ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 171/KH-UBND
|
Hậu Giang, ngày
04 tháng 10 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
PHỤC HỒI SẢN XUẤT KINH DOANH TỈNH HẬU GIANG
Do tác động của đại dịch
COVID-19, kinh tế tỉnh Hậu Giang đã và đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, có nhiều
doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; cung ứng và lưu chuyển
thương mại bị gián đoạn; sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xuất nhập khẩu, du lịch,
lưu trú, y tế, lao động, việc làm,... gặp nhiều khó khăn, sức chống chịu của
khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị suy giảm nặng nề. Cùng với cả
nước, Tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, nghiêm ngặt để
kiểm soát dịch và đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhanh chóng thiết lập
trạng thái bình thường mới.
Dự báo tác động tiêu cực của dịch
bệnh COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Tỉnh trong năm 2021 và
giai đoạn 2021 - 2025 (mục tiêu đã đề ra tăng trưởng từ 6,5 - 7%/năm). Trước
tình hình đó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải tập trung cho công tác phòng,
chống dịch COVID-19; đồng thời, triển khai các giải pháp phù hợp nhằm giảm thiểu
tác động của dịch COVID-19, vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh sản xuất,
kinh doanh, sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Ủy ban nhân
dân tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh tỉnh Hậu
Giang, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Bảo đảm an toàn phòng, chống
dịch COVID-19, giảm thiểu số ca nhiễm bệnh trong cộng đồng; đồng thời, dần
khôi phục nền kinh tế của tỉnh, giải quyết công ăn việc làm và an sinh xã hội.
Chuyển từ mục tiêu “không COVID-19” sang từng bước “sống chung với COVID-19”
theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với tình hình diễn
biến của dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
2. Thúc đẩy và hỗ trợ thực hiện
các phương án “sống chung với COVID-19”; đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng
COVID-19 cho toàn dân để sớm đạt tỷ lệ 70% dân số từ 18 tuổi trở lên được
tiêm đủ liều, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội để kinh tế phục hồi theo hướng
bền vững.
3. Mở rộng và bảo vệ chặt chẽ
“Vùng xanh” nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; kiểm soát dịch bệnh và sớm ổn
định sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu vực,
địa bàn sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản,
kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, cung ứng lao động.
4. Tạo điều kiện thuận lợi cho
doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư công, kết
nối liên hoàn các chuỗi cung ứng, tăng khả năng cạnh tranh và sức chống chịu của
doanh nghiệp trước các cú sốc của nền kinh tế. Nới lỏng, cho phép mọi hoạt động
sản xuất, kinh doanh, đầu tư công được hoạt động khi đảm bảo các điều kiện an
toàn phòng, chống dịch COVID-19.
5. Phục hồi nền kinh tế nhanh,
bền vững, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội
năm 2021, tạo nền tảng tăng trưởng vững chắc cho những năm tiếp theo.
II. MỤC TIÊU
PHẤN ĐẤU
1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế
(GRDP) tăng từ 4,45% - 6,5%.
2. GRDP bình quân đầu người 57
triệu đồng/người.
3. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt
800 triệu USD.
4. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội
đạt 16.900 tỷ đồng.
5. Tổng thu nội địa 4.010 tỷ
đồng.
6. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân
vốn đầu tư công, phấn đấu đến ngày 31/12/2021 giải ngân vốn đầu tư công năm
2021 đạt từ 95% đến 100% kế hoạch giao đầu năm.
7. Khôi phục, phát triển hoạt động
sản xuất, kinh doanh của cá c doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với
bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Tập trung vào các doanh nghiệp
trong các ngành, lĩnh vực có khả năng dẫn dắt, tạo động lực phục hồi nhanh, bền
vững cho nền kinh tế; bảo đảm phù hợp với phương hướng phát triển các ngành,
lĩnh vực ưu tiên trong các nhiệm vụ đột phá của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng
bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
III. ĐỊNH HƯỚNG
MỞ CỬA CÁC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ
1. Định hướng
mở cửa các hoạt động kinh tế
- Cho phép mọi hoạt động sản
xuất, kinh doanh được hoạt động khi đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống
dịch COVID-19. Việc mở cửa được thực hiện có lộ trình, tăng dần tỷ lệ. Thực
hiện công tác quản lý bằng quy định chung, không ban hành thêm các loại giấy
phép con.
- Các ngành nghề kinh doanh,
các loại hình dịch vụ không thiết yếu, tập trung đông người tại các nơi công cộng
cần phải có các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 thật cụ thể và chặt chẽ,
đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện về phòng, chống dịch COVID-19 theo phân loại đối
tượng và vùng dịch tễ an toàn thì mới được phép mở cửa, không có trường hợp
ngoại lệ.
- Tổ công tác hỗ trợ doanh
nghiệp phục hồi hoạt động trong điều kiện bình thường mới do Chủ tịch UBND tỉnh
thành lập triển khai hướng dẫn chi tiết quy trình tổ chức hoạt động sản xuất
kinh doanh phù hợp từng giai đoạn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, đơn vị
sản xuất kinh doanh linh hoạt, tự chủ mà vẫn bảo đảm an toàn phòng, chống dịch
COVID-19. Theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp hoạt động
trong các ngành nghề quan trọng của chuỗi sản xuất kinh doanh, báo cáo Lãnh đạo
tỉnh để tháo gỡ kịp thời các khó khăn phát sinh, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất.
2. Tiến độ
triển khai thực hiện:
- Giai đoạn 1 (Từ khi kế hoạch
được ban hành đến ngày 31 tháng 12 năm 2021): Triển khai các giải pháp tập
trung cần làm ngay, chặt chẽ, linh động, thận trọng nhưng không cứng nhắc, vừa
làm vừa nghiên cứu, tiếp thu, điều chỉnh để kịp thời giải quyết các khó khăn,
vướng mắc, tạo điều kiện nhanh nhất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh
doanh, nông hộ trên địa bàn tỉnh sớm quay lại với hoạt động sản xuất kinh
doanh. Chuẩn bị các giải pháp hỗ trợ kết nối tiêu thụ hàng hóa, nông sản trước,
trong và sau Tết Nguyên đán.
- Giai đoạn 2 (Từ ngày 01 tháng
01 năm 2022 trở về sau): Đánh giá các nội dung đã triển khai trong giai đoạn 1,
rút kinh nghiệm và đề ra các nhiệm vụ tiếp theo trên cơ sở kết quả thực hiện
các giải pháp đã thực hiện trong giai đoạn 1, từng bước tiến đến khôi phục hoàn
toàn các hoạt động kinh tế trong điều kiện bình thường mới.
IV. NHIỆM VỤ
TRỌNG TÂM
1. Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn,
vướng mắc về thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, cải thiện hiệu quả thực
thi pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cho sự phục hồi
bền vững của các doanh nghiệp trong quá trình ứng phó với tác động của đại dịch
COVID-19.
2. Thực hiện kịp thời Nghị quyết
68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ
người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09
tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh
doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 đến từng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh
doanh, sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã và thành phố.
3. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc
xin cho công nhân đang hoạt động trong các doanh nghiệp, ưu tiên cho lao động
thực hiện “3 tại chỗ” trong các khu, cụm công nghiệp và các công trình đầu tư
công trọng điểm.
4. Hỗ trợ, hướng dẫn doanh
nghiệp lấy mẫu xét nghiệm cho người lao động tại các doanh nghiệp theo phương
án phòng, chống dịch của tỉnh (Ngân sách nhà nước hỗ trợ nhân công lấy mẫu,
xét nghiệm, doanh nghiệp chịu chi phí mua test xét nghiệm).
5. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng
phương án sản xuất kinh doanh, xây dựng lộ trình mở từng bước để kiểm tra tính
an toàn, điều chỉnh dần cho phù hợp theo nguyên tắc trao quyền tự chủ cho đơn
vị sản xuất, kinh doanh triển khai mô hình hoạt động phù hợp đặc thù của đơn vị
và chịu trách nhiệm về các yêu cầu an toàn phòng, chống dịch.
6. Rà soát, tháo gỡ các khó
khăn, vướng mắc trong vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, nội bộ tỉnh theo hướng
tháo dỡ các chốt kiểm soát không cần thiết, tăng cường kiểm soát công tác phòng,
chống dịch tại điểm xuất phát, điểm đến. Đặc biệt hỗ trợ lưu thông đối với
phương tiện chở người lao động, phương tiện chở hàng hóa thiết yếu phục vụ đời
sống người dân và vật tư, nguyên liệu sản xuất.
7. Hỗ trợ doanh nghiệp trong
hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư với các nền tảng thương mại điện tử để
giải quyết các vấn đề về hàng hóa nông sản trên địa bàn tỉnh. Tăng cường phối hợp
tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa, hỗ trợ doanh
nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu
thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản. Đồng thời, định hướng các hoạt động
sản xuất nông nghiệp đảm bảo cân đối cung cầu của thị trường trước, trong và
sau tết.
8. Hướng dẫn doanh nghiệp tiếp
cận các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09 tháng 9 năm
2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối
cảnh dịch COVID-19.
9. Đẩy mạnh công tác giải ngân
vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và kết quả giải ngân là căn cứ
đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
10. Tập trung chỉ đạo công tác
đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công, các dự án khu đô thị, các dự
án trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
11. Hỗ trợ thúc đẩy phát triển
sản xuất nông nghiệp để đảm bảo đạt và vượt kế hoạch năm đã đề ra.
V. GIẢI PHÁP
1. Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Xây dựng phương án hỗ trợ nông
dân tiêu thụ nông sản, thủy sản, vật nuôi; thống kê đầy đủ sản lượng nông, thủy
sản trên địa bàn và thời gian thu hoạch phù hợp cho từng giai đoạn để thực hiện
kết nối, tiêu thụ. Thành lập các tổ, đội hỗ trợ nông dân thu hoạch, thu gom,
vận chuyển nông sản. Khuyến khích các địa phương tổ chức các điểm tập kết, thu
mua tập trung; có phương án vận chuyển phù hợp để đưa nông sản từ nơi sản xuất
đến nơi tiêu dùng.
- Hướng dẫn các cơ sở chế biến
nông, lâm, thủy sản, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm hoạt động trở lại nhưng phải
đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch COVID-19. Chủ động hướng dẫn người dân điều
chỉnh hợp lý kế hoạch sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Vận
động các hộ chăn nuôi tiêm phòng cho đàn vật nuôi; giám sát chặt chẽ tình hình
dịch bệnh trên động, thực vật tại các địa phương để có hướng xử lý kịp thời khi
có dịch bệnh phát sinh.
- Tập trung chỉ đạo thắng lợi
sản xuất vụ lúa Thu Đông năm 2021, đảm bảo thu hoạch 100% diện tích đã xuống giống,
năng suất, sản lượng đạt và vượt kế hoạch; chuẩn bị tốt điều kiện để xuống giống
cho vụ Đông Xuân 2021 - 2022.
- Tăng cường phát triển sản xuất
ở các vùng rau màu chuyên canh có thị trường tiêu thụ ổn định.
- Tiếp tục hướng dẫn thu hoạch,
thu mua và vận chuyển nông sản trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19 cho
các địa phương.
- Phối hợp với các địa phương
trong việc theo dõi, tổng hợp tình hình sản xuất, cung cầu các mặt hàng nông
sản trên địa bàn tỉnh; kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã,... ký kết hợp
đồng đảm bảo tiêu thụ nông sản.
- Thực hiện các giải pháp thúc
đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp những tháng cuối năm để đảm bảo đạt và vượt
kế hoạch năm đã đề ra. Đồng thời, thực hiện các chính sách theo Nghị quyết số
10/2020/NQ-HĐND ngày 07 tháng 7 năm 2020 của HĐND tỉnh về quy định nội dung chi
và mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Hậu Giang để hỗ
trợ các địa phương mở rộng sản xuất vượt kế hoạch của tỉnh đã giao, trong đó tập
trung hỗ trợ các mô hình sản xuất chủ yếu như: Chăn nuôi gia cầm, sản xuất
rau màu, nuôi thủy sản trên ruộng lúa.
2. Sở
Công Thương:
- Thông tin vùng sản xuất an
toàn để doanh nghiệp tổ chức hoạt động sản xuất phù hợp với điều kiện và tình
hình thực tế. Dự báo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế để doanh
nghiệp có phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, cung ứng hàng hóa
phù hợp.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp tham
gia các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa; ưu tiên kết nối thị trường
tiêu thụ trong nước, bảo toàn đơn hàng đã được ký kết. Tạo điều kiện cho các
doanh nghiệp tham gia các hội chợ, kênh thương mại trực tuyến do các tổ chức
nước ngoài triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm
kiếm thị trường mới thay thế các thị trường truyền thống. Chú trọng xúc tiến
thương mại thông qua hình thức mới như ứng dụng thương mại điện tử, kết nối số.
- Tăng cường công tác đánh giá
dự báo, cung cấp kịp thời các thông tin về tình hình thị trường, các chính
sách, rào cản trong xuất nhập khẩu của các thị trường trên các kênh truyền thông
cho doanh nghiệp nắm bắt để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh
phù hợp, hiệu quả. Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số để doanh nghiệp có điều
kiện chuyển đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đổi mới quy trình và công nghệ
sản xuất. Cập nhật liên tục bản đồ COVID-19; kịp thời dự báo các vùng có nguy
cơ cao giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó với các rủi ro.
- Đề xuất cơ chế giao địa
phương chịu trách nhiệm kiểm soát, tổ chức việc chấp hành quy định an toàn
phòng, chống dịch COVID-19 đối với các chợ đầu mối, chợ truyền thống,...
- Hỗ trợ và hướng dẫn các siêu
thị, trung tâm thương mại, các chợ truyền thống ổn định hoạt động, đảm bảo thực
hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định; tạo điều
kiện thuận lợi để đưa hàng hóa vào các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa
hàng tiện ích, tiện lợi. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, hợp
tác xã, tổ hợp tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ nông, thủy
sản trên sàn thương mại điện tử của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (sàn
postmart.vn) và Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (sàn voso.vn), kể cả
các sản phẩm thông thường chưa phải là sản phẩm OCOP nhằm hạn chế tồn đọng, ùn ứ
sản phẩm hàng hóa gây thiệt hại cho nông dân.
- Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho
hoạt động bán lẻ. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu,
gian lận thương mại, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng. Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, nhất
là thị trường xuất khẩu. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình bình ổn
thị trường. Tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu giữa tỉnh Hậu Giang với
Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành. Thành lập Tổ hỗ trợ Xúc tiến thương
mại liên ngành có chuyên môn sâu để thường xuyên hỗ trợ và giải quyết khó khăn
cho người dân và doanh nghiệp.
- Tiếp tục phối hợp với các địa
phương trong việc theo dõi, tổng hợp tình hình sản xuất, cung cầu các mặt
hàng nông sản trên địa bàn tỉnh; tổ chức quảng bá, chương trình kết nối cung
cầu các mặt hàng nông sản, chủ động liên hệ, thường xuyên trao đổi, vận động
xúc tiến, mời gọi các chợ đầu mối toàn quốc, các đối tác tiêu thụ lớn như: hệ
thống siêu thị (Co.opmart, Bách hóa Xanh, VinMart,...), các doanh nghiệp chế biến
nông sản thực phẩm đến tỉnh khảo sát, liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ các mặt
hàng nông sản.
3. Sở Kế hoạch
và Đầu tư:
- Làm đầu mối, tham mưu UBND tỉnh
tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng
trong điều kiện bình thường mới thông qua Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp phục
hồi hoạt động trong điều kiện bình thường mới. Hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp
cận các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09 tháng 9 năm
2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối
cảnh dịch COVID-19.
- Tiếp tục thực hiện những nhiệm
vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh
tranh quốc gia năm 2021.
- Phối hợp với Hiệp hội Doanh
nghiệp tỉnh tổ chức các diễn đàn đối thoại để làm cầu nối chia sẻ cách thức ứng
phó hiệu quả dịch COVID-19 từ những doanh nghiệp đã tồn tại và phát triển được
trong bối cảnh khó khăn của đại dịch COVID-19, nhất là những bài học về lựa chọn
thị trường, đối tác, quan hệ kinh doanh, về đầu tư xây dựng “nội lực” cốt lõi
của doanh nghiệp để tăng khả năng chống chịu với các cú sốc.
- Tiếp tục đẩy mạnh tiến độ thực
hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, phấn đấu đến cuối năm giải
ngân đạt từ 95% đến 100% kế hoạch vốn được giao đầu năm. Vận dụng linh hoạt
các cơ chế, chính sách để huy động tối đa các nguồn vốn từ mọi thành phần kinh
tế, đẩy nhanh tiến độ sớm đưa các dự án đầu tư vào hoạt động, nhất là các công
trình trọng điểm đầu tư công. Hoàn chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn
giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Chủ trì, phối hợp
với các ngành và địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục đề
xuất quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án theo đề xuất của doanh nghiệp;
tuyệt đối không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ. Đôn đốc các chủ đầu tư khởi công,
triển khai thực hiện kịp thời các dự án quan trọng, có tác động lan tỏa, thúc đẩy
phát triển kinh tế - xã hội.
- Đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch
tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
4. Sở Tài
chính:
- Căn cứ khả năng cân đối của
ngân sách địa phương và nguồn huy động đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá
nhân cho phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo hỗ trợ một phần chi phí xét
nghiệm COVID-19 cho người lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh
doanh đóng trên địa bàn.
- Tiếp tục thực hiện kế hoạch
tài chính - ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2023. Tham mưu, điều hành đảm bảo
cân đối ngân sách địa phương theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh. Phát động
phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn hệ thống chính trị để
tập trung nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế.
5. Sở Giao
thông vận tải:
- Hướng dẫn, tạo điều kiện thuận
lợi cho các phương tiện giao thông vận tải đường bộ và đường thủy hoạt động; đảm
bảo vận chuyển, lưu thông hàng hóa thông suốt trên địa bàn tỉnh, cung ứng đầy
đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm nhằm ổn định đời sống của
Nhân dân, nhất là tại những khu vực phong tỏa, giãn cách.
- Xây dựng Phương án hoạt động
vận tải hàng hóa vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa đảm bảo hỗ trợ
lưu thông hàng hóa, vật liệu sản xuất và công nhân lao động trên địa bàn tỉnh
trong điều kiện bình thường mới. Kịp thời huy động, bố trí đảm bảo đủ số lượng
phương tiện, lái xe đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nông sản của các tổ
chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
6. Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội:
- Hướng dẫn doanh nghiệp gặp
khó khăn do dịch COVID-19 tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ hưu trí và tử
tuất theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn.
- Rà soát, phân nhóm đối tượng
để tập trung hỗ trợ (doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động; doanh nghiệp
đang hoạt động), theo lĩnh vực, ngành nghề (thương mại dịch vụ; sản xuất chế biến;….);
xác định rõ tiêu chí hỗ trợ đối với từng nhóm đối tượng.
- Tổ chức triển khai thực hiện
nhanh việc chi hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó
khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của
Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng
Chính phủ. Thực hiện đồng bộ các chính sách, chương trình, đề án giải quyết việc
làm; mở rộng kết nối cung cầu lao động, nâng cao sự hợp tác, gắn kết giữa
các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Rà soát nhu cầu lao động của
doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động, nhất là lao động
bị mất việc trong thời gian giãn cách xã hội, lao động từ các địa phương khác
trở về... để tổ chức tư vấn, kết nối tạo việc mới. Hỗ trợ và tạo điều kiện
thuận lợi cho các chuyên gia, lao động nước ngoài đến làm việc, sinh sống tại Tỉnh.
- Làm đầu mối tổng hợp nhu
cầu và thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp
khó khăn do đại dịch COVID-19. Nắm bắt thông tin nhu cầu lao động trong giai
đoạn phục hồi của các doanh nghiệp để hỗ trợ kết nối giới thiệu việc làm kịp
thời. Chú trọng công tác đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động
chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động đang thiếu hụt, ưu tiên đáp ứng
nhu cầu lao động cho tỉnh.
- Tham mưu triển khai thực hiện
đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh về công tác
phòng, chống dịch COVID-19; các chế độ, chính sách, chăm lo, hỗ trợ cho các đối
tượng.
- Phối hợp với Ban Quản lý các
khu công nghiệp tỉnh, UBND huyện, thị xã và thành phố triển khai, tuyên truyền,
rà soát, nắm thông tin các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý có nhu cầu đề
nghị hỗ trợ (đối với chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi
dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động).
- Phối hợp với Liên đoàn Lao động
tỉnh triển khai trong hệ thống công đoàn (đối với chính sách hỗ trợ người lao
động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất
nghiệp) để triển khai đến người lao động nắm.
- Rà soát, nắm tình hình đời sống
của người dân, các đối tượng khó khăn nhưng không thuộc đối tượng được hỗ trợ
để tham mưu kế hoạch hỗ trợ với phương châm “không để người dân nào phải thiếu
ăn”, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh xem xét, quyết
định.
- Thực hiện kiểm tra, giám sát
việc chi hỗ trợ, đúng đối tượng, đầy đủ, kịp thời.
7. Sở Y tế:
- Xây dựng kế hoạch tiêm vắc
xin phòng COVID-19 để chủ động tiêm ngay sau khi Tỉnh được phân bổ lượng vắc
xin; Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho công nhân đang hoạt động
trong các doanh nghiệp, ưu tiên cho lao động thực hiện “3 tại chỗ” trong các
khu, cụm công nghiệp; các công trình đầu tư công trọng điểm; các đối tượng
tham gia trong chuỗi cung ứng và quá trình tiêu thụ nông sản của địa phương.
- Cập nhật thường xuyên tình
hình, diễn biến của dịch COVID-19, kịp thời ban hành hướng dẫn những tiêu chuẩn,
điều kiện an toàn bắt buộc hoặc những khuyến cáo cần thiết đối với hoạt động
sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ nhằm bảo vệ sức khỏe cho người lao động
của doanh nghiệp.
- Căn cứ vào tình hình kiểm
soát dịch và mức độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh, hướng
dẫn các địa phương thực hiện thực hiện giãn cách có lộ trình, kế hoạch cụ thể để
các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người lao động có thể hoạt động trở
lại.
- Tiếp tục phối hợp với các sở,
ban, ngành tỉnh và các địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc, đẩy mạnh việc
thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban
Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các quy định, hướng dẫn của Bộ Y
tế, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh
giác; cần bình tĩnh, kiên trì, nỗ lực nhiều hơn nữa với tinh thần “chống dịch
như chống giặc”, luôn đặt mục tiêu chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của
người dân lên trên hết.
- Khi phát hiện F0, khẩn trương
điều tra, truy vết thần tốc, khai thác đầy đủ, chính xác các thông tin của
các F1, F2, F3 để áp dụng các biện pháp xử lý thích hợp.
- Tổ chức hướng dẫn và hỗ trợ
nhân lực cho các doanh nghiệp thực hiện xét nghiệm cho người lao động trong
quá trình sản xuất.
- Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở
khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng, chống
dịch COVID-19. Tổ chức rà soát, sàng lọc kỹ tất cả các trường hợp nghi ngờ đến
khám bệnh tại cơ sở y tế, các phòng khám tư nhân và mua thuốc tại các nhà thuốc
trên toàn Tỉnh để thực hiện xét nghiệm và có biện pháp cách ly kịp thời.
- Hoàn chỉnh các khu điều trị bệnh
nhân COVID-19. Dự trù đầy đủ, đảm bảo thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao, …
phục vụ cho điều trị bệnh nhân COVID-19.
- Phối hợp với các sở, ban,
ngành tỉnh kích hoạt và mở rộng thêm các khu cách ly tập trung tại các huyện,
thị xã, thành phố. Tăng cường hoạt động của Tổ COVID-19 cộng đồng đến từng hộ
gia đình để tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, vận động người
dân phối hợp cung cấp thông tin người về từ vùng dịch, người từ địa phương khác
đến lưu trú trên địa bàn mà chưa thực hiện việc khai báo y tế.
- Tăng cường ứng dụng các giải
pháp công nghệ trong phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Thông tin
và Truyền thông và Bộ Y tế. Trong đó, tất cả các đơn vị trực thuộc, các địa
phương khẩn trương đăng ký điểm kiểm soát dịch tại địa chỉ https://tokhaiyte.vn
để được cấp mã QR CODE, in và dán mã QR CODE được cấp tại tất cả các địa điểm:
công sở, bệnh viện, trường học, siêu thị, chợ truyền thống, các cơ sở lưu trú,
nhà hàng, nhà máy, xí nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất có sử dụng người lao động,
các địa điểm tập trung đông người.
8. Sở Thông
tin và Truyền thông:
- Đôn đốc, định hướng các cơ
quan báo chí truyền thông của tỉnh, chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở đăng tải
tin, bài tuyên truyền các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, các chính sách của
Nhà nước trong hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch
COVID-19.
- Phối hợp Sở Y tế cập nhật
ngay thông tin vào Hệ thống thông tin tiêm chủng của Quốc gia, phục vụ cho việc
theo dõi Chứng nhận ngừa COVID-19 của Sổ Sức khỏe điện tử thống nhất trên cả
nước, thuận tiện cho việc kiểm soát lao động trong tỉnh và cả ở các tỉnh.
- Phối hợp Sở Y tế chuẩn bị mọi
điều kiện cần thiết để ban hành “Giấy thông hành vắc xin” điện tử cho những
người đủ tiêu chuẩn. Tiến tới chỉ áp dụng việc kiểm soát người dân di chuyển,
làm việc, tham gia các hoạt động tại nơi công cộng khi đã có “Giấy thông hành
vắc xin” thay cho các hình thức quản lý khác như Giấy đi đường, kết quả xét
nghiệm âm tính.
- Phối hợp Sở Công Thương hỗ
trợ doanh nghiệp trong việc kết nối kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện
tử.
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời
các chính sách hỗ trợ giảm cước viễn thông, cho các doanh nghiệp, hợp tác xã,
hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
- Phối hợp với các cơ quan báo
chí, phát thanh truyền hình thông tin, tuyên truyền kịp thời về tình hình dịch bệnh
COVID-19, chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của
các cơ quan về phòng, chống dịch bệnh COVID-19; củng cố niềm tin cho doanh nghiệp,
hợp tác xã, hộ kinh doanh ổn định sản xuất kinh doanh; nhân rộng những mô
hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, kinh nghiệm hay gắn với đảm bảo an toàn
phòng, chống dịch COVID-19.
- Tăng cường truyền thông về
tác dụng, hiệu quả của việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; hỗ trợ doanh
nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người lao động tiếp cận hạ tầng công nghệ
thông tin để phục vụ làm việc trực tuyến, từ xa; xử lý nghiêm việc đưa tin thiếu
chính xác, chưa được kiểm chứng, xuyên tạc gây hoang mang trong Nhân dân theo
quy định pháp luật.
9. Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch:
- Chủ trì, phối hợp với các các
đơn vị có liên quan tăng cường công tác truyền thông, quảng bá Hậu Giang là điểm
đến an toàn, phá bỏ rào cản tâm lý người dân, khách du lịch khi đi du lịch sau
đại dịch COVID-19.
- Tiếp tục phát động thị trường,
kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”; vận động,
khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch tích cực hưởng
ứng, đăng ký tham gia Chương trình kích cầu du lịch do Tổng cục Du lịch và
các Hiệp hội Du lịch phát động.
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến,
quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức đa dạng, đặc biệt là chú trọng việc ứng dụng
công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch.
- Tăng cường hợp tác liên kết với
thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, qua
đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch Hậu Giang ký kết hợp tác với các
doanh nghiệp lữ hành ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội để đưa khách đến tham
quan du lịch Hậu Giang.
10. Ban Quản
lý các khu công nghiệp tỉnh:
Hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ
sở sản xuất kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp tỉnh xây dựng kế hoạch,
phương án phòng chống dịch để đảm bảo an toàn sản xuất. Có giải pháp thường
xuyên kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở, các
nhà máy, xí nghiệp trong khu, cụm công nghiệp tỉnh. Phối hợp với các doanh nghiệp
FDI, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp đề xuất giải pháp
để doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn.
11. Cục
Thuế tỉnh:
Tiếp tục triển khai thực hiện
Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2021 của Chính phủ gia hạn thời
hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá
nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Đa dạng hóa hình thức hướng dẫn hộ kinh
doanh, doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ theo hướng cụ thể, dễ thực hiện.
Chỉ đạo Chi cục Thuế các khu vực phối hợp với địa phương thực hiện thẩm định
cho các hộ kinh doanh đã tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, để
hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch
COVID-19, phấn đấu năm 2021 tổng thu nội địa đạt 4.010 tỷ đồng, vượt 20,5% dự
toán HĐND tỉnh giao.
12. Ngân
hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hậu Giang:
Chỉ đạo các ngân hàng thương mại
và tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai các quy định của Ngân hàng
Nhà nước cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ
cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; đồng thời, tăng hạn mức tín dụng
hoặc tiếp tục cho vay bổ sung theo hình thức phù hợp để góp phần tháo gỡ, giảm
bớt các khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi nhanh sản xuất kinh doanh. Đơn giản
hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ; hướng dẫn giao dịch qua hình thức trực tuyến; tạo
thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay ưu đãi; xem xét giảm
các loại phí dịch vụ phù hợp với từng thời điểm. Triển khai có hiệu quả chính
sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết
68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg
ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ. Thực hiện chính sách hỗ trợ người dân,
doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, xuất khẩu lúa gạo khu vực đồng bằng sông Cửu
Long, giúp doanh nghiệp, thương lái thu mua, vận chuyển lúa, kinh doanh lúa, gạo.
13. Bảo
hiểm xã hội tỉnh:
- Phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và UBND huyện, thị
xã, thành phố triển khai thực hiện rà soát, nắm thông tin doanh nghiệp trên địa
bàn quản lý có nhu cầu đề nghị hỗ trợ đối với chính sách hỗ trợ người sử dụng
lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc
làm cho người lao động.
- Phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động tỉnh triển khai trong hệ thống công
đoàn thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động
nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Triển khai thực hiện hỗ trợ
doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể trong bối cảnh COVID-19 theo
tinh thần Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ,
trong đó tập trung các nội dung chủ yếu: Giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư
quỹ Bảo hiểm xã hội ngắn hạn nhằm kịp thời hỗ trợ cho người lao động, doanh
nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các đối tượng sử dụng lao động khác.
14. Liên đoàn
Lao động tỉnh:
- Xem xét miễn nộp đoàn phí
công đoàn cho đoàn viên tại doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi dịch
COVID-19 trong năm 2021 và 2022 để người lao động có thêm điều kiện khắc phục
khó khăn, gắn bó với doanh nghiệp, hợp tác xã khi được Tổng Liên đoàn Lao động
Việt Nam thông qua.
- Tiếp tục triển khai các gói
hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 theo chỉ
đạo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
- Nghiên cứu bổ sung các giải
pháp thiết thực để hỗ trợ người lao động, chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp,
hợp tác xã vượt qua khó khăn do dịch COVID-19.
- Giám sát việc thực hiện các
chế độ chính sách cho người lao động.
15. UBND
huyện, thị xã, thành phố:
- Hoàn thiện kế hoạch phục hồi
kinh tế trên địa bàn, tập trung thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển
kinh tế - xã hội năm 2021, đặc biệt là các chỉ tiêu đạt thấp, phấn đấu hoàn
thành cao nhất kế hoạch năm 2021.
- Chủ động chỉ đạo, tạo điều kiện
thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người lao động vừa
phòng, chống dịch COVID-19, vừa duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh an toàn,
hiệu quả; huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, góp
phần đảm bảo an sinh xã hội, đời sống cho người lao động.
- Hướng dẫn các doanh nghiệp,
cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống
dịch COVID-19 để đảm bảo sản xuất kinh doanh an toàn.
- Cùng với doanh nghiệp, hợp
tác xã, hộ kinh doanh, chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ
chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa
phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; chủ động
quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ
kinh doanh hoạt động trở lại khi đáp ứng điều kiện an toàn phòng, chống dịch
COVID-19.
- Tập trung tháo gỡ triệt để
tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa do bất cập
trong thực thi các quy định, thủ tục về phòng, chống dịch COVID-19.
- Tăng cường phối hợp tổ chức
các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp
tác xã, hộ kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm,
nhất là các mặt hàng nông sản.
- Phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội nghiên cứu có giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp tại
địa phương thu hút lực lượng lao động quay trở lại làm việc trong các khu, cụm
công nghiệp, các cơ sở sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; chủ động xây dựng phương
án hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động từ các địa phương khác trở về,
góp phần đảm bảo an sinh cho người lao động và trật tự an toàn, xã hội.
- Phối hợp với các ngành có
liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp, thương lái thu mua tiêu thụ nông sản đảm
bảo các biện pháp phòng dịch trong suốt quá trình mua bán.
- Đẩy nhanh tiến độ thu ngân
sách, giải ngân vốn đầu tư công, tập trung công tác giải phóng mặt bằng.
16. Các
cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh:
Theo chức năng, nhiệm vụ triển
khai các chính sách đã được Trung ương và địa phương ban hành về giảm giá tiền
điện, tiền nước, cước viễn thông đến các doanh nghiệp và người dân:
- Các doanh nghiệp viễn thông
trên địa bàn áp dụng các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội
trong công tác phòng chống dịch COVID-19 theo Công văn số 5259/VPCP-KTTH ngày
01 tháng 8 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ.
- Các doanh nghiệp cung cấp nước
sinh hoạt trên địa bàn tỉnh (Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô
thị Hậu Giang, Công ty Cổ phần Nước AquaOne Hậu Giang, Công ty Cổ phần Cấp
nước và Vệ sinh môi trường nông thôn Hậu Giang): Thực hiện chủ trương giảm giá
nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh do bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 tại
văn bản số 1486/UBND- NCTH ngày 07 tháng 8 năm 2021 của UBND tỉnh Hậu Giang: Mức
giảm: Giảm 5% tổng số tiền nước trước thuế và phí bảo vệ môi trường; Thời gian
giảm: Kỳ hóa đơn tháng 9 năm 2021 (nước sử dụng trong tháng 8 năm 2021) và kỳ
tháng 10 năm 2021 (nước sử dụng trong tháng 9 năm 2021); Đối tượng được giảm: Tất
cả các khách hàng đang sử dụng nước sạch sinh hoạt của Công ty.
- Công ty Điện lực Hậu Giang:
Triển khai thực hiện kịp thời việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho
các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 đợt 3, đợt 4 và đợt
5 theo Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 02 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ, Nghị quyết
số 83/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ và Nghị quyết số 97/NQ-CP
ngày 28 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ.
VI. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Giám đốc sở, Thủ trưởng các
cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh; các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và Chủ tịch
UBND huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn
trương xây dựng kế hoạch cụ thể của ngành, địa phương, đơn vị mình và phân công
lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra đôn đốc thực hiện từng nhiệm vụ
phục hồi sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan
trong quá trình tổ chức thực hiện, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
2. Giao Sở Thông tin và Truyền
thông chủ trì, phối hợp với Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu
Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị liên quan tuyên truyền,
phổ biến nội dung và kết quả thực hiện Kế hoạch này.
3. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư
chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố và
các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch này; đồng thời,
theo dõi, đôn đốc thực hiện, định kỳ hàng tháng, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực
hiện./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (HN, TP.HCM);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, NCTH.TP
KH\KH phuc hoi san xuat kinh doanh
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Đồng Văn Thanh
|