ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 391/QĐ-UBND
|
Ninh Bình, ngày
10 tháng 6 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC VÀ
BẢO TỒN NGUỒN GEN PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TỈNH NINH BÌNH ĐẾN NĂM 2030, TẦM
NHÌN ĐẾN NĂM 2040”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đa dạng sinh học
ngày 28 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Khoa học và Công
nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Nghị quyết số
36-NQ/TW ngày 30 tháng 01 năm 2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng
công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới;
Nghị quyết 189/NQ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2023 của Chính phủ ban hành Chương
trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW;
Căn cứ Quyết định số
3268/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 12 năm 2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Kế
hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 189/NQ-CP ngày 16 tháng 11
năm 2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số
36-NQ/TW;
Căn cứ Kế hoạch số 120-KH/TU
ngày 11 tháng 4 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển và ứng dụng
công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới; Kế
hoạch số 105/KH-UBND ngày 16 tháng 6 năm 2023 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị
quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 120-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh
ủy;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 564/TTr-KHCN ngày 16 tháng 5 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt Đề án “Phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học và Bảo tồn nguồn gen phục
vụ phát triển bền vững tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040” (Có
Đề án chi tiết kèm theo).
Điều 2. Giao
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ
chức triển khai thực hiện Đề án.
Điều 3. Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Chánh
Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn
vị, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện,thành phố;
- Lưu: VT, VP6,3,5.
TN_VP6_17.QĐ
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Tống Quang Thìn
|
ĐỀ ÁN
“PHÁT TRIỂN, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC VÀ BẢO TỒN NGUỒN
GEN PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TỈNH NINH BÌNH ĐẾN NĂM 2030 TẦM NHÌN ĐẾN NĂM
2040”
(Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-UBND
ngày tháng 6 năm 2024 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình)
I. THÔNG TIN
CHUNG VỀ ĐỀ ÁN
1. Tên đề án: Phát triển,
ứng dụng công nghệ sinh học và Bảo tồn nguồn gen phục vụ phát triển bền vững tỉnh
Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Thuộc: Kế hoạch số
105/KH-UBND ngày 16 tháng 6 năm 2023 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết
số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 120-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước
trong tình hình mới.
2. Căn cứ pháp lý
Luật Khoa học và Công nghệ; Nghị
định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật
Khoa học và Công nghệ; Luật Đa dạng sinh học; Nghị định của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học;
Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 04
tháng 3 năm 2005 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công
nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Kết luận
số 06-KL/TW, ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục triển
khai thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW;
Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30
tháng 01 năm 2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học
phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới; Nghị quyết số
52-NQ/TW, ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính
sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết
189/NQ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động
thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW;
Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày
28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bảo
tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết
định số 553/QĐ-TTg , ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc
phê duyệt “Kế hoạch tổng thể phát triển Công nghệ sinh học đến năm 2030”; Quyết
định số 429/QĐ-TTg , ngày 24 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc
phê duyệt Đề án “Phát triển công nghiệp sinh học ngành Nông nghiệp đến năm
2030”; Quyết định số 1600/QĐ-TTg , ngày 22 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính
phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương
đến năm 2030”; Quyết định số 150/QĐ-TTg , ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững
giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 3268/QĐ-BKHCN ngày 28
tháng 12 năm 2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Kế hoạch hành động triển
khai thực hiện Nghị quyết số 189/NQ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2023 của Chính phủ
ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW;
Kế hoạch số 120-KH/TU ngày 11
tháng 4 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển và ứng dụng công nghệ
sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới; Kế hoạch số
105/KH-UBND ngày 16 tháng 6 năm 2023 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số
36-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 120-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về
phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước
trong tình hình mới.
II. TÍNH CẤP
THIẾT CỦA ĐỀ ÁN
1. Phân
tích, đánh giá các yếu tố tự nhiên, kinh tế xã hội
1.1. Vị trí địa lý
Ninh Bình là tỉnh nằm ở cực Nam
của vùng đồng bằng sông Hồng, cách Hà Nội hơn 90km về phía Nam, diện tích tự
nhiên khoảng 1.400km2, nằm trên tuyến giao thông huyết mạch Bắc - Nam; tiếp
giáp với các tỉnh: Hòa Bình, Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa và biển Đông.
Tỉnh có vị trí địa lý lý tưởng
để phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại
hóa, hội nhập cùng khu vực: thuộc khu vực kinh tế trọng điểm của đồng bằng Bắc
Bộ, liền kề với tam giác kinh tế phát triển của cả nước là: Hà Nội - Hải Phòng
- Quảng Ninh.
1.2. Đặc điểm địa hình
Ninh Bình nằm trong vùng tiếp
giáp giữa vùng Đồng bằng sông Hồng với dải đá trầm tích phía Tây và nằm ở điểm
mút của cạnh đáy tam giác châu thổ sông Hồng, tiếp giáp với biển Đông nên có địa
hình đa dạng, biến đổi từ vùng núi đồi ở phía Tây, Tây Bắc đến vùng đồng bằng
trũng xen kẽ núi đá vôi, tiếp đến là vùng Đông Nam có đồng bằng phì nhiêu. Xen
giữa 2 vùng lớn là vùng chiêm trũng chuyển tiếp. Ninh Bình có cả rừng sản xuất
và rừng đặc dụng các loại. Có 4 khu rừng đặc dụng gồm rừng Cúc Phương; rừng môi
trường Vân Long; rừng văn hóa, lịch sử, môi trường Hoa Lư và rừng phòng hộ ven
biển Kim Sơn.
Địa hình của tỉnh bao gồm 3
vùng rõ rệt: Vùng đồi núi, vùng đồng bằng và vùng ven biển.
- Vùng đồi núi và bán sơn địa:
Vùng này nằm ở phía Tây và Tây
Nam của tỉnh, bao gồm các khu vực phía Tây Nam huyện Nho Quan và thành phố Tam
Điệp, phía Tây huyện Gia Viễn, phía Tây Nam huyện Hoa Lư và Tây Nam huyện Yên
Mô. Diện tích toàn vùng này khoảng 35.000ha, chiếm 24% diện tích tự nhiên toàn
tỉnh. Độ cao trung bình từ 90-120m. Đặc biệt khu vực núi đá có độ cao trên
200m. Đỉnh Mây Bạc với độ cao 648m là đỉnh núi cao nhất Ninh Bình.
Vùng này tập trung tới 90% diện
tích đồi núi và diện tích rừng của tỉnh, do đó rất thuận lợi để phát triển các
ngành công nghiệp như: Sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất mía đường, chế biến
gỗ, chế biến hoa quả, du lịch, chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, dê…), trồng cây
ăn quả (dứa, vải, na…), trồng cây công nghiệp dài ngày như chè và trồng rừng…
- Vùng đồng bằng:
Bao gồm: Thành phố Ninh Bình,
huyện Yên Khánh, huyện Kim Sơn và một phần diện tích của các huyện khác trong tỉnh,
diện tích khoảng 101 nghìn ha, chiếm 71,1% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, là nơi
tập trung dân cư đông đúc nhất tỉnh, chiếm khoảng 90% dân số toàn tỉnh. Vùng
này độ cao trung bình từ 0,9÷1,2m, đất đai chủ yếu là đất phù sa được bồi và
không được bồi. Tiềm năng phát triển của vùng là nông nghiệp: Trồng lúa, rau
màu, cây công nghiệp ngắn ngày. Về công nghiệp có cơ khí sửa chữa tàu, thuyền,
chế biến lương thực, thực phẩm, công nghiệp dệt, may, thương nghiệp dịch vụ,
phát triển cảng sông.
- Vùng ven biển:
Ninh Bình có trên 18km bờ biển.
Vùng này thuộc diện tích của 4 xã ven biển huyện Kim Sơn là: Kim Trung, Kim Hải,
Kim Đông, Kim Tân, diện tích khoảng 6.000ha, chiếm 4,2% diện tích tự nhiên toàn
tỉnh. Vùng ven biển và biển Ninh Bình đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ
sinh quyển thế giới. Hiện có một đảo thuộc Ninh Bình là đảo Cồn Nổi.
Đất đai ở đây còn nhiễm mặn nhiều
do mới bồi tụ nên đang trong thời kỳ cải tạo, vì vậy chủ yếu phù hợp với việc
trồng rừng phòng hộ (sú, vẹt), trồng cói, trồng một vụ lúa và nuôi trồng thuỷ hải
sản.
1.3. Đặc điểm thời tiết -
khí hậu
Khí hậu Ninh Bình mang những đặc
điểm của tiểu khí hậu đồng bằng sông Hồng, có mùa đông lạnh, ít mưa và mùa hè nắng
nóng, mưa nhiều. Ngoài ra, Ninh Bình còn chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc,
đông nam và khí hậu ven biển. Thời tiết hằng năm chia thành 4 mùa rõ rệt là
xuân, hạ, thu, đông.
Nhiệt độ trung bình là 23,5 độ
C; lượng mưa trung bình hằng năm từ 1.700 - 1.800mm; số giờ nắng trong năm khoảng
1.600 - 1.700 giờ và độ ẩm tương đối trung bình từ 80 - 85%.
1.4. Điều kiện bảo tồn,
phát triển nguồn gen của Ninh Bình
Do địa hình đa dạng, khí hậu
nhiệt đới gió mùa đặc trưng nên Ninh Bình là một trong những địa phương có đa dạng
sinh học cao của cả nước. Theo kết quả điều tra đa dạng sinh học tỉnh Ninh
Bình:
- Đa dạng thực vật: Giai đoạn
2015-2020 đã đánh dấu những thành quả trong việc bảo tồn đa dạng thực vật trên
địa bàn tỉnh Ninh Bình. Kết quả nghiên cứu qua những đợt điều tra đến nay đã thống
kê được ở Ninh Bình có 1.299 loài thuộc 860 chi, 297 họ của 6 ngành thực vật bậc
cao. Qua các số liệu thống kê ngành hạt kín chiếm ưu thế nhất 92% trong tổng số
loài. Các ngành khác chiếm tỉ lệ nhỏ, đặc biệt ngành quyết lá thông
Psilotophyta có 1 loài ở Ninh Bình. Trong số 1.299 loài thực vật thống kê được
25 loài có trong sách đỏ Việt Nam năm 2007; NĐ 06/2019/NĐ-CP và Danh lục đỏ thế
giới (IUCN) cần được bảo vệ. Trong đó có 5 loài thuộc cấp đang nguy cấp (E); 13
loài thuộc cấp sẽ nguy cấp (V); 01 loài thuộc ít nguy cấp (LR); 01 loài thuộc
nguy cấp hiếm (R); 03 loài thuộc cấp bị đe dọa (T) và 2 loài thuộc cấp biết
không chính xác (K).
- Đa dạng động vật: Hệ động vật
rừng ở Ninh Bình vô cùng phong phú và đa dạng. So với kết quả điều tra thống kê
từ năm 1971 (Lê Hiền Hào - 1971) thì đến nay số lượng đã tăng lên rất nhiều, gồm
thú 15 bộ, 43 họ và 51 loài; chim 22 bộ, 86 họ và 123 loài; bò sát, lưỡng cư 5
bộ, 31 họ và 70 loài; cá 5 bộ, 16 họ và 54 loài; côn trùng 10 bộ, 47 họ và 132
loài. Trong số 430 loài động vật thống kê được, có 60 loài quý hiếm có trong
sách đỏ Việt Nam năm 2007; Danh lục đỏ thế giới (IUCN); NĐ 06/2019/NĐ-CP và
CTTES 2010; trong đó thú 39 loài; bò sát, lưỡng cư 13 loài; chim 01 loài; cá 02
loài; côn trùng 05 loài (Nguồn: Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030,
tầm nhìn đến năm 2050).
- Ngoài ra, hệ động thực vật dưới
nước cũng rất phong phú, thể hiện ở đa dạng loài trong hệ sinh thái đất ngập nước
ven biển Kim Sơn, hệ sinh thái đất ngập nước Vân Long…
Mặc dù có tính đa dạng sinh học
rất cao, tuy nhiên phần lớn các hệ sinh thái, các loài và nguồn gen sinh vật
trên cạn và dưới nước của Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng đang bị
suy thoái nghiêm trọng. Chính vì vậy việc lưu giữ và bảo tồn nguồn gen là việc
làm rất cần thiết.
1.5. Điều kiện ứng dụng,
phát triển công nghệ sinh học tỉnh Ninh Bình
Cũng như cả nước, Ninh Bình
đang phát triển hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tuy nhiên,
nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhằm đảm bảo an ninh
lương thực và xuất khẩu. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đạt được năng suất
cao và ổn định trong thời gian dài, đã hình thành được những chuỗi sản xuất,
tiêu thụ nông sản cho giá trị cao.
Tổng diện tích sản xuất nông
nghiệp năm 2020: Lúa đạt 71.889 ha, sản lượng ước đạt 443.102 tấn. Tổng diện
tích gieo trồng cây rau màu các loại 9.358,70 ha, sản lượng đạt 182.488,86 tấn;
diện tích trồng cây ăn quả 6.508 ha, sản lượng cây ăn quả đạt 92.856 tấn. Nuôi
trồng thủy sản với diện tích nuôi 14.761 ha (nước ngọt 10.860 ha, nước mặn
3.901 ha); nghề nuôi tôm thẻ chân trắng tiếp tục phát triển mạnh với diện tích
nuôi là 1.000 ha, sản lượng ước đạt 4.200 tấn. Song chất lượng nông - lâm - thủy
sản cũng đã và đang bộc lộ những bất cập do lạm dụng thuốc trừ sâu hóa học, chất
kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng trong trồng trọt, chăn nuôi dẫn đến tồn
dư chất hóa học trong nông sản lớn, công nghệ chế biến chưa sâu dẫn đến chất lượng
sản phẩm chưa cao đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của
nông sản trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Để thúc đẩy phát triển nông
nghiệp theo hướng an toàn (GAP), nông nghiệp chuyển đổi hữu cơ, nông nghiệp hữu
cơ, ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) cho sản xuất nông nghiệp; công nghiệp bảo
quản, chế biến nông - lâm - thủy sản được coi là công cụ quan trọng và then chốt
vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, xây dựng chuỗi giá trị hiệu quả kinh tế cao và
bền vững.
Đồng thời CNSH còn giải quyết vấn
đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp (xử lý môi trường, phòng ngừa
dịch bệnh trong nuôi trồng thủy - hải sản, xử lý chất thải chăn nuôi…) một cách
hiệu quả, hài hòa và bền vững.
Giải quyết ô nhiễm môi trường
do rác thải hữu cơ… là các giải pháp góp phần xây dựng đô thị xanh, nông thôn mới
nâng cao, bền vững.
2. Thực
trạng ứng dụng, phát triển CNSH và bảo tồn, khai thác phát triển nguồn gen tỉnh
Ninh Bình; định hướng nội dung ứng dụng, phát triển CNSH và nguồn gen cần bảo tồn,
phát triển đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2040
2.1. Đóng góp của ứng dụng,
phát triển CNSH cho sự phát triển khoa học và công nghệ
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số
50-CT/TW, CNSH Ninh Bình đã có những bước tiến nhanh chóng, được ứng dụng rộng
rãi vào các ngành sản xuất và đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông -
lâm - ngư nghiệp, y dược, thực phẩm và môi trường. Việc triển khai các đề tài,
chương trình nghiên cứu khoa học trong đó có một số đề tài ứng dụng CNSH đã
mang lại kết quả tích cực trong việc phát triển cây, con, giống cây trồng vật
nuôi có giá trị kinh tế cao, năng suất và chất lượng tốt, qua đó bước đầu hình
thành một số mô hình sản xuất quy mô lớn, mang tính công nghiệp như: sản xuất
giống lúa, rau, quả hàng hóa chất lượng cao; sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu…
Lĩnh vực môi trường, CNSH được ứng
dụng sản xuất ra chế phẩm vi sinh xử lý ô nhiễm môi trường (môi trường nước thải
sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải chăn nuôi); xử lý chất thải rắn, chất
tồn dư thuốc bảo vệ thực vật…
Mặc dù đã đạt được những thành
tựu nhất định, nhưng nhìn chung trình độ CNSH trong nhiều lĩnh vực vẫn còn thấp
và chậm phát triển, có khoảng cách khá xa so với thế giới và khu vực, chưa đáp ứng
được nhu cầu thực tế. Các cơ chế, chính sách phát triển CNSH trên địa bàn tỉnh
đã được ban hành định hướng, chưa có các cơ chế chính sách cụ thể, thiếu tính đột
phá. Đội ngũ cán bộ khoa học trong lĩnh vực CNSH còn thiếu các chuyên gia có
trình độ cao và chuyên sâu…
2.2. Đóng góp của công
tác bảo tồn, khai thác phát triển nguồn gen, giai đoạn từ năm 2019 đến nay
Thông qua các nhiệm vụ khoa học
và công nghệ đã có một số đối tượng nguồn gen được bảo tồn như: Bảo tồn nguồn
gen giống lúa nếp hạt cau, giống lúa tám xoan, rau sắng, rau bò khai, cây khôi,
cây hoàng đằng, gà lôi trắng.
Một số nguồn gen được khai thác
và phát triển phục vụ sản xuất, một số nguồn gen đã phát triển ở qui mô sản xuất
nhỏ, có nguồn gen bước đầu hình thành sản phẩm đặc trưng của địa phương như lúa
nếp hạt cau, gà lôi trắng… Những kết quả đạt được đã mở ra triển vọng lựa chọn
được một số giống con nuôi, cây trồng, cây thuốc tiềm năng để sản xuất tạo nguồn
nguyên liệu và góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên,
số lượng đối tượng được bảo tồn và khai thác phát triển chưa nhiều, bên cạnh
đó, nhận thức của người dân về bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm còn rất
hạn chế, nhất là trong việc thu hút nguồn đầu tư của xã hội với lĩnh vực khoa học
và công nghệ về nguồn gen.
2.3. Định hướng nội dung ứng
dụng, phát triển CNSH và nguồn gen cần bảo tồn, khai thác phát triển
2.3.1. Về công nghệ sinh học
- Phát triển và ứng dụng công
nghệ sinh học trong các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp, công
nghiệp, khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường, y dược, quốc phòng, an ninh.
- Đảm bảo có nguồn nhân lực, cơ
sở vật chất, tài chính đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công
nghệ sinh học thực tiễn tại địa phương.
- Từng bước đưa Ninh Bình trở
thành tỉnh có nền sản xuất, ứng dụng công nghệ sinh học phát triển an toàn, tuần
hoàn, theo hướng hữu cơ và bền vững.
2.3.2. Về nguồn gen
- Điều tra, kiểm kê tình hình
phân bố của các nguồn gen cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Đánh
giá được mức độ đe dọa của các giống, loài bản địa đặc hữu, quý hiếm để thu thập
cho lưu giữ và đề xuất phương án bảo tồn hiệu quả nguồn gen.
- Lưu giữ, bảo quản an toàn và
nguyên trạng được nguồn gen hiện có của tỉnh bằng sự kết hợp hài hòa cả 2 hình
thức chuyển chỗ và tại chỗ.
- Khai thác và phát triển
nhanh, mạnh các nguồn gen thành sản phẩm thương mại, sản phẩm chủ lực của địa
phương, tạo dựng OCOP, phát triển nguồn gen thành những nguồn cho sản phẩm chủ
lực, sản phẩm quốc gia.
- Tăng cường năng lực, nâng cao
nhận thức trong công tác bảo tồn nguồn gen; khung pháp lý về bảo tồn nguồn gen
được hoàn thiện.
III. MỤC
TIÊU ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu tổng quát
- Tập trung các nguồn lực xã hội
và các lợi thế của tỉnh để tạo động lực ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm phát
triển công nghiệp CNSH trong các ngành, lĩnh vực; làm thay đổi căn bản trong sản
xuất nông nghiệp, bảo quản, chế biến; phát triển bền vững tài nguyên thiên
nhiên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; từng bước đưa Ninh
Bình trở thành tỉnh có nền sản xuất, ứng dụng CNSH phát triển trong khu vực Nam
đồng bằng sông Hồng.
- Thống kê, đánh giá, bảo tồn
và khai thác phát triển nguồn gen các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, nhất
là các loài quý hiếm, đặc hữu, có giá trị kinh tế cao, có giá trị khoa học,
phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu
và quốc phòng - an ninh tỉnh Ninh Bình.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Về ứng dụng, phát
triển công nghệ sinh học
- Nghiên cứu, ứng dụng, tiếp nhận
10-15 công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi mang các đặc
tính mới; sản xuất các chế phẩm sinh học sử dụng trong nông nghiệp, thuốc bảo vệ
thực vật; xử lý ô nhiễm môi trường, rác thải… góp phần từng bước xây dựng nền
kinh tế an toàn, tuần hoàn, theo hướng hữu cơ và bền vững.
- Nghiên cứu, ứng dụng, tiếp nhận
05-07 công nghệ sinh học trong công nghiệp bảo quản và chế biến tạo ra chuỗi
các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
- Hỗ trợ 15-20 doanh nghiệp ứng
công nghệ sinh học tiên tiến nhằm mang tính dẫn dắt các doanh nghiệp đổi mới
sáng tạo, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh; làm chủ
được một số công nghệ sinh học mới, tạo ra sản phẩm có chất lượng và khả năng ứng
dụng thực tiễn tại địa phương.
2.2. Về bảo tồn, khai
thác phát triển nguồn gen
- Điều tra, khảo sát, đánh giá
hiện trạng nguồn gen và bổ sung 10-15 nguồn gen đặc sản, quý, hiếm mới trên địa
bàn tỉnh vào danh mục các loài cần bảo tồn.
- Thu thập, đánh giá và bảo tồn,
khai thác, phát triển nguồn gen cây lương thực, cây thực phẩm, cây ăn quả đặc sản
đặc hữu và nguồn gen cây dược liệu quí của tỉnh.
- Phục hồi, phát triển và quản
lý tài nguyên rừng các loài cây rừng, động vật quý, hiếm, đặc hữu.
- Thu thập, bảo tồn, lưu giữ và
phát triển nguồn gen giống vật nuôi, thủy sản. Thu thập và xây dựng các mô hình
lưu giữ, xác định các giải pháp kỹ thuật nhân giống để tránh sự phụ thuộc tự
nhiên.
- Đánh giá sơ bộ các nguồn gen
bảo tồn và đánh giá chi tiết, tư liệu hóa 8-10 nguồn gen. Khai thác và phát triển,
sản xuất thử được 5-7 nguồn gen có giá trị phục vụ sản xuất, tạo các sản phẩm từ
nguồn gen.
- Tổ chức 10-15 lớp đào tạo, tập
huấn, hội nghị, hội thảo nâng cao nhận thức của người dân về đa dạng sinh học,
khai thác sử dụng bền vững nguồn gen thông qua các mô hình bảo tồn có sự tham
gia của cộng đồng.
IV. NHIỆM VỤ
CỦA ĐỀ ÁN
1. Xây dựng
và phát triển công nghiệp công nghệ sinh học của tỉnh
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ
trợ doanh nghiệp tiếp nhận công nghệ, kỹ thuật mới, từng bước hình thành và
phát triển các doanh nghiệp công nghệ sinh học sản xuất sản phẩm ở quy mô công
nghiệp, gồm:
- Giống cây trồng, vật nuôi, thủy
sản chủ lực sạch bệnh.
- Nguồn gen vi sinh vật bản địa,
có ích…
- Phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực
vật sinh học, chế phẩm sinh học xử lý môi trường, thức ăn chăn nuôi... phục vụ
sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ và bảo
vệ môi trường.
- Chế phẩm sinh học phục vụ bảo
quản chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực, giá trị cao phục vụ thị
trường nội địa và xuất khẩu.
- Vắc-xin phòng bệnh cho vật
nuôi, thủy sản, thuốc thú y sinh học, bộ sinh phẩm (KIT) sử dụng cho chẩn đoán
sức khỏe đất, quản lý dịch bệnh hại quan trọng đối với cây trồng, vật nuôi, thủy
sản chủ lực và kiểm soát dư lượng các chất cấm.
2. Phát
triển công nghệ sinh học ngành nông nghiệp; công nghệ bảo quản, chế biến nông,
lâm, thủy sản; xử lý ô nhiễm môi trường
2.1. Phát triển công nghệ
sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp
hữu cơ có giá trị gia tăng cao
a) Về trồng trọt
- Làm chủ công nghệ nhân giống
vô tính đối với một số cây trồng; nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá
thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong tỉnh và thị trường lân cận.
- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ
sinh học tạo các chế phẩm sinh học thế hệ mới, KIT chẩn đoán, quản lý dịch bệnh
cây trồng và kiểm soát dư lượng các chất cấm trong nông sản có nguồn gốc từ cây
trồng và giám định, chẩn đoán độ phì nhiêu, sức khỏe đất trồng trọt, nước tưới.
- Ứng dụng và phát triển công
nghệ sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất: phân bón vi sinh/chế phẩm cải
tạo đất, chế phẩm bảo vệ thực vật và chất kích thích sinh trưởng có nguồn gốc
thực vật, xử lý phụ phẩm nông nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm, môi trường và
sức khỏe con người, vật nuôi; tạo cơ sở phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần
hoàn mang lại giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.
b) Về vật nuôi, thủy sản
- Ứng dụng, làm chủ công nghệ
phát triển KIT phát hiện nhanh, kiểm định, đánh giá chất lượng con giống vật
nuôi; công nghệ sinh học thế hệ mới tạo giống vật nuôi, thủy sản chủ lực, có
giá trị cao tích hợp nhiều đặc tính mới, ưu việt (năng suất cao, chất lượng và
sức chống chịu tốt với bệnh dịch và điều kiện môi trường); chuyển giao, nhân rộng
trong sản xuất.
- Tiếp nhận và phát triển công
nghệ sinh sản để cải tiến chất lượng và qui mô đàn giống vật nuôi, thủy sản chủ
lực, có giá trị cao.
- Nghiên cứu, ứng dụng và phát
triển công nghệ enzym, protein, vi sinh vật tạo sản phẩm nâng cao hiệu quả sử dụng
dinh dưỡng vật nuôi, nâng cao sức đề kháng đối với các yếu tố sinh học, phi
sinh học.
- Tiếp nhận và phát triển các
công nghệ sinh học trong xử lý môi trường, phòng và trị bệnh trong chăn nuôi,
nuôi trồng thủy hải sản bền vững.
2.2. Phát triển công nghệ
sinh học phục vụ bảo quản sau thu hoạch, chế biến nông - thủy - hải sản
- Ứng dụng và phát triển công
nghệ tạo chế phẩm sinh học phục vụ sơ chế, bảo quản, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn
thực phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản chủ lực: Sử dụng công
nghệ màng sinh học trong bảo quản rau quả; sử dụng chế phẩm sinh học bảo quản
quả trên cây để điều chỉnh thời gian thu hoạch…
- Ứng dụng CNSH trong công nghiệp
chế biến nông, lâm, thủy sản:
+ Ứng dụng CNSH và phát triển
các chế phẩm phục vụ sản xuất các loại thực phẩm lên men có nguồn gốc tự nhiên
(thực vật, vi sinh vật): Công nghệ lên men sản xuất đồ uống từ trái cây; sản xuất
thực phẩm lên men (thịt gia súc, gia cầm)… phục vụ thị trường trong nước và xuất
khẩu.
+ Ứng dụng CNSH tạo ra chuỗi
các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; phát triển các sản phẩm phi thực phẩm (thực
phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng); CNSH xử lý
phụ phẩm nông nghiệp để tái sử dụng…
2.3. Phát triển công nghệ sinh
học phục vụ xử lý môi trường
Ứng dụng các chế phẩm xử lý chất
thải trong sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, chăn nuôi; sản phẩm xử lý chất
thải trong công nghiệp và sinh hoạt như: xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi
sinh tái sử dụng trong canh tác nông nghiệp; chế phẩm xử lý nước thải có nguồn
gốc hữu cơ, vi sinh tại các làng nghề thủ công mỹ nghệ, nước rỉ rác...; áp dụng
các vi sinh vật, thực vật có khả năng phân hủy các chất ô nhiễm, cải tạo phục hồi
môi trường đất, phục hồi hệ sinh thái; công nghệ sinh học xử lý rác thải tập
trung...
3. Điều
tra, thu thập đánh giá hiện trạng và bảo tồn, lưu giữ nguồn gen
- Khảo sát nguồn gen theo địa
lý, sinh thái, kiểm kê các giống cây trồng, đặc biệt là các giống cây ăn quả,
cây dược liệu, vật nuôi làm cơ sở xây dựng mô hình bảo tồn và khai thác, phát triển
bền vững các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, nhất là các loài quý hiếm, đặc
hữu, có giá trị kinh tế cao.
- Điều tra, khảo sát xác định
các vùng còn tồn tại các loài, vật nuôi quý hiếm và xác định những loài nào còn
tồn tại, những loài còn có những cá thể trội để lưu giữ nguồn gen.
- Xác định ưu tiên thu thập những
nguồn gen đang bị đe dọa tuyệt chủng, những nguồn gen quý, hiếm, đặc hữu của mỗi
vùng, thu thập thông tin về tình trạng của nguồn gen và mức độ đe dọa tuyệt chủng
của chúng tại địa phương.
- Điều tra, xác định được các
nguồn gen mới, quý, hiếm, nguy cấp để đề xuất đưa vào danh mục cần bảo tồn. Thu
thập, lưu giữ nguồn gen mới của cây dược liệu, cây nông nghiệp, lâm nghiệp, vật
nuôi.
- Tư liệu hóa nguồn gen dưới
các hình thức: phiếu điều tra, phiếu mô tả, phiếu đánh giá, tiêu bản, hình vẽ,
bản đồ phân bố, ảnh, ấn phẩm thông tin, cơ sở dữ liệu (dưới dạng văn bản hoặc
số hóa).
- Bảo tồn an toàn nguồn gen
theo đặc điểm sinh học của từng đối tượng nguy cấp (bảo tồn tại chỗ, bảo tồn
chuyển chỗ) và đánh giá kết quả bảo tồn.
- Phối hợp, lồng ghép với các
nhiệm vụ khác trên địa bàn tỉnh và đảm bảo lưu giữ được các nguồn gen quý, hiếm
hiện có.
- Nghiên cứu xây dựng, phát triển
các khu vực chuyên canh, phục tráng các loài cây, con quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt
chủng hoặc có giá trị quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo
an ninh, quốc phòng.
4. Khai
thác và phát triển một số nguồn gen
- Xác định các giải pháp khoa học
và kỹ thuật để khai thác, phát triển một số loài cây quý, hiếm.
- Xây dựng mô hình bảo tồn và
phát triển bền vững các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, nhất là các loài
quý, hiếm, đặc hữu, có giá trị kinh tế cao.
- Một số loại cây trồng, vật
nuôi cần bảo tồn: Các nguồn gen được lựa chọn vào danh mục bảo tồn cần có các
tiêu chí sau: (i) cây trồng nông - lâm nghiệp, cây dược liệu, vật nuôi, các
loài thủy hải sản, vi sinh vật bản địa quý, hiếm; (ii) có giá, có thị trường,
hoặc có tiềm năng để khai thác, phát triển thành sản phẩm hàng hóa, đặc sản của
địa phương; (iii) một số loài hoang dã có quan hệ gần với cây trồng, vật nuôi,
thủy hải sản, có những đặc tính tốt, có thể phát triển thành đối tượng nuôi hoặc
phục vụ công tác lai tạo, chọn giống; (iv) một số nguồn gen đã được khai thác,
phát triển nhưng qua thời gian đã có dấu hiệu thoái hóa, suy giảm chất lượng,
năng suất cần được bảo tồn, phục tráng lại.
5. Đánh giá
nguồn gen, phục tráng nguồn gen đã được bảo tồn
- Đánh giá ban đầu đối với các
nguồn gen cần phải bảo tồn, xác định tên, loài, mức nguy cấp, hiện trạng...
Đánh giá chi tiết của từng loại cây, con cần phải bảo tồn về số lượng, tình trạng
và phương pháp bảo tồn. Đánh giá các đặc điểm di truyền.
- Xây dựng mô hình phát triển
các khu vực chuyên canh các giống cây trồng có chất lượng và khả năng chống chịu
tốt, thích ứng với canh tác ở địa phương đã được phục tráng.
- Xây dựng lý lịch giống cho
các loại cây, con cần phải bảo tồn về: nguồn gốc giống, các đặc tính sinh học,
đặc điểm sinh trưởng, phát triển của các giống đã bảo tồn và lưu giữ.
- Tư liệu hoá số liệu đánh giá
nguồn gen lưu giữ (Phiếu điều tra; phiếu mô tả; phiếu đánh giá; tiêu bản;
hình vẽ, bản đồ phân bố; ảnh, ấn phẩm thông tin, cơ sở dữ liệu (dưới dạng văn bản
hoặc số hóa)).
- Cung cấp các thông tin về nguồn
gen phục vụ công tác lai tạo giống mới có năng suất cao và chất lượng tốt.
V. GIẢI PHÁP
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Về ứng dụng, phát triển
công nghệ sinh học
- Xây dựng chương trình và hợp
tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với các viện/trường, trung tâm nghiên cứu,
ứng dụng trong từng lĩnh vực cụ thể.
- Phối hợp với các doanh nghiệp,
hợp tác xã, tổ hợp tác... để xây dựng mô hình, tiếp nhận chuyển giao công nghệ
sinh học phục vụ sản xuất, bảo quản, sơ chế, và chế biến nông, lâm, thủy sản. Từng
bước nhân rộng và xây dựng nền sản xuất nông nghiệp an toàn, giá trị gia tăng
cao và bền vững.
- Lựa chọn một số đơn vị, doanh
nghiệp, hợp tác xã để làm đầu mối phối hợp nghiên cứu ứng dụng, tiếp nhận chuyển
giao công nghệ, sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học ứng dụng trong y học,
xử lý môi trường... và mở rộng vào sản xuất tại địa phương.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới
sáng tạo, nâng cao tiềm lực để tiếp nhận, chuyển giao công nghệ để sản xuất các
chế phẩm phục vụ sản xuất. Làm chủ được một số công nghệ sinh học mới, tạo ra sản
phẩm có chất lượng và khả năng ứng dụng thực tiễn tại địa phương.
2. Về bảo tồn, khai thác,
phát triển nguồn gen
- Các nguồn gen đặc hữu, những
loài, nguồn gen bản địa có giá trị khoa học, y tế và kinh tế có triển vọng phát
triển giống cho sản xuất được bảo tồn.
- Đẩy nhanh việc khai thác và
phát triển các nguồn gen thành sản phẩm thương mại đối với các nguồn gen có
tính trạng quý hiếm, có giá trị kinh tế thành các giống bổ sung vào bộ giống của
tỉnh, của quốc gia, tạo ra một số sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu và tiêu
dùng nội địa. Cụ thể:
+ Bổ sung được 10-15 nguồn gen
đặc sản, quý, hiếm mới trên địa bàn tỉnh vào danh mục các loài cần bảo tồn.
+ Xây dựng được các mô hình lưu
giữ, bảo tồn an toàn các nguồn gen: cây lương thực, cây thực phẩm (2-3 nguồn
gen), loài cây dược liệu (5-6 nguồn gen), cây lâm nghiệp (3-4 nguồn gen), vật
nuôi (2-3 nguồn gen), thủy sản (2-3 nguồn gen).
- Đánh giá sơ bộ các nguồn gen
bảo tồn và đánh giá chi tiết, tư liệu hóa 8-10 nguồn gen.
- Khai thác và phát triển, sản
xuất thử được 5-7 nguồn gen có giá trị phục vụ sản xuất, tạo các sản phẩm từ
nguồn gen.
- Các sản phẩm khoa học và công
nghệ về quỹ gen: giống, quy trình kỹ thuật, cơ sở dữ liệu, các tài liệu, báo
cáo... kèm theo các thông tin chính xác về nguồn gốc, điều kiện sinh thái, cơ sở
dữ liệu về đặc điểm hình thái, nông học của đối tượng nguồn gen.
- Lồng ghép vào các nhiệm vụ
khoa học và công nghệ về quỹ gen tổ chức 10-15 lớp đào tạo, tập huấn, hội nghị,
hội thảo nhằm tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức trong công tác bảo tồn
nguồn gen.
VI. DỰ KIẾN
KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Nhiệm vụ thuộc Đề án là các nhiệm
vụ khoa học và công nghệ. Nguồn kinh phí thực hiện đề án được bố trí theo từng
nhiệm vụ khoa học và công nghệ khi được các hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ,
tuyển chọn giao trực tiếp, thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt (thực hiện
theo cơ chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh) bao gồm:
- Kinh phí từ nguồn ngân sách
nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành, bao gồm chi thường xuyên và chi đầu
tư phát triển.
- Nguồn kinh phí hợp pháp khác.
VII. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Sở Khoa học và Công nghệ
- Sở Khoa học và Công nghệ chủ
trì triển khai Đề án, hằng năm đề xuất các công nghệ; nguồn gen cần bảo tồn,
khai thác, phát triển phù hợp mục tiêu Đề án.
- Xây dựng các nhiệm vụ khoa học
và công nghệ cụ thể và trình UBND tỉnh phê duyệt, tổ chức quản lý các nhiệm vụ
khoa học và công nghệ theo quy định.
2. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn
Phối hợp với Sở Khoa học và
Công nghệ trong việc tìm kiếm công nghệ; nguồn gen cần bảo tồn, khai thác, phát
triển để xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ; phối hợp xây dựng mô hình ứng
dụng CNSH và nhân rộng vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản; bảo
quản, chế biến nông, lâm, thủy sản; xử lý môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp với Sở Khoa học và
Công nghệ trong việc tìm kiếm công nghệ, xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ,
phối hợp xây dựng mô hình ứng dụng CNSH vào lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa
bàn tỉnh.
4. Sở Công Thương
Phối hợp với Sở Khoa học và
Công nghệ trong việc tìm kiếm công nghệ, xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ;
kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành công nghiệp tham gia nghiên cứu, tiếp
nhận ứng dụng và chuyển giao công nghệ quy mô công nghiệp nhằm tăng số lượng,
giá trị sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp từ các công nghệ được tạo ra của
Đề án.
5. Sở Y tế
Phối hợp với Sở Khoa học và
Công nghệ trong việc tìm kiếm công nghệ, xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ,
phối hợp xây dựng mô hình ứng dụng CNSH vào công nghệ tế bào, sinh học phân tử,
sản xuất các chế phẩm sinh học cho chăm sóc sức khỏe...; bảo tồn và khai thác
phát triển nguồn gen cây dược liệu tại các địa phương.
6. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan,
đơn vị có liên quan căn cứ khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, tham mưu UBND tỉnh
bố trí kinh phí chi thường xuyên, lồng ghép với kinh phí thực hiện các chương
trình, đề án, kế hoạch khác có liên quan để thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề
án này theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn
liên quan.
- Phối hợp với Sở Khoa học và
Công nghệ trong việc thẩm định các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trình UBND tỉnh
phê duyệt.
7. UBND các huyện, thành phố
Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị
có liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại địa
phương và phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất đặt hàng, thực hiện nhiệm
vụ khoa học và công nghệ về ứng dụng, phát triển công nghệ sinh học và bảo tồn,
khai thác, phát triển nguồn gen trên địa bàn các huyện, thành phố.
8. Các cơ quan, đơn vị khác
Các sở, ban, ngành, đoàn thể
khác; các tổ chức, cá nhân, các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm
nghiên cứu ứng dụng... trong và ngoài tỉnh phối hợp triển khai thực hiện Đề án.
Trong quá trình triển khai thực
hiện, có phát sinh, vướng mắc, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh (qua Sở
Khoa học và Công nghệ) xem xét, giải quyết./.