Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 119/2003/TT-BTC Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hướng dẫn thi hành Nghị định 149/2003/NĐ-CP

Số hiệu: 119/2003/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Trương Chí Trung
Ngày ban hành: 12/12/2003 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do-Hạnh phúc

Số: 119/2003/TT-BTC

Hà Nội,ngày12 tháng12 năm2003

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 149/2003/NĐ-CP NGÀY 04/12/2003 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT VÀ LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

Căn cứ Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 05/1998/QH10 ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 08/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 149/2003/NĐ-CP ngày 04/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

A- PHẠM VI ÁP DỤNG THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT (TTĐB)

I - Đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế TTĐB

1. Đối tượng chịu thuế:

Đối tượng chịu thuế TTĐB quy định tại Điều 1 Nghị định số 149/2003/NĐ-CP ngày 04/12/2003 của Chính phủ là các hàng hóa, dịch vụ sau đây, trừ các trường hợp hàng hoá không phải chịu thuế TTĐB quy định tại mục II phần A Thông tư này.

1.1 - Hàng hóa:

a) Thuốc lá điếu, xì gà;

b) Rượu;

c) Bia;

d) Ô tô dưới 24 chỗ ngồi;

đ) Xăng các loại, nap-ta (naphtha), chế phẩm tái hợp (reformade component) và các chế phẩm khác để pha chế xăng;

e) Điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống;

g) Bài lá;

h) Vàng mã, hàng mã.

1.2 - Dịch vụ:

a) Kinh doanh vũ trường, mát-xa (Massage), ka-ra-ô-kê (Karaoke);

b) Kinh doanh ca-si-nô (casino), trò chơi bằng máy giắc-pót (jackpot);

c) Kinh doanh giải trí có đặt cược;

d) Kinh doanh gôn (golf): bán thẻ hội viên, vé chơi gôn;

đ) Kinh doanh xổ số.

2. Đối tượng nộp thuế TTĐB:

Đối tượng nộp thuế TTĐB quy định tại Điều 2 Nghị định số 149/2003/NĐ-CP ngày 04/12/2003 của Chính phủ là tổ chức, cá nhân (gọi chung là cơ sở) có sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.

- Tổ chức sản xuất, nhập khẩu hàng hóa, kinh doanh dịch vụ bao gồm:

+ Các tổ chức kinh doanh được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước và Luật Hợp tác xã;

+ Các tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức sự nghiệp và các tổ chức khác;

+ Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; các Công ty nước ngoài và tổ chức nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam không theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

- Cá nhân, hộ gia đình, nhóm người kinh doanh độc lập và các đối tượng kinh doanh khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu.

II- Các trường hợp hàng hóa không phải chịu thuế TTĐB:

1. Hàng hóa do các cơ sở sản xuất, gia công trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài bao gồm cả hàng hóa bán, gia công cho doanh nghiệp chế xuất.

 Cơ sở có hàng hoá thuộc đối tượng không chịu thuế TTĐB quy định tại điểm này phải có hồ sơ chứng minh là hàng đã thực tế xuất khẩu, cụ thể như sau:

- Hợp đồng bán hàng hoặc hợp đồng gia công cho nước ngoài.

- Hóa đơn bán hàng hóa xuất khẩu hoặc trả hàng, thanh toán tiền gia công.

- Tờ khai hàng hóa xuất khẩu có xác nhận của cơ quan Hải quan về hàng hoá đã xuất khẩu.

- Chứng từ thanh toán qua Ngân hàng.

Cơ sở sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTĐB nếu tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu theo giấy phép tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu, trong thời hạn chưa phải nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo chế độ quy định thì khi tái nhập khẩu không phải nộp thuế TTĐB, nhưng khi cơ sở sản xuất bán hàng hóa này phải nộp thuế TTĐB.

2. Hàng hóa do cơ sở sản xuất bán hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu theo hợp đồng kinh tế.

Cơ sở sản xuất có hàng hoá thuộc trường hợp không phải chịu thuế TTĐB quy định tại điểm này phải có hồ sơ chứng minh là hàng hoá đã thực tế xuất khẩu như sau:

- Hợp đồng mua bán hàng hoá để xuất khẩu hoặc hợp đồng ủy thác xuất khẩu đối với trường hợp uỷ thác xuất khẩu giữa cơ sở sản xuất và cơ sở kinh doanh xuất khẩu.

- Hóa đơn bán hàng, giao hàng uỷ thác xuất khẩu.

- Biên bản thanh lý (thanh lý toàn bộ hoặc từng phần) hợp đồng bán hàng hoá để xuất khẩu, biên bản thanh lý hợp đồng uỷ thác xuất khẩu thể hiện rõ các nội dung sau:

Tên, số lượng, chủng loại, mặt hàng, giá bán của hàng hoá đã thực tế xuất khẩu; hình thức thanh toán; số tiền và số, ngày chứng từ thanh toán hàng hoá xuất khẩu qua ngân hàng của người mua nước ngoài cho cơ sở xuất khẩu; số tiền và số, ngày của chứng từ thanh toán giữa cơ sở sản xuất với cơ sở xuất khẩu hoặc cơ sở nhận uỷ thác xuất khẩu; số, ngày của hợp đồng xuất khẩu, tờ khai Hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu.

Đối với hàng hoá cơ sở xuất khẩu mua, nhận uỷ thác xuất khẩu để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà tiêu thụ trong nước, cơ sở kinh doanh xuất khẩu phải kê khai, nộp thuế TTĐB đối với các hàng hoá này khi bán cho cơ sở kinh doanh trong nước.

3. Hàng hoá mang ra nước ngoài để bán tại hội chợ triển lãm ở nước ngoài.

 Cơ sở có hàng hoá mang ra nước ngoài để bán tại hội chợ triển lãm phải có đủ thủ tục:

- Giấy mời hoặc giấy đăng ký tham gia hội chợ triển lãm ở nước ngoài.

- Tờ khai hàng hoá xuất khẩu có xác nhận của cơ quan Hải quan về hàng hoá đã xuất khẩu.

- Bảng kê hàng bán tại hội chợ triển lãm.

- Chứng từ thanh toán tiền đối với hàng hoá bán tại hội chợ triển lãm, trường hợp bán hàng thu tiền mặt phải khai báo với cơ quan Hải quan, có chứng từ nộp tiền vào ngân hàng theo quy định hiện hành.

4. Hàng hoá nhập khẩu trong các trường hợp sau:

 - Hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại.

 - Quà tặng của các tổ chức, cá nhân nước ngoài cho các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội -nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân. Quà tặng được xác định theo mức quy định của Chính phủ hoặc của Bộ Tài chính.

 - Đồ dùng của tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao do Chính phủ Việt Nam quy định phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

 - Hàng hoá mang theo người trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế nhập khẩu của cá nhân người Việt Nam và người nước ngoài khi xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu Việt Nam.

5. Hàng hoá chuyển khẩu, quá cảnh, mượn đường qua Việt Nam theo các hình thức:

- Hàng hóa được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu không qua cửa khẩu Việt Nam;

- Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có qua cửa khẩu Việt Nam nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam;

- Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có qua cửa khẩu Việt Nam và đưa vào kho ngoại quan, không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam;

- Hàng quá cảnh, mượn đường qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam trên cơ sở Hiệp định đã ký kết giữa hai Chính phủ hoặc ngành, địa phương được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

6. Hàng hoá tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu, nếu thực tái xuất khẩu trong thời hạn chưa phải nộp thuế nhập khẩu theo chế độ quy định thì không phải nộp thuế TTĐB tương ứng với số hàng thực tái xuất khẩu.

7. Hàng tạm nhập khẩu để dự hội chợ, triển lãm nếu thực tái xuất khẩu trong thời hạn chưa phải nộp thuế nhập khẩu theo chế độ quy định.

Hết thời gian hội chợ, triển lãm mà tổ chức, cá nhân không tái xuất hàng tạm nhập khẩu thì phải kê khai, nộp thuế TTĐB; nếu tổ chức, cá nhân không kê khai mà bị kiểm tra, phát hiện thì ngoài việc truy thu thuế TTĐB còn bị phạt theo quy định của pháp luật.

8. Hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu vào khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất.

 Hồ sơ, trình tự và thẩm quyền giải quyết không thu thuế TTĐB đối với các trường hợp quy định tại các điểm 4, 5, 6, 7 và 8 nêu trên được thực hiện như quy định về giải quyết không thu thuế, miễn thuế nhập khẩu theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

9. Hàng hoá nhập khẩu để bán tại các cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế ở các cảng biển, sân bay quốc tế, bán cho các đối tượng được hưởng chế độ mua hàng miễn thuế  theo quy định của Chính phủ.

Thủ tục, hồ sơ xử lý không thu thuế TTĐB, quyết toán thuế TTĐB trong trường hợp này được áp dụng như quy định đối với việc xét miễn thuế nhập khẩu.

Trong các trường hợp hàng nhập khẩu không phải chịu thuế TTĐB quy định tại điểm  4, 5, 6, 7 và 8 nêu trên, nếu thay đổi mục đích sử dụng so với khi nhập khẩu thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thay đổi mục đích sử dụng, chủ hàng nhập khẩu phải khai báo với cơ quan Hải quan nơi đã làm thủ tục nhập khẩu lô hàng để nộp đủ thuế TTĐB. Thủ tục thu thuế TTĐB trong trường hợp này được thực hiện như quy định đối với thuế nhập khẩu.

B - CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ THUẾ SUẤT

Căn cứ tính thuế TTĐB là giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB và thuế suất thuế TTĐB.

Thuế TTĐB

Giá tính

Thuế suất

  phải nộp

=

thuế TTĐB

x

thuế TTĐB

I - Giá tính thuế TTĐB:

Giá tính thuế TTĐB của hàng hóa, dịch vụ được xác định cụ thể như sau:

1. Đối với hàng sản xuất trong nước: Giá tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở sản xuất chưa có thuế  TTĐB và chưa có thuế giá trị gia tăng (GTGT), được xác định cụ thể như sau:

                                             

Giá bán chưa có thuế  GTGT

 Giá tính thuế TTĐB  = 

                                                 1 +  Thuế suất thuế TTĐB

Giá bán chưa có thuế GTGT được xác định theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng.

Trường hợp cơ sở sản xuất hàng hoá chịu thuế TTĐB bán hàng qua các chi nhánh, cửa hàng, cơ sở phụ thuộc thì giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá do các chi nhánh, cửa hàng, cơ sở phụ thuộc bán ra chưa có thuế GTGT. Cơ sở sản xuất bán hàng thông qua đại lý bán đúng giá do cơ sở quy định, hưởng hoa hồng thì giá làm căn cứ xác định giá tính thuế TTĐB là giá bán chưa có thuế GTGT do cơ sở sản xuất quy định chưa trừ hoa hồng.

- Đối với rượu chai, bia chai, bia hộp (bia lon) bán theo giá có cả vỏ chai, vỏ hộp (vỏ lon) thì giá tính thuế TTĐB được xác định như sau:

                                                Giá bán chưa có thuế  GTGT - giá trị vỏ chai, vỏ lon

 Giá tính thuế  TTĐB  =

                                                   1 +  Thuế suất thuế TTĐB

            Trong đó:

+ Giá trị vỏ chai là giá mua vỏ chai chưa có thuế  GTGT hoặc giá thành sản xuất nếu cơ sở tự sản xuất.

+ Giá trị vỏ hộp (vỏ lon) được xác định theo mức 3.800đ/lít bia hộp.

Ví dụ 1: Đối với bia chai bán cả vỏ chai (không thu đổi vỏ chai): Giá bán của 1 lít bia chai Sài Gòn 330ml chưa có thuế GTGT là 20.000 đồng, giá trị vỏ chai cho 1 lít bia theo giá mua vào chưa có thuế GTGT là 4.000 đồng, thuế suất thuế TTĐB của bia chai là 75% thì:

                                                     20.000đ - 4.000đ         16.000đ

Giá tính thuế TTĐB 1 lít bia =                                  =                    = 9.143đ

                                                          1 + 75%                     1,75

Ví dụ 2: Đối với bia hộp: Giá bán của 1 lít bia hộp Sài gòn chưa có thuế GTGT là 16.000 đồng, giá trị vỏ hộp cho 1 lít bia được trừ là 3.800 đồng, thuế suất thuế TTĐB của bia hộp là 75% thì:

                                                                        16.000đ - 3.800đ                  12.200đ

  Giá tính thuế  TTĐB 1 lít bia hộp =                                                        =                       =  6.971đ

                                                                        1 + 75%                         1,75

- Đối với bia chai bán theo phương thức thu đổi vỏ chai thì giá bán làm căn cứ xác định giá tính thuế  TTĐB là giá bán chưa có thuế  GTGT.

Ví dụ 3: Giá bán theo phương thức thu đổi vỏ chai của một két bia chai Hà Nội chưa có thuế GTGT là 120.000đ/két thì :

                                                               120.000đ

 Giá tính thuế  TTĐB 1 két bia  =                                    =   68.571đ

                                                                1 +  75%                        

Ví dụ 4: Đối với bia hơi: Giá bán chưa có thuế GTGT của cơ sở sản xuất bia là 3.000đ/lít bia hơi, thuế suất đối với bia hơi là 30% thì:

                                                                 3.000 đ            

Giá tính thuế  TTĐB 1 lít bia hơi  =                              =   2.308 đ/lít

                                                                1 +  30%                  

- Đối với hàng hoá chịu thuế TTĐB được tiêu thụ qua các cơ sở kinh doanh thương mại thì giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán chưa có thuế GTGT của cơ sở sản xuất nhưng không được thấp hơn 10% so với giá bán bình quân do cơ sở thương mại bán ra.

Trường hợp giá bán của cơ sở sản xuất thấp hơn 10% so với giá cơ sở kinh doanh thương mại bán ra thì giá tính thuế TTĐB là giá do cơ quan thuế ấn định theo quy định tại điểm 8đ, Phần D Thông tư này.

 2. Đối với hàng nhập khẩu: Giá tính thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu thuộc diện chịu thuế TTĐB được xác định như sau:

Giá tính thuế TTĐB  = Giá tính thuế nhập khẩu + thuế nhập khẩu

Giá tính thuế nhập khẩu được xác định theo các quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu thì thuế nhập khẩu được xác định trong giá tính thuế TTĐB theo số thuế nhập khẩu còn phải nộp.

3. Đối với hàng hóa gia công: giá tính thuế TTĐB được xác định theo giá bán chưa có thuế GTGT của cơ sở đưa gia công.

4. Đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp: giá tính thuế TTĐB là giá bán chưa có thuế TTĐB và chưa có thuế GTGT của hàng hóa bán theo phương thức trả  tiền một lần, không bao gồm khoản lãi trả góp.

5. Giá tính thuế đối với dịch vụ chịu thuế TTĐB là giá cung ứng dịch vụ của cơ sở kinh doanh chưa có thuế TTĐB và chưa có thuế GTGT, được xác định như sau:

                                                      Giá dịch vụ chưa có thuế  GTGT

             Giá tính thuế TTĐB  =

                                                          1 +  Thuế suất thuế  TTĐB

Ví dụ: Doanh thu chưa có thuế GTGT kinh doanh vũ trường của cơ sở trong kỳ là 30.000.000 đồng.

                                            30.000.000 đ              

   Giá tính thuế  TTĐB =                                =     23.076.923đ

                                              1  +  30%                  

Giá dịch vụ chưa có thuế GTGT làm căn cứ xác định giá tính thuế TTĐB đối với một số dịch vụ quy định như sau:

- Đối với kinh doanh vũ trường là giá chưa có thuế GTGT của các hoạt động kinh doanh trong vũ trường.

- Đối với dịch vụ mát-xa là doanh thu mát-xa chưa có thuế GTGT bao gồm cả tắm, xông hơi.

- Đối với kinh doanh gôn là doanh thu thực thu chưa có thuế GTGT về bán thẻ hội viên, bán vé chơi gôn, bao gồm cả tiền phí chơi gôn do hội viên trả và tiền ký quỹ (nếu có). Trường hợp khoản ký quỹ được trả lại người ký quỹ thì cơ sở sẽ được hoàn lại số thuế đã nộp bằng cách khấu trừ vào số phải nộp của kỳ tiếp theo, nếu không khấu trừ được thì cơ sở sẽ được hoàn thuế theo quy định. Cơ sở kinh doanh gôn có kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ khác không thuộc danh mục chịu thuế TTĐB thì các hàng hóa, dịch vụ đó không phải chịu thuế TTĐB.

 Ví dụ: cơ sở kinh doanh gôn có tổ chức các hoạt động kinh doanh khách sạn, ăn uống, bán hàng hóa, hoặc các trò chơi thì các hàng hóa, dịch vụ này không thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.

- Đối với dịch vụ ca-si-nô, trò chơi bằng máy giắc-pót là doanh số bán chưa có thuế GTGT đã trừ trả thưởng tức là bằng số tiền thu được (chưa có thuế GTGT) do đổi cho khách trước khi chơi tại quầy đổi tiền hoặc bàn chơi, máy chơi trừ đi số tiền đổi trả lại cho khách.

- Đối với kinh doanh giải trí có đặt cược là doanh số bán vé số đặt cược trừ số tiền trả thưởng cho khách thắng cuộc (giá chưa có thuế GTGT), không bao gồm doanh số bán vé xem các trò giải trí có đặt cược.

- Đối với dịch vụ xổ số là giá vé số chưa có thuế  GTGT.

- Giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB dùng để khuyến mại, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng là giá tính thuế TTĐB của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này.

Giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa sản xuất trong nước, dịch vụ chịu thuế TTĐB bao gồm cả khoản thu thêm tính ngoài giá bán hàng hóa, dịch vụ (nếu có) mà cơ sở được hưởng.

Trường hợp đối tượng nộp thuế có doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu để xác định giá tính thuế.

II - THUẾ SUẤT THUẾ TTĐB.

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 149/2003/NĐ-CP của Chính phủ, thuế suất thuế TTĐB được áp dụng cụ thể như sau:

BIỂU THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

STT

HÀNG HOÁ, DỊCH VỤ

Thuế suất

(%)

I

HÀNG HOÁ

1.

Thuốc lá điếu, xì gà

a) Thuốc lá điếu có đầu lọc sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu nhập khẩu, xì gà

65

a) Thuốc lá điếu có đầu lọc sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu sản xuất trong nước

45

b) Thuốc lá điếu không đầu lọc

25

2.

Rượu

a) Rượu từ 40 độ trở lên

75

b) Rượu từ 20 độ đến dưới 40 độ

30

c) Rượu dưới 20 độ, rượu hoa quả

20

d) Rượu thuốc

15

3.

Bia

a) Bia chai, bia hộp, bia tươi

75

b) Bia hơi

30

4.

Ô tô

a) Ô tô từ 5 chỗ ngồi trở xuống

80

b) Ô tô từ 6 đến 15 chỗ ngồi

50

c) Ô tô từ 16 đến dưới 24 chỗ ngồi

25

5.

Xăng các loại, nap-ta (naptha), chế phẩm tái hợp (reformade component) và các chế phẩm khác dùng để pha chế xăng.

10

6.

Điều hoà nhiệt độ công suất từ  90 000 BTU trở xuống

15

7.

Bài lá

40

8.

Vàng mã, Hàng mã

70

II

DỊCH VỤ

1.

Kinh doanh vũ trường, mát xa, ka-ra-ô-kê

30

2.

Kinh doanh ca-si-nô (casino), trò chơi bằng máy giắc-pót (jackpot)

25

3.

Kinh doanh giải trí có đặt cược

25

4.

Kinh doanh gôn (golf): bán thẻ hội viên, vé chơi gôn

10

5.

Kinh doanh xổ số

15

Thuế suất thuế TTĐB không phân biệt hàng hóa nhập khẩu hay hàng hóa sản xuất trong nước.

Việc áp dụng thuế suất thuế TTĐB đối với một số hàng hóa, dịch vụ trong Biểu thuế được quy định cụ thể như sau:

1 - Thuốc lá điếu có đầu lọc sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu nhập khẩu thuộc nhóm thuế suất 65% là loại thuốc lá điếu sử dụng khối lượng nguyên liệu sợi thuốc nhập khẩu chiếm tỷ lệ từ 51% trở lên so với tổng khối lượng nguyên liệu sợi thuốc dùng cho sản xuất sản phẩm đó.

2 - Mặt hàng rượu thuốc áp dụng thuế suất 15% không phân biệt theo độ cồn. Cơ sở sản xuất rượu thuốc phải có giấy phép sản xuất rượu thuốc và giấy chứng nhận đăng ký tên, nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm rượu thuốc do cơ quan y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp. Đối với rượu thuốc nhập khẩu phải được cơ quan y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền xác định là rượu thuốc. Nếu không có đủ những giấy tờ quy định trên đây thì cơ sở sản xuất, kinh doanh phải nộp thuế TTĐB theo thuế suất của loại rượu có độ cồn tương ứng.

3 - Hàng mã thuộc diện chịu thuế TTĐB áp dụng thuế suất 70% không bao gồm loại hàng mã là đồ chơi trẻ em và các loại hàng mã dùng để trang trí.

4 - áp dụng thuế suất thuế TTĐB đối với bia tươi, bia hơi: căn cứ để xác định bia tươi hay bia hơi là quy trình công nghệ, thiết bị sản xuất, luận chứng kinh tế kỹ thuật của dự án đầu tư hoặc phương án sản xuất kinh doanh của chủ đầu tư. Cơ sở sản xuất bia phải đăng ký tên sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo quy định tại Điều 9 của Luật thuế TTĐB phù hợp với quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm. Trường hợp cơ sở sản xuất bia không đăng ký tên sản phẩm và không đủ tài liệu chứng minh, phân biệt rõ sản phẩm sản xuất, bán ra là bia tươi hay bia hơi thì phải áp dụng thuế suất thuế TTĐB là 75%.

C - ĐĂNG KÝ, KÊ KHAI NỘP THUẾ, HOÀN THUẾ VÀ QUYẾT TOÁN THUẾ

I- Đăng ký thuế, kê khai nộp thuế và sử dụng hóa đơn, chứng từ.

1. Đăng ký thuế:

Việc đăng ký thuế TTĐB được quy định cụ thể như sau:

a/ Cơ sở sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTĐB, kể cả các đơn vị, chi nhánh, cửa hàng trực thuộc cơ sở phải đăng ký thuế với cơ quan thuế nơi sản xuất, kinh doanh theo hướng dẫn về kê khai đăng ký thuế và đăng ký mã số đối tượng nộp thuế.

Đối với cơ sở mới sản xuất, kinh doanh, thời hạn đăng ký thuế chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, thay đổi ngành nghề kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh, cơ sở sản xuất kinh doanh phải khai báo với cơ quan thuế chậm nhất là 05 ngày trước khi có những thay đổi trên.

b/ Cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế TTĐB có sử dụng nhãn hiệu hàng hóa phải đăng ký mẫu nhãn hiệu hàng hóa sử dụng với cơ quan thuế nơi cơ sở sản xuất, kinh doanh chậm nhất không quá 05 ngày, kể từ ngày nhãn hiệu được sử dụng. Khi thay đổi nhãn hiệu hàng hóa, cơ sở phải khai báo với cơ quan thuế và đăng ký mẫu nhãn hiệu hàng hóa mới sử dụng chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày thay đổi nhãn hiệu.

Đối với cơ sở sản xuất thuốc lá điếu, ngoài việc đăng ký nhãn hiệu như trên, còn phải đăng ký với cơ quan thuế về định mức tiêu hao nguyên liệu sợi thuốc lá sản xuất cho từng loại thuốc lá điếu, trong đó ghi rõ khối lượng sợi thuốc sản xuất trên đơn vị sản phẩm và tỷ lệ giữa khối lượng sợi thuốc nhập khẩu (nếu có) trên tổng khối lượng sợi thuốc dùng để sản xuất sản phẩm làm căn cứ xác định mức thuế suất thuế TTĐB.

2. Kê khai thuế:

Cơ sở sản xuất, nhập khẩu hàng hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTĐB phải kê khai thuế TTĐB theo các quy định sau đây:

a/ Cơ sở sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTĐB phải kê khai thuế TTĐB khi tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, trả hàng gia công, trao đổi, biếu, tặng, khuyến mại, tiêu dùng nội bộ. Việc kê khai thuế phải thực hiện hàng tháng và nộp tờ khai thuế kèm theo Bảng kê chứng từ bán hàng (theo mẫu số 01/TTĐB, mẫu số 02A/TTĐB và mẫu số 02B/TTĐB ban hành kèm Thông tư này). Thời gian nộp tờ khai thuế TTĐB chậm nhất không quá ngày 10 của tháng tiếp theo. Ví dụ: Tờ khai thuế của tháng 02 năm 2004 cơ sở phải nộp cho cơ quan thuế chậm nhất không quá ngày 10 tháng 3 năm 2004.

Riêng cơ sở sản xuất có số thuế TTĐB phát sinh phải nộp lớn thì ngoài việc thực hiện kê khai hàng tháng phải kê khai nộp thuế TTĐB theo định kỳ 05 ngày hoặc 10 ngày một lần theo quy định sau:

+ Cơ sở sản xuất bia có công suất đến 20 triệu lít/năm, cơ sở sản xuất thuốc lá điếu có công suất đến 20 triệu bao/năm, cơ sở sản xuất ô tô, sản xuất máy điều hòa nhiệt độ, cơ sở sản xuất rượu kê khai nộp thuế theo định kỳ 10 ngày một lần.

+ Cơ sở sản xuất bia có công suất trên 20 triệu lít/ năm, cơ sở sản xuất thuốc lá điếu có công suất trên 20 triệu bao/năm kê khai thuế theo định kỳ 05 ngày một lần.

Tờ khai thuế định kỳ nộp cho cơ quan thuế vào ngày tiếp sau của định kỳ 05 ngày, 10 ngày. Tờ khai thuế của cả tháng nộp theo thời hạn đã quy định.

Cơ sở sản xuất kê khai thuế theo định kỳ 5 ngày, 10 ngày 1 lần nêu trên vẫn sử dụng tờ khai thuế tháng và ghi rõ thêm theo thời gian kê khai định kỳ.

Đối với trường hợp cơ sở sản xuất bán hàng qua các chi nhánh, cửa hàng, cơ sở phụ thuộc, bán hàng thông qua đại lý bán đúng giá do cơ sở quy định, hưởng hoa hồng, xuất hàng bán ký gửi, cơ sở sản xuất chính phải kê khai nộp thuế TTĐB cho toàn bộ số hàng hóa này tại nơi cơ sở sản xuất đăng ký kê khai nộp thuế. Các chi nhánh, cửa hàng, cơ sở trực thuộc khi gửi báo cáo về cơ sở sản xuất thì đồng gửi một bản cho cơ quan thuế nơi chi nhánh, cửa hàng, cơ sở trực thuộc bán hàng biết để theo dõi.

Trường hợp trong tháng không phát sinh thuế TTĐB thì cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn phải kê khai và gửi tờ khai thuế theo quy định cho cơ quan thuế.

Đối với trường hợp cơ sở sản xuất bán hàng qua các chi nhánh, cơ sở trực thuộc ở khác địa phương (tỉnh, thành phố) thì kê khai căn cứ vào hóa đơn xuất hàng của cơ sở sản xuất và khi quyết toán thuế sẽ quyết toán theo doanh số thực tế do chi nhánh, cơ sở trực thuộc bán ra.

Đối với hàng hoá gia công, trường hợp nếu có chênh lệch về giá bán ra của cơ sở đưa gia công với giá bán làm căn cứ tính thuế TTĐB của cơ sở nhận gia công thì cơ sở đưa gia công phải kê khai nộp bổ sung phần chênh lệch về thuế TTĐB của hàng đưa gia công theo giá thực tế mà cơ sở bán ra.

b/ Cơ sở nhập khẩu hàng hóa phải kê khai và nộp tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo từng lần nhập khẩu cùng với việc kê khai thuế nhập khẩu với cơ quan thu thuế nhập khẩu.

Trường hợp nhập khẩu ủy thác thì tổ chức nhập khẩu ủy thác là đối tượng kê khai, nộp thuế TTĐB.

c/ Cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế TTĐB bằng nguyên liệu đã chịu thuế TTĐB thì khi kê khai thuế TTĐB ở khâu sản xuất được khấu trừ số thuế TTĐB đã nộp đối với nguyên liệu nếu có chứng từ hợp pháp. Số thuế TTĐB được khấu trừ đối với nguyên liệu tối đa không quá số thuế TTĐB tương ứng với số nguyên liệu dùng sản xuất ra hàng hóa đã tiêu thụ.

Việc khấu trừ tiền thuế TTĐB được thực hiện cùng với việc kê khai nộp thuế, xác định thuế phải nộp trong trường hợp này theo công thức sau:

Số thuế TTĐB phải nộp

==

Số thuế TTĐB phải nộp của hàng xuất kho tiêu thụ trong kỳ

--

Số thuế TTĐB đã nộp ở khâu nguyên liệu mua vào tương ứng với số hàng xuất kho tiêu thụ trong kỳ

Ví dụ:

Trong kỳ kê khai thuế, cơ sở A phát sinh các nghiệp vụ sau:

+ Nhập khẩu 10.000 lít rượu nước, đã nộp thuế TTĐB khi nhập khẩu 250 triệu đồng (căn cứ biên lai nộp thuế TTĐB ở khâu nhập khẩu).

+ Xuất kho 8.000 lít để sản xuất 12.000 chai rượu.

+ Xuất bán 9.000 chai rượu, số thuế TTĐB phải nộp của 9.000 chai rượu xuất bán là 350  triệu đồng.

+ Số thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu nước rượu phân bổ cho 9.000 chai rượu đã bán ra là 150 triệu đồng.

Số thuế TTĐB cơ sở A phải nộp trong kỳ là:

 350 triệu đồng - 150 triệu đồng = 200 triệu đồng.

Trường hợp chưa xác định được chính xác số thuế TTĐB đã nộp cho số nguyên vật liệu tương ứng với số sản phẩm tiêu thụ trong kỳ thì có thể căn cứ vào số liệu của kỳ trước để tạm tính số thuế TTĐB được khấu trừ và sẽ quyết toán theo số thực tế vào cuối tháng, cuối quý. Trong mọi trường hợp, số thuế TTĐB được phép khấu trừ tối đa không vượt quá số thuế TTĐB tính cho phần nguyên liệu theo tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật của sản phẩm. Cơ sở sản xuất phải đăng ký định mức kinh tế kỹ thuật của sản phẩm với cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở.

d/ Cơ sở sản xuất nhiều loại hàng hóa và kinh doanh nhiều loại dịch vụ chịu thuế TTĐB có các mức thuế suất khác nhau thì phải kê khai nộp thuế TTĐB theo từng mức thuế suất quy định đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ; nếu cơ sở sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ không xác định được theo từng mức thuế suất thì phải tính và nộp thuế theo mức thuế suất cao nhất của hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở có sản xuất, kinh doanh.

đ/ Cơ sở kinh doanh xuất khẩu mua hàng để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà bán trong nước thì trong thời hạn 5 ngày kể từ khi bán hàng phải kê khai và nộp đủ thuế TTĐB thay cho cơ sở sản xuất. Giá tính thuế TTĐB trong trường hợp này là giá mua vào của cơ sở kinh doanh xuất khẩu, nếu không xác định được chính xác giá mua vào thì tính theo giá thực tế bán ra của cơ sở kinh doanh xuất khẩu chưa có thuế TTĐB và chưa có thuế GTGT.

3. Hóa đơn, chứng từ:

Cơ sở sản xuất, nhập khẩu hàng hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTĐB phải thực hiện đúng chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ khi mua, bán hàng hóa, kinh doanh dịch vụ và vận chuyển hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Cơ sở sản xuất khi bán hàng, giao hàng cho các chi nhánh, cơ sở phụ thuộc, đại lý đều phải sử dụng hóa đơn. Trường hợp chi nhánh, cửa hàng trực thuộc đặt trên cùng một tỉnh, thành phố với cơ sở sản xuất hoặc hàng xuất chuyển kho thì cơ sở được sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm theo lệnh điều động.

 Đối với hàng xuất cho chi nhánh, đại lý bán đúng giá quy định hưởng hoa hồng, giá bán ghi trên hóa đơn là giá bán do cơ sở sản xuất quy định cho chi nhánh, đại lý bán ra.

4. Nộp thuế:

Thuế TTĐB được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định sau đây:

a/ Cơ sở sản xuất, gia công hàng hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTĐB phải nộp thuế TTĐB vào ngân sách nhà nước tại nơi sản xuất, gia công hàng hóa, kinh doanh dịch vụ.

Thời hạn nộp thuế của tháng chậm nhất không quá ngày 25 của tháng tiếp theo.

Đối với cơ sở có số thuế TTĐB phải nộp lớn (quy định ở điểm 2a, mục I, phần C Thông tư này) thuộc đối tượng kê khai thuế theo định kỳ 05 ngày hoặc 10 ngày một lần phải nộp thuế TTĐB ngay sau khi kê khai.

 Đối với những cá nhân, hộ sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTĐB ở xa cơ quan kho bạc nhà nước thì cơ quan thuế tổ chức thu thuế và nộp vào ngân sách nhà nước. Thời hạn cơ quan thuế nộp tiền vào ngân sách nhà nước chậm nhất không quá 3 ngày kể từ ngày thu được tiền.

b/ Cơ sở nhập khẩu hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTĐB phải nộp thuế TTĐB theo từng lần nhập khẩu tại nơi kê khai nộp thuế nhập khẩu. Thời hạn thông báo và thời hạn nộp thuế TTĐB đối với hàng hóa nhập khẩu thực hiện theo thời hạn thông báo và nộp thuế nhập khẩu.

c/ Thuế TTĐB nộp vào ngân sách nhà nước bằng đồng Việt Nam.

5. Quyết toán thuế TTĐB:

Cơ sở sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTĐB phải quyết toán thuế TTĐB theo quy định sau:

a/ Cơ sở sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTĐB phải thực hiện quyết toán thuế TTĐB hàng năm với cơ quan thuế. Cơ sở phải kê khai toàn bộ các chỉ tiêu về số thuế phải nộp, số đã nộp, số còn thiếu hay nộp thừa đến thời điểm quyết toán theo mẫu quyết toán thuế (mẫu số 05/TTĐB ban hành kèm theo Thông tư này) và gửi đến cơ quan thuế trong thời hạn quy định. Năm quyết toán thuế được tính theo năm dương lịch, trường hợp cơ sở kinh doanh được áp dụng năm quyết toán tài chính khác với năm dương lịch thì vẫn phải quyết toán thuế TTĐB theo năm dương lịch. Thời hạn cơ sở sản xuất, kinh doanh phải nộp quyết toán thuế cho cơ quan thuế chậm nhất không quá 45 ngày, kể từ ngày 31 tháng 12 của năm quyết toán thuế.

Trường hợp cơ sở sản xuất bán hàng qua chi nhánh, đơn vị trực thuộc ở khác địa phương với nơi sản xuất, khi quyết toán thuế căn cứ vào doanh thu bán hàng thực tế của các chi nhánh, cơ sở phụ thuộc bán ra.

Cơ sở có hàng hoá gia công và cơ sở nhận gia công đều phải quyết toán thuế TTĐB với cơ quan thuế nơi sản xuất, kinh doanh.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh phải nộp số thuế TTĐB còn thiếu vào ngân sách nhà nước chậm nhất không quá 10 ngày kể từ ngày nộp báo cáo quyết toán thuế, nếu nộp thừa thì được trừ vào số phải nộp của kỳ tiếp theo hoặc được hoàn thuế theo quy định.

b/ Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, thay đổi ngành nghề kinh doanh, chuyển đổi hình thức sở hữu, giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước thì cơ sở phải quyết toán thuế với cơ quan thuế và gửi báo cáo quyết toán thuế cho cơ quan thuế trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày có quyết định về các thay đổi nêu trên và phải nộp đầy đủ số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nộp báo cáo quyết toán; nếu nộp thừa thì được trừ vào số thuế phải nộp của kỳ tiếp theo hoặc được hoàn thuế theo quy định.

Cơ sở sản xuất kinh doanh phải chịu trách nhiệm về tính đúng đắn, chính xác của số liệu quyết toán, nếu cơ sở báo cáo sai để trốn, lậu thuế sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

II- Hoàn thuế TTĐB.

Cơ sở sản xuất, nhập khẩu hàng hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTĐB được hoàn thuế TTĐB đã nộp trong một số trường hợp, hồ sơ, thủ tục và thẩm quyền giải quyết hoàn thuế như sau:

1. Đối với hàng hóa nhập khẩu:

a/ Hàng tạm nhập khẩu đã nộp thuế TTĐB, khi tái xuất khẩu được hoàn lại số thuế TTĐB đã nộp tương ứng với số hàng tái xuất khẩu.

Trường hợp hàng nhập khẩu đã nộp thuế TTĐB mà còn lưu kho, lưu bãi ở cửa khẩu nhập nhưng được phép tái xuất khẩu cũng được xét hoàn thuế đối với số hàng tái xuất khẩu.

b/ Hàng nhập khẩu đã nộp thuế TTĐB theo khai báo, nhưng thực tế nhập khẩu ít hơn so với khai báo; Hàng nhập khẩu trong quá trình nhập khẩu bị hư hỏng, mất có lý do xác đáng, đã nộp thuế TTĐB.

c/ Đối với hàng nhập khẩu chưa phù hợp về chất lượng, chủng loại theo hợp đồng, giấy phép nhập khẩu (do phía chủ hàng nước ngoài gửi sai), có giám định của cơ quan có thẩm quyền kiểm nghiệm và xác nhận của chủ hàng nước ngoài mà được phép nhập khẩu thì cơ quan Hải quan kiểm tra và xác nhận lại số thuế TTĐB phải nộp, nếu có số thuế đã nộp thừa thì được hoàn lại, nếu nộp thiếu thì phải nộp đủ số phải nộp.

Trường hợp được phép xuất khẩu trả lại nước ngoài thì được hoàn lại số thuế TTĐB đã nộp đối với số hàng xuất trả lại nước ngoài.

Trường hợp trả lại hàng cho bên nước ngoài trong thời hạn chưa phải nộp thuế nhập khẩu theo chế độ quy định thì cơ quan Hải quan kiểm tra thủ tục và thực hiện việc không thu thuế TTĐB phù hợp với số hàng nhập khẩu trả lại nước ngoài.

d/ Hàng tạm nhập khẩu để dự hội chợ, triển lãm đã nộp thuế TTĐB, khi tái xuất khẩu được hoàn thuế.

đ/ Nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu.

Tổng số thuế TTĐB được hoàn lại tối đa không quá số thuế TTĐB đã nộp của nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu.

e/ Hàng nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam được phép nhập khẩu để làm đại lý giao, bán hàng cho nước ngoài có đăng ký trước với cơ quan thu thuế ở khâu nhập khẩu thì được hoàn thuế đối với số hàng thực bán xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

Thủ tục, hồ sơ, trình tự và thẩm quyền giải quyết hoàn thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu trong các trường hợp nêu trên được thực hiện theo quy định như đối với việc giải quyết hoàn thuế nhập khẩu theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh quyết toán thuế khi sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức sở hữu, giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước có số thuế TTĐB nộp thừa, cơ sở có quyền đề nghị cơ quan thuế hoàn lại số thuế TTĐB nộp thừa, thủ tục hồ sơ như sau:

+ Công văn đề nghị hoàn lại thuế TTĐB đã nộp thừa.

+ Quyết định sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức sở hữu, giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước của cấp có thẩm quyền.

+ Quyết toán thuế TTĐB đến thời điểm sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức sở hữu, giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước.

+ Biên bản kiểm tra quyết toán thuế TTĐB đến thời điểm sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức sở hữu, giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước.

Thẩm quyền quyết định hoàn thuế trong trường hợp này do Cục trưởng Cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ sở sản xuất kinh doanh đã đăng ký, kê khai nộp thuế xét, quyết định.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh được hoàn thuế TTĐB trong trường hợp có quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu hoàn trả lại thuế cho cơ sở.

 Cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, xác định số thuế phải hoàn, ra quyết định hoàn thuế đối với trường hợp thuộc thẩm quyền tại điểm 2 nêu trên và thực hiện hoàn thuế cho các đối tượng nộp thuế bằng cách khấu trừ vào khoản thuế phải nộp của kỳ sau, trường hợp không khấu trừ được thì gửi cơ quan tài chính làm thủ tục hoàn trả theo đúng quy định của Bộ Tài chính.

D - NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN THUẾ.

Cơ quan thuế có những nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm sau đây:

1. Hướng dẫn các đối tượng nộp thuế thực hiện đầy đủ chế độ đăng ký, kê khai, nộp thuế theo đúng quy định của Luật thuế.

Những cơ sở sản xuất, kinh doanh không thực hiện đúng các quy định về đăng ký, kê khai, nộp thuế thì cơ quan thuế xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định của pháp luật.

2. Thông báo số thuế phải nộp (đối với đối tượng là cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán và hoá đơn, chứng từ), đôn đốc đối tượng nộp thuế nộp đúng thời hạn quy định. Thông báo nộp thuế phải gửi tới đối tượng nộp thuế trước 3 ngày so với ngày phải nộp thuế ghi trên thông báo, thời hạn nộp thuế của tháng chậm nhất không quá ngày 25 của tháng tiếp theo. Việc thông báo ấn định số thuế phải nộp và ngày nộp thuế được thực hiện ngay trong tháng hoặc vào đầu tháng tiếp sau (theo mẫu Thông báo số 03/TTĐB ban hành kèm theo Thông tư này).

Nếu quá thời hạn nộp thuế mà đối tượng nộp thuế chưa nộp thì cơ quan thuế ra thông báo chậm nộp lần thứ 01. Thông báo chậm nộp thuế bao gồm cả số tiền thuế phải nộp và số tiền phạt chậm nộp theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 17 của Luật thuế TTĐB.

Thời hạn tính phạt chậm nộp thuế hàng tháng kể từ ngày 26 của tháng tiếp theo; thời hạn tính phạt chậm nộp đối với hàng hóa nhập khẩu và các trường hợp khác là sau ngày quy định phải nộp theo Luật định. Nếu cơ sở vẫn không chấp hành nộp tiền thuế, tiền phạt theo thông báo nhắc nhở thì cơ quan thuế có quyền áp dụng hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính về thuế quy định tại khoản 4, Điều 17 của Luật thuế TTĐB để bảo đảm thu đủ số thuế, số tiền phạt. Trường hợp đã thực hiện các biện pháp xử lý hành chính về thuế mà cơ sở vẫn không nộp đủ số tiền thuế, số tiền phạt thì cơ quan thuế chuyển hồ sơ sang các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo pháp luật.

3. Cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở sản xuất có hàng hoá bán để xuất khẩu căn cứ vào bảng kê số 02B/TTĐB thông báo kịp thời bằng văn bản cho cơ quan thuế quản lý cơ sở kinh doanh xuất khẩu: tên đơn vị mua hàng để xuất khẩu, tên hàng hoá, số lượng, chủng loại và giá trị hàng hóa cơ sở đã mua để xuất khẩu. Cơ quan thuế quản lý cơ sở xuất khẩu có trách nhiệm theo dõi kiểm tra hàng hoá thực tế xuất khẩu. Nếu hàng hoá đã mua để xuất khẩu nhưng thực tế không xuất khẩu mà tiêu thụ trong nước thì có trách nhiệm yêu cầu cơ sở xuất khẩu kê khai, nộp đủ số thuế TTĐB của số hàng hoá này.

4. Kiểm tra, thanh tra việc kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế của cơ sở sản xuất kinh doanh bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật.

5. Xử lý vi phạm hành chính về thuế và giải quyết khiếu nại về thuế theo quy định của pháp luật.

6. Yêu cầu các đối tượng nộp thuế cung cấp sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và các hồ sơ tài liệu khác có liên quan tới việc tính thuế, nộp thuế; yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng và tổ chức, cá nhân khác có liên quan cung cấp các tài liệu liên quan tới việc tính thuế và nộp thuế.

7. Lưu giữ và sử dụng số liệu, tài liệu mà đối tượng nộp thuế và đối tượng khác cung cấp theo chế độ quy định.

8. Cơ quan thuế có quyền ấn định thuế TTĐB phải nộp đối với đối tượng nộp thuế trong trường hợp sau:

a/ Cơ sở sản xuất, kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chế độ hóa đơn, chứng từ.

Đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ (gọi chung là hộ kinh doanh) không thực hiện được đầy đủ việc mua bán hàng hóa, dịch vụ có hóa đơn, chứng từ thì cơ quan thuế căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh thực tế để ấn định doanh thu, số thuế TTĐB phải nộp và thông báo cho đối tượng nộp thuế thực hiện.

Số thuế ấn định phải nộp từng lần có thể được xác định làm căn cứ thu thuế ổn định trong thời gian là 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng tùy theo từng ngành nghề và mức biến động về giá cả, tình hình kinh doanh của đối tượng nộp thuế. Cơ quan thuế có trách nhiệm thông báo công khai về mức doanh thu và số thuế ấn định đối với các đối tượng này. Những hộ nghỉ kinh doanh phải khai báo với cơ quan thuế, nếu nghỉ kinh doanh cả tháng thì không phải nộp thuế ấn định của tháng đó.

Hộ kinh doanh nhỏ thuộc đối tượng nộp thuế theo mức ấn định, nếu nghỉ kinh doanh cả tháng được xét không thu thuế thì phải làm đơn đề nghị (theo mẫu và hướng dẫn của cơ quan thuế) khai báo cụ thể lý do nghỉ kinh doanh, số ngày nghỉ kinh doanh gửi cơ quan thuế quận, huyện. Cơ quan thuế kiểm tra thực tế và giải quyết theo chế độ.

Hộ kinh doanh nhỏ được xác định đối với từng mặt hàng, ngành nghề phù hợp với tình hình cụ thể ở địa phương theo quy định của Bộ Tài chính. Các Cục thuế căn cứ vào tình hình kinh doanh của hộ và hướng dẫn phân loại, xác định cụ thể loại hộ nhỏ ở địa phương mình để quản lý, thu thuế theo quy định chung.

b/ Không kê khai hoặc quá thời gian quy định gửi tờ khai, đã được thông báo nhắc nhở nhưng vẫn không thực hiện đúng, đã nộp tờ khai thuế nhưng kê khai không đúng các căn cứ xác định số thuế TTĐB.

c/ Từ chối xuất trình sổ kế toán, hóa đơn chứng từ và các tài liệu cần thiết liên quan tới việc tính thuế TTĐB.

d/ Kinh doanh nhưng không có đăng ký kinh doanh, không đăng ký kê khai nộp thuế mà bị kiểm tra, phát hiện.

đ/ Kê khai giá bán làm căn cứ xác định giá tính thuế TTĐB không đúng giá thực tế bán hoặc thấp hơn 10% giá bán trên thị trường của hàng hoá, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương. Cơ quan thuế quản lý đối tượng nộp thuế căn cứ giá bán trên thị trường để xác định căn cứ ấn định thuế TTĐB.

 Cơ quan thuế căn cứ vào tài liệu điều tra về tình hình hoạt động kinh doanh của cơ sở hoặc căn cứ vào số thuế phải nộp của cơ sở sản xuất, kinh doanh cùng ngành nghề, có quy mô kinh doanh tương đương để ấn định số thuế phải nộp đối với từng cơ sở trong các trường hợp nêu trên.

Trong trường hợp đối tượng nộp thuế không đồng ý với số thuế phải nộp được ấn định thì có quyền khiếu nại tới cơ quan thuế ấn định thuế hoặc cơ quan thuế cấp trên trực tiếp của cơ quan thuế ấn định thuế. Trong khi chờ giải quyết, đối tượng nộp thuế vẫn phải nộp theo mức thuế đã được cơ quan thuế ấn định. 

Đ - GIẢM THUẾ, MIỄN THUẾ TTĐB

Thủ tục, trình tự, thẩm quyền xét miễn giảm thuế đối với các trường hợp quy định tại Điều 16 Nghị định số 149/2003/NĐ-CP của Chính phủ được quy định cụ thể như sau:

1. Các trường hợp được giảm thuế, miễn thuế và thủ tục hồ sơ :

a/ Cơ sở sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTĐB gặp khó khăn do thiên tai, địch họa, tai nạn bất ngờ, bị lỗ được xét giảm thuế TTĐB. Mức giảm thuế được xác định trên cơ sở số bị lỗ do nguyên nhân bị thiên tai, định họa, tai nạn bất ngờ gây ra nhưng không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi đã được bồi thường (nếu có) và không quá 30% số thuế phải nộp theo Luật định của năm bị thiệt hại.

Để có căn cứ xét giảm thuế TTĐB theo quy định trên, cơ sở sản xuất phải có các hồ sơ thủ tục như sau:

+ Đơn xin giảm thuế TTĐB, nêu rõ thời gian, lý do bị thiệt hại, giá trị tài sản bị thiệt hại, số lỗ do thiên tai, địch họa, tai nạn bất ngờ gây ra, số thuế phải nộp, số thuế đề nghị giảm.

+ Biên bản xác định mức độ, giá trị thiệt hại về tài sản của cơ quan có thẩm quyền và có xác nhận của chính quyền địa phương từ cấp huyện trở lên.

+ Bản quyết toán tài chính kèm theo giải trình phân tích xác định số bị thiệt hại, số lỗ do bị thiệt hại.

+ Quyết toán thuế và biên bản kiểm tra quyết toán thuế với cơ quan thuế.

Các hồ sơ, tài liệu trên, cơ sở gửi tới cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở.

Cơ quan thuế quản lý cơ sở nhận hồ sơ, kiểm tra tài liệu và có văn bản kiến nghị kèm theo hồ sơ xin giảm thuế của cơ sở gửi cơ quan có thẩm quyền quyết định giảm thuế.

Trong khi chưa có quyết định giảm thuế, cơ sở vẫn phải kê khai và nộp đủ thuế theo quy định. Khi có quyết định giảm thuế, số thuế được giảm sẽ bù trừ vào số thuế phải nộp của kỳ tiếp theo.

Trường hợp cơ sở sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTĐB gặp khó khăn do thiên tai, địch họa, tai nạn bất ngờ bị thiệt hại nặng, không còn khả năng sản xuất kinh doanh và nộp thuế thì được xét miễn thuế TTĐB đối với số thuế TTĐB còn phải nộp không có khả năng nộp.Việc giải quyết miễn thuế do Bộ Tài chính xem xét và quyết định từng trường hợp cụ thể. Thủ tục, hồ sơ đề nghị miễn thuế TTĐB trong trường hợp này như quy định đối với việc xét giảm thuế nêu trên nhưng xác định rõ về việc cơ sở không còn khả năng sản xuất kinh doanh và nộp thuế.

b/ Cơ sở lắp ráp, sản xuất ô tô được giảm mức thuế suất quy định tại Điều 6 Nghị định số 149/2003/NĐ-CP từ ngày 01/01/2004 đến hết ngày 31/12/2006 như sau:

 Năm 2004 giảm 70%, năm 2005 giảm 50% và năm 2006 giảm 30%. Từ năm 2007 thực hiện theo đúng thuế suất quy định tại Điều 6 tại Nghị định số 149/2003/NĐ-CP nêu trên.

Theo quy định trên, mức thuế suất thuế TTĐB còn phải thực hiện từng năm (sau khi được giảm thuế) như sau:

Chỉ tiêu

Thuế suất phải thực hiện năm 2004 (%)

Thuế suất phải thực hiện năm 2005  (%)

Thuế suất phải thực hiện năm 2006  (%)

Thuế suất phải thực hiện từ năm 2007 trở đi  (%)

- Ô tô từ 5 chỗ ngồi trở xuống

24

40

56

80

- Ô tô từ 6-15 chỗ ngồi

15

25

35

50

- Ô tô từ 16 -24 chỗ ngồi

7.5

12.5

17.5

25

Ví dụ: Năm 2004, trong kỳ kê khai thuế, cơ sở sản xuất ô tô A có tình hình như sau:

- Ô tô từ 5 chỗ ngồi trở xuống có doanh thu theo giá bán chưa có thuế GTGT là 15 tỷ đồng.

- Ô tô từ 6 đến 15 chỗ ngồi có doanh thu theo giá bán chưa có thuế  GTGT là 10 tỷ đồng.

- Ô tô từ 16 đến dưới 24 chỗ ngồi có doanh thu theo giá bán chưa có thuế GTGT là 5 tỷ đồng.

Cơ sở phải tính, kê khai nộp thuế  TTĐB trong kỳ như sau:

                                    15                              10                               5

Thuế  TTĐB phải nộp  =                    x  24%  +                 x 15%  +                   x 7,5%

1+0,24                       1+0,15                     1+0,075

                                  = 2,9 + 1,3 + 0,35 =  4,55  tỷ đồng

2. Thẩm quyền và trình tự xét giảm, miễn thuế:

a/ Thẩm quyền xét giảm, miễn thuế TTĐB trong các trường hợp quy định tại điểm 1.a nêu trên quy định như sau:

- Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế xét, quyết định đối với trường hợp có số thuế giảm, miễn dưới 500 triệu đồng/năm.

- Bộ trưởng Bộ Tài chính xét, quyết định đối với trường hợp có số thuế giảm, miễn từ 500 triệu đồng/năm trở lên.

b/ Trình tự xét giảm, miễn thuế TTĐB:

- Cục thuế, Chi cục thuế khi nhận được hồ sơ giảm, miễn thuế TTĐB do cơ sở gửi tới, có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, xác định số thuế được giảm, miễn và có văn bản kiến nghị kèm theo hồ sơ gửi cơ quan thuế cấp trên trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ; trường hợp hồ sơ Cục thuế tiếp nhận của Chi cục thuế gửi tới thì thời hạn gửi kiến nghị lên cơ quan thuế cấp trên trong 10 ngày làm việc.

- Tổng cục Thuế kiểm tra, xem xét, quyết định giảm thuế cho cơ sở trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ.

Trường hợp cơ sở không thuộc đối tượng giảm thuế hoặc hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ giảm, miễn thuế phải trả lời hoặc thông báo cho cơ sở biết, bổ sung hồ sơ.

E- XỬ LÝ VI PHẠM, KHEN THƯỞNG

I- Xử lý vi phạm về thuế

1. Đối với đối tượng nộp thuế:

Theo quy định tại Luật thuế TTĐB, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB và Nghị định số 149/2003/NĐ-CP của Chính phủ, đối tượng nộp thuế vi phạm Luật thuế TTĐB bị xử lý như sau:

a/ Không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng những quy định về thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký kê khai nộp thuế, quyết toán thuế, kê khai lập sổ kế toán và giữ hoá đơn, chứng từ liên quan đến việc tính thuế, nộp thuế thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền.

b/ Nộp chậm tiền thuế hoặc tiền phạt ghi trong thông báo thuế, lệnh thu thuế hoặc quyết định xử phạt thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế hoặc tiền phạt theo Luật định, mỗi ngày nộp chậm còn phải nộp bằng 0,1% (một phần nghìn) số tiền chậm nộp.

c/ Khai man, trốn thuế thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế theo quy định của Luật thuế TTĐB, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị phạt tiền từ 1 đến 5 lần số tiền thuế gian lận; trốn thuế với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế mà còn có hành vi tiếp tục vi phạm nghiêm trọng khác thì có thể bị truy cứu trách  nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

d/ Không nộp thuế, nộp phạt sẽ bị xử lý như sau:

- Trích tiền gửi của đối tượng nộp thuế tại ngân hàng, kho bạc, tổ chức tín dụng để nộp thuế, nộp phạt.

Ngân hàng, kho bạc, tổ chức tín dụng có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của đối tượng nộp thuế để nộp thuế, nộp phạt vào ngân sách nhà nước theo quyết định xử lý về thuế của cơ quan thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền trước khi thu nợ.

- Giữ hàng hoá, tang vật để bảo đảm thu đủ số thuế, số tiền phạt.

- Kê biên tài sản theo quy định của pháp luật để bảo đảm thu đủ số thuế, số tiền phạt còn thiếu.

 Việc xử lý các vi phạm về thuế TTĐB nói trên được thực hiện theo các thủ tục, trình tự quy định tại các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm về thuế.

2. Đối với cán bộ thuế và cá nhân khác:

Theo quy định tại Điều 19 Luật thuế TTĐB, Điều 17 Nghị định số 149/2003/NĐ-CP của Chính phủ, cán bộ thuế, cá nhân khác vi phạm Luật thuế TTĐB bị xử lý như sau:

a/ Cán bộ thuế, cá nhân khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng trái phép, chiếm đoạt tiền thuế, tiền phạt thì phải hoàn trả đầy đủ cho nhà nước toàn bộ số tiền thuế, tiền phạt đã sử dụng trái phép, chiếm đoạt và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

b/ Cán bộ thuế, cá nhân khác thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc xử lý sai gây thiệt hại cho người nộp thuế thì việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự . Cán bộ thuế, cá nhân khác gây ra thiệt hại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

c/ Cán bộ thuế, cá nhân khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thông đồng, bao che cho người vi phạm Luật thuế TTĐB hoặc có hành vi khác vi phạm các quy định của Luật thuế TTĐB thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

d/ Người cản trở hoặc xúi giục người khác cản trở việc thi hành Luật thuế TTĐB thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

II- Khen thưởng

Theo quy định tại Điều 20 Luật thuế TTĐB, Điều 18 Nghị định số 149/2003/NĐ-CP của Chính phủ, cơ quan thuế, cán bộ thuế hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Luật thuế TTĐB; đối tượng nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế thì được khen thưởng.

III- Thẩm quyền xử lý vi phạm về thuế

Cơ quan thuế các cấp, khi phát hiện các cơ sở kinh doanh vi phạm về Luật thuế TTĐB phải kiểm tra xác định rõ hành vi vi phạm, mức độ, nguyên nhân vi phạm, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với hành vi vi phạm, lập hồ sơ theo quy định. Căn cứ vào các quy định và mức độ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, cơ quan thuế trong phạm vi thẩm quyền xử phạt vi phạm của từng cấp mà ra quyết định xử phạt hoặc kiến nghị lên cơ quan thuế cấp trên hoặc cơ quan pháp luật xử lý theo thẩm quyền quy định, cụ thể như sau:

1. Thủ trưởng cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế được quyền xử lý đối với các vi phạm của đối tượng nộp thuế quy định tại điểm 1.a, điểm 1.b và xử phạt vi phạm hành chính về thuế quy định tại điểm 1.c  Mục I Phần E của Thông tư này.

2. Thủ trưởng cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế được áp dụng các biện pháp xử lý quy định tại điểm 1.d Mục I Phần E của Thông tư này theo quy định của pháp luật và chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật đối với trường hợp vi phạm quy định tại điểm 1.c Mục I Phần E Thông tư này.

G- KHIẾU NẠI VÀ THỜI HIỆU

1. Quyền và trách nhiệm của đối tượng nộp thuế trong việc khiếu nại về thuế:

Theo quy định tại Điều 21 của Luật thuế TTĐB, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về việc cán bộ thuế, cơ quan thuế thi hành không đúng luật thuế TTĐB đối với cơ sở. Đơn khiếu nại phải gửi cơ quan thuế phát hành thông báo thuế, lệnh thu hoặc quyết định xử lý trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được lệnh thu hoặc quyết định xử lý. Trong khi chờ giải quyết, tổ chức, cá nhân khiếu nại vẫn phải nộp đủ và đúng thời hạn số tiền thuế, tiền phạt đã thông báo. Nếu tổ chức, cá nhân khiếu nại không đồng ý với quyết định của cơ quan thuế giải quyết khiếu nại, hoặc quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày gửi đơn chưa nhận được ý kiến giải quyết thì tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại lên cơ quan thuế cấp trên hoặc khởi kiện ra toà án theo quy định của pháp luật.

Thủ tục, trình tự khiếu nại hay khởi kiện và việc xem xét, giải quyết phải thực hiện đúng theo các quy định pháp luật hiện hành.

2. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan thuế trong việc giải quyết khiếu nại về thuế:

Theo quy định Điều 22 của Luật thuế TTĐB, cơ quan thuế các cấp khi nhận được đơn khiếu nại về thuế của đối tượng nộp thuế phải xem xét giải quyết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đơn. Đối với vụ việc phức tạp, phải điều tra xác minh mất nhiều thời gian thì cần thông báo cho đương sự biết, nhưng thời gian giải quyết chậm nhất cũng không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đơn; nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì phải chuyển hồ sơ hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho đương sự  biết trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trường hợp kiểm tra phát hiện và kết luận có sự khai man, trốn thuế hoặc nhầm lẫn về thuế thì cơ quan thuế có trách nhiệm truy thu hoặc hoàn trả số tiền thuế, tiền phạt tính không đúng trong thời hạn 05 năm về trước, kể từ ngày kiểm tra phát hiện có sự khai man, trốn thuế hoặc nhầm lẫn về thuế. Trường hợp cơ sở kinh doanh không đăng ký kê khai, nộp thuế thì thời hạn truy thu tiền thuế, tiền phạt kể từ khi cơ sở kinh doanh bắt đầu hoạt động.

H- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2004, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt do Bộ Tài chính đã ban hành.

2. Việc giải quyết những tồn tại về thuế tiêu thụ đặc biệt trước ngày 01 tháng 01 năm 2004 được thực hiện theo các quy định tương ứng của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực tại thời điểm đó.

3. Trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với Luật thuế tiêu thụ đặc biệt thì thuế tiêu thụ đặc biệt thực hiện theo quy định tại Điều ước quốc tế đó.

4. Việc tổ chức thu thuế TTĐB quy định như sau :

a/ Cơ quan Thuế chịu trách nhiệm tổ chức thu thuế TTĐB đối với  các cơ sở sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

b/ Cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm tổ chức thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với cơ sở nhập khẩu hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

 c/ Cơ quan Thuế và cơ quan Hải quan có trách nhiệm phối hợp trong việc quản lý thu thuế tiêu thụ đặc biệt trong phạm vi cả nước.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu hướng dẫn, bổ sung./.

Nơi nhận:
- VP TW Đảng,
- VP Quốc hội,
- VP Chủ tịch nước,
- Viện kiểm sát NDTC,
- Toà án NDTC,
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
- Cơ quan TW của các đoàn thể,
- Công báo,
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp),
- UBND, Sở Tài chính, Cục thuế, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,
- Các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, đơn vị thuộc Bộ Tài chính,
- Lưu: VP (TH, HC), TCT (HC, NV1). Lưu

KT/BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG





Trương Chí Trung

THE MINISTRY OF FINANCE
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No. 119/2003/TT-BTC

Hanoi, December 12, 2003

 

CIRCULAR

GUIDING THE IMPLEMENTATION OF THE GOVERNMENT’S DECREE NO. 149/2003/ND-CP OF DECEMBER 4, 2003 WHICH DETAILS THE IMPLEMEN-TATION OF THE SPECIAL CONSUMPTION TAX LAW AND THE LAW AMENDING AND SUPPLEMENTING A NUMBER OF ARTICLES OF THE SPECIAL CONSUMPTION TAX LAW

Pursuant to May 20, 1998 Special Consumption Tax Law No. 05/1998/QH10;
Pursuant to June 17, 2003 Law No. 08/2003/QH11 Amending and Supplementing a Number of Articles of the Special Consumption Tax Law;
Pursuant to the Government’s Decree No. 149/2003/ND-CP of December 4, 2003 detailing the implementation of the Special Consumption Tax Law and the Law Amending and Supplementing a Number of Articles of the Special Consumption Tax Law;
Pursuant to the Government’s Decree No. 77/2003/ND-CP of July 1, 2003 defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Finance,
The Ministry of Finance hereby guides the implementation as follows:

A. SCOPE OF APPLICATION OF SPECIAL CONSUMPTION TAX (SCT)

I. SCT-LIABLE OBJECTS AND SCT PAYERS

1. SCT-liable objects:

SCT-liable objects prescribed in Article 1 of the Government’s Decree No. 149/2003/ND-CP of December 4, 2003 are the following goods and services, except for cases where goods are not subject to SCT prescribed in Section II, Part A of this Circular.

1.1. Goods:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Liquors;

c/ Beer;

d/ Under-24 seat cars;

e/ Gasoline of various kinds, naphtha, reformade components and other components for mixing gasoline;

f/ Air conditioners of a capacity of 90,000 BTU or under;

g/ Playing cards;

h/ Votive gilt paper, votive objects.

1.2. Services:

a/ Dancing halls, massage parlors, karaoke bars;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Entertainment with bet tickets;

d/ Golf business: sale of golf club membership cards, golf playing tickets;

e/ Lottery business.

2. SCT payers:

SCT payers prescribed in Article 2 of the Government’s Decree No. 149/2003/ND-CP of December 4, 2003 include organizations and individuals (referred collectively to as establishments) that produce and/or import goods or provide services, which are subject to SCT.

- Organizations producing and/or importing goods or providing services include:

+ Business organizations set up and registering their business under the Enterprise Law, the State Enterprise Law and the Cooperatives Law;

+ Economic organizations of political organizations, socio-political organizations, social organizations, socio-professional organizations, people’s armed force units, non-business organizations and other organizations;

+ Foreign-invested enterprises and foreign parties to business cooperation under the Law on Foreign Investment in Vietnam; foreign companies and organizations conducting business activities in Vietnam not under the Law on Foreign Investment in Vietnam;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



II. CASES WHERE GOODS ARE NOT SUBJECT TO SCT:

1. Goods, including those sold to, or processed for, export-processing enterprises, which are directly exported to foreign countries by production and/or processing establishments.

Establishments that have goods not subject to SCT prescribed at this Point must have dossiers proving that their goods have been actually exported, concretely as follows:

- Goods sale contracts or contracts on processing for foreign countries.

- Invoices on export goods sale, goods delivery or payment of processing remuneration.

- Export goods declarations with the customs offices’ certification that goods have been exported.

- Via-bank payment vouchers.

Establishments producing goods subject to SCT that conduct temporary export for re-import under the permits for temporary export for re-import, during the grace period under the prescribed regime when conducting re-import, shall not have to pay SCT, but when selling such goods, they shall have to pay SCT.

2. Goods which are sold or consigned by production establishments to export business establishments for export under economic contracts.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Contracts on purchase/sale of goods for export or export consignment contracts for cases of export consignment between production establishments and export business establishments.

- Invoices on goods sale or export consignment goods delivery.

- Records of (whole or partial) liquidation of contracts on sale of goods for export, records of liquidation of export consignment contracts clearly stating the following contents:

Names, quantities, categories and items of goods as well as sale prices of actually exported goods; payment modes; money amounts as well as serial numbers and dates of vouchers on via-bank payment of export goods by foreign purchasers to exporting establishments; money amounts as well as serial numbers and dates of payment vouchers between production establishments and exporting establishments or export consignees; serial numbers and dates of export contracts and customs declarations for export goods.

For goods which are purchased or accepted for consigned export by exporting establishments, and not exported but consumed in the country, the export business establishments must declare and pay SCT on such goods when selling them to domestic business establishments.

3. Goods which are brought to foreign countries for sale at overseas exhibitions-cum-fairs.

Establishments that have goods brought overseas for sale at exhibitions-cum- fairs must fully go through the following procedures:

- A written invitation or written registration for participation in overseas exhibitions-cum-fairs.

- Export goods declarations with the customs offices’ certification of the already exported goods.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Vouchers on payment for goods to be sold at exhibitions-cum-fairs, in cases where goods are sold with cash collection, such must be declared with the customs offices and there must be vouchers on remittances of money into banks under the current regulations.

4. Goods which are imported in the following cases:

- Humanitarian aid or non-refundable aid goods;

- Foreign organizations’ or individuals’ gifts for State agencies, political organizations, socio-political organizations, social organizations, socio-professional organizations and/or people’s armed force units. Such gifts shall be determined within the limits prescribed by the Government or the Finance Ministry;

- Belongings of foreign organizations and/or individuals, that enjoy the diplomatic privileges and immunities prescribed by the Vietnamese Government in accordance with the international treaties which Vietnam has signed or acceded to;

- Personal effects within the duty-free luggage limits prescribed for Vietnamese individuals and foreigners on exit or entry through the Vietnamese border gates;

5. Goods which are transshipped, transited or transported through Vietnamese territory in the following forms:

- Goods transported directly from the exporting countries to the importing countries without arriving at the Vietnamese border gates;

- Goods transported from the exporting countries to the importing countries, arriving at the Vietnamese border gates but without going through the procedures for import into Vietnam and without going the through the procedures for export from Vietnam;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Goods transited and/or transported through Vietnam’s border gates and/or borders on the basis of the agreements signed between the two governments or between branches or localities, as permitted by the Prime Minister;

6. For goods temporarily imported for re-export, which have been actually re-exported during the period when the import tax is not paid according to the prescribed regime, SCT must not be paid for the volumes of actually re-exported goods.

7. Goods temporarily imported for participation in fairs or exhibitions, which have been actually re-exported during the period when import tax is not paid according to the prescribed regime.

At the end of fairs or exhibitions, if organizations or individuals fail to re-export the temporarily imported goods, they must declare and pay SCT; if they are detected through inspection as having not made such declaration, they shall, apart from having SCT retrospectively collected, be sanctioned according to law provisions.

8. Goods imported from foreign countries into export-processing zones and/or export-processing enterprises.

The dossiers, order and competence for non-collection of SCT for cases prescribed at Points 4, 5, 6, 7 and 8 mentioned above shall comply with the regulations on import tax non-collection and exemption under the provisions of the Law on Import Tax and Export Tax.

9. Goods imported for sale at duty-free shops at international seaports and/or airports or sold to subjects entitled to duty-free goods purchase regime under the Government’s regulations.

The procedures and dossiers for SCT non-collection and settlement in this case shall be the same as those prescribed for import tax exemption consideration.

In cases where import goods are not subject to SCT as prescribed at Points 4, 5, 6, 7, and 8 above, if their use purposes are changed as compared to those when such goods are imported, within 3 days after the use purposes are changed, the import goods owners must declare such with the customs offices where the import procedures have been carried out for the goods lots in order to fully pay SCT. The procedures for SCT collection in this case shall be the same as those prescribed for import tax.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



SCT calculation bases are the tax calculation prices of taxable goods or services and the tax rates.

Payable SCT = SCT calculation prices x SCT rates

I. SCT CALCULATION PRICES

SCT calculation prices of goods or services are specified as follows:

1. For home-made goods: SCT calculation prices shall be the sale prices set by the production establishments exclusive of SCT and value added tax (VAT), and specified as follows:

         SCT                          Sans-VAT sale prices
    calculation        =          ———————————
       prices                              1 +  SCT rates                         

The sans-VAT sale prices shall be determined according to the provisions of the VAT Law.

In cases where establishments producing SCT-liable goods sell goods via their branches, shops or affiliates, the prices serving as bases for SCT calculation shall be the sans-VAT sale prices set by such branches, shops or affiliates. For production establishments that sell goods via commission-enjoying sale agents, the prices serving as bases for determining SCT calculation prices shall be the sans-VAT sale prices, not yet excluding commissions, set by such production establishments.

- For bottled liquors, bottled beers and canned beers, which are sold at the prices inclusive of the value of empty bottles and empty cans, the SCT calculation prices shall be determined as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In which:

+ The value of empty bottles is the sans-VAT purchase prices of empty bottles or the cost prices if the establishments produce the bottles by themselves.

+ The value of empty cans shall be: VND 3,800/liter of canned beer.

Example 1: For bottled beers which are sold at the prices inclusive of the value of the empty bottles (empty bottled are not exchanged): The sans-VAT sale price of 1 liter of Sai Gon 330ml-bottled beer is VND 20,000, the value of empty bottles for one liter of beer at the sans-VAT purchase prices is VND 4,000, the SCT rate of bottled beer is 75%, then:

SCT calculation                          VND 20,000  –  VND 4,000
price of one              =              —————————————
liter of beer                                            1 +  75%

                                                            VND 16,000
                                =               ————————————
                                                                  1.75
                                =                           VND 9,143            

Example 2: For canned beers: The sans-VAT sale price of one liter of Sai Gon canned beer is VND 16,000, the to be-excluded value of empty cans of one liter of beer is VND 3,800, the SCT rate of canned beer is 75%, then:

     SCT calculation                      VND 16,000 – VND 3,800
        price of one           =          ————————————
  liter of canned beer                               1 +  75%
                                                                    
                                                            VND 12,200
                                     =              —————————— 
                                                                  1.75

                                     =                     VND 6,971

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Example 3: The sans-VAT sale price by mode of exchange of empty bottles of one case of Hanoi bottled beer is VND 120,000/case, then:

           SCT
       calculation                  VND 120,000
     price of one       =       ———————     =    VND 68,571
     case of beer                    1 + 75%

Example 4: For draught beer: The sans-VAT sale price set by the beer-producing establishment is VND 3,000/liter of draught beer, the tax rate of draught beer is 30%, then:

          SCT calculation                  VND 3,000
         price of one liter      =       ———————       =     VND 2,308/liter
          of draught beer                    1 + 30%

- For SCT-liable goods which are sold via trade business establishments, the prices serving as bases for SCT calculation shall be the sans-VAT sale prices set by production establishments, which, however, must not be 10% lower than the average sale prices set by the trade business establishments.

In cases where the sale prices set by production establishments are 10% lower than the sale prices set by the trade business establishments, the SCT calculation prices shall be the prices set by the tax agencies under the provisions at Point 8e, Part D of this Circular.

2. For import goods: The SCT calculation prices of import goods subject to SCT shall be determined as follows:

SCT calculation prices  =  Import tax calculation prices  +  Import tax

The import tax calculation prices shall be determined according to the provisions of the Law on Import Tax and Export Tax. In cases where import goods are eligible for import tax exemption or reduction, the import tax shall be included in the SCT calculation prices according to the payable import tax amounts.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. For goods sold by mode of installment payment: The SCT calculation prices shall be the sale prices exclusive of SCT and VAT of such goods sold by mode of lump-sum payment, excluding the interest amounts paid in installment).

5. Tax calculation prices for SCT-liable services shall be the service provision prices exclusive of VAT and SCT, set by business establishments, and be determined as follows:

              SCT                        Sans-VAT service prices
         calculation        =          ———————————
            prices                              1 +  SCT rates

For example: Sans-VAT turnover earned in the period by the establishments from dancing halls is VND 30,000,000.

           SCT                         VND 30,000,000
       calculation        =          ————————       =        VND 23,076,923
           price                              1 +  30%

The sans-VAT service prices serving as bases for determining the SCT calculation prices for a number of services are prescribed as follows:

- For dancing hall business, they shall be the sans-VAT prices of business activities at dancing halls.

- For massage services, they shall be the sans-VAT turnover from massage services, including steam bath and sauna services.

- For golf business, they shall be the sans-VAT actual turnover from the sale of membership cards, golf playing tickets, including golf playing charges paid by club members and deposits (if any). In cases where deposits are returned to depositors, the establishments shall be reimbursed the paid tax amounts by deducting them from the payable amounts of the subsequent period, if establishments cannot deduct them, they shall have the tax reimbursed according to regulations. For golf business establishments that deal in other kinds of goods and/or services not on the list of those subject to SCT, such goods and services shall not be subject to SCT.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- For casino and jackpot games, they shall be the sans-VAT sale turnover, excluding the paid prize money, or the money amounts (exclusive of VAT) gained from the pre-game exchanges for players at exchange counters, playing tables or playing machines minus the exchange amounts paid back to players.

- For entertainment with bet tickets, they shall be the turnover from the sale of bet tickets minus the prize money amounts paid to winning players (sans-VAT prices), excluding the turnover from the sale of tickets for watching entertainment games with bet tickets.

- For lottery services, they shall be the lottery ticket prices exclusive of VAT.

- The SCT calculation prices of SCT-liable goods or services used for sale promotion, exchange, internal consumption, gift or donation shall be the SCT calculation prices of goods or services of the same or equivalent kinds at the time such activities are conducted.

The SCT calculation prices of home-made goods or services, which are subject to SCT, shall include the additional levies outside the sale prices of goods or services (if any) enjoyed by the establishments.

In cases where tax payers have goods/service sale turnovers in foreign currencies, they must convert such foreign currency amounts into Vietnam dong at the inter-bank average exchange rates announced by Vietnam State Bank at the time such turnovers are generated to determine the tax calculation prices.

II. SCT RATES

Under the provisions of Article 6 of the Government’s Decree No. 149/2003/ND-CP, applicable SCT rates are as follows:

SPECIAL CONSUMPTION TARIFF

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Goods and services

Tax rate (%)

I

GOODS

 

1

Cigarettes, cigars

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



65

 

b/ Filter cigarettes produced mainly from domestic raw materials

45

 

c/ Non-filter cigarettes

25

2

Liquors

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

a/ Of 40% proof or higher

75

 

b/ Of between 20% and under 40% proof

30

 

c/ Of under 20% proof, fruitwines

20

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Medicated liquors

15

3

Beer

 

 

a/ Bottled beer, canned beer, fresh beer

75

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



30

4

Cars

 

 

a/ Cars of 5 seats or under

80

 

b/ Cars of between 6 and 15 seats

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

c/ Cars of between 16 and under 24 seats

25

5

Gasoline of various kinds, naphtha, reformade components and other components for mixing gasoline

10

6

Air conditioners of a capacity of 90,000 BTU or under

15

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Playing cards

40

8

Votive gilt paper, votive objects

70

II

SERVICES

 

1

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



30

2

Casino, jackpot games

25

3

Entertainment with bet tickets

25

4

Golf business; sale of membership cards, golf playing tickets

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5

Lottery business

15

SCT rates shall apply regardless of whether goods are imported or home-made.

The application of SCT rates to a number of goods and services in the Tariff is specified as follows:

1. Filter cigarettes produced mainly from imported raw materials subject to the tax rate of 65% are those produced with the volume of imported shred tobacco raw materials accounting for 51% or more of the total volume of shred tobacco raw materials used therefor.

2. For medicated liquors, the tax rate of 15% shall apply irrespective of their alcoholic strength. Medicated liquor production establishments must obtain medicated liquor production permits and certificates of registration of the names, trademarks, labels and quality of their medicated liquor products, issued by medical agencies or competent agencies. Import medicated liquors must be certified by medical agencies or competent agencies. If failing to obtain all the above-prescribed papers, the production/business establishments must pay the special consumption tax at the rates set for liquors of the corresponding alcoholic strength.

3. Votive objects subject to the SCT rate of 70% shall not include those being children toys and those used for decoration.

4. SCT rates applicable to fresh beer and draught beer: The bases for determining whether they are fresh beer or draught beer shall be technological processes, production equipment, investment projects’ econo-technical studies or investors’ production/business plans. Beer production establishments must register names and quality standards of products suitable to the product-manufacturing technological processes according to the provisions of Article 9 of the SCT Law. In cases where they fail to register the product names and fail to acquire enough documents proving or distinguishing whether the turned-out and sold products are fresh beer or draught beer, the SCT rate of 75% shall apply.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



I. TAX REGISTRATION, DECLARATION AND PAYMENT AS WELL AS USE OF INVOICES AND VOUCHERS

1. Tax registration:

SCT registration is specified as follows:

a/ Establishments producing goods and/or providing services, which are subject to SCT, including their dependent units, branches and shops, must make tax registration with the tax agencies of the localities where they conduct production/business activities under the guidance on tax declaration and registration as well as registration of tax payers’ numeral codes.

For establishments that have just started their production/business activities, the time limit for tax registration shall be 10 days as from the date they are granted the business registration certificates.

In case of merger, consolidation, separation, splitting, dissolution, bankruptcy, change of production/business lines or business cessation, the production/business establishments must declare such with the tax agencies at least 5 days before the above-said changes occur.

b/ Establishments that produce SCT-liable goods and use trademarks therefor must register such trademark specimens with the tax agencies of the localities where they conduct production/business activities within 5 days after such trademarks are used. When changing the trademarks, the establishments must declare such with the tax agencies and register specimens of the new trademarks within 5 days after the trademarks are changed.

Cigarette-manufacturing establishments, apart from making trademark registration mentioned above, shall also have to register with the tax agencies the norms of consumption of shred tobacco raw materials used for production of each type of cigarette, clearly stating the volume of shred tobacco per product unit and the ratio of the volume of imported shred tobacco (if any) to the total volume of shred tobacco used for production of products for use as basis for determining SCT rates.

2. Tax declaration:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Establishments producing goods or providing services, which are subject to SCT, shall have to make SCT declaration when consuming goods, providing services, returning processed goods, or making exchange, gift, donation, sale promotion or internal consumption. Tax declaration must be made monthly and tax declarations shall be submitted together with lists of goods sale vouchers (made according to set forms). The deadline for submitting the SCT declarations shall be the 10th day of the subsequent month. For example: The establishments shall have to submit tax declarations of February of 2004 to the tax agencies no later than March 10, 2004.

Particularly for production establishments with large amounts of payable SCT, apart from making monthly declaration, they must make SCT payment declaration once every 5 or 10 days according to the following regulations:

+ Beer-manufacturing establishments with a capacity of up to 20 million liters/year; cigarette-manufacturing establishments with a capacity of up to 20 million packs/year; car, air-conditioner and liquor production establishments shall make tax payment declaration once every 10 days.

+ Beer-manufacturing establishments with a capacity of over 20 million liters/year and cigarette- manufacturing establishments with a capacity of over 20 million packs/year shall make tax declaration once every 5 days.

Periodical tax declarations shall be submitted to the tax agencies on the dates following the 5-day or 10-day period. Monthly tax declarations shall be submitted within the prescribed time limits.

Production establishments that make periodical 5-day or 10-day tax declarations mentioned above shall still use monthly tax declarations and additionally inscribed the time of periodical declaration therein.

For production establishments that sell goods via their branches, shops, affiliates and/or commission-enjoying sale agents, or deliver goods for sale consignment, they shall have to make SCT declaration and payment for all such goods in the localities where they make tax registration, declaration and payment. Branches, shops and affiliates, when sending reports to the production establishments, shall also send one copy thereof to the tax agencies of the localities where such branches, shops or affiliates sell goods for monitoring.

In cases where payable SCT is not generated in the month, the production/business establishments shall still have to make tax declarations and send them to the tax agencies according to regulations.

For production establishments that sell goods via their branches and/or affiliates in other localities (provinces or cities), the declarations shall be made, based on the production establishments’ goods delivery invoices, and tax shall be settled according to the actual sale turnovers of such branches and/or affiliates.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Goods-importing establishments must make import goods declarations and submit them upon each importation together with import tax declaration with the import tax-collecting agencies.

In case of entrusted import, the organizations conducting the entrusted import shall be subject to SCT declaration and payment.

c/ Establishments producing SCT-liable goods items from raw materials which have already been imposed with SCT, when making SCT declaration at the production stage, shall be entitled to deduct the SCT amounts already paid for such raw materials if they can produce lawful vouchers. The deductible SCT amounts for raw materials shall not exceed the SCT amounts paid for the volumes of raw materials used for the production of the sold goods.

The deduction of SCT amounts shall be made together with tax declaration and payment, the payable tax amounts in this case are determined according to the following formula:               

                                 Payable SCT                             SCT amounts already
    Payable             amounts of goods                paid for purchased raw materials
       SCT        =         ex-warehoused       –       corresponding to volumes of goods
    amount               for consumption                  ex-warehoused for consumption
                                 in the period                                    in the period

For example:

In a tax declaration period, the following operations are conducted at Establishment A:

+ 10,000 liters of liquor are imported, SCT amount already paid upon importation was VND 250 million (based on SCT payment receipts at importation stage).

+ 8,000 liters are ex-warehoused for production of 12,000 bottles of liquor.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ SCT amount already paid at importation stage for sold 9,000 bottles of liquor is VND 150 million.

SCT amount Establishment A shall have to pay in the period is:

VND 350 million – VND 150 million = VND 200 million.

In cases where the SCT amount already paid for the volumes of raw materials and materials corresponding to the volumes of products sold in the period cannot be accurately determined, the previous period’s data may serve as bases for temporary calculation of deductible SCT amount and the settlement shall be made according to the actual figures at the end of the month or quarter. In all cases, the deductible SCT amount shall not exceed SCT amount calculated on the volume of raw materials according to the products’ econo-technical norms. The production establishments must register products’ econo-technical norms with the tax agencies directly managing them.

d/ Establishments that produce and/or deal in different kinds of goods and/or services subject to SCT at different tax rates must declare and pay SCT at the rate prescribed for each kind of goods or services; if they cannot determine the payable tax amount according to each tax rate, they must calculate and pay tax at the highest rate of the goods produced or the services provided by the establishments.

e/ For exporting establishments that purchase goods for export but do not export such goods and sell them in the country, within 5 days after selling the goods, they must declare and fully pay SCT on behalf of production establishments. SCT calculation prices in this case shall be the purchase prices paid by the exporting establishments, if the purchase prices cannot be accurately determined, the actual sale prices exclusive of SCT and VAT, set by exporting establishments, shall apply.

3. Invoices and vouchers:

Establishments producing and/or importing goods or providing services, which are subject to SCT, must strictly abide by the accounting, invoice and voucher regimes when purchasing/selling goods, providing services and/or transporting goods according to law provisions.

Production establishments, when selling goods or delivering goods to their branches, affiliates or agents, must use invoices. In cases where branches and/or affiliates are based in the same provinces or cities as the production establishments or goods are transferred to other warehouses, the establishments may use ex-warehouse-cum-internal transportation bills enclosed with transfer orders.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Tax payment:

SCT shall be remitted into the State budget according to the following regulations:

a/ Establishments producing and/or processing goods or providing services, which are subject to SCT, must remit SCT into the State budget at the localities where they conduct goods production/processing or service provision activities.

The deadline for monthly tax payment shall be the 25th day of the subsequent month.

For establishments, that have large amounts of payable SCT (as prescribed at Point 2a, Section I, Part C of this Circular) and are subject to 5-day or 10-day periodical tax declaration, must pay SCT right after making declaration.

For individuals and households producing goods and/or providing services, which are subject to SCT, that are based in areas far from the State treasuries, the tax agencies shall collect tax and remit it into the State budget. The time limit for the tax agencies to remit money into the State budget shall be within 3 days after such money is collected.

b/ Establishments importing SCT-liable goods must pay SCT upon each importation at the places of import tax declaration and payment. The time limits for notification and payment of SCT on import goods shall be the time limits for the import tax notification and payment.

c/ SCT shall be remitted into the State budget in Vietnam dong.

5. SCT settlement:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Establishments producing goods and/or providing services, which are subject to SCT, must make annual SCT settlement with the tax agencies. The establishments must fully declare the criteria on the payable tax amounts, the amounts already paid, the outstanding amounts or the overpaid amounts by the time of settlement according to the set tax settlement form and send them to the tax agencies within the prescribed time limits. The tax settlement year shall be calendar year; in cases where the business establishments are allowed to apply a type of financial settlement year other than the calendar year, they shall still have to make SCT settlement according to the calendar year. The time limits for production/business establishments to submit the tax settlements to the tax agencies shall be within 45 days, counting from December 31 of the tax settlement year.

In cases where production establishments sell goods via their branches or attached units in localities other than the places of production, the tax settlement shall be based on the actual sale turnovers of such branches and units.

Both processee-establishments and processor-establishments must make SCT settlement with the tax agencies of the localities where they conduct production/business activities.

Production/business establishments must pay the outstanding SCT amounts into the State budget within 10 days after submitting their tax settlement reports; in case of overpayment, the overpaid amounts shall be deducted from the payable amounts of the following period or reimbursed according to regulations.

b/ In cases where production and/or business establishments conduct the merger, consolidation, separation, splitting, dissolution, bankruptcy, change of business lines, change of ownership form, assignment, sale, contracting or lease of State enterprises, they must make tax settlement with the tax agencies and send the tax settlement reports to the tax agencies within 45 days after the issuance of the decisions on the above-said changes, and must fully remit the outstanding tax amounts into the State budget within 10 days after submitting the settlement reports; in case of overpayment, the overpaid amounts shall be deducted from the payable tax amounts of the following period or reimbursed according to regulations.

Production/business establishments shall have to bear responsibility for the truthfulness and accuracy of the settlement data, if they make false reports for tax evasion, they shall be sanctioned according to law provisions.

II. SCT REIMBURSEMENT

Establishments producing and/or importing goods or providing services, which are subject to SCT, shall have their paid SCT amounts reimbursed in several cases; the dossiers, procedures and competence for tax reimbursement are as follows:

1. For import goods:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In cases where temporarily imported goods for which SCT has been already paid and which are still kept in warehouses or storing yards at the import border gates and permitted for re-export, tax reimbursement shall also be considered for the volumes of re-exported goods.

b/ Import goods for which SCT has been already paid as declared but the actual import volumes are smaller than the declared ones; import goods damaged or lost with plausible reasons in the course of importation, for which SCT has been already paid.

c/ For import goods which fail to meet the quality and category requirements under contracts or import permits (due to foreign goods owners’ faults), are expertised by competent agencies, certified by foreign goods owners and permitted for import, the customs offices shall inspect and re-certify the payable SCT amounts, the overpaid tax amounts (if any) shall be reimbursed and the outstanding amounts must be fully paid.

In cases where such goods are permitted for export back to foreign parties, the paid amounts of SCT on the volumes of goods exported back to foreign parties shall be reimbursed.

In cases where goods are returned to foreign parties in the import tax-free period under the prescribed regime, the customs offices shall check the procedures therefor and not collect SCT on the volumes of import goods returned to foreign parties.

d/ Goods temporarily imported for participation in fairs or exhibitions for which SCT has been already paid, when being re-exported, shall be entitled to tax reimbursement.

e/ Raw materials imported for production or processing of export goods.

The total SCT amounts to be reimbursed shall not exceed the SCT amounts already paid for the raw materials imported for production of export goods.

f/ For import goods which are permitted to be imported by Vietnamese enterprises that act as forwarding and/or sale agents for foreign parties with prior registration with the tax-collecting agencies at the importation stage, tax on the volumes of goods actually exported from Vietnam shall be reimbursed.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Production/business establishments that have overpaid tax amounts in the tax settlement upon the merger, separation, splitting, dissolution, bankruptcy, change of ownership form, assignment, sale, contracting or lease of State enterprises may request the tax agencies to reimburse the overpaid SCT amounts; the procedures and dossiers therefor are as follows:

+ A written request for the reimbursement of overpaid SCT amounts.

+ The competent authorities’ decisions on the merger, separation, splitting, dissolution, bankruptcy, change of ownership form, assignment, sale, contracting or lease of State enterprises.

+ SCT settlement by the time of the merger, separation, splitting, dissolution, bankruptcy, change of ownership form, assignment, sale, contracting or lease of State enterprises.

+ A record on SCT settlement examination by the time of the merger, separation, splitting, dissolution, bankruptcy, change of ownership form, assignment, sale, contracting or lease of State enterprises.

The tax reimbursement in these case shall be considered and decided by the directors of the provincial/municipal Tax Departments of the localities where the production/business establishments have already made tax registration, declaration and payment.

3. Production/business establishments shall be reimbursed the SCT in cases where they obtain competent agencies’ decisions under law provisions or the Finance Minister’s decisions requesting the reimbursement of tax to the establishments.

The tax agencies shall have to examine the dossiers, determine the tax amounts to be reimbursed, issue tax reimbursement decisions for cases falling under their competence prescribed at Point 2 above, and reimburse tax to the tax payers by making deduction from the payable tax amount of the following period; in cases where they cannot make deduction, they shall transfer the cases to the finance bodies for carrying out the reimbursement procedures strictly according to the Finance Ministry’s regulations.

D. TASKS, POWERS AND RESPONSIBILITIES OF THE TAX AGENCIES

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To guide tax payers in fully observing the regimes of tax registration, declaration and payment strictly according to the provisions of the tax legislation.

For production/business establishments that fail to strictly implement the regulations on tax registration, declaration and payment, the tax agencies shall sanction them for tax-related administrative violations according to law provisions.

2. To notify the payable tax amounts (to individuals and households producing goods and/or providing services, which are subject to SCT, that have not fully complied with the accounting, invoice and voucher regimes), urge tax payers to pay tax on time. Tax payment notices must be sent to tax payers 3 days before the dates of tax payment stated in the notices. The deadline for monthly tax payment shall be the 25th day of the subsequent month. The notification and determination of the payable tax amounts and the dates of tax payment shall be made right in the month or at the beginning of the subsequent month (made according to a set form).

If past the time limits for tax payment the tax payers fail to pay tax, the tax agencies shall make the first notices on deferred payment. Such notices shall state the payable tax amounts and fines for deferred payment according to the provisions of Clauses 2 and 3, Article 17 of the SCT Law.

The duration for monthly calculation of fines for deferred tax payment shall count as from the 26th day of the subsequent month; the duration for calculation of fines for deferred payment for import goods and other cases shall be after the dates prescribed for payment as prescribed by law. If the establishments still fail to pay tax and fine amounts stated in the notices, the tax agencies may apply or propose competent agencies to apply measures to handle tax-related administrative violations prescribed in Clause 4, Article 17 of the SCT Law in order to ensure the full collection of tax and fine amounts. If the measures of handling tax-related administrative violations have been applied, the establishments still fail to fully pay the tax and fine amounts, the tax agencies shall transfer the dossiers of the cases to competent agencies for handling according to law.

3. The tax agencies which directly manage production establishments selling goods for export shall base themselves on the prescribed list to make written notices in time to the tax agencies which manage the exporting establishments on the names of units purchasing goods for export as well as names, volumes, categories and quality of goods purchased for export by the establishments. The tax agencies that manage the exporting establishments shall have to monitor and inspect actually exported goods. If the purchased goods are not actually exported but sold in the country, they shall have to request the exporting establishments to declare and fully pay the amounts of SCT on such goods.

4. To examine and inspect the tax declaration, payment and settlement by production/business establishments, ensuring the strict observance of law provisions.

5. To handle tax-related administrative violations and settle tax-related complaints according to law provisions.

6. To request tax payers to provide accounting books, invoices, vouchers as well as other dossiers and documents related to tax calculation and payment; to request credit institutions, banks as well as other relevant organizations and individuals to provide documents related to tax calculation and payment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



8. The tax agencies shall be entitled to set the payable SCT amounts for tax payers in the following cases where:

a/ Production/business establishments fail to implement or improperly implement the invoice and voucher regimes.

For small-scale production/business individuals and households (referred collectively to as business households) that fail to effect the purchase and/or sale of goods and services with full invoices and vouchers, the tax agencies shall base themselves on the practical production/business situation to determine the turnovers and the payable tax amounts, and notify such to tax payers for implementation.

The set tax amount for each time of payment may serve as basis for stable tax collection for a duration of 3, 6 or 12 months, depending on each business line, price fluctuations and business situation of tax payers. The tax agencies shall have to publicize the turnovers and tax levels fixed for such subjects. Those households that cease their business activities must declare such with the tax agencies; if they cease their business activities for the whole month, they shall not have to pay the fixed tax amounts for such month.

If small-scale business households, that are subject to payment of tax at set levels, cease their business activities for the whole month, and shall be considered for non-collection of tax, they must send requests (made according to the tax agencies’ forms and guidance), clearly stating the reasons for business cessation and the number of days of business cessation to the district tax agencies. The tax agencies shall examine practical situation and settle the cases according to regime.

For small-scale business households, each goods item and business line shall be determined to suit the practical situation in localities according to the Finance Ministry’s regulations. The provincial/municipal Tax Departments shall base themselves on households’ business situation to guide the classification and determination of small-scale households in their respective localities in order to manage and collect tax according to regulations.

b/ Establishments fail to declare tax or fail to submit tax declarations within the prescribed time limits even though they were notified and reminded thereof, or they have submitted tax declarations but falsely declared the bases for determining the SCT amounts.

c/ Establishments refuse to produce accounting books, invoices, vouchers and necessary documents related to the SCT calculation.

d/ Establishments conduct business without business registration, without tax declaration or payment registration, as detected through inspection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The tax agencies shall base themselves on the documents related to the investigation of establishments’ business activities or the tax amounts to be paid by production/business establishments engaged in the same production/business lines with equivalent scales to determine the tax amounts to be paid by each establishment in cases mentioned above.

In cases where tax payers disagree with the fixed payable tax amounts, they may lodge complaints to the tax agencies that have fixed the tax or to the immediate superior tax agencies of the tax agencies that have set the tax. Pending the settlement, the tax payers shall still have to pay tax at the tax levels fixed by the tax agencies.

E. SCT REDUCTION AND EXEMPTION

The procedures, order and competence for consideration of tax exemption or reduction for cases prescribed in Article 16 of the Government’s Decree No. 149/2003/ND-CP are specified as follows:

1. Cases entitled to tax exemption or reduction as well as procedures and dossiers therefor:

a/ Establishments producing goods subject to SCT, that meet with difficulties due to natural disasters, enemy sabotage or accidents or suffer from losses, shall be considered for SCT reduction. The tax reduction levels shall be determined on the basis of the extents of the losses caused by natural disasters, enemy sabotage or accidents, which, however, shall not exceed the post-compensation (if any) value of the damaged assets and not exceed 30% of tax amounts to be paid in the years when damage is caused according to law provisions.

To be entitled to SCT reduction under the above-said regulations, production establishments must acquire the following procedural dossiers:

+ An application for SCT reduction, clearly stating the time and cause of damage, the value of damaged assets, the extents of losses caused by natural disasters, enemy sabotage or accidents, the payable tax amounts, and the tax amounts proposed for reduction.

+ A record on determination of the extents and value of the material losses, made by the competent body and certified by the local administration of the district or higher level.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ A tax settlement and a record on tax settlement examination with the tax agency.

The above-said dossiers and documents shall be sent by the establishments to the tax agencies directly managing them.

The tax agencies that manage the establishments shall receive the dossiers, examine documents and send written proposals enclosed with establishments’ dossiers of application for tax reduction to competent agencies for tax reduction decisions.

Pending the tax reduction decisions, the establishments shall still have to declare and fully pay the tax amounts as prescribed. When the tax reduction decisions are issued, the to be-reduced tax amounts shall be deducted from the payable tax amounts of the subsequent period.

In cases where establishments that produce goods subject to SCT meet with difficulties due to natural disasters, enemy sabotage or accidents and suffer from great losses, thus being incapable of conducting production/business activities and paying tax, they shall be considered for exemption of the SCT amounts which they must pay but are incapable of paying them. The tax exemption shall be considered and decided by the Finance Ministry on a case-by-case basis. The procedures and dossiers of application for SCT exemption in this case shall comply with the above-said regulations on tax reduction consideration but the establishments’ incapability of conducting production/business activities and paying tax should be clearly determined.

b/ Establishments engaged in the assembly and/or manufacture of automobiles shall be entitled to the reduction of tax rates prescribed in Article 6 of Decree No. 149/2003/ND-CP from January 1, 2004 to the end of December 31, 2006 as follows:

A 70% reduction for 2004, a 50% reduction for 2005 and a 30%  reduction for 2006. From 2007 on, tax shall be paid at the rates prescribed in Article 6 of the above-said Decree No. 149/2003/ND-CP.

Under the above-said regulations, the SCT rates to be applied in each year (after tax is reduced) are as follows:

Criteria

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Tax rate to be applied in 2005 (%)

Tax rate to be applied in 2006 (%)

Tax rate to be applied from 2007 on (%)

- Cars of 5 seats or under

24

40

56

80

- Cars of between 6 and 15 seats

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



25

35

50

- Cars of between 16 and 24 seats

7.5

12.5

17.5

25

For example: In 2004, in a tax declaration period, Automobile-Manufacturing Enterprise A is in the following situation:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Turnover from cars of between 6 and 15 seats at sans-VAT sale prices is VND 10 billion.

- Turnover from cars of between 16 and 24 seats at sans-VAT sale prices is VND 5 billion.

The Establishment must calculate, declare and pay SCT in such period as follows:

Payable                15                                     10                                   5
    SCT        =      ———      x    24%      +     ———     x    15%    +      ———     x     7.5%
  amount            1 + 0.24                            1 + 0.15                         1 + 0.075

                   =  2.9 + 1.3 + 0.35  =  VND 4.556 billion.

2. Competence and order for consideration of tax exemption or reduction:

a/ Competence for consideration of SCT exemption or reduction in cases prescribed at Point 1.a mentioned above is stipulated as follows:

- The General Director of Tax shall make consideration and decision for cases where the to be-exempted or –reduced tax amounts are less than VND 500 million/year.

- The Finance Minister shall make consideration and decision for cases where the to be-exempted or –reduced amounts are VND 500 million/year or more.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The provincial/municipal Tax Department or the Tax Sub-Departments, when receiving SCT exemption or reduction application dossiers sent by establishments, shall have to examine the dossiers, determine the to be-exempted or –reduced tax amounts and send written proposals enclosed with such dossiers to the superior tax agencies within 15 working days after receiving the complete dossiers; in cases where the provincial/municipal Tax Departments receive dossiers sent by the Tax Sub-Departments, the time limit for sending such proposals to the superior tax agencies shall be 10 working days.

- The General Department of Tax shall examine, consider and decide on tax reduction for establishments within 15 working days after receiving the complete dossiers.

In cases where establishments are not entitled to tax reduction or their dossiers are not yet complete as prescribed, within 10 working days, the agencies that receive tax exemption or reduction application dossiers must make a reply thereto or notify such to the establishments for supplementation of the dossiers.

F. HANDLING OF VIOLATIONS AND COMMENDATION

I. HANDLING OF TAX-RELATED VIOLATIONS

1. For tax payers:

Under the provisions of the SCT Law, the Law Amending and Supplementing a Number of Articles of the SCT Law and the Government’s Decree No. 149/2003/ND-CP, tax payers that violate the SCT Law shall be handled as follows:

a/ Those who fail to implement or improperly implement the regulations on procedures for business registration, tax registration, declaration, payment and settlement, declaration and compilation of accounting books as well as keeping of invoices and vouchers related to tax calculation and payment shall, depending on the seriousness of their violations, be subject to caution or fine.

b/ Those who make deferred payment of tax amounts or fines stated in the tax notices, tax collection orders or sanctioning decisions shall, apart from having to fully pay the tax amounts or fines as prescribed by law, also have to pay an amount equal to 0.1% (1 thousandth) of the late-paid amount for every day of late payment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Those who fail to pay tax and/or fines shall be handled as follows:

- Their deposits at banks, treasuries or credit institutions shall be deducted for tax or fine payment.

Banks, treasuries or credit institutions shall have to deduct money from tax payers’ deposit accounts for payment of tax and/or fines into the State budget according to the tax agencies’ or competent agencies’ decisions on handling tax-related violations before collecting debts.

- Seizing their goods or material evidences in order to ensure the full collection of tax and/or fine amounts.

- Inventorying their assets according to law provisions in order to ensure the full collection of the outstanding tax and/or fine amounts.

The handling of tax-related violations mentioned above shall comply with the procedures and order prescribed in legal documents on handling of tax-related violations.

2. For tax officials and other individuals:

Under the provisions of Article 19 of the SCT Law and Article 17 of the Government’s Decree No. 149/2003/ND-CP, tax officials or other individuals, who violate the SCT Law, shall be handled as follows:

a/ Tax officials or other individuals who abuse their positions or powers to illegally use or appropriate tax money and/or fines, must fully reimburse to the State all the tax and/or fine amounts which they have illegally used or appropriated, and shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined or examined for penal liability according to law provisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Tax officials or other individuals who abuse their positions or powers to collude with, or cover up, violators of the SCT Law or commit other acts of violating the provisions of the SCT Law shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined or examined for penal liability according to law provisions.

d/ Those who obstruct or incite others to obstruct the implementation of the SCT Law shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be administratively sanctioned or examined for penal liability according to law provisions.

II. COMMENDATION

Under the provisions of Article 20 of the SCT Law and Article 18 of the Government’s Decree No. 149/2003/ND-CP, tax agencies or tax officials that well fulfil their assigned tasks; organizations and individuals that record achievements in implementation of the SCT Law; and tax payers that well fulfil their tax payment obligations shall be commended and/or rewarded.

III. COMPETENCE TO HANDLE TAX-RELATED VIOLATIONS

The tax agencies of all levels, when detecting that business establishments violate the SCT Law, shall have to examine and clearly determine violation acts, their seriousness and causes as well as responsibilities of organizations and individuals for violation acts, and make dossiers thereof according to regulations. Basing themselves on the regulations on, and levels of, sanctioning administrative violations in the tax domain, the tax agencies of all levels shall, within the ambit of their respective sanctioning competence, issue sanctioning decisions or propose the superior tax agencies or law agencies to handle them according to their competence, concretely as follows:

1. The heads of the tax agencies that directly manage the tax collection shall be entitled to handle violations committed by tax payers prescribed at Points 1.a and 1.b and sanction tax-related administrative violations prescribed at Point 1.c, Section I, Part F of this Circular.

2. The heads of the tax agencies that directly manage the tax collection shall be entitled to apply handling measures prescribed at Point 1.d, Section I, Part F of this Circular according to law provisions and transfer the dossiers of the cases to competent agencies for handling according to law provisions, for those violating the provisions at Point 1.c, Section I, Part F of this Circular.

G. COMPLAINTS AND STATUTE OF LIMITATIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Under the provisions of Article 21 of the SCT Law, organizations and individuals may lodge their complaints about tax officials’ or tax agencies’ improper application of the SCT Law to them. The written complaints must be sent to the tax agencies that issue tax notices, collection orders or handling decisions within 30 days after receiving the collection orders and/or handling decisions. Pending the settlement, the complaining organizations and individuals shall still have to fully pay the notified tax and/or fine amounts on time. If the complaining organizations and individuals disagree with the tax agencies’ decisions on complaint settlement, or if past 30 days as from the date the written complaints are sent, they do not receive the settlement opinions, they may lodge their complaints to the superior tax agencies or initiate lawsuits at courts according to law provisions.

The procedures and order for lodging complaints or initiating lawsuits as well as the consideration and settlement thereof must strictly comply with the current law provisions.

2. Responsibilities and powers of tax agencies in settling tax-related complaints:

Under the provisions of Article 22 of the SCT Law, the tax agencies of all levels, when receiving tax-related complaints from tax payers, must consider and settle them within 15 days after receiving such written complaints. For complicated cases, which require a lot of time for investigation and verification, they must notify such to the involved persons but the time limit for the settlement shall not exceed 30 days after receiving the written complaints; if the cases fall beyond their settlement competence, they must transfer the dossiers of the cases or report them to competent agencies for settlement and notify such to the involved persons within 10 days after receiving the complaints. In cases where false declaration, tax evasion or tax-related confusion have been detected through inspection, the tax agencies shall have to retrospectively collect or reimburse the tax and/or fine amounts, which have been incorrectly calculated for 5 years backwards, as from the date of detecting such false declaration, tax evasion or tax-related confusion through inspection. In cases where business establishments fail to make registration, declaration or payment, the time limits for retrospective collection of tax and/or fine amounts shall count from the time such establishments start their operations.

H. ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION

1. This Circular takes implementation effect as from January 1, 2004 and replaces the legal documents on SCT already issued by the Finance Ministry.

2. The settlement of SCT-related problems before January 1, 2004 shall comply with the corresponding regulations of the SCT Law and the regulations in legal documents on SCT which are effective at that time.

3. In cases where international treaties which the Socialist Republic of Vietnam has signed or acceded to contain provisions different from those of the SCT Law, the SCT shall comply with such treaties.

4. The collection of SCT is prescribed as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ The customs offices shall have to collect SCT from establishments importing goods, which are subject to SCT.

c/ The tax agencies and the customs offices shall have to coordinate with each other in managing SCT collection nationwide.

In the course of implementation, if any problems arise, organizations and individuals are requested to promptly report them to the Finance Ministry for study, guidance and supplementation.

 

 

FOR THE FINANCE MINISTER
VICE MINISTER




Truong Chi Trung

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 119/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003 hướng dẫn thi hành Nghị định 149/2003/NĐ-CP thi hành Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi do Bộ Tài chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


9.278

DMCA.com Protection Status
IP: 3.12.73.149
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!