THÔNG TƯ
[1]
HƯỚNG DẪN VỀ PHÍ VÀ LỆ PHÍ THUỘC THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH CỦA HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Thông tư số 85/2019/TT-BTC ngày 29 tháng 11 năm
2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết
định của Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; có hiệu lực kể
từ ngày 13 tháng 01 năm 2020; được sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư số 106/2021/TT-BTC ngày 26 tháng 11 năm
2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
85/2019/TT-BTC ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về
phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương; có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 01 năm 2022.
Căn cứ Luật Phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 86/2019/QH14
ngày 12 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020;
Căn cứ Nghị định số
120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị định số
87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ
Chính sách thuế;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Thông tư hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.[2]
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn về danh mục,
nguyên tắc xác định mức thu, căn cứ xác định mức thu, miễn, giảm, quản lý và sử
dụng phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh).
Điều 2. Danh
mục các khoản phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
1. Phí bình tuyển, công nhận cây mẹ,
cây đầu dòng, vườn giống cây lâm nghiệp, rừng giống (đối với hoạt động bình tuyển,
công nhận do cơ quan địa phương thực hiện).
2. Phí sử dụng công trình kết cấu
hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu (bao gồm:
khu vực cửa khẩu biên giới đất liền và khu vực cửa khẩu cảng biển).
3. Phí sử dụng tạm thời lòng đường,
hè phố.
4. Phí thăm quan danh lam thắng cảnh
(đối với danh lam thắng cảnh thuộc địa phương quản lý).
5. Phí thăm quan di tích lịch sử
(đối với di tích thuộc địa phương quản lý).
6. Phí thăm quan công trình văn
hóa, bảo tàng (đối với công trình thuộc địa phương quản lý).
7. Phí thẩm định cấp giấy chứng nhận
đủ điều kiện kinh doanh hoạt động cơ sở thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên
nghiệp.
8. Phí thư viện (đối với thư viện
thuộc địa phương quản lý).
9.[3] Phí thẩm định báo cáo đánh giá tác
động môi trường (đối với hoạt động thẩm định do cơ quan địa phương thực hiện).
10. Phí thẩm định phương án cải tạo,
phục hồi môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung (đối với
hoạt động thẩm định do cơ quan địa phương thực hiện).
11. Phí thẩm định hồ sơ cấp giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất.
12. Phí thẩm định đề án, báo cáo
thăm dò đánh giá trữ lượng, khai thác, sử dụng nước dưới đất (đối với hoạt động
thẩm định do cơ quan địa phương thực hiện).
13. Phí thẩm định hồ sơ, điều kiện
hành nghề khoan nước dưới đất (đối với hoạt động thẩm định do cơ quan địa
phương thực hiện).
14. Phí thẩm định đề án khai thác,
sử dụng nước mặt, nước biển (đối với hoạt động thẩm định do cơ quan địa phương
thực hiện).
15.[4] Phí thẩm định cấp, cấp lại, điều
chỉnh giấy phép môi trường (đối với hoạt động thẩm định do cơ quan địa phương
thực hiện).
16. Phí khai thác và sử dụng tài
liệu đất đai.
17. Phí cung cấp thông tin về giao
dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
18. Phí cung cấp thông tin về giao
dịch bảo đảm bằng tàu bay.
19. Phí cung cấp thông tin về giao
dịch bảo đảm bằng tàu biển.
20. Phí cung cấp thông tin về giao
dịch bảo đảm bằng động sản, trừ tàu bay, tàu biển.
21. Phí đăng ký giao dịch bảo đảm
(đối với hoạt động đăng ký do cơ quan địa phương thực hiện).
Điều 3. Danh mục
các khoản lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
1. Lệ phí đăng ký cư trú (đối với
hoạt động do cơ quan địa phương thực hiện).
2. Lệ phí cấp chứng minh nhân dân
(đối với hoạt động do cơ quan địa phương thực hiện).
3. Lệ phí hộ tịch.
4. Lệ phí cấp giấy phép lao động
cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam (đối với cấp phép do cơ quan địa
phương thực hiện).
5. Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất.
6. Lệ phí cấp giấy phép xây dựng.
7. Lệ phí đăng ký kinh doanh.
Điều 4. Nguyên
tắc xác định mức thu
Mức thu các khoản phí, lệ phí do Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định theo quy định
theo khoản 1 Điều 22 Luật phí và lệ phí, đảm bảo nguyên tắc và căn cứ sau:
1. Nguyên tắc xác định mức thu
phí, lệ phí đảm bảo quy định tại Điều 8 và Điều 9 Luật phí và lệ phí.
2. Xây dựng mức thu các khoản phí,
lệ phí cần đảm bảo:
a) Căn cứ mức thu phí, lệ phí hiện
hành (nếu có) để làm cơ sở đề xuất mức thu.
b)[5] Phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương
nơi phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí, lệ phí. Mức thu phí, lệ phí
đối với hoạt động cung cấp trực tuyến phù hợp để khuyến khích tổ chức, cá nhân
sử dụng dịch vụ công theo phương thức trực tuyến.
c)[6] Đối với các khoản phí, lệ phí vừa thuộc thẩm quyền quyết
định của Bộ Tài chính vừa thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (như:
phí bình tuyển, công nhận cây mẹ, cây đầu dòng, vườn giống cây lâm nghiệp, rừng
giống; phí thăm quan danh lam thắng cảnh; phí thăm quan di tích lịch sử; phí
thăm quan công trình văn hóa, bảo tàng; phí thư viện; phí thẩm định báo cáo
đánh giá tác động môi trường; phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường
và phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung; phí thẩm định đề án, báo cáo
thăm dò đánh giá trữ lượng, khai thác, sử dụng nước dưới đất; phí thẩm định hồ
sơ, điều kiện hành nghề khoan nước dưới đất; phí thẩm định đề án khai thác, sử
dụng nước mặt, nước biển; phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi
trường; phí đăng ký giao dịch bảo đảm; lệ phí đăng ký cư trú): Quy định mức thu
phí, lệ phí cần đảm bảo tương quan với mức thu phí, lệ phí do Bộ Tài chính quy
định.
d) Tham khảo mức thu phí, lệ phí của
các địa phương liền kề hoặc địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng
để bảo đảm sự hài hòa giữa các địa phương.
Điều 5. Căn cứ xác định mức
thu phí và lệ phí
Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội
tại địa phương nơi phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí, lệ phí, Hội đồng
nhân dân cấp tỉnh quy định mức thu phí, lệ phí phù hợp.
1. Đối với các khoản phí
a) Phí bình tuyển, công nhận cây mẹ,
cây đầu dòng, vườn giống cây lâm nghiệp, rừng giống là khoản thu để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí thực hiện
công việc bình tuyển, công nhận cây mẹ, cây đầu dòng, vườn giống cây lâm nghiệp,
rừng giống và bù đắp chi phí cho hoạt động thu phí.
b) Phí sử dụng công trình kết cấu
hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu (bao
gồm: khu vực cửa khẩu biên giới đất liền và khu vực cửa khẩu cảng biển) là khoản
thu đối với các đối tượng sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ,
tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu để bù đắp chi phí duy tu, bảo dưỡng,
duy trì điều kiện phục vụ hoặc tái tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội,
công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu.
- Căn cứ điều kiện cụ thể của địa
phương, mức độ bù đắp chi phí duy tu, bảo dưỡng, duy trì điều kiện phục vụ hoặc
tái tạo công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng
trong khu vực cửa khẩu để quy định mức thu phí phù hợp.
- Khi xây dựng mức thu phí, Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh cần tham khảo mức thu phí của các địa
phương có cửa khẩu biên giới đất liền hoặc cửa khẩu cảng biển trong khu vực để
xây dựng mức thu phí bảo đảm tương đồng giữa các địa phương, khu
vực. Mức thu phí được xác định trên nguyên tắc cơ bản bù đắp chi phí, có tính đến
chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng thời kỳ, đảm bảo
công bằng, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của người dân.
- Niêm yết công khai cơ sở tính
phí (trong đó cần công khai: Phạm vi dự án cảng hoặc khu vực cửa khẩu được cơ
quan có thẩm quyền phê duyệt; tổng mức đầu tư dự án; dự kiến lưu lượng phương
tiện ra, vào, hàng hóa lưu thông; thời gian hoàn vốn dự án và hiệu quả của việc
thu phí), mức phí, phương thức thu, đối tượng nộp, miễn, giảm và văn bản quy định
thu phí tại điểm thu và trên Trang thông tin điện tử của tổ chức thu phí.
c) Phí sử dụng
tạm thời lòng đường, hè phố là khoản thu đối với các đối tượng được phép sử dụng
tạm thời lòng đường, hè phố theo quy định của pháp luật, phù hợp
với quy hoạch, kế hoạch và quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng lòng đường,
hè phố.
Căn cứ điều kiện về quản lý, sử dụng
tạm thời lòng đường, hè phố của địa phương để quy định mức thu, hình thức thu
phí theo lượt, theo doanh thu, theo diện tích sử dụng cho phù hợp.
d) Phí thăm
quan danh lam thắng cảnh, phí thăm quan di tích lịch sử và phí thăm quan công
trình văn hóa, bảo tàng là khoản thu để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí về
bảo quản, tu bổ, phục hồi và quản lý đối với danh lam thắng cảnh, di tích lịch
sử, công trình văn hóa, bảo tàng và bù đắp chi phí cho hoạt động thu phí.
Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội,
quy mô, hình thức hoạt động thăm quan của từng danh lam thắng cảnh, di tích lịch
sử, công trình văn hóa, bảo tàng để quy định mức thu phí phù hợp, nhưng phải bảo
đảm:
- Mức thu được áp dụng thống nhất
đối với người Việt Nam và người nước ngoài.
- Đối với danh lam thắng cảnh, di
tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và
Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên
thế giới quy định mức thu phí bằng hoặc cao hơn mức thu phí danh lam thắng cảnh,
di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng khác.
- Miễn, giảm phí thăm quan danh
lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng đối với trẻ em,
người được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa, người khuyết tật, người
cao tuổi theo quy định của pháp luật.
đ) Phí thẩm định
cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động cơ sở thể thao, câu lạc bộ
thể thao chuyên nghiệp là khoản thu để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí thực
hiện công việc thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động
cơ sở thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và bù đắp chi phí cho hoạt động
thu phí.
Căn cứ vào quy mô, loại hình hoạt
động của cơ sở thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp để quy định mức thu
phí phù hợp và khuyến khích phát triển hoạt động thể thao.
e) Phí thư viện
là khoản thu để bù đắp một phần hoặc toàn bộ các chi phí cần thiết cho hoạt động
của thư viện khi cung cấp các dịch vụ và tiện ích phục vụ bạn đọc vốn tài liệu
của thư viện và bù đắp chi phí cho hoạt động thu phí.
- Căn cứ điều kiện và phương thức
cung cấp dịch vụ phục vụ bạn đọc để quy định mức thu phí khác nhau cho từng đối
tượng phù hợp.
- Miễn, giảm phí thư viện đối với
trẻ em, người được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa, người khuyết tật,
người cao tuổi theo quy định của pháp luật.
- Đối với các dịch vụ khác, như: dịch
thuật, sao chụp tài liệu, khai thác sử dụng mạng thông tin thư viện trong nước
và quốc tế, lập danh mục tài liệu theo chuyên đề, cung cấp các sản phẩm thông
tin đã được xử lý theo yêu cầu bạn đọc, vận chuyển tài liệu cho bạn đọc trực tiếp
hoặc qua bưu điện thực hiện giá dịch vụ.
g) Phí thẩm định
báo cáo đánh giá tác động môi trường là khoản thu để bù đắp một phần hoặc toàn
bộ chi phí thực hiện thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và bù đắp
chi phí cho hoạt động thu phí.
Căn cứ điều kiện cụ thể của địa
phương để quy định mức thu phí phù hợp với quy mô dự án, chuyên ngành dự án hoặc
mức độ phức tạp của công tác thẩm định.
h)[7] Phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi
môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung để bù đắp một phần
hoặc toàn bộ chi phí khi thực hiện thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi
trường và bù đắp chi phí cho hoạt động thu phí.
i)[8] Phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất là khoản thu đối với công việc thẩm định hồ sơ, các điều kiện
cần và đủ đảm bảo việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở
hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (bao gồm cấp lần đầu, cấp mới, cấp đổi, cấp
lại giấy chứng nhận và chứng nhận biến động vào giấy chứng nhận đã cấp) theo
quy định của pháp luật.
Căn cứ quy mô diện tích của thửa đất, tính chất
phức tạp của từng loại hồ sơ, mục đích sử dụng đất và điều kiện cụ thể của địa
phương để quy định mức thu phí cho từng trường hợp.
k)[9] Phí thẩm định đề án, báo cáo thăm dò đánh
giá trữ lượng, khai thác, sử dụng nước dưới đất; phí thẩm định khai thác, sử dụng
nước mặt, nước biển và phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường
là khoản thu để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí thực hiện công việc thẩm định
đề án, báo cáo thăm dò đánh giá trữ lượng, khai thác, sử dụng nước dưới đất;
khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển; cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi
trường và bù đắp chi phí cho hoạt động thu phí.
l) Phí thẩm định
hồ sơ, điều kiện hành nghề khoan nước dưới đất là khoản thu để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí thực hiện thẩm
định hồ sơ, điều kiện hành nghề
khoan nước dưới đất và bù đắp chi phí cho
hoạt động thu phí.
m) Phí khai
thác và sử dụng tài liệu đất đai là khoản thu đối với người có nhu cầu khai
thác và sử dụng tài liệu về đất đai của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản
lý hồ sơ, tài liệu về đất đai (như: cơ quan địa chính, Ủy ban nhân dân xã, phường,
thị trấn, quận, huyện) nhằm bù đắp chi phí quản lý, phục vụ việc khai thác và sử
dụng tài liệu đất đai và bù đắp chi phí cho
hoạt động thu phí. Phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai bao gồm cả
bản đồ quy hoạch sử dụng đất, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ chuyên đề,
bản đồ địa chính.
n) Phí cung cấp
thông tin về giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
(phí cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn
liền với đất) là khoản thu đối với người có yêu cầu cung cấp thông tin về
biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các cơ
quan nhà nước có thẩm quyền nhằm bù đắp chi phí thực hiện công việc, dịch vụ
cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền
với đất và bù đắp chi phí cho hoạt động thu
phí.
o)[10] Phí đăng ký giao dịch bảo đảm
(phí đăng ký biện pháp bảo đảm) là khoản thu khi thực hiện chứng nhận đăng ký đối
với biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các
cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm bù đắp chi phí cho việc thực hiện công việc,
dịch vụ đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với
đất và bù đắp chi phí cho hoạt động thu phí.
Căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương để quy
định mức thu phí theo hồ sơ đăng ký hoặc số lượng giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc số thửa đất, tài
sản gắn liền với đất được chứng nhận trên một giấy chứng nhận trong hồ sơ đăng
ký biện pháp bảo đảm hoặc các trường hợp đăng ký khác cho phù hợp.
2. Đối với các khoản lệ phí
a)[11] Lệ phí đăng ký cư trú là khoản thu đối với người được
cơ quan đăng ký cư trú giải quyết việc đăng ký cư trú theo quy định của pháp luật.
- Lệ phí đăng ký cư trú
đối với việc đăng ký và quản lý cư trú gồm: Đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú
cả hộ hoặc một người, gia hạn tạm trú, tách hộ, điều chỉnh thông tin về cư trú
trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, xác nhận thông tin về cư trú. Việc đăng ký tạm
trú theo danh sách, gia hạn tạm trú theo danh sách thì lệ phí đăng ký được tính
với từng cá nhân như đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú cho một người.
- Căn cứ điều kiện thực
tế của địa phương để quy định mức thu lệ phí phù hợp, đảm bảo nguyên tắc sau: Mức
thu lệ phí đối với việc đăng ký cư trú tại cơ quan đăng ký cư trú thuộc thành
phố trực thuộc Trung ương cao hơn mức thu đối với các khu vực khác.
b)[12] (được bãi bỏ)
c)[13] Lệ phí hộ tịch là khoản thu đối với người được cơ quan
nhà nước có thẩm quyền giải quyết các công việc về hộ tịch theo quy định của
pháp luật, không bao gồm việc cấp bản sao trích lục hộ tịch (thu phí khai thác,
sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu hộ tịch theo quy định tại Thông tư số
281/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).
- Lệ phí hộ tịch đối với
việc đăng ký hộ tịch tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, gồm: Khai sinh
(bao gồm: đăng ký khai sinh không đúng hạn, đăng ký lại khai sinh, đăng ký khai
sinh cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân); khai tử (bao gồm: đăng ký khai tử
không đúng hạn, đăng ký lại khai tử); kết hôn (đăng ký lại kết hôn); nhận cha,
mẹ, con; thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi cư trú ở trong
nước; bổ sung hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước; cấp giấy xác
nhận tình trạng hôn nhân; xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các việc hộ tịch
khác; đăng ký hộ tịch khác.
- Lệ phí hộ tịch đối với
việc đăng ký hộ tịch tại Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Khai sinh (bao gồm: đăng ký khai sinh,
đăng ký lại khai sinh, đăng ký khai sinh cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá
nhân); khai tử (bao gồm: đăng ký khai tử, đăng ký lại khai tử); kết hôn (bao gồm:
đăng ký kết hôn mới, đăng ký lại kết hôn); giám hộ, chấm dứt giám hộ; nhận cha,
mẹ, con; thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở
trong nước; xác định lại dân tộc; thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch có yếu tố
nước ngoài; ghi vào Sổ hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải
quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; đăng ký hộ tịch khác.
- Căn cứ điều kiện thực
tế của địa phương để quy định mức thu lệ phí phù hợp.
- Miễn, giảm lệ phí hộ tịch
theo quy định tại Điều 10 Luật Phí và lệ phí và khoản 1 Điều 11 Luật Hộ tịch.
d)[14] Lệ phí cấp (cấp, cấp lại, gia hạn) giấy phép lao động
cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là khoản thu khi được cơ quan nhà nước
có thẩm quyền cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại các
doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
đ) Lệ phí cấp
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất
là khoản thu mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải
nộp khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất.
Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất gồm: Cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất; chứng nhận đăng
ký biến động về đất đai; trích lục bản đồ địa chính; văn bản; số liệu hồ sơ địa
chính.
Căn cứ điều kiện cụ thể của địa
phương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để quy định mức
thu lệ phí phù hợp, đảm bảo nguyên tắc: Mức thu đối với hộ gia đình, cá nhân tại
các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, phường nội thành thuộc thành phố
hoặc thị xã trực thuộc tỉnh cao hơn mức thu tại các khu vực khác; mức thu đối với
tổ chức cao hơn mức thu đối với hộ gia đình, cá nhân.
e) Lệ phí cấp
giấy phép xây dựng là khoản thu khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy
phép xây dựng theo quy định của pháp luật.
g) Lệ phí
đăng ký kinh doanh là khoản thu khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng
nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận
đăng ký liên hiệp hợp tác xã (bao gồm cả giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, văn
phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã).
3. Đối với khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của
Chính phủ: Trường hợp tại các Nghị định của Chính phủ giao Hội đồng nhân dân cấp
tỉnh quyết định một số nội dung cụ thể về phí, lệ phí, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
ban hành văn bản theo quy định tại các Nghị định.
Điều 6. Về miễn, giảm phí, lệ
phí
1. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định
cụ thể đối tượng được miễn, giảm; mức giảm đối với các khoản phí, lệ phí thuộc
thẩm quyền đảm bảo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật phí và lệ phí.
2. Việc quyết định miễn, giảm phí,
lệ phí, căn cứ vào:
a) Quy định tại các luật chuyên
ngành và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật có liên quan về
miễn, giảm phí, lệ phí.
b) Chủ trương, chính sách của Đảng
và Nhà nước trong từng thời kỳ về các chính sách có liên
quan đến miễn, giảm phí, lệ phí.
c) Điều kiện kinh tế - xã hội của
địa phương nơi phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí, lệ phí.
Điều 7. Về
thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền phí, lệ phí
1. Tỷ lệ để lại, quản lý và sử dụng tiền phí
thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định số
120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí.
2. Đối với phí, Hội đồng nhân dân
cấp tỉnh quyết định tỷ lệ phần trăm trích để lại cho tổ chức
thu phí để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ thu phí, phần còn lại
(nếu có) nộp vào ngân sách nhà nước.
3. Đối với lệ phí, tổ chức thu lệ phí nộp 100% số tiền lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Điều 8. Tổ chức
thực hiện
1. Các khoản phí, lệ phí có tên
trong Danh mục kèm theo Luật phí và lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân
dân cấp tỉnh, khi ban hành cần đảm bảo:
a) Cần nghiên cứu kỹ thực tế để
ban hành văn bản thu phí, lệ phí cho phù hợp; không ban hành văn bản đối với
các khoản phí, lệ phí có tên trong Danh mục phí và lệ phí nhưng chưa thấy cần
thiết và chưa đủ điều kiện thu.
b)[15] Đối với các khoản lệ phí cấp chứng
minh nhân dân; phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng tàu bay; phí
cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng tàu biển; phí cung cấp thông tin về
giao dịch bảo đảm bằng động sản, trừ tàu bay, tàu biển: Việc ban hành văn bản
quy định mức thu, phương pháp thu các khoản phí, lệ phí này thực hiện khi các
luật chuyên ngành có liên quan quy định cơ quan địa phương cung cấp dịch vụ,
thu phí, lệ phí.
2. Việc quyết định thu phí, lệ
phí; phạm vi, đối tượng thu, đối tượng được miễn, giảm phí, lệ phí; mức thu, chế
độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với các khoản phí, lệ phí nêu tại Điều 2 và Điều 3 Thông tư này do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết
định cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương, nhưng cần có sự tham khảo
các địa phương khác để đảm bảo sự tương đồng giữa các địa phương và đảm bảo
công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân.
3. Đối với tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương được Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm, cơ chế chính
sách đặc thù về phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh, thành phố thì Hội đồng nhân dân
cấp tỉnh căn cứ quy định pháp luật phí và lệ phí, Nghị quyết của Quốc hội về áp
dụng thí điểm, cơ chế chính sách đặc thù và điều kiện kinh tế - xã hội của địa
phương để quyết định theo thẩm quyền.
4. Các khoản phí chuyển sang thực
hiện theo cơ chế giá do Nhà nước định giá theo quy định tại Phụ lục số 02 kèm
theo Luật Phí và lệ phí thì thực hiện theo quy định tại Luật Giá; Nghị định số
177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Giá; Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11
tháng 11 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
177/2013/NĐ-CP và các văn bản pháp luật hướng dẫn có liên quan.
Điều 9. Hiệu lực
thi hành [16]
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 13 tháng 01 năm 2020.
2. Thông tư này thay thế Thông tư
số 250/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn
về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương; Thông tư số 96/2017/TT-BTC ngày 27 tháng 9 năm 2017
sửa đổi, bổ sung Thông tư số 250/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Bộ
trưởng Bộ Tài chính.
3.[17]
Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp phí, lệ phí không hướng dẫn
tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Luật Phí và lệ phí, Nghị định
số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và
hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí, Luật Quản lý thuế, Nghị
định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết
một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01
năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc
Nhà nước và Thông tư số 303/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng
Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ
thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước.
4. Trong quá trình thực hiện, trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật
quy định viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực
hiện theo văn bản quy phạm pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
5. Tổ chức, cá
nhân thuộc đối tượng nộp phí, lệ phí và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Thông tư này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc,
đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, hướng
dẫn./.