THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 25/CT-TTg
|
Hà Nội, ngày 04 tháng 6 năm 2020
|
CHỈ THỊ
VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN NÔNG LÂM
THỦY SẢN VÀ CƠ GIỚI HÓA SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
Nông nghiệp, nông thôn luôn có vị trí
chiến lược lâu dài và là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong sự nghiệp phát
triển kinh tế - xã hội của đất nước ta. Ngành nông nghiệp có vai trò quan trọng
cho sự tăng trưởng, phát triển kinh tế và ổn định đời sống, an sinh xã hội.
Trong thành công chung của toàn ngành nông nghiệp có sự đóng góp to lớn của
lĩnh vực công nghiệp chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản (sau đây gọi tắt là
nông sản) và cơ giới hóa nông nghiệp.
Cơ giới hóa đã giúp tăng năng suất
lao động, nâng cao giá trị hàng nông sản, chuyển đổi cơ cấu lao động ở khu vực
nông thôn, nông sản của Việt Nam có năng suất cao, đứng đầu thế giới như gạo cà
phê, điều, cá tra. Hiện nay, nhiều khâu sản xuất nông nghiệp có mức độ cơ giới
hóa cao như ở khâu làm đất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng
đạt 100%, thu hoạch lúa đạt trên 90%; khâu chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật
cây hàng năm đạt trên 70%. Trong chăn nuôi, tại các trang trại quy mô lớn có mức
độ cơ giới hóa ngày càng phát triển; tỷ lệ hệ thống tự động cung cấp thức ăn,
nước uống, xử lý môi trường ngày càng tăng. Lĩnh vực thủy sản đã áp dụng sử dụng
máy móc, công nghệ trong nhiều khâu từ việc kiểm tra nhiệt độ nước, chăm sóc,
thu hoạch.
Công nghiệp chế biến và bảo quản nông
sản thực sự có tiến bộ lớn và thu hút được sự quan tâm đầu tư của các doanh
nghiệp trong và ngoài nước, góp phần đáng kể vào nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, tiêu thụ đầu ra cho sản xuất nông nghiệp. Hiện
nay, cả nước đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản
nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô lớn và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ,
lẻ. Tỷ lệ nông sản chế biến xuất khẩu chiếm tới 45% tổng kim ngạch xuất khẩu
nông sản; tăng trưởng xuất khẩu một số mặt hàng nông sản đạt kết quả khả quan,
như: Thủy sản đạt 6,6%/năm, rau quả đạt 15,1%/năm, điều nhân đạt 5,0%/năm, gạo
đạt 8,9%/năm, cao su đạt 11,3%/năm, sản phẩm gỗ đạt 14,9%/năm.
Mặc dù trong thời gian qua cơ giới
hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản đạt được những thành tựu đáng
kể, tuy nhiên, sự phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của ngành
nông nghiệp và thế mạnh của nhiều địa phương. Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở một số khâu còn thấp; công nghiệp phụ trợ
chưa phát triển khiến giá vật tư, trang thiết bị cao do phải nhập khẩu. Sản phẩm
chế biến nông sản chủ yếu vẫn là sơ chế nên giá trị gia tăng thấp (chiếm tới 70
- 80%), chủng loại chưa phong phú; các nông sản xuất khẩu chủ yếu vẫn là xuất
thô, sơ chế, tỷ lệ chế biến sâu chỉ đạt khoảng 30%; nhiều doanh nghiệp chưa chủ
động được nguồn cung nguyên liệu đảm bảo về số lượng, chất lượng; trình độ công
nghệ chế biến nông sản nhìn chung đạt ở mức độ trung bình trên thế giới. Hệ thống
Logistics phục vụ nông nghiệp mới phát triển nên còn nhiều hạn chế, chi phí còn
cao. Lao động được đào tạo còn ít nên việc đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp
chế biến nông sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp chưa cao. Cơ chế, chính sách
của Nhà nước chưa đủ hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào cơ giới hóa
nông nghiệp và chế biến nông sản; nguồn lực để triển khai các chính sách đã ban
hành còn hạn chế, nên hiệu quả thực hiện chính sách không hiệu quả.
Bên cạnh những khó khăn và tồn tại
nêu trên, ngành công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới nông nghiệp của Việt
Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, cụ thể như: Tác động của biến đổi
khí hậu dẫn đến các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra bất thường, nghiêm trọng;
dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi xuất hiện thường xuyên và có nguy cơ tái diễn
rất cao nếu không được kiểm soát tốt và đặc biệt đại dịch COVID-19 đang diễn biến
phức tạp, không chỉ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính
mạng con người mà còn đảo lộn nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới
phát triển sản xuất, gián đoạn trong khu vực và toàn cầu của việc cung ứng hàng
hóa nông sản, tác động trực tiếp đến phát triển ngành công nghiệp chế biến nông
sản và đặt ra thách thức lớn đối với việc đòi hỏi nâng cao trình độ công nghệ
thích ứng ngày càng cao của lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp.
Để khắc phục những
tồn tại và đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 nông
nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó, ngành
chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới và là một trung tâm
chế biến sâu và logistic của thương mại nông sản toàn cầu. Thủ tướng Chính phủ
yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc
trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, thực hiện
các định hướng về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới
hóa nông nghiệp, cụ thể: Đẩy mạnh cơ
cấu lại nông nghiệp theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa lớn gắn với chế biến
và thị trường tiêu thụ; thúc đẩy phát triển cánh đồng lớn với cơ giới hóa đồng
bộ trong các khâu của chuỗi giá trị nông sản; đầu tư phát triển ngành công nghiệp
chế tạo máy và thiết bị phụ trợ cho ngành nông nghiệp theo hướng chuyên sâu;
hình thành và phát triển hệ thống logistics đồng bộ nhằm nâng cao giá trị và sức
cạnh tranh hàng nông sản; tăng cường ứng dụng, chuyển giao tiến bộ, khoa học
công nghệ vào chế biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp; đào tạo
nguồn nhân lực kỹ thuật chuyên sâu và nhân lực quản trị cho phát triển cơ giới
hóa và công nghiệp chế biến nông sản; rà soát, hoàn thiện và đảm bảo nguồn lực
thực hiện các cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, thuế, bảo hiểm nông nghiệp
và thủ tục hành chính nhằm thu hút mạnh mẽ hơn nữa đầu tư của khu vực kinh tế
tư nhân; tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đa dạng hóa thị trường xuất
khẩu nông sản đồng thời khai thác tốt thị trường tiêu thụ nông sản trong nước.
Trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, cụ thể:
1. Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn
a) Rà soát các quy hoạch liên quan đến
lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản đã được ban hành trước
đây để tích hợp vào quy hoạch ngành cấp quốc gia, quy hoạch
vùng, quy hoạch tỉnh; phối hợp với các bộ, ban ngành và địa phương để xây dựng,
trình phê duyệt các quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 được phân công
theo quy định của Luật Quy hoạch, trong đó có lồng ghép nội dung về phát triển
cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp và chế biến nông sản.
b) Triển khai các giải pháp đồng bộ,
kịp thời nhằm khôi phục lại các hoạt động sản xuất, chế biến, cung ứng nông sản
bị ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19,
đảm bảo vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng ngành, xuất khẩu nông sản, vừa đảm bảo
an ninh lương thực quốc gia trong tình hình mới. Chủ động
nghiên cứu và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến
khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục đầu tư, mở rộng hoạt
động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực chế biến nông sản và cơ giới hóa nông
nghiệp.
c) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội có liên quan xây dựng Chiến
lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030,
trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2020.
d) Khẩn trương xây dựng các đề án
phát triển 03 ngành chế biến nông sản để phấn đấu đứng trong số 5 nước hàng đầu
thế giới về: Rau, củ, quả; thủy, hải sản; gỗ và sản phẩm từ gỗ, trình Thủ tướng
Chính phủ trong quý IV năm 2020. Chủ trì, phối hợp với các
cơ quan có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai đẩy
nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm chế biến nông sản; đẩy mạnh công suất các
nhà máy chế biến gắn với các vùng nguyên liệu tập trung để phục vụ nhu cầu tiêu
thụ của thị trường nội địa và xuất khẩu.
đ) Xây dựng Nghị định đẩy mạnh cơ giới
hóa đồng bộ trong nông nghiệp thay thế Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14
tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất
trong nông nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý IV năm 2020.
e) Triển khai hiệu quả Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của
Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên
kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vào thực tiễn; xây dựng các
mô hình thí điểm liên kết theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông sản chủ lực.
g) Phối hợp với
Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17
tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp
đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
h) Phối hợp với
Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia,
Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cấp công
nghệ chế biến, bảo quản nông sản tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao,
an toàn thực phẩm và đảm bảo chất lượng.
i) Chủ trì, phối
hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng bộ tiêu chí đánh
giá về năng lực của ngành chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.
2. Bộ Công Thương
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các giải pháp đảm
bảo nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến
nông sản, sớm khắc phục sự gián đoạn nguồn cung do đại dịch Covid-19 gây ra; tiếp
tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản, tăng cường xuất khẩu nông sản
chính ngạch, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng kênh phân phối
thị trường trong nước đối với hàng hóa chế biến nông sản,
phát triển thương mại điện tử, triển khai các giải pháp đồng bộ để tận dụng tốt
cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đặc biệt là EVPTA, CPTPP đối
với các mặt hàng chế biến nông sản.
b) Triển khai thực hiện Quyết định số
319/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến
lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035,
trong đó ưu tiên phát triển các loại máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, các
loại máy canh tác, bảo quản, chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản thuộc danh mục
sản phẩm cơ khí trọng điểm được ưu tiên đầu tư phát triển giai đoạn 2017 -
2025.
c) Thực hiện Chương trình cơ khí trọng
điểm, tập trung một số dự án phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp
và giảm tổn thất sau thu hoạch như: chế tạo máy gặt đập thu hoạch lúa, mía; chế
tạo động cơ diezen công suất lớn (trên 100 mã lực) và các loại máy kéo; các loại
máy sấy hiện đại, đảm bảo yêu cầu bảo quản các loại nông sản hàng hóa; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và chế biến
nông sản.
d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án phát triển logistics gắn với vùng sản xuất,
kinh doanh nông nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian vận
chuyển, phân phối sản phẩm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2020.
đ) Xây dựng và đẩy mạnh triển khai
các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ
trợ nông nghiệp, trong đó tập trung vào công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới
hóa đồng bộ trong nông nghiệp.
3. Bộ Khoa học và
Công nghệ
a) Tập trung, ưu tiên đầu tư ứng dụng
khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản đối với các ngành hàng
nông sản.
b) Triển khai thực hiện hiệu quả các
chương trình khoa học và công nghệ quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã nâng cấp công nghệ chế biến, bảo quản nông sản; trong đó ưu
tiên đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia.
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu xây dựng chương
trình khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030 thuộc lĩnh vực chế biến, bảo
quản nông sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào
quý II năm 2021.
d) Phối hợp với
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về năng lực
của ngành công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu
tư
a) Chủ trì, đôn đốc các bộ và địa
phương khẩn trương ban hành các quy định, hướng dẫn còn thiếu theo nhiệm vụ được
giao tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ, hoàn thành trong quý II năm
2020; đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ
nguồn vốn trung ương cho các địa phương để thực hiện Nghị định số
57/2018/NĐ-CP .
b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện Chương trình đầu
tư công hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 -
2025 theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP .
c) Cân đối, bố trí vốn đầu tư phát
triển triển khai đề án phát triển 03 ngành chế biến rau củ quả, thủy hải sản, gỗ
và sản phẩm từ gỗ sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt thuộc nhiệm vụ chi của
ngân sách trung ương theo quy định của Luật Đầu tư công và phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.
5. Bộ Tài chính
a) Cân đối, bố trí kinh phí sự nghiệp
triển khai đề án phát triển 03 ngành chế biến rau củ quả, thủy hải sản, gỗ và sản
phẩm từ gỗ sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt thuộc
nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước
và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách hàng năm.
b) Triển khai hiệu quả Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2018 về bảo hiểm nông nghiệp, tạo điều
kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng và phát triển các sản phẩm bảo hiểm
nông nghiệp phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân.
6. Bộ Tài nguyên và
Môi trường
Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung
các quy định về đất đai nhằm phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong nông
nghiệp; mở rộng hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân;
thiết lập các cơ chế thuận lợi để hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh
nghiệp tiếp cận đất đai hình thành các vùng sản xuất, chế biến tập trung.
7. Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam
a) Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập
trung nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ các dự án đầu tư phát triển
chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp, theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP
ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển
nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2018
sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ;
b) Tăng cường kết nối giữa ngân hàng
với doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo
thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp,
nông thôn đặc biệt là các dự án đầu tư vào chế biến nông sản và cơ giới hóa
nông nghiệp.
8. Bộ Giáo dục và
Đào tạo, Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội
Theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản
lý nhà nước được giao, chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn lập kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục
vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có nhân lực cho lĩnh vực chế biến, bảo quản
nông lâm thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp phù hợp với từng
thời kỳ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
9. Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
a) Khẩn trương triển khai thực hiện
các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao tại các văn bản có liên quan đến hoạt
động của công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa sản xuất nông
nghiệp.
b) Xây dựng các Chương trình, đề án
trọng điểm phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp và thúc đẩy công
nghiệp chế biến phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của từng
địa phương; ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm đặc sản của
địa phương.
c) Ban hành các chính sách hỗ trợ
phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa sản xuất nông
nghiệp phù hợp với chức năng nhiệm vụ và nguồn lực của địa
phương; ưu tiên, đảm bảo bố trí nguồn kinh phí thực hiện.
10. Yêu cầu Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên
quan chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương
Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các
Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NN (2). Loan
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|