ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 423/QĐ-UBND
|
Bắc Ninh, ngày 13
tháng 9 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI SINH HOẠT TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH BẮC NINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020;
Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày
10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp
chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của
Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn;
Căn cứ Thông tư số 02/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của
Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo
vệ môi trường;
Căn cứ Thông báo số 506-TB/TU ngày 10/7/2013 của
Tỉnh ủy về Thông báo kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy về một số giải pháp xử
lý các bãi rác trên địa bàn tỉnh;
Căn cứ Kết luận số 116-KL/TU ngày 14/4/2021 của
Tỉnh ủy Bắc Ninh về việc “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày
08/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với
công tác bảo vệ môi trường và Đề án Tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh
giai đoạn 2019-2025”;
Căn cứ các Nghị quyết của HĐND tỉnh: số
167/NQ-HĐND ngày 17/4/2019 về việc thông qua đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh
Bắc Ninh giai đoạn 2019-2025; số 357/NQ-HĐND ngày 12/4/2021 về việc điều chỉnh,
bổ sung Nghị quyết số 167/NQ-HĐND ngày 17/4/2019 của HĐND tỉnh về việc thông
qua đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019-2025; số
02/2022/NQ-HĐND ngày 30/3/2022 quy định một số chính sách đầu tư, hỗ trợ xử lý
ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh;
Căn cứ Quyết định số 222/QĐ-UBND ngày 09/5/2019 của
UBND tỉnh về phê duyệt Đề án tổng thể BVMT tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019-2025;
Căn cứ kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại phiên
họp giao ban Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh số 19/TB-UBND ngày 28/7/2023;
Căn cứ kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại
thông báo số 851-KL/TU ngày 08/9/2023, về Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý
chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh;
Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại
Tờ trình số 237/TTr-STMMT ngày 25/7/2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thu gom, vận chuyển
và xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế
Quyết định số 421/QĐ-UBND ngày 08/9/2023 của UBND tỉnh.
Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh; các Sở, ban,
ngành trực thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ đầu tư các
nhà máy đốt rác phát điện, các lò đốt rác thông thường trên địa bàn tỉnh Bắc
Ninh và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- TTTU, TTHĐND tỉnh;
- Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Bí thư các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Báo Bắc Ninh, Đài PTTH tỉnh, Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, NN.TN, XDCB, KGVX, NC, KTTH.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vương Quốc Tuấn
|
KẾ HOẠCH
THU
GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
(Ban hành Kèm theo Quyết định số: 423/QĐ-UBND ngày 13/9/2023 của UBND tỉnh)
I. Mục đích, yêu cầu
1. Mục đích
- Thu gom, vận chuyển, xử lý triệt để chất thải rắn
sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh
lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.
- Từng bước giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường
do CTRSH gây ra, đặc biệt là tại các địa phương chưa có nhà máy xử lý chất thải
tập trung, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội bền vững.
- Phân bổ lượng rác từ các địa phương về các nhà
máy xử lý CTRSH công nghệ cao phát năng lượng đảm đáp ứng đủ công suất xử lý.
2. Yêu cầu
- Các cấp, ngành tập trung chỉ đạo và tổ chức thực
hiện việc triển khai công tác quản lý, thu gom chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH)
trên địa bàn đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn tại địa
phương.
- Chất thải rắn sinh hoạt phải được thu gom, vận
chuyển và xử lý theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chất thải.
II. Nội dung kế hoạch
1. Hiện trạng phát sinh, thu
gom và xử lý
1.1. Hiện trạng phát sinh
Hiện nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát
sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.150 tấn/ngày đêm và mỗi năm tăng thêm từ 7-10%,
trong đó: Thành phố Bắc Ninh khoảng 240 tấn/ngày đêm, thị xã Quế Võ khoảng 140
tấn/ngày đêm, thị xã Thuận Thành khoảng 120 tấn/ngày đêm, huyện Gia Bình khoảng
60 tấn/ngày đêm, Thành phố Từ Sơn khoảng 200 tấn/ngày đêm, huyện Tiên Du khoảng
150 tấn/ngày đêm, huyện Yên Phong khoảng 180 tấn/ngày đêm, huyện Lươmg Tài khoảng
60 tấn/ngày đêm.
1.2. Công tác thu gom, vận chuyển
Hiện nay, việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn
sinh hoạt do các đơn vị dịch vụ (Công ty, Hợp tác xã) thực hiện. Ngoài
ra, tại một số xã khu vực nông thôn việc thực hiện thu gom là do UBND xã thành
lập các tổ, đội thu gom (giao cho các tổ chức, đoàn thể của xóm hoặc người
dân thực hiện). 100% các địa phương đã thành lập được các tổ, đội thu gom
rác thải từ hộ gia đình đến điểm tập kết. Toàn tỉnh hiện có 11 đơn vị thực hiện
việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt với tổng số trên 30 xe chuyên dụng, cơ
bản các xe đã được gắn các thiết bị GPS để theo dõi, kiểm soát lộ trình thu
gom.
- Thành phố Bắc Ninh: Công ty Cổ phần Môi trường và
Công trình Đô thị Bắc Ninh thu gom, vận chuyển.
- Thành phố Từ Sơn: Công ty Môi trường đô thị Từ
Sơn (TNHH), Công ty TNHH xử lý môi trường Từ Sơn và Công ty TNHH Môi trường đô
thị Hương Mạc thu gom, vận chuyển.
- Huyện Yên Phong: Công ty Cổ phần và dịch vụ Môi
trường xanh Yên Phong thu gom, vận chuyển.
- Huyện Tiên Du: Công ty TNHH Tân Trường Lộc thu
gom, vận chuyển.
- Thị xã Thuận Thành: Công ty Cổ phần Môi trường
Thuận Thành thu gom, vận chuyển.
- Thị xã Quế Võ: Công ty Cổ phần Môi trường Quế Võ,
Công ty TNHH Môi trường đô thị Hưng Phát thu gom, vận chuyển.
- Huyện Gia Bình: Công ty Cổ phần đường bộ Bắc
Ninh, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Thiện Tâm thu gom, vận chuyển.
- Huyện Lương Tài: Công ty TNHH Môi trường đô thị
Hưng Phát thu gom, vận chuyển.
1.3. Thực trạng xử lý
Trên địa bàn tỉnh hiện đã triển khai xây dựng và
đưa vào hoạt động 03 khu xử lý tập trung và 09 lò đốt chất thải sinh hoạt công
suất nhỏ và trung bình. Đồng thời đang triển khai đầu tư xây dựng 03 dự án xử
lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung công nghệ cao phát năng lượng.
*. Đối với các khu xử lý CTRSH tập trung
- Khu xử lý chất thải tại xã Phù Lãng, thị xã Quế
Võ: Hiện tại có Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt thuộc Công ty TNHH Môi
trường đô thị Hùng Phát với công suất 300 tấn/ngày đêm đang xử lý cho thành phố
Bắc Ninh và thị xã Quế Võ.
- Khu xử lý chất thải tại xã Ngũ Thái, thị xã Thuận
Thành: Hiện có Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt thuộc Công ty Cổ phần Môi
trường Thuận Thành với công suất 275 tấn/ngày đêm đang xử lý cho toàn bộ địa
bàn thị xã Thuận Thành.
- Khu xử lý chất thải tại xã Cao Đức, huyện Gia
Bình: Hiện có Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt thuộc Công ty cổ phần đầu
tư phát triển Thiện Tâm đang vận hành xử lý cho huyện Gia Bình với công suất 70
tấn/ngày đêm.
*. Đối với các lò đốt CTRSH công suất nhỏ và
trung bình
- Đối với thành phố Từ Sơn: Hiện tại có 05 lò đốt
đang hoạt động, trong đó 01 lò đốt với công suất 48 tấn/ngày đêm tại phường Phù
Khê, 01 lò đốt công suất 48 tấn/ngày đêm tại phường Châu Khê, 01 lò đốt với
công suất là 48 tấn/ngày đêm tại phường Đình Bảng, 01 lò công suất 48 tấn/ngày
đêm tại phường Đồng Nguyên, 01 lò công suất 96 tấn/ngày đêm tại phường Hương Mạc.
- Đối với huyện Tiên Du: Hiện tại có 01 lò đốt
VINABIMA thuộc Công ty TNHH Tân Trường Lộc tại xã Tri Phương, huyện Tiên Du với
công suất 36 tấn/ngày đêm, đang xử lý cho thị trấn Lim và xã Tri Phương; 01 lò
đốt HT 5000-RT03 thuộc Công ty TNHH xử lý môi trường Từ Sơn với công suất 120 tấn/ngày
đêm sẽ xử lý cho xã Hoàn Sơn; chất thải sinh hoạt của các xã còn lại hiện đang
được lưu giữ và xử lý tạm thời tại các điểm tập kết.
- Đối với huyện Yên Phong: Hiện tại có 02 lò đốt với
công suất 50-55 tấn/ngày đêm tại Thị trấn Chờ và thôn Phù Lưu xã Trung nghĩa để
xử lý rác thải cho thị trấn, xã Long Châu, Trung Nghĩa; các xã còn lại hiện được
thu gom, vận chuyển về xử lý một phần tại 02 lò đốt, còn lại được lưu giữ và xử
lý tạm thời tại các điểm tập kết. Khu xử lý chất thải tập trung của huyện đã thực
hiện xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và lựa chọn được nhà đầu tư. Tuy
nhiên chưa triển khai thi công được do người dân chưa đồng thuận, dự án đường
vào khu xử lý chưa thực hiện giải phóng mặt bằng xong.
*. Các dự án xử lý CTRSH công nghệ cao phát năng
lượng:
- Dự án “Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công
nghệ cao phát năng lượng” tại Khu xử lý chất thải tập trung xã Phù Lãng, thị xã
Quế Võ thuộc Công ty Cổ phần môi trường Năng lượng Thăng Long. Dự án đang triển
khai xây dựng, dự kiến hoàn thành và hoạt động vào tháng 10/2023. Công suất xử
lý 500 tấn/ngày đêm, công suất phát điện 8-11 MWh.
- Dự án “Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập
trung phát điện tại xã An thịnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh (Nhà máy điện
rác Lương Tài)” thuộc Công ty TNHH năng lượng mới EU-Conch Venture Bắc
Ninh. Dự án cơ bản đã hoàn thiện, dự kiến hoạt động vào tháng 8/2023. Công suất
xử lý 300 tấn/ngày đêm, công suất phát điện 6 MWh.
- Dự án “Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công
nghệ cao phát năng lượng” tại xã Ngũ Thái thị xã Thuận Thành thuộc Công ty TNHH
năng lượng xanh T&J. Dự án đang trong triển khai xây dựng, dự kiến hoàn
thành và hoạt động vào quý IV năm 2023. Công suất xử lý 500 tấn/ngày đêm, công
suất phát điện từ 11 - 13 MWh.
2. Kế hoạch phân bổ chất thải
rắn sinh hoạt
Căn cứ vào hiện trạng phát sinh chất thải rắn sinh
hoạt (CTRSH) tại các địa phương, năng lực xử lý của các khu xử lý tập trung và
lò đốt rác công suất nhỏ và trung bình tại các địa phương; căn cứ vào tiến độ
triển khai xây dựng của các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung công
nghệ cao phát năng lượng, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử
lý CTRSH trên địa bàn tỉnh như sau:
2.1. Nhà máy xử lý CTRSH công nghệ cao phát
năng lượng tại xã Ngũ Thái, thị xã Thuận Thành
Toàn bộ khối lượng CTRSH phát sinh hàng ngày tại
các địa phương: thị xã Thuận Thành, huyện Tiên Du và thành phố Từ Sơn sẽ được
thu gom, vận chuyển về Nhà máy xử lý CTRSH công nghệ cao phát năng lượng tại xã
Ngũ Thái, thị xã Thuận Thành thuộc Công ty TNHH năng lượng xanh T&J để xử
lý.
2.2. Khu xử lý CTRSH tập trung phát điện tại
xã An thịnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh (Nhà máy điện rác Lương Tài)
Toàn bộ khối lượng CTRSH phát sinh hàng ngày tại
các địa phương: huyện Yên Phong, Gia Bình, Lương Tài sẽ được thu gom, vận chuyển
về Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung phát điện tại xã An thịnh, huyện
Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh (Nhà máy điện rác Lương Tài) thuộc Công ty TNHH năng
lượng mới EU-Conch Venture Bắc Ninh để xử lý.
2.3. Nhà máy xử lý CTRSH công nghệ cao phát
năng lượng tại xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ
Toàn bộ khối lượng CTRSH phát sinh hàng ngày tại
các địa phương: Thị xã Quế Võ và thành phố Bắc Ninh sẽ được thu gom, vận chuyển
về Nhà máy xử lý CTRSH công nghệ cao phát năng lượng tại xã Phù Lãng, thị xã Quế
Võ thuộc Công ty Cổ phần môi trường Năng lượng Thăng Long để xử lý.
2.4. Đối với các khu xử lý CTRSH tập trung
UBND các huyện, thị xã và thành phố sẽ ngừng cung cấp
chất thải rắn sinh hoạt về các nhà máy đốt rác tập trung bằng công nghệ thông
thường khi các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung công nghệ cao phát
năng lượng đi vào hoạt động. Trường hợp Chủ đầu tư các nhà máy đốt rác tập trung
muốn tiếp tục hoạt động thì cho phép điều chỉnh các giải pháp công nghệ để đảm
bảo hoạt động đáp ứng yêu cầu về môi trường.
2.5. Đối với các lò đốt CTRSH công suất nhỏ
và trung bình
Tiếp tục xử lý CTRSH phát sinh hàng ngày tại các
xã, phường có lò đốt rác đến hết năm 2025 theo Đề án tổng thể bảo vệ môi trường
tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019 - 2025 nếu đảm bảo Lò đốt hoạt động tốt, xử lý hiệu
quả, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh làm ảnh hưởng đến đời sống, tạo bức
xúc của dân cư trong khu vực.
III. Tổ chức thực hiện
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Hàng năm tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch của
các cơ quan, đơn vị báo cáo UBND tỉnh.
- Kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung các giải
pháp cụ thể để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
- Chủ trì tổ chức kiểm tra, giám sát công tác xử lý
chất thải tại các nhà máy đốt rác phát điện trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện
ký hợp đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt với Chủ đầu tư nhà máy đốt rác phát
điện.
3. Sở Tài chính
Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phân bổ kinh phí
sự nghiệp môi trường cho các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố
theo phân cấp quản lý ngân sách và quy định hiện hành.
4. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì tổ chức
lựa chọn các đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn theo
quy định; chỉ đạo các phòng, ban, chức năng, UBND cấp xã xây dựng lộ trình thu
gom để đảm bảo thu gom triệt để lượng rác thải sinh hoạt phục vụ các nhà máy đốt
rác phát điện khi đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch.
- Chủ trì, trực tiếp ký hợp đồng thực hiện dịch vụ
thu gom, vận chuyển và xử lý với các đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển và Chủ
đầu tư nhà máy đốt rác phát điện theo địa bàn được phân công trong kế hoạch.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người
dân thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt nguồn.
- Vận hành đảm bảo hoạt động hiệu quả, vệ sinh môi
trường đối với các điểm tập kết rác thải; tiếp tục áp dụng các biện pháp xử lý
tại chỗ (đánh đống, phun chế phẩm, dùng vật liệu chống thấm bao phủ bề mặt...)
đối với các điểm tập kết còn rác tồn đọng.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác thu gom,
vận chuyển, khối lượng rác về các Nhà máy xử lý CTRSH công nghệ cao phát năng
lượng và Nhà máy điện rác Lương Tài; việc sử dụng kinh phí hỗ trợ thu gom, vận
chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn đảm bảo đúng quy định.
- Tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả giám sát vận
chuyển và khối lượng xử lý CTRSH trong tháng vào ngày 10 của tháng kế tiếp và
báo cáo hàng năm thực hiện Kế hoạch về UBND tỉnh thông qua Sở Tài nguyên và Môi
trường.
- Thường xuyên giám sát, đánh giá tình hình hoạt động
của các lò đốt CTRSH công suất nhỏ và trung bình, báo cáo UBND tỉnh cho dừng hoạt
động đối với các lò đốt không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường xung quanh làm ảnh
hưởng đến đời sống, tạo bức xúc của dân cư trong khu vực.
5. Đối với các Chủ đầu tư Nhà máy xử lý CTRSH
công nghệ cao phát năng lượng
- Yêu cầu triển khai dự án đúng tiến độ, hoàn thiện
các thủ tục pháp lý có liên quan theo quy định của pháp luật trước khi đưa nhà
máy đi vào vận hành thử nghiệm.
- Trong quá trình vận hành nhà máy, xử lý các loại
chất thải phát sinh đảm bảo các quy chuẩn môi trường hiện hành.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch
các cơ quan, đơn vị có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Sở Tài
nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.