Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: Khongso Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường Người ký: Trần Hồng Hà
Ngày ban hành: 05/05/2016 Ngày hiệu lực:
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: /2016/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày ….. tháng... năm 2016

DỰ THẢO

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH KỸ THUẬT VỀ QUY TRÌNH DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN NGUY HIỂM

Căn cứ Luật khí tượng thủy văn ngày 23 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định kỹ thuật về Quy trình dự báo khí tượng thủy văn nguy hiểm,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định kỹ thuật Quy trình dự báo trong điều kiện khí tượng, thủy văn, hải văn (sau đây gọi chung là khí tượng thủy văn) nguy hiểm có thể gây thiệt hại về người, tài sản, ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội hoặc dẫn đến thiên tai khí tượng thủy văn quy định tại Điều 22 của Luật khí tượng thủy văn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia và tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm là hiện tượng khí tượng thủy văn bất thường về mức độ, thời gian xuất hiện, khu vực xảy ra có thể gây thiệt hại về người, tài sản, ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội.

2. Yếu tố dự báo là các đặc trưng khí tượng thủy văn cần được dự báo. Ví dụ như nhiệt độ cao nhất, thấp nhất, lượng mưa, mực nước, lưu lượng, độ cao sóng,…

3. Hiện tượng dự báo là các trạng thái khí tượng thủy văn cần dự báo, bao gồm: nắng, mưa, sương mù, sóng biển và các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm khác.

4. Thời hạn dự báo là khoảng thời gian tính từ thời điểm phát hành bản tin dự báo đến thời điểm cuối cùng của thời hạn dự báo hoặc khi xuất hiện yếu tố, hiện tượng dự báo.

5. Thời gian dự kiến là khoảng thời gian tính từ thời điểm quan trắc cuối cùng yếu tố dùng để dự báo đến thời điểm xuất hiện yếu tố dự báo.

6. Hiện trạng khí tượng thủy văn là trạng thái khí quyển, thủy quyển được thể hiện thông qua các hiện tượng và yếu tố khí tượng thủy văn.

7. Xu thế khí tượng thủy văn là chiều hướng biến đổi của các yếu tố, hiện tượng khí tượng thủy văn trong khoảng thời gian xác định.

8. Phương pháp dự báo là cơ sở khoa học để xây dựng các phương án dự báo.

9. Phương án dự báo là cách thức, trình tự tiến hành tính toán, dự báo yếu tố hoặc hiện tượng khí tượng thủy văn cụ thể tại địa điểm, khu vực cụ thể.

10. Đánh giá chất lượng dự báo là các hoạt động nhằm đưa ra các kết luận về tính đầy đủ, kịp thời của bản tin dự báo và độ tin cậy của các yếu tố, hiện tượng dự báo.

11. Cập nhật, bổ sung bản tin dự báo là hoạt động thực hiện việc dự báo và phát hành bản tin dự báo ngoài quy định.

12. Thảo luận dự báo là hoạt động trao đổi thông tin, đánh giá về các kết quả dự báo của các dự báo viên khác nhau và của các phương án dự báo khác nhau để lựa chọn kết quả dự báo cuối cùng có độ tin cậy cao nhất.

13. Xoáy thuận nhiệt đới là vùng gió xoáy (đường kính có thể tới hàng trăm kilômét) hình thành trên biển nhiệt đới, gió thổi xoáy vào trung tâm theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, áp suất khí quyển (khí áp) trong xoáy thuận nhiệt đới thấp hơn xung quanh, có mưa, đôi khi kèm theo dông, tố, lốc.

14. Tâm xoáy thuận nhiệt đới là vùng có trị số khí áp thấp nhất trong xoáy thuận nhiệt đới, nơi hội tụ của các luồng gió xoáy từ xung quanh thổi vào.

15. Sức gió mạnh nhất trong xoáy thuận nhiệt đới là tốc độ gió trung bình lớn nhất xác định trong thời gian 02 phút quan trắc (tính bằng cấp gió Beaufort).

16. Gió giật là tốc độ gió tăng lên tức thời được xác định trong khoảng hai (02) giây.

17. Áp thấp nhiệt đới là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 6 đến cấp 7 và có thể có gió giật.

18. Bão là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 8 trở lên và có thể có gió giật. Bão có sức gió mạnh nhất từ cấp 10 đến cấp 11 được gọi là bão mạnh, từ cấp 12 đến cấp 15 gọi là bão rất mạnh, từ cấp 16 trở lên gọi là siêu bão.

19. Áp thấp nhiệt đới hoặc bão đổ bộ là khi tâm áp thấp nhiệt đới, bão đã vào đất liền.

20. Áp thấp nhiệt đới hoặc bão tan là áp thấp nhiệt đới, bão đã suy yếu thành vùng áp thấp, sức gió mạnh nhất dưới cấp 6.

21. Vùng gió mạnh do hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới và bão gây nên là vùng có gió xoáy mạnh từ cấp 6 trở lên.

22. Vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp nhiệt đới hoặc bão là vùng thời tiết xấu, có mưa, có gió mạnh từ cấp 6 trở lên do áp thấp nhiệt đới hoặc bão gây ra.

23. Sai số dự báo là khoảng chênh lệch giữa trị số thực đo và trị số dự báo.

24. Nước dâng do bão là hiện tượng nước biển dâng cao hơn mực nước triều bình thường do ảnh hưởng của bão.

25. là hiện tượng mực nước sông dâng cao trong khoảng thời gian nhất định sau đó xuống. Lũ được phân thành các loại sau:

- Lũ nhỏ là lũ có đỉnh lũ thấp hơn mức đỉnh lũ trung bình nhiều năm;

- Lũ vừa là lũ có đỉnh lũ tương đương mức đỉnh lũ trung bình nhiều năm;

- Lũ lớn là lũ có đỉnh lũ cao hơn mức đỉnh lũ trung bình nhiều năm;

- Lũ đặc biệt lớn là lũ có đỉnh lũ cao hiếm thấy trong thời kỳ quan trắc;

- Lũ lịch sử là lũ có đỉnh lũ cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc hoặc do điều tra khảo sát được;

- Lũ bất thường là lũ xuất hiện trước hoặc sau mùa lũ hoặc lũ được hình thành do hồ chứa xả nước, do vỡ đập, tràn đập, vỡ đê.

26. Đỉnh lũ là mực nước cao nhất trong một trận lũ tại một tuyến đo. Đỉnh lũ năm là đỉnh lũ cao nhất đã quan trắc được trong năm. Đình lũ trung bình nhiều năm (TBNN) là trị số trung bình của các đỉnh lũ năm trong thời kỳ quan trắc

27. Biên độ lũ là trị số chênh lệch mực nước giữa đỉnh lũ và mực nước ngay trước lúc lũ lên.

28. Cường suất lũ là trị số biến đổi mực nước lũ trong một đơn vị thời gian.

29. Mùa lũ là thời gian thường xuất hiện lũ, được xác định như sau:

- Trên các sông thuộc Bắc Bộ: từ ngày 15 tháng 6 đến ngày 15 tháng 10;

- Trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh: từ ngày 15 tháng 7 đến ngày 15 tháng 11;

- Trên các sông từ Quảng Bình đến tỉnh Ninh Thuận: từ ngày 01 tháng 9 đến ngày 15 tháng 12;

- Trên các sông thuộc tỉnh Bình Thuận, các tỉnh thuộc Nam Bộ và Tây Nguyên: từ ngày 15 tháng 6 đến ngày 30 tháng 11.

30. Lũ được coi là lên (hoặc xuống) nhanh khi cường suất lũ lên (hoặc xuống) vượt quá cường suất lũ lên (hoặc xuống) trung bình nhiều năm tại trạm đang xét.

31. Lũ được coi là lên (hoặc xuống) chậm khi cường suất lũ lên (hoặc xuống) nhỏ hơn cường suất lũ lên (hoặc xuống) trung bình nhiều năm tại trạm đang xét.

32. Cảnh báo lũ là thông tin về tình hình lũ nguy hiểm có khả năng xảy ra.

33. Dự báo lũ là sự tính toán và phân tích trước các trạng thái tương lai về tình hình mực nước tại một địa điểm (hay khu vực) sau một khoảng thời gian xác định với độ chính xác nhất định.

34. Ngập lụt là hiện tượng mặt đất bị ngập nước do ảnh hưởng của mưa lớn, lũ, triều cường, nước biển dâng.

35. Ngập úng là hiện tượng ngập nước của một khu vực do mưa lớn tại chỗ hoặc triều cường hoặc do xả nước của các công trình khi khả năng tiêu thoát nước của khu vực bị hạn chế.

36. Lũ quét là lũ xảy ra bất ngờ trên các lưu vực sông suối nhỏ miền núi, dòng chảy xiết, thường kèm theo bùn đá, lũ lên nhanh, xuống nhanh, có sức tàn phá lớn.

37. Sạt lở đất là hiện tượng đất bị sạt, trượt, lở do tác động của mưa, lũ hoặc dòng chảy.

38. Sụt lún đất là hiện tượng đất bị tụt xuống thấp hơn so với khu vực xung quanh, do ảnh hưởng của mưa lũ hoặc dòng chảy.

39. Không khí lạnh là hiện tượng thời tiết nguy hiểm do khối không khí lạnh từ phía Bắc xâm nhập xuống nước ta, hệ thống gió đang tồn tại ở miền Bắc thay đổi một cách cơ bản: trở thành hệ thống gió có hướng lệch bắc và khí áp tăng.

40. Không khí lạnh mạnh là không khí lạnh gây gió mạnh từ cấp 7 trở lên  và kéo dài trên 6 giờ hoặc cấp 6 nhưng kéo dài liên tục trên 24 giờ tại trạm đảo Bạch Long Vĩ.

41. Không khí lạnh trung bình là không khí lạnh gây gió mạnh từ cấp 6 trở lên và kéo dài trên 6 giờ hoặc cấp 7 trở lên nhưng kéo dài không quá 6 giờ tại trạm đảo Bạch Long Vĩ.

42. Không khí lạnh yếu là không khí lạnh gây gió mạnh dưới cấp 6 hoặc cấp 6 nhưng kéo dài không quá 6 giờ tại trạm đảo Bạch Long Vĩ.

43. Trời rét là dạng thời tiết đặc biệt xảy ra trong mùa đông ở miền Bắc khi nhiệt độ không khí trung bình ngày từ 15 đến 20oC.

44. Rét đậm là dạng thời tiết đặc biệt xảy ra trong mùa đông ở miền Bắc khi nhiệt độ không khí trung bình ngày xuống dưới 15oC.

45. Rét hại là dạng thời tiết đặc biệt xảy ra trong mùa đông ở miền Bắc khi nhiệt độ không khí trung bình ngày xuống dưới 13oC.

46. Gió mạnh là tốc độ gió từ cấp 6 trở lên xác định trung bình trong thời gian hai phút quan trắc (tính bằng cấp gió Beaufort).

47. Sóng lớn là những con sóng trên biển có độ cao lớn hơn hoặc bằng 2 mét.

48. Sương muối là hiện tượng hơi nước đóng băng thành các hạt nhỏ và trắng như muối ngay trên mặt đất hay bề mặt cây cỏ hoặc các vật thể khác.

49. Mưa lớn là hiện tượng mưa với tổng lượng mưa đạt trên 50 mm trong 24 giờ, trong đó mưa với tổng lượng mưa từ 51 mm đến 100 mm trong 24 giờ là mưa to, mưa với tổng lượng trên 100 mm trong 24 giờ là mưa rất to.

50. Mưa lớn diện rộng là mưa lớn xảy ra ở một hay nhiều khu vực liền kề.

51. Nắng nóng là dạng thời tiết đặc biệt trong mùa hè, khi nhiệt độ không khí cao nhất ngày vượt quá 350C và độ ẩm không khí xuống dưới 65%.

52. Nắng nóng gay gắt là nắng nóng khi nhiệt độ không khí cao nhất ngày từ 37 đến dưới 39 oC.

53. Nắng nóng đặc biệt gay gắt là nắng nóng khi nhiệt độ không khí cao nhất trong ngày từ 39 oC trở lên.

54. Hạn hán là hiện tượng thiếu nước nghiêm trọng xảy ra trong thời gian dài do không có mưa và cạn kiệt nguồn nước.

55. Hạn khí tượng là hiện tượng thiếu hụt nước trong cán cân lượng mưa, lượng bốc hơi, nhất là trong trường hợp liên tục không mưa hoặc có mưa nhưng lượng mưa thiếu hụt nhiều so với trung bình khí hậu.

56. Hạn thuỷ văn là hiện tượng dòng chảy sông suối thấp hơn trung bình nhiều năm rõ rệt và mực nước trong các tầng chứa nước dưới đất hạ thấp.

57. Xâm nhập mặn là hiện tượng nước mặn với nồng độ mặn bằng 4‰ xâm nhập sâu vào nội đồng khi xảy ra triều cường, nước biển dâng hoặc cạn kiệt dòng chảy thượng nguồn.

58. Độ mặn hay độ muối là lượng muối được hòa tan trong nước, được ký hiệu là S, đơn vị là ‰.

59. Dông là sự phóng điện đột ngột được thể hiện dưới dạng lóe sáng (chớp), âm thanh đanh và rền vang (sấm). Các cơn dông kết hợp với các đám mây đối lưu (mây vũ tích) thường kèm theo giáng thủy dưới dạng mưa rào hoặc mưa đá, hoặc đôi khi có tuyết, hạt tuyết hoặc các viên băng.

60. Sét là hiện tượng phóng điện trong đám mây, giữa các đám mây với nhau hoặc giữa đám mây với mặt đất.

61. Tố là hiện tượng gió tăng tốc độ đột ngột và hướng thay đổi bất chợt, thường kèm theo dông, mưa rào hoặc mưa đá.

62. Lốc là luồng gió xoáy có sức gió mạnh tương đương với sức gió của bão nhưng được hình thành và tan trong thời gian ngắn, phạm vi hoạt động hẹp từ vài km2 đến vài chục km2.

63. Mưa đá là mưa dưới dạng cục băng hoặc hạt băng có kích thước, hình dạng khác nhau, xảy ra trong thời gian ngắn, kèm theo mưa rào, đôi khi có gió mạnh.

64. Thủy triều là dao động tuần hoàn của mực nước biển do các lực tạo triều gây nên.

65. Sương mù là hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti trong lớp không khí sát bề mặt, làm giảm tầm nhìn ngang xuống dưới 1 km.

66. Nước dâng là hiện tượng mực nước biển dâng cao hơn mực nước triều bình thường do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão, gió mùa và nhiễu động khí áp.

67. Sóng lớn là những con sóng trên biển có độ cao lớn hơn 2 mét.

68. Triều cường là hiện tượng mực nước biển tổng cộng dâng cao do thủy triều dâng cao hoặc do nước dâng dị thường do áp thấp nhiệt đới, bão, gió mùa và nhiễu động khí áp. Độ cao triều cường là tổng hợp của độ cao thủy triều và nước dâng.

Điều 4. Nhóm các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm cần dự báo, cảnh báo

1. Bão, áp thấp nhiệt đới.

2. Mưa lớn diện rộng.

3. Lũ, ngập lụt.

4. Lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy.

5. Không khí lạnh, rét đậm-rét hại, băng giá, sương muối.

6. Nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn.

7. Dông, sét, tố, lốc, mưa đá, mưa lớn cục bộ.

8. Sương mù trên biển, sóng lớn, nước dâng, triều cường.

9. Các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm khác.

Chương II

QUY TRÌNH DỰ BÁO, CẢNH BÁO ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI, BÃO VÀ CÁC HIỆN TƯỢNG NGUY HIỂM KÈM THEO

Điều 5. Các yếu tố trong dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão và các hiện tượng nguy hiểm kèm theo

1. Vị trí tâm bão, áp thấp nhiệt đới trong thời hạn dự báo.

2. Cấp gió mạnh nhất, gió giật mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới, bão.

3. Phạm vi gió mạnh cấp 6, cấp 10.

4. Sóng lớn, nước dâng trong bão, ngập lụt vùng ven biển.

5. Cấp gió mạnh trên đất liền.

6. Mưa lớn trên đất liền.

Điều 6. Quy trình chi tiết dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão và các hiện tượng nguy hiểm kèm theo

Trên cơ sở thông tin, số liệu quan trắc thu thập được khi thực hiện Quy trình dự báo khí tượng thủy văn trong điều kiện bình thường, đã xác định dấu hiệu xuất hiện của áp thấp nhiệt đới, bão hoặc khi áp thấp nhiệt đới, bão đã xuất hiện, thực hiện các nội dung sau:

1. Thu thập, xử lý các loại thông tin, dữ liệu áp thấp nhiệt đới, bão:

- Dữ liệu về áp thấp nhiệt đới, bão trên các bản đồ thời tiết;

- Số liệu quan trắc tăng cường khi áp thấp nhiệt đới, bão có khả năng ảnh hưởng đến đất liền;

- Dữ liệu về áp thấp nhiệt đới, bão bằng thông tin viễn thám;

- Dữ liệu áp thấp nhiệt đới, bão qua các sản phẩm mô hình dự báo số trị;

- Dữ liệu áp thấp nhiệt đới, bão từ các Trung tâm dự báo bão quốc tế.

2. Phân tích, đánh giá hiện trạng áp thấp nhiệt đới, bão:

- Xác định vị trí tâm áp thấp nhiệt đới, bão trên cơ sở phân tích số liệu vệ tinh, ra đa thời tiết, số liệu quan trắc và các thông tin khác;

- Xác định tốc độ gió mạnh nhất, gió giật vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới, bão trên cơ sở phân tích số liệu vệ tinh, ra đa thời tiết, số liệu quan trắc và các thông tin khác;

- Xác định bán kính vùng gió mạnh cấp 6, cấp 10 trên cơ sở phân tích số liệu vệ tinh, ra đa thời tiết, số liệu quan trắc và các thông tin khác;

- Xác định diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão về hướng và tốc độ di chuyển, về gió mạnh nhất gần tâm áp thấp nhiệt đới, bão trong khoảng 6 đến 12 giờ trước trên cơ sở phân tích số liệu vệ tinh, ra đa thời tiết, số liệu quan trắc và các thông tin khác.

3. Thực hiện các phương án dự báo áp thấp nhiệt đới, bão:

a) Vị trí tâm bão, áp thấp nhiệt đới trong thời hạn dự báo:

Sử dụng các phương án dự báo sau để dự báo, cảnh báo vị trí tâm áp thấp nhiệt đới, bão trong thời hạn dự báo:

- Phương án dự báo trên cơ sở phương pháp phân tích synốp, kinh nghiệm;

- Phương án dự báo trên cơ sở sử dụng kết quả dự báo từ ảnh mây vệ tinh, ra đa thời tiết (nếu có);

- Phương án dự báo trên cơ sở tổng hợp kết quả từ các Trung tâm dự báo bão quốc tế;

- Phương án dự báo trên cơ sở mô hình số trị toàn cầu, khu vực, mô hình kép khí quyển - đại dương;

- Phương án dự báo trên cơ sở phương pháp tổ hợp;

- Phương án dự báo trên cơ sở các phương pháp khác.

b) Cấp gió mạnh nhất, cấp gió giật mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới, bão

Sử dụng các phương án dự báo sau để dự báo cấp gió mạnh nhất, cấp gió giật mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới, bão,:

- Phương án dự báo trên cơ sở phương pháp phân tích synốp, kinh nghiệm;

- Phương án dự báo trên cơ sở sử dụng kết quả dự báo từ ảnh mây vệ tinh, ra đa thời tiết (nếu có);

- Phương án dự báo trên cở sở tổng hợp kết quả từ các Trung tâm dự báo bão quốc tế;

- Phương án dự báo trên cơ sở mô hình số trị toàn cầu, khu vực, mô hình kép khí quyển - đại dương;

- Phương án dự báo trên cơ sở phương pháp tổ hợp;

- Phương án dự báo trên cơ sở các phương pháp khác.

c) Phạm vi gió mạnh cấp 6, cấp 10

Sử dụng các phương án dự báo sau để dự báo, cảnh báo phạm vi gió mạnh cấp 6, cấp 10:

- Phương án dự báo trên cơ sở tương quan giữa tốc độ gió quan trắc và khoảng cách đến tâm bão;

- Phương án dự báo trên cở sở phân tích thông tin viễn thám;

- Phương án dự báo trên cở sở tổng hợp kết quả từ các Trung tâm dự báo bão quốc tế.

d) Sóng lớn, nước dâng bão, ngập lụt vùng ven biển

Sử dụng các phương án dự báo trong Khoản 3 Điều 12 và trong Khoản 3 Điều 27 của Thông tư này.

e) Cấp gió mạnh trên đất liền

Sử dụng các phương án dự báo sau để dự báo, cảnh báo cấp gió mạnh trên đất liền:

- Phương án dự báo trên cơ sở phương pháp phân tích synốp, kinh nghiệm;

- Phương án dự báo trên cơ sở tương quan giữa tốc độ gió quan trắc và khoảng cách đến tâm bão;

- Phương án dự báo trên cơ sở mô hình số trị toàn cầu, khu vực, mô hình kép khí quyển - đại dương;

- Phương án dự báo trên cơ sở phương pháp tổ hợp;

- Phương án dự báo trên cơ sở các phương pháp khác.

f) Mưa lớn trên đất liền

Sử dụng các phương án dự báo trong Khoản 3 tại Điều 9 của Thông tư này để dự báo, cảnh báo mưa lớn trên đất liền

4. Thảo luận dự báo áp thấp nhiệt đới, bão:

- Phân tích, đánh giá độ tin cậy của các kết quả dự báo bằng các phương án khác nhau được sử dụng trong các bản tin dự báo gần nhất;

- Tổng hợp các kết quả dự báo ban đầu từ các phương án khác nhau và nhận định của các dự báo viên;

- Người chịu trách nhiệm ra bản tin lựa chọn kết quả dự báo cuối cùng có độ tin cậy cao nhất phù hợp với thời hạn dự báo.

5. Xây dựng bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão:

a) Nội dung bản tin áp thấp nhiệt đới, bão:

Nội dung bản tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão được quy định tại điều 10 và 11, Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg “Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai”. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai tại Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg “Quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai”.

b) Nội dung bản tin mưa lớn, sóng biển, nước dâng trong bão:

Thông tin về mưa lớn, sóng biển, nước dâng trong bão được lồng ghép trong các bản tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão.

Mẫu nội dung chi tiết của bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão (bao gồm cả mưa lớn, sóng biển, nước dâng trong bão) xem tại phụ lục 1.

6. Cung cấp bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão:

Các bản tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão cần được chuyển nhanh chóng, kịp thời đến các cơ quan lãnh đạo nhà nước; các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức hoạt động liên quan đến phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, các cơ quan, tổ chức truyền tin về thiên tai được quy định tại phụ lục V, Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg “Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai”.

7. Cập nhật, bổ sung bản tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão:

Trong trường hợp phát hiện áp thấp nhiệt đới, bão có diễn biến bất thường cần cập nhật, bổ sung bản tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão ngoài quy định về tần suất và thời gian ban hành bản tin áp thấp nhiệt đới, bão tại Điều 7 của Thông tư này.

8. Đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão

- Đánh giá việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung quy định của Quy trình dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão;

- Đánh giá tính đầy đủ, kịp thời của việc truyền các bản tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão theo quy định;

- Đánh giá chất lượng bản tin dự báo thông qua so sánh các yếu tố dự báo với quan trắc thực tế. Các yếu tố đánh giá gồm: Vị trí tâm; Cấp gió mạnh nhất; Thời gian bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp; Thời gian đổ bộ; Phạm vi ảnh hưởng trực tiếp; Gió mạnh và mưa trên đất liền.

Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia quy định chi tiết về phương pháp và các chỉ tiêu đánh giá đối với các bản tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão trong hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia.

Điều 7. Tần suất và thời gian ban hành bản tin áp thấp nhiệt đới, bão

1. Tần suất và thời gian ban hành bản tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão của hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia được quy định tại Điều 12 Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai.

2. Tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quyết định tần suất và thời gian ban hành bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão theo quy định tại Thông tư này.

Chương III

QUY TRÌNH DỰ BÁO, CẢNH BÁO  MƯA LỚN DIỆN RỘNG

Điều 8. Các yếu tố và hiện tượng dự báo, cảnh báo đối với mưa lớn diện rộng

- Lượng mưa.

- Thời gian mưa.

- Khu vực mưa.

- Cường độ mưa.

Điều 9. Quy trình chi tiết dự báo, cảnh báo mưa lớn diện rộng

1. Thu thập, xử lý các loại thông tin, dữ liệu:

Việc theo dõi, phát hiện mưa lớn phải được thực hiện theo Quy trình kỹ thuật khí tượng thủy văn trong điều kiện bình thường, khi nhận thấy có khả năng cao xảy ra mưa lớn diện rộng sẽ chuyển sang thực hiện theo quy định kỹ thuật về Quy trình theo dõi, cảnh báo và dự báo mưa lớn diện rộng. Các số liệu cần thu thập như sau:

a. Các bản tin xu thế, bản tin dự báo thời tiết hạn ngắn, hạn vừa;

b. Số liệu vệ tinh khí tượng các kênh ảnh hồng ngoại, ảnh thị phổ và các sản phẩm tính toán thứ cấp (phân tích mây đối lưu, phân loại mây, ước lượng mưa,...);

c. Số liệu ra đa thời tiết và các sản phẩm tổ hợp ảnh ra đa thời tiết, ước lượng mưa trong phạm vi khu vực dự báo, cảnh báo;

d. Số liệu quan trắc bề mặt (bao gồm cả quan trắc tự động), thám không vô tuyến trong khu vực dự báo, cảnh báo và lân cận;

e. Số liệu phân tích, dự báo từ các mô hình toàn cầu, mô hình khu vực phân giải cao, mô hình tổ hợp;

f. Thu thập thông tin, dữ liệu dự báo mưa và mưa lớn của các Trung tâm dự báo khí tượng trong khu vực và quốc tế;

g. Đánh giá tính đầy đủ, chính xác của các loại dữ liệu đã thu thập và bổ sung, chỉnh lý, chuẩn hóa số liệu.

2. Phân tích, đánh giá hiện trạng

a. Theo dõi, phát hiện trên các sản phẩm số trị

Trên cơ sở các bản đồ phân tích khách quan và bản đồ dự báo mưa, xác suất xảy ra mưa lớn thu được từ các sản phẩm mô hình dự báo thời tiết số (các nhóm mô hình toàn cầu, nhóm mô hình khu vực, nhóm sản phẩm tổ hợp) để theo dõi vùng mưa, lượng mưa lớn và thời gian mưa ở thời điểm hiện tại hoặc có thể hình thành sau 12, 24, 36, 48, 72 hoặc trong một số trường hợp yêu cầu ngoài 72 giờ.

b. Theo dõi, phát hiện trên bản đồ sy nốp

Dựa trên kết quả phân tích các bản đồ tầng thấp (Âu Á, Biển Đông), các bản đồ trên cao (AT850, AT700 AT500), để xác định vùng có khả năng có mưa lớn diện rộng hoặc khu vực có mưa lớn diện rộng ở thời điểm hiện tại và có thể hình thành sau 12, 24, 36, 48 hoặc 72 giờ, khi xuất hiện một trong các hình thế gây mưa lớn dưới đây hoặc có sự kết hợp giữa chúng:

- Không khí lạnh;

- Xoáy thuận nhiệt đới bao gồm: áp thấp nhiệt đới, bão;

- Xoáy thấp phát triển từ tầng thấp đến tầng cao ở Bắc;

- Rìa lưỡi áp cao cận nhiệt đới;

- Rãnh gió mùa bị nén bao gồm cả rãnh thấp trục Tây Bắc – Đông Nam;

- Dải hội tụ nhiệt đới (ITCZ);

- Dải thấp xích đạo;

- Nhiễu động trong đới gió Đông (sóng Đông);

- Rãnh gió Tây trên cao (dòng xiết gió Tây);

- Hội tụ kinh hướng (gió Tây Nam từ vịnh Ben-Gan sang kết hợp với gió Đông Nam ở rìa lưỡi áp cao cận nhiệt đới);

- Gió mùa Tây Nam (hội tụ vĩ hướng).

c. Theo dõi, phát hiện trên các sản phẩm ảnh mây vệ tinh, ảnh ra đa thời tiết

Dự báo viên trực ca dự báo phải thường xuyên xem xét các kênh phổ vệ tinh và các sản phẩm thứ cấp được chiết xuất từ số liệu vệ tinh đa kênh phổ gồm cấu trúc tổ chức mây, phạm vi vùng mây, loại mây và sự phát triển của nó theo thời gian,...thông qua các phần mềm phân tích ảnh mây vệ tinh, kết hợp với việc theo dõi thông qua các hệ thống bản đồ sy nốp, qua đó xác định đây là dạng mây thuộc hệ thống thời tiết nào, có khả năng gây ra mưa lớn diện rộng trong thời gian tới hay không hoặc có khả năng gây mưa thuộc dạng nào bất ổn định hay ổn định.

Trên sản phẩm ảnh ra đa thời tiết, dự báo viên trực ca, trực ban dự báo cần phải theo dõi phạm vi bao phủ của hệ thống mây, cấu trúc của hệ thống mây, tốc độ di chuyển và khả năng phát triển của hệ thống mây, độ phản hồi của hệ thống mây từ đó ước lượng được khả năng gây mưa, vùng mưa, cường độ mưa do hệ thống mây này gây ra.

d. Xử lý số liệu

Trên cơ sở các sản phẩm số trị, ảnh mây vệ tinh, ra đa thời tiết, vị trí địa lý và điều kiện khí hậu của từng vùng để đưa ra các khả năng dưới đây:

- Trường hợp mưa lớn diện rộng chưa có khả năng xuất hiện: Khi trên khu vực dự báo chưa xuất hiện một trong các hình thế thời tiết gây mưa lớn diện rộng trong thời hạn dự báo. Các sản phẩm số trị chưa chỉ ra dấu hiệu có mưa lớn diện rộng. Ảnh mây vệ tinh chưa xuất hiện tổ chức mây thuộc hình thế thời tiết gây mưa lớn diện rộng. Dự báo viên phân tích đánh giá và xử lý ở mức độ theo dõi, ghi sổ theo dõi, giao ca.

- Trường hợp mưa lớn diện rộng có khả năng xuất hiện: Khi trên khu vực đảm nhận dự báo xuất hiện một trong các hình thế thời tiết gây mưa lớn diện rộng trong thời hạn dự báo. Trên các sản phẩm số trị xuất hiện vùng mưa lớn diện rộng. Ảnh mây vệ tinh có vùng mây đối lưu phát triển, hoặc vùng mây thuộc các hình thế thời tiết gây mưa lớn đang di chuyển đến khu vực làm dự báo, tăng cường mức độ theo dõi, ghi sổ theo dõi, giao ca.

- Trường hợp mưa lớn diện rộng chắc chắn xuất hiện: Khi trên khu vực đảm nhận dự báo chắc chắn xuất hiện một trong các hình thế thời tiết gây mưa lớn diện rộng. Các sản phẩm số trị đã chỉ rõ khu vực mưa, thời gian mưa. Ảnh mây vệ tinh xuất hiện nhiều vùng mây đối lưu phát triển mạnh hoặc hệ thống mây thuộc một trong các hình thế thời tiết gây mưa lớn diện rộng thì dự báo viên trực ca dự báo phải chủ động báo cáo với Lãnh đạo cấp trên trực tiếp, đề xuất phương pháp xử lý và tiếp tục tăng cường mức độ theo dõi liên tục cùng ghi sổ theo dõi, giao ca.

- Để đảm bảo tính liên tục, khi hoàn thành nhiệm vụ của một ca dự báo, giữa các ca dự báo nhất thiết phải có giao ca trực tiếp, bàn giao ca bằng sổ sách với các nhận định về khả năng mưa, khu vực mưa, thời gian mưa trong 24, 48, 72 giờ tới và những nội dung đã xử lý.

3. Thực hiện các phương án dự báo

a. Phân tích, dự báo mưa lớn diện rộng trên cơ sở hoàn lưu khí quyển

Trên cơ sở các số liệu quan trắc thực tế thu thập được, các bản đồ sy nốp mô tả hoàn lưu khí quyển tầng thấp và tầng cao đã phân tích trong quá khứ, hiện tại sẽ xác định hình thế thời tiết đang diễn ra, qua đó đưa ra đánh giá về khả năng hình thế thời tiết này có thuộc hình thế thời tiết gây mưa lớn diện rộng hay không.

Phân tích, đánh giá cường độ, sự phát triển, di chuyển, mức độ tác động của các hình thế gây mưa lớn diện rộng đến mỗi vùng dự báo. Thời gian tác động của một hay nhiều hình thế từ đó đưa ra diễn biến của các hình thế thời tiết này trong tương lai qua các hạn dự báo.

Căn cứ vào mức độ biến đổi và tương quan giữa các mực của trường các yếu tố khí tượng (trường khí áp, trường nhiệt độ, trường ẩm, trường gió) ở các thời điểm đã qua và hiện tại để khẳng định khả năng tồn tại hoặc phát triển hoặc suy yếu của các hình thế thời tiết gây mưa lớn diện rộng. Đặc biệt, khi có nhiều hình thế có khả năng chi phối thời tiết một hay nhiều vùng trên lãnh thổ thì dự báo hình thế rất khó khăn, cần phải tham khảo nhiều thông tin khác.

Trên cơ sở diễn biến của các hình thế gây mưa lớn diện rộng qua các hạn dự báo, dự báo viên trực ca phải đưa ra được các thông số sau:

- Khu vực xuất hiện mưa lớn diện rộng;

- Thời gian bắt đầu và kết thúc;

- Hướng và tốc độ di chuyển của vùng mưa trong 12 giờ hoặc 24 giờ tới;

- Ước lượng tổng lượng mưa trong 12, 24, 48 giờ và trong điều kiện cho phép có thể mở rộng đến 72 giờ hoặc hơn.

b. Phân tích, dự báo mưa lớn diện rộng trên cơ sở các mô hình số trị

Căn cứ vào mức độ biến đổi và tương quan giữa các mực của trường các yếu tố khí tượng (trường khí áp, trường nhiệt độ, trường ẩm, trường gió) trên các sản phẩm dự báo số trị hiện có, ở các thời hạn dự báo khác nhau để khẳng định khả năng tồn tại, phát triển, suy yếu cũng như mức độ ảnh hưởng của các hệ thống thời tiết gây mưa lớn diện rộng. Đặc biệt, khi có nhiều hình thế tương tác lẫn nhau, các sản phẩm mô hình số trị có thể đưa ra các kết quả khác nhau, do vậy cần phải tham khảo thêm các sản phẩm dự báo đã có trước đó để khẳng định dự báo hiện tại.

Trên cơ sở các sản phẩm dự báo chiết xuất từ các mô hình dự báo hiện có qua các hạn dự báo, dự báo viên trực ca phải chỉ ra được kết quả mà các mô hình đưa ra: Có xuất hiện mưa lớn diện rộng hay không, khu vực nào có mưa lớn diện rộng, thời gian xuất hiện và kết thúc, định lượng mưa cho mỗi khu vực theo các hạn dự báo.

c. Phân tích, dự báo mưa lớn diện rộng trên cơ sở ảnh mây vệ tinh

Thông qua các phần mềm phân tích ảnh mây vệ tinh hiện có, kết hợp với việc theo dõi thông qua các hệ thống bản đồ sy nốp từ đó xác định:

- Hệ thống mây có thuộc một trong các hệ thống thời tiết gây mưa lớn diện rộng hay không hoặc là tổ hợp của nhiều hệ thống;

- Hướng di chuyển và khả năng phát triển của hệ thống mây này trong quá khứ cho đến thời điểm hiện tại;

- Có khả năng gây ra mưa lớn diện rộng trong thời gian tới hay không, khả năng gây mưa thuộc dạng nào bất ổn định hay ổn định.

- Trên cơ sở phân tích hệ thống mây hiện có để dự báo khả năng phát triển hoặc suy yếu của hệ thống mây này trong thời gian 6 giờ hoặc 12 giờ tới, qua đó ước lượng tổng lượng mưa do hệ thống mây này gây ra tương ứng với khoảng thời gian nói trên.

d. Phân tích, dự báo mưa lớn diện rộng trên cơ sở ảnh ra đa thời tiết.

Phân tích và dự báo dựa trên các sản phẩm ra đa thời tiết: tương tự việc phân tích thông qua các sản phẩm ảnh vệ tinh, dự báo viên trực ca dự báo thông qua các sản phẩm ảnh ra đa thời tiết kết hợp với phân tích hệ thống thời tiết trên các bản đồ sy nốp mô tả hoàn lưu khí quyển để xác định cấu trúc của hệ thống mây, tốc độ di chuyển và khả năng phát triển của hệ thống mây, độ phản hồi của hệ thống mây từ đó ước lượng được khả năng gây mưa, vùng mưa, cường độ mưa do hệ thống mây này gây ra.

4. Thảo luận dự báo

- Phân tích, đánh giá độ tin cậy của các kết quả dự báo bằng các phương án khác nhau được sử dụng trong các bản tin dự báo, cảnh báo thời hạn gần nhất;

- Tổng hợp các kết quả dự báo, cảnh báo từ các phương án khác nhau và nhận định của các dự báo viên;

- Người chịu trách nhiệm ra bản tin lựa chọn kết quả dự báo cuối cùng có độ tin cậy cao nhất phù hợp với các loại bản tin, thời hạn dự báo, cảnh báo, trong đó phải có các thông tin sau:

+  Có xuất hiện mưa lớn diện rộng hay không, khu vực có mưa lớn diện rộng và thời điểm bắt đầu;

+  Tổng lượng mưa trên các khu vực ở các thời hạn dự báo;

+  Thời điểm kết thúc mưa lớn.

5. Xây dựng bản tin

a. Soạn thảo bản tin

Nội dung bản tin:

- Tiêu đề bản tin mưa lớn theo thời gian dự kiến, khu vực chịu ảnh hưởng mưa lớn;

- Diễn biến đã qua tổng lượng mưa, khu vực mưa, thời gian mưa, cường độ mưa của khu vực dự báo (dạng bảng biểu, đồ thị hoặc bản đồ);

- Dự báo, nhận định diễn biến mưa, tổng lượng mưa, khu vực mưa, thời gian mưa, cường độ mưa của khu vực dự báo (dạng bảng biểu, đồ thị hoặc bản đồ);

- Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán tại Điều 7, theo Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ;

- Trường hợp mưa có khả năng gây lũ, lũ quét và trượt lở đất sẽ bổ sung thông tin từ bản tin lũ, lũ quét, trượt lở đất được quy định ở Phụ lục II.

- Thời gian thực hiện bản tin, tên người thực hiện dự báo, tên người duyệt bản tin;

- Thời gian ban hành bản tin tiếp theo;

- Mẫu bản tin dự báo (xem Phụ lục II)

b. Soát, duyệt bản tin

- Đối chiếu kiểm tra lại nội dung, trị số thực đo và phát báo;

- Thực hiện kiểm tra, sửa đổi nội dung bản tin cũng như trị số dự báo khi thấy cần thiết. Chịu trách nhiệm cuối cùng về bản tin.

6. Phát hành bản tin

Các bản tin dự báo, cảnh báo hạn hán cần được cung cấp đầy đủ, kịp thời đến các cơ quan lãnh đạo nhà nước; các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức hoạt động liên quan đến phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, các cơ quan, tổ chức truyền tin về thiên tai được quy định tại phụ lục V, Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg “Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai”.

7. Cập nhật, bổ sung bản tin

Trong trường hợp phát hiện các yếu tố, hiện tượng mưa lớn có diễn biến bất thường, tăng lên hoặc giảm đi so với thông tin dự báo, cảnh báo, cần cập nhật, bổ sung bản tin dự báo, cảnh báo hạn hán theo quy định tại Khoản 1 đến 6 của Điều này.

8. Đánh giá

- Đánh giá việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung quy định của Quy trình dự báo mưa lớn;

- Đánh giá tính đầy đủ Quy trình nội dung, kịp thời của các bản tin dự báo mưa lớn;

- Đánh giá chất lượng bản tin dự báo thông qua so sánh mưa lớn dự báo với quan trắc thực tế theo các phương pháp đánh giá quy định.

Điều 10. Tần suất và thời gian ban hành bản tin mưa lớn diện rộng

- Đối với bản tinh cảnh báo mưa lớn diện rộng phạm vi dự báo ngoài hạn 72 giờ thì phát mỗi ngày một bản tin vào lúc 15 giờ 30 phút hàng ngày;

- Đối với bản tin cảnh báo mưa lớn diện rộng phạm vi dự báo trong hạn 24-72 giờ thì phát mỗi ngày hai bản tin vào lúc 15 giờ 30 phút và 04 giờ 30 phút hàng ngày;

- Đối với bản tin cảnh báo mưa lớn diện rộng phạm vi dự báo trong hạn 24 giờ thì phát mỗi ngày bốn bản tin vào lúc 09 giờ 30 phút, 15 giờ 30 phút, 21 giờ 30 phút và 04 giờ 30 phút hàng ngày;

- Đối với bản tinh cảnh báo mưa đặc biệt lớn hoặc rất nguy hiểm sẽ phát bản tin bổ sung, thời gian phát sẽ do người có trách nhiệm quy định.

Chương IV

QUY TRÌNH DỰ BÁO, CẢNH BÁO  LŨ, NGẬP LỤT

Điều 11. Các yếu tố và hiện tượng dự báo, cảnh báo đối với lũ, ngập lụt

1. Trị số mực nước hoặc lưu lượng tại các vị trí trên các lưu vực sông được quy định trong phụ lục II&III quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ứng với thời gian dự kiến;

2. Biên độ lũ;

3. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ;

4. Diện ngập lụt (Bản đồ cảnh báo, dự báo ngập lụt phải thể hiện được các lớp như: vùng ngập lụt; địa danh hành chính; độ sâu ngập; đường giao thông; hướng di tản tránh nạn (nếu có); vị trí các mốc báo lũ (nếu có));

5. Độ cao mực nước tại các cột mốc báo lũ (nếu có).

Điều 12. Quy trình chi tiết dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt

Trên cơ sở thông tin, số liệu quan trắc xác định dấu hiệu xuất hiện các hiện tượng lũ, ngập lụt, ngập úng hoặc khi nhận định mực nước trong sông có khả năng đạt mức "lũ" theo Khoản 26, 27 Điều 4, Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ thì thực hiện dự báo lũ theo Quy trình này.

1. Thu thập, xử lý các loại thông tin, dữ liệu:

- Yêu cầu các đơn vị quan trắc tăng cường quan trắc, tăng tần suất chuyển số liệu;

- Thu thập bổ sung số liệu mưa, mực nước, lưu lượng của các trạm khí tượng thủy văn, các trạm dùng riêng, số liệu xả của các hồ thủy điện, hồ thủy lợi và số liệu khí tượng, thủy văn, hồ chứa quốc tế liên quan tới khu vực dự báo (nếu có);

- Cập nhật thường xuyên, liên tục số liệu quan trắc;

- Xử lý, xác minh các trường hợp số liệu thiếu, số liệu về muộn, phân tích chỉnh sửa dữ liệu để đảm bảo tính chính xác của dữ liệu.

2. Phân tích, đánh giá hiện trạng:

a. Phân tích hình thế thời tiết, mưa: Phân tích hình thế thời tiết gây mưa, tính toán xác định lượng mưa trung bình lưu vực, xác định cường độ mưa, vùng mưa, tâm mưa, thời gian bắt đầu mưa, thời gian kết thúc mưa và nhận định sơ bộ diện mưa, định lượng mưa, thời gian mưa tiếp theo.

b. Phân tích xác định nguyên nhân gây lũ: Phân tích quá trình mực nước, lưu lượng của các vị trí trên lưu vực sông, tính toán xác định cường suất lũ lên trung bình và lớn nhất theo các thời đoạn khác nhau, xác định biên độ lũ lên, thời gian truyền lũ trên từng đoạn sông, phân tích tình hình vận hành hồ chứa trên lưu vực sông, nhận định sơ bộ mức độ lũ sẽ xảy ra tiếp theo.

c. Phân tích xác định nguyên nhân gây ngập: Ngập lụt do vỡ đê, do xả lũ, vỡ đập, hồ chứa phía thượng lưu; ngập úng vùng trũng thấp do mưa lớn; ngập lụt do triều cường; ngập lụt do tổ hợp 2 hay nhiều trường hợp trên; xác định vùng đã xảy ra ngập lụt; nhận định sơ bộ khả năng ngập lụt, độ sâu ngập những vùng tiếp theo.

3. Thực hiện các phương án dự báo lũ, ngập lụt:

a. Các tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt phải áp dụng các phương án do các cấp có thẩm quyền quy định. Các phương án dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt tối thiểu phải bao gồm một hay đồng thời các phương án sau:

- Phương án dự báo, cảnh báo trên cơ sở phương pháp phân tích, kinh nghiệm, thống kê: Sử dụng các biểu đồ, các phương trình tương quan mưa-dòng chảy như quan hệ tổng lượng mưa-đỉnh lũ, tổng lượng mưa trung bình lưu vực với biên độ lũ lên,...Các bước thực hiện:

+ Thu thập các yếu tố đưa vào các biểu đồ và phương trình dự báo như lượng mưa bình quân lưu vực, thời gian mưa, cường độ mưa, tâm mưa, mực nước chân lũ hoặc lượng nước sẵn có trong đất trước khi sinh lũ;

+ Tính toán các yếu tố dự báo;

+ Phân tích các kết quả tính toán trên biểu đồ hoặc phương trình;

+ So sánh các kết quả tính toán với các điều kiện tương tự, hiệu chỉnh các kết quả dự báo tính đến điều kiện KTTV thực tế và chất lượng của phương án dự báo.

- Phương án dự báo trên cơ sở phương pháp mô hình số:

Khi thực hiện phương án dự báo trên cơ sở phương pháp mô hình số cần thực hiện các nội dung sau:

+ Cập nhật số liệu đầu vào của mô hình: Số liệu dự báo mưa, mực nước, lưu lượng, dữ liệu hồ chứa,…;

+ Kiểm tra tính tương thích dữ liệu đầu vào mô hình, chuẩn hóa số liệu trên lưu vực phục vụ việc chạy mô hình;

+ Tổng hợp, phân tích, đánh giá tài liệu, thông tin liên quan phục vụ việc chạy mô hình dự báo;

+ Cập nhật các phương án vận hành hồ chứa thượng nguồn đưa vào kịch bản dự báo;

+ Vận hành mô hình;

+ Lập báo cáo kết quả: Tổng hợp số liệu, kết quả, lập các bảng biểu, hình vẽ.

b. Các phương án dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt của hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia do Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia quy định.

c. Tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia có trách nhiệm xây dựng các phương án dự báo lũ, ngập lụt phù hợp.

4. Thảo luận dự báo lũ, ngập lụt:

- Phân tích, đánh giá độ tin cậy của các kết quả dự báo bằng các phương án khác nhau được sử dụng trong các bản tin dự báo gần nhất;

- Tổng hợp các kết quả dự báo ban đầu từ các phương án khác nhau và nhận định của các dự báo viên;

- Người chịu trách nhiệm duyệt bản tin lựa chọn kết quả dự báo cuối cùng có độ tin cậy cao nhất phù hợp với các loại bản tin, thời hạn dự báo.

5. Xây dựng bản tin cảnh báo, dự báo lũ, ngập lụt:

- Tin dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt gồm 3 loại: Tin cảnh báo lũ; Tin lũ; Tin lũ khẩn cấp. Điều kiện ban hành bản tin dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt được quy định tại Điều 13 Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tin dự báo lũ, ngập lụt phải bao gồm cấp độ rủi ro thiên tai được quy định tại Mục 8, Bảng tổng hợp cấp độ rủi ro thiên tai theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014.

- Nội dung bản tin dự báo, cảnh báo lũ được quy định tại Điều 14 Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Mẫu chi tiết các loại bản tin cảnh báo, dự báo lũ, ngập lụt trong  (phụ lục 3).

6. Cung cấp bản tin dự báo khí tượng thủy văn:

Bản tin cảnh báo, dự báo lũ, ngập lụt phải được truyền, phát kịp thời, chính xác, đầy đủ cho các đơn vị theo quy định tại Phụ lục 5, Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ và theo yêu cầu, nhu cầu thực tiễn.

7. Cập nhật, bổ sung bản tin dự báo khí tượng thủy văn:

Trong trường hợp phát hiện các yếu tố, hiện tượng dự báo có diễn biến bất thường cần cập nhật, bổ sung bản tin dự báo. Việc cập nhật, bổ sung bản tin được thực hiện theo quy định tại các khoản 1 đến  6 của Điều này.

8. Đánh giá chất lượng dự báo khí tượng thủy văn:

- Đánh giá việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung quy định của Quy trình dự báo lũ, ngập lụt;

- Đánh giá tính đầy đủ quy trình, nội dung, kịp thời của các bản tin dự báo lũ, ngập lụt;

- Đánh giá chất lượng bản tin dự báo thông qua so sánh các yếu tố dự báo với quan trắc thực tế theo các phương pháp đánh giá quy định.

Điều 13. Tần suất và thời gian ban hành bản tin lũ, ngập lụt

1. Thời gian và tần suất ban hành các bản tin thực hiện theo quy định tại Điều 15 và 16 tại Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai.

2. Tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quyết định tần suất và thời gian ban hành bản tin dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt theo quy định tại Thông tư này.

Chương V

QUY TRÌNH CẢNH BÁO  LŨ QUÉT, SẠT LỞ ĐẤT, SỤT LÚN ĐẤT DO MƯA LŨ HOẶC DÒNG CHẢY

Điều 14. Các yếu tố và hiện tượng cảnh báo đối với lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy

1. Khu vực có khả năng xuất hiện lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy.

2. Tổng lượng mưa trong 24 giờ.

Điều 15. Quy trình chi tiết cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy

1. Thu thập, xử lý các loại thông tin, dữ liệu liên quan tới lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy:

- Dữ liệu về địa hình, độ dốc địa hình, các trận lũ quét, sạt lở đất, vùng có nguy cơ xuất hiện lũ quét, sạt lở đất tại khu vực cảnh báo có thể dưới dạng văn bản, bảng số liệu, bản đồ;

- Dữ liệu quan trắc mưa, mực nước tại các trạm quan trắc thuộc khu vực cảnh báo và lân cận;

- Dữ liệu ước lượng mưa bằng thông tin viễn thám thuộc khu vực cảnh báo và lân cận;

- Dữ liệu vận hành hồ chứa thuộc khu vực cảnh báo và lân cận;

- Dữ liệu mô phỏng, dự báo mưa của mô hình dự báo số trị;

- Dữ liệu cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy của các Trung tâm dự báo, cảnh báo thiên tai quốc tế (nếu có).

2. Phân tích, đánh giá hiện trạng lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy:

- Phân tích, xác định diễn biến mưa: Tổng lượng mưa trung bình lưu vực tích lũy từ 1-2 tuần; tổng lượng mưa trung bình lưu vực, lượng mưa ngày lớn nhất, cường độ mưa lớn nhất trong 24 giờ- 48 giờ;

- Phân tích, xác định diễn biến lũ thượng nguồn khu vực cảnh báo;

- Phân tích, xác định hiện trạng lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy ở khu vực cảnh báo;

- Xác định hiện trạng vận hành của các hồ chứa trong khu vực hoặc thượng nguồn khu vực cảnh báo.

3. Thực hiện phương án cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy:

a. Tùy thuộc vào khu vực cảnh báo, có thể thực hiện một hoặc đồng thời các phương án sau:

- Phương án cảnh báo trên cơ sở phương pháp phân tích kinh nghiệm, chồng chập các loại bản đồ trong Khoản 1 Điều này;

- Phương án cảnh báo trên cơ sở phương pháp thống kê;

- Phương án cảnh báo trên cơ sở sử dụng kết quả dự báo định lượng mưa từ các mô hình số trị, thông tin  viễn thám (nếu có) kết hợp chồng chập các loại bản đồ trong Khoản 1 Điều này;

- Phương án cảnh báo trên cơ sở phương pháp mô hình số (thủy văn, thủy lực,…);

- Phương án cảnh báo trên cơ sở các phương pháp khác.

b. Cảnh báo cấp độ rủi ro do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy:

Căn cứ vào cường độ mưa và phạm vi ảnh hưởng, độ dốc lưu vực, cấu trúc đất đá, thời gian mưa kỳ trước, cảnh báo cấp độ rủi ro do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy được thực hiện theo quy định sau:

- Cấp độ rủi ro do lũ quét được quy định trong Điều 11 của Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai;

- Cấp độ rủi ro do thiên tai do sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy được quy định trong Điều 12 của Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai.

4. Thảo luận cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy:

- Phân tích, đánh giá độ tin cậy của các kết quả cảnh báo bằng các phương án khác nhau được sử dụng trong các bản tin gần nhất;

- Tổng hợp các kết quả cảnh báo ban đầu từ các phương án khác nhau và các cá nhân thực hiện cảnh báo;

- Người chịu trách nhiệm duyệt bản tin lựa chọn kết quả cảnh báo cuối cùng có độ tin cậy cao nhất.

5. Xây dựng bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy:

Nội dung bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy được quy định tại Điều 22 và 23, Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai; Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai Điều 11 và 12, Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai;

Các bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy được biên soạn lồng ghép trong các bản tin thời tiết, tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ.

6. Cung cấp bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy:

Các bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cần được chuyển nhanh chóng, kịp thời đến các cơ quan lãnh đạo nhà nước; các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức hoạt động liên quan đến phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, các cơ quan, tổ chức truyền tin về thiên tai được quy định tại phụ lục V, Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai.

7. Cập nhật, bổ sung bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy:

Trong trường hợp phát hiện mưa, lũ có diễn biến bất thường, tăng lên hoặc giảm đi so với mức độ dự báo cần cập nhật, bổ sung bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy ngoài quy định tại Điều 16 của Thông tư này. Việc cập nhật, bổ sung bản tin được thực hiện theo quy định tại các khoản 1 đến  6 của Điều này.

8. Đánh giá chất lượng bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy:

- Đánh giá việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung quy định của Quy trình cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy;

- Đánh giá tính đầy đủ, kịp thời của các bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy;

- Đánh giá chất lượng bản tin cảnh báo thông qua so sánh các yếu tố, khu vực dự báo với quan trắc thực tế theo các phương pháp đánh giá quy định.

Điều 16. Tần suất và thời gian ban hành bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy

1. Tần suất và thời gian ban hành bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy của hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia được quy định tại Điều 23 Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai.

2. Tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quyết định tần suất và thời gian ban hành bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy theo quy định tại Thông tư này.

Chương VI

QUY TRÌNH DỰ BÁO, CẢNH BÁO  KHÔNG KHÍ LẠNH, RÉT ĐẬM - RÉT HẠI, BĂNG GIÁ, SƯƠNG MUỐI

Điều 5. Các yếu tố và hiện tượng dự báo, cảnh báo

- Nhiệt độ;

- Gió mạnh;

- Mưa vừa, mưa to, diện rộng;

- Khả năng xuất hiện rét đậm, rét hại, băng giá, mưa tuyết;

- Sóng lớn.

Điều 6. Quy trình chi tiết dự báo, cảnh báo KKL và các hiện tượng nguy hiểm kèm theo

Trên cơ sở thông tin, số liệu quan trắc thu thập được khi thực hiện Quy trình dự báo khí tượng thủy văn trong điều kiện bình thường, đã xác định dấu hiệu xuất hiện của KKL, thực hiện các nội dung sau:

1. Thu thập, xử lý các loại thông tin, dữ liệu:

- Dữ liệu về thông tin thời tiết diễn ra trên toàn thế giới

- Số liệu quan trắc Synop khi có không khí lạnh ảnh hưởng tới nước ta

- Số liệu về dự báo không khí lạnh thông qua các sản phẩm số trị

- Số liệu quan trắc Vệ tinh, Radar, thám không

- Thu thập dữ liệu trường gió, áp dự báo từ mô hình số trị

- Thu thập số liệu sóng tại các trạm quan trắc khí tượng hải văn ven biển và đảo

- Thu thập số liệu sóng phân tích từ ra đa biển của Tổng cục Biển và Hải Đảo Việt Nam (nếu có)

- Thu thập số liệu sóng quan trắc từ các tầu hằng hải (obsship) đang hoạt động trong vùng dự báo

- Thu thập số liệu trường sóng tái phân tích của các Trung tâm Dự báo sóng trên thế giới (JMA, NOAA)

- Thu thập số liệu dự báo sóng trong KKL do các Trung tâm dự báo khác trong và ngoài nước phát tin (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, JMA, NOAA,  …)

- Thu thập số liệu mực nước tại các trạm quan trắc thủy văn cửa sông và hải văn ven biển và hải đảo

- Thu thập thông tin về thủy triều tại khu vực có nguy cơ cao về nước dâng do gió mùa (độ cao và pha triều)

- Thu thập dữ liệu trường gió, áp dự báo từ mô hình số trị của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương

- Phân tích diễn biến cường độ và hướng gió mạnh tại khu vực ven bờ

2. Phân tích, đánh giá hiện trạng:

Trên cơ sở số liệu thu thập ở điều 1, dự báo viên tiến hành phân tích và đánh giá hiện trạng của không khí lạnh thông qua các chỉ tiêu dự báo KKL và các mô hình.

2.1. Chỉ tiêu dự báo KKL và mô hình synop đặc trưng.

a) Chỉ tiêu dự báo KKL.

Qua kết quả nghiên cứu , tổng kết và tích luỹ kinh nghiệm của nhiều dự báo viên, chỉ tiêu, các dấu hiệu dự báo KKL hạn ngắn khá phong phú. Ở đây chỉ giới thiệu một số chỉ tiêu, kinh nghiệm dự báo thường được dùng trong nghiệp vụ, căn cứ vào chênh lệch khí áp giữa một số trạm được chọn và trạm Láng (Hà Nội) theo hai hướng bắc - nam và đông bắc - tây nam. Chỉ tiêu này dựa vào mối quan hệ giữa sự di chuyển của KKL xuống phía nam với Gradient khí áp giữa vùng KKL đang ảnh hưởng và vùng KKL sẽ ảnh hưởng. Chỉ tiêu này được gọi là phương pháp phi địa chuyển.

- Dự báo KKL xâm nhập xuống nước ta  trước 48 h.

Nếu khu vực từ 48 đến 53 độ vĩ bắc – 90 – 96 độ kinh đông có trung tâm áp cao lạnh và khu vực biến áp dương (kèm theo DP24 > 0)  và các trạm 52418, 52436, 52537, 52652 ở rìa phía nam của áp cao lạnh này, hoặc các trạm trên nằm trong một  trung tâm áp cao lạnh trong phạm vi từ 38 đến 42 độ vĩ bắc, 100 đến 105 độ kinh đông, có trị số khí áp chênh lệch với trị số khí áp trạm Láng (Hà Nội) từ 20 mb trở lên, thì 48h tới (tính từ thời điểm xuất hiện  chỉ tiêu chênh lệch trên), KKL sẽ ảnh hưởng đến Bắc Bộ (trong đó có Hà Nội), nếu chênh lệch này càng lớn cường độ KKL mạnh càng mạnh, suất bảo đảm trên 85%.

- Chỉ tiêu dự báo KKL hạn ngắn 24 - 48h.

Dự báo xâm nhập của KKL xuống nước ta trước 24h trên cơ sở thống kê và phân tích hình thế synop. Đó là hai phương pháp chủ yếu. Ngoài ra cần phải kết hợp với các phương pháp dự báo số trị, phân tích ảnh mây vệ tinh để đi đến kết luận chính xác khả năng và thời gian KKL ảnh hưởng.

Chỉ tiêu dự báo KKL trước 24h dựa vào chênh lệch khí áp của các trạm với Hà Nội là phương pháp thống kê hay còn gọi là phương pháp phi địa chuyển. Chỉ tiêu dự báo được trình bày ở Bảng 1

Bảng 1. Chỉ tiêu dự báo KKL xâm nhập xuống nước ta trước24h

Chênh lệch DP

Loại

Trạm 492

(26.80N – 104.20E)

Hà Nội

Trạm 957

(25.60N – 110.20E)

Hà Nội

Trạm 046

(24.30N – 1090E)

Hà Nội

Độ tin cậy

I

12 mb

³ 8 mb

³ 7 mb

100%

II

³ 12 mb

15 mb

³ 7 mb

4 mb

³ 6 mb

3 mb

85%

III

³ 11 mb

10 mb

³ 7 mb

8 mb

³ 6 mb

7 mb

85%

Hiệu quả thời gian dự báo tính từ thời điểm xuất hiện đạt chỉ tiêu chênh lệch như trong bảng trên. Tuy nhiên cũng lưu ý khi sử dụng, cần xem xét thêm hình thế synop của các tầng trên cao 850mb, 700mb, 500 mb, đặc biệt là cường độ hệ thống áp cao cận nhiệt đới và vị trí rãnh tương ứng trên bản đồ 500 mb. Có trường hợp DP giữa trạm 492 với Hà Nội lên tới 12 mb, song font lạnh  không xuống Bắc Bộ.

+ Chỉ tiêu dự báo KKL trước 12h: Chênh lệch khí áp DP giữa trạm 902 (25.40N – 105.10E) và trạm Hà Nội trên 5 mb (tính từ thời điểm xuất hiện chỉ tiêu chênh lệch này), sau 12 giờ KKL ảnh hưởng đến Hà Nội, và Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 6, nếu chênh lệch này càng lớn, cường độ KKL càng mạnh; gió Bạch Long Vĩ có thể đạt cấp 7, cấp 8.

Tuy nhiên khi sử dụng chỉ tiêu dự báo này dự báo viên cần tính toán và dự báo khả năng tăng hay giảm chỉ tiêu và dự kiến thời gian có thể đạt chỉ tiêu và đòi hỏi kinh nghiệm của dự báo viên trong phân tích và dự báo.

Đối với các tỉnh Trung Bộ đặc biệt đối với Nam Trung Bộ khả năng thời gian và mức độ ảnh hưởng của KKL có khác hơn. Khi đã dự báo KKL ảnh hưởng đến nước ta cần căn cứ cường độ KKL, khả năng bổ sung duy trì KKL trên khu vực đông nam Trung Quốc và căn cứ các điều kiện synop ở các bản đồ tầng thấp và trên cao như giá trị biến áp, biến cao, điều kiện dòng dẫn và mối tương quan giữa các hệ thống thời tiết khác như áp cao cận nhiệt đới, áp thấp nóng phía tây với KKL ảnh hưởng đến quá trình xâm nhập sâu xuống phía nam  của KKL.

b) Dự báo sự xâm nhập KKL bằng phương pháp xây dựng mô hình synop đặc trưng.

Nếu gradient khí áp chưa xuất hiện đạt chỉ tiêu quy định loai I, II, III (Bảng 1), nhưng lại xuất hiện các hình thế synop sau thì KKL cũng có khả năng xâm nhập xuống nước ta và tuỳ thuộc loại hình thế synop đặc trưng nào mà khả năng xâm nhập KKL xuống phía nam mạnh hay yếu khác nhau:

Nếu chênh lệch khí áp giữa trạm 492 với Hà Nội chỉ nhỏ khoảng 5mb –10 mb và chưa đạt chỉ tiêu gradient khí áp (Bảng 1) nhưng vùng phía bắc của trạm này biến áp 24h dương, nếu xuất hiện các mô hình synop đặc trưng sau thì trong 24h KKL cũng có nhiều khả năng xâm nhập xuống nước ta:

+ Trường hợp thứ nhất: Vùng cao nguyên Tây Tạng trong phạm vi giới hạn 30-40 độ vĩ bắc, 90-105 độ kinh đông ở mực 850mb tồn tại một vùng áp cao đóng kín hoặc một lưỡi áp cao với trị số nhỏ nhất là 144dam; mực 700mb trong phạm vi 25 - 40 độ vĩ bắc, 95-115 độ kinh đông tồn tại một r•nh áp thấp có trục bắc nam hoặc đông bắc - tây nam.

+ Trường hợp thứ hai: Mực 500mb trong phạm vi 40 - 60 độ vĩ bắc, 80 -  115 độ kinh đông xuất hiện một sống cao có biến cao dương, trục của sống cao hướng bắc - nam hoặc đông bắc - tây nam.

+ Trường hợp thứ ba: Trên bảo đồ mặt đất nếu vùng Hoa Nam (Trung Quốc) trong phạm vi giới hạn từ 23 - 25 độ vĩ bắc tồn tại một front lạnh hay đường đứt vùng phía bắc trạm 492 có biến áp 24h lớn hơn hoặc bằng 5mb và còn có khả năng tăng thêm trong lúc đó ở phía đông lục địa Trung Quốc và nam Nhật Bản tồn tại vùng áp thấp với biến áp 24h có giá trị âm.

Cần lưu ý rằng trong trường hợp xuất hiện càng nhiều hình thế synop đặc trưng khì khả năng xâm nhập của KKL xuống phía nam càng chắc chắn.

2.2. Quy trình theo dõi mô hình

-  Trong phạm vi hô hình, từ đường biên giới phía bắc xuống dưới 5 vĩ độ có hay không sự xuất hiện của trung tâm áp cao, có các đường đẳng áp đóng kín hay lưỡi áp cao đang trải dà viề phía nam và ở rìa phía  nam của nó là các đường đẳng áp dày xít?

-  Xem xét sự di chuyển của trung tâm áp cao đóng kín hay lưỡi áp cao với các đường đẳng áp dày xít bao nhiêu lâu, hoặc khi nào thì ảnh hưởng đến biên giới phía bắc nước ta, và lúc này sẽ nảy sinh ra 3 trường hợp.

+ Trường hợp 1: Khi không khí lạnh di chuyển xuống phía nam, ở phía trước nó không xuất hiện dải thấp ( còn gọi là rãnh gió mùa) thì khối không khí lạnh đi đến đâu, gió của đường biên khối không khí lạnh bao giờ chuyển sang thành phần có hướng bắc.

+ Trường hợp 2: Khi không khí lạnh di chuyển xuống phía nam, ở phía trước khối không khí lạnh xuất hiện dải thấp (thường xảy ra vào đầu và cuối mùa lạnh, hay trong giai đoạn chuyển tiếp), một điều cần chú ý là phải phân biệt đâu là thành phần gió bắc của gió trong rãnh áp thấp, và đâu là thành phần gió bắc trong khối không khí lạnh.

+ Trường hợp 3: Trong trường hợp là không khí lạnh tăng cường, dấu hiệu để nhận biết được khi nào không khí lạnh tác động là tốc độ gió thành phần bắc trên vịnh Bắc Bộ lại mạnh lên (xem định nghĩa không khí lạnh tăng cường). Đôi khi dấu hiệu là rõ ràng hơn khi quan sát thấy sự di chuyển của các đường đẳng áp dày xít.

- Sau khi xác định được thời gian ảnh hưởng của không khí lạnh, việc tiếp theo cần làm là xác định cường độ và mức độ ảnh hưởng của không khí lạnh.

+ Căn cứ để xác định mức độ mạnh, trung bình hay yếu của khối không khí lạnh dựa vào hai yếu tố chính ( xem định nghĩa): Gió trên vịnh Bắc Bộ (Tốc độ gió ở trạm đảo Bạch Long Vĩ, có thể tham khảo tốc độ gió ở trạm đảo Cô Tô), và sự giảm nhhiệt độ (trung bình ngày, nhiệt độ điểm sương). Cả 2 giá trị này có thể tính tóan định lượng khi thao khảo sản phẩm số trị.

- Theo dõi ảnh mây vệ tinh.

Loại

Không khí lạnh trung bình và mạnh

Không khí lạnh yếu

VIS

Vùng mây đồng nhất, có  màu trắng sáng, rìa mây sắc nét.

Vùng mây không đồng nhất, vùng mây quang xen lẫn vùng có mây, rìa mây không sắc nét.

IR

Vùng mây có màu xám nhạt đến xám. Mây tầng thấp kết hợp với mây tầng trung, càng dịch chuyển về phía nam đường mây đối lưu càng rõ dần (biểu hiện sự phân biệt giữa hai khối không khí lớn)

Vùng mây xám nhạt không đồng đều, rìau mây không sắc nét.

WV

Quan sát thấy mây tầng trung và đặc biệt là đới mây đối lưu (Đường tố), ở rìa phía nam của KKL

Không rõ, hoặc không nhìn thấy trên ảnh WV

3. Thực hiện các phương án dự báo KKL và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm kèm theo.

3.1. Quy trình nghiệp vụ dự báo không khí lạnh với thời hạn 48h

- Xem xét ở khu vực từ 480N đến 530N – kinh độ 90 – 960E có trung tâm áp cao lạnh và kèm theo biến áp 24h dương (Khu vực Trung Quốc ) nếu có;

- Nếu các trạm 52418, 52436, 52537, 52652 ở rìa phía nam của áp cao ở B1, hoặc các trạm trên nằm trong một trung tâm áp cao lạnh trong phạm vi từ 38 – 420N, kinh độ 100 – 1050E, có trị số khí áp chênh lệch so với trạm Hà Nội từ 20mb trở lên, nếu có;

- Xem xét các mô hình dự báo nếu biến áp dương gió ở Vịnh Bắc Bộ có hướng chính là bắc - đông bắc, tham khảo chỉ tiêu của mô hình JMA ở bảng 4

Bảng 4. Tham khảo chỉ tiêu dự báo tốc độ gió tại trạm Bạch Long Vĩ cho dự báo 48 giờ

Nhóm

1. KKL Yếu

2. KKL Trung bình

3. KKL Mạnh

Tốc độ gió (m/s)

7.0 £ V £ 8.4

8.5 £ V £ 11.0

V ³ 11.1

- Báo tin theo quy định.

3.2. Quy trình nghiệp vụ dự báo không khí lạnh với thời hạn 24h

- Xem xét vùng Hoa Nam Trung Quốc (Khu vực Bồn địa Tứ Xuyên) có một bộ phận KKL đang di chuyển xuống phía nam có hay không? biến áp dương? Có chênh lệch khí áp với khu vực Hà Nội hay không ? Nếu có:

- Có hệ thống mây KKL ở biểu 1 không nếu có thực hiện bước 3, nếu không kết luận không có font hoặc đường đứt vẫn tiến hành bước 3

- Xem xét : Chênh lệch khí áp ở bảng 1 (và tham khảo các chỉ tiêu khác) Đạt chỉ tiêu ở bảng 1

Chênh lệch DP

Với Hà Nội

Trạm 492

Trạm 957

Trạm 046

I

12 mb

³ 8mb

³ 7mb

II

³ 12 mb

³ 15 mb

³ 7 mb

³ 4 mb

³ 6 mb

³ 3 mb

III

³ 11 mb

³ 10 mb

³ 7 mb

³ 8 mb

³ 6 mb

³ 7 mb

-  Xem xét các mô hình dự báo nếu biến áp dương, gió ở Vịnh Bắc Bộ có hướng chính là bắc - đông bắc, tham khảo chỉ tiêu của mô hình JMA ở bảng 2.

Bảng 2: Tham khảo chỉ tiêu dự báo tốc độ gió tại trạm Bạch Long Vĩ cho dự báo 24 giờ

Nhóm

1 – KKL Yếu

2 – KKL Trung bình

3 – KKL Mạnh

Tốc độ gió (m/s)

7.0 £V £ 8.7

8.8 £ V £ 11.8

V ³ 11.9

4. Thảo luận dự báo:

Sau khi thu thập, xử lý các loại thông tin, dữ liệu, các dự báo viên tự phân tích, đánh giá  độ tin cậy của các kết quả dự báo bằng các phương án khác nhau được sử dụng trong các bản tin dự báo gần nhất;

- Tổng hợp các kết quả dự báo ban đầu từ các phương án khác nhau và nhận định của các dự báo viên;

- Người chịu trách nhiệm ra bản tin lựa chọn kết quả dự báo cuối cùng có độ tin cậy cao nhất phù hợp với thời hạn dự báo.

5. Xây dựng bản tin dự báo KKL và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm kèm theo.

5.1. Tin gió mùa đông bắc (GMĐB): Được phát khi dự báo có GMĐB cường độ trung bình trở lên.

- Tin gió mùa đông bắc và rét (GMĐBVR): Được phát trong trường hợp như GMĐB nhưng nếu thấy đợt KKL có khả năng gây rét đậm - rét hại, hoặc chỉ cần có 1/3 số trạm ở vùng đồng bằng có khả năng xảy ra ré đậm thì phát tin gió mùa đông bắc và rét.

-) Tin không khí lạnh tăng cường (KKLTC): Được phát trong trường hợp có KKLTC có cường độ trung bình trở lên kèm theo mức giảm nhiệt độ thuộc loại cường độ trung bình trở lên.

-) Tin không khí lạnh tăng cường và rét (KKLTCVR): Được phát trong trường hợp như KKLTC nhưng đợt KKL có khả năng gây rét đậm, rét hại; hoặc chỉ cần có 1/3 số trạm ở vùng đồng bằng có khả năng xảy ra ré đậm thì phát tin không khí lạnh tăng cường và rét.

-) Tin cảnh báo khả năng xảy ra rét đậm, rét hại, mưa tuyết: Được phát khi trên bản đồ Âu á có xuất hiện vùng khí áp trung tâm lớn trên 1065mb có khả năng ảnh hưởng xuống nước ta, kết hợp là hoạt động của rãnh thấp trong đới gió Tây trên cao, hoặc dòng xiết trong đới gió Tây trên cao hay không.

-) Tin cảnh báo sương muối, băng giá do không khí lạnh: Được phát khi theo dõi các bản đồ tầng thấp (Âu Á, biển Đông), các bản đồ trên cao (AT850, AT700 AT500), theo dõi trên bản đồ Âu Á, xác định đường nhiệt độ 00C trên bản đồ 850mb có khả năng tiến gần tới biên giới nước ta và có xu hướng hạ thấp hơn xuống phía Nam

-)Đối với bản tin dự báo sóng do không khí lạnh bao gồm các thông số dự báo: Độ cao và hướng sóng, phương pháp dự báo: tùy thuộc và công nghệ hiện hành có thể dựa theo phương pháp thống kê, giải tích hoặc mô hình số trị. Ưu tiên sử dụng các mô hình số trị đã được đánh giá kiểm chứng.

+Phương án dự báo: Có thể dự báo tổ hợp hoặc tất định, tùy thuộc vào công nghệ dự báo hiện hành.

+Chạy mô hình dự báo: 2 lần trong ngày (08h:00, 14h:00).

+Chạy các chương trình hiển thị kết quả dự báo sóng dạng đồ thị, biểu đồ, hình ảnh

-Đối với bản tin dự báo nước dâng do gió mùa (KKL) bao gồm các các thông số dự báo:

+ Độ lớn và pha triều tại khu vực có nguy cơ triều cường

+ Độ lớn nước dâng do gió mùa (KKL)

+ Thời điểm xuất hiện nước dâng lớn nhất

+ Mực nước tổng cộng và thời điểm xuất hiện nước lớn nhất

+ Phân bố nước dâng lớn nhất.

+ Khả năng ngập lụt vùng ven bờ do nước dâng kết hợp với thủy triều

- Vùng biển dự báo: Khu vực ven bờ, đảo, nơi có nguy cơ nước dâng do gió mùa cao

- Phương pháp dự báo: Mô hình số trị đã được đánh giá kiểm chứng.

-Phương án dự báo: Có thể dự báo tổ hợp hoặc tất định, tùy thuộc vào công nghệ dự báo hiện hành.

-Chạy mô hình dự báo: 2 lần trong ngày (08h:00, 14h:00)

6. Cung cấp bản tin dự báo:

Sau khi phát bản tin dự báo KKL và được kiểm duyệt lần cuối, dự báo viên trực ca dự báo thực hiện ngay việc truyền thông tin dự báo theo thứ tự ưu tiên cho các cơ quan chỉ đạo của Trung ương và địa phương bằng các phương tiện thông tin đang được sử dụng.

Truyền thông tin dự báo KKL phục vụ cộng đồng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng: Đài Phát thanh tiếng nói Việt nam, Đài truyền hình Việt Nam, các báo ra hàng ngày ở Hà Nội và địa phương…bằng phương tiện thông tin nối mạng, fax, điện thoại, thư điện tử…..

7. Cập nhật, bổ sung bản tin dự báo:

a. Tần suất và thời gian phát tin dự báo KKL và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm kèm theo sẽ phát 4 lần/ngày.

b. Trong trường hợp phát hiện KKL có các hiện tượng nguy hiểm, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm này diễn biến bất thường, tăng lên hoặc giảm đi so với mức độ dự báo cần cập nhật, bổ sung bản tin dự báo, cảnh báo ngoài quy định tại khoản a mục này.

8. Đánh giá.

- Đánh giá việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung quy định của quy trình dự báo, cảnh báo KKL và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm kèm theo;

- Đánh giá tính đầy đủ, kịp thời của các bản tin dự báo, cảnh báo KKL và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm kèm theo;

- Bản tin dự báo KKL được đánh giá cho các thời hạn dự báo trước 12h, 24h, 36h, 48h và trên 48h.

- Một đợt KKL được coi là ảnh hưởng không được dự báo hoặc có dự báo nhưng thời hạn dự báo chỉ đạt dưới 6 giờ thì được đánh giá là không dự báo được đợt KKL này.

- Khi phát bản tin dự báo KKL nhưng KKL không ảnh hưởng thì đợt KKL này được đánh giá là dự báo khống.

-Một đợt KKL ảnh hưởng được đánh giá 3 phần: thời gian ảnh hưởng, cường độ KKL và hiện tượng thời tiết.

Điều 7. Tần suất và thời gian ban hành bản tin kkl

1. Tần suất và thời gian ban hành bản tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão của hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia được quy định tại Điều 12 Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai.

2. Tổ chức, cá nhân hoạt độngdự báo, cảnh báo không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quyết định tần suất và thời gian ban hành bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão theo quy định tại Thông tư này.

Chương VII

QUY TRÌNH DỰ BÁO, CẢNH BÁO  NẮNG NÓNG, HẠN HÁN, XÂM NHẬP MẶN

Điều 20. Các yếu tố và hiện tượng dự báo, cảnh báo đối với nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn

1. Dự báo nắng nóng

- Nhiệt độ (độ C);

- Độ ẩm tương đối (%);

2. Dự báo hạn hán

- Tổng lượng mưa trên khu vực dự báo, đơn vị mm;

- Tổng lượng nước trên khu vực dự báo, đơn vị m3 hoặc 106m3;

3. Dự báo xâm nhập mặn

- Độ mặn cao nhất (lớn nhất), đơn vị ‰ hoặc g/l;

- Thời gian xuất hiện độ mặn cao nhất;

- Phạm vi chịu ảnh hưởng độ mặn 4 trở lên.

Điều 21. Quy trình chi tiết dự báo, cảnh báo nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn

1. Quy trình chi tiết dự báo, cảnh báo nắng nóng

1.1. Thu thập, xử lý các loại thông tin, dữ liệu về nắng nóng:

-  Dữ liệu trên các bản đồ thời tiết;

-  Số liệu quan trắc về nhiệt độ, độ ẩm;

-  Dữ liệu vệ tinh (Phụ lục VI.1);

-  Dữ liệu về nắng nóng qua các sản phẩm mô hình dự báo số trị (Phụ lục VI.2);

1.2. Phân tích, đánh giá hiện trạng nắng nóng:

a) Xác định các hình thế thời tiết gây nắng nóng:

- Áp thấp nóng phía tây bị đẩy xuống phía nam bởi tác động của không khí lạnh.

- Áp thấp nóng phía Tây phát triển trên khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.

- Áp cao cận nhiệt đới.

- Gió Tây Nam tầng thấp kết hợp áp cao cận nhiệt đới trên cao.

b) Xác định cường độ nắng nóng qua yếu tố nhiệt độ cao nhất và độ ẩm thấp nhất trong ngày;

c) Xác định phạm vi nắng nóng;

d) Xác định diễn biến nắng nóng qua cường độ và phạm vi trong khoảng 24 đến 48 giờ trước.

1.3. Thực hiện các phương án dự báo, cảnh báo nắng nóng

a) Phương án dự báo, cảnh báo trên cơ sở hoàn lưu khí quyển:

Trên cơ sở các số liệu quan trắc thực tế thu thập được từ các trạm khí tượng bề mặt, các bản đồ thời tiết mô tả hoàn lưu khí quyển từ tầng thấp (Âu Á, Biển Đông) đến các bản đồ mực trên cao (850mb, 700mb, 500mb) đã phân tích trong quá khứ, hiện tại xác định hình thế thời tiết đang diễn ra. Nếu xuất hiện một hoặc kết hợp nhiều hình thế thời tiết gây nắng nóng tại khoản a, mục 2, dự báo viên xác định các thông số sau:

- Khu vực có khả năng xảy ra nắng nóng;

- Thời gian bắt đầu và kết thúc;

- Cường độ của đợt nắng nóng.

b) Phương án dự báo trên cơ sở phân tích ảnh mây vệ tinh:

- Xác định khu vực ít đến quang mây, độ ẩm tương đối trong không khí thấp có khả năng gây hiệu ứng phơn mạnh tầng thấp.

- Xác định khu vực xuất hiện nhiều mây tầng trung và cao, độ ẩm tương đối trong không khí cao.

- Đánh giá khả năng xuất hiện nắng nóng diện rộng trong các hạn dự báo.

c) Phương án dự báo bằng phương pháp mô hình số:

Phân tích khả năng xuất hiện các hình thế thời tiết gây nắng nóng  tại khoản a, mục 2 của điều này ở thời điểm hiện tại hoặc hình thành trong thời hạn dự báo. Kết hợp các kết quả dự báo định lượng về nhiệt độ cao nhất cho các địa điểm và khu vực tại các hạn dự báo.

d) Phương án dự báo bằng phương pháp tổ hợp;

e) Phương án dự báo bằng các phương pháp khác.

1.4. Thảo luận dự báo, cảnh báo nắng nóng

- Phân tích, đánh giá độ tin cậy của các kết quả dự báo bằng các phương án khác nhau được sử dụng trong các bản tin dự báo gần nhất;

- Tổng hợp các kết quả dự báo ban đầu từ các phương án khác nhau và nhận định của các dự báo viên;

- Người chịu trách nhiệm ra bản tin lựa chọn kết quả dự báo cuối cùng có độ tin cậy cao nhất phù hợp với thời hạn dự báo;

- Quy trình thảo luận dự báo, cảnh báo hạn hán ở Phụ lục VI.3.

1.5. Xây dựng bản tin dự báo, cảnh báo nắng nóng

a) Tiêu đề bản tin dự báo, cảnh báo nắng nóng

Bản tin dự báo, cảnh báo nắng nóng ghi rõ khu vực

b) Thông tin tóm tắt hiện trạng nắng nóng tại thời điểm gần nhất

- Diễn biến trong 24 giờ qua;

- Thời gian: theo giờ tròn, giờ Hà Nội;

- Phạm vi của nắng nóng: khu vực xảy ra nắng nóng;

- Cường độ nắng nóng: nhiệt độ cao nhất và độ ẩm tương đối thấp nhất của không khí phổ biến theo không gian và thời gian.

c) Dự báo khu vực ảnh hưởng, cường độ của nắng nóng, dự kiến thời gian kết thúc của nắng nóng.

d) Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng tại Điều 6, theo Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ (Phụ lục VI.4);

e) Thời gian ban hành bản tin tiếp theo;

f) Mẫu bản tin dự báo và cảnh báo nắng nóng trong Phụ lục VI.6.

1.6. Cung cấp bản tin dự báo, cảnh báo nắng nóng

Các bản tin dự báo, cảnh báo nắng nóng cần được cung cấp đầy đủ, kịp thời đến các cơ quan lãnh đạo nhà nước; các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức hoạt động liên quan đến phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, các cơ quan, tổ chức truyền tin về thiên tai được quy định tại phụ lục V, Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg “Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai”.

1.7. Cập nhật, bổ sung bản tin dự báo, cảnh báo nắng nóng

Trong trường hợp phát hiện nắng nóng có diễn biến bất thường cần cập nhật, bổ sung bản tin dự báo, cảnh báo nắng nóng ngoài quy định về tần suất và thời gian ban hành bản tin tại Điều 22 của Thông tư này.

1.8. Đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo nắng nóng

- Đánh giá việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung quy định của Quy trình dự báo, cảnh báo nắng nóng;

- Đánh giá tính đầy đủ, kịp thời của việc truyền các bản tin dự báo, cảnh báo nắng nóng theo quy định;

- Đánh giá chất lượng bản tin dự báo thông qua so sánh các yếu tố dự báo với quan trắc thực tế. Các yếu tố đánh giá gồm: Nhiệt độ cao nhất trong ngày, độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày.

Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia quy định chi tiết về phương pháp và các chỉ tiêu đánh giá đối với các bản tin dự báo, cảnh nắng nóng trong hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia.

2. Quy trình dự báo, cảnh báo hạn hán

2.1. Quy trình thu thập, xử lý các loại thông tin, dữ liệu về hạn hán

- Thu thập số liệu quan trắc các yếu tố khí tượng là mưa, bốc hơi, độ ẩm khu vực dự báo và lân cận;

- Thu thập số liệu quan trắc các yếu tố thủy văn là mực nước, lưu lượng khu vực dự báo và lân cận;

- Thu thập các loại số liệu mô phỏng, dự báo của các mô hình toàn cầu, khu vực (Phụ lục VI.2);

- Thu thập thông tin, dữ liệu vận hành hồ chứa và các công trình thủy lợi thuộc khu vực dự báo và lân cận;

- Đánh giá tính đầy đủ, chính xác của các loại dữ liệu đã thu thập và bổ sung, chỉnh lý, chuẩn hóa số liệu;

- Thống kê các đặc trưng khí tượng gồm tổng lượng mưa lưu vực trong thời  hạn 10 ngày, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng trước, hoặc 1 thời khoảng được yêu cầu;

- Thống kê các đặc trưng thủy văn gồm tổng lượng nước, lưu lượng trung bình dòng chảy trên lưu vực trong thời  hạn 10 ngày, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng trước hoặc 1 thời khoảng được yêu cầu;

- Cập nhật dữ liệu vào các công cụ dự báo như bảng, biểu thống kê, biểu đồ, mô hình dự báo.

2.2. Phân tích, đánh giá hiện trạng

a) Phân tích diễn biến khí tượng

- Thống kê diễn biến các hình thế thời tiết gây không mưa hoặc ít mưa kéo dài ảnh hưởng đến khu vực dự báo;

- Thống kê, đánh giá sự thiếu hụt tổng lượng mưa khu vực dự báo so với giá trị trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, hoặc một năm tương tự trong quá khứ;

b) Phân tích diễn biến thủy văn

- Thống kê  diễn biến mực nước, lưu lượng trên các sông, thuộc lưu vực, khu vực dự báo.

-  Nhận xét sự ảnh hưởng vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi đến dòng chảy trên các sông thuộc lưu vực, khu vực dự báo;

- Thống kê, đánh giá sự thiếu hụt, suy giảm tổng lượng nước trên lưu vực, khu vực dự báo trong 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng trước, hoặc 1 thời khoảng được yêu cầu;

2.3. Thực hiện các phương án dự báo, cảnh báo hạn hán

a) Dự báo tổng lượng mưa

- Sử dụng các phương án dự báo khí tượng thời hạn vừa, hạn dài tại khoản …, điều …, Thông tư Quy định kỹ thuật quy trình dự báo khí tượng thủy văn trong điều kiện bình thường để xác định tổng lượng mưa trong thời đoạn tuần (10 ngày); tháng;

- Sử dụng các phương án dự báo khí tượng mùa tại khoản …, điều …, Thông tư Quy định kỹ thuật quy trình dự báo khí tượng thủy văn trong điều kiện bình thường để nhận định xu thế mưa, ước tính tổng lượng mưa trong thời hạn 3 tháng, 6 tháng;

- Xác định khả năng thiếu hụt tổng lượng nước của lưu vực, khu vực cần dự báo trong thời hạn dự báo, cảnh báo; so sánh tổng lượng nước dự báo với TBNN cùng kỳ hoặc một năm tương tự.

b) Dự báo tổng lượng nước

- Sử dụng các phương án dự báo thủy văn thời hạn vừa, hạn dài tại khoản …, điều …, Thông từ Quy định kỹ thuật quy trình dự báo khí tượng thủy văn trong điều kiện bình thường để xác định tổng lượng nước trong thời hạn tuần (10 ngày), tháng;

- Sử dụng các phương án dự báo khí tượng mùa (khoản …, điều …, Thông từ Quy định kỹ thuật quy trình dự báo khí tượng thủy văn trong điều kiện bình thường) ước tính tổng lượng mưa trong thời hạn 3 tháng, 6 tháng;

- Xác định khả năng thiếu hụt tổng lượng nước trong thời hạn dự báo, cảnh báo;

- So sánh với tổng lượng nước trung bình nhiều năm cùng thời kỳ;

2.4. Thảo luận dự báo, cảnh báo hạn hán

- Phân tích, đánh giá độ tin cậy của các kết quả dự báo bằng các phương án khác nhau được sử dụng trong các bản tin dự báo, cảnh báo hạn hán gần nhất;

- Tổng hợp các kết quả dự báo, cảnh báo từ các phương án khác nhau và nhận định của các dự báo viên;

- Người chịu trách nhiệm ra bản tin lựa chọn kết quả dự báo cuối cùng có độ tin cậy cao nhất phù hợp với các loại bản tin, thời hạn dự báo, cảnh báo.

2.5. Xây dựng bản tin dự báo, cảnh báo hạn hán

a) Soạn thảo bản tin

Nội dung bản tin dự báo, cảnh báo hạn hán:

- Tiêu đề bản tin cảnh báo hạn hán kèm theo thời gian dự kiến, lưu vực sông hay khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng của hạn hán.

-  Diễn biến tổng lượng mưa, tổng lượng nước trên lưu vực, khu vực dự báo (dạng bảng biểu, đồ thị hoặc bản đồ) trong thời hạn 10 ngày, tháng, 3 tháng, 6 tháng qua hoặc trong thời khoảng đã qua.

- Tỷ lệ % thiếu hụt tổng lượng mưa, tổng lượng nước trong thời hạn 10 ngày, tháng, 3 tháng, 6 tháng qua, hoặc trong thời khoảng đã qua so với giá trị trung bình nhiều năm cùng thời kỳ;

- Dự báo, nhận định diễn biến mưa, dòng chảy trên lưu vực, khu vực theo thời hạn 10 ngày, tháng, 3 tháng, 6 tháng, hoặc trong thời khoảng tiếp theo;

- Các trị số dự báo được biên tập dưới dạng bảng, biểu đồ, bản đồ;

- So sánh tỷ lệ % tổng lượng mưa, tổng lượng nước dự báo với với giá trị trung bình nhiều năm cùng thời kỳ;

- Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán tại Điều 7, theo Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ (Phụ lục VI.4);

- Thời gian thực hiện bản tin, tên người thực hiện dự báo, tên người duyệt bản tin;

- Thời gian ban hành bản tin tiếp theo

- Mẫu bản tin dự báo và cảnh báo hạn hán trong Phụ lục VI.7 và VI.8.

b) Soát, duyệt bản tin

- Soát bản tin là đối chiếu kiểm tra lại nội dung, trị số thực đo và phát báo;

- Duyệt bản tin là kiểm tra, sửa đổi nội dung bản tin cũng như trị số dự báo khi thấy cần thiết. Chịu trách nhiệm cuối cùng về bản tin.

2.6. Cung cấp bản tin dự báo, cảnh báo hạn hán

Các bản tin dự báo, cảnh báo hạn hán cần được cung cấp đầy đủ, kịp thời đến các cơ quan lãnh đạo nhà nước; các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức hoạt động liên quan đến phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, các cơ quan, tổ chức truyền tin về thiên tai được quy định tại phụ lục V, Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg “Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai”.

2.7. Cập nhật, bổ sung bản tin dự báo, cảnh báo hạn hán

Trong trường hợp phát hiện hạn hán có diễn biến bất thường cần cập nhật, bổ sung bản tin dự báo, cảnh báo nắng nóng ngoài quy định về tần suất và thời gian ban hành bản tin tại Điều 22 của Thông tư này.

2.8. Đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo hạn hán

- Đánh giá việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung quy định của Quy trình dự báo, cảnh báo hạn hán;

- Đánh giá tính đầy đủ, kịp thời của việc truyền các bản tin dự báo, cảnh báo hạn hán theo quy định;

- Đánh giá chất lượng bản tin dự báo thông qua so sánh các yếu tố dự báo với quan trắc thực tế. Các yếu tố đánh giá gồm: Tổng lượng mưa; Tổng lượng nước.

Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia quy định chi tiết về phương pháp và các chỉ tiêu đánh giá đối với các bản tin dự báo, cảnh hạn hán trong hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia.

3. Quy trình dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn

3.1. Thu thập, xử lý các loại thông tin, dữ liệu về xâm nhập mặn

- Thu thập số liệu quan trắc các yếu tố mưa, nhiệt độ khu vực dự báo và lân cận trong thời khoảng đã qua;

- Diễn biến mực nước, lưu lượng các trạm thượng lưu trên lưu vực, khu vực dự báo trong thời khoảng đã qua;

- Diễn biến của thủy triều trong lưu vực khu vực dự báo trong thời khoảng đã qua. Thu thập số liệu quan trắc của các trạm hải văn có ảnh hưởng đến khu vực dự báo, cảnh báo;

- Thu thập thông tin, dữ liệu vận hành hồ chứa và các công trình thủy lợi thuộc khu vực dự báo và lân cận;

- Thu thập số liệu đo mặn  tại các trạm đo mặn trên lưu vực, khu vực dự báo và lân cận;

- Đánh giá tính đầy đủ, chính xác của các loại dữ liệu đã thu thập và bổ sung, chỉnh lý, chuẩn hóa số liệu;

- Thông tin, kế hoạch dự kiến nhu cầu sử dụng nước lớn trên khu vực dự báo như nhu cầu sử dụng nước trong nông nghiệp, thủy sản và các hoạt động kinh tế - xã hội khác;

- Cập nhật dữ liệu vào các công cụ dự báo như bảng, biểu thống kê, biểu đồ, mô hình dự báo mặn.

3.2. Phân tích, đánh giá hiện trạng

a) Phân tích diễn biến khí tượng

- Sự thay đổi của lượng mưa và diện mưa theo không gian và thời gian;

- Thông tin dự báo mưa trên lưu vực trong thời hạn dự báo, cảnh báo;

b) Phân tích diễn biến thủy văn

- Phân tích diễn biến mực nước, lưu lượng trên lưu vực, khu vực dự báo;

- Phân tích tác động của yếu tố vận hành hồ chứa, công trình thủy điện, công trình thủy lợi trên lưu vực đến dòng chảy trên lưu vực, khu vực dự báo;

- Phân tích xu thế, diễn biến xâm nhập mặn, độ mặn lớn nhất trên lưu vực, khu vực dự báo trong thời khoảng đã qua;

- Phân tích ảnh hưởng chế độ thủy triều tới phạm vi ảnh hưởng xâm nhập mặn;

- Tổng hợp thông tin cảnh báo các hiện tượng nguy hiểm như triều cường, nước biển dâng ảnh hưởng đến diễn biến xâm nhập mặn khu vực dự báo.

3.3. Thực hiện các phương án dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn

a) Phương pháp truyền thống

Sử dụng các phương pháp truyền thống để nhận định tình hình xâm nhập mặn gồm:

- Phân tích xu thế, giá trị thủy triều trong thời khoảng dự báo;

- Tổng hợp thống kê dạng bảng, đồ thị, biểu đồ tương quan;

b) Phương pháp mô hình toán

- Sử dụng mô hình dự báo thủy triều tính toán diễn biến thủy triều trong thời gian tới;

- Sử dụng tổ hợp mô hình toán  dự báo mặn tới các điểm, trạm cần dự báo, cảnh báo.

3.4. Thảo luận dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn

- Đánh giá độ tin cậy của các kết quả dự báo bằng các phương án khác nhau;

- Đánh giá mức độ đảm bảo kiểm định độ tin cậy của mô hình dự báo;

- Đánh giá mức độ ổn định kết quả dự báo từ mô hình ;

- Tổng hợp các kết quả dự báo, cảnh báo từ các phương án khác nhau và nhận định của các dự báo viên;

- Người chịu trách nhiệm ra bản tin lựa chọn kết quả dự báo cuối cùng có độ tin cậy cao nhất phù hợp với các loại bản tin, thời hạn dự báo, cảnh báo.

3.5. Xây dựng bản tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn

a) Soạn thảo bản tin

Nội dung bản tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn:

- Tiêu đề bản tin cảnh báo xâm nhập mặn kèm theo thời gian dự kiến, tên lưu vực sông hay khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

- Xu thế xâm nhập mặn, dự báo độ mặn cao nhất , thời gian xuất hiện;

- Phạm vi thời gian chịu ảnh hưởng độ mặn 4 trở lên; khoảng cách chịu ảnh hưởng tính từ cửa sông chính, các xã, huyện trong phạm vị chịu ảnh hưởng (dạng bảng, biểu, biểu đồ, bản đồ, đồ thị);

- Thời gian chịu ảnh hưởng độ mặn 4 trở lên;

- Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán tại Điều 8, theo Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ (Phụ lục VI.4);

- Thời gian thực hiện bản tin, tên người thực hiện dự báo, tên người duyệt bản tin;

- Thời gian ban hành bản tin tiếp theo;

- Mẫu bản tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn ở Phụ lục VI.9 và VI.10.

b) Soát, duyệt bản tin

- Soát bản tin là đối chiếu kiểm tra lại nội dung, trị số thực đo và phát báo;

- Duyệt bản tin là kiểm tra, sửa đổi nội dung bản tin cũng như trị số dự báo khi thấy cần thiết. Chịu trách nhiệm cuối cùng về bản tin.

3.6. Cung cấp bản tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn

Các bản tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn cần được cung cấp đầy đủ, kịp thời đến các cơ quan lãnh đạo nhà nước; các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức hoạt động liên quan đến phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, các cơ quan, tổ chức truyền tin về thiên tai được quy định tại phụ lục V, Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg “Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai”.

3.7. Cập nhật, bổ sung bản tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn

Trong trường hợp phát hiện tình trạng xâm nhập mặn có diễn biến bất thường cần cập nhật, bổ sung bản tin dự báo, cảnh báo nắng nóng ngoài quy định về tần suất và thời gian ban hành bản tin tại Điều 22 của Thông tư này.

3.8. Đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn

- Đánh giá việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung quy định của Quy trình dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn;

- Đánh giá tính đầy đủ, kịp thời của việc truyền các bản tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn theo quy định;

- Đánh giá chất lượng bản tin dự báo thông qua so sánh các yếu tố dự báo với quan trắc thực tế. Các yếu tố đánh giá gồm: Độ mặn cao nhất; Thời gian xuất hiện độ mặn cao nhất; Phạm vi chịu ảnh hưởng độ mặn 4 trở lên.

Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia quy định chi tiết về phương pháp và các chỉ tiêu đánh giá đối với các bản tin dự báo, cảnh xâm nhập mặn trong hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia.

Điều 22. Tần suất và thời gian ban hành bản tin nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn

1. Tần suất và thời gian ban hành bản tin dự báo, cảnh báo nắng nóng của hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tối thiểu một ngày một lần trong khoảng thời gian từ 14 giờ đến 15 giờ hàng ngày.

2. Tần suất và thời gian ban hành bản tin dự báo, cảnh báo hạn hán của hệ thống dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cụ thể như sau:

a) Dự báo hạn hán thời hạn 10 ngày

Quy trình dự báo hạn hán thực hiện định kỳ 10 ngày/ lần, thực hiện trong thời gian các lưu vực có nguy cơ xảy ra hiện tượng thiếu nước do thiếu hụt mưa, nguồn nước.

b) Cảnh báo hạn hán thời hạn tháng, mùa

Quy trình cảnh báo hạn hán thực hiện định kỳ 1 tháng/ lần, thực hiện tuần đầu tiên hàng tháng;

Quy trình cảnh báo hạn hán thực hiện định kỳ 3 tháng/ lần, thực hiện tuần đầu tiên của từng quý.

Quy trình cảnh báo hạn hán thực hiện định kỳ 6 tháng/ lần:

- Thực hiện trong tháng 4, cảnh báo hạn hán thời đoạn từ tháng 5 đến tháng 10;

- Thực hiện trong tháng 9, cảnh báo hạn hán thời đoạn từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

3. Tần suất và thời gian ban hành bản tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn của hệ thống dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cụ thể như sau:

- Bản tin dự báo xâm nhập mặn thực hiện theo thời hạn 10 ngày/ lần hoặc theo quy định của cấp trên;

- Cảnh báo xâm nhập mặn thời hạn tháng, mùa: thực hiện cảnh báo xâm nhập mặn trong các bản tin hạn dài (thời hạn tháng, mùa hoặc theo yêu cầu);

4. Tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quyết định tần suất và thời gian ban hành bản tin dự báo, cảnh báo nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn theo quy định tại Thông tư này.

Chương VIII

QUY TRÌNH DỰ BÁO, CẢNH BÁO  DÔNG, SÉT, TỐ, LỐC, MƯA ĐÁ, MƯA LỚN CỤC BỘ

Điều23 . Các hiện tượng cảnh báo dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ

1. Dông;

2. Sét;

3. Tố;

4. Lốc;

5. Mưa đá;

6. Mưa lớn cục bộ.

Điều 24. Quy trình chi tiết cảnh báo dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ

1. Thu thập, xử lý các loại thông tin và dữ liệu về dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ

- Số liệu vệ tinh khí tượng các kênh ảnh hồng ngoại, cận hồng ngoại, ảnh thị phổ và các sản phẩm tính toán thứ cấp: phân tích mây đối lưu, ước lượng mưa, phân loại mây, phân tích khối khí, tổ hợp mầu tự nhiên, vi vật lý mây;

- Số liệu ra đa thời tiết và các sản phẩm tổ hợp ảnh ra đa, ước lượng mưa trong phạm vi khu vực cảnh báo và lân cận;

- Số liệu định vị sét trong khu vực cảnh báo (nếu có);

- Số liệu quan trắc bề mặt (bao gồm cả quan trắc tự động), thám không vô tuyến trong khu vực cảnh báo và lân cận;

- Các sản phẩm dự báo số trị của mô hình khu vực phân giải cao, dự báo điểm;

- Các bản tin dự báo thời tiết hạn ngắn, bản tin cảnh báo dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ (nếu có);

- Đánh giá tính đầy đủ, chính xác của các loại dữ liệu đã thu thập và bổ sung, chỉnh lý, chuẩn hóa số liệu.

2. Phân tích, đánh giá hiện trạng dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ

- Phân tích chuỗi các ảnh vệ tinh theo thứ tự ưu tiên (kênh thị phổ, hồng ngoại, cận hồng ngoại, hơi nước) và các sản phẩm thứ cấp (phân tích mây đối lưu, ước lượng mưa, phân loại mây, phân tích khối khí, tổ hợp mầu tự nhiên, vi vật lý mây) trong 06 giờ trước cho tới hiện tại để xác định các vùng mây đối lưu có khả năng gây dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ cho khu vực cảnh báo;

- Phân tích chuỗi số liệu ra đa thời tiết (độ phản hồi vô tuyến, hướng, tốc độ di chuyển, gió, ước lượng mưa) trong 06 giờ trước cho đến hiện tại với ưu tiên sử dụng số liệu của các ra đa gần khu vực cảnh báo để xác định lại các vùng mây đối lưu có khả năng gây dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ cho khu vực cảnh báo;

- Phân tích số liệu, bản đồ định vị sét về cường độ và mật độ (nếu có);

- Quan trắc trực tiếp bằng mắt về các loại mây trên bầu trời và nhận định về sự phát triển của các đám mây đối lưu (trong trường hợp cho phép).

Trường hợp xác định được vùng mây đối lưu ở lân cận khu vực cảnh báo hoặc bắt đầu có dấu hiệu hình thành mây ngay tại khu vực cảnh báo thì tiến hành thực hiện các nội dung trong khoản 3.

3. Thực hiện cảnh báo dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ

a) Trường hợp dông, sét hình thành ngay tại khu vực cảnh báo

Khi phân tích dữ liệu vệ tinh, ra đa, định vị sét cho thấy mây đối lưu bắt đầu hình thành tại khu vực cảnh báo, nhiệt độ đỉnh mây trên ảnh hồng ngoại, cận hồng ngoại có dấu hiệu liên tục giảm mạnh; suất phản xạ albedo trên ảnh thị phổ có dấu hiệu tăng nhanh; độ phản hồi vô tuyến cao và tăng nhanh; xuất hiện sét đánh trên bản đồ định vị sét thì kết luận về khả năng, mức độ xuất hiện dông, sét và chuyển sang thực hiện ra bản tin trong khoản 4, truyền tin trong khoản 5.

b) Trường hợp dông, sét ở khu vực bên ngoài di chuyển vào khu vực cảnh báo

Khi phân tích dữ liệu vệ tinh, ra đa, định vị sét cho thấy mây đối lưu ở khu vực bên ngoài có xu hướng di chuyển vào khu vực cảnh báo thì:

- Khoanh vùng các đám mây đối lưu trên;

- Xác định mức độ phát triển mây đối lưu trên cơ sở phân tích diễn biến nhiệt độ đỉnh mây, suất phản xạ albedo (đối với ảnh vệ tinh), độ phản hồi vô tuyến (đối với ảnh ra đa), cường độ sét, mật độ sét đánh (đối với số liệu định vị sét);

- Xác định hướng và tốc độ di chuyển của các đám mây đối lưu.

Kết luận về khả năng, mức độ xảy ra dông, sét trên các khu vực cảnh báo.

c) Xác định các hiện tượng thời tiết nguy hiểm: tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ

- Trên cơ sở đánh giá về tốc độ phát triển của các đám mây đối lưu và dấu hiệu nhận biết chúng trên ảnh ra đa thời tiết và ảnh mây vệ tinh (tham khảo mục 1 và mục 3 của Phụ lục VII) để nhận định về khả năng có thể xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm: tố, lốc và mưa đá;

- Trên cơ sở số liệu ước lượng lượng mưa từ thông tin ra đa, vệ tinh (tham khảo mục 2 và mục 4 của Phụ lục VII) và số liệu mưa tự động để xác định khả năng xuất hiện mưa lớn cục bộ (phạm vi, cường độ mưa)

4. Xây dựng bản tin cảnh báo

a) Xác định cấp độ rủi ro thiên tai: Căn cứ điều 4, điều 5 và các phụ lục kèm theo trong Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai và hướng dẫn chi tiết thực hiện của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia.

b) Xây dựng bản tin cảnh báo dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ với các nội dung chính: Thông tin hiện trạng, phân tích diễn biến hiện tượng, thời gian bắt đầu hiện tượng, khu vực và mức độ ảnh hưởng. Mẫu bản tin cảnh báo trong mục 5 của Phụ lục VII.

5. Truyền tin

Bản tin cảnh báo được gửi tới các địa chỉ theo Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai.

6. Cập nhật bổ xung

Trong trường hợp phát hiện các hiện tượng dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ có diễn biến bất thường cần cập nhật, bổ sung bản tin cảnh báo. Việc cập nhật, bổ sung bản tin được thực hiện theo quy định tại các khoản từ 1 đến 5 của Điều này.

7. Đánh giá bản tin cảnh báo

- Đánh giá việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung quy định của quy trình cảnh báo dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ;

- Đánh giá tính đầy đủ, kịp thời của việc truyền các bản tin cảnh báo dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ;

- Đánh giá chất lượng bản tin cảnh báo thông qua so sánh các hiện tượng dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ với quan trắc thực tế, các thông tin từ địa phương và từ phương tiện thông tin đại chúng;

- Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia qui định chi tiết về phương pháp và các chỉ tiêu đánh giá đối với bản tin cảnh báo dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ.

Điều 25. Tần suất và thời gian ban hành bản tin cảnh báo dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ

1. Tần suất và thời gian ban hành bản tin cảnh báo dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ trong hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia được thực hiện khi nhận định có khả năng xảy ra các hiện tượng dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ trên khu vực cảnh báo.

2. Tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quyết định tần suất và thời gian ban hành bản tin cảnh báo dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ theo quy định tại Thông tư này.

Chương IX

QUY TRÌNH DỰ BÁO, CẢNH BÁO SƯƠNG MÙA TRÊN BIỂN, SÓNG LỚN, NƯỚC DÂNG VÀ TRIỀU CƯỜNG TRONG BÃO, ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI VÀ GIÓ MÙA

Điều 26. Các yếu tố và hiện tượng dự báo, cảnh báo đối với sương mù trên biển, sóng lớn, nước dâng, triều cường

1. Sóng lớn (độ cao và hướng).

2. Nước dâng (độ cao và thời điểm xuất hiện mực nước dâng lớn nhất).

3. Triều cường (độ cao và thời điểm xuất hiện mực nước tổng lớn).

4. Khu vực sóng lớn.

5. Phân bố độ cao nước dâng lớn nhất.

6. Khu vực xuất hiện triều cường.

7. Nguy cơ ngập lụt ven bờ do nước dâng kết hợp với thủy triều.

8. Khu vực xuất hiện sương mù làm tầm nhìn xa bị giảm thấp.

Điều 27. Quy trình chi tiết dự báo, cảnh báo sương mù trên biển, sóng lớn, nước dâng, triều cường

1. Thu thập, xử lý các loại thông tin, dữ liệu áp thấp nhiệt đới, bão, gió mùa, sương mù trên biển, thủy triều, sóng và nước dâng.

- Theo dõi thông tin dự báo thời tiết biển (gió mùa, bão, áp thấp nhiệt đới, vùng thấp, hình thế khí tượng có khả năng gây nước dâng dị thường, dông, lốc, vòi dồng, sương mù).

- Thu thập dữ liệu trường gió, khí áp dự báo từ mô hình dự báo số trị.

- Thu thập các tham số dự báo về bão, áp thấp nhiệt đới (trường hợp có bão, áp thấp nhiệt đới).

- Thu thập số liệu trắc sương mù, nhiệt độ, nhiệt độ điểm sương, gió, khí áp, sóng, mực nước tại các trạm khí tượng hải văn trong khu vực dự báo.

- Thu thập số liệu trắc sóng tại trạm phao, ra đa biển trong khu vực dự báo (nếu có).

- Thu thập số liệu quan trắc sóng tại các tầu hằng hải đang hoạt động trong khu vực dự báo (nếu có).

- Thu thập số liệu dự báo sóng được phát tin từ các Trung tâm dự báo khác trong và ngoài nước (ví dụ: JMA, NOAA).

- Thu thập số liệu dự báo nước dâng được phát tin từ các Trung tâm dự báo khác trong và ngoài nước (ví dụ: JMA).

- Đánh giá tính đầy đủ, chính xác của các loại dữ liệu đã thu thập và bổ sung, chỉnh lý, chuẩn hóa số liệu.

2. Phân tích, đánh giá hiện trạng sương mù trên biển, triều cường, sóng lớn và nước dâng:

- Phân tích xác định khu vực sóng lớn.

- Phân tích xác định khu vực có thủy triều lên cao, độ lớn và thời gian xuất hiện nước lớn, nước dòng.

- Phân tích đánh giá hiện trang và xu thế của các hình thế khí tượng trên biển: Cường độ, hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới, vùng thấp và cường độ của gió mùa, hình thế trường khí áp có thể gây nước dâng dị thường.

- Trên cơ sở các bản đồ phân tích khách quan và bản đồ dự báo thu được từ các sản phẩm mô hình dự báo thời tiết số đang sử dụng trong ngiệp vụ dự báo để theo dõi và phát hiện khu vực thời tiết nguy hiểm ở thời điểm hiện tại hoặc có thể hình thành sau 12, 24, 36, 48 hoặc 72 giờ.

-Theo dõi các loại giản đồ thiên khí, đánh giá sự chênh lệch giữa nhiệt độ và nhiệt độ điểm sương từ đó đưa ra khả năng hình thành và phát triển của hiện tượng sương mù.

- Thường xuyên xem xét các sản phẩm được chiết xuất từ các kênh phổ ảnh mây vệ tinh về cấu trúc tổ chức mây, phạm vi vùng mây, loại mây và sự phát triển của nó theo thời gian….Thông qua các phần mềm phân tích ảnh mây vệ tinh, kết hợp với việc theo dõi thông qua các hệ thống bản đồ sy nốp từ đó xác định đây là dạng mây thuộc hệ thống thời tiết nào, có khả năng gây ra sương mù trên biển không.

3. Thực hiện các phương án dự báo sương mù trên biển, triều cường, sóng lớn và nước dâng

3.1. Dự báo sóng

Tùy thuộc vào công nghệ và năng lực tính toán, có thể thực hiện, tham khảo một hoặc đồng thời các phương án dự báo sau:

- Dự báo độ cao sóng theo phương pháp toán đồ.

- Dự báo độ cao và hướng sóng bằng mô hình số trị với trường gió, khí áp từ mô hình số trị dự báo khí tượng.

- Dự báo độ cao và hướng sóng bằng mô hình số trị với trường gió, khí áp từ mô hình bão giải tích (tính theo quỹ đạo và các tham số dự báo bão, áp thấp nhiệt đới).

- Dự báo tổ hợp độ cao và hướng sóng theo đa mô hình dự báo trường khí tượng, đa mô hình dự báo sóng.

- Dự báo tổ hợp độ cao và hướng sóng theo số liệu trường gió, khí áp tính từ mô hình bão giải tích, có xét đến sai số dự báo quỹ đạo và cường độ bão (áp dụng đối với bão, áp thấp nhiệt đới).

3.1.1. Tính toán dự báo

a). Đối với dự báo theo phương pháp giải tích:

-  Đối với dự báo sóng trong bão và áp thấp nhiệt đới:

+ Thu thập trị số về vị trí tâm bão/áp thấp nhiệt đới.

+ Thu thập trị số khí áp tại tâm bão/áp thấp nhiệt đới.

+ Thu thập trị số về bán kính gió mạnh nhất của bão/áp thấp nhiệt đới.

+ Thu thập trị số về tốc độ di chuyển của bão/áp thấp nhiệt đới..

+ Tính toán độ cao sóng theo mối liên hệ với trị số khí áp tại tâm, bán kính gió mạnh nhất và tốc độ di chuyển của tâm bão.

- Đối với dự báo sóng trong gió mùa

+ Xác định vận tốc gió trung bình.

+ Xác định đà gió.

+ Xác định khoảng thời gian thổi của gió.

+ Tính toán độ cao sóng theo mối liên hệ với trị số vận tốc và đà gió.

b)  Đối với dự báo theo phương pháp sử dụng mô hình số trị:

- Đối với dự báo sử dụng trường gió, khí áp từ mô hình số trị dự báo khí tượng:

+ Thu thập trường gió, áp từ mô hình dự báo số trị.

+ Tính độ cao và hướng sóng bằng mô hình số trị theo các phương án.

+ Tổ hợp kết quả dự báo sóng (trường hợp chạy dự báo tổ hợp đa trường khí tượng hoặc đa mô hình dự báo sóng).

- Đối với dự báo sử dụng trường gió, khí áp từ mô hình bão giải tích:

+ Thu thập các tham số bão dự báo (vị trí tâm bão, áp thấp tâm bão, bán kính gió mạnh nhất) theo các bước thời gian (3 hoặc 6 giờ).

+ Ước lượng vị trí tâm bão/áp thấp nhiệt đới theo sai số dự báo (5 vị trí).

+ Tính toán trường gió, khí áp bằng mô hình bão giải tích đối với từng kịch bản của sai số dự báo vị trí tâm bão.

+ Tính độ cao và hướng sóng bằng mô hình số trị theo các phương án của sai số vị trí bão.

+ Tổ hợp kết quả dự báo sóng (trường hợp chạy dự báo tổ hợp theo sai số dự báo của tâm bão).

3.1.2. Hiệu chỉnh dự báo

Hiệu chỉnh các tham số trong mô hình số trị dự báo sóng (áp dụng đối với sử dụng mô hình dự báo số trị).

3.1.3. Xác định trị số dự báo, cảnh báo

- Xác định độ cao sóng và hướng sóng (bao gồm độ cao sóng lớn nhất, hướng sóng thịnh hành) tại các khu vực, điểm.

- Xác định các khu vực sóng lớn.

3.1.4. Hiển thị kết quả dự báo:

- Kết quả dự báo dạng bảng số liệu cho các khu vực/điểm (độ cao sóng lớn nhất và hướng sóng thịnh hành tại các khu vực theo các thời hạn dự báo.

- Kết quả dự báo dạng quá trình/biểu đồ (biến thiên độ cao sóng theo các bước thời gian tại khu vực/điểm).

- Kết quả dự báo dạng hình ảnh (bản đồ trường sóng theo các bước thời gian, thí dụ, 3 hoặc 6 giờ).

3.2. Dự báo nước dâng

Tùy thuộc vào công nghệ và năng lực tính toán, có thể thực hiện, tham khảo một hoặc đồng thời các phương án dự báo sau:

- Dự báo độ cao nước dâng bão theo công thức giải tích, bán kinh nghiệm.

- Dự báo độ cao nước dâng bằng mô hình số trị với trường gió, khí áp từ mô hình số trị dự báo khí tượng (ROMS, Delft3D, SuWAT).

- Dự báo độ cao nước dâng bằng mô hình số trị với trường gió, khí áp từ mô hình bão giải tích (tính theo quỹ đạo và các tham số dự báo bão, áp thấp nhiệt đới).

- Dự báo tổ hợp độ cao nước dâng theo đa mô hình dự báo trường khí tượng, đa mô hình dự báo nước dâng.

- Dự báo tổ hợp độ cao nước dâng theo số liệu trường gió, khí áp tính từ mô hình bão giải tích, có xét đến sai số dự báo quỹ đạo bão (áp dụng đối với bão, áp thấp nhiệt đới).

3.2.1. Tính toán dự báo

a) Đối với dự báo theo công thức giải tích, bán kinh nghiệm:

+ Thu thập trị số về khí áp tại tâm bão/áp thấp nhiệt đới..

+ Thu thập trị số về hướng di chuyển của bão/áp thấp nhiệt đới..

+ Thu thập trị số về đà gió.

+ Thu thập trị số về vận tốc gió lớn nhất.

+ Thu thập trị số của độ sâu khu vực cần dự báo.

+ Tính toán độ cao nước dâng theo mối liên hệ với vận tốc gió lớn nhất, khí áp tại tâm và hướng di chuyển của bão/áp thấp nhiệt đới và độ sâu trạm.

b) Đối với dự báo bằng mô hình số trị:

- Đối với dự báo sử dụng trường gió, khí áp từ mô hình số trị dự báo khí tượng:

+ Thu thập trường gió, áp từ mô hình dự báo số trị trường khí tượng.

+ Tính độ cao nước dâng bằng mô hình số trị theo các phương án.

+ Tổ hợp kết quả dự báo sóng (trường hợp chạy dự báo tổ hợp đa trường khí tượng hoặc đa mô hình dự báo nước dâng bão).

c) Đối với dự báo sử dụng trường gió, khí áp từ mô hình bão giải tích:

- Thu thập các tham số bão dự báo (vị trí tâm bão, áp thấp tâm bão, bán kính gió mạnh nhất) theo các bước thời gian (3 hoặc 6 giờ).

- Ước lượng vị trí tâm bão/áp thấp nhiệt đới theo sai số dự báo (5 vị trí).

- Tính toán trường gió, khí áp bằng mô hình bão giải tích đối với từng kịch bản của sai số dự báo vị trí tâm bão.

- Tính độ cao nước dâng bằng mô hình số trị theo các phương án của sai số vị trí bão.

- Tổ hợp kết quả dự báo nước dâng (trường hợp chạy dự báo tổ hợp theo sai số dự báo của tâm bão).

3.2.2.  Hiệu chỉnh dự báo

- Hiệu chỉnh các hệ số trong công thức giải tích, bán kinh nghiệm tính độ cao nước dâng theo mối liên hệ với vận tốc gió, khí áp, hướng di chuyển của bão và độ sâu trạm (đối với sử dụng công thức bán kinh nghiệm).

- Hiệu chỉnh các tham số trong mô hình số trị (đối với sử dụng mô hình dự báo số trị).

3.2.3. Xác định trị số dự báo, cảnh báo

- Xác định độ cao thủy triều theo các mốc thời gian, độ cao và thời điểm xuất hiện nước lớn, nước dòng trong thời hạn dự báo (Theo quy trình dự báo sóng biển, dòng chảy biển và thủy triều trong “Thông tư quy định kỹ thuật về

quy trình dự báo kttv trong điều kiện bình thường”).

- Xác định độ cao nước dâng theo các mốc thời gian (ví dụ: 1 hoặc 3 giờ), độ cao và thời điểm xuất hiện nước dâng lớn nhất.

- Xác định độ mực nước tổng cộng theo các mốc thời gian (ví dụ: 1 hoặc 3 giờ), độ cao và thời điểm xuất hiện mực nước tổng cộng lớn nhất.

- Xác định khu vực xuất hiện triều cường.

- Xác định khu vực ven bờ có nguy cơ ngập lụt do nước dâng kết hợp với thủy triều.

3.2.4. Hiển thị kết quả dự báo:

- Kết quả dự báo dạng bảng số liệu và báo dạng văn bản mô tả cho khu vực/vị trí dự báo (độ cao và thời điểm xuất hiện nước dâng lớn nhất, mực nước tổng cộng lớn nhất) có nước dâng lớn, khả năng xuất hiện triều cường và nguy cơ ngập lụt vùng ven bờ.

- Kết quả dự báo dạng quá trình/biểu đồ (biến thiên độ cao nước dâng theo thời gian tại điểm).

- Kết quả dự báo dạng hình ảnh (bản đồ phân bố nước dâng lớn nhất).

3.3. Dự báo sương mù

3.3.1. Tính toán dự báo

a) Trên cơ sở các số liệu quan trắc thực tế thu thập được tại các trạm đảo và tại các trạm quan trắc ven bờ, các bản đồ sy nốp mô tả hoàn lưu khí quyển tầng thấp và tầng cao đã phân tích trong quá khứ, hiện tại xác định hình thế thời tiết đang diễn ra và trả lời cho được câu hỏi hình thế thời tiết này có thuộc hình thế thời tiết gây ra sương mù trên biển hay không.

- Phân tích, đánh giá cường độ, sự phát triển, di chuyển, mức độ tác động của các hình thế gây sương mù trên mỗi vùng biển dự báo. Thời gian tác động của một hay nhiều hình thế từ đó đưa ra diễn biến của các hình thế thời tiết này trong tương lai qua các hạn dự báo.

- Căn cứ vào mức độ biến đổi và tương quan giữa các mực của trường các yếu tố khí tượng (trường khí áp, trường nhiệt độ, trường ẩm, trường gió) ở các thời điểm đã qua và hiện tại để khẳng định khả năng tồn tại, phát triển, suy yếu của các hình thế thời tiết gây nên hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên biển. Đặc biệt, khi có nhiều hình thế có khả năng chi phối thời tiết một hay nhiều vùng biển thì dự báo hình thế rất khó khăn, cần phải tham khảo nhiều thông tin khác.

Trên cơ sở diễn biến của các hình thế gây ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm qua các hạn dự báo, dự báo viên trực ca phải đưa ra được các thông số sau:

+ Khu vực xuất hiện hiện tượng sương mù trên biển

+ Thời gian xuất hiện.

+ Hướng và tốc độ di chuyển của vùng thời tiết nguy hiểm trong 12 giờ hoặc 24 giờ tới.

+ Đánh giá khả năng xuất hiện của các hiện tượng sương mù và ảnh hưởng của nó đến các vùng biển trong 12, 24, 48 giờ và trong điều kiện cho phép có thể mở rộng đến 72 giờ.

3.3.2. Phân tích, cảnh báo hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên biển trên cơ sở các mô hình số trị và ảnh mây vệ tinh.

Căn cứ vào mức độ biến đổi và tương quan giữa các mực của trường các yếu tố khí tượng (trường khí áp, trường nhiệt độ, trường ẩm, trường gió) trên các sản phẩm dự báo số trị hiện có, qua các thời hạn dự báo khác nhau để khẳng định khả năng tồn tại, phát triển suy yếu của các hệ thống gây nên các hiện tượng sương mù. Đặc biệt, khi có nhiều hình thế tương tác lẫn nhau, các sản phẩm mô hình số trị có thể đưa ra các kết quả khác nhau, do vậy cần phải tham khảo thêm các sản phẩm dự báo đã có trước đó để khẳng định dự báo hiện tại.

Trên cơ sở các sản phẩm dự báo từ các mô hình dự báo hiện có qua các hạn dự báo, dự báo viên trực ca phải chỉ ra được kết quả mà các mô hình đưa ra: Có xuất hiện hình thế thời tiết gây hiện tượng sương mù hay không, khu vực nào có khả năng xuất hiện, thời gian xuất hiện và kết thúc theo các hạn dự báo.

Thông qua các phần mềm phân tích ảnh mây vệ tinh hiện có, kết hợp với việc theo dõi thông qua các hệ thống bản đồ sy nốp từ đó xác định:

- Hệ thống mây có thuộc một trong các hệ thống thời tiết sinh sương mù trên biển hay không hoặc là tổ hợp của nhiều hệ thống.

- Hướng di chuyển và khả năng phát triển của hệ thống mây này trong quá khứ cho đến thời điểm hiện tại.

Trên cơ sở phân tích hệ thống mây hiện có, dự báo khả năng phát triển hoặc suy yếu của hệ thống mây này trong thời gian 6 giờ hoặc 12 giờ tới, từ đó xác định có hay không các hiện tượng sương mù.

3.3.3. Xác định trị số dự báo, cảnh báo

Trên cơ sở các kết quả rút ra được qua phân tích, dự báo từ hoàn lưu khí quyển, các sản phẩm mô hình số trị, các sản phẩm từ vệ tinh và qua các công cụ hỗ trợ khác, dự báo viên tổng hợp, đánh giá và đưa ra kết luận cuối cùng:

- Có xuất hiện hệ thống thời tiết sinh thời tiết hiện tượng sương mù trên biển.hay không

- Khu vực biển nào có khả năng xuất hiện hiện tượng sương mù trên biển.

- Thời điểm xuất hiện các hiện tượng sương mù trên biển.

- Dự thảo nội dung bản tin cảnh báo hiện tượng sương mù trên biển.

3.3.4. Hiển thị kết quả dự báo:

- Kết quả dự báo dạng bản tin text (dự báo khu vực xuất hiện, thời gian kéo dài và tầm nhìn thấp nhất).

3.4. Thảo luận dự báo sương mù trên biển, sóng lớn, nước dâng và triều cường:

- Phân tích, đánh giá độ tin cậy của các kết quả dự báo bằng các phương án khác nhau được sử dụng trong các bản tin dự báo gần nhất;

- Tổng hợp các kết quả dự báo ban đầu từ các phương án khác nhau và nhận định của các dự báo viên;

- Người chịu trách nhiệm ra bản tin lựa chọn kết quả dự báo cuối cùng có độ tin cậy cao nhất phù hợp với thời hạn dự báo.

3.5. Xây dựng bản tin dự báo sương mù trên biển, triều cường, sóng lớn và nước dâng:

- Nội dung bản tin dự báo sóng bao gồm độ cao sóng lớn nhất, hướng sóng thịnh hành và cảnh báo khu vực sóng lớn ( lớn hơn 2,0m).

- Nội dung bản tin dự báo nước dâng và triều cường bao gồm độ cao và thời điểm xuất hiện nước dâng lớn nhất, mực nước tổng cộng lớn nhất, bản đồ phân bố nước dâng lớn nhất theo không gian quanh khu vực bão đổ bộ và nhận định về triều cường nguy cơ ngập lụt ven bờ do nước dâng bão kết hợp với thủy triều.

- Nội dung bản tin dự báo sương mù bao gồm khu vực xuất hiện, khả năng kéo dài và tầm nhìn xa giảm xuống mức nào.

- Ngoài ra, tin về sóng lớn, nước dâng và triều cường cũng được biên soạn và lồng ghép vào các bản tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão và gió mùa.

Mẫu chi tiết các loại bản tin dự báo sóng và nước dâng đính kèm trong phụ lục.

3.6. Cung cấp bản tin dự báo sương mù trên biển, sóng lớn, nước dâng và triều cường:

Các bản tin/tin dự báo, cảnh báo sóng và nước dâng trong bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa mạnh cần được chuyển nhanh chóng, kịp thời đến các cơ quan lãnh đạo nhà nước; các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức hoạt động liên quan đến phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, các cơ quan, tổ chức truyền tin về thiên tai được quy định tại phụ lục V, Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg “Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai”. Ngoài ra các thông tin dự báo được cập nhật trên website của cơ quan dự báo

3.7. Cập nhật, bổ sung bản tin dự báo sương mù trên biển, sóng lớn, nước dâng và triều cường

Trong trường hợp phát hiện áp thấp nhiệt đới, bão và gió mùa có diễn biến bất thường, tăng lên hoặc giảm đi so với mức độ dự báo cần cập nhật, bổ sung bản tin dự báo, cảnh báo sóng lớn, nước dâng bão và triều cường ngoài quy định tại khoản a mục này. Đối với sương mù trên biển, khi phát hiện dấu hiệu sương mù mạnh lên hoặc hết dấu hiệu cần bổ sung bản tin dự báo, cảnh báo sương mù trên biển ngoài quy định tại khoản a mục này

3.8. Đánh giá chất lượng dự báo sương mù trên biển, sóng lớn, nước dâng và triều cường:

- Đánh giá việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung quy định của quy trình dự báo, cảnh báo sương mù trên biển, sóng lớn, nước dâng và triều cường trong bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa mạnh;

- Đánh giá tính đầy đủ, kịp thời của các bản tin dự báo cảnh báo sương mù trên biển, sóng lớn, nước dâng và triều cường trong bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa mạnh;

- Đánh giá chất lượng bản tin dự báo thông qua so sánh các yếu tố, khu vực dự báo với quan trắc thực tế theo các phương pháp đánh giá quy định.

Điều 28. Tần suất và thời gian ban hành bản tin sương mù trên biển, sóng lớn, nước dâng, triều cường

Tần suất và thời gian phát tin dự báo, cảnh báo sóng và nước dâng được quy định tại điều 12 Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg “Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai”.

Chương X

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 29.Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày     tháng      năm 2016.

Điều 30.Trách nhiệm thi hành

1. Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia và các tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các quy định tại Thông tư này.

2. Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Thông tư này theo phạm vi thẩm quyền được giao.

3. Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Toà án Nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo; Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Website Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Lưu: VT, PC, KTTVBĐKH. TL(200).

BỘ TRƯỞNG




Trần Hồng Hà

PHỤ LỤC I.

MẪU BẢN TIN ATNĐ, BÃO

1. Mẫu bản tin cho Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương (bản tin dạng text)

TRUNG TÂM
KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN
QUỐC GIA
TRUNG TÂM DỰ BÁO
KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN
TRUNG ƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ATNĐGB 01-05/ DBKT

Hà Nội, ngày …… tháng …… năm ……..

TIN ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI GẦN BỜ

1. Diễn biến về mưa, gió do ảnh hưởng của ATNĐ (nếu có) trong 6 giờ qua

2. Thực trạng của ATNĐ tại thời điểm gần nhất với các yếu tố sau:

- Diễn biến của ATNĐ trong 24 giờ qua về hướng và tốc độ di chuyển (đổi hướng, nhanh, chậm, dừng), cường độ ATNĐ (mạnh lên, yếu đi…) nếu có.

- Thời gian và vị trí tâm ATNĐ

- Khoảng cách từ vị trí tâm ATNĐ đến điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta.

- Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ (cấp gió Beaufort), kèm theo gió giật (nếu có).

2. Dự báo sự thay đổi (nếu có) hoặc giữ nguyên của ATNĐ trong 12, 24 giờ tiếp theo với nội dung như mục 2

4. Ảnh hưởng của ATNĐ trong 12, 24 giờ tiếp theo.

- Ảnh hưởng của ATNĐ về gió mạnh, sóng lớn trên biển theo từng khoảng thời gian dự báo (12 và 24 giờ) kèm theo cấp độ rủi ro thiên tai (Quy định 44).

- Nếu ATNĐ có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta trong 24 giờ tới thì dự báo thêm về thời gian và khu vực đổ bộ của ATNĐ; khả năng ảnh hưởng trực tiếp gây gió mạnh, sóng lớn, nước dâng, mưa vừa, mưa to kèm theo cấp độ rủi ro thiên tai (Quy định 44)

5. Cảnh báo sự thay đổi (nếu có) hoặc giữ nguyên của ATNĐ trong khoảng thời gian từ 24 đến 48 giờ tới về hướng và tốc độ di chuyển.

6. Quỹ đạo của ATNĐ, bán kính gió mạnh và sai số bằng hình ảnh.

7. Thời gian phát bản tin tiếp theo.

Ghi chú: vị trí tâm ATNĐ xác định theo tọa độ kinh, vĩ với mức độ chính xác đến 1/10 độ. Khi không có điều kiện định vị tâm ATNĐ tại một điểm tọa độ thì xác định tâm ATNĐ trong ô vuông, mỗi cạnh bằng 01 độ kinh, vĩ.

TRUNG TÂM
KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN
QUỐC GIA
TRUNG TÂM DỰ BÁO
KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN
TRUNG ƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: BKC 01-05/ DBKT

Hà Nội, ngày …… tháng …… năm ……..

TIN BÃO KHẨN CẤP

(Cơn bão số …..)

1. Diễn biến về mưa, gió do ảnh hưởng của bão (nếu có) trong 6 giờ qua

2. Thực trạng của bão tại thời điểm gần nhất với các yếu tố sau:

- Diễn biến của bão trong 24 giờ qua về hướng và tốc độ di chuyển (đổi hướng, nhanh, chậm, dừng), cường độ bão (mạnh lên, yếu đi…) nếu có

- Thời gian và vị trí tâm bão.

- Khoảng cách từ vị trí tâm bão đến điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta.

- Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão (cấp gió Beaufort), kèm theo gió giật (nếu có).

3. Dự báo sự thay đổi (nếu có) hoặc giữ nguyên của bão trong 12, 24 và 48 giờ tiếp theo với nội dung như mục 2.

4. Ảnh hưởng của bão trong 12, 24 và 48 giờ tiếp theo.

- Ảnh hưởng của bão về gió mạnh, sóng lớn trên biển theo từng khoảng thời gian dự báo (12; 24 và 48 giờ) kèm theo cấp độ rủi ro thiên tai (Quy định 44).

- Nếu bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta trong khoảng thời gian 24 đến 48 giờ tới thì dự báo thêm về thời gian và khu vực đổ bộ của bão; khả năng ảnh hưởng trực tiếp gây gió mạnh, sóng lớn, nước dâng ven biển, mưa vừa, mưa to kèm theo cấp độ rủi ro thiên tai (Quy định 44).

5. Cảnh báo sự thay đổi (nếu có) hoặc giữ nguyên của bão trong khoảng thời gian từ 48 đến 72 giờ tới về hướng và tốc độ di chuyển.

6. Quỹ đạo của bão, bán kính gió mạnh và sai số bằng hình ảnh.

7. Thời gian phát bản tin tiếp theo

DẠNG BẢN TIN BÃO, ATNĐ (HÌNH ẢNH)

(Chung cho cả tin bão khẩn cấp và ATNĐ gần bờ)

Mẫu bản tin cho Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương (bản tin dạng số)

TRUNG TÂM
KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN
QUỐC GIA
TRUNG TÂM DỰ BÁO
KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN
TRUNG ƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: BKC 01-05/ DBKT

Hà Nội, ngày …… tháng …… năm ……..

TIN BÃO KHẨN CẤP

(Cơn bão số …..)

Phân tích:

Vị trí lúc 13h00: 18.7N 113.3E

Di chuyển: WNW 15 km/h

Pmin: 975 hpa

Vmax:  105 km/h

Gió giật: 140 km/h

R10:  80 km

R6:   200 km

Dự báo:

Vị trí sau 24h: 20.0N 110.0E

Di chuyển:  WNW 15 km/h

Pmin: 980 hpa

Vmax: 100 km/h

Gió giật: 130 km/h

R10: 80 km

R6:  220 km

Vị trí sau 48h: 21.6N 107.4E

Di chuyển: WNW 15 km/h

Pmin:  990 hpa

Vmax: 85 km/h

Gios giật: 110 km/h

R10: 0 km

R6:  220 km

Vị trí sau 72h: 22.4N 105.0E

Di chuyển: WNW 15 km/h

Pmin: 998 hpa

Vmax: 40 km/h

Gió giật: 50 km/h

R10:  0 km

R6:   0 km

Mẫu bản tin cho các Đài KTTV khu vực

TRUNG TÂM
KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN
QUỐC GIA
ĐÀI KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN
KHU VỰC …..
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ATNĐGB 01-15/ DBKT

……….., ngày …… tháng …… năm ……..

TIN ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI GẦN BỜ

1. Diễn biến về mưa, gió do ảnh hưởng của ATNĐ (nếu có) trong 6 giờ qua

2. Thực trạng ATNĐ tại thời điểm gần nhất với các yếu tố sau:

- Diễn biến của ATNĐ trong 24 giờ qua về hướng và tốc độ di chuyển (đổi hướng, nhanh, chậm, dừng), cường độ ATNĐ (mạnh lên, yếu đi…) nếu có

- Thời gian và vị trí tâm ATNĐ

- Khoảng cách từ vị trí tâm ATNĐ đến điểm gần nhất thuộc khu vực Đài quản lý.

- Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ (cấp gió Beaufort), kèm theo gió giật (nếu có).

3. Dự báo sự thay đổi (nếu có) hoặc giữ nguyên của ATNĐ trong 12, 24 giờ tiếp theo với nội dung như mục 2

4. Ảnh hưởng của ATNĐ trong 12, 24 giờ đến khu vực Đài quản lý.

- Ảnh hưởng về gió mạnh, sóng lớn trên biển theo từng khoảng thời gian dự báo (12 và 24 giờ) kèm theo cấp độ rủi ro thiên tai (quy định 44)..

- Nếu ATNĐ có khả năng ảnh hưởng trực tiếp trong 24 giờ tới thì dự báo thêm về thời gian và khu vực đổ bộ của ATNĐ; khả năng ảnh hưởng trực tiếp gây gió mạnh, sóng lớn, nước dâng, mưa vừa, mưa to (chi tiết đến từng tỉnh, thành phố nếu có) kèm theo cấp độ rủi ro thiên tai (quy định 44).

5. Cảnh báo sự thay đổi (nếu có) hoặc giữ nguyên của ATNĐ trong khoảng thời gian từ 24 đến 48 giờ tới về hướng và tốc độ di chuyển.

6. Quỹ đạo của ATNĐ, bán kính gió mạnh và sai số bằng hình ảnh.

7. Thời gian phát bản tin tiếp theo.

Ghi chú: vị trí tâm ATNĐ xác định theo tọa độ kinh, vĩ với mức độ chính xác đến 1/10 độ. Khi không có điều kiện định vị tâm ATNĐ tại một điểm tọa độ thì xác định tâm ATNĐ trong ô vuông, mỗi cạnh bằng 01 độ kinh, vĩ.

TRUNG TÂM
KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN
QUỐC GIA
ĐÀI KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN
KHU VỰC …..
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: BKC 01-15/ DBKT

…………, ngày …… tháng …… năm ……..

TIN BÃO KHẨN CẤP

(Cơn bão số …..)

1. Diễn biến về mưa, gió do ảnh hưởng của bão (nếu có) trong 6 giờ qua

2. Thực trạng của bão tại thời điểm gần nhất với các yếu tố sau:

- Diễn biến về mưa, gió do ảnh hưởng của bão (nếu có) trong 6 giờ qua

- Diễn biến của bão trong 24 giờ qua về hướng và tốc độ di chuyển (đổi hướng, nhanh, chậm, dừng), cường độ bão (mạnh lên, yếu đi…) nếu có

- Thời gian và vị trí tâm bão.

- Khoảng cách từ vị trí tâm bão đến điểm gần nhất thuộc khu vực Đài quản lý.

- Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão (cấp gió Beaufort), kèm theo gió giật (nếu có).

3. Dự báo sự thay đổi (nếu có) hoặc giữ nguyên của bão trong 12, 24 và 48 giờ tiếp theo với nội dung như mục 2.

4. Ảnh hưởng của bão trong 12, 24 và 48 giờ đến khu vực Đài quản lý

- Ảnh hưởng về gió mạnh, sóng lớn trên biển theo từng khoảng thời gian dự báo (12; 24 và 48 giờ) kèm theo cấp độ rủi ro thiên tai (quy định 44)..

- Nếu bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp trong khoảng thời gian 24 đến 48 giờ tới thì dự báo thêm về thời gian và khu vực đổ bộ của bão; khả năng ảnh hưởng trực tiếp gây gió mạnh, sóng lớn, nước dâng ven biển, mưa vừa, mưa to (chi tiết đến từng tỉnh, thành phố nếu có) kèm theo cấp độ rủi ro thiên tai (quy định 44).

5. Cảnh báo sự thay đổi (nếu có) hoặc giữ nguyên của bão trong khoảng thời gian từ 48 đến 72 giờ tới về hướng và tốc độ di chuyển.

6. Quỹ đạo của bão, bán kính gió mạnh và sai số bằng hình ảnh.

7. Thời gian phát bản tin tiếp theo

PHỤ LỤC II.

MẪU BẢN TIN DỰ BÁO, CẢNH BÁO MƯA LỚN DIỆN RỘNG

Phụ lục 1a: Mẫu bản tin Mưa lớn cho Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương

TRUNG TÂM
KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN
QUỐC GIA
TRUNG TÂM DỰ BÁO
KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN
TRUNG ƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ML 01-01/KTHN

Hà Nội, ngày …… tháng …… năm ……..

BẢN TIN MƯA LỚN

(Trên khu vực…..)

1. Hiện nay (hoặc “Trong 6h/12h” qua), ở khu vực Đông Bắc đã xảy ra mưa lớn với tổng lượng mưa từ 13h ngày 23/3/2015 đến 13h ngày 24/3/2015 phổ biến 100-200mm, một số nơi cao hơn như...

2. Dự báo, trong khoảng 12 (24,48,72) giờ tiếp theo, do ảnh hưởng của xoáy thấp phát triển đến mực 5000m nên ở Quảng Ninh tiếp tục có mưa to với tổng lương mưa phổ biến 80-130mm, có nơi trên 150mm.

3. Cảnh báo: Đợt mưa lớn này có thể kéo dài đến ngày 28/3/2015, tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 300-500mm, riêng Quảng Ninh có nơi trên 500mm. Cảnh báo lũ quét và trượt lở đất ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và ngập úng ở Hải Phòng, ven biển Quảng Ninh.

Bản tin tiếp theo phát lúc 21h30 ngày 23/03/2015.

Tin phát lúc: 15h30

Soát tin: Vũ Tuấn Anh

TUQ. GIÁM ĐỐC

TRƯỞNG PHÒNG DỰ BÁO KTHN

Vũ Anh Tuấn

Phụ lục 1b: Mẫu bản tin Mưa lớn cho Đài KTTV khu vực

TRUNG TÂM
KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN
QUỐC GIA
ĐÀI KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN
KHU VỰC ĐÔNG BẮC

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ML 01-01/KTTVĐB

Hải Phòng, ngày …… tháng …… năm ……..

BẢN TIN MƯA LỚN

(Trên khu vực…..)

1. Hiện nay (hoặc “Trong 6h/12h” qua), ở khu vực Đông Bắc đã xảy ra mưa lớn với tổng lượng mưa từ 13h ngày 23/3/2015 đến 13h ngày 24/3/2015 phổ biến 100-200mm, một số nơi cao hơn như...

2. Dự báo, trong khoảng 12 (24,48,72) giờ tiếp theo, do ảnh hưởng của xoáy thấp phát triển đến mực 5000m nên ở Quảng Ninh tiếp tục có mưa to với tổng lương mưa phổ biến 80-130mm, có nơi trên 150mm.

3. Cảnh báo: Đợt mưa lớn này có thể kéo dài đến ngày 28/3/2015, tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 300-500mm, riêng Quảng Ninh có nơi trên 500mm. Cảnh báo lũ quét và trượt lở đất ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và ngập úng ở Hải Phòng, ven biển Quảng Ninh.

Bản tin tiếp theo phát lúc 21h30 ngày 23/03/2015.

Tin phát lúc: 15h30

Soát tin: Trần Văn B

TUQ. GIÁM ĐỐC

TRƯỞNG PHÒNG DỰ BÁO

Nguyễn Văn A

Phụ lục 1c: Mẫu bản tin Mưa lớn cho các Đài KTTV tỉnh.

ĐÀI KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN
KHU VỰC ĐÔNG BẮC
ĐÀI KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ML 01-01/KTTVQN

Quảng Ninh, ngày …… tháng …… năm ……..

BẢN TIN MƯA LỚN

(Trên khu vực…..)

1. Hiện nay (hoặc “Trong 6h/12h” qua), ở khu vực tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra mưa lớn với tổng lượng mưa từ 13h ngày 23/3/2015 đến 13h ngày 24/3/2015 phổ biến 50-100mm, một số nơi cao hơn như...

2. Dự báo, trong khoảng 12 (24,48,72) giờ tiếp theo, do ảnh hưởng của xoáy thấp phát triển đến mực 5000m nên ở Quảng Ninh tiếp tục có mưa to với tổng lương mưa phổ biến 80-130mm, có nơi trên 150mm.

3. Cảnh báo: Đợt mưa lớn này có thể kéo dài đến ngày 27/3/2015, tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 300-400mm, riêng Quảng Ninh có nơi trên 500mm. Cảnh báo lũ quét và trượt lở đất ở các huyện....

Bản tin tiếp theo phát lúc 21h30 ngày 23/03/2015.

Tin phát lúc: 15h30

Soát tin: Trần Văn B

GIÁM ĐỐC

Nguyễn Văn A

Phụ lục 2: Danh sách các mô hình thời tiết sử dụng trong nghiệp vụ dự báo mưa lớn

a. Các mô hình toàn cầu:

b. Các mô hình khu vực:

PHỤ LỤC III

MẪU BẢN TIN DỰ BÁO, CẢNH BÁO LŨ, NGẬP LỤT

1. Mẫu tin cảnh báo lũ, ngập lụt

CƠ QUAN/TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ BÁO

Số bản tin

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

TIN CẢNH BÁO LŨ (NGẬP LỤT) TRÊN
CÁC SÔNG/ KHU VỰC

Ngày và đêm qua (07-08/08), do ảnh hưởng của cơn bão số 6 trên các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đã có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to. Tính đến 7 giờ sáng nay (08/08), lượng mưa đo được phổ biến từ 80-100m, một số nơi cao hơn như: Hương Khê: 110mm; Kỳ Anh: 331mm, Hà Tĩnh: 118mm…

Do mưa lớn, mực nước trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đang lên.

Cảnh báo:

Mực nước trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh tiếp tục lên. Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên ở hạ lưu các sông có khả năng từ 1,0-2,5m, nhưng đỉnh lũ còn dưới mức báo động 1 (BĐ1).

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên.

Cần tiếp tục theo dõi các bản tin dự báo thời tiết và thủy văn trên website: www.nchmf.gov.vn và các phương tiện thông tin đại chúng.

Bản tin tiếp theo phát lúc 9h30’ ngày 17/09

Tin phát lúc 11 giờ 30 ngày 12/09

Người thực hiện bản tin:

Người soát bản tin:

DUYỆT BẢN TIN

(ký tên và ghi rõ họ tên)

2. Mẫu tin cảnh báo ngập lụt đô thị

CƠ QUAN/TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ BÁO

Số bản tin

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

TIN CẢNH BÁO NGẬP LỤT
KHU VỰC NỘI THÀNH HÀ NỘI

Hiện nay, ở khu vực thành phố Hà Nội đang có mưa to, một số điểm mưa lớn trong 1 giờ như Cầu Diễn: 27mm; Quan Hoa 25mm, Định Công 27mm…Khu vực trung tâm Hà Nội đang mưa lớn và có thể kéo dài trong khoảng 1 giờ nữa.

Đợt mưa này có khả năng gây ngập úng cho các tuyến phố nội thành Hà Nội từ 0,1m đến 0,3m như:

Đề phòng ngập úng từ 0,1-0,3m tại các tuyến phố: Nguyễn Du, Trần Nhân Tông, Yec Xanh, Lò Đúc, Hàng Chuối, Quang Trung, Lê Duẩn, Đặng Thái Thân, Ngô Quyền, Phan Bội Châu, Lý Thường Kiệt, Liên Trì, Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Lê Trọng Tấn, Giải Phóng, Nguyễn Xiển,Vũ Trọng Phụng, Lĩnh Nam, Quan Hoa…

Cần tiếp tục theo dõi các bản tin dự báo thời tiết và thủy văn trên website: www.nchmf.gov.vn và các phương tiện thông tin đại chúng.

Bản tin tiếp theo phát lúc 9h30’ ngày 17/09

Tin phát lúc 11 giờ 30 ngày 12/09

Người thực hiện bản tin:

Người soát bản tin:

DUYỆT BẢN TIN

(ký tên và ghi rõ họ tên)

3. Mẫu tin lũ và Tin lũ khẩn cấp

CƠ QUAN/TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ BÁO

Số bản tin

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

TIN LŨ (KHẨN CẤP)
TRÊN CÁC SÔNG/KHU VỰC

I. Thực trạng diễn biến mưa, lũ

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh tăng cường ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên và khu vực bắc Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được trong 12 giờ qua ở Quảng Nam, Gia Lai và Kon Tum phổ biến từ 50 – 100mm, ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên từ 100-150mm, một số nơi có lượng lớn hơn như: Ba Tơ: 225mm, Minh Long: 212mm, Sông Vệ: 185mm.

Lũ trên các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên và khu vực bắc Tây Nguyên đang lên nhanh. Mực nước lúc 7 giờ ngày 15/11, trên một số sông chính như sau:

- Sông Vu Gia tại trạm Ái Nghĩa: 5,17m, dưới BĐ1: 1,33m;

- Sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc: 2,39m, dưới BĐ1: 1,11m;

- Sông Vệ tại trạm Sông Vệ: 2,03m, dưới BĐ1: 0,47m;

- Sông Kôn tại trạm Thạch Hòa: 5,75m, dưới BĐ1: 0,25m;

II. Dự báo

Lũ trên các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên và khu vực bắc Tây Nguyên tiếp tục lên. Đến chiều tối nay (15/11), lũ trên các sông ở Quảng Ngãi, Gia Lai có khả năng lên mức BĐ3 và trên mức BĐ3; các sông ở Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên và Kon Tum lên mức BĐ1-BĐ2, có nơi trên BĐ2. Mực nước trên một số sông chính như sau:

- Sông Vu Gia tại trạm Ái Nghĩa: 6,7m, trên BĐ1: 0,2m;

- Sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc: 6,7m, trên BĐ3: 0,2m;

- Sông Vệ tại trạm Sông Vệ: 5,3m, trên BĐ3: 0,8m;

- Sông Kôn tại trạm Thạch Hòa: 7,5m, trên BĐ2: 0,5m;

- Sông Ba tại trạm AuynPa: 156,0m, ở mức BĐ3.

Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, ngập lụt tại vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên và Gia Lai, Kon Tum.

Bản tin tiếp theo được phát vào lúc 17giờ00 ngày 15/11.

Tin phát lúc 11 giờ 30 ngày 12/09

Người thực hiện bản tin:

Người soát bản tin:

DUYỆT BẢN TIN

(ký tên và ghi rõ họ tên)

PHỤ LỤC IV.

MẪU BẢN TIN DỰ BÁO, CẢNH BÁO LŨ QUÉT; SẠT LỞ ĐẤT, SỤT LÚN ĐẤT DO MƯA LŨ HOẶC DÒNG CHẢY

1. Mẫu bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất lồng ghép trong tin lũ

CƠ QUAN/TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ BÁO

Số bản tin

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

TIN LŨ (KHẨN CẤP)
TRÊN CÁC SÔNG/KHU VỰC

I. Thực trạng diễn biến mưa, lũ

Mực nước trên sông Thương và sông Cầu đang duy trì ở mức cao; trên sông Thao, sông Lục Nam và hạ lưu sông Thái Bình đang xuống chậm. Lúc 17 giờ ngày 4/8, mực nước trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương: 6,51m (trên mức BĐ 3: 0,21m); trên sông Lục Nam tại Lục Nam: 5,80m (trên mức BĐ 2: 0,50m); trên sông Cầu tại Đáp Cầu: 5,3m (ở mức BĐ 2); hạ lưu sông Thái Bình tại Phả Lại: 4,07m (ở mức BĐ 1); trên sông Thao tại Yên Bái: 30,52m (trên mức BĐ 1: 0,52m).

II. Dự báo

Đến sáng mai (5/8), mực nước trên sông Thương (tại Phủ Lạng Thương) xuống mức 6,0m (dưới mức BĐ 3: 0,3m); trên sông Lục Nam (tại Lục Nam): 5,5m (trên mức BĐ 2: 0,2m); trên sông Cầu (tại Đáp Cầu): 5,25m (ở mức BĐ 2); trên sông Thái Bình tại Phả Lại: 4,0m (ở mức BĐ 1); trên sông Thao (tại Yên Bái): 30,3m (trên mức BĐ 1: 0,3m).

Lũ quét, sạt lở đất vẫn có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La.

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2.

Bản tin tiếp theo được phát vào … giờ ngày …

Tin phát lúc ... giờ ngày…

Người thực hiện bản tin:

Người soát bản tin:

DUYỆT BẢN TIN

(ký tên và ghi rõ họ tên)

2. Mẫu bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất riêng

CƠ QUAN/TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ BÁO

Số bản tin

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

TIN CẢNH BÁO LŨ QUÉT KHU VỰC...

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió Tây trên cao nên trong các ngày 4 và 5/12, các tỉnh Bắc Bộ có mưa, mưa rào nhiều nơi, riêng khu vực phía Tây Bắc Bộ và vùng núi phía Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông.

Cảnh báo, từ ngày 4 đến 5/12, lũ quét trên các sông suối nhỏ và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại một số tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

Tin phát lúc ... giờ ngày…

Người thực hiện bản tin:

Người soát bản tin:

DUYỆT BẢN TIN

(ký tên và ghi rõ họ tên)

PHỤ LỤC V.

MẪU BẢN TIN DỰ BÁO, CẢNH BÁO KHÔNG KHÍ LẠNH, RÉT ĐẬM - RÉT HẠI, BĂNG GIÁ, SƯƠNG MUỐI

Mẫu bản tin KKL dạng text:

TRUNG TÂM
KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN
QUỐC GIA
TRUNG TÂM DỰ BÁO
KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN
TRUNG ƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: KKLTC-08-04/KTHN

Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2016

TIN KHÔNG KHÍ LẠNH MẠNH CÓ KHẢ NĂNG GÂY RÉT ĐẬM, RÉT HẠI

Sáng nay (29/12), bộ phận không khí lạnh đã báo đã tiến gần đến biên giới phía Bắc nước ta.

Dự báo, chiều và đêm nay, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, phía Tây Bắc Bộ, Trung Trung Bộ và một số nơi ở Nam Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường ở Bắc Bộ có mưa và mưa nhỏ. Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa rào và có nơi có dông. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4.

Ở vịnh Bắc Bộ từ chiều nay gió đông bắc lại mạnh lên cấp 6, giật cấp 7-8; biển động. Khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8; biển động mạnh. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung Bộ và khu vực biển Bình Thuận đến Cà Mau từ chiều mai (30/12) có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động. Sóng biển cao từ 2-3m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Ở các tỉnh miền Bắc trời tiếp tục rét, riêng khu vực Bắc Bộ có khả năng xuất hiện rét đậm trên diện rộng, vùng núi rét hại.

Bản tin tiếp theo phát lúc 15h30 ngày 29/12.

Tin phát lúc: 04h30

Soát tin: Nguyễn Hữu Thành

TUQ. GIÁM ĐỐC

PHÓ TRƯỞNG PHÒNG DỰ BÁO KTHN

Nguyễn Văn Hưởng

TRUNG TÂM
KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN
QUỐC GIA
TRUNG TÂM DỰ BÁO
KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN
TRUNG ƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: KKLTC-08-04/KTHN

Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2016

TIN KHÔNG KHÍ LẠNH

Hiện nay (19/02): Diễn biến về tình hình không khí lạnh thời điểm ra bản tin và ảnh hưởng của KKL (nếu có).

Dự báo: sự thay đổi

, khoảng chiều và tối nay, bộ phận không khí lạnh này sẽ tăng cường xuống các tỉnh phía đông Bắc Bộ (trong đó có khu vực Hà Nội), sau đó sẽ ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, hầu hết phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở các tỉnh phía đông Bắc Bộ có mưa và mưa nhỏ rải rác. Từ gần sáng ngày mai (20/02), ở Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa rào. Gió đông bắc trong đất liền mạnh cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4.

Vịnh Bắc Bộ từ tối và đêm nay, gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; từ ngày mai ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển từ Ninh Thuận-Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động. Sóng biển cao từ 2-4m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời tiếp tục rét, vùng núi có nơi rét đậm.

Bản tin tiếp theo phát lúc 9h30 ngày 19/02.

Tin phát lúc: 04h30

Soát tin: Nguyễn Hữu Thành

TUQ. GIÁM ĐỐC

PHÓ TRƯỞNG PHÒNG DỰ BÁO KTHN

Nguyễn Văn Hưởng

TRUNG TÂM
KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN
QUỐC GIA
TRUNG TÂM DỰ BÁO
KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN
TRUNG ƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: KKLTC-08-04/KTHN

Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2016

TIN CẢNH BÁO VỀ HIỆN TƯỢNG SƯƠNG MUỐI VÀ BĂNG GIÁ Ở CÁC TỈNH VÙNG NÚI PHÍA BẮC

Hiện nay (19/02): Do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh, nên các tỉnh miền Bắc đã chuyển sang trạng thái ít đến quang mây, nền nhiệt đêm và sáng giảm thấp, nhiều nơi ở vùng núi phía Bắc nhiệt độ giảm xuống dưới 5 độ.

Dự báo: Trong đêm nay và ngày mai (20/02) ở các tỉnh miền Bắc tiếp tục duy trì trạng thái ít đến quang mây, nền nhiệt đêm giảm thấp, ở vùng đồng bằng nhiệt độ phổ biến trong khoảng 8-11 độ, ở các tỉnh vùng núi nhiệt độ giảm xuống dưới 5 độ. Vì thế ở các tỉnh vùng núi phía Bắc cần đề phòng hiện tượng băng giá và sương muối.

Bản tin tiếp theo phát lúc 9h30 ngày 20/02.

Tin phát lúc: 04h30

Soát tin: Nguyễn Hữu Thành

TUQ. GIÁM ĐỐC

PHÓ TRƯỞNG PHÒNG DỰ BÁO KTHN

Nguyễn Văn Hưởng

PHỤ LỤC VI.

MẪU BẢN TIN DỰ BÁO, CẢNH BÁO  NẮNG NÓNG, HẠN HÁN, XÂM NHẬP MẶN

Phụ lục VI.1 Danh sách phần mềm và địa chỉ khai thác ảnh mây vệ tinh

TT

Phần mềm và địa chỉ khai thác

Loại số liệu, sản phẩm và chức năng liên quan

1

Trang web: http://www.nchmf.gov.vn

Các bản tin dự báo khí tượng hạn ngắn, sản phẩm dự báo số trị, quan trắc hiện tại, cập nhập bản tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm

2

Hệ thống trang web nghiệp vụ MHDARS, username: guest, password: nchmf

Sản phẩm dự báo số trị, ước lượng sự dịch chuyển của mây từ số liệu vệ tinh, số liệu quan trắc

3

Trang web tiểu khu vực http://ww.swfdp-sea.com.vn, username: swfdp-sea, password: RA2

Sản phẩm dự báo số trị, phân loại mây, ước lượng mưa, ước lượng sự dịch chuyển của mây từ số liệu vệ tinh

4

Phần mềm SIP

Tương tác số liệu vệ tinh MTSAT, phân loại mây, ước lượng mưa

5

Phần mềm GMSLPD

Tương tác số liệu vệ tinh MTSAT

6

Phần mềm GMSLPD_Himawari8

Tương tác số liệu vệ tinh Himawari8

Phụ lục VI.2. Danh sách các phần mềm, địa chỉ  khai thác số liệu quan trắc bề mặt và các sản phẩm dự báo của các mô hình số trị, dự báo điểm

TT

Phần mềm và địa chỉ khai thác

Loại số liệu, sản phẩm và chức năng liên quan

1

Phần mềm AEROVIEW

Các số liệu quan trắc khí tượng bề mặt tại các trạm khí tượng (Các trạm này có thể tăng theo từng năm và dưới sự quản lý của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia).

2

Phầm mềm giải mã số liệu khí tượng bề mặt

Chiết suất ra file excel, dễ dàng sử dụng và khai thác.

3

Hệ thống trang web nghiệp vụ MHDARS, username: guest, password: nchmf

Bao gồm nhiều sản phẩm dự báo số trị, dự báo từ 06 giờ ngày đến 10 ngày, bao gồm các mô hình dự báo số trị:

http://10.151.0.30/mhdars/img/images/favorite.png NAVGEM 0.5 x 0.5

http://10.151.0.30/mhdars/img/images/favorite.png Mô hình GSM 0.25 x 0.25

http://10.151.0.30/mhdars/img/images/favorite.png Mô hình GSM 0.5 x 0.5

http://10.151.0.30/mhdars/img/images/favorite.png Mô hình GSM 1.25 x 1.25

http://10.151.0.30/mhdars/img/images/favorite.png Mô hình GFS 0.5 x 0.5

http://10.151.0.30/mhdars/img/images/favorite.png Mô hình GME 0.3 x 0.3

http://10.151.0.30/mhdars/img/images/favorite.png Mô hình GEM 0.6 x 0.6

http://10.151.0.30/mhdars/img/images/favorite.png Mô hình COSMO 7km

http://10.151.0.30/mhdars/img/images/favorite.png Hệ thống SREF 0.15 x 0.15

http://10.151.0.30/mhdars/img/images/favorite.png Hệ thống LEPS 0.2 x 0.2

http://10.151.0.30/mhdars/img/images/favorite.png Mô hình WRF 15km

http://10.151.0.30/mhdars/img/images/favorite.png Mô hình IFS 0.125 x 0.125

http://10.151.0.30/mhdars/img/images/favorite.png Mô hình WRF 5km

4

Công cụ tích hợp Mô hình dự báo điểm của Nhật Bản; Username: vietnam, Password: itfZWcSDzs

Tích hợp dự báo 216 giờ cho 70 điểm của Việt Nam

5

Trang web Trung tâm hạn vừa Châu Âu: http://www.ecmwf.int/en/forecasts/charts

Các sản phẩm dự báo trường, dự báo điểm

6

http://weather.unisys.com/  (Mỹ)

Dự báo các trường khí tượng mô hình GFS đến 9 ngày

7

http://wxweb.meteostar.com/  (Mỹ)

Dự báo các trường khí tượng và dự báo điểm đến 384 giờ của mô hình GFS

8

http://www.gismeteo.com/ (Nga)

https://www.meteoblue.com (Thụy Sỹ)

http://www.accuweather.com/ (Mỹ)

http://ready.arl.noaa.gov/READYcmet.php (NOAA-Mỹ)

Một số trang web dự báo điểm đến 384 giờ khác

9

Công cụ Dự báo điểm theo thời hạn tháng, mùa (từ 1 đến 6 tháng)

Chiết suất từ sản phẩm dự báo tháng mùa của ECMWF ra file excel, dễ dàng sử dụng và khai thác.

10

Hệ thống trang web nghiệp vụ MHDARS, username: guest, password: nchmf

Sản phẩm dự báo từ 1 tháng đến 6 tháng các trường khí tượng của ECMWF.

11

http://www.cpc.ncep.noaa.gov/products/international/nmme/nmme.shtml

Sản phẩm dự báo tổ hợp nhiệt độ và mưa tháng, mùa của Mỹ.

12

http://ds.data.jma.go.jp/tcc/tcc/products/model/index.html

Sản phẩm dự báo tổ hợp nhiệt độ và mưa tháng, mùa của Nhật bản.

13

http://www.cpc.ncep.noaa.gov/products/CFSv2/CFSv2seasonal.shtml

Sản phẩm dự báo từ 1 tháng đến 6 tháng các trường khí tượng của Mỹ (CFS).

Phụ lục VI. 3. Trình tự các bước thảo luận dự báo, cảnh báo nắng nóng

1. Tóm tắt hình thế thời tiết và hiện tượng nắng nóng đã xảy ra (nếu đã xảy ra hiện tượng nắng nóng) tại các khu vực trên phạm vi cả nước.

2. Phân tích các hình thế thời tiết gây nắng nóng, nhận định xu hướng sắp tới, đưa ra kết quả dự báo, cảnh báo.

3. Ghi thảo luận dự báo:

a)  Ghi ngày, giờ thảo luận dự báo.

b) Ghi tên những người có mặt trong buổi thảo luận dự báo.

b) Ghi trình tự và đầy đủ những nội dung mà các thành viên tham gia thảo luận phát biểu.

c) Ghi kết luận cuối cùng và cách xử lý bản tin dự báo, cảnh báo nắng nóng của người chịu trách nhiệm hoặc người đứng đầu tổ chức.

e) Sổ ghi thảo luận dự báo được lưu trữ như một tài liệu của đơn vị, cá nhân chỉ hủy bỏ khi được phép của cấp có thẩm quyền.

Phụ lục VI. 4.  Cấp độ rủi ro thiên tai theo Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn

1. Cấp độ rủi ro do nắng nóng

Rủi ro thiên tai do nắng nóng được phân thành 3 cấp:

Nhiệt độ cao nhất diện rộng

Cấp độ rủi ro

> 400C

1

2

3

39-400C

-

1

2

Thời gian kéo dài

3-5 ngày

5-10 ngày

Trên 10 ngày

2. Cấp độ rủi ro do xâm nhập mặn

Độ mặn (4‰)

Cấp độ rủi ro

1

2

Khoảng cách xâm nhập tính từ cửa sông (km)

Từ 25 đến 50

Trên 50

3. Cấp độ rủi ro do hạn hán

Khoảng thời gian lượng mưa tháng thiếu hụt trên 50% trong khu vực ( tháng)

Cấp độ rủi ro

Trên 6

2

3

4

Trên 3 đến 6

1

2

3

Từ 2 đến 3

-

1

2

Thiếu hụt nguồn nước trong khu vực hạn hán (%)

Từ 20 đến 50

Trên 50 đến 70

Trên 70

Phụ lục VI.5.  Tư liệu chuẩn bị dự báo khí tượng hạn vừa, hạn dài phục vụ cảnh báo hạn hán

TT

Phần mềm và địa chỉ khai thác

Loại số liệu, sản phẩm và chức năng liên quan

1

http://jra.kishou.go.jp/JRA-55/index_en.html

Số liệu tái phân tích của Nhật Bản, các trường khí tượng quy mô lớn (được cập nhật liên tục)

2

http://ds.data.jma.go.jp/tcc/tcc/products/elnino/index.html

Các dữ liệu về ENSO của Nhật bản

3

http://www.bom.gov.au/climate/enso/

Các dữ liệu về ENSO của Úc

4

http://www.cpc.ncep.noaa.gov/products/precip/CWlink/MJO/enso.shtml

Các dữ liệu về ENSO của Mỹ

Phụ lục VI.6. Mẫu bản tin dự báo, cảnh báo nắng nóng

TRUNG TÂM
KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN
QUỐC GIA
TRUNG TÂM DỰ BÁO
KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN
TRUNG ƯƠNG
(ĐÀI KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN KHU VỰC/ TỈNH)
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

……, ngày   tháng    năm 2016

Kính gửi:......

TIN DỰ BÁO, CẢNH BÁO NẮNG NÓNG ..........

Diễn biến: (khi đã xảy ra hiện tượng nắng nóng) Theo số liệu quan trắc tại các trạm khí tượng, nắng nóng đã xảy ra diện rộng từ ngày (-3) đến ngày (-1), tại khu vực A đến khu vực B, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ .... đến ... độ, một số nơi cao hơn như:..., độ ẩm phổ biến từ 50-60%, một số nơi thấp hơn như:

Hiện tại: Đến ngày hôm nay (ngày .....), tại khu vực A đến khu vực B tiếp tục xảy ra nắng nóng trên diện rộng, nhiệt độ nhiệt độ lúc  .... giờ phổ biến từ .... đến ..., một số nơi cao hơn như:..., độ ẩm phổ biến từ 50-60%.

Dự báo: Dự báo từ ngày (+1) đến ngày (+7), nắng nóng sẽ còn xảy ra trên những khu vực A đến khu vực B; nhiệt độ cao nhất phổ biến từ .... đến ... độ, có nơi trên .... độ, độ ẩm phổ biến từ 50-60%; Khu vực D đến khu vực C nhiệt độ cao nhất từ .... đến ... độ, có nơi trên .... độ, độ ẩm phổ biến từ 50-60%. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp...

Từ ngày .... nắng nóng có khả năng chấm dứt.

Cảnh báo: (khi hiện tượng nắng nóng có khả năng kéo dài trên 10 ngày) Cảnh báo từ ngày (+1) đến ngày(+11), nắng nóng sẽ còn xảy ra trên những khu vực A đến khu vực B.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai:

Từ ngày ... nắng nóng có khả năng chấm dứt.

Tin phát lúc:

Thời gian phát tin tiếp theo: Bản tin tiếp theo sẽ được phát lúc..., ngày..

Người xây dựng bản tin:

Chữ ký:

Người soát tin

Chữ ký

Phụ lục VI. 7.  Mẫu bản tin dự báo hạn hán thời hạn 10 ngày

TRUNG TÂM
KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN
QUỐC GIA
TRUNG TÂM DỰ BÁO
KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TRUNG ƯƠNG
(ĐÀI KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN KHU VỰC/ TỈNH)
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

……, ngày   tháng    năm 2016

BẢN TIN DỰ BÁO HẠN HÁN CHO KHU VỰC... TỪ NGÀY...ĐẾN...

1. Tình hình khí tượng thủy văn từ ngày (- 10 ) đến (hiện tại)

Lượng mưa

Diễn biến, tình hình mưa trên khu vực, tổng lượng mưa 10 ngày đã qua (mm). So sánh, đánh giá mức độ % thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ.

Tình hình thủy văn

Tình hình mực nước, dòng chảy trên các sông nhánh, sông chính trên khu vực 10 ngày đã qua, tổng lượng nước trên lưu vực. So sánh, đánh giá mức độ % thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ.

Tình hình các hồ thủy lợi, thủy điện chính trên lưu vực

- So sánh mực nước thượng lưu các hồ chứa hiện tại với mực nước dâng bình thường; mực nước chết của hồ (nếu mực nước hồ gần mực nước chết) (chênh lệch mực nước - m).

- So sánh dung tích trữ hiện tại với dung tích trữ thiết kế của hồ (tỷ lệ % W m3).

Tỉnh

Tên hồ chứa

Thiết kế (TK)

Thực đo

Chênh lệch mực nước

Tỷ lệ

W

TĐ/TK

(%)

.....

Mực nước H (m)

Dung tích W

(106 m3)

Mực nước

Dung tích

Ngày

So với TK

Ngày

So với TK

2. Dự báo hạn hán từ ngày (+1) đến (+10)

2.1 Dự báo mưa

Dự báo từ ngày (+1) đến ngày (+10), diễn biến mưa trên lưu vực; tổng lượng mưa có khả năng từ ..mm đến ..mm, so sánh mức độ cao, thấp với TBNN cùng kỳ.

2.2 Dự báo dòng chảy

Dự báo từ ngày (+1) đến ngày (+10), diễn biến tình hình mực nước trên các sông nhánh, sông chính.

Tổng lượng dòng chảy trên các sông nhánh, sông chính so sánh với mức với TBNN cùng kỳ (cao, thấp hơn bao nhiêu %).

2.3 Nhận định tình hình hạn hán

- Tình hình thiếu hụt mưa, không mưa, thiếu hụt dòng chảy chung trên toàn khu vực.

- Cảnh báo khu vực hạn hán còn tiếp diễn 10 ngày tới.

- Tình hình thời tiết, tỷ lệ %  thiếu hụt mưa, dòng chảy trong 10 ngày tới.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai:

Tin phát lúc:

Thời gian phát tin tiếp theo: Bản tin tiếp theo sẽ được phát lúc..., ngày...

Người xây dựng bản tin:

Chữ ký:

Người soát tin

Chữ ký

Phụ lục VI. 8.  Mẫu bản tin cảnh báo hạn hán thời hạn tháng, mùa

TRUNG TÂM
KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN
QUỐC GIA
TRUNG TÂM DỰ BÁO
KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TRUNG ƯƠNG
(ĐÀI KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN KHU VỰC/ TỈNH)
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

……, ngày   tháng    năm 2016

BẢN TIN CẢNH BÁO HẠN HÁN CHO KHU VỰC... THÁNG (MÙA)...

1. Tình hình thời tiết, nguồn nước tháng, mùa (-1)

Tình hình thời tiết khu vực

Tình hình thời tiết, diễn biến mưa trên khu vực, tổng lượng mưa tháng đã qua (mm). So sánh, đánh giá mức độ % thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) tháng cùng kỳ.

Tình hình thủy văn

Tình hình, diễn biến dòng chảy trên các sông nhánh, sông chính trên khu vực trong tháng qua, tổng lượng nước tại các trạm thủy văn trên lưu vực.

So sánh, đánh giá mức độ % thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ.

Tình hình các hồ thủy lợi, thủy điện chính trên lưu vực

So sánh mực nước thượng lưu các hồ chứa hiện tại với mực nước dâng bình thường; mực nước chết của hồ (nếu mực nước hồ gần mực nước chết) (chênh lệch mực nước - m).

So sánh dung tích trữ hiện tại với dung tích trữ thiết kế của hồ (tỷ lệ % W m3).

Tỉnh

Tên hồ chứa

Thiết kế (TK)

Thực đo

Chênh lệch mực nước

Tỷ lệ

W

TĐ/TK

(%)

.....

Mực nước H (m)

Dung tích W

(106 m3)

Mực nước

Dung tích

Ngày

So với TK

Ngày

So với TK

2. Cảnh báo hạn hán tháng (mùa)...

2.1 Nhận định tình hình thời tiết

Nhận định diễn biến thời tiết chính trên khu vực, diễn biến mưa; tổng lượng mưa có khả năng từ ..mm đến ..mm, so sánh mức độ cao, thấp với TBNN tháng cùng kỳ.

2.2 Tình hình dòng chảy tháng

Nhận định diễn biến tình hình mực nước tháng trên các sông nhánh, sông chính.

Tổng lượng dòng chảy trên các sông nhánh, sông chính so sánh với mức với TBNN cùng kỳ (cao, thấp hơn bao nhiêu %).

2.3 Nhận định tình hình hạn hán

- Tình hình thiếu hụt mưa, không mưa, thiếu hụt dòng chảy trên toàn khu vực.

- Cảnh báo khu vực hạn hán còn tiếp diễn, cảnh báo tình hình mưa, tổng lượng dòng chảy thiếu hụt so.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai:

Tin phát lúc

Thời gian phát tin tiếp theo: Bản tin tiếp theo sẽ được phát lúc..., ngày...

Người xây dựng bản tin:

Chữ ký:

Người soát tin

Chữ ký

Phụ lục VI. 9.  Mẫu bản tin dự báo xâm nhập mặn thời hạn 10 ngày

TRUNG TÂM
KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN
QUỐC GIA
TRUNG TÂM DỰ BÁO
KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TRUNG ƯƠNG
(ĐÀI KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN KHU VỰC/ TỈNH)
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

……, ngày   tháng    năm 2016

BẢN TIN DỰ BÁO XÂM NHẬP MẶN KHU VỰC... TỪ NGÀY...ĐẾN...

1. Tóm tắt tình hình xâm nhập mặn từ ngày ... đến ...

Diễn biến xâm nhập mặn cao nhất hàng ngày có xu thế tăng dần từ ngày .. đến ngày ..., sau đó giảm.

Độ sâu xâm nhập mặn xuất hiện trong các ngày ...khoảng cách xâm nhập mặn tính từ cửa các sông ... khoảng ...km.

Khu vực xã, huyện chịu ảnh hưởng độ mặn lớn nhất trong 5, 10 ngày đã qua.

Độ mặn cao nhất đo được:

* Trên sông ...:

- tại vị trí...: ...‰ , ngày

Độ mặn 4 ‰ trên các sông chính xâm nhập đến:

- Sông ...: xã ...huyện (cách cửa sông khoảng ...km).

2. Dự báo xâm nhập mặn từ ngày...đến...

Diễn biến xâm nhập mặn cao nhất hàng ngày có xu thế tăng dần từ ngày .. đến ngày ..., ít biến đổi từ ngày ...đến ..., sau đó giảm.

Độ mặn xâm nhập sâu nhất có khả năng xuất hiện từ ngày ... đến ... với tình hình cụ thể sau:

* Trên sông ...:

- tại vị trí...: ...‰ , ngày

Độ mặn 4 ‰ trên các sông chính có khả năng xâm nhập đến:

- Sông ...: xã ...huyện (cách cửa sông khoảng ...km).

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai:

Tin phát lúc

Thời gian phát tin tiếp theo: Bản tin tiếp theo sẽ được phát lúc..., ngày...

Người xây dựng bản tin:

Chữ ký:

Người soát tin

Chữ ký

Phụ lục VI. 10.  Mẫu bản tin cảnh báo xâm nhập mặn thời hạn tháng, mùa

TRUNG TÂM
KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN
QUỐC GIA
TRUNG TÂM DỰ BÁO
KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TRUNG ƯƠNG
(ĐÀI KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN KHU VỰC/ TỈNH)
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

……, ngày   tháng    năm 2016

BẢN TIN DỰ BÁO XÂM NHẬP MẶN KHU VỰC THÁNG...

1. Tóm tắt tình hình xâm nhập mặn tháng …

Diễn biến xâm nhập mặn cao nhất trong tháng xuất hiện từ ngày ... đến.

Độ mặn trung bình tháng… , so với TBNN.

Độ sâu xâm nhập mặn lớn nhất tháng xuất hiện từ ngày … đến …; khoảng cách xâm nhập mặn tính từ cửa các sông ... khoảng ...km.

Khu vực xã, huyện chịu ảnh hưởng độ mặn lớn nhất trong tháng qua.

Độ mặn cao nhất đo được:

* Trên sông ...:

- tại vị trí...: ...‰ , ngày xuất hiện…

- tại vị trí...: ...‰ , ngày xuất hiện…

Độ mặn 4 ‰ trên các sông chính xâm nhập đến:

- Sông ...: xã ...huyện (cách cửa sông khoảng ...km).

- Sông ...: xã ...huyện (cách cửa sông khoảng ...km).

2. Cảnh báo xâm nhập mặn tháng

Độ mặn trung bình tháng …, so với TBNN.

Xâm nhập mặn cao nhất có khả năng xuất hiện trong khoảng.. ngày.

Độ mặn xâm nhập sâu nhất có khả năng xuất hiện từ ngày ... đến ...

Cảnh báo: Độ mặn 4 ‰ trên các sông chính có khả năng xuất hiện từ ngày…đến ngày…; xâm nhập đến:

- Sông ...: xã ...huyện (cách cửa sông khoảng ...km).

- Sông ...: xã ...huyện (cách cửa sông khoảng ...km).

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai:

Tin phát lúc

Thời gian phát tin tiếp theo: Bản tin tiếp theo sẽ được phát lúc..., ngày...

Người xây dựng bản tin:

Chữ ký:

Người soát tin

Chữ ký

Phụ lục VI. 11.  Địa chỉ cung cấp tin dự báo, cảnh báo

TT

Địa chỉ

Ghi chú

I. Nơi phát tin cảnh báo là Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương

1

Website cá nhân, tổ chức làm dự báo (nếu có)

2

VOV giao thông

3

Văn phòng Trung ương Đảng

4

Văn phòng Chính phủ

5

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai

6

Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn

7

Bộ Quốc phòng

8

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

9

Bộ Giao thông vận tải

10

Bộ Tài nguyên và Môi trường

11

Đài Truyền hình Việt Nam

12

Đài Tiếng nói Việt Nam

13

Thông tấn xã Việt Nam

14

Báo Nhân dân

15

Các cơ quan khác (Theo thỏa thuận với các cơ quan thuộc Trung tâm KTTV quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường)

II. Nơi phát tin cảnh báo là các Đài KTTV khu vực/ tỉnh

1

Website của Đài KTTV khu vực/tỉnh (nếu có)

2

VOV giao thông (nếu có)

3

Văn phòng tỉnh ủy

4

Văn phòng UBND tỉnh

5

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh

6

Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh

7

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh

8

Báo hàng ngày của tỉnh

9

Các cơ quan khác (Theo thỏa thuận với Đài KTTV khu vực/ tỉnh)

PHỤ LỤC VII.

MẪU BẢN TIN DỰ BÁO, CẢNH BÁO  DÔNG, SÉT, TỐ, LỐC, MƯA ĐÁ, MƯA LỚN CỤC BỘ

1. Nhận dạng các loại mây liên quan đến thời tiết nguy hiểm như tố, lốc và mưa đá từ số liệu ra đa

a. Hiện tượng tố

Phản hồi vô tuyến đường tố quan trắc được trên màn hình ra đa phần lớn được thể hiện thành hình cánh cung. Phản hồi vô tuyến hình cánh cung được coi là dấu hiệu của tố mạnh. Cơ chế kiến tạo phản hồi vô tuyến hình cánh cung của một đường tố do hội tụ gió gây nên được minh họa trên Hình 1. Sự sắp xếp của các đám này phụ thuộc vào tác dụng tương hỗ của hai đới gió phía trước và phía sau chúng. Nếu gió phía sau mạnh thì các đám mây sẽ di chuyển theo hướng gió phía sau nhưng vẫn bị gió phía trước cản lại. Kết quả là các đám mây sẽ sắp xếp theo hình cánh cung.

Hình 1. Cơ chế kiến tạo nên phản hồi vô tuyến hình cánh cung của đường tố

b. Hiện tượng lốc

- Hình 2 là mặt cắt thẳng đứng của phản hồi vô tuyến một đám mây đối lưu có lốc. Lõi mây với độ phản hồi lớn mật độ dày (trên 40 dBZ) thể hiện thành cột thẳng đứng với độ nghiêng không đáng kể. Hình đe của mây thể hiện có hội tụ mạnh ở phía dưới và phân kỳ mạnh ở phía trên.

Hình 2. Mặt cắt thẳng đứng phản hồi vô tuyến của đám mây có lốc

- Trên mặt cắt ngang xiên với một góc cao nào đó (PPI) hoặc trên mặt cắt ngang (CAPPI) phản hồi vô tuyến của cơn lốc thể hiện dưới dạng hình móc câu. Những đám phản hồi vô tuyến thuộc dạng này thường là dấu hiệu hiện tượng có gió xoáy trong đám mây. Hình 3a và 3b minh họa cơ chế gây gió xoáy và biểu hiện của nó là phản hồi vô tuyến hình móc câu.

Hình 3a. Dòng chuyển động xoáy gây nên phản hồi vô tuyến dạng hình móc câu

Hình 3b. Phản hồi vô tuyến dạng hình móc câu của cơn lốc

- Ngoài dạng hình móc câu của đám siêu lớn độc lập, rất nhiều trường hợp các đám hình móc câu ở trong một dãy các đám tập hợp trong đường tố. Hình 4 là ví dụ điển hình. Những đám cỡ nhỏ có hình móc câu là những nơi có xác suất xảy ra lốc cao trong tập hợp các đám trong dải phản hồi vô tuyến các đám mây đối lưu quan trắc được.

Thunderstorms-_scattering_intensity-_tn_and_ky

Hình 4. Các đám  phản hồi vô tuyến hình móc câu của các cơn lốc tập hợp trong đường tố.

- Một dạng khác của phản hồi vô tuyến cơn lốc là dạng hình chữ “U”(có tài liệu gọi là hình chữ “V”). Trong trường hợp này lốc xảy ra trong một dải mây đối lưu liên quan đến một đường tố mạnh. Hình 5 là một ví dụ điển hình về dạng phản hồi này.

Hình 5. PHVT hình chữ “U” của cơn  lốc

c. Hiện tượng mưa đá

- Trên mặt cắt thẳng đứng RHI có một vùng phản hồi yếu (Weak echo region- WER), đặc biệt là khi phía trên nó có một vùng phản hồi mạnh với độ phản hồi lớn (Hình 6). Mưa đá sẽ xảy ra với dòng thăng mạnh khi có những dấu hiệu sau:

+ Vùng WER lớn.

+ Phân kỳ mạnh ở phía trên.

+ Độ phản hồi vô tuyến lớn so với giá trị chung của mùa.

+ Có “lõi” PHVT mạnh “treo” lơ lửng ở phía trên.

Hình 6. Một dạng thể hiện của vùng phản hồi yếu (Weak echo region- WER).

- Phản hồi vô tuyến mặt cắt RHI có dạng hình các ngón tay xòe ra từ một bàn tay được coi là dạng PHVT có khả năng gây mưa đá lớn nhất.

Hình 7 là hình ảnh tiêu biểu của phản hồi vô tuyến mây mưa đá có dạng hình ngón tay. Sự tồn tại của dạng phản hồi này có thể được giải thích như sau: trong đám mây đối lưu chỉ có một số nơi có dòng thăng mạnh tồn tại trong một phạm vi hẹp. Chính những dòng thăng cục bộ này sẽ đẩy hạt mưa lên cao hơn những hạt của vùng xung quanh và kết quả là những hạt trong vùng dòng thăng cục bộ này nhận được điều kiện thuận lợi để hóa băng và gây nên mưa đá.

Hình 7. Phản hồi vô tuyến mây mưa đá có dạng hình ngón tay.

Mưa đá chỉ xảy ra trong những đám mây có độ cao đỉnh mây vượt quá tầng 00C, điều kiện cần thiết để tồn tại các hạt băng trong đó.

2. Ước lượng mưa tiềm năng tương đối từ sản phẩm ra đa

Dựa vào mối quan hệ Marshall-Palmer giữa cường độ mưa và độ PHVT ta có thể đưa ra ước lượng mưa của vùng mây dông cảnh báo (Bảng 1)

Bảng 1: Giá trị cường độ mưa ước lượng từ độ PHVT.

Độ phản hồi vô tuyến từ sản phẩm PPI hoặc CAPPI

Cường độ mưa có khả năng

30-40dBZ

5-15mm/h

40-50 dBZ

15-50mm/h

Trên 55 dBZ

> 100 mm/h

3. Nhận dạng các loại mây liên quan đến hiện tượng thời tiết nguy hiểm tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ từ số liệu vệ tinh

- Sản phẩm xác định vùng mây đối lưu mạnh thường gây ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm thể hiện bằng màu hồng đậm (Hình 8 trái).

- Sản phẩm ảnh tổ hợp (kết hợp giữa các kênh phổ hồng ngoại, cận hồng ngoại và thị phổ: các đám mây dông Cb thể hiện bằng thang màu đỏ, đối với thang màu vàng và da cam cũng ứng với mây dông (Cb) nhưng thành phần của mây chủ yếu là các hạt nước nhỏ hơn so với thang màu đỏ (Hình 8 phải)

Hình 8. Bản đồ xác định vùng mây đối lưu mạnh (trái) và phân loại mây (phải).

- Dự báo viên, ngoài việc xem xét sản phẩm ảnh tổ hợp, cần phân tích chi tiết mối quan hệ giữa suất phản xạ albedo trên ảnh VIS và nhiệt độ đỉnh mây trên ảnh IR (Hình 9).

QuanheIR_VIS

Hình 9. Biểu đồ thể hiện mối quan hệ giữa suất phản xạ albedo (độ chói sáng) trên ảnh VIS và nhiệt độ đỉnh mây trên ảnh IR đối với các loại mây.

Việc phân tích cả hai kênh phổ (trong trường hợp ban ngày) sẽ giúp ta loại bỏ các dạng mây Ci không gây ra thời tiết nguy hiểm (Hình 10)

ir

vis

Hình 10. Minh họa ảnh IR (trái) và VIS (phải) cùng một thời điểm giúp phân tích rõ các loại mây cần quan tâm.

4. Ước lượng lượng mưa tiềm năng tương đối từ sản phẩm vệ tinh

Hình 11  mô tả ước lượng lượng mưa từ số liệu vệ tinh

Hình 11. Đánh giá cường độ mưa từ số liệu vệ tinh (phải)

5. Mẫu bản tin

Mẫu 1: Trong trường hợp mây đối lưu từ nơi khác di chuyển tới khu vực cảnh báo

TRUNG TÂM
KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN
QUỐC GIA
TRUNG TÂM DỰ BÁO
KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN
TRUNG ƯƠNG
(ĐÀI KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN KHU VỰC/ TỈNH)
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

……, ngày   tháng    năm 2016

CẢNH BÁO MƯA DÔNG TRÊN PHẠM VI ĐÀI KTTV KHU VỰC ..........

Hiện nay: Qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, ra đa thời tiết cho thấy trên khu vực phía Tây Bắc thành phố (thị xã) xuất hiện những đám mây đối lưu khá mạnh. Hiện những đám mây đối lưu này có xu hướng dịch chuyển và mở rộng về phía ......

Ảnh vệ tinh

Định vị sét

Ảnh ra đa

Cảnh báo: Trong khoảng 30 phút đến 01 giờ tới, những đám mây đối lưu này sẽ di chuyển tới khu vực......... gây ra mưa rào và dông, trong cơn dông có thể xuất hiện gió giật mạnh hoặc các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác như tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ cho các ....

Đề nghị Đài theo dõi và cảnh báo

Tin phát lúc:

PHÒNG ..........

Dự báo viên: Nguyễn văn A

Mẫu 2: Trong trường hợp mây đối lưu phát triển ngay tại khu vực cảnh báo

TRUNG TÂM
KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN
QUỐC GIA
TRUNG TÂM DỰ BÁO
KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN
TRUNG ƯƠNG
(ĐÀI KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN KHU VỰC/ TỈNH)
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

……, ngày   tháng    năm 2016

CẢNH BÁO MƯA DÔNG TRÊN PHẠM VI ĐÀI KTTV KHU VỰC ..........

Hiện nay: Qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, ra đa thời tiết cho thấy trên khu vực ...đang hình thành những đám mây đối lưu. Hiện những đám mây đối lưu này có xu hướng mở rộng và phát triển mạnh ngay trên khu vực......

Ảnh vệ tinh

Định vị sét

Ảnh ra đa

Cảnh báo:  Trong khoảng ......... tới, những đám mây này sẽ gây mưa dông cho khu vực ......, trong cơn dông có thể xuất hiện gió giật mạnh hoặc các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác như tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ cho các ....

Đề nghị Đài theo dõi và cảnh báo

Tin phát lúc:

PHÒNG ......

Dự báo viên: Nguyễn văn A

PHỤ LỤC VIII

MẪU BẢN TIN DỰ BÁO SÓNG CHO CÁC KHU VỰC TRÊN BIỂN ĐÔNG VÀ VEN BỜ VIỆT NAM

CƠ QUAN/TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ BÁO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

BẢN TIN DỰ BÁO SÓNG TRONG BÃO/ATNĐ/GIÓ MÙA MẠNH

Thời điểm thực hiện dự báo: 13h00 ngày 11 tháng 04 năm 2016

Vùng Biển

(Dự báo 24-48 giờ)

(Dự báo 48-72 giờ)

Sóng Biển

Ghi chú

Sóng Biển

Ghi chú

Độ cao sóng lớn nhất (m)

Hướng thịnh hành

Độ cao sóng lớn nhất (m)

Hướng thịnh hành

Nam vịnh Bắc Bộ

0,5 - 1,5

Đông Bắc

0,5 - 1,5

Đông Bắc

Quảng Trị đến Quảng Ngãi

2,0 - 4,0

Nhiều hướng

Cảnh báo

2,0 - 4,0

Nhiều hướng

Cảnh báo

Bắc Biển Đông

2,0 - 4,0

Đông Bắc

Cảnh báo

2,0 - 4,0

Đông Bắc

Cảnh báo

Giữa Biển Đông

2,0 - 3,0

Đông Bắc

Cảnh báo

2,0 - 3,0

Đông Bắc

Cảnh báo

Nam Biển Đông

2,0 - 3,0

Đông Bắc

Cảnh báo

2,0 - 3,0

Đông Bắc

Cảnh báo

Quần đảo Hoàng Sa

2,0 - 4,0

Đông Bắc

Cảnh báo

2,0 - 4,0

Đông Bắc

Cảnh báo

Quần đảo Trường Sa

2,0 - 3,0

Đông Bắc

Cảnh báo

2,0 - 3,0

Đông Bắc

Cảnh báo

Nhận định: Cảnh báo hiện trạng và nguy cơ các khu vực có sóng lớn

Thời điểm thực hiện bản tin dự báo tiếp theo: 19h00 ngày 11 tháng 04 năm 2016

Tin phát lúc: 15:30

Người xây dựng bản tin:                                   Chữ ký:

Người soát bản tin:                                           Chữ ký:

MINH HỌA VỀ TRƯỜNG SÓNG TRÊN BIỂN ĐÔNG VÀ VEN BỜ VIỆT NAM(PHÁT TRÊN WEBSITE CỦA TRUNG TÂM DỰ BÁO KTTV TRUNG ƯƠNG)

MINH HỌA VỀ BIẾN THIÊN THEO THỜI GIAN ĐỘ CAO SÓNG TẠI  MỘT ĐIỂM (PHÁT TRÊN WEBSITE CỦA TRUNG TÂM DỰ BÁO KTTV TRUNG ƯƠNG)

PHỤ LỤC 5. MẪU BẢN TIN DỰ BÁO NƯỚC DÂNG TRONG BÃO

CƠ QUAN/TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ BÁO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

BẢN TIN DỰ BÁO NƯỚC DÂNG VÀ TRIỀU CƯỜNG TRONG BÃO/ATNĐ/GIÓ MÙA

Thời điểm thực hiện dự báo: 13h00 ngày 11 tháng 04 năm 2016

TT

Tỉnh

Khu vực

Thời hạn dự báo (12, 24, 48, 72 giờ)

Độ cao nước dâng do bão lớn nhất (m)

Thời gian xuất hiện (tháng/ngày/ giờ

Độ cao mực nước tổng cộng lớn nhất (m)

Thời gian xuất hiện (tháng/ngày/ giờ)

1

Hải Phòng

Đồ Sơn

2,0

21/9/17

5,7

21/9/17

Vĩnh Bảo

2,1

21/9/18

5,6

21/9/17

2

Thái Bình

Tiền Hải

2,0

21/9/17

5,7

21/9/17

Ba Lạt

2,0

21/9/17

5,6

21/9/17

Diêm Điền

1,9

21/9/17

5,7

21/9/17

3

Nam Định

Quất Lâm

1,7

21/9/17

5,6

21/9/17

Xuân Trương

1,6

21/9/17

5,7

21/9/17

4

Ninh Binh

Ninh Cơ

1,1

21/9/17

5,6

21/9/17

Cảnh báo: Cảnh báo cho các khu vực có nước dâng do bão lớn, triều cường và nguy cơ ngập lụt do triều cường.

Thời điểm thực hiện bản tin dự báo tiếp theo: 19h00 ngày 11 tháng 04 năm 2016

Tin phát lúc: 15:30

Người xây dựng bản tin:                                   Chữ ký:

Người soát bản tin:                                           Chữ ký:

MINH HỌA VỀTRƯỜNG NƯỚC DÂNG LỚN NHẤT TRONG BÃO (PHÁT TRÊN WEBSITE CỦA TRUNG TÂM DỰ BÁO KTTVTƯ)

PHỤ LỤC 7. MINH HỌA VỀ BIẾN THIÊN ĐỘ CAO NƯỚC DÂNGTHEO THỜI GIAN TẠI  MỘT ĐIỂM (PHÁT TRÊN WEBSITE CỦA TRUNG TÂM)

MẪU TIN VỀ DỰ BÁO NHẬN ĐỊNH TRIỀU CƯỜNG CHO KHU VỰC TRUNG BỘ

CƠ QUAN/TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ BÁO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Thời điểm thực hiện dự báo: 13h00 ngày 11 tháng 04 năm 2016

TIN TRIỀU CƯỜNG KHU VỰC TRUNG BỘ

Khoảng nửa đêm và sáng sớm trong các ngày từ 12-15/04/2016, nước dâng dị thường do gió mùa kết hợp đỉnh triều có thể gây nên triều cường cao tới 2,5 m, gây ngập lụt một số khu vực trũng tại ven biển Tuy Hòa-Phú Yên.

Tin phát lúc: 15:30

Người xây dựng bản tin:                                   Chữ ký:

Người soát bản tin:                                           Chữ ký:

MẪU TIN VỀ CẢNH BÁO SƯƠNG MÙ TRÊN BIỂN

TRUNG TÂM
KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN
QUỐC GIA
TRUNG TÂM DỰ BÁO
KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN
TRUNG ƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: TTNH-02-01/KTHN

Hà Nội, ngày 02 tháng 03 năm 2016

TIN CẢNH BÁO SƯƠNG MÙ TRÊN VÙNG BIỂN VỊNH BẮC BỘ

Hiện nay (02/03), do ảnh hưởng của không khí lạnh suy yếu với trường gió Đông Nam nên ở Vịnh Bắc Bộ đã xuất hiện sương mù và sương mù nhẹ, làm tầm nhìn xa bị giảm xuống dưới 1km.

Dự báo trong sáng sớm và đêm nay (03/03), khu vực vịnh Bắc Bộ tiếp tục xuất hiện sương mù và xu hướng ngày một dày hơn, làm tầm nhìn xa bị giảm xuống dưới 1km. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Tin phát lúc: 04h30

Soát tin: Nguyễn Hữu Thành

TUQ. GIÁM ĐỐC
PHÓ TRƯỞNG PHÒNG DỰ BÁO KTHN

Nguyễn Văn Hưởng

GIÁM ĐỐC



Hoàng Đức Cường

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật về Quy trình dự báo khí tượng thủy văn nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.169

DMCA.com Protection Status
IP: 3.17.76.174
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!