BỘ NÔNG
NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN
NÔNG THÔN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 08/2015/TT-BNNPTNT
|
Hà Nội, ngày 02
tháng 3 năm 2015
|
THÔNG
TƯ
QUY
ĐỊNH VỀ VIỆC KIỂM TRA, GIÁM SÁT VỆ SINH THÚ Y, AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI SẢN XUẤT,
KINH DOANH MẬT ONG XUẤT KHẨU
Căn cứ Pháp lệnh Thú
y ngày 29 tháng 4 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số
199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số
33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành
một số điều của Pháp lệnh Thú y; Nghị định số 119/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 11
năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 33/2005/NĐ-CP ;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thú y,
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn ban hành Thông tư quy định về việc kiểm tra, giám sát vệ sinh
thú y, an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh mật ong xuất khẩu.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.
1. Thông tư này quy định về giám
sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sản xuất, kinh doanh mật
ong xuất khẩu; hệ thống giám sát, trách nhiệm của các cơ quan thực hiện giám
sát và các cơ sở tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh mật ong phục vụ xuất
khẩu.
2. Thông tư này áp dụng đối với các
cơ sở trong chuỗi sản xuất, kinh doanh mật ong xuất khẩu, bao gồm: Cơ sở nuôi
ong; cơ sở thu gom, chế biến, kinh doanh mật ong phục vụ
xuất khẩu.
Điều 2.
Giải thích từ ngữ.
Trong Thông
tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Mật ong bao gồm cả mật ong và
sữa ong chúa.
2. Sản xuất mật ong là việc
thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động nuôi ong, khai thác mật ong; thu
gom, chế biến, kinh doanh mật ong.
3. Cơ sở nuôi ong là nơi thực hiện
quá trình nuôi ong và khai thác mật ong nguyên liệu.
4. Chế biến mật ong là quá trình
xử lý mật ong nguyên liệu theo phương pháp công nghiệp hoặc thủ công để tạo
thành nguyên liệu thực phẩm hoặc sản phẩm thực phẩm.
5. Kinh doanh mật ong là việc thực
hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động thu gom, dịch vụ bảo quản, dịch vụ vận
chuyển hoặc buôn bán mật ong.
6. Cơ quan giám sát là các cơ
quan chuyên ngành thú y được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện kế hoạch giám
sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong nuôi ong; thu gom, chế
biến, kinh doanh mật ong.
Chương
II
KIỂM TRA, GIÁM SÁT VỆ SINH THÚ Y, AN TOÀN THỰC PHẨM
Điều 3.
Xây dựng và phê duyệt kế hoạch giám sát.
1. Căn cứ
xây dựng kế hoạch giám sát mật ong hàng năm:
a) Sản lượng mật ong xuất
khẩu trong năm; thời vụ khai thác mật ong, chế biến mật ong và dự kiến sản lượng
mật ong của năm tiếp theo;
b) Kết quả giám sát vệ
sinh thú y, ATTP đối với sản xuất, kinh doanh mật ong của năm trước, thông tin
cảnh báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về chất lượng, ATTP đối với mật ong
xuất khẩu để xác định các chỉ tiêu có nguy cơ cao về ATTP.
c) Số lượng cơ sở sản xuất,
kinh doanh mật ong và kết quả kiểm tra, đánh giá, phân loại điều kiện vệ sinh
thú y, ATTP tương ứng với các đối tượng nêu tại Điều 2 Thông tư
này.
2. Cục Thú y chủ trì xây
dựng kế hoạch giám sát hàng năm trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
phê duyệt, cấp kinh phí và triển khai thực hiện kế hoạch giám sát mật ong hàng
năm.
3. Việc
xây dựng kế hoạch hàng năm gửi cho các nước nhập khẩu, việc thực hiện giám sát,
số lượng mẫu và xử lý mẫu phân tích, báo cáo kết quả hàng năm cho các nước nhập
khẩu được thực hiện ở các cơ quan, đơn vị có liên quan.
4. Nội dung kế hoạch giám
sát:
a) Kiểm tra, đánh giá điều
kiện vệ sinh thú y và lấy mẫu mật ong tại các cơ sở nuôi ong; cơ sở thu gom,
chế biến, kinh doanh mật ong;
b) Lấy mẫu mật ong tại các
cơ sở nuôi ong; cơ sở thu gom, chế biến, kinh doanh mật ong;
c) Phân tích các chỉ tiêu
chất tồn dư trong mật ong được lấy tại các cơ sở nuôi ong; cơ sở thu gom, chế
biến, kinh doanh mật ong;
d) Tổng hợp báo cáo kế
hoạch giám sát theo yêu cầu quản lý và yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Điều
4. Các cơ quan giám sát.
1. Hệ
thống kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong nuôi ong; thu
gom, chế biến, kinh doanh mật ong bao gồm:
a) Cục
Thú y;
b) Các Cơ
quan Thú y vùng;
c) Trung
tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương I, II;
d) Chi cục Thú y các tỉnh có nuôi
ong.
2. Các cơ quan giám sát theo nhiệm
vụ, quyền hạn thực hiện những công việc được phân công đảm bảo hệ thống giám
sát khép kín từ khâu sản xuất tới vận chuyển, sơ chế, chế biến, kinh doanh xuất
khẩu.
Điều 5.
Đối tượng được kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất và chế biến mật ong.
Các cơ sở cơ sở nuôi ong; cơ sở
thu gom, chế biến, kinh doanh mật ong chịu sự kiểm tra, giám sát và thực hiện
các yêu cầu của cơ quan giám sát.
Điều 6.
Thời gian thực hiện kiểm tra, giám sát và lấy mẫu phân tích.
1. Trong
các tháng 2 - 4 và tháng 8 - 10 hàng năm, Cục Thú y tổ chức thực hiện việc kiểm
tra, đánh giá phân loại điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và lấy mẫu
mật ong giám sát các chất tồn dư độc hại tại các cơ sở nuôi ong; cơ sở thu gom,
chế biến, kinh doanh mật ong.
Trong
trường hợp cần thiết, việc kiểm tra các cơ sở và lấy mẫu mật ong có thể được
thực hiện đột xuất.
2. Việc kiểm tra, đánh giá phân
loại điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với các cơ sở nuôi ong; cơ
sở thu gom, chế biến, kinh doanh mật ong thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này.
3. Lấy mẫu ngẫu nhiên hoặc có
chủ định nhằm giám sát, đánh giá sự phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia,
quy định về ATTP của mật ong và yêu cầu của nước nhập khẩu (theo
hướng dẫn tại phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông
tư này); cơ cấu mẫu, số lượng mẫu lấy để phân tích các chỉ tiêu chất tồn dư
theo kế hoạch hàng năm.
4. Lựa chọn vùng lấy mẫu mật ong.
a) Vùng lấy mẫu mật ong tại cơ sở
nuôi ong căn cứ theo mùa vụ khai thác và vùng khai thác mật ong;
b) Vùng lấy mẫu mật ong tại các cơ
sở thu gom, chế biến, kinh doanh mật ong căn cứ vào thời điểm kiểm tra, giám
sát và tập trung tại các tỉnh nơi có các cơ sở thu gom, chế biến mật ong.
5. Yêu cầu đối với người lấy mẫu.
a) Người lấy mẫu phải được đào tạo,
tập huấn về kỹ thuật lấy mẫu và được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ.
b) Được trang bị đầy đủ dụng cụ,
trang thiết bị phục vụ lấy mẫu, bảo quản mẫu.
Điều 7.
Kiểm tra đánh giá, phân loại điều kiện vệ sinh thú y, ATTP đối với các cơ sở
nuôi ong, chế biến mật ong xuất khẩu.
1. Việc kiểm tra đánh giá, phân
loại các cơ sở nuôi ong; cơ sở sơ chế, chế biến mật ong xuất khẩu thực hiện
theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm
tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh
doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện ATTP.
2. Biên bản kiểm tra đánh
giá, phân loại điều kiện vệ sinh thú y, ATTP đối với cơ sở nuôi ong, theo mẫu
tại phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này;
3. Biên bản kiểm tra đánh
giá, phân loại điều kiện vệ sinh thú y, ATTP đối với cơ sở sơ chế, chế biến mật
ong, theo mẫu tại phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông
tư này.
4. Căn cứ kết quả kiểm tra đánh
giá, phân loại điều kiện vệ sinh thú y, ATTP, Cục Thú
y xem xét cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận kiện vệ sinh thú y, ATTP đối với
các cơ sở chế biến, kinh doanh mật ong xuất khẩu.
Điều 8. Quy
định về việc kiểm tra, lấy mẫu phân tích và phân tích mẫu.
1. Trung
tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương I chủ trì phối hợp với các Cơ quan Thú y
vùng, Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương II thực hiện việc kiểm tra,
lấy mẫu và phân tích mẫu đối với các cơ sở nuôi ong; cơ sở thu gom, chế biến,
kinh doanh mật ong.
2. Mật
ong phải được phân tích các chỉ tiêu chất tồn dư độc hại như các chất kháng
sinh, kim loại nặng, hóa chất bảo vệ thực vật và các chất tồn dư khác theo kế
hoạch hàng năm được phê duyệt.
Trong thời gian 20 ngày làm việc
kể từ ngày nhận được mẫu, phòng thử nghiệm phải thông báo kết quả tới cơ quan
giám sát để tổng hợp kết quả phân tích.
3. Kết
quả phân tích mẫu được lưu giữ tại cơ quan phân tích và được gửi tới các cơ
quan có liên quan.
Điều 9.
Quy định về việc kiểm dịch lô hàng mật ong xuất khẩu.
1. Chỉ các
cơ sở sản xuất, kinh doanh mật ong tham gia chương trình giám sát vệ sinh thú
y, ATTP và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y mới được phép xuất
khẩu mật ong.
2. Việc
kiểm dịch lô hàng mật ong để xuất khẩu được thực hiện theo yêu cầu của nước
nhập khẩu.
3. Trường hợp phát hiện lô hàng
có chứa chất tồn dư vượt quá giới hạn cho phép, cơ quan kiểm dịch động vật xuất
khẩu thông báo ngay cho cơ sở sản xuất, kinh doanh biết và thực hiện các biện pháp
xử lý theo quy định.
Chương III
SỬ DỤNG THUỐC THÚ Y, THỨC ĂN
TRONG NUÔI ONG
Điều 10.
Sử dụng thuốc thú y trong nuôi ong.
1. Chỉ sử dụng các loại thuốc thú
y được phép lưu hành tại Việt Nam để phòng, trị bệnh cho ong theo quy định.
2. Khi sử dụng thuốc để phòng,
trị bệnh cho ong phải tuân theo đúng chỉ định ghi trên nhãn thuốc và hướng dẫn
của cơ sở sản xuất hoặc cán bộ thú y. Cơ sở nuôi ong phải có sổ sách theo dõi,
ghi chép tình hình dịch bệnh ong, điều trị và sử dụng thuốc điều trị bệnh cho
ong.
3. Đối với những tổ chức, cá nhân
nuôi ong để xuất khẩu, ngoài việc thực hiện các quy định của pháp luật về sử
dụng thuốc thú y, thức ăn trong nuôi ong mà còn phải thực hiện theo các yêu cầu
của nước nhập khẩu.
Điều 11.
Sử dụng thức ăn dùng cho nuôi ong.
Chỉ sử
dụng thức ăn dùng cho nuôi ong được phép lưu hành tại Việt Nam và có thông tin
nhãn mác đầy đủ theo quy định. Nghiêm cấm việc pha trộn kháng sinh, hoóc môn và
các hóa chất độc hại khác vào thức ăn nuôi ong.
Chương IV
XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 12.
Xử lý mật ong không đạt yêu cầu trong quá trình kiểm tra, giám sát.
Trong quá
trình phân tích mẫu mật ong, nếu phát hiện thấy những chỉ tiêu vệ sinh thú y,
an toàn thực phẩm bắt buộc phải kiểm tra, vượt quá giới hạn cho phép, cơ
quan giám sát được phân công xử lý vi phạm
thực hiện:
1.
Thông báo ngay cho cơ sở có mật ong bị phát hiện
vi phạm về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; việc thông
báo phải đảm bảo các thông tin sau:
a) Tên
cơ sở có sản phẩm bị phát hiện vi phạm;
b) Lý
do vi phạm;
c) Lô
hàng, số lượng sản phẩm bị vi phạm;
d) Ngày lấy
mẫu và kết quả kiểm tra.
c) Yêu
cầu cơ sở không sử dụng mật ong nguyên liệu để đưa vào chế biến hoặc tạm dừng
việc xuất khẩu đối với lô hàng mật ong vi phạm.
2. Tổ
chức lấy mẫu tái kiểm tra đối với các chỉ tiêu vi phạm.
3. Yêu
cầu cơ sở thực hiện ngay việc truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân vi
phạm, thiết lập và thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp và báo cáo kết quả
thực hiện cho Cơ quan giám sát.
4. Các cơ
quan giám sát tổ chức thẩm tra việc thực hiện truy xuất nguồn gốc và kết quả khắc
phục của cơ sở; trong trường hợp cần thiết, tổ chức truy xuất từ cơ sở nuôi ong
đến các cơ sở thu gom, chế biến và kinh doanh mật ong phát hiện vi phạm (nếu
có) để thu hồi, xử lý sản phẩm mất an toàn.
5. Thực hiện các biện pháp
giám sát tăng cường và lấy mẫu có chủ định đối với cơ sở có mẫu vi phạm cho đến
khi các kết quả giám sát cho thấy cơ sở tuân thủ và đáp ứng các quy định.
a) Đưa vào
danh sách cảnh báo và áp dụng các biện pháp tăng cường giám sát, kiểm soát ít
nhất 30% lô hàng của 5 lô hàng liên tiếp;
b) Trường hợp
vi phạm tiếp tục bị phát hiện đưa vào danh sách kiểm soát đặc biệt, kiểm soát
100% các lô hàng trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ hoặc xuất khẩu.
c) Nếu kết
quả giám sát tăng cường cho thấy cơ sở tiếp tục có mẫu không bảo đảm ATTP, cơ
quan giám sát lập hồ sơ thông báo cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh
tra chuyên ngành để xem xét, tổ chức thanh tra (nếu cần thiết) và xử lý theo
quy định hiện hành; đồng gửi Cục Thú y để xem xét, có biện pháp tăng cường kiểm
tra điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, ATTP hoặc tạm dừng xuất khẩu mật ong của
cơ sở.
d) Trường hợp
không tái phạm được đưa ra khỏi danh sách cảnh báo.
6. Xử lý mật
ong không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm:
a) Đối với mật ong bị biến
đổi về tính chất lý hóa: Chuyển đổi mục đích sử dụng, sử dụng làm nguyên liệu
chưng cất cồn công nghiệp hoặc chế biến các sản phẩm không dùng cho người.
b) Đối với mật ong vi phạm
các chỉ tiêu kháng sinh cấm sử dụng, kim loại nặng vượt quá giới hạn cho phép:
Tùy theo mức độ, áp dụng chuyển mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy.
Điều
13. Xử lý mật ong xuất khẩu không đạt yêu cầu của nước nhập khẩu.
1. Trường hợp các lô hàng
đã xuất khẩu, nếu nước nhập khẩu phát hiện có các chất tồn dư vượt quá giới hạn
cho phép hoặc không đúng nguồn gốc thì chủ hàng hoặc cơ sở sản xuất lô hàng
phải thông báo cho Cục Thú y để phối hợp với các cơ quan liên quan và nước nhập
khẩu xử lý lô hàng.
2. Cục Thú y để phối hợp
với cơ sở sản xuất, kinh doanh mật ong thực hiện truy xuất nguồn gốc và áp dụng
các biện pháp xử lý theo quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 Điều
12 của Thông tư này.
3. Chủ hàng phải chịu toàn
bộ chi phí cho việc xử lý lô hàng.
Chương
V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều
14. Trách nhiệm của Cục Thú y.
1. Tổ
chức thực hiện kiểm tra, giám sát theo kế hoạch được phê duyệt.
2. Hướng
dẫn Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố có liên quan đến nuôi ong thực hiện việc
theo dõi, giám sát việc sản xuất và sử dụng thuốc thú y trong nuôi ong.
3. Phổ
biến, tuyên truyền các quy định về sản xuất thức ăn nuôi ong; sử dụng thuốc thú
y trong phòng trị bệnh cho ong; điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm
trong thu gom, chế biến, kinh doanh mật ong và tổ chức xử lý vi phạm.
4. Theo
dõi các hoạt động của các cơ quan khác trong hệ thống kiểm tra, giám sát; các
cơ sở sản xuất, kinh doanh mật ong xuất khẩu.
5.
Tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát hàng năm; cấp giấy
chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở chế biến, kinh doanh mật
ong đủ điều kiện vệ sinh thú y để xuất khẩu.
6.
Tổng hợp các thông tin, phân tích đánh giá, điều chỉnh các hoạt động phù hợp
với yêu cầu đã được đặt ra.
7.
Tổng hợp kế hoạch hàng năm; báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết
quả kiểm tra, giám sát, phân tích mẫu đã thực hiện, các điều chỉnh, xử lý vi
phạm về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu mật ong và thông báo cho các cơ quan có
thẩm quyền của nước nhập khẩu mật ong khi có yêu cầu.
8. Tổ
chức lập danh mục và cập nhật hồ sơ, mã số các cơ sở nuôi ong, các cơ sở sản
xuất mật ong xuất khẩu.
Điều
15. Trách nhiệm của các Cơ quan Thú y vùng.
1.
Thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất
khẩu mật ong từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh mật ong trên địa bàn quản lý.
2.
Thực hiện việc kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu mật ong
theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
3.
Thực hiện thẩm tra việc truy xuất nguồn gốc và kết quả khắc phục của cơ sở
vi phạm trong quá trình sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu mật ong.
4. Báo
cáo kết quả hoạt động về Cục Thú y và thông báo cho các đối tượng có liên quan
khác.
Điều
16. Trách nhiệm của các Chi cục Thú y nơi sản xuất mật ong.
1.
Thực hiện việc theo dõi, giám sát việc kinh doanh và sử dụng thuốc thú y trong nuôi
ong trên địa bàn quản lý.
2.
Phối hợp với các cơ quan giám sát thuộc Cục Thú y trong việc kiểm tra, giám sát
các cơ sở sản xuất, kinh doanh mật ong trên địa bàn.
Điều
17. Trách nhiệm của các Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương I, II.
1. Trung
tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương I: Lập kế hoạch giám sát, thực hiện việc
giám sát, lấy mẫu và phân tích mẫu hàng năm theo kế hoạch đã thông báo cho các
nước nhập khẩu; tổng hợp và báo cáo số liệu về Cục Thú y sau các đợt lấy mẫu.
Lập hồ sơ các cơ sở sản xuất, kinh doanh mật ong xuất khẩu và hệ thống lưu trữ
các thông tin, dữ liệu liên quan.
2. Trung
tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương II: Tham gia các đợt kiểm tra các cơ sở nuôi
ong; sản xuất, kinh doanh mật ong theo phân công của Cục Thú y.
Điều
18. Trách nhiệm của các cơ sở thu gom, chế biến, kinh doanh mật ong xuất khẩu.
1.
Tổ chức thực hiện chương trình thực hành sản xuất tốt (GMP) hoặc hệ
thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP)
hoặc theo tiêu chuẩn ISO 22.000:2005 trong chế biến mật ong; hướng dẫn, kiểm
tra các cơ sở nuôi ong thực hiện quy trình nuôi ong đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP
hoặc quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi ong an
toàn tại Việt Nam (VietGAHP) đáp ứng các yêu cầu vệ sinh thú
y, đảm bảo ATTP đối với mật ong xuất khẩu và cho người tiêu dùng.
2.
Tuân thủ quy định kiểm tra, giám sát và hướng dẫn của các cơ
quan giám sát trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
đối với mật ong.
3.
Tổ chức lấy mẫu, phân tích mẫu, lưu mẫu để kiểm tra các chỉ tiêu chất tồn dư
theo kế hoạch của cơ sở.
4.
Lập sổ sách theo dõi, giám sát nguồn gốc của từng lô hàng, thiết
lập hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo khả năng nhận diện, truy xuất sản
phẩm tại các công đoạn xác định của quá trình nuôi ong,
chế biến và phân phối mật ong.
5. Tổ
chức tập huấn, nâng cao kiến thức cho người nuôi ong, chế biến mật ong.
6. Chấp hành
nghiêm túc quyết định xử lý vi phạm của Cơ quan thẩm quyền khi
phát hiện mật ong không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
7. Thông
báo kết quả hoạt động của cơ sở, những vi phạm, xử lý vi phạm, các thông tin có
liên quan cho các cơ quan giám sát.
8. Lập danh sách các chủ
nuôi ong cung cấp mật ong nguyên liệu cho cơ sở chế biến mật ong theo phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này. Danh sách
các chủ nuôi ong, gửi về Cục Thú y, Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương
I chậm nhất vào ngày 15/01 hàng năm.
9. Phối hợp với các cơ
quan giám sát thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đối với các trường hợp vi
phạm.
Điều
19. Trách nhiệm của các cơ sở nuôi ong.
1. Thực
hiện quy trình nuôi ong đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP. Khuyến khích áp dụng quy
trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi ong an toàn tại Việt Nam
(VietGAHP).
2. Chỉ được sử dụng những
loại thuốc thú y có trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.
Mật ong chỉ được khai thác sử dụng để làm thực phẩm khi tuân thủ đúng thời gian
ngưng thuốc theo chỉ định của nhà sản xuất.
3. Thường xuyên thông báo
diễn biến tình hình dịch bệnh của ong, tình hình sản xuất mật ong cho các cơ
quan có liên quan để xử lý.
4. Lập sổ theo dõi từng
đàn ong để phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc.
Chương
VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều
20. Hiệu lực thi hành.
Thông tư
này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2015 và thay thế Thông tư số
23/2009/TT-BNN ngày 29/4/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy
định về việc kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y đối với sản xuất, kinh doanh mật
ong.
Điều
21. Trách nhiệm thi hành.
Cục trưởng
Cục Thú y, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi
nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Công báo Chính phủ, Website Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố;
- Lãnh đạo Bộ NN&PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư Pháp;
- Văn phòng EU tại Hà Nội, Brussel-Bỉ;
- Các Cục, Vụ, Thanh tra, Văn phòng thuộc Bộ;
- Các đơn vị thuộc Cục Thú y;
- Sở NN và PTNT, Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố;
- Lưu: VT, TY.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Vũ Văn Tám
|