Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 13/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai Người ký: Giàng Thị Dung
Ngày ban hành: 09/01/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/KH-UBND

Lào Cai, ngày 09 tháng 01 năm 2024

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 CỦA TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch Chương trình Phát triển Phục hồi chức năng (PHCN) giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh Lào Cai cụ thể như sau:

Phần 1

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG HỆ THỐNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG, KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH QUỐC GIA PHÁT TRIỂN PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN 2014 - 2020

1. Thông tin chung

Lào Cai là một tỉnh vùng cao, biên giới, ở vị trí tiếp giáp giữa vùng Tây Bắc với vùng Đông Bắc, diện tích của tỉnh là hơn 6 ngàn km2, dân số hơn 77 vạn người. Tỉnh có 07 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố, gồm 152 xã, phường, thị trấn; có 01 cửa khẩu quốc tế, 01 cửa khẩu quốc gia, nhiều điểm du lịch nổi tiếng; là tỉnh nằm trong hành lang kinh tế Đông - Tây (Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng). Lào Cai có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ nhanh và nằm ở vị trí trung tâm của khu vực vùng miền núi phía Bắc, đồng thời cũng là địa bàn trọng điểm chiến lược về quốc phòng, an ninh quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay so với mặt bằng chung của cả nước, Lào Cai vẫn thuộc diện tỉnh nghèo, kết cấu hạ tầng kinh tế, nhất là giao thông nhiều nơi còn khó khăn, kinh tế phát triển chưa bền vững; 4/9 huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (hiện tại là 15,6%). Tỉnh có 95 xã đặc biệt khó khăn; 26 xã phường biên giới, dân tộc thiểu số chiếm 66,2%, vẫn còn tồn tại một số phong tục, tập quán lạc hậu. Hệ thống y tế được kiện toàn, tinh giảm đầu mối từ 56 cơ quan đơn vị xuống còn 30 đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện. Trong đó hệ thống mạng lưới phục hồi chức năng được tăng cường, năm 2015 Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh có 60 giường bệnh, các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện mới chỉ có bộ phận hoặc tổ thực hiện nhiệm vụ phục hồi chức năng nằm trong khoa Y học cổ truyền. Đến năm 2020 toàn tỉnh đã có 367 giường bệnh phục hồi chức năng, trong đó Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh là 120 giường bệnh, mỗi đơn vị có ít nhất là 20 giường bệnh phục hồi chức năng. Ngoài ra đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo chuyên sau, trang thiết bị phục hồi chức năng được tỉnh quan tâm đầu tư.

2. Thực trạng công tác PHCN, kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch Quốc gia phát triển PHCN giai đoạn 2014 - 2020

2.1. Thực hiện các chính sách, pháp luật và phối hợp liên ngành

Trong những năm qua công tác giải quyết các chế độ chính sách cho người khuyết tật (NKT) trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo; các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và của tỉnh Lào Cai được tuyên truyền, phổ biến và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Việc chăm lo cho NKT được chú trọng về y tế, giáo dục, văn hóa, phẫu thuật, chỉnh hình, PHCN, trợ giúp pháp lý.,. Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có hơn 7 nghìn NKT được hưởng trợ cấp thường xuyên từ ngân sách nhà nước (không bao gồm NKT là thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học). Bên cạnh đó, mỗi năm Lào Cai có hơn 70% NKT tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi được khám sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; có 550 trẻ và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, PHCN và 1.050 người được cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp... Qua đó, góp phần trợ giúp NKT hòa nhập cộng đồng và vượt qua khó khăn, tự vươn lên trong cuộc sống.

Trong thời gian qua Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 14/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 về quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, một số mức trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai, trong đó có NKT đảm bảo kịp thời, đầy đủ theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU về nâng cao chất lượng dân số tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó đã đưa ra các chỉ tiêu về sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, cụ thể như: Tỷ lệ bà mẹ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh) ít nhất 04 bệnh, tật bẩm sinh phổ biến đạt trên 60% vào năm 2025; đạt trên 70% vào năm 2030; Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh) ít nhất 05 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến đạt trên 60% vào năm 2025; đạt trên 90% vào năm 2030.

Để triển khai các chính sách pháp luật về phát triển PHCN, chính sách trợ giúp cho NKT, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện như: Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 22/01/2019 kế hoạch phát triển PHCN tỉnh Lào Cai giai đoạn 2019 - 2020; Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 24/01/2019 của UBND tỉnh Lào Cai về việc triển khai Quyết định số 1438/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2019 - 2025; Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 01/02/2019 của UBND tỉnh Lào Cai về việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật (NKT) có khó khăn về tài chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2019.

Ngoài ra cũng đã có nhiều chương trình dự án được triển khai trên địa bàn tỉnh như: từ năm 2016, Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam (Save the Children in Vietnam, gọi tắt là SC) đã triển khai Dự án giáo dục hòa nhập trong chương trình “Phát triển cộng đồng lấy trẻ em làm trọng tâm”, khởi đầu tại huyện Văn Bàn và Bảo Yên. Đến nay, Dự án giáo dục hòa nhập đã mở rộng tới các huyện như: Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Mường Khương, Văn Bàn. Thông qua chương trình, hàng chục trường hợp trẻ khuyết tật đã được hỗ trợ khám và phẫu thuật hoàn toàn miễn phí thông qua sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. Chương trình còn hỗ trợ toàn bộ phí đi lại của trẻ và người thân khi tới khám và phẫu thuật tại bệnh viện…

2.2. Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng

- Trong những năm qua công tác tuyên truyền, nêu cao vai trò nhận thức về phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (PHCNDVCĐ) cho lãnh đạo các cấp được đẩy mạnh thông qua các hoạt động chính: Hội thảo, tập huấn; tham quan, học tập mô hình PHCNDVCĐ của một số tỉnh. Triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát hiện sớm, phòng ngừa khuyết tật, PHCN và PHCNDVCĐ để mọi người biết cách chủ động phát hiện, phòng ngừa khuyết tật và những NKT được hưởng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, PHCN cũng như các dịch vụ khác của cộng đồng. Các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng được đẩy mạnh với các chủ đề như: các biện pháp dự phòng và PHCN cho NKT, đặc biệt là phòng ngừa, phát hiện sớm và can thiệp sớm khuyết tật. Ngoài ra Tổ chức các buổi nói chuyện và tư vấn về phòng ngừa khuyết tật, cách phát hiện sớm khuyết tật tại các cơ quan, tổ chức xã hội và tại cộng đồng, với sự hợp tác của các tổ chức xã hội như Hội người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Hội Chữ Thập đỏ, các trường học, vv... Kết quả đã in 6.250 tờ rơi về kiến thức cơ bản PHCN, các biện pháp PHCN đối với NKT và các cơ sở cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng ; In 535 tờ poster phát hiện sớm các dạng khuyết tật. Tổ chức tập huấn được 6 lớp với tổng số 230 người là các cán bộ y tế về thông tin quản lý sức khỏe và PHCN cho NKT bằng phần mềm quản lý của Bộ Y tế.

- Công tác phối hợp liên ngành giữa Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai công tác PHCNDVCĐ được đẩy mạnh. Hàng năm đều có kế hoạch liên ngành triển khai thực hiện; ban hành các văn bản hướng dẫn PHCNDVCĐ với sự tham gia của chính quyền địa phương, y tế cơ sở, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

- Khảo sát, sàng lọc, phát hiện sớm cho 2.136 lượt người khuyết tật tại cộng đồng, chủ yếu là tại các tuyến thôn, xã. Xây dựng và triển khai thực hiện phần mềm tin học quản lý thông tin NKT.

- Bộ Y tế triển khai dự án PHCN cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, đã cấp kinh phí cho hoạt động PHCN cho các nạn nhân chất độc da cam được triển khai tại huyện Bảo Thắng. Kết quả: Điều tra được 8.000 phiếu, trong đó NKT được phát hiện là 1.087 người (trẻ em dưới 6 tuổi là 68 người), nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin có nhu cầu chăm sóc sức khỏe - PHCN là 574 (trẻ em dưới 6 tuổi là 30 người). Trong giai đoạn đã thành lập mạng lưới cộng tác viên PHCN tại 15 xã thuộc huyện Bảo Thắng, gồm 45 cộng tác viên (mỗi xã, thị trấn 03 CTV) kết thúc giai đoạn đã có 345 NKT được theo dõi và PHCN tại nhà; Đã có 117 NKT tập luyện PHCN tại nhà có tiến bộ; Sàng lọc 94 trẻ khuyết tật từ 0 - 6 tuổi được phát hiện (trong đó có 05 trẻ là con cháu nạn nhân da cam ở huyện Bảo Thẳng) và tiến hành điều trị PHCN 16 lượt bệnh nhân tại Bệnh viện PHCN tỉnh và Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng.

2.3. Tăng cường hệ thống cung cấp dịch vụ và chuyên môn kỹ thuật

2.3.1. Công tác sàng lọc phát hiện sớm, dự phòng khuyết tật; quản lý điều trị chăm sóc khuyết tật

- Triển khai thực hiện đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, kết quả từ 2016 đến 30/6/2020 đã sàng lọc trước sinh cho 8.533 phụ nữ mang thai, phát hiện 154 trường hợp dị tật thai nhi và các bất thường khác của thai nhi; sàng lọc sơ sinh cho 12.497 trẻ, phát hiện dương tính lần 1 là 577 trường hợp, trong đó 490 trường hợp nguy cơ cao thiếu men G6PD; 30 trường hợp suy giáp trạng bẩm sinh; 09 trường hợp tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh; rối loạn chuyển hóa đường Galactosemia 3 ca, bệnh khác 45 ca. Trong đó 62 trường hợp đi khám xác định bệnh thiếu men G6PD đang được quản lý theo dõi.

- Các đợ vị y tế trên địa bàn đã phối hợp với Hội Người cao tuổi các cấp tuyên truyền giáo dục sức khỏe; thực hiện giao chỉ tiêu kế hoạch đến các trạm y tế xã, phường lập hồ sơ, theo dõi và khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi tại cộng đồng, kết quả: tỷ lệ người cao tuổi (> 60 tuổi) được quản lý và khám sức khỏe định kỳ hàng năm tăng từ 8-12%/năm, năm 2019 là 29,21%, năm 2020 là 40% đạt chỉ tiêu kế hoạch của cả giai đoạn đề ra. Tổ chức lồng ghép trong các câu lạc bộ NCT từ 2017-2019 được 06 mô hình với 304 hội viên tham gia, trong đó: 05 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, 01 CLB thể dục dưỡng sinh, duy trì sinh hoạt CLB quí/01 lần; tổ chức 6 lớp tập huấn cho các Chi hội trưởng, phó chi hội trưởng, thành viên CLB, cộng tác viên về kiến thức chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn người cao tuổi kỹ năng phòng bệnh và cách tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân; nội dung truyền thông tự chăm sóc sức khỏe NCT; lợi ích của chăm sóc NCT; một số cách phòng bệnh để nâng cao sức khỏe NCT; các bệnh NCT thường gặp và cách chăm sóc cơ bản; chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại nơi cư trú; quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi, các hành vi bị cấm phân biệt đối xử với NCT...

- Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh đã phối hợp với các trường Mầm non trên địa bàn tỉnh, trung tâm y tế các huyện tổ chức nhiều đợt khám sàng lọc khuyết tật cho 6.229 lượt người là học sinh mầm non, trường tiểu học và nhân dân; qua các đợt sàng lọc phát hiện, tư vấn, can thiệp cho trên 1.000 người.

- Tổ chức truyền thông giáo dục được triển khai sâu rộng, thường xuyên ở tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể, ở cộng đồng, từng gia đình và từng đối tượng. Nội dung truyền thông đa dạng sinh động, dễ hiểu được đưa vào các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ, các buổi sinh hoạt ngoại khóa tại các trường THCS, THPT, trường nội trú, trường Bán trú, các buổi họp thôn, tổ dân phố tại cộng đồng.

2.3.2. Kiện toàn, phát triển hệ thống, mạng lưới PHCN

- Tuyến tỉnh:

+ Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh quy mô 120 giường bệnh, tổng số nhân lực: 79 người (BsCKII. PHCN: 01; BsĐK định hướng PHCN: 04; BsYHCT định hướng PHCN: 05; KTV PHCN: 09; Ys, ĐD, KTV đào tạo PHCN: 39); có 9 khoa, phòng (Phòng Tổ chức hành chính - Kế toán - Vật tư; Phòng Kế hoạch - Chỉ đạo tuyến - Điều dưỡng; Khoa Khám bệnh - Cận lâm sàng; Khoa Dược - Thiết bị y tế; Khoa Y học cổ truyền; Khoa Trị liệu; Khoa Nội - Nhi; Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn; Khoa Dinh dưỡng);

+ 01 bệnh viện thành lập khoa Phục hồi chức năng: Bệnh viện Y học cổ truyền;

+ 02 Bệnh viện tuyến tỉnh thành lập khoa liên chuyên khoa: Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Nội Tiết.

-Tuyến huyện: 100% bệnh viện tuyến huyện thành lập khoa YHCT - PHCN; 100% trung tâm y tế và các bệnh viện đa khoa tuyến huyện phân công cán bộ y tế phụ trách công tác PHCN và tổ chức công tác PHCN (khoa, phòng, tổ PHCN); trong đó có 63 cán bộ thuộc tuyến xã được phân công theo dõi công tác PHCN và người khuyết tật tại các trạm y tế.

2.3.3. Triển khai kỹ thuật PHCN theo quy định

- Triển khai các kỹ thuật Phục hồi chức năng tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; tổng số dịch vụ kỹ thuật PHCN của bệnh viện Phục hồi chức năng đã thực hiện là: 188/252 đạt tỷ lệ 74,6% so với tổng dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến, thuộc các nhóm Vật lý trị liệu, Hoạt động trị liệu, Ngôn ngữ trị liệu theo phân tuyến tại Thông tư số 43/2013/TT-BYT ; Thông tư 21/2917/TT-BYT ngày 10 tháng 5 năm 2017.

- Thực hiện quy định thông tuyến huyện, tuyến tỉnh theo điều 22 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2014; quy định khám chữa bệnh và PHCN nội trú ban ngày theo quy định tại Thông tư số 24/2021/TT-BYT ngày 12/12/2021 của Bộ Y tế về việc sửa đổi Thông tư số 46/2013/TT-BYT đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người bệnh về thủ tục khi đi khám chữa bệnh tại các Bệnh viện tuyến tỉnh.

- Công tác khám chữa bệnh và PHCN cho NKT luôn duy trì thực hiện tốt, từ năm 2016 - 2020, tổng số lượt khám bệnh: 16.436 lượt người; điều trị tại viện 10.092 lượt người.

- Tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học, trung bình hàng năm có 15 đề tài, sáng kiến nghiên cứu, áp dụng trong lĩnh vực PHCN, đưa ra nhiều giải pháp hay, sáng tạo góp phần làm phong phú các bài tập về PHCN cho người bệnh, đem lại hiệu quả điều trị cho người bệnh và lợi ích kinh tế cho người bệnh, xã hội.

- UBND tỉnh ký kết hợp tác với các Bệnh viện tuyến Trung ương: Bệnh viện Quân đội 108, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hỗ trợ chuyên môn, triển khai Đề án khám chữa bệnh từ xa cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân tỉnh Lào Cai.

- Cử cán bộ tuyến tỉnh về hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới theo Đề án 1816 trong đó có lĩnh vực phục hồi chức năng; từ năm 2016 - 2020, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh đã hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện Đa khoa Bảo Thắng, Bảo Yên, Mường Khương và Trung tâm y tế huyện Si Ma Cai triển khai các kỹ thuật chuyên ngành PHCN, khám, điều trị và PHCN một số bệnh hay gặp.

2.4. Về nguồn lực

- Nguồn nhân lực y tế làm công tác trong lĩnh vực PHCN còn quá mỏng, đặc biệt thiếu bác sỹ chuyên khoa PHCN, kỹ thuật viên PHCN; còn nhiều cán bộ là y sỹ, điều dưỡng đào tạo về PHCN sau đó cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề KCB và phân công nhiệm vụ thực hiện kỹ thuật; toàn tỉnh có 01 BsCKII PHCN, 02 BsCKI PHCN và 41 bác sĩ sơ bộ PHCN; 08 KTV đại học PHCN; 21 KTV cao đẳng PHCN; 75 định hướng chuyên khoa PHCN, 63 cán bộ thuộc tuyến xã được phân công theo dõi công tác PHCN và người khuyết tật tại các trạm y tế.

- Nguồn kinh phí chi cho các hoạt động PHCN chủ yếu là nguồn chi từ quỹ bảo hiểm y tế trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh, từ năm 2016 - 2020 thực hiện là: 31.319.327.692 đồng, nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ tiền ăn cho người bệnh nghèo: 1.273.589.900 đồng và nguồn Dự án chất độc hóa học Dioxin số tiền dự án hỗ trợ là: 36.440.000đ.

- Đầu tư cơ sở vật chất: UBND tỉnh đầu tư xây dựng Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh giai đoạn I, quy mô 50 giường bệnh; các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện cơ bản đã được đầu tư mới, khang trang sạch đẹp.

- Đầu tư cơ bản các trang thiết bị cần thiết để phục vụ khám chữa bệnh và phục hồi chức năng như: Máy sóng ngắn, máy laser nội mạch, máy kéo giãn cột sống, máy điện phân, máy điện xung, máy kích thích phát âm, máy oxy cao áp buồng đơn,...Tuy nhiên, số lượng hạn chế, dùng lâu đã cũ, hỏng, cấu hình thấp.

- Thực hiện đấu thầu thuốc, cung ứng thuốc, vật tư y tế, hóa chất thiết yếu tương đối đầy đủ, đảm bảo khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân.

- Ban hành và triển khai quyết liệt thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số trong toàn tỉnh đặc biệt quan tâm lĩnh vực y tế; triển khai thực hiện phần mềm quản lý khám bệnh, chữa bệnh, phần mềm hồ sơ bệnh án điện tử (áp dụng thí điểm tại Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương,..). Tuyên truyền, vận động người dân thanh toán không dùng tiền mặt, khám chữa bệnh bằng căn cước công dân.

- Triển khai thực hiện phần mềm quản lý người khuyết tật của Bộ y tế tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, huyện Bảo Thắng và Bảo Yên.

2.5. Các hoạt động khác

Làm tốt hoạt động từ thiện, vận động quyên góp các cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ, trợ giúp về tinh thần, kinh phí cho người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn điều trị tại các cơ sở y tế, tại cộng đồng phải kể đến hoạt động của Tổ công tác xã hội của Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh,... từ đó góp phần giảm bớt khó khăn, tạo thêm động lực cho người bệnh điều trị.

3. Khó khăn, tồn tại, hạn chế

- Hệ thống quản lý PHCN: Chưa thành lập được hệ thống mạng lưới PHCN từ tỉnh đến xã, sự quan tâm, phối hợp thực hiện công tác PHCN của các Sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh chưa được thường xuyên, liên tục.

- Cơ sở hạ tầng: các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đều được đầu tư xây dựng mới, khang trang, sạch sẽ. Tuy nhiên, còn Bệnh viện chuyên khoa Phục hồi chức năng mới được đầu tư xây dựng giai đoạn I, quy mô 56 giường bệnh và được đưa vào sử dụng vào năm 2015. Đến nay, số lượng người bệnh đến khám và điều trị ngày càng tăng giao động từ 280 - 320 lượt, do đó cơ sở vật chất chật hẹp làm ảnh hưởng đến chất lượng khám, điều trị của người bệnh.

- Trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh, PHCN của các đơn vị y tế còn thiếu chưa đồng bộ, hạn chế việc triển khai các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu về PHCN. Do đó, một số người bệnh vẫn phải chuyển tuyến trên để khám và điều trị.

- Công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật liên quan đến NKT và kế hoạch quốc gia về phát triển PHCN chưa được triển khai sâu rộng; Sự nhận thức, hiểu biết về PHCN của người dân trên địa bàn còn hạn chế; nhiều người dân tại các vùng sâu vùng xa chưa có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin để có thể tìm kiếm các phương pháp thông qua hệ thống thông tin truyền thông.

- Nguồn nhân lực tham gia công tác PHCN còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu PHCN tại các cơ sở y tế và cộng đồng; việc cung cấp dịch vụ kỹ thuật mới, kỹ thuật vượt tuyến về PHCN còn hạn chế do thiếu nhân lực, trang thiết bị y tế.

- Hoạt động PHCNDVCĐ: Chưa thành lập được hệ thống mạng lưới PHCN từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, chưa bố trí được nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động PHCNDVCĐ; Đối với các hoạt động PHCNDVCĐ được thực hiện chủ yếu dựa vào một số nguồn của Bộ Y tế và các hoạt động của các đơn vị y tế lồng ghép trong các chương trình khám chữa bệnh ngoại viện, vì vậy chưa thường xuyên và chưa thực sự hiệu quả.

Phần 2

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

I. MỤC ĐÍNH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Triển khai cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2023- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nhằm củng cố kiện toàn hệ thống PHCN tại các cơ sở y tế để đảm bảo các điều kiện bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng người khuyết tật.

b) Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng người khuyết tật; Nâng cao vai trò nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

a) Bảo đảm thực hiện tốt Chỉ thị số 39-CT/TW và Quyết định số 569/QĐ- TTg trong công tác nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho NKT và nhân dân.

b) Đề ra các giải pháp thực hiện sát với tình hình thực tế và điều kiện nguồn lực của địa phương. Bố trí ngân sách và cơ chế, chính sách tăng cường công tác huy động nguồn lực để triển khai, thực hiện các hoạt động của kế hoạch.

c) Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, địa phương, tổ chức, đơn vị phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch; tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện theo quy định.

II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu chung

Bảo đảm cho người khuyết tật, người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống để người khuyết tật được hòa nhập và tham gia bình đẳng vào các hoạt động trong xã hội, phát huy tối đa năng lực của người khuyết tật góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

a) Tăng cường phòng ngừa khuyết tật trước sinh và sơ sinh, phát hiện và can thiệp sớm khuyết tật, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, đảm bảo trên 90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật; 100% các huyện, thị xã, thành phố triển khai mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

b) Duy trì, củng cố, kiện toàn và phát triển hệ thống mạng lưới cơ sở PHCN, cụ thể: Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất (xây dựng giai đoạn II), phát triển chuyên môn theo hướng chuyên sâu; Bệnh viện đa khoa tỉnh thành lập khoa phục hồi chức năng; 100% các bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh thành lập khoa PHCN; 100% Bệnh viện đa khoa huyện có tổ chức PHCN (khoa, phòng, tổ PHCN).

c) Nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật PHCN, phấn đấu Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh đạt mức chất lượng từ khá trở lên theo tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế; 100% các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh đạt chỉ tiêu phát triển chuyên môn kỹ thuật, PHCN theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

d) Phát triển nguồn nhân lực phục hồi chức năng đạt tỷ lệ nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực PHCN tối thiểu 0,5 người/10.000 dân.

3. Tầm nhìn đến 2050

a) Công tác PHCN được phát triển tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập với sự đa dạng về phương pháp can thiệp đảm bảo cung cấp dịch vụ PHCN toàn diện, liên tục, chất lượng.

b) Đẩy mạnh hoạt động PHCNDVCĐ trở thành biện pháp chiến lược để giải quyết vấn đề khuyết tật trong tỉnh; tiếp tục triển khai và duy trì mô hình PHCNDVCĐ trong toàn tỉnh và được tích hợp nhiều dịch vụ khác ngoài cơ sở y tế công lập.

c) Mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật và các kỹ thuật PHCN thiết yếu, phù hợp theo nhu cầu.

III. CÁC GIẢI PHÁP VÀ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Hoàn thiện cơ chế chính sách, hướng dẫn chuyên môn liên quan đến công tác PHCN

a) Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn chuyên môn liên quan đến công tác PHCN.

- Tiếp tục rà soát nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về PHCN cho NKT đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn đảm bảo cho NKT, người dân có nhu cầu được chăm sóc, PHCN.

- Nghiên cứu xây dựng chính sách chi trả bảo hiểm y tế đối với NKT sử dụng dụng cụ PHCN, công nghệ trợ giúp, thiết bị, vật liệu PHCN, trang thiết bị y tế đặc thù cá nhân và hoạt động PHCNDVCĐ.

- Đảm bảo chế độ phụ cấp và chính sách ưu đãi cho viên chức, người lao động trong lĩnh vực PHCN theo quy định hiện hành.

- Sở Y tế phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Tài chính xây dựng, hướng dẫn triển khai chương trình PHCN và PHCNDVCĐ.

b) Lồng ghép các hoạt động PHCNDVCĐ với các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và các chương trình, đề án liên quan khác để tiết kiệm nguồn nhân lực, vật lực; Tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành trong chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở PHCN.

2. Củng cố hoàn thiện hệ thống PHCN và mạng lưới PHCNDVCĐ

a) Củng cố hoàn thiện hệ thống PHCN tại các cơ sở y tế:

- Chỉ đạo các Bệnh viện đa khoa tỉnh, chuyên khoa, Bệnh viện đa khoa các huyện, thị xã, thành phố đào tạo cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để thành lập khoa PHCN hoặc đơn vị PHCN có cán bộ chuyên khoa PHCN.

- Bệnh viện đa khoa tỉnh, chuyên khoa và Bệnh viện đa khoa các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ công tác chăm sóc, PHCN cho người bệnh ngay từ giai đoạn sau cấp cứu và trong quá trình điều trị; ứng dụng các kỹ thuật chuyên sâu về PHCN, kết hợp PHCN với Y học cổ truyền.

- Phấn đấu đến năm 2030, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh trở thành Bệnh viện chuyên khoa đạt mức chất lượng từ khá trở lên theo tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế để thực hiện tốt công tác PHCN cho NKT, người bị bệnh nghề nghiệp và các đối tượng khác có nhu cầu.

b) Kiện toàn mạng lưới PHCNDVCĐ:

- Tập huấn nhắc lại đối với cán bộ, cộng tác viên chương trình PHCNDVCĐ, nhân viên công tác xã hội, người khuyết tật và gia đình có người khuyết tật về PHCNDVCĐ tại 152/152 xã phường, thị trấn.

- Thực hiện, hướng dẫn PHCN cho người khuyết tật tại nhà, nhằm đánh giá sự tiến bộ của NKT, tư vấn và tạo điều kiện thuận lợi để NKT được tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, lao động và các hoạt động xã hội khác.

- Thực hiện lồng ghép các hoạt động PHCNDVCĐ với hoạt động của các chương trình y tế khác.

3. Thực hiện chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng

a) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về PHCN và PHCNDVCĐ đối với lãnh đạo các cấp chú trọng đầu tư đúng mức công tác PHCN và PHCNDVCĐ, thông qua các hoạt động chính: Hội thảo, tập huấn; tham quan, học tập mô hình PHCNDVCĐ tại các Bệnh viện PHCN trong nước nhằm xây dựng, phát triển chương trình PHCNDVCĐ trên địa bàn tỉnh.

b) Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng ngừa khuyết tật, PHCN và PHCNDVCĐ để mọi người biết cách chủ động phát hiện, phòng ngừa khuyết tật và NKT được hưởng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, PHCN cũng như các dịch vụ khác của cộng đồng.

c) Thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành giữa Sở Y tế với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai công tác PHCNDVCĐ.

d) Triển khai các hoạt động phòng ngừa khuyết tật trước sinh và sơ sinh, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật.

đ) Tổ chức phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho NKT là đối tượng người có công với cách mạng, nạn nhân chất độc da cam, dioxin, người cao tuổi, người tâm thần và trẻ tự kỷ.

e) Cập nhật và hoàn thiện bộ công cụ thu thập thông tin, quản lý sức khỏe NKT thống nhất áp dụng trên toàn quốc; kết hợp với hệ thống thông tin quản lý sức khỏa cá nhân; Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và cung ứng dụng cụ PHCN.

đ) Kiểm tra, đánh giá các mô hình PHCNDVCĐ tại các địa phương đã triển khai; cán bộ chuyên trách, cộng tác viên định kỳ thăm hộ gia đình để trực tiếp thực hiện hoặc hướng dẫn người thân, người khuyết tật các kỹ thuật PHCN cơ bản ít nhất 02 lần/tháng; kỹ thuật viên PHCN tuyến tỉnh, huyện thực hiện kiểm tra, giám sát tại xã, phường, thị trấn và NKT ít nhất 01 lần/tháng.

4. Duy trì, củng cố, nâng cấp, phát triển hệ thống phục hồi chức năng và phát triển chuyên môn kỹ thuật phục hồi chức năng

- Duy trì, củng cố, kiện toàn và phát triển các khoa thực hiện nhiệm vụ PHCN hiện có của các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện, khuyến khích phát triển mạng lưới PHCN ngoài công lập

- Củng cố và phát triển trạm y tế xã, phường, thị trấn đảm bảo cung cấp dịch vụ PHCN theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và PHCNDVCĐ.

- Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và Trung tâm Y tế tuyến huyện phối hợp chặt chẽ trong công tác chăm sóc, PHCN cho người bệnh ngay từ giai đoạn sau cấp cứu và trong quá trình điều trị; Phát triển chuyên môn kỹ thuật, tăng cường tiếp cận, ứng dụng phương pháp mới, kỹ thuật mới, chuyên sâu và phối hợp điều trị, kết hợp PHCN với YHCT, chuyển tuyến trong lĩnh vực PHCN; thực hiện các chương trình, đề án, dự án về PHCN, trong đó chú trọng phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật.

5. Đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học chuyên ngành PHCN

- Tăng cường đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức, kỹ năng về PHCN cho đội ngũ nhân viên y tế PHCN phù hợp với chức danh nghề nghiệp và vị trí việc làm.

- Cử cán bộ đi đào tạo tại các cơ sở tuyến trên về PHCN các chức danh chuyên môn theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 46/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ Y tế, cấp chứng chỉ hành nghề và bổ sung phạm vi hành nghề PHCN cho cán bộ y tế đã qua đào tạo để đáp ứng nhu cầu cho các cơ sở khám chữa bệnh; tăng cường đào tạo tại chỗ (phối hợp liên kết đào tạo) để đảm bảo nhân lực trình độ trung cấp về PHCN; tiếp tục đào tạo lại, đào tạo liên tục để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác PHCN trong tỉnh, đặc biệt về vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu…

- Đào tạo bồi dưỡng kiến thức cơ bản về PHCN cho cán bộ y tế phụ trách công tác PHCN tại các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

- Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh thực hiện công tác đào tạo liên tục, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho tuyến dưới.

- Tổ chức tập huấn về PHCN đối với từng loại bệnh cho các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng tại tuyến tỉnh và Trung tâm y tế tuyến huyện nhằm tăng cường năng lực chuyên môn đối với cán bộ thuộc chuyên ngành PHCN.

- Tập huấn, đào tạo cho nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên, nhân viên công tác xã hội, cán bộ y tế trường học, giáo viên nhà trẻ và mẫu giáo tại địa phương về phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ em khuyết tật.

6. Xây dựng hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý sức khoẻ người khuyết tật kết nối với hệ thống thông tin quản lý sức khoẻ điện tử.

Triển khai tổ chức tập huấn hướng dẫn cho các cán bộ Trạm Y tế biết cách cập nhật thông tin NKT lên hệ thống phần mềm quản lý NKT của Bộ Y tế (Quyết định số 3815/QĐ-BYT ngày 21/8/2017 về việc triển khai hệ thống thông tin quản lý sức khỏe PHCN NKT)

7. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế

- Khuyến khích các cơ sở y tế trong tỉnh thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về PHCN và PHCNDVCĐ, chú ý đến việc chuyển giao kỹ thuật giữa tuyến tỉnh cho tuyến dưới và học tập, tiếp nhận kỹ thuật PHCN tiên tiến của bệnh viện tuyến trên.

- Nghiên cứu, đánh giá cung cấp bằng chứng khoa học mô hình phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật trẻ em từ 0 đến 6 tuổi, can thiệp sớm phục hồi chức năng người bệnh tại các khoa hồi sức tích cực, khoa cấp cứu, khoa chấn thương chỉnh hình; phục hồi chức năng theo nhóm đa chuyên ngành trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Đẩy mạnh hợp tác về PHCN, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế để huy động nguồn lực đầu tư, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, từng bước hội nhập với quốc tế về công tác PHCN.

8. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về vấn đề khuyết tật, người khuyết tật và công tác PHCN

- Tuyên truyền phổ biến, vận động các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân trong thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật, các hướng dẫn chuyên môn về phục hồi chức năng, các khuyến cáo về phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật.

- Truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức cho người dân hiểu và biết về chăm sóc và PHCN cho người khuyết tật dựa vào cộng đồng.

- Đăng tải tin, bài, phóng sự... về PHCN trên các phương tiện thông tin đại chúng (Đài Phát thanh Truyền hình & Báo Lào Cai, Bản tin sức khỏe của ngành y tế, Truyền thanh xã, phường, thị trấn trong tỉnh).

- Tổ chức các buổi nói chuyện và tư vấn về phòng ngừa khuyết tật, cách phát hiện sớm khuyết tật tại các cơ quan, tổ chức xã hội và tại cộng đồng, với sự hợp tác của các tổ chức xã hội như Hội Người cao tuổi tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân tỉnh, Hội chữ Thập đỏ tỉnh, các trường học, cơ sở đào tạo giáo dục trong tỉnh.

- Triển khai phổ biến các tài liệu chuyên môn liên quan đến công tác PHCN và PHCNDVCĐ (quy trình kỹ thuật, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, PHCN ...) để nhân viên y tế nâng cao nhận thức và kỹ năng nghề nghiệp trong lĩnh vực PHCN.

9. Kiểm tra, giám sát, thông tin báo cáo, đánh giá

- Xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát các hoạt động phục hồi chức năng, phòng ngừa khuyết tật và quản lý người khuyết tật tại các tuyến tỉnh, huyện, xã.

- Cập nhật và hoàn thiện bộ công cụ thu thập thông tin, giám sát đã được thống nhất áp dụng trên toàn quốc, kết hợp kiện toàn hệ thống thu thập thông tin báo cáo về quản lý sức khoẻ người khuyết tật.

- Tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở PHCN trong phòng ngừa khuyết tật, tiến độ thực hiện Kế hoạch và các chính sách liên quan.

- Hàng năm tổ chức đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch, kịp thời đề xuất bổ sung, sửa đổi Kế hoạch cho phù hợp.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch được huy động từ các nguồn:

- Nguồn ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị và kế hoạch đầu tư công trung hạn hàng năm của tỉnh; các chương trình, dự án, đề án liên quan khác để thực hiện các hoạt động của Chương trình theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

- Các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án trợ giúp người khuyết tật và các đề án khác (nếu có).

- Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan; các tổ chức hội, đoàn thể; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch.

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Kế hoạch; hằng năm xây dựng Kế hoạch hoạt động và dự toán chi tiết gửi Sở Tài chính thẩm định cấp kinh phí để triển khai thực hiện kế hoạch theo quy định.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, triển khai Đề án 1816 về chăm sóc sức khỏe và PHCN cho tuyến dưới theo chương trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện; tổng hợp báo cáo và kịp thời đề xuất kiến nghị điều chỉnh Kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế, báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục về vai trò, tầm quan trọng của PHCN và triển khai các hoạt động nâng cao sức khỏe, dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị, PHCN cho người lao động thuộc phạm vi quản lý.

- Chủ trì, phối hợp các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Quyết định số 1942/QD-TTg ngày 18/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021-2030.

- Khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp tư nhân tiếp nhận NKT vào làm việc; tạo điều kiện trong việc thực hiện chế độ ưu đãi đối với các cơ sở sản xuất dành riêng cho NKT.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Phối hợp với Sở Y tế triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục về vai trò, tầm quan trọng của PHCNDVCĐ; triển khai các hoạt động nâng cao sức khỏe, dự phòng, phát hiện sớm và quản lý PHCN cho trẻ em khuyết tật tại các trường học.

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đưa trẻ khuyết tật (các giác quan bình thường) ở độ tuổi đi học vào học các trường, lớp bình thường như mọi trẻ khác; mở các lớp học dành riêng cho người khiếm thị; tham gia các hoạt động của Chương trình PHCNDVCĐ.

4. Sở Tài chính

Phối hợp Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn các đơn vị sử dụng kinh phí được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm để thực hiện kế hoạch trong khả năng cân đối ngân sách tỉnh.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp Sở Y tế trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định liên quan để thực hiện Chương trình.

6. Bảo hiểm xã hội tỉnh

- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người khuyết tật tham gia bảo hiểm y tế.

- Phối hợp Sở Y tế trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các hướng dẫn chi trả bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ phục hồi chức năng theo quy định hiện hành nhằm mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người khuyết tật khi tham gia bảo hiểm y tế.

7. Các Sở, ban, ngành liên quan

Trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ có kế hoạch lồng ghép các nội dung về PHCNDVCĐ vào các hoạt động của ngành để phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ tham gia tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; chỉ đạo các đoàn, hội cơ sở đẩy mạnh truyền thông, lồng ghép công tác tuyên truyền, giáo dục tư vấn pháp luật, chính sách đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, vận động hội viên và nhân dân tham gia thực hiện chương trình phát triển hệ thống PHCN và nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người khuyết tật; đồng thời phối hợp với các ngành vận động các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ Quỹ giúp đỡ người khuyết tật.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội trên địa bàn giai đoạn 2021-2030 và hàng năm phù hợp với đặc điểm tình hình tại địa phương.

- Bố trí đủ nguồn lực, cơ sở vật chất, thực hiện lồng ghép Kế hoạch này với các chương trình, nhiệm vụ, đề án, dự án khác để triển khai thực hiện hiệu quả tại địa phương.

- Chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện triển khai Chương trình PHCNDVCĐ theo hướng dẫn của Sở Y tế; đưa mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện và chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình PHCNDVCĐ; tạo điều kiện để cơ quan tổ chức hoặc tham gia thực hiện hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

- Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện; tổng hợp báo cáo và kịp thời đề xuất kiến nghị điều chỉnh Kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế, báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Y tế).

Căn cứ nội dung Kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện hàng năm (trước ngày 15/11) hoặc báo cáo đột xuất (nếu có) về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh./.


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, tỉnh;
- UBND các huyện, tx, tp;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, TH3, VX2.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Giàng Thị Dung

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 13/KH-UBND ngày 09/01/2024 thực hiện Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh Lào Cai

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


368

DMCA.com Protection Status
IP: 87.250.224.11
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!