NGHỊ QUYẾT
VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP THỂ DỤC THỂ THAO TỈNH HẢI DƯƠNG
ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
KHÓA XIV – KỲ HỌP THỨ 11
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật Thể dục, thể thao năm 2007;
Căn cứ Nghị quyết số
05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động
Giáo dục, Y tế, Văn hoá và Thể dục-Thể thao;
Căn cứ Nghị định số
92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch
tổng thể phát triển kinh tế xã hội;
Căn cứ quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006-2020;
Xét đề nghị của Uỷ ban nhân
dân tỉnh tại tờ trình số 01/TTr-UBND ngày 03 tháng 01 năm 2008, Báo cáo
thẩm tra của Ban Văn hoá - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại
biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông
qua quy hoạch phát triển sự nghiệp Thể dục, thể thao tỉnh Hải Dương đến năm
2015 và định hướng đến năm 2020, với các nội dung chính sau:
1. Quan điểm phát triển:
Phát huy mọi nguồn
lực trong xã hội để phát triển Thể dục, thể thao phù hợp với phát triển kinh tế
xã hội của tỉnh. Xây dựng nền thể dục thể thao của tỉnh mang tính dân tộc, khoa học, toàn diện và hiện đại để nâng cao sức
khoẻ và phát triển chất lượng nguồn nhân lực. Giữ vững và nâng cao thành tích thể thao của Hải Dương trong khu vực và
toàn quốc. Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động thể dục, thể thao dưới sự quản lý thống
nhất của nhà nước; từng bước đưa thể dục thể thao thành một loại hình kinh tế dịch
vụ, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững.
2. Các mục tiêu cụ thể:
* Thể dục
Thể thao quần chúng.
+ Năm 2010 số trường phổ thông tổ chức hoạt động thể dục thể thao ngoại
khoá 2 lần/tuần đạt 75%, năm 2015 đạt 80-85%, năm 2020 đạt 90-95%.
+ Năm 2010 số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 23-25%
dân số, năm 2015 đạt 25-30%, năm 2020 đạt 30-35%.
+ Năm 2010 số gia đình thể thao đạt 15%, năm 2015 đạt 18%, năm 2020 đạt
21-22%.
+ Năm 2010 số Câu lạc bộ, điểm, nhóm tập luyện thể dục thể thao cơ sở
đạt 2500; năm 2015 đạt 2800, năm 2020 đạt 3500 Câu lạc bộ, điểm, nhóm tập luyện
thể dục thể thao.
* Thể thao thành tích cao:
+ Thể dục thể thao Hải
Dương phấn đấu giữ vững thứ hạng cao trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Giữ vững vị trí trong tốp 10 tỉnh, thành, ngành mạnh nhất toàn quốc tại các kỳ
Đại hội Thể dục Thể thao, chỉ tiêu như sau:
- Năm 2010: tham gia Đại hội Thể
dục Thể thao lần thứ VI, thi đấu 16 môn thể thao, phấn đấu dành tổng số 22-24
huy chương vàng, 16 huy chương bạc, 23 huy chương đồng.
- Năm 2015: tham gia Đại hội Thể
dục Thể thao lần thứ VII, thi đấu 20 môn thể thao, phấn đấu dành tổng số 24-26
huy chương vàng, 22 huy chương bạc, 23 huy chương đồng.
- Năm 2020: tham gia Đại hội Thể
dục Thể thao lần thứ VIII, thi đấu 23 môn thể thao, phấn đấu dành tổng số 27-30
huy chương vàng, 27 huy chương bạc, 33 huy chương đồng.
+ Đến năm 2010 số lượng huy
chương giành được trong các cuộc thi đấu SEA Games, Châu á, quốc tế (không tính
giải trẻ) là: 30-35 huy chương; năm 2015: 35-40 huy chương; đến năm 2020: trên
45 huy chương
* Hợp tác
phát triển thể dục, thể thao:
Tiếp tục tăng cường hợp tác với
các tỉnh, thành trong khu vực và các Trung tâm Thể dục, thể thao mạnh: Hà Nội,
Hải Phòng, Hà Tây, Trung tâm huấn luyện thể thao quôc gia I, Trường Đại học Thể
dục, thể thao I; chú trọng và duy trì các mối quan hệ hợp tác quốc tế truyền thống
với: Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Hàn Quốc, Cộng hoà Pháp; mở rộng mối quan hệ với
một số nước trong khu vực Đông Nam Á.
3. Các chính sách và giải pháp chủ yếu:
3.1- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng,
chính quyền, các ngành, đoàn thể vào mục tiêu phát triển sự nghiệp Thể dục, thể
thao: nhằm góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc và trí
tuệ con người Hải Dương, xây dựng đời sống
văn hoá lành mạnh và phát triển kinh tế bền vững. Tăng
cường sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc chỉ đạo và tổ chức
các hoạt động thể dục thể thao nhằm phát huy hiệu quả công tác xã hội hoá Thể dục,
thể thao.
3.2. Giải pháp về vốn đầu
tư.
* Nhu cầu vốn
đầu tư:
Tổng nhu cầu vốn
đầu tư cho hoạt động thể dục thể thao giai đoạn 2007 - 2020 là 1.437 tỉ đồng,
trong đó:
+ Vốn sự nghiệp
Thể dục, thể thao 400 tỉ đồng, chiếm 27,8% - do ngân sách nhà nước cấp.
+ Vốn xây dựng
công trình Thể dục, thể thao là 1.037 tỉ đồng chiếm 72,2% (trong đó vốn ngân
sách nhà nước là 635 tỉ đồng chiếm 42,2%, vốn thực hiện xã hội hoá là 402 tỉ đồng
chiếm 28%).
+ Vốn đầu tư
chia theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn 2007
- 2010: 262 tỉ đồng.
Giai đoạn 2011
- 2015: 536 tỉ đồng.
Giai đoạn 2016
- 2020: 639 tỉ đồng.
* Giải pháp về vốn đầu tư:
+ Ngân sách sự nghiệp Thể dục
Thể thao: tăng ngân sách Nhà nước cấp cho phát triển sự nghiệp thể dục thể thao
ở các cấp quản lý đến năm 2010 và 2020 cụ thể: giai đoạn 2007-2010 đảm bảo chi ngân sách cho sự nghiệp thể dục thể thao là 1%; giai đoạn 2011-2020 là 1-1,2%.
+ Ngân sách
xây dựng cơ bản:
- Nguồn ngân sách Nhà nước: Tập trung đầu tư xây dựng
Sân vận động Trung tâm, Trường bắn thể thao, Bể bơi, Nhà thi đấu tại Khu liên hợp
thể thao tỉnh; Sân vận động, Bể bơi, Nhà thi đấu tại khu Trung tâm thể dục thể thao huyện,
thành phố và khu Trung tâm thể dục thể thao xã, phường, thị trấn.
- Đầu tư từ
nguồn xã hội hoá: Vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước
được đầu tư xây dựng, khai thác hoạt động các công trình thể dục thể thao tại
khu Liên hiệp thể thao được xác định trong quy hoạch tổng thể từ cấp cơ sở đến
cấp tỉnh theo pháp luật của Nhà nước.
3.3- Về cơ
chế, chính sách thể dục thể thao.
Xây dựng cơ chế,
chính sách đối với hoạt động và hưởng thụ thể dục thể thao của nhân dân vùng
sâu, vùng xa. Xây dựng cơ chế, chính sách về xã hội hoá các hoạt động thể dục
thể thao, khuyến khích hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực thể dục thể thao, phát triển
các cơ sở thể dục thể thao ngoài công lập. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan
quản lý nhà nước với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp để phát triển thể dục thể
thao và định hướng chuyên nghiệp hoá ở các môn thể thao thành tích cao. Xây dựng
cơ chế, chính sách về giao đất cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực thể dục thể
thao (cho thuê đất, đấu thầu quyền sử dụng đất), chính sách ưu đãi để khai
thác, sử dụng có hiệu quả các công trình thể dục thể thao.
3.4- Đổi mới
phương pháp quản lý hoạt động, tăng cường tổ chức bộ máy thể dục thể thao các cấp
và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức.
Thực hiện cải cách hành chính, cải tiến lề lối làm
việc, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phát huy tinh thần chủ động, sáng
tạo đội ngũ cán bộ thể dục thể thao cơ sở, tổ chức hoạt động, khai thác có hiệu
quả cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư để nâng cao chất lượng hoạt động
thể dục thể thao. Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa
các ban, ngành của tỉnh đặc biệt là với cơ quan thông tin đại chúng để đưa tri
thức thể dục thể thao đến mọi người dân nhằm thu hút ngày càng đông đảo quần
chúng nhân dân đến với thể thao.
3.5- Đẩy mạnh
xã hội hoá thể dục thể thao.
Tăng mức đầu
tư của Nhà nước cho thể dục thể thao, đồng thời tăng thu hút nguồn lực ngoài
ngân sách Nhà nước để đáp ứng nhu cầu phát triển thể dục thể thao. Thực hiện đồng
bộ các giải pháp: Tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách quản lý Nhà nước về xã hội
hoá thể dục thể thao; đa dạng các loại hình tổ chức đơn vị thể dục thể thao quần
chúng, xác định các lĩnh vực tập trung xã hội hoá; phối hợp các hình thức tổ chức,
đào tạo tài năng thể thao; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao
nhận thức về xã hội hoá thể dục thể thao.
3.6- Đào tạo
nguồn nhân lực cho TDTT.
Thành lập các trường, lớp chuyên năng khiếu thể
thao trong các trường phổ thông để phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu thể thao,
góp phần kiện toàn hệ thống đào tạo vận động viên trẻ. Trong giai đoạn
2007-2008 xúc tiến thành lập trường phổ thông năng khiếu thể thao. Ban hành tiêu chuẩn về tuyển chọn năng khiếu ban đầu, tiêu chuẩn tuyển chọn vào tuyến bán tập trung, tập
trung cho từng môn thể thao một cách có hệ thống, khoa học theo các chỉ số
chuyên môn. Vận động viên ở giai đoạn huấn luyện chuyên môn hoá sâu có
huấn luyện viên chuyên nghiệp, giỏi huấn luyện theo chương trình, kế hoạch huấn
luyện tiên tiến với những trang thiết bị hiện đại và chế độ dinh dưỡng phù hợp.
3.7- Về
khoa học-công nghệ và hợp tác phát triển thể dục thể thao.
Phát triển khoa học-công nghệ thể dục thể thao gắn
với chiến lược khoa học công nghệ của tỉnh đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, tập
trung vào những vấn đề sau: Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực
chất lượng cao cho đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên thành tích
cao; nghiên cứu các đề tài khoa học, áp dụng công nghệ tin học trong tuyển chọn,
huấn luyện, đào tạo và nâng cao trình độ vận động viên.
Tăng cường hợp tác với các tỉnh thành trong khu
vực, cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước. Chú trọng quan hệ hợp tác quốc
tế với tỉnh Quảng Tây-Trung Quốc, Lào, Cộng hoà Pháp, Thái Lan để phát triển thể
dục thể thao.
4. Các công trình, dự án đầu tư trọng điểm cấp tỉnh đến năm 2015.
* Giai đoạn
2007-2010.
- Lập dự án Khu liên hợp thể thao tỉnh, thực hiện các bước
chuẩn bị đầu tư dự án này.
- Nâng cấp Trung tâm đào tạo vận động viên.
- Nâng cấp Trung tâm thể thao dưới nước.
- Xây dựng mới Trung tâm Bóng bàn tỉnh.
- Xây dựng trường năng khiếu thể dục thể thao tỉnh.
* Giai
đoạn 2011-2015:
- Xây dựng
khu liên hợp thể thao tỉnh: Xây dựng Sân vận động Thành Đông (sức chứa 30.000
chỗ ngồi); xây dựng bể bơi, bể nhẩy cầu và một số sân tập thể thao từng môn
(ngoài trời).
- Tiếp tục
hoàn chỉnh Dự án Trung tâm bóng bàn tỉnh.
- Dự án nâng cấp, tu bổ công
trình thể thao cấp tỉnh: Nhà thi đấu, Câu lạc bộ bắn súng.
Điều 2. Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ nghị quyết này chỉ đạo cơ
quan chuyên môn hoàn chỉnh quy hoạch để phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng
nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết
này.
Nghị quyết
được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XIV kỳ họp thứ 11 thông qua./.