VĂN PHÒNG
CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 475/TB-VPCP
|
Hà Nội ngày 18
tháng 11 năm 2023
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI HỘI NGHỊ
TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ 10 THÁNG THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 01/CT-TTG
NGÀY 03 THÁNG 01 NĂM 2023 VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY TRONG
TÌNH HÌNH MỚI
Sáng ngày 05 tháng 11 năm 2023,
tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị
trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg
ngày 03 tháng 01 năm 2023 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong
tình hình mới (Chỉ thị số 01/CT-TTg). Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính
phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đại diện lãnh đạo
các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện,
cấp xã[1]. Sau khi nghe Bộ
Công an báo cáo và ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm
Minh Chính đã kết luận như sau:
I. Tình hình
thực hiện nhiệm vụ
1. Đánh giá cao Bộ Công an và
các cơ quan liên quan đã chủ động đề xuất tổ chức, chuẩn bị tốt nội dung,
chương trình Hội nghị; báo cáo của Bộ Công an đã thẳng thắn đánh giá toàn diện
về tình hình, kết quả, hạn chế, tồn tại, khó khăn, chỉ ra nguyên nhân, trên cơ
sở đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng
cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH).
2. Công tác PCCC và CNCH đặt dưới
sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của cấp ủy Đảng, sự quản lý chặt
chẽ của chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.
Xác định công tác PCCC và CNCH có vị trí, vai trò và là nhiệm vụ quan trọng
trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; phải huy động sức mạnh,
nguồn lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân, bảo đảm an toàn cho người dân
và toàn xã hội ở mức cao nhất, hạn chế tối đa hậu quả, thiệt hại do cháy, nổ
gây ra.
3. Thời gian qua, các cấp, các
ngành, các địa phương, nòng cốt là lực lượng Công an đã nghiêm túc quán triệt,
quyết liệt tổ chức triển khai chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ, nhất là chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tăng cường
công tác PCCC và CNCH, qua đó đã đạt được một số kết quả nổi bật như: Tham mưu,
ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo; chủ động nghiên
cứu, phân tích, dự báo tình hình xác định đối tượng có nguy cơ cao để tập trung
quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm; đổi mới, tăng cường tuyên truyền, tập huấn,
hướng dẫn về PCCC; nỗ lực triển khai có hiệu quả công tác CNCH.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá
cao sự nỗ lực, kết quả mà các Bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong công tác
PCCC và CNCH thời gian qua, góp phần bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của
người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường an ninh, an toàn, sự bình yên cho cuộc
sống.
4. Tuy nhiên, bên cạnh những kết
quả đã đạt được, công tác PCCC và CNCH còn tồn tại, hạn chế, yếu kém cần khẩn
trương, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực để tập trung khắc
phục, cụ thể là:
a) Việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực
hiện công tác PCCC và CNCH có lúc, có nơi chưa hiệu quả, công tác thanh tra, kiểm
tra, xử lý vi phạm PCCC, trật tự xây dựng ở nhiều địa phương chưa nghiêm để xảy
ra xây dựng các công trình không tuân thủ quy định pháp luật về PCCC, chây ỳ,
không kịp thời khắc phục vi phạm.
b) Công tác tuyên truyền, phổ biến
pháp luật, nâng cao ý thức, kiến thức, kỹ năng của người dân trong PCCC và CNCH
nhìn chung chưa được coi trọng. Việc thực tập, diễn tập PCCC và CNCH tại một số
địa phương còn hạn chế, nặng về hình thức, chưa sát thực tế.
c) Một bộ phận người đứng đầu cơ
sở, chủ hộ gia đình, người dân còn chủ quan, lơ là chưa nhận thức đầy đủ tầm
quan trọng của công tác PCCC và CNCH và nguy cơ xảy ra cháy, nổ để chủ động bổ
sung các giải pháp bảo đảm an toàn cần thiết; thiếu kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm
khi xảy ra cháy, nổ.
d) Một số Bộ, ngành thực hiện
các nhiệm vụ được giao còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ; việc ban hành tiêu chuẩn,
quy chuẩn về PCCC còn chậm, chưa dự báo hết được tình hình, một số quy định còn
chưa phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế:
Cấp ủy các cấp ở nhiều địa phương chưa thật sự coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ
đạo, việc tổ chức thực hiện chưa nghiêm, chưa kịp thời cụ thể hóa các chỉ đạo của
Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác PCCC và CNCH; sự phối
hợp giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, hệ thống văn bản quy pháp pháp luật
lĩnh vực này thiếu đồng bộ; chưa huy động, tận dụng tối đa các nguồn lực xã hội
cho công tác PCCC và CNCH.
Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về những tồn tại, hạn chế, yếu kém nêu
trên, từ đó chấn chỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCCC và CNCH.
II. Các nhiệm
vụ và giải pháp chủ yếu thời gian tới
Để kịp thời khắc phục những tồn
tại, hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, người đứng đầu các Bộ, ngành, địa
phương phải thực sự trăn trở, trách nhiệm, tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu
quả các giải pháp, nhiệm vụ để nâng cao chất lượng công tác PCCC và CNCH, trong
đó cần tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
1. Tiếp tục quán triệt và triển
khai thực hiện hiệu quả, thực chất các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội,
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 47-CT/TW, Kết luận số
02-KL/TW của Ban Bí thư; Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội, Chỉ thị số
01/CT-TTg , Công điện số 825/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của đồng
chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tăng cường công tác PCCC.
2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ
đạo của cấp ủy Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả
quản lý nhà nước của chính quyền các cấp về PCCC, xây dựng, điện lực, kịp thời
khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót, nhất là ở cơ sở. Tiếp tục tổng rà soát,
kiểm tra về công tác PCCC, nhất là đối với chung cư, nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng,
nhiều căn hộ, cơ sở cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất,
kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao. Xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá
nhân, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) theo đúng quy định pháp luật,
không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
3. Huy động sức mạnh tổng hợp của
cả hệ thống chính trị, nguồn lực xã hội cho việc phát triển cơ sở vật chất, hạ
tầng, hậu cần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác PCCC và CNCH trong tình hình mới,
trong đó tập trung nâng cao năng lực của lực lượng PCCC; củng cố các lực lượng
tại khu dân cư, cơ sở; làm tốt công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch hạ tầng
(giao thông, nguồn nước...); xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa
các lực lượng làm nhiệm vụ chữa cháy và CNCH…
4. Đẩy mạnh hơn nữa công tác
tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức, trách
nhiệm, kiến thức, kỹ năng của người dân về PCCC và CNCH, nhân rộng các mô hình,
cách làm hay, điển hình về PCCC. Các phương tiện thông tin đại chúng ở trung
ương và địa phương dành thời lượng phù hợp, ưu tiên khung giờ nhiều người theo
dõi để tuyên truyền về công tác này.
5. Coi trọng và tập trung thực
hiện tốt công tác phòng ngừa từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, xác định đây là nhiệm
vụ chính, phải thực hiện thường xuyên, liên tục, bài bản; hoạt động chữa cháy,
CNCH phải chuyên nghiệp, hiện đại.
6. Phối hợp chặt chẽ giữa các
cơ quan, lực lượng đẩy mạnh việc xây dựng chính sách, pháp luật, hoàn thiện thể
chế, hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC phù hợp với điều kiện kinh tế,
xã hội của Việt Nam; nghiêm cấm “cài cắm” lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong
xây dựng chính sách, pháp luật. Việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về
PCCC không được gây phiền hà, khó khăn, không hợp pháp hóa sai phạm nhưng phải
có giải pháp tháo gỡ để bảo đảm quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, nhất
là khi “chuyển đổi trạng thái” phải có sự chuyển tiếp để người dân, doanh nghiệp
có thời gian chuẩn bị, khắc phục. Tiếp tục hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
cho người dân và doanh nghiệp về PCCC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại
Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2023.
III. Về các
nhiệm vụ cụ thể
1. Bộ Công an:
a) Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ
đề nghị xây dựng Luật PCCC và CNCH; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, nhất
là Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi quy định về PCCC, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
để bảo đảm thống nhất, giảm tối đa chi phí không cần thiết cho người dân và
doanh nghiệp.
b) Chỉ đạo thực hiện nghiêm quy
trình, quy chế thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC, kiểm tra an toàn về
PCCC và CNCH trên tinh thần công khai, minh bạch, không gây phiền hà cho người
dân và doanh nghiệp; nghiêm cấm các hành vi tiêu cực trong công tác này.
2. Bộ Xây dựng:
a) Khẩn trương hoàn thành tiêu
chuẩn Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế (trước ngày 31 tháng 12 năm
2023).
b) Nghiên cứu, ban hành hoặc đề
xuất cấp có thẩm quyền ban hành quy định cụ thể về cấp nước PCCC khi lập quy hoạch,
dự án xây dựng mới hoặc cải tạo đô thị, khu dân cư, đặc khu kinh tế, khu công
nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; ưu tiên mọi nguồn nước sử dụng cho
PCCC.
c) Nghiên cứu các quy định về
nguồn nước phục vụ PCCC (tuân thủ pháp luật về PCCC) trong Dự thảo Luật Cấp,
thoát nước và Nghị định hướng dẫn Luật Cấp, thoát nước thay thế Nghị định số
117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 (theo tiến độ ban hành văn bản quy phạm
pháp luật của Quốc hội).
d) Chỉ đạo các địa phương tăng
cường quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng; phối hợp
với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thanh tra toàn diện hoạt động quản lý xây
dựng nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, kịp thời phát hiện, xử lý
nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật (báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả
thực hiện trong tháng 12 năm 2023).
đ) Ban hành tài liệu hướng dẫn
giải pháp kỹ thuật tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các công trình hiện hữu
theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 825/CĐ-TTg ngày 15 tháng
9 năm 2023 (hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2023).
3. Bộ Công Thương:
a) Khẩn trương hoàn thiện dự án
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, trong đó nghiên cứu bổ sung quy định về sử
dụng điện an toàn sau công tơ để làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, tổ
chức, cá nhân. Trong thời gian chưa ban hành Luật này, cần có giải pháp trước mắt
để giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ do hệ thống, thiết bị điện.
b) Tăng cường quản lý rủi ro,
phối hợp rà soát các cơ sở kinh doanh, bảo quản hóa chất có nguy cơ cháy, nổ
cao ở khu dân cư, nơi tập trung đông người và di dời, bảo đảm các điều kiện an
toàn về PCCC và CNCH.
c) Chỉ đạo ngành điện tăng cường
tuyên truyền, hướng dẫn về an toàn PCCC trong sử dụng điện; thực hiện tổng rà
soát, kiểm tra, an toàn trong sử dụng điện đối với các công trình, cơ sở, hộ
gia đình, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo:
a) Khẩn trương thực hiện việc lồng
ghép kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại
khóa, trải nghiệm trong cơ sở giáo dục và đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kiến
thức, kỹ năng về PCCC và CNCH cho học sinh, sinh viên phù hợp với lứa tuổi.
b) Nghiên cứu, bổ sung kiến thức
chuyên môn về PCCC và CNCH vào chương trình đào tạo của các trường kỹ thuật có
chuyên ngành đào tạo công trình.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn: Xây dựng bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC rừng; phối hợp với các Bộ,
ngành, địa phương tăng cường công tác PCCC rừng; ứng dụng công nghệ trong cảnh
báo, phát hiện sớm nguy cơ cháy rừng (hoàn thành trong tháng 12 năm 2023).
6. Bộ Thông tin và Truyền
thông: Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường tuyên truyền
rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nâng cao cảnh
giác, ứng phó kịp thời với các sự cố cháy, nổ.
7. Đài Truyền hình Việt Nam,
Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí ở trung
ương, địa phương: Tăng thời lượng tuyên truyền, khuyến cáo cho người dân về kiến
thức, kỹ năng phòng ngừa cháy, nổ, thoát nạn.
8. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ
Tài chính: Nghiên cứu, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí nguồn
vốn đầu tư công đảm bảo cho công tác PCCC và CNCH theo quy định của pháp luật;
quan tâm cân đối để thực hiện Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021 - 2030, tầm
nhìn đến năm 2050.
9. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Khẩn trương hoàn thành việc rà soát, đánh giá để đề xuất sửa đổi, bổ sung theo
trình tự, thủ tục rút gọn Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2019 về
kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường cho phù hợp, trong đó nghiên cứu
sửa đổi quy định về cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường (hoàn
thành trong tháng 12 năm 2023).
10. Bộ Giao thông vận tải: Ban
hành Thông tư sửa đổi, bổ sung liên quan lĩnh vực vận tải đường bộ, trong đó
nghiên cứu lồng ghép nội dung hướng dẫn kỹ năng phòng, chống cháy, nổ, xử lý, ứng
phó với các sự cố, tai nạn vào nội dung đào tạo lái xe (hoàn thành trong tháng
12 năm 2023).
11. Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội: Nghiên cứu, ban hành Thông tư bổ sung danh mục ngành nghề, công việc
nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong lực
lượng Công an nhân dân, trong đó xem xét bổ sung công tác CNCH vào danh mục
ngành nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
12. Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương:
a) Coi trọng công tác PCCC và
CNCH, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, phải quan tâm lãnh đạo,
chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, thực chất các văn bản chỉ đạo
của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phù hợp với thực tiễn địa
phương; tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện,
nhất là ở cơ sở, không để tình trạng xảy ra vụ việc cháy, nổ mới quan tâm đến
công tác này. Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 47-CT/TW, Kết
luận số 02-KL/TW của Ban Bí thư. Các địa phương phải chỉ đạo triển khai và hoàn
thành đầy đủ các nhiệm vụ về PCCC được giao trong Chỉ thị số 01/CT-TTg .
b) Đối với các cơ sở đã rà soát
theo Công điện 825/CĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, phải
làm rõ sai phạm để xử lý kiên quyết, dứt điểm; trường hợp có dấu hiệu tội phạm
phải chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định; đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng
Chính phủ về việc xử lý này.
c) Chỉ đạo hoàn thành tổng rà
soát, kiểm tra an toàn PCCC, đưa ra giải pháp trước mắt và lâu dài bảo đảm hạn
chế cháy, nổ và giảm thiểu tối đa thiệt hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra (hoàn
thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2023).
d) Tăng cường quản lý quy hoạch
xây dựng, quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng; phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức
thanh tra toàn diện hoạt động quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ nhiều căn hộ có
nhiều tầng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật
(báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 12 năm 2023).
đ) Tiếp tục triển khai quyết liệt
công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm
dứt xảy ra cháy gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
e) Phối hợp với Bộ Công an thực
hiện hiệu quả Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm
2050, bảo đảm bảo đảm phù hợp với thực tiễn của địa phương và thống nhất, đồng bộ
với Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển
kinh tế, xã hội của địa phương.
13. Bộ trưởng, Thủ trưởng các
cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện quyết
liệt, nghiêm túc và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực
hiện Kết luận này nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác PCCC và CNCH thời
gian tới, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân và
doanh nghiệp; phải kiểm điểm trách nhiệm nếu để xảy ra tình hình cháy, nổ phức
tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản; định kỳ 6 tháng báo cáo Thủ
tướng Chính phủ kết quả triển khai thực hiện (qua Bộ Công an).
14. Giao Bộ Công an chủ trì, phối
hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương tổ chức
thực hiện nghiêm Kết luận này.
Văn phòng Chính phủ thông báo để
các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện./.
Nơi nhận:
- TTgCP, các PTTgCP (để báo cáo);
- Thường trực Ban Bí thư (để báo cáo);
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban QPAN của Quốc hội;
- TANDTC, VKSNDTC;
- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Các tập đoàn: Dầu khí Việt Nam, Điện lực Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam, Hóa
chất Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam;
- Các hiệp hội: BĐS Việt Nam, PCCC và CNCH Việt Nam,
Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, Các nhà thầu xâydựng Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN; Trợ lý TTg,
các Vụ: TKBT, TH, CN, PL, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, NC(2).Hải
|
BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
Trần Văn Sơn
|
[1] Đại diện lãnh đạo
các Bộ, cơ quan: CA, QP, NG, TP, TC, CT, LĐTBXH, GTVT, XD, TTTT, GDĐT, NNPTNT;
KHĐT, NV, YT, KHCN, VHTTDL, TNMT, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN; đại diện lãnh đạo
các tập đoàn: PVN, EVN, Petrolimex, Vinachem, TKV; đại diện lãnh đạo các hiệp hội:
BĐS Việt Nam, PCCC & CNCH Việt Nam, Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, Các nhà thầu
xây dựng Việt Nam; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc
TW; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện; chủ tịch UBND cấp xã và đại diện
lãnh đạo một số cơ quan, đoàn thể liên quan các cấp ở địa phương.