Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 2720/QĐ-UBND 2021 triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID 19 tỉnh Nghệ An

Số hiệu: 2720/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An Người ký: Bùi Đình Long
Ngày ban hành: 02/08/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2720/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 02 tháng 8 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN NĂM 2021 - 2022

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị Quyết số 21/2021/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19;

Căn cứ Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021-2022;

Căn cứ Quyết định số 2628/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tỉnh Nghệ An;

Theo đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 3365/TTr-SYT ngày 31/7/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2021-2022.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1023/QĐ-UBND ngày 16/4/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 giai đoạn 2021-2022.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Y tế;
- Thường trực T
nh ủy;
- Thường
trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các Ban Đảng thuộc Tỉnh ủy;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VTUB, KT, TH, KGVG (TP
, P).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Đình Long

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN NĂM 2021 - 2022
(Ban hành Kèm theo Quyết định số 2720/QĐ-UBND ngày 02/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An)

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH VÀ THỰC TRẠNG CÔNG TÁC TIÊM CHỦNG TẠI NGHỆ AN

1. Sự cần thiết xây dựng kế hoạch

Đại dịch COVID-19 đã lây lan và bùng phát mạnh tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, tính đến ngày 19/07/2021 đã có hơn 190 triệu người mắc và hơn 4 triệu người tử vong; gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu.

Hiện nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai chiến lược tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên quy mô lớn, điển hình như tại Mỹ và một số nước Châu Âu có tỷ lệ bao phủ tiêm chủng rất cao, ngăn chặn hiệu quả việc lây lan dịch bệnh, đây là cơ sở để các nước dần mở cửa trở lại. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã khuyến cáo tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch COVID-19. Các nước cần đẩy mạnh tiêm vắc xin để tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

Tại Việt Nam, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 về nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó yêu cầu sớm xây dựng, công khai chương trình, kế hoạch tiêm vắc xin cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với lộ trình thời gian cụ thể. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Bộ Y tế đang rất nỗ lực thúc đẩy đưa vắc xin phòng COVID-19 về nước sớm nhất, nhiều nhất, khẩn trương, quyết liệt triển khai có hiệu quả chiến lược vắc xin.

Nghệ An đã trải qua 4 đợt dịch, bằng tinh thần chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống nên tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội thì việc tiêm chủng vắc xin để phòng ngừa chủ động, tạo miễn dịch cộng đồng (trên 70% dân số được tiêm phòng vắc xin COVID-19) càng ngày càng trở nên cấp bách và là biện pháp căn cơ, hiệu quả, bền vững.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18/5/2021 về việc mua vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế đang khẩn trương triển khai ký kết hợp đồng mua vắc xin từ các nhà sản xuất. Theo đó số lượng vắc xin từ nguồn mua, nguồn tài trợ của Tổ chức Y tế Thế giới và nguồn viện trợ của các nước sẽ có khoảng 120 triệu liều trong năm 2021. Để sẵn sàng tiếp nhận vắc xin từ Bộ Y tế và triển khai tiêm chủng cho nhân dân trong năm 2021, tỉnh Nghệ An chủ động xây dựng và triển khai Kế hoạch với mục tiêu tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 sớm nhất, nhanh nhất và an toàn nhất ngay khi tỉnh được Bộ Y tế phân bổ số lượng lớn là hết sức cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

2. Thực trạng công tác tiêm chủng tại Nghệ An

- Hệ thống tiêm chủng của Nghệ An được xây dựng trên nền tảng phục vụ chương trình Tiêm chủng mở rộng, trong đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã giữ vai trò chủ yếu trong công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, việc tổ chức tiêm chủng được thực hiện tại các Trạm Y tế và một số bệnh viện. Ngoài ra còn có các điểm tiêm chủng vắc xin dịch vụ tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

- Theo thống kê trên toàn tỉnh có 519 điểm tiêm chủng tại các cơ sở đã công bố đủ điều kiện tiêm chủng đảm bảo hoạt động, trong đó: 5 điểm tại các bệnh viện tuyến tỉnh, 9 điểm Bệnh viện Đa khoa khu vực/tuyến huyện, 21 điểm Trung tâm Y tế tuyến huyện, 24 điểm tại cơ sở tư nhân đủ điều kiện (gồm: 7 điểm tại BV tư nhân, 17 điểm tại PKĐK tư nhân và cơ sở tiêm chủng dịch vụ tư nhân) và 460 điểm tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn tương ứng với 716 dây chuyền tiêm, với công suất tối đa là 107.400 mũi tiêm/ngày (phụ lục kèm theo).

- Về năng lực tiếp nhận, bảo quản vắc xin: Toàn tỉnh có 15 tủ bảo quản TCW4000AC, 48 tủ bảo quản TCW3000, 23 tủ bảo quản TCW30AC, 47 hòm lạnh loại 25 lít, 13 hòm lạnh loại 12 lít, 14 hòm lạnh loại 8 lít và 1.246 phích vắc xin. Số lượng vắc xin có thể tiếp nhận, bảo quản khoảng 500.000 liều

II. CƠ SỞ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21/11/2007;

2. Luật Dược ngày 06/4/2016;

3. Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19;

4. Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021;

5. Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2021 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

6. Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;

7. Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 16/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về việc Quy định hoạt động tiêm chủng;

8. Thông tư số 24/2018/TT-BYT ngày 18/9/2018 của Bộ Y tế quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế;

9. Thông tư số 05/2020/TT-BYT ngày 03/4/2020 của Bộ Y tế quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2018/TT-BYT ngày 18/9/2018 của Bộ Y tế quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin;

10. Thông tư số 36/2018/TT-BYT ngày 22/11/2018 của Bộ Y tế quy định về thực hành tốt bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc;

11. Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 15/7/2021 của Bộ Y tế về việc Ban hành Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19;

12. Công văn số 1734/BYT-DP ngày 17/03/2021 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19;

13. Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/07/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021-2022.

14. Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Phòng, chống dịch chủ động bằng việc sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong năm 2021.

- Trên 70% dân số được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đến hết quý I/2022.

- Đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

IV. NGUYÊN TẮC, THỜI GIAN, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI TRIỂN KHAI

1. Nguyên tắc

- Chiến dịch triển khai tại tất cả các xã, phường, thị trấn và các điểm tiêm chủng khác trên địa bàn tỉnh.

- Sử dụng đồng thời tất cả các loại vắc xin phòng COVID-19, đủ điều kiện từ các nguồn cung ứng khác nhau để tăng độ bao phủ của vắc xin cho người dân.

- Đảm bảo tiêm hết số lượng vắc xin hết hạn bảo quản trước khi hết hạn sử dụng và tránh để lãng phí trong tiêm vắc xin.

- Huy động hệ thống chính trị tham gia chiến dịch tiêm chủng, huy động tối đa các lực lượng bao gồm các cơ sở trong và ngoài ngành y tế, lực lượng công an, quân đội, các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành, đoàn thể bao gồm Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ... hỗ trợ triển khai tiêm chủng.

- Đảm bảo tỷ lệ bao phủ và tỷ lệ sử dụng vắc xin cao cho người trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm vắc xin phòng COVID-19 (đạt trên 90%).

- Mỗi điểm tiêm chỉ tiêm một loại vắc xin tại một thời điểm.

- Đảm bảo tối đa an toàn tiêm chủng.

2. Thời gian: Từ tháng 8/2021 đến tháng 4/2022.

3. Đối tượng tiêm

Toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc xin phòng COVID-19 theo khuyến cáo của nhà sản xuất, trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế:

a) Người làm việc trong các cơ sở y tế, ngành y tế (công lập và tư nhân);

b) Người tham gia phòng, chống dịch (Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...);

c) Lực lượng Quân đội;

d) Lực lượng Công an;

đ) Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài; người làm việc trong các cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam;

e) Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh;

g) Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước;

h) Giáo viên, người làm việc, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; Lực lượng bác sỹ trẻ; Người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính; Các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá... thường xuyên tiếp xúc với nhiều người;

i) Người mắc các bệnh mạn tính; Người trên 65 tuổi;

k) Người sinh sống tại các vùng có dịch;

l) Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội;

m) Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài hoặc có nhu cầu xuất cảnh để công tác, học tập và lao động ở nước ngoài; chuyên gia nước ngoài làm việc tại Nghệ An;

n) Các đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, tín dụng, du lịch...), cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế...cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch;

o) Các chức sắc, chức việc các tôn giáo;

p) Người lao động tự do;

q) Các đối tượng khác theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và đề xuất của các đơn vị viện trợ vắc xin cho Bộ Y tế.

4. Phạm vi triển khai: Trên quy mô toàn tỉnh, trong đó ưu tiên cho:

- Các huyện/thành/thị đang có dịch. Trong huyện/thành/thị ưu tiên tiêm chủng trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch.

- Các huyện/thành/thị thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của tỉnh.

- Các huyện/thành/thị có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư.

- Các huyện/thành/thị có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế.

5. Hình thức triển khai

Tổ chức chiến dịch tiêm chủng tại các các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tất cả các tuyến (bao gồm các điểm tiêm chủng cố định và điểm tiêm chủng lưu động).

V. NỘI DUNG

1. Cung ứng vắc xin

Tỉnh Nghệ An sẽ tiếp nhận vắc xin theo các Quyết định phân bổ của Bộ Y tế cho từng đợt và triển khai chiến dịch tiêm chủng theo thứ tự ưu tiên tại mục 3, phần IV.

1.1. Thiết lập hệ thống dây chuyền lạnh

- Sử dụng hệ thống dây chuyền lạnh của chương trình tiêm chủng mở rộng và kho K55/Cục Hậu cần Quân khu 4.

- Sử dụng tài liệu được tập huấn và triển khai các hoạt động tập huấn về tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin.

- Đảm bảo toàn bộ hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản đạt tiêu chuẩn GSP.

1.2. Tiếp nhận vắc xin, vật tư tiêm chủng

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An, kho K55/Cục Hậu cần Quân khu 4 hoàn thiện các thủ tục, chuẩn bị các trang thiết bị để tiếp nhận vắc xin, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 từ kho quốc gia.

- Các đơn vị bảo quản, đơn vị tiêm chủng tuyến huyện, tuyến xã hoàn thiện các thủ tục, chuẩn bị các trang thiết bị để tiếp nhận vắc xin, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 từ kho của tỉnh.

1.3. Vận chuyển, bảo quản vắc xin và vật tư tiêm chủng

- Thời gian vận chuyển vắc xin đến các điểm tiêm chủng không quá 03 ngày kể từ khi vắc xin được xuất xưởng từ kho quốc gia.

- Thực hiện bảo quản ở nhiệt độ từ 2°C đến 8°C trong toàn bộ quá trình tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển tại tất cả các tuyến tỉnh, huyện, xã và điểm tiêm chủng.

a) Giai đoạn từ tháng 8/2021

- Sử dụng hệ thống dây chuyền lạnh sẵn có của hệ thống tiêm chủng mở rộng để vận chuyển, bảo quản vắc xin; vắc xin phải được bảo quản ở nhiệt độ từ 2°C đến 8°C trong toàn bộ quá trình tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển ở tất cả các tuyến.

- Các đơn vị có đủ dây chuyền lạnh thì bảo quản vắc xin tại đơn vị trong những ngày tổ chức tiêm chủng. Đối với các đơn vị chưa có đủ hệ thống dây chuyền lạnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (TTKSBT), Trung tâm Y tế (TTYT) tuyến huyện cung cấp vắc xin cho mỗi buổi tiêm hoặc cấp bổ sung tạm thời hòm lạnh, phích vắc xin cho các đơn vị để triển khai chiến dịch, vắc xin còn tồn cuối đợt tiêm tại các đơn vị được trả lại TTKSBT tỉnh, TTYT cấp huyện.

- Khi chưa vận hành kho K55/Cục Hậu cần Quân khu 4: Các Trung tâm Y tế tuyến huyện chủ động bố trí các phương tiện để tiếp nhận, vận chuyển vắc xin và các vật tư, thiết bị kèm theo về đơn vị.

- Khi kho K55/Cục Hậu cần Quân khu 4 đã vận hành: Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành thực hiện vận chuyển vắc xin và các vật tư, thiết bị kèm theo đến các Trung tâm Y tế huyện, thành phố, thị xã.

b) Giai đoạn từ tháng 9/2021

- Sử dụng hệ thống dây chuyền lạnh tại kho K55/Cục Hậu cần Quân khu 4 để bảo quản, vận chuyển vắc xin.

- Trong vòng 02 ngày sau khi có Quyết định phân bổ vắc xin của Bộ Y tế, kho K55/Cục Hậu cần Quân khu 4 thực hiện tiếp nhận vắc xin từ kho quốc gia, phối hợp với Sở Y tế để cấp phát cho các TTYT tuyến huyện hoặc các điểm tiêm chủng theo kế hoạch của tỉnh.

- Các đơn vị có đủ dây chuyền lạnh thì bảo quản vắc xin tại đơn vị trong những ngày tổ chức tiêm chủng. Đối với các đơn vị chưa có đủ hệ thống dây chuyền lạnh, TTKSBT tỉnh, TTYT tuyến huyện cấp bổ sung hoặc huy động tạm thời hòm lạnh, phích vắc xin cho các đơn vị để triển khai chiến dịch, vắc xin còn tồn cuối đợt tiêm tại các đơn vị phải tạm thời bảo quản tại TTKSBT tỉnh, TTYT tuyến huyện và thông báo cho kho K55/Cục Hậu cần Quân khu 4 để điều phối.

2. Tổ chức tiêm chủng

2.1. Tăng cường năng lực hệ thống tiêm chủng

- Rà soát, đầu tư, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, dây chuyền lạnh, nhân lực...cho các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động.

- Lập danh sách các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện kể cả nhà nước và tư nhân trong và ngoài ngành y tế; có kế hoạch huy động toàn bộ cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn để phối hợp thực hiện tiêm chủng trong trường hợp cần thiết. Có phương án thiết lập thêm các điểm tiêm chủng lưu động khi cần.

- Sử dụng tài liệu, chương trình, kế hoạch; các đơn vị phối hợp tập huấn cho cán bộ y tế về bảo quản, vận chuyển, sử dụng, theo dõi sự cố bất lợi và sau tiêm chủng cho từng loại vắc xin.

2.2. Tổ chức buổi tiêm chủng

- Sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ của nhà nước, tư nhân và các cơ sở khác đủ điều kiện tiêm chủng.

- Trong trường hợp cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng thì bố trí các cụm điểm tiêm chủng lưu động tại các trường học, nhà máy, khu công nghiệp... để tiêm cho nhiều đối tượng cùng thời điểm.

- Cơ sở tiêm chủng bố trí tiêm chủng theo khung giờ, chia thành nhiều bàn, điểm tiêm chủng bảo đảm giãn cách phòng chống dịch; phải sử dụng tối đa công nghệ thông tin trong tiêm chủng, bố trí cán bộ hỗ trợ sử dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai tiêm chủng.

- Các cơ sở điều trị triển khai tiêm chủng cho các đối tượng cần được theo dõi đặc biệt theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

3. Đảm bảo an toàn tiêm chủng

- Sử dụng các tài liệu được tập huấn và tổ chức tập huấn về hướng dẫn khám sàng lọc, xử trí tai biến sau tiêm chủng, an toàn tiêm chủng.

- Tiến hành khám sàng lọc trước đợt tiêm để phân nhóm: Nhóm đủ điều kiện tiêm chủng ngay, nhóm trì hoãn tiêm chủng, nhóm tiêm chủng tại bệnh viện và nhóm không đủ điều kiện tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập trên địa bàn các huyện, thành, thị (Bệnh viện, TTYT đa chức năng, các phòng khám) tổ chức các đội cấp cứu tại đơn vị mình và hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng, đặc biệt là các xã ở các vùng đi lại khó khăn, ít nhất 01 đội cấp cứu lưu động (nhân lực, phương tiện, cơ số thuốc...) cho cụm 3-4 điểm tiêm chủng. Trong thời gian triển khai tiêm chủng COVID-19, các bệnh viện (trong và ngoài công lập), Trung tâm Y tế có chức năng khám, chữa bệnh phải dự phòng một số giường bệnh hồi sức nhất định (bố trí tối thiểu 5 giường/đơn vị) để sẵn sàng xử trí trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng. Cơ sở khám, chữa bệnh công lập tuyến huyện trên địa bàn chịu trách nhiệm rà soát năng lực, xây dựng phương án đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng (kể cả việc đề xuất huy động từ các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập trên địa bàn hoặc từ các địa bàn khác trong tỉnh).

- Tại các điểm tiêm chủng phải bố trí trang thiết bị, phương tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp cần thiết.

- Thực hiện nghiêm túc 5K, giãn cách và các biện pháp phòng chống dịch tại các điểm tiêm chủng.

4. Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng

Để công khai minh bạch thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, các đơn vị, địa phương sử dụng Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 để triển khai chiến dịch. Nền tảng bao gồm 4 thành phần: (1) Cổng công khai thông tin tiêm chủng tại địa chỉ: https://tiemchungcovid19.gov.vn; (2) Hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng; (3) Hệ thống phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; (4) Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, cụ thể như sau:

4.1. Quản lý đối tượng tiêm chủng

- Thông tin về đăng ký tiêm chủng, kế hoạch tiêm chủng, lịch tiêm chủng và các nội dung truyền thông đại chúng liên quan được thông báo, cập nhật liên tục cho người dân trên Cổng thông tin của chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Việc đăng ký tiêm chủng và khai báo y tế, cập nhật phản ứng sau tiêm được thực hiện qua các hình thức: ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” trên di động, Cổng thông tin.

- Trong trường hợp nguồn vắc xin phân bổ hạn chế, việc lập danh sách đối tượng tiêm chủng, xếp lịch tiêm chủng theo giờ phải được thực hiện trước khi thông báo cho người dân đăng ký tiêm. Trong trường hợp đảm bảo đủ vắc xin, việc lập danh sách đối tượng tiêm chủng được thực hiện sau khi thông báo cho người dân đăng ký tiêm trong trường hợp đủ số lượng liều vắc xin cho tiêm chủng đại trà.

4.2. Quản lý cơ sở tiêm chủng

- Công khai và cập nhật thường xuyên thông tin vị trí, số bàn tiêm, thông tin người phụ trách trên cổng thông tin của chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn.

- Cơ sở tiêm chủng phải cập nhật thông tin số lượng liều vắc xin được nhập, số lượng tiêm được, số liệu tồn theo ngày và số liệu này phải được cập nhật trên trang thông tin chỉ đạo điều hành của Ban chỉ đạo chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19.

- Hệ thống phục vụ chỉ đạo điều hành của Ban chỉ đạo chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cập nhật trực tuyến tra cứu theo cơ sở tiêm về kết quả số lượng người dân được tiêm, số lượng hoãn tiêm và số lượng được cấp chứng nhận tiêm chủng (lần 1 và lần 2 nếu có).

4.3. Quản lý tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin

- Báo cáo và cập nhật báo cáo của Ban chỉ đạo chiến dịch về số liều vắc xin được phân bổ và thông tin cơ sở làm căn cứ phân bổ cho các địa phương; Tổng hợp báo cáo của các địa phương về kế hoạch phân bổ số lượng liều vắc xin đối với từng đợt phân bổ của Ban chỉ đạo chiến dịch.

- Hệ thống phục vụ chỉ đạo điều hành của Ban chỉ đạo chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cập nhật trực tuyến thông tin về số lượng và thời điểm nhập, xuất, nhập lại các liều vắc xin tra cứu theo số lô của nhà sản xuất của các tổng kho và các kho liên quan trong hệ thống tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển do Ban chỉ đạo quy định.

- Các đơn vị, cơ sở y tế liên quan đến tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản thực hiện cập nhật thông tin, số lượng, báo cáo trên Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19.

4.4. Quản lý buổi tiêm chủng

Trong quá trình thực hiện, thông tin liên quan đến các bước cần được cập nhật trực tiếp lên phân hệ "Hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng" của nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 theo bốn bước: Tiếp đón/Khám sàng lọc và xác nhận đủ điều kiện tiêm/Tiêm và Theo dõi sau tiêm/Cấp giấy xác nhận.

4.5. Rà soát cơ sở vật chất y tế, Công nghệ thông tin phục vụ tiêm chủng; công tác đào tạo, tập huấn triển khai phần mềm quản lý tiêm chủng.

5. Truyền thông

5.1. Nội dung truyền thông

- Truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, của tỉnh Nghệ An về công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, chú trọng truyền thông các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm COVID-19 tỉnh Nghệ An, Sở Y tế trong đó chú trọng Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

- Truyền thông vận động người dân ủng hộ công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo tinh thần “Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng”; vận động người dân đi tiêm chủng khi đến lượt; vận động người dân ủng hộ Quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam.

- Truyền thông Kế hoạch chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại địa phương, hiệu quả của tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong phòng, chống dịch COVID-19, các khuyến cáo về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 an toàn, theo dõi và xử lý phản ứng sau tiêm chủng.

- Phát hiện, nêu gương những cá nhân điển hình trong phong trào thi đua hoàn thành kế hoạch tiêm chủng an toàn.

- Truyền thông người dân cài đặt áp Sổ sức khỏe điện tử trên Smart phone và thực hiện các bước để đăng ký tiêm chủng và cập nhật kết quả tiêm và phản ứng sau tiêm.

- Truyền thông hướng dẫn người dân và doanh nghiệp các bước đăng ký tài khoản trên trang web: https://tiemchungcovid19.gov.vn để đăng ký tiêm chủng và cập nhật kết quả sau tiêm.

5.2. Các hoạt động truyền thông

- Truyền thông kịp thời, chính xác trên các phương tiện thông tin đại chúng về chiến dịch tiêm chủng, vận động người dân đi tiêm chủng khi đến lượt mình, các thông điệp, khuyến cáo tiêm chủng an toàn, theo dõi phản ứng sau tiêm chủng, kêu gọi người dân ủng hộ chiến dịch và Quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam; thông qua các bài viết, phóng sự, tọa đàm, giao lưu trực tuyến, chương trình truyền hình, phát thanh...

- Phối hợp các cơ quan, tổ chức truyền thông mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả về hoạt động Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Sử dụng các thông điệp, khuyến cáo, tài liệu truyền thông về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đến người dân đi tiêm chủng.

- Thực hiện Chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, tổ chức các hoạt động truyền thông trên mạng xã hội và các loại hình truyền thông ứng dụng internet về Chiến dịch.

- Công bố đường dây nóng của Sở Y tế Nghệ An, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các địa phương cung cấp thông tin, tư vấn kịp thời cho người dân về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Truyền thông về các tấm gương điển hình trong công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Cung cấp đầy đủ thông tin về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và truyền thông về sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho các cơ quan báo chí, các cán bộ y tế và các lực lượng tham gia Chiến dịch tiêm chủng.

- Thực hiện truyền thông rộng rãi trên các phương tiện truyền thông truyền hình, phát thanh huyện/xã/thôn/tổ hướng dẫn người dân cài đặt sử dụng đăng ký tài khoản trên app Sổ sức khỏe điện tử và trên trang web: https://tiemchungcovid19.gov.vn để đăng ký tiêm chủng và cập nhật kết quả sau tiêm thông qua video và tài liệu hướng dẫn các bước.

6. Quản lý bơm kim tiêm và rác thải y tế sau tiêm chủng

- Xử lý bơm kim tiêm và rác thải y tế sau buổi tiêm chủng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế và Văn bản số 102/MT-YT ngày 04/3/2021 về việc hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Các cơ sở tiêm chủng, có phương án thu gom và xử lý bơm kim tiêm, rác thải y tế tại điểm tiêm theo quy định của Bộ Y tế. Lọ vắc xin sau khi sử dụng phải được hủy bỏ và ghi chép, báo cáo.

7. Giám sát chất lượng vắc xin và hoạt động tiêm chủng

7.1. Giám sát hoạt động tiêm chủng

- Kiểm tra, giám sát trước, trong và sau chiến dịch;

- Ban chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng tỉnh, Sở Y tế và các đơn vị liên quan tiến hành theo dõi, giám sát các hoạt động tiêm vắc xin phòng chống COVID-19. Kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo tiến độ tiêm chủng.

7.2. Giám sát chất lượng vắc xin

- Thực hiện giám sát chất lượng trước khi sử dụng

- Giám sát chất lượng trong quá trình sử dụng, lấy mẫu kiểm định chất lượng định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu hoặc có sự cố xảy ra.

7.3. Báo cáo kết quả tiêm chủng

- Báo cáo kết quả tiêm chủng hàng ngày, theo đợt tiêm và sau kết thúc chiến dịch về tình hình tiếp nhận vắc xin, sử dụng vắc xin.

- Sử dụng ứng dụng hồ sơ sức khỏe của Bộ Y tế để thực hiện báo cáo.

8. Kinh phí thực hiện

8.1 Ngân sách Nhà nước (gồm Ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, trong đó Ngân sách trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương theo quy định tại khoản 1, Điều 3 Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ). Cụ thể:

a) Ngân sách trung ương đảm bảo:

- Vắc xin, một số vật tư tiêm chủng như bơm kim tiêm vắc xin, pha vắc xin, hộp an toàn;

- Vận chuyển vắc xin đến kho của tỉnh hoặc đến các điểm tiêm;

- Chi phí bồi thường cho một số trường hợp tử vong theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.

b) Ngân sách tỉnh đảm bảo theo phân cấp:

- Chi phí vận chuyển vắc xin từ kho của tỉnh đến trực tiếp điểm tiêm (trong trường hợp Bộ Y tế chỉ chuyển đến kho của tỉnh);

- Trang thiết bị bảo quản vắc xin theo quy định cho các đơn vị được tỉnh giao nhiệm vụ bảo quản;

- Chi phí tổ chức chiến dịch tiêm chủng, bao gồm: chi bồi dưỡng cho các kíp tiêm chủng, các vật tư tiêu hao (ngoài vật tư do Bộ Y tế bảo đảm), chi phí về điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải y tế và vệ sinh môi trường trực tiếp cho việc thực hiện dịch vụ tiêm chủng của các đơn vị tuyến tỉnh và bệnh viện tư nhân được tỉnh giao tổ chức tiêm chủng;

- Các hoạt động tập huấn cho Trung tâm y tế huyện, các điểm tiêm chủng trên địa bàn do tỉnh tổ chức;

- Các hoạt động truyền thông tại các đơn vị tuyến tỉnh và các bệnh viện tư nhân được giao nhiệm vụ.

c) Ngân sách huyện đảm bảo theo phân cấp:

- Chi phí vận chuyển vắc xin từ kho của huyện đến các điểm tiêm (trong trường hợp vắc xin phải lưu kho sau khi tỉnh chuyển đến);

- Trang thiết bị bảo quản vắc xin theo quy định cho các đơn vị được huyện giao nhiệm vụ bảo quản;

- Chi phí tổ chức chiến dịch tiêm chủng, bao gồm: chi bồi dưỡng cho các kíp tiêm chủng, các vật tư tiêu hao (ngoài vật tư do Bộ Y tế bảo đảm), chi phí về điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải y tế và vệ sinh môi trường trực tiếp cho việc thực hiện dịch vụ tiêm chủng của các đơn vị tuyến huyện được giao tổ chức tiêm chủng;

- Các hoạt động tập huấn cho Trung tâm y tế huyện, các điểm tiêm chủng trên địa bàn do huyện tổ chức;

- Các hoạt động truyền thông tại các đơn vị tuyến huyện được giao nhiệm vụ.

8.2. Nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, các nguồn vốn hợp pháp khác.

8.3. Nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vắc xin tự nguyện chi trả (nếu có và được sự cho phép).

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Chiến dịch cần huy động sự vào cuộc của tất cả các Sở, Ban, Ngành của tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được phân công, các cấp ủy chính quyền từ tỉnh xuống huyện, thị xã đến xã, phường, thị trấn, thôn xóm, tổ dân phố... và các đơn vị được triển khai tiêm (các đơn vị, công ty, xí nghiệp...).

1. Ban Chỉ đạo triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2021 - 2022 chỉ đạo các tiểu ban (Tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin; Tiêm chủng; An toàn tiêm chủng; Giám sát chất lượng vắc xin; ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và tiểu ban truyền thông) thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 2628/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về việc thành lập Ban chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tỉnh Nghệ An.

2. Sở Y tế

- Là cơ quan thường trực, tham mưu chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chung vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021- 2022 được UBND tỉnh phê duyệt.

- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các đơn vị trong ngành thiết lập thêm các dây truyền tiêm chủng từ nguồn nhân lực đã được đào tạo cấp chứng nhận tiêm chủng an toàn.

- Chỉ đạo tổ chức tập huấn, đào tạo đảm bảo đủ dây truyền tiêm chủng còn thiếu, huy động dây truyền tiêm chủng hỗ trợ theo đề nghị của huyện, thành, thị.

- Chỉ đạo, bố trí các tổ cấp cứu lưu động tham gia ứng trực sẵn sàng tổ chức cấp cứu, vận chuyển cấp cứu, chỉ đạo các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu, điều trị các trường hợp sự cố bất lợi sau tiêm.

- Huy động nhân lực trong ngành, nhân lực từ trường Đại học Y khoa Vinh tham gia hỗ trợ cho các điểm tiêm và bổ sung nhân lực cho các dây truyền tiêm.

- Chủ động phân bổ ngay vắc xin cho tuyến huyện sau khi tiếp nhận từ Bộ Y tế.

- Hướng dẫn chuyên môn tổ chức điểm tiêm và công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức chiến dịch tiêm chủng.

- Sử dụng các thông điệp truyền thông và hướng dẫn tuyến huyện xây dựng tài liệu tuyên truyền và tổ chức công tác tuyên truyền về chiến dịch tiêm chủng.

- Rà soát cơ sở vật chất y tế, công nghệ thông tin phục vụ tiêm chủng.

3. Sở Tài chính

- Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, tham mưu kinh phí trình UBND tỉnh hỗ trợ thực hiện Kế hoạch theo phân cấp.

- Chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính hỗ trợ ngân sách địa phương theo quy định.

- Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí cho triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo quy định.

- Hướng dẫn thực hiện thanh quyết toán kinh phí theo quy định.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với các đơn vị Công nghệ thông tin thực hiện quản lý đối tượng tiêm chủng bằng phần mềm.

- Chỉ đạo, triển khai công tác truyền thông về chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức truyền thông về các hoạt động trước, trong và sau khi tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Chỉ đạo các cơ quan báo chí của tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch, lợi ích của tiêm chủng và định hướng dư luận về các nội dung chiến dịch tiêm chủng cũng như những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

5. Công an tỉnh

- Cung cấp số liệu người dân ngoại tỉnh đang học tập, làm việc, sinh sống trên địa bàn tỉnh cho Sở Y tế và các huyện, thành phố, thị xã để rà soát đối tượng tiêm.

- Chỉ đạo lực lượng công an cơ sở phối hợp đảm bảo công tác an ninh trật tự tại các điểm tiêm chủng, phối hợp với các lực lượng địa phương rà soát, lập danh sách đối tượng tiêm chủng và đôn đốc hướng dẫn người dân đi tiêm chủng.

- Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an trong việc tổ chức tiêm chủng cho cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng Công an.

6. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với ngành Y tế tổ chức tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vắc xin từ các địa điểm bảo quản Quốc gia đến các Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố Vinh và các địa điểm liên quan.

- Phối hợp với Bệnh viện Quân Y 4 và lực lượng quân y của Quân khu 4 trên địa bàn tham gia các hoạt động của chiến dịch tiêm chủng theo đề nghị của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương nơi đóng quân.

7. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng trên địa bàn tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tham gia triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, đặc biệt tại các khu vực biên giới.

8. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chịu trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở y tế thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải tại các điểm tiêm chủng theo đúng quy định.

9. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

- Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo đài của tỉnh tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch, lợi ích của tiêm chủng và định hướng dư luận về các nội dung chiến dịch tiêm chủng cũng như những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Ủy ban mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tăng cường tuyên truyền việc triển khai tiêm chủng vắc xin trên toàn địa bàn diễn ra theo đúng kế hoạch.

- Tham mưu, chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường theo dõi, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động công tác phòng chống dịch COVID-19 nói chung, công tác tiêm chủng vắc xin nói riêng, tạo sự đồng thuận, đồng hành của nhân dân.

10. Đề nghị Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh

- Chỉ đạo các tổ chức thành viên tích cực, chủ động phối hợp với ngành y tế và chính quyền các cấp phổ biến, tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ việc tiêm phòng vắc xin COVID-19.

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An vận động các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân ủng hộ nguồn lực để triển khai tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch COVID-19.

11. Tỉnh đoàn Nghệ An

- Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, thông tin tuyên truyền về Chiến dịch tiêm chủng Covid-19 tỉnh Nghệ An 2021 - 2022 đến đông đảo đoàn viên, thanh niên và người dân.

- Huy động lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia hỗ trợ tại các điểm tiêm chủng (tổ chức phân luồng, hướng dẫn người dân tham gia tiêm chủng đảm bảo các quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19...)

12. Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam

- Có trách nhiệm phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức các điểm tiêm chủng trong các khu công nghiệp đảm bảo theo đúng quy định.

- Chỉ đạo các doanh nghiệp trong khu công nghiệp bố trí cho công nhân thực hiện tiêm chủng theo phương án của chính quyền địa phương.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện tiêm chủng vắc xin COVID-19 của các khu công nghiệp trên địa bàn.

- Báo cáo tổng hợp việc triển khai thực hiện về Ban chỉ đạo Tỉnh.

13. Viettel Nghệ An

Cung cấp Nền tảng phần mềm trong công tác hỗ trợ tại các điểm tiêm với nội dung cụ thể:

- Cử Giám đốc Viettel các huyện, thị xã, thành phố tham gia trong tiểu ban CNTT tại các ban chỉ đạo các huyện để phối hợp hỗ trợ kịp thời.

- Phối hợp cung cấp tài khoản trên các nền tảng ứng dụng và đào tạo nghiệp vụ cho các đơn vị để thực hiện tiêm chủng thành thạo trên các nền tảng công nghệ.

- Hỗ trợ, tư vấn kịp thời việc đáp ứng cung cấp các dịch vụ đường truyền, mạng phục vụ tiêm chủng.

- Cử nhân sự phụ trách hỗ trợ các điểm tiêm khi có yêu cầu.

- Phối hợp Sở Y tế và Tiểu ban truyền thông cùng thực hiện các nội dung truyền thông các nền tảng công nghệ cho người dân.

14. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên địa bàn:

- Thành lập Ban Chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cấp huyện do lãnh đạo UBND làm Trưởng ban bao gồm các ban tương tự như Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm phòng COVID-19 tỉnh và có thể điều chỉnh theo điều kiện thực tế tại địa phương.

- Xây dựng Kế hoạch Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã và chỉ đạo các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện. Kế hoạch triển khai chiến dịch phải cụ thể, chi tiết mục tiêu tiêm được số lượng lớn nhất, trong thời gian sớm nhất và an toàn nhất. Kế hoạch cần làm rõ số điểm tiêm (cố định, lưu động), số dây truyền tiêm, phân công và giao nhiệm vụ rà soát lập danh sách đối tượng tiêm, huy động nhân lực tham gia, đảm bảo hậu cần 4 tại chỗ, kinh phí cho chiến dịch (bao gồm cả kinh phí chi cho con người).

- Bố trí hỗ trợ nguồn kinh phí địa phương phục vụ cho các hoạt động của chiến dịch.

- Phối hợp với Ban quản lý các khu Công nghiệp rà soát, lập danh sách và tổ chức tiêm cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu kinh tế; Phối hợp với Sở Công thương rà soát và tổ chức tiêm cho công nhân của các cụm công nghiệp trên địa bàn.

- Chỉ đạo các xã, phường rà soát danh sách cán bộ, công nhân viên của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo và phối hợp để tiêm chủng cho cán bộ nhân viên.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các hoạt động trước, trong và sau khi tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Huy động sự tham gia của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội địa phương tới tận các Tổ, phố, thôn xóm và các cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn tham gia trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đi tiêm chủng, tham gia trong công tác tổ chức, đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm tiêm chủng.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị trước chiến dịch và trong ngày tiêm chủng.

- Chỉ đạo thực hiện công tác thống kê báo cáo theo quy định.

- Tổng kết rút kinh nghiệm sau các đợt tiêm để chuẩn bị tốt hơn cho các đợt tiêm tiếp theo. Báo cáo kết quả về Ban chỉ đạo tỉnh.

Trên đây là Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2022, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, căn cứ lượng vắc xin phòng COVID-19 được phân bổ và diễn biến thực tế, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ xem xét, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Bộ tư lệnh Quân khu IV;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
-
UBMTTQVN tnh;
- Các Ban Đảng của Tỉnh ủy;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Phòng KT, TKBT, TH UBND tỉnh;
- Lưu VT, KGVG (TP
, P).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Đình Long

 

PHỤ LỤC:

TỔNG HỢP SỐ LƯỢNG NGƯỜI TIÊM VÀ SỐ MŨI TIÊM TỐI ĐA/NGÀY CỦA CÁC HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ VINH
(Kèm theo Quyết định số 2720/QĐ-UBND ngày 02/8/2021 của UBND tỉnh Nghệ An)

STT

huyện, thành phố, thị xã

Tổng số người dân đến 31/12/2020 (số liệu Cục thống kê tỉnh Nghệ An)

Số người từ 18 tuổi trở lên (Số liệu theo thống kê tuyến Huyện)

Dây chuyền tiêm

Số mũi tiêm tối đa/ngày (Dự kiến mỗi dây truyền tiêm được 150 mũi/ngày)

(1)

2

3

4= 3*150

1

Thành phố Vinh

344 518

321 345

91

13 650

2

Thị xã Cửa Lò

56 523

37 147

14

2 100

3

Diễn Châu

315 894

260 615

49

7 350

4

Hưng Nguyên

125 101

78 309

25

3 750

5

Đô Lương

214 821

132 700

42

6 300

6

Nghi Lộc

220 159

138 247

36

5 400

7

Nam Đàn

165 307

120 485

35

5 250

8

Yên Thành

306 189

186 499

44

6 600

9

Quỳnh Lưu

278 671

218 855

50

7 500

10

Thanh Chương

242 415

181 780

67

10 050

11

Anh Sơn

118 106

87 935

26

3 900

12

Nghĩa Đàn

142 698

106 547

28

4 200

13

Tân Kỳ

148 644

109 550

31

4 650

14

Quỳ Hợp

135 218

90 331

32

4 800

15

Con Cuông

76 234

58 048

31

4 650

16

Tương Dương

78 272

56 035

22

3 300

17

Kỳ Sơn

80 898

48 921

25

3 750

18

Quỳ Châu

59 158

36 059

14

2 100

19

Quế Phong

72 936

53 022

15

2 250

20

Thị xã Thái Hoà

67 068

53 155

22

3 300

21

Thị xã Hoàng Mai

116 368

71 317

17

2 550

 

Tổng cộng

3 365 198

2 446 902

716

107 400

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 2720/QĐ-UBND ngày 02/08/2021 về Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2021-2022

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.133

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.90.108
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!