ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 14/CT-UBND
|
Bình Dương, ngày
24 tháng 8 năm 2021
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG GIÃN CÁCH XÃ HỘI VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH
COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
Thực hiện Công điện hỏa tốc số
1099/CD-TTg ngày 22/08/2021, số 1102/CD-TTg ngày 23/08/2021 của Thủ tướng Chính
phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc;
Để nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm
soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống
dịch COVID-19 (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) các cấp theo chức năng, nhiệm vụ,
thẩm quyền được giao, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện
triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt lưu ý một
số nội dung sau đây:
I. TẬP TRUNG LÃNH
ĐẠO, CHỈ ĐẠO VÀ ĐẨY MẠNH HUY ĐỘNG SỰ THAM GIA CỦA NHÂN DÂN
1. Kết hợp
linh hoạt, hiệu quả giữa tập trung chỉ đạo và phân cấp thực hiện, bảo đảm đáp ứng
các yêu cầu về phòng, chống dịch và phát triển kinh tế -
xã hội tại các địa phương. Lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là
“chiến sỹ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch. Sự tham gia, chấp
hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong
phòng, chống dịch; đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người
dân để bảo vệ sức khỏe cho chính minh, gia đình mình và cộng đồng. Chiến thắng
dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.
Đối với các địa phương đang thực hiện
giãn cách xã hội, yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg. Đối với địa
phương thực hiện tăng cường giãn cách xã hội (15 phường1 thuộc các thành phố Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân
Uyên), ngoài thực hiện nghiêm các quy định của Chỉ thị số 16/CT-TTg , yêu cầu
người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với
nhà, xã phường với xã phường... và phải bảo đảm các yêu cầu y tế, lương thực,
thực phẩm, dịch vụ thiết yếu và trật tự an toàn xã hội cho Nhân dân ngay tại
phường nêu trên.
2. Người
đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả
công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung,
thống nhất, xuyên suốt, dứt khoát, quyết liệt, hiệu quả. Thành lập Trung tâm chỉ
huy phòng, chống dịch các cấp do đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân đứng đầu,
quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, ban hành quy chế hoạt động; phân
công ứng trực 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận, xử lý, báo cáo theo thẩm quyền mọi
vấn đề liên quan phòng, chống dịch trên địa bàn.
Phải ưu tiên cao nhất cho công tác
phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, tùy tình hình, cần quan tâm chỉ đạo phát triển
các mặt kinh tế - xã hội và các công việc quan trọng khác trên nguyên tắc bảo đảm
các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch.
3. Huy động
sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò của
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể xã hội,
tổ chức tôn giáo, các tổ chức khác và cộng đồng doanh nghiệp trong công tác
phòng, chống dịch, nhất là vận động, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục và yêu
cầu người dân chấp hành nghiêm việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện
pháp phòng, chống dịch.
4. Công
tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ cấp bách trước mắt và lâu dài;
không được tự mãn với kết quả phòng, chống dịch; tuyệt đối không chủ quan, lơ
là, mất cảnh giác; phải luôn sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy
ra.
5. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cần nêu cao tinh thần đoàn
kết, thống nhất; phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, bám
sát thực tiễn, cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe; khi thực hiện cần chủ động, linh
hoạt, sáng tạo, không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kịp
thời bổ sung, hoàn thiện phù hợp với tình hình, đạt hiệu quả cao nhất.
II. CÔNG TÁC TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, nhất
là ở một số xã, phường, thị trấn. Các Sở, Ban, ngành, UBND
các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao khẩn
trương khắc phục các hạn chế, yếu kém, tổ chức thực hiện quyết liệt hơn, nghiêm
hơn, hiệu quả hơn các giải pháp:
1. Giãn
cách xã hội là yếu tố quyết định để hạn chế tối đa lây nhiễm dịch bệnh;
phải thực hiện nghiêm, thực chất, kịp thời việc cách ly nguồn lây nhiễm trong cộng
đồng, không để “chặt ngoài lỏng trong”. Phải tranh thủ “thời
gian vàng” giãn cách để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có
thể.
2. Thần tốc
xét nghiệm trên diện rộng là then chốt để phát hiện sớm, cách ly nhanh,
phân loại kịp thời và điều trị phù hợp, hiệu quả người nhiễm COVID-19 theo quy
định của Bộ Y tế.
Thần tốc xét nghiệm diện rộng theo Kế
hoạch tầm soát diện rộng của tỉnh, đặc biệt hoàn thành việc lấy mẫu, xét nghiệm
đối với các phường “vùng đỏ đậm đặc” để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0, kịp
thời ngăn chặn lây lan. Xây dựng kế hoạch và tổ chức xét nghiệm hiệu quả
để “xanh hóa” các địa bàn và bảo vệ “vùng xanh”.
3. Điều
trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu. Giao Sở Y tế, UBND các huyện thị
xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ về cơ sở thu
dung, chăm sóc điều trị người bệnh và người nhiễm COVID-19, bảo đảm đủ ô xy y tế,
thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế cho các cơ sở này; thực hiện
theo dõi y tế tại các khu cách ly tập trung tạm thời, điều trị theo đúng phác đồ
của ngành Y tế ngay từ Cơ sở điều trị tầng 1, hạn chế tối
đa bệnh nhân diễn biến nặng, phải chuyển lên tầng điều trị cao hơn.
Tổ chức huy động, tập huấn và phân bổ
nhân lực cần thiết cho các địa phương có số ca nhiễm lớn,
nhiều bệnh nhân nặng. Huy động nguồn lực, nhân lực, cơ sở vật chất y tế của nhà
nước, doanh nghiệp, tư nhân cho công tác điều trị. Bảo đảm việc phân loại, điều
phối, chuyển tuyến kịp thời để điều trị tất cả bệnh nhân, đặc biệt đối với bệnh
nhân có diễn biến nặng.
Khẩn trương thiết lập các trạm
y tế lưu động (xe cấp cứu có trang bị ô xy, được trang bị các túi thuốc,
bình oxy, máy đo SpO2, dụng cụ xét nghiệm nhanh,...) tại các địa phương, trước mắt bố trí ngay tại
các phường tăng cường giãn cách xã hội.
Tổ chức điều phối, phối hợp vận chuyển,
tiếp nhận, cách ly, điều trị F0 trên địa bàn thành phố Thuận An, thị xã Tân
Uyên theo Công văn số 4136/UBND-NC ngày 22/08/2021 của UBND tỉnh.
4. Bảo đảm
an sinh xã hội là trọng yếu. Tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội,
phải bảo đảm lương thực, thực phẩm, các dịch vụ thiết yếu cho người dân, nhất
là người nghèo, người già, phụ nữ và trẻ em, nhóm người yếu
thế, người dễ bị tổn thương; huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần
tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, hoạt động thiện nguyện, không để
bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ
các đối tượng theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, đặc biệt là lao động
không có giao kết hợp đồng lao động; hoàn thành các gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ
(300.000 đồng), hỗ trợ lương thực, thực phẩm (500.000 đồng) đến tay người dân trước
ngày 28/08/2021; tập trung thực hiện gói hỗ trợ gạo, lương thực thực phẩm
cho người dân 11 phường tăng cường giãn cách xã hội kịp thời, đúng tiến
độ.
5. Vắc
xin, thuốc điều trị là chiến lược. Tổ chức tiêm chủng miễn phí, an toàn,
kịp thời, hiệu quả, không phân biệt các loại vắc xin; không tổ chức tiêm dịch vụ
có thu tiền. Tổ chức các hình thức tiêm vắc xin phù hợp với các khu cách ly,
phong tỏa với thời gian linh hoạt, đảm bảo kịp thời, an toàn, hiệu quả theo hướng
dẫn của Bộ Y tế và bảo đảm các quy định về an toàn phòng, chống dịch.
6. Bảo đảm
an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ quan trọng, nhất là
tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, tại khu, cụm công nghiệp, các cơ
sở sản xuất khác... Tăng cường công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giam,
giữ, cơ sở cai nghiện, bảo trợ xã hội. Bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian
mạng. Xử lý nghiêm các hành vi đưa tin, chia sẻ thông tin sai sự thật, gây
hoang mang dư luận, gây ảnh hưởng không tốt đến công tác phòng, chống dịch của
tỉnh.
7. Các địa
phương chịu trách nhiệm: (a) Chủ động bảo đảm nhân lực, cơ sở vật chất theo
phương châm “4 tại chỗ” để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng
chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, nhất là tại các địa phương thực hiện tăng
cường giãn cách xã hội; (b) Ưu tiên nguồn lực, tăng cường tiết kiệm chi thường
xuyên, nhất là các khoản chi chưa cần thiết, các khoản chi sự nghiệp có tính chất
đầu tư, sử dụng tiết kiệm quỹ dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính để tập
trung cho phòng, chống dịch; (c) Có phương án và sẵn sàng về nhân lực, trang
thiết bị, vật tư y tế, phương tiện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để kịp thời hỗ
trợ các địa phương khác khi có yêu cầu.
8. Tăng
cường công tác truyền thông, bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác. Giao 01 đầu
mối có thẩm quyền ở các cấp chủ động cung cấp thông tin thường xuyên cho người
dân về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch. Chú ý lắng nghe tâm tư,
nguyện vọng, phản ánh của người dân, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng
đài 1022, các đường dây nóng và đội phản ứng nhanh các cấp; kịp thời hướng dẫn,
cổ vũ, động viên để Nhân dân biết, hiểu, đồng cảm, tin tưởng và tự giác thực hiện
giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch. Phát huy vai trò quan trọng
của toàn bộ hệ thống truyền thông, nhất là mạng lưới thông tin cơ sở. Lan tỏa
những mô hình tốt, điển hình tiên tiến, cách làm hiệu quả của tổ chức và cá
nhân. Kiên quyết đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xấu độc.
9. Bảo đảm
vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi. Các địa phương
thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chỉ kiểm tra
tại điểm đi, điểm đến và bảo đảm các quy định an toàn phòng, chống
dịch; bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp. Phối hợp chặt chẽ,
hiệu quả giữa các Sở, ngành và các địa phương để xử lý linh hoạt, tạo điều kiện
thuận lợi cho việc vận tải, lưu thông hàng hóa, nhất
là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống
dịch, phục vụ đời sống nhân dân và nguyên vật
liệu sản xuất.
10. Duy
trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Các
Sở, Ban, ngành, địa phương lắng nghe
phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân và căn cứ tình hình thực tế, hướng
dẫn, tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn theo các hướng dẫn, chỉ đạo của Sở Y
tế, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, UBND tỉnh; thường
xuyên gặp gỡ, tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp
tại địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn phòng, chống
dịch bệnh tại các doanh nghiệp.
11. Lãnh
đạo cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, cơ
quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được
giao, chủ động chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về
giãn cách xã hội, tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống
dịch theo quy định của Trung ương, của tỉnh và Chỉ thị này; kịp thời động viên,
khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích, xử lý nghiêm các trường hợp vi
phạm./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để
báo cáo);
- Ban Chỉ đạo Quốc gia (để báo cáo);
- Bộ Y tế (để báo cáo);
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, PCT. UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành(60);
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo BD, Đài PTTH BD, Cổng TTĐT tỉnh;
- LĐVP, TH;
- Lưu: VT, Dg, KGVX.
|
CHỦ TỊCH
Võ Văn Minh
|
1 Thành
phố Thuận An 04 phường (Bình Chuẩn, Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa); Thành phố Dĩ
An 04 phường (Dĩ An, Anh Bình, Tân Đông Hiệp, Đông Hòa); Thị xã Tân Uyên 07 phường
(Uyên Hưng, Hội Nghĩa, Tân Phước Khánh, Thái Hòa, Khánh Bình, Tân Vĩnh Hiệp,
Tân Hiệp).