ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------
|
Số: 119/KH-UBND
|
Cà Mau, ngày 29
tháng 10 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 128/NQ-CP NGÀY 11/9/2020 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ
CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN CÁC VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM
Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP
ngày 11/9/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các
vùng kinh tế trọng điểm, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Kế hoạch thực hiện
như sau:
I. QUAN ĐIỂM
- Xác định tiềm năng, lợi thế sẵn có
của tỉnh, tận dụng cơ hội để phát triển nhanh, bền vững cùng với sự phát triển
chung của vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long. Tích cực phối hợp
triển khai các nhiệm vụ phát triển vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu
Long, bám sát các thể chế, cơ chế chính sách về điều phối liên kết vùng để thúc
đẩy liên kết vùng, đảm bảo chủ động, hiệu quả.
- Lập Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ
2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp nhiều quy hoạch,
chú trọng đến yếu tố vùng, yếu tố quốc gia. Đề xuất đầu tư xây dựng các dự án
giao thông, thủy lợi liên kết vùng, các dự án quan trọng quy mô lớn các tính chất
liên vùng, các dự án, công trình thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Tiếp tục triển khai và thực hiện có
hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư; xác định các ngành, lĩnh vực
phù hợp với đặc thù, lợi thế so sánh của tỉnh để tập trung thu hút đầu tư. Đổi
mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và áp dụng các
mô hình phát triển kinh tế mới vào đời sống sản xuất, góp phần phát triển kinh
tế của tỉnh.
- Nâng cao trách nhiệm của Thủ trưởng
các Sở, ngành tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Thành ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố trong việc phối hợp liên kết phát triển kinh tế giữa các địa
phương trong tỉnh và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp, thúc đẩy liên kết
vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo hiệu quả.
II. CÁC NHIỆM VỤ,
GIẢI PHÁP CỤ THỂ
1. Về xây dựng và tổ chức thực
hiện quy hoạch
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các
đơn vị có liên quan khẩn trương lập và trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch tỉnh
Cà Mau giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào cuối năm 2021.
b) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp
các đơn vị có liên quan:
- Hoàn chỉnh nội dung phân bổ và khoanh vùng đất
đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện để
tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Thực hiện rà soát, nghiên cứu chuyển đổi quy hoạch
đất kém hiệu quả để chuyển đổi sang mục đích khác có hiệu quả cao hơn phù hợp với
quy hoạch sử dụng đất.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất Trung ương
nghiên cứu, sửa đổi chính sách về đất đai để khuyến khích tập trung, tích tụ đất
đai phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, có sức cạnh tranh và hiệu
quả cao, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
- Thúc đẩy phát triển thị trường quyền sử dụng đất;
xây dựng cơ chế đẩy mạnh việc khai thác nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế
- xã hội trên địa bàn tỉnh; tạo quỹ đất sạch đón nhận nhà đầu tư dịch chuyển từ
nước ngoài.
c) Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chủ trì, phối hợp với
các đơn vị có liên quan rà soát, tham mưu đề xuất điều chỉnh quy hoạch phát triển
các khu công nghiệp của tỉnh đảm bảo đạt tỷ lệ lấp đầy cao, sử dụng đất có hiệu
quả, có khả năng thu hút đầu tư; điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng
Khu kinh tế Năm Căn, tỉnh Cà Mau đến năm 2030 phù hợp với tình hình thực tế và
quá trình phát triển của địa phương.
2. Về huy động nguồn lực đầu tư
phát triển
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các
đơn vị có liên quan:
- Thực hiện các giải pháp huy động đa dạng các nguồn
lực, kết hợp nguồn vốn giữa trung ương và địa phương, đẩy mạnh thu hút có chọn
lọc các dự án FDI, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp
pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính chất đột phá, thúc đẩy
liên kết vùng; triển khai có hiệu quả Chương trình hành động thu hút vốn đầu tư
toàn xã hội năm 2020 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Cà Mau sau khi được
ban hành.
- Xây dựng danh mục các dự án xúc tiến đầu tư, nhất
là các dự án FDI dựa trên các tiêu chí lựa chọn như: có giá trị gia tăng và sử
dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, có suất đầu tư cao, hệ số sử dụng đất
thấp, các dự án có khả năng đóng góp ngân sách nhà nước lớn.
b) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị có
liên quan:
- Tăng cường công tác phân tích, dự báo, rà soát,
xác định và đánh giá những nhân tố ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước
trên địa bàn; triển khai thực hiện tốt các chính sách của Chính phủ về những giải
pháp ổn định kinh tế vĩ mô.
- Tập trung cơ cấu lại ngân sách nhà nước; tăng cường
quản lý nợ công, đảm bảo an toàn và bền vững; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản
lý nhà nước về tài chính - ngân sách, từng bước triển khai quản lý chi ngân
sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế -
xã hội.
c) Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các
đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phát triển hạ tầng giao thông
tỉnh, đề xuất Trung ương đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao
thông lớn mang tính kết nối giữa các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng
sông Cửu Long.
d) Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với
các đơn vị có liên quan tiếp tục xác định các đề tài, dự án theo hướng chú
trọng giải quyết các nhu cầu cấp thiết, các lợi thế, tiềm năng của tỉnh; tập
trung vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có quy mô lớn mang lại hiệu
quả kinh tế, nông nghiệp hữu cơ; tối ưu hóa về giá trị nông nghiệp; phát triển
công nghệ về giống, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản. Tiếp tục
thực hiện Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 06/11/2017 của UBND tỉnh Cà Mau về việc
Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2025.
3. Về đào tạo và sử dụng lao động
a) Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các
đơn vị có liên quan rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh; tiếp
tục thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn
nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu phát triển của
tỉnh; kịp thời triển khai thực hiện các chương trình đổi mới nội dung đào tạo
nhằm đảm bảo chất lượng và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh;
đổi mới công tác quản lý giáo dục; rà soát, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho
giáo dục.
b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối
hợp với các đơn vị có liên quan:
- Đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, có kiến
thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ
thuật công nghệ của thị trường lao động trong và ngoài nước. Tăng cường kết nối
thông tin thị trường lao động với các tỉnh, thành trên cả nước; đặc biệt là các
địa phương có nhu cầu về lao động lớn.
- Tăng cường hoạt động xúc tiến, hợp tác quốc
tế trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, giáo dục nghề nghiệp, liên kết đào tạo
nghề thuộc các lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác xuất khẩu lao động đã ký kết.
c) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xác định
nhu cầu nhân lực theo đặc thù của từng địa phương, có cơ chế, chính sách thu
hút, sử dụng nguồn nhân lực hợp lý, đúng ngành nghề đào tạo. Đào tạo nguồn nhân
lực gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
4. Về cơ sở dữ liệu, hệ thống
thông tin vùng
a) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với
các đơn vị có liên quan:
- Phát triển, hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ
dữ liệu của địa phương (LGSP) kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu
của các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh (NGSP). Từng bước hình thành cổng dữ
liệu mở trên cơ sở tích hợp dữ liệu từ các hệ thống thông tin thành cơ sở dữ liệu
dùng chung phục vụ người dân, doanh nghiệp trong nghiên cứu, đầu tư phát triển
sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội.
- Tăng cường hợp tác với các tỉnh vùng trọng điểm đồng
bằng sông Cửu Long và các thành phố lớn trong xây dựng nền tảng phục vụ phát
triển, điều hành dịch vụ đô thị thông minh ở một số lĩnh vực như: giao thông vận
tải, xây dựng, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài
nguyên và môi trường, y tế, du lịch,...
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các
đơn vị có liên quan cung cấp, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu chung về các chỉ
số phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển, các
công trình trọng điểm, dự án lớn triển khai trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác
điều phối các hoạt động liên kết vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu
Long theo Quyết định số 187/QĐ-HĐVĐBSCL ngày 18/10/2019 của Hội đồng vùng kinh
tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long.
5. Về cơ chế điều phối vùng
kinh tế trọng điểm
Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, tham mưu Ủy ban
nhân dân tỉnh:
- Thực hiện Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 12/6/2020
của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội
đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 - 2025 và đề xuất
hoàn thiện cơ chế điều phối hoạt động các vùng kinh tế trọng điểm.
- Triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch liên kết
phối hợp toàn vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long được ban hành kèm
theo Nghị quyết số 136/NQ-HĐV ngày 21/11/2016 và Nghị quyết số 79/NQ-HĐV ngày
21/12/2018 của Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có
liên quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Tổ điều phối phát triển tỉnh Cà
Mau giai đoạn 2020 - 2025 được quy định tại Quyết định số 1307/QĐ-UBND ngày
13/7/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
6. Về cơ cấu lại các ngành,
lĩnh vực
Tập trung vào sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô
lớn; nông nghiệp hữu cơ; nông nghiệp hiệu quả cao, tối ưu hóa về giá trị nông
nghiệp; phát triển công nghệ về giống; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản,
thủy sản.
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì,
phối hợp với các đơn vị có liên quan cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển
bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; tạo bước đột phá trong phát triển
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất sinh thái, hữu cơ gắn với phát triển
du lịch sinh thái cộng đồng ở những vùng có đủ điều kiện, trong đó:
- Tập trung xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh
theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế gắn
với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
- Phát triển ngành tôm theo hướng tăng năng suất, sản
lượng và bền vững; phát huy lợi thế tôm sinh thái, hữu cơ có chứng nhận, tăng
giá trị gia tăng; phát triển tôm siêu thâm canh là giải pháp đột phá về sản lượng;
phát triển nuôi biển (ở bãi triều, nuôi lồng bè công nghệ cao) thay thế dần nghề
khai thác biển.
- Xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, an
toàn, hữu cơ đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế gắn với liên kết sản xuất và
tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm; sản xuất rau, củ, quả sạch quy mô trang
trại; phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, an
toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
b) Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị
có liên quan:
- Tập trung xúc tiến mời gọi đầu tư, phát triển các
công trình hạ tầng thương mại có ảnh hưởng trên phạm vi rộng, có sức lan tỏa,
có tính liên kết như: chợ đầu mối, các trung tâm logistics, trung tâm phân phối
hàng tiêu dùng,… tạo sự thuận tiện cho quá trình trao đổi nguyên liệu, hàng hóa
giữa các địa phương.
- Đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng
các cụm công nghiệp, các công trình, dự án điện, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ
thực hiện và bảo đảm chất lượng đầu tư các dự án công nghiệp trọng điểm của tỉnh.
Ưu tiên công nghệ sạch, phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ
cao, giá trị gia tăng lớn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến nông,
lâm, thủy sản.
c) Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp
với các đơn vị có liên quan:
- Cơ cấu lại nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng
tâm, trọng điểm dựa vào tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế địa phương, tập
trung vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế.
Xác lập quyền, bảo hộ và khai thác phát triển tài sản trí tuệ gắn với thương mại
hóa, phát triển thị trường khoa học công nghệ.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phát
triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021 - 2030, trong đó tập trung ưu tiên xác lập
quyền, bảo hộ và khai thác phát triển tài sản trí tuệ gắn với thương mại hóa,
phát triển thị trường khoa học và công nghệ đối với các ngành hàng chủ lực của
tỉnh.
d) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp
với các đơn vị có liên quan:
- Tập trung hoàn thành các dự án quy hoạch của tỉnh
có tính chất nổi trội, đại diện vùng đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm: Khu du lịch
Quốc gia Mũi Cà Mau, Khu du lịch sinh thái cụm đảo Hòn Khoai, Khu du lịch sinh
thái Đầm Thị Tường, Khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Hạ,...
- Xây dựng phương án đào tạo bổ sung, tận dụng,
phát huy tối đa, hiệu quả nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch. Đào tạo ngắn hạn,
chuyên đề cho người dân nông thôn gắn với huy động nguồn nhân lực nhàn rỗi tại
chỗ theo độ tuổi, giới tính tham gia vào các hoạt động trực tiếp và gián tiếp
trong lĩnh vực du lịch.
- Kết nối dữ liệu du lịch của tỉnh vào hệ thống dữ
liệu, thông tin vùng, ứng dụng công nghệ thông tin. Nâng cao hiệu quả điều phối,
chương trình liên kết hợp tác đang thực hiện với các tỉnh, thành trên cả nước.
Phát triển du lịch bền vững trên cơ sở gắn với nông nghiệp, nông thôn, xây dựng
nông thôn mới.
- Tạo sự đột phá, tăng trưởng nhanh du lịch từ hoạt
động đầu tư các dự án dịch vụ chất lượng cao, gắn với phát triển đồng bộ hệ thống
giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không; phát triển kinh tế văn hóa
và hoạt động thể thao chuyên nghiệp.
e) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục thực
hiện có hiệu quả, thực chất nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi
mô hình tăng trưởng trong tất cả các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất
lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải
pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Trên cơ sở nội dung của Kế hoạch,
Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
căn cứ chức năng, nhiệm vụ có liên quan của ngành, địa phương tổ chức triển
khai thực hiện; kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc phát sinh về Sở Kế hoạch
và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định; định kỳ
báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này trước ngày 15/11 hằng năm, gửi Sở Kế hoạch
và Đầu tư tổng hợp.
2. Giao Sở Kế hoạch
và Đầu tư theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch này, tham mưu Ủy ban
nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 25/11 hằng năm./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lâm Văn Bi
|