Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 45/2021/TT-BGTVT hoạt động trạm thu phí đường bộ

Số hiệu: 45/2021/TT-BGTVT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải Người ký: Lê Đình Thọ
Ngày ban hành: 31/12/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/2021/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2021

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG TRẠM THU PHÍ ĐƯỜNG BỘ

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ngày 16 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ trên mạng lưới đường bộ ở Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động trạm thu phí đường bộ trên mạng lưới đường bộ ở Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Trạm thu phí đường bộ (sau đây gọi tắt là trạm thu phí) là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

2. Đơn vị quản lý thu là tổ chức được cơ quan có thẩm quyền chuyển giao quyền thu hoặc cho phép thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.

3. Đơn vị vận hành thu là tổ chức được Đơn vị quản lý thu giao nhiệm vụ hoặc ký hợp đồng dịch vụ để thực hiện công việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí hoặc là Đơn vị quản lý thu trong trường hợp Đơn vị quản lý thu tự thực hiện.

4. Nhà cung cấp dịch vụ thu là đơn vị được quy định tại khoản 7 Điều 3 Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (sau đây gọi tắt là Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg) và được Đơn vị quản lý thu ký hợp đồng dịch vụ để cung cấp dịch vụ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng.

5. Đơn vị vận hành hệ thống quản lý, giám sát thu là đơn vị được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc ủy quyền việc quản lý, vận hành hệ thống quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu thu.

6. Hạ tầng trạm thu phí bao gồm: nhà điều hành; giá long môn và cổng trạm thu phí (nếu có); mặt đường và hệ thống điện chiếu sáng trong phạm vi trạm thu phí; đảo phân làn (nếu có); cabin thu phí (nếu có); các trang bị an toàn và hệ thống an toàn giao thông tại trạm thu phí.

7. Hệ thống phần mềm, thiết bị lắp đặt tại trạm thu phí, trực tiếp tương tác với phương tiện giao thông đi qua trạm (sau đây được gọi là hệ thống Front-End) bao gồm các thiết bị điện tử như đầu đọc thẻ, ăng ten, ca-me-ra nhận dạng biển số, thiết bị nhận diện xe vào trạm, ba-ri-e tốc độ cao và các hệ thống phần cứng, phần mềm, thiết bị tự động hóa khác. Hệ thống Front-End kết nối với hệ thống Back-End để gửi thông tin giao dịch và thu nhận thông tin của phương tiện, thẻ đầu cuối.

8. Hệ thống điều hành trung tâm (sau đây được gọi là hệ thống Back-End) bao gồm các phân hệ, hệ thống phần cứng, phần mềm đặt tại Trung tâm dữ liệu, phục vụ các yêu cầu kinh doanh và vận hành thiết yếu nhất của hệ thống thu phí tự động không dừng. Hệ thống Back-End thực hiện thu nhận, xử lý các giao dịch được gửi về từ hệ thống Front-End và thực hiện các chức năng quản lý tài khoản, khách hàng (chủ phương tiện), thẻ đầu cuối, phương tiện giao thông đăng ký sử dụng thẻ đầu cuối, thanh toán bù trừ, báo cáo đối soát, kết nối với ngân hàng và các nghiệp vụ quản lý, điều hành khác.

9. Hệ thống quản lý, giám sát thu là hệ thống phần mềm và hạ tầng công nghệ thông tin có chức năng để quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu lưu lượng và doanh thu xe qua trạm thu phí.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động trạm thu phí đường bộ

1. Tiêu chí thành lập trạm thu phí đường bộ:

a) Phải đặt trong phạm vi của dự án (không áp dụng với phương thức thu phí quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Thông tư này).

b) Phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư hoặc trong Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

c) Thực hiện hình thức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng và sử dụng công nghệ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tiên tiến, hiện đại; trường hợp áp dụng hình thức khác phải được cấp có thẩm quyền cho phép.

d) Trường hợp trạm thu phí hoàn vốn cho dự án đối tác công tư phải đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án.

e) Công khai vị trí trạm thu phí trên phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương; tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã nơi đặt trạm thu phí kể từ khi cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại điểm a khoản này.

2. Nguyên tắc hoạt động trạm thu phí đường bộ: Hoạt động trạm thu phí đường bộ phải được công khai, minh bạch; bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cá nhân của người sử dụng, chỉ cung cấp thông tin khi có sự đồng ý của người sử dụng hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Chương II

HOẠT ĐỘNG TRẠM THU PHÍ ĐƯỜNG BỘ

Điều 5. Quản lý và tổ chức vận hành trạm thu phí

1. Đối với dự án xây dựng và vận hành theo phương thức đối tác công tư, hạ tầng trạm thu phí, hệ thống Front-End là hạng mục của dự án cần được xây dựng và hoàn thành trước khi Dự án đưa vào vận hành khai thác.

2. Đối với dự án xây dựng và vận hành theo hình thức khác tại khoản 1 Điều này, trường hợp được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương thu phí đường bộ, hạ tầng trạm thu phí thực hiện trong dự án, hoàn thành trước khi đưa vào vận hành khai thác. Đơn vị quản lý thu đề xuất với cơ quan có thẩm quyền hình thức đầu tư.

3. Đối với dự án đang trong giai đoạn khai thác: Đơn vị quản lý thu đề xuất hình thức tổ chức thu, nguồn kinh phí, hình thức đầu tư hệ thống Front-End với cơ quan có thẩm quyền để quyết định.

Điều 6. Vận hành và bảo trì hệ thống Back-End

1. Hệ thống Back-End do Nhà cung cấp dịch vụ thu quản lý, vận hành khai thác, bảo trì và được thu hồi vốn thông qua chi phí dịch vụ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng.

2. Ngoài trung tâm dữ liệu được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 6 Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg, hệ thống thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng phải có trung tâm dữ liệu dự phòng hoặc hệ thống sao lưu dữ liệu cho trung tâm dữ liệu. Trung tâm dữ liệu, trung tâm dữ liệu dự phòng hoặc hệ thống sao lưu của hệ thống thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ diện tử không dừng được Nhà cung cấp dịch vụ thu đặt (hoặc thuê đặt chỗ) tại trung tâm dữ liệu có mức đảm bảo kỹ thuật đạt mức 3 trở lên được quy định tại Phụ lục A tiêu chuẩn TCVN 9250:2012 Trung tâm dữ liệu - Yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật viễn thông; và phải tuân thủ theo các quy định tại Thông tư số 03/2013/TT-BTTTT ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với Trung tâm dữ liệu.

Điều 7. Vận hành và bảo trì hạ tầng trạm thu phí, hệ thống Front-End

Đơn vị vận hành thu thực hiện công tác vận hành và bảo trì hạ tầng trạm thu phí và hệ thống Front-End theo nhiệm vụ được giao hoặc hợp đồng dịch vụ thu với Đơn vị quản lý thu. Chi phí vận hành và bảo trì được lấy từ chi phí vận hành thu phí và chi phí bảo trì, vận hành dự án trong giai đoạn vận hành, khai thác hoặc chi phí hệ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng.

Điều 8. Thời gian làm việc, trang phục phù hiệu

1. Trạm thu phí hoạt động 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong năm, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ (trừ những trường hợp dừng thu, tạm dừng thu khi có văn bản của cấp có thẩm quyền).

2. Khi trạm thu phí phải ngừng hoạt động do nguyên nhân bất khả kháng, Đơn vị vận hành thu phải có biện pháp bảo đảm không xảy ra ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí; đồng thời, phải báo cáo ngay cho Đơn vị quản lý thu và cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp khắc phục, đưa trạm thu phí vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.

3. Người lao động làm việc tại trạm thu phí phải mặc đồng phục trong khi thực hiện nhiệm vụ. Mẫu đồng phục của người lao động tại trạm thu phí do Đơn vị vận hành thu quyết định nhưng phải đảm bảo có phù hiệu, biểu trưng của Đơn vị vận hành thu, biển tên, chức danh được bố trí ở vị trí dễ nhận biết.

Điều 9. Hình thức và phương thức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ

1. Thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ được thực hiện theo hình thức điện tử không dừng và hình thức một dừng.

a) Hình thức điện tử không dừng là hình thức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tự động, phương tiện tham gia giao thông đường bộ không phải dừng lại để trả tiền sử dụng đường bộ khi qua trạm thu phí;

b) Hình thức một dừng là hình thức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ mà khi qua trạm thu phí, phương tiện giao thông đường bộ thực hiện một lần dừng khi qua cửa kiểm soát làn thu phí để trả tiền dịch vụ sử dụng đường bộ;

2. Thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ được thực hiện theo phương thức mở và phương thức kín.

a) Phương thức mở là phương thức thu mà chủ phương tiện phải trả một mức tiền tại trạm thu phí không phụ thuộc vào chiều dài quãng đường phương tiện đã đi được trên đoạn đường thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ mà chỉ phụ thuộc vào kiểu loại phương tiện;

b) Phương thức kín là phương thức thu mà chủ phương tiện phải trả một mức tiền tại trạm thu phí dựa vào chiều dài quãng đường phương tiện đã đi được trên đoạn đường thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ và kiểu loại phương tiện.

3. Các đoạn tuyến cao tốc; các đoạn tuyến cao tốc nối tiếp nhau; các tuyến cao tốc; các tuyến cao tốc liên kết với nhau được tổ chức thu thành một hệ thống thu thực hiện theo phương thức kín.

4. Làn thu phí hỗn hợp (làn thu phí áp dụng cả hình thức điện tử không dừng và hình thức một dừng) tại trạm thu phí được bố trí theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 5 Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg.

5. Hình thức và phương thức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ được cấp có thẩm quyền quyết định trong Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư hoặc trong Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Điều 10. Dữ liệu thu

1. Dữ liệu thu bao gồm dữ liệu thông tin chủ phương tiện của hệ thống thu hệ thống thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ không dừng và dữ liệu về lịch sử giao dịch thu.

2. Dữ liệu thông tin chủ phương tiện của hệ thống thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng bao gồm các thông tin sau:

a) Thông tin liên hệ của chủ phương tiện: Số chứng minh nhân dân, hoặc số thẻ căn cước công dân, hoặc số hộ chiếu; mã số doanh nghiệp, địa chỉ nơi cư trú hoặc địa chỉ trụ sở chính; số điện thoại liên lạc và địa chỉ hộp thư điện tử (nếu có) tiếp nhận chứng từ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng;

b) Mã số định danh của phương tiện giao thông đường bộ được nhận chi trả từ tài khoản thu phí;

c) Tải trọng phương tiện, số chỗ ngồi, loại xe, biển kiểm soát xe.

3. Dữ liệu về lịch sử giao dịch thu phí bao gồm:

a) Các tập tin dữ liệu thông tin giao dịch khi phương tiện giao thông qua trạm thu phí;

b) Các tập tin dữ liệu về lưu lượng, doanh thu thu phí, vé lượt, vé tháng, vé quý;

c) Các tập tin video giám sát làn, giám sát cabin (nếu có), giám sát toàn cảnh;

d) Các tập tin hình ảnh chụp phương tiện lưu thông qua trạm thu phí đường bộ bao gồm: Hình ảnh chụp biển số đảm bảo đọc rõ biển số; hình ảnh chụp toàn cảnh phương tiện lưu thông phải đảm bảo nhận được loại phương tiện;

đ) Thông tin số tiền trong tài khoản thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ và lịch sử giao dịch của tài khoản thu của hệ thống thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng.

4. Dữ liệu thu phải tuân thủ theo quy định trong mục 5.3.5 TCVN 10849:2015 Hệ thống thu phí điện tử và các quy định của cơ quan có thẩm quyền.

5. Chế độ lưu dữ liệu thu

a) Lưu trữ tối thiểu 1 năm: Các tập tin video giám sát toàn cảnh, giám sát cabin (nếu có);

b) Lưu trữ tối thiểu 5 năm: Các tập tin video giám sát làn; các tập tin hình ảnh chụp phương tiện lưu thông qua trạm thu phí;

c) Lưu trữ từ thời điểm đưa trạm thu phí vào hoạt động đến thời điểm sau 10 năm kể từ khi thanh lý hợp đồng PPP: Dữ liệu thông tin chủ phương tiện của hệ thống thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng; các tập tin dữ liệu thông tin giao dịch khi phương tiện giao thông qua trạm thu phí; các tập tin dữ liệu về lưu lượng, doanh thu thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, vé lượt, vé tháng, vé quý.

Điều 11. Kết nối dữ liệu thu

1. Dữ liệu thu được kết nối theo quy định trong mục 5.3.6 TCVN 10849:2015 Hệ thống thu phí điện tử và yêu cầu kết nối Back-End giữa các Nhà cung cấp dịch vụ thu.

2. Đối với dự án thực hiện phương thức kín, Đơn vị vận hành thu phải kết nối, đồng bộ dữ liệu về lịch sử giao dịch thu phí lên hệ thống Back-End của Nhà cung cấp dịch vụ thu ngay khi phương tiện đi qua trạm thu phí đầu vào.

3. Các Nhà cung cấp dịch vụ thu phải đảm bảo cơ chế kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu trên nguyên tắc sẵn sàng, khả thi, thuận tiện, tránh trùng lặp, lãng phí khi thực hiện quản lý, vận hành thu và theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Chi phí kết nối dữ liệu thu giữa các Back-End do các Nhà cung cấp dịch vụ thu thỏa thuận với nhau, phù hợp với quy định của pháp luật.

4. Các dữ liệu được nêu tại khoản 2 và khoản 3 Điều 10 Thông tư này phải được kết nối về Hệ thống quản lý, giám sát thu của cơ quan có thẩm quyền (nếu có).

5. Kết nối dữ liệu thu phải đảm bảo tốc độ truyền dẫn, tính dự phòng; đáp ứng yêu cầu an ninh và bảo mật thông tin/dữ liệu theo các quy định được nêu trong mục 5.3.7 TCVN 10849:2015 Hệ thống thu phí điện tử và các quy định hiện hành về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin.

Điều 12. Quản lý, khai thác dữ liệu thu

1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý, khai thác dữ liệu thu của các trạm thu phí đường bộ trên Hệ thống quản lý, giám sát thu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam; khai thác dữ liệu thu điện tử không dừng thông qua tài khoản đăng nhập và mật khẩu được cung cấp để truy cập vào cổng thông tin dành cho cơ quan quản lý nhà nước của hệ thống Back-end của Nhà cung cấp dịch vụ thu. Việc quản lý khai thác dữ liệu phải thực hiện theo quy định pháp luật về bảo mật thông tin.

2. Sở Giao thông vận tải quản lý, khai thác dữ liệu thu của các trạm thu phí đường bộ trên Hệ thống quản lý, giám sát thu của cơ quan có thẩm quyền (nếu có); khai thác dữ liệu thu điện tử không dừng của các trạm thu phí đường bộ do địa phương quản lý thông qua tài khoản đăng nhập và mật khẩu được cung cấp để truy cập vào cổng thông tin dành cho cơ quan quản lý nhà nước của hệ thống Back-End của Nhà cung cấp dịch vụ thu.

3. Nhà cung cấp dịch vụ thu quản lý dữ liệu thu điện tử không dừng trên hệ thống Back-End theo quy định của hợp đồng dịch vụ thu.

4. Đơn vị quản lý thu và Đơn vị vận hành thu quản lý dữ liệu thu theo hình thức một dừng tại trạm thu phí thuộc phạm vi quản lý.

5. Đơn vị quản lý thu và Đơn vị vận hành thu được khai thác dữ liệu thu điện tử không dừng của các trạm thu phí thuộc phạm vi quản lý thông qua tài khoản đăng nhập được cung cấp để truy cập vào cổng thông tin của hệ thống Back-End của Nhà cung cấp dịch vụ thu.

6. Chủ phương tiện được khai thác dữ liệu tài khoản thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ (quy định tại Điều 14 Thông tư này) của chủ phương tiện trên hệ thống thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng thông qua tài khoản đăng nhập được cung cấp để truy cập vào cổng thông tin khách hàng của hệ thống Back-End của Nhà cung cấp dịch vụ thu.

Điều 13. Quản lý, giám sát hoạt động trạm thu phí đường bộ

1. Đơn vị quản lý thu, Đơn vị vận hành thu và Nhà cung cấp dịch vụ thu phải có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của trạm thu phí để bảo đảm hoạt động thu đúng quy định; cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu, số liệu, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan chức năng về các vấn đề liên quan đến công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý các vấn đề liên quan an ninh, an toàn giao thông trong quá trình khai thác.

2. Cơ quan có thẩm quyền quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động trạm thu phí đường bộ bằng Hệ thống quản lý, giám sát thu hoặc các phương pháp nghiệp vụ khác và xử lý vi phạm hoạt động của trạm thu phí theo quy định của pháp luật, theo quy định của hợp đồng.

3. Hệ thống quản lý, giám sát thu có vai trò, chức năng cung cấp thông tin phục vụ việc giám sát hoạt động thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí được quy định chi tiết tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Các bên: Đơn vị quản lý thu, Đơn vị vận hành thu, Nhà cung cấp dịch vụ thu có trách nhiệm phối hợp, cung cấp, cập nhật thông tin trên Hệ thống quản lý, giám sát thu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền

Chương III

QUẢN LÝ TIỀN THU

Điều 14. Mở và sử dụng tài khoản thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ của chủ phương tiện

1. Mở tài khoản, sử dụng tài khoản thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ thực hiện theo Điều 10, Điều 11 Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg.

2. Toàn bộ số tiền trong tài khoản thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ phải được quản lý độc lập và tách biệt với các khoản tiền khác của Nhà cung cấp dịch vụ thu và chỉ được sử dụng cho các mục đích quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Tài khoản thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ được sử dụng để thực hiện các giao dịch thu, chi sau đây:

a) Nhận tiền nộp vào tài khoản trả trước;

b) Thanh toán các khoản phải hoàn trả cho chủ phương tiện;

c) Chuyển trả cho các Đơn vị quản lý thu; chi trả dịch vụ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng cho Nhà cung cấp dịch vụ thu;

d) Nộp tiền vào ngân sách nhà nước tiền phạt theo quy định của pháp luật.

đ) Chi trả các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.

4. Chủ phương tiện nộp tiền vào tài khoản thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ (thông qua các hình thức nộp trực tiếp, liên thông tài khoản ngân hàng và các hình thức khác) để sử dụng dịch vụ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng theo quy định.

5. Trường hợp phương tiện giao thông đường bộ được gắn thẻ đầu cuối mà số tiền trong tài khoản thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ không đủ để chi trả khi qua làn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng thì phương tiện phải sử dụng làn thu phí hỗn hợp.

Điều 15. Trách nhiệm của Nhà cung cấp dịch vụ thu và Đơn vị quản lý thu

1. Nhà cung cấp dịch vụ thu có trách nhiệm:

a) Phát hành chứng từ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đúng đối tượng, đúng giá trị cho từng đối tượng phải trả tại trạm thu phí; không được thu, gây cản trở đối với các trường hợp không thuộc đối tượng trả tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định của pháp luật tại trạm thu phí, không được thay đổi mức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ khi chưa có chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước;

b) Thực hiện kiểm toán doanh thu hàng năm theo quy định của pháp luật và hợp đồng dịch vụ thu;

c) Thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ để đảm bảo thực hiện theo đúng hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật;

d) Hoàn trả doanh thu thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ cho Đơn vị quản lý thu sau khi trừ đi giá dịch vụ của trạm thu phí theo Hợp đồng dịch vụ thu;

đ) Quản lý đối với toàn bộ số tiền của các chủ phương tiện nộp vào tài khoản thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của Nhà cung cấp dịch vụ thu theo quy định của pháp luật;

e) Phát hành hóa đơn giá trị gia tăng cho các khoản giá dịch vụ của trạm thu phí đã thanh toán trong tháng và chuyển hóa đơn giá trị gia tăng cho Đơn vị quản lý thu liên quan;

2. Đơn vị quản lý thu có trách nhiệm:

a) Báo cáo cơ quan có thẩm quyền việc sử dụng tài khoản thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của nhà cung cấp dịch vụ, bao gồm: biện pháp quản lý sử dụng tài khoản thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của Nhà cung cấp dịch vụ thu, có cam kết/thỏa thuận với ngân hàng về việc quản lý sử dụng tài khoản thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của Nhà cung cấp dịch vụ thu;

b) Kê khai và nộp thuế theo quy định của pháp luật;

c) Lập báo cáo doanh thu thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ và tình hình thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, hàng năm và báo cáo Cơ quan có thẩm quyền theo quy định;

d) Kiểm tra, đối chiếu, tiếp nhận khoản doanh thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ được Nhà cung cấp dịch vụ thu chuyển trả. Sử dụng khoản kinh phí này để hoàn vốn cho hợp đồng PPP.

Điều 16. Đối soát số thu và chuyển tiền vào tài khoản thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ; chứng từ, hóa đơn điện tử cho hoạt động thu

1. Đối soát số tiền chủ phương tiện đã nộp vào tài khoản trả trước: Hàng ngày, Nhà cung cấp dịch vụ thu thực hiện đối soát số tiền chủ phương tiện đã nộp vào tài khoản trả trước với ngân hàng, đại lý và các đơn vị trung gian thanh toán. Hàng tháng, nếu số tiền trong tài khoản trả trước của chủ phương tiện được tính lãi tiền gửi, Nhà cung cấp dịch vụ thu có trách nhiệm cộng số lãi phát sinh trong tháng vào tài khoản trả trước của chủ phương tiện theo quy định tính lãi của ngân hàng.

2. Đối soát số thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ giữa Nhà cung cấp dịch vụ thu và Đơn vị quản lý thu được thực hiện theo các nguyên tắc sau:

a) Nhà cung cấp dịch vụ thu thực hiện đối soát số liệu thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ hàng ngày ngay sau thời điểm chốt số liệu (24 giờ tính từ thời điểm chốt số liệu trở về trước) với Đơn vị quản lý thu làm căn cứ xác nhận số thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đã thu được trong ngày, thời điểm chốt số liệu được thống nhất trong hợp đồng cung cấp dịch vụ thu;

b) Trước ngày mùng 5 hàng tháng, Nhà cung cấp dịch vụ thu và Đơn vị quản lý thu thực hiện đối soát và chốt công nợ cho tháng liền trước đó;

c) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc mỗi năm tài chính, Nhà cung cấp dịch vụ thu và Đơn vị quản lý thu thực hiện chốt công nợ và quyết toán cho năm liền trước đó.

3. Nhà cung cấp dịch vụ thu có trách nhiệm xây dựng quy trình đối soát, chuyển tiền phù hợp với quy định của Thông tư này và quy định pháp luật có liên quan.

4. Đơn vị quản lý thu có trách nhiệm phối hợp với Nhà cung cấp dịch vụ thu để thực hiện quy trình đối soát và khắc phục, điều chỉnh các lỗi, sai số phát hiện được thông qua quá trình đối soát.

5. Nhà cung cấp dịch vụ thu có trách nhiệm công khai số thu hàng ngày, số tiền các phương tiện còn nợ tại từng trạm thu phí (nếu có).

6. Hàng ngày, Đơn vị vận hành thu, Nhà cung cấp dịch vụ thu có trách nhiệm kiểm tra, cập nhật số liệu chính xác trên Hệ thống quản lý, giám sát thu các nội dung sau: Số tiền thu được, số tiền dịch vụ sử dụng đường bộ các phương tiện còn nợ tại từng trạm thu phí, số tiền chuyển cho các dự án PPP (chi tiết từng dự án),

số tiền còn giữ lại; doanh thu, lưu lượng và giải trình chênh lệch doanh thu, lưu lượng.

Điều 17. Chuyển tiền thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ và thanh toán chi phí cung cấp dịch vụ

1. Trên cơ sở số liệu đã thống nhất sau khi thực hiện đối soát hàng ngày với Đơn vị quản lý thu, Nhà cung cấp dịch vụ thu chuyển toàn bộ số tiền thu dịch vụ sử dụng đường bộ (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng) tại mỗi trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng cho Đơn vị quản lý thu sau khi trừ đi chi phí dịch vụ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng theo hợp đồng dịch vụ thu giữa Nhà cung cấp dịch vụ thu và Doanh nghiệp dự án PPP. Thời gian chuyển trả theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg và hợp đồng dịch vụ thu giữa Nhà cung cấp dịch vụ thu và Doanh nghiệp dự án PPP nhưng không vượt quá 12 giờ kể từ thời điểm chốt số liệu. Trường hợp vào các ngày lễ, ngày nghỉ mà hệ thống ngân hàng nghỉ làm việc không thực hiện được việc chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng thì sẽ chuyển ngay (không quá 06 giờ) khi hệ thống ngân hàng làm việc trở lại.

2. Nhà cung cấp dịch vụ thu có trách nhiệm xây dựng quy trình thực hiện giao dịch thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng; kê khai và nộp các loại thuế trên phần thu dịch vụ sử dụng đường bộ giữ lại.

3. Đơn vị quản lý thu có trách nhiệm kê khai và nộp các loại thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Điều 18. Chi phí vận hành, chi phí dịch vụ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng, chi phí giám sát hoạt động thu phí

1. Chi phí vận hành thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ là các chi phí cần thiết để hoàn thành các công việc thu tiền sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Chi phí vận hành thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ được xác định theo quy định của cơ quan nhà nước ban hành hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng đã ký kết.

2. Chi phí dịch vụ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng là khoản tiền mà Nhà cung cấp dịch vụ thu được hưởng để hoàn vốn cho đầu tư, xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành, bảo trì dự án thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng. Chi phí dịch vụ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng của mỗi trạm thu phí được xác định cụ thể tại Hợp đồng cung cấp dịch vụ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng và được trích trực tiếp từ doanh thu thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ có thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.

Chi phí dịch vụ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng sẽ được điều chỉnh tùy theo quy định tại các điều khoản Hợp đồng cung cấp dịch vụ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng hoặc quy định của pháp luật có liên quan.

3. Chi phí giám sát hoạt động thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ

Đơn vị quản lý thu có trách nhiệm bố trí cán bộ thực hiện công tác kiểm tra giám sát thu, đối soát số liệu thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ với Nhà cung cấp dịch vụ thu hoặc với Doanh nghiệp dự án PPP trong trường hợp thu liên thông. Chi phí cho công tác kiểm tra giám sát thu, đối soát của Đơn vị quản lý thu được lấy từ chi phí vận hành thu.

Cơ quan có thẩm quyền tổ chức triển khai vận hành Hệ thống quản lý, giám sát thu; lập, trình cơ quan quản lý cấp trên quyết định giao dự toán hàng năm từ nguồn chi thường xuyên cho hoạt động kinh tế đường bộ theo quy định của Bộ Tài chính.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG THU

Điều 19. Trách nhiệm của chủ phương tiện giao thông đường bộ

1. Thực hiện trách nhiệm của chủ phương tiện giao thông đường bộ được quy định tại Điều 22 Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg.

2. Trả tiền sử dụng đường bộ theo quy định, chấp hành các quy định của cơ quan có thẩm quyền và Đơn vị quản lý thu khi tham gia giao thông đường bộ trên các tuyến đường có thu phí.

3. Chủ phương tiện giao thông đường bộ sử dụng vé tháng, vé quý phải dán thẻ đầu cuối và thực hiện theo hình thức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng.

4. Chỉ được sử dụng duy nhất 01 thẻ đầu cuối cho 01 phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Trường hợp thẻ đầu cuối bị hư hỏng, sự cố làm ảnh hưởng đến thiết bị của Nhà cung cấp dịch vụ thu hoặc tài khoản thu phí của chủ phương tiện tham gia giao thông đường bộ; hoặc muốn đổi Nhà cung cấp dịch vụ thu chủ phương tiện tham giao thông đường bộ liên hệ với Nhà cung cấp dịch vụ thu để xử lý.

Điều 20. Trách nhiệm của Đơn vị quản lý thu

1. Chủ trì xây dựng và phê duyệt quy trình thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ phù hợp với hình thức và phương thức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí; quy định nội bộ về kiểm tra, xử lý vi phạm, xử lý sự cố trong quá trình thực hiện thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.

2. Thông báo công khai liên tục trước 05 ngày và niêm yết công khai tại trạm thu phí khi bắt đầu tổ chức thu về thời điểm bắt đầu được thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, địa điểm trạm thu phí, công nghệ thu, hình thức thu, đối tượng thu, mức thu và đối tượng được miễn, giảm tiền dịch vụ sử dụng đường bộ. Trong trường hợp có thay đổi về mức thu, công nghệ thu, hình thức thu, đối tượng thu, đơn vị thu phải thông báo công khai và niêm yết tương tự như khi bắt đầu tổ chức thu trước 30 ngày (hoặc theo văn bản của cơ quan có thẩm quyền). Hình thức thông báo công khai bao gồm đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương và Trung ương; đồng thời, gửi thông báo đến Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.

Đối với dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, trong suốt quá trình thu, Đơn vị quản lý thu (hoặc ủy quyền cho Đơn vị vận hành thu) phải công khai các thông tin trên biển báo điện tử (biển VMS) được gắn tại khu vực nhà điều hành trạm thu phí, bao gồm: tên dự án, giá trị công trình dự án (trong trường hợp dự án chưa được quyết toán thì công bố theo tổng mức đầu tư), tổng thời gian được thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, thời điểm bắt đầu thu, thời gian thu còn lại, doanh thu tháng trước của trạm thu phí (số liệu doanh thu cập nhật chậm nhất vào ngày 10 của tháng tiếp theo), số điện thoại để tiếp nhận thông tin phản ánh.

3. Báo cáo thống kê, kế toán, hạch toán, quyết toán doanh thu, kê khai và nộp các khoản thuế theo quy định của pháp luật.

4. Quản lý tài sản được giao quản lý, tài sản nhận bàn giao từ nhà nước, tài sản trạm thu phí hình thành trong quá trình đầu tư theo đúng quy định hiện hành và hợp đồng đã ký với cơ quan có thẩm quyền.

5. Nộp tiền sử dụng tài sản nhà nước hoặc tiền thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ (nếu có) theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công.

6. Bàn giao lại tài sản trạm thu phí cho cơ quan có thẩm quyền hoặc đơn vị được cơ quan có thẩm quyền chỉ định khi kết thúc hợp đồng. Tài sản bàn giao phải trong trạng thái hoạt động bình thường theo quy định của hợp đồng.

7. Chấp hành quyết định tạm dừng thu, dừng thu, trừ thời gian thu của cơ quan có thẩm quyền hoặc của đơn vị được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý công tác thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.

8. Cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu, số liệu, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan chức năng về các vấn đề liên quan đến công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý các vấn đề liên quan an ninh, an toàn giao thông trong quá trình khai thác.

Điều 21. Trách nhiệm của Đơn vị vận hành thu

1. Thực hiện nhiệm vụ được Đơn vị quản lý thu giao hoặc thực hiện theo hợp đồng dịch vụ thu ký kết với Đơn vị quản lý thu. Phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương nơi đặt trạm thu phí để giữ gìn an ninh, trật tự trong quá trình thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông, tránh ùn tắc giao thông, bảo đảm không xảy ra các hiện tượng tiêu cực, cản trở, gây phiền hà trong hoạt động thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong quá trình thu.

2. Quản lý lao động, giải quyết chế độ cho người lao động làm việc tại trạm thu phí theo quy định của pháp luật.

3. Sao lưu dữ liệu thu theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Thông tư này để phục vụ công tác giám sát, hậu kiểm.

4. Chấp hành việc cơ quan có thẩm quyền lắp đặt thiết bị, phần mềm quản lý, giám sát dữ liệu thu và chịu trách nhiệm phối hợp và đảm bảo kết nối trực tuyến, ổn định và liên tục với Hệ thống quản lý, giám sát thu của cơ quan có thẩm quyền và thực hiện các quy định tại Điều 13 Thông tư này.

5. Trong trường hợp hệ thống thiết bị công nghệ phục vụ công tác thu phí bị trục trặc, hư hỏng, Đơn vị vận hành thu phải kịp thời có báo cáo cơ quan có thẩm quyền hoặc báo cáo Đơn vị quản lý thu; đồng thời, khẩn trương khắc phục các sự cố của hệ thống. Thời gian khắc phục sự cố không quá 48 giờ, kể từ thời điểm hệ thống bị trục trặc, hư hỏng. Trong thời gian khắc phục sự cố, Đơn vị vận hành thu phải thông báo công khai tại trạm và trên phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng; có biện pháp đảm bảo thu nhanh gọn, an toàn, tránh ùn tắc giao thông và có biện pháp giám sát chống thất thoát doanh thu thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.

6. Đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực trạm thu phí; đảm bảo tuân thủ phương án tổ chức giao thông trên tuyến đường đặt trạm thu phí do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

7. Chấp hành quyết định tạm dừng thu, dừng thu của cơ quan có thẩm quyền hoặc của đơn vị được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý công tác thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.

8. Không để xảy ra các hành vi sau:

a) Gian lận tiền dịch vụ sử dụng đường bộ hoặc thông đồng gian lận trong hoạt động thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ;

b) Can thiệp vào hệ thống công nghệ thu, hệ thống giám sát, quản lý thu, hệ thống thiết bị kiểm tra tải trọng phương tiện và tiêu cực trong lĩnh vực giám sát tải trọng phương tiện; báo cáo sai doanh thu nhằm gian lận doanh thu dịch vụ sử dụng đường bộ;

c) Tổ chức bán vé, soát vé không kịp thời, sách nhiễu đối với người mua vé; không bán đầy đủ hoặc hạn chế, giới hạn thời gian bán các loại vé tháng, vé quý theo quy định; gây cản trở, ùn tắc giao thông đường bộ tại khu vực trạm thu phí; thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ không đúng quy định;

d) Nhận tiền mặt của người sử dụng phương tiện giao thông đường bộ mà không giao vé hoặc giao vé không đúng chủng loại phương tiện lưu thông qua trạm thu phí; để phương tiện giao thông đường bộ (đối tượng phải mua vé) không có vé đi qua trạm thu phí;

đ) Không thực hiện việc bảo trì tài sản của trạm thu phí; tự ý tháo dỡ, thanh lý, nhượng bán tài sản của trạm thu phí; không thực hiện việc hiệu chuẩn, kiểm định đối với nhóm thiết bị cần phải thực hiện công tác hiệu chuẩn, kiểm định theo quy định;

e) Sử dụng công nghệ hoặc các phương thức khác để truyền dữ liệu lên Hệ thống quản lý, giám sát thu không đúng thực tế hoặc can thiệp vào phần mềm giám sát thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ dẫn đến sai khác lưu lượng, doanh thu tại trạm thu phí.

9. Có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Đơn vị quản lý thu trong trường hợp tạm dừng thu, dừng thu, trừ thời gian thu do lỗi của Đơn vị vận hành thu hoặc các trường hợp khác theo quy định tại hợp đồng.

Điều 22. Trách nhiệm của Nhà cung cấp dịch vụ thu

1. Thực hiện trách nhiệm của Nhà cung cấp dịch vụ thu được quy định tại Điều 26 Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg, trừ trường hợp có quy định khác của cơ quan có thẩm quyền.

2. Sao lưu dữ liệu thu theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Thông tư này để phục vụ công tác giám sát, hậu kiểm.

3. Đảm bảo chỉ số đánh giá hiệu năng vận hành (sau đây gọi tắt là KPI) hệ thống kết nối liên thông và phối hợp giữa các Nhà cung cấp dịch vụ thu theo quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Đảm bảo chỉ số KPI hệ thống thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng tại các trạm thu phí phải đạt yêu cầu tối thiểu của cơ quan có thẩm quyền.

5. Chấp hành quyết định tạm dừng thu, dừng thu của cơ quan có thẩm quyền hoặc của đơn vị được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý công tác thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.

6. Phối hợp với Đơn vị vận hành hệ thống quản lý, giám sát thu thực hiện đối soát dữ liệu thu hàng ngày trên hệ thống.

7. Không để xảy ra các hành vi sau:

a) Gian lận tiền dịch vụ sử dụng đường bộ hoặc thông đồng gian lận trong hoạt động thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ;

b) Can thiệp vào hệ thống công nghệ thu, hệ thống giám sát, quản lý thu, hệ thống thiết bị kiểm tra tải trọng phương tiện và tiêu cực trong lĩnh vực giám sát tải trọng phương tiện; báo cáo sai doanh thu nhằm gian lận doanh thu sử dụng đường bộ;

c) Sử dụng sai mục đích tiền trong tài khoản thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.

8. Có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Đơn vị quản lý thu trong trường hợp tạm dừng thu, dừng thu, trừ thời gian thu do lỗi của Nhà cung cấp dịch vụ thu hoặc các trường hợp khác theo quy định tại hợp đồng.

Điều 23. Trách nhiệm của Đơn vị vận hành hệ thống quản lý, giám sát thu

1. Bố trí đầy đủ cán bộ vận hành, bảo đảm hoạt động ổn định, liên tục Hệ thống quản lý, giám sát thu.

2. Phối hợp với Đơn vị quản lý thu, Đơn vị vận hành thu, Nhà cung cấp dịch vụ thu thực hiện đối soát dữ liệu thu trên Hệ thống quản lý, giám sát thu.

3. Thống nhất với Đơn vị quản lý thu, Đơn vị vận hành thu, Nhà cung cấp dịch vụ thu cung cấp báo cáo theo điểm a, khoản 1, Điều 25 Thông tư này hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thông qua Hệ thống quản lý, giám sát thu.

4. Tiếp nhận, báo cáo cấp có thẩm quyền các khiếu nại của Đơn vị quản lý thu, Đơn vị vận hành thu, Nhà cung cấp dịch vụ thu trong quá trình thực hiện.

5. Thông báo các hành vi gian lận, vi phạm pháp luật của chủ phương tiện giao thông đường bộ cho Đơn vị quản lý thu và các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật và các quy định của hợp đồng.

6. Thực hiện bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp Hệ thống quản lý, giám sát thu bảo đảm vận hành ổn định, liên tục.

7. Bảo đảm bảo mật thông tin, an toàn dữ liệu thu theo quy định.

Điều 24. Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước

1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về trạm thu phí và hoạt động thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ trên hệ thống quốc lộ, đường cao tốc thuộc hệ thống đường trung ương quản lý. Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra việc hoạt động của hệ thống thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng và trạm thu phí trên hệ thống đường bộ theo quy định của pháp luật và Thông tư này.

2. Cơ quan có thẩm quyền của địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về trạm thu phí và hoạt động thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ trên hệ thống đường địa phương; trên quốc lộ, đường cao tốc mà cơ quan có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra việc hoạt động của hệ thống thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng và trạm thu phí trên hệ thống đường bộ theo quy định của pháp luật và Thông tư này.

Điều 25. Chế độ báo cáo

1. Đơn vị quản lý thu, Nhà cung cấp dịch vụ thu có trách nhiệm thực hiện báo cáo định kỳ gửi về cơ quan có thẩm quyền hoặc đơn vị được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý công tác thu, quy định như sau:

a) Tên báo cáo: Báo cáo định kỳ về doanh thu dịch vụ sử dụng đường bộ, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông qua trạm thu phí và Báo cáo định kỳ việc quản lý, sử dụng tài sản;

b) Nội dung yêu cầu báo cáo: Doanh thu dịch vụ sử dụng đường bộ, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông qua trạm; tình hình quản lý, sử dụng tài sản;

c) Đối tượng thực hiện báo cáo: Đơn vị quản lý thu, Nhà cung cấp dịch vụ thu;

d) Cơ quan nhận báo cáo: Cơ quan có thẩm quyền hoặc đơn vị được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý công tác thu;

đ) Phương thức gửi, nhận báo cáo: Gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính;

e) Thời hạn gửi báo cáo:

Báo cáo doanh thu dịch vụ sử dụng đường bộ và lưu lượng phương tiện tham gia giao thông qua trạm thu phí: Báo cáo hàng tháng trước ngày 10 của tháng tiếp theo; báo cáo 6 tháng đầu năm trước ngày 10 tháng 7 hàng năm; báo cáo năm trước ngày 28 tháng 02 của năm tiếp theo.

Báo cáo việc quản lý, sử dụng tài sản: Báo cáo 6 tháng đầu năm trước ngày 10 tháng 7 hàng năm; báo cáo năm trước ngày 10 tháng 01 của năm tiếp theo.

g) Tần suất thực hiện báo cáo:

Báo cáo doanh thu dịch vụ sử dụng đường bộ và lưu lượng phương tiện tham gia giao thông qua trạm thu phí: Báo cáo định kỳ hàng tháng, 6 tháng đầu năm và hàng năm.

Báo cáo việc quản lý, sử dụng tài sản: Báo cáo định kỳ 6 tháng đầu năm và hàng năm.

h) Thời gian chốt số liệu báo cáo:

Báo cáo hàng tháng: Từ ngày 01 đến hết tháng báo cáo;

Báo cáo 6 tháng đầu năm: Từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 30 tháng 6 năm báo cáo;

Báo cáo năm: Từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 năm báo cáo.

i) Mẫu biểu số liệu báo cáo:

Báo cáo doanh thu dịch vụ sử dụng đường bộ và lưu lượng phương tiện tham gia giao thông qua trạm thu phí: Theo Mẫu số 1 đến Mẫu số 7 của Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này;

Báo cáo việc quản lý, sử dụng tài sản: Theo Mẫu số 8 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Ngoài các báo cáo định kỳ theo quy định tại khoản 1 điều này, Đơn vị quản lý thu, Nhà cung cấp dịch vụ thu có trách nhiệm báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hoặc của đơn vị được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý công tác thu.

3. Đơn vị quản lý thu, Nhà cung cấp dịch vụ thu chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo. Riêng báo cáo cả năm về doanh thu dịch vụ sử dụng đường bộ phải có kiểm toán độc lập kiểm toán hoặc xác nhận của cơ quan thuế.

Chương V

TẠM DỪNG THU, DỪNG THU, TRỪ THỜI GIAN THU

Điều 26. Tạm dừng thu

1. Tạm dừng thu khi Doanh nghiệp dự án PPP, Đơn vị quản lý thu vi phạm chất lượng bảo trì công trình đường bộ đã được cơ quan có thẩm quyền có văn bản nhắc nhở 02 lần kèm theo thời hạn khắc phục. Chi tiết cụ thể về các hành vi vi phạm chất lượng bảo trì công trình được quy định trong Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này. Thời gian tạm dừng thu được tính từ thời điểm yêu cầu ghi trong văn bản tạm dừng cho đến khi Doanh nghiệp dự án PPP, Đơn vị quản lý thu khắc phục xong, nhưng không ít hơn 01 ngày.

2. Tạm dừng thu khi Doanh nghiệp dự án PPP, Đơn vị quản lý thu, Đơn vị vận hành thu, Nhà cung cấp dịch vụ thu để xảy ra các tình huống có nguy cơ mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông kéo dài trên tuyến đường, đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu khắc phục 02 lần bằng văn bản kèm theo thời hạn khắc phục nhưng không khắc phục hoặc chậm khắc phục. Thời gian tạm dừng thu được tính từ thời điểm yêu cầu ghi trong văn bản dừng cho đến khi Doanh nghiệp dự án PPP, Đơn vị quản lý thu, Đơn vị vận hành thu, Nhà cung cấp dịch vụ thu khắc phục xong, nhưng không ít hơn 01 ngày.

3. Tạm dừng thu khi Đơn vị vận hành thu có các hành vi vi phạm điểm a, điểm b khoản 8 Điều 21 Thông tư này, Nhà cung cấp dịch vụ thu có các hành vi vi phạm điểm a, điểm b khoản 7 Điều 22 Thông tư này. Thời gian tạm dừng thu được tính từ thời điểm yêu cầu ghi trong văn bản tạm dừng cho đến khi Đơn vị vận hành thu, Nhà cung cấp dịch vụ thu khắc phục xong hậu quả của lỗi vi phạm và được cơ quan có thẩm quyền có văn bản cho phép thu phí trở lại.

4. Tạm dừng thu khi Đơn vị vận hành thu có hành vi vi phạm khoản 4 Điều 21 Thông tư này, đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu thực hiện ít nhất 02 lần bằng văn bản kèm theo thời hạn khắc phục. Thời gian tạm dừng thu được tính từ thời điểm yêu cầu ghi trong văn bản tạm dừng cho đến khi Đơn vị vận hành thu hoàn thành các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 21 Thông tư này.

5. Tạm dừng thu khi hệ thống công nghệ, thiết bị phục vụ trực tiếp cho việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ bị trục trặc, hư hỏng không được khắc phục kịp thời theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Thông tư này, thời gian tạm dừng thu được tính từ thời điểm yêu cầu ghi trong văn bản tạm dừng cho đến khi Đơn vị vận hành thu khắc phục xong sự cố và được cơ quan có thẩm quyền có văn bản cho phép thu phí trở lại.

6. Tạm dừng thu khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp có dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh hoặc phục vụ an ninh, quốc phòng hoặc thực hiện theo chủ trương, chính sách của Nhà nước.

7. Tạm dừng thu trong trường hợp Đơn vị quản lý thu, Đơn vị vận hành thu hoặc Nhà cung cấp dịch vụ thu cố tình trì hoãn, không tuân thủ các quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

8. Các trường hợp tạm dừng thu không do lỗi của Đơn vị quản lý thu, Đơn vị vận hành thu, Nhà cung cấp dịch vụ thu được xử lý theo quy định của pháp luật hoặc hợp đồng dịch vụ thu.

Điều 27. Dừng thu

1. Trường hợp dự án hết thời gian thu hoàn vốn theo hợp đồng, Đơn vị quản lý thu phải chủ động dừng thu hoặc chấp hành quyết định dừng thu của của cơ quan có thẩm quyền (hoặc của đơn vị được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý công tác thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ). Việc xác định thời gian dừng thu được xác định theo hợp đồng thu của cơ quan có thẩm quyền với Đơn vị quản lý thu hoặc hợp đồng với Doanh nghiệp dự án PPP.

2. Dừng thu phí trong các trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 52 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Điều 28. Trừ thời gian thu

1. Trừ thời gian thu khi Đơn vị vận hành thu, Nhà cung cấp dịch vụ thu không thực hiện việc sao lưu dữ liệu thu hoặc sao lưu dữ liệu không đầy đủ theo quy định tại Điều 10 của Thông tư này, trừ trường hợp có lý do chính đáng được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Thời gian thu bị trừ là 02 ngày trong trường hợp không sao lưu dữ liệu từ 10 đến 15 ngày; thời gian thu bị trừ là 04 ngày trong trường hợp không sao lưu dữ liệu từ 16 ngày đến hết 30 ngày; đối với trường hợp không sao lưu dữ liệu từ ngày 31 trở đi, cứ 05 ngày không sao lưu dữ liệu thì thời gian thu bị trừ 02 ngày.

2. Trừ thời gian thu khi Đơn vị quản lý thu, Đơn vị vận hành thu, Nhà cung cấp dịch vụ thu không thực hiện báo cáo theo quy định tại Điều 25 Thông tư này hoặc không nộp phí sử dụng tài sản nhà nước, không nộp tiền thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định hiện hành khi cơ quan có thẩm quyền có văn bản nhắc nhở 02 lần, mỗi lần cách nhau không dưới 05 ngày. Thời gian thu bị trừ là 01 ngày trong trường hợp chậm nộp báo cáo từ 10 ngày đến 30 ngày; thời gian thu bị trừ 02 ngày trong trường hợp chậm nộp báo cáo từ 31 ngày đến 60 ngày; đối với trường hợp chậm nộp báo cáo từ 61 ngày trở đi, cứ 05 ngày chậm nộp báo cáo thì thời gian thu bị trừ 01 ngày.

Điều 29. Tổ chức tạm dừng thu, dừng thu, trừ thời gian thu

1. Cơ quan có thẩm quyền quyết định tạm dừng thu, dừng thu hoặc trừ thời gian thu:

a) Tổng cục Đường bộ Việt Nam quyết định việc tạm dừng thu, dừng thu hoặc trừ thời gian thu đối với các trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ, đường cao tốc thuộc mạng lưới đường bộ do Trung ương quản lý;

b) Đối với các trạm thu phí trên hệ thống đường địa phương và các trạm thu phí trên quốc lộ, đường cao tốc mà cơ quan có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan có thẩm quyền của địa phương quyết định việc tạm dừng thu, dừng thu hoặc trừ thời gian thu theo thẩm quyền.

2. Thời gian do việc tạm dừng thu trong các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 7 Điều 26 Thông tư này không được tính để kéo dài thời gian thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo hợp đồng đã ký giữa cơ quan có thẩm quyền và Doanh nghiệp dự án PPP.

3. Doanh thu mỗi ngày tạm dừng thu được tính bằng doanh thu bình quân một ngày của tháng sau liền kề sau khi tạm dừng thu. Đối với trường hợp Đơn vị vận hành thu có hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 8 Điều 21 Thông tư này, Nhà cung cấp dịch vụ thu có hành vi vi phạm điểm a, điểm b khoản 7 Điều 22 Thông tư này ngoài việc bị tạm dừng thu theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Thông tư này, doanh thu mỗi ngày tạm dừng thu được xác định bằng 03 lần ngày có doanh thu cao nhất của tháng sau liền kề.

Doanh thu bình quân một ngày trong tháng là doanh thu bình quân một ngày của tổng doanh thu vé lượt, vé tháng, vé quý được ghi nhận trong tháng.

4. Trong thời gian tạm dừng thu, Đơn vị quản lý thu, Đơn vị vận hành thu, Nhà cung cấp dịch vụ thu có trách nhiệm đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, không được phép gây cản trở, ùn tắc giao thông và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương, cũng như công khai tại trạm thu phí.

5. Các trường hợp trừ thời gian thu được tính trừ vào cuối thời điểm hoàn vốn của dự án khi quyết toán hợp đồng dự án.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 30. Xử lý chuyển tiếp

1. Đối với các hợp đồng dự án đang đàm phán, chưa ký kết, cơ quan thẩm quyền căn cứ vào quy định của Thông tư này để rà soát điều chỉnh, cập nhật các điều khoản liên quan trong hợp đồng dự án.

2. Đối với các trạm thu phí đã được xác định vị trí và ký kết hợp đồng, phụ lục hợp đồng theo hình thức đối tác công tư đã ký trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì thực hiện theo hợp đồng, phụ lục hợp đồng đã ký. Đối với chi phí vận hành thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ từ thời điểm chuyển sang thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này, các quy định khác có liên quan và Hợp đồng đã ký.

Điều 31. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 03 năm 2022 và thay thế Thông tư số 15/2020/TT-BGTVT ngày 22 tháng 7 năm 2020 của Bộ Giao thông vận tải quy định về hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.

2. Trường hợp các văn bản viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng các quy định tại các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

Điều 32. Tổ chức thực hiện

1. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Giao thông vận tải để xem xét, giải quyết.


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp):
- Bộ trưởng (đề b/c);
- Các Thứ trưởng;
- Công báo;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải;
- Báo GT, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, KCHTGT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Đình Thọ

PHỤ LỤC 1

VAI TRÒ, CHỨC NĂNG CUNG CẤP THÔNG TIN, YÊU CẦU CUNG CẤP DỮ LIỆU VÀ VẬN HÀNH HỆ THỐNG QUẢN LÝ, GIÁM SÁT THU, QUY TRÌNH NGHIỆP VỤ VÀ KẾT QUẢ CỦA HỆ THỐNG QUẢN LÝ, GIÁM SÁT THU
(Ban hành kèm theo Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT ngày 31/12 /2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

1. Vai trò của Hệ thống quản lý, giám sát thu:

a) Thu nhận dữ liệu xe qua trạm theo thời gian thực của các phương tiện lưu thông trên các trạm thu phí được kết nối, đồng bộ dữ liệu.

b) Truy xuất dữ liệu xe qua trạm bao gồm thời gian xe qua trạm, biển số, giá vé, loại xe, hình ảnh xe qua trạm.

c) Tổng hợp, thống kê, phân tích các dữ liệu thu được theo yêu cầu đảm bảo sự minh bạch trong thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.

2. Hệ thống quản lý, giám sát thu cung cấp các thông tin:

a) Tra cứu tức thời giao dịch của phương tiện qua trạm thu phí đường bộ thông qua việc tra cứu theo biển số xe bất kỳ đảm bảo tính minh bạch, thu đúng thu đủ tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định.

b) Tra cứu các giao dịch nghi vấn của phương tiện qua trạm để đối soát làm rõ các giao dịch xe qua trạm.

c) Tra cứu các dữ liệu vé tháng, vé quý, xe miễn phí, xe miễn giảm, xe sử dụng phí đường bộ toàn quốc, giao dịch bán vé bổ sung.

d) Tra cứu lưu lượng và doanh thu của các trạm thu phí.

e) Cung cấp thông tin về dự án bao gồm: Tên dự án, giá trị công trình dự án (trong trường hợp dự án chưa được quyết toán thì công bố theo tổng mức đầu tư), tổng thời gian được thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, thời điểm bắt đầu thu, thời gian thu còn lại, doanh thu tháng trước của trạm thu phí đường bộ.

f) Cung cấp các báo cáo tổng hợp từ dữ liệu thu thập theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

g) Thông tin trên Hệ thống quản lý, giám sát thu là thông tin chính thống của cơ quan có thẩm quyền.

3. Yêu cầu đối với Đơn vị quản lý thu, Đơn vị vận hành thu, Nhà cung cấp dịch vụ thu về cung cấp dữ liệu và vận hành Hệ thống quản lý, giám sát thu:

a) Cung cấp, cập nhật dữ liệu xe vé tháng, xe vé quý, xe miễn giảm, xe miễn phí (nếu có), giao dịch bán vé bổ sung (thu phí một dừng bán vé bổ sung, thu phí không dừng tạo giao dịch qua luồng xử lý hậu kiểm, bất thường (gọi tắt là giao dịch offline)), khai báo lưu lượng và doanh thu sau đối soát (bao gồm cả các làn chưa được đồng bộ lên Hệ thống quản lý, giám sát thu), thống kê, giải trình chênh lệch số liệu theo ca làm việc lên Hệ thống quản lý, giám sát thu hàng ngày.

b) Bố trí nhân sự vận hành Hệ thống quản lý, giám sát thu, điều tra, giải quyết truy vấn, đối soát, trả lời, giải trình (bằng video, hình ảnh, tài liệu có liên quan) liên quan đến các giao dịch nghi vấn lên Hệ thống quản lý, giám sát thu không quá 24 giờ kể từ thời điểm xe qua trạm thu phí.

c) Hạ tầng, phần mềm công nghệ thông tin tại trạm thu phí phải đảm bảo để truyền dữ liệu: Biển số xe; loại xe, giá vé, thời gian giao dịch và ảnh xe qua làn lên Hệ thống quản lý, giám sát thu.

4. Quy trình xử lý nghiệp vụ:

a) Cơ chế đối soát, xử lý giao dịch nghi vấn:

- Yêu cầu Đơn vị vận hành thu, Nhà cung cấp dịch vụ thu giải trình các giao dịch liên quan tới thu sai mệnh giá.

- Yêu cầu Đơn vị vận hành thu, Nhà cung cấp dịch vụ thu phải giải trình toàn bộ nghi vấn liên quan tới xe miễn phí, xe miễn giảm, xe trả trước, sai loại xe.

- Nếu giao dịch nghi vấn nào không giải trình thì có thể đề nghị truy thu loại xe theo dữ liệu hiện có hoặc được cập nhật sau tại Hệ thống quản lý, giám sát thu.

- Những giao dịch nghi vấn thu sai giá tiền được thống kê và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.

- Đối với trường hợp xe chở hài cốt, xe chở người đi cấp cứu (không phải xe cứu thương) là các trường hợp nghi vấn do có yếu tố tâm linh và mang tính nhân đạo, cứu người khẩn cấp chỉ cần xác nhận của Trưởng ca/Trạm trưởng trạm thu phí đường bộ.

- Cách thức xử lý một số trường hợp do thiếu dữ liệu như sau:

+ Trạm thu phí đối soát trực quan để xác định xe nhóm 1, đơn vị vận hành Hệ thống quản lý, giám sát thu phê duyệt các xe này (có thể tự phê duyệt không cần trạm giải trình).

+ Đối với xe nhóm 2,3,4 tạm thời chấp nhận giá trị thu của trạm thu phí, khi có dữ liệu đăng kiểm thì cập nhật dữ liệu để so sánh, đề nghị truy thu (nếu có sai lệch loại xe).

+ Đối với xe trạm thu phí đường bộ thu là nhóm 5 không cần trạm giải trình, mặc định chấp thuận.

b) Quy trình xử lý nghiệp vụ theo Bảng quy trình nghiệp vụ.

5. Kết quả sản phẩm của Hệ thống quản lý, giám sát thu:

a) Kết quả của Hệ thống quản lý, giám sát thu: Báo cáo kết quả khai báo lưu lượng và doanh thu của trạm thu phí theo tháng, quý, 6 tháng, năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền; Báo cáo số liệu đề nghị cấp có thẩm quyền truy thu theo tháng, quý, 6 tháng, năm.

b) Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý dữ liệu, thông tin lưu lượng và doanh thu xe qua trạm thu phí đường bộ do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan có thẩm quyền.

BẢNG QUY TRÌNH NGHIỆP VỤ TẠI HỆ THỐNG QUẢN LÝ, GIÁM SÁT THU

TT

Tên nghiệp vụ

Mô tả nghiệp vụ

Nghiệp vụ xử lý của Đơn vị vận hành thu, Nhà cung cấp dịch vụ thu

Nghiệp vụ xử lý của Đơn vị vận hành Hệ thống quản lý, giám sát thu

Ghi chú

I

Xử lý giao dịch nghi vấn

1

Sai loại xe

Nghi vấn sai loại xe xảy ra khi Hệ thống quản lý, giám sát thu phát hiện giao dịch xe qua mà loại xe trạm thu phí truyền về Hệ thống quản lý, giám sát thu khác với loại xe Hệ thống quản lý, giám sát thu nhập được (xe chuẩn đã được đơn vị vận hành kiểm tra; loại xe xác định dựa vào dữ liệu do Cục Đăng kiểm Việt Nam cung cấp).

- Kiểm tra và giải trình các giao dịch nghi vấn trên hệ thống có trạng thái chưa giải trình/yêu cầu giải trình lại;

- Chủ động giải trình các giao dịch nghi vấn yêu cầu tại Hệ thống quản lý, giám sát thu;

- Khi giải trình cần nhập đầy đủ thông tin: biển số, nội dung giải trình và đính kèm hình ảnh giấy tờ liên quan chứng minh loại xe (Giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc Giấy chứng nhận đăng kiểm ATKT và BVMT):

+ Đối với giao dịch nghi vấn theo hình thức thu phí một dừng: Trường hợp không có giấy tờ liên quan chứng minh loại xe cần nhập rõ lý do trong nội dung giải trình để đơn vị vận hành có căn cứ chấp thuận hoặc đưa vào giao dịch nghi vấn chờ xử lý.

+ Đối với giao dịch nghi vấn theo hình thức thu phí không dừng: Giải trình trường hợp sai loại xe do Nhà cung cấp dịch vụ thu cung cấp.

+ Chia sẻ, cung cấp dữ liệu thông tin xe chuẩn cho đơn vị vận hành cập nhật hoặc đồng bộ tự động lên hệ thống để giảm tối đa các nghi vấn sai loại xe.

- Kiểm tra thông tin giao dịch;

- Đối chiếu loại xe trạm gửi với dữ liệu loại xe có tại hệ thống;

- Xem thông tin trạm giải trình, kiểm tra nội dung giải trình, ảnh/video/văn bản đính kèm. Nếu đúng thì đồng ý bỏ qua giao dịch nghi vấn. Nếu sai, yêu cầu trạm giải trình lại;

- Cập nhật lại dữ liệu thông tin xe chuẩn lên hệ thống (biển số, loại xe) để lần các giao dịch về sau không còn phát hiện nghi vấn;

- Thực hiện đề nghị truy thu đối với các trường hợp giao dịch nghi vấn trạm đã chấp nhận hoặc trạm giải trình không đúng quy định;

- Xử lý, báo cáo các trường hợp nghi vấn do vướng mắc pháp lý, chưa đủ căn cứ để xác định nghi vấn;

- Chuyển giao dịch nghi vấn về trạng thái chờ xử lý đối với các trường hợp trạm giải trình nhưng chưa đính kèm các tài liệu chứng minh;

- Đồng ý không cần trạm giải trình các trường hợp cán bộ vận hành xác định được loại xe qua dữ liệu hình ảnh trạm gửi về hệ thống);

2

Sai xe trả trước

Nghi vấn sai xe trả trước xảy ra khi hệ thống phát hiện giao dịch xe vé tháng/quý đi qua mà không tìm thấy trong danh sách xe vé tháng/quý hoặc có trong danh sách xe vé tháng/quý nhưng không còn hiệu lực hoặc thời gian vé tháng/quý sai.

- Kiểm tra và giải trình các giao dịch nghi vấn trên hệ thống có trạng thái chưa giải trình/yêu cầu giải trình lại;

- Chủ động giải trình các giao dịch nghi vấn yêu cầu tại Hệ thống quản lý, giám sát thu;

- Khi giải trình cần nhập đầy đủ thông tin: biển số, nội dung giải trình và đính kèm hình ảnh, tệp tin chứng minh là xe tháng/quý;

- Kiểm tra xe đã được thêm hoặc đồng bộ vào danh sách vé/tháng quý hay chưa;

- Thêm thủ công hoặc nhập xe vé tháng/quý lên hệ thống nếu chưa có;

- Kiểm tra trong trường hợp xe vé tháng/quý không tự động đồng bộ hoặc đồng bộ thiếu để có phương án xử lý, hậu kiểm lại các giao dịch nghi vấn liên quan.

- Kiểm tra thông tin giao dịch;

- Tìm kiếm vé trả trước trong kho vé tháng/quý (tìm kiếm theo biển số hoặc thẻ đầu cuối);

- Xem thông tin trạm giải trình, kiểm tra nội dung giải trình, ảnh/video/văn bản đính kèm. Nếu đúng thì đồng ý bỏ qua giao dịch nghi vấn. Nếu sai, yêu cầu trạm giải trình lại;

- Báo cáo đề nghị truy thu đối với các trường hợp giao dịch nghi vấn trạm đã chấp nhận hoặc trạm giải trình không đúng quy định;

- Xử lý, báo cáo các trường hợp nghi vấn do vướng mắc pháp lý, chưa đủ căn cứ để xác định nghi vấn;

- Chuyển giao dịch nghi vấn về trạng thái chờ xử lý đối với các trường hợp trạm giải trình nhưng chưa đính kèm các tài liệu chứng minh;

- Đồng ý không cần trạm giải trình các trường hợp cán bộ vận hành xác định được loại xe qua dữ liệu hình ảnh trạm gửi về hệ thống;

Dữ liệu vé tháng quý là dữ liệu được đồng bộ tự động hoặc thêm thủ công trên Hệ thống quản lý, giám sát thu. Hiện tại có 3 hình thức:

- Đối với các trạm nằm trong Dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 1 theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (sau đây gọi tắt là dự án BOO1): Dữ liệu vé tháng/quý được đồng bộ tự động từ các trạm thu phí lên Hệ thống quản lý, giám sát thu.

- Đối với các trạm nằm trong Dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2 theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (sau đây gọi tắt là dự án BOO2): Dữ liệu vé tháng/quý được đồng bộ từ Bac-kend của Nhà cung cấp dịch vụ thu. Bac-kend của Hệ thống quản lý, giám sát thu tự động đồng bộ dữ liệu từ Bac-kend của Nhà cung cấp dịch vụ thu thông qua tài khoản được cung cấp.

- Hoặc dữ liệu vé tháng/quý cũng có thể do Đơn vị vận hành thu, Nhà cung cấp dịch vụ thu thêm thủ công/nhập tập tin lên Hệ thống quản lý, giám sát thu.

3

Không phải xe miễn phí

Nghi vấn không phải xe miễn phí xảy ra khi Hệ thống quản lý, giám sát thu phát hiện giao dịch xe qua mà trạm mở miễn phí đơn hoặc giá tiền và loại xe bằng 0 và biển số hoặc thẻ đầu cuối xe không tìm thấy trong các danh sách xe miễn phí nêu trên.

- Kiểm tra và giải trình các giao dịch nghi vấn trên hệ thống có trạng thái chưa giải trình/yêu cầu giải trình lại;

- Chủ động giải trình các giao dịch nghi vấn yêu cầu tại Hệ thống quản lý, giám sát thu;

- Khi giải trình cần nhập đầy đủ thông tin: biển số, nội dung giải trình và đính kèm hình ảnh, tệp tin chứng minh là xe thuộc diện miễn phí/ưu tiên;

- Kiểm tra xe đã được thêm hoặc đồng bộ vào danh sách xe miễn phí;

- Thêm thủ công hoặc nhập xe miễn phí lên hệ thống nếu chưa có;

- Kiểm tra trong trường hợp xe miễn phí không tự động đồng bộ hoặc đồng bộ thiếu để có phương án xử lý, hậu kiểm lại các giao dịch nghi vấn liên quan;

- Kiểm tra thông tin giao dịch;

- Tìm kiếm xe miễn phí (tìm kiếm theo biển số hoặc thẻ đầu cuối trong danh sách xe miễn phí, xe sử dụng vé toàn quốc, xe miễn giảm 100%);

- Xem thông tin trạm giải trình, kiểm tra nội dung giải trình, ảnh/video/văn bản đính kèm. Nếu đúng thì đồng ý bỏ qua giao dịch nghi vấn. Nếu sai, yêu cầu trạm giải trình lại;

- Báo cáo đề nghị truy thu đối với các trường hợp giao dịch nghi vấn trạm đã chấp nhận hoặc trạm giải trình không đúng quy định;

- Xử lý, báo cáo các trường hợp nghi vấn do vướng mắc pháp lý, chưa đủ căn cứ để xác định nghi vấn;

- Chuyển giao dịch nghi vấn về trạng thái chờ xử lý đối với các trường hợp trạm giải trình nhưng chưa đính kèm các tài liệu chứng minh;

- Đồng ý không cần trạm giải trình các trường hợp cán bộ vận hành xác định được loại xe qua dữ liệu hình ảnh, tài liệu trạm gửi về hệ thống;

Dữ liệu xe miễn phí là dữ liệu được đồng bộ tự động hoặc thêm thủ công trên Hệ thống quản lý, giám sát thu. Hiện tại có 4 hình thức:

- Đối với các trạm nằm trong dự án BOO1: Dữ liệu xe miễn phí được đồng bộ tự động từ các trạm thu phí lên Hệ thống quản lý, giám sát thu.

- Đối với các trạm nằm trong dự án BOO2: Dữ liệu xe miễn phí được

đồng bộ từ Back-end của Nhà cung cấp dịch vụ thu. Bac-kend của Hệ thống quản lý, giám sát thu tự động đồng bộ dữ liệu từ Bac-kend của Nhà cung cấp dịch vụ thu thông qua tài khoản được cung cấp.

- Dữ liệu xe miễn phí cũng có thể do Đơn vị vận hành thu, Nhà cung cấp dịch vụ thu thêm thủ công/nhập tập tin lên Hệ thống quản lý, giám sát thu.

- Dữ liệu xe miễn phí được đơn vị vận hành nhập từ danh sách xe hộ đê do Tổng cục Phòng chống thiên tai cung cấp; hoặc dữ liệu được đơn vị vận hành thêm do thuộc đối tượng miễn giảm theo quy định; hoặc dữ liệu do đơn vị vận hành thêm các xe sử dụng phí đường bộ toàn quốc.

4

Không phải xe miễn giảm

Nghi vấn không phải xe miễn giảm xảy ra khi hệ thống phát hiện giao dịch xe qua có hình thức thu là miễn giảm (giá tiền không đúng với bản giá vé tiêu chuẩn) và biển số hoặc thẻ đầu cuối xe không tìm thấy trong các danh sách xe giảm trên hệ thống.

- Kiểm tra và giải trình các giao dịch nghi vấn trên hệ thống có trạng thái chưa giải trình/yêu cầu giải trình lại;

- Chủ động giải trình các giao dịch nghi

vấn yêu cầu tại Hệ thống quản lý, giám sát thu;

- Khi giải trình cần nhập đầy đủ thông tin: biển số, nội dung giải trình và đính kèm hình ảnh, tệp tin chứng minh là xe thuộc diện miễn giảm. Đối với các xe thuộc đối tượng giảm giá khi giải trình cần kèm theo văn bản, quyết định chấp thuận miễn giảm giá của cơ quan có thẩm quyền;

- Kiểm tra xe đã được thêm vào danh sách xe miễn giảm;

- Thêm thủ công hoặc nhập xe miễn giảm lên hệ thống nếu chưa có.

- Kiểm tra thông tin giao dịch;

- Tìm kiếm xe miễn giảm (tìm kiếm theo biển số hoặc thẻ đầu cuối trong danh sách xe miễn giảm);

- Xem thông tin trạm giải trình, kiểm tra nội dung giải trình, ảnh/video/văn bản đính kèm. Nếu đúng thì đồng ý bỏ qua nghi nghi vấn. Nếu sai, yêu cầu trạm giải trình lại;

- Báo cáo đề nghị truy thu đối với các trường hợp giao dịch nghi vấn trạm đã chấp nhận hoặc trạm giải trình không đúng quy định;

- Xử lý, báo cáo các trường hợp nghi vấn do vướng mắc pháp lý, chưa đủ căn cứ để xác định nghi vấn;

- Chuyển giao dịch nghi vấn về trạng thái chờ xử lý đối với các trường hợp trạm giải trình nhưng chưa đính kèm các tài liệu chứng minh;

- Đồng ý không cần trạm giải trình các trường hợp cán bộ vận hành xác định được loại xe qua dữ liệu hình ảnh trạm gửi về Hệ thống quản lý, giám sát thu;

Dữ liệu xe miễn giảm là dữ liệu được đồng bộ tự động hoặc thêm thủ công trên Hệ thống quản lý, giám sát thu. Hiện tại có 2 hình thức:

- Đối với các trạm nằm trong dự án BOO1: Thực hiện nhập tệp tin hoặc thêm thủ công xe miễn giảm lên hệ thống.

- Đối với các trạm nằm trong dự án BOO2:

+ Các trạm do Nhà cung cấp dịch vụ thu đầu tư hệ thống Fornt-end, Dữ liệu được đồng bộ từ Back-end của Nhà cung cấp dịch vụ thu. Back-end của Hệ thống quản lý, giám sát thu tự động đồng bộ dữ liệu từ Back-end của Nhà cung cấp dịch vụ thu thông qua tài khoản được cung cấp. Do đó, với các trạm này phải thực nhập tệp tin hoặc thêm thủ công xe miễn giảm lên hệ thống.

5

Không nhận dạng được biển số xe

Hiện tại yêu cầu KPI nhận dạng biển số các trạm là 91%. Các biển số không nhận dạng được do: Biển mờ, bẩn, bong tróc, mất phản quang, đèn lóa, xe đi nối đuôi…Do đó hệ thống đưa các giao dịch này vào loại nghi vấn không nhận dạng được biển số.

- Kiểm tra và giải trình các giao dịch nghi vấn trên hệ thống có trạng thái chưa giải trình/yêu cầu giải trình lại;

- Chủ động giải trình các giao dịch nghi vấn yêu cầu tại Hệ thống quản lý, giám sát thu;

- Khi giải trình cần nhập đầy đủ thông tin: biển số, nội dung giải trình và đính kèm hình ảnh, tệp tin chứng minh biển số xe.

- Kiểm tra thông tin giao dịch;

- Xem thông tin trạm giải trình, kiểm tra nội dung giải trình, ảnh/video/văn bản đính kèm. Nếu đúng thì đồng ý bỏ qua nghi nghi vấn. Nếu sai, yêu cầu trạm giải trình lại;

- Báo cáo đề nghị truy thu đối với các trường hợp giao dịch nghi vấn trạm đã chấp nhận hoặc trạm giải trình không đúng quy định;

- Xử lý, báo cáo các trường hợp nghi vấn do vướng mắc pháp lý, chưa đủ căn cứ để xác định nghi vấn;

- Chuyển giao dịch nghi vấn về trạng thái chờ xử lý đối với các trường hợp trạm giải trình nhưng chưa đính kèm các tài liệu chứng minh;

- Đồng ý không cần trạm giải trình các trường hợp cán bộ vận hành xác định được loại xe qua dữ liệu hình ảnh trạm gửi về hệ thống;

II

Khai báo lưu

lượng và doanh thu hàng ngày

Khai báo lưu lượng và doanh thu hàng ngày trên hệ thống hàng ngày là cơ sở để cơ quan quản lý, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát được lưu lượng, doanh thu thực tế.

- Khai báo lưu lượng và doanh thu theo khung giờ (ca làm việc) ở từng trạm.

- Số liệu khai báo phải là số liệu sau đối soát, hậu kiểm.

- Khai báo các làn đồng bộ và cả các làn

không được đồng bộ.

- Giái trình và kèm theo tài liệu chứng minh chênh lệch số liệu với Hệ thống quản lý, giám sát thu

III

Khai báo dữ liệu bán vé bổ sung

Các giao dịch bán vé bổ sung không được đồng bộ tự động lên Hệ thống quản lý, giám sát thu. Các giao dịch này thông thường thực hiện sau khi xe đã qua làn thu phí. Do đó, để kiểm soát và làm căn cứ đối soát chênh lệch doanh thu, trạm phải thực hiện thêm các giao dịch bán vé bổ sung này lên Hệ thống quản lý, giám sát thu

- Thêm các giao dịch bán vé bổ sung (thu phí một dừng bán vé bổ sung, giao dịch offline…) là các giao dịch không được đồng bộ tự động lên Hệ thống quản lý, giám sát thu.

- Dữ liệu bán vé bổ sung bao gồm tất cả các làn đồng bộ và chưa đồng bộ.

PHỤ LỤC 2

CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ HIỆU NĂNG VẬN HÀNH (KPI) HỆ THỐNG KẾT NỐI LIÊN THÔNG VÀ PHỐI HỢP GIỮA HAI NHÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ THU
(Ban hành kèm theo Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

1. Thời gian từ lúc hệ thống thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng của Nhà cung cấp dịch vụ thu B gửi yêu cầu đến khi nhận được phản hồi từ hệ thống thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng của Nhà cung cấp dịch vụ thu A là không quá 200ms (được gọi là giao dịch ONLINE). Sau khoảng thời gian đó tính là lỗi để đưa vào luồng xử lý hậu kiểm, bất thường (sau đây gọi tắt là giao dịch OFFLINE). Thời gian tạo giao dịch OFFLINE là tối đa 120 giờ (5 ngày) kể từ thời điểm phát sinh giao dịch xe qua trạm. Trường hợp phát sinh quá 120 giờ cần thực hiện gọi điện cho khách hàng, và đưa vào trừ OFFLINE khi khách hàng đồng ý (chứng minh video+ hình ảnh xe qua trạm).

2. Nhà cung cấp dịch vụ thu đảm bảo KPI kết nối liên thông giữa 2 Nhà cung cấp dịch vụ thu và hệ thống Front-End tại trạm thu phí.

a) Mức độ ảnh hưởng khách hàng:

Thời gian gián đoạn dịch vụ (tháng): Thời gian tính từ khi hệ thống phát sinh sự cố (sự cố hàng loạt) đến khi hệ thống được khôi phục, chỉ tiêu ≤ 120 phút (chu kỳ đánh giá theo tháng).

b) Tốc độ xử lý giao dịch:

- Tốc độ xử lý giao dịch đăng ký vào (gọi tắt là checkin): Thời gian xử lý tính từ khi hệ thống nhận được bản tin yêu cầu xử lý giao dịch đến khi hệ thống trả về kết quả xử lý giao dịch, chỉ tiêu ≤ 120 ms (chu kỳ đánh giá theo tháng).

- Tốc độ xử lý giao khác: Thời gian xử lý tính từ khi hệ thống nhận được bản tin yêu cầu xử lý giao dịch đến khi hệ thống trả về kết quả xử lý giao dịch, chỉ tiêu ≤ 200 ms (chu kỳ đánh giá theo tháng).

- Tỷ lệ giao dịch đạt yêu cầu tốc độ xử lý: Tỷ lệ giao dịch đạt yêu cầu về tốc độ xử lý, chỉ tiêu ≥ 99.80% (chỉ tiêu đánh giá theo tháng).

- Thời gian giải phóng tiền đang giữ của khách hàng (gọi tắt là unhold) của giao dịch giữ tiền: Sau 48h tính từ thời điểm giữ tiền (gọi tắt là hold) khi xe qua trạm, nếu không nhận được lệnh xác nhận (commit) để trừ tiền thì hệ thống tự động trả về số tiền đã giữ, chỉ tiêu = 48 giờ (chỉ tiêu đánh giá theo ngày).

c) Giao dịch xử lý thành công:

- Tỷ lệ giao dịch xử lý thành công: Tỷ lệ giao dịch xử lý thành công (không bao gồm các giao dịch thực hiện trong thời gian hệ thống có sự cố hàng loạt), chỉ tiêu ≥ 99.90% (chỉ tiêu đánh giá theo ngày).

d) Độ chính xác xử lý giao dịch:

- Tỷ lệ giao dịch được xử lý chính xác: Tỷ lệ giao dịch được xử lý chính xác là 100% (chỉ tiêu đánh giá theo ngày).

đ) Tần suất lỗi sau triển khai: Số lỗi phát sinh trên hệ thống, chỉ tiêu ≤ 1 lỗi (chỉ tiêu đánh giá theo tháng).

e) Thời gian xử lý sự cố:

- Thời gian ứng cứu sự cố: Thời gian tính từ khi hệ thống phát sinh sự cố đến khi hệ thống được khôi phục (bằng các phương án ngắn hạn hoặc dài hạn), chỉ tiêu ≤ 120 phút (chỉ tiêu đánh giá theo tháng).

- Thời gian khắc phục sự cố: Thời gian tính từ khi hệ thống phát sinh sự cố đến khi hệ thống được khắc phục triệt để sự cố (bằng phương án dài hạn), chỉ tiêu ≤ 15 ngày (chỉ tiêu đánh giá theo tháng).

- Thời gian xử lý sự cố đơn lẻ: Thời gian tính từ khi nhận được thông tin khiếu nại của khách hàng Nhà cung cấp dịch vụ thu A chuyển sang Nhà cung cấp dịch vụ thu B và ngược lại, chỉ tiêu ≤ 48h (chỉ tiêu đánh giá theo tháng).

g) Quy định về lưu trữ, đồng bộ cơ sở dữ liệu:

- Thời gian lưu trữ dữ liệu xe qua trạm: Dữ liệu được lưu online trong vòng 6 tháng để có thể đối soát online. Hai bên có API giao tiếp để kiểm tra lịch sử giao dịch quan trạm phục vụ mục đích đối soát, hậu kiểm, chỉ tiêu ≥ 6 tháng (chỉ tiêu đánh giá theo năm).

PHỤ LỤC 3

DANH MỤC HỒ SƠ, MẪU BIỂU BÁO CÁO ĐỊNH KỲ VỀ DOANH THU DỊCH VỤ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ VÀ LƯU LƯỢNG PHƯƠNG TIỆN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT ngày 31/12 /2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

TT

Nội dung

Báo cáo tháng

Báo cáo 6 tháng

Báo cáo năm

1

Mẫu số 01: Chi tiết thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ

X

X

X

2

Mẫu số 02: Tổng hợp lưu lượng xe

X

X

X

3

Mẫu số 03: Chi tiết các khoản thu khác từ dự án giai đoạn vận hành, khai thác

X

4

Mẫu số 04: Chi tiết các khoản chi vận hành, bảo trì dự án

X

5

Mẫu số 05: Chi tiết lãi suất tiền vay giai đoạn kinh doanh khai thác

X

6

Mẫu số 06: Các chỉ tiêu tài chính khác giai đoạn kinh doanh khai thác

X

7

Mẫu số 07: Thuyết minh báo cáo

X

8

Mẫu số 08: Báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán

X

Mẫu số 01

CHI TIẾT THU PHÍ DỊCH VỤ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ

Giai đoạn:....................

Dự án:....................

Trạm thu phí:......................

Đơn vị tính (đồng)

TT

Tên vé (chi tiết cho từng loại phương tiện)

Đơn giá

Số vé sử dụng

Thành tiền

Tổng Số

Hình thức thu không dừng (ETC)

Hình thức thu một dừng (MTC)

Tổng số

Hình thức thu không dừng (ETC)

Hình thức thu một dừng (MTC)

A

1

2

3=4+5

4

5

6=7+8

8=4x2

9=5x2

I

Vé lượt

Xe …

....

II

Vé tháng

Xe....

III

Vé quý

Tổng cộng

Ghi chú: Báo cáo theo từng loại xe, loại vé; cột thành tiền cộng theo từng loại vé và tổng cộng

Người lập biểu

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Mẫu số 02

BÁO CÁO LƯU LƯỢNG XE

Giai đoạn:.....................

Tên trạm thu phí, lý trình: ....

Ngày

Hình thức thu

Lưu lượng xe theo Hợp đồng (xe/ngày đêm) (phân loại xe theo hợp đồng dự án)

Lưu lượng xe theo thực tế (xe/ngày đêm) (phân loại xe theo hợp đồng dự án)

Ghi chú

Loại xe

....

Cộng

Loại xe...

Cộng

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

….

1

ETC

MTC

2

ETC

MTC

...

...

Cộng

ETC

MTC

Cộng

Ghi chú: Báo cáo 6 tháng và báo cáo năm: Cột ngày chuyển thành tháng.

Người lập biểu

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Mẫu số 03

CÁC KHOẢN THU KHÁC GIAI ĐOẠN VẬN HÀNH

Giai đoạn: …………..

TT

Nội dung các khoản thu

Số tiền

1

2

Cộng

Người lập biểu

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Mẫu số 04

CHI TIẾT CÁC KHOẢN CHI GIAI ĐOẠN VẬN HÀNH

Giai đoạn: ...................

TT

Nội dung các khoản chi

Số tiền theo hợp đồng dự án

Số thỏa thuận của cơ quan có thẩm quyền

Số thực hiện

1

2

Cộng

Người lập biểu

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Mẫu số 05

CHI TIẾT LÃI SUẤT TIỀN VAY GIAI ĐOẠN VẬN HÀNH

Giai đoạn: ...................

Ngày tháng năm áp dụng mức lãi suất

Lãi suất vay theo hợp đồng dự án

Lãi suất so sánh theo quy định hợp đồng dự án

Lãi suất vay thực tế của Doanh nghiệp dự án PPP

Lãi suất vay áp dụng

Người lập biểu

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Mẫu số 06

CÁC CHỈ TIÊU TÀI CHÍNH KHÁC GIAI ĐOẠN VẬN HÀNH

Giai đoạn: ...................

TT

Chỉ tiêu

Quy định tại hợp đồng dự án

Thực tế

Mức áp dụng đề xuất

1

Tỷ lệ trượt giá

2

Tỷ lệ chi tổ chức thu

3

Tỷ lệ trích doanh thu cho thu không dừng

4

Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu

5

Tỷ lệ tăng trưởng lưu lượng

...

...

Người lập biểu

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Mẫu số 07

DOANH NGHIỆP DỰ ÁN PPP:

ĐƠN VỊ THU:

THUYẾT MINH BÁO CÁO

Giai đoạn:................

1. Tình hình giao thông (đánh giá tình giao thông trên toàn tuyến có xảy ra ùn tắc không? Có phải mở làn thu để giảm ùn tắc không, nếu có ghi cụ thể thời gian và nguyên nhân...);

2. Lưu lượng xe (lưu lượng xe tăng hay giảm, tăng giảm bao nhiêu %....);

3. Công tác quản lý, bảo trì dự án (Doanh nghiệp dự án PPP có thực hiện công tác bảo trì dự án theo quy định về bảo trì đường bộ và hợp đồng dự án không; có xây dựng quy trình bảo trì và lập kế hoạch bảo trì trình cơ quan có thẩm quyền không? chi phí bảo trì cao hơn hay thấp hơn quy định tại hợp đồng, nguyên nhân tăng, giảm chi phí bảo trì....);

4. Tình hình thu (công tác tổ chức thu, có ý kiến kiến nghị của người dân về tình thu không, doanh thu tăng hay giảm, trong kỳ báo cáo có tăng giá vé không…);

5. Lãi suất tiền vay thực tế tăng hay giảm bao nhiêu % so với hợp đồng, việc theo dõi lãi suất vay của Doanh nghiệp dự án PPP ...;

6. Theo điều kiện của hợp đồng dự án có phải điều chỉnh phương án tài chính không, nếu phải điều chỉnh ghi cụ thể theo quy định tại điều khoản nào, nội dung quy định về điều chỉnh phương án tài chính và kiến nghị của Doanh nghiệp dự án PPP như thế nào;

7. Kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra (nếu có ghi rõ số ngày tháng năm của kết luận, biên bản thanh tra kiểm tra, Doanh nghiệp dự án PPP đã thực hiện kiến nghị như thế nào);

8. Các nội dung khác.

Mẫu số 08

DOANH NGHIỆP DỰ ÁN PPP:

ĐƠN VỊ THU:

BÁO CÁO TÌNH HÌNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHẬN BÀN GIAO TỪ CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN

(từ ngày .../…/… đến ngày .../.../....)

Dự án:.....

Trạm thu phí: .......

A. Danh mục tài sản bàn giao

Ngày nhận bàn giao:

Đơn vị tính: Đồng

TT

Tên tài sản

Số lượng

Nguyên giá

Hao mòn trong năm

Hao mòn lũy kế

Giá trị còn lại

A

B

1

2

3

4

5=2-4

B. Tình hình nộp phí sử dụng tài sản

Đơn vị tính: Đồng

TT

Nội dung

Số tiền

1

Phí sử dụng tài sản các năm trước đã nộp

2

Phí sử dụng tài sản các năm trước chưa nộp chuyển sang

3

Phí sử dụng tài sản phải nộp trong năm

4

Phí sử dụng tài sản đã nộp trong năm

5

Phí sử dụng tài sản còn phải nộp chuyển năm sau

Người lập biểu

Giám đốc

PHỤ LỤC 4

(Ban hành kèm theo Thông tư số 40/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Các hạng mục công việc vi phạm chất lượng bảo trì không được khắc phục kịp thời phải tạm dừng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ

TT

Hạng mục công việc vi phạm chất lượng

Mức độ vi phạm chất lượng bảo trì phải tạm dừng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ

A

Quốc lộ, đường tỉnh

I

Đối với mặt đường nhựa

1

Mặt đường bị nứt:

- Nứt mai rùa;

- Nứt lưới lớn;

- Nứt đơn dọc và ngang;

- Nứt phản ánh;

- Nứt parabol.

Để xảy ra hư hỏng mức độ nặng (mức H theo TCCS 07:2013/TCĐBVN gây ảnh hưởng đến giao thông trên tuyến) có khối lượng hư hỏng thuộc một trong các trường hợp sau:

- Tổng diện tích nứt mai rùa: chiếm 0,3% tổng diện tích mặt đường và tối đa không quá 300 m2.

- Tổng diện tích nứt lưới lớn: chiếm 0,3% tổng diện tích mặt đường và tối đa không quá 300 m2.

- 10 vệt (mỗi vệt ≥50% bề rộng mặt đường) và tổng chiều dài nứt dọc ≥300 m.

- 10 vệt (mỗi vệt ≥50% bề rộng mặt đường) và tổng chiều dài phản ánh ≥300 m.

- Tổng diện tích nứt parapol: chiếm 0,3% tổng diện tích mặt đường và tối đa không quá 300 m2, không có ổ gà, trồi lún.

2

Mặt đường bị lún vệt bánh xe

Để xảy ra hư hỏng mức độ nặng, lún vệt bánh xe ≥ 2,5cm (mức H theo TCCS 07:2013/TCĐBVN gây ảnh hưởng đến giao thông trên tuyến) và có tổng chiều dài các vệt, đoạn lún ≥ 500 m.

3

Mặt đường bị hư hỏng cục bộ:

- Lún lõm cục bộ;

- Lồi lõm;

- Đẩy trồi nhựa, dồn nhựa (dạng sống trâu ≥5 cm);

Để xảy ra hư hỏng mức độ nặng (mức H theo TCCS 07:2013/TCĐBVN gây ảnh hưởng đến giao thông trên tuyến) có khối lượng hư hỏng thuộc một trong các trường hợp sau:

- Tổng diện tích lún lõm cục bộ: chiếm 0,3% tổng diện tích mặt đường và tối đa không quá 300 m2.

- Tổng diện tích lồi lõm: chiếm 0,3% tổng diện tích mặt đường và tối đa không quá 200 m2.

- Tổng diện tích đẩy trồi nhựa, dồn nhựa: chiếm 0,3% tổng diện tích mặt đường và tối đa không quá 300 m2.

- Lượn sóng;

- Tổng diện tích lượn sóng: chiếm 0,3% tổng diện tích mặt đường và tối đa không quá 300 m2.

- Ổ gà (Sâu≥ 5 cm).

- Tổng diện tích ổ gà: chiếm 0,05% tổng diện tích mặt đường và tối đa không quá 50 m2.

4

Mặt đường bị chảy nhựa

Để xảy ra hư hỏng mức độ nặng (mức H theo TCCS 07:2013/TCĐBVN gây ảnh hưởng đến giao thông trên tuyến) và có tổng diện tích chiếm 0,3% tổng diện tích mặt đường và tối đa không quá 300 m2

5

Mặt đường bị hư hỏng các dạng khác:

- Vệt cắt vá;

- Bong bật và bong tróc;

- Nứt vỡ mép mặt đường.

Để xảy ra hư hỏng mức độ nặng (mức H theo TCCS 07:2013/TCĐBVN gây ảnh hưởng đến giao thông trên tuyến) có khối lượng hư hỏng thuộc một trong các trường hợp sau:

- 10 vệt nhưng không có ổ gà, trồi lún.

- Tổng diện tích bong bật và bong tróc: chiếm 0,3% tổng diện tích mặt đường và tối đa không quá 300 m2.

- Tổng chiều dài mứt vỡ mép ≥ 200 m2 hoặc ≥ 500 m.

II

Đối với mặt đường Bê tông xi măng (BTXM)

1

Mặt đường bị hư hỏng cục bộ: rộp vỡ bề mặt; nứt vỡ góc tấm, nứt chia tấm, nứt om tấm; nứt rạn, bong mặt đường

Để xảy ra hư hỏng mức độ nặng (mức H theo TCCS 07:2013/TCĐBVN gây ảnh hưởng đến giao thông trên tuyến) và có tổng số tấm hư hỏng ≥ 30 tấm hoặc ≥ 10% tổng diện tích phần đường BTXM.

2

Chênh cao độ giữa các tấm do lún (nền yếu, do xói lở vật liệu, hay do uốn vồng tấm); chênh cao giữa tấm bê tông mặt đường và lề đường

Để xảy ra hư hỏng mức độ nặng (mức H theo TCCS 07:2013/TCĐBVN gây ảnh hưởng đến giao thông trên tuyến) và chiều dài chênh cao ≥ 100 m.

3

Hư hỏng khe nối, bong vỡ vật liệu khe nối; vết nứt thẳng, vết nứt vỡ

Để xảy ra hư hỏng mức độ nặng (mức H theo TCCS 07:2013/TCĐBVN gây ảnh hưởng đến giao thông trên tuyến) và tổng chiều dài khe hư hỏng ≥ 100 m.

III

Đối với các công trình phụ trợ khác

1

Sơn kẻ trên mặt đường

Các chỉ tiêu kỹ thuật của vạch sơn theo Bảng 4 và Bảng 5 TCVN 8791:2018 nhỏ hơn 70%.

2

Đối với cầu

Cầu hư hỏng, xuống cấp xuất hiện nguy cơ sự cố công trình dẫn đến mất an toàn, nguy cơ sập đổ.

3

Hệ thống thoát nước mặt đường, cống, rãnh

Để đọng nước lớn hơn 1/3 chiều rộng mặt đường trên mặt đường, tắc rãnh thoát nước quá 24 giờ mà không thực hiện các biện pháp thoát nước.

4

Công tác phát quang cây cối, cắt cỏ

Cây cối che khuất tầm nhìn ảnh hưởng đến an toàn giao thông, cỏ mọc cao quá quy định tại TCCS 07:2013/TCĐBVN với tổng chiều dài vi phạm: chiếm 3% tổng chiều dài và tối đa không quá 300 m.

5

Hệ thống biển báo, cọc tiêu, hộ lan

≥10% tổng số biển báo hoặc 5% biển cấm bị mờ không đảm bảo QCVN 41:2019, không đảm bảo tầm quan sát biển báo; màng phản quang chưa đảm bảo tiêu chuẩn TCVN 7887:2018 ;

≥20% cọc tiêu, hộ lan bị hư hỏng mất tác dụng hoặc trên 20% sơn kẻ trên đường mờ không còn tác dụng.

6

Lề đường

Chênh cao với mặt đường ≥50 mm với chiều dài ≥ 500 m hoặc chênh cao với mặt đường ≥ 100 mm với chiều dài ≥ 300 m.

B

Đường cao tốc

1

Mặt đường bị hằn lún vệt bánh xe

a) Tuyến đường có từ 5% chiều dài tuyến đường trở lên có vệt hằn lún, trong đó vị trí lún sâu ≥ 2,5 cm có chiều dài ≥ 150 md.

b) Tuyến đường có tổng chiều dài các vệt lún sâu hơn ≥ 2,5 cm lớn hơn 500 m.

c) Tuyến đường có tổng chiều dài các vệt lún sâu hơn ≥ 5 cm trên 100 m.

2

Mặt đường bị hư hỏng cục bộ: ổ gà, sình lún gây mất an toàn

Để xảy ra hư hỏng chiếm 0,01 % tổng diện tích mặt đường và tối đa không quá 30 m2 mà không khắc phục trong 24 giờ (trừ khi mưa bão) theo yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng và thời gian thực hiện tại TCCS 17:2016/TCĐBVN và quy định liên quan khác.

3

Sơn kẻ trên mặt đường

a) Các yêu cầu kỹ thuật của vạch sơn theo Bảng 4 và Bảng 5 TCVN 8791:2018 nhỏ hơn 70% đối với các chỉ tiêu: Màu sắc, độ phát sáng, độ dính bám.

b) Hoặc vi phạm Mục III Phần A.

4

Đối với cầu

Cầu hư hỏng, xuống cấp xuất hiện nguy cơ sự cố công trình dẫn đến mất an toàn.

5

Hệ thống thoát nước mặt đường, cống, rãnh

Để đọng nước lớn hơn 1/3 chiều rộng mặt đường trên mặt đường, tắc cống, rãnh thoát nước quá 24 giờ.

6

Công tác phát quang cây cối, cắt cỏ

Cây che khuất tầm nhìn ảnh hưởng đến an toàn giao thông, cỏ mọc cao quá quy định tại TCCS 17:2016/TCĐBVN có chiều dài 150m.

7

Hệ thống biển báo, cọc tiêu, hộ lan, đinh phản quang

≥ 3% biển báo không đảm bảo QCVN 41:2019 không đảm bảo tầm quan sát biển báo; màng phản quang chưa đảm bảo tiêu chuẩn TCVN 7887:2018 ; ≥ 3% cọc tiêu, hộ lan , đinh phản quang bị hư hỏng mất tác dụng.

8

Lề đường

Lề đường không đảm bảo kích thước hình học (sạt, xói lở ≥ 1/2 chiều rộng lề đường, sình lún, nhô cao hơn mép mặt đường h≥ 10 cm)

9

Các trường hợp khác

Vi phạm bằng hoặc lớn hơn mức quy định tại Mục A Phụ lục này.

MINISTRY OF TRANSPORT
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
---------------

No. 45/2021/TT-BGTVT

Hanoi, December 31, 2021

 

CIRCULAR

ON OPERATION OF TOLL BOOTHS

Pursuant to the Law on Road Traffic dated November 13, 2008;

Pursuant to the Law on Public – Private Partnership Investment dated June 16, 2020;

Pursuant to Decree No. 12/2017/ND-CP dated February 10, 2017 of the Government on functions, tasks, entitlements, and organizational structure of the Ministry of Transport;

Pursuant to Decision No. 19/2020/QD-TTg dated June 17, 2020 of the Prime Minister on electronic toll collection;

At the request of the Director of Department of Infrastructure and Director General of Directorate for Road of Vietnam,

The Minister of Transport promulgates the Circular on operation of toll booths.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Circular provides for operations of toll booths in the road system in Vietnam.

Article 2. Regulated entities

This Circular applies to organizations and individuals involved in operations of toll booths in the road system in Vietnam.

Article 3. Interpretation of terms

1. 3. “Toll booth” refers to where road tolls are collected from road vehicles.

2. “Collection management unit” means an organization authorized or licensed by a competent authority to collect road tolls.

3. “Collection operator” means an organization assigned or signed by the collection management unit to perform road toll collection at toll booths. It can also be the collection management unit in case such unit collects road tolls on its own.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. “Operator of the system of collection management and supervision" means a unit assigned or authorized by a competent authority to manage and operate the system of management, supervision, and utilization of collection data.

6.  “Infrastructure of toll booths” includes: the operator; gantries and gates of toll booths (if any); road surface and lighting system within the toll booth; refuge islands (if any); toll collecting cabins (if any); safety equipment and traffic safety system at toll booths.

7. "Front-end system” means a software and equipment system installed at a toll booth that directly interacts with road vehicles passing through it including electronic equipment such as card readers, antennas, cameras for license plate recognition, devices that detect vehicles entering the booth, high-speed barriers, and other hardware, software, automatic device systems.  The front-end system connects to the back-end system to send transaction information and acquire information of the payer’s card or vehicle.

8. “Back-end system” means a central operating system including module, hardware, and software system located in the data center serving most essential requirements for business and operation of the ETC system. The back-end system acquires and processes transactions sent from the front-end system and performs the functions of the management of accounts, customers (vehicle owner), terminal cards, vehicles registered for using terminal cards, clearing, reconciliation reports, connections with banks, and other professional management and operations.

9. “System of collection management and supervision” means a system of software and information technology infrastructure with functions for the management, supervision, and utilization of data of the traffic and revenue from vehicles passing through toll booths.

Article 4. Operational principles of toll booths

1. Criteria for the establishment of a toll booth:

a) Must be situated within the range of the project (this does not applies with the collection method prescribed in Point a Clause 1 Article 9 of this Circular).

b) Must be approved by competent authorities in the study report on the feasibility of the investment project or the project on the utilization of assets and infrastructure of road traffic.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Ensure the effective investment of the public-private project in case the toll booth provide capital recovery for the project.

e) Publicize the location of the toll booth on central and local mass means of communications and at the People’s Committee of the commune or district where the toll booth is placed from the date of approval by competent authorities as per regulation prescribed in Point a of this Clause.

2. Operational principles of toll booths: Operations of toll booths must be publicized and transparent; ensure the safety and confidentiality of personal information of users; only provide information when approved by users or at the request of competent state agencies as per the law.

Chapter II

OPERATIONS OF TOLL BOOTHS

Article 5. Management and organization of operations of toll booths

1. Regarding projects of construction and operation with public-private partnership methods, the infrastructure of toll booths and front-end systems are works that need to be constructed and completed before putting the project into operation

2. Regarding projects of construction and operation using methods prescribed in Clause 1 of this Article, in case competent authorities approve toll collection guidelines and infrastructure of toll booths implemented in the project, complete them before putting them into operation.  The collection management unit shall propose investment methods to competent authorities

3. Regarding projects in utilization stage: the collection management unit shall propose the collection method, funds, and methods of investment in the Front-end system to competent authorities for consideration of decisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The back-end system is managed, operated, maintained by the collection service provider, and has its capital recovered by service fees of ETC services.

2. Aside from the data center prescribed in Point d Clause 1 Article 6 of Decision No. 19/2020/QD-TTg, the ETC system must have a backup data center or a data backup system for the data center. The collection service provider shall place or rent a place for the data center and backup data center or data backup system for the data center of the ETC system at a data center with at least level 3 technical assurance prescribed in Appendix A of TCVN 9250:2012 Data centers – Telecommunications technical infrastructure requirement. The collection service provider shall comply with regulations of Circular 03/2013/TT-BTTTT dated January 22, 2013 of the Minister of Information and Communications on application of technical regulations and standards to data centers.

Article 7. Operation and maintenance of the infrastructure of toll booths and the front-end system

The collection operator shall implement the work of operation and maintenance of the infrastructure of toll booths and the front-end system according to the assigned task or collection service contract with the collection management unit. The cost of operation and maintenance shall be covered by the budget for operation of collection and the budget for operation and maintenance of the project in the stage of operation or utilization, or the budget for operation of the ETC system.

Article 8. Working time, outfits, and badges

1. A toll booth operates 24 hours/day on all days of the year, including weekends and public holidays (except for cases where the booth has its collection operations canceled or suspended at the written request of competent authorities)

2. When the toll booth has to stop its operations due to force majeure, the collection operator shall have measures to prevent traffic jams at the area of such toll booth; at the same time, immediately report to the collection management unit and the competent authority for solutions to put the toll booth back into operation as soon as possible.

3. Employees shall wear uniforms when working at the toll booth. The collection operator shall decide the uniform of employees at the toll booth and ensure there are its badge or logo, name sign, and title at noticeable positions of such uniform.

Article 9. Forms and methods of road toll collection

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) ETC is an automatic road toll collection form, road vehicles do not have to stop to pay the toll when passing through toll booths;

b) MTC is the form of road toll collection where road vehicles have to stop one time when passing through the lane control entrance of a toll booth to pay the road toll;

2. There are two methods of road toll collection, open and closed methods.

a) An open method is a method where the vehicle owner has to pay a toll according to the type of vehicle at the toll booth instead of the distance traveled;

b) A closed method is a method where the vehicle owner has to pay a toll according to the type of the vehicle and the distance traveled on a road that is subject to road tolls at the toll booth. 

3. Highway sections; consecutive highway sections; highways; consecutive highways are organized as a closed collection system.

4. Mixed-used toll lane (applying both ETC and MTC) at a toll booth is arranged as per regulation prescribed in Points a, b Clause 3 Article 5 of Decision No. 19/2020/QD-TTg.

5. Competent authorities shall decide the form and method of road toll collection in the study report on the feasibility of the investment project or the project on the utilization of assets and infrastructure of road traffic.

Article 10. Data of collection

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The information data of vehicle owners of the ETC system includes:

a) Contact information of the vehicle owner: Citizen ID number or passport number; business code, home address or address of the main facility; phone number and email (if any) that receives ETC receipts.

b) Identification code of the road vehicle which toll is paid by the toll payment account;

c) Weight rating, seats, type, and license plate of the vehicle

3. The transaction history of toll collection includes:

a) Files of data on transactional information when vehicles go through toll booths;

b) Files of data on the traffic, toll collecting revenue, single trip tickets, monthly tickets, and quarterly tickets;

c) Files of data on videos monitoring lanes, cabins (if any), and the whole area;

d) Files of data on images of vehicles passing through the toll booth include: clear images of license plates and clear images of the whole area for vehicle identification;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The data of toll collection shall comply with regulations in Section 5.3.5 of TCVN 10849:2015 Electronic Toll Collection Systems and regulations of competent authorities.

5. Policies on storage of data of toll collection

a) Store for at least 1 year: Files of videos monitoring the whole area and cabins (if any);

b) Store for at least 5 years: Files of videos monitoring lanes; files of images of vehicles passing through toll booths;

c) Store from the moment the toll booth operates until 10 years later from the liquidation of the PPP contract: Information data of vehicle owners of the ETC system; files of data on transactional information when vehicles go through toll booths; files of data on the traffic, toll collecting revenue, sing trip tickets, monthly tickets, and quarterly tickets.

Article 11. Connection of data of toll collection

1. The data of toll collection are connected in accordance with regulations of Section 5.3.6 of TCVN 10849:2015 Electronic Toll Collection Systems and requirements for back-end connection between collection service providers.

2. The collection operator shall connect and synchronize the data on the transaction history of toll collection to the back-end system of the collection service provider as soon as the vehicle goes through the entrance toll booth.

3. Collection service providers shall ensure the mechanism to connect, share, and synchronize data based on the principle of ready, feasibility, convenience, and avoidance of duplication and waste while managing and operating the toll collection and at the request of competent authorities. Collection service providers shall consult with each other and agree on the budget for connection of data of toll collection between their back-end systems suitable for regulations of the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. The connection of data of toll collection shall ensure the transmission speed and preparedness; satisfy requirements for security and confidentiality of information/data in accordance with regulations prescribed in Section 5.3.7 TCVN 10849:2015 Electronic Toll Collection Systems and current regulations on protecting the safety of the information system.

Article 12. Management and utilization of data of toll collection

1. Directorate for Road of Vietnam shall manage and utilize the data of toll collection of toll booths on its system of collection management and supervision; utilize the ETC data by the login account and password provided for access to the information portal for competent state authorities of the back-end system of the collection service provider. The management and utilization of data shall comply with regulations of the law on information confidentiality.

2. The Department of Transport shall manage and utilize the data of toll collection of toll booths on the system of collection management and supervision of competent authorities (if any); utilize ETC data of toll booths managed by administrative divisions by the login account and password provided for access to the information portal for competent authorities of the back-end system of the collection service provider.

3. The collection service provider shall manage the ETC data on its back-end system according to regulations of the collection contract.

4. The collection management unit and collection operator shall manage the MTC data at toll booths under their management.

5. The collection management unit and collection operator may utilize ETC data of toll booths under their management by the login account and password provided for access to the information portal of the back-end system of the collection service provider.

6. The vehicle owner may utilize data of his/her toll payment account (prescribed in Article 14 of this Circular) on the ETC system by the login account and password provided for access to the information portal for customers of the back-end system of the collection service provider.

Article 13. Management and supervision of operations of toll booths

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Competent authorities are entitled to manage, inspect, and supervise operations of toll booths by the system of collection management and supervision or other professional methods and handle violations in operations of toll booths in accordance with the law or regulations of the contract.

3. The system of collection management and supervision has the role and function of providing information that serves toll collection operations of toll booths as elaborated in Appendix 1 promulgated with this Circular.

4. Parties: The collection management unit, collection operator, and collection service provider shall cooperate in providing and updating information on the system of collection management and supervision at the request of competent authorities.

Chapter III

MANAGEMENT OF AMOUNT FOR COLLECTION

Article 14. Open and use road toll payment accounts for vehicle owners

1. Open and use road toll payment account in accordance with Article 10 and Article 11 of Decision No. 19/2020/QD-TTg.

2. The entire amount in toll payment accounts shall be independently and separately managed from other amounts of the collection service provider and used only for purposes prescribed in Clause 3 of this Article.

3. Road toll payment accounts are for:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Paying refundable amounts to vehicle owners

c) Transferring money to collection management units; paying ETC services to the collection service provider;

d) Transferring collected fines to the state budget as per the law.

dd) Paying for other services as per the law.

4. Vehicle owners shall transfer money to their road toll payment accounts (by direct methods, associated bank accounts, and other methods) in order to use ETC services as per regulation.

5. If the amount in the toll payment account is insufficient for ETC services when the vehicle with a terminal card goes through the ETC lane, it shall use the mixed-used toll lane.

Article 15. Responsibilities of the collection service provider and collection management unit

1. The collection service provider shall:

a) Issue ETC receipts with the correct subject and value for each subject that has to pay for road toll at toll booths; shall not collect or obstruct cases that are not subject to road tolls as per the law at the toll booth; shall not change the collection rate of road tolls without any written approval of state agencies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Regularly inspect and supervise the toll collection operations to ensure compliance with the contract or regulations of the law;

d) Return the revenue of road toll collection to the collection management unit after deducting the cost of services of toll booths according to the collection service contract;

dd) Manage the whole amount transferred by vehicle owners to the toll payment account of the collection service provider as per the law;

e) Issue value-added receipts for paid service prices of toll booths in the month and transfer such receipts to the related collection management unit;

2. The collection management unit shall:  

a) Report the use of toll payment accounts of the service provider to competent authorities including measures to manage and use toll payment accounts of the collection service provider and commitment/agreement with the bank on the management and use of toll payment accounts of the collection service provider;

b) Declare and pay tax as per the law;

c) Make reports on revenue from road toll collection and the performance of road toll collection by month, quarter, 6 months, each year and report them to competent authorities as per regulation;

d) Inspect, reconcile, and receive revenues from road toll collection service transferred by the collection service provider. Use this amount as a budget to recover capital for the PPP contract.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Reconcile the amount the vehicle owner transferred into the pre-paid account: Every day, the collection service provider shall reconcile the amount the vehicle owner transferred into the pre-paid account with the bank, agent, or payment intermediary. Every month, if the amount in the pre-paid account of the vehicle owner has deposit interests, the collection service provider shall add the amount of interest incurred in the month into the pre-paid account of the vehicle owner in accordance with regulations on interest calculation of the bank.

2. The reconciliation of the figure collected from the amount of road toll collection between the collection service provider and the collection management unit shall comply with the following principles:

a) The collection service provider shall reconcile the daily figure collected from road toll collection of the last 24 hours before confirming the final figure with the collection management unit and use it as the basis for verifying the figure collected from the amount of road toll collection collected in the day; the confirmation date of the final figure shall be agreed on and specified in the contract of collection service provision.

b) Before the 5th day of every month, the collection service provider and the collection management unit shall reconcile and confirm the final debt for the previous month;

c) Within 30 days from the end date of each fiscal year, the collection service provider and the collection management unit shall confirm the final debt and make the final settlement for the previous year.

3. The collection service provider shall develop procedures for reconciliation and money transfer in accordance with regulations of this Circular and relevant laws.

4. The collection management unit shall cooperate with the collection service provider in implementing procedures for reconciliation and fixing and adjusting errors detected during the process of reconciling.

5. The collection service provider shall disclose the daily collected figure and the amount owed by road vehicles at each toll booth (if any).

6. Every day, the collection operator and the collection service provider shall inspect and update the correct figure on the system of collection management and supervision with the following content: the collected amount, the amount of road toll service owed by road vehicles at each toll booth, the amount transferred for specific PPP projects, the retaining amount; revenue, traffic, and explanations of revenue and traffic differences.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. On the basis of the agreed figure after conducting daily reconciliation with the collection management unit, the collection service provider shall transfer the entire amount collected from road toll collection (including VAT) of each ETC toll booth to the collection management unit after deducting the cost of ETC services according to the collection service contract between the collection service provider and PPP project enterprise.  The time of transfer is in accordance with regulations prescribed Clause 1 Article 14 of Decision No. 19/2020/QD-TTg and the collection service contract between the collection service provider and PPP project enterprise. The time of transfer shall not exceed 12 hours after confirming the final figure.  If the collection service provider cannot perform the transfer because the banking system is out of service on holidays or weekends, perform it immediately within 6 hours after the system is back in operation.

2. The collection service provider shall develop procedures for ETC transactions; declare and pay taxes on the retaining amount from road toll collection.

3. The collection management unit shall declare and pay taxes in accordance with regulations of the law on taxes.

Article 18. The budget for operation, budget for ETC services, and budget for supervision of operations of road toll collection

1. The budgets for operations of road toll collection are necessary costs for the completion of road toll collection for road vehicles. The determination of the budget for operations of road toll collections is in accordance with regulations of state authorities or the signed contract for ETC service provision. 

2. The budget for ETC service is the amount that the collection service provider may enjoy to regain capital for investment, construction, renovation, management, operation, and maintenance of ETC projects. The contract for ETC service provision shall specifically specify the determined budget for ETC services of each toll booth; such budget is allocated directly from the revenue of road toll collection of toll road projects implementing road toll collection.

The adjustment of the budget for ETC services shall be in accordance with regulations of terms in the contract for ETC service or regulations of relevant laws.

3. The budget for supervision of operations of road toll collection

The collection management unit shall arrange a manager to inspect and supervise the collection and reconcile the figure of the amount of road toll collection with the collection service provider or the PPP project enterprise in case of inter-connected collection. The budget for the inspection and supervision of collection and the reconciliation of the collection management unit, is allocated from the budget for operations of collection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter IV

RESPONSIBILITIES IN OPERATIONS OF COLLECTION

Article 19. Vehicle owner participating in road traffic shall:

1. Perform responsibilities of vehicle owners participating in road traffic prescribed in Article 22 of Decision No. 19/2020/QD-TTg.

2. Pay road tolls as per regulation and comply with regulations of competent authorities and the collection management unit when participating in road traffic on roads subject to road tolls.

3. Install the terminal card and comply with the ETC form (for vehicle owners who use monthly or quarterly tickets).

4. Use only 1 terminal card for 1 vehicle participating in road traffic. In case the terminal card is broken, or an incident affects the equipment of the collection service provider or the vehicle owner, or the vehicle owner wants to change the collection service provider, he/she shall contact the collection service provider for handling.

Article 20. The collection management unit shall:

1. Take charge of the construction and approval of procedures for road toll collection suitable for the form and method of road toll collection at toll booths; internal regulations on inspection and handling of violations and accidents during the implementation of road toll collection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Regarding projects invested by the public-private partnership method, during the whole process of collection, the collection management unit (or authorized collection operator) shall publicize information on digital signs (VMS) installed in the area of the operator of toll booths, including: the name of the project, the value of project works (if the project has not received final settlements, publicize information according to the total investment), the total time to be allowed to conduct road toll collection, time of the start of road toll collection, the remaining time to be able to conduct road toll collection, the revenue of the previous month of toll booths (the figure of revenue must be updated no later than the 10th of the following month), and the phone number to receive feedback information.

3. Make reports on statistics, accounting, and final settlements of revenues; declare and pay taxes as per law.

4. Manage assets assigned and transferred by the state and assets of toll booths formed during the process of investment in accordance with relevant regulations and the signed contract with competent authorities.

5. Pay for the use of assets of the state or the rent for utilization of road traffic infrastructure (if any) in accordance with regulations of the law on management and use of public assets.

6. Transfer assets of toll booths to competent authorities or the unit assigned by competent authorities when ending the contract. The transferred assets must be in their normal stage of operation in accordance with regulations of the contract.

7. Comply with decisions on the suspension or cancellation of collection or reduction of collection time of competent authorities or the unit assigned by competent authorities to manage operations of road toll collection.

8. Provide the full information, data, figures, and documents at the request of competent authorities on issues related to the supervision, inspection, investigation, and handling of issues related to security and traffic safety during the utilization.

Article 21. The collection operator shall:

1. Perform tasks assigned by the collection management unit or perform tasks according to the collection service contract signed with the collection management unit. Cooperate with authorities of the locality where toll booths are at in preserving security and order during the process of road toll collection, ensuring road traffic safety, preventing traffic jams, negative phenomena, obstructions, or troubles in road toll collection, and promptly handling violations during the process of collection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Make a backup of the data on collection in accordance with regulations prescribed in Clause 5 Article 10 of this Circular to serve the supervision and post-inspection.

4. Comply with the installation of equipment and software that manage and supervise the data on collection by competent authorities; take responsibility in cooperating and ensuring an online, stable, and continuous connection to the system of collection management and supervision of competent authorities; comply with regulations prescribed in Article 13 of this Circular.

5. In case the technological equipment system serving the road toll collection is malfunctioned or broken, promptly report the matter to competent authorities or the collection management while urgently fixing the problem of the system. The time to fix the problem shall not exceed 48 hours from the time the system malfunctioned or broken. While fixing the problems, the collection operator shall disclose such incidents at toll booths and on means of mass communications; adopt alternative methods to quickly and safely conduct the collection, preventing traffic jams; adopt measures to prevent loss of revenue from road toll collection.

6. Ensure environmental hygiene at the area of toll booths; ensure compliance with the traffic organization project approved by competent authorities on the road where toll booths are.

7. Comply with decisions on the suspension or cancellation of collection of competent authorities or the unit assigned by competent authorities to manage operations of road toll collection.

8. Not allow the following acts:

a) Conducting fraudulence regarding revenue from road toll collection or collusion of fraudulence in operations of road toll collection;

b) Interfering in the technological equipment system for collection, the system of collection management and supervision, and the system of equipment for inspection of vehicle weight rating; creating negativity in the field of inspection of vehicle weight rating; making false reports on revenues for fraudulence regarding revenue from road toll collection;

c) Organizing untimely ticket sales or tickets checking, harassing buyers; not selling tickets fully or limiting the duration of monthly and quarterly ticket sales as per regulation; obstructing road traffic at the area of toll booths; collecting road tolls contrary to regulations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Not performing the maintenance of assets of toll booths; arbitrarily dismantling, liquidating, or selling assets of toll booths; not calibrating or inspecting groups of equipment subject calibration and inspection as per regulation;

e) Using other technologies or methods to transfer false data to the system of collection management and supervision or interfering in the software that supervise the road toll collection, leading to differences in the traffic and revenue of toll booths.

9. Take responsibility in compensating for the damage to the collection management unit in case of cancellation or suspension of collection or reduction of collection time that the collection operator is at fault or other cases according to regulations of the contract.

Article 22. The collection service provider shall:

1. Perform responsibilities of collection service providers prescribed in Article 26 of Decision No. 19/2020/QD-TTg, except for cases with different regulations prescribed by competent authorities.

2. Make a backup of the data on collection in accordance with regulations prescribed in Clause 5 Article 10 of this Circular to serve the supervision and post-inspection.

3. Ensure the KPI of the system of interconnection and cooperation between collection service providers in accordance with regulations prescribed in Appendix No. 2 promulgated with this Circular.

4. Ensure the KPI of the ETC system at toll booths meets the mandatory requirement of competent authorities.

5. Comply with decisions on the suspension or cancellation of collection of competent authorities or the unit assigned by competent authorities to manage operations of road toll collection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. Not allow the following acts:

a) Conducting fraudulence regarding revenue from road toll collection or collusion of fraudulence in operations of road toll collection;

b) Interfering in the technological equipment system for collection, the system of collection management and supervision, and the system of equipment for inspection of vehicle weight rating; creating negativity in the field of inspection of vehicle weight rating; making false reports on revenues for fraudulence regarding revenue from road toll collection;

c) Misusing the amount in the road toll payment account.

8. Take responsibility in compensating for the damage to the collection management unit in case of cancellation or suspension of collection or reduction of collection time that the collection service provider is at fault or other cases according to regulations of the contract.

Article 23. The operator of the system of collection management and supervision shall:

1. Arrange sufficient managers to operate and ensure a stable and continuous operation of the system of collection management and supervision.

2. Cooperate with the collection management unit, collection operator, and collection service provider in reconciling collection data on the system of collection management and supervision.

3. Agree with the collection management unit, collection operator, collection service provider on the provision of reports prescribed in Point a, Clause 1, Article 25 of this Circular or submit irregular reports at the request of competent authorities by the system of collection management and supervision.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Notify fraudulence and law violations of road vehicle owners to the collection management unit and competent authorities for handling in accordance with regulations of the law and regulations of the contract.

6. Perform the maintenance and upgrade of the system of collection management and supervision, ensuring its stable and continuous operations.

7. Ensure the safety and confidentiality of information and data on collection as per regulation.

Article 24. Responsibilities of state management authorities

1. Directorate for Road of Vietnam perform the state management function regarding toll booths and operations of road toll collection on national highways and expressways under central government management.  It shall take responsibility in implementing and inspecting operations of the ETC system and toll booths on the road system in accordance with regulations of the law and this Circular.

2. Local authorities shall perform the state management function regarding toll booths and operations of road toll collection on the local road system or national highways and expressways under the management of the People’s Committee of the province or centrally affiliated city. They shall take responsibility in implementing and inspecting operations of the ETC system and toll booths on the road system in accordance with regulations of the law and this Circular.

Article 25. Regulations on reports

1. The collection management unit and collection service provider shall prepare periodic reports and send them to competent authorities or units authorized by competent authorities to manage the road toll collection:

a) Name of the report: “Periodic report on revenue of road toll collection and traffic at toll booths” and “Periodic report on management and use of assets”;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) The report shall be prepared by: The collection management unit and the collection service provider;

d) Receivers of the report: Competent authorities or units authorized by competent authorities to manage operations of road toll collection;

dd) How to send reports: Send directly or by post;

e) Deadline for submission of reports:

Regarding reports on revenue of road toll collection and traffic at toll booths: Before the 10th day of the following month for monthly reports; before July 10 of each year for half-year reports; before February 28 of the following year for annual reports.

Regarding reports on the management and use of assets: before July 10 of each year for half-year reports; before January 10 of the following year for annual reports.

g) Frequency of reports:

Regarding reports on revenue of road toll collection and traffic at toll booths: Send monthly reports, half-year reports and annual reports.

Regarding reports on the management and use of assets: Send half-year reports and annual reports.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Regarding monthly reports: From the 1st day to the end of the reporting month;

Regarding half-year reports: From January 1 to the end of June 30 of the reporting year;

Regarding annual reports: From January 1 to the end of December 31 of the reporting year.

i) Forms of reports:

Reports on revenue of road toll collection and traffic at toll booths are in accordance with Form No. 1 to Form No. 7 of Appendix No. 3 promulgated with this Circular;

Reports on the management and use of assets are in accordance with Form No. 8 of Appendix No. 3 promulgated with this Circular.

2. Aside from periodic reports according to regulations prescribed in Clause 1 of this Article, the collection management unit and collection service provider shall prepare and submit irregular reports at the request of competent authorities or units authorized by competent authorities to manage operations of road toll collection.

3. The collection management unit and the collection service provider shall take responsibility for the accuracy of the figures of reports. Regarding annual reports on revenue of road toll collection, they must be audited by an independent audit organization or verified by a tax authority.

Chapter V

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 26. Suspension of collection

1. The suspension of collection happens when the PPP project enterprise or the collection management unit violates the maintenance quality of road works and has been warned in writing by the competent authority twice with a time limit for remedial action. Appendix No. 4 promulgated with this Circular regulates specific details on acts of violating the maintenance quality of road works. The time of collection suspension is from the time of request stated in the suspension document until the PPP project enterprise or the collection management unit completes its remedial work; such suspension time shall not be less than 1 day.

2. The suspension of collection happens when the PPP project enterprise, the collection management unit, the collection operator, or the collection service provider let situations with risks of traffic insecurity or prolonged traffic jam on the road happen and has been warned in writing by the competent authority twice with a time limit for remedial action, however, such remedial action is undone or slow.  The time of collection suspension is from the time of request stated in the suspension document until the PPP project enterprise, the collection management unit, the collection operator, or the collection service provider completes its remedial work; such suspension time shall not be less than 1 day.

3. The suspension of collection happens when the collection operator violates regulations prescribed in Points a, b Clause 8 Article 21 of this Circular or the collection service provider violates regulations prescribed in Points a, b Clause 7 Article 22 of this Circular. The time of collection suspension is from the time of request stated in the suspension document until the collection operator or the collection service provider completely remedies the consequences of violations and receives a written authorization for the continuation of operations of road toll collection by the competent authority.

4. The suspension of collection happens when the collection operator violates regulations prescribed in Clause 4 Article 21 of this Circular and has been warned in writing by the competent authority twice with a time limit for remedial action. The time of collection suspension is from the time of request stated in the suspension document until the collection operator fulfills the content prescribed in Clause 4 Article 21 of this Circular.

5. The suspension of collection happens when the system of technology and equipment directly serving the road toll collection malfunctions or breaks and has not been promptly fixed according to regulations prescribed in Clause 5 Article 21 of this Circular. The time of collection suspension is from the time of request stated in the suspension document until the collection operator fixes the problems and receives a written authorization for the continuation of road toll collection by the competent authority.

6. The suspension of collection happens at the request of competent authorities in case of an epidemic, natural disasters, and wars, or to serve national security and defense, or to comply with guidelines and policies of the State.

7. The suspension of collection happens when the collection management unit, the collection operator, or the collection service provider intentionally delays or fails to comply with the decisions of competent authorities.

8. Cases where the suspension of collection is not the fault of the collection management unit, the collection operator, or the collection service provider, shall be handled in accordance with regulations of the law or the collection service contract.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. In case the capital recovery period of the project expires, the collection management unit shall proactively stop the collection or comply with the decision to stop the collection of the competent authority (or the unit authorized by the competent authority to manage operations of road toll collection) The determination of the time of collection cancellation shall be in accordance with the collection contract of the competent authority with the collection management unit or the contract with the PPP project enterprise.

2. The cancellation of collection happens in cases prescribed in Clause 2 Article 52 of the Law on Public-Private Partnership Investment.

Article 28. Reduction of collection time

1. The reduction of collection time happens when the collection operator or the collection service provider fails to back up the data on collection or incompletely backs up data on collection in accordance with regulations prescribed in Article 10 of this Circular, except for cases with reasonable reasons approved by competent authorities. Reduce the collection time by 2 days in case of not backing up data from 10 to 15 days; reduce the collection time by 4 days in case of not backing up data from 16 to 30 days. Regarding cases of not backing up data from 31 days onwards, reduce the collection time by 2 days every 5 days of not backing up data.

2. The reduction of collection time happens when the collection management unit, the collection operator, or the collection service provider fails to provide reports prescribed in Article 25 of this Circular or fails to pay for the use of assets of the state or the rent for utilization of road traffic infrastructure and has been warned in writing by the competent authority twice with each warning is more than 5 days apart. Reduce the collection time by 1 days in case of submitting reports from 10 to 30 days late; reduce the collection time by 2 days in case of submitting reports from 31 to 60 days late. Regarding cases of late submission of reports from 61 days onwards, reduce the collection time by 1 day every 5 days of late report submission.

Article 29. Organization of collection suspension, collection cancellation, or reduction of collection time

1. Competent authorities that decides on the collection suspension, collection cancellation, or reduction of collection time:

a) Directorate for Road of Vietnam shall decide on the collection suspension, collection cancellation, or reduction of collection time regarding toll booths on national highways and expressways under central government management.

b) Local authorities shall decide on the collection suspension, collection cancellation, or reduction of collection time regarding toll booths on the local road system or national highways and expressways under the management of the People’s Committee of the province or centrally affiliated city.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The revenue of each day of collection suspension is the average revenue per day of the following month after the collection suspension. Regarding cases where the collection operator violates regulations prescribed in Points a, b Clause 8 Article 21 of this Circular or the collection service provider violates Points a, b Clause 7 Article 22 of this Circular, aside from receiving collection suspension as prescribed in Clause 3 Article 26 of this Circular, the revenue of each day of collection suspension is 3 times the day with the highest revenue of the following month.

The average revenue per day of a month is the average revenue per day of the total revenue of single trip tickets, monthly tickets, and quarterly tickets recorded in the month.

4. During the period of collection suspension, the collection management unit, the collection operator, and the collection service provider shall ensure smooth and safe traffic, prevent obstructions and traffic jams, and widely inform the suspension on local and central means of mass communication as well as at toll booths.

5. In cases of reduction of collection, such time shall be deducted at the end of the period of capital recovery when making the final settlement for the project contract.

Chapter VI

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 30. Transitional handling

1. Regarding contracts that are being negotiated and have not been signed, competent authorities shall rely on this Circular to revise and update relevant clauses in the contracts;

2. In case of toll booths whose location has been determined, contracts and contract annexes have been signed in the form of public-private partnerships before the effective date of this Circular, comply with the signed contracts and contract annexes. The budget for operations of road toll collection after switching to ETC complies with regulations of this Circular, relevant regulations, and the signed contract.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. This Circular comes into force as of March 31, 2022 and replaces Circular No. 15/2020/TT-BGTVT dated July 22, 2020 of the Ministry of Transport on operations of toll booths.

2. In case documents cited in this Circular are amended, supplemented, or replaced, apply regulations of such documents.

Article 32. Implementation

1. Chief of the Ministry Office, Chief Inspector of the Ministry, Director of Directorate for Road of Vietnam, directors of related agencies, organizations, and individuals shall implement this Circular./.

2. Difficulties that arise during the implementation of this Circular shall be reported to the Ministry of Transport for considerations and solutions./.

 

;

PP. MINISTER
DEPUTY MINISTER




Le Dinh Tho

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Circular No. 45/2021/TT-BGTVT dated December 31, 2021 on operation of toll booths

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.050

DMCA.com Protection Status
IP: 18.217.10.152
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!