ỦY BAN NHÂN DÂN
QUẬN PHÚ NHUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 908/KH-UBND
|
Phú Nhuận, ngày
11 tháng 11 năm 2016
|
KẾ HOẠCH
ỨNG
PHÓ DỊCH BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT VÀ VI RÚT ZIKA TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN
Căn cứ Kế hoạch số 6278/KH-UBND ngày 04 tháng 11
năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ứng phó dịch bệnh sốt xuất huyết và
vi rút Zika tại Thành phố, Ủy ban nhân dân quận xây dựng kế hoạch ứng phó dịch
bệnh Sốt xuất huyết và vi rút Zika tại quận như sau:
I. MỤC TIÊU
- Xử lý triệt để các ổ dịch sốt xuất huyết, Zika và
các vùng nguy cơ cao phát sinh muỗi, không để phát sinh dịch bệnh trên địa bàn.
- Huy động các ban ngành, đoàn thể và toàn thể người
dân trên địa bàn chủ động tham gia thực hiện quyết liệt các biện pháp diệt lăng
quăng, diệt muỗi phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết nhằm bảo
vệ sức khỏe nhân dân.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Công tác chỉ đạo, kiểm tra
- Tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn công tác
giám sát về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và Zika, sẵn sàng thu dung,
điều trị, xử lý ổ dịch.
- Ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các hoạt
động phòng, chống dịch bệnh phù hợp với tình hình dịch bệnh trên địa bàn; thực
hiện nghiêm việc thông tin, báo cáo diễn biến tình hình của dịch bệnh sốt xuất
huyết và Zika hàng ngày cho Sở Y tế.
2. Công tác giám sát, dự phòng
- Thiết lập hệ thống giám sát bệnh do vi-rút Zika
bao gồm giám sát ca bệnh, giám sát vi rút và giám sát biến chứng, qua đó dự báo
sớm những biến động dịch bệnh để kịp thời có biện pháp đáp ứng phù hợp.
- Duy trì và củng cố hoạt động giám sát bệnh sốt xuất
huyết theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm thường quy.
- Tổ chức giám sát bệnh tại các điểm nguy cơ như
công trình xây dựng, đất bỏ trống, vựa phế thải, hộ dân trồng nhiều cây cảnh,
khu nhà trọ, chung cư...
- Xử lý triệt để các ổ dịch sốt xuất huyết, vi rút
Zika, tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường để diệt lăng quăng, phun hóa chất
diệt muỗi trên phạm vi rộng trên toàn phường nơi bệnh nhân cư trú.
- Đẩy mạnh giám sát dựa vào sự kiện các kênh báo
chí, các nguồn chính thức và không chính thức để kịp thời xác minh, tổ chức điều
tra phát hiện ổ dịch, khoanh vùng, xử lý triệt tránh dịch bùng phát trong cộng
đồng.
- Thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh và các
tài liệu chuyên môn trong công tác giám sát, xử lý ổ dịch, đồng thời tổ chức
đánh giá rút kinh nghiệm để kịp thời điều chỉnh, chỉ đạo và hướng dẫn phù hợp với
đặc điểm dịch bệnh.
3. Công tác điều trị
- Chủ động sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực điều trị,
giường bệnh; tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân.
- Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho các
cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, không để xảy
ra hiện tượng lây nhiễm sang cán bộ y tế.
- Tổ chức thường trực cấp cứu, thu dung, điều trị tại
các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh; các đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ địa
phương cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có yêu cầu.
4. Công tác truyền thông
- Tổ chức truyền thông bằng nhiều hình thức với nội
dung chủ yếu về nhận biết nguy cơ mắc bệnh, các triệu chứng và biến chứng của bệnh,
cách phòng bệnh đến người dân, đặc biệt đến với các đối tượng nguy cơ tại điểm,
vùng nguy cơ.
- Cảnh báo để cộng đồng quan tâm nhiều hơn về cách
phòng bệnh cơ bản nhất là phòng tránh muỗi đốt.
- Hướng dẫn thai phụ về cách phòng bệnh và những điều
cần thực hiện khi nghi ngờ mắc bệnh, hướng dẫn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ
ở trong vùng Zika lưu hành cần biết những thông tin về Zika nếu có ý định có
thai.
- Truyền thông kịp thời, chính xác, có tính đặc
trưng và có thể thực hiện được cho mỗi tình huống dịch, thực hiện liên tục để
duy trì sự tin cậy của cộng đồng về những điều đã biết và chưa biết về Zika.
- Phòng tránh các suy đoán, sai lệch trong thông
tin; giải quyết nhanh các tin đồn, các thông tin nhầm lẫn gây lo lắng sợ hãi
cho thai phụ và gia đình.
5. Công tác hậu cần
- Chuẩn bị sẵn sàng các vật tư, hóa chất, sinh phẩm
phục vụ xét nghiệm chẩn đoán xác định tác nhân gây bệnh.
- Xây dựng kế hoạch dự trữ, bổ sung thuốc, vật tư,
trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch trong trường hợp lan rộng, kéo
dài.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giao Phòng Y tế
- Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan triển
khai thực hiện Kế hoạch ứng phó dịch bệnh sốt xuất huyết và vi rút Zika trên địa
bàn quận.
- Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn tiến dịch bệnh
do vi rút Zika trên địa bàn quận và Thành phố để tham mưu Ủy ban nhân dân quận
biện pháp xử lý kịp thời. Thông báo thường xuyên tình hình dịch bệnh, không để
người dân hoang mang, lo lắng.
- Tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống các loại dịch
bệnh quận kiểm tra các hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tại 15
phường.
- Phối hợp Ủy ban nhân dân 15 phường kiểm tra, xử
lý đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm để tồn tại ổ lăng quăng trong
khu vực mình quản lý theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013
của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực Y tế.
- Chỉ đạo các phòng khám đa khoa, chuyên khoa trên
địa bàn quận thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh
truyền nhiễm theo Thông tư 54/2015/TT-BYT của Bộ Y tế.
2. Giao Phòng Giáo dục và Đào
tạo
Phối hợp Trung tâm Y tế dự phòng quận, Ban giám hiệu
các trường học trên địa bàn xây dựng kế hoạch tổ chức diệt lăng quăng, diệt muỗi
tại đơn vị, huy động lực lượng học sinh tham gia các hoạt động diệt lăng quăng,
diệt muỗi tai gia đình và cộng đồng theo hướng dẫn của ngành Y tế, xem đây là một
trong các nội dung sinh hoạt ngoại khóa của học sinh. Tăng cường tổ chức truyền
thông cho phụ huynh, học sinh biết đường lây truyền của vi rút Zika và các biện
pháp phòng, chống dịch bệnh để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
3. Giao Trung Tâm Y tế dự
phòng
- Tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống các loại dịch
bệnh quận tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika.
- Bảo đảm đầy đủ trang thiết bị, cơ số thuốc, hóa
chất, nhân lực, kinh phí thực hiện kế hoạch.
- Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện
pháp phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết bằng các biện pháp
vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy, phòng chống muỗi đốt.
- Triển khai hoạt động xử lý triệt để ổ dịch theo
hướng dẫn của Bộ Y tế. Giám sát chặt chẽ phát hiện sớm ca mắc bệnh để khoanh
vùng và xử lý kịp thời. Báo cáo diễn tiến tình hình dịch theo quy định.
- Thực hiện phun hóa chất diệt muỗi tại các điểm
nguy cơ khi phát hiện ổ dịch tại trường học, gia đình và cộng đồng.
- Chỉ đạo Trạm Y tế 15 phường phối hợp tốt các hoạt
động phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết, hỗ trợ tích cực với
Ủy ban nhân dân phường tổ chức vận động nhân dân làm vệ sinh môi trường, diệt
lăng quăng.
4. Giao Bệnh viện quận
- Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, phương
tiện cấp cứu, điều trị, giường bệnh; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách
ly, điều trị bệnh nhân. Khi cần thiết thì hội chẩn với chuyên khoa sản tuyến
trên để theo dõi bất thường thai nhi, có thể làm xét nghiệm chẩn đoán khi có chỉ
định.
- Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho cán bộ
y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, không để xảy ra hiện
tượng lây nhiễm sang cán bộ y tế.
- Thực hiện truyền thông cho thai phụ; giám sát,
phát hiện tật đầu nhỏ qua chẩn đoán tiền sản và qua thăm khám sơ sinh, lấy mẫu
gửi về Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh và báo cáo về Trung tâm Y tế dự phòng
thành phố.
- Tổ chức thường trực cấp cứu, thu dung, điều trị tại
đơn vị; đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ địa phương cấp cứu, điều trị bệnh
nhân khi có yêu cầu.
- Thường xuyên cập nhật, đánh giá rút kinh nghiệm
trong công tác chẩn đoán điều trị, chăm sóc để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn,
chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.
- Tăng cường công tác quản lý thai sản, khám sàng lọc
phụ nữ có thai nghi nhiễm vi rút Zika để tiến hành tư vấn và xét nghiệm. Đặc biệt
phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai bị sốt phát ban, đau mỏi cơ, đau mắt
đỏ thì báo ngay cho Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố để lấy mẫu xét nghiệm chẩn
đoán.
5. Giao Phòng Văn hóa và
Thông tin
- Phối hợp với Phòng Y tế và Trung tâm Y tế dự
phòng quận đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân thực
hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống dịch bệnh do vi rút
Zika và sốt xuất huyết.
- Tuyên truyền đến các đối tượng có nguy cơ đặc biệt
là phụ nữ mang thai và các cặp vợ chồng dự định mang thai về các biện pháp chủ
động phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika.
6. Giao Phòng Tài nguyên và môi
trường
- Tổ chức phát động, vận động nhân dân làm sạch vệ
sinh môi trường tại các địa bàn dân cư, huy động người dân tổng vệ sinh hàng tuần
và tập trung tổ chức công tác diệt lăng quăng theo hướng dẫn của ngành Y tế, có
giải pháp để duy trì hoạt động và kiên quyết xử phạt nếu có tổ chức, cá nhân
nào vi phạm.
- Lập danh sách các điểm nóng môi trường có nguy cơ
đọng nước chứa lăng quăng là nơi phát sinh muỗi và có phương án giải quyết cho
từng điểm trình Ủy ban nhân dân quận duyệt để triển khai thực hiện ngay.
- Phối hợp với các đơn vị có liên quan ra quân đồng
loạt với ngành y tế trong công tác diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi ở
những phường có ca bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết.
7. Giao Phòng Tài chính-Kế hoạch
Phối hợp với Phòng Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng
quận tham mưu Ủy ban nhân dân quận đảm bảo cấp và bổ sung kinh phí kịp thời cho
các hoạt động phòng, chống dịch bệnh theo nhu cầu thực tế tại quận.
8. Thủ trưởng các cơ quan ban
ngành thuộc quận
Phối hợp với ngành y tế thực hiện công tác truyền
thông, giám sát phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết và tổ chức
công tác diệt muỗi, lăng quăng tại đơn vị theo hướng dẫn của ngành Y tế.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội quận
- Đưa nội dung phòng, chống dịch bệnh do vi rút
Zika và sốt xuất huyết vào nội dung sinh hoạt định kỳ của tổ chức mình, đặc biệt,
nhấn mạnh thông điệp Phòng tránh muỗi đốt cho thai phụ và trẻ em.
- Phối hợp, hỗ trợ ngành y tế trong công tác tuyên
truyền và vận động người dân, hội viên, đoàn viên dành từ 10 đến 15 phút mỗi tuần
để thu dọn các vật phế thải, dụng cụ chứa nước và thực hiện các biện pháp diệt
lăng quăng, diệt muỗi trong nhà và xung quanh nhà.
10. Giao Ủy ban nhân dân 15
phường
- Kiện toàn, củng cố Ban chỉ đạo phòng, chống dịch
bệnh tại địa phương, triển khai thực hiện Kế hoạch ứng phó dịch bệnh sốt xuất
huyết và vi rút Zika.
- Tích cực tổ chức tuyên truyền, vận động người dân
tham gia thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, muỗi, làm vệ sinh môi trường,
nhà cửa hàng tuần.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nguy
cơ, điểm có yếu tố nguy cơ thực hiện vệ sinh môi trường hàng tuần, thu dọn các
vật phế thải, dụng cụ chứa nước.
- Tập trung huy động cả hệ thống chính trị, các nguồn
lực xã hội trên địa bàn để thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch
bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết theo hướng dẫn của ngành y tế.
- Tăng cường các biện pháp chế tài, xử phạt theo
Nghị định số 176/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về quy định xử
phạt hành chính trong lĩnh vực Y tế đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm
để tồn tại ổ lăng quăng trong khu vực mình quản lý.
Trên đây là Kế hoạch ứng phó dịch bệnh sốt xuất huyết
và vi rút Zika trên địa bàn quận, yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có
liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân 15 phường nghiêm túc tổ chức triển khai
và thực hiện./.
Nơi nhận:
- UBND TP;
- Sở Y tế;
- TT/QU (PBT/TT);
- HĐND quận (các PCT);
- UBMTTQVN và các đoàn thể, chính trị - xã hội quận;
- UBND quận (CT, PCT/VX);
- Các phòng,ban, đơn vị thuộc quận;
- UBND 15 phường;
- VP/HĐND và UBND quận (CVP, đ/c Bình P.CVP);
- Lưu: VT, PYT.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Đông Tùng
|