BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
342/QĐ-BNN-TCCB
|
Hà Nội, ngày 23
tháng 02 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC THÀNH LẬP TRUNG TÂM QUAN SÁT TÀU CÁ
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày
03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP
ngày 10/9/2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định 01/2008/NĐ-CP ngày
03/01/2008 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 05/2010/QĐ-TTg ngày
25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và
cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy sản;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản
tại Tờ trình số 132/TTr-TCTS-KTBVNL ngày 15/02/2012 về việc phê duyệt Đề án
Thành lập Trung tâm Quan sát tàu cá thuộc Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy
sản, Tổng cục Thủy sản;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Trung tâm Quan sát tàu cá trực thuộc Cục Khai thác
và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản, cụ thể như sau:
1. Trung tâm Quan sát tàu cá (sau đây gọi là Trung
tâm) là đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ quản lý nhà nước của Cục Khai thác
và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản. Trụ sở của Trung tâm đặt tại
Hà Nội.
2. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu
riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc hoặc Ngân hàng nhà nước để hoạt động theo
quy định của pháp luật.
3. Kinh phí hoạt động của Trung tâm do ngân sách
Nhà nước cấp trong nguồn kinh phí hàng năm cấp cho Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn
lợi thủy sản theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ của Trung tâm
1. Giúp Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi
thủy sản quản lý, sử dụng và vận hành có hiệu quả Hệ thống quan sát tàu cá sử dụng
công nghệ vệ tinh (viết tắt là VMS).
2. Quan sát hoạt động của tàu cá trên các vùng biển
Việt Nam và tàu cá của Việt Nam hoạt động ở vùng biển quốc tế; phát hiện các
hành vi đánh bắt, khai thác hải sản trái phép trên các vùng biển Việt Nam, kịp
thời cung cấp cho Lãnh đạo Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và Lãnh đạo
các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan thủy sản địa phương biết để
xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Cung cấp kịp thời, chính xác:
a) Thông tin dự báo ngư trường, vùng đánh bắt, thời
tiết, khí tượng hải văn, môi trường biển, hệ sinh thái biển, biến đổi khí hậu,
cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới, các hiện tượng thời tiết bất thường trên các
vùng biển của Việt Nam cho Lãnh đạo Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản
để chỉ đạo, quản lý, điều phối hoạt động khai thác hải sản trên biển;
b) Các tai nạn, sự cố kỹ thuật, vị trí tàu cá đang
gặp nạn trên các vùng biển Việt Nam, vùng biển quốc tế có tàu, thuyền Việt Nam
đang hoạt động cho cơ quan tìm kiếm, cứu nạn để tiếp cận, hỗ trợ và ứng cứu kịp
thời;
c) Thông tin cho các tàu cá đang hoạt động, khai
thác hải sản khi có những biến động bất thường về thời tiết trên biển nhằm
tránh, trú, giảm nhẹ thiệt hại, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động
trên các vùng biển của Việt Nam.
4. Thu thập và cung cấp thông tin cho Lãnh đạo Cục
Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và cơ quan có thẩm quyền về tàu cá và
ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt
Nam và an toàn trên biển để kịp thời xử lý theo pháp luật.
5. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài
ngành có liên quan thực hiện việc trao đổi các nguồn dữ liệu, tổng hợp báo cáo
đánh giá các chỉ số nghề cá bền vững theo chuỗi thời gian.
6. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các
thuyền viên trên tàu cá về ứng dụng công nghệ viễn thông, viễn thám trong quản
lý tàu cá và kiểm soát khai thác hải sản.
7. Hợp tác với các tổ chức, chuyên gia trong và
ngoài nước để tiếp nhận nâng cao trình độ công nghệ, kinh nghiệm quản lý phát
triển công nghệ thông tin, viễn thông, viễn thám ứng dụng trong quản lý hoạt động
tàu cá trên biển.
8. Quản lý cán bộ, viên chức và người lao động, tài
chính, tài sản và các nguồn lực khác của Trung tâm theo quy định của pháp luật.
9. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Cục trưởng Cục
Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Trung tâm
1. Lãnh đạo Trung tâm có Giám đốc và Phó Giám đốc.
a) Giám đốc Trung tâm do Cục trưởng Cục Khai thác
và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật
và phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc
Trung tâm chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi
thủy sản và pháp luật về mọi hoạt động của Trung tâm.
b) Phó Giám đốc Trung tâm do Cục trưởng Cục Khai
thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc
Trung tâm, chịu trách nhiệm trước Giám đốc và pháp luật về nhiệm vụ được phân
công hoặc ủy quyền theo quy định.
c) Cán bộ, viên chức của Trung tâm được bố trí
trong tổng chỉ tiêu biên chế sự nghiệp của Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy
sản theo quy định của pháp luật.
2. Bộ máy giúp việc:
a) Phòng Hành chính, tổng hợp;
b) Phòng vận hành hệ thống VMS;
c) Phòng phân tích, dự báo.
Phòng có Trưởng phòng và Phó trưởng phòng, Cục trưởng
Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ
của các phòng, bổ nhiệm cán bộ theo phân cấp quản lý cán bộ của Bộ; phê duyệt
Quy chế hoạt động của Trung tâm và xây dựng biên chế sự nghiệp của Trung tâm
trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về cán bộ,
viên chức.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 5. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục
trưởng Tổng cục Thủy sản, Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản
và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Bộ KH & ĐT, Bộ TC;
- TTr Vũ Văn Tám (để c/đ);
- Tổng cục Thủy sản;
- Sở NN & PTNT các tỉnh, TP;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ;
- Ban Quản lý các DANN;
- Lưu: VT, TCCB.
|
BỘ TRƯỞNG
Cao Đức Phát
|