BỘ Y TẾ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------
|
Số: 141/QĐ-BYT
|
Hà Nội,
ngày 12 tháng 01 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH “KẾ HOẠCH PHỐI HỢP GIỮA CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS VÀ PHÒNG,
CHỐNG BỆNH LAO, GIAI ĐOẠN 2021-2025”
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày
20/6/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục phòng,
chống HIV/AIDS,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản “Kế hoạch phối hợp giữa
công tác Phòng, chống HIV/AIDS và Phòng, chống bệnh lao, giai đoạn 2021-2025”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ; Cục trưởng Cục Phòng, chống
HIV/AIDS; Trưởng ban Điều hành Dự án Phòng, chống bệnh lao quốc gia; Thủ trưởng
các đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương; Thủ trưởng y tế các ngành và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để phối hợp chỉ đạo);
- Lưu: VT, AIDS (2).
|
KT. BỘ
TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Xuân Tuyên
|
KẾ HOẠCH
PHỐI
HỢP GIỮA CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS VÀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH LAO, GIAI ĐOẠN
2021-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 141/QĐ-BYT ngày 12 tháng 01 năm 2021 của Bộ
trưởng Bộ Y tế)
Phần I
KẾT
QUẢ HOẠT ĐỘNG PHỐI HỢP GIỮA CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS VÀ PHÒNG CHỐNG BỆNH
LAO GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
Bệnh lao là bệnh nhiễm trùng cơ hội
gây tử vong hàng đầu ở người nhiễm HIV và đồng thời HIV là yếu tố nguy cơ cao
nhất đối với sự tiến triển bệnh lao ở những người nhiễm vi khuẩn lao mới hoặc
tiềm ẩn, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong
30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Chiến lược quốc gia về
phòng, chống lao và Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV đều hướng đến mục tiêu
kết thúc bệnh lao và chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Trong giai đoạn 5 năm (từ 2016-2020)
thực hiện Quyết định số 2495/QĐ-BYT ngày 18/7/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc
ban hành hướng dẫn phát hiện tích cực bệnh Lao và điều trị dự phòng lao (còn gọi
là điều trị lao tiềm ẩn) bằng Isoniazid (INH) ở người nhiễm HIV, Quyết định số
2496/QĐ-BYT ngày 18/7/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành quy chế phối
hợp giữa chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và dự án phòng, chống
bệnh lao thuộc chương trình mục tiêu quốc gia y tế, công tác phối hợp HIV/lao đã
đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đồng thời có những thách thức sau:
I. Xây dựng các văn bản,
hướng dẫn về phối hợp HIV/lao
Quyết định số 5456/QĐ-BYT ngày
20/11/2019 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS.
Quyết định số 5418/QĐ-BYT ngày
01/12/2017 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn quản lý điều trị và chăm sóc HIV/AIDS.
Quyết định số 773/QĐ-BYT ngày
08/3/2017 của Bộ Y tế ban hành Kế hoạch phối hợp giữa công tác Phòng, chống HIV/AIDS
và Phòng, chống lao, giai đoạn 2016 - 2020.
Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 24/3/2020
của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn phát hiện và điều trị lao tiềm ẩn.
Quyết định số 1314/QĐ-BYT ngày
24/3/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự
phòng bệnh lao.
II. Thiết lập và tăng
cường cơ chế phối hợp lồng ghép các dịch vụ HIV và lao
1. Kiện toàn Ban điều phối HIV/lao tại
các tuyến
Thực hiện kiện toàn Ban điều phối HIV/lao
với Thứ trưởng Bộ Y tế là Trưởng ban điều phối, Phó trưởng ban là Lãnh đạo Cục
Phòng, chống HIV/AIDS, Chương trình chống lao Quốc gia, Cục Quản lý Khám, chữa
bệnh và các thành viên có liên quan. 63/63 tỉnh/thành phố đã thành lập Ban điều
phối HIV/lao và triển khai thực hiện, tổ chức thực hiện giao ban 2-4 lần/năm.
Xây dựng quy chế phối hợp giữa Chương trình phòng, chống HIV và Dự án phòng, chống
lao từ tuyến Trung ương tới tuyến huyện và xã.
2. Xây dựng kế hoạch chung lồng ghép
các dịch vụ chăm sóc điều trị lao và HIV tại các cơ sở phòng, chống lao và HIV
Cục Phòng, chống AIDS và Dự án Phòng,
chống lao quốc gia đã phối hợp xây dựng các văn bản pháp lý nhằm thúc đẩy hợp
tác giữa 2 chương trình ở các tuyến, bao gồm: chỉnh sửa và áp dụng gói 12 chính
sách theo khuyến nghị của WHO, hướng dẫn quốc gia về phát hiện tích cực bệnh
lao dựa trên sàng lọc 4 triệu chứng lâm sàng, ưu tiên chỉ định xét nghiệm Xpert
MTB/Rif hoặc Ultra cho người nhiễm HIV nghi lao và điều trị lao tiềm ẩn bằng Isoniazid
(INH) và các phác đồ điều trị lao tiềm ẩn ngắn hạn ở người nhiễm HIV theo khuyến
cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Những hướng dẫn này đã được triển khai và mở rộng
với nguồn ngân sách của quốc gia và các nhà tài trợ như PEPFAR và Dự án Quỹ
toàn cầu.
Thực hiện các Quyết định số 2495/QĐ-BYT ,
2496/QĐ-BYT ngày 18/7/2012, Quyết định số 3957/QĐ-BYT ngày 23/9/2015 và Quyết định
số 773/QĐ-BYT ngày 08/3/2017 liên quan đến các hoạt động phối hợp lao/HIV từ
Trung ương tới tuyến tỉnh, tuyến huyện và xã. Đây là cơ sở pháp lý để các địa
phương có thể tăng cường hơn nữa chất lượng cung cấp dịch vụ và giảm chi phí quản
lý và điều trị bệnh nhân Lao/HIV, hướng tới cung cấp dịch vụ Lao/HIV tại cùng một
cơ sở y tế. Đến nay mô hình lồng ghép Lao/HIV và phối hợp chuyển tiếp bệnh nhân
giữa các cơ sở cung cấp dịch vụ Lao và dịch vụ HIV được thực hiện tại tất cả
các tỉnh, thành phố. Hàng năm đều tổ chức giao ban phối hợp Lao/HIV cho hàng
trăm đại biểu của các tỉnh, thành phố, giao ban lồng ghép HIV/Lao tuyến huyện
được thực hiện thường xuyên tại tất cả các quận huyện trong cả nước.
3. Giám sát và đánh giá các hoạt động
phối hợp HIV/lao
Mở rộng các hoạt động tư vấn và xét
nghiệm HIV cho bệnh nhân Lao, năm 2012 mới có 35 phòng tư vấn xét nghiệm HIV tại
các cơ sở phòng, chống lao, tư vấn và xét nghiệm cho 15.000 người thì đến năm
2018, con số này là 225 cơ sở và xét nghiệm cho 86.977 người. Trong năm 2019,
có 103.815 bệnh nhân lao được phát hiện, số được xét nghiệm sàng lọc HIV là
89.110 chiếm 85,8%, số có kết quả HIV dương tính: 2967 chiếm 3,3%, tỷ lệ được
điều trị ARV các thể chiếm 2346/2967 = 79%. Cùng với việc tăng cường phát hiện
bệnh lao ở người nhiễm HIV có dấu hiệu nghi lao bằng xét nghiệm Xpert MTB/Rif,
toàn quốc có khoảng 3.000 người mắc Lao nhiễm HIV được báo cáo hàng năm. Nguồn
nhân lực về Lao/HIV được quan tâm đào tạo, nâng cao năng lực, chỉ riêng năm
2018 đã đào tạo về phát hiện và quản lý, điều trị bệnh nhân lao HIV cho 300 học
viên là y bác sỹ tổ lao tuyến huyện/thị; tổ chức 03 lớp đào tạo về phối hợp
lao/HIV cho 90 học viên là y, bác sỹ làm công tác chống lao của 09 tỉnh; tổ chức
03 lớp đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn lao cho 90 y, bác sỹ công tác ở các
phòng khám lồng ghép về lao/HIV của 09 tỉnh; tổ chức 03 lớp đào tạo về chăm sóc
giảm nhẹ cho bệnh nhân lao/HIV cho 90 học viên là y, bác sỹ làm công tác chống
lao của 09 tỉnh; tổ chức 03 lớp đào tạo về phát hiện, chăm sóc và quản lý bệnh
nhân lao/HIV cho 91 y, bác sỹ làm công tác chống lao của 09 tỉnh.
Phối hợp với chương trình Lao thống kê
dữ liệu giám sát bệnh nhân lao/HIV trên phần mềm Vitimes tại các tỉnh, thành phố.
Các hoạt động ưu tiên can thiệp dự phòng, chẩn đoán và điều trị HIV và bệnh lao
bao gồm:
III. Giảm gánh nặng
lao trên người nhiễm HIV
1. Phát hiện chủ động lao trên người
nhiễm HIV
Phát hiện chủ động lao bằng cách sàng
lọc triệu chứng nghi lao trên người nhiễm HIV bằng bộ câu hỏi với 4 triệu chứng
(sốt, ho, sụt cân, ra mồ hôi đêm đối với người lớn hoặc có tiếp xúc với người bệnh
lao đối với trẻ em), chuyển gửi người nhiễm HIV nghi lao đến các cơ sở phòng,
chống lao để được khám và phát hiện lao đã được triển khai thường quy tại tất cả
các cơ sở điều trị và chăm sóc HIV. Chương trình phòng, chống lao quốc gia coi
người nhiễm HIV là một trong những đối tượng ưu tiên được làm xét nghiệm Xpert
MTB/Rif để phát hiện sớm bệnh lao.
2. Điều trị lao tiềm ẩn cho người nhiễm
HIV
Hiện nay 100% cơ sở điều trị HIV/AIDS
thực hiện sàng lọc lao và điều trị lao tiềm ẩn khi người nhiễm HIV đủ điều kiện.
Tỷ lệ người nhiễm HIV được sàng lọc lao trong lần khám gần nhất đạt 96.7% năm
2019.
Đến tháng 8/2020, tỷ lệ bệnh nhân điều
trị ARV đủ tiêu chuẩn điều trị lao tiềm ẩn đã hoàn thành liệu trình điều trị
lao tiềm ẩn (270 liều INH đối với người lớn và 180 liều INH đối với trẻ em) đạt
66,2%, tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV đang điều trị lao tiềm ẩn là 10,7%, còn
23,1% bệnh nhân điều trị ARV chưa được điều trị lao tiềm ẩn cần được tiếp tục
đưa vào điều trị trong thời gian tới.
3. Kiểm soát lây nhiễm lao tại các cơ
sở điều trị HIV/AIDS
Ban điều phối HIV/lao Trung ương xây dựng
văn bản, tổ chức tập huấn phối hợp HIV/lao cho các tỉnh trong đó có nội dung về
kiểm soát lây nhiễm lao tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS.
Các cơ sở điều trị HIV/AIDS thực hiện
xây dựng kế hoạch kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở, phân công cán bộ chịu trách
nhiệm. Thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm lao cho cán bộ y tế và lây nhiễm
chéo như: Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế; Phân luồng bệnh
nhân; Khu vực chờ và nơi khám bệnh thông khí tốt.
4. Sử dụng kỹ thuật Xpert để chẩn đoán
mắc lao cho người nhiễm HIV
Thực hiện kỹ thuật Xpert để chẩn đoán
mắc lao trên người nhiễm HIV nghi mắc lao.
Tỷ lệ người nhiễm HIV nghi lao được thực
hiện xét nghiệm Xpert để chẩn đoán mắc lao:
Năm
|
TSBN xét
nghiệm
|
TB(-)
|
%
|
TB(+)
|
%
|
TB(+)/ R(-)
|
%
|
TB(+)/ R(+)
|
%
|
Lỗi
|
%
|
2017
|
5160
|
4603
|
89.2
|
467
|
9.05
|
413
|
8.0
|
54
|
1.04
|
90
|
1.74
|
2018
|
4278
|
3629
|
84.8
|
586
|
13.6
|
508
|
11.8
|
78
|
1.82
|
63
|
1.47
|
IV. Giảm gánh nặng HIV
trên người bệnh lao
1. Sàng lọc HIV cho người bệnh lao
Thực hiện dịch vụ xét nghiệm HIV cho
người bệnh lao và người nghi lao ở tất cả các cơ sở tổ lao tuyến huyện.
Trong năm 2019, có 103.815 bệnh nhân
lao được phát hiện, số được xét nghiệm sàng lọc HIV là 89.110 chiếm 85,8%, số
có kết quả HIV dương tính khẳng định: 2967 chiếm 3,3%, tỷ lệ được điều trị ARV
các thể chiếm 2346/2967 = 79%.
2. Can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV và
điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội bằng Cotrimoxazole
Thực hiện dự phòng lây nhiễm HIV như
cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su, ... cho những bệnh nhân lao có nguy cơ cao
nhiễm HIV như: nghiện chích ma túy, gái mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới.
Điều trị sớm ARV và tuân thủ điều trị ARV để duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng ức
chế, tăng cường hệ miễn dịch giúp người bệnh sống khỏe, giảm khả năng lây truyền
HIV. Tất cả người bệnh đồng nhiễm HIV/lao phải được điều trị dự phòng nhiễm
trùng cơ hội bằng Cotrimoxazole theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
V. Điều trị đồng thời
cả HIV và lao
Hầu hết người nhiễm HIV đang quản lý tại
cơ sở điều trị HIV được chẩn đoán mắc lao đều được điều trị đồng thời cả HIV và
lao. Tỷ lệ bệnh nhân đồng nhiễm Lao/HIV được điều trị đồng thời cả Lao và HIV từ
2016-2019 đạt 70-88,5%
VI. Triển khai các mô
hình
Ngày 06/11/2017 Bộ Y tế ban hành Quyết
định số 5015/QĐ-BYT về triển khai Hướng dẫn lồng ghép quản lý, cung cấp dịch vụ
HIV và lao tại tuyến huyện, xã, kết quả đến hết năm 2019:
- Có 27 tỉnh đang triển khai mô hình
phối hợp HIV/lao tại tuyến huyện
- Kết quả đánh giá 12 tỉnh triển khai
thí điểm mô hình phối hợp HIV/lao tuyến huyện: Người bệnh được điều trị lao, điều
trị ARV sớm hơn, giảm bị mất dấu bệnh nhân. Giảm một nửa số phòng chức năng
dành cho lao và HIV. Tỷ lệ duy trì điều trị sau 12 tháng chiếm tỷ lệ cao từ
92-100%. Thời gian để chẩn đoán phát hiện mắc lao cho người nhiễm HIV giảm từ 8
ngày xuống 5 ngày. Giảm số lần đi lại từ nhà đến cơ sở điều trị để được chẩn
đoán lao và bắt đầu đưa vào điều trị giảm (từ 2,8 lần xuống 2,2 lần)
Phần II
KẾ
HOẠCH PHỐI HỢP GIỮA CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS VÀ PHÒNG CHỐNG LAO, GIAI ĐOẠN
2021-2025
I. Bối cảnh
Giai đoạn 2021-2025 là giai đoạn bản nề
trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030
cũng như Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh lao vào năm 2030. Trong đó đến
năm 2025, cần đạt các mục tiêu như: 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV,
90% người nhiễm HIV được điều trị ARV và 95% người điều trị ARV có tải lượng vi
rút dưới ngưỡng ức chế, 95% người mắc lao được tư vấn xét nghiệm HIV, 92% người
đồng nhiễm lao/HIV được điều trị đồng thời cả lao và ARV,... Nguồn ngân sách viện
trợ từ các tổ chức quốc tế bị cắt giảm mạnh, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS, điều
trị lao đã được Chính phủ chỉ đạo chuyển đổi từ sử dụng kinh phí viện trợ sang
sử dụng ngân sách trong nước thông qua Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Bộ Y tế đã ban
hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện khám chữa bệnh qua BHYT cho người nhiễm HIV,
cho bệnh nhân lao như: Thông tư số 27/2018/TT-BYT ngày 26/10/2018 hướng dẫn thực
hiện bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế liên quan đến HIV/AIDS;
Thông tư số 28/2018/TT-BYT ngày 26/10/2018 quy định về quản lý điều trị người
nhiễm HIV, người phơi nhiễm với HIV tại các cơ sở y tế; Thông tư số
22/2020/TT-BYT ngày 02/12/2020 quy định về quản lý thuốc kháng HIV được mua sắm
tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí cùng
chi trả đối với thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế; Thông
tư số 04/2016/TT-BYT ngày 26/02/2016 Quy định về khám, chữa bệnh và thanh toán
chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh
lao. Để thực hiện các thông tư này, các cơ sở điều trị HIV/AIDS và cơ sở phòng,
chống lao đã và đang được kiện toàn, chuyển vào hệ thống khám bệnh, chữa bệnh để
thanh toán qua BHYT. Đến tháng 10/2020 đã có 274 cơ sở điều trị HIV/AIDS thanh
toán ARV qua bảo hiểm y tế.
Với định hướng lồng ghép triệt để các
dịch vụ chăm sóc điều trị HIV/AIDS và dịch vụ phát hiện, điều trị bệnh lao vào
mạng lưới y tế sẵn có, phân cấp mạnh cho y tế cơ sở, lấy tuyến huyện làm trung
tâm và tuyến xã là cơ bản để cung cấp dịch vụ thì các hoạt động điều trị và dự
phòng cũng được lồng ghép như điều trị HIV đồng thời cung cấp bơm kim tiêm, bao
cao cu, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, điều trị dự
phòng trước phơi nhiễm PrEP. Điều trị lao đồng thời dự phòng mắc lao bằng tiêm
chủng BCG, điều trị lao tiềm ẩn bằng các phác đồ INH, 3HP, 3RH,...Với xu hướng
này, việc cung cấp dịch vụ HIV và lao tại cùng một cơ sở y tế tuyến huyện cần
được tăng cường và kết nối chặt chẽ với tuyến xã. Bên cạnh đó, nhiều thay đổi về
hệ thống tổ chức từ Trung ương đến địa phương, dẫn đến sự thay đổi về nhân sự
và cơ chế phối hợp giữa hai chương trình lao và HIV do vậy cần tăng cường vai
trò của Ban điều phối trong việc thực hiện phối hợp HIV/lao tại các tuyến để hoạt
động phối hợp HIV/lao có hiệu quả.
Hiện nay với sự phát triển của khoa học,
kỹ thuật máy xét nghiệm Gen-Xpert gọn nhẹ, có thể sử dụng nhiều tính năng như
phát hiện lao, xét nghiệm đo tải lượng HIV, viêm gan C, PCR chẩn đoán sớm nhiễm
HIV do đó rất hiệu quả để sử dụng cho chẩn đoán lao và chẩn đoán, theo dõi điều
trị HIV/AIDS. Theo báo cáo của chương trình lao đã có trên 200 máy xét nghiệm
Gen-Xpert tại các cơ sở phòng, chống lao trong cả nước và sẽ tăng lên trong thời
gian tới.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Giảm tỷ lệ mắc lao ở người nhiễm HIV;
Giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống ở người bệnh đồng nhiễm
lao/HIV.
2. Mục tiêu đến năm 2025
2.1. 100% Ban điều phối HIV/lao tỉnh,
thành phố duy trì và triển khai hoạt động hiệu quả theo quy định của Bộ Y tế.
2.2. 95% số người mắc lao được xét
nghiệm HIV.
2.3. 92% số người đồng nhiễm lao/HIV
được điều trị đồng thời cả lao và ARV.
2.4. 90% số người nhiễm HIV mới đăng
ký điều trị ARV đủ tiêu chuẩn điều trị lao tiềm ẩn được điều trị lao tiềm ẩn.
2.5. 90% số người nhiễm HIV đang điều
trị ARV đủ tiêu chuẩn điều trị lao tiềm ẩn hoàn thành liệu trình điều trị lao
tiềm ẩn.
III. CÁC GIẢI PHÁP
1. Kiện toàn hệ thống tổ chức
Kiện toàn Ban điều phối HIV/lao các
tuyến với việc bổ sung nhân sự phù hợp, xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp,
hoạt động cụ thể của Ban điều phối.
Tăng cường vai trò của Ban điều phối
trong việc thực hiện phối hợp HIV/lao tại các tuyến. Ban điều phối giao trách
nhiệm cụ thể và xác định kinh phí cho các hoạt động chung như giao ban Ban điều
phối, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật.
Thực hiện xây dựng Kế hoạch phối hợp HIV/lao
theo giai đoạn, theo năm tại các tuyến. Kế hoạch được lồng ghép vào các hoạt động
của mỗi chương trình tại các tuyến, sử dụng tối đa nguồn kinh phí từ các dịch vụ
sẵn có thông qua hệ thống BHYT.
Tiếp tục triển khai mở rộng mô hình lồng
ghép quản lý và cung cấp dịch vụ HIV/lao ở tuyến huyện, xã trên toàn quốc.
2. Công tác chuyên môn
Thường xuyên cập nhật các khuyến cáo của
Tổ chức Y tế thế giới về phối hợp HIV/lao.
Đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ của
2 chương trình về công tác phối hợp HIV/lao và cập nhật thường xuyên các thay đổi
về chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chuẩn hóa quy trình, giao nhiệm vụ cụ
thể ở các cơ sở điều trị HIV/AIDS, cơ sở phòng, chống lao về phối hợp HIV/lao
trong quản lý ca bệnh, chuyển tiếp người bệnh giữa hai chương trình; chia sẻ số
liệu và báo cáo phối hợp HIV/lao tại cơ sở.
Tập huấn về cách thu thập, phân tích sử
dụng các chỉ số báo cáo về hoạt động phối hợp HIV/lao.
Kết nối giữa điều trị và dự phòng,
cung cấp dịch vụ dự phòng HIV và lao ngay tại tuyến xã, phường.
Tăng cường phát hiện lao ở người nhiễm
HIV bằng chiến lược 2X (chụp X-quang ngực và xét nghiệm Xpert MTB/Rif) và các kỹ
thuật chẩn đoán lao mới có độ nhạy, độ đặc hiệu cao.
Điều trị lao tiềm ẩn cho tất cả người
nhiễm HIV mới và người bệnh HIV đang quản lý điều trị đủ tiêu chuẩn.
Đảm bảo cung ứng đủ thuốc điều trị bệnh
lao và điều trị lao tiềm ẩn cho người nhiễm HIV.
Tăng cường công tác giám sát kiểm soát
nhiễm khuẩn tại cơ sở y tế, phòng lây nhiễm vi khuẩn lao và các tác nhân gây bệnh
qua đường hô hấp khác.
3. Công tác giám sát, báo cáo.
Hoàn thiện hệ thống báo cáo, sử dụng
phần mềm trong quản lý chương trình HIV và chương trình lao để dễ dàng chia sẻ
các chỉ số phối hợp giữa hai chương trình. Thống nhất các chỉ số cần chia sẻ
trên phần mềm mỗi chương trình và tiến tới lồng ghép vào hệ thống quản lý chung
của bệnh viện.
4. Nguồn lực
Sử dụng chủ yếu nguồn kinh phí từ BHYT
để phát hiện, chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV, người bệnh lao và người đồng
nhiễm HIV lao theo quy định tại Thông tư số 27/2018/TT-BYT ngày 26/10/2018 của
Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế liên
quan đến HIV/AIDS, Thông tư số 04/2016/TT-BYT ngày 26/02/2016 của Bộ Y tế quy định
về khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh lao.
5. Tăng cường tiếp cận và cải thiện chất
lượng dịch vụ
Chú trọng đến việc cung cấp các dịch vụ
điều trị lao tiềm ẩn cho người nhiễm HIV, phối hợp chặt chẽ giữa 2 chương trình
để dự trù nhu cầu chính xác, theo dõi chặt chẽ trong quá trình triển khai và đảm
bảo thuốc điều trị lao tiềm ẩn cho người nhiễm HIV sẵn có và liên tục.
Điều trị sớm ARV cho người bệnh lao
nhiễm HIV bằng cách mở rộng mô hình lồng ghép cung cấp dịch vụ HIV và lao tại 1
cơ sở y tế. Loại trừ bệnh lao sớm trước khi bắt đầu điều trị ARV và điều trị
lao tiềm ẩn.
Triển khai mở rộng mô hình phối hợp HIV/lao
tại tuyến huyện. Đối với cơ sở chưa lồng ghép Lao/HIV thì tăng cường phối hợp,
cải thiện hệ thống chuyển tiếp thành công bằng cách phân công cụ thể cán bộ chịu
trách nhiệm theo dõi chuyển tiếp. Sử dụng tối đa hệ thống vận chuyển bệnh phẩm
chẩn đoán lao cho người nhiễm HIV hay xét nghiệm HIV cho người mắc lao thay vì
vận chuyển người bệnh để tránh mất dấu người bệnh và đảm bảo kết quả xét nghiệm
được thông tin kịp thời, chính xác đến thầy thuốc.
Cập nhật các khuyến cáo mới, các thực
hành tốt trong và ngoài nước trong việc chẩn đoán và điều trị lao, điều trị HIV
và điều trị lao tiềm ẩn ở người nhiễm HIV.
IV. CÁC HOẠT ĐỘNG
1. Mục tiêu 1: 100% Ban điều phối HIV/lao
tỉnh, thành phố duy trì và triển khai hoạt động hiệu quả theo quy định của Bộ Y
tế.
- Trưởng ban điều phối HIV/lao phân
công trách nhiệm rõ ràng từng thành viên trong Ban điều phối.
- Ban điều phối HIV/lao xây dựng kế hoạch
theo giai đoạn và từng năm, xác định rõ nguồn kinh phí để thực hiện các hoạt động
- Ban điều phối HIV/lao thực hiện kiểm
tra giám sát các đơn vị thực hiện công tác phối hợp HIV/lao ít nhất 1 lần/1 năm
đối với mỗi huyện.
- Giao ban định kỳ ít nhất 6 tháng/1 lần,
theo dõi tiến độ thực hiện các mục tiêu, chỉ đạo triển khai các hoạt động và
can thiệp cho kỳ tiếp theo.
2. Mục tiêu 2: 95% số người mắc lao được
xét nghiệm HIV
Chương trình phòng, chống HIV/AIDS và
Chương trình phòng, chống lao đảm bảo đủ nguồn sinh phẩm và nhân lực cho hoạt động
tư vấn xét nghiệm HIV cho người bệnh lao.
Tất cả người bệnh lao tại các cơ sở
phòng, chống lao phải được tư vấn và xét nghiệm HIV trước khi điều trị và trong
quá trình điều trị lao theo quy định của Bộ Y tế.
Tư vấn xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn
chích thường xuyên của người nhiễm HIV mắc lao. Nếu kết quả xét nghiệm HIV của
bạn tình, bạn chích dương tính, giới thiệu kết nối với dịch vụ chăm sóc điều trị
HIV sớm. Nếu kết quả xét nghiệm HIV của bạn tình âm tính, giới thiệu kết nối với
dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và các dịch vụ dự phòng HIV
khác phù hợp.
Khuyến khích tư vấn xét nghiệm HIV cho
người nghi lao, nếu có đủ nguồn lực.
Kết nối chuyển gửi thành công những
trường hợp mắc lao xét nghiệm HIV dương tính đến cơ sở điều trị HIV/AIDS để được
điều trị ARV sớm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
3. Mục tiêu 3: 92% số người bệnh đồng
nhiễm HIV và lao được điều trị đồng thời Lao và ARV trên tổng số người bệnh đồng
nhiễm HIV và lao được phát hiện trong năm
3.1. Người nhiễm HIV mắc lao được điều
trị đồng thời lao và ARV
Thực hiện sàng lọc lao và phát hiện
tích cực bệnh lao ở người nhiễm HIV theo đúng quy định của Bộ Y tế tại tất cả
các cơ sở điều trị HIV/AIDS.
Cơ sở điều trị HIV/AIDS chuyển những
người nhiễm HIV có triệu chứng nghi mắc lao hoặc được chẩn đoán xác định mắc
lao sang cơ sở chống lao để được khám, chẩn đoán và điều trị lao. Ưu tiên áp dụng
chiến lược 2X (chụp X quang ngực và xét nghiệm Xpert MTB/Rif hoặc Ultra) cho
người nhiễm HIV nghi lao.
Mở rộng mô hình lồng ghép quản lý và
cung cấp dịch vụ HIV/lao tại cơ sở y tế tuyến huyện để giảm mất dấu khi chuyển
gửi giữa hai chương trình.
Các cơ sở điều trị HIV/AIDS gửi tóm tắt
chẩn đoán, điều trị ARV của người nhiễm HIV nghi lao sang cơ sở phòng, chống
lao và đánh giá kết quả chuyển tiếp thành công sang cơ sở phòng, chống lao, sử
dụng phiếu chuyển tiếp, chuyển tuyến theo quy định. Cơ sở phòng, chống lao kịp
thời phản hồi thông tin cho cơ sở điều trị HIV/AIDS về việc tiếp nhận bệnh nhân
nhiễm HIV mắc lao được chuyển đến, thông tin về chẩn đoán, điều trị lao của người
nhiễm HIV mắc lao được chuyển đến.
3.2. Người bệnh lao phát hiện nhiễm HIV
được điều trị đồng thời cả ARV và lao
Cơ sở phòng, chống lao thực hiện tư vấn
xét nghiệm HIV cho tất cả người bệnh lao, đảm bảo chuyển gửi tất cả mẫu bệnh phẩm
(ưu tiên áp dụng hình thức này) hoặc người bệnh lao có kết quả xét nghiệm sàng
lọc HIV có phản ứng đến cơ sở xét nghiệm khẳng định HIV. Nếu kết quả HIV dương
tính và người bệnh chưa đăng ký điều trị ARV tại cơ sở điều trị HIV/AIDS nào,
cơ sở phòng, chống lao cần chuyển gửi người bệnh lao nhiễm HIV đến cơ sở điều
trị HIV/AIDS phù hợp nơi người bệnh sinh sống hoặc cùng địa bàn quản lý bệnh
lao của người bệnh, tạo điều kiện cho người bệnh được nhận thuốc lao và ARV ở cùng
địa điểm.
Cơ sở phòng, chống lao gửi tóm tắt kết
quả khám, chẩn đoán và điều trị lao của người mắc lao nhiễm HIV sang cơ sở điều
trị HIV/AIDS và đánh giá kết quả chuyển tiếp thành công sang cơ sở điều trị HIV/AIDS,
sử dụng phiếu chuyển tiếp, chuyển tuyến theo quy định. Cơ sở điều trị HIV/AIDS
kịp thời phản hồi thông tin cho cơ sở phòng, chống lao việc tiếp nhận người mắc
lao nhiễm HIV được chuyến đến, thông tin điều trị ARV của người mắc lao nhiễm HIV
chuyển đến.
4. Mục tiêu 4: 90% số người nhiễm HIV mới
đăng ký vào chương trình điều trị HIV/AIDS được điều trị lao tiềm ẩn
- Thường xuyên rà soát tiêu chuẩn điều
trị lao tiềm ẩn cho tất cả người nhiễm HIV mới đăng ký tại cơ sở điều trị HIV/AIDS,
đảm bảo loại trừ mắc lao và không có các chống chỉ định đối với phác đồ điều trị
lao tiềm ẩn trước khi khởi liều.
- Cơ sở điều trị HIV/AIDS xây dựng kế
hoạch dự trù thuốc căn cứ kế hoạch điều trị lao tiềm ẩn cho người nhiễm HIV,
tình hình sử dụng thuốc; gửi báo cáo quý và năm cho đơn vị đầu mối chương trình
lao, chương trình HIV của tỉnh, thành phố.
- Đơn vị đầu mối chương trình HIV của
tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch năm, phối hợp chặt chẽ với chương trình lao của
tỉnh, thành phố đảm bảo không gián đoạn cung ứng thuốc điều trị lao tiềm ẩn cho
các cơ sở điều trị HIV/AIDS.
5. Mục tiêu 5: 90% số người nhiễm HIV
đang điều trị ARV đủ tiêu chuẩn điều trị lao tiềm ẩn hoàn thành liệu trình điều
trị lao tiềm ẩn.
- Thường xuyên rà soát bệnh nhân đang
điều trị ARV đủ tiêu chuẩn điều trị lao tiềm ẩn để xác định tình trạng điều trị
lao tiềm ẩn, tình trạng hoàn thành liệu trình điều trị lao tiềm ẩn theo hướng dẫn
của Bộ Y tế. Trường hợp đã điều trị lao tiềm ẩn nhưng chưa hoàn thành liệu
trình điều trị cần được điều trị lại theo hướng dẫn điều trị lao tiềm ẩn của Bộ
Y tế.
- Cơ sở điều trị HIV/AIDS xây dựng kế
hoạch dự trù thuốc điều trị lao tiềm ẩn cho người đang điều trị ARV chưa được
điều trị lao tiềm ẩn hoặc chưa hoàn thành liệu trình điều trị và tổng hợp vào
nhu cầu điều trị lao tiềm ẩn chung của đơn vị, gửi cơ quan đầu mối chương trình
lao, chương trình HIV của tỉnh, thành phố để tiếp nhận thuốc, bảo đảm thuốc điều
trị lao tiềm ẩn sẵn có và liên tục.
V. KINH PHÍ
- Cơ sở điều trị HIV/AIDS và cơ sở
phòng, chống lao ưu tiên sử dụng tối đa nguồn chi trả từ BHYT trong quá trình
cung cấp dịch vụ khám, chẩn đoán và điều trị cho người nhiễm HIV và người bệnh
lao.
- Chương trình chống lao và HIV tuyến
tỉnh phối hợp chặt chẽ khi xây dựng kế hoạch năm sử dụng nguồn kinh phí từ
chính phủ hoặc địa phương cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS và Chương trình
chống lao, đảm bảo có các dòng kinh phí hỗ trợ người bệnh khi không được BHYT
chi trả.
- Cơ sở điều trị HIV/AIDS và cơ sở
phòng, chống lao sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí, kể cả nguồn viện trợ và
các nguồn kinh phí khác trong quá trình cung cấp dịch vụ khám, điều trị cho người
nhiễm HIV và người bệnh lao.
Nguyên tắc huy động và sử dụng kinh
phí:
Các hoạt động thuộc Chương trình nào
chủ trì thì chương trình đó có trách nhiệm huy động kinh phí hoặc sử dụng kinh
phí chương trình của mình để chi trả. Các hoạt động phối hợp cần có sự thống nhất
giữa hai đơn vị thông qua kế hoạch chung. Không chồng chéo các nguồn kinh phí.
Phần III
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Y tế
1.1. Cục Phòng, chống HIV/AIDS:
Tạo cơ chế, huy động nguồn lực để đảm
bảo các hoạt động:
- Duy trì sàng lọc lao cho người nhiễm
HIV có hiệu quả cao, chuyển người nhiễm HIV nghi lao hoặc mắc lao sang cơ sở
phòng, chống lao để chẩn đoán và điều trị.
- Cung ứng đầy đủ liên tục thuốc kháng
HIV.
- Xét nghiệm, theo dõi, điều trị HIV/AIDS.
- Chia sẻ tài liệu để tập huấn cho cán
bộ phòng, chống lao về các nội dung liên quan HIV/AIDS.
- Chia sẻ thông tin định kỳ với dự án phòng,
chống lao quốc gia, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan khác về
tình hình điều trị ARV cho người nhiễm HIV mắc Lao, tình hình tương tác thuốc
ARV và thuốc lao, điều trị lao tiềm ẩn; rà soát và xây dựng gói dịch vụ chi trả
khám chữa bệnh thông qua bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV mắc lao.
- Giám sát, hỗ trợ kỹ thuật về công
tác phối hợp HIV/lao cho các cơ sở phòng, chống lao.
1.2. Dự án phòng, chống
lao quốc gia
Tạo cơ chế, huy động nguồn lực để đảm
bảo các hoạt động:
- Xét nghiệm HIV ở người bệnh lao.
- Chẩn đoán lao ở người nhiễm HIV, ưu
tiên chiến lược 2X (X quang ngực, Xpert).
- Điều trị lao cho người bệnh HIV/lao.
- Cung ứng đủ thuốc để điều trị lao tiềm
ẩn cho người nhiễm HIV
- Chia sẻ tài liệu để tập huấn cho cán
bộ phòng, chống HIV/AIDS các nội dung liên quan đến sàng lọc, chẩn đoán lao điều
trị lao tiềm ẩn, các biện pháp kiểm soát lây nhiễm lao và các bệnh lây truyền
qua đường hô hấp khác; rà soát và xây dựng gói dịch vụ chi trả khám chữa bệnh
thông qua bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV mắc lao.
- Chia sẻ thông tin định kỳ với Cục
phòng, chống HIV/AIDS, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan khác
về tình hình chẩn đoán, điều trị Lao cho người nhiễm HIV mắc Lao, tình hình
cung ứng thuốc điều trị lao tiềm ẩn.
- Giám sát, hỗ trợ kỹ thuật về công
tác phối hợp HIV/lao cho các cơ sở phòng, chống lao.
1.3. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh
- Giám sát các hoạt động chuyên môn về
chăm sóc điều trị HIV/AIDS và chẩn đoán, điều trị lao tại các cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh.
- Kiểm tra, giám sát công tác kiểm
soát nhiễm khuẩn lao và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác tại các cơ sở
HIV/AIDS và cơ sở phòng, chống lao nằm trong hệ thống khám bệnh, chữa bệnh.
- Hỗ trợ trong quá trình xây dựng gói
dịch vụ chi trả khám chữa bệnh thông qua bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV mắc
lao.
2. Các tỉnh/thành phố
2.1. Sở Y tế (Trưởng ban điều phối HIV/lao
tỉnh/thành phố)
- Phê duyệt kế hoạch phối hợp HIV/lao
theo giai đoạn 5 năm và hằng năm và chia sẻ với các bên liên quan, đảm bảo việc
huy động các nguồn lực, theo dõi triển khai các hoạt động lao/HIV diễn thuận lợi
và đạt hiệu quả cao.
- Phân bổ kinh phí hợp lý trong phạm
vi quản lý để thực hiện kế hoạch phối hợp HIV/lao.
- Phân công cụ thể các thành viên
trong Ban điều phối và các đơn vị tuyến quận/huyện, xã phường để thực hiện kế
hoạch phối hợp phòng, chống lao và HIV có hiệu quả ở tất cả các cấp.
2.2. Cơ quan đầu mối phòng chống HIV/AIDS
tỉnh, thành phố
- Căn cứ vào kế hoạch phối hợp công
tác HIV/lao của Trung ương để tham mưu cho Trưởng ban điều phối HIV/lao tỉnh/thành
phố ban hành kế hoạch phù hợp với tình hình địa phương theo giai đoạn và hằng
năm.
- Chia sẻ số liệu do Chương trình
phòng, chống HIV/AIDS tỉnh/thành phố đảm nhận cho Dự án phòng, chống lao tỉnh/thành
phố.
- Chủ trì, phối hợp với Chương trình
phòng, chống lao tỉnh/thành phố để thực hiện kế hoạch phối hợp HIV/lao.
- Đầu mối báo cáo Trưởng ban điều phối
về triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp HIV/lao.
2.3. Dự án phòng, chống lao tỉnh,
thành phố
- Phối hợp với Cơ quan đầu mối phòng
chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch theo giai đoạn và hằng năm
trình Trưởng ban điều phối HIV/lao tỉnh, thành phố ban hành.
- Thực hiện các nội dung theo kế hoạch
do chương trình phòng, chống lao tỉnh, thành phố đảm nhận.
- Chia sẻ số liệu do Dự án phòng, chống
lao tỉnh, thành phố đảm nhận cho Chương trình phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành
phố để báo cáo Trưởng ban điều phối HIV/lao tỉnh/thành phố.