VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 365/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 07
tháng 8 năm 2024
|
THÔNG BÁO
Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN LƯU QUANG TẠI
BUỔI KIỂM TRA, CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ MƯA LŨ, SẠT LỞ ĐẤT VÀ TRIỂN
KHAI 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TẠI TỈNH ĐIỆN BIÊN
Từ ngày 04 - 05 tháng 8 năm
2024, thực hiện phân công của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần
Lưu Quang đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả đợt mưa lũ cuối
tháng 7 năm 2024 tại tỉnh Điện Biên, cùng tham gia đoàn công tác có đồng chí
Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lãnh đạo
Quân khu II, Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam)
và đại diện Văn phòng Chính phủ; phía địa phương có các đồng chí lãnh đạo Hội đồng
nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên và các cơ quan, đơn vị có liên quan của
tỉnh.
Chiều ngày 04 tháng 8 năm 2024,
Phó Thủ tướng đã đi thị sát các vị trí bị ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất,
thăm hỏi, động viên, trao quà cho các gia đình có người thân bị chết, mất tích
và động viên các lực lượng đang tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại bản Mường
Pồn 1, bản Lĩnh và bản Tin Tốc thuộc xã Mường Pồn, huyện Điện Biên; Phó Thủ tướng
chuyển lời thăm hỏi ân cần, lời chia buồn sâu sắc của Thủ tướng Chính phủ đến
các gia đình có người thân bị nạn, chia sẻ những khó khăn của địa phương, đặc
biệt là người dân các khu vực bị sạt lở đất, lũ quét.
Sáng ngày 05 tháng 08 năm 2024,
Phó Thủ tướng đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân
dân tỉnh và các cơ quan liên quan của tỉnh Điện Biên. Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh
Điện Biên báo cáo tình hình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng,
thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và công tác khắc phục hậu quả
thiên tai từ đầu năm đến nay, ý kiến của các đại biểu dự họp và các đề xuất, kiến
nghị của địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang có ý kiến chỉ đạo
như sau:
1. Về tình
hình phát triển kinh tế - xã hội và triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc
gia:
Đánh giá cao những cố gắng, nỗ
lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên trong phát
triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc phòng dù trong điều kiện còn nhiều khó
khăn; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, công tác cải cách hành chính có
nhiều tiến bộ, thu hút khách du lịch vượt mục tiêu đề ra; phát triển diện tích
một số nhóm cây trồng mang lại thu nhập cao cho người dân như mắc ca, cà
phê.... Tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương tổ chức trọng thể,
chu đáo, an toàn Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành và các sự kiện, hoạt động
trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên và Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng
Điện Biên Phủ. Để thực hiện tốt nhiệm vụ những tháng cuối năm, tỉnh triển khai
đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
và triển khai có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, coi đây là nhiệm vụ
chính trị đặc biệt quan trọng; rà soát, kiến nghị cụ thể với Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ về việc điều chỉnh Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm
2050 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch để kịp thời tháo gỡ vướng mắc liên quan đến
chỉ tiêu sử dụng đất, phát triển năng lượng tái tạo…
2. Về công tác
phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai:
Đánh giá cao công tác lãnh đạo,
chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên và các cấp ủy, chính quyền
cơ sở, sự vào cuộc của các cơ quan, đoàn thể, thực hiện tốt phương châm 4 tại
chỗ, kịp thời huy động lực lượng chức năng, bộ đội, công an, triển khai ứng
phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Để tập trung khắc phục nhanh hậu quả đợt mưa
lũ vừa qua, đồng thời chủ động lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên
tai trong thời gian tới, đề nghị Tỉnh chú trọng một số nhiệm vụ sau:
a) Về khắc phục hậu quả đợt mưa
lũ tháng 7 năm 2024
- Chủ động sử dụng ngân sách địa
phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để tập trung khắc phục nhanh hậu
quả đợt mưa lũ vừa qua; kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia
đình bị thiệt hại, nhất là các hộ có người bị chết, mất tích do thiên tai. Hỗ
trợ ổn định đời sống cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bảo đảm cung ứng
lương thực, nước sạch, nhu yếu phẩm cho người dân, nhất là đối với các hộ bị mất
nhà do lũ cuốn, sạt lở đất, hộ nghèo, hộ khó khăn có nguy cơ thiếu đói, kiên
quyết không để người dân đói, rét, không có chỗ ở.
- Khẩn trương khắc phục, khôi
phục các dịch vụ, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ hoạt động của nhân dân tại
khu vực bị thiên tai, nhất là y tế, giáo dục, điện, nước, giao thông, thủy lợi.
- Hỗ trợ, hướng dẫn người dân xử
lý ô nhiễm nguồn nước, tiêu độc khử trùng bảo đảm vệ sinh môi trường sau khi lũ
rút, không để xảy ra bùng phát dịch bệnh sau lũ.
b) Về nhiệm vụ trọng tâm trong
thời gian tới
Thời gian tới thiên tai còn diễn
biến phức tạp, nguy cơ xảy ra mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, mất an
toàn hồ đập là rất cao. Để chủ động ứng phó, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt
hại, kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống nhân dân, đề nghị các
các cấp ủy, chính quyền:
- Thực hiện nghiêm túc Công điện
số 75/CĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ;
- Theo dõi sát diễn biến, dự
báo, cảnh báo tình hình thời tiết; tiếp tục rà soát, hoàn thiện Kế hoạch,
phương án, kịch bản ứng phó đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên
địa bàn, nhất là phương án ứng phó bão, lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét, kể cả cho
các tình huống thời tiết cực đoan, không để bị động, bất ngờ, đảm bảo tuyệt đối
an toàn hồ, đập;
- Rà soát, kiểm tra, kịp thời
phát hiện và tổ chức di dời người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là
các hộ dân sinh sống tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét; trường
hợp chưa có điều kiện di dời ngay thì cần có phương án chủ động sơ tán để bảo đảm
an toàn tính mạng cho người dân khi xảy ra mưa lũ; tiếp tục triển khai có hiệu
quả Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện
Sơn La trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên
tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai
đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định
số 590/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2022) và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại
văn bản số 1769/TTg-NN ngày 22 tháng 12 năm 2021;
- Làm tốt hơn nữa công tác
thông tin, truyền thông về phòng, chống thiên tai, diễn biến mưa lũ, nguy cơ lũ
quét, sạt lở đất; kịp thời cung cấp thông tin để chính quyền cơ sở và người dân
chủ động, kịp thời chỉ đạo phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu đến mức thấp nhất
thiệt hại do thiên tai gây ra.
3. Về các đề
xuất, kiến nghị của tỉnh:
- Về đề nghị điều chỉnh giảm chỉ
tiêu, mục tiêu các xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn: Ngày 04 tháng 5 năm
2024, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 276/TTg-QHĐP ủy quyền Bộ trưởng Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã
hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc căn cứ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ
thể của từng Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
và tình hình thực tiễn để điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm
vụ cụ thể giai đoạn 2021-2025 của các địa phương đối với từng Chương trình quốc
gia. Đề nghị tỉnh có văn bản đề xuất cụ thể gửi Ủy ban Dân tộc để chủ trì, phối
hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ,
thẩm quyền được giao và quy định của pháp luật.
- Về đề nghị có chính sách hỗ
trợ đối với các xã sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới: Giao Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem
xét, giải quyết và có văn bản trả lời tỉnh.
- Về đề nghị có hướng dẫn để
các địa phương có thể triển khai quy định về mua sắm cây trồng, vật nuôi và những
hàng hóa dịch vụ do người dân trực tiếp sản xuất: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan
nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành, hoàn thành trong Quý
III/2024, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, không trái với quy định của pháp luật,
tránh lợi dụng chính sách.
- Về việc bổ sung kinh phí cho
các tỉnh để cấp bù kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng đối với các lưu vực có đơn giá
chi trả dịch vụ môi trường rừng thấp hơn mức bình quân hỗ trợ từ ngân sách nhà
nước để khuyến khích người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng và môi trường sinh
thái: Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18 tháng 7
năm 2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16
tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Lâm nghiệp, trong đó cho phép điều phối, điều tiết tiền dịch vụ môi trường rừng
để giảm chênh lệch tiền chi trả giữa các lưu vực thuộc các nhà máy thủy điện
khác nhau, đảm bảo công bằng hơn và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia
bảo vệ rừng. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với
các cơ quan liên quan nghiên cứu, có văn bản trả lời tỉnh trước ngày 31 tháng 8
năm 2024.
- Về việc ban hành Nghị định
thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông
nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh: Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình
Chính phủ xem xét trong Quý III/2024.
- Về kiến nghị bố trí hỗ trợ tỉnh
khoảng 330 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách trung ương để khắc phục hậu quả thiên
tai: Đề nghị tỉnh có văn bản cụ thể gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
để chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo
Thủ tướng Chính phủ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số
75/CĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2024.
Trước mắt, Thủ tướng Chính phủ
quyết định hỗ trợ khẩn cấp 10 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương
năm 2024 cho tỉnh Điện Biên để địa phương có thêm nguồn lực hỗ trợ nhân dân ổn
định đời sống ngay sau mưa lũ; giao Bộ Tài chính xử lý cụ thể theo quy định.
Văn phòng Chính phủ thông báo để
các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: NN&PTNT, QP, CA, TC, KHĐT, TNMT, GTVT, LĐTBXD, YT.
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Điện Biên;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: NC, KTTH, CN, KGVX;
- Lưu: VT, NN (2) PMC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Mai Thị Thu Vân
|