirements specified in Chapter II of this Decree, corresponding to the type of operation for which a certificate or license is applied.

The Ministry of Industry and Trade shall specify dossiers of documents evidencing satisfaction of conditions and requirements on production, trading, preservation and use and blasting services for entities defined in Clauses 1 and 2, Article 36 of this Decree.

The Ministry of Public Security shall specify dossiers of documents evidencing satisfaction of conditions and requirements on transportation of industrial explosive materials.

The Ministry of Defense shall specify dossiers of documents evidencing satisfaction of conditions and requirements on use of industrial explosive materials of enterprises under the Ministry of Defense.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Dossier-receiving agencies shall examine dossiers and issue receipts to their submitters. A receipt must indicate the status of the submitted dossier and necessary supplementation and modification, if any.

5. Within 7 (seven) working days after receipt of complete and valid dossiers specified in Clause 2 of this Article, competent state agencies shall grant certificates or licenses to applicants. In case of refusal, they shall issue written replies stating the reasons.

6. Applicants for certificates or licenses shall pay charges and fees in accordance with law. The Ministry of Finance shall prescribe the rates as well as the collection, management and use of charges and fees for the grant of certificates and licenses.

Article 35. Contents and validity of certificates and licenses

1. A certificate or license contains the following major details:

a/ Name and address of head office of the organization carrying out industrial explosive materials activities;

b/ Location and scope of industrial explosive materials activities;

c/ Type of activity, quantity and categories of industrial explosive materials and explosive pre-substances;

d/ Technical conditions according to security and safety requirements prescribed in this Decree and current standards and regulations;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. No validity term is prescribed for eligibility certificates. Annually, agencies granting eligibility certificates shall assume the prime responsibility for. and coordinate with concerned agencies in, examining the eligibility certificate holders in their observance of conditions specified in their certificates.

3. The validity term of licenses is prescribed as follows:

a/ Not exceeding 5 (five) years for licenses for trading in industrial explosive materials and licenses for using industrial explosive materials for mining;

b/ According to the work duration but not exceeding 2 (two) years for licenses for using industrial explosive materials serving work construction, research, testing, and petroleum operations, and blasting service licenses;

c/ According to the period requested in the dossier but not exceeding 3 (three) months for licenses for importing and exporting industrial explosive materials or explosive pre-substances;

d/ According to the period requested in the dossier but not exceeding 6 (six) months for licenses for transporting industrial explosive materials. When necessary to ensure political security and social order and safety in national activities or political security-sensitive areas, the Ministry of Public Security shall prescribe and guide in detail the period of suspension of the grant of licenses for transporting industrial explosive materials, which must not be 2 (two) days longer than the time of happening of such activity.

4. The Ministry of Industry and Trade shall specify forms of certificates and licenses for producing, trading, preserving and using industrial explosive materials and blasting services.

The Ministry of Public Security shall specify the form of license for transporting industrial explosive materials and the dossier, order and procedures for granting this license.

Article 36. Agencies issuing certificates and licenses

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. People's Committees of provinces and centrally run cities shall organize the grant, modification and revocation of licenses for using industrial explosive materials with respect to remaining organizations under provincial management and grant licenses for using industrial explosive materials to enterprises defined in Clause 1 of this Article which have been equitized and in which the State no longer holds dominant shares, when their Ministry of Industry and Trade-granted licenses for using industrial explosive materials expire.

3. The Ministry of Public Security shall designate an agency to grant, modify and revoke licenses for transporting industrial explosive materials.

4. The Ministry of Defense shall designate an agency to grant, modify and revoke licenses for using industrial explosive materials with respect to enterprises under the Ministry of Defense.

Article 37. Renewal, modification and revocation of certificates and licenses

1. One month before the expiration of their licenses, organizations wishing to continue industrial explosive materials activities shall send written requests to competent agencies defined in Article 36 of this Decree.

If there is no change in the location, size and conditions of industrial explosive materials activities, competent agencies defined in Article 36 of this Decree shall renew licenses with a validity term not longer than that of the first ones and collect an appraisal charge equal to half of that for the grant of new licenses.

2. If an organization carrying out industrial explosive materials activities has any change in its business registration, location, size and conditions of activities, a competent agency defined in Article 36 of this Decree shall grant a modified certificate or license. Dossiers and the order and procedures for granting modified certificates and licenses are the same as those for granting new ones.

3. An organization that has its certificate or license damaged or lost shall make a written request for re-grant thereof to a competent agency defined in Article 36 of this Decree. After making 3 (three) announcements within 1 (one) week on its official website, the competent licensing agency shall re-grant the certificate or license if there is no evidence that the lost one is found; the re-granted certificate or license will have the same details and validity term as the lost one and indicate the invalidation of the lost one.

4. An organization may has its certificate or license revoked in the following cases:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ Failing to satisfy all or comply with conditions required in the certificate or license;

c/ Violating the certificate or license without taking any remedies within the time limit set by a competent agency;

d/ Leasing or lending the certificate or license; modifying the certificate or license without permission;

e/ Seriously violating the provisions of this Decree and current standards and regulations on safety techniques in industrial explosive materials activities;

f/ Terminating industrial explosive materials activities;

g/ The certificate or license has been granted ultra vires.

Competent licensing agencies may revoke certificates or licenses they have granted. Organizations having certificates or licenses revoked shall send these certificates or licenses and all duplicates thereof to licensing agencies within 7 (seven) days after receiving revocation decisions.

Article 38. Notification and supply of information on certificates and licenses

1. Certificate- and license-granting agencies shall announce on their official websites necessary information on the details of granted certificates and licenses, excluding information relating to security and defense secrets as prescribed by law Announced information will be as legally valid as original information in dossiers kept at certificate -and license-granting agencies.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 39. Management and registration of certificates and licenses

1. Certificates and licenses are non-transferable.

2. Certificates and licenses shall be kept at registered head offices of their holders.

3. Within 3 (three) days before carrying out activities using industrial explosive materials, license holders shall register their licenses with the Industry and Trade Services of provinces or centrally run cities where these activities are carried out:

a/ A dossier of registration consists of a copy of the use license, a list of blasting commanders and directly related persons, blasting design or plan, and time of blasting;

b/ Within 3 (three) days after receiving a dossier, the Industry and Trade Service of the province or centrally run city shall certify registration for the registering organization. In case of refusal, it shall issue a notice stating the reason;

c/ Registering organizations and individuals shall pay a fee according to regulations of the Ministry of Finance;

d/ The Ministry of Industry and Trade shall specify the form of registration certificate.

Chapte 4

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 40. Responsibilities of state management of industrial explosive materials activities

1. The Government performs the unified state management of industrial explosive materials activities nationwide.

2. The Ministry of Industry and Trade is responsible to the Government for managing industrial explosive materials activities.

Article 41. State management responsibilities of the Ministry of Industry and Trade for industrial explosive materials

The Ministry of Industry and Trade shall, within the scope of its tasks and powers, perform the following tasks of state management of industrial explosive materials activities:

1. To promulgate according to its competence or assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Defense, the Ministry of Public Security and concerned ministries and branches in, submitting to the Government for promulgation, legal documents, strategies, plannings and plans on development of industrial explosive materials and explosive pre-substances.

2. To make, revise and announce Vietnam's list of industrial explosive materials. To issue regulations on the grant, modification and revocation of licenses for activities involving industrial explosive materials and explosive pre-substances.

3. To guide the implementation of laws in activities involving industrial explosive materials and explosive pre-substances. specify conditions on persons directly related to industrial explosive materials activities and safety technique training, standards and regulations on safety techniques related to industrial explosive materials, regulations on quality, packaging, labeling and procedures for standard conformity notification, files on industrial explosive materials and incident response.

4. To assume the prime responsibility for. and coordinate with the Ministry of Defense, the Ministry of Public Security and concerned ministries and branches in. examining the implementation of laws in industrial explosive materials activities, examining plans on prevention of and response to incidents in industrial explosive materials activities; and to coordinate with concerned agencies in preventing, responding to and remedying incidents.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. To undertake international cooperation on industrial explosive materials activities.

7. To inspect industrial explosive materials activities; to settle complaints and denunciations related to industrial explosive materials activities.

Article 42. Responsibilities of the Ministry of Public Security

1. To examine and grant certificates of satisfaction of conditions on security, order and safety and fire prevention and fighting to organizations carrying out industrial explosive materials activities before competent agencies grant licenses or certificates of eligibility for carrying out industrial explosive materials activities. To examine and grant licenses for transporting industrial explosive materials and explosive pre-substances.

2. To coordinate with the Ministry of Industry and Trade in examining the observance of regulations on security and order and fire prevention and fighting by organizations and individuals involved in industrial explosive materials activities.

3. To assume the prime responsibility for. and coordinate with the Ministry of Industry and Trade and Ministry of Defense in, prescribing the transportation of industrial explosive materials to assure security, safety and fire prevention and fighting.

Article 43. Responsibilities of the Ministry of Defense

1. To coordinate with the Ministry of Industry and Trade in formulating strategies, plannings, plans and schemes on development of the industrial explosive materials industry and submitting them to the Prime Minister for approval.

2. To examine and grant licenses for using industrial explosive materials to defense enterprises and army units engaged in economic activities. To coordinate with the Ministry of Industry and Trade in examining the observance of law in industrial explosive materials activities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 44. Management responsibilities of ministries and ministerial-level agencies directly related to industrial explosive materials activities

Ministries, ministerial-level agencies and government-attached agencies shall, within the scope of their tasks and powers, coordinate with the Ministry of Industry and Trade in performing the state management of industrial explosive materials activities.

Article 45. State management responsibilities of People's Committees at all levels for industrial explosive materials activities

1. People's Committees at all levels shall, within their respective tasks and powers, manage, inspect, examine, settle complaints and denunciations, and handle administrative violations in industrial explosive materials activities in their localities according to the Government's decentralization, the provisions of this Decree and other relevant laws.

To issue regulations on management of industrial explosive materials and explosive pre-substances in their localities in accordance with law and local conditions. To organize in their localities activities of responding to incidents related to industrial explosive materials being transported and at places of preservation and loading and unloading of industrial explosive materials.

2. Provincial-level Industry and Trade Services are specialized agencies assisting their People's Committees in managing industrial explosive materials activities in their localities.

Article 46. Inspection of industrial explosive materials activities

1. The Ministry of Industry and Trade, concerned ministries and ministerial-level agencies and People's Committees at all levels shall inspect industrial explosive materials activities under their assigned or decentralized management.

2. The organization, tasks and powers of the inspectorate in charge of industrial explosive materials comply with the law on inspection.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Organizations and individuals that commit acts in violation of this Decree and other laws concerning industrial explosive materials activities shall, depending on the seriousness of their violations, be disciplined, administratively sanctioned under the Government's Decree No. 64/2005/ND-CPof May 16,2005, on sanctioning of administrative violations in the field of management of industrial explosive materials, or be examined for penal liability; if causing damage, they shall pay compensations therefor in accordance with law.

2. Individuals who abuse their positions and powers to cause difficulties and troubles to organizations and individuals carrying out industrial explosive materials activities; cover up violators of the law on industrial explosive materials activities or show irresponsibility causing serious consequences shall, depending on the seriousness of their violations, be disciplined or examined for penal liability; if causing damage, they shall pay compensations therefor in accordance with law.

Chapter 5

 IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 48. Effect

This Decree takes effect on June 22. 2009.

This Decree replaces the Government's Decree No. 27/CP of April 20, 1995, on management, production, supply and use of industrial explosive materials: Article 9 of the Government's Decree No. 47/CP of August 12. 1996. on management of weapons, explosive materials and support tools; and Chapter IV of the Regulation on management of weapons, explosive materials and support tools, issued together with Decree No. 47/CP of August 12, 1996. To annual Clause 3 of the List of goods and services restricted from business (Appendix II) enclosed with the Government's Decree No. 59/2006/ND-CP of June 12, 2006, detailing the implementation of the Commercial Law regarding goods and services banned from business, restricted from business and subject to conditional business; and all regulations contrary to this Decree.

Article 49. Transition provisions

1. Certificates and licenses granted to organizations and individuals carrying out industrial explosive materials activities in accordance with law before the effective date of this Decree will continue to be effective till the end of their validity terms.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 50. Organization of implementation

1. The Ministry of Industry and Trade shall coordinate with concerned ministries and branches in guiding the implementation of this Decree.

2. Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government-attached agencies and presidents of provincial-level People's Committees shall implement this Decree.

 

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PRIME MINISTER





Nguyen Tan Dung

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 39/2009/NĐ-CP ngày 23/04/2009 về vật liệu nổ công nghiệp

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


41.741

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.95.233
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!