Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Kế hoạch 257/KH-UBND 2021 thực hiện phòng chống dịch COVID 19 tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu: 257/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp Người ký: Phạm Thiện Nghĩa
Ngày ban hành: 25/08/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 257/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 25 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc; Thông báo số 706-TB/TU ngày 24 tháng 8 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tiếp tục thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Tỉnh, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn Tỉnh với phương châm “cao hơn một mức, nhanh hơn một bước” trong tất cả các mặt công tác phòng, chống dịch COVID-19.

2. Mục tiêu cụ thể

- Quản lý, kiểm soát chặt chẽ địa bàn, không để phát sinh điểm nóng, phức tạp về dịch bệnh.

- Giảm số lượng ca nhiễm mới, phấn đấu từ ngày 05 tháng 9 năm 2021 dưới 50 ca mắc/ngày.

- Hạn chế, giảm tỷ lệ tử vong.

II. NỘI DUNG

Lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”; người dân là “chiến sỹ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch. Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch; đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân. Chú trọng thực hiện nghiêm, hiệu quả các giải pháp trọng yếu:

1. Giãn cách xã hội là yếu tố quyết định để hạn chế tối đa lây nhiễm dịch bệnh; phải thực hiện nghiêm, thực chất, kịp thời việc cách ly nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, không để “chặt ngoài, lỏng trong”. Phải tranh thủ “thời gian vàng” giãn cách để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể, không để dịch bệnh lây lan.

2. Đẩy mạnh xét nghiệm để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp, hiệu quả người nhiễm COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.

3. Điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu, chuẩn bị đầy đủ về cơ sở thu dung và bố trí, sử dụng hợp lý, chăm sóc điều trị người bệnh và người nhiễm COVID-19, bảo đảm đủ ô-xy y tế, thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế cho các cơ sở này.

4. Bảo đảm an sinh xã hội, lương thực, thực phẩm, các dịch vụ thiết yếu cho người dân, nhất là người nghèo, người già, phụ nữ và trẻ em, nhóm người yếu thế, người dễ bị tổn thương.

5. Bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất khác... Tăng cường công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giam, giữ, cơ sở cai nghiện, bảo trợ xã hội. Bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng.

6. Tăng cường công tác truyền thông, bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác. Chủ động cung cấp thông tin thường xuyên cho người dân về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch.

7. Bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt, dứt khoát, quyết liệt, hiệu quả

Kiện toàn, bổ sung Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp phù hợp với tình hình mới và điều kiện cụ thể; Thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch các cấp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp đứng đầu, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, ban hành quy chế hoạt động; phân công ứng trực 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận, xử lý, báo cáo theo thẩm quyền mọi vấn đề liên quan phòng, chống dịch trên địa bàn.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển các mặt kinh tế - xã hội và các công việc quan trọng khác phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch bệnh, ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

8. Huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị

Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các đoàn thể xã hội, tổ chức tôn giáo, các tổ chức khác và cộng đồng doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch, nhất là vận động, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục và yêu cầu người dân chấp hành nghiêm việc giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Thực hiện quản lý địa bàn chặt chẽ hơn, lãnh đạo thực hiện nghiêm, triệt để Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó: người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly gia đình với gia đình, xã/phường/thị trấn với xã/ phường/thị trấn... và phải bảo đảm các yêu cầu y tế, lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu và trật tự an toàn xã hội cho Nhân dân ngay tại xã, phường, thị trấn. - Giữ vững “vùng xanh”, bảo đảm ổn định, không để xảy ra trường hợp nhiễm mới trong các “vùng xanh”; tăng cường và bảo đảm hiệu quả hoạt động các chốt kiểm soát, đặc biệt là các khu vực tiếp giáp huyện/thành phố với huyện/thành phố, xã/phường/thị trấn với xã/phường/thị trấn, khu vực nguy cơ rất cao với các khu vực lân cận; nắm bắt thông tin kịp thời, xử lý nhanh chóng, đúng quy định tất cả các trường hợp có liên quan đến/về từ vùng dịch (bao gồm các địa phương trong và ngoài Tỉnh).

- Quản lý chặt chẽ việc tổ chức tang lễ trên địa bàn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19; kiên quyết không để lây lan dịch bệnh liên quan đến việc tổ chức tang lễ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là chính quyền cơ sở nếu để xảy ra lây lan dịch bệnh.

- Khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình mới và điều kiện cụ thể; Thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là người đứng đầu.

- Thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội, chú trọng bảo đảm lương thực, thực phẩm, các dịch vụ thiết yếu cho người dân, nhất là người nghèo, người già, phụ nữ và trẻ em, nhóm người yếu thế, người dễ bị tổn thương; đa dạng, linh hoạt các hình thức cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân; huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, hoạt động thiện nguyện, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.

- Chủ động bảo đảm nhân lực, cơ sở vật chất theo phương châm “bốn tại chỗ” để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; có phương án và sẵn sàng về nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Tạo điều kiện, thẩm định và quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp hoạt động theo phương án “bốn tại chỗ” với phương châm “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”; đồng thời, thực hiện nghiêm việc quản lý các công trình xây dựng theo hướng dẫn tại Công văn số 3373/BXD-GĐ ngày 23/8/2021 của Bộ Xây dựng về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trên công trường xây dựng.

- Chủ động cung cấp thông tin thường xuyên cho người dân về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch. Chú ý lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của người dân; kịp thời hướng dẫn, cổ vũ, động viên để Nhân dân biết, hiểu, đồng cảm, tin tưởng và tự giác thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch.

2. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch theo hướng dẫn tại Công văn số 6666/BYT-MT ngày 16/8/2021 của Bộ Y tế; rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan, đơn vị.

Tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Số lượng người làm việc cụ thể tại công sở do Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương quyết định và chịu trách nhiệm nhưng không quá 30% tổng số người lao động và phải bảo đảm các hoạt động diễn ra bình thường, thông tin, liên lạc phải thông suốt.

Riêng lực lượng vũ trang và ngành y tế đảm bảo 100% quân số. Đối với số lượng cán bộ, công chức, người lao động thuộc lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm phân công, bố trí phù hợp với yêu cầu công tác.

3. Công an Tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh

- Tiếp tục tăng cường, bổ sung lực lượng hỗ trợ các địa phương trong việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Tổ chức họp giao ban với lực lượng cấp huyện để kịp thời định hướng, chấn chỉnh và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương.

4. Sở Y tế

- Tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh về thực hiện tầm soát RT-PCR lần 2 cho 100% đại diện hộ gia đình trong toàn Tỉnh, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xét nghiệm sàng lọc diện rộng hiệu quả hơn, kịp thời tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng. Bảo đảm xét nghiệm định kỳ ở các khu vực, nhóm đối tượng nguy cơ cao.

- Sắp xếp các cơ sở thu dung, điều trị F0 theo hướng giảm áp lực số lượng cho các bệnh viện tầng 2. Định kỳ kiểm tra tất cả cơ sở điều trị, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các điểm còn hạn chế trong quá trình vận hành, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch trong cơ sở điều trị và khu vực xung quanh. Đánh giá công tác thu dung, điều trị tại các bệnh viện tách đôi, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo. Phân công, điều động y bác sĩ hợp lý, bảo đảm hiệu quả cao nhất trong chăm sóc, điều trị, giảm tối đa tỉ lệ tử vong.

- Triển khai thực hiện tiêm ngay vắc xin phòng COVID-19 khi được phân bổ. Tổ chức tiêm chủng miễn phí, an toàn, kịp thời, hiệu quả, không phân biệt các loại vắc xin; không tổ chức tiêm dịch vụ có thu tiền. Thông tin đến người dân tinh thần vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất; khắc phục ngay tình trạng chờ đợi lựa chọn vắc xin.

- Chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại tang lễ và xử lý thi hài người tử vong trong thời gian giãn cách xã hội phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn Tỉnh, tuyệt đối không để xảy ra lây lan dịch bệnh từ các đám tang. Thời gian ban hành trước ngày 27 tháng 8 năm 2021.

- Tổ chức huy động, tập huấn và phân bổ nhân lực cần thiết cho các địa phương có số ca nhiễm cao, cơ sở nhiều bệnh nhân nặng. Huy động tất cả nguồn lực phục vụ cho công tác điều trị. Bảo đảm việc phân loại, điều phối, chuyển tuyến kịp thời để điều trị tất cả bệnh nhân, đặc biệt đối với bệnh nhân có diễn biến nặng.

5. Sở Tài chính

- Ưu tiên nguồn lực, tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là các khoản chi chưa cần thiết, các khoản chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, sử dụng tiết kiệm quỹ dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính để tập trung cho phòng, chống dịch.

- Chủ trì, phối hợp Sở Y tế tổ chức đánh giá, cân đối các nguồn lực, khả năng của Tỉnh phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 để có phương án thực hiện trong thời gian tới.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

- Tiếp tục tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt nguyên tắc "5K + vắc xin", không chủ quan khi đã tiêm vắc xin mà lơ là các biện pháp phòng, chống dịch.

- Tăng cường công tác truyền thông, bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác. Phát huy vai trò quan trọng của toàn bộ hệ thống truyền thông, nhất là mạng lưới thông tin cơ sở. Lan tỏa những mô hình tốt, điển hình tiên tiến, cách làm hiệu quả của tổ chức và cá nhân.

7. Sở Giao thông vận tải

- Bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi và bảo đảm các quy định an toàn phòng, chống dịch.

- Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Sở Giao thông vận tải các địa phương để xử lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải, lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, phục vụ đời sống nhân dân và nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa xuất, nhập khẩu...

8. Sở Công Thương

- Phối hợp với các địa phương duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”; lắng nghe phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân và căn cứ tình hình thực tế, hướng dẫn, tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn.

- Tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực, hiệu quả; kịp thời đánh giá, sơ kết, tổng kết các mô hình “bốn tại chỗ” để rút kinh nghiệm, hoàn thiện và tổ chức thực hiện phù hợp với diễn biến tình hình; thường xuyên gặp gỡ, tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp tại địa phương.

- Tiếp tục giám sát chặt chẽ các siêu thị, chợ, cửa hàng tiện ích, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện sản xuất theo mô hình “bốn tại chỗ”. Bảo đảm phải thực hiện chế độ báo cáo hằng ngày về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định trong sản xuất “bốn tại chỗ”.

9. Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư: tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh triển khai thực hiện Công văn số 3373/BXD-GĐ ngày 23/8/2021 của Bộ Xây dựng về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trên công trường xây dựng.

10. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thuỷ sản trên địa bàn Tỉnh. Quản lý chặt chẽ các hoạt động thu hoạch, chăm sóc, tiêu thụ, bảo đảm kịp thời, an toàn. Chủ động hướng dẫn hoạt động của các lực lượng tham gia khai thác nông sản, thuỷ sản trên địa bàn Tỉnh.

11. Sở Giáo dục và Đào tạo: chuẩn bị các phương án khai giảng năm học mới 2021 - 2022, bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

12. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Phối hợp Sở Y tế và các địa phương thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người dân, nhất là cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu và hỗ trợ về y tế.

- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội Tỉnh trong chăm lo, hỗ trợ trẻ em, người già, người tàn tật, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; tuyệt đối không để bất kỳ người dân nào trên địa bàn Tỉnh thiếu ăn, thiếu mặc.

13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội

- Vận động, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục và yêu cầu người dân chấp hành nghiêm việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch.

- Phối hợp Ủy ban nhân dân Tỉnh trong việc thiết lập và bảo vệ “vùng xanh” trên địa bàn Tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- TT/TU, TT/HĐND Tỉnh;
- CT và các PCT/UBND Tỉnh;
- Cơ quan, đơn vị tại Mục III;
- Lãnh đạo VP/UBND Tỉnh;
- Lưu: VT, THVX (Trung).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Phạm Thiện Nghĩa

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 257/KH-UBND ngày 25/08/2021 thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


546

DMCA.com Protection Status
IP: 13.59.97.103
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!