THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 539/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 16
tháng 04 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ BẢO TỒN HỔ GIAI ĐOẠN 2014 - 2022
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày
25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng
ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày
13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 32/2006/NĐ-CP
ngày 30 tháng 3 năm 2006 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý,
hiếm;
Căn cứ Nghị định số 160/2013/NĐ-CP
ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về tiêu chí
xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được
ưu tiên bảo vệ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ
giai đoạn 2014 - 2022 (dưới đây gọi tắt là Chương trình) gồm các nội dung chủ yếu
sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Bảo vệ, bảo tồn hổ, sinh cảnh và con
mồi của hổ, góp phần ngăn chặn sự suy giảm, từng bước phục
hồi, cải thiện và tăng số lượng hổ tự nhiên đến năm 2022 theo mục tiêu đã được
xác định tại Chương trình bảo tồn hổ toàn cầu mà Việt Nam
đã cam kết tham gia thực hiện.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn từ 2014 đến năm 2017:
- Xác lập các
khu vực ưu tiên phục hồi hổ, con mồi của hổ và sinh cảnh sống của chúng.
- Tăng cường quản lý, giám sát các hoạt
động nuôi hổ trên cả nước.
- Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa,
đấu tranh và xử lý các hành vi vi phạm về bảo tồn hổ và
con mồi của hổ.
- Tăng cường hoạt động bảo tồn liên
biên giới về hổ nói riêng và thiên nhiên nói chung.
b) Giai đoạn từ năm 2018 đến năm
2022:
- Xác lập đầy đủ các sinh cảnh ưu
tiên cho bảo tồn hổ.
- Ngăn chặn tình trạng săn bắt, buôn
bán, sử dụng trái phép các sản phẩm và dẫn xuất từ hổ.
- Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn
quần thể hổ, con mồi và sinh cảnh của chúng trong tự nhiên.
- Xây dựng và triển khai các chương trình
bảo tồn hổ ngoại vi nhằm tái thả hổ về sinh cảnh tự nhiên.
- Thiết lập cơ chế tài chính bền vững cho công tác bảo tồn thiên nhiên nói chung và bảo tồn hổ nói riêng.
II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI
1. Đối tượng
Các hoạt động của cơ quan, tổ chức,
cá nhân trong nước và ngoài nước có liên quan đến công tác
quản lý, bảo vệ, bảo tồn hổ, sinh cảnh và con mồi của hổ.
2. Phạm vi
- Đối với bảo tồn
nội vi tập trung vào các khu vực có khả năng còn hổ sinh sống; các khu vực có
tiềm năng phục hồi hổ ở các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên trong đó, tập
trung chủ yếu ở các Vườn quốc gia Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh),
Pù Mát (tỉnh Nghệ An), Yok Đôn (tỉnh Đắk Lắk), Chư Mom Ray (tỉnh Kon Tum) và
các Khu bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp (tỉnh Sơn La), Sông
Thanh (tỉnh Quảng Nam).
- Đối với các hoạt động thừa hành
pháp luật bảo tồn hổ tập trung vào nâng cao năng lực, hoàn thiện cơ chế, chính
sách và tăng cường phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế trong chống săn bắt, buôn bán, vận
chuyển, chế biến, sử dụng trái phép hổ trên cả nước.
III. NỘI DUNG
1. Xác lập khu vực ưu tiên bảo tồn hổ
a) Việc đánh giá hiện trạng và tiến
hành xác lập các khu vực ưu tiên bảo tồn hổ được thực hiện lồng ghép với các nội dung trong các Chương trình, Chiến
lược liên quan đã được phê duyệt như: Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam
giai đoạn 2006 - 2020; Chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn
biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030;
Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm
2030;
b) Điều tra, nghiên cứu, đánh giá mức
độ khả thi phục hồi hổ tại các khu vực có hổ sinh sống bao gồm các Vườn quốc
gia Pù Mát, Vũ Quang, Chư Mom Ray, Yok Đôn và các Khu bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp và Sông Thanh; đề xuất xây dựng các hành lang
bảo tồn sinh cảnh sống của hổ trong tự nhiên;
c) Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm
ngăn chặn và hạn chế những hành động gây tác động tiêu cực đến khu vực sinh sống
của hổ trong tự nhiên.
2. Xây dựng chương trình giám sát quần
thể hổ và con mồi của hổ trong tự nhiên
a) Xây dựng hệ thống các tiêu chí và
chỉ số phục vụ hoạt động giám sát, bảo tồn hổ và con mồi của
hổ trong tự nhiên;
b) Thực hiện các chương trình giám
sát biến động quần thể hổ và con mồi của hổ tại các sinh cảnh
ưu tiên dựa trên các tiêu chí và chỉ số đã được cấp thẩm quyền phê duyệt;
c) Thực hiện các hoạt động điều tra,
khảo sát nghiên cứu về hổ, con mồi của hổ và sinh cảnh của
hổ tại các khu vực ưu tiên;
d) Đánh giá, giám sát diễn thế sinh
thái các sinh cảnh ưu tiên bảo tồn hổ và các sinh cảnh khác
có tiềm năng bảo tồn hổ;
đ) Triển khai
các dự án nghiên cứu khoa học giám sát biến động quần thể hổ,
con mồi của hổ ngoài tự nhiên;
e) Nghiên cứu chuyển giao, áp dụng
các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới về quản lý, bảo vệ và
giám sát hổ, con mồi của hổ; khuyến khích các sáng kiến, giải pháp khoa học kỹ
thuật trong nước về quản lý, bảo vệ hổ và con mồi của chúng.
3. Tăng cường quản lý, giám sát hoạt
động gây nuôi bảo tồn hổ
a) Điều tra, thống kê và lập hồ sơ quản
lý toàn bộ số hổ đang được nuôi tại Việt Nam; thiết lập hệ
thống cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý, nhận dạng các cá thể
hổ nuôi (thực hiện qua hồ sơ gen, hình ảnh,
gắn chip điện tử và gắn thẻ đánh dấu);
b) Xây dựng và áp dụng chương trình
giám sát hổ tại các cơ sở nuôi nhốt hổ trên toàn quốc;
c) Đánh giá tác động của hoạt động
gây nuôi hổ tại các cơ sở gây nuôi đến công tác bảo tồn hổ tự nhiên;
d) Tập huấn nâng cao năng lực, kỹ
năng nhận dạng, quản lý hổ nuôi cho các cán bộ quản lý và thực thi luật của các
cơ quan liên quan;
đ) Xây dựng, thực hiện các chương
trình nghiên cứu về gây nuôi bảo tồn và tái thả hổ về vùng phân bố tự nhiên; thực
hiện chương trình di chuyển, thả lại, phục hồi quần thể hổ trong các sinh cảnh có hổ hoang dã phân bố. Trong đó, khuyến
khích sự tham gia của các cơ sở nuôi hổ hợp pháp trong việc thực hiện Chương
trình.
4. Tăng cường hiệu quả trong công tác
phòng ngừa, đấu tranh và xử lý các hành vi vi phạm về bảo tồn hổ và con mồi của
hổ.
a) Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung
các quy định pháp luật bảo vệ động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, trong đó tập trung vào bảo vệ hổ và con mồi của hổ nhằm ngăn chặn
các hành vi săn bắt, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, sử dụng các sản phẩm, dẫn
xuất của hổ trái phép;
b) Xây dựng tài liệu, giáo trình tập
huấn, lồng ghép vào các chương trình tập huấn thường xuyên của các ngành có
liên quan;
c) Thực hiện các chương trình đào tạo,
bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho các cán bộ thực thi pháp luật về bảo tồn hổ ở
các ngành: Công an, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng;
nội dung đào tạo, bồi dưỡng tập trung vào các vấn đề về
phòng, chống, ngăn chặn các hoạt động buôn bán, vận chuyển
trái phép hổ, sản phẩm, dẫn xuất của hổ và con mồi hổ;
d) Tăng cường trao đổi, chia sẻ thông
tin hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, điều tra và xử lý
các vụ án buôn bán, vận chuyển trái phép hổ xuyên biên giới;
đ) Xây dựng trung tâm lưu trữ quốc
gia cơ sở dữ liệu và các mẫu vật hổ; thực hiện kiểm kê và đánh dấu tất cả các mẫu vật hổ đang được
lưu giữ tại các cơ sở của tổ chức, cá
nhân, như: Bảo tàng, cơ sở trưng bày, vườn thú và lập hồ sơ quản lý.
5. Đẩy mạnh công tác truyền thông,
nâng cao nhận thức nhằm ngăn chặn việc sử dụng các sản phẩm từ hổ, con mồi của
hổ và động vật hoang dã trái phép:
a) Thực hiện đánh giá ảnh hưởng của
kinh tế - xã hội, văn hóa và lịch sử đối với công tác bảo tồn nói chung và bảo
tồn hổ nói riêng;
b) Điều tra về thái độ, nhu cầu thị
trường về tiêu thụ các sản phẩm từ hổ, con mồi của hổ và các loài nguy cấp,
quý, hiếm;
c) Tổ chức các hoạt động tăng cường
năng lực truyền thông cho các cơ quan thông tấn báo chí và
các bên có liên quan. Xây dựng và triển khai các chiến dịch truyền thông, nâng
cao nhận thức cộng đồng nhằm thay đổi thói quen và giảm nhu cầu sử dụng các sản
phẩm từ hổ trong y học cổ truyền, đồng thời khuyến khích cộng đồng tích cực
tham gia bảo tồn hổ;
d) Đưa việc giáo dục bảo tồn động vật, thực vật hoang dã vào các hoạt động giảng dạy ở các bậc phổ
thông;
đ) Nâng cao nhận thức của toàn xã hội
về các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ hổ và con mồi
của hổ.
e) Quản lý chặt chẽ hoạt động xuất bản
các tài liệu y học cổ truyền nhằm kiểm duyệt các nội dung
liên quan đến hướng dẫn sử dụng sản phẩm các loài nguy cấp, quý, hiếm trong
phòng và chữa bệnh.
6. Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, thiết
lập cơ chế tài chính phù hợp với yêu cầu nhằm tăng cường công tác bảo tồn hổ:
a) Đánh giá các nguồn lực và tiềm
năng hiện có dành cho bảo tồn hổ; đánh giá việc lồng ghép
và huy động các nguồn lực cho công tác quản lý, bảo tồn thiên nhiên tại khu vực
ưu tiên bảo tồn hổ;
b) Xây dựng cơ chế quản lý hiệu quả nhằm huy động, lồng ghép tối đa nguồn lực cho bảo tồn hổ.
Trong đó đặc biệt lưu ý cơ chế huy động nguồn kinh phí hỗ trợ, bổ sung từ khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng quốc tế
cho các khu vực ưu tiên bảo tồn hổ;
c) Vận hành có hiệu quả các nguồn tài
chính cho công tác bảo tồn hổ và các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
7. Tăng cường hợp tác liên biên giới
với các nước có chung đường biên giới, các nước trong khu vực và toàn cầu về
công tác bảo tồn hổ
a) Đề xuất xây dựng các khu bảo tồn hổ
liên biên giới dựa trên các đánh giá khoa học và tình hình thực tiễn. Xây dựng
các cơ chế hợp tác và kế hoạch hoạt động song phương giữa
Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia và Việt Nam - Trung Quốc trong bảo tồn liên biên giới. Tăng cường đấu tranh với các tội phạm
xuyên quốc gia trong buôn bán, vận chuyển trái phép các mẫu vật hổ;
b) Đẩy mạnh hợp tác về chia sẻ thông
tin giữa Việt Nam, các nước chung đường biên giới, các nước trong khu vực, các tổ
chức và các đối tác quốc tế trong công tác bảo tồn hổ;
c) Chủ động tham gia, thực hiện có trách nhiệm các Điều ước, hiệp ước quốc tế với các quốc gia thành viên,
các thể chế quốc tế liên quan đến công tác bảo tồn hổ và các loài động vật, thực
vật nguy cấp, quý, hiếm như Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật
hoang dã nguy cấp (CITES), Diễn đàn hổ toàn cầu (GTF),
Sáng kiến hổ toàn cầu (GTI), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Tổ chức hải quan thế
giới (WCO) trong các hoạt động nâng cao năng lực, huy động nguồn lực hỗ trợ bảo
tồn, thừa hành pháp luật và chia sẻ
thông tin liên quan;
d) Thiết lập ít nhất một khu bảo tồn
liên biên giới nơi có hổ phân bố tự nhiên giữa Việt Nam,
Lào và Campuchia.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện các hoạt động
trong Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ sẽ được lồng ghép trong nguồn ngân
sách thường xuyên được cấp cho các hoạt động về quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn
thiên nhiên, phòng chống buôn bán trái
phép động vật hoang dã; kế hoạch bảo
vệ và phát triển từng giai đoạn 2011 - 2020; các chương
trình truyền thông và các chương trình hiện có liên quan đến
phát triển vùng đệm của khu rừng đặc dụng.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan
trực thuộc Chính phủ và các tổ chức xã hội bảo đảm kinh phí thực hiện các
chương trình, dự án, nhiệm vụ về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường,
quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm từ nguồn ngân sách nhà nước chi thường xuyên theo kế hoạch hàng năm.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương bảo đảm kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện các
dự án, nhiệm vụ phục vụ cho hoạt động thuộc phạm vi quản lý của địa phương liên
quan đến bảo tồn thiên nhiên và quản lý các khu bảo tồn.
4. Khuyến khích, huy động các nguồn
kinh phí ngoài ngân sách nhà nước, sự hỗ trợ cả về kỹ thuật và tài chính từ cộng
đồng quốc tế để triển khai, thực hiện các nội dung của Chương trình này.
V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG
TRÌNH
Một số giải pháp chủ yếu sau được tập
trung thực hiện để đạt được mục tiêu của Chương trình:
1. Giải pháp về quy hoạch
a) Quy hoạch các khu vực ưu tiên bảo
tồn hổ được thực hiện lồng ghép với quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng đã được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 07 tháng 02 năm
2014 phê duyệt chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu
bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030;
b) Giai đoạn 2014 - 2017: Rà soát quy
hoạch rừng đặc dụng ưu tiên cho bảo tồn loài trong đó xác
định quy hoạch sinh cảnh ưu tiên cho bảo tồn và phục hồi hổ tự nhiên với diện
tích ước tính 500.000 ha;
c) Giai đoạn 2017 - 2022: Trên cơ sở
đánh giá hiệu quả quy hoạch trong giai đoạn trước, thực hiện việc điều chỉnh
quy hoạch sinh cảnh bảo tồn hổ phù hợp với thực tiễn.
2. Giải pháp về cơ chế chính sách
a) Xây dựng và
ban hành các hướng dẫn kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về nuôi hổ vì mục đích
phi thương mại;
b) Giai đoạn 2014 - 2017: Rà soát, bổ
sung, sửa đổi, hoàn thiện các chính sách nhằm thu hút nguồn lực tài chính, hỗ
trợ kỹ thuật để thực hiện Chương trình;
c) Giai đoạn 2017 - 2022: Tiếp tục rà
soát, đánh giá việc triển khai các chính sách bảo tồn thiên nhiên; bổ sung, sửa
đổi phù hợp với thực tiễn đã triển khai giai đoạn trước.
3. Giải pháp huy động nguồn lực
a) Hoàn thiện cơ chế và tăng cường phối
hợp giữa các Bộ, Ban, ngành, chính quyền địa phương trong thực hiện Chương
trình, trong đó tập trung vào công tác đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các
hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp, quý,
hiếm;
b) Thực hiện việc lồng ghép các nội
dung của Chương trình vào các chiến lược, kế hoạch, dự án, đề án và quy hoạch
phát triển của các ngành ở Trung ương và địa phương;
c) Tăng cường năng lực cho các cán bộ
quản lý và thực thi pháp luật về bảo tồn, bảo vệ hổ và con
mồi của hổ;
d) Bảo đảm kinh phí phù hợp cho công
tác quản lý, bảo vệ hổ, chú trọng đầu tư cho hoạt động bảo
tồn hổ ngoài tự nhiên và đấu tranh, phòng ngừa hoạt động
săn bắt, buôn bán, tiêu thụ hổ trái phép;
đ) Tạo cơ chế thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, chuyển giao công
nghệ phục vụ công tác quản lý và bảo tồn hổ;
e) Đề xuất và áp
dụng các cơ chế tài chính mới phù hợp với yêu cầu để đầu tư, hỗ trợ cho quản
lý, bảo tồn hổ và con mồi của hổ.
4. Giải pháp về khoa học và công nghệ
a) Ưu tiên thực hiện các nghiên cứu,
chuyển giao và áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến về quản lý, bảo vệ và giám sát hổ, con mồi của hổ và diễn thế sinh
thái;
b) Khuyến khích các sáng kiến, giải
pháp khoa học kỹ thuật trong nước về quản lý, bảo tồn, bảo vệ hổ, con mồi của hổ.
5. Giải pháp về tuyên truyền, giáo dục
và nâng cao nhận thức cho toàn xã hội trong thực hiện Chương trình
a) Thực hiện các chương trình truyền thông
về bảo tồn hổ, lồng ghép với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến văn bản quy
phạm pháp luật, bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã
nguy cấp, quý, hiếm;
b) Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn
về truyền thông cho các bên có liên quan, khuyến khích sự tham gia cộng đồng
trong công tác giáo dục, tuyên truyền về bảo tồn hổ.
6. Tăng cường hợp tác quốc tế về bảo
tồn hổ
a) Căn cứ nội dung của Chương trình
các cơ quan, địa phương có liên quan chủ động tăng cường hợp tác với các nước,
đặc biệt với các nước có chung đường biên giới để nâng cao hiệu quả kiểm soát
hoạt động buôn lậu hổ xuyên biên giới;
b) Tích cực tham gia và thực hiện các
điều ước quốc tế, các cơ chế hợp tác khu vực, các hợp tác song phương có liên
quan về quản lý, bảo vệ hổ;
c) Đa dạng hóa các hình thức hợp tác
song phương, đa phương với các quốc gia, tổ chức quốc tế
và khu vực về quản lý, bảo vệ hổ.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình với sự tham gia của các
Bộ, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh liên quan. Chịu
trách nhiệm tổ chức và hướng dẫn thực hiện Chương trình; chủ trì, phối hợp với
các Bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội
dung của Chương trình, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối vốn
đầu tư theo kế hoạch hàng năm để thực hiện Chương trình.
3. Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế cấp
phát, quản lý sử dụng, thanh quyết toán kinh phí thực hiện dự án theo quy định
của Luật Ngân sách nhà nước; chỉ đạo các lực lượng Hải quan, phối hợp chặt chẽ
với các cơ quan liên quan tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn
bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu trái phép mẫu vật hổ.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp
với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan thực hiện
quy hoạch, tuyên truyền bảo tồn đa dạng sinh học và các hoạt động khác liên
quan theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
5. Bộ Công an có trách nhiệm tăng cường
các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm vi phạm pháp luật về bảo vệ
hổ và các loài động vật hoang dã được pháp luật bảo vệ; đẩy mạnh công tác điều
tra, phát hiện và xử lý dứt điểm các hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép hổ
và con mồi của hổ; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin
với các cơ chế hợp tác quốc tế trong điều tra, xử lý các trường hợp buôn bán
xuyên biên giới mẫu vật hổ và các loài động vật, thực vật
hoang dã nguy cấp khác.
6. Bộ Y tế có trách nhiệm tổ chức
nghiên cứu, xác định và khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế việc sử dụng
các sản phẩm từ hổ và các loài được bảo vệ trong y học cổ truyền; ban hành văn
bản quản lý hướng dẫn, chỉ đạo về việc không sử dụng và cấm quảng cáo các loài
được pháp luật bảo vệ trong phòng và chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền.
7. Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng
Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tăng cường tổ chức
kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu trái
phép mẫu vật hổ.
8. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ, các Ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương căn cứ vào Chương trình, xây dựng và thực hiện các hoạt động của
Bộ, ngành và địa phương mình.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị
trực thuộc, công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (3b).
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Hoàng Trung Hải
|