ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 77/QĐ-UBND
|
Lạng Sơn, ngày 17
tháng 01 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH LẠNG SƠN ĐẾN
NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường
ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Đa dạng sinh học
ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số
65/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học;
Căn cứ Quyết định số
79/2007/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch
hành động quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020
thực hiện Công ước Đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh
học;
Căn cứ Quyết định số 545/QĐ-TTg
ngày 09 tháng 05 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số
132/2013/NQ-HĐND ngày 12/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn về việc
thông qua Quy hoạch bảo tồn Đa dạng sinh học tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài
nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 17a/TTr-TNMT ngày 10 tháng 01 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt Quy hoạch bảo tồn Đa dạng sinh học tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, với nội
dung chủ yếu sau:
I. Các nội dung
chính của Quy hoạch
1. Mục tiêu tổng quát
Bảo tồn và nâng cao tính đa dạng
sinh học trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quản lý và phát triển các loài,
sinh cảnh bị suy thoái; duy trì và phát triển các nguồn gen quý hiếm; bảo vệ tốt
môi trường sinh thái, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của
tỉnh; xây dựng và nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo tồn đa dạng sinh
học của tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Đến năm 2015:
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của
cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học cho cán bộ cấp huyện, cấp xã và người dân
tại các khu bảo tồn thiên nhiên;
Củng cố, hoàn thiện và phát triển
hệ thống rừng đặc dụng, đẩy mạnh trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng góp phần
đưa tỷ lệ che phủ rừng lên 54% - 55%; hạn chế các vụ xâm hại đến rừng như chặt
phá, cháy rừng; xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát
triển rừng;
Nghiên cứu, đề xuất thêm 02 mô
hình khôi phục, phát triển rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, bảo tồn nguồn gen quý
dựa vào cộng đồng thông qua dự án “Nâng cao năng lực quản lý và sử dụng bền vững
tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng”;
Điều tra, đánh giá chi tiết đa dạng
sinh học phục vụ việc lập đề án các khu bảo tồn thiên nhiên.
2.2. Đến năm 2020:
Phát triển rừng bền vững, nâng độ
che phủ của rừng lên 60%; giảm thiểu tối đa các hoạt động khai thác trái phép
tài nguyên thiên nhiên và các đe dọa khác đến đa dạng sinh học;
Hoàn thành quy hoạch các khu bảo tồn
đa dạng sinh học, hình thành hệ thống hành lang đa dạng sinh học để kết nối các
hệ sinh thái; lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án khu bảo tồn
thiên nhiên cấp Quốc gia đối với khu rừng đặc dụng Hữu Liên - Hữu Lũng; 100%
các khu bảo tồn được điều tra, đánh giá mức độ đa dạng sinh học để làm cơ sở đề
xuất xây dựng khu bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh;
Bảo tồn, sử dụng và phát triển bền
vững đa dạng sinh học nông nghiệp: 50% các nguồn gen cây trồng, vật nuôi nông
nghiệp được điều tra, đánh giá; 50% các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, nhất
là các giống loài đặc hữu, quý, hiếm, có giá trị kinh tế được xây dựng chương
trình bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững;
Sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật:
90% các loài sinh vật ngoại lai xâm hại được đánh giá, thống kê đầy đủ, có kế
hoạch hành động kiểm soát ngăn chặn; 90% các điểm nuôi, kinh doanh và tiêu thụ
động vật hoang dã được quản lý và kiểm soát; 90% các loài động vật, thực vật
quý hiếm đã điều tra tại các khu bảo tồn trên địa bàn tỉnh có hồ sơ theo dõi.
3. Nội dung Quy hoạch
3.1. Quy hoạch bảo tồn các loài
động vật, thực vật quý hiếm
Quy hoạch bảo tồn các loại động vật:
gồm 21 loài lớp thú thuộc 6 bộ như bộ Cánh da, bộ Linh trưởng, bộ Thú ăn thịt,
bộ Móng guốc ngón chẵn, bộ gặm nhấm và bộ Thỏ; 13 loài lớp chim thuộc 5 bộ như
bộ Ngỗng, bộ Cắt, bộ Gà, bộ Sả và bộ Sẻ; 18 loài bò sát, lưỡng cư đang bị đe dọa
ở mức độ rất nguy cấp như Trăn đất, Rùa hộp ba vạch, Ếch gai, Rắn ráo, Kỳ đà nước,
Rắn hổ mang; 5 loài cá quý hiếm đang bị đe dọa ở mức rất nguy cấp như cá Măng
giả, cá Lăng chấm, cá Anh vũ, cá Ngựa bắc, cá Chiên và 2 loài đã bị tuyệt chủng
ngoài tự nhiên nhưng còn tồn tại ở điều kiện nuôi nhốt như cá Lợ thân thấp và
cá Chép gốc.
Quy hoạch bảo tồn đối với hệ thực
vật: gồm 57 loài thực vật tại tỉnh được xếp vào danh mục các loài quý hiếm có
cơ tuyệt chủng ở mức độ ít nguy cấp đến mức độ rất nguy cấp như Hoàng đàn, Ô rô
bà, Nghiến, Thảo thông, Cam thảo đá bia, Trai lý, Sến mật, Bách hợp, Ba kích.
3.2. Quy hoạch hệ thống các khu
bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học
Quy hoạch 5 khu bảo tồn đa dạng
sinh học:
- Khu bảo tồn thiên nhiên Hữu
Liên: Cấp bảo tồn là Khu bảo tồn thiên nhiên cấp Quốc gia với diện tích 8.293,4
ha. Ranh giới thuộc địa giới hành chính của toàn bộ xã Hữu Liên, một phần xã
Yên Thịnh, một phần xã Hòa Bình huyện Hữu Lũng; một phần xã Hữu Lễ huyện Văn
Quan và một phần xã Vạn Linh huyện Chi Lăng.
- Khu bảo tồn Mẫu Sơn: Cấp bảo tồn
là Khu bảo tồn loài sinh cảnh cấp tỉnh với diện tích 11.060 ha. Ranh giới nằm
trên địa bàn xã Mẫu Sơn huyện Lộc Bình và các xã Công Sơn, Mẫu Sơn huyện Cao Lộc.
- Khu bảo tồn Lâm Ca - Đồng Thắng:
Cấp bảo tồn là Khu bảo tồn loài sinh cảnh cấp tỉnh với diện tích: 6.214 ha.
Ranh giới nằm trên địa bàn xã Lâm Ca và Đồng Thắng huyện Đình Lập.
- Khu bảo tồn Bắc Sơn: Cấp bảo tồn
là Khu bảo tồn loài sinh cảnh cấp tỉnh với diện tích 1.088 ha. Ranh giới nằm
trên địa bàn xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn.
- Khu bảo tồn Mỏ Rẹ: Cấp bảo tồn
là Khu bảo tồn loài sinh cảnh cấp tỉnh với diện tích 2.302 ha. Ranh giới nằm
trên địa bàn các xã Nhất Hòa, Tân Hương và Vũ Lăng huyện Bắc Sơn.
Quy hoạch 02 hành lang đa dạng sinh
học của:
- Khu Bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên
và khu bảo tồn Mỏ Rẹ với diện tích 723 ha.
- Khu bảo tồn Mẫu Sơn và khu bảo tồn
Lâm Ca - Đồng Thắng với diện tích 2.184 ha.
4. Các giải pháp thực hiện Quy
hoạch
4.1. Công tác tuyên truyền: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật Đa
dạng sinh học và các văn bản có liên quan nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm,
phát huy tính chủ động của người dân vào việc tham gia bảo vệ rừng, bảo tồn và
phát triển bền vững đa dạng sinh học của tỉnh; giúp cộng đồng dân cư gắn bó cuộc
sống và thu nhập của mình với công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn
đa dạng sinh học.
4.2. Giải pháp về công tác quản
lý: Đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ
cấp huyện, cấp xã, đặc biệt là nhận thức và trách nhiệm về bảo tồn đa dạng sinh
học; rà soát, bổ sung, xây dựng các văn bản quy định về quản lý các khu bảo tồn
thiên nhiên theo Luật Đa dạng sinh học và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật.
4.3. Giải pháp kỹ thuật: Ứng dụng các mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững dựa vào cộng đồng
và nguồn tài nguyên sinh vật nhằm bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng
sinh học; phân định ranh giới, vị trí khu bảo tồn trên thực địa; phân khu bảo vệ
nghiêm ngặt trong khu bảo tồn; quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, thu thập
nguồn gen; theo dõi, tổ chức thu thập thông tin, số liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu
và lập báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học của khu bảo tồn; có biện pháp phòng,
trừ dịch bệnh trong khu bảo tồn; nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp khoa học
công nghệ để bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật.
4.4. Giải pháp xã hội: Xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, địa
phương trong tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng
sinh học; phát huy nguồn kiến thức, kỹ năng của người dân bản địa tại các địa
phương.
4.5. Giải pháp hợp tác: Tăng cường liên kết với các tỉnh lân cận và hợp tác quốc tế về bảo
tồn đa dạng sinh học, trong đó chú trọng việc trao đổi kinh nghiệm với các
chuyên gia; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực đào tạo, chuyển
giao công nghệ, tư vấn kỹ thuật về đa dạng sinh học.
4.6. Giải pháp về nguồn vốn: Đa dạng hóa các nguồn tài chính đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học
và tìm kiếm nguồn tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước. Ưu tiên lồng ghép
các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học vào các hoạt động phát triển kinh tế -
xã hội của các ngành, lĩnh vực.
5. Lộ trình và nguồn vốn thực
hiện Quy hoạch
5.1. Lộ trình thực hiện quy hoạch
a) Từ nay đến năm 2015:
Tăng cường công tác truyền thông
trên các thông tin đại chúng và tập huấn cho người dân, các tổ chức về tầm quan
trọng, giá trị của nguồn tài nguyên, tham gia bảo tồn, sử dụng đa dạng sinh học...
nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học;
Đào tạo các cán bộ truyền thông tới
cấp xã, nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp huyện,
cấp xã;
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn,
bảo vệ đa dạng sinh học và khai thác bền vững tài nguyên sinh vật; nhân rộng mô
hình khôi phục, phát triển rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, bảo tồn nguồn gen quý
dựa vào cộng đồng.
b) Từ năm 2016 đến năm 2020:
Tiếp tục nâng cao năng lực quản
lý, năng lực chuyên môn về bảo tồn đa dạng sinh học và nhận thức của cộng đồng;
Khảo sát, đánh giá chi tiết mức độ
đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên thiên nhiên để quy hoạch các khu bảo tồn
thiên nhiên và hành lang đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh;
Xây dựng các kế hoạch bảo tồn, sử
dụng và phát triển bền vững đa dạng sinh học về giống, loài, nguồn gen, sinh vật
và hệ sinh thái của tỉnh; tập trung điều tra cơ bản, hoàn thành bộ cơ sở dữ liệu
về đa dạng sinh học của tỉnh Lạng Sơn và các nguồn gen quý;
Hoàn thành công tác điều tra, đánh
giá tiềm năng, quy hoạch và phát triển mạng lưới du lịch sinh thái trên địa bàn
tỉnh;
Đầu tư nâng cấp khu bảo tồn thiên
nhiên trên địa bàn tỉnh theo các cấp đã quy hoạch.
5.2. Nguồn vốn thực hiện Quy hoạch
Vốn ngân sách Nhà nước (vốn sự
nghiệp kinh tế, vốn sự nghiệp nghiên cứu khoa học, vốn đầu tư phát triển, vốn sự
nghiệp đào tạo, nguồn vốn sự nghiệp môi trường...)
Vốn huy động từ cộng đồng (vốn huy
động từ các chủ rừng, từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và ở nước
ngoài cho quản lý an toàn sinh học theo quy định của pháp luật).
Vốn khác (vốn chi từ nguồn đầu tư
khác thông qua các chương trình, dự án hợp tác quốc tế song phương và đa
phương).
Tổng nhu cầu vốn là 84 tỷ đồng,
phân kỳ như sau:
- Từ nay đến năm 2015 là 14,5 tỷ đồng.
Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước là 4,5 tỷ đồng (Trung ương 50%, địa phương
50%); vốn huy động cộng đồng là 6 tỷ đồng; vốn khác là 4 tỷ đồng.
- Từ năm 2016 đến năm 2020 là 69,5
tỷ đồng. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước là 30 tỷ đồng (Trung ương 50%, địa
phương 50%); vốn huy động cộng đồng là 30 tỷ đồng; vốn khác là 9,5 tỷ đồng.
II. Tổ chức thực
hiện
Để thực hiện tốt Quy hoạch bảo tồn
đa dạng sinh học của tỉnh, đảm bảo hiệu quả, bảo vệ đa dạng sinh học trong quá
trình phát triển kinh tế - xã hội, các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực
hiện các nhiệm vụ cụ thể sau:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường: Là
cơ quan đầu mối có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và các huyện,
thành phố tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch. Bổ sung, điều chỉnh quy hoạch
các khu bảo tồn vào Quy hoạch sử dụng đất của tỉnh. Hàng năm tổng hợp đánh giá
kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo UBND tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài
chính: Cân đối, trình UBND tỉnh phân bổ các nguồn vốn, nguồn tài trợ để thực hiện
có hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung của Quy hoạch; phối hợp với Sở Tài nguyên
và Môi trường xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá việc thực hiện Quy hoạch.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố lập và
trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết khu bảo tồn cấp Quốc gia,
cấp tỉnh, hành lang đa dạng sinh học; xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện nhiệm
vụ bảo tồn đa dạng sinh học đã được quy hoạch.
4. Các Sở, Ban, ngành, UBND các
huyện, thành phố: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức
thực hiện tốt các nội dung liên quan trong Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của
tỉnh.
5. Trong quá trình tổ chức thực hiện
Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, các đơn vị có trách nhiệm thường xuyên cập
nhật các thông tin về công tác bảo tồn đa dạng sinh học, kịp thời báo cáo, đề
xuất giải pháp xử lý phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
của tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc
các Sở; Thủ trưởng các Ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố;
tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: TN&MT, XD, GTVT, TC, KH&ĐT, NN&PTNT, VHTT&DL;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 4;
- PCVP, KTN, KTTH, TH, NC, VX;
- Lưu VT, CVT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lý Vinh Quang
|