VIỆN KIỂM SÁT
NHÂN DÂN
TỐI CAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ CÔNG AN -
BỘ TƯ PHÁP
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP
|
Hà Nội, ngày 13
tháng 12 năm 2017
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
QUY
ĐỊNH NHỮNG TRƯỜNG HỢP CẦN THIẾT PHẢI TRƯNG CẦU GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRONG GIẢI QUYẾT
VỤ ÁN, VỤ VIỆC VỀ THAM NHŨNG, KINH TẾ
Căn cứ Bộ luật Tố
tụng hình sự số 101/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Giám định
tư pháp số 13/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Ban
hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 85/2013/NĐ-CP
ngày 29/7/2013 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật
Giám định tư pháp năm 2012 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP
ngày 14/5/2016 của Chính phủ hướng dẫn Luật Ban
hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao,
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thống
nhất ban hành Thông tư liên tịch quy định những trường hợp cần thiết phải trưng
cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này quy định những trường hợp cần
thiết phải trưng cầu giám định tư pháp và việc phối hợp giữa cơ quan có thẩm
quyền tiến hành tố tụng với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện
giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư liên tịch này áp dụng đối với các đối tượng
sau đây:
1. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; người
có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
2. Tổ chức giám định tư pháp, người giám định tư
pháp, giám định viên tư pháp được trưng cầu giám định;
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc trưng cầu
giám định, đánh giá và sử dụng kết luận giám định
1. Việc trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết
luận giám định trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế phải tuân
thủ đúng quy định của pháp luật, tuân theo quy chuẩn chuyên môn nhằm bảo đảm
cho việc giải quyết vụ án, vụ việc được chính xác, khách quan và đúng pháp luật.
2. Ngoài những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu
giám định theo quy định tại Điều 206 của Bộ luật Tố tụng hình sự
thì những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định theo Thông tư liên tịch
này chỉ được thực hiện khi chưa có đủ chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội,
tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
3. Khi trưng cầu giám định cơ quan tiến hành tố tụng,
người tiến hành tố tụng phải lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực chuyên
môn nghiệp vụ, điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện việc giám định ở lĩnh vực
hoặc chuyên ngành cần giám định. Khi đánh giá, sử dụng kết luận giám định, cơ
quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải bảo đảm xem xét, đánh giá
khách quan, toàn diện kết luận giám định làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án,
vụ việc.
4. Tổ chức, cá nhân được trưng cầu giám định có
trách nhiệm tiến hành giám định bảo đảm đúng thời hạn và kết luận cụ thể về nội
dung được trưng cầu giám định, chịu trách nhiệm về những nội dung đã kết luận
theo quy định của pháp luật.
5. Tổ chức, cá nhân được trưng cầu giám định phải
giữ bí mật, không được tiết lộ nội dung thông tin, tài liệu, kết luận giám định
cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền.
Không được lạm dụng việc trưng cầu, thực hiện, đánh
giá, sử dụng kết luận giám định để gây cản trở quá trình giải quyết vụ án, vụ
việc hoặc làm ảnh hưởng đến tính chính xác, khách quan của việc giải quyết vụ
án, vụ việc.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Những trường hợp cần
thiết phải trưng cầu giám định
Những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định
theo Thông tư liên tịch này, bao gồm:
1. Khi cần xác định chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ
của tài sản, hàng hóa, hàng giả, hàng thật, hàng cấm;
2. Khi cần truy nguyên về tài liệu, đồ vật, chữ ký,
chữ viết, con dấu, dấu vết, dữ liệu điện tử;
3. Khi cần xác định tính chính xác của các dụng cụ
cân, đo, đong, đếm và các máy móc, thiết bị khác;
4. Khi cần xác định hành vi vi phạm pháp luật trong
lĩnh vực đầu tư, gồm:
a) Về lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư;
quyết định đầu tư dự án;
b) Về đấu thầu;
c) Về khảo sát, tư vấn thiết kế, thi công, giám
sát, nghiệm thu, thanh quyết toán;
d) Về quản lý vốn đầu tư như: Tạm ứng vốn không
đúng quy định; sử dụng vốn thi công không đúng mục đích; bảo lãnh cho vay vốn,
tạm ứng vốn, thực hiện hợp đồng hoặc điều chuyển vốn cho vay; cho vay vốn không
đúng chế độ;
đ) Hành vi khác vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu
tư.
5. Trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc trong việc
xác định mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư
gây ra, thì mức độ thiệt hại được xác định theo nguyên tắc lấy tổng chi phí đầu
tư dự án trừ đi chi phí hợp lý, hợp lệ hoặc được xác định theo một hoặc trong
các cách thức sau đây:
a) Tiền lãi suất ngân hàng của khoản tiền đã tạm ứng
vốn mà sử dụng khoản tiền này không đúng mục đích dẫn đến không có khả năng thu
hồi hoặc làm mất vốn đầu tư;
b) Tiền lãi suất ngân hàng của các khoản đầu tư cho
vay, ủy thác hoặc điều chuyển vốn, sử dụng vốn không đúng quy định của pháp luật
gây thất thoát, lãng phí;
c) Khoản chi phí phát sinh về tiền lãi vay của khoản
vốn đã đầu tư và các chi phí khác đối với dự án kể từ khi dự án ngừng thi công
hoặc ngừng hoạt động;
d) Tổng mức đầu tư phải điều chỉnh tăng lên so với
tổng mức đầu tư ban đầu mà nguyên nhân do có hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến
phải kéo dài thời gian thực hiện dự án hoặc làm chậm tiến độ thực hiện dự án.
6. Khi cần xác định hành vi vi phạm pháp luật về
thuế, tài chính, kế toán, bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, đất đai, tài
nguyên, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và các lĩnh vực khác khi xét thấy cần
thiết.
Điều 5. Trưng cầu giám định
1. Khi thuộc trường hợp cần thiết phải trưng cầu
giám định theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch này,
cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải xác định rõ nội dung,
lĩnh vực hoặc chuyên ngành cần giám định; lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ điều
kiện thực hiện giám định để ra quyết định trưng cầu giám định.
2. Quyết định trưng cầu giám định phải có đầy đủ nội
dung theo quy định tại khoản 2 Điều 205 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Nội dung trưng cầu giám định chỉ nêu yêu cầu mang
tính chuyên môn ở lĩnh vực hoặc chuyên ngành cần giám định, không nêu yêu cầu
mang tính pháp lý.
3. Thời hạn giám định được tính kể từ ngày tổ chức,
cá nhân được trưng cầu giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định và đầy
đủ hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định, tài liệu kèm theo.
Thời hạn giám định thực hiện theo quyết định trưng
cầu giám định. Trường hợp việc giám định không thể tiến hành trong thời hạn quy
định tại khoản này thì cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện giám định phải kịp
thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan trưng cầu, người yêu cầu
giám định; đồng thời nêu rõ thời gian dự kiến hoàn thành việc giám định và ban
hành kết luận giám định.
4. Trường hợp cần thiết, trước khi ra quyết định
trưng cầu giám định, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải phối
hợp, trao đổi với cơ quan, tổ chức, cá nhân dự kiến được trưng cầu giám định và
cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thống nhất về nội dung trưng cầu giám
định, thời hạn giám định và vấn đề khác (nếu có).
5. Trường hợp có nhiều nội dung cần giám định hoặc
nội dung phức tạp, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thể
tách thành nhiều nội dung trưng cầu giám định khác nhau, ra nhiều lần quyết định
trưng cầu giám định để bảo đảm đáp ứng yêu cầu về tiến độ giải quyết vụ án, vụ
việc.
6. Trường hợp nội dung trưng cầu giám định liên
quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức thì cơ
quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải xác định lĩnh vực chính để
giao trách nhiệm cho cơ quan, tổ chức chủ trì và cơ quan, tổ chức phối hợp thực
hiện giám định.
Cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm chủ trì thực
hiện giám định phải làm đầu mối, tổ chức việc thực hiện và ký, đóng dấu xác nhận
trong kết luận giám định. Cơ quan, tổ chức phối hợp phải cử người tham gia thực
hiện giám định.
7. Trường hợp phát sinh vấn đề vướng mắc trong việc
phối hợp trưng cầu, thực hiện giám định, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến
hành tố tụng chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức được trưng cầu, giám định
và cơ quan, tổ chức liên quan để giải quyết.
Điều 6. Giao, nhận quyết định
trưng cầu giám định, hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định
1. Việc giao, nhận quyết định trưng cầu giám định,
hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định, tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) được
thực hiện theo cách thức sau đây:
a) Trực tiếp giao nhận tại trụ sở của tổ chức hoặc
cá nhân được trưng cầu giám định;
b) Trực tiếp giao nhận tại trụ sở cơ quan tiến hành
tố tụng trong trường hợp người giám định được trưng cầu thực hiện giám định tại
cơ quan tiến hành tố tụng theo yêu cầu, nhiệm vụ đặc biệt;
c) Trực tiếp giao nhận tại hiện trường đối với đối
tượng giám định không thể di dời được;
d) Gửi qua đường bưu chính.
2. Việc giao, nhận quyết định trưng cầu giám định,
hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định, tài liệu, đồ vật có liên quan hoặc mẫu so
sánh kèm theo (nếu có) phải được lập biên bản. Biên bản giao, nhận phải có đủ nội
dung theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Giám định tư pháp
và Điều 133 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trường hợp đối tượng trưng cầu giám định đang được
niêm phong thì việc mở niêm phong phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Thời hạn giao hoặc gửi quyết định trưng cầu giám
định, hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định, tài liệu liên quan cho tổ chức, cá
nhân thực hiện giám định được thực hiện theo quy định tại khoản
3 Điều 205 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Điều 7. Phối hợp trong tổ chức,
thực hiện việc giám định
1. Trong thời hạn thực hiện giám định, cơ quan tiến
hành tố tụng, người tiến hành tố tụng sau khi giao quyết định trưng cầu giám định,
hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định, tài liệu liên quan thì phải theo dõi đôn
đốc việc triển khai thực hiện quyết định trưng cầu giám định, yêu cầu tổ chức,
cá nhân được trưng cầu giám định cử người thực hiện, xây dựng kế hoạch thực hiện
giám định, dự kiến tiền bồi dưỡng giám định, chi phí giám định và thông báo cho
cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.
2. Người đứng đầu tổ chức được trưng cầu giám định
phải lập kế hoạch thực hiện giám định, lựa chọn giám định viên tư pháp, người
giám định tư pháp theo vụ việc phù hợp với nội dung trưng cầu giám định, quyết
định hình thức giám định là giám định cá nhân hoặc giám định tập thể và trong
thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu giám định, hồ sơ, đối
tượng trưng cầu giám định, tài liệu liên quan, tổ chức được trưng cầu giám định
phải có văn bản gửi cho cơ quan, người trưng cầu giám định danh sách những người
được phân công thực hiện giám định, đầu mối liên hệ và hình thức giám định.
Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết
định trưng cầu giám định, hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định, tài liệu liên
quan, cá nhân được trưng cầu giám định phải lập kế hoạch thực hiện giám định bằng
văn bản, gửi cho cơ quan, người trưng cầu giám định và thực hiện đầy đủ yêu cầu
của cơ quan, người trưng cầu giám định.
3. Trường hợp quyết định trưng cầu giám định có nội
dung liên quan đến trách nhiệm thực hiện của nhiều tổ chức giám định thì tổ chức
được giao trách nhiệm chủ trì thực hiện việc giám định phải đề nghị tổ chức
giám định có trách nhiệm phối hợp cử người đủ điều kiện tham gia thực hiện giám
định. Tổ chức được giao trách nhiệm chủ trì giám định phân công người làm đầu mối
thực hiện việc giám định và thông báo bằng văn bản cho cơ quan, người trưng cầu
giám định biết.
Tổ chức được đề nghị giám định phải gửi văn bản cử
người có đủ điều kiện tham gia việc giám định.
4. Trong quá trình thực hiện giám định, nếu có thay
đổi người thực hiện giám định, thời hạn giám định không đủ để hoàn thành việc
giám định hoặc có vấn đề khác phát sinh thì tổ chức, cá nhân thực hiện giám định
phải kịp thời thông báo bằng văn bản cho cơ quan trưng cầu giám định biết để thống
nhất phương án giải quyết. Trường hợp cần thiết, cơ quan trưng cầu giám định tổ
chức họp, trao đổi với tổ chức, cá nhân thực hiện giám định và cơ quan, tổ chức,
cá nhân có liên quan để giải quyết vướng mắc phát sinh hoặc việc không thống nhất
ý kiến giữa bên trưng cầu và bên thực hiện trưng cầu giám định.
5. Cơ quan trưng cầu giám định có trách nhiệm thanh
toán đầy đủ, kịp thời tiền bồi dưỡng, chi phí giám định cho tổ chức, cá nhân thực
hiện giám định và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm của người trưng cầu
giám định tư pháp theo quy định của Luật Giám định
tư pháp, Thông tư liên tịch này và quy định pháp luật khác có liên quan để
bảo đảm thời hạn, điều kiện thực hiện giám định.
Điều 8. Đánh giá, sử dụng kết
luận giám định
1. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng
khi xem xét, đánh giá, sử dụng kết luận giám định phải bảo đảm thống nhất, phù
hợp với các chứng cứ khác có liên quan đến vụ án, vụ việc.
2. Trường hợp kết luận giám định chưa rõ hoặc khi cần
thiết, để tạo cơ sở cho việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định được chính
xác, khách quan, cơ quan trưng cầu giám định, người trưng cầu giám định định
yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện giám định giải thích cụ thể về quá trình thực
hiện giám định, kết quả giám định.
Tổ chức, cá nhân thực hiện giám định có trách nhiệm
tham gia hoặc cử đại diện tham gia tố tụng và trình bày, giải thích về kết luận
giám định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.
3. Trường hợp trong vụ án, vụ việc về tham nhũng,
kinh tế có nhiều kết luận giám định khác nhau về cùng một nội dung, trong đó đã
có kết luận giám định lại trong trường hợp quy định tại Điều 212
Bộ luật Tố tụng hình sự, mà các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn không thống
nhất được về việc sử dụng kết luận giám định làm căn cứ để giải quyết vụ án, vụ
việc thì cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án, vụ việc báo cáo cấp có thẩm
quyền xem xét, đánh giá, sử dụng kết luận giám định theo các tiêu chí sau đây:
a) Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người giám định;
b) Phương pháp, quy trình thực hiện giám định;
c) Trang thiết bị, phương tiện chuyên dụng sử dụng
thực hiện giám định;
d) Sự độc lập, khách quan của việc thực hiện giám định.
4. Trường hợp cần thiết, cơ quan tiến hành tố tụng
đang thụ lý vụ án, vụ việc phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng khác, tổ chức,
cá nhân thực hiện giám định, chuyên gia trong lĩnh vực giám định tư pháp và tổ
chức, cá nhân khác có liên quan để thống nhất làm rõ các nội dung cần thiết phục
vụ cho việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định làm căn cứ cho việc giải quyết
vụ án, vụ việc.
Điều 9. Phối hợp thực hiện việc
thống kê, báo cáo
1. Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm thực hiện
thống kê, báo cáo việc thực hiện giám định tư pháp theo định kỳ (06 tháng và hằng
năm) theo quy định của Luật Giám định tư pháp
và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Nội dung báo cáo phải nêu rõ về kết quả, số liệu thống
kê về quyết định trưng cầu giám định tư pháp; khó khăn, vướng mắc về việc ra kết
luận giám định, sử dụng kết luận giám định; việc tham gia tố tụng của người giám
định; chi phí, chế độ bồi dưỡng giám định; về trao đổi thông tin trong quá
trình giám định, thông báo tiến độ giám định; việc từ chối giám định của cơ
quan, tổ chức, cá nhân khi được trưng cầu và các nội dung cần thiết khác trong
giải quyết các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế.
2. Báo cáo, thống kê về giám định tư pháp của Cơ
quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ở cấp Trung ương gửi đến Bộ Tư pháp; báo
cáo, thống kê về giám định tư pháp của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án
cấp tỉnh gửi đến Sở Tư pháp.
Điều 10. Trách nhiệm của Bộ Tư
pháp, Sở Tư pháp trong việc phối hợp về giám định tư pháp phục vụ giải quyết vụ
án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế
1. Khi được cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị và
trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp
có trách nhiệm thông tin, đôn đốc các cơ quan quản lý lĩnh vực giám định tư
pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc về giám định tư pháp hoặc báo cáo, kiến nghị
với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ
quan có thẩm quyền khác chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc đó.
2. Trên cơ sở thông tin, số liệu thống kê về giám định
tư pháp do cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp theo quy định tại Điều
9 của Thông tư liên tịch này, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp có trách nhiệm đôn đốc
các bộ, cơ quan ngang bộ hoặc sở, ban, ngành quản lý lĩnh vực giám định thực hiện
các giải pháp củng cố, tăng cường số lượng, chất lượng tổ chức, cá nhân thực hiện
việc giám định để đáp ứng kịp thời, có chất lượng yêu cầu giải quyết các vụ án,
vụ việc về tham nhũng, kinh tế.
3. Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với
các cấp, các ngành hữu quan tập hợp, lập, công bố danh sách giám định viên tư
pháp, tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công
lập, người giám định tư pháp theo vụ việc và tổ chức giám định tư pháp theo vụ
việc; các lĩnh vực giám định của từng tổ chức, cá nhân và đăng tải công khai
các thông tin này trên Trang thông tin điện tử của cơ quan mình. Trường hợp có
sự thay đổi, bổ sung tổ chức, cá nhân giám định thì phải kịp thời đăng tải trên
Trang thông tin điện tử của cơ quan mình.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 01 tháng 02 năm 2018.
2. Đối với những vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh
tế đã được Tòa án nhân dân giải quyết và bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu
lực pháp luật trước ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành thì không
áp dụng quy định Thông tư liên tịch này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Điều 12. Tổ chức thực hiện
Trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch này, nếu
có vướng mắc hoặc phát sinh những vấn đề cần phải bổ sung, đề nghị kịp thời phản
ánh về Viện kiểm sát nhân dân tối cao để tổng hợp, phối hợp với Tòa án nhân dân
tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp xem xét, giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG
Lê Quý Vương
|
KT. VIỆN TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG
Bùi Mạnh Cường
|
KT. CHÁNH ÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN
Nguyễn Trí Tuệ
|
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TƯ PHÁP
THỨ TRƯỞNG
Trần Tiến Dũng
|