ĐỀ ÁN
QUI HOẠCH PHÁT TRIỂN XÃ HỘI HÓA TRONG CÁC LĨNH
VỰC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2009 -
2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số:38/2009/QĐ-UBND
ngày 13 tháng 8 năm 2009 của UBND tỉnh)
Phần I
ĐẶC ĐIỂM TÌNH
HÌNH CỦA TỈNH BÌNH PHƯỚC
Bình Phước là
tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cùng
với các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Tiền
Giang và thành phố Hồ Chí Minh; là cửa ngõ của Vùng với Tây Nguyên và Đông Bắc
Campuchia.
Trung tâm hành chính của tỉnh cách
thành phố Hồ Chí Minh 110 km, toàn tỉnh có diện tích tự nhiên 687.441 ha, dân
số 863.351 người (có đến thời điểm 01/4/2009). Bình Phước là giao điểm của các
tuyến giao thông rất quan trọng như: Quốc lộ 13, Quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh
xuyên suốt trung tâm tỉnh lỵ và nối với các tỉnh: Bình Dương, Tây Ninh, thành
phố Hồ Chí Minh. Trong tương lai, đường sắt xuyên Á đi qua Bình Phước, nối Việt
Nam với Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanma. Nằm trong vùng khí hậu ôn hòa, ít
bị ảnh hưởng bởi bão lụt, đất đai rất thuận lợi cho việc phát triển sản xuất
nông nghiệp nhất là các loại cây công nghiệp có giá trị cao như: Cao su, điều,
tiêu… Về công nghiệp tỉnh đang trên đà phát triển mạnh.
Tỉnh Bình Phước có 07 đơn vị hành
chính cấp huyện và 01 thị xã, có 104 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có 5
phường, 08 thị trấn). Trong những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội
ổn định và tăng cao, đời sống kinh tế của người dân đã được nâng lên, nhu cầu
hưởng thụ về văn hóa, thể thao và du lịch ngày càng cao. Năm 2008, tổng thu
ngân sách đạt 1.552,322 tỷ đồng; tổng sản phẩm
trong tỉnh (GDP) tăng 14%. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 860USD, cùng với chính sách ưu đãi thông thoáng nhằm thu hút đầu
tư, nên đến nay toàn tỉnh đã có hơn 2.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu
tư sản xuất kinh doanh. Điều này đã chứng tỏ cùng với những nỗ lực cải thiện
môi trường đầu tư của tỉnh, Bình Phước đã trở thành địa điểm đầu tư tin cậy của
các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là trong thời gian gần
đây.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục
chú trọng cải thiện môi trường đầu tư như: Hoàn thiện hệ thống hạ tầng về giao
thông vận tải, đô thị; xây dựng công bố công khai qui hoạch các khu công
nghiệp, cụm công nghiệp, cụm du lịch; ban hành cơ chế ưu đãi đầu tư, cải cách
thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa liên thông; hỗ trợ nhà đầu tư
trong đền bù giải phóng mặt bằng… nhằm đảm bảo cho nhà đầu tư có điều kiện tốt
nhất trong quá trình đầu tư. Tỉnh cũng đang rất quan tâm đến việc đầu tư phát
triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch để có mặt bằng chung với các tỉnh
trong khu vực và một số tỉnh, thành khác trên cả nước.
Phần II
THỰC TRẠNG VÀ DỰ
BÁO CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
I. THỰC TRẠNG
XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể
thao và du lịch là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy sức
mạnh của toàn xã hội trong việc góp sức người, sức của vào sự nghiệp phát triển
văn hóa, thể thao và du lịch. Thực hiện Nghị quyết số 90/CP ngày 21/8/1997,
Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 và Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày
18/4/2005 của Chính phủ, công tác xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực văn
hóa, thể thao và du lịch ở tỉnh Bình Phước bước đầu đã có những chuyển biến
tích cực, có định hướng, tạo bước phát triển mạnh hơn trong sự nghiệp văn hóa,
thể thao và du lịch của tỉnh. Đến nay tình hình thực hiện công tác xã hội hóa
các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đạt được những kết quả cụ thể trên
các lĩnh vực như sau:
1. Lĩnh vực
văn hóa
Xã hội hóa hoạt động văn hóa bước
đầu đã thực hiện rộng khắp trong phạm vi toàn tỉnh. Ngành văn hóa, thể thao và
du lịch phối hợp với các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, nhất là đối với Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, nên đã huy động
được nhiều lực lượng xã hội tham gia, tạo nhiều nguồn lực cho phát triển sự
nghiệp văn hóa, nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng phát triển về số
lượng và chất lượng; nhiều mô hình văn hóa cơ sở hoạt động có hiệu quả. Cụ thể
đến nay có 08 đội nhóm Câu lạc bộ sinh hoạt thường xuyên tại Trung tâm Văn hóa
tỉnh và có 10 câu lạc bộ thơ ca, đờn ca tài tử ở các huyện, thị xã đang sinh
hoạt; có 165.489 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, đạt 91,1%; có 337 khu dân cư
tiên tiến đạt 41,4%; có 158 khu dân cư văn hóa đạt 19,4%; có 40 xã, phường có
nhà văn hóa đạt 39,2%; có 597 nhà văn hóa cộng đồng; thiết chế văn hóa ở cấp
xã, cấp ấp được hình thành và hoạt động có hiệu quả.
Xã hội hóa các hoạt động chuyên
ngành cũng có bước phát triển khá mạnh, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, các
thành phần kinh tế tư nhân, hộ gia đình tham gia hoạt động kinh doanh một số
loại hình hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có
hàng trăm cơ sở dịch vụ văn hóa, hoạt động văn hóa do tư nhân, hộ gia đình trực
tiếp kinh doanh hoạt động, bao gồm các loại hình sau: karaoke, trò chơi điện
tử, trò chơi trẻ em, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, tổ chức sự kiện, câu lạc
bộ hát với nhau, kẻ vẽ quảng cáo… Các hộ tư nhân đầu tư hàng tỷ đồng hình thành
các tụ điểm trò chơi phục vụ thiếu nhi tại địa bàn các huyện, thị xã. Các thành
phần kinh tế tư nhân, hộ gia đình tham gia hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa
chiếm tỷ lệ ngày càng tăng và trở thành lực lượng chủ yếu đáp ứng các nhu cầu
vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa của nhân dân địa phương. Các cá nhân, tổ
chức đã bỏ vốn đầu tư vào lĩnh vực văn hóa như: Công ty TNHH Mỹ Lệ (Khu du lịch
sinh thái), Công ty Cao su Bình Long (Thác số 4), Công ty Cao su Phú Riềng (Đền
thờ Vua Hùng và Bác Hồ)… với tổng vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng được xây dựng
với nhiều hạng mục công trình phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, tham quan du
lịch cho quần chúng nhân dân trong và ngoài tỉnh.
2. Lĩnh vực
thể dục thể thao:
Trong những năm qua công tác xã
hội hóa về hoạt động thể dục thể thao được phần lớn các cấp ủy đảng và chính
quyền địa phương các cấp, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp
nhân dân nhận thức được chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác xã hội hóa,
góp phần quan trọng phát triển sự nghiệp thể dục thể thao của tỉnh. Một số kết
quả cụ thể như sau:
a/ Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh
được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 01/2007 với mục đích
hoạt động sự nghiệp TDTT, tổ chức đào tạo 10 môn thể thao mũi nhọn theo chương
trình Đề án đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua. Sân vận động, nhà tập,
trang thiết bị dụng cụ tập luyện cũng được đầu tư. Đây là điều kiện thuận lợi
phát triển đa dạng các môn thể thao theo chương trình mục tiêu và thu hút được
quần chúng nhân dân tham gia tập luyện TDTT thường xuyên.
b/ Hệ thống tổ chức thi đấu
các giải thể thao trong tỉnh luôn được duy trì thường xuyên. Hàng năm, ngành
văn hóa, thể thao và du lịch đã tổ chức hàng trăm giải thể thao từ cơ sở đến
cấp tỉnh (bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, cầu lông, tennis, võ cổ truyền,
Taekwondo . . .). Qua từng năm, số môn thi đấu được đa dạng hơn, phong phú hơn
và thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện, thi đấu và cổ vũ
cho phong trào thể dục thể thao của tỉnh. Ngoài ra, ngành văn hóa, thể thao và
du lịch còn phối hợp với một số ngành khác tổ chức nhiều hội thao như: Hội thao
các dân tộc thiểu số tỉnh, Hội thao Ngành Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kho
bạc Nhà nước, Thuế, Xây dựng, Kiểm lâm, Quân đội, Công an, Ngân hàng, Tòa
án.... và hội thao ở các Công ty Cao su.
c/ Nguồn kinh phí tổ chức các giải
thể thao trong những năm qua được các nhà tài trợ luôn quan tâm ủng hộ. Đặc
biệt là Công ty nước giải khát Bến Thành, Công ty Điện tử Sam Sung, Tổ hợp Đông
dược Song Long, Công ty nước tăng lực Lipovitan, Công ty Điện tử TCL, Công ty
TNHH Mỹ Lệ, các Công ty Cao su và một số doanh nghiệp tư nhân đóng trên địa bàn
tỉnh với tổng số nguồn tài trợ được tăng dần, từ năm 2000 đến năm 2003 là 776
triệu đồng, từ năm 2004 đến năm 2007 tính trung bình hàng năm khoảng 400 - 500
triệu đồng, năm 2008 là trên 01 tỷ đồng và nhiều hiện vật khác.
d/ Các loại hình thể thao ở cơ sở
cũng tăng dần, hoạt động ngày càng có chất lượng hơn như các môn: võ thuật, cầu
lông, bóng đá, bóng chuyền, việt dã . . . ngoài ra, còn có các câu lạc bộ TDTT
người cao tuổi, câu lạc bộ TDTT phụ nữ cũng được hình thành và đi vào hoạt động
ở một số địa phương như: Bình Long, Lộc Ninh, Phước Long, thị xã Đồng Xoài . .
. đã có hơn 50 câu lạc bộ TDTT đang hoạt động.
e/ Tính đến nay, số cơ sở ngoài
công lập toàn tỉnh có: 14 bể bơi, 39 sân tennis, 159 sân bóng đá (cả sân bóng
đá tập luyện 5 người, 7 người, sân lớn) 598 sân bóng chuyền, 307 sân cầu lông,
146 bàn bóng bàn, 37 điểm tập võ thuật, 13 điểm patin. Diện tích đất sử dụng
cho các cơ sở này phần lớn là của tư nhân, các đơn vị kinh tế và một phần là thuộc
các cơ quan hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang trong tỉnh.
3. Lĩnh vực
du lịch
Tỉnh đã hoàn thành qui hoạch phát
triển du lịch của tỉnh đến 2010 và đang tiếp tục hoàn thiện điều chỉnh qui
hoạch giai đoạn đến 2010 và tầm nhìn đến 2020; xây dựng xong qui hoạch chi tiết
khu du lịch (KDL) Bà Rá - Thác Mơ, qui hoạch chi tiết KDL hồ Suối Cam và đang
xây dựng, qui hoạch trùng tu, tôn tạo Khu căn cứ Quân ủy Bộ chỉ huy Miền (B2 -
Tà Thiết), trung tâm bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng ở xã Bom Bo và Sóc Bom Bo
xã Bình Minh, qui hoạch KDL trảng cỏ Bù Lạch và cụm thác trên sông Đồng Nai.
Trên cơ sở các qui hoạch đã được phê duyệt, tới thời điểm hiện nay tỉnh Bình
Phước đã triển khai xong đường vành đai quanh núi Bà Rá (Thuộc KDL Bà Rá - Thác
Mơ), triển khai xong đường bê tông vào Thác Voi (Thuộc KDL trảng cỏ Bù Lạch và
cụm thác trên sông Đồng Nai), hoàn thành đánh giá tác động môi trường KDL Bà Rá
- Thác Mơ, hoàn thành khoảng 90% việc đo đạc 25 cụm qui hoạch thuộc KDL Bà Rá -
Thác Mơ.
Trong những năm qua, thành phần
kinh tế tư nhân có nhiều hoạt động đầu tư vào du lịch mang tính bứt phá, nguồn
vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch chiếm tỷ trọng lớn, hiệu quả thu được cao hơn
nguồn vốn do Nhà nước đầu tư (chiếm khoảng 75% lượng vốn = 195,3 tỷ), chủ yếu
đầu tư vào kinh doanh nhà hàng, khách sạn, dịch vụ karaoke, massage, nhà nghỉ .
. .
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 01
khách sạn 3 sao, 01 khách sạn 2 sao và 07 khách sạn 1 sao, 01 Resort đạt chuẩn
1 sao, 03 khách sạn đạt chuẩn và 13 cơ sở lưu trú đạt chuẩn với số phòng là 835
phòng, 04 khu du lịch. Trong đó có KDL sinh thái Mỹ Lệ có dịch vụ đón khách
tương đối hoàn thiện. Ngoài ra còn có nhiều nhà nghỉ chưa đăng ký thẩm định,
phân hạng nhưng có khả năng đón khách du lịch.
4. Đánh giá
chung
Nhìn chung, chủ trương xã hội hóa
về các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh trong những năm qua đã
được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo và ngành văn hóa, thể thao và lu lịch
đã tích cực phối hợp với các ngành, các cấp liên quan triển khai thực hiện. Nhờ
đó, sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch có bước chuyển biến mạnh mẽ hơn, đáp
ứng một phần nhu cầu hưởng thụ của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Tuy nhiên, công tác xã hội hóa các
hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch còn bộc lộ những khuyết điểm và tồn tại
chủ yếu sau:
a/ Việc triển khai hoạt động xã
hội hóa trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch còn chậm, chưa tương
xứng với tiềm năng của tỉnh, phát triển không đồng đều ở các vùng, chỉ chủ yếu
tập trung ở vùng thị trấn, thị tứ đông dân cư và chỉ chú trọng vào các lĩnh vực
dễ thu lợi nhuận, còn những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng
bào dân tộc hoạt động xã hội hóa ít được triển khai.
b/ Một số loại hình kinh doanh
dịch vụ vì chạy theo lợi nhuận nên đã nảy sinh hiện tượng tiêu cực, thiếu lành
mạnh, làm ảnh hưởng đến đạo đức lối sống, thuần phong mỹ tục của dân tộc nhất
là trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn, dịch vụ karaoke, massage, nhà
nghỉ.
c/ Các đơn vị sự nghiệp văn hóa,
thể thao của tỉnh và huyện, thị xã chưa phát huy cao tính năng động, tự chủ và
tự chịu trách nhiệm, chưa liên kết với các thành phần kinh tế để khai thác và
sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có.
Nguyên nhân chính của những vấn đề
tồn tại trên đây là:
- Do nhận thức chưa đầy đủ, xem xã
hội hoá chỉ là biện pháp huy động sự đóng góp của nhân dân trong điều kiện ngân
sách nhà nước hạn hẹp. Tư tưởng và thói quen bao cấp vẫn còn khá nặng nề. Sự
chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương thiếu kiên quyết nên gặp nhiều
khó khăn trong công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
- Hoạt động văn hóa là lĩnh vực dễ
phát sinh những vấn đề nhạy cảm, trong khi cơ quan quản lý Nhà nước còn lúng
túng trong việc chỉ đạo, chưa lường hết được những mặt trái phát sinh trong quá
trình thực hiện và tính phức tạp của cơ chế thị trường.
- Thiếu quy hoạch và kế hoạch tổng
thể để định hướng và xác định bước đi phù hợp cho từng địa phương, từng lĩnh
vực; công tác dự báo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.
- Công tác quản lý, chỉ đạo còn bị
động, chậm đổi mới và còn nhiều bất cập. Còn thiếu cơ chế, chế độ chính sách
đặc thù để tạo hành lang pháp lý cho phát triển xã hội hóa.
- Điều kiện kinh tế của người dân
trong tỉnh tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn thấp so với nhiều tỉnh, thành
khác trong khu vực; các đơn vị kinh tế, doanh nghiệp tư nhân còn ít, chủ yếu là
các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên việc đầu tư vào hoạt động lĩnh vực văn hóa, thể
thao và du lịch còn rất hạn chế, nguồn đầu tư ngoài tỉnh còn rất ít, chưa có
nguồn đầu tư từ nước ngoài.
II. DỰ BÁO CÁC
YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Đến năm 2015, dân số tỉnh Bình
Phước khoảng 1 triệu người; đơn vị hành chính: 3 thị xã, 7 huyện, trên 104 đơn
vị cấp xã; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh tương đối hoàn chỉnh, trình
độ dân trí được nâng cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc. Tuyến Quốc lộ 14 (Chơn
Thành - Đăk Nông) và tuyến Quốc lộ 13 (Chơn Thành - Campuchia) được nâng cấp
hoàn chỉnh. Nhà máy Xi măng Tà Thiết, cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư, khu công nghiệp Chơn
Thành, khu công nghiệp Tân Khai, khu công nghiệp Tân Thành, khu công nghiệp Nam
Đồng Phú, khu du lịch sinh thái Bà Rá - Thác Mơ cơ bản đã đi vào hoạt động, sẽ tạo
điều kiện cho nền kinh tế của tỉnh phát triển. Từ đó có điều kiện để ngân sách
tỉnh và nhân dân cùng đóng góp đầu tư phát triển trong lĩnh vực văn hóa, thể
thao và du lịch.
Phần III
NỘI DUNG ĐỀ ÁN
PHÁT TRIỂN XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
I. SỰ CẦN
THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Cùng với sự phát triển về kinh tế,
văn hóa, xã hội của tỉnh, nhu cầu hưởng thụ, thưởng thức về văn hóa, thể thao
và du lịch cũng ngày càng tăng lên; nhiều mô hình tổ chức hoạt động về văn hóa,
thể thao và du lịch ở tỉnh theo hướng xã hội hóa cần được phổ biến và nhân rộng
để mọi tổ chức và cá nhân được biết để đầu tư, phát triển các hoạt động xã hội
hóa như: hỗ trợ, đóng góp, xây dựng các cơ sở hoạt động về văn hóa, thể thao và
du lịch làm đa dạng và phong phú hơn những mô hình hoạt động ngoài công lập
dưới sự quản lý về cơ chế chính sách của Nhà nước. Với mục tiêu làm sao cho mọi
cá nhân và tổ chức thật sự quan tâm và mạnh dạn ủng hộ về nhân lực, tài lực,
vật lực góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
của tỉnh trong thời gian tới. Vì vậy, việc xây dựng “Đề án quy hoạch phát
triển xã hội hóa trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bình
Phước giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020” là nhu cầu cấp
thiết, nhằm phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm qua và tiếp tục
huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao
và du lịch một cách sâu rộng và bền vững vào thời gian tới và là đòn bẩy để
thúc đẩy sự nghiệp văn hóa, thể thao của tỉnh phát triển; đồng thời hỗ trợ cho
du lịch tỉnh nhà thực sự là ngành kinh tế có nhiều đóng góp cho ngân sách.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu
tổng quát:
Tiếp tục đổi mới cơ bản về quan
điểm, nhận thức, giải pháp thực hiện về xã hội hóa văn hóa, thể thao và du
lịch; tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia các hoạt động phát triển sự nghiệp
văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh; từng bước chuyển giao hoạt động tác
nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các
cơ sở ngoài công lập thực hiện; từng bước giao quyền tự chủ về tài chính, tiến
tới tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc cấp tỉnh,
huyện, thị xã. Phát triển mạnh các cơ sở ngoài công lập với hai loại hình: dân
lập và tư nhân. Khuyến khích đầu tư từ các nguồn trong và ngoài tỉnh bằng nhiều
hình thức phù hợp với qui hoạch phát triển, yêu cầu và đặc điểm của từng lĩnh
vực. Tạo môi trường phát triển, môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo
luật pháp để thúc đẩy các cơ sở công lập và ngoài công lập phát triển cả về qui
mô và chất lượng.
2. Mục tiêu
cụ thể:
Xã hội hóa văn hóa, thể thao và du
lịch là cuộc vận động toàn xã hội để ngày càng có nhiều đối tượng trực tiếp
tham gia tập luyện hoặc đóng góp vào các hoạt động nhằm đẩy nhanh sự phát triển
các loại hình hoạt động về văn hóa, phát triển phong trào tập luyện thể dục thể
thao trong mọi tầng lớp, kêu gọi đầu tư phát triển các loại hình, điểm, tuyến,
khu du lịch, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về mặt tinh thần cũng như nhu
cầu giao tiếp xã hội. Xã hội hóa văn hóa, thể thao và du lịch là làm cho người
dân nhận thức được văn hóa, thể thao và du lịch là sự nghiệp của nhân dân, của
toàn xã hội. Nhân dân là người sáng tạo, thực hiện và thưởng thức các thành quả
của hoạt động.
Phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát
triển văn hóa, thể thao và du lịch hàng năm theo qui hoạch phát triển ngành văn
hóa, thể thao và du lịch đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh, cụ
thể:
a/ Về văn hóa:
Huy động, thu hút mọi nguồn lực
vật chất, trí tuệ, tinh thần thuộc các thành phần kinh tế trong xã hội tham gia
bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống; sáng tạo, cung cấp, phổ
biến và tạo ra nhiều sản phẩm, tác phẩm, công trình văn hóa có chất lượng,
phong phú, đa dạng, dân tộc và hiện đại nhằm nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa
của nhân dân. Tạo điều kiện cho toàn xã hội, nhất là các đối tượng chính sách,
người nghèo, công nhân và người lao động được hưởng thụ văn hóa ở mức độ ngày
càng cao.
Nhà nước tiếp tục đổi mới cơ chế
quản lý, đẩy mạnh việc hoàn thiện các chính sách, tăng nguồn lực đầu tư cho
lĩnh vực phát triển sự nghiệp văn hóa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế
- xã hội của tỉnh.
Tăng tỉ trọng đầu tư của các thành
phần kinh tế ngoài công lập vào lĩnh vực văn hóa nhất là các lĩnh vực đáp ứng
nhu cầu vui chơi giải trí, hưởng thụ văn hóa (phim ảnh, nghệ thuật…), các dịch
vụ văn hóa.
Chuyển đổi dần các cơ sở công lập
(đơn vị sự nghiệp trực thuộc) sang hình thức cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ.
Phấn đấu đến năm 2020 xây dựng
định hình các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút
các thành phần kinh tế ngoài công lập tham gia phối hợp hoặc trực tiếp đầu tư,
tổ chức các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa trong các thiết chế này.
* Chỉ tiêu đến năm 2020:
- 100% số huyện, thị xã có Trung
tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao
- 100% số xã, phường, thị trấn có
thiết chế văn hóa.
- Các cơ sở ngoài công lập và các
lực lượng tham gia xã hội hóa đảm bảo từ 50 - 70% nhu cầu dịch vụ văn hóa theo
từng loại hình, lĩnh vực.
- Thực hiện chuyển đổi 100% số đơn
vị công lập (đơn vị sự nghiệp) sang cơ chế cung ứng dịch vụ và tự chủ từ 70%
trở lên kinh phí hoạt động của đơn vị.
b/ Về thể dục thể thao:
Nhà nước tăng cường đầu tư cơ sở
vật chất, các công trình TDTT theo qui hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật
thể thao của tỉnh đến năm 2015 đã được phê duyệt. Đến năm 2015 tất cả các cơ sở
xã, phường, thị trấn đều có điểm tập TDTT; tất cả Trung tâm VHTT-TT các huyện,
thị xã đều có sân vận động, bể bơi và nhà tập TDTT đa năng; ở cấp tỉnh có sân
vận động tỉnh và các cơ sở vật chất khác như: Khán đài A sân vận động, nhà thi
đấu đa năng, sân quần vợt, hồ bơi và các sân tập khác đảm bảo về chuyên môn để
đăng cai tổ chức các hội thi, các giải thể thao cấp quốc gia và khu vực.
Hình thành hệ thống đào tạo tài
năng thể thao với các môn mũi nhọn: Bóng đá trẻ, judo, taekwondo, karatedo,
pencaksilat, việt dã, cờ vua, cầu lông, cầu mây . . . Bảo đảm có nhiều vận động
viên, nhiều môn đủ mạnh tham gia giải khu vực toàn quốc và quốc tế đạt thứ hạng
cao.
Huy động các nguồn vốn ngoài ngân
sách nhà nước để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật thể thao phục vụ cho hoạt
động TDTT trên địa bàn tỉnh.
Hình thành và phát triển hệ thống
các tổ chức xã hội về TDTT đủ để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức
này dưới sự quản lý của ngành; phát triển các cơ sở TDTT ngoài công lập với hai
loại hình: dân lập và tư nhân, mỗi cơ sở TDTT ngoài công lập, tư nhân đều có
thể hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận và lợi nhuận nhưng phải chịu sự quản lý
trực tiếp của ngành và thực hiện đúng qui định của pháp luật.
* Chỉ tiêu đến năm 2015:
- Thể thao cho mọi người:
+ 25% dân số tham gia tập luyện
TDTT thường xuyên
+ 12% số hộ gia đình tập luyện
TDTT thường xuyên
+ 75% số trường thực hiện giáo dục
ngoại khoá, 100% nội khóa
+ 100% cán bộ, chiến sỹ trong lực
lượng vũ trang tham gia tập luyện TDTT thường xuyên và 98% cán bộ, chiến sỹ đạt
tiêu chuẩn rèn luyện thân thể.
+ 90% thôn ấp, khu phố có cộng tác
viên thể thao được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.
+ 90% số xã, phường, thị trấn có
sân bóng đá, bóng chuyền và một số sân thể thao khác.
- Thể thao thành tích cao
+ Số lượng VĐV các cấp: 500 VĐV (trong
đó VĐV tập trung 260)
+ Số VĐV đạt đẳng cấp: 35 (trong
đó: 30 cấp I, 15 kiện tướng)
+ Số huy chương đạt được các giải
khu vực và toàn quốc: 150 HC (trong đó có: 35 HCV, 50 HCB, 65 HCĐ.
- Đào tạo, huấn luyện vận động
viên và tổ chức giải thể thao: các tổ chức xã hội, cá nhân đảm nhận 50% kinh
phí.
- Phát triển cơ sở thể dục thể
thao ngoài công lập
Tạo cơ chế, chính sách thật sự
thuận lợi để khuyến khích phát triển cơ sở hoạt động thể dục thể thao ngoài
công lập theo hai loại hình: dân lập và tư nhân. Đồng thời hướng dẫn các cở sở
ngoài công lập xác định mục đích hoạt động lợi nhuận và phi lợi nhuận để thực
hiện cơ chế tài chính đúng qui định.
Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy
các hội, đội thể thao theo hướng tinh gọn, đủ uy tín, vững về chuyên môn, quản
lý chặt chẽ và tập hợp được nhiều thành phần tham gia, phát huy được tính tự
chủ, sáng tạo của các tổ chức này.
90% số câu lạc bộ các môn thể thao
do các tổ chức xã hội, cá nhân thành lập và điều hành hoạt động.
- Các cơ sở ngoài công lập và các
lực lượng tham gia xã hội hóa đảm bảo từ 60 - 80% nhu cầu dịch vụ TDTT.
- Thực hiện chuyển đổi 100% số đơn
vị công lập (đơn vị sự nghiệp) sang cơ chế cung ứng dịch vụ và tự chủ từ 50 %
đến 70% kinh phí hoạt động của đơn vị.
d/ Về du lịch:
Huy động mọi nguồn lực từ các tổ
chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh (kể cả nước ngoài) đầu tư vào các dự án đầu
tư du lịch trọng điểm tại các địa bàn: Căn cứ Quân ủy Bộ Chỉ huy Miền (B2) ở
Lộc Ninh, khu du lịch Bà Rá - Thác Mơ ở Phước Long, khu du lịch Bàu Ké, Trảng
cỏ Bù Lạch, cụm thác thượng nguồn sông Đồng Nai, khu trung tâm bảo tồn văn hóa
dân tộc Bom Bo, khu du lịch Hồ Suối Cam; đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh lữ
hành, lưu trú du lịch, vận chuyển du lịch, kinh doanh ăn uống, mua sắm du lịch,
đào tạo nguồn nhân lực thông qua hình thành Trường nghiệp vụ văn hóa, thể thao
và du lịch, Trung tâm xúc tiến du lịch và các hoạt động bảo vệ môi trường du
lịch. Phấn đấu đến năm 2015 các dự án đầu tư đưa vào sử dụng giai đoạn I và
ngành du lịch bắt đầu trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
III. NỘI DUNG
XÃ HỘI HÓA VỀ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
1. Lĩnh vực
văn hóa
1.1. Các đơn vị sự nghiệp hiện có
của ngành văn hóa
Tiếp tục duy trì và phát triển
hình thức công lập các đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh và cấp huyện. Khi có đủ điều
kiện cho phép, tiến hành chuyển đổi toàn bộ số đơn vị sự nghiệp công lập này
sang cơ chế cung ứng dịch vụ tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Trước mắt, từ năm
2009 đến năm 2010 các đơn vị sự nghiệp xây dựng hoàn chỉnh đề án hoạt động sự
nghiệp có thu, trong đó xác định rõ những nội dung loại hình hoạt động có thể
tự cân đối thu chi, những nội dung loại hình hoạt động nhà nước phải hỗ trợ
ngân sách. Xây dựng các phương án phối hợp liên kết với các thành phần kinh tế
ngoài công lập sử dụng phát huy hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị của đơn
vị.
1.2. Đổi mới phương thức hoạt động
các đơn vị sự nghiệp văn hóa
a/ Đoàn Ca múa nhạc tổng hợp
Trước mắt xây dựng phương án liên
kết với các lực lượng ngoài công lập chuyển sang đơn vị sự nghiệp có thu tự
trang trải một phần các chi phí khi lưu diễn ngoài tỉnh và biểu diễn tại các
địa bàn huyện, thị xã, thị trấn trong tỉnh khai thác các cơ sở vật chất, trang
thiết bị sẵn có để tăng nguồn thu. Riêng đối với biểu diễn phục vụ nhiệm vụ
chính trị của tỉnh vẫn thực hiện theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Phối hợp
với các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tổ
chức các buổi biểu diễn phục vụ công nhân ở các khu công nghiệp trên cơ sở
doanh nghiệp tự trang trải kinh phí.
b/ Trung tâm Văn hóa
Trung tâm Văn hóa tỉnh và Trung
tâm Văn hoá - Thông tin - Thể thao các huyện, thị xã: phối hợp với các tổ chức,
cá nhân, đơn vị ngoài công lập sử dụng phát huy các cơ sở vật chất hiện có như:
Hội trường, sân bãi, phòng tập . . . để tổ chức thường xuyên các lớp năng
khiếu, các hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn
hóa, vui chơi giải trí theo phương thức cùng liên doanh liên kết tổ chức. Phối
hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức các chương trình liên hoan, hội thi, hội
diễn, sinh hoạt chuyên đề (kinh phí hoạt động của các ngành, đoàn thể), cần vận
động các đơn vị doanh nghiệp tài trợ để giảm bớt nguồn kinh phí ngân sách Nhà
nước.
c) Thư viện
Thư viện tỉnh và Thư viện các
huyện, thị xã từng bước triển khai các hoạt động cung ứng dịch vụ thư viện:
dịch thuật, sao chụp tài liệu, cung cấp thông tin theo yêu cầu người đọc, sử
dụng mạng thông tin thư viện trong nước và quốc tế…
Tiếp tục hỗ trợ giúp các ngành,
đoàn thể, các đơn vị lực lượng vũ trang, hệ thống trường học, các Công ty Cao su
xây dựng phát triển mạng lưới Thư viện chuyên ngành, tủ sách pháp luật phục vụ
đối tượng thuộc ngành, giới mình. Phối hợp với Bưu điện tỉnh mở rộng và nâng
cao chất lượng hoạt động phòng đọc sách, Bưu điện văn hóa xã.
d) Bảo tàng - Ban Quản lý di tích
Tiếp tục đầu tư bổ sung nội dung trưng bày Bảo
tàng tỉnh; phối hợp với các ngành, đoàn thể, các đơn vị Bảo tàng ở Trung ương
và địa phương để tổ chức thường xuyên các hoạt động triển lãm bảo tàng chuyên
đề mở các dịch vụ phục vụ khách tham quan như bán đồ lưu niệm, chụp ảnh, đồ giả
cổ…. Đối với các di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (trước đây) và UBND tỉnh
xếp hạng ngoài nguồn ngân sách tỉnh đầu tư cần huy động vốn các thành phần kinh
tế, lực lượng xã hội đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích gắn với điểm tham quan du
lịch nghiên cứu mô hình thành lập các tổ quản lý di tích dưới hình thức dân lập
để phát huy vai trò quản lý giữ gìn bảo vệ di tích của nhân dân, huy động sự
đóng góp của nhân dân tham gia trùng tu, tôn tạo và bảo vệ di tích.
1.3. Xã hội hoá các hoạt động văn hóa cơ sở
Việc thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa
cơ sở có một ý nghĩa hết sức quan trọng là tạo ra sự phát triển bền vững, lâu
dài môi trường văn hóa rộng lớn ở cơ sở nhằm phát huy tinh thần làm chủ, sáng
tạo và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của đông đảo quần chúng nhân dân ở cơ sở
và là cốt lõi để xây dựng, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Hoạt động văn hóa
cơ sở bao gồm các hoạt động và mô hình sau:
- Khuyến khích các cá nhân, đơn vị, tổ chức
ngoài công lập được thành lập thiết chế văn hóa thông tin cơ sở: Nhà văn hóa
xã, phường, thị trấn, khu phố, ấp; cụm kinh tế - văn hóa, cụm văn hóa - thể
thao; điểm vui chơi cho trẻ em ở xã, phường, khu, ấp, sân bãi biểu diễn nghệ
thuật, tụ điểm chiếu phim, hát với nhau…
Các cá nhân, đơn vị, tổ chức ngoài công lập được
đầu tư, tham gia hoạt động, phối hợp với các tổ chức công lập xây dựng đời sống
văn hóa cơ sở; được đăng ký, tổ chức lễ hội (trừ lễ hội có tính quốc gia).
Khuyến khích đầu tư vào các hoạt động dịch vụ văn hóa: bán và cho thuê băng đĩa
ca nhạc, câu lạc bộ hát với nhau, sân khấu; băng đĩa phim, trò chơi trẻ em, trò
chơi điện tử, nhiếp ảnh, mỹ thuật, triển lãm, kẻ vẽ quảng cáo, in ấn…
Các cá nhân, đơn vị, tổ chức ngoài công lập được
đầu tư, tham gia hoạt động trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ quần chúng ở xã,
phường, cơ quan, đơn vị gồm: Liên hoan - hội diễn ngành văn hóa và các ngành
khác; lớp tập huấn, lớp năng khiếu, bồi dưỡng nghiệp vụ; nhóm - câu lạc bộ sở
thích, nhóm - câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống và các loại hình văn nghệ dân
gian khác…
1.4. Hoạt động văn hóa chuyên ngành
Khuyến khích các cá nhân, gia đình, tập thể, đơn
vị và các thành phần kinh tế khác được thành lập các đoàn nghệ thuật, đơn vị tổ
chức biểu diễn, cơ sở sản xuất và phát hành băng đĩa ca nhạc, sân khấu.
Được thành lập các Trường Văn hóa nghệ thuật dân
lập, tư thục; khuyến khích các nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nghệ nhân tổ
chức các lớp huấn luyện, truyền dạy về năng khiếu ca, múa, nhạc.
Các thành phần kinh tế được thành lập hãng phim
tư nhân theo qui định hiện hành và không có sự phân biệt giữa công và tư; thành
lập cơ sở phát hành phim, xây dựng rạp chiếu phim, thuê lại rạp chiếu phim của
Nhà nước, được thành lập đội chiếu phim phục vụ nông thôn và được tài trợ buổi
chiếu như đơn vị công lập. Đơn vị có rạp được phép nhập khẩu phim nhựa, băng
đĩa hình phát hành tại rạp và trong phạm vi toàn tỉnh theo quy định của pháp
luật.
Được thành lập bảo tàng tư nhân ở các địa
phương. Khuyến khích, vận động nhân dân, các thành phần kinh tế góp vốn, sức
người, sức của để giữ gìn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam
thắng cảnh; giữ gìn truyền dạy và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật
thể. Đối với di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh có giá trị về kinh
tế - xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, khai thác phục vụ tham
quan du lịch theo qui hoạch để tạo nguồn kinh phí bảo vệ, tôn tạo các di tích
lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Khuyến khích, vận động nhân dân thành
lập tổ quản lý bảo vệ di tích ở địa phương có di tích lịch sử - văn hóa, danh
lam thắng cảnh; thành lập các Hội, Câu lạc bộ nghề thủ công, làng nghề truyền
thống, văn hóa văn nghệ dân gian ở địa phương.
Mở rộng các hình thức mỹ thuật, nhiếp ảnh và
triển lãm. Cho phép các thành phần kinh tế đầu tư cho việc sáng tác, triển lãm,
công bố tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh (kể cả tranh tượng ngoài trời) và tổ chức
các dịch vụ giới thiệu và bán sản phẩm mỹ thuật theo quy định hiện hành. Được
thành lập các bảo tàng mỹ thuật; nhiếp ảnh tư nhân; triển lãm tư nhân; thành
lập, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm. Phát
triển các lớp học tư nhân về hội nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật và triển lãm. Thành
lập các câu lạc bộ những người yêu thích mỹ thuật, nhiếp ảnh, tổ chức bán đấu
giá tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh để gây quỹ. Phát triển hình thức phổ biến
tranh, ảnh bằng mạng lưới Gallery tư nhân.
2. Lĩnh vực thể dục thể
thao
a/ Thể thao cho mọi người:
Thường xuyên quan tâm chỉ đạo
phong trào cơ sở để xây dựng và phát triển phong trào thể dục thể thao quần
chúng mang tính đa dạng và rộng khắp với nhiều thành phần, đối tượng tham gia.
Xem việc phát triển phong trào TDTT cơ sở là nền tảng vững chắc để đầu tư phát
triển thể thao thành tích cao. Trên cơ sở định hướng đó, tập trung đa dạng các
hình thức hoạt động phong trào, đa dạng hóa các loại hình tập luyện phù hợp với
điều kiện cụ thể từng vùng, đối tượng nhằm thu hút được quần chúng nhân dân
tham gia tập luyện TDTT trên tinh thần tự nguyện.
Từng bước nghiên cứu, cải cách hệ
thống thi đấu các giải thể thao quần chúng từ cơ sở đến cấp tỉnh theo hướng tạo
điều kiện thuận lợi để các ngành, các tổ chức xã hội, đơn vị kinh tế, cơ quan,
ban ngành . . . đảm nhận hoàn toàn về công tác tổ chức; ngành văn hóa, thể thao
và lu lịch hỗ trợ về công tác chuyên môn nghiệp vụ, trên cơ sở đa dạng các môn
thể thao, tuổi, giới tính (giải thể thao các gia đình, hội thi thể thao người
khuyết tật, hội thao ngành, doanh nghiệp, liên xã . . .).
Cải tiến các cơ chế, chính sách để
khuyến khích các cộng đồng dân cư tự xây dựng các câu lạc bộ thể thao theo
phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm và xem đây là một trong những tiêu
chuẩn thi đua đối với các huyện, thị trong tỉnh.
Hàng năm duy trì tổ chức từ 2 - 4
lớp hướng dẫn viên, cộng tác viên, trọng tài thể thao cơ sở.
b/ Thể thao thành tích cao
Hoàn thiện về hệ thống cơ chế tài
chính về các chế độ cho đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài,
những người tham gia công tác tổ chức, điều hành giải bằng các chế độ tiền
công, tiền dinh dưỡng, tiền thưởng và các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y
tế… Đồng thời tăng cường chính sách ưu đãi đối với các tài năng thể thao của
tỉnh và thu hút nhân tài từ các tỉnh khác, có chế độ đãi ngộ những cá nhân, tổ
chức phát hiện nhân tài bổ sung cho tỉnh.
Đổi mới phương thức điều hành các
hoạt động thi đấu, tham gia các giải thể thao đỉnh cao theo hướng chuyển dần
cho các Liên đoàn, hội, câu lạc bộ đảm trách. Ngành văn hóa, thể thao và du
lịch chỉ quản lý Nhà nước và hỗ trợ về cơ chế, chính sách và các điều kiện cần
thiết để thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, tập trung vào việc xây dựng các chiến
lược phát triển TDTT, giao kế hoạch, chỉ tiêu về chuyên môn cho các Liên đoàn,
hội, các câu lạc bộ khi đủ điều kiện điều hành và tổ chức hoạt động TDTT.
Chọn một số môn thể thao thành
tích cao để xã hội hóa như: bóng chuyền, bóng đá, quần vợt . . .
Vận động các tổ chức, cá nhân
trong và ngoài nước tham gia tài trợ cho các giải thể thao toàn quốc, cụm, khu
vực do tỉnh đăng cai tổ chức, các giải thể thao do Sở Văn hóa, Thể thao và Du
lịch tổ chức cũng như việc tài trợ cho các đội tuyển thể thao của tỉnh tham gia
tập huấn và thi đấu trong nước, nước ngoài để tăng tính chuyên nghiệp trong tổ
chức và tham gia thi đấu giải.
Khuyến khích thành lập các quỹ tài
trợ, quỹ bảo trợ tài năng thể thao, quỹ phát triển các môn thể thao thành tích
cao để hỗ trợ cho việc phát hiện, tuyển chọn và đào tạo vận động viên đỉnh cao
cho tỉnh.
d/ Phát triển cơ sở thể dục thể
thao ngoài công lập
Tạo cơ chế, chính sách thật sự
thuận lợi để khuyến khích phát triển cơ sở hoạt động thể dục thể thao ngoài
công lập theo hai loại hình: dân lập và tư nhân; đồng thời hướng dẫn các cở sở
ngoài công lập xác định mục đích hoạt động lợi nhuận và phi lợi nhuận để thực
hiện cơ chế tài chính đúng qui định.
3. Lĩnh vực
du lịch
Xã hội hóa việc xây dựng các khu,
điểm du lịch sau đây:
a/ Đối với cụm du lịch trung tâm
thị xã Đồng Xoài và phụ cận gồm có: KDL Hồ Suối Lam và Hồ Suối Cam; KDL sinh
thái - lịch sử Vườn quốc gia Tây Cát Tiên; KDL sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp Hồ
Suối Giai (xã Tân Lập, huyện Đồng Phú); KDL sinh thái, nghỉ dưỡng cầu Nha Bích
(xã Minh Lập, huyện Chơn Thành).
b/ Cụm du lịch Tây Bắc (thị trấn
Lộc Ninh và phụ cận) gồm: KDL sinh thái - văn hóa Bộ Chỉ huy Miền (B2) tại xã
Lộc Thành, huyện Lộc Ninh; khu di tích văn hóa Chùa Sóc Lớn tại xã Lộc Điền,
huyện Lộc Ninh; khu chiến tích bộ đội Trường Sơn - xã Lộc Quang, huyện Lộc
Ninh; KDL sinh thái Sóc Xiêm tại huyện Bình Long; khu di tích văn hóa cụm kiến
trúc cổ người Pháp tại thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh; KDL sinh thái Thác số
4 tại huyện Bình Long; khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư; các điểm du lịch: Mộ 3.000
người, Trường Tiểu học An Lộc B, Thành tròn.
c/ Cụm du lịch Đông Bắc (thị trấn
Thác Mơ - Phước Long và phụ cận) gồm: KDL sinh thái - văn hóa núi Bà Rá - Thác
Mơ; KDL văn hóa - lịch sử Sóc Bom Bo; KDL sinh thái - lịch sử Vườn quốc gia Bù
Gia Mập; KDL phức hợp trảng cỏ Bù Lạch và cụm thác sông suối đầu nguồn sông
Đồng Nai (tại xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng); KDL phức hợp Cầu 38 (tại xã Minh
Hưng, huyện Bù Đăng); KDL sinh thái Mỹ Lệ; các điểm du lịch gắn liền với nhà
máy Thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn, S’Rok Pumiêng, Thuỷ điện Đồng Nai 6, Thác Đứng
(xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng), Thác Đăk Mai (huyện Phước Long), đền tưởng niệm
các liệt sỹ trên núi Bà Rá, Miếu Bà (tại xã Sơn Giang, huyện Phước Long).
d/ Vận động các tổ chức, cá nhân
trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, tham gia kinh doanh
lữ hành, kinh doanh lưu trú du lịch, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, kinh
doanh phát triển khu - điểm du lịch, kinh doanh dịch vụ du lịch như: ăn uống,
mua sắm, thể thao, giải trí, thông tin, bảo hiểm, y tế phục vụ khách du lịch. .
.
IV. CÁC GIẢI
PHÁP CHÍNH ĐỂ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ
biến chủ trương của Đảng, các cơ chế, chính sách của Nhà nước về xã hội hóa,
làm cho mọi người, đặc biệt là cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan
chức năng có nhận thức sâu sắc và đầy đủ về công tác xã hội hóa trong các lĩnh
vực: văn hoá, thể thao và du lịch, bằng nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị
chuyên đề, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (đài, báo,
internet, cổ động trực quan, thông tin lưu động . . .); kịp thời động viên,
khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác xã hội hóa, đồng
thời rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình tiêu biểu, tiên tiến.
2. Tăng cường và nâng cao hiệu
lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; ban hành các văn bản liên quan đến cơ
chế quản lý phục vụ phát triển xã hội hóa các lĩnh vực: văn hóa, thể thao và du
lịch; cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, tạo mọi
điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực: văn hóa, thể
thao và du lịch như thủ tục cấp phép và thu hút đầu tư.
3. Ưu tiên nguồn kinh phí (trung
ương và địa phương) để đầu tư cơ sở vật chất cho phát triển văn hóa, thể thao
và du lịch cho các xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc; công tác bảo tồn, tôn
tạo các di tích văn hóa - lịch sử, giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc như: Bảo
tồn văn hóa dân tộc Sóc Bom Bo, khu căn cứ Quân uỷ - Bộ Chỉ huy Miền (B2) - Tà
Thiết, nhà Giao tế . . .); bảo tàng, thư viện, đội thông tin lưu động, đội
chiếu bóng lưu động; đồng thời, có chính sách khuyến khích các thành phần kinh
tế, các cá nhân, tổ chức xã hội đầu tư phát triển các loại hình và các đối
tượng này.
4. Đổi mới việc đầu tư và nâng cao
chất lượng các dịch vụ về văn hóa, thể thao và du lịch cả công lập và ngoài
công lập để phục vụ quần chúng nhân dân.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chính sách đặt
thù khuyến khích xã hội hóa cụ thể trên các lĩnh vực sau:
5.1 Về
công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực: Tạo điều
kiện thuận lợi cho các cơ sở ngoài công lập đang hoạt động trên các lĩnh vực
văn hóa, thể thao và du lịch được tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng
nguồn nhân lực tại các trường trong nước và nước ngoài; tổ chức các chương
trình tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các cơ sở ngoài công
lập; có cơ chế thu hút nguồn nhân lực từ ngoài tỉnh.
5.2 Về huy động nguồn lực: Có cơ
chế chính sách huy động và đa dạng hóa các hình thức đóng góp trong và ngoài
nước trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; miễn hoặc giảm đóng góp
đối với các đối tượng chính sách, khó khăn; hỗ trợ chi phí cho các tổ chức, cá
nhân phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc. Chú
trọng thu hút được nhiều nguồn lực từ nhân dân, các cơ sở ngoài công lập, các
thành phần kinh tế tham gia và đóng góp xây dựng đời sống văn hóa, thể thao ở
cơ sở.
5.3 Về giao đất, cho thuê đất: Cơ
sở thực hiện xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch được UBND tỉnh
xem xét và quyết định giao đất hoặc cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt
bằng để xây dựng các công trình xã hội hóa theo các hình thức: Giao đất không
thu tiền sử dụng đất; cho thuê đất và miễn tiền thuê đất, giao đất có thu tiền
sử dụng đất và được miễn tiền sử dụng đất trong thời hạn được Nhà nước giao
đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
Trường hợp chủ đầu tư đã ứng trước
kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án xã hội hóa theo phương án được
cấp có thẩm quyền phê duyệt thì số kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã
đầu tư đối với diện tích đất phục vụ hoạt động xã hội hóa sẽ được ngân sách Nhà
nước hoàn trả.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp: Cơ
sở thực hiện xã hội hóa có thu nhập từ hoạt động xã hội hóa được áp dụng thuế
suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động.
Cơ sở thực hiện xã hội hóa thành
lập mới kể từ ngày Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về
chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo
dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường có hiệu lực thi hành được
miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 04 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và
giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 09 năm tiếp theo.
Cơ sở thực hiện xã hội hóa được miễn
lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn với đất.
5.4. Ưu đãi về tài chính: Được vay
vốn dài hạn, trung hạn ưu đãi; được trực tiếp nhận kinh phí hỗ trợ từ nước
ngoài; ưu đãi về thuế; có chính sách đối với hoạt động tài trợ, quảng cáo, môi
giới và khuyến khích thành lập công ty tiếp thị và quảng cáo trong lĩnh vực văn
hóa, thể thao và du lịch.
5.5. Chính sách xã hội: Có chính
sách đãi ngộ công bằng giữa các đơn vị công lập và ngoài công lập; bình đẳng về
hưởng thụ đối với văn hóa, thể thao và du lịch giữa các dân tộc; ưu đãi đối với
văn nghệ sĩ lão thành, huấn luyện viên, vận động viên tài năng, giàu kinh
nghiệm, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn hóa, thể thao.
6. Tiếp tục ưu tiên đầu tư xây
dựng các công trình văn hóa, thể thao và du lịch trọng điểm đã được phê duyệt.
7. Thành lập và ưu tiên đầu tư ban
đầu để xây dựng Trường Nghiệp vụ văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh, Ban Quản lý
di tích tỉnh, Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh.
8. Đẩy mạnh việc học tập và hợp
tác với các địa phương khác để xây dựng mô hình xã hội hóa trên từng lĩnh vực
cho phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh để phát huy hiệu quả cao.
9. Tập trung chỉ đạo, tổ chức thực
hiện và hướng dẫn các địa phương hoàn thành việc xây dựng Đề án Qui hoạch phát
triển xã hội hóa hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch trên toàn tỉnh trong
năm 2009 và Đề án chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ,
tự chịu trách nhiệm, cung cấp dịch vụ trong năm 2009 - 2010.
V. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Tiến độ
thực hiện
1.1. Giai đoạn 2009 - 2010:
- Phổ biến sâu rộng trên tất cả
các phương tiện thông tin đại chúng, ban hành văn bản hướng dẫn, triển khai qui
hoạch phát triển xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trong
toàn ngành.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng, bổ sung,
sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa các
hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
1.2. Giai đoạn 2011 - 2015:
- Thành lập Liên đoàn các môn thể
thao (võ cổ truyền, taekwondo, quần vợt, cầu lông); chuyển giao một phần công
tác tổ chức thi đấu các giải phong trào cho các tổ chức xã hội, đơn vị kinh tế.
- Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất,
trang thiết bị cho các công trình văn hóa, thể thao, du lịch (Trung tâm Văn hóa
tỉnh, Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Đoàn Ca múa nhạc tổng hợp, khán đài A sân
vận động, hồ bơi, nhà thi đấu . . .) và ưu tiên đầu tư thiết chế văn hóa ở vùng
sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Tổ chức nghiên cứu học tập xây
dựng mô hình xã hội hóa trên từng lĩnh vực tại một số địa phương khác.
- Lựa chọn một số đơn vị để tiến
hành xây dựng đề án chuyển đổi sang hình thức ngoài công lập. Cấp tỉnh chọn
Đoàn Ca múa nhạc tổng hợp tỉnh; cấp huyện chọn Trung tâm Văn hóa - Thông tin -
Thể thao huyện Bình Long và huyện Phước Long làm điểm để thực hiện mô hình xã
hội hóa hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch.
- Cuối năm 2015 tổ chức hội nghị
sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và sau đó triển khai nhân rộng cho các địa
phương khác.
1.3. Giai đoạn 2016 - 2020:
- Thực hiện chuyển đổi 100% số đơn
vị sự nghiệp công lập sang cơ chế cung ứng dịch vụ (theo từng lĩnh vực đang
hoạt động).
- Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các
hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch thực hiện sơ kết hàng năm và tổng kết
đánh giá kết quả sau 10 năm thực hiện, đồng thời chú trọng đúc kết kinh nghiệm
về xây dựng, phát triển mô hình xã hội hóa để nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh.
2. Phân công
trách nhiệm
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài
nguyên và Môi trường, Cục Thuế và các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh triển
khai Đề án Qui hoạch phát triển xã hội hoá các hoạt động văn hóa, thể thao và
du lịch giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020 trên phạm vi toàn tỉnh.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện; tổng hợp báo cáo UBND
tỉnh hàng quí, 6 tháng và hàng năm; đồng thời đề xuất kịp thời những vấn đề
phát sinh cần được điều chỉnh, bổ sung trong cơ chế, chính sách để triển khai
thực hiện tốt công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch
của tỉnh giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020.
- UBND các huyện, thị xã tổ chức
thực hiện đề án Quy hoạch phát triển xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao
và du lịch giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020 của UBND tỉnh.
VI. KẾT LUẬN
Đề án xã hội hóa các hoạt động văn
hóa, thể thao và du lịch được phê duyệt và triển khai thực hiện tốt sẽ mang lại
hiệu quả cao cả về kinh tế và xã hội.
1. Về kinh tế:
- Đề án xã hội hóa các hoạt động
văn hóa, thể thao và du lịch là cơ sở để Nhà nước và nhân dân cùng đầu tư cơ sở
hạ tầng nhằm phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao từ đó thúc đẩy cho du lịch
tỉnh nhà phát triển sẽ đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
nhà.
- Đổi mới cơ chế quản lý hoạt động
đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch ngày càng có hiệu quả cao hơn; sử
dụng có hiệu quả cơ sở vật chất được Nhà nước đầu tư; đồng thời giảm bớt nguồn
chi ngân sách của Nhà nước cho hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
2. Về xã hội:
- Xã hội hoá là giải pháp quan
trọng để thực hiện chính sách công bằng xã hội không chỉ về hưởng thụ mà cả về
đóng góp, cống hiến của nhân dân cho sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch.
- Xã hội hóa sẽ tạo mọi điều kiện
cho các tầng lớp xã hội, nhất là đối với người nghèo, các đối tượng chính sách,
nhân dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào vùng dân tộc thiểu số, biên giới được nâng
cao mức hưởng thụ văn hóa, thể thao và du lịch./.