Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 282/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc Người ký: Nguyễn Văn Khước
Ngày ban hành: 16/11/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 282/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 16 tháng 11 năm 2023

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI QUYẾT ĐỊNH SỐ 569/QĐ-TTG NGÀY 24/5/2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN 2023-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế tại Văn bản số 4560/BYT-KCB ngày 20/7/2023 về xây dựng Kế hoạch phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đề xuất của Sở Y tế tại Tờ trình số 144/TTr-SYT ngày 01/11/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, như sau:

Phần 1

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG HỆ THỐNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH QUỐC GIA PHÁT TRIỂN PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN 2014-2022

I. THÔNG TIN CHUNG

Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, phía Bắc giáp Thái Nguyên và Tuyên Quang, phía Tây giáp Phú Thọ, phía Đông và Nam giáp Hà Nội, có diện tích tự nhiên là 1.236 km2. Tỉnh Vĩnh Phúc có 47% dân số sống ở đô thị và 53% dân số sống ở nông thôn với dân số 1.204.300 người, gồm người Kinh, Sán dìu, Sán chay, Cao Lan, Dao...., thu nhập bình quân đầu người đạt 105 triệu đồng tương ứng 5.494 USD. Tỉnh có 136 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thành phố: Vĩnh Yên, Phúc Yên, Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương, Tam Đảo, Bình Xuyên, Vĩnh Tường và Yên Lạc.

Giai đoạn 2011-2022, hệ thống tổ chức cơ sở y tế tỉnh Vĩnh Phúc được kiện toàn, đổi mới, phát triển ở cả y tế công lập và ngoài công lập.

Tính đến năm 2022, mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh có 151 cơ sở công lập:7 bệnh viện tuyến tỉnh (Đa khoa tỉnh, Đa khoa khu vực Phúc Yên, Sản - Nhi, Tâm thần, Y dược cổ truyền, Phục hồi chức năng, Giao thông vận tải) ,09 Trung tâm Y tế tuyến huyện, 136 Trạm y tế tuyến xã. Ngoài ra, còn có 1 Bệnh viện Bộ, ngành (Bệnh viện Quân y 109 với quy mô 300 giường bệnh)và 1 Bệnh viện Trung ương (Bệnh viện Trung ương 74 với quy mô 495 giường bệnh).

Công tác xã hội hoá dịch vụ y tế phát triển mạnh với các phòng khám, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa ngoài công lập, đã góp phần giảm tải cho hệ thống y tế công lập, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế. Đến năm 2022, toàn tỉnh có 318 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được cấp phép hoạt động, gồm: Các phòng khám đa khoa chiếm 6,45%; phòng khám chuyên khoa 23,7%; các phòng chẩn trị Y học cổ truyền 33,1%; các cơ sở dịch vụ y tế khác chiếm tỷ lệ 36,36%; Và 01 bệnh viện tư nhân là Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt với quy mô 200 giường bệnh; Tính đến tháng 9/2023 toàn ngành có 6.038 cán bộ nhân viên, tuyến tỉnh là 3.468 người, tuyến huyện là 1.596 người, tuyến xã là 974 người. Số Bác sĩ tại các cơ sở y tế công lập do ngành y tế quản lý là 1.468 người đạt tỷ lệ 11,9 bác sĩ/vạn dân (Tổng số bác sỹ kể cả tư nhân và bác sỹ của các Bộ, ngành trung ương đóng trên địa bàn là 1.797 người, tương đương 16,9 bác sỹ/vạn dân). Dược sĩ là 362 người đạt tỷ lệ 1,3 Dược sĩ đại học/vạn dân.

II. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH QUỐC GIA PHÁT TRIỂN PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN 2014-2022

1. Thực hiện các chính sách, pháp luật và phối hợp liên ngành

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 10/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng Bộ tỉnh khóa XVII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển sự nghiệp Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Trong những năm qua Sở Y tế đã kịp thời tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy. Hệ thống y tế của tỉnh cơ bản được phát triển đồng bộ từ tuyến tỉnh đến cơ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao, nhân lực y tế phát triển cả về số lượng và chất lượng, năng lực chuyên môn và y đức của cán bộ y tế được cải thiện tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, bất cập; cơ sở vật chất một số đơn vị y tế xuống cấp, trang thiết bị chưa đồng bộ, khó khăn trong thực hiện các kỹ thuật cao, kỹ thuật theo phân tuyến, công tác đào tạo thu hút cán bộ giỏi còn hạn chế ở cả 3 tuyến, thiếu các chuyên gia thuộc lĩnh vực chuyên môn sâu, cơ chế chính sách đãi ngộ chưa khuyến khích được các thầy thuốc có chuyên môn giỏi gắn bó lâu dài tại các cơ sở y tế công lập.

Việc triển khai kế hoạch Quốc gia phát triển Phục hồi chức năng giai đoạn 2014-2022 và Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trong thời gian qua còn nhiều hạn chế. Hệ thống khám chữa bệnh chuyên ngành phục hồi chức năng của tỉnh còn thiếu cơ chế kết nối giữa các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến cơ sở, phối hợp và kiểm soát chất lượng, nhân lực ngành phục hồi chức năng chưa được bảo đảm cả về số lượng và chất lượng, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết còn thiếu. Khả năng cung cấp các dụng cụ trợ giúp cũng như việc thực hiện các dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng tại các tuyến còn hạn hẹp, người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn trong việc chi trả kinh phí, chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng chưa được triển khai trong giai đoạn này.

Thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật; Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 29/9/2020 về trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2030.

2. Triển khai phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng

Công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng còn rất hạn chế; chất lượng thông tin dữ liệu về người khuyết tật thiếu dữ liệu về cung cấp và sử dụng dịch vụ phục hồi chức năng của các tuyến, các ngành, thiếu sự kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ sở cung cấp dịch vụ thuộc các tuyến, các ngành.

3. Tăng cường hệ thống cung cấp dịch vụ và chuyên môn kỹ thuật

- Kết quả về sàng lọc phát hiện sớm; dự phòng khuyết tật; quản lý điều trị và chăm sóc người khuyết tật (NKT): Tại tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 20.602 NKT. Trong đó, NKT đặc biệt nặng 2.193 người; khuyết tật nặng 13.962; khuyết tật nhẹ 2.999. Phân theo dạng tật thì NKT vận động 8.111 người; khuyết tật nghe nói 1.354; khuyết tật nhìn 1.520; khuyết tật thần kinh 5.473; khuyết tật trí tuệ 2.394; khuyết tật khác 1.282. Những năm gần đây tỉnh Vĩnh Phúc đã có chính sách hỗ trợ đối với người khuyết tật, một số bệnh viện tuyến tỉnh đã được trang bị thiết bị y tế với mục đích phục hồi chức năng cho người bệnh, tuy nhiên thiết bị phục vụ riêng cho đối tượng NKT như chân giả, tay giả, nạng chống… còn thiếu nhiều (Sở Lao động - Thương binh và xã hội Vĩnh Phúc (2021), Báo cáo kết quả thực hiện chính sách đối với người khuyết tật năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021)

- Mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh và hồi phục chức năng trên địa bàn tỉnh gồm: Bệnh viện Phục hồi chức năng và khoa Phục hồi chức năng của các Bệnh viện: Đa khoa tỉnh, Đa khoa khu vực Phúc Yên, Y dược cổ truyền. Đối với các Trung tâm Y tế tuyến huyện khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền ghép làm một, 100% Trạm Y tế tuyến xã có nhân viên phụ trách PHCN. Cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, Bệnh viện phục hồi chức năng thường xuyên phải hoạt động trên cơ sở của đơn vị khác, trang thiết bị phục hồi chức năng được trang bị thêm, tuy nhiên vẫn còn thiếu nhất là các trang thiết bị hiện đại. Toàn tỉnh hiện có 730 giường phục hồi chức năng (giường thực kê). Riêng Trung tâm Trợ giúp nạn nhân chất độc màu Da cam/Dioxin và người tàn tật tỉnh trực thuộc Hội chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc đã được đầu tư xây mới từ năm 2008 với tổng mức đầu tư xây lắp 8,0 tỷ đồng và hơn 7,0 tỷ đồng mua sắm hơn 70 danh mục trang thiết bị phục hồi chức năng. Trong 6 năm từ năm 2010 đến 2016, tại Trung tâm đã thực hiện dịch vụ kỹ thuật cho hơn 5000 lượt người khuyết tật với hang chục loại danh mục kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế.

- Kết quả triển khai các phân tuyến kỹ thuật theo Thông tư số 43/2013/TT- BYT ngày 11/12/2013 và Thông tư số 21/2017/TT-BYT ngày 10/5/2017 của Bộ Y tế: Tại tuyến tỉnh bình quân các bệnh viện tuyến tỉnh được phê duyệt 81,3% kỹ thuật tại tuyến tăng 0,6% so với năm 2016; 29,7% kỹ thuật vượt tuyến; Tại tuyến huyện bình quân các đơn vị dược phê duyệt 70,4% kỹ thuật tại tuyến; 11,2% kỹ thuật vượt tuyến; tại tuyến xã bình quân kỹ thuật phê duyệt 82,4% kỹ thuật tại tuyến. Về kỹ thuật chuyên ngành PHCN: Tuyến tỉnh đạt 53.6 %, Bệnh viện Phục hồi chức năng có lượng kỹ thuật thực hiện được cao nhất cả tỉnh (94,04%), Bệnh viện Y dược cổ truyền có lượng kỹ thuật thực hiện được thấp nhất toàn tỉnh (22,22%),tuyến huyện đạt 56.72 % danh mục kỹ thuật PHCN theo phân tuyến. (Số liệu theo đề tài Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ phục hồi chức năng tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022.

4. Về nguồn nhân lực

- Về nhân lực y tế công tác trong ngành PHCN gồm có 115 bác sĩ, 55 kỹ thuật viên, 172 điều dưỡng và các cán bộ chuyên môn khác. Trong đó riêng Bệnh viện phục hồi chức năng có 30 bác sĩ, 22 kỹ thuật viên, 45 điều dưỡng.

- Nhân lực PHCN còn thiếu, nhất là các Bác sĩ, kỹ thuật viên ngành Vật lý trị liệu phục hồi chức năng, thiếu nhân lực về phục hồi ngôn ngữ, phục hồi nhận thức, kỹ thuật viên chỉnh hình, kỹ thuật viên dụng cụ trợ giúp... chưa cung cấp được các dịch vụ PHCN theo cách tiếp cận đa ngành, toàn diện.

III. KHÓ KHĂN, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Khó khăn, hạn chế

- Chưa có hệ thống quản lý phục hồi chức năng từ tỉnh đến xã; sự phối kết hợp giữa các Sở, ban, ngành cho các hoạt động chăm sóc NKT trên địa bàn tỉnh chưa thật chặt chẽ.

- Công tác tuyên truyền các chính sách, pháp luật liên quan đến NKT và kế hoạch quốc gia về phát triển PHCN chưa được triển khai sâu rộng; nhận thức, hiểu biết về PHCN của người dân trên địa bàn còn hạn chế.

- Nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế PHCN còn hạn chế.

- Nguồn nhân lực tham gia làm các hoạt động PHCN chưa đáp ứng được cho các cơ sở y tế và tại cộng đồng. Nhân lực y tế: Số lượng bác sĩ chuyên ngành PHCN có trình độ sau đại học còn thấp, chủ yếu tập trung tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh.

- Tỷ lệ thực hiện kỹ thuật chuyên môn phân tuyến chuyên ngành PHCN mới chỉ đạt tại Bệnh viện phục hồi chức năng, còn cơ sở điều trị khác còn thấp, tuyến huyện mới thực hiện được dưới 60%.

2. Nguyên nhân

a) Nguyên nhân khách quan

- Trong giai đoạn 2016-2022, ngành y tế đã được nâng mức đầu tư bằng 7% ngân sách tỉnh. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị của ngành y tế rất lớn đồng thời quy mô dân số tiếp tục tăng hàng năm, vì vậy nguồn kinh phí chi cho ngành y tế giai đoạn vừa qua vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

- Bệnh viện Phục hồi chức năng hoạt động trong điều kiện vừa xây dựng, vừa dồn ghép, diện tích chật hẹp, phải giảm tải một số lĩnh vực.

- Việc đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế đã được quan tâm nhưng việc triển khai còn chưa đồng bộ so với tiến độ xây lắp nên đến năm 2022, các bệnh viện đã được tỉnh đầu tư thiết bị nhưng vẫn còn thiếu thiết bị y tế để thực hiện đạt chỉ tiêu dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến đề ra.

- Việc thực hiện danh mục kỹ thuật được tính toán trên cơ sở của Thông tư số 43/2013/TT-BYTngày 11/12/2013. Ngày 10/5/2017, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 21/2017/TT-BYT bổ sung thêm 1.028 kỹ thuật. Số danh mục kỹ thuật các đơn vị phải thực hiện tăng thêm, nhiều kỹ thuật mang tính thủ công hiện nay không còn thực hiện nữa thay vào đó là các kỹ thuật khácđược thực hiện với máy móc thiết bị hiện đại, trong khi trang thiết bị hiện có tại các đơn vị còn hạn chế, cơ sở vật chất chưa đồng bộ, trình độ, số lượng bác sỹ có chuyên môn sâu còn thấp là nguyên nhân không đạt tỷ lệ phân tuyến kỹ thuật giao.

b) Nguyên nhân chủ quan

Một số đơn vị y tế chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực khám chữa bệnh phục hồi chức năng, nên các nguồn lực đầu tư chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực khám chữa bệnh đa khoa.

Phần 2

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN 2023-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng người khuyết tật; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Bảo đảm thực hiện tốt Chỉ thị số 39-CT/TW; Quyết định số 569/QĐ-TTg trong công tác nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ người khuyết tật và các đối tượng chính sách cần trợ giúp xã hội.

- Đề ra các giải pháp thực hiện sát với tình hình thực tế và điều kiện nguồn lực của địa phương. Ưu tiên đầu tư ngân sách và có cơ chế, chính sách tăng cường công tác huy động nguồn lực để triển khai, thực hiện các hoạt động của Kế hoạch. Các Sở, ban, ngành tỉnh, tổ chức, đơn vị phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch; tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện theo quy định.

II ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI TRIỂN KHAI

1. Đối tượng thực hiện

Tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Điều dưỡng người có công Tam Đảo, Trung tâm Công tác xã hội, Trung tâm Nuôi dưỡng và phục hồi chức năng người tâm thần, cơ sở cai nghiện và Trung tâm Trợ giúp nạn nhân chất độc màu Da cam/Dioxin và người tàn tật.

2. Đối tượng thụ hưởng

Người khuyết tật và người có nhu cầu phục hồi chức năng trên địa bàn.

3. Phạm vi triển khai: Trên địa bàn toàn tỉnh.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Bảo đảm cho người khuyết tật, người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống để người khuyết tật được hòa nhập và tham gia bình đẳng vào các hoạt động trong xã hội, phát huy tối đa năng lực của người khuyết tật góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

2.1.Triển khai mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng và tăng cường phòng ngừa khuyết tật sơ sinh, phát hiện và can thiệp sớm khuyết tật, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng

- Đảm bảo trên 90% trẻ em từ sơ sinh đến 06 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật.

- Triển khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

+ Đến năm 2025: 05/09 huyện, thành phố triển khai mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

+ Đến năm 2030: 09/09 huyện, thành phố triển khai và duy trì mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

2.2. Duy trì, củng cố, kiện toàn và phát triển hệ thống mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng

- Đảm bảo trên 90% cơ sở phục hồi chức năng (gồm: Bệnh viện Phục hồi chức năng, Khoa phục hồi chức năng/YHCY-PHCN thuộc các cơ sở y tế) được duy trì, củng cố, kiện toàn và đầu tư phát triển.

- Đến năm 2023-2024: cải tạo, nâng cấp và sửa chữa hạ tầng cơ sở của Bệnh viện phục hồi chức tỉnh tại thôn Lạc Ý 1, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên.

- Tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, củng cố, bổ sung trang thiết bị và phát triển khoa Phục hồi chức năng/ Khoa Y học cổ truyền - PHCN tại các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, thành phố và các đơn vị cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Chữ thập đỏ.

2.3. Nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng

- Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh đạt mức chất lượng từ mức 3 trở lên theo tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế.

- Thực hiện danh mục kỹ thuật PHCN theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật:

+ Năm 2025: Bệnh viện Phục hồi chức năng đạt 100%; các khoa phục hồi chức năng của các Bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện ngoài công lập đạt >70%, các khoa PHCN-YHCT của Trung tâm Y tế tuyến huyện đạt >65%.

+ Năm 2030: Các khoa Phục hồi chức năng của các Bệnh viện tuyến tỉnh, Bệnh viện ngoài công lập đạt> 80%, các khoa PHCN-YHCT của Trung tâm Y tế tuyến huyện đạt >70%.

- Đối với hệ thống thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

+ Các đơn vị: Trung tâm Điều dưỡng người có công Tam Đảo, Trung tâm Công tác xã hội, Trung tâm Nuôi dưỡng và phục hồi chức năng người tâm thần, cơ sở cai nghiện ma túy bảo đảm đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, phục hồi chức năng cho các đối tượng được tiếp nhận.

+ Đến năm 2024: Trung tâm Điều dưỡng người có công Tam Đảo, Trung tâm Công tác xã hội, Trung tâm Nuôi dưỡng và phục hồi chức năng người tâm thần thực hiện được ít nhất 80% hoạt động chuyên môn, kỹ thuật của y tế tuyến xã.

+ Từng bước đầu tư, nâng cấp các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội theo quy hoạch của ngành Y tế và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

+ Đến năm 2028: Trung tâm Điều dưỡng người có công Tam Đảo, Trung tâm Công tác xã hội, Trung tâm Nuôi dưỡng và phục hồi chức năng người tâm thần thực hiện được 100% hoạt động chuyên môn, kỹ thuật của y tế tuyến xã; Cơ sở cai nghiện ma túy thực hiện được ít nhất 80% hoạt động chuyên môn, kỹ thuật của y tế tuyến xã.

2.4. Phát triển nguồn nhân lực phục hồi chức năng

- Tỷ lệ nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực phục hồi chức năng tối thiểu 01 người/10.000 dân.

+ Đến năm 2025: đạt tối thiểu 1,2 Bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên ngành PHCN/10.000 dân.

+ Đến năm 2030: đạt tối thiểu 1,4 Bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên ngành PHCN/10.000 dân.

- 95% các Trạm Y tế xã có nhân viên y tế được phân công phụ trách chương trình PHCN, được bồi dưỡng kiến thức cơ bản về PHCN để cung cấp dịch vụ PHCN ban đầu vào năm 2025 và nâng lên 100% vào năm 2030.

- Đối với cơ sở thuộc hệ thống Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Các Trung tâm Điều dưỡng người có công Tam Đảo, Trung tâm Công tác xã hội, Trung tâm Nuôi dưỡng và phục hồi chức năng người tâm thần, cơ sở cai nghiện ma túy, đến năm 2025 đạt 80% có Bác sĩ và kỹ thuật viên được đào tạo cơ bản về phục hồi chức năng, đến năm 2030 tỷ lệ này phải đạt 100%.

3. Tầm nhìn đến năm 2050

3.1. Phục hồi chức năng được phát triển tại tất cả các tuyến trong và ngoài ngành Y tế với sự đa dạng về phương pháp can thiệp đảm bảo cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng toàn diện, liên tục, chất lượng.

3.2. Đẩy mạnh hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trở thành biện pháp chiến lược để giải quyết vấn đề khuyết tật ở Việt Nam; tiến tới triển khai phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng ở tất cả các xã, phường, thị trấn; các quận, huyện, thị xã; các tỉnh, thành phố trong cả nước và được tích hợp trong nhiều dịch vụ xã hội khác ngoài cơ sở y tế.

3.3. Mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật và các kỹ thuật phục hồi chức năng thiết yếu, phù hợp theo nhu cầu.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Thực hiện chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng

- Tổ chức thực hiện các hoạt động phòng ngừa khuyết tật trước sinh và sơ sinh, phát hiện sớm, can thiệp khuyết tật.

- Phát triển mạng lưới phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng và triển khai mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trên phạm vi toàn tỉnh.

- Tổ chức phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho người khuyết tật là các đối tượng đặc biệt: người có công với cách mạng, nạn nhân chất độc màu da cam/Dioxin, người cao tuổi, người tâm thần, trẻ tự kỷ.

2. Duy trì, củng cố, nâng cấp, phát triển hệ thống phục hồi chức năng và phát triển chuyên môn phục hồi chức năng

- Quan tâm Đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng cho bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, đầu tư nâng hạng Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh thành Bệnh viện chuyên khoa với 250 giường kế hoạch vào năm 2030.

- Tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, bổ sung trang thiết bị và phát triển khoa Phục hồi chức năng/khoa Y học cổ truyền - PHCN tại các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, các đơn vị cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Hội Chữ thập đỏ tỉnh; đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng Trung tâm Trợ giúp nạn nhân chất độc màu Da cam/Dioxin và người tàn tật trực thuộc Hội chữ thập đỏ tỉnh.

- Củng cố và phát triển các Trạm Y tế đảm bảo cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

- Triển khai hoạt động phục hồi chức năng tại khu trung chuyển theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 2762/QĐ-BYT ngày 04/7/2023 về việc ban hành tài liệu hướng dẫn phục hồi chức năng tại khu trung chuyển trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Phát triển chuyên môn kỹ thuật, tăng cường ứng dụng các phương pháp mới, kỹ thuật mới, chuyên sâu và phối hợp điều trị, chuyển tuyến trong lĩnh vực PHCN; thực hiện các chương trình, đề án, dự án về PHCN, trong đó chú trọng, phòng ngừa, phát hiện sớm và can thiệp sớm trẻ em khuyết tật.

- Khuyến khích phát triển mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.

3. Đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học chuyên ngành phục hồi chức năng

- Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực về PHCN cho các bệnh viện theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 46/2013/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế; tham mưu và có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các bác sĩ học tập nâng cao trình độ lên chuyên khoa cấp I, cấp II, Thạc sĩ và Tiến sĩ về PHCN.

- Tăng cường đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức, kỹ năng về phục hồi chức năng cho đội ngũ nhân viên y tế phục hồi chức năng phù hợp với chức danh nghề nghiệp và vị trí việc làm.

- Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật và đào tạo cán bộ PHCN cho tuyến huyện, tuyến xã.

- Tiếp tục thực hiện nghiên cứu khoa học về phục hồi chức năng.

4. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phục hồi chức năng và chăm sóc sức khỏe người khuyết tật

- Đẩy mạnh ứng dụng hệ thống thông tin quản lý sức khoẻ người khuyết tật kết nối với hệ thống thông tin quản lý sức khoẻ cá nhân.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và cung ứng dụng cụ phục hồi chức năng.

- Tăng cường công tác xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch vụ PHCN, đa dạng hóa các nguồn đầu tư; bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, tranh thủ các nguồn đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo đúng các quy định của pháp luật.

5. Tăng cường truyền thông và vận động xã hội

- Tuyên truyền, phổ biến, vận động các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các hướng dẫn chuyên môn về phục hồi chức năng, các khuyến cáo về phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật.

- Đẩy mạnh hợp tác về phục hồi chức năng, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức trong và ngoài nước để huy động nguồn lực đầu tư, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, từng bước hội nhập với quốc tế về công tác phục hồi chức năng.

V. KINH PHÍ DỰ KIẾN THỰC HIỆN

- Tổng kinh phí dự kiến: 26.021.296.000 đồng

Bằng chữ: Hai mươi sáu tỷ không trăm hai mươi mốt triệu hai trăm chín mươi sáu nghìn đồng.

- Nguồn kinh phí: NSNN (chi sự nghiệp); Nguồn thu sự nghiệp của các cơ sở y tế; nguồn do quỹ BHYT chi trả, nguồn xã hội hóa và nguồn hợp pháp khác.

(Chi tiết tại phụ lục đính kèm)

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch.

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Kế hoạch; hàng năm xây dựng Kế hoạch hoạt động và dự toán chi tiết gửi Sở Tài chính thẩm định cấp kinh phí để triển khai thực hiện kế hoạch theo quy định.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Bệnh viện PHCN tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, chuyển gia kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe và PHCN cho tuyến dưới theo chương trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện; tổng hợp báo cáo và kịp thời đề xuất kiến nghị điều chỉnh Kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế, báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục về vai trò, tầm quan trọng của phục hồi chức năng và triển khai các hoạt động nâng cao sức khỏe, dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị, phục hồi chức năng cho người lao động thuộc phạm vi quản lý.

- Chủ trì, phối hợp các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Quyết định số 1942/QĐTg ngày 18/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021-2030.

- Khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc; tạo điều kiện trong việc thực hiện chế độ ưu đãi đối với các cơ sở sản xuất dành riêng cho người khuyết tật.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Phối hợp với Sở Y tế triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục về vai trò, tầm quan trọng của PHCN dựa vào cộng đồng; triển khai các hoạt động nâng cao sức khỏe, dự phòng, phát hiện sớm và quản lý PHCN cho trẻ em khuyết tật tại các trường học.

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vận động tối đa trẻ khuyết tật ở độ tuổi đi học có khả năng học tập đi học hòa nhập hoặc tham gia học tập tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh; tham gia các hoạt động của Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Tài chính

Thẩm định và tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí hàng năm triển khai kế hoạch; Phối hợp Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn các đơn vị sử dụng kinh phí được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước để thực hiện kế hoạch trong khả năng cân đối tài chính của tỉnh.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp Sở Y tế trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định liên quan để thực hiện Chương trình.

6. Bảo hiểm xã hội tỉnh

- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người khuyết tật tham gia bảo hiểm y tế.

- Phối hợp Sở Y tế trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các hướng dẫn chi trả bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ phục hồi chức năng theo quy định hiện hành nhằm mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người khuyết tật khi tham gia bảo hiểm y tế.

7. Hội Chữ thập đỏ tỉnh

- Chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp nạn nhân chất độc màu Da cam/Dioxin và người tàn tật phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng cho người khuyết tật, nạn nhân da cam tại trung tâm và cộng đồng

- Tuyên truyền, phổ biến, vận động các cấp, ngành, đoàn thể và người dân thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, các hướng dẫn chuyên môn về phục hồi chức năng, các khuyến cáo về phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật. Vận động hội viên tham gia chương trình phát triển hệ thống PHCN và nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người khuyết tật.

- Mở rộng quan hệ với các tổ chức trong nước và quốc tế tranh thủ sự hỗ trợ và giúp đỡ nhân đạo đối với người khuyết tật và nạn nhân da cam.

8. Các Sở, ban ngành liên quan

Trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ có kế hoạch lồng ghép các nội dung về PHCN dựa vào cộng đồng vào các hoạt động của ngành để phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội trên địa bàn giai đoạn 2023-2030 và hàng năm phù hợp với đặc điểm tình hình tại địa phương.

- Bố trí đủ nguồn lực, cơ sở vật chất, thực hiện lồng ghép Kế hoạch này với các chương trình, nhiệm vụ, đề án, dự án khác để triển khai thực hiện tại địa phương.

- Đưa mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Triển khai Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng theo hướng dẫn của Sở Y tế; đưa mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình PHCN dựa vào cộng đồng; tạo điều kiện để cơ quan tổ chức hoặc tham gia thực hiện hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

- Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện; tổng hợp báo cáo và kịp thời đề xuất kiến nghị điều chỉnh Kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế, báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Y tế).

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ tham gia tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; chỉ đạo các đoàn, hội cơ sở đẩy mạnh truyền thông, lồng ghép công tác tuyên truyền, giáo dục tư vấn pháp luật, chính sách đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, vận động hội viên và nhân dân tham gia thực hiện chương trình phát triển hệ thống PHCN và nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người khuyết tật; đồng thời phối hợp với các ngành vận động các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ Quỹ giúp đỡ người khuyết tật.

VII. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO

Các Sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh, các đơn vị, địa phương căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ liên quan để ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện hàng năm (trước ngày 15/11) hoặc báo cáo đột xuất (nếu có) về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Bộ Y tế, UBND tỉnh theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh; Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện đạt hiệu quả./.


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Uỷ ban MTTQ Việt nam tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, VX1 (Tr b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khước

PHỤ LUC

BẢNG TỔNG HỢP KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG CHI TIẾT VÀ DỰ KIẾN KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CHƯƠNG TRÌNH PHCN GIAI ĐOẠN 2023-2030, TẦM NHÌN 2050
(Kèm theo kế hoạch: 282/KH-UBND ngày 16/11/2023 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

STT

Tên Hoạt động

Đơn vị đầu mối (đơn vị thực hiện)

Đơn vị phối hợp

Sản phẩm hoàn thành/kết quả đầu ra

Thời gian hoàn thành

Giai đoạn 2023-2030

Chia theo nguồn kinh phí

Ghi chú

NSNN (Chi sự nghiệp)

Nguồn thu sự nghiệp

Triển khai mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng và tăng cường phòng ngừa khuyết tật sơ sinh, phát hiện và can thiệp sớm khuyết tật, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng: đảm bảo trên 90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật: trên 100% các huyện, thành phố trong địa bàn triển khai mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

1

Thành lập, tập huấn, và duy trì mạng lưới PHCNDVCĐ từ tỉnh đến Xã (Phường)

Sở Y tế

Các sở ban ngành và UBND các huyện/TP

Thành lập và duy trì được ban điều hành chương trình

Từ năm 2024- 2030

14.360.715.600

14.360.715.600

2

Tổ chức khám sáng lọc cho người khuyết tật và huấn luyện cho cán bộ y tế xã, y tế thôn bản, tổ dân phố người thân người khuyết tật cách chăm sóc, phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại nhà

Bệnh viện PHCN

Các TTYT huyện/TP

NKT được khám và người thân NKT cách chăm sóc, phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại nhà

Năm 2025: 5/9 huyện TP. Năm 2030: 136 xã phường

2.259.580.012

2.259.580.012

3

Điều tra thông qua bộ phiếu điều tra phát hiện sớm trẻ khuyết tật từ 0-6 tuổi tại các địa phương và trường học

TTYT huyện/TP

TYT

Số hộ gia đình được điều tra khuyết tật

Số hộ gia đình có người nghi ngờ khuyết tật

Hàng năm

576.000.000

576.000.000

4

Hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị phục hồi chức năng thiết yếu

Bệnh viện PHCN

Các TYT xã

NKT và gia đình NKT hiểu và biết làm một số TTB PHCN thiết yếu

Năm 2025: 5/9 huyện TP Năm 2030 136 xã phường

3.060.000.000

3.060.000.000

5

Công tác truyền thông và giáo dục về sức khỏe NKT

SYT

Báo đài tỉnh

Đăng tin bài trên các đài truyền hình tỉnh và báo tỉnh 1 tháng/lần

In hồ sơ bệnh án và phiếu

Hàng năm

420.000.000

420.000.000

Nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng

2

Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học phát triển chuyên ngành PHCN và PHCNDVCĐ,

Sở Y tế

Sở KHCN

Có 02 đề tài khoa học về PHCN

Năm 2025 và 2030

1.100.000.000

1.100.000.000

Theo đơn đặt hàng với Sở KHCN

3

Chuyển giao kỹ thuật giữa các tuyến; học tập, tiếp nhận kỹ thuật PHCN tiên tiến của bệnh viện tuyến trên

BVPHCN

Các TTYT huyện /TP

Mỗi năm chuyển giao được từ 1-2 gói kỹ thuật chuyên ngành PHCN

Năm 2024 -2030

2.100.000.000

2.100.000.000

Theo đề xuất của các TTYT tuyến huyện

Phát triển nguồn nhân lực phục hồi chức năng

2

Đào tạo bác sĩ định hướng chuyên ngành PHCN

Sở Y tế

Trường đại học

Mỗi năm 20 học viên

2024-2026

1.200.000.000

1.200.000.000

3

Cử cán bộ đi học ngắn hạn tại tuyến TW về PHCN

Các cơ sở y tế

Bệnh viện tuyến TƯ

Mỗi năm cử được từ 10 cán bộ đi đào tạo ngắn hạn về PHCN

Hàng năm

700.000.000

700.00.000

4

Tổ chức đào tạo mới và đào tạo lại các kiến thức về PHCN

Sở Y tế

Các cơ sở y tế

Mỗi năm đào tạo cho 50-60 lượt NVYT trong toàn tỉnh

Hàng năm

245.000.000

245.000.000

Tổng cộng

26.021.295.612

23.876.295.612

2.145.000.000

Tổng cộng (làm tròn)

26.021.296.000

23.876.296.000

2.145.000.000

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 282/KH-UBND ngày 16/11/2023 triển khai Quyết định 569/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


224

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.59.129
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!