ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 255/KH-UBND
|
Quảng Ninh, ngày 31 tháng 10 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI DỰ ÁN 8 “THỰC HIỆN BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ GIẢI QUYẾT NHỮNG VẤN ĐỀ
CẤP THIẾT ĐỐI VỚI PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM” THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT
TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN
2021-2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH; GIAI ĐOẠN I: TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2025
Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg
ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc
gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (sau
đây gọi tắt là Chương trình MTQGDTTS&MN) giai đoạn
2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Nghị quyết số 06-NQ/TU
ngày 17/5/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết
16/2012/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển bền vững
kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn,
bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn
2021-2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Kế hoạch
số 43/KH-ĐCT ngày 03/6/2022 và Hướng dẫn số 04/HD-ĐCT ngày 28/7/2022 của Đoàn
Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam về việc triển khai thực hiện
Dự án 8, giai đoạn I (2021-2025). Theo đề nghị của Ban Thường vụ Hội Liên hiệp
phụ nữ tỉnh Quảng Ninh tại Tờ trình số 26/TTr-HPN ngày 18/10/2022; Ủy ban nhân
dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Dự án 8 “Thực hiện
bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em
(sau đây gọi tắt là Dự án 8) thuộc Chương trình MTQG DTTS&MN giai đoạn I
(2021-2025) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Nâng cao nhận thức, thay đổi định
kiến, chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm
sóc phụ nữ và trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp
thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu
số và miền núi trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo an sinh
xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền;
- Phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội
liên hiệp phụ nữ và các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện Dự án 8, góp phần
thực hiện tốt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng
bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo
Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban
chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết 16/NQ-HĐND ngày
16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển bền vững
kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn,
bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021
- 2025, định hướng đến năm 2030.
2. Yêu cầu
- Các mô hình, hoạt động của Dự án 8
cần bám sát nội dung, yêu cầu của Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS&MN
theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các
văn bản, hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam;
- Trong quá
trình triển khai Dự án phải có sự phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể
và địa phương; phối hợp nguồn lực, gắn kết việc thực hiện Dự án 8
với các chương trình, dự án khác trong Chương trình mục tiêu quốc gia
DTTS&MN, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương
trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình, dự án khác
đang triển khai tại địa phương;
- Các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của
Dự án cần được cụ thể hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương
trong tỉnh, hoạt động đảm bảo thiết thực hiệu quả, tiết kiệm, đúng tiến độ; đánh
giá, rút kinh nghiệm thường xuyên các mô hình điểm để kịp thời tháo gỡ khó khăn
trong quá trình thực hiện và triển khai nhân rộng trên địa bàn của tỉnh.
II. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, ĐỊA BÀN
THỰC HIỆN
1. Mục tiêu
Nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến
giới, khuôn mẫu giới, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ
nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu
quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số
và miền núi của tỉnh Quảng Ninh.
2. Đối tượng thụ hưởng
Phụ nữ và trẻ em gái tại các xã,
thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của tỉnh, nhất là các thôn,
khu đặc biệt khó khăn và các xã, thôn vừa hoàn thành xong chương trình 135 (vừa
mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020)1;
ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người dân tộc thiểu số trong
các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình
dục, di cư lao động không an toàn/lấy chồng nước ngoài trở về, trẻ em có hoàn cảnh
đặc biệt, phụ nữ khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo.
3. Địa bàn tác động
- Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và
miền núi của tỉnh thuộc phạm vi Đề án phát triển bền vững
kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn,
bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn
2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo Nghị quyết 06/NQ-TU ngày 17/5/2021 của
Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết 16/NQ- HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng
nhân dân tỉnh; ưu tiên nguồn lực cho các thôn, khu đặc biệt khó khăn và các xã,
thôn vừa hoàn thành xong chương trình 135 (vừa mới ra khỏi diện đặc biệt khó
khăn giai đoạn 2016-2020).
III. CHỈ TIÊU VÀ NỘI
DUNG HOẠT ĐỘNG
1. Các chỉ tiêu
chính của Dự án 8 đến năm 2025
- Thành lập 36 tổ truyền thông cộng đồng
được thành lập và duy trì hoạt động tại các thôn đặc biệt khó khăn và các thôn
mới hoàn thành chương trình 135 (mỗi thôn 01 tổ truyền thông, gồm 12 thôn, khu
đặc biệt khó khăn và 24 thôn mới hoàn thành chương trình 135);
- Thành lập ít nhất 50 Câu lạc bộ Thủ
lĩnh của sự thay đổi của trẻ em được thành lập, nâng cao năng lực và hỗ trợ tổ
chức hoạt động tại 25 xã vừa hoàn thành chương trình 135 (mỗi xã thành lập ít nhất 02 CLB);
- Ít nhất 100 địa chỉ tin cậy cộng đồng
được củng cố, nâng cao chất lượng trên cơ sở mô hình hiện có hoặc thành lập mới
tại các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh;
- Ít nhất 100 Tổ tiết kiệm và vay vốn
tại các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh được củng cố,
nâng cao chất lượng/hoặc thành lập mới và duy trì hoạt động hiệu quả;
- Trên 80% phụ nữ làm chủ hoặc đồng
làm chủ các mô hình sản xuất kinh doanh hoặc tham gia thành viên các tổ/nhóm
sinh kế tại các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được bồi dưỡng,
tập huấn, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản
xuất và kết nối thị trường;
- Trên 80% phụ nữ vùng đồng bào dân tộc
thiểu số, miền núi trong độ tuổi sinh đẻ được tuyên truyền, vận động, tư vấn kiến
thức và tiếp cận với dịch vụ sinh đẻ an toàn;
- 100% phụ nữ tại địa phương có nhu cầu
phát triển kinh tế và có đủ điều kiện được Hội tạo điều kiện tiếp cận, vay và sử
dụng các nguồn vốn hiệu quả;
- Đến năm 2025, 100% phụ nữ thuộc 12
thôn đặc biệt khó khăn và 24 thôn mới hoàn thành Chương trình 135 được truyền
thông/bồi dưỡng, tập huấn về xóa bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới, phòng ngừa,
ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; phòng chống mua bán
người...
- Mỗi xã tổ chức 01 cuộc đối thoại
chính sách cấp xã/năm giữa người đứng đầu/đại diện cấp ủy, chính quyền địa
phương với hội viên phụ nữ về các vấn đề liên quan tới phụ nữ và trẻ em;
- Hằng năm, Hội liên hiệp phụ nữ cấp
huyện/cấp xã tổ chức ít nhất 01 cuộc giám sát/năm về các chính sách liên quan đến
phụ nữ, trẻ em DTTS, miền núi;
- Hằng năm, 100% đội ngũ cán bộ nữ chủ
chốt cấp xã và cán bộ Hội phụ nữ cơ sở được bồi dưỡng, cập
nhật kiến thức, kỹ năng theo quy định.
2. Nội dung hoạt
động
2.1. Nội dung 1: Tuyên truyền,
vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp
phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những
tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội
cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em
2.1.1. Xây dựng các tổ truyền thông tiên
phong thay đổi trong cộng đồng
- Thành lập và duy trì hiệu quả hoạt
động của Tổ truyền thông cộng đồng (thu hút sự tham gia của cả nam giới, nữ giới
là những người có uy tín trong thôn, khu, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn
giáo...);
- Xây dựng tài liệu hướng dẫn truyền
thông, tổ chức tập huấn cho các thành viên trong Tổ truyền thông cộng đồng; vận
hành, quản lý các tổ truyền thông; hỗ trợ trang thiết bị cơ bản trên cơ sở rà
soát những thiết bị đã được trang bị tại cấp thôn;
- Tổ chức các hoạt động giao lưu,
trao đổi kinh nghiệm giữa các tổ truyền thông của các địa phương.
2.1.2. Thực hiện các chiến dịch truyền
thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, những tập tục văn hóa lạc hậu, xây dựng
môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
- Xây dựng tài liệu/ấn phẩm truyền
thông, tổ chức truyền thông với nhiều hình thức: Trực tiếp, trên các kênh truyền
thông của các cấp Hội: Website, zalo, faceboook, fanpage...
- Tăng cường số hóa tài liệu và truyền
thông dưới dạng video, hình ảnh, phù hợp với đối tượng, từng vùng dân tộc để
chia sẻ, lan tỏa qua các kênh thông tin trên nền tảng số.
2.1.3. Hội thi/liên hoan các mô hình
sáng tạo và hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực
gia đình, mua bán phụ nữ và trẻ em.
- Tổ chức các cuộc thi/liên hoan cấp
tỉnh/cấp huyện/xã để tìm kiến sáng kiến, giải pháp truyền
thông hiệu quả nhằm thay đổi "Nếp nghĩ, cách làm" đối với người dân
vùng đồng bào DTTS;
- Tư liệu hóa các sáng kiến, mô hình,
giải pháp hiệu quả thông qua các cuộc thi/liên hoan để tuyên truyền, nhân rộng.
2.1.4. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ
phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em tại địa bàn
có đông người DTTS.
- Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận
thức phòng, chống tảo hôn và vận động phụ nữ sinh con đúng chính sách thông qua
tổ chức các chiến dịch truyền thông tại cơ sở và gắn với các buổi họp thôn,
sinh hoạt chi tổ phụ nữ;
- Nắm bắt tình hình phụ nữ dân tộc
thiểu số trong độ tuổi sinh đẻ, trẻ em gái vị thành niên; thực
hiện tốt chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là
người dân tộc thiểu số từ đủ 18 tuổi trở lên sinh con tại các cơ sở y tế
theo quy định;
- Chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ,
trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, trẻ em; nâng cao tầm vóc, thể lực người dân tộc
thiểu số; Thực hiện tốt các mô hình, chương trình, đề án cải thiện dinh dưỡng,
thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
2.1.5. Tổ chức các lớp, các hội nghị
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới, về phòng, chống tảo
hôn, hôn nhân cận huyết thống; tập huấn kỹ năng tuyên truyền, kỹ năng phòng, chống bạo lực
trên cơ sở giới trong địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh
nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị thế của phụ nữ DTTS; xóa bỏ tư tưởng định
kiến và các quan niệm lạc hậu về giới; góp phần chấm dứt
hành vi phân biệt đối xử, bạo lực trên cơ sở giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
2.2. Nội dung 2: Xây dựng và
nhân rộng các mô hình thay đổi “Nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế
cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em
2.2.1. Tăng cường tiếp cận tín dụng,
cải thiện cơ hội sinh kế, tạo cơ hội, tạo thu nhập và lồng ghép giới; củng cố,
nâng cao chất lượng/hoặc thành lập mới và duy trì các tổ Tiết kiệm và vay vốn tại
thôn, bản.
2.2.2. Hỗ trợ ứng
dụng công nghệ 4.0 để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
trong sản xuất và kết nối thị trường cho các sản phẩm nông sản, quảng bá, phát
triển, quản lý chất lượng các sản phẩm bản địa, nhất là
các sản phẩm OCOP địa phương.
2.2.3. Củng cố nâng cao chất lượng hoặc
thành lập mới Địa chỉ tin cậy cộng đồng hỗ trợ bảo vệ phụ nữ, trẻ em là nạn
nhân của bạo lực gia đình/xâm hại.
2.2.4. Nghiên cứu có các mô hình hỗ
trợ phát triển sinh kế, hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người; các mô
hình thúc đẩy bình đẳng giới có sự tham gia của nam giới theo chỉ đạo, hướng dẫn
của Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
2.3. Nội dung 3: Đảm bảo tiếng
nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển
kinh tế - xã hội của cộng đồng; giám sát và
phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị
2.3.1. Đảm bảo tiếng nói và vai trò của
phụ nữ trong các vấn đề kinh tế - xã hội tại địa phương.
- Xây dựng sổ tay hướng dẫn thực hiện
đối thoại chính sách ở cấp cơ sở và tập huấn hướng dẫn triển
khai;
- Tổ chức các cuộc đối thoại chính
sách ở cấp xã giữa người đứng đầu/đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương với hội
viên, phụ nữ hoặc các cuộc tọa đàm đối thoại tại cụm thôn,
bản;
- Vận động và hướng dẫn hội viên phụ
nữ tham gia các hoạt động cộng đồng: Các cuộc họp dân, tiếp xúc cử tri của đại
biểu dân cử tại địa bàn, đóng góp ý
kiến xây dựng hệ thống chính trị...;
- Thực hiện giám sát các hoạt động
theo chủ đề/vấn đề do Hội chủ động đề xuất, chủ trì hoặc phối hợp thực hiện.
2.3.2. Đảm bảo tiếng nói và vai trò của
trẻ em gái trong phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng
thông qua mô hình Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi".
- Thí điểm thành lập, vận hành Câu lạc
bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" tại một số Trường Trung học cơ sở thuộc
địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi;
- Xây dựng tài liệu hướng dẫn thành lập,
vận hành Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi";
- Trang bị một số vật dụng cần thiết phục vụ hoạt động
và hỗ trợ Câu lạc bộ tổ chức một số buổi sinh hoạt làm mẫu.
2.3.3. Công tác giám sát và đánh giá
về thực hiện bình đẳng giới trong Chương trình MTQG DTTS&MN.
- Thực hiện khảo sát đầu kỳ, đánh giá
giữa kỳ và cuối kỳ các nội dung liên quan đến bình đẳng giới; xây dựng Báo cáo
cuối kỳ đánh giá kết quả thực hiện bình đẳng giới trong Chương trình MTQG
DTTS&MN trên địa bàn tỉnh giai đoạn I (2021-2025);
- Tổ chức các hoạt động chia sẻ kết
quả Báo cáo đánh giá thực hiện bình đẳng giới trong Chương
trình MTQG DTTS&MN và các hoạt động vận động chính sách.
2.3.4. Nâng cao năng lực của phụ nữ
dân tộc thiểu số tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính
trị.
- Phối hợp xây dựng tài liệu và phối
hợp tổ chức hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ người DTTS, miền
núi (gồm cán bộ nữ đương nhiệm và trong quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, cán
bộ nữ mới bổ nhiệm, cán bộ nữ mới trúng cử lần đầu và cán
bộ nữ khác có nhu cầu);
- Quan tâm bồi dưỡng, hỗ trợ nâng cao năng lực cho phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia ứng cử
vào các cơ quan dân cử; giới thiệu để kết nạp Đảng;
- Tổ chức tham quan, học tập, trao đổi
kinh nghiệm tại các địa phương làm hiệu quả.
2.4. Nội dung 4: Trang bị kiến
thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống
chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng
đồng.
- Tổ chức gặp mặt/tập huấn nâng cao
năng lực lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống lãnh đạo của địa phương (cấp
huyện, cấp xã), cán bộ thôn bản, lực lượng cốt cán tôn giáo, dân tộc, người có
uy tín trên địa bàn;
- Vận động những người có uy tín
trong cộng đồng tham gia hội viên danh dự của tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ,
đóng góp xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
IV. THỜI GIAN, LỘ
TRÌNH THỰC HIỆN
1. Năm 2022-2023
- Tập trung khảo sát đầu kỳ, tìm hiểu
nhu cầu thực tế của đối tượng hường lợi, xác định thực trạng và nhu cầu làm cơ
sở xây dựng các mô hình, hoạt động tại địa phương làm điểm;
- Xây dựng tài liệu hướng dẫn triển
khai các mô hình, hoạt động của Dự án trên địa bàn tỉnh;
- Tiến hành thành lập, vận hành các
mô hình điểm; tập huấn, hướng dẫn cán bộ Hội, các cấp Hội triển khai mô hình,
hoạt động;
- Sơ kết, rút kinh nghiệm (vào năm
2023) để điều chỉnh công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Dự án các năm tiếp
theo.
2. Năm 2024-2025
- Triển khai đồng loạt tất cả các mô
hình, hoạt động của Dự án từ nguồn ngân sách của tỉnh;
- Đánh giá, tổng kết giai đoạn I của
Dự án (vào năm 2025), làm cơ sở điều chỉnh cách thức chỉ đạo, điều hành và định
hướng triển khai các mô hình, hoạt động của dự án 8 giai đoạn tiếp theo
(2026-2030).
V. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
1. Nguồn
kinh phí thực hiện Kế hoạch: Từ ngân sách nhà nước trong dự toán chi thường
xuyên hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; nguồn huy động đóng
góp của các tổ chức, cá nhân và nguồn thu hợp pháp khác.
2. Hằng
năm (vào tháng 7), căn cứ các nhiệm vụ được giao thực hiện Kế hoạch, Hội Liên
hiệp Phụ nữ tỉnh tổng hợp dự toán của các sở, ban ngành khối tỉnh gửi Ban Dân tộc
tỉnh tổng hợp chung vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã
hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 gửi Sở Tài
chính tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố
trí kinh phí.
3. Ủy ban
nhân dân cấp huyện, cấp xã cân đối, bố trí nguồn kinh phí của địa phương theo
quy định phân cấp ngân sách nhà nước để thực hiện Kế hoạch.
VI. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Đề nghị Hội
Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
- Chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân
dân tỉnh thành lập Ban điều hành Dự án 8 tại cấp tỉnh với sự tham gia của các sở,
ban, ngành liên quan;
- Là cơ quan thường trực, đầu mối
tham mưu, giúp việc của Ban điều hành Dự án 8 cấp tỉnh, thay mặt Ban Điều hành
ban hành các văn bản triển khai Dự án; chủ trì, phối hợp với
các sở, ban, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện các chỉ tiêu, hoạt động
của Dự án 8 trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch Dự án giai đoạn và hàng năm; tham
mưu hướng dẫn thực hiện dự án 8 tại cấp huyện và cơ sở;
- Phân công 01 đồng chí lãnh đạo Hội
liên hiệp phụ nữ tỉnh phụ trách và 01 ban chuyên môn đầu mối tham mưu thực hiện
Dự án 8 trên địa bàn tỉnh;
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh
ban hành kế hoạch hoạt động Dự án theo giai đoạn, hằng năm trên cơ sở các văn bản
chỉ đạo, hướng dẫn chung của Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS&MT và hướng
dẫn của Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; chủ trì tổng hợp dự toán của
các sở, ngành, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch (khối cấp tỉnh) gửi Ban Dân tộc tỉnh tổng hợp chung
vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào
DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025; đồng thời vận động, huy động thêm nguồn lực
xã hội hóa để chủ động, kịp thời triển khai các nhiệm vụ
theo kế hoạch của Dự án;
- Tổ chức các hội nghị/tập huấn/hướng
dẫn triển khai Dự án tại tỉnh theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt
và hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam;
- Tham mưu triển khai sơ kết, tổng kết,
đánh giá kết quả thực hiện Dự án hằng năm, giai đoạn; tổng hợp báo cáo kết quả, tiến độ thực hiện Dự án 8 tại địa phương theo
yêu cầu của Trung ương và của tỉnh.
2. Các sở,
ngành liên quan
2.1. Ban Dân tộc tỉnh
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và Quyết
định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với Hội Liên
hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Dự án 8; thực hiện lồng ghép giới
trong các dự án do đơn vị chủ trì, theo dõi, giám sát đánh giá thực hiện lồng
ghép giới trong các dự án;
- Trên cơ sở dự toán thực hiện các
nhiệm vụ Kế hoạch do Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh tổng hợp, Ban Dân tộc có trách
nhiệm tổng hợp chung vào Chương trình mục tiêu quốc gia
phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025
gửi Sở Tài chính tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân
tỉnh bố trí kinh phí hằng năm để triển khai thực hiện;
- Chia sẻ, cập nhật thông tin, báo
cáo kết quả thực hiện lồng ghép giới trong các dự án thành phần do đơn vị chủ
trì gửi về Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh để tổng hợp, báo cáo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ủy ban nhân
dân tỉnh theo quy định.
2.2. Sở Tài chính
- Trên cơ sở dự toán do Ban Dân tộc tỉnh
tổng hợp chung cùng Chương trình mục tiêu quốc gia phát
triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân
tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách
cấp tỉnh và đề xuất phân bổ kinh phí các sở, ban, ngành theo quy định;
- Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa
phương hướng dẫn lập dự toán, thanh, quyết toán; kiểm tra, thanh tra việc sử dụng
kinh phí thực hiện các nhiệm vụ đã được phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định pháp luật khác liên quan.
2.3. Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội
Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
hỗ trợ kỹ thuật triển khai các hoạt động nâng cao năng lực,
truyền thông thực hiện bình đẳng giới và vận động lồng ghép giới trong các
chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, phòng
chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; hướng dẫn, đôn đốc thực hiện kịp
thời các chính sách trợ giúp xã hội đối với phụ nữ và trẻ
em; hỗ trợ tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ tham gia học nghề; phối hợp với Hội
liên hiệp phụ nữ tỉnh xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm thúc đẩy bình
đẳng giới.
2.4. Sở Giáo dục và Đào tạo
Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh,
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo triển khai thành lập mô
hình "Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi" của trẻ em trong
các trường Trung học cơ sở và phối hợp thực hiện lồng ghép giới trong các
chương trình bồi dưỡng, nâng cao nhận
thức cho cán bộ quản lý và giáo viên các bậc học giáo dục phổ thông.
2.5. Sở Y tế
Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
hướng dẫn, chỉ đạo ngành dọc rà soát thực tế số lượng phụ
nữ dân tộc thiểu số trong độ tuổi sinh đẻ và tỷ lệ phụ nữ
dân tộc thiểu số sinh con tại nhà (nếu có); nghiên cứu tham mưu đề xuất các cơ
chế, chính sách hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận
với dịch vụ sinh đẻ an toàn; phối hợp hướng dẫn và triển khai thực hiện hiệu quả
các nội dung, chương trình, đề án dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ
em.
2.6. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
hỗ trợ kỹ thuật triển khai mô hình sinh kế cho phụ nữ hoặc hỗ trợ tập huấn cho
phụ nữ tham gia các tô/nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã thực hiện chuyển đổi
số, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị
trường.
2.7. Sở Văn hóa và Thể thao
Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
chỉ đạo triển khai mô hình Địa chỉ tin cậy cộng đồng và
các hoạt động hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình đối với
phụ nữ, trẻ em.
2.8. Sở Nội vụ
Phối hợp với các ban, ngành, đơn vị
chức năng và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tham mưu rà soát, lập danh sách cán bộ nữ
vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi (nhất là cán bộ nữ người dân tộc thiểu số) mới được bầu cử,
đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp từ tỉnh đến
cơ sở; thực hiện các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ
nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh.
2.9. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
thực hiện các hoạt động truyền thông, hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin trong
sản xuất, kết nối thị trường cho các sản phẩm bản địa do tổ (nhóm) phụ nữ sản
xuất, hỗ trợ truyền thông xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới trên các kênh
truyền thông đại chúng.
2.10. Trung tâm truyền thông tỉnh
Tăng cường công tác tuyên truyền về
thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và
trẻ em, các hoạt động của Kế hoạch thực hiện Dự án 8 trên địa bàn tỉnh. Xây dựng
và nâng cao chất lượng tin, bài, tăng thời lượng phát sóng, tăng số lượng tin, bài trên các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự truyền hình
về thực hiện bình đẳng giới và những vấn đề cấp thiết đối
với phụ nữ và trẻ em.
2.11. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh
Phối hợp triển khai thực hiện tốt tín
dụng chính sách theo các chương trình mục tiêu quốc gia và Nghị quyết 06/NQ-TU
ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, hướng dẫn, hỗ trợ tạo điều kiện
thuận lợi cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được tiếp cận với
các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững;
phối hợp với Hội phụ nữ trong việc hướng dẫn và quản lý, nâng cao chất lượng,
hiệu quả hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, bản.
3. Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố
- Căn cứ Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch
của địa phương và cân đối, bố trí nguồn lực để tổ chức triển
khai thực hiện các hoạt động của Dự án trên địa bàn;
- Giao nhiệm vụ cho Hội liên hiệp phụ
nữ các huyện, thị xã, thành phố là cơ quan đầu mối chủ trì, tham mưu cho Ủy ban
nhân dân triển khai thực hiện Dự án 8 tại địa phương; chỉ đạo các cơ quan
chuyên môn và Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với Hội Liên
hiệp phụ nữ cấp huyện, cấp xã trong quá trình thực hiện Dự án để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra;
- Phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh
trong tổ chức thực hiện các hoạt động dự án tại các xã, thôn, bản và khu dân cư
trên địa bàn quản lý.
4. Đề nghị Ủy ban
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh
- Theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp
chặt chẽ với Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh trong công tác tuyên truyền, vận động,
giám sát quá trình triển khai thực hiện Dự án 8 trên địa bàn tỉnh và việc thực
hiện chính sách hỗ trợ giải quyết những vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em
vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi;
Trên đây là Kế hoạch triển khai Dự án
8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ
và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS&MN trên địa bàn tỉnh,
giai đoạn I: từ năm 2021-2025. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành;
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và đề nghị Ban Thường vụ Hội liên
hiệp phụ nữ tỉnh, Ủy ban mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh
tích cực triển khai thực hiện, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Trong quá trình triển khai thực hiện,
nếu có vấn đề vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, đơn vị kịp thời tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh)
xem xét, điều chỉnh có phù hợp./.
Nơi nhận:
- Trung ương Hội LHPNVN
(b/c);
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh (b/c);
- CT, P4 UBND tỉnh (b/c);
- Ủy ban MTTQ, các tổ chức CT-XH tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tại mục VI Kế hoạch.
- Các huyện, thị, thành ủy;
- UBND các huyện, tx, tp;
- V0, V1, V2, NLN1, 3, VX2;
Lưu: VT, NLN3 (03b, KH28).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Văn Thành
|
1
Hiện nay trên địa bàn tỉnh không còn xã đặc biệt khó khăn nhưng
còn 12 thôn, khu, bản đặc biệt khó khăn; 25
xã vừa hoàn thành xong chương trình 135 (vừa mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn giai
đoạn 2016-2020) và 24 thôn mới hoàn thành chương trình 135 (ngoài 25 xã
nói trên). Các xã, thôn, bản nói trên thuộc 08 huyện, thị
xã, thành phố trong tỉnh, bao gồm: Hạ
Lọng, Cẩm Phả, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn (12 thôn, khu đặc biệt khó khăn
thuộc 06 xã, 01 thị trấn của Hải Hà
và Bình Liêu (Bình Liêu: 11 thôn, Hải Hà: 01 bản) theo Quyết
định số 433/QĐ-UBND ngày 18/6/2021 của Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào
DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2025. Tỉnh đang phấn đấu đến hết năm 2022, không còn thôn, bản đặc biệt khó khăn, 100% số xã thuộc khu vực này đạt chuẩn nông thôn mới...; 25 xã vừa hoàn
thành xong chương trình 135 (vừa mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn giai đoạn
2016-2020) thuộc địa bàn 07 huyện, thị xã, thành phố,
trong đó: Hạ Long: 03 xã; Móng Cái: 02 xã; Ba Chẽ: 06 xã; Tiên Yên: 02 xã; Bình Liêu: 07 xã; Đầm Hà: 03 xã; Hải Hà: 02 xã; 24 thôn vừa
hoàn thành chương trình 135 (ngoài 25 xã nói trên) bao gồm Hạ Long: 01 thôn; Huyện Vân Đồn: 04 thôn; Huyện Ba Chẽ: 03
thôn; Huyện Tiên Yên: 08 thôn; Huyện Đầm Hà: 01 thôn; Huyện
Hải Hà: 7 thôn.