UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
3503/QĐ-UBND .VX
|
Vinh,
ngày 11 tháng 9 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ NGHỆ
AN GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ sức khỏe
nhân dân ban hành ngày 30 tháng 6 năm 1989;
Căn cứ Quyết định số
153/2006/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và
tầm nhìn đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 08/NQ-TU
ngày 13 tháng 11 năm 2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về nâng cao chất lượng
khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân đến năm 2010 và những năm tiếp
theo;
Căn cứ Quyết định số
87/2005/QĐ-UBND ngày 03/10/2005 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định chức
năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Sở Y tế;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y
tế tỉnh Nghệ An tại Tờ trình số 1264/SYT-KH ngày 10/8/2007 về việc quy hoạch tổng
thể phát triển Y tế tỉnh Nghệ An,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Y tế
tỉnh Nghệ An giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 với những nội dung
chủ yếu sau đây:
1. Hệ thống Y
tế theo quy hoạch này gồm mạng lưới cung cấp dịch vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở,
khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng, mạng lưới sản xuất, lưu thông, phân
phối và cung ứng thuốc.
2. Mục tiêu
chung: xây dựng hệ thống Y tế tỉnh Nghệ An trong lộ trình chung của Hệ thống Y
tế Việt Nam, từng bước hiện đại, hoàn chỉnh, và đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở theo
hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng
cao và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; giảm tỷ lệ
mắc bệnh, tật và tử vong, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống; đạt và
vượt các chỉ tiêu về sức khỏe đã đề ra trong Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức
khỏe nhân dân giai đoạn 2001 - 2010.
3. Mục tiêu cụ
thể:
a) Đầu tư phát triển mạng lưới y
tế dự phòng có đủ khả năng dự báo, giám sát, phát hiện và khống chế các dịch bệnh,
nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, tật gây ra, bao gồm các nội dung chủ yếu
sau:
- Phòng chống dịch chủ động,
tích cực, không để dịch lớn xảy ra.
- Kiểm soát, khống chế được các
bệnh dịch nguy hiểm và các tác nhân truyền nhiễm, gây dịch, nhất là các dịch bệnh
mới phát sinh.
- Khống chế số người nhiễm HIV ở
mức dưới 0,3% dân số vào năm 2010 và không tăng hơn trong các năm sau.
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
an toàn vệ sinh thực phẩm.
b) Đầu tư, sắp xếp mạng lưới
khám, chữa bệnh theo hướng:
- Sắp xếp và củng cố mạng lưới
khám, chữa bệnh theo cụm dân cư; các đơn vị chuyên môn y tế được quản lý theo
ngành, bảo đảm cho mọi người dân tiếp cận một cách thuận lợi với các dịch vụ
chăm sóc sức khỏe có chất lượng tại các tuyến.
- Bảo đảm tính hệ thống và tính
liên tục trong chuyên môn của từng tuyến điều trị và sự phát triển cân đối, hợp
lý giữa các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa.
- Các bệnh viện xây dựng mới phải
phù hợp với quy hoạch chung; bảo đảm đủ điều kiện xử lý chất thải y tế, chống
nhiễm khuẩn tại các bệnh viện để các hoạt động khám chữa bệnh không ảnh hưởng đến
người dân và môi trường sống.
- Phấn đấu đến năm 2010 và 2020,
số giường bệnh /vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 16 giường (năm
2010) và 20, 5 giường (năm 2020), trong đó số giường của bệnh viện tư nhân từ 1
- 2 giường.
- Duy trì, củng cố và hiện đại
hoá Bệnh viện Y học cổ truyền để đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng II, phát triển
thêm các khoa y dược học cổ truyền ở những bệnh viện đa khoa huyện đang còn ở dạng
Tổ Đông y, đồng thời làm cơ sở thực hành về Y dược học cổ truyền cho đào tạo
chuyên ngành.
c) Củng cố và hoàn thiện mạng lưới
y tế cơ sở, nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ y tế
thiết yếu có chất lượng. Đến năm 2010, bảo đảm hầu hết các xã có nhà trạm y tế
kiên cố, đạt tiêu chuẩn và 75% xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã.
d) Phát triển ngành dược thành một
ngành kinh tế - kỹ thuật. Phát triển mạnh công nghiệp dược, nâng cao năng lực sản
xuất thuốc trong tỉnh, ưu tiên các dạng bào chế công nghiệp cao. Quy hoạch và
phát triển các vùng nuôi, trồng dược liệu, các cơ sở sản xuất nguyên liệu hoá
dược. Củng cố phát triển mạng lưới lưu thông, phân phối và cung ứng thuốc để chủ
động cung ứng thường xuyên, đủ thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý và ổn định thị
trường thuốc phòng và chữa bệnh cho nhân dân. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm;
phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua đường thực phẩm.
4. Nội dung quy
hoạch phát triển hệ thống Y tế tỉnh Nghệ An
Phát triển hệ thống Y tế tỉnh
Nghệ An theo hướng tăng cường xã hội hóa công tác y tế, trong đó y tế Nhà nước
đóng vai trò chủ đạo; về cơ bản đủ khả năng đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và
nâng cao sức khỏe nhân dân trong từng thời kỳ với chất lượng ngày càng cao, phù
hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; hướng tới sự công bằng và đạt được hiệu quả
trong cung cấp và sử dụng các dịch vụ y tế.
a) Củng cố và phát triển mạng lưới
y tế dự phòng:
- Các cơ sở y tế dự phòng tuyến
tỉnh:
Từng bước phát triển hệ thống y
tế dự phòng tuyến tỉnh đủ khả năng kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, vệ sinh an
toàn thực phẩm, y tế lao động và vệ sinh môi trường, sức khỏe trường học và
dinh dưỡng. Nâng cấp và chuẩn hóa các phòng xét nghiệm thuộc trung tâm y tế dự
phòng tuyến tỉnh đạt tiêu chuẩn labo an toàn sinh học cấp 2, bảo đảm đủ khả
năng giải quyết các vấn đề về y tế dự phòng của tỉnh, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật
và chuyên môn cho Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh khác trong vùng khi cần thiết.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có
đầy đủ các khoa, phòng chuyên ngành chính là: dịch tễ, y tế lao động, an toàn vệ
sinh thực phẩm và dinh dưỡng, vệ sinh môi trường, Y tế trường học. Củng cố và
phát triển Trung tâm Kiểm dịch biên giới, Cảng biển Cửa Lò, Cảng hàng không sân
bay Vinh,…
Phát triển các Trung tâm kiểm
soát và phòng chống HIV /AIDS trên cơ sở các tổ chức đang thực hiện công tác
phòng chống HIV /AIDS hiện nay; ưu tiên đầu tư phát triển cao hơn, nhằm ngăn chặn
tình trạng gia tăng lây nhiễm HIV /AIDS trong tỉnh, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật
cho trung tâm kiểm soát và phòng chống HIV /AIDS tại các tỉnh khác.
Nâng cấp Trung tâm phòng chống sốt
rét. Nếu sau năm 2010 tỉnh ta khống chế và duy trì tỷ lệ mắc mới sốt rét trong
5 năm liền là dưới 100 bệnh nhân /100.000 dân, sẽ sáp nhập vào Trung tâm Y tế dự
phòng tỉnh, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý bệnh nhân sốt rét và giám sát dịch.
- Các cơ sở y tế dự phòng tuyến
huyện:
Xây dựng và phát triển các trung
tâm y tế dự phòng huyện để làm nhiệm vụ: vệ sinh phòng bệnh, giám sát, phát hiện
và phòng chống dịch, kiểm soát và phòng chống HIV/AIDS, kiểm soát vệ sinh an
toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe sinh sản, truyền thông giáo dục sức khỏe và
tham gia xây dựng làng văn hóa sức khỏe trên địa bàn.
b) Phát triển mạng lưới khám chữa
bệnh - phục hồi chức năng:
- Hình thành mạng lưới khám, chữa
bệnh theo các tuyến kỹ thuật từ thấp đến cao, bảo đảm tính liên tục về cấp độ
chuyên môn. Mỗi cơ sở đảm bảo việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho một cụm
dân cư, bảo đảm tiêu chuẩn xếp hạng bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế cho từng
tuyến.
+ Tuyến 1: Bao gồm các bệnh viện
đa khoa huyện, thành, thị xã, bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện, một số bệnh
viện ngành và bệnh viện tư nhân, cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh cơ bản; tiếp
nhận bệnh nhân từ cộng đồng hay từ các trạm y tế cơ sở chuyển đến.
Mỗi khu vực cụm dân cư huyện hoặc
liên huyện có một bệnh viện huyện hoặc bệnh viện đa khoa khu vực. Quy mô giường
bệnh tuyến 1 tối thiểu là 50 giường và tối đa không quá 200 giường tuỳ theo mật
độ dân cư trong cụm dân cư phục vụ.
(Riêng huyện Quỳnh Lưu do dân số
trên 35 vạn có thể có quy mô trên 200 giường). Trung bình cứ 1 giường bệnh phục
vụ từ 1.500 đến 1.700 dân.
Duy trì và phát triển Phòng khám
đa khoa khu vực thuộc bệnh viện huyện tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng
xa, bảo đảm cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản cho nhân dân địa phương.
+ Tuyến 2: Bao gồm các bệnh viện
đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, bệnh viện tư nhân và một số bệnh viện ngành đạt
tiêu chuẩn bệnh viện hạng II trở lên; cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh với
các kỹ thuật chuyên khoa, chuyên ngành, đáp ứng hầu hết các nhu cầu khám, chữa
bệnh của nhân dân; là cơ sở thực hành cho học sinh các trường y - dược trong tỉnh.
Hiện tại, Bệnh viện Hữu nghị Đa
khoa Nghệ An đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng II; sau năm 2010 phấn đấu đạt bệnh
viện hạng I (tương đương Bệnh viện Trung ương). Trung bình cứ 1 giường bệnh tuyến
2 (bao gồm cả các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh) phục vụ từ 900 đến 1.000
dân trong tỉnh và khu vực lân cận.
Trong giai đoạn tới, tiếp tục củng
cố và phát triển các Trung tâm chuyên khoa Nội tiết, Mắt thành Bệnh viện chuyên
khoa Nội tiết, Bệnh viện chuyên khoa Mắt. Từ năm 2010 thành lập Bệnh viện Phụ sản
quy mô từ 200 - 300 giường bệnh.
Củng cố và phát triển Bệnh viện
Điều dưỡng - phục hồi chức năng trên cơ sở tự bảo đảm, cân đối ngân sách cho hoạt
động có hiệu quả của bệnh viện, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về phục hồi
chức năng của nhân dân và người lao động.
c) Củng cố, hoàn thiện mạng lưới
y tế cơ sở:
- Tiếp tục củng cố và hoàn thiện
mạng lưới y tế cơ sở cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ y tế, nâng
cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cơ bản
của toàn dân, đồng thời thực hiện được một số kỹ thuật đơn giản trong khám, điều
trị.
- Củng cố tổ chức, mạng lưới và
hoạt động chuyên môn của y tế xã. Đến năm 2010, hầu hết các xã, phường có trạm
y tế kiên cố phù hợp với điều kiện kinh tế, địa lý, môi trường sinh thái và nhu
cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn.
- Bảo đảm 90% số Trạm y tế xã có
bác sỹ, trong đó có 100% các Trạm y tế xã ở đồng bằng và 80% các Trạm y tế xã ở
miền núi có bác sỹ; 100% Trạm Y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản, nhi, trong
đó 80% là nữ hộ sinh trung học; 80% trạm y tế xã có cán bộ làm công tác y dược
học cổ truyền; trung bình mỗi cán bộ trạm y tế xã phục vụ từ 1.000 đến 1.200
dân. Bảo đảm tối thiểu có 5 cán bộ y tế theo chức danh do Bộ Y tế quy định cho
1 trạm y tế xã. ở các thành phố lớn, số lượng cán bộ y tế được cân đối theo tỷ
lệ cứ 1.400 đến 1.500 dân có một cán bộ trạm y tế phường phục vụ. Phấn đấu đến
hết năm 2010 có 75% số xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã.
- Đảm bảo mỗi thôn, bản có từ 1
đến 2 nhân viên y tế có trình độ từ sơ học y trở lên hoạt động.
- Các doanh nghiệp có số lượng
công nhân từ 200 đến dưới 500 người phải có từ 01 - 03 cán bộ y tế phục vụ. Các
doanh nghiệp có từ 500 công nhân trở lên phải thành lập trạm y tế của doanh
nghiệp.
- Bảo đảm mỗi trường phổ thông
có từ 01 – 02 cán bộ y tế phục vụ. Các trường đại học, cao đẳng, trung học
chuyên nghiệp có trạm y tế cơ sở.
d) Củng cố và nâng cao năng lực
quản lý Nhà nước về dược, phát triển hệ thống sản xuất, lưu thông phân phối và
cung ứng thuốc. Bảo đảm anh toàn vệ sinh thực phẩm, mỹ phẩm.
- Kiện toàn và nâng cao năng lực
quản lý Nhà nước về dược phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, mỹ phẩm từ tỉnh đến
cơ sở.
- Quy hoạch và phát triển ngành
dược trở thành một ngành kinh tế – kỹ thuật mũi nhọn theo hướng công nghiệp
hoá, hiện đại hoá.
+ Quy hoạch và phát triển toàn
diện cả về công nghiệp bào chế thuốc, công nghiệp sản xuất thuốc từ dược liệu,
các vùng nuôi, trồng dược liệu trọng điểm, công nghiệp sản xuất nguyên liệu hoá
dược và nguyên liệu kháng sinh làm thuốc.
+ Quy hoạch, tổ chức lại và phát
triển hệ thống phân phối, cung ứng thuốc, bảo đảm ổn định thị trường thuốc với
giá cả hợp lý, bảo đảm chất lượng phục vụ công tác phòng bệnh và chữa bệnh cho
nhân dân.
5. Các giải
pháp chủ yếu:
a) Về nguồn nhân lực cho các cơ
sở y tế:
Phát triển nguồn nhân lực y tế
cân đối và hợp lý. Bảo đảm đạt được các chỉ tiêu cơ bản: năm 2010 có trên 5 bác
sỹ và 0, 7 dược sỹ đại học/vạn dân; bảo đảm cơ cấu cán bộ y tế là 1 bác sỹ/3 y
tá - điều dưỡng; năm 2020 có từ 7 bác sỹ và tối thiểu 1 dược sỹ đại học/vạn
dân.
Tăng tỷ lệ tuyển sinh các đối tượng
Điều dưỡng, Dược sỹ đại học, Kỹ thuật viên. Mở rộng tuyển sinh theo chế độ cử
tuyển, đào tạo liên kết, chú trọng tuyển sinh người dân tộc thiểu số, vùng sâu,
vùng xa.
Đề xuất các chính sách về đào tạo
và phân công cán bộ y tế sau khi tốt nghiệp, có cơ chế thu hút, sử dụng cán bộ
y tế công và chính sách đưa cán bộ y tế tăng cường cho cơ sở, nhất là ở vùng
sâu, vùng xa.
Xây dựng các đề án đào tạo cử
tuyển và hợp đồng đào tạo theo địa chỉ cho khu vực miền núi.
Có chính sách thu hút, đãi ngộ
nhân tài và chính sách khuyến khích sử dụng cán bộ y tế công lập, nhất là trong
lĩnh vực y tế dự phòng, các cơ sở y tế có đặc thù. Nâng cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng
cho Trường Cao đẳng Y tế Nghệ An và các cơ sở thực hành của trường. Chuẩn bị mọi
điều kiện để thành lập Trường đại học Y - Dược, Vinh.
b) Về tài chính:
Tạo bước đột phá trong việc tăng
tốc đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực y tế để nâng cấp các cơ sở y tế;
trong đó ưu tiên củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và y tế dự phòng, các
bệnh viện đa khoa huyện miền núi, các đơn vị thuộc Trung tâm y tế kỹ thuật cao
vùng Bắc Trung bộ. Bảo đảm kinh phí để thực hiện chính sách của Nhà nước về
khám, chữa bệnh cho người có công với cách mạng, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi
và các đối tượng chính sách xã hội.
Nghiên cứu sửa đổi định mức chi
thường xuyên từ ngân sách Nhà nước của lĩnh vực y tế theo hướng ưu tiên hơn nữa
cho các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Nghiên cứu bổ sung, sửa đổi
chính sách thu phí, lệ phí y tế dự phòng đối với các dịch vụ nhà nước cho phép,
theo nguyên tắc bù đắp một phần chi phí cơ bản để tạo nguồn thu bổ sung đầu tư
cho y tế dự phòng.
Thực hiện xã hội hóa lĩnh vực y
tế theo Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã
hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao. Tăng cường
tuyên truyền vận động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước
cho y tế.
Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ
về tài chính đối với các cơ sở y tế công lập, phát huy tính năng động, sáng tạo
và nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ sở.
Quản lý, sử dụng nguồn tài chính
đầu tư cho y tế đúng mục đích, đạt hiệu quả cao. Tăng cường hợp tác quốc tế
tranh thủ nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực y tế.
c) Phát triển khoa học và công
nghệ, bảo vệ môi trường.
Tăng cường nghiên cứu ứng dụng kỹ
thuật hiện đại và công nghệ mới thích hợp với từng tuyến phục vụ cấp cứu, chẩn
đoán, điều trị và dự phòng nhằm giải quyết được hầu hết các bệnh, tật đòi hỏi kỹ
thuật cao trong chẩn đoán và điều trị.
Từng bước hiện đại hoá kỹ thuật
chẩn đoán hình ảnh, chẩn đoán hoá sinh, lý sinh, miễn dịch, di truyền và sinh học
phân tử. Áp dụng các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến về tim mạch, nội soi, chỉnh
hình, vi phẫu, thay thế và ghép phủ tạng. Xây dựng một số labo chuẩn kiểm nghiệm
thuốc, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm chuẩn trang thiết bị y tế.
Mở rộng hợp tác quốc tế và khu vực
trong việc phát triển, ứng dụng kỹ thuật y dược học tiên tiến.
Chú trọng công tác vệ sinh môi
trường, xử lý chất thải y tế trong các cơ sở y tế theo đúng tiêu chuẩn quy định.
d) Bảo đảm cung ứng thuốc và
trang thiết bị y tế.
Xây dựng mô hình sản xuất, cung ứng
thuốc hiện đại, tiên tiến, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, có cạnh tranh
lành mạnh, giảm thiểu các nấc trung gian, đảm bảo cung ứng thuốc thường xuyên,
đầy đủ với chất lượng và giá cả hợp lý cho nhu cầu phòng bệnh và chữa bệnh của
nhân dân.
Khuyến khích đầu tư liên danh,
liên kết, chuyển giao công nghệ, từng bước tự chủ về sản xuất các loại thuốc
quý hiếm phù hợp với nhu cầu và mô hình bệnh tật của địa phương.
Thực hiện cổ phần hóa các doanh
nghiệp kinh doanh trang thiết bị y tế. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh
trong cung cấp trang thiết bị cho các cơ sở y tế. Nâng cao năng lực sử dụng, vận
hành thiết bị tại các cơ sở y tế, thực hiện công tác duy tu, bảo trì, bảo dưỡng
và bảo quản thiết bị trong các cơ sở y tế.
đ) Cải cách hành chính trong y tế.
Đẩy mạnh cải cách hành chính,
hoàn thiện hệ thống văn bản về y tế phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã
hội của tỉnh. Nghiên cứu và bổ sung một số biện pháp để bảo vệ sinh mạng, sức
khỏe, nhân phẩm của người bệnh và của cán bộ y tế trong lúc làm nhiệm vụ; thực
hiện bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp đối với cán bộ y tế. Kiện toàn hệ thống thanh
tra y tế, nâng cao hiệu lực hoạt động thanh tra để thực hiện tốt quản lý Nhà nước.
Phân cấp quản lý rõ ràng cho các
tuyến y tế. Thực hiện giao quyền tự chủ về tài chính cho các đơn vị.
Nâng cao năng lực lập kế hoạch
trong các lĩnh vực hoạt động của ngành y tế. Thường xuyên theo dõi, giám sát và
đánh giá kết quả hoạt động.
e) Tăng cường hợp tác quốc tế.
Tăng cường hợp tác với các tổ chức
quốc tế, tổ chức phi chính phủ, đặc biệt với các tổ chức Ngân hàng quốc tế và
các Chính phủ đã và đang có chính sách hỗ trợ.
Xây dựng các đề án đầu tư trọng
tâm, trọng điểm để kêu gọi đầu tư, phát triển Trung tâm y tế kỹ thuật cao, cho
các huyện khó khăn.
Khuyến khích các tổ chức viện trợ
không hoàn lại cho nhu cầu khám, chữa bệnh người nghèo, trẻ em, người tàn tật
và phòng chống một số loại bệnh, dịch nguy hiểm như Lao, Sốt rét, HIV/AIDS và
các bệnh, dịch lạ,...
Mở rộng liên doanh, liên kết với
các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư phát triển các lĩnh vực của
ngành.
6. Lộ trình thực
hiện quy hoạch. a) Giai đoạn 2007 - 2008:
Tập trung củng cố, sắp xếp và
xây dựng các đơn vị mới: Trung tâm Mắt, Trung tâm chống phong và da liễu; Trung
tâm phòng chống HIV /AIDS ; các Trung tâm y tế dự phòng huyện.
Đầu tư nâng cấp các bệnh viện
huyện, bệnh viện đa khoa khu vực theo Quyết định số 225/2005/QĐ-TTg ngày
15/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ.
Triển khai các dự án đã được
UBND tỉnh phê duyệt. b) Giai đoạn 2008 - 2010:
Hoàn thiện việc đầu tư cho các bệnh
viện huyện và bệnh viện đa khoa khu vực. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư bệnh viện đa
khoa tỉnh 700 giường và các đơn vị thuộc Trung tâm y tế kỹ thuật cao vùng Bắc
Trung bộ, triển khai các dự án để thành lập Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Nội tiết
Nghệ An.
Tiếp tục nâng cấp các trung tâm
y tế dự phòng tuyến tỉnh.
Tiếp tục đầu tư các công trình
chưa hoàn thành trong giai đoạn 2006 - 2008 và các công trình khác được quy định
trong quy hoạch đến năm 2010.
c) Giai đoạn từ 2011 - 2020:
Nâng cấp Trường Cao đẳng Y tế
thành Trường đại học Y - Dược Vinh.
Đưa bệnh viện đa khoa Nghệ An
700 giường vào sử dụng.
Thành lập các bệnh viện: Bệnh viện
Phụ Sản, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Mắt tỉnh.
Tiếp tục đầu tư các bệnh viện
chuyên khoa của tỉnh đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng II, các bệnh viện đa khoa
tuyến huyện, hạng III.
Phát triển công nghiệp dược sản
xuất thuốc tốt (GPM).
Điều 2.
Tổ chức thực hiện
2.1. Sở Y tế: Là cơ quan chủ
trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố Vinh, thị
xã Cửa Lò xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai và tổ chức kiểm tra, giám
sát việc thực hiện quy hoạch; định kỳ tổng hợp kết quả báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
Chủ trì phối hợp với các Sở,
ngành và cơ quan liên quan xây dựng trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch
phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh.
Phối hợp với Sở Nội vụ, các Sở,
ngành liên quan xây dựng Quy hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế; đề
án củng cố tổ chức để nâng cao năng lực quản lý Nhà nước cho đội ngũ cán bộ
tham gia quản lý, điều hành; xây dựng đề án thu hút cán bộ y tế có trình độ
chuyên môn cao về công tác tại Nghệ An. Đề án đào tạo cán bộ y tế miền núi,
vùng sâu, vùng xa, … trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
2.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chịu
trách nhiệm huy động và cân đối các nguồn lực đầu tư cho y tế để thực hiện quy
hoạch theo đúng tiến độ; giám sát việc thực hiện Quy hoạch.
2.3. Sở Tài chính: Chịu trách
nhiệm bảo đảm nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho y tế theo kế hoạch 5 năm và hàng
năm; cùng với Sở Y tế cân đối ngân sách toàn ngành và cho các lĩnh ưu tiên
trong quy hoạch.
2.4. Sở Xây dựng: Chịu trách nhiệm
xây dựng quy hoạch tổng thể cho các công trình y tế phù hợp với quy hoạch chung
của tỉnh, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư giám sát việc thực hiện Quy hoạch.
2.5. Các Sở, ngành liên quan
khác chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế bố trí nguồn lực dành cho công tác
phát triển, củng cố và nâng cao chất lượng các cơ sở y tế trong tỉnh.
2.6. Chủ tịch UBND các huyện,
thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò chịu trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực
hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế trong phạm vi địa phương.
Điều 3.
Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Các ông (bà): Chánh Văn phòng
UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Y tế, Nội vụ, Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Thủ
trưởng các ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp liên quan; Chủ tịch UBND các huyện,
thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hoàng Ky
|